Hồ Hữu Tường
Phi Lạc sang Tàu là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Hồ Hữu Tường. Qua nhân vật thằng mõ làng Phù Ninh và dưới hình thức tiểu thuyết trào lộng, gần như ông thỏa sức giãi bầy những quan điểm chính trị của mình trước thời cuộc vào những năm thế giới vừa chấm dứt đại chiến thứ Hai và Việt Nam cũng vừa tuyên bố độc lập vào tháng 9 năm 1945.
Trích đoạn dưới đây nói về nhà sư Hồng Hạc, thuộc phái Hồng Môn, Trung Hoa Dân Quốc, do lời ủy thác của sư phụ là sư Hoàng Hạc có niềm tin rằng “Thánh nhân xuất hiện ở phương Nam” nên lặn lội qua Việt Nam để tìm quân sư mách nước trước hiểm họa Cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo khi đó đang thắng thế ở Diên An.
Thằng mõ làng Phù Ninh có lần chơi dại, tự nhận mình là con của Ngọc Hân Công Chúa, tức dòng dõi vua Quang Trung Nguyễn Huệ (hay Hồ Thơm) và Hồ Quý Ly nên bị thằng mõ làng Cổ Nhuế gài bẫy khiến nó phải chịu mang cái vạ là nhà sư Hồng Hạc đề quyết chính nó là “thánh nhân” mà ông đang đi tìm.
Thế là thằng mõ Phù Ninh bị buộc lên máy bay, theo sư Hồng Hạc về Trung Hoa.
Và khi tới nơi, nó trổ tài khua môi múa mép về đủ mọi vấn đề, thể hiện đúng tính chất hoạt kê thời sự mang đầy tính chất trào lộng chính trị …rất Hồ Hữu Tường!
Xin mời độc giả thưởng lãm.
Nhật Tiến
………………………….
Máy tàu bay chạy ù ù khó thể nói chuyện với nhau được. Thằng mõ dựa ngửa trên ghế nệm, nhắm mắt lại mà tư lự…
Điều thứ nhứt, nó lo rồi đây, sang Tàu nó sẽ xưng là tên gì? Họ, thì nó đã có rồi. Khi đến làng Phù Ninh, xin làm chân mõ của làng ấy, nó đã học lỏm được câu chuyện tông tích của Hồ Quí Ly, Nguyễn Huệ (tức Hồ Thơm) và nghe người làng nói kín với nhau về chuyện Ngọc Hoa công chúa giấu con trong làng ấy.
Vả lại Hồ Quí Ly và Nguyễn Huệ là hai nhân vật được người Tàu kính sợ lắm. Nay xưng con cháu dòng dõi ấy cũng nên. Còn như cái tên, thì chọn tên gì cho xứng đáng với chức tối cao Cố vấn nước Tàu? Sực nhớ lại cha của Nguyễn Huệ có một cái tên nghe hay hay, là Hồ Phi Phúc, (Phi nghĩa là rộng lớn, Phúc là tốt lắm) nay mình muốn được công nhận là dòng dõi của họ nầy, thì dùng chữ Phi làm chữ đệm mới là phải cách. Hồ Phi. Được. Nhưng để tên gì? Suy đi nghĩ lại, không tìm được chữ gì cho xứng với chức tối cao Cố vấn của một nước sáu ngàn năm văn hiến.
Máy tàu bay chạy ù ù, ghế nệm êm, nó nghe như hai mí mắt nặng. Tha hồ cho nó xập xuống đánh một giấc dài. Đến khi nghe nhức lỗ tai, giật mình dậy thì tàu bay đang quay tròn trên sân toan đáp xuống. Chết chưa! Hồ Phi . . . gì, nó vẫn chưa biết!
Ở phi trường không biết bao nhiêu người đón rước toàn là người sang trọng quyền quí, kẻ trí thức có, thường dân có, nó mới hiểu cái tai hại của một bữa nói khoác. Thật vậy, có dè đâu do một bữa nói khoác, muốn cho đồng nghiệp sợ mình chơi, nó vỗ ngực xưng rằng nó là con đích dòng Nguyễn Huệ. Ngày nay, đứng trước những người tài cao học rộng của cả nước Trung Hoa như vầy, nó mới hay rằng nó bị trác một cách tai hại. Làm sao mà ứng đối cho xứng đáng với cái danh mà thằng mõ Cổ Nhuế đã khoác cho? Đó là mối lo thứ hai. Thôi thì đã mang cái nghiệp nói khoác, thì cứ khoác càn. Tới đâu hay đó. Chẳng lẽ dân tộc Việt Nam đã sản xuất biết bao nhiêu ông trạng, từ ông Mạc Đĩnh Chi có tên trong sử sách, cho đến trạng Quỳnh, ngày nay chẳng lẽ anh linh của nước Việt Nam lại không ủng bộ cho nó, dìu dắt cái lưỡi của nó sao?
Chính với ý nghĩ ấy mà nó bắt tay các thân sĩ Trung Hoa.
Khi về đến khách đường, phân ngôi chủ khách xong rồi, thì sư Hồng Hạc mới chánh thức đọc bài diễn từ sau đây:
Thưa các ngài,
Ba đời liên tiếp, sư tổ của tôi là Bạch Hạc, sư phụ là Hoàng Hạc và tôi, đã dày công nghiên cứu sấm ký, nhất là sấm của Khổng Minh Gia Cát Lượng. Nhờ vậy mà chúng tôi biết rằng chúng ta sắp đến một thời loạn to tát, chưa từng thấy trong lịch sử Trung Hoa. Mà muốn cứu vãn tình thế, phải cần có Thánh Nhân, người xuất tại phương Nam, nghĩa là ở Việt Nam.
Bởi thế, tôi mới chịu khó lặn lội ở quê người ngót tám năm nay, để tìm vị Thánh Nhân ấy. Nhờ hồng phúc của dân tộc Trung Hoa, sức mọn của tôi lại mang đến kết quả. Tôi đã sưu tầm, điều tra, lập kế để dời vị Thánh Nhân về đây…..
Trong đám thính giả có người hỏi:
– Không hay vị Thánh Nhân ấy tên họ là chi?
Sư Hồng Hạc nghe nói, mới hay rằng trong bảy tám năm mình đã nghiên cứu kỹ lưỡng tông tích người nầy, không sót chi cả, mà quên hỏi tên họ. Liền day lại nhìn thằng mõ, để hỏi nó, thấy nó đương chăm chỉ ngó ba con chim bay, vẽ trên tấm nhãn của bình mực vuông để trên bàn. Nhà sư liền hỏi nhỏ nó. Nó trả lời ú ớ:
– Hồ Phi….
Cái chữ thứ ba trỏ tên cúng cháo của nó, nó không biết phải dùng chữ gì, thì nó ầm ừ trong miệng nghe không rõ.
Sư Hồng Hạc thấy nó nhìn ba con chim vẽ trên tấm nhãn bình mực, chắc nó trỏ loại chim ấy, tức là một thứ thiên nga, nhỏ thì đặt tên là Hồng, lớn thì đặt tên là Lạc. Không lẽ một vị Thánh Nhân mà đặt tên Hồng. Thì chắc là tên Lạc. Phi Lạc, con chim Lạc to, hay là con chim Lạc bay vẫn có nghĩa. Nhà sư liền trả lời lớn:
– Ngài tên là Hồ Phi Lạc.
Trong đám thính giả có người nói rằng:
– Có cái tên như vậy mới đích là Thánh Nhân!
Cử tọa quay lại xem, thì là một học giả già, họ Hồ tên Thích. Mọi người đều yêu cầu học giả giải thích tại sao? Đáp rằng:
– Ở đây không phải là hội khảo cổ, thì không sao đem bằng chứng ra mà nói một cách khoa học được. Vậy xin tóm tắt kết luận tổng quát của các nhà bác học vế vấn đề nầy:
” Thời xưa, sau đời hoàng kim của Nghiêu Thuấn thì loài người ngày càng trụy lạc. Có một bộ lạc của dân Việt toan rời bỏ cõi đất Trung Hoa để tìm nơi dung thân chờ vận hội tốt mà trở về chỗ cũ. Trong trí họ, họ rất yêu con chim kia, đông đem lạnh tới thì bay về Nam tìm ấm áp, chờ Xuân về thì cùng về với xuân. Tù trưởng của bộ lạc ấy họ Hồ mới lấy hình ảnh tượng trưng của chim nọ mà làm vật tôn sùng cho tất cả việc cúng thờ, ý muốn nhắc nhở chúng rằng khi thời đến, như mùa xuân đến thì trở về đất Trung Hoa mà làm cho tươi đẹp quê của đất tổ. Con chim ấy là con chim Lạc. Bộ lạc kia là bộ lạc Lạc Việt, nguồn gốc của dân tộc Việt Nam ngày nay.
Nhưng dân Việt Nam ngày nay đang say sưa theo cái đà Nam tiến, không khác nào con chim Lạc đang say mê ấm áp mà ở mãi phương Nam, xuân đã trở lại mà không hay, quên về quê cũ. Còn con “chim lạc bay” hẳn là con chim còn mê cảnh, nghe xuân về thì trở lại Bắc phương, lên tiếng gọi thức tỉnh đoàn chim đang đậu. Thế có phải là tên Hồ Phi Lạc mới thiệt là tên của một vi Thánh Nhân chăng?”
Những thân sĩ Trung Hoa nghe lời giảng như thế thì nghĩ thầm rằng:
– Người nầy đi đến đây chắc là một tay du thuyết, toan đem ba tấc lưỡi mà nói cho nước Tàu nhìn nhận nước Việt Nam độc lập. Vậy ta hỏi thử coi hắn trả lời làm sao cho biết.
Một người đứng dậy hỏi rằng:
– Ngày nay, nước Việt Nam đang gặp quốc nạn. Nội tình bị một cơn cách mạng làm xáo trộn cả. Đối ngoại, đạo binh viễn chinh của một cường quốc đến đổ bộ với hải lục không quân, ngài nếu có tài sao không ở lại mà giúp nước, lại đến đây làm gì?
Phi Lạc nhìn kỹ coi người ấy là ai. Té ra là một mưu sĩ của phái Hồng Môn, họ Bành tên Bái. Bèn nghĩ rằng, cầm vận mạng của nước Tàu không phải là Quốc Dân Đảng, cũng không phải Cộng Đảng, mà chính lá phái Hồng Môn đương bí mật tổ chức và điều khiển tất cả nhân tài của nước Tàu. Nếu không làm cho người nầy phục, thì ắt là nhân sĩ Trung Hoa sẽ theo chất vấn mãi. Phi Lạc ung dung đá:
– Tuy nước Việt Nam chúng tôi đương bị, Nam có quân đội Anh chiếm cứ, rồi trả lần lần lại cho người Pháp, Bắc có quân đội Trung Hoa đóng nhân danh tước khí giới Nhật, song chúng tôi có cách để giải quyết rồi, chẳng những mưu được sự trường tồn của dân tộc Việt Nam, mà còn bồi đắp được nền hạnh phúc cho tổ quốc và xây dựng được tòa nhà lầu vinh quang cho con cháu. Ở Việt Nam, nhân tài đã thừa để mà làm việc ấy. Tôi sang qua đây không phải để lo cho nước tôi mà chính vì số phận của nước Trung Hoa.
– Nước Trung Hoa là một nước thắng trận. Một trong năm đại cường quốc. Cần gì phải lo cho số phận của nó?
– Ngài biết một chớ chưa biết hai. Quân đội Nhật tuy đã đầu hàng song số binh lính Nhật đào ngũ, ôm súng ống, giả làm dân quân cách mạng không phải nhỏ. Tàu tuy là nuớc thắng trận mà không được hưởng cảnh thanh bình. Đó là điều thứ nhứt, thuộc về chi tiết của chương trình phá hoại của chánh sách Đại Đông Á của đảng Hắc Long, Nhật Bổn.
Điều thứ hai, là sự thống nhứt của nước Trung Hoa không chặt chẽ. Trước năm Đinh Sửu (1937), nước Tàu đã chia làm hai. Một bên theo Nam Kinh. Một bên theo Diên An. Bởi có nạn ngoại xâm, bởi Nga Mỹ cần bắt tay nhau mà chống với trục Phát-xít nên hai bên phải bắt tay nhau. Đó là việc tạm bợ.
Nay cừu địch đã bại trận không còn nạn ngoại xâm, lấy gì mà ngăn cái họa đảng phái tương tranh? Thêm nữa là sau trận giặc thứ Hai nầy, Nga Mỹ sẽ tranh hùng, giành nhau làm bá chủ thế giới. Nga lôi cuốn Cộng sản. Mỹ thôi thúc phái Quốc dân. Thì việc Quốc Cộng tương tranh đã không tránh được, lại còn như lửa được thêm dầu, không sao tắt nổi.
Còn điều thứ ba là ngót tám năm binh lửa, chính phủ Trung Hoa vay nợ rất nhiều. Nay lấy đâu mà lo kiến thiết nước nhà, lấy đâu mà nuôi dân bị đói khát sau hồi khủng khiếp của chiến tranh?
Tôi xem ngài là kẻ rnưu sĩ của phái Hồng Môn. Họa sờ sờ trước mắt lẽ nào chẳng thấy? Sao không lo cứu vãn nước nhà để tránh cái họa của một nước mang tiếng là cường quốc mà không có chút thiệt lực?
Bành Bái nghe nói không biết đáp làm sao. Bỗng có người cất tiếng nói rằng:
– Phi Lạc là người khua môi múa mỏ. Đồng bào của người qua đây khóc lóc cầu đảng ta ủng hộ không biết bao nhiêu, sao dám nói rằng dân Việt Nam đã có kế lớn và thừa nhân tài lo kế ấy?
Phi Lạc nhìn xem, người ấy là Trần Nguyên Bội giữ chức Đổng Lý Sự Vụ của phòng Trung Nam, tức là phòng để nghiên cứu chánh sách đối ngoại của nước Tàu đối với các xứ Miền Nam của mình. Phi Lạc biết rằng Trần Nguyên Bội muốn nói đến những chánh khách đã hì hụp sang Tàu mà cầu cạnh Quốc Dân Đảng ủng hộ. Điều ấy có thật. Nhưng không trả lời cho xứng đáng thì làm sao cho họ kiêng nể được, bèn đáp rằng:
– Kẻ trí phải biết phân biệt hư và thiệt. Kẻ thức phải rõ đâu là nhỏ đâu là lớn. Trong một cuộc vươn mình chỗi dậy của một dân tộc hai mươi lăm triệu người, tránh sao cho khỏi việc có người thấy không hết cả đại thể của cuộc vận động, rồi sanh ra băn khoăn, thắc mắc.
Nhưng tôi xin hỏi lại ngài: Những người đến cầu cạnh với nước Tàu có phải là những nhà văn, nhà tiểu thuyết, hay một số ít võ tướng nào đó phải không? Thế thì họ làm sao có tầm mắt rộng rãi bao quát cả đại thể? Nhứt là những nghệ sĩ ấy dễ cảm xúc, bị một vài tiểu tiết ghi một ấn tượng nào đó là phóng đại ra làm một kết luận tổng quát rồi.Vậy thì sự lo lắng của họ không phải là sự lo lắng của cả dân tộc Việt Nam.
Tôi còn hỏi ngài lại một điều nữa: Ngài có thể tưởng tượng rằng họ đến với ngài vì kế chớ không phải vì thật tình chăng? Còn tôi, tôi dám quả quyết rằng đó là vì kế.
Cả trong phòng đều ngạc nhiên vì lời quyết đoán ấy, nên trố mắt nhìn, chờ xem Phi Lạc giải nghĩa tại sao lại là kế. Phi Lạc tằng hắng lấy giọng rồi nói:
– Thấy các ngài chăm chú nghe, chắc các ngài muốn biết kế ấy là gì? Nhưng không lẽ tôi là công dân Việt Nam lại mang lỗi lầm tiết lậu việc bí mật của quốc gia? Và không lẽ các ngài là con cháu của Trương Lương, Khổng Minh lại không biết kế ấy là kế gì nữa.
Trần Nguyên Bội nghe vậy, phát cáu nói rằng:
– Ngươi đừng vì túng lý mà nói chận người khác. Ta đã biết rồi. Không có kế gì đâu mà hòng nói khoác!
– Ngài muốn cho tôi mang lỗi với nước tôi? Được! Xét ra, kế đã thành rồi, dầu có nói ra cũng không hại. Chỉ có ích lợi là giúp cho ngày sau, nhà làm sử hiểu rõ mà phê bình cho đúng thôi. Tôi chỉ ngại có một điều, kế ấy gạt nước Tàu. Mà nay tôi đến đây nói thẳng với các ngài vốn là mưu sĩ của nước bị gạt thì là hỗn láo một cách trắng trợn quá. Các ngài không tha trước, tôi không thể cắt nghĩa kế ấy ra làm sao. Tôi là khách, tôi phải giữ lễ. Chừng nào các ngài ép lắm, tôi mới chịu vô lễ mà vâng theo ý muốn của các ngài.
Cử tọa ồn ào kịch liệt, cãi nhau lăng xăng. Người thì bảo thôi bỏ việc chất vấn đi, kẻo hắn phanh phui ra không tốt gì. Kẻ thì trách sao Trần Nguyên Bội lại khởi sự vô lễ trước, hỗn láo với hắn, để cho hắn khinh miệt lại. Kẻ lại tức mình, ủng hộ Trần Nguyên Bội, một hai yêu cầu Phi Lạc nói toạc móng heo ra. Nếu không đúng lý, thì phạt tội vô lễ đối với một cường quốc. Cãi vã như “bị chìm tầu” một lúc, lần lần khuynh hướng thứ ba nầy thắng. Trần Nguyên Bội thay mặt cho tất cả mà nói rằng:
– Thay mặt cho cử tọa, tôi yêu cầu ngài nói rõ ra kế ấy làm sao? Nếu là phải, thì chúng tôi hứa hẹn không giận oán gì cả. Chúng tôi cũng hứa hẹn là chúng tôi không chấp những lời lẽ phạm đến chúng tôi. Nhưng mà…
Phi Lạc đứng dậy, ra dấu chận ngang lại và nói:
– Cho phép chúng tôi vô lễ mà chận ngang tại đây. Nhưng mà thái độ khoan hồng của các ngài chưa phải là thái độ cứu nước Trung Hoa được. Các ngài có thể tha thứ những lời đả động đến lòng tự ái của cá nhân các ngài. Biết nước Trung Hoa có rộng lượng như vậy chăng ? Không khéo thì Bộ Ngoại Giao của các ngài gởi thông điệp cho chính phủ Việt Nam, tỏ ý không bằng lòng. Rồi chánh phủ của nuớc tôi sẽ trách móc trừng phạt, tôi chịu sao nổi
– Không sao đâu! Câu chuyện này là câu chuyện ta nói riêng với nhau, một câu chuyện dầu nói thật cũng kể là nói đùa, là một thứ văn chương trào phúng. Ai mà nhột thì rán chịu, không được lòng ròng cái gì hết.
– Có vậy tôi mới dám nói chớ ! Số là nước Việt Nam chúng tôi là nước nhỏ. Sau khi Nhật bại trận, chúng tôi chịu một số rất nhiều tai ách.
– Tai ách thứ nhứt là mấy chục ngàn lính Nhật đào ngũ, toan ở lại làm mưa làm gió. Chính phủ chúng tôi khó cởi cái ách ấy bằng vũ lực được.
Tai ách thứ hai là quân đội lấy tư cách đến tước khí giới quân Nhật rồi chiếm đóng luôn xứ tôi. Làm sao mà mời họ đi?
Tai ách thứ ba là hình như một số thực dân toan đặt lại những quyền lợi đặc biệt của họ trên xứ sở. Làm sao mà tránh được?
Thử hỏi các ngài có kế gạt những tai ách ấy qua một bên chăng?
Phi Lạc dừng lại, nhìn cử tọa. Ai nấy đều lặng thinh.
Một chập, Phi Lạc nói tiếp:
– Ấy vậy mà việc các nhà văn, nhà báo đến cầu cạnh với các ngài, đó là cái kế mọn ấy! Họ đến kêu ca nói rằng nước Việt Nam xích hóa hết. Chánh phủ Tàu nghe vậy phát sợ. Việt Nam mà xích hóa thì đường vận tải Vân Nam, Tứ Xuyên, Tây Tạng bị chận nghẹt. Nước Tàu đâm ra lo, phải bàn với Mỹ, với Anh. Nhưng dù là Tàu, hay Anh, hay Mỹ đều không thể lấy danh nghĩa nào mà can thiệp vào nội trị của nước Việt Nam cả. Họ phải nhờ nước Pháp tính giùm. Rồi rút lui hết, giao việc chiếm đóng và săn bắt Nhật cho quân đội Pháp.
Có phải là không kế ấy, cuộc vận động giải phóng của Việt Nam phải gặp đến bốn năm đối phương, cả thảy đều là cường quốc; còn với kế mọn ấy, cho mấy anh văn sĩ chạy chọt chút đỉnh, mà Mỹ, Anh, Tàu đều rút lui, mà dân tộc Việt Nam chỉ còn lo nói chuyện với một nước là nước Pháp mà thôi không?
Cử tọa đếu khen hay. Còn Trần Nguyên Bội nín thinh, chịu phục.
Bỗng trong đám có người đứng dậy nói lớn:
– Các ngài làm gì mà hoan nghênh một kẻ khua môi múa mỏ, đang làm nhục chúng ta. Hỏi hắn có mưu chước gì làm cho dân hắn đừng quay đầu về vòng nô lệ thì nói thử ra coi.
Mọi người đều day lại xem là ai, thì ra là Trương Thế Hùng, người trong phái Hồng Môn, đương ngấm nghé cái ghế bộ trưởng Ngoại Giao mà chưa có cơ hội để chiếm lấy.
Phi Lạc không đáp, ngồi lặng thinh.
Ai nấy cũng chờ xem. Ban đầu êm, rồi lần lần xì xào có ý chê rằng Phi Lạc đã hết ý. Phi Lạc vụt đứng dậy. Ai nấy nín lặng nghe hắn trả lời làm sao. Thì hắn nghiêng mình tới trước, vói tay lấy bao diêm, đánh một que, đốt thuốc hút, có vẻ thản nhiên lắm.
Người ta lại ồn ào nữa.
Trương Thế Hùng lại đứng dậy nói:
– Các ngài đã rõ rồi đó! Hắn có mưu chước gì đâu! Chẳng qua hắn định uốn ba tấc lưỡi nhưng mà không tài, muốn học đòi Trương Nghi, Tô Tần mà kém sức.
Phi Lạc chờ tràng pháo tay dứt rồi mới đứng dậy ung dung đáp:
– Phàm nói chuyện phải biết đặt vấn đề. Tôi sang đây không phải tự tôi cầu. Điều này sư Hồng Hạc thừa biết. Sẵn ngài đây, ngài có thể nói rõ việc ấy. Tôi sang đây cũng chưa hề tỏ ý cầu cạnh gì với nước Tàu. Ông Trần Nguyên Bội làm chứng điều đó. Và tôi hứa ngày nào tôi còn ở trên đất Tàu, tôi không nói một điều gì để nhờ nước Tàu giúp nước tôi cả. Việc cầu cạnh giữa nước nầy với nước kia đã sẵn có sứ thần, ngoại trưởng hay ít nhất có đại biểu có ủy quyền. Còn tư nhơn mà lặn lội ở xứ người để kêu ca thì chỉ là kẻ không có tư cách…hay là kẻ dùng hư gây thiệt.
Tôi mới vừa nói đến vai trò của các nhà văn của nước tôi đến đây dùng kế, mà làm cho bộ ngoại giao Tàu bấn loạn. Ấy là tôi đã mách cho các ngài rõ vai trò của những người không tư cách, không thẩm quyền, đem chuyện xứ mình mà nói ở xứ người. Nếu tôi làm như thế nữa, sao cho phải phép.
Còn phần ngài, sau khi tôi đã trỏ một ngón ngoại giao khôn khéo của người nước tôi, ấy là việc các văn sĩ, nghệ sĩ đấn cầu cạnh nơi nước Tàu, thì ngài nên biết cho rằng mình mới được một bài học về ngoại giao, chớ nên sơ sót nữa.
Nghĩa là: gặp người ngoại quốc đến, không nên hỏi đến việc nước nhà của người. Hỏi như thế, họ có thể mượn dịp ấy mà gạt mình, bịp mình…Bài học chưa tiêu, ngài lại rơi vào lầm lỗi nữa. Buộc tôi trả lời làm chi? Tôi thấy ngài lăm le chiếc ghế bộ trưởng Ngoại Giao. Xin khuyên ngài hãy dằn lòng để cho nước Tàu được nhờ vậy!
Thế Hùng nghe nói đỏ mặt tía tai, bẽn lẽn rút lui ra ngoài.
Phi Lạc cung kính nói:
– Tôi lấy lòng thành thật mà nói với các ngài. Tôi đến đây không vì quyền lợi của nước tôi. Tôi đến đây không có mục đích gì khác. Tôi không đến cầu cạnh việc gì hết, các ngài tất nhiên không có quyền chất vấn tôi điều gì, bởi lẽ tôi không phải kẻ có tội ra trước công lý. Nếu các ngài không có điều chi lợi cho các ngài để bàn, thì xin phép cho tôi về xứ.
Sư Hồng Hạc lật đật đứng dậy can:
– Xin ngài chớ phiền. Cuộc gặp gỡ hôm nay đổi thành một trường thiệt chiến, điều ấy rất đáng tiếc. Đáng lẽ chúng ta nên cùng nhau xét những vấn đề tương lai của nước Trung Hoa như thế nào? Cách giải quyết nó làm sao? Chính vì những lẽ ấy nên tôi mới chịu khó nhọc rước ngài sang nước tôi để giúp ý kiến…
– Và chính vì lẽ ấy mà mở đầu câu chuyện tôi đã nói rõ rằng: “Tôi đến đây không phải vì nước Việt Nam mà là vì nước Trung Hoa vậy.”
– Vậy thì ta phải đặt vấn đề cho trúng cách. Vấn đề như thế này: Làm sao mà chủng hoạn cứu nạn cho nước Trung Hoa?
Cử tọa đều hoan nghinh lời hòa giải của sư Hồng Hạc…..
Hồ Hữu Tường
(trích Phi Lạc sang Tầu- Hồi Ba)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét