XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2019

Mật Mã Da Vinci (Chương 22-35)



MẬT MÃ DA VINCI
Chương 22

Sophie hổn hển tới bên ngoài cánh cửa gỗ lớn của Salls de Etats - căn phòng để bức hoạ Mona Lisa. Trước khi bước vào, cô bịn rịn nhìn xuôi theo hành lang, cách đó khoảng hai mươi mét, nơi thi thể ông cô vẫn đang nằm dưới ánh đèn.

Nỗi ân hận đột ngột đến bóp chặt tim cô da diết, một nỗi buồn sâu sắc hoà lẫn với cảm giác tội lỗi. Ông đã cố vươn tay tới cô bao nhiêu lần trong hơn mười năm qua, nhưng Sophie vẫn khăng khăng không thay đổi thái độ bỏ tất cả thư từ, bưu kiện ông gửi cho cô vào một ngăn kéo đáy tủ, không buồn mở và khước từ mọi cố gắng tìm gặp cô của ông. Ông đã nói dối mình! Giữ kín những bí mật khủng khiếp. Mình phải làm gì đây? Vì vậy mà cô đã cấm cửa ông. Triệt để.

Bây giờ, ông cô đã chết, và ông đang nói chuyện với cô từ dưới mồ.

Bức tranh Mona Lisa.

Cô với tay đến cánh cửa gỗ đồ sộ, và đẩy. Cửa mở toang.

Sophie đứng ở ngưỡng cửa một lát, lia mắt nhìn bao quát căn phòng rộng hình chữ nhật trước mặt. Cả nơi này cũng tắm trong một ánh sáng đỏ êm dịu. Salle des Etats là một trong những culs-de-sac(1) hiếm hoi của bảo tàng một nơi tận cùng, phòng duy nhất tách ra ở giữa Hành Lang Lớn. Cửa phòng là lối vào duy nhất, đối diện với một bức Botticelli cao năm mét nghễu nghện trên bức tường phía kia. Bên dưới nó. chính giữa sàn gỗ, một chiếc đi văng khán quan hình bát giác rộng lớn làm chỗ nghỉ chân dễ chịu cho hàng nghìn khách tham quan trong khi chiêm ngưỡng tài sản quý giá nhất của bảo tàng Louvre.

Tuy nhiên, ngay trước khi bước vào, Sophie biết là mình thiếu một thứ gì đó. Đèn có tia tử ngoại. Cô nhìn xuôi theo hành lang về phía xa, nơi ông cô nằm dưới những ngọn đèn, bao quanh bởi những thiết bị điện tử. Nếu ông đã viết một cái gì đó ở đây gần như chắc chắn là ông đã viết bằng loại bút dùng tia tử ngoại.

Hít thật sâu, Sophie hối hả chạy tới chỗ hiện trường án mạng sáng trưng. Không cam lòng nhìn ông mình, cô chỉ tập trung vào những dụng cụ PTS thôi. Tìm thấy một chiếc đèn nhỏ dùng tia cực tím, cô đút nó vào túi áo len và vội vã đi ngược hành lang trở lại cửa phòng Salle des Etats vẫn để mở.

Sophie quặt góc và bước qua ngưỡng cứa. Tuy nhiên, thật bất ngờ, vừa bước vào cô đã nghe thấy tiếng chân lẹp xẹp chạy về phía cô từ bên trong căn phòng. Có ai đó ở trong này! Một bóng người đột ngột nhô ra từ vầng sáng đỏ đọc mờ ảo như ma hiện hình. Sophie giật mình lùi lại.

"Cô đây rồi?". Tiếng thì thào khàn khàn của Langdon xé không khí trong khi bóng ông lướt đến dừng lại trước mặt cô.

Cô nhẹ cả người nhưng chỉ trong giây lát. "Robert, tôi đã bảo anh rời khỏi đây kia mà! Nhỡ Fache…".

"Cô đã ở đâu thế?".

"Tôi phải đi kiếm chiếc đèn có tia tử ngoại", cô thì thầm, giơ cây đèn lên. "Nếu ông tôi để lại một lời nhắn…".

"Sophie, nghe đã!". Langdon lấy hơi trong khi đôi mắt xanh của ông nhìn thẳng vào cô. "Những chữ cái P.S. ở cuối lời nhắn… có một ý nghĩa nào khác với cô không? Có chút nào không?".

Sợ tiếng họ vọng vào hành lang, Sophie kéo Langdon vào Salle des Etats, lặng lẽ khép cánh cửa đôi, tự giam mình ở bên trong: "Tôi đã nói với anh, những chữ cái đầu của Princesse Sophie (Công chúa Sophie) mà".

"Tôi biết, nhưng cô đã từng nhìn thấy nó ở đâu khác chưa?

Ông của cô có từng dùng kí hiệu P.S. theo một cách nào khác không? Một loại chữ lồng, có thể trên một loại giấy tờ hay một vật dụng cá nhân nào đó?".

Câu hỏi làm cô giật mình. Làm thế nào mà Robert Langdon biết điều đó?

Quả thực trước đây Sophie đã từng nhìn thấy kí hiệu P.S., một kiểu chữ lồng. Đó là vào trước ngày sinh nhật lần thứ chín của Sophie. Cô bí mật lùng sục khắp nhà, tìm kiếm những món quà sinh nhật được giấu kín. Ngay từ hồi đó, cô đã không chịu nổi cái kiểu giấu giấu giếm giếm. Năm nay ông đã có gì dành cho mình nhỉ? Cô lục tung chiếc tủ ly rồi cả những ngăn kéo. Không biết ông đã kiếm được con búp bê mình muốn chưa nhỉ? Ông giấu nó ở đâu?

Lục tung cả nhà mà chẳng tìm thấy gì cả, Sophie lấy hết can đảm lẻn vào phòng ngủ của ông. Căn phòng ấy cô không được phép vào nhưng bây giờ ông đang nằm ngủ dưới nhà.

Mình sẽ chỉ ngó qua một thoáng thôi!

Đi rón rén qua sàn gỗ cót két tiến về phía buồng chứa đồ của ông, Sophie nhòm mấy cái giá đằng sau quần áo của ông.

Chẳng có gì cả. Tiếp đó cô tìm dưới gầm giường. Vẫn không có gì cả. Đi về phía bàn làm việc của ông, cô mở các ngăn kéo, bắt đầu soát cẩn thận từng ngăn một. Phải có cái vì đó cho mình ở đây chứ? Đến ngăn cuối rồi mà cô vẫn chưa tìm thấy dấu vết nào về một con búp bê. Thất vọng, cô kéo ngăn cuối cùng, rồi lôi ra mấy bộ quần áo màu đen mà chưa bao giờ cô thấy ông mặc. Cô định đóng ngăn kéo lại thì chợt nhìn thấy cuối ngăn kéo loé lên một ánh màu vàng. Trông nó giống một sợi dây đeo đồng hồ bỏ túi, nhưng cô biết ông không dùng thứ đó. Tim cô đập rộn ràng khi cô nhận ra đó là cái gì.

Một chiếc vòng!

Sophie cẩn thận kéo sợi dây chuyền đó ra khỏi ngăn kéo. Cô ngạc nhiên thấy cuối sợi dây có một chiếc chìa khoá bằng vàng sáng ngời. Nặng và lấp lánh. Bị hút hồn, cô cầm nó lên. Trông nó không giống bất kỳ một chiếc chìa khoá nào cô từng nhìn thấy. Hầu hết các chìa khoá đều dẹt và có răng cưa, nhưng chiếc này lại có thân hình trụ tam giác đầy vết lỗ chỗ. Đầu chìa to vàng óng là một chữ thập, nhưng không phải là một chữ thập bình thường. Đây là một chữ thập bốn nhánh bằng nhau, giống một dấu cộng. Ở giữa chữ thập, có chạm nổi một ký hiệu kỳ lạ hai chữ cái lồng nhau với một họa tiết hình hoa.

"P.S", cô thì thầm, nhăn mặt khi đọc những chữ cái đó. Nó có thể là cái gì được nhỉ?

"Sophie?". Ông cô nói từ ngoài cửa.

Giật mình, cô quay lại, để chiếc chìa khoá rơi đánh keng trên sàn nhà. Cô cắm mắt xuống chiếc chìa khoá, không dám ngước nhìn ông: "Cháu… đang tìm quà sinh nhật", cô nói, cúi đầu, biết rằng cô đã phản bội lòng tin của ông.

Trong khoảnh khắc dường như bất tận ấy, ông cô đứng lặng thinh bên cửa ra vào. Cuối cùng ông thở dài buồn bã: "Nhặt chiếc chìa khoá lên, Sophie".

Sophie nhặt chiếc chìa khoá lên.

Ông cô bước vào: "Sophie, cháu cần phải tôn trọng sự riêng tư của mọi người". Rồi nhẹ nhàng, ông quỳ xuống, cầm chiếc chìa khoá từ tay cô. "Chiếc chìa khoá này rất đặc biệt. Nếu cháu làm mất nó…".

Giọng nói dịu dàng của ông cô khiến Sophie càng cảm thấy ân hận hơn: "Grand-Père"(2) , cháu xin lỗi. Cháu thực lòng xin lỗi", cô ngừng lại, "Cháu nghĩ rằng nó là một chiếc vòng cổ tặng sinh nhật cháu".

Ông nghiêm khắc nhìn cô trong vài giây: "Ông sẽ nói lại điều này một lần nữa, bởi vì nó rất quan trọng. Cháu cần học cách tôn trọng sự riêng tư của người khác".

"Vâng, Grand-Père"(3)

Chúng ta sẽ nói chuyện này vào lúc khác. Còn bây giờ khu vườn đang cần được nhổ cỏ".

Sophie vội vàng đi ra ngoài làm công việc hàng ngày của mình Sáng hôm sau, Sophie không nhận được món quà nào từ ông cả. Cô cũng không hi vọng, sau những gì cô đã làm. Nhưng thậm chí suốt cả ngày hôm ấy, ông cũng không nói chúc cô sinh nhật vui vẻ. Buồn bã, đến tối, cô lê bước về phòng ngủ. Thế rồi, khi trèo lên giường, cô thấy một tấm thiếp đặt trên gối. Trên tấm thiếp là một câu đố đơn giản. Cô mỉm cười trước cả khi giải được câu đố. Mình biết cái này là cái gì rồi! Ông đã từng bày trò này với cô vào sáng Giáng sinh năm ngoái.

Một cuộc truy tìm kho báu!

Háo hức, cô suy nghĩ cho đến khi giải được câu đó. Đáp án chỉ cô đến một nơi khác trong toà nhà, ở đó cô lại tìm thấy một tấm các khác với một câu đố khác. Cô tiếp tục giải được câu đố này, rồi lại chạy đến tấm các tiếp theo. Nháo nhào, cô chạy tới chạy lui khắp nhà, từ đầu mối này sang đầu mối khác, cho đến lúc cuối cùng cô thấy một đầu mối chỉ về chính phòng ngủ của mình. Sophie lao lên gác, chạy bổ về phòng mình, và dừng sững. Giữa căn phòng là một chiếc xe đạp màu đỏ có buộc nơ ở ghi-đông. Sophie hét lên sung sướng.

"Ông biết cháu muốn một con búp bê", ông vừa nói vừa đứng trong góc phòng mỉm cười. "Nhưng ông nghĩ có thể cháu sẽ thích món quà này hơn".

Hôm sau, ông dạy cô đi xe, ông chạy bên cạnh cô dọc suốt con đường đi dạo. Khi Sophie chệch tay lái lao lên bãi cỏ và mất thăng bằng, cả hai ông cháu ngã xuống bãi cỏ, lăn tròn rồi cười vang.

"Grand-Père" , Sophie nói, ôm ghì ông, "cháu thực lòng ân hận về chuyện chiếc chìa khoá".

"Ông biết, cháu yêu ạ. Ông đã tha thứ cho cháu rồi. Ông không thể giận cháu mãi được. Ông và cháu gái luôn tha thứ cho nhau mà".

Sophie biết là cô không nên hỏi, nhưng cô không nhịn nổi:

"Chiếc chìa khoá ấy mở cái gì thế ạ? Cháu chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc chìa khoá như thế. Nó thật là đẹp".

Ông iặng thinh hồi lâu, và Sophie có thể thấy ông băn khoăn không biết nên trả lời như thế nào. Ông không bao giờ nói dối.

"Nó mở một cái hộp", cuối cùng ông nói. "Ở đó ông cất giữ nhiều bí mật".

Sophie dẩu môi: "Cháu ghét những bí mật!".

"Ông biết, nhưng đây là những bí mật quan trọng. Rồi một ngày nào đó, cháu sẽ biết trân trọng nó như ông vẫn làm vậy".

"Cháu nhìn thấy những chữ cái trên chiếc chìa khoá, và cả một bông hoa nữa".

"Ừ đó là loài hoa yêu thích của ông đấy. Người ta gọi nó là Hoa loa kèn. Chúng ta cũng trồng nó trong vườn đấy.

Những bông hoa màu trắng. Trong tiếng Anh! chúng ta gọi nó là hoa lily".

"Cháu biết những bông hoa ấy. Đó cũng là loại hoa yêu thích của cháu nữa!".

"Vậy thì ông thoả thuận vởi cháu nhé". Ông nhướn lông mày giống như mỗi khi ông đặt ra trước cô một thách thức: "Nếu cháu giữ bí mật chuyện chiếc chìa khoá và không bao giờ nói về chuyện đó nữa, với ông hay bất kỳ ai, thì một ngày nào đó ông sẽ trao nó cho cháu".

Sophie không tin vào tai mình: "Ông sẽ trao nó cho cháu?".

"Ông hứa. Khi nào đến lúc, chiếc chìa khoá sẽ là của cháu.

Trên đó có tên của cháu đấy".

Sophie cau mày. "Đâu có. Nó khắc chữ P.S. Tên cháu không phải là P.S".

Ông cô hạ thấp giọng rồi nhìn xung quanh như thể để chắc chắn không có ai nghe trộm: "Được rồi, Sophie, nếu cháu cần phải biết, thì P.S. là một mật mã. Nó là mật danh của cháu".

Mắt cô bé mở rộng: "Cháu có mật danh ạ?".

"Tất nhiên. Những cô cháu gái luôn luôn có một mật danh mà chỉ ông của họ mới biết thôi".

"P.S. là gì?".

Ông cù nôn cô: "Là princces Sophie" (Công chúa Sophie).

Cô cười khúc khích: "Cháu không phải là công chúa!".

Ông nháy mắt: "Với ông, cháu là công chúa".

Từ hôm đó, họ không bao giờ nói chuyện về chiếc chìa khoá đó nữa. Còn cô trở thành Công chúa Sophie của ông.

Bên trong Salle des Etats, Sophie đứng lặng thinh, cảm nhận cơn nhói đau ghê gớm của sự mất mát.

"Những chữ viết tắt này", Langdon thì thào, mắt nhìn cô một cách lạ kỳ, "đã bao giờ cô nhìn thấy chưa?".

Sophie như nghe thấy tiếng ông cô thì thầm ngoài hành lang bảo tàng. Không bao giờ được nói về chiếc chìa khoá, Sophie. Với ông hay với bất cứ ai. Cô biết cô đã sai và đã được ông tha thứ, cô tự hỏi liệu cô có thể phạm vào lòng tin ấy một lần nữa không.

P.S Hãy tìm Robert Langdon, ông cô muốn Langdon giúp đỡ.

Sophie gật đầu. "Có, tôi đã thấy hai chữ viết tắt P.S này một lần. Khi tôi còn rất nhỏ".

"Ở đâu?" , Sophie ngập ngừng: "Trên một thứ gì đó rất quan trọng đối với ông tôi".

Langdon nhìn thắng vào mắt cô: "Sophie, điều này rất quan trọng. Cô hãy nói tôi biết có phải những kí tự này xuất hiện cùng với một biểu tượng phải không? Một bông hoa loa kèn?".

Sophie cảm thấy mình loạng choạng lùi lại vì kinh ngạc:

"Nhưng… làm sao ông có thể biết được điều đó!".

Langdon thở hắt ra rồi hạ thấp giọng: "Tôi tin chắc ông cô là thành viên một hội kín. Một hội ái hữu bí mật rất lâu đời rồi".

Sophie cảm thấy như thắt ruột. Cô cũng tin chắc chắn thế.

Trong mười năm, cô đã cố quên đi cái sự việc khắng định thực tế khủng khiếp đó. Cô đã chứng kiến một điều mà cô không thể tưởng tượng được. Không thể tha thứ được.

"Hoa loa kèn", Langdon nói, "kết hợp với hai ký tự P.S., đó là biểu tượng chính thức của hội kín đó. Huy hiệu của họ. Logo của họ".

"Làm thế nào anh biết được điều này?" Sophie đang khẩn cầu Langdon đừng nói với cô rằng bản thân ông cũng là một thành viên của hội kín đó.

"Tôi đã viết về nhóm này", Langdon nói, giọng run lên vì phấn khích. "Nghiên cứu các biểu tượng của các tổ chức bí mật là chuyên môn của tôi. Họ tự xưng là Prieuré de Sion(4) . Cơ sớ của họ đặt ở đây, trên đất Pháp và thu hút các thành viên đầy thế lực từ khắp châu Âu. Thực tế đây là một trong những hội kín cổ nhất còn tồn tại trên trái đất này".

Sophie chưa bao giờ nghe về họ.

Lúc này Langdon bốc lên nói ào ào từng tràng: "Thành viên của Tu viện Sion gồm có cả những cá nhân xuất sắc trong lịch sử: Những người như Botticelli, Ngài Isaac Newton, Victor Hugo", ông dừng lại, giọng tràn trề nhiệt huyết khoa học. "Và cả Leonardo da Vinci nữa".

Sophie nhìn chằm chằm: "Da Vinci tham gia một hội kín?".

"Da Vinci đứng đầu Tu viện Sion trong khoảng từ 1510 đến 1519 với tư cách là Đại sư của hội kín này, điều này có thể giải thích niềm đam mê của ông cô đối với những lác phẩm của Leonardo. Hai ông có chung một mốỉ ràng buộc huynh đệ mang tính lịch sử. Và điều đó hoàn toàn ứng hợp với việc họ say mê tranh tượng nữ thần, ngoại giáo, các nữ thần và coi khinh Nhà Thờ Thiên chúa. Tu viện Sion có hẳn một kho sử liệu về sự tôn thờ tính nữ thiêng liêng".

Anh nói tổ chức này là một loại tín ngưỡng thờ nữ thần ngoại giáo à?".

Đúng hơn, giống như tín ngưỡng thờ nữ thần ngoại giáo ấy chứ. Nhưng quan trọng hơn, họ được biết đến như những người bảo vệ một bí mật cổ xưa. Một bí mật khiến họ có một quyền lực vô biên".

Bất chấp vẻ xác tín triệt để trong mắt Langdon, phản ứng sâu trong thâm tâm Sophie vẫn là hồ nghi hoàn toàn. Một giáo phái ngoại giáo bí mật ư? Đã từng do Leonardo da Vinci cầm đầu ư?

Tất cả những điều đó nghe sao thật khó tin. Tuy nhiên, ngay trong khi chối bỏ nó, cô lại cảm thấy đầu óc của mình quay trở lại mười năm về trước - buổi tối mà cô đã muốn làm ông cô thật bất ngờ và cũng vô tình chứng kiến điều mà đến giờ cô vẫn không thể chấp nhận được. Phải chăng điều đó có thể giải thích?".

"Nhân thân của những thành viên còn sống của Tu viện Sion hoàn toàn được giữ bí mật", Langdon nói. "Nhưng kí tự P.S và bông hoa loa kèn mà cô nhìn thấy khi còn bé là những bằng chứng. Nó chỉ có thể liên quan đến Tu viện Sion mà thôi".

Bây giờ Sophie đã nhận ra rằng Langdon biết về ông cô nhiều hơn những gì cô tưởng tượng trước đây. Rõ ràng, người Mỹ này có rất nhiều điều để sẻ chia cùng cô, nhưng đây không phải là nơi thích hợp. "Tôi không thể để họ bắt được anh, Robert. Có rất nhiều điều chúng ta cần thảo luận với nhau. Anh cần phải đi ngay!".

Langdon chỉ thoảng nghe thấy tiếng cô thì thào rất khẽ. Ông sẽ không đi đâu cả. Lúc này ông đang bị lạc vào thế giới khác. Nơi mà những bí mật cổ xưa đang nổi lên bề mặt. Nơi mà những trang sử bị lãng quên đột hiện ra từ bóng tối.

Chầm chậm, chầm chậm như thể đang bơi dưới nước, Langdon quay đầu, nhìn xuyên qua vầng sáng mờ ảo đỏ đọc về phía bức tranh Mona Lisa.

Hoa loa kèn hoa của Lisa Nàng Mona Lisa.

Tất cả những điều đó xoắn xuýt vào nhau, một bản giao hưởng câm lặng vang vọng những bí ẩn sâu xa nhất của Tu viện Sion và Leonardo Da Vinci.

***

Cách đó vài dặm, ven bờ sông, quá phố Les Invalides, người lái chiếc xe tải hai thùng sợ hãi đứng trước mũi súng và kinh hoàng khi viên đại uý Cảnh sát tư pháp thét lên giận dữ và nhấc một bánh xà phòng ném vào dòng nước cuồn cuộn của sông Seine.

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: ngõ cụt

(2)Tiếng Pháp trong nguyên bản: Thưa ông

(3) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Thưa ông

(4) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Tu viện Sion.

Silas ngước nhìn bia tưởng niệm Sant-Sulpice, bao quát cả chiều dài thân bia đồ sộ bằng đá hoa cương. Gân cốt hắn căng ra, hứng khởi. Hắn lướt nhìn xung quanh nhà thờ một lần nữa để chắc chắn hắn chỉ có một mình. Rồi hắn quỳ xuống bên bệ đài tưởng niệm, không phải vì tôn kính mà là vì cần thiết.

Viên đá đỉnh vòm được giấu dưới Đường Hoa Hồng.

Ở đế bia tưởng niệm Sulpice.

Tất cả những thành viên hội kín đó đều nói thế.

Lúc này, vừa quì, Silas vừa đưa tay sờ mặt sàn đá. Hắn không thấy vết nứt hay vết đánh dấu nào chứng tỏ có thể di chuyển một viên đá lát sàn nào đó, vì vậy, hắn bắt đầu dùng khớp ngón tay gõ nhẹ xuống sàn. Dò theo thanh đồng tới gần đài tưởng niệm hơn, hắn gõ từng viên gạch kề sát đường thẳng ấy. Cuối cùng, một trong những viên gạch ấy phát ra một âm thanh lạ.

Có một khoảng rỗng dưới sàn!

Silas mỉm cười. Các nạn nhân của hắn đã nói thật.

Đứng dậy, hắn tìm xung quanh nhà thờ xem có cái gì có thể nậy viên gạch lên.

Phía trên Silas, trên ban công, Xơ Sandrine nén một tiếng hức. Nỗi sợ hãi tột cùng của bà vừa được xác nhận. Vị khách này không phải là người như anh ta tỏ ra. Tu sĩ Opus Dei bí ẩn này đến nhà thờ Saint-Sulpice vì một mục đích khác.

Một mục đích bí mật.

Ngươi không phai là người duy nhất có những bí mật, Xơ nghĩ.

Xơ Sandrine Bieil còn hơn cả một người quản nhà thờ này.

Bà là một lính canh. Và đêm nay, những bánh xe cổ xưa đã bắt đầu chuyển động. Việc người lạ mặt này đến dưới chân bia tưởng niệm là một báo hiệu từ các giáo hữu.

Nó là tiếng kêu câm lặng của tai họa.

MẬT MÃ DA VINCI
Chương 23

Đại sứ quán Mỹ ở Paris là một khu nhà san sát trên đại lộ Gabriel phía Bắc quảng trường Champs-Lysées. Khu nhà liên hợp rộng ba héc-ta đó được coi là lãnh thổ Mỹ, có nghĩa là tất cả những ai ở trong khu vực đó đều phải tuân thủ cùng một luật pháp và được luật pháp đó bảo vệ như khi họ ở trên đất Mỹ.

Nhân viên trực điện thoại ban đêm của đại sứ quán đang đọc ấn phẩm quốc tế của tạp chí Time thì tiếng chuông điện thoại làm cô gián đoạn.

"Đại sứ quán Mỹ nghe đây", cô trả lời.

"Xin chào", người gọi nói tiếng Anh giọng Pháp. "Tôi cần sự giúp đỡ". Mặc dù lời lẽ khá lịch sự, nhưng giọng ông ta lại cộc cằn và quan cách. "Tôi nghe nói cô đã nhận một tin nhắn điện thoại cho tôi trên hệ thống tự động. Tôi tên là Langdon. Thật không may, tôi lại quên mất ba chữ trong mã số đăng nhập của tôi Nếu cô có thể giúp tôi, tôi sẽ vô cùng biết ơn".

Cô phụ trách tổng đài ngừng lại, bối rối: "Tôi xin lỗi, thưa ngài. Tin nhắn của ngài hẳn là đã rất lâu rồi. Hệ thống đó đã bỏ cách đay hai năm vì lý do an ninh. Hơn nữa, tất cả các mã đăng nhập đó đều có năm chữ số. Ai đã nói với ngài là chúng tôi có tin nhắn cho ngài ạ?

"Các cô không có hệ thống điện thoại tự động sao?".

"Không, thưa ngài. Bất kì tin nhắn nào cho ngài cũng sẽ được viết tay ở phòng dịch vụ của chúng tôi. Xin ngài nhắc lại tên của mình?".

Nhưng người đàn ông đã gác máy.

Bazu Fache chết lặng khi ông ta rảo bước trên bờ sông Seine. chắc chắn là ông ta đã nhìn thấy Langdon bấm một số điện thoại trong vùng, nhập mật mã đăng nhập có ba chữ số, và rồi lắng nghe một máy ghi âm. Nhưng nếu Langdon không gọi cho Đại sứ quán thì y gọi cho người quái quỷ nào nhỉ?

Liếc nhìn chiếc điện thoại di động của mình, chính lúc đó Fache nhận ra rằng câu trả lời đang nằm trong lòng bàn tay ông ta. Langdon đã dùng điện thoại của mình để thực hiện cuộc gọi đó.

Bấm nút danh bạ của chiếc điện thoại di động, Fache có được danh sách các cuộc gọi gần đây và ông tìm thấy số điện thoại mà Langdon đã gọi.

Một số điện thoại ở Paris, đi kèm với một mã số ba chữ số 454.

Bấm số điện thoại, Fache chớ đầu dây bên kia đổ chuông.

Cuối cùng, một giọng phụ nữ cất lên. "Xin chào! Đây là nhà của Sophie Neveu" máy ghi âm thông báo. "Hiện nay tôi đang vắng nhà, nhưng…".

Máu Fache sôi lên khi ông ta bấm số 4…5…4.

Mặc dù danh tiếng như cồn, Mona Lisa chỉ là một bức tranh khổ 78cm x 53cm bé hơn cả tấm áp phích in hình Mona Lisa bán ở quầy lưu niệm bảo tàng Louvre. Bức tranh được treo ở bức tường phía tây bắc căn phòng Salle des Etats, đằng sau tấm plexiglass bảo vệ dày 5cm. Được vẽ trên một tấm ván gỗ bạch dương, không khí thần tiên, đầy sương dăng mờ ảo của nó là do sự điêu luyện của Da Vinci về phong cách sfumato, trong đó các hình thể dường như hòa tan vào nhau.

Từ khi được đặt ở bảo tàng Louvre, Mona Lisa - hay La Joconde như người Pháp vẫn gọi đã bị đánh cắp hai lần, làn gần đây nhất vào năm 1911 khi nó biến mất khỏi salle impénétrable(1) của bảo tàng Louvre Le Salon Carré. Người Paris khóc trên đường phố và viết báo cầu xin những tên trộm hây trả lại bức tranh. Hai năm sau, Mona Lisa được phát hiện bị giấu dưới đáy giả của một chiếc hòm trong một phòng khách sạn ở Florence.

Lúc này, Langdon, sau khi tuyên bố rõ ràng với Sophie rằng ông không có ý định rời khỏi đây, đang cùng với cô đi ngang Salle des Etats. Bức Mona Lisa còn ở cách họ khoảng hai mươi mét, Sophie đã bật đèn tia tử ngoại, và luồng sáng tim tím từ chiếc đèn-bút quét trên sàn nhà phía trước mắt họ. Cô đưa luồng sáng chạy tới, chạy lui trên sàn như một cái máy dò, tìm kiếm bất cứ vết mực phát quang nào.

Đi bên cô, Langdon đã cảm thấy giậm giựt cái dự báo thường đi kèm những cuộc hội ngộ mặt đối mặt của ông với những kiệt tác nghệ thuật vĩ đại. Ông căng mắt ra nhìn quá bên ngoài luồng sáng tím nhạt phát ra từ chiếc đèn trong tay Sophie. Phía bên trái, chiếc đi văng hình bát giác của căn phòng hiện ra, trông giống một hòn đáo tối tăm trên một vùng biển bằng gỗ trống vắng.

Giờ, Langdon có thể bắt đầu thấy tấm kính sẫm màu trên tường. Treo đằng sau nó, ông biết, là bức tranh nổi tiếng nhất thế giới trong giới hạn cái khoanh nhỏ riêng tư của nó.

Vị trí của Mona Lisa như là kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới! Langdon thừa biết, chẳng liên quan gì với nụ cười bí ẩn của nàng cả. Cũng chẳng phải do những kiến giải bí ẩn được gán ghép cho nàng bởi nhiều nhà lịch sử nghệ thuật và những kẻ đam mê nghệ thuật đầy mưu đồ. Rất đơn giản, Mona Lisa nối tiếng bởi vì Leonardo Da Vinci đã tuyên bố nàng là thành tựu hoàn mỹ nhất của ông. Đi đâu ông cũng mang theo bức tranh và nếu được hỏi tại sao, ông đều trả lời rằng ông thấy khó mà rời xa tác phẩm thể hiện vể đẹp nữ đến độ trác tuyệt nhất của mình.

Thậm chí như vậy, nhiều nhà lịch sứ nghệ thuật với ngờ rằng sự trân trọng mà Da Vinci dành cho Mona Lisa chẳng có gì liên quan đến nghệ thuật ở trình độ bậc thầy của nó cả. Trên thực tế, bức tranh là một chân dung theo phong cách sfumato bình thường, bình thường đến độ lạ lùng. Nhiều người cho rằng sự tôn sùng Da Vinci dành cho tác phẩm này bắt nguồn từ một cái gì đó sâu xa hơn: một lời nhắn ẩn giấu dưới những lớp vẽ.

Thực tế, bức tranh Mona Lisa là một trong những giai thoại giầu tư liệu nhất thế giới. Rất nhiều tư liệu kết hợp những từ ngữ nước đôi và những câu bóng gió bỡn cợt về bức tranh đã được tiết lộ trong hầu hết các tập sách lịch sử nghệ thuật, thế nhưng, khó tin thay, công chúng nói chung vẫn cho rằng nụ cười của nàng chứa đựng một bí ẩn lớn lao.

Chầng có bí ẩn nào cả, Langdon nghĩ, đi tới và ngắm nghía khi đường viền lờ mờ của bức tranh bắt đầu rõ ra. Chẳng có bí mật nào cả.

Mới đây, Langdon đã sẻ chia những bí mật về Mona Lisa cho một nhóm khá dị thường - mười hai người tù ở trại giáo dưỡng hạt Essex. Buổi hội thảo chuyên đề của Langdon trong khám tù nằm trong chương trình vươn xa của Đại học Harward, nhằm mở mang giáo dục đến hệ thống nhà tù. Văn hoá cho tù nhân, các đồng nghiệp của Langdon thích gọi nó như thế.

Đứng dưới chiếc máy chiếu trong thư viện trại đã tắt bớt đèn, Langdon tiết lộ bí mật của Mona Lisa cho những tù nhân tham dự lớp, những người mà ông thấy hiếu học lạ lùng thô nháp, nhưng sắc sảo. "Các bạn có thể thấy", Langdon nói với họ, tiến về phía hình bức tranh Mona Lisa chiếu trên tường thư viện, "nền tranh đằng sau gương mặt nàng không bằng phẳng". Langdon chỉ sự so le rành rành. "Da Vinci đã vẽ đường chân trời ở bên trái rõ ràng là thấp hơn bên phải".

"Ông ta lỡ tay làm hỏng chăng?" Một tù nhân hỏi.

Langdon cười: "Không, Da Vinci không mấy khi nhỡ tay như thế. Thật ra, đây là một ngón nhỏ mà Da Vinci cố ý chơi. Bằng cách hạ thấp đường chân trời về bên trái, Da Vinci làm cho Mona Lisa nhìn từ bên trái sẽ lớn hơn nhìn từ bên phải. Một thủ thuật nho nhỏ của Da Vinci. Theo lịch sử, khái niệm nam, nữ vốn đã định rõ hai bên bên trái là nữ, bên phải là nam. Vì Da Vinci rất khuynh nữ nên ông đã làm cho Mona Lisa trông uy nghi hơn từ góc nhìn bên trái so với nhìn từ bên phải".

"Nghe nói ông ta "đồng cô?" một người nhỏ bé có chòm râu dê hỏi.

Langdon nhăn mặt: "Các nhà sử học thường không diễn ngôn cách ấy, nhưng đúng vậy, Da Vinci là một người đồng tính luyến ái".

"Đó là lý do khiến ông ta lao vao cái thứ hoàn toàn nữ ấy?".

"Thực ra, Da Vinci đồng điệu với sự cân bằng giữa nam và nữ. Ông tin rằng linh hồn con người không thể sáng láng nếu không có cả các yếu tố nam lẫn nữ".

"Ông muốn nói có cả hĩm lẫn cu hả?" Ai đó nói.

Câu nói gây một tràng cười như sấm. Langdon tính đưa ra một kiến giải về từ nguyên cho từ người lưỡng tính (hermaphrodite) và những mối liên quan của từ đó với Hermes(2) và Aphrodite(3), nhưng một cái gì đó nói với ông rằng nó sẽ lạc lõng trong đám đông này.

"Này, ông Langdon", một người đàn ông rất cơ bắp nói, "Có đúng bức Mona Lisa là hình một Da Vinci mặc váy không? Tôi nghe nói đây là sự thật".

"Cũng rất có thể", Langdon nói, Da Vinci là một người thích chơi khăm, và những phân tích trên máy tính giữa Mona Lisa và các bức chân dung tự hoạ của Da Vinci khẳng định những điểm tương đồng đáng kinh ngạc giữa hai khuôn mặt này". Bất kể Da Vinci định thế nào", Langdon nói, "thì Mona Lisa của ông cũng không phải là đàn ông hay phụ nữ. Nó mang một thông điệp về sự lưỡng tính nam - nữ. Nó là một hòa trộn của cả hai".

"Ông chắc đó không phải là một cách cà chớn của Harward để nói rằng Mona Lisa là một ả xấu xí đấy chứ?".

Bây giờ thì Langdon bật cười: "Có thể anh đúng. Nhưng thực tế Da Vinci để lại một bằng chứng rõ ràng rằng bức tranh này vẽ một người lưỡng tính. Có ai ở đây đã từng nghe nói về một vị thần Ai Cập có tên là Amon không?".

"Đù mẹ, có!", người đàn ông to con nói. "Thần phồn thực nam?".

Langdon sửng sốt.

"Trên hộp bao cao su Amon nào mà chả nói thế", người đàn ông cơ bắp đó cười toét. "Có vẽ một gã đầu cừu đực và ghi rằng gã là thần phồn thực của Ai Cập".

Langdon không biết nhãn hiệu đó, nhưng ông vui khi thấy các nhà sản xuất dụng cụ ngừa thai đã sử dụng đúng ký hiệu: "Rất tốt. Amon quả thực được tượng trưng bởi hình một người đàn ông có đầu cừu đực, và thói giăng hoa bừa bãi cùng với cặp sừng cong của vị thần này liên quan đến một từ lóng chỉ về quan hệ tình dục trong thời kỳ hiện đại của chúng ta "cứng sừng".

"Tôi không đùa chứ".

"Không, không đùa", Langdon nói. "Và anh có biết ai là vợ của Amon không? Nữ thần phồn thực Ai Cập?".

Đáp lại câu hỏi là mấy giây im lặng.

"Đó là Isis", Langdon cho họ biết, cầm lấy một chiếc bút dầu.

"Vậy là chúng ta có nam thần Amon", ông viết cái tên ấy, "và nữ thần Isis, tên tượng hình cổ của thần đã từng được gọỉ là LISA".

Langdon kết thúc dòng chữ và bước lùi lại khỏi máy chiếu.

AMON LISA.

"Có gợi ra cái gì không?" ông hỏi.

"Mona Lisa… Ôi chao quỷ thần!" Ai đó há hốc miệng.

Langdon gật đầu: "Thưa quý vị, không chỉ khuôn mặt của Mona Lisa trông có vẻ lưỡng tính mà tên của nàng cũng là một anagram của sự hợp nhất thần thánh giữa đàn ông và đàn bà.

Và thưa các bạn, đó là bí mật nho nhỏ của Da Vinci, và lý do cho nụ cười ra cái điều ta đây biết thừa của Mona Lisa".

***

"Ông tôi đã ở đây", Sophie nói, đột ngột quỳ sụp xuống, chỉ cách bức Mona Lisa chừng ba mét. Cô thử chiếu đèn tia tử ngoại vào một điểm trên sàn gỗ.

Đầu tiên Langdon chẳng nhìn thấy gì. Rồi khi quỳ xuống bên cạnh cô ông thấy một chấm nhỏ xíu của một chất lỏng đã khô đang ánh lên. Mực ư? Ông chợt nhớ ra công dụng của đèn tia tử ngoại. Máu. Ông rùng mình. Sophie đã đúng. Jacque Saunière quả đã đến thăm Mona Lisa trước khi chết.

"Ông ắt đã không đến đây nếu không có lý do", Sophie thì thầm, đứng dậy. "Tôi biết, ông để lại một lời nhắn cho tôi ở đây". Nhanh chóng sải những bước cuối tới bức Mona Lisa, cô rọi sáng phần sàn ngay trước bức tranh. Cô lia đi lia lại ánh đèn trong khoảng đó.

"Chẳng có gì ở đây cả".

Chính lúc đó, Langdon nhìn thấy lờ mờ một ánh phớt tím trên tấm kính bảo vệ bức Mona Lisa. Cúi xuống, ông nắm cổ tay Sophie rồi chầm chậm hướng chiếc đèn về phía bức tranh.

Cả hai sững lại.

Trên mặt kính, một dòng chữ tim tím sáng lên, nguệch ngoạc ngang qua khuôn mặt của Mona Lisa.

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: căn phòng không thể đột nhập.

(2) Nhân vật thần thoại Hy Lạp, sứ giả của các thần ở Olympus, đồng nhất với thần Mercure của La Mã, gian díu với nữ thần Aphrodite

(3) Nữ thần tình yêu Hy Lạp (đồng nhất với Venus của La Mã) bạn tình của nhiều người trong đó có Hermes, sinh con gái với thần này đặt tên là Hermaphrodite

MẬT MÃ DA VINCI
Chương 24

Ngồi ở bàn của Sauniere, trung uý Collet áp chặt điiện thoại vào tai, bán tín bán nghi. Mình có nghe đúng ý Fache không nhỉ? "Một bánh xà phòng? Nhưng làm thế nào mà Langdon có thể biết được về thiết bị GPS".

"Sophie Neveu" Fache đáp, "Cô ta đã nói cho ông ta".

"Cái gì? Tại sao?".

"Câu hỏi hay đấy, nhưng tôi vừa mới nghe một đoạn ghi âm chứng tỏ cô ta đã mách nước cho ông ta".

Collet im lặng. Neveu nghĩ gì mà hành động kì thế nhỉ? Fache đã có bằng chứng rằng Sophie đã can thiệp vào một đặc vụ của DCPJ? Sophie Neveu sẽ không chỉ bị sa thải, cô ta sẽ phải vào tù. "Nhưng thưa đại uý… vậy thì Langdon bây giờ ở đâu?".

"Có chuông báo động nào ở đó kêu không?".

"Không. Thưa đại uý".

"Và không có ai đi ra từ dưới cổng Hành Lang Lớn?".

"Không. Chúng tôi đã cử một nhân viên an ninh của bảo tàng Louvre giám sát ở cổng chính như sếp yêu cầu".

"Được Langdon chắc vẫn còn ở trong Hành Lang Lớn".

"Trong đó ạ? Những ông ta đang làm gì?".

"Cậu nhân viên bảo vệ bảo tàng Lourve có được trang bị vũ khí không đấy?".

"Có, thưa ngài. Anh ta là đội trưởng đội bảo vệ".

"Cử anh ta vào trong đó", Fache ra lệnh. "Tôi không thể đưa quân đến đó trong vài phút được, và tôi không muốn Langdon mở được một đường ra". Fache ngừng lại. "Và anh nên nói với cậu bảo vệ là nhân viên Neveu có lẽ vẫn còn ở trong đó với ông ta".

"Tôi nghĩ nhân viên Neveu đã rời khỏi đó rồi".

"Anh thật sự trông thấy cô ta đi khỏi hả?".

"Không, thưa đại uý, nhưng…".

"Vậy đó cũng không ai ở đó nhìn thấy cô ta đi khỏi. Họ chỉ nhìn thấy cô ta đi vào thôi".

Sự táo tợn của Sophie làm cho Collet sửng sốt. Cô ấy vẫn còn ở trong tòa nhà này ư?

"Giải quyết chuyện đó đi", Fache ra lệnh. "Tôi muốn Langdon và Neveu bị bắt khi tôi quay trở lại".

Khi chiếc xe tải Trailor chuyển bánh đi khỏi, Đại uý Fache tập hợp quân. Robert Langdon tối nay đã chứng tỏ mình là một con mồi thoắt ẩn thoắt hiện, và với sự giúp đỡ của nhân viên Neveu, ông ta sẽ càng khó dồn bắt hơn dự kiến.

Fache quyết định sẽ không khinh suất.

Bắt cá hai tay, ông ta ra lệnh cho nửa số quân quay lại khu vực của bảo tàng Louvre. Nửa còn lại đi đến nơi duy nhất của Paris mà Robert Langdon có thể tìm thấy chỗ trú chân an toàn.

Trong Sall des Etats, Langdon kinh ngạc nhìn chằm chằm vào dòng chữ(1) phát sáng trên mặt kính Plexiglas. Dòng chữ như rập rờn trong không gian, hắt một vệt bóng lô xô cắt ngang nụ cười bí ẩn của Mona Lisa.

"Tu viện Sion", Langdon thì thầm. "Điều này chứng tỏ ông cô là một thành viên của hội này!".

Sophie nhìn ông hoang mang: "Ông hiểu điều này?".

"Bằng chứng rõ ràng", Langdon nói, gật đầu trong khi những ý nghĩ chộn rộn trong đầu ông. "Đây là tuyên ngôn của một trong những triết lý cơ bản nhất của Tu viện Sion!".

Sophie nom bối rối ra mặt trong ánh phát quang của lời nhắn nguệch ngoạc ngang mặt Mona Lisa.

TRÒ LỪA BỊP ĐEN TỐI CỦA CON NGƯỜI

"Sophie", Langdon nói, "truyền thống duy trì sự tôn thờ các nữ thần của Tu viện Sion dựa trên lòng tin là những người có thế lực của Nhà Thờ Thiên chúa giáo thời xa xưa đã "lừa bịp" cả thế giới, bằng cách truyền bá những lời nói dối hạ phẩm giá của nữ giới, khiến cán cân nghiêng về phía nam giới".

Sophie vẫn đứng im lặng, nhìn chằm chằm vào dòng chữ.

"Tu viện Sion tin rằng Constantine và những người nam kế tục ông ta đã cải giáo thành công thế giới từ chế độ mẫu hệ ngoại giáo sang chế độ Cơ đốc giáo phụ hệ bằng cách phát động một chiến dịch tuyên truyền, biến những tính nữ linh thiêng thành ma quỷ, xoá sạch vĩnh viễn những nữ thần khỏi tôn giáo hiện đại".

Sophie phân vân ra mặt: "Ông tôi bảo tôi đến đây để tìm kiếm thứ này. Hẳn là ông tôi đang cố nói với tôi hơn thế!".

Langdon hiểu cô muốn nói gì. Cô nghĩ rằng đây là một mật mã khác. Liệu có một ý nghĩa ẩn giấu hay không, Langdon không thể ngay lập tức trả lời câu hỏi đó. Đầu óc ông vẫn đang đánh vật với sự rõ ràng táo tợn nơi bề ngoài lời nhắn của ông Saunière.

Trò bịp đen tối của con người, ông nghĩ. Quả thật là đen tối.

Không ai có thể phủ nhận điều tốt lành lớn lao mà Nhà Thờ hiện đại đã làm được trong thế giới hỗn độn ngày nay, nhưng chính Nhà Thờ ấy lại có một lịch sử đầy bạo lực và dối trá.

Cuộc thập tự chinh tàn bạo của họ để "cải tạo"những ngoại giáo và những tôn giáo thờ nữ thần đã xuyên qua ba thế kỉ, sử dụng những phương pháp đầy sáng tạo nhưng không kém phần Tòa án Dị giáo Cơ đốc đã xuất bản một cuốn sách có thể gọi là ấn phẩm đẫm máu nhất trong lịch sử loài người. "Malleus maleficarum hay Búa của bọn nữ thù thuỷ thuyết giáo thế giới về "những mối nguy hiểm của đám phụ nữ tự do tư tưởng và chỉ thị cho giới tu sĩ phải tìm cho ra, tra tấn và tiêu diệt họ. Những người bị Nhà Thờ coi là "phù thuỷ" bao gồm tất cả các nữ học giả, các nữ tu, đám di-gan, đám thần bí, những kẻ tôn thờ thiên nhiên, tìm hái dược thảo và bất kỳ phụ nữ nào "hoà hợp một cách đáng ngờ với thế giới tự nhiên". Các bà đỡ cũng bị giết vì tội thực hành dị giáo khi sử dụng những hiểu biết y học để làm dịu những cơn đau đớn khi sinh nở một sự đau đớn mà Nhà Thờ khẳng định là hình phạt thích đáng của Chúa về việc Eva ăn vụng trái cấm, sinh ra ý niệm Tội Tổ Tông Truyền. Trong suốt ba trăm năm săn tìm phù thuỷ, Nhà Thờ đã xử trên dàn thiêu một con số kinh hoàng là năm triệu phụ nữ.

Tuyên truyền và biển máu đã có hiệu quả.

Thế giới ngày nay là bằng chứng sống.

Nữ giới, xưa đã từng được tôn vinh như là một phần nửa chủ yếu của linh tuệ, giờ bị trục xuất khỏi những đền thờ của cả thế giới. Không hề có một giáo sĩ Do Thái dòng chính thống là nữ không có nữ tu Thiên Chúa giáo La Mã, không có cả những nữ giáo sĩ đạo Hồi. Hành động Hiaros Gamos - sự giao hợp tự nhiên giữa đàn ông và dàn bà, qua đó mỗi người trở nên toàn vẹn về tinh thần - trước kia từng là thiêng liêng nay bị bóp méo thành một hành động ô nhục. Những con người thánh thiện xưa từng coi việc hợp cẩn với người nữ của họ như một yêu cầu để hiệp thông với Chúa, giờ lại sợ những xung động tình dục tự nhiên của mình như là tác động của quỷ dữ hiệp đồng với kẻ đồng lõa hoàn hảo của nó… đàn bà.

Cả đến tính nữ gắn liền với bên trái cũng không thoát khỏi sự phỉ báng của Nhà Thờ. Ở Pháp và Ý, những từ để chỉ bên trái như gauche và sinistra đều mang những hàm nghĩa tiêu cực sâu sắc trong khi những phần tương ứng bên phải lại gợi lên hàm ý về lẽ phải, sự khéo léo và đúng đắn. Đến tận ngày nay, tư tưởng cấp tiến vẫn còn bị coi là cánh tả và bất cứ thứ gì xấu xa đều bi gọi là sinistrer.

Thời đại của nữ thần đã chấm dứt. Quả lắc đã đu đưa. Mẹ Đất đã trở thành một thế giới của đàn ông, thần phá huỷ và thần chiến tranh đang làm công việc của họ. Bản ngã nam đã qua hai thiên niên kỷ liền không bị phái nữ kiềm chế. Tu viện Sion tin rằng chính sự xóa bỏ tính nữ linh thiêng này trong cuộc sống hiện đại đã gây ra cái mà thổ dân Hopi tại Mỹ gọi là koy-anisquasti - "đời sống mất cân bằng" một tình trạng không ổn định với những đặc điểm: chiến tranh đầy nam tính, quá nhiều xã hội căm ghét phụ nữ và sự bất kính ngày càng tăng đối với Mẹ Đất.

"Robert!" Sophie nói, tiếng thì thầm của cô kéo ông trở lại với thực tại, "có ai đó đang đến!".

Ông nghe thấy tiếng bước chân đang tiến lại gần ngoài hành lang.

"Lại đây!", Sophie tắt đèn tử ngoại và dường như bốc hơi trước mắt Langdon.

Trong một khoảnh khắc, ông hoàn toàn không thấy gì. Lại đâu? Khi quen mắt dần, ông nhìn thấy bóng Sophie chạy vụt về giữa căn phòng và cúi xuống khuất tầm nhìn sau chiếc đi văng hình bát giác. Ông đang định lao tới đằng sau cô thì một giọng vang lên làm ông sững lại.

"Arrêtez"(2) . Một người đàn ông từ cửa ra vào ra lệnh.

Nhân viên an ninh bảo tàng Louvre bước qua cửa phòng Salle des Etats, súng lục giương thẳng, ngắm đúng ngực Langdon.

Langdon cảm thấy cánh tay ông giơ lên trần nhà theo bản năng.

"Couchez-vous"(3). Người bảo vệ ra lệnh: "Nằm xuống!".

Trong vài giây, Langdon đã úp xấp mặt xuống sàn. Người bảo vệ chạy đến, đá mạnh làm chân Langdon dạng ra.

"Mausvaise idée(4), ông Langdon". Anh ta nói, dí mạnh khẩu súng vào lưng Langdon, "Mauvaise idée".

Úp mặt trên sàn gỗ, tay chân dang thẳng, Langdon cảm thấy một chút khôi hài trong cái tư thế mỉa mai của mình. Người Vitruvian, ông nghĩ. Nằm sấp.

Chú thích:

(1) Trong nguyên bản là sáu chữ, nhưng chuyển sang tiếng Việt phải tám chữ mới lọn nghĩa, nên chúng tôi để dòng chữ cho khỏi trật

(2) Tiếng Pháp trong nguyên ban: Đứng lại.

(3) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Nằm xuống.

(4) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Ý tưởng tồi, "tối" kiến.

MẬT MÃ DA VINCI
Chương 25

Bên trong nhà thờ Sant-Sulpice, Pilas lấy một cái chân nến thờ bằng sắt, khá nặng từ trên ban thờ, rồi quay về chỗ đài tưởng niệm. Cái này dùng như kiểu trụ phá thành sẽ tốt đây. Quan sát viên đá hoa cương màu xám che phủ cái hố dưới sàn, hắn nhận ra rằng chắc chắn không thể phá vỡ nó mà không gây tiếng động ầm ĩ.

Sắt nện lên đá hoa cương, tiếng sẽ dội lên trần mái vòm.

Liệu bà xơ có nghe thấy không nhỉ? Lúc này bà ta nên ngủ say mới phải. Thậm chí nếu đúng thế, đó cũng là một cú may rủi mà Silas không muốn đánh liều. Nhìn quanh để kiếm một mảnh vải bọc đầu thanh sắt, hắn chẳng thấy gì ngoài tấm vải lanh phủ bàn thờ mà hắn không muốn làm ô uế. Áo tu sĩ của mình, hắn nghĩ. Biết rằng có một mình hắn trong toà nhà thờ đồ sộ Silas cới áo chùng cho nó rơi tuột xuống đất. Khi cởi bỏ áo, hắn cảm thấy nhói một cái vì lần lót bằng len dính vào những vết thương mới trên lưng hắn.

Lúc này chẳng mặc gì ngoài chiếc khố quanh thắt lưng, Silas quấn chiếc áo chùng vào đầu thanh sắt. Rồi nhắm chính giữa viên đá lát sàn, hắn thục cái đầu quấn vải vào đó. Một tiếng bịch. Viên đá chưa vỡ. Hắn làm lại lần nữa. Lại một tiếng bịch, nhưng lần này kèm theo một tiếng nứt ran. Lần đập thứ ba, cái nắp đậy ấy rốt cuộc cũng vỡ tan, và những mảnh đá vụn rơi xuơng một khoảng trống dưới sàn.

Một khoang rỗng!

Nhanh chóng cậy nốt những mảnh còn lại khỏi lỗ hổng, Silas nhìn sâu vào trong khoảng trống. Máu hắn giần giật khi hắn quỳ xuống trước nó. Hắn đưa cánh tay trần trắng nhợt với vào bên trong.

Thoạt đầu, hắn chẳng sờ thấy gì cả. Đáy khoang là đá nhẵn trống trơn. Rồi, mần mò sâu hơn, vươn cánh tay xuống dưới Đường Hoa Hồng, hắn chạm vào vật gì đó. Một phiến đá dầy dặn. Vòng những ngón tay quanh rìa phiến đá, hắn nắm lấy nó và nhẹ nhàng nâng nó ra ngoài. Khi đứng lên và kiểm tra vật tìm thấy, hắn nhận thấy mình đang cầm trên tay một phiến đá được đẽo gọt thô sơ với mấy chữ khắc. Trong một khoảnh khắc, hắn cảm thấy như mình là Moses thời hiện đại.

Khi Silas đọc những chữ trên phiến đá, hắn cảm thấy bất ngờ. Hắn đã chờ đợi viên đá đỉnh vòm là một tấm bản đồ, hay một chuỗi chỉ dẫn phức tạp, thậm chí được mã hóa. Vậy mà viên đá đỉnh vòm lại chỉ mang những kí tự đơn giản nhất.

Job 38:11

Một câu trong Kinh Thánh? Silas ngớ ra với sự đơn giản quỷ quyệt này. Vị trí bí mật của vật họ tìm kiếm được hé lộ trong một câu Kinh Thánh sao? Cái hội kín này không từ bất cứ điều gì để giễu cợt những người chính trực!

Sách Job. Chương ba mươi tám. Câu mười một.

Mặc dầu Silas không nhớ chính xác nội dung câu kinh mười một, nhưng hắn biết Sách Job có kể một câu chuyện về một người đàn ông vẫn giữ nguyên vẹn lòng tin vào Chúa sau những thứ thách liên miên. Thật phù hợp, hắn hầu như không thể kiềm chế nổi sự háo hức.

Ngoái qua vai mình, hắn nhìn theo Đường Hoa Hồng lung linh và không nén nổi một nụ cười. Trên bàn thờ chính, dựa vào một giá sách mạ vàng, là một cuốn Kinh Thánh to tướng đóng bìa da để mở.

Đứng trên ban công, Xơ Sandnne run lên. Vài phút trước đó, bà đã toan chạy đi và thi hành lệnh thì gã đàn ông dưới kia đột nhiên cởi chiếc áo chùng. Nhìn thấy da thịt trắng bệch như thạch cao của gã, bà bỗng bị ngợp trong một cảm giác hoang mang kinh hãi. Tấm lưng trắng bệch của gã đầy những vết rách rỉ máu. Ngay cả từ đây, bà cũng có thể thấy là những vết thương đó còn mới.

Người này đã bị quất bằng roi một cách tàn nhẫn!

Bà cũng thấy chiếc dây lưng hành xác đẫm máu quấn quanh dùi gã, vết thương bên dưới nó còn đang nhỏ máu. Chía Trời nào cũng muốn một thân thể bị trèng phạp cách này chứ. Xơ Sandrine biết, những nghi lễ Opus Dei không phải là điều mà bà có thể hiểu được. Nhưng lúc này, bà chả mấy quan tâm đến điều đó.

Opus Dei đang tìm viên đá đỉnh vòm. Làm thế nào mà họ biết về nó, Xơ Sandrine không thể hình dung được, mặc dù bà biết mình không còn thời gian để suy nghĩ nữa.

Lúc này, gã thầy tu người đầy máu lặng lẽ khoác áo chùng trở lại, nắm chặt vật báu vừa lấy được, hắn tiến về phía bàn thờ, phía cuốn Kinh Thánh.

Trong sự im lặng đến nghẹt thở, Xơ Sandrine rới ban công và chạy nhanh xuôi hành lang về phòng mình. Bò trên nền nhà, bà với tay vào dưới gầm giường ngủ bằng gỗ, lôi ra một phong bì vẫn còn nguyên dấu xi mà bà đã giấu kín cách đây ba năm.

Xé nó ra, bà thấy bốn số điện thoại ở Paris.

Run rẩy, bà bắt đầu quay số.

***

Ở dưới nhà, Silas đặt tấm đá lên bàn thờ và hướng những ngón tay hăm hở của hắn ta về phía cuốn Kinh Thánh bìa da. Những ngón tay dài trắng nhợt toát mồ hôi khi hắn lần giờ các trang Kinh Thánh. Lật phần kinh Cựu ước, hắn tìm thấy Sách Job.

Hắn tìm đến chương ba mươi tám. Khi đưa ngón tay chạy dọc theo cột chữ, hắn tiên cảm trước những từ mà hắn sắp đọc.

Chúng sẽ dẫn đường.

Tìm thấy câu mười một, Silas đọc. Chỉ có độc bẩy tử. Bối rối, hắn đọc lại, cảm thấy có một cái gì đó sai thật khủng khiếp.

Câu kinh vẻn vẹn có thể này.

NGƯƠI SẼ CHỈ TỚI ĐƯỢC ĐÂY THÔI.

Nhân viên an ninh Clause Grouard giận sôi lên khi đứng nhìn xuống tên tù binh nằm sõng xoài phía trước bức Mona Lisa. Tên khốn kiếp này đã giết ông Jacque Saunière! Saunière giống như một người cha vô cùng thân yêu với Grouard và đội bảo vệ của anh.

Grouard không muốn gì hơn là xiết cò súng và bắn một viên đạn vào lưng Robert Langdon. Với tư cách là đội trưởng đội bảo vệ, Grouard là một trong số ít những bảo vệ thực sự được trang bị vũ khí. Tuy nhiên, Grouard tự nhắc mình rằng giết Langdon sẽ là một ân huệ lớn của số phận so với sự khốn khổ mà Bezu Fache và hệ thống nhà tù Pháp ban tặng cho hắn ta.

Grouard rút chiếc máy bộ đàm ra khỏi thắt lưng và cố gắng liên lạc để tìm sự hỗ trợ. Nhưng tất cả những gì anh nghe được chỉ là tiếng nhiếu sóng tạp âm. Hệ thống an ninh điện tử bổ trợ của phòng này luôn làm cho những phương tiện liên lạc của cánh bảo vệ nhiễu sóng. Mình phải ra cửa thôi. Vẫn chĩa súng về phía Langdon, Grouard bắt đầu lùi chầm chậm về phía lối ra. Lùi đến bước thứ ba, anh chợt thấy một cái gì khiến anh dừng phắt lại.

Cái quái quỷ gì thế này!

Một ảo ảnh không thể giải thích được hiện ra ở gần phần trung tâm của căn phòng. Một bóng người. Có ai đó nữa trong căn phòng này? Một phụ nữ đang di chuyển trong bóng tối, bước rất nhanh về bức tường bên trái phía xa. Phía trước cô ta, một ánh sáng màu tím nhạt lướt qua lướt lại trên sàn, như thể cô đang tìm một cái gì đó với cái đèn tín hiệu ấy.

"Qui est là?"(1) . Grouard hỏi, cảm thấy khích động lần thứ hai. Chỉ trong ba mươi giây vừa qua thôi. Đột nhiên anh không biết phải nhằm súng vào đâu hay phải di chuyển theo hướng nào.

"PTS đây", người phụ nữ bình tĩnh đáp, vẫn cầm đèn dò tìm trên sàn nhà.

Cảnh sát khoa học công nghệ. Bây giờ thì Grouard đang toát mồ hôi. Mình tưởng tất cả các nhân viên cảnh sát đều rời khỏi đây rồi chứ. Lúc này, anh nhận ra ánh sáng màu tía kia là tia cực tím, gắn liền với đội PTS, nhưng anh không hiểu tại sao DCPJ lại tìm chứng cứ ở đây.

"Votre nom!"(2) . Grouard kêu lên, linh tính nói cho anh biết có cái gì đó trật lấc, "Repondez"(3) .

"C est moi"(4) , giọng nói đáp trả bằng một thứ tiếng Pháp bình tĩnh, "Sophie Neveu".

Ở nơi nào đó trong sâu thắm tiềm thức của Grouard, cái tên này đã được ghi nhớ. Sophie Neveu à? Đó là cái tên cô cháu gái của ông Saunière, phải không nhỉ? Cô ấy từng đến đây khi còn bé xíu, nhưng đã bao năm rồi. Đây không thể là cô ấy được! Và thậm chí nếu đúng là Sophie Neveu thì cũng khó mà coi đó là một lý do để tin cô ta được. Grouard đã nghe những tin đồn về cuộc xung đột đau buồn giữa ông Saunière và cô cháu gái.

"Anh biết tôi mà", người phụ nữ lên tiếng. "Còn Robert Langdon thì không giết ông tôi. Xin hãy tin tôi".

Cảnh vệ Grouard không sẵn sàng lấy đó làm tin. "Mình phải hỗ trợ!". Cố gắng liên lạc qua bộ đàm một lần nữa, anh vẫn chỉ thấy tiếng nhiễu sóng. Cửa ra vào còn cách cả hai chục mét về phía sau và Grouard bắt đầu lùi dần, chọn cách chĩa họng súng vào người đàn ông nằm dưới sàn. Khi Grouard nhích từng phân một về phía sau, anh có thể thấy người phụ nữ ở đầu kia phòng, đang giơ chiếc đèn chiếu tia tử ngoại xem xét rất kỹ bức tranh lớn treo trên bức tường đối diện với bức Mona Lisa.

Grouard há hốc mồm, nhận ra nó là bức tranh nào.

Lạy Chúa, cô ta đang làm gì vậy?

Ở đầu kia phòng, Sophie Neveu cảm thấy những giọt mồ hôi lạnh ròng ròng trên trán. Langdon vẫn nằm dang chân dang tay trên sàn. Đợi một chút, Robert. Sắp xong rồi. Biết người bảo vệ, trên thực tế ắt không nổ súng vào cô cũng như Langdon, nên lúc này Sophie chuyển sự chú ý vào vấn đề đang làm cô bận tâm, rà soát toàn bộ khu vực xung quanh một kiệt tác cụ thể - một kiệt tác khác của Da Vinci. Nhưng chiếc đèn chiếu tia cực tím này chẳng phát hiện ra điều gì bất bình thường. Cả ở trên sàn, trên tường, hay thậm chí trên chính bức tranh, đều chắng thấy gì.

Hẳn phải có một cái gì đó ở đây chứ!

Sophie cảm thấy hoàn toàn chắc chắn rằng cô đã đọc đúng ý định của ông cô.

Ông còn có thể có ý định gì khác?

Kiệt tác mà cô đang xem xét là một tấm toan cao khoảng mét rưỡi. Quang cảnh lạ lùng mà Da Vinci tạo ra bao gồm Đức Mẹ đồng trinh Mary ngồi với Chúa hài đồng Jesus, John Người rửa tội và thiên thần Uriel trên một rìa đá chênh vênh. Khi Sophie còn nhỏ, không một chuyến viếng thăm Mona Lisa nào được hoàn tất mà ông cô không kéo cô ngang qua căn phòng để xem bức tranh thứ hai này.

"Ông ơi, cháu đang ở đây! Nhưng cháu không nhìn thấy nó!".

Phía sau cô, Sophie thấy người gác đang cố gọi điện đài xin chi viện.

Hãy nghĩ đi!

Cô hình dung lại lời nhắn viết nguệch ngoạc trên tấm kính bảo vệ của bức Mona Lisa. Trò lừa bịp đen tối của con người! Bức hoạ trước cô không có kính bảo vệ để có thể viết tin nhắn lên đó và Sophie biết ông cô ắt không đời nào nỡ làm hỏng bức kiệt tác này bằng cách viết thẳng lên mặt tranh. Cô dừng lại.

Chí ít cũng không phải ở mặt trước. Cô lia mắt lên, nhìn dọc sợi dây cáp dùng để treo bức hoạ.

Liệu có thể là cái này không? Nắm lấy cạnh trái của khung tranh bằng gỗ, cô kéo về phía mình. Bức hoạ có khổ lớn và mặt sau kênh ra khi cô giựt nó khỏi tường. Sophie luồn đầu và cả vai vào phía sau của bức hoạ và dùng chiếc đèn tia cực tím đế kiểm tra mặt sau.

Chỉ mất vài giây để Sophie nhận ra là bản năng của mình đã lầm. Mặt sau bức hoạ trống trơn. Chẳng thấy chữ tím hiện dưới tia tử ngoại, chỉ có nền nâu loang lổ của vải toan dãi dầu qua năm tháng và…

Khoan.

Mắt Sophie dán chặt vào một tia lấp lánh của kim loại lạc lõng ở gần mép dưới của khung tranh bằng gỗ. Vật đó rất nhỏ, được nhét một phần vào cái khe giữa vải toan với khung. Một sợi dây bằng vàng được gắn với nó.

Sophie cực kỳ kinh ngạc khi thấy sợi dây được gắn với một chiếc chìa khoá bằng vàng trông rất quen. Đầu chìa chạm khắc, to bản có hình cây thánh giá và mang dấu triện khắc chìm mà cô đã không thấy lại từ hồi chín tuổi. Một bông hoa huệ với chữ viết tắt P.S. Lúc này, Sophie cảm thấy như vong hồn của người ông đang nói thầm vào tai cô. Đến thì đến lúc, chiếc chìa khoá sẽ là của cháu. Cổ họng cô nghẹn lại khi nhận ra rằng ông mình ngay cả trong cái chết vẫn gắng giữ lời hứa với cô. Chiếc chìa khoá này là để mở một cái hộp, giọng ông đang vang lên, nơi ông giữ nhiều bí mật.

Giờ đây, Sophie đã nhận ra rằng toàn bộ mục đích của trò đố chứ tối nay chính là chiếc chìa khoá này. Ông cô đã mang nó theo mình khi ông bị giết. Vì không muốn nó rơi vào tay cảnh sát, ông đã giấu nó sau bức hoạ này. Rồi ông bày ra trò săn tìm kho báu tài tình này để đảm bảo chỉ Sophie có thể tìm ra nó.

"Au secours!"(5) giọng người gác la lên.

Sophie giật chiếc chìa khoá từ sau bức hoạ và luồn nó vào sâu trong túi áo cùng với chiếc đèn tia cực tím. Nhìn từ sau bức hoạ, cô có thể thấy người bảo vệ vẫn đang cố gắng một cách tuyệt vọng để bắt liên lạc với ai đó thông qua bộ đàm. Anh đang lùi dần về phía lối ra, vẫn kiên quyết chĩa mũi súng vào Langdon.

"Au secours!" Anh ta lại hét vào máy bộ đàm.

Vẫn chỉ lạo xạo tạp âm.

Anh ta không liên lạc được, Sophie nhận ra, cô nhớ rằng các khách tham quan có điện thoại di động ở đây thường tức phát điên lên khi họ muốn gọi điện về nhà để khoe rằng họ đang chiêm ngưỡng Mona Lisa. Đường dây giám sát tăng cường bên trong các bức tường đã làm cho căn phòng hoàn toàn không thể truyền tin nếu không bước ra khỏi cửa. Lúc này, người bảo vệ đang lùi nhanh về phía cửa ra vào, và Sophie biết rằng cô phải hành động ngay lập tức.

Nhìn lên bức tranh lớn mà cô đang nép nửa người sau nó, Sophie nhận ra rằng Leonardo Da Vinci, lần thứ hai trong buổi tối hôm nay, lại giúp đỡ cô.

***

Chỉ còn vài mét nữa thôi. Grouard tự nói với mình, vẫn giữ chắc "Arrêtez! Ou je la détruis"(6). Giọng người phụ nữ vang lên khắp căn phòng.

Grouard liếc về phía cô và dừng phắt lại: "Mon dieu, non!"(7).

Qua vầng sáng đo đỏ mờ ảo, anh có thể nhìn thấy người phụ nữ đang thực sự nhấc bức tranh khỏi cáp treo và dựng đứng nó trên sàn trước mặt cô. Với chiều cao mét rưỡi, bức vẽ hầu như hoàn toàn che lấp thân hình cô. Ý nghĩ đầu tiên của Grouard là thắc mắc tại sao, dây treo tranh không khởi động hệ thống báo động, nhưng tất nhiên tối nay những thiết bị cảm biến chưa được mở lại. Cô ta đang làm gì vậy?

Khi nhìn thấy điều đó, anh lạnh cả máu.

Tấm toan bắt đầu phồng lên ở giữa và đường viền mỏng manh của hình Đức Mẹ đồng trinh Maria, Chúa hài đồng Jesus và John Người rửa tội bắt đầu méo mó.

"Không?" Grouard thét lên, cứng người vì kinh hãi khi nhìn bức tranh vô giá của Da Vinci dãn ra. Từ phía sau, người phụ nữ thúc đầu gối vào giữa tấm toan! "NON!".

Grouard cuống cuồng chạy đến và nhằm khẩu súng trên tay về phía cô nhưng ngay lập tức nhận ra rằng đó là một sự đe doạ suông. Tấm toan chỉ là vải bố, nhưng lại hoàn toàn bất khả xâm phạm. Một áo giáp sáu triệu dollar.

Mình không thể bắn xuyên qua một tác phẩm của Da Vinci được!

"Đặt súng và máy bộ đàm xuống!", người phụ nữ nói bằng một thứ tiếng Pháp bình tĩnh, "kẻo tôi sẽ thúc đầu gối xuyên thủng bức tranh đấy. Tôi nghĩ anh biết ông tôi sẽ cảm thấy thế nào về điều này".

Grouard cảm thấy choáng váng: "Làm ơn… đừng. Đó là bức Đức Mẹ trên núi đá!". Anh đặt khẩu súng và máy bộ đàm xuống, giơ hai tay lên đầu.

"Cảm ơn", người phụ nữ nói, "bây giờ hãy làm đúng như tôi nói, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp thôi".

***

Một lúc sau, mạch máu Langdon vẫn còn đập dồn dập khi ông chạy bên cạnh Sophie xuống cầu thang thoát hiểm về phía tầng hầm. Không ai nói một lời nào kể từ lúc bỏ người bảo vệ run rẩy nằm lại trong Salle des Etats của bảo tàng Louvre. Khẩu súng lục của người bảo vệ này đang nằm trong bàn tay riết chặt của Langdon và ông rất nóng lòng muốn vứt bỏ nó. Thứ vũ khí này sao mà nặng nề và xa lạ một cách nguy hiểm.

Nhảy hai bậc một xuống cầu thang, Langdon tự hỏi liệu Sophie có biết mình đã suýt huỷ hoại một bức tranh quý đến thế nào không. Sự chọn lựa của cô về nghệ thuật có vẻ phù hợp một cách dễ sợ với cuộc phiêu lưu đêm nay. Cũng như Mona Lisa, tác phẩm của Da Vinci mà cô vừa túm lấy rất nổi tiếng trong giới lịch sử nghệ thuật về sự tràn ngập những biểu tượng ngoại giáo được ẩn giấu trong đó.

"Cô đã chọn một con tin vô cùng giá trị đấy", ông vừa nói vừa chạy.

"Madonna of the Rocks", cô đáp lại, "nhưng tôi không chọn nó mà ông tôi đã chọn nó. Ông để lại cho tôi một thứ gì đó đằng sau bức tranh".

Langdon giật mình nhìn vào cô: "Cái gì cơ? Nhưng làm sao cô biết bức tranh nào, tại sao lại là Madonna of the Rocks?".

So dark the con of man (Trò lừa bịp đen tối của con người).

Cô nở một nụ cười đắc thắng. "Tôi đã không đoán được hai anagram đầu tiên, Robert. Và tôi không muốn trượt nốt câu thứ ba".

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Ai đó?

(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Tên cô?

(3) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Trả lời đi!

(4) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Tôi đây.

(5) Tiếng Pháp trong nguyên bản: tiếng hô cầu cứu.

(6) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Dừng lại! Kẻo tôi phá huỷ nó (bức tranh này).

(7) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Chúa ơi, không!

MẬT MÃ DA VINCI
Chương 26

"Họ chết cả rồi". Xơ Sandarine nói lắp bắp vào điện thoại trong căn phòng ở nhà thờ Saint-Sulpice. Bà để lại một lời nhắn ở một máy trả lời tự động: "Làm ơn cầm máy! Họ chết cả rồi!".

Ba số điện thoại đầu tiên trong danh sách đều mang đến những kết quả hãi hùng một quả phụ lên cơn thần kinh, một thám tử làm việc muộn tại hiện trường vụ giết người và một linh mục buồn bã đang an ủi một gia đình mất mát. Cả ba người cần liên hệ đều đã chết. Và giờ đây, khi bà gọi số điện thoại thứ tư, số cuối cùng bà không được phép gọi số này trừ phi không thể liên lạc được với ba người đầu tiên kia bà nghe thấy máy trả lời tự động. Người đi vắng không nêu tên, chỉ đơn giản yêu cầu người gọi điện để tin nhắn lại.

"Ô đá nền nhà đó đã bị đập vỡ!" bà phân vua khi để lại tin nhắn. "Ba người kia đã chết".

Xơ Sandrine không biết gì về nhân thân của bốn người đàn ông mà bà bảo vệ, nhưng những số điện thoại nhà riêng của họ được bà cất giấu dưới giường ngủ chỉ để sử dụng trong một trường hợp duy nhất.

Nếu ô đá nền nhà đó bị đậpvỡ, người liên lạc vô diện mạo đã nói với bà qua điện thoại, điều đó có nghĩa là trên cấp cao đã vỡ một mảng. Một người trong chúng tôi bị cái chết đe doạ và buộc phải thốt ra một lời nói dối tuyệt vọng. Hãy gọi những số điện thoại này. Cảnh báo những người khác. Đừng quên gọi chúng tôi.

Đó là một hồi chuông báo động câm lặng. Rõ rành không thể hiểu sai trong sự đơn giản của nó. Kế hoạch đó đã làm bà ngạc nhiên khi lần đầu tiên bà nghe thấy nó. Nếu nhân thân của một thành viên có nguy cơ bị hại, ông ta có thể nói dối, điều đó sẽ khới động một cơ chế cảnh báo những người khác.

Tuy nhiên đêm nay, hình như có hơn một người bị hại.

"Làm ơn hãy trả lời", bà thì thầm sợ hãi. "Ông ở đâu?".

"Gác điện thoại lên", một giọng trầm vang lên từ cửa ra vào.

Quay lại kinh hãi, bà nhìn thấy gã thầy tu to lớn. Hắn đang nắm chặt cái chân cắm nến bằng sắt nặng. Run rẩy, bà đặt lại ống nghe.

"Họ chết rồi", gã thầy tu nói, "cả bốn người. Và bọn họ đã chơi ta như một thằng ngốc. Hãy nói cho ta biết viên đá đỉnh vòm ở đâu".

"Tôi không biết!" Xơ Sandrine nói thành thực. "Bí mật đó do những người khác canh giữ". Những người khác đã chết.

Gã kia tiến đến, hai bàn tay trắng bệch vẫn nắm chặt chân nến bằng sắt: "Ngươi là một nữ tu của Nhà Thờ, vậy mà ngươi lại phục vụ bọn chúng?".

"Chúa Jesus chỉ có một thông điệp chân chính duy nhất", Xơ Sandrine thách thức. "Ta không thể thấy thông điệp ấy nơi Opus Dei".

Một cơn cuồng nộ đột ngột bùng nổ sau mắt gã tu sĩ. Hắn lao tới, quật cái chân cắm nến xuống giống như quật một chiếc gậy đánh gôn. Khi Xơ Sandrine gục xuống, cảm giác cuối cùng của bà là một thứ linh tính choán ngợp báo trước điều chẳng lành.

Tất cả bốn người đều đã chết.

Sự thật quý giá thế là vĩnh viễn mất.

Chuông báo động ở đầu đằng đông Cánh Denon đã làm những con bồ câu ở Vườn Tuileries gần đó bay tán loạn khi Langdon và Sophie lao khỏi tường ngăn hoà vào đêm Paris. Khi họ chạy qua quảng trường đến chỗ ôtô của Sophie, Langdon có thể nghe thấy còi xe cảnh sát rú ở đằng xa.

"Nó kia", Sophie nói, chỉ tay về phía một chiếc xe hai chỗ mui bẹt màu đỏ đậu ở quảng trường.

Cô ấy đùa, đúng không? Đó có lẽ là chiếc ô tô bé nhất mà Langdon từng thấy.

"Một chiếc SmartCar đấy", cô nói. "Một trăm kilômét mới tốn một lít xăng".

Langdon vừa gieo mình xuống ghế hành khách thì Sophie đã phóng chiếc SmartCar vào một con đường rải sỏi. Ông níu chặt lấy bảng điều khiển khi chiếc xe lao qua vỉa hè rồi chồm lên ngoặt vào bùng binh nhỏ ở chỗ Carrousel du Louvre.

Trong khoảnh khắc, Sophie dường như định đi tắt, cắt ngang bùng binh bằng cách phi thẳng xe qua hàng rào quanh bùng binh trung tâm, rồi cắt ngang thảm cỏ lớn ờ giữa.

"Không?". Langdon hét lên, biết rằng những hàng rào xung quanh Carrousel du Louvre được dựng lên để che cái khoảng trống nguy hiểm ở trung tâm - La Pyramide Inversée cửa trời của Kim tự tháp đảo ngược mà trước đó ông nhìn thấy từ bên trong bảo tàng. Nó đủ rộng để nuốt chửng chiếc xe SmartCar của họ chỉ trong một ngoạm. May mắn thay, Sophie quyết định đi theo một tuyến thông thường hơn, đánh riết tay lái về bên phải, cua đúng cách cho đến khi cô ra khỏi đó, rẽ trái, rồi lao vào làn đường phía bắc, tăng tốc về phía phố Rivoli.

Những hồi còi nhị thanh của xe cảnh sát réo càng ngày càng to sau lưng họ, lúc này Langdon có thể thấy ánh đèn xe cảnh sát trong chiếc gương chiếu hậu phía ghế ngồi của ông. Động cơ chiếc SmartCar rít lên phản đối khi Sophie thúc nó đi khỏi bảo tàng Louvre nhanh hơn. Khoảng năm mươi mét trước mặt, đèn giao thông chuyển sang đỏ ờ phố Rivoli. Sophie rủa thầm và tiếp tục lao về phía đó. Langdon cảm thấy các cơ co chặt lại.

"Sophie!".

Chiếc xe hơi chậm lại chút xíu lúc đến ngã tư, Sophie bật đèn pha rồi liếc nhanh một cái về cả hai ngả trước khi lại dận ga và rẽ trái cắt ngọt qua ngã tư trống trải để đi vào phố Rivoli. Tăng tốc đi theo hướng tây thêm một phần tư dặm nữa, Sophie rẽ phải quành một bùng binh rộng. Chắng mấy chốc họ đã lao nhanh qua phía bên kia trên đại lộ Champs-Elysées thênh thang.

Khi xe chạy thẳng rồi, Langdon mới xoay người trên ghế, nghển cổ nhìn qua cửa sau về phía bảo tàng Louvre. Cảnh sát hình như không săn đuổi họ nữa. Cả một biển nhấp nháy những ánh đèn xanh tập trung ở bảo tàng.

Cuối cùng, nhịp tim của Langdon chậm lại, ông quay về tư thế cũ: "Thật thú vị".

Dường như Sophie không nghe thấy. Mắt cô vẫn dán về phía trước, vào đại lộ Champs-Elysées dài hun hút dãy cửa hàng sang trọng trên suốt hai dặm thường được mệnh danh là Đại lộ Thứ Năm của Paris. Đại sứ quán Mỹ chỉ cách đây khoảng một dặm, và Langdon ngồi ngay ngắn lại trong chiếc ghế của mình.

So dack the con of man (Trò lừa bịp đen tối của con người)

Sự nhanh trí của Sophie thật đáng kinh ngạc.

Madonna of the Rocks.

Sophie đã nói rằng ông cô để lại một cái gì đó sau bức tranh.

Một lời nhắn tối hậu? Langdon không khỏi ngạc nhiên thán phục chỗ cất giấu xuất sắc của Saunière, bức Madonna of the Rocks là một khâu khác ăn khớp trong chuỗi biểu tượng tương liên đêm nay. Saunière dường như từng bườc một khẳng định niềm say mê của ông đối vởi khía cạnh bí ẩn và tinh quái của Leonardo Da Vinci.

Đơn đặt hàng ban đầu cho bức Madonna of the Rockscủa Da Vinci đến từ một tổ chức gọi là Hội Trinh Khiết Hoài Thai, họ cần một bức giữa cho bộ tranh ba tấm đặt ở ban thờ trong nhà thờ San Francesco của họ tại Milan. Các nữ tu sĩ đưa ra cho Leonardo kích thước cụ thể và chủ đề họ mong muốn dành cho bức tranh - Đức Mẹ đồng trinh Mary, thánh John Người rửa tội buồi sơ sinh, Uriel và Chúa hài đồng Jesus nằm trong hang.

Mặc dù Da Vinci đã làm như họ yêu cầu, nhưng khi ông hoàn trả tác phẩm, bọn họ lại phản ứng một cách sợ hãi. Ông đã đưa vào bức tranh đầy những chi tiết bùng nổ và xáo động.

Bức tranh vẽ Đức Mẹ đồng trinh Mary mặc áo choàng xanh ngồi ôm một đứa bé mới sinh, được cho là Chúa hài đồng. Uriel ngồi đối diện với Đức Mẹ đồng trinh Mary, cũng ôm một đứa trẻ, được cho là John - Người rửa tội thủa hài nhi. Thật kỳ lạ, thay vì theo kịch bản Chúa Jesu ban phước cho John như thông thường, ở đây chính John lại là người ban phước cho Jesus… và Chúa Jesus thì đang chịu phép của John! Rắc rối hơn nữa, Đức Mẹ Mary lại giơ cao một tay trên đầu John và thể hiện một cử chỉ doạ nạt rõ ràng - những ngón tay bà trông như móng một con đại bàng đang quắp một cái đầu vô hình. Cuối cùng là hình ảnh đáng sợ nhất và rõ ràng nhất: ngay phía dưới những ngón tay quắp chặt của Đức Mẹ Mary, Uriel đang vung tay làm một động tác cắt - như thể cắt cổ cái đầu vô hình bị quắp bởi những ngón tay giống móng đại bàng của Đức Mẹ Mary.

Những sinh viên của Langdon luôn luôn hứng thú khi biết rằng cuối cùng Da Vinci đã xoa dịu Hội Trinh Khiết Hoài Thai bằng cách vẽ cho họ một phiên bản thứ hai có giảm "đô" của bức Madonna of the Rocks, trong đó mọi nhân vật đều được sắp xếp một cách chính thống hơn. Hiện nay, phiên bản thứ hai này được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia London dưới cái tên Virgin of the Rocks (Đức Mẹ đồng trinh trên núi đá), mặc dầu Langdon vẫn thích bản gốc ở bảo tàng Louvre hơn với tính khác lạ hấp dẫn của nó.

Khi Sophie cho xe phóng trên đại lộ Champs-Elysées, Langdon hỏi: "Bức tranh ấy. Có cái gì đằng sau nó vậy?".

Mắt cô không rời khỏi con đường: "Tôi sẽ cho anh xem khi chúng ta thật sự an toàn trong đại sứ quán".

"Cô sẽ cho tôi xem?" Langdon ngạc nhiên. "Ông ấy để lại cho cô một vật thể?".

Sophie gật đầu: "Với một bông hoa loa kèn và kí tự P.S. chạm nổi".

Langdon không thể tin vào tai mình.

***

Chúng ta sắp thành công, Sophie nghĩ khi lái ngoặt chiếc SmartCar sang phải, xoẹt qua khách sạn Crillon sang trọng, đi vào khu vực ngoại giao của Paris với những hàng cây ven đường. Đại sứ quán còn cách chỗ này chưa đầy một dặm. Cuối cùng, cô cũng cảm thấy như mình có thể hít thở bình lhường trở lại.

Cả trong khi lái xe, đầu óc Sophie vẫn không dứt khỏi chiếc chìa khoá trong túi, hồi ức về chuyện thấy nó bao năm về trước - đầu chìa bằng vàng hình thánh giá bốn cánh bằng nhau, thân chìa hình trụ tam giác, những khía răng cưa, con dấu hình hoa khắc nổi và hai kí tự P.S.

Mặc dầu Sophie hiếm khi nghĩ về chiếc chìa khoá trong bao nhiêu năm qua, nhưng công việc trong một cộng đồng tình báo đã dạy cô nhiều về bảo đảm an toàn, và giờ đây hình chạm khắc lạ thường của chiếc chìa khoá không còn quá huyền bí nữa. Một khuôn đúc biến hoá được gia công bằng tia laze, không thể sao lại được. Thay vì những khía răng cưa xoay lẫy khoá, cái mớ nhằng nhịt những lỗ nhỏ được tạo bởi tia laze của chiếc chìa khoá này sẽ được kiểm tra bằng một mắt thần điện tử. Nếu mắt thần này xác nhận những lỗ hình lục giác đó chuẩn xác về cự ly cách sắp xếp và độ quay vòng thì khoá sẽ được mở.

Sophie không hình dung nổi một chiếc chìa khoá như thế này dùng để mở cái gì, nhưng cô cảm thấy Robert có thể nói cho cô biết. Dù thế nào đi nữa, ông ta đã miêu tả chính xác hình khắc nổi của chiếc chìa khoá mà chưa một lần nhìn thấy nó. Hình thánh giá của đầu chìa chứng tỏ nó thuộc về một tổ chức Thiên chúa giáo nào đó, nhưng Sophie không biết một nhà thờ nào dùng loại chìa khoá với khuôn biến hóa gia công bằng laze.

Với lại, ông mình không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo.

Sophie đã thấy bằng chứng về điều đó cách đây mười năm. Thật mỉa mai, chính là một chiếc chìa khoá khác một chiếc chìa khoá bình thường hơn nhiều đã hé lộ bản chất thực sự của ông cô.

Buổi chiều hôm đó thật ấm áp khi cô hạ cánh xuống sân bay Charles de Claulle và vẫy một chiếc taxi về nhà. Nhìn thấy mình, chắc ông sẽ rất ngạc nhiên, cô nghĩ.. Từ trường cao học bên Anh trở về nghỉ xuân sớm hơn thường lệ, Sophie mong đợi gặp ông và kể cho ông tất cả về các phương pháp giải mã mà cô đang học.

Tuy nhiên, khi cô về đến ngôi nhà ở Paris, ông cô không có ở đó. Thất vọng, cô biết ông không ngờ cô về sớm thế và có lẽ đang làm việc ở bảo tàng Louvre. Nhưng bây giờ là chiều thứ bảy, cô chợt nhận ra. Ông hiếm khi làm việc vào những ngày cuối tuần. Vào cuối tuần, ông thường…

Mỉm cười, Sophie chạy thẳng đến gara. Chắc chắn là không có xe ở đó. Bây giờ là cuối tuần. Ông Jacque Saunière không thích lái xe trong thành phố và ông có một chiếc xe chỉ để đến một nơi duy nhất nhà nghỉ của ông ở Normandy, phía Bắc Paris. Sophie sau nhiều tháng ngột ngạt London, đang háo hức được hít thở những mùi hương của thiên nhiên và muốn bắt đầu kỳ nghỉ ngay tức khắc. Trời mới ngả chiều, và cô quyết định đi ngay lập tức để khiến ông bị bất ngờ. Mượn một chiếc ôtô của bạn, Sophie lái về phía Bắc, phóng thẳng vào khu đồi vắng lặng tràn ngập ánh trăng gần Creully. Cô tới nơi chỉ sau mười giờ một chút, lái xe theo con đường riêng dẫn đến nơi nghỉ ngơi của ông. Lối vào dài hơn một dặm, và cô đã đi được một nửa đường trước khi có thể nhìn thấy ngôi nhà qua những hàng cây một toà biệt thự bằng đá to đùng và cũ kỹ toạ lạc trong rừng trên sườn đồi.

Sophie nửa hy vọng thấy ông cô đang ngủ vào giờ này, nửa lại háo hức muốn được thấy ngôi nhà sáng trưng ánh đèn. Tuy nhiên, niềm vui sướng của cô chuyển thành sự ngạc nhiên, khi đến nơi cô nhìn thấy lối đi có đầy ô tô đang đậu - những chiếc Mercedes, BMW, Audis và cả một chiếc Rolls-Royce.

Sophie nhìn chằm chằm một lúc rồi bật cười lớn. Ông mình người ẩn dật trứ danh! Xem ra Jacque Saunière ít ẩn dật hơn nhiều so với cách mà ông thể hiện bề ngoài. Rõ ràng là ông đang tổ chức tiệc tùng trong khi Sophie đi học xa, và bằng vào bề ngoài của những chiếc ô tô, thì một số trong những người có ảnh hưởng nhất của Paris cũng đang tham dự.

Háo hức muốn làm ông mình ngạc nhiên, Sophie hối hả chạy đến cửa trước. Khi cô đến nơi, cô thấy cửa bị khoá. Cô gõ cửa.

Không ai trả lời. Lúng túng, cô đi quanh ngôi nhà và thử xem Cửa sau. Nó cũng bị khoá. Chẳng có lời nào đáp lại cả.

Bối rối, cô đứng một lúc và lắng nghe. âm thanh duy nhất mà cô nghe được là tiếng gió lạnh vùng Normandy đang rền rĩ xoáy qua thung lũng.

Không âm nhạc.

Không tiếng người.

Chắng có gì cả.

Trong im lặng của khu rừng, Sophie vội vàng chạy sang bên sườn nhà, leo lên một đống củi, áp sát vào cửa sổ phòng khách.

Điều cô nhìn thấy bên trong thật vô lý.

"Không có ai ở đây!".

Toàn bộ tầng một của toà nhà vắng ngắt.

Mọi người ở đâu được nhỉ?

Tim đập dồn, Sophie chạy vào nhà chứa củi để lấy chiếc chìa khoá dự phòng mà ông cô giấu kín dưới thùng đựng que mồi lửa. Cô chạy ra đằng trước mở cửa bước vào. Khi cô bước vào căn phòng chờ vắng vẻ, bảng kiểm soát của hệ thống an ninh bắt đầu nháy đèn đỏ một hiệu báo rằng người đi vào có mười giây để nhập đúng mã số trước khi chuông báo động kêu.

Ông để hệ thông báo động hoạt động trong suốt một bữa tiệc. Sophie nhanh chóng nhập mã số và làm hệ thống ngưng phản ứng.

Vào hắn bên trong, Sophie thấy toàn bộ ngôi nhà vắng tanh.

Cả tầng trên cũng vậy. Trở xuống phòng khách trống trơn đó, cô đứng một lúc trong yên lặng, tự hỏi điều gì có thể đang xảy ra đây.

Chính lúc đó Sophie nghe thấy nó.

Những giọng nói rì rầm. Và hình như chúng vắng đến tử phía dưới cô. Sophie không thể tướng tượng được. Cúi xuống, cô áp tai xuống sàn nhà và lắng nghe. Phải, dứt khoát là âm thanh vọng từ dưới lên. Các giọng đó dường như đang hát, hay… đang cầu kinh chăng? Cô sợ. Nhưng có một điều còn kỳ bí hơn cả bản thân âm thanh đó: Cô biết ngôi nhà thậm chí không có tầng hầm?

Ít nhất thì mình cũng chưa bao giờ thấy.

Quay lại và rà soát phòng khách, mắt Sophie bắt gặp một vật duy nhất trong toàn bộ ngôi nhà không ở vị trí cũ một món đồ cổ yêu thích của ông - tấm thảm Anbusson. Nó thường được treo ở bức tường phía đông cạnh lò sưởi, nhưng đêm nay, nó đã bị kéo về một phía, để lộ bức vách phía sau.

Bước về phía bức vách gỗ trần trụi, Sophie cảm thấy tiếng đọc kinh càng lớn dần. Do dự, cô áp tai vào vách gỗ. Những âm thanh lúc nãy rõ ràng hơn. Rõ ràng là người ta đang cầu kinh… ngâm nga những từ mà Sophie không thể nào hiểu được.

Không gian đằng sau bức vách là một khoảng trống!

Sờ xung quanh gờ những miếng ván, Sophie thấy một quả đấm cửa thụt vào trong. Nó được chế tác rất kín đáo. Một cánh cửa trượt. Tim đập thình thịch, cô đặt ngón tay vào khe và kéo ra. Chính xác và êm ru, tấm vách nặng trượt sang một bên. Từ bóng tối phía bên kia, những giọng nói vang lên.

Sophie lách qua cánh cửa và thấy mình đứng trên một cầu thang bằng đá đục thô xoáy theo hình trôn ốc xuống dưới. Cô đã đến ngôi nhà này từ lúc còn bé, mà không hề biết là có chiếc cầu thang này.

Càng xuống, không khí càng mát lạnh. Những giọng nói mỗi lúc một rõ hơn. Lúc này, cô nghe thấy cả giọng nam lẫn giọng nữ. Tầm nhìn của cô bị vòng xoáy của cầu thang hạn chế, nhưng lúc này, bậc cuối cùng đã hiện ra. Bên kia bậc này, cô có thể nhìn thấy một mảnh nhỏ của sàn tầng hầm - một khoảng sàn đá bập bùng ánh lửa màu da cam.

Nín thở, Sophie nhích xuống một vài bậc nữa và cúi xuống để nhìn. Phải mất vài giây, cô mới nhận ra cái mà cô đang nhìn.

Căn phòng là một hang đá một khoang thô nhám dường như được đục từ khối đá granit của sườn đồi này. Nguồn ánh sáng duy nhất đến từ những cây đuốc cắm trên tường. Trong ánh lửa, trên dưới ba mươi người đứng thành vòng tròn giữa phòng.

Mình đang mơ, Sophie tự nhủ. Một giấc mơ. Còn có thể là gì khác được chứ?

Mọi người trong phòng đều đeo mặt nạ, phụ nữ mặc áo thụng mỏng tang màu trắng, đi giầy vàng óng. Mặt nạ của họ màu trắng, họ cầm một quả cầu vàng trong lòng bàn tay. Đàn ông mặc áo chùng đen dài, và mặt nạ của họ màu đen. Trông họ giống những quân cờ vua trên một bàn cờ vua khổng lồ. Mọi người đứng trong vòng tròn đều lắc lư người từ trước ra sau và kính cẩn cầu khấn một vật gì trên sàn trước mặt họ… một vật gì đó mà Sophie không thể nhìn thấy.

Tiếng đọc kinh to dần. Nhanh dần. Đến giờ thì vang rền như sấm. Những người tham gia tiến lên một bước rồi quỳ xuống. Trong khoảnh khắc đó, cuối cùng thì Sophie cũng có thể nhìn thấy thứ mà tất cả bọn họ đang nhìn.

Ngay khi loạng choạng lùi lại vì kinh hoàng, cô đã cảm thấy hình ảnh đó khắc dấu lửa mãi mãi vào kí ức cô. Lên cơn buồn nôn, Sophie quay người, bám chặt vào bức tường đá khi leo lên cầu thang. Kéo cánh cửa đóng lại, cô chạy trốn khỏi ngôi nhà hoang vắng và lái xe trở về Paris trong một trạng thái mò mẫm đầy nước mắt.

Đêm đó, cảm thấy đời tan nát vì vỡ mộng và bị phản bội, cô đóng gói đồ đạc rồi rới khỏi nhà. Cô để lại một lời nhắn trên bàn ăn.

CHÁU ĐÃ Ở ĐÓ. ĐỪNG CỐ TÌM CHÁU!

Cạnh lời nhắn, cô đặt chiếc chìa khoá dự phòng lấy từ nhà chứa củi của nhà nghỉ.

***

"Sophie!" Giọng Langdon bất chợt xen vào. "Dừng lại! Dừng lại!".

Bứt ra khỏi dòng hồi ức, Sophie dận phanh cho xe dừng đánh kít: "Cái gì? Cái gì xảy ra thế?".

Langdon chỉ con phố dài trước mặt họ.

Nhìn thấy quang cảnh đó, Sophie lạnh cả máu. Khoáng một trăm mét phía trước thôi, ngã tư đã bị chặn bởi hai xe cảnh sát DCPJ đậu xiên xẹo, với mục đích hiển nhiên: Phong toả đại lộ Gabriel!

Langdon thở dài rầu rĩ: "Nghĩa là dêm nay đại sứ quán nằm ngoài tầm của tôi?".

Phía cuối phố, hai nhân viên DCPJ đứng cạnh xe của mình đang nhìn chằm chằm về phía hai người, rõ ràng là rất tò mò về ánh đèn pha vừa đột ngột dừng ở đầu phố.

Được, Sophie quay xe lại rất từ từ đi.

Quay đầu chiếc SmartCar, Sophie thực hiện một cú vòng táo bạo và đổi ngược hướng đi. Khi lái vụt đi, cô nghe thấy tiếng lốp xe rít lên đằng sau. Tiếng còi xe cảnh sát ré lên.

Vừa nguyền rủa, Sophie vửa nhấn ga tăng tốc.

MẬT MÃ DA VINCI
Chương 27

Chiếc SmartCar của Sophie cắt ngang khu vực ngoại giao, vòng vèo qua các đại sứ quán rồi lãnh sự quán, cuối cùng ra khỏi một con phố nhánh, rẽ phải để trở lại đại lộ Champs-Elysées to rộng Langdon ngồi trên ghế hành khách(1), tay nắm chặt đến trắng bệch khớp ngón, vặn mình ngoái nhìn đằng sau xem cảnh sát còn bám theo không. Ông chợt ước gía mình đừng quyết định trốn chạy. Nhưng mày có quyết định đâu, ông tự nhắc mình. Sophie đã quyết định thay ông khi cô ném đĩa GPS qua cửa sổ phòng tắm. Bây giờ, khi họ phóng nhanh khỏi đại sứ quán, luồn lách qua dòng xe cộ thưa thớt trên đại lộ Champs-Flysées, Langdon cảm thấy những phương án của mình đều hỏng. Mặc dù Sophie có vẻ như đã bỏ xa cảnh sát, chí ít là trong lúc này, Langdon vẫn hoài nghi không biết vận may của họ có kéo dài được lâu không.

Ngồi sau tay lái, Sophie thò tay vào túi áo len, lôi ra một vật nhỏ bằng kim loại rồi chìa cho Langdon: "Robert, anh nên xem thứ này đi. Đây là thứ ông tôi để lại phía sau bức Madonna of the Rocks đấy".

Run lên vì dự cảm, Langdon cầm vật đó và xem xét. Nó khá nặng và giống như hình thập giá. Linh tính đầu tiên bảo là ông đang cầm một pieu(2) tang một dạng thu nhỏ của cây cọc tưởng niệm để cắm trên những ngôi mộ ở nghĩa trang. Nhưng rồi ông để ý thấy thân của thánh giá có hình lăng trụ tam giác. Và còn có hàng trăm lỗ nhỏ tí xíu lục giác, có vẻ được gia công rất tinh vi và không theo hàng lối ngay ngắn.

"Đó là một chiếc chìa khoá được cắt bằng tia laze". Sophie nói với ông, "Những hình lục giác đó sẽ được đọc bởi một mắt thần điện tử".

Một chiếc chìa khoá ư? Langdon chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì giống thứ này.

"Hãy nhìn phía bên kia đi", cô nói trong khi chuyển làn đường rồi băng qua ngã tư.

Khi Langdon xoay chiếc chìa khoá, ông cảm thấy quai hàm trễ xuống vì kinh ngạc. Khắc nổi ở trung tâm chữ thập là một bông hoa loa kèn cách điệu và kí tự P.S!

"Sophie", ông nói, "đây chính là dấu hiệu mà tôi đã nói với cô! Biểu tượng chính thức của Tu viện Sion".

Cô gật đầu: "Như tôi đã nói với anh, tôi đã nhìn thấy chiếc chìa khoá này rất lâu rồi. Ông tôi bảo tôi không bao giờ được nói đến nó nữa".

Mắt Langdon vẫn dán vào chiếc chìa khoá có hình khắc nổi đó. Cách chế tác bằng công nghệ cao và biểu tượng cổ xưa quyện vào nhau thành một thứ hỗn hợp kỳ bí của thế giới hiện đại và thế giới cổ xưa.

"Ông tôi nói với tôi chiếc chìa khoá này là để mở một chiếc hộp trong đó ông cất giữ nhiều bí mật".

Langdon cảm thấy ớn lạnh khi tưởng tượng đến loại bí mật mà một người như Jacque Saunière có thể cất giấu. Một hội kín cổ xưa làm gì với một chiếc chìa khoá vị lai chủ nghĩa, Langdon không sao hiểu nổi. Tu viện Sion tồn tại vì một mục đích duy nhất là bảo vệ một bí mật. Một bí mật chứa quyền năng to lớn không thể tưởng tượng nổi. Chiếc chìa khoá này có thể có gì liên quan đến bí mật đó? Ý nghĩ đó trùm lấp không sao cưỡng nổi: "Cô có biết nó mở thứ gì không?".

Sophie có vẻ thất vọng: "Tôi đã hi vọng là anh biết".

Langdon yên lặng xoay xoay chiếc chìa khoá chữ thập trong tay, xem xét nó.

"Trông nó có vẻ thuộc về đạo Thiên Chúa", Sophie nhấn mạnh.

Langdon không dám chắc về điều đó. Đầu chìa không phải kiểu thánh giá Thiên chúa truyền thống có thân dài mà là một chữ thập bình phương nghĩa là bốn nhánh dài bằng nhau có trước đạo Thiên Chúa một ngàn rưởi năm. Loại chữ thập này không mang một hàm nghĩa Thiên chúa giáo nào về sự đóng đinh câu rút gắn liền thập giá La tinh thân dài do người La mã tạo ra làm dụng cụ tra tấn. Langdon bao giờ cũng ngạc nhiên khi thấy rất ít tín đô Cơ đốc giáo, những người tôn thờ cây thánh giá, hiểu ra rằng lịch sử đầy bạo lực của biểu tượng này được phản ánh ngay trong tên gọi của nó: "chữ thập (cross)" và "thập giá"

(crucifix) đều từ động từ La tinh cruciare - tra tấn - mà ra.

"Sophie", Langdon nói, "tôi chỉ có thể nói với cô là những chữ thập nhánh dài bằng nhau như cái này được cho là những chữ thập hoà bình. Hình dạng bình phương của nó khiến nó không sử dụng được vào việc đóng đinh câu rút, và các yếu tố dọc - ngang cân bằng của nó thể hiện sự kết hợp tự nhiên giữa nam và nữ, khiến nó trở thành biểu tượng phù hợp với triết lý của Tu viện Sion".

Cô mệt mỏi nhìn ông: "Anh không biết, phải không?".

Langdon cau mày: "Không một manh mối nào".

"Thôi được, chúng ta phải ra khỏi con đường này thôi", Sophie kiểm tra gương chiếu hậu. "Chúng ta cần một nơi an toàn để tìm ra thứ mà chiếc chìa khoá này mở".

Langdon thèm thuồng nghĩ đến căn phòng tiện nghi của mình ở khách sạn Ritz. Rõ ràng, đó không phải là một sự lựa chọn lúc này: "Những chủ nhân mời tôi đến giảng ở Đại học Mỹ tại Paris thì sao?".

"Quá lộ liễu. Fache sẽ kiểm vấn họ!".

"Cô hẳn phải quen biết nhiều người chứ. Cô sống ở đây mà?".

"Fache sẽ kiểm tra điện thoại, hòm thư điện tử của tôi, nói chuyện với những đồng nghiệp của tôi. Các mối liên hệ của tôi đều bị rà soát, còn như tìm một khách sạn cũng không phải là một ý hay vì tất cả khách sạn đều yêu cầu xuất trình giấy tờ căn cước".

Một lần nữa, Langdon lại tự hỏi giá cứ để cho Fache bắt giữ ông tại bảo tàng Louvre có tốt hơn không. "Ta hãy gọi đại sứ quán xem. Tôi có thể giải thích về tình cảnh của chúng ta và đề nghị đại sứ quán cử ai đó đến gặp chúng ta ở đâu đó".

"Gặp chúng ta?" Sophie quay sang nhìn chằm chằm vào ông như thể ông bị điên vậy. "Robert, anh đang nằm mơ. Đại sứ quán không hề có quyền pháp lý ngoại trừ trong phần đất của chính họ. Cử ai đó đến đưa chúng ta về sẽ bị coi là hành động trợ giúp kẻ trốn tránh chính phủ Pháp. Điều đó sẽ không xảy ra đâu. Nếu anh tự đi vào đại sứ quán và đề nghị một chỗ trú ẩn tạm thời, thì đó lại là một chuyện khác, nhưng đề nghị họ hành động chống lại việc thi hành luật pháp Pháp trong lĩnh vực này ư?". Cô lắc đầu. "Cứ thử gọi tởi đại sứ quán của anh ngay đi, và họ sẽ bảo với anh là hãy tránh xa việc phạm pháp và hãy đến tự thú với Fache. Rồi họ hứa hẹn sẽ theo các kênh ngoại giao để anh nhận được một sự xét xử công bằng". Cô quay ra nhìn dãy cửa hàng sang trọng trên đại lộ Champs-Flysées. "Anh có bao nhiêu tiền mặt ở đây?".

Langdon xem lại ví: "Một trăm đô la. Một vài euro. Thế thì sao?".

"Thẻ tín dụng?".

"Tất nhiên".

Khi Sophie tăng tốc, Langdon cảm thấy cô đang vạch ra một kế hoạch. Ngay phía trước, cuối đại lộ Champs-Elysées, Khải hoàn môn đứng sừng sững - đài kỉ niệm cao 50m do Napoleon dựng để tôn vinh quyền lực quân sự của chính mình được bao quanh bởi bùng binh lớn nhất nước Pháp, một con lộ ngoại cỡ chín làn đường.

Khi đến gần bùng binh, Sophie lại nhìn gương chiếu hậu: "Tạm thời chúng ta đã bứt khỏi họ!" cô nói, "nhưng sẽ không kéo dài thêm được năm phút nữa đâu nếu vẫn ngồi trong chiếc xe này".

Vậy hãy ăn cắp một chiếc xe khác đi, Langdon suy diễn, đằng nào tay cũng đã nhúng chàm rồi mà.

"Cô định làm gì bây giờ?".

Sophie cho xe chạy quanh bùng binh: "Hãy tin ở tôi".

Langdon không phản ứng gì. Đêm nay, lòng tin chẳng đưa ông đi được bao xa. Vén tay áo lên, ông nhìn đồng hồ, một chiếc đồng hồ đeo tay thuộc loại đồ cổ nhãn hiệu Chuột Mickey vốn là món quà bố mẹ tặng ông hôm sinh nhật lần thứ mười. Mặc dù cái mặt đồng hồ trẻ con đó lắm khi thu hút những cái nhìn kì lạ, nhưng Langdon chưa bao giờ đeo một chiếc đồng hồ nào khác. Những phim hoạt hình của Disney là bài học vỡ lòng đưa Langdon vào sự huyền diệu của hình khối và màu sắc, và Mickey giờ đây làm nhiệm vụ hằng ngày nhắc nhở Langdon phải giữ cho con tim trẻ mãi. Tuy nhiên, lúc này, đôi kim của Mickey đang xoạc ra một góc bất tiện, chỉ một giờ giấc cũng bất tiện: 2 giờ 51 sáng.

"Chiếc đồng hồ hay nhỉ", Sophie vừa nói vừa liếc nhìn cổ tay ông rồi lái chiếc SmartCar quanh cái bùng binh rộng mênh mông, ngược chiều kim đồng hồ.

"Đó là một câu chuyện dài", ông nói, rồi kéo ống tay áo xuống.

"Tôi nghĩ ắt là thế", cô thoáng cười với ông rồi ra khỏi bùng binh, hướng về phía bắc, rới xa trung tâm thành phố. Vừa kịp qua hai đèn xanh, cô tới ngã tư thứ ba và rẽ phải vào Đại lộ Malesherbes. Họ rời những con phố giàu có, có hàng cây hai bên đường của khu ngoại giao để đi sâu vào một khu vực Công nghiệp tối hơn. Sophie rẽ gấp sang trái, và một lúc sau, Langdon nhận ra họ đang ở đâu.

Ga Saint-Lazare.

Trước mặt họ, cái ga xe lửa mái lợp kính giống như bản sao vụng về của một nhà để máy bay hoặc một nhà kính trồng cây.

Những ga xe lửa ở châu Âu không bao giờ ngủ. Thậm chí vào giờ này, nửa tá tắc xi vẫn nằm gần lối vào chính. Những người bán hàng đẩy những chiếc xe bánh mì kẹp và nước khoáng trong khi đám thanh niên bụi bặm, ba lô trên lưng, vừa ra khỏi ga vừa rụi mắt, nhìn xung quanh như thể cố nhớ xem mình đang ở thành phố nào. Trên phố trước mặt, hai cảnh sát thành phố đứng trên vỉa hè chỉ lối cho mấy vị khách lạc đường.

Sophie lái chiếc SmartCar vào sau dãy tắc xi và đậu xe trong một khu đỏ mặc dù còn rất nhiều chỗ đậu xe đúng luật bên kia đường. Trước khi Langdon kịp hỏi chuyện gì đang diễn ra, cô đã ra khỏi xe. Cô hối hả đến bên cửa chiếc tắc xi phía trước họ và bắt đầu nói với người lái xe.

Khi Langdon ra khỏi chiếc SmartCar, ông nhìn thấy Sophie trao cho người lái xe tắc xi một xấp tiền mặt. Người lái xe tắc xi gật đầu rồi, trước sự ngỡ ngàng của Langdon, phóng xe đi để họ ở lại.

"Chuyện gì xảy ra vậy?" Langdon hỏi, đến bên Sophie trên vỉa hè trong khi chiếc xe taxi biến mất.

Sophie đã hướng về phía cửa chính của ga: "Đi nào. Ta mua hai vé lên chuyến tàu sau ra khỏi Paris".

Langdon vội vã chạy theo cô. Cái điều khởi đầu là cuộc bỏ nhào một dặm tới sứ quán Mỹ nay đã trở thành cuộc bỏ chạy hoàn toàn khỏi Paris. Langdon càng lúc càng không thích cái ý này.

Chú thích:

(1) Passenger seat, ghế đằng trước cạnh người lái.

(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: cọc.

Người lái xe đón giám mục Aringarosa tại sân bay quốc tế Leonardo de Vinci lái đến một chiếc Fiat nhỏ, màu đen không lấy gì làm oách lắm. Aringarosa nhớ lại cái thời mà tất cả phương tiện đi lại của Vatican đều là những chiếc ô tô lớn, sang trọng, trưng lên nào huy hiệu, nào là cờ có in con dấu của Toà Thánh Vatican. Những ngày ấy đã qua rồi. Xe của Vatican bây giờ ít phô trương hơn và hầu như không bao giờ mang dấu đặc trưng gì.

Vatican nói rằng đó là cách cắt giảm chi phí để phục vụ tốt hơn cho giáo phận của họ, nhưng Aringarosa ngờ rằng điều đó nặng về biện pháp an ninh hơn. Thế giới đã trở nên điên loạn, ở nhiều nơi của châu Âu, phô trương tình yêu Chúa Jesus Christ cũng giống như vẽ một mục tiêu ngắm bắn lên mui xe của mình.

Xốc lại chiếc áo thụng, Aringarosa leo lên ghế sau, an tọa chuẩn bị cho chuyến đi dài đến lâu dài Gandolfo. Nó hẳn cũng giống như chuyến đi cách đây năm tháng của ông.

Chuyến đi Rôma năm ngoái, ông thở dài. Cái đêm dài nhất trong đời mình.

Năm tháng trước đây, Vatican đã gọi điện yêu cầu Aringarosa có mặt ngay tại Rôma. Họ không giải thích gì cả. Vé của ông đã được đặt ở sân bay. Toà Thánh Vatican ráng hết sức duy trì một màn bí mật, ngay cả với những giáo chức cao nhất.

Những cuộc triệu tập bí mật, Aringarosa đoán, có lẽ là một dịp chụp ảnh Giáo hoàng và các quan chức Vatican khác để quảng cáo cho thành công mới đây của Opus Dei hoàn thành Trụ sở Quốc gia của bọn họ ở thành phố New York. Tờ Architecrural Digest gọi toà nhà của Opus Dei là "một ngọn hải đăng rực sáng của Chính giáo Thiên Chúa được hội nhập một cách siêu tuyệt vào cảnh quan hiện đại"; và gần đây, dường như Vatican bị hấp dẫn bởi bất cứ thứ gì có chứa từ "hiện đại".

Aringarosa không có chọn lựa nào ngoài việc chấp nhận lời mời, mặc dù miễn cưỡng. Không phải là người ngưỡng mộ sự điều hành của Giáo hoàng hiện tại, Aringarosa, như đa phần giới tu sĩ bảo thủ, đã rất quan ngại theo dõi vị Giáo hoàng thụ nhiệm trong năm đầu tiên của ngài. Là người tự do tư tưởng chưa từng thấy, Đức Cha đã giành được chức Giáo hoàng thông qua một trong những phiên họp Hồng y bất thường nhất và gây tranh cãi nhất trong lịch sử toà thánh Vatican. Bây giờ, thay vì khiêm nhường về sự đăng quang bất ngờ của mình, Giáo hoàng đã không lãng phí thời gian vào việc phô trương uy lực gắn với cơ quan tối cao trong cộng đồng Cơ đốc giáo toàn thế giới. Lợi dụng một làn sóng náo động ủng hộ tự do chính trị trong trường đại học của các Hồng y giáo chủ, Đức Giáo hoàng giờ đây tuyên bố thiên chức Giáo hoàng của mình là "làm trẻ lại học thuyết của Toà thánh Vatican và cập nhật Ki tô giáo vào thiên niên kỉ thứ ba".

Aringarosa sợ rằng sự chuyển đổi là ở chỗ con người này thực sự kiêu kì đến mức nghĩ rằng mình có thể viết lại những giới luật của Chúa và giành lại trái tim của những người cảm thấy yêu cầu của Ki tô giáo đã trở nên quá bất tiện trong một thế giới hiện đại.

Anngarosa đã sử dụng mọi ảnh hưởng chính trị của mình - khá lớn do quy mô của Opus Dei và ngân sách của họ để thuyết phục Giáo hoàng và các cố vấn của Ngài rằng: nới lỏng giáo luật của Giáo hội không chỉ là thiếu lòng tin, hèn nhát mà còn là tự sát chính trị. Ông còn nhắc nhở họ rằng biện pháp giảm nhẹ giới luật Giáo hội trước đây - thảm bại của Vatican II đã để lại một di hại nặng nề: số người đi lễ nhà thờ giảm xuống mức thấp hơn bất kỳ thời điểm nào, nhưng nguồn quyên tặng cạn kiệt và thậm chí không có đủ linh mục để quản lý các nhà thờ.

Giáo dân cần sự sắp xếp và hướng dẫn phía nhà thờ, Aringarosa nhấn mạnh, chứ không phải sự nâng niu hay chiều chuộng!

Tối hôm đó, cách đây mấy tháng, khi chiếc Fiat rời sân bay Aringarosa đã ngạc nhiên khi thấy xe không đi về phía Toà Thánh Vatican mà về phía đông, lên một dốc núi ngoằn ngoèo.

"Chúng ta đang đi đâu đây?" ông hỏi người tài xế.

"Khu đồi Alban", gã đáp. "Nơi gặp là ở lâu đài Gandolfo".

Dinh mùa hè của Giáo hoàng? Aringarosa chưa bao giờ đến, hay thậm chí muốn thấy nó. Ngoài chức năng là nhà nghỉ mùa hè của Giáo hoàng, cái tòa thành xây hồi thế kỷ 16 này đã từng là Specula Vatican - đài thiên văn của Toà Thánh Vatican một trong những đài quan sát thiên văn hiện đại nhất châu Âu.

Aringarosa xưa nay vẫn khó chịu với cái nhu cầu từ trong lịch sử của Vatican là học đòi làm khoa học. Căn cớ gì mà phải hoà quyện khoa học với đức tin? Khoa học khách quan không thể thực hành bởi một người có đức tin ở Chúa. Mà đức tin cũng chẳng cần đến khoa học để xác nhận một cách vật thể những tín ngưỡng của nó.

Mặc dù vậy, nó vẫn đó, ông nghĩ khi lâu đài Gandolfo hiện ra, sừng sững trên nền trời tháng mười một đầy sao. Từ con đường vào, Glandolfo trông giống một con quái vật bằng đá khổng lồ đang tính làm một cú nhảy tự sát. Chon von ngay trên gờ một vách đá, toà lâu đài ngả mình ra bên trên cái nôi của nền văn minh Ý cái thung lũng từng chứng kiến cuộc chiến giữa những thị tộc Orazi và Curiazi, từ rất lâu trước khi lập ra đế quốc La Mã.

Ngay cả ở dạng bóng in trên nền trời, lâu đài Gandolfo cũng là một cảnh tượng đáng ngắm nhìn một điển hình đầy ấn tượng của kiến trúc phòng thủ nhiều tầng, phản ánh sự đắc dụng của khung cảnh bên vách đá cheo leo này. Đáng buồn thay - giờ đây Aringarosa thấy rõ - Vatican đã làm hỏng toà lâu đài bằng cách xây dựng hai cái vòm nhôm to tướng chứa kính viễn vọng trên mái, khiến cho tòa kiến trúc từng một thời uy nghi tựa một chiến binh lẫm liệt này trông như đội hai chiếc mũ chóp.

Khi Aringarosa bước ra khỏi xe, một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi chạy ra chào ông: "Chào mừng giám mục. Tôi là Cha Mangano.

Một nhà thiên văn ở đây".

Chúc cha tốt lành! Aringarosa lầm bầm chào rồi đi theo người đón tiếp mình đến phòng đợi của toà lâu đài một không gian rộng mở với cách bài trí pha trộn vô duyên giữa nghệ thuật Phục hưng và những hình ảnh thiên văn học. Theo sau người hộ tống lên một chiếc cầu thang đá hoa cương rộng lớn, Aringarosa nhìn thấy những kí hiệu của những trung tâm hội nghị, giảng đường khoa học, và các dịch vụ thông tin du lịch. Ông lấy làm ngạc nhiên khi nghĩ rằng Vatican chẳng bao giờ đem lại được những hướng dẫn mạch lạc và nghiêm ngặt cho sự phát triển tâm linh, nhưng bằng cách nào đó vẫn kiếm ra thời gian để tổ chức những buổi thuyết trình về thiên văn học cho du khách.

"Hãy nói cho tôi biết", Aringarosa nói với vị thầy tu trẻ tuổi, "khi nào thì cái đuôi bắt đầu vẫy con chó?".

Vị thầy tu nhìn ông lạ lùng: "Thưa ngài?".

Aringarosa phẩy tay, quyết định không tung ra lời công kích cụ thể nào nữa trong buổi tối hôm nay. Vatican điên mất rồi! Giống như một bậc phụ huynh lười biếng cảm thấy thà chấp nhận những trái thói của đứa con được nuông chiều còn hơn là cương quyết dạy bảo nó về những giá trị, Nhà Thờ chỉ một mực nới lỏng, mọi lúc mọi nơi, cố gắng thay đổi chính mình để thích nghi với một nền văn hoá lầm đường, lạc lối.

Hành lang của tầng trên cùng rộng rãi, sang trọng, và dẫn về một hướng duy nhất một loạt cưa gỗ sồi lớn với tấm biển đồng:

BIBLIOTECA ASTRONOMICA

(Thư viện Thiên văn học)

Aringarosa đã được nghe nói nơi này thư viện thiên văn của Toà thánh Vatican người ta đồn rằng nó chứa tới hơn 25.000 tài liệu gồm cả những công trình quý hiếm của Copernicus, Galileo, Kepler, Newton, và Sechi. Người ta cho rằng đây cũng là nơi các quan chức cấp cao nhất của Giáo hoàng sắp xếp những cuộc gặp riêng tư… những cuộc gặp mà họ không muốn diễn ra trong khuôn viên Toà Thánh Vatican.

Hẳn lúc đến gần cửa, giám mục Aringarosa không sao tưởng tượng nổi cái tin choáng người ông sắp nhận được bên trong căn phòng ấy, hoặc chuỗi sự kiện chết chóc nó sẽ khởi động.

Phải một giờ sau, khi loạng choạng bước ra sau cuộc gặp gỡ, ông mới thấm những ngụ ý ghê gớm. Sáu tháng tính từ bây giờ! Ông đã nghĩ. Chúa giúp đỡ chúng con!

Giờ đây, ngồi trong chiếc Fiat, giám mục Aringarosa nhận ra là mình đã nắm chặt tay lại tử lúc nghĩ đến cuộc gặp gỡ đầu tiên đó ông thả lỏng bàn tay, cố gắng hít sâu, thư giãn cơ bắp.

Mọi thứ rồi sẽ êm đẹp, ông tự nhủ khi chiếc Fiat đi sâu hơn vào trong núi. Tuy nhiên ông vẫn mong điện thoại di động đổ chuông. Tại sao Thầy Giáo chưa gọi cho mình nhỉ? Lúc này chắc hẳn ở Paris, Silas đã có được viên đá đỉnh vòm.

Cố gắng thư giãn thần kinh, giám mục suy ngẫm về viên thạch anh tím trên chiếc nhẫn của mình. Sờ thớ dệt của miếng vải trang trí bọc đầu gậy giám mục và các mặt của những viên kim cương, ông tự nhắc mình rằng, chiếc nhẫn này là biểu tượng của quyền lực nhưng còn kém xa thứ quyền lực mà chẳng bao lâu ông sẽ đạt tới.

MẬT MÃ DA VINCI
Chương 28

Bên trong nhà ga Saint-Laraze cũng giống như mọi nhà ga khác ở châu Âu: một khoảng rộng hoác lác đác những kẻ đáng ngờ thường gặp những người vô gia cư cầm những tấm biển các tông, những sinh viên mắt lờ đờ gối trên ba lô ngủ hoặc đang "phê" theo tiếng nhạc từ những chiếc cát sét xách tay MP3 và những đám phu khuân vác mặc áo xanh phì phèo thuốc lá.

Sophie nhìn bảng giờ tàu to tướng trên đầu. Những dòng chữ trắng đen chạy qua chạy lại, đảo xuống khi thông tin thay mới.

Khi quá trình cập nhật kết thúc, Langdon nhìn lên chuỗi thông báo. Hàng đầu tiên là:

LILLE RAPIDE(1) - 3 giờ 06.

"Tôi ước gì nó khởi hành sớm hơn!". Sophie nói. "Nhưng bây giờ chúng ta buộc phải chấp nhận bất cứ cái gì".

Sớm hơn. Langdon nhìn đồng hồ 2 giờ 59 sáng. Chuyến tàu sẽ rời đi sau bẩy phút nữa mà bây giờ họ còn chưa có vé?

Sophie đưa Langdon về phía cửa bán vé và nói: "Hãy mua hai vé bằng thẻ tín dụng của ông".

"Tôi nghĩ thẻ tín dụng có thể bị truy ra bởi…".

"Chính xác".

Langdon quyết định thôi không cố gắng đoán trước ý định của Sophie Neveu. Sử dụng thẻ visa của mình, ông mua hai vé đi Lille rồi đưa cho Sophie.

Sophie dẫn ông đi về phía đường tàu khi một âm thanh quen thuộc vang lên trên đầu họ và hệ thống phóng thanh thông báo lần cuối nhắc hành khách đi Lille lên tàu. Mười sáu đường tàu riêng rẽ trải ra trước mắt họ. Cách một quãng phía bên phải, trên ke số ba, chuyến tàu đi Lille đang phì phò chuấn bị xuất phát nhưng Sophie lại khoác tay Langdon kéo đi về hướng ngược lại. Họ hối hả theo một hành lang nhỏ, vượt qua một tiệm cà phê mở thâu đêm, rồi cuối cùng qua một cửa ngách ra một khu phố vắng lặng phía Tây nhà ga.

Có độc một chiếc tắc xi đậu cạnh cửa ra vào.

Người tài xế nhìn thấy Sophie và bật đèn xe.

Sophie nhảy vào ghế sau. Langdon vào theo.

Khi chiếc tắc xi rời khỏi ga, Sophie lấy những chiếc vé tàu mới mua ra, xé nát.

Langdon thở dài. Bẩy mươi đô la tiêu được việc đấy.

Phải đến lúc chiếc tắc xi vút đi về phía bắc trên phố De Gichy trong tiếng động cơ ro ro, Langdon mới cảm thấy họ thực sự thoát hiểm. Ngoài cửa phía tay phải, ông có thể nhìn thấy đồi Montmartre và mái vòm mĩ lệ của nhà thờ Sacre-Coeur. Hình ảnh ấy bị đứt quãng bởi ánh đèn xe cảnh sát vượt qua họ từ hướng ngược lại.

Langdon và Sophie cùng thụt đầu xuống cho đến khi tiếng còi nhỏ dần.

Sophie mới chỉ dặn người tài xế tắc xi hướng ra ngoài thành phố thôi và bằng cái quai hàm nghiến chặt của cô, Langdon cảm thấy cô đang cố hình dung ra bước tiếp theo.

Langdon xem xét lại chiếc chìa khoá hình thánh giá, giơ ra phía cửa xe, đưa lên gần mắt để cố gắng tìm bất kỳ một dấu hiệu nào khả dĩ chỉ ra nơi chế tạo. Trong ánh sáng cách quãng của đèn đường, ông chẳng thấy gì ngoài con dấu của Tu viện Sion.

"Thật phi lý", cuối cùng ông nói.

"Cái gì phi lý?".

"Việc ông cô mất bao công phu nhằm để lại cho cô một chiếc chìa khoá mà cô sẽ không biết làm gì với nó".

"Tôi đồng ý".

"Cô chắc chắn ông ấy không viết bất kỳ thứ gì nữa đằng sau bức tranh chứ?".

"Tôi đã lục soát toàn bộ chỗ đó rồi. Chỉ có chừng nấy thôi.

Chiếc chìa khoá được nhét vào phía sau bức tranh. Tôi nhìn thấy con dấu của Tu viện Sion, đút chiếc chìa khoá vào túi rồi chúng ta rời khỏi đó".

Langdon cau mày, nhìn kỹ phần cuối hơi bẹt của hình lăng trụ tam giác. Chẳng có gì cả. Nheo mắt, ông đưa chiếc chìa khoá lại gần mắt và xem xét gờ của đầu chìa. Ở đó cũng chẳng có gì cả. "Tôi nghĩ chiếc chìa khoá này vừa mới được lau chùi gần đây".

"Tại sao?".

"Có gì như mùi cồn chà sát".

Cô quay sang: "Tôi chưa hiểu".

"Nó có mùi như là ai đó đã chà sạch nó bằng thuốc tẩy", Langdon đưa chiếc chìa khoá lên mũi và ngửi. "Mùi ở phần bên kia mạnh hơn". Ông bỏ xuống. "Đúng vậy, thuốc tẩy làm từ cồn, giống như được chà bóng bằng một loại thuốc tẩy hoặc…".

Langdon ngừng lại.

"Cái gì cơ?".

Ông giơ nghiêng chiếc chìa khoá ra ánh sáng rồi nhìn vào mặt nhẵn trên thanh ngang của chữ thập. Nó dường như lấp lánh ở vài chỗ… như thể bị ướt. "Cô có nhìn phía sau chiếc chìa khoá kỹ không trước khi cô bỏ nó vào túi?".

"Cái gì cơ? Không kĩ lắm. Tôi đang vội mà".

Langdon quay sang cô: "Cô vẫn mang chiếc đèn tia cực tím theo chứ?".

Sophie thò tay vào túi và lấy ra cây bút chiếu tia cực tím.

Langdon cầm lấy, bật lên, chiếu tia sáng vào mặt sau chiếc chìa khoá.

Chiếc chìa khoá phát quang ngay lập tức. Ở đó có chữ viết.

Cách viết vội nhưng đọc được.

"Ồ", Langdon nói, mỉm cười. "Tôi đoán chúng ta biết cái mùi cồn là gì rồi".

Sophie ngạc nhiên nhìn chầm chầm vào dòng chữ màu tím trên lưng chiếc chìa khoá.

24 Phố Haxo.

Một địa chỉ! Ông mình viết ra một địa chỉ!

"Địa chỉ này ở đâu?" Langdon hỏi.

Sophie không biết. Quay lại cúi về phía trước, cô phấn khích hỏi người tài xế: "Connassez-vous la rue Haxo"(2).

Người tài xế nghĩ một lúc rồi gật đầu. Ông bảo Sophie là nó ở gần một sân tennis vùng ngoại ô phía tây của Paris. Cô bảo ông đưa họ đến đó ngay lập tức.

"Đường nhanh nhất là đi qua Rừng Boulogne", người tài xế nói với cô bằng tiếng Pháp. "Được chứ?".

Sophie cau mày. Cô có thể nghĩ ra được con đường nào đỡ rắc rối hơn, nhưng tối nay cô không muốn tỏ ra khó tính. "Được rồi". Chúng ta có thể làm vị khách người Mỹ này ngạc nhiên.

Sophie nhìn lại chiếc chìa khoá và tự hỏi họ có thể tìm thấy gì ở 24 phố Haxo. Một nhà thờ? Một thứ tổng hành dinh của Tu viện Sion?

Đầu cô lại tràn đầy hình ảnh về nghi lễ bí mật mà cô đã từng chứng kiến trong tầng hầm cách đây mười năm, rồi cô thở dài:

"Robert, tôi có rất nhiều chuyện để kể cho ông nghe". Cô ngừng lại nhìn ông chăm chăm khi chiếc tắc xi phóng về phía tây.

"Nhưng trước hết, tôi muốn ông cho tôi hay mọi điều ông biết về Tu viện Sion này".

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: tàu nhanh.

(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: ông có biết phố Haxo không?

Bên ngoài Salle de Etats, Bezu Fache đang nổi trận lôi đình khi nhân viên bảo vệ bảo tàng Louvre Grouard phân trần việc Sophie và Langdon đã tước vũ khí của anh ta như thế nào. Tại sao cậu không bắn vào bức tranh chết tiệt ấy?

"Đại úy?" Trung uý Collet phóng thẳng đến chỗ họ từ đồn chỉ huy. "Thưa đại uý, tôi vừa nghe tin. Họ đã định vị được chiếc xe của nhân viên Neveu".

"Cô ta đến đại sứ quán?".

"Không ạ. Ga xe lửa. Mua hai vé. Tàu vừa khởi hành". Fache vẫy tay ra hiệu cho nhân viên bảo vệ Grouard lui ra và dẫn Collet tới một góc tướng gần đó, thầm thì: "Tàu đi đâu?".

"Lille".

"Rất có thể đó chỉ là một cái bẫy", Fache thở hắt ra, vạch một kế hoạch. "Được rồi, trong trường hợp này, hãy canh phòng ở ga tiếp theo, hãy ngăn đoàn tàu lại và lục soát, chỉ là đề phòng thôi. Hãy để xe của cô ta nguyên chỗ cũ và cử các nhân viên mặc thường phục giám sát nó phòng trường hợp bọn họ cô gắng lấy lại chiếc xe đó. Hãy cử một số nhân viên đi rà soát những khu phố xung quanh nhà ga phòng trường hợp bọn họ chạy trốn bằng đường bộ. Xe buýt vẫn chạy từ ga đấy chứ?".

"Giờ này thì không có, thưa đại uý. Chỉ có taxi thôi".

"Tốt. Hãy đi dò la những người lái taxi. Xem họ có nhìn thấy gì không. Rồi liên hệ với các công ty taxi, kèm theo thông tin miêu tả. Tôi sẽ gọi Interpol".

Collet có vẻ ngạc nhiên: "Đại úy định đưa chuvện này lên mạng đấy ạ?".

Fache biết có thể xẩy ra rắc rối đáng tiếc, nhưng ông ta không còn lựa chọn nào khác.

Xiết vòng vây thật nhanh và thật chặt.

Giờ đầu tiên có tầm quan trọng quyết định. Hành xử của những kẻ đào tẩu trong giờ đầu tiên sau khi trốn thoát là điều có thể đoán trước được. Bao giờ chúng cũng cần một thứ giống nhau: Phương tiện đi lại - Chỗ tạm trú - Tiền mặt. Đức Chúa Ba Ngôi. Interpol có đủ quyền năng để làm cho cả ba ngôi đó biến mất trong nháy mắt. Bằng cách gửi những bản fax ảnh của Langdon và Sophie tới ban điều hành giao thông, các khách sạn, nhà băng ở Paris, Interpol sẽ không bỏ sót một hướng lựa chọn nào - không có cách nào rời khỏi thành phố, không có nơi nào để ẩn náu và không có nơi nào để rút tiền mà không bị nhận diện. Bọn đào tẩu thường hoảng sợ trên đường phố, sẽ đi đến chỗ làm điều ngu ngốc. ăn trộm ô tô. Cướp cửa hàng. Sử dụng thẻ tín dụng một cách tuyệt vọng. Bất kỳ một sơ xuất nhỏ nào mà bọn chúng phạm phải cũng sẽ nhanh chóng giúp nhà cầm quyền địa phương tìm ra nơi chúng lẩn trốn.

"Chỉ nhằm Langdon thôi, phải không ạ?" Collet nói. "Đại úy sẽ không bắt Sophie Neveu chứ. Cô ta là nhân viên của chúng ta mà".

"Tất nhiên là tôi sẽ bắt cả cô ta!". Fache gắt. "Bắt Langdon còn có ích gì nếu như cô ta có thể làm mọi công việc bẩn thỉu hộ hắn ta? Tôi định rà soát hồ sơ làm việc của Neveu - bạn bè, gia đình, các mối quan hệ cá nhân, bất cứ ai mà cô ta có thể đến nhờ vả giúp đỡ. Tôi không biết cô ta nghĩ gì khi cô ta làm điều đó nhưng nó sẽ làm cho cô ta mất nhiều thứ, không chỉ riêng công ăn việc làm thôi đâu!".

"Đại úy muốn tôi điều hành qua điện thoại hay trực tiếp đến hiện trường?".

"Trực tiếp. Hãy tới ga xe lửa và điều phối hoạt động của cả đội. Cậu nắm quyền chỉ huy nhưng chớ làm điều gì mà không nói cho tôi biết".

"Rõ, thưa Đại úy?" Collet chạy ra ngoài.

Fache cảm thấy cứng ngắc khi đứng trong hốc tường. Bên ngoài cửa sổ, kim tự tháp thuỷ tinh lấp lánh, phản chiếu lăn tăn trên mặt nước. Bọn chúng đã lọt qua kẽ ngón tay mình. Ông ta tự nhủ.

Ngay cả một cảnh sát dã chiến được huấn luyện tử tế ắt cũng tự coi là may mắn nếu chịu đựng nổi áp lực mà Interpol sắp thực thi.

Một nữ nhân viên mật mã và một thày giáo?

Họ sẽ không cầm cự được đến lúc bình minh.

MẬT MÃ DA VINCI
Chương 29

Khu công viên rậm rạp cây cối mang tên Rừng Boulogne còn có nhiều mệnh danh khác, nhưng người Paris sành điệu thường gọi nó là Vườn lạc thú trần thế. Cụm từ định tính đó, mặc dù nghe có vẻ mĩ miều, nhưng thực ra hoàn toàn ngược lại.

Bất cứ ai đã từng thấy bức tranh ghê rợn cùng tên của Bosch(1) đều hiểu hàm ý châm biếm; bức tranh, cũng như khu rừng, tăm tối và xoắn xuýt, một thứ ngục luyện tội cho những kẻ dị tật tình dục và kẻ kích dục. Tối tối, trên những lối ngoằn ngoèo của khu rừng, hàng trăm thân thể bóng loáng xếp hàng để bán dâm, những lạc thú trần thế nhằm thoả mãn những khao khát sâu kín nhất không nói ra của người đời - nam, nữ và cả lưỡng tính nữa.

Trong khi Langdon tập trung tư tưởng để nói cho Sophie về Tu viện Sion, thì chiếc tắc xi của họ qua khung cổng gỗ dẫn vào công viên và bắt đầu tiến về hướng tây trên con đường rải sỏi.

Langdon cảm thấy khó tập trung khi đám cư dân ban đêm của công viên đã lác đác xuất hiện từ bóng lối và phô bày "hàng". trong ánh đèn pha. Phía trước họ, hai thiếu nữ mặc áo hở ngực phóng những tia nhìn mời chào vào trong chiếc taxi. Cách đó một quãng, một gã da đen mình bôi dầu bóng nhãy với độc một mảnh vải che chỗ kín, quay người và uốn éo mông. Bên cạnh họ, một phụ nữ tóc vàng loè loẹt kéo cao chiếc váy mini lên để tiết lộ rằng kì thực ả không phải là một phụ nữ.

Chúa cứu con! Langdon quay mặt vào trong ô tô rồi hít một hơi thật sâu.

"Hãy nói cho tôi về Tu viện Sion đi", Sophie nói.

Langdon gật đầu, không thể tưởng tượng được một khung cánh kém thích hợp đến thế cho truyền thuyết mà ông sắp kể.

Ông băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu. Lịch sử của hội kín này bắc qua hơn một thiên niên kỷ… một biên niên kì lạ về những bí mật, tống tiền, phản bội và thậm chí là cả tra tấn tàn bạo dưới bàn tay của một vị Giáo hoàng nổi giận.

"Tu viện Sion", ông bắt đầu, "được một vị vua người Pháp có tên là Godefroi de Bouillon thành lập ở Jerusalem năm 1099, ngay sau khi ông ta chinh phục được thành phố này".

Sophie gật đầu, mắt dán vào ông.

"Đức vua Godefroi là người sở hữu một bí mật đầy quyền năng một bí mật đã có trong gia đình ông từ Công nguyên. Sợ rằng bí mật sẽ mất đi khi ông băng hà, ông đã lập ra một hội kín lấy tên là Tu viện Sion và giao cho họ nhiệm vụ bảo vệ bí mật này bằng cách lặng lẽ truyền nó từ đời này sang đời khác.

Trong những năm ở Jerusalem, Tu viện Sion đã biết một chỗ cất giấu những tài liệu được chôn dưới đống đổ nát của ngôi đền Herod; bản thân ngôi đền này lại được xây dựng trên hoang tàn của ngôi đền thờ Solomon trước đó. Những tài liệu này - họ tin vậy khẳng định cái bí mật đầy quyền năng của Godefroi và, về bản chất, nhạy cảm đến nỗi Nhà Thờ sẽ không từ thủ đoạn nào để giành được chúng".

Sophie có vẻ nghi ngờ.

"Tu viện Sion thề rằng dù có mất bao lâu đi nữa cũng phải thu hồi những tài liệu này từ đống gạch vụn bên dưới ngôi đền thờ đó và mãi mãi bảo vệ chúng, để cho sự thật sẽ trường tồn. Nhằm thu hồi lại chỗ tài liệu từ trong đống đổ nát ấy, Tu viện Sion đã lập ra một binh chủng một đội gồm chín hiệp sĩ có tên gọi là Dòng các Hiệp sĩ nghèo của Chúa Jesus và ngôi đền Solomon". Langdon dừng lại. "Họ thường được biết đến nhiều hơn với tên gọi Các Hiệp sĩ Templar".

Sophie ngước lên với cái vẻ ngạc nhiên nhận ra một điều quen thuộc.

Langdon thường xuyên giảng bài về Hiệp sĩ Templar đến độ đủ để biết rằng hầu như mọi người trên trái đất đều đã nghe nói về họ, chí ít là một cách trừu tượng. Đối với các học giả, lịch sử các Hiệp sĩ Templar là một lĩnh vực bất trắc, ở đó thực tế, truyền thuyết và thông tin sai lạc xoắn xuýt với nhau đến độ rút ra được sự thật nguyên khôi là bất khả. Ngày nay, thậm chí Langdon cũng ngần ngại không muốn đề cập đến các Hiệp sĩ Templar trong khi giảng bài vì điều đó bao giờ cũng dẫn đến hàng loạt câu hỏi phức tạp liên quan đến những lý thuyết về đủ loại âm mưu.

Sophie có vẻ hoang mang: "Anh nói nhóm các Hiệp sĩ Templar được Tu viện Sion lập ra để thu hồi một tập tài liệu bí mật? Tôi cứ tưởng họ được tạo ra để bảo vệ Đất Thánh".

"Một quan niệm sai lầm thường thấy. Ý tưởng về sự bảo vệ những người hành hương chỉ là chiêu bài mà các Hiệp sĩ Templar trương ra để thực hiện sứ mệnh của mình. Mục đích thật sự của họ ở Đất Thánh là thu hồi mớ tài liệu từ dưới đống đổ nát của ngôi đền".

"Và họ có tìm thấy không?".

Langdon mỉm cười: "Không ai biết chắc chắn nhưng có một điều mà tất cả các học giả đều nhất trí là: các Hiệp sĩ đã khám phá ra điều gì đó ở bên dưới đống gạch vụn… một điều khiến họ trở nên giàu có và đầy quyền lực ngoài sức tưởng tượng ngông cuồng nhất của bất kỳ ai".

Langdon kể lướt cho Sophie nghe lịch sử Các Hiệp sĩ Templar, một phác họa kinh viện được chấp nhận là tiêu chuẩn, giải thích rằng các Hiệp sĩ đó đã ở Đất Thánh trong suốt cuộc Thập tự chinh thứ hai và đã nói với vua Baldwin II rằng họ ở đó để bảo vệ những tín đồ đạo Cơ đốc trên đường hành hương. Mặc dù không được trả công và chịu phận nghèo khổ, các Hiệp sĩ đã nói với nhà vua là họ cần có một nơi trú chân và xin nhà vua cho phép họ ở trong các chuồng ngựa dưới đống đổ nát của đền thờ. Vua Baldwin II chấp thuận yêu cầu của những chiến binh ấy và các Hiệp sĩ tiếp quản nơi cư trú tồi tàn bên trong miếu thờ tan hoang.

Sự lựa chọn kỳ cục nơi cư trú đó, Langdon giải thích, hoàn toàn không phải là được chăng hay chớ. Các Hiệp sĩ tin rằng những tài liệu mà Tu viện Sion tìm kiếm được chôn sâu dưới đống đồ nát - bên dưới Tối Linh Điện, một căn phòng thiêng liêng mà người ta tin rằng đích thân Chúa ngự ở đó. Nói theo nghĩa đen, đây đích thị là trung tâm của tín ngưỡng Do Thái.

Trong gần một thập kỉ sống trong đống hoang tàn đó, chín Hiệp sĩ đã đào xuyên qua lớp đá cứng trong bí mật tuyệt đối.

Sophie nhìn dõi: "Và anh cho rằng họ đã tìm thấy cái gì đó?".

"Tất nhiên rồi", Langdon giải thích. "Mất chín năm, nhưng cuối cùng các Hiệp sĩ cũng thấy cái mà họ tìm kiếm. Họ mang kho báu đó ra khỏi đền thờ về châu Âu, nơi mà ảnh hưởng của họ dường như trở nên vững chắc chỉ qua một đêm".

Không ai biết chắc các Hiệp sĩ có tống tiền Vatican hay không, hay đơn giản là Nhà Thờ đã tìm cách mua sự im lặng của họ, nhưng thực tế là Giáo hoàng Innocent II ngay lập tức đã ra một sắc lệnh chưa từng có ở một thời Giáo hoàng nào trước đó là chấp nhận quyền lực vô hạn độ của các Hiệp sĩ Templar và tuyên bố họ "là luật với chính họ" một đội quân độc lập không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào từ đức vua đến giáo chủ, cả tôn giáo lẫn chính trị.

Với toàn quyền hành động mới được Vatican trao cho, tổ chức Hiệp sĩ Templar đã phát triển đến độ chóng mặt cả về số lượng lẫn sức mạnh chính trị, vơ vét những khu đất rộng lớn ở hơn chục quốc gia. Họ bắt đầu cho đám hoàng thân quốc thích bị vỡ nợ vay tiền và lấy lãi, bằng cách đó, họ lập nên những nhà băng hiện đại và làm tăng thêm của cải cũng như ảnh hưởng của họ.

Vào thế kỷ 14, sự công nhận của Vatican đã giúp các Hiệp sĩ Templar nắm được quyền lực lớn đến nỗi Giáo hoàng Clement V quyết định phải làm một cái gì. Cùng bàn thảo với đức vua Pháp Philippe IV, Đức Giáo hoàng đã hoạch định một chiến dịch tài tình để thủ tiêu các Hiệp sĩ Templar và tịch thu của cải của họ, và cuối cùng là kiểm soát những bí mật đã chi phối toà thánh Vatican. Trong một cuộc điều binh khiển tướng không thua gì CIA, Giáo hoàng Clement đã gửi mật lệnh có dấu niêm phong để các chiến binh của ngài trên khắp châu Âu mở cùng một lúc vào ngày thứ sáu, ngày 13 tháng 10 năm 1307.

Rạng đông ngày mười ba, niêm phong được mở và nội dung kinh hoàng của sắc thư được tiết lộ. Sắc thư của Giáo hoàng Clement nói rằng Chúa đã hiện hình báo mộng cho ngài biết rằng đám Hiệp sĩ Templar là những kẻ dị giáo phạm các tội trọng: thờ phụng quỷ dữ, đồng tính luyến ái làm ô uế thánh giá, kê dâm, và nhiều hành vi báng bổ khác. Giáo hoàng Clement đã được Chúa yêu cầu thanh thông trái đất bằng cách quây bắt tất cả bọn Hiệp sĩ Templar và tra tấn chúng cho đến khi chúng thú nhận những tội chống lại Chúa của chúng. Chiến dịch xảo quyệt của Clement đã diễn ra với sự chính xác của đồng hồ. Vào ngày hôm đó, không thể đếm xuể những Hiệp sĩ Templar đã bị bắt giam, tra tấn một cách tàn nhẫn và cuối cùng bị thiêu trên cọc gỗ như những kẻ dị giáo. Tấn thảm kịch này còn để lại dư âm trong văn hoá hiện đại; cho tới nay, thứ sáu ngày mười ba vẫn bị coi là ngày không may mắn.

Sophie có vẻ bối rối: "Tổ chức Hiệp sĩ Templar đã bị xoá sạch rồi sao? Tôi tưởng các hội ái hữu Templar đến nay vẫn tồn tại?".

"Họ quả vẫn còn tồn tại dưới những cái tên khác nhau. Bất chấp những lời kết tội ngụy tạo và những nỗ lực lớn nhất để xoá sổ họ của Clement, các Hiệp sĩ có những liên minh hùng mạnh và một số người đã thoát khỏi những cuộc thanh trừng của Vatican. Tập tài liệu, kho báu đầy quyền lực của các Hiệp sĩ Templar, nguồn gốc quyền lực của họ, chính là mục tiêu thật sự của Clement, nhưng nó đã lọt qua kẽ tay ông ta. Tập tài liệu từ lâu đã được giao phó cho những người trong bóng tối kiến tạo nên các Hiệp sĩ Templar - Tu viện Sion, những người mà tấm màn bí mật đã che chắn họ an toàn ngoài vòng tấn công ác liệt của Vatican. Khi Vatican khép chặt vòng vây, Tu viện Sion lén lút chuyển những tài liệu đó từ một nơi truyền đạo ở Paris vào ban đêm lên những con tàu của tổ chức Templar đậu ở cảng La Rochelle".

"Những tài liệu đó đã đi đâu?".

Langdon nhún vai: "Câu trả lời cho bí mật đó chỉ có Tu viện Sion biết thôi. Bởi vì tài liệu đó, thậm chí đến ngày nay, vẫn còn là nguồn gốc của những cuộc điều tra, những suy biện không dứt, người ta tin rằng chúng đã được chuyển chỗ cất giấu nhiều lần rồi. Người ta phỏng đoán chỗ cất giấu những tài liệu đó hiện nay là đâu đó trong Vương quốc Anh".

Sophie có vẻ bứt rứt.

"Trong một ngàn năm", Langdon tiếp tục, "những truyền thuyết về bí mật này đã được lan truyền. Toàn bộ tập tài liệu, quyền năng của nó và những bí mật nó thể hiện đã trở nên nổi tiếng bởi một tên gọi duy nhất Sangreal. Hàng trăm cuốn sách đã viết về nó, ít bí mật nào gây ra được nhiều hứng thú trong giới sử học như Sangreal".

"Sangreal à? Tử đó có liên quan gì với từ Pháp sang hay từ tiếng Tây Ban Nha sangre nghĩa là "máu" không?".

Langdon gật đầu. Máu là xương sống của Sangreal, nhưng không phải theo cách mà Sophie tưởng tượng. "Truyền thuyết này thật là phức tạp, nhưng điều quan trọng cần nhớ là Tu viện Sion nắm giữ những bằng cớ và đang chờ đợi thời khắc thích hợp của lịch sử để tiết lộ sự thật".

"Sự thật nào? Bí mật gì có thể quyền năng đến thế?".

Langdon hít một hơi thật sâu và nhìn ra đám người lén lút của Paris đang mồi chài bán dâm trong bóng tối. "Sophie, Sangreal là một từ cổ. Nó đã triển hoá trong nhiều năm thành một khái niệm khác…một cái tên hiện đại hơn". Ông dừng lại. "Khi tôi nói với cô cái tên hiện đại của nó, cô sẽ nhận ra cô biết nhiều về nó. Thực tế, hầu hết mọi người trên trái đất đều đã từng nghe câu chuyện về Sangreal".

Sophie có vẻ nghi ngờ: "Tôi chưa bao giờ nghe về nó cả".

"Chắc chắn là cô đã nghe". Langdon mỉm cười. "Cô chỉ quen nghe thấy nó được gọi bằng cái tên "Chén Thánh".

Chú thích:

(1) Jerome Bosch (1450 -1516), họa sĩ xứ Flandre, nổỉ tiếng với những tác phẩm đầy hoang tướng ghê rợn.

Sophie nhìn chòng chọc vào Langdon đang ngồi ở ghế sau chiếc taxi. Anh ta đang đùa. "Chén Thánh?".

Langdon gật đầu, trông ông rất nghiêm túc: "Chén Thánh là nghĩa đen của Sangreal. Cụm từ đó bắt nguồn từ tiếng Pháp Sangraal, đã biến đổi thành Sangreal, và cuối cùng được chia thành hai từ, San Greal".

Chén Thánh. Sophie lấy làm ngạc nhiên là cô không phát hiện ra được ngay lập tức mối liên hệ ngôn ngữ đó. Ngay cả như vậy lời khẳng định của Langdon vẫn chẳng có nghĩa gì với cô.

"Tôi nghĩ Chén Thánh là một chiếc chén thôi. Ông vừa nói với tôi là Sangreal là một tập tài liệu chứa đựng một số bí mật đen tối mà".

"Đúng thế, nhưng tập tài liệu Sangreal chỉ là một nửa của kho báu Chén Thánh thôi. Chúng được chôn cùng với Chén Thánh… và tiết lộ ý nghĩa thực sự của nó. Những tài liệu đó mang lại cho các Hiệp sĩ Templar rất nhiều quyền lực bởi vì những trang đó tiết lộ bản chất thật sự của Chén Thánh".

Bản chất thực sự của Chén Thánh? Thậm chí bây giờ, Sophie còn cảm thấy mông lung hơn. Chén Thánh, xưa nay cô vẫn nghĩ, là chiếc ly mà Chúa Jesus đã dùng để uống trong bữa ăn tối cuối cùng và sau đó với nó, Joseph vùng Arimathea đã hứng những giọt máu của Người khi Người bị đóng đinh câu rút.

"Chén Thánh là chiếc ly của Chúa Jesus Christ", cô nói. "Nó có thể đơn giản hơn bao nhiêu nữa?".

"Sophie", Langdon thì thầm, nghiêng về phía cô. "Theo Tu viện Sion, Chén Thánh hoàn toàn không phải là một chiếc ly.

Họ khẳng định truyền thuyết Chén Thánh truyền thuyết về một chiếc ly thực sự là một truyện ngụ ngôn khéo bày đặt. Câu chuyện Chén Thánh đó sử dụng chiếc ly đó như một phép ẩn dụ cho một cái gì đó khác, đó là một thứ gì đó quyền năng hơn rất nhiều". Ông dừng lại. "Một thứ gì đó ăn khớp hoàn toàn với mọi điều mà ông cô đã cố nói với chúng ta đêm nay, kể cả mọi quy chiếu biểu tượng đến tính nữ linh thiêng".

Vẫn không chắc chắn nhưng Sophie cảm thấy trong nụ cười kiên nhẫn của Langdon rằng ông cảm thông với sự bối rối của cô và đôi mắt ông thể hiện những cảm xúc thật chân thành.

"Nhưng nếu Chén Thánh không phải là một chiếc chén", cô hỏi, "thì nó là cái gì?".

Langdon biết trước câu hỏi này sẽ đến, nhưng vẫn cảm thấy không biết trả lời cô thế nào cho chính xác. Nếu ông không trình bày trong bối cảnh lịch sử đúng đắn, Sophie sẽ ngẩn mặt ra hoang mang y xì cái vẻ mà Langdon đã nhìn thấy trên gương mặt người biên tập của mình chỉ vài tháng trước đây khi Langdon đưa cho ông này một dự thảo của công trình ông đang soạn.

"Bản thảo này khẳng định cái gì?" người biên tập của ông mắc nghẹn, đặt ly rượu xuống, nhìn Langdon trửng trừng qua bên trên bữa trưa mới ăn được một nửa của mình. "Đây không thể là chuyện nghiêm túc".

"Đủ nghiêm túc để dành hẳn một năm trời nghiên cứu về nó đấy!".

Nhà biên tập nổi tiếng của New York Jonas Faukman bứt rứt giật giật chòm râu dê của mình. Trong sự nghiệp lừng lẫy của mình, Faukman chắc chắn đã nghe một số ý tưởng điên rồ về sách nhưng ý tưởng này có vẻ làm cho ông bàng hoàng.

"Robert", cuối cùng Faukman nói, "đừng hiểu sai tôi. Tôi thích tác phẩm của anh, và chúng ta đã có một quá trình hợp tác tuyệt vời với nhau. Nhưng nếu tôi đồng ý xuất bản một ý tưởng như thế này, người ta sẽ vây chặn văn phòng của tôi hàng tháng trời. Ngoài ra, nó sẽ giết chết danh tiếng của anh.

Lạy Chúa, anh là một nhà sử học của Harvard chứ không phải hạng ca sĩ nhạc pop rẻ tiền tìm cách hốt bạc nhanh. Anh có thể tìm đâu ra đủ bằng chứng đáng tin cậy để bảo vệ một lý thuyết như thế này?".

Mỉm cười lặng lẽ, Langdon lôi từ trong túi áo khoác dạ một mảnh giấy, đưa cho Faukman. Trang giấy liệt kê một thư mục với hơn năm mươi tựa đề sách - những cuốn được viết bởi những nhà sử học nổi tiếng, một số đương đại, một số cách đây hàng thế kỷ - nhiều quyển trong số này là sách khoa học bán chạy nhất. Tất cả những tựa sách đó đều gợi ra một tiền đề chung mà Langdon vừa đề xuất. Khi Faukman đọc danh sách đó trông ông giống như một người vừa khám phá ra rằng trái đất thực sự bằng phắng: "Tôi biết một vài tác giả này Họ là… những nhà sử học đích thực!".

Langdon mỉm cười: "Như anh thấy đấy, Jonas, đây không chỉ là lý thuyết của tôi. Nó đã tản mác đây đó từ lâu rồi. Tôi chỉ đơn giản xây dựng trên cái nền đó thôi. Chưa có cuốn sách nào khảo sát truyền thuyết về Chén Thánh từ một góc độ ký tượng học. Chứng cứ bằng tranh, tượng minh họa mà tôi tìm được để củng cố lý thuyết của mình là vô cùng thuyết phục".

Faukman vẫn nhìn chằm chằm vào tờ danh sách: "Chúa ơi, một trong những cuốn sách này được viết bởi ngài Leigh Teabing - nhà sử học hoàng gia của Vương quốc Anh".

"Teabing đã dành nhiều thời gian trong cuộc đời ông để nghiên cứu Chén Thánh. Tôi đã được gặp ông ấy. Ông ấy thực sự là một phần lớn nguồn cảm hứng của tôi. Ông ấy là một người tin vào thuyết này, Jonas ạ, cùng với tất cả những người khác trong danh sách đó".

"Anh đang nói với tôi là tất cả những nhà sử học này đều thực sự tin…" Faukman nuốt đánh ực, rõ ràng là không thốt ra được những từ đó.

Langdon lại mỉm cười: "Có thể nói Chén Thánh là kho báu được tìm kiếm nhiều nhất trong lịch sử loài người. Chén Thánh đẻ ra những truyền thuyết, những cuộc chiến, những cuộc tìm kiếm kéo dài cả đời người. Bảo nó chỉ đơn thuần là một chiếc chén thì còn có nghĩa gì nữa? Nếu vậy thì chắc chắn những thánh tích khác - Mũ Gai, Thánh Giá đích thực trên đó Chúa Jesus bị đóng đinh câu rút, Titulus - phải gây ra mối quan tâm tương tự hoặc lớn hơn chứ, tuy nhiên, lại không hề như thế.

Suốt chiều dài lịch sử, Chén Thánh là thánh tích đặc biệt nhất". Langdon mỉm cười: "Bây giờ thì ông đã biết tại sao rồi chứ?".

Faukman vẫn lắc đầu: "Nhưng với tất cả những cuốn sách viết về chủ đề đó, tại sao lý thuyết này vẫn không được biết đến một cách rộng rãi hơn?".

"Những cuốn sách này không thể đấu lại được với hàng bao thế kỷ lịch sử đã thiết định, nhất là khi lịch sử được xác nhận bởi cuốn sách bán chạy nhất tối hậu của mọi thời".

Faukman tròn xoe mắt: "Đừng nói với tôi là Harry Porter cũng thực sự viết về Chén Thánh đấy nhé".

"Tôi đang nói đến Kinh Thánh cơ mà!".

Faukman rụt lại: "Tôi biết rồi".

Laissezle!(1) Tiếng quát của Sophie xé không khí bên trong chiếc taxi. "Đặt nó xuống!".

Langdon nhảy dựng lên khi Sophie cúi người về phía trước và hét lên với người lái xe tẩc xi. Langdon có thể nhìn thấy người lái xe đang nắm chặt chiếc máy bộ đàm và nói vào đó.

Lúc này Sophie quay lại và thọc tay vào túi áo khoác của Langdon. Trước khi Langdon kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, cô đã lôi khẩu súng lục ra, dí vào phía sau đầu người lái xe. Người lái xe lập tức buông máy bộ đàm và giơ tay lên.

"Sophie!" Langdon như bị mắc nghẹn. "Cái quái quỉ gì…".

"Arretez!"(2) Sophie ra lệnh cho người lái xe.

Run rẩy, người lái xe phục tùng, dừng xe và đưa vào chỗ đậu.

Đến lúc này thì Langdon mới nghe thấy những âm thanh sắc đanh phát ra từ bản thông báo của công ty taxi "…qui s appelle Agent Sophie Neveu…", chiếc radio nổ lách tách, "Et un Americain, Robert Langdon…"(3).

Cơ bắp của Langdon như cứng ngắc lại. Họ đã tìm thấy chúng ta tồi sao?

"Descendez!"(4) Sophie yêu cầu.

Người lái xe run rẩy vẫn giữ hai tay cao quá đầu khi rời khỏi chiếc xe và lùi vài bước về phía sau.

Sophie hạ kính cửa xe bên phía cô xuống và chĩa súng ra ngoài về phía người tài xế ngơ ngác: "Robert!" cô nói khẽ, "cầm lấy tay lái, anh sẽ lái xe".

Langdon không muốn cãi lại một phụ nữ đang lăm lăm trong tay một khẩu súng. Ông ra khỏi xe rồi lại nhảy vào sau tay lái.

Người lái xe chửi rủa toáng lên, tay vẫn giơ trên đầu.

"Robert!" Sophie nói vọng từ ghế sau, "tôi tin anh đã ngắm đủ khu rừng kỳ diệu của chúng tôi rồi phải không?".

Ông gật đầu. Quá đủ là đằng khác.

"Tốt. Hãy lái xe đưa chúng ta ra khỏi đây".

Langdon nhìn xuống bảng điều khiển và ngần ngại. Chết tiệt.

Ông rờ rẫm tìm cần số và khớp li hợp. "Sophie. Có lẽ cô… ".

"Đi thôi!". Cô kêu lên.

Bên ngoài, mấy ả gái điếm đang tiến lại để xem chuyện gì đang diễn ra. Một phụ nữ đang gọi điện thoại di động. Langdon ấn khớp li hợp và xô mạnh cần số vào số một. Ông sờ vào hộp gia tốc, kiểm tra xăng.

Langdon giật mạnh cần số. Tiếng lốp xe kêu rít lên khi chiếc tắc xi chồm lên phía trước, vọt lên điên dại khiến cho đám đông vội toé ra tìm chỗ trốn. Người phụ nữ đang dùng điện thoại di động vội vọt vào rừng, vừa kịp tránh bị chẹt phải.

"Doucement!" Sophie nói, khi chiếc xe chao đảo trên đường.

"Anh đang làm gì vậy?".

"Tôi đã cố cảnh báo cô", Langdon hét to để át tiếng răng cưa chà xát! "Tôi đang lái một chiếc xe tự động".

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Đặt nó xuống!

(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Dừng lại.

(3) Tiếng Pháp trong nguyên bản: … tên là nhân viên Sophie Neveu… và một người Mỹ, Robert Langdon

(4) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Xuống xe.

MẬT MÃ DA VINCI
Chương 30

Mặc dù căn phòng khắc khổ bằng đá nâu trên phố La Bruyère đã từng chứng kiến nhiều nỗi thống khổ, nhưng Silas vẫn không tin là có gì sánh tầy nỗi đau đang xiết chặt lấy cơ thể trắng bệch của hắn ta. Mình đã bị lừa. Tất cả đi tong rồi.

Silas đã bị lừa. Những thành viên hội kín đó đã nói dối, thà chết chứ không tiết lộ bí mật thật sự của họ. Silas không còn sức lực để gọi cho Thầy Giáo nữa. Silas không chỉ giết bốn người duy nhất biết nơi cất giấu viên đá đỉnh vòm mà còn giết cả một nữ tu trong nhà thờ Saint-Sulpice nữa.

Bà ta chống lại Chúa! Bà ta coi thường Opus Dei!

Một tội ác trong cơn bồng bột, cái chết của người phụ nữ làm cho sự việc trở nên rắc rối tệ hại. Giám mục Aringarosa đã gọi điện thoại yêu cầu cho Silas đến thăm nhà thờ Saint-Sulpice; cha tu viện trưởng sẽ nghĩ gì khi ông phát hiện ra nữ tu đã chết.

Mặc dù Silas đã đặt bà nằm lại trên giường, thế nhưng vết thương trên đầu bà thật là lộ liễu. Silas đã cố gắng xếp lại những viên gạch vỡ dưới sàn nhà, nhưng sự hư hại quá rõ ràng. Họ sẽ biết là có người đã ở đó.

Silas đã dự tính sẽ ẩn náu trong Opus Dei khi nhiệm vụ ở đây của hắn hoàn thành. Giám mục Aringarosa sẽ bảo vệ mình. Silas không thể tưởng tượng ra cuộc sinh tồn nào đầy diễm phúc hơn một cuộc sống tu hành và cầu nguyện ở trong cùng những bức tường trụ sở chính của Opus Dei ở New York. Hắn sẽ không bao giờ bước chân ra ngoài nữa. Tất cả những gì hắn cần là được ờ trong thánh đường đó. Sẽ không ai nhớ mình nữa.

Rủi thay, Slias biết, một người xuất sắc như giám mục Aringarosa không thể biến mất một cách dễ dàng thế.

Mình đã gây nguy hiểm cho giám mục. Silas đờ dẫn nhìn xuống sàn nhà và suy tính chuyện tự kết liễu đới mình. Xét cho cùng, trước nhất, chính Aringarosa là người đã mang lại cho Slias cuộc sống… trong căn nhà thờ của xứ đạo ở Tây Ban Nha, dạy dỗ hắn, cho hắn mục đích.

"Bạn thân mến", Aringarosa đã nói với hắn, "con sinh ra đã là một người bạch tạng, đừng để những kẻ khác xúc phạm con vì điều đó. Con không hiểu điều đó làm cho con đặc biệt đến mức nào ư? Con không biết chính Noê cũng là một người bạch tạng ư?".

"Noê chủ con Tàu ấy ư?" Silas chưa bao giờ nghe thấy điều này.

Aringarosa mỉm cười: ""Đúng thế, Noê chủ con Tàu cứu các dòng giống trong cơn Đại Hồng Thủy ấy. Một người bạch tạng giống như con vậy, ông có làn da trắng như thiên thần vậy.

Hãy suy xét điều này. Noê đã cứu tất cả sự sống trên hành tinh này. Vậy nên con cũng có sứ mệnh làm những việc lớn, Silas ạ. Chúa Trời đã giải thoát cho con vì một lý do. Con có nghiệp của mình. Chúa cần sự giúp đỡ của con để hoàn tất sự nghiệp của Người".

Qua thời gian, Silas học cách tự nhìn nhận mình dưới một ánh sáng mới. Mình tinh khiết, trắng đẹp đẽ như một thiên thần.

Tuy nhiên, lúc này đây, trong căn phòng của hắn tại tu viện, chính là cái giọng thất vọng của cha hắn đang thì thầm với hắn từ quá khứ.

Tu es un désastre. Un spectre(1).

Quỳ trên sàn gỗ, Silas cầu xin sự tha lỗi. Sau đó trút bỏ áo chùng, hắn tự trừng phạt mình.

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Mày là một thảm hoạ. Một bóng ma.

Vật lộn với cần số, Langdon vất vả lắm mới điều khiển được chiếc xe tắc xi cưỡng đoạt ra xa khỏi Rừng Boulogne mà chỉ bị chết máy có hai lần. Tệ thay, sự hài hước tự nhiên của tình huống lại bị trùm lấp bởi tiếng người điều phối của hãng tắc xi cứ liên hồi gọi đến chiếc xe qua radio.

"Voiture cinq-six-trois. Oil etcs-vous? Repondez!" (1).

Khi Langdon ra đến cổng khu công viên, ông nhấn phanh, nuốt cái kiêu hãnh của kẻ mày râu mà rằng: "Cô nên lái thì hơn".

Trông Sophie có vẻ nhẹ nhõm hẳn khi ngồi vào sau tay lái.

Trong vòng vài giây, cô đã điều khiển được chiếc xe chạy êm ru về phía Tây, dọc theo con đường Allée de Longchamp, bỏ Vườn lạc thú trần thế lại đằng sau.

"Đến phố Haxo đi đường nào?" Langdon hỏi, nhìn Sophie tăng tốc với hơn một trăm kilômet/giờ.

Mắt Sophie vẫn tập trung vào mặt đường: "Tay lái xe bảo nó kề với sân tennis Roland Garros. Tôi biết khu đó".

Langdon lại lôi từ túi ra chiếc chìa khoá, cảm thấy sức nặng trong lòng bàn tay. Ông cảm thấy nó là một vật có tầm quan trọng lớn lao. Rất có thể là chìa khoá dẫn đến tự do của ông.

Ban nãy, khi nói cho Sophie nghe về tổ chức Hiệp sĩ Templar, Langdon nhận ra rằng chiếc chìa khoá này, ngoài con triện khắc nổi của Tu viện Sion, còn có một liên quan tinh tế hơn với Tu viện đó. Chữ thập bốn nhánh bằng nhau là biểu tượng của cân bằng và hài hoà nhưng cũng là biểu tượng của Hiệp sĩ Templar.

Ai nấy đều đã thấy những bức tranh vẽ các Hiệp sĩ Templar mặc áo trắng với hình chữ thập đỏ bốn nhánh bằng nhau. Dành rằng bốn nhánh của chữ thập Templar có hơi loe ra ở cuối nhưng chúng vẫn dài bằng nhau.

Một dấu thập vuông nhánh. Y hệt dấu thập trên chiếc chìa khoá này.

Langdon cảm thấy trí tưởng tượng của mình bắt đầu tung bay khi ông mơ đến những gì họ có thể tìm thấy. Chén Thánh.

Ông suýt phá lên cười về sự phi lý của điều mơ tướng đó.

Người ta tin rằng Chén Thánh ở đâu đó trong nước Anh, chôn trong một căn phòng bí mật bên dưới một trong những nhà thờ của các Hiệp sĩ Templar, nơi nó được cất giấu ít nhất là từ năm 1500.

Thời kỳ của đại danh họa Da Vinci.

Tu viện Sion, để giữ an toàn cho xấp tài liệu đầy quyền năng của mình, đã bắt buộc phải di chuyển chúng nhiều lần trong những thế kỷ trước đây. Các nhà sử học ngày nay đoán rằng có sáu địa điểm khác nhau cất giữ Chén Thánh từ khi nó đến châu Âu từ mảnh đất Jerusalem. Lần "hiển thị" cuối cùng của Chén Thánh là vào năm 1147, khi nhiều chứng nhân miêu tả rằng một ngọn lửa bùng ra và suýt nuốt chửng những tài liệu đó trước khi chúng được chuyển đến nơi an toàn trong bốn chiếc rương lớn, mỗi cái phải sáu người khiêng. Sau đó, không ai dám khoe là đã nhìn thấy Chén Thánh nữa. Tất cả những gì sót lại là thi thoảng có những lời xì xào rằng nó được cất giấu ở Anh, vùng đất của Vua Arthur và các Hiệp sĩ Bàn Tròn.

Bất kể nó ở đâu, thì vẫn tồn tại hai thực tế quan trọng :

Trong suốt cuộc đời của mình Lconardo biết Chén Thánh ở đâu.

Chỗ cất giấu đó có lẽ không thay đổi cho đến ngày nay.

Vì lí do này, những kẻ nhiệt thành với Chén Thánh vẫn nghiền ngẫm nhật ký và các tác phẩm nghệ thuật của Da Vinci với hy vọng phát hiện được một bằng cớ ẩn giấu giúp họ đi đến nơi hiện tại cất giấu Chén Thánh. Một số người khẳng định khung cảnh núi non trong bức tranh Madonna of the Rocks phù hợp với địa hình của hàng loạt những quả núi có hang động ở Scotland. Một số khác lại khăng khăng rằng cách sắp xếp đáng ngờ những tông đồ của Chúa Jesus trong bức tranh Bữa ăn tối cuối cùng là một loại mã số. Lại có những người khác quả quyết rằng chiếu tia X qua bức Mona Lisa cho thấy ban đầu nàng được vẽ với một chiếc vòng ngọc bích của Isis đeo quanh cổ một chi tiết mà có lẽ sau này Da Vinci đã quyết định xoá đi. Langdon chưa từng nhìn thấy bất cứ bằng chứng nào về chiếc vòng đó, ông cũng không thể tưởng tượng được làm cách nào mà nó có thể chỉ ra Chén Thánh, thế nhưng những người say mê Chén Thánh vẫn bàn luận về nó đến phát buồn nôn trên những bản tin Internet và trong những phòng chat trên mạng toàn cầu.

Ai cũng thích chuyện âm mưu.

Và những chuyện âm mưu tiếp tục đến. Cần đây nhất, tất nhiên, là sự khám phá gây chấn động rằng bức Tôn sùng ba Vua (2) trứ danh của Da Vinci giấu một bí mật đen tối dưới những lớp sơn của nó. Nhà giám định nghệ thuật người Ý Mauvizio Seracini đã vén bức màn bí ẩn về sự thật gây khuấy động mà tờ Thời báo New York đã đăng nổi bật trong một bài nhan đề Bí mật bị che phủ của Leonardo.

Seracim đã vạch ra rành rành không thể nghi ngờ rằng mặc dù phần vẽ phác thảo màu xanh xám bên dưới của bức Tôn sùng ba Vua đích thực là tác phẩm của Da Vinci nhưng bản thân bức tranh lại không phải. Sự thật là một họa sĩ vô danh nào đó đã điền thêm vào phác hoạ của Da Vinci như một sáng tác tập thể nhiều năm sau khi Da Vinci chết. Tuy nhiên, rắc rối hơn nữa là cái nằm bên dưới lớp sơn của kẻ mạo danh. Các bức ảnh được chụp với bức xạ hồng ngoại và tia X đã gợi mở rằng, tay hoạ sĩ lừa đảo này, trong khi bổ sung vào bản phác thảo của Da Vinci, đã tạo những nét đáng nghi ngờ khác với bức phác hoạ… như thể là để biến đổi ý đồ thật sự của Da Vinci. Cho dù bản chất thực sự của bức phác thảo là gì, thì nó cũng cần được công bố. Thậm chí như vậy, những người điều hành của Bảo tàng Ufizi ở Florence bị câu chuyện làm cho lúng túng đã xếp xó bức tranh này vào một nhà kho bên kia đường ngay lập tức.

Các khách tham quan gian phòng Leonardo của bảo tàng giờ thấy ở chỗ đã từng treo bức Tôn sùng Ba Vua một tấm bảng đánh lạc hướng mà chẳng hề ngỏ ý cáo lỗi.

Trong cái thế giới ngầm kì quái của những người hiện đại tìm kiếm Chén Thánh, Leonardo Da Vinci vẫn là bí ẩn lớn nhất trong cuộc tìm kiếm. Các tác phẩm nghệ thuật của ông dường như bức xúc muốn nói ra một bí mật, thế nhưng bất kể bí mật đó là gì thì nó vẫn bị giấu kín, có thể ở bên dưới một lớp sơn, có thể được mã hoá ngay trước mắt, hoặc có thể chẳng ở đâu cả. Có thể quá nhiều manh mối trêu ngươi từ Da Vinci chẳng là gì khác ngoài một lời hứa suông ông để lại nhằm làm tẽn tò những kẻ hiếu kỳ và mang lại nụ cười tự mãn ra-điều-ta-đây- biết-thừa trên gương mặt nàng Mona Lisa của ông.

"Có thể nào", Sophie hỏi, kéo Langdon trở về thực tế, "chiếc chìa khoá ông cầm là để mở cửa nơi cất giấu Chén Thánh không?".

Tiếng cười của Langdon nghe gượng gạo, kể cả đối với chính ông: "Tôi thực sự không tưởng tượng được. Hơn nữa, người ta tin rằng Chén Thánh được giấu đâu đó ở Vương quốc Anh, không phải ở Pháp". Ông kể ngắn gọn cho cô nghe về lịch sử.

"Nhưng Chén Thánh dường như là kết luận hợp lý duy nhất".

Sophie khăng khăng. "Chúng ta có một chiếc chìa khoá cực kỳ đảm bảo, khắc con dấu của Tu viện Sion, đến tay chúng ta từ một thành viên của Tu viện Sion một hội kín mà ông đã nói với tôi là những người bảo vệ Chén Thánh".

Langdon biết lời phản bác của cô là logic, nhưng bằng trực giác, ông không thể chấp nhận nó. Những lời đồn đại nói rằng Tu viện Sion đã thề một ngày nào đó sẽ mang Chén Thánh trở về Pháp như nơi an nghỉ cuối cùng, nhưng chắn chắn là không hề có bằng chứng lịch sử nào cho thấy rằng điều này đã thực sự xảy ra. Thậm chí nếu Tu viện Sion đã cố gắng mang được Chén Thánh về Pháp thì địa chỉ 24 Phố Haxo gần sân tennis nghe không có vẻ giống như chốn dừng chân cuối cùng cao quý cho lắm.

"Sophie, tôi thực sự không hiểu chiếc chìa khoá này có liên quan gì đến Chén Thánh".

"Bởi vì Chén Thánh được cho rằng đang ở Anh hay sao?".

"Không chỉ có thể. Chỗ cất giấu Chén Thánh là một trong những bí mật được giữ kín nhất trong lịch sử. Các thành viên của Tu viện Sion phải trải qua hàng thập kỷ để chứng tỏ mình đáng tin cậy trước khi được thăng lên những cấp cao nhất của hội và được biết Chén Thánh ở đâu. Bí mật đó được bảo vệ bởi một hệ thống nhằng nhịt những thông tin phân tầng phân cấp và mặc dù số lượng thành viên của Tu viện Sion rất lớn, nhưng ở bất cứ thời điểm nào cũng chỉ có bốn người biết được Chén Thánh được cất giấu ở đâu. Người đứng đầu tối cao và ba cộng sự của ông ta. Khả năng ông của cô là một trong bốn người đứng đầu đó là rất nhỏ".

Ông mình là một trong bốn người đó, Sophie nghĩ chân nhấn ga. Có một hình ảnh in đậm trong kí ức cô xác nhận cương vị quan trọng của ông cô trong hội một cách chắc chắn không thể nghi ngờ.

"Và ngay cả nếu ông cô có thuộc cấp cao nhất, ông cũng không bao giờ được phép tiết lộ bất cứ thứ gì cho bất kỳ ai ngoài hội. Thật không thể quan niệm được rằng ông đưa cô vào trong nội bộ hội".

Mình đã ở đó, Sophie nghĩ, hình dung lại buổi lễ trong tầng hầm. Cô tự hỏi liệu bây giờ có phải là lúc nói cho Langdon biết những gì cô chứng kiến đêm hôm đó tại toà lâu đài ở Normandy không. Mười năm rồi, chỉ đơn giản là sự xấu hổ đã kiềm giữ không cho cô nói ra điều đó với một ai. Chỉ nghĩ đến nó thôi, cô đã rùng mình. Tiếng còi xe cảnh sát hú đâu đó đằng xa, cô cảm thấy một cơn mệt mỏi tăng dần như tấm chăn trùm lên mình.

"Kia rồi!" Langdon nói, cảm thấy phấn khích khi nhìn thấy quần thể sân tennis Roland Caros đồ sộ hiện ra phía trước.

Sophie lách xe ngoằn ngoèo về phía sân vận động. Sau mấy chỗ rẽ, họ tìm thấy ngã tư phố Haxo, và rẽ vào đó, đi theo hướng những nhà mang số nhỏ dần. Con phố mang vẻ công nghiệp hơn với những hãng kinh doanh hai bên đường.

Chúng ta tìm số hai mươi tư cơ mà, Langdon tự nhắc khi nhận ra mình đang kín đáo rà tìm chóp tháp của một nhà thờ. Đừng có kỳ cục thế, một nhà thờ bị lãng quên của tổ chức Hiệp sĩ Templar ở khu này?

"Kia rồi", Sophie vừa kêu vừa chỉ tay.

Langdon đưa mắt nhìn theo tới một kiến trúc phía trước.

Cái quái gì thế này?

Toà nhà thật hiện đại. Một tòa thành thấp với một chữ thập vuông nhánh khổng lồ bằng đèn neon trên đỉnh mặt tiền. Bên dưới chữ thập là dòng chữ:

Langdon thầm cảm ơn vì đã không ngỏ với Sophie rằng ông đã hy vọng tìm tấy một nhà thờ của các Hiệp sĩ Templar. Một trong những rủi ro nghề nghiệp của các nhà kí tượng học là có xu hướng rút ra ẩn ý từ những tình huống không hàm chứa ẩn ý đó. Trong trường hợp này, Langdon đã quên khuấy rằng chữ thập vuông nhánh hoà bình đã được chọn làm biểu tượng hoàn hảo trên quốc kỳ của nước Thuy Sĩ trung lập.

Chí ít, bí ẩn cũng đã được giải quyết.

Sophie và Langdon cầm chìa khoá tới một két sắt trong một ngân hàng Thuỵ Sĩ.

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Xe năm-sáu-ba. Đang ở đâu? Trả lởi!

(2) Theo Kinh Thánh, Ba Vua (Magi) là ba vị đạo sĩ minh triết tử phương Đông mang quà đến mửng Chúa hài đồng Jesus.

MẬT MÃ DA VINCI
Chương 31

Bên ngoài Castel Gandolfo, một luồng gió núi thổi thốc lên, tràn qua đỉnh vách đá làm giám mục Anngarosa rùng mình ớn lạnh khi ông bước ra từ chiếc Fiat. Lẽ ra ta nên mặc thêm gì đó ngoài chiếc áo chùng này, ông nghĩ vậy, cố dẹp cơn run theo phản xạ. Điều tối kị đối với ông tối nay là tỏ ra yếu đuối hay sợ hãi.

Toà lâu đài tối om ngoại trừ những cửa sổ trên cùng, nơi hắt ra một thứ ánh sáng đáng ngại. Đó là thư viện. Giám mục Aringarosa nghĩ bụng. Họ còn thức và đang đợi. Ông cúi đầu tránh gió và tiếp tục bước, thậm chí không buồn liếc mắt về phía đài thiên văn.

Vị tu sĩ đón ông ở cửa trông có vẻ buồn ngủ. Đó cũng chính là người đã nghênh đón Aringarosa cách đây năm tháng, tuy nhiên tối nay, ông ta làm nhiệm vụ đó kém nồng hậu hơn nhiều. "Chúng con rất lo cho cha, thưa cha Giám mục", người tu sĩ vừa nói vừa nhìn đồng hồ, trông có vẻ bối rối hơn là lo lắng.

"Tôi xin lỗi. Thời buổi này, hàng không chẳng mấy đáng tin cậy".

Người tu sĩ lí nhí câu gì đó nghe không rõ rồi nói: "Mọi người đang đợi cha trên tầng. Con xin đưa cha lên".

Thư viện là một phòng rộng vuông vắn được lát và ốp bằng một loại gỗ màu sẫm từ sàn cho đến tận trần. Ở mọi phía, những giá cao ngất chất đầy sách. Sàn lát đá cẩm thạch có trang trí các họa tiết bằng đá bazan, một nét đẹp nhắc ta hay rằng toà nhà này có thời đã từng là cung điện.

"Hoan nghênh Đức Giám mục", một giọng đàn ông vọng ra từ phía trong căn phòng.

Aringarosa cố để ý xem ai vừa nói nhưng đèn mờ tối một cách kỳ cục, tối hơn nhiều so vởi lần đầu tiên ông đến đây khi đó mọi thứ đều rực sáng. Đêm thức tỉnh hoàn toàn. Còn đêm nay, những người này ngồi trong bóng tối, như thể cách nào đó, họ cảm thấy xấu hổ vì những điều sắp sửa lộ ra.

Aringarosa chậm rãi bưởc vào, thậm chí còn có vẻ vương giả là đằng khác. Ông thấy ba người đàn ông ngồi tại chiếc bàn dài ở phía xa của căn phòng. Người ngồi giữa chỉ nhìn dáng cũng nhận ra ngay - vị Thư ký béo phệ của Toà Thánh Vatican, người cai quản tất cả các vấn đề có liên quan đến luật pháp trong phạm vi thành phố Vatican. Hai người kia đều là những Hồng y giáo chủ cao cấp của Ý.

Aringarosa đi ngang qua thư viện về phía họ: "Tôi xin cúi đầu cáo lỗi vì đã đến vào cái giờ muộn mằn này. Múi giờ của chúng ta khác nhau. Chắc các ngài rất mệt".

"Không hề, vị thư kí nói, hai tay chắp trên cái bụng phệ vĩ đại. "Đội ơn ngài đã từ xa đến đây. Điều tối thiểu chúng tôi có thể làm là thức để gặp ngài. Ngài có muốn dùng một tách cà phê hay nước giải khát không?".

"Tôi muốn chúng ta đừng coi đây là một cuộc thăm viếng xã giao. Tôi còn phải đáp một chuyến bay nữa. Liệu chúng ta có thể đi thẳng vào công việc được không?".

"Tất nhiên", người thư kí nói, "ngài hành động nhanh hơn chúng tôi tưởng đấy".

"Ngài vẫn còn những một tháng nữa".

"Các ngài đã cho biết những điều các ngài quan tâm từ năm tháng trước", Aringarosa nói. "Vậy thì tại sao tôi lại phải đợi?".

"Thật vậy. Chúng tôi rất hài lòng với kế hoạch của ngài".

Aringarosa đưa mắt dọc theo chiều dài của chiếc bàn tới một chiếc cặp đen. "Đây có phải là thứ tôi đã yêu cầu không?".

"Nó đấy!", giọng người thư kí nghe có vẻ bồn chồn. "Mặc dù tôi phải thừa nhận rằng chúng tôi có phần lo lắng vì yêu cầu đó. Nó có vẻ khá…".

"Nguy hiểm", một trong số các vị hồng y giáo chủ nói nốt.

Ngài có chắc là chúng tôi không thể chuyển ngân cho ngài tới một địa điểm nào đó sao? Khoản tiền này thật quá lớn".

Tự do là đắt giá. "Tôi không hề lo ngại gì cho sự an toàn của chính mình. Chúa luôn ở bên tôi".

Các vị chủ nhân thực sự có vẻ nghi ngờ.

"Số tiền này đúng như tôi đã yêu cầu chứ?".

Người thư kí gật đầu: "Đó là những trái phiếu có mệnh giá cao rút từ Ngân hàng Vatican. Có thể chuyển thành tiền mặt ở bất kì nơi nào trên thế giới".

Aringarosa bước về phía cuối bàn và mở chiếc cặp. Bên trong là hai tập dày trái phiếu, mỗi tờ đều in hình con dấu của Vatican và chữ PORTATOR khiến tớ trái phiếu có thể giải ngân cho bất kì ai mang nó.

Người thư kí có vẻ căng thẳng: "Tôi phải nói với ngài, thưa Đức Giám mục, tất cả chúng tôi sẽ cảm thấy đỡ lo hơn nếu như khoản này ở dạng tiền mặt".

Nếu bằng tiền mặt làm sao ta có thể nhấc nổi. Aringarose nghĩ bụng rồi đóng chiếc cặp số lại. "Trái phiếu cũng có thể sử dụng như tiền mặt. Chính ngài đã nói với tôi như vậy mà".

Các vị Hồng y giáo chủ nhìn nhau ngại ngùng, và cuối cùng một người lên tiếng: "Phải, nhưng những tờ trái phiếu này đều có thể truy xuất xứ trực tiếp về Vatican".

Aringarosa cười thầm. Đó đích thị là lí do khiến Thày giáo đã gợi ý cho ông nên nhận tiền dưới dạng trái phiếu của Ngân hàng Vatican. Điều đó coi như bảo hiểm. Tất cả chúng ta giờ đây là cùng hội cùng thuyền. "Đây là một cuộc giao dịch hoàn toàn hợp pháp", Aringarosa trấn an, "Opus Dei là một giám mục đoàn riêng của thành phố Vatican, và Đức Giáo hoàng có thê giải ngân được bất cứ lúc nào mà ngài thấy thích hợp. Ở đây hoàn toàn không hề có gì phạm pháp cả".

"Đúng vậy, nhưng…" Vị thư kí cúi về phía trước và chiếc ghế kêu ken két dưới sức nặng. "Chúng tôi không hề biết ngài định làm gì với khoản tiền này, và nếu như nó bị sử dụng bất hợp pháp…".

"Xét những gì các ngài yêu cầu ở tôi", Aringarose đối đáp, "thì việc tôi làm gì với khoản tiền này không can hệ gì đến ngài".

Im lặng kéo dài.

Họ biết là ta lý. Aringarosa nghĩ thầm. "Tôi đoán bây giờ chắc các ngài có thứ gì đó cho tôi kí vào chứ?".

Tất cả bật dậy, sốt sắng đẩy tờ giấy về phía giám mục, như thể họ muốn ông cuốn xéo đi cho mau.

Aringarosa đưa mắt nhìn tờ giấy trước mặt mình, có đóng triện của Giáo hoàng: "Bản này hệt với bản mà các ngài đã gửi cho tôi chứ?".

"Chính xác".

Aringarosa ngạc nhiên thấy mình chẳng mấy xúc động khi kí vào văn bản đó. Nhưng hình như ba người kia lại thở phào nhẹ nhõm.

"Cảm ơn, ngài Giám mục", vị thư kí nói. "Công lao của ngài đối với Giáo hội sẽ không bao giờ bị lãng quên".

Aringarosa nhấc chiếc cặp lên, cảm nhận rõ triển vọng tốt đẹp cũng như uy quyền trong sức nặng của nó. Trong khoảnh khắc bốn người nhìn nhau như thể họ còn điều gì muốn nói song có lẽ chẳng còn gì để nói. Aringarosa quay người và đi về phía cửa.

"Ngài Giám mục?" một trong hai vị Hồng y giáo chủ gọi to khi Aringarosa đã đi với ngưỡng cửa.

Aringarosa dừng bước, quay lại: "Dạ?".

"Ngài sẽ đi đâu từ đây?".

Aringarosa cảm thấy câu hỏi này thuộc lĩnh vự tâm linh hơn là địa lý, nhưng ông không mảy may có ý định bàn về đạo lý trong giờ phút này. "Đến Paris!" ông đáp rồi bước ra khỏi cửa.

Ngân hàng ký thác Zurich là một ngân hàng Geld-schrank phục vụ 24/24 giờ, đem lại cho khách hàng cả loạt đầy đủ các dịch vụ nặc danh hiện đại theo truyền thống tài khoản đánh số của Thụy Sỹ. Trong những năm gần đây, bằng việc duy trì các trụ sở ở Zurich, Kuala Lumpur, New York và Paris, ngân hàng đã mở rộng các dịch vụ của mình nhằm sử dụng các mã thông tin từ máy tính mang tính chất nặc danh và cả đĩa sao lưu số hóa cũng nặc danh.

Nguyên tắc hoạt động chủ yếu của ngân hàng vẫn là cách phục vụ cổ nhất và đơn giản nhất - bảo đảm nặc danh - dịch vụ "mù" gọi cách khác là những hộp kí thác an toàn nặc danh.

Khách hàng muốn cất giữ bất cứ thứ gì, từ giấy chứng nhận mua cổ phiếu cho đến những bức hoạ đáng giá đều có thể ký thác nặc danh tài sản của họ, thông qua một loạt những phương tiện công nghệ cao đảm bảo bí mật riêng tư, có thể rút về bất kì lúc nào, cũng theo phương thức hoàn toàn nặc danh.

Khi Sophie dừng chiếc tắc xi trước nơi họ định đến, Langdon đưa mắt quan sát lối kiến trúc cứng nhắc của toà nhà và cảm thấy Ngân hàng ký thác Zurich là một hãng chẳng mấy có khiếu hài hước. Toà nhà là một khối chữ nhật kín mít không có lấy một ô cửa sổ, như thể đúc toàn bằng thép xỉn. Tựa một viên gạch kim loại khổng lồ, toà nhà nằm thụt lùi khỏi mặt đường với một chiếc thập vuông nhánh bằng đèn nêông cao năm mét, toả sáng rực rỡ khắp mặt tiền.

Danh tiếng của Thụy Sĩ về tôn trọng bí mật trong lĩnh vực ngân hàng đã khiến ngành này trở thành một trong số những hoạt động xuất khẩu mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho quốc gia này. Những cơ sớ như thế này đã thành đầu đề tranh cãi trong cộng đồng nghệ thuật vì chúng cung cấp một nơi lí tưởng cho bọn trộm nghệ thuật cất giấu đồ ăn cắp, trong hàng năm trời nếu cần thiết, cho tới khi sự xôn xao lắng đi.

Hàng ký thác được bảo vệ an toàn, tránh khỏi sự điều tra của Cảnh sát do những điều luật bảo vệ sự riêng tư cá nhân, chúng gắn với tài khoản đánh số chứ không phải tên của người gửi, nên những tên trộm có thể ngủ yên khi biết chắc rằng của cải ăn trộm vẫn an toàn mà cảnh sát không bao giờ truy ra chúng.

Sophie dừng xe tại chiếc cổng bề thế chắn ngang đường lái xe vào ngân hàng - một đoạn dốc lát ximăng đi xuống dưới toà nhà. Một chiếc camera phía trên chĩa thẳng vào họ, Langdon có cảm giác chiếc này là thật chứ không để làm vì như ở Louvre.

Sophie hạ kính cửa xe xuống và quan sát cái bục điện tử về mé bên tay lái. Đó là một màn hình tinh thể lỏng có những lời chỉ dẫn được viết bằng bảy thứ tiếng. Trên đầu danh sách là tiếng Anh.

INSERT KEY (TRA CHÌA VÀO)

Sophie rút từ túi áo ra chiếc chìa khoá vàng, rồi hướng sự chú ý trở lại chiếc bục. Bên dưới màn hình là một ổ có hình tam giác.

"Linh tính báo với tôi là sẽ vừa khít", Langdon nói.

Sophie tra chiếc chìa khoá vào ổ, từ từ ấn cho tới khi cái thân chìa hình trụ tam giác lút hết vào trong. Rõ ràng chìa này không cần xoay. Lập tức cánh cổng bắt đầu mở ra. Sophie nhả phanh chân rồi cho xe trôi xuống tới một cái cổng kèm theo bục thứ hai. Phía sau cô, cổng đầu tiên đóng sập, nhốt họ lại như một con thuyền mắc cạn.

Langdon ghét cái cảm giác bị bó hẹp này. Hy vọng rằng cổng thứ hai này cũng mở ngon nhu thế.

Chiếc bục thứ hai cũng mang ngần ấy lời hướng dẫn.

INSERT KEY (TRA CHÌA VÀO)

Khi Sophie tra chìa vào, ngay lập tức cổng thứ hai mở ra. Vài phút sau, xe ngoằn ngoèo xuống nốt đoạn dốc, chui vào trong bụng toà nhà.

Khu đậu xe riêng nhỏ hẹp và mờ tối, đủ chỗ cho khoảng một tá xe. Ở đầu đằng kia, Langdon phát hiện thấy lối chính vào toà nhà. Một tấm thảm đỏ trải khắp mặt sàn ximăng đón khách vào một cánh cửa to tướng, vẻ như đúc bằng kim loại cứng.

Chà những thông điệp hỗn độn nước đôi, Langdon nghĩ thầm. Hoan nghênh, nhưng hãy đứng ngoài.

Sophie lái chiếc tắc xi vào chỗ đậu gần với lối vào, rồi tắt máy: "Anh nên để súng lại trong xe thì hơn".

Rất vui lòng, Langdon nghĩ bụng, nhét khẩu súng lục xuống dưới ghế ngồi.

Sophie và Langdon ra khỏi xe rồi bước trên tấm thảm đỏ về phía tấm thép khổng lồ. Cửa không có tay kéo, nhưng trên tường bên cạnh, có một lỗ khoá hình tam giác. Lần này không kèm theo lời chỉ dẫn nào.

"Cho bọn chậm hiểu đứng ngoài", Langdon nói.

Sophie cười, vẻ bồn chồn: "Nào ta đi". Cô ấn chìa vào lỗ khoá và cánh cửa mở vào phía trong với một tiếng ì ì nhẹ. Đưa mắt nhìn nhau, cả hai cùng bước vào. Cánh cửa đóng dánh thịch sau lưng họ.

Phòng chờ của Ngân hàng Ký thác Zurich có kiểu trang trí dữ dằn nhất mà Langdon từng thấy. Ở những chỗ mà phần lớn các ngân hàng chỉ dùng đá hoa và granite nhẵn bóng thì ngân hàng này chọn kim loại và đinh tán chạy suốt từ tường này sang tường kia.

Ai trang trí cho họ vậy? Langdon tự hỏi. Hợp kim thép.

Sophie cũng có vẻ e ngại khi đảo mắt nhìn khắp sảnh.

Kim loại xám hiện diện khắp nơi - sàn trần, các quầy, cửa ra vào, thậm chí ghế ngồi ở sảnh cũng có vẻ như đúc bằng sắt.

Mặc dù vậy, hiệu quả vẫn gây ấn tượng. Thông điệp là rõ ràng: Quý khách đang đi vào khu cất giữ đồ ký thác.

Một người cao lớn ở phía sau bàn ghi sê ngước mắt nhìn khi họ bước vào. Anh ta vội tắt chiếc ti vi cá nhân đang xem rồi chào đón họ bằng một nụ cười niềm nở. Mặc dù cơ bắp cuồn cuộn và khẩu súng bên sườn gồ lên lồ lộ, giọng anh ta rất phù hợp với phong thái lịch thiệp của một gã bồi khách sạn Thụy Sĩ.

"Bosoir" , anh ta nói. "Tôi có thể giúp được gì quý khách không?".

Lời chào bằng hai thứ tiếng Anh, Pháp là nghệ thuật giao tiếp mới nhất hiện nay của các ông chủ ở châu Âu. Nó không mặc định gì hết và để ngỏ cho khách thoải mái trả lời bằng thứ tiếng nào tiện hơn cho họ.

Sophie không đáp lại bằng thứ tiếng nào. Cô chỉ đặt chiếc chìa khoá bằng vàng lên chiếc bàn ghi sê phía trước mặt người đàn ông.

Người này nhìn xuống rồi ngay lập tức đứng thẳng lên: "Tất nhiên rồi. Thang máy của quý khách ở phía cuối sảnh này. Tôi sẽ báo cho họ biết là quý khách đang đến".

Sophie gật đầu rồi lấy lại chiếc chìa khoá: "Tầng mấy?".

Người phục vụ nhìn cô với ánh mắt kì lạ: "Chính chìa khoá của quí khách chỉ dẫn cho thang máy đến tầng nào".

Cô cười: "À phải".

Người bảo vệ dõi theo hai người khách mới tới đang đi về phía thang máy, tra chìa vào ổ, bước vào thang máy và khuất dạng.

Ngay sau khi cửa thang máy đóng lại, anh ta chộp lấy điện thoại. Anh ta không gọi để báo cho ai đó biết họ đang đến; điều đó không cần thiết. Người trông giữ hầm két đã được cảnh báo ngay sau khi khách hàng tra chìa ở cổng vào.

Thay vào đó, người bảo vệ gọi cho người quản trị trực đêm.

Khi chuông điện thoại rung lên, người bảo vệ lại tiếp tục bật màn hình lên rồi nhìn chằm chằm vào đó. Bản tin anh ta xem dở dang trước đó vừa mới kết thúc. Không sao. Anh ta nhìn một lần nữa vào hai gương mặt kia trên màn hình ti vi.

Người quản trị trực đêm trả lời: "Gì thế?".

"Tình huống đặc biệt dưới này".

"Chuyện gì đang diễn ra vậy?" Người quản lí hỏi.

"Đêm nay, cảnh sát Pháp đang truy tìm hai kẻ đào tẩu".

"Thì sao?".

"Cả hai tên đó vừa đi vào nhà băng của chúng ta".

Người quản trị trực đêm khẽ chửi thề: "Được. Tôi sẽ liên lạc ngay với ông Vernet".

Người bảo vệ gác máy rồi lại gọi thêm một cuộc nữa. Lần này cho Interpol.

***

Langdon ngạc nhiên cảm thấy thang máy đang đi xuống chứ không phải đi lên. Ông không biết họ đã đi sâu xuống phía dưới Ngân hàng Ký thác Zurich bao nhiêu tầng trước khi cửa thang máy, rốt cuộc, mở ra. Ông bất cần. Ông cảm thấy sung sướng được ra khỏi thang máy.

Tỏ ra hết sức sốt sắng, một vị chủ nhân đã đứng sẵn đó để chào đón họ. Đó là một ông già hòa nhã, mặc một bộ com-lê flannel là phẳng phiu khiến ông trông thật lạc lõng - một ông chủ ngân hàng thuộc thế giới cũ trong một thế giới công nghệ cao.

"Bonsoir", ông già nói, "Xin chào, xin vui lòng đi theo tôi, S il vous plait" . Không chờ trả lời, ông ta đã quay gót rồi sải bước nhanh theo một hành lang hẹp bằng kim loại.

Langdon cùng, Sophie đi xuôi một loạt hàng lang, qua mấy căn phòng rộng đầy máy tính màn hình lớn đang nhấp nháy.

"Voici" , vị chủ nhân nói khi tới một cánh cửa thép, và mở cửa ra cho họ. "Các vị đã đến nơi".

Langdon và Sophie bước vào một thế giới khác. Căn phòng nhỏ trước mặt họ trông giống như một phòng khách xa hoa trong một khách sạn đẹp. Kim loại và đinh tán biến mất, thay thế bằng những tấm thảm phương Đông, đồ nội thất bằng gỗ sồi màu đen tuyền và ghế đệm. Trên chiếc bàn rộng ở giữa phòng, hai chiếc cốc pha lê xếp bên một chai rượu Perrier mở sẵn, còn sủi bọt. Một bình cà phê đang bốc hơi nghi ngút cạnh đó xác như đông hồ vậy, Langdon nghĩ thầm. Về điểm này thì phải chịu người Thụy Sĩ.

Ông già mỉm cười tinh tế: "Tôi có cảm giác đây là lần dầu các vị đến ngân hàng chúng tôi?".

Sophie do dự rồi gật đầu.

"Dễ hiểu thôi. Chìa khoá thường được truyền lại như tài sản thừa kế, và những vị khách lần đầu tiên đến đây tất yếu là bỡ ngỡ về thủ tục". Ông chỉ về phía chiếc bàn để đồ uống. "Căn phòng này là của quý khách chừng nào quý khách cần dùng".

"Ngài nói chìa khoá đôi khi là vật thừa kế?" Sophie hỏi lại.

"Thực vậy. Chiếc chìa khoá của quý khách giống như một tài khoản đánh số của Thuỵ Sĩ, thường khi được truyền lại qua nhiều thế hệ. Trên các tài khoản bằng vàng của chúng tôi đều có hợp đồng ký thác an toàn trong thời hạn ít nhất là năm mươi năm. Phí trả trước. Cho nên chúng tôi từng chứng kiến nhiều sự chuyển giao trong nội bộ gia đình".

Langdon đăm đăm nhìn: "Ngài vừa nói năm mươi năm".

"Đấy là thời hạn tối thiểu", vị chủ nhân đáp. "Tất nhiên quý khách ó thể mua những hợp đồng dài hạn hơn, nhưng nếu không gia hạn thêm mà trên tài khoản năm mươi năm lại không có hoạt động gì thì những thứ trong hộp ký thác hoàn toàn oàn sẽ tự động bị phá huỷ. Có cần tôi nói sơ lược về quá trình truy nhập hộp kí thác của quý khách không?".

Sophie gật đầu: "Xin ngài cho biết".

Vị chủ nhân khoát tay về phía phòng khách sang trọng:

"Đây là phòng kiểm tra riêng của quý khách. Một khi tôi rời khỏi căn phòng này, quý khách có thể sử dụng toàn bộ thời gian cần thiết để kiểm tra cũng như thay đổi nội dung hộp ký thác an toàn của mình, nó sẽ đến… qua đây". Ông dẫn họ tới bức tường phía xa, nơi có một băng vận chuyển chạy vào phòng theo một đường cong thanh thoát, hơi giống băng chuyển hành lí ở các sân bay vậy. "Quý khách hãy tra chìa vào ổ khoá chỗ kia…", ông chỉ tay về phía bục điện tứ khá rộng đối diện với băng chuyền. Bục này cũng có một lỗ khoá hình tam giác trông quen thuộc. "Một khi máy tính đã xác nhận dấu trên chìa khoá của quý vị, quý vị nhập số tài khoản của mình, và hộp ký thác an toàn của quý vị sẽ được rô-bốt chuyển đến từ hầm két bên dưới để quý khách kiểm tra. Khi quý khách kiểm tra hộp xong, hãy đặt nó trên băng chuyền, rồi lại tra chìa vào quá trình đó lại được đảo ngược. Vì mọi công đoạn đều tự động cả, sự riêng tư của khách hàng được đảm bảo, thậm chí ngay cả ban điều hành của ngân hàng cũng không hề hay biết. Nếu quý khách cần bất kì cái gì, xin hãy ấn nút gọi tại chiếc bàn kê ở giữa phòng".

Sophie đang định hỏi thêm một câu nửa thì chuông điện thoại reo. Ông già có vẻ bối rối và lúng túng: "Cho tôi xin lỗi".

Ông đi vội đến phía bàn điện thoại nằm ngay sát bàn để cà phê và chai Perrier.

"Oui", ông trả lời.

Lông mày ông cau lại khi nghe người ở đầu dây đằng kia.

"Oui, oui… d accord" . Ông gác máy, rồi cười gượng gạo: "Rất tiếc tôi phải để quý khách ở lại đây. Xin quý khách cứ tự nhiên như ở nhà". Ông nhanh chóng đi về phía cửa.

"Xin lỗi ngài", Sophie gọi to. "Ngài có thể làm rõ một vài điều trước khi đi được không? Ngài vừa nhắc chúng tôi nhập số vào khoá?".

Ông dừng lại ở cửa, vẻ mặt tái nhợt. "Tất nhiên rồi. Như ở hầu hết các ngân hàng ở Thụy Sĩ, những chiếc hộp ký thác an toàn của chúng tôi gắn với một con số chứ không phải là một cái tên. Khách hàng có một chìa khoá và một số tài khoản riêng chỉ họ biết thôi. Chiếc chìa khóa của quý khách mới chỉ là một nửa phần nhận dạng của quý khách mà thôi, nửa kia là số tài khoản của quý khách. Bằng không, nếu quý khách đánh mất chìa khoá, thì bất kì ai nhặt được cũng có thể sử dụng nó".

Sophie ngần ngại: "Thế nếu người chuyển giao chìa khóa cho tôi không cho tôi số tài khoản thì sao?".

Tim của người làm ngân hàng đập thình thịch. Thế thì hiển nhiên là các người chẳng có việc gì ở đây cả! Ông mỉm cười bình thản: "Tôi sẽ yêu cầu một người giúp quý khách. Anh ta sẽ đến ngay bây giờ thôi".

Rời khỏi căn phòng, ông đóng cửa lại sau lưng, bấm một chiếc khoá lớn nhốt hai người khách ở bên trong.

Đầu đằng kia thành phố, Collet đang đứng trong ga phía Bắc thì điện thoại của anh ta đổ chuông.

Người gọi là Fache. "Interpol đã nhận được một tin báo", ông ta nói. "Quên chuyến tàu ấy đi. Langdon và Sophie vừa vào chi nhánh Ngân hàng Ký thác Zurich tại Paris. Tôi muốn quân của anh đến đó ngay lập tức".

"Đã có manh mối gì về điều Saunière muốn truyền đạt cho Neveu và Robert Langdon chưa ạ?".

Giọng Fache thật lạnh lùng: "Nếu anh tóm cổ được họ, trung uý Collet, tôi sẽ đích thân hỏi họ". Collet hiểu hàm ý của ông ta: "Số hai mươi tư phố Haxo".

"Ngay bây giờ thưa đại uý". Anh tắt máy rồi điện đàm với người của mình.

Chú thích:

(1) Tiếng Đức: hộp đựng đồ kí gửi.

(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Chào buổi tối

(3) Tiếng Pháp trong nguyên bản: xin vui lòng.

(4) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Đây.

(5) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Vâng…vâng… đồng ý.

MẬT MÃ DA VINCI
Chương 32

André Vernet, chủ tịch của chi nhánh Ngân hàng Ký thác Zurich đặt tại Paris - sống trong một căn hộ xa hoa phía trên ngân hàng. Mặc dù có đầy đủ tiện nghi sang trọng, ông vẫn mơ được sớ hữu một căn hộ bên sông trên đảo Saint-Louis, nơi ông có thể chen vai thích cánh với những người sành điệu đích thực chứ chẳng như ở đây chỉ toàn gặp bọn trọc phú.

Vernet tự nhủ, khi nào về hưu, mình sẽ chất đầy hầm rượu toàn vang Bordeaux quý hiếm, trang trí salon bằng một bức Fragonard và có lẽ một bức Boucher (1), và suốt ngày mình sẽ săn lùng đồ cổ và sách quý hiếm ở Quartier Latin.

Đêm nay, Vernet mới chỉ thức giấc được có sáu phút rưỡi. Mặc dù vậy, khi ông hối hả đi qua hành lang ngầm của ngân hàng, trông ông như vừa được người thợ may và húi tóc riêng điểm tô cho một mẽ ngoài bóng bẩy. Chỉnh tề trong bộ com-lê lụa, Vernet xịt một ít nước thơm vào miệng, thắt chặt ca vát lại rồi mới bước ra ngoài. Không hề lạ lẫm với việc bị đánh thức giữa đêm khuya để phục vụ những khách hàng quốc tế đến từ những vùng có múi giờ khác nhau, Vernet đã tạo cho mình thói quen ngủ theo cách những chiến binh Maasai - một bộ lạc châu Phi nổi tiếng với khả năng chỉ trong vòng vài ba giây đã có thể từ giấc ngủ say sưa nhất chuyển sang tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Sẵn sàng chiến đấu, Vernet nghĩ thầm, sợ rằng sự ví von ấy có thể ứng vào đêm nay một cách bạo liệt lạ thường. Sự hiện diện của một khách hàng có chiếc chìa khoá vàng bao giờ cũng đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn thường nhật, nhưng người khách hàng mang chiếc chìa khoá vàng này lại đang bị Cảnh sát tư pháp truy nã thì càng là vấn đề cực kì tế nhị.

Ngân hàng này đã có đủ những cuộc chiến chống lại việc thực thi luật pháp để bảo vệ quyền bí mật riêng tư của khách hàng mà không có bằng chứ ng rằng một số trong bọn họ là những tên tội phạm.

Năm phút thôi. Mình cần hai kẻ đó ra khỏi ngân hàng trước khi cảnh sát đến.

Nếu ông hành động nhanh chóng, thì có thể khéo léo tránh được thảm hoạ sắp xảy ra. Vernet có thể nói với cảnh sát rằng quả thật những tên đào tẩu ấy có vào ngân hàng như đã báo cáo nhưng vì chúng không phải là khách hàng của họ và không có số tài khoản nên đã bị khước từ. Giá như gã bảo vệ chết tiệt kia đừng gọi cho Interpol, thì đỡ biết mấy. Rõ ràng kín đáo không nằm trong vốn từ của người bảo vệ được trả lương mười lăm Euro/giờ này.

Dừng lại ở ngưỡng cửa, ông hít một hơi thật sâu và thả lỏng cơ bắp. Sau đó cố nhoẻn một nụ cưởi dịu dàng, ông mở khóa và đẩy cửa bước vào phòng như một làn gió ấm.

"Xin chào", ông nói, mắt đảo tìm những người khách hàng của mình. "Tôi là André Vernet. Tôi có thể phục…", phần còn lại của câu nói bị tắc ở đâu đó dưới yết hầu. Người phụ nữ trước mặt ông không phải là một người khách bất ngờ như ông nghĩ.

"Xin lỗi, có phải chúng ta đã quen nhau không?", Sophie hỏi. Cô không nhận ra ông chủ ngân hàng, nhưng ông thì trong khoảnh khắc nom như vừa thấy ma hiện hình.

"Không…", ông chủ tịch ngân hàng lúng búng, "tôi không nghĩ vậy. Dịch vụ của chúng tôi là nặc danh". Ông ta thở hắt ra và cố nặn ra một nụ cười bình tĩnh. "Người trợ lí của tôi nói rằng quý cô có một chiếc chìa khoá vàng nhưng lại không có số tài khoản, đúng không? Tôi có thể mạn phép hỏi, làm sao quý cô lại có được chiếc chìa khoá ấy?".

"Ông tôi đã đưa nó cho tôi", Sophie trả lời và nhìn kĩ hơn Ông chủ tịch. Sự lúng túng của ông ta lúc này càng rõ rệt.

"Thực vậy sao? Cụ nhà đã đưa cho quý cô chiếc chìa khoá này mà lại quên không cho số tài khoản sao?".

"Tôi không nghĩ là ông tôi còn đủ thời gian để làm việc ấy", Sophie nói, "Ông tôi vừa bị giết hại đêm nay".

Lời nói của Sophie khiến ông la loạng choạng lùi lại:

"Jacques Saunière chết rồi ư?". Ông hỏi lại, mắt đầy vẻ kinh hãi. "Nhưng… như thế nào?!".

Lúc này đến lượt Sophie lui lại: "Ngài biết ông tôi?".

Ông chủ ngân hàng André Vernet có vẻ cũng kinh ngạc, dựa vào thành bàn để đứng cho vững: "Jacques và tôi là bạn thân. Chuyện xảy ra khi nào?".

"Đầu buổi tối nay. Bên trong bảo tàng Louvre".

Vernet bước đến một chiếc ghế da và gieo mình xuống đó:

"Tôi cần hỏi cả hai người một câu vô cùng quan trọng" . Ông ngước nhìn Langdon rồi lại quay sang Sophie: "Ai trong số hai người có dính líu tới cái chết của ông ấy?".

"Không ai cả!". Sophie tuyên bố. "Hoàn toàn không".

Mặt Vernet lầm lầm, ông dừng lại ngẫm nghĩ. "Interpol cho truyền ảnh hai người khắp mọi nơi. Nhờ vậy mà tôi nhận ra cô.

Các người đang bị truy nã vì tội sát nhân".

Sophie ngồi phịch xuống. Fache đã kịp cho phát thông báo của Interpol rồi sao? Dường như tay đại uý ấy có động cơ mạnh mẽ hơn Sophie dự kiến. Cô kể nhanh cho Vernet biết Langdon là ai và chuyện gì đã xảy ra trong bảo tàng Louvre tối nay.

Vernet có vẻ kinh ngạc: "Lúc hấp hối, ông ấy đã để lại một tin nhắn yêu cầu cô tìm ông Langdon?".

"Vâng. Và chiếc chìa khoá này nữa". Sophie đặt chiếc chìa khoá vàng lên mặt bàn cà phê trước mặt Vernet, úp mặt có hình con dấu của Tu viện Sion xuống.

Vernet liếc nhìn chiếc chìa khoá, nhưng không làm cử chỉ nào để chạm vào nó: "Ông ấy chỉ để lại cho cô chiếc chìa khoá này thôi ư? Không còn gì khác nữa? Một mẩu giấy chẳng hạn?".

Sophie biết cô rất vội khi ở trong bảo tàng Louvre, nhưng cô dám chắc không hề nhìn thấy một cái gì khác ẩn giấu đằng sau tác phẩm Madonna of the Rocks. "Không có gì khác đâu. Chỉ có mỗi chiếc chìa khoá này thôi".

Vernet thở dài ngao ngán: "Tôi e rằng mỗi chiếc chìa khoá đều đi kèm với một tài khoản mười chữ số, có chức năng như một mật khẩu. Nếu như không có số tài khoản ấy, chiếc chìa khoá của cô cũng chẳng có giá trị gì".

Mười chữ số. Sophie miễn cưỡng tính toán các khả năng giải mã. Mười tỷ phương án cả thể. Ngay cả mang vào những chiếc máy tính có cài đặt chương trình tính toán hoàn hảo nhất của DCPJ thì cô cũng cần nhiều tuần mới mong giải được mật mã ấy. "Xét hoàn cảnh đặc biệt, chắc chắn ngài có thể giúp dỡ chúng tôi".

"Ôi xin lỗi. Thực sự tôi không thể làm gì được. Các khách hàng đều tự lựa chọn lấy số tài khoán thông qua mạng máy tính rất an toàn, điều đó có nghĩa là chỉ có khách hàng và máy tính mới biết được số tài khoản mà thôi. Đây là cách duy nhất để chúng tôi có thể duy trì hình thức nặc danh và cả sự an toàn cho nhân viên trong ngân hàng".

Sophie hiểu. Các kho giữ đồ cũng làm điều tương tự. NHÂN VIÊN TRONG NGÂN HÀNG KHÔNG ĐƯỢC CÓ CHÌA KHOÁ KÉT. Rõ ràng, ngân hàng này không dám liều để cho một kẻ gian nào đó ăn trộm một chiếc chìa khoá rồi sau đó giữ nhân viên của họ làm con tin để có được số tài khoản.

Sophie ngồi xuống bên cạnh Langdon, nhìn xuống chiếc chìa khoá rồi lại ngước nhìn Vernet: "Ngài có biết gì về cái mà ông tôi đang cất giữ trong ngân hàng này không?".

"Hoàn toàn không. Đó chính là định nghĩa của một ngân hàng Geldschralk".

"Thưa ngài Vernet", Sophie thúc hối, "đêm nay, thời gian của chúng tôi rất hạn hẹp. Tôi sẽ nói thắng toẹt không vòng vo".

Cô với tay cầm lấy chiếc chìa khoá vàng và lật mặt kia lên, quan sát ánh mắt của Vernet trong khi phô ra con dấu của Tu Viện Sion. "Dấu hiệu này trên chiếc chìa khoá có ý nghĩa gì đối với ngài không?".

Vernet liếc nhìn con dấu có hình bông hoa loa kèn mà không hề có phản ứng gì: "Không, nhưng nhiều khách hàng của chúng tôi cũng cho khắc nổi logo hãng của mình hoặc những chữ cái đầu tiên lên chìa khoá của mình".

Sophie thở dài, mắt vẫn quan sát ông chủ tịch rất kỹ: "Con dấu này là biểu tượng của một hội kín được gọi là Tu viện Sion".

Vernet vẫn không có phản ứng gì: "Tôi không hề hay biết về điều này. Ông cô là bạn tôi, nhưng chúng tôi chủ yếu bàn về chuyện làm ăn". Ông chỉnh lại cái ca vát, trông ông lúc này có vẻ bồn chồn.

"Thưa ngài Vernet", Sophie lại thúc hối, giọng cương quyết, "tối nay, ông tôi gọi điện cho tôi, nói rằng cả hai ông cháu đang ở trong tình thế nguy hiểm. Ông nói cần phải trao cho tôi vật gì đó. Vật đó chính là chiếc chìa khoá này. Giờ thì ông đã mất. Bất kì điều gì ngài có thể cho chúng tôi biết đều rất có ích".

Vernet toát mồ hôi: "Chúng ta cần phải thoát ra khỏi toà nhà này. Tôi sợ là cảnh sát sẽ đến trong chốc lát. Người bảo vệ của chúng tôi cảm thấy buộc phải gọi cho Interpol".

Sophie đã sợ là sẽ như vậy. Cô dấn một chiêu cuối: "Ông tôi nói cần phải kể cho tôi biết sự thật về gia đình tôi. Điều này có ý nghĩa gì đối với ngài hay không?".

"Cô ạ gia đình cô đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn ô tô khi cô còn nhỏ. Tôi rất tiếc. Tôi biết ông cô yêu cô lắm. Mấy lần ông thổ lộ với tôi là ông xiết bao đau khổ về chuyện hai ông cháu cắt đứt liên lạc với nhau".

Sophie không biết nên trả lời ra sao.

Langdon chợt hỏi: "Liệu tài khoản ấy có liên quan gì đến Sangreal hay không?".

Vernet nhìn Langdon ngỡ ngàng: "Tôi không biết đó là cái gì". Đúng lúc đó điện thoại di động của Vernet reo, ông giật nó ra khỏi thắt lưng. "Oui?", ông nghe một lúc, mặt lộ vẻ ngạc nhiên và càng lúc càng lo lắng: "La police? Si rapidement" (2), ông chửi thề, chỉ dẫn ngắn gọn vài lời bằng tiếng Pháp, và nói ông sẽ có mặt ở sảnh sau một phút nữa.

Cúp điện thoại, ông quay về phía Sophie. "Cảnh sát phản ứng mau lẹ hơn thường lệ nhiều. Trong lúc chúng ta nói chuyện, họ đã sắp tới rồi".

Sophie không hề có ý định rời khỏi ngân hàng với đôi bàn tay trắng: "Xin hãy nói với họ rằng chúng tôi đã đến và đã đi khỏi ngân hàng rồi. Nếu họ muốn lục soát nhà băng, hãy yêu cầu họ xuất trình lệnh lục soát điều đó sẽ làm họ tốn thời gian đấy!".

"Nghe này!", Vernet nói "Jacques là bạn tôi và ngân hàng chúng tôi chẳng cần loại tin trên báo chí kiểu này, vì hai lí do đó tôi không có ý định để cho cuộc bắt giữ này diễn ra trên địa phận của tôi. Hãy cho tôi một phút và tôi sẽ lo liệu xem có thể làm gì để giúp các bạn rời khỏi đây mà không bị phát hiện.

Ngoài ra, tôi không thề bị liên can". Ông đứng dậy và vội vã bước ra phía cửa. "Cứ ở đây. Tôi sẽ dàn xếp ổn thoả rồi quay lại ngay thôi!".

"Còn hộp ký thác an toàn kia thì sao?". Sophie nói. "Chúng tôi không thể bỏ đi như thế này được".

"Tôi chẳng thể làm được gì". Vernet nói vậy rồi vội vàng bước ra khỏi cứa. "Tôi rất tiếc".

Sophie nhìn theo ông một lúc rồi tự hỏi liệu số tài khoản ấy có thể bị vùi giữa một trong vô số thư từ, bưu kiện ông cô đã gửi cho cô trong bao năm mà cô đã không hề mở ra?

Langdon đột ngột đứng dậy, và Sophie cảm thấy một ánh mãn nguyện bất ngờ long lanh trong mắt ông.

"Robert, anh đang mỉm cười?".

"Ông cô đúng là một thiên tài!".

"Anh nói gì vậy?".

"Mười con số, phải không?".

Sophie chẳng biết Langdon đang nói gì.

"Số tài khoản", ông nói, một nụ cười quen thuộc hơi lệch về một bên hiện trên gương mặt ông. "Rốt cuộc tôi dám chắc ông ấy có để lại nó cho chúng ta".

"Ở chỗ nào?".

Langdon chìa một bản sao in tấm ảnh hiện trường vụ án rồi rải nó lên chìếc bàn uống cà phê. Chỉ cần đọc dòng đầu tiên, Sophie biết Langdon đã đúng.

13-3-2-21-1-1-8-5

Ôi, quỷ hà khắc!

Ôi thánh yếu đuối!

Tái bút. Hãy tìm Robert Langdon

Chú thích:

(1) Francois Boucher (1703-1770) và Jean Honoré Fragonard (1732-1806) là hai họa sĩ Pháp vẽ theo phong cách rococo.

(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Cánh sát ư? Nhanh đến thế ư?

"Mười chữ số" Sophie nói, quan năng mật mã học ran ran trong cô khi nhìn chăm chú vào bản in ấy.

13-3-2-21-1-1-8-5

Ông mình đã viết số tài khoản lên sàn bảo tàng Louvre!

Lần đầu tiên khi Sophie nhìn thấy dãy số Fibonacci ghi lộn xộn trên sàn gỗ, cô đã đoán chừng mục đích duy nhất của nó là gợi ý cho DCPJ gọi các nhân viên giải mã và khiến Sophie tham gia vào. Nhưng sau đó cô đã nhận ra rằng những con số đó cũng là đầu mối để giải mã những dòng chứ khác - một dãy số hỗn độn, một anagram bằng số. Giờ đây Sophie ngạc nhiên tột độ nhận ra rằng những con số đó còn mang một ý nghĩa quan trọng hơn nhiều. Cần như chắc chắn chúng chính là chìa khoá cuối cùng để mở hộp ký thác an toàn đầy bí ẩn của ông cô.

"Ông là bậc thầy về trò đặt câu mang nghĩa nước đôi", nói rồi Sophie quay về phía Langdon. "Ông thích bất kì thứ gì nhiều tầng nghĩa. Mật mã trong mật mã".

Langdon đã tiến về phía chiếc bục điện tử gần băng chuyền.

Sophie vớ lấy bản in từ máy tính và đi theo.

Bục điện tử có một bàn phím cỡ nhỏ giống như bàn phím của máy rút tiền tự động ATM. Màn hình hiển thị logo chữ thập của ngân hàng. Bên cạnh bàn phím là một lỗ hình tam giác.

Sophie lập tức tra chìa vào ổ khoá.

Màn hình khởi động tức thì:

SỐ TÀI KHOẢN: con trỏ chuột nhấp nháy, báo đợi.

Mười chữ số. Sophie đọc số từ bản in cho Langdon đánh vào màn hình:

SỐ TÀI KHOẢN:

13-3-2-21-1-1-8-5

Khi ông đánh xong chứ số cuối cùng, màn hình khởi động lại. Một tin ngắn viết bằng nhiều thứ tiếng xuất hiện. Tiếng Anh ở trên cùng.

CHÚ Ý:

Trước khi đánh phím "ENTER, xin kiểm tra xem số tài khoản đã chính xác chưa.

Vì sự an toàn của quý khách.

Nếu máy tính không công nhận số tài khoản này, hệ thống sẽ tự động đóng.

"Fontion Terminer?" Sophie cau mày. "Có vẻ như chúng ta chỉ có thể thử một lần thôi". Những máy chi trả tự động ATM tiêu chuẩn cho phép người sử dụng thử ba lần số nhận dạng trước khi thu hồi thẻ ngân hàng của họ . Rõ ràng, đây không phải là máy chi trả tự động thông thường.

"Số này có vẻ đúng đấy". Langdon xác nhận rồi cẩn thận kiểm tra những chữ số họ đã dánh so với bản in. Ông chỉ vào phím ENTER: "Ấn đi".

Sophie đưa ngón trỏ về phía bàn phím, nhưng rồi lại ngần ngừ, một ý nghĩ kì lạ chợt đến với cô.

"Bấm đi", Langdon giục, "Vernet quay trở lại bây giờ!".

"Không được!" Cô rụt tay lại. "Đây không phải là số tài khoản chính xác đâu".

"Tất nhiên là đúng nó! Mười chứ số đấy thôi. Làm sao có thể khác được?".

"Con số này quá ngẫu nhiên".

Quá ngẫu nhiên? Langdon tuyệt dối không đồng ý. Mọi ngân hàng đều khuyên khách hàng lựa chọn số nhận dạng một cách ngẫu nhiên để không ai có thể đoán được chúng. Chắc chắn khách hàng ở đây cũng được khuyên nên chọn lựa số tài khoản một cách ngẫu nhiên.

Sophie xoá sạch những gì họ vừa đánh vào và ngước nhìn Langdon, cái nhìn đầy tự tin: "Nếu cái số tài khoản được yêu cầu là ngẫu nhiên này có thể sắp xếp lại thành dãy số Fibonacci thì thật quá ư là trùng hợp".

Langdon nhận ra rằng cô có lý. Vừa nãy Sophie đã sắp xếp tài khoản này thành dãy số Fibonaccỉ. Khả năng tốt, xấu là thế nào để khiến cô có thể làm điều đó?

Sophie lại ấn tay vào bàn phím, nhập một con số khác như thể từ trí nhớ: "Hơn nữa, ông tôi vốn thích các biểu tượng và mật mã, do đó có lẽ ông đã lựa chọn một số tài khoản mang một ý nghĩa đối với ông, một con số có thể nhớ dễ dàng". Cô đã đánh xong số nhập, và mỉm cười ranh mãnh: "Một cái gì có vẻ ngẫu nhiên…nhưng lại không ngẫu nhiên".

Langdon nhìn vào màn hình.

SỐ TÀI KHOẢN:

123581321

Phải mất một lúc Langdon mới nhận ra nhưng khi định vị được thì ông biết là cô đúng.

Cấp số Fibonacci 123581321

Khi cấp số Fibonacci quyện lại thành một số duy nhất gồm mười chữ số, thì hầu như không thể nhận ra được. Dễ nhớ, và có vẻ như là ngẫu nhiên. Một mật mã tài tình gồm mười chữ số mà Saunìere không thể quên được. Hơn nữa, nó gỉải thích một cách hoàn hảo lí do tại sao những con số lộn xộn trên sàn của bảo tàng Louvre lại có thể sắp xếp lại thành cấp số trứ danh ấy.

Sophie với tay và ấn vào phím ENTER trên bàn phím.

Chẳng có gì xẩy ra.

Chí ít chẳng có gì họ có thể thấy được.

Cùng lúc đó, ở bên dưới họ, trong hầm ngầm sâu thăm thẳm của ngân hàng, một chiếc càng máy bỗng nhiên khởi động.

Trượt trên hệ thống vận chuyển có trục kép gắn với trần hầm, chiếc càng lao đi tìm toạ độ chính xác. Trên sàn ximăng phía dưới, hàng trăm hòm plastic giống hệt nhau nằm thành hàng trên một tấm lưới sắt khổng lồ… tựa những dãy quan tài nằm trong một khu hầm mộ dưới lòng đất.

Dừng lại trong tiếng ro ro đúng bên trên chỗ cần tìm trên sàn hầm, chiếc càng hạ xuống, một con mắt điện tử xác nhận mã vạch trên chiếc hòm. Rồi, với sự chính xác của máy tính, chiếc càng quắp lấy quai xách và nhấc bổng chiếc hòm lên theo chiều thẳng đứng. Bộ bánh răng mới vào khấc, và chiếc càng chuyển chiếc hòm sang đầu kia hầm, dừng lại trên một băng chuyền đang đứng im.

Lúc này, cánh tay càng nhẹ nhàng đặt chiếc hòm xuống và rút về.

Chiếc càng vừa rút khỏi, băng chuyền liền khởi động…

Ở tầng trên, Sophie và Langdon thở phào nhẹ nhõm khi trông thấy chiếc băng chuyền khởi động. Đứng bên băng chuyền, họ cảm thấy mình giống như những lữ khách mệt mỏi ở chỗ lấy đồ đang chờ một hành lý bí ẩn mà họ hoàn toàn không biết có gì ở bên trong.

Băng chuyền trôi vào phòng từ phía bên tay phải họ qua một khe hẹp bên dưới một cánh cửa đẩy ra kéo vào được. Cánh cửa kim loại kéo lên rồi một chiếc hòm plastic lớn xuất hiện, từ dưới sâu nhô lên trên mặt phắng nghiêng của băng chuyền. Chiếc hòm màu đen, khuôn plastic dày, lớn hơn nhiều so với tưởng tượng của Sophie. Trông nó như một chiếc hòm chở thú vật kiểng trên máy bay chỉ khác cái là không có lỗ thông khí.

Chiếc hòm dừng ngay trước mặt họ.

Langdon và Sophie đứng đó, im lặng và nhìn chằm chằm vào chiếc hòm bí ẩn ấy.

Giống như mọi thứ khác trong ngân hàng này, chiếc hòm này cũng mang đậm tính công nghiệp - móc cài bằng kim loại, một mã vạch dán trên nắp và một quai xách rất dày. Sophie nghĩ nó giống như một hòm đồ nghề khống lồ.

Không để tốn thời gian, Sophie tháo hai chiếc móc cài trước mặt cô. Rồi cô đưa mắt ra hiệu cho Langdon. Họ cùng nhấc nắp hòm, lật ra phía sau.

Bước lên phía trước, họ ngó vào trong.

Thoạt nhìn, Sophie tưởng hòm rỗng không. Rồi, cô nhìn thấy cái gì đó. Dưới đáy hòm. Độc một thứ.

Đó là một chiếc hộp gỗ đánh bóng, to bằng hộp đựng giầy với những bản lề hoa mĩ. Loại gỗ này có màu tím sẫm óng ánh dưới đường vân thô. Gỗ hồng mộc. Sophie nhận ra. Loại gỗ ông cô ưa thích. Nắp đậy có khảm hình một bông hoa hồng. Cô và Langdon bỗng nhiên nhìn nhau bối rối. Sophie cúi xuống cầm chiếc hộp, nhấc ra khỏi hòm.

Lạy Chúa, nặng thế!

Cô thận trọng bê chiếc hộp đến đặt lên chiếc bàn rộng.

Langdon đứng bên cạnh cô, cả hai người nhìn chằm chằm vào cái kho báu nhỏ bé mà rõ ràng là ông Saunière đã phái họ đến đây để thu hồi lại.

Langdon ngỡ ngàng nhìn hình khắc bằng tay khảm trên nắp hộp - một bông hoa hồng có năm cánh. Ông đã từng nhìn thấy loại hoa hồng này nhiều lần. "Một bông hồng năm cánh", ông thì thầm, "là thứ mà Tu viện Sion dùng làm biểu tượng cho Chén Thánh".

Sophie quay lại nhìn Langdon. Langdon biết cô đang nghĩ gì, và ông cũng nghĩ giống như cô. Kích thước của chiếc hộp, trọng lượng hiển nhiên của vật chứa trong đó, và một biểu tượng của Tu viện Sion hàm chỉ Chén Thánh, tất cả dường như bao hàm một kết luận khó hiểu khôn dò nổi. Chén của Chúa Kirixitô ở trong chiếc hộp này. Chuyện này là bất khả, Langdon lại tự nhủ thầm.

"Chiếc hộp này có kích thước hoàn hảo", Sophie thì thầm, "để đựng… một chiếc ly".

Đây không thế là chiếc ly được.

Sophie kéo chiếc hộp về phía mình, chuẩn bị mở ra. Tuy nhiên, khi cô di chuyển chiếc hộp, một điều bất ngờ đã xảy ra.

Chiếc hộp phát ra một âm thanh ùng ục kì lạ. Langdon ậm ừ. Hình như có chất lỏng ở bên trong?

Sophie cũng có vẻ bối rối: "Anh có nghe thấy không…?".

Langdon gật đầu, hoang mang: "Chất lỏng".

Vươn tay ra, Sophie từ từ tháo móc cài và nhấc nắp lên.

Vật ở bên trong hộp không hề giống với bất kì thứ gì Langdon đã từng nhìn thấy trước đó. Tuy nhiên, với cả hai người, một điều đã sáng tỏ ngay tức khắc: Rõ ràng đây không phải là Chén Thánh.

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: chức năng kết thúc.

(2) ATM: máy chi trả tự động. Loại máy này được đặt ngay ở các đường phố, rất tiện dụng cho người có thẻ tín dụng khi cần tiền mặt đột xuất, khỏi phải đến ngân hàng. Khách hàng tra thẻ vào máy, nhập đúng số PIN (personal Identification Number: số nhận dạng cá nhân) mới được rút tiền. Nếu 3 lần nhập vẫn không đúng số pIN, máy sẽ tự động thu hồi thẻ. Đây là biện pháp đề phòng trường hợp người sở hữu đánh mất thẻ và có kẻ bắt được mạo dụng.

MẬT MÃ DA VINCI
Chương 33

"Cảnh sát đang chặn đường phố", André Vernet vừa nói vừa bước vào phòng đợi, "đưa cô cậu ra khỏi nơi này cũng khó khăn đây". Khi đóng cửa lại sau lưng, Vernet nhìn thấy chiếc hòm plastic trên băng chuyền, ông dừng sững lại. Lạy Chúa! Họ vào được tài khoản của Saunière rồi sao?

Sophie và Langdon đang ngồi ờ bàn, lúi húi trên một vật gì tựa như một hộp gỗ lớn đựng đồ nữ trang. Ngay lập tức Sophie đậy nắp hộp lại rồi ngước lên nhìn: "Rút cuộc thì chúng tôi cũng có được số tài khoản", cô nói.

Vernet không nói nên lời. Điều này đã làm thay đổi mọi thứ.

Ông kính cẩn rời mắt khỏi chiếc hộp và cố hình dung ra bước tiếp theo cần tiến hành. Mình phải đưa họ ra khỏi ngân hàng thôi.

Nhưng cảnh sát đã chặn các ngả đường, Vernet chỉ có thể nghĩ ra một cách duy nhất để làm điều ấy: "Thưa cô Neveu, nếu như tôi đưa cô thoát ra khỏi ngân hàng một cách an toàn, thì cô sẽ mang thứ này theo hoặc là gửi trả nó về hầm két trước khi đi?".

Sophie liếc mắt sang Langdon rồi nhìn Vernet: "Chúng tôi cần phải mang nó theo".

Vernet gật đầu: "Được. Vậy thì bất kể vật đó là gì, tôi cũng khuyên cô nên bọc nó vào áo ngoài khi chúng ta đi qua hành lang. Tôi không muốn bất kì ai nhìn thấy nó".

Khi Langdon cởi áo khoác ra, Vernet vội vàng đến chỗ băng chuyền, đóng chiếc hòm giờ đây đã rỗng không, rồi đánh vào máy tính vài lệnh đơn giản. Băng chuyền bắt đầu khởi động, đưa chiếc hòm plastic xuống hầm két. Rút chìa khoá ra khỏi ổ, Ông trao cho Sophie.

"Xin mời đi theo lối này. Khẩn trương lên".

Khi tới bãi đỗ xe ở phía sau, Vernet có thể thấy ánh đèn pha của cảnh sát rọi xuyên xuống cả gara dưới đất. Ông cau mày. Có thể họ chặn cả đoạn dốc vào ngân hàng. Liệu mình có thực sự giở chiêu này không? Ông toát mồ hôi.

Vernet ra hiệu về phía một trong những xe tải nhỏ bọc thép của ngân hàng. Transport sur (1) cũng là một khâu khác trong dịch vụ của ngân hàng ký thác Zurich.

"Chui vào thùng chứa hàng đi!", ông vừa nói vừa nâng cánh cửa sau to đùng và chỉ vào khoang bằng thép sáng loáng. "Tôi sẽ quay lại ngay".

Trong khi Sophie và Langdon leo vào, Vernet hối hả băng qua bến chất hàng tới phòng người đốc công, lẻn vào, lấy chùm chìa khoá của chiếc xe tải và tìm thấy một chiếc áo đồng phục và mũ tài xế. Ông cởi áo vét-tông cùng cavát của mình ra, rồi mặc bộ đồng phục tài xế vào. Suy đi tính lại, ông đeo luôn cả bao súng lục dưới bộ đồng phục. Trên đường trở ra, ông vớ lấy khẩu súng lục của người tài xế trên giá, nạp đạn và ấn nó vào bao, rồi cài khuy áo. Quay trở lại chiếc xe tải, Vernet kéo xụp chiếc mũ xuống, ngó nhìn Sophie và Langdon đang đứng trong khoang chứa đồ trống không.

"Hai vị sẽ cần đèn sáng", Verne nói và với tay vào trong bấm công tắc điện trên thành khoang để bật chiếc bóng đèn trơ trọi trên trần xe. "Tốt hơn là hai vị hãy ngồi xuống. Đừng nói một lời nào trên đường ra cống đấy".

Sophie và Langdon ngồi bệt xuống sàn xe bằng kim loại.

Langdon ôm khư khư vật báu bọc trong chiếc áo khoác bằng vải tuýt.

Đóng chiếc cửa nặng trịch lại, Vernet nhốt hai người ở bên trong khoang chứa hàng. Rồi ngồi vào sau tay lái và rồ ga khởi động máy.

Khi chiếc xe tải bọc thép ì ạch leo lên đầu dốc, Vernet cảm thấy mồ hôi đầm đìa bên dưới chiếc mũ tài xế. Ông nhìn thấy phía trước có nhiều đèn của cảnh sát hơn cả tưởng tượng. Khi chiếc xe tải leo đến đỉnh dốc, cổng bên trong mở ra cho chiếc xe đi qua. Vernet lái xe tiến lên và đợi cho tới khi cổng khép lại đằng sau mình rồi mới đi tiếp và khởi động máy cảm biến tiếp theo. Chiếc cổng thứ hai mở ra, và lối thoát vẫy gọi.

Ngoại trừ xe của cảnh sát vẫn chặn ở trên đỉnh dốc.

Vernet thấm mồ hôi trán rồi lái xe tiến về phía trước.

Một sĩ quan cảnh sát cao lêu đêu bước ra và vẫy tay ra hiệu cho ông dừng xe cách rào chắn vài mét. Bốn xe của tuần tra đỗ ở phía trước.

Vernet dừng xe. Kéo chiếc mũ tài xế xụp xuống thấp hơn nữa, ông cố cư xử cục cằn tới mức mà sự giáo dưỡng văn hoá ông đã được hưởng cho phép. Không nhúc nhích một ly khỏi đằng sau tay lái, ông mở cửa xe và nhìn xuống viên cảnh sát có vẻ mặt nghiêm nghị và vàng bủng.

"Qu est-ce qui se passe?"(2). Vernet hỏi, giọng thô lỗ.

"Je suis Jerome Collet", viên cảnh sát trả lời,, "Lieutenant Police Judiciere" Anh ta chỉ thùng chứa hàng: "Qu est-ce qu il y a la-dedans?"(3) .

"Tôi biết đếch đâu được!". Vernet trả lời bằng thứ tiếng Pháp sống sượng. "Tôi chỉ là một thằng tài xế quèn!".

Collet có vẻ không hề lung lạc: "Chúng tôi đang truy lùng hai tên tội phạm".

Vernet cười lớn: "Thế thì các ông đến đúng chỗ rồi đấy. Một vài thằng cha mà tôi lái xe cho nhiều tiền lắm, nhất định chúng phải là tội phạm".

Tay cảnh sát giơ một tấm ảnh hộ chiếu của Robert Langdon:

"Người đàn ông này tối nay có đến ngân hàng các ông không?".

Vernet nhún vai: "Mù tịt. Tôi chỉ làm ở bến bốc dỡ. Họ đâu có để tôi đến gần khách hàng. Ông cần vào trong kia hỏi thường trực ấy".

"Ngân hàng yêu cầu xuất trình lệnh khám xét mới được vào".

Vernet làm ra vẻ ghê tởm: "Cái bọn hành chính ấy mà. Chỉ cản trở người ta".

"Mở cửa xe của ông ra!". Collet chỉ về phía thùng chứa hàng.

Vernet chằm chằm nhìn viên cảnh sát, rồt dặn ra một tiếng cười rất chướng tai. "Mớ cửa xe ra ư? Thế ông nghĩ là tôi có chìa khoá à? Thế ông nghĩ họ tin tưởng tôi đến vậy hay sao? Ông nên biết đến đồng lương còm mà họ trả cho tôi chứ".

Viên cảnh sát nghiêng nghé đầu ngờ vực ra mặt: "Ông vừa nói không có chìa khoá cho chính chiếc xe của mình hay sao?".

Vernet lắc đầu: "Tôi không có chìa mở thùng chứa hàng. Chỉ có chìa khởi động xe thôi. Những xe tải này do đốc công khoá ngay tại bến bốc dỡ. Rồi xe cứ phải nằm tại bến trong khi một người mang chìa khoá thùng chứa hàng đến điểm nhận hàng. Một khi có điện thoại báo là chìa đã đến tay người nhận rồi, chúng tôi mới được phép xuất phát. Không được sớm hơn một giây. Tôi chẳng bao giờ biết mình đang chở cái của nợ gì đâu".

"Thế xe này bị khoá thùng hàng lúc nào?".

"Chắc cũng phải hàng tiếng đồng hồ trước đây rồi. Đêm nay, tôi phải lái đến St. Thurial. Chìa khoá thùng hàng đã ở đó rồi".

Viên cảnh sát không phản ứng gì, đôi mắt dò xét như thể cố đọc ý nghĩ của Vernet.

Một giọt mồ hôi sắp chảy xuống sống mũi Vernet: "Ông cho phép chứ?" Vernet nói, quệt mũi bằng ống tay áo và ra hiệu đề chiếc xe cảnh sát đang cản đường ông. "Lịch trình của tôi chặt chẽ lắm".

"Tất cả tài xế đều đeo đồng hồ hiệu Rolex ư?", viên cảnh sát chỉ cố tay của Vernet hỏi.

Vernet liếc xuống và nhìn thấy chiếc dây sáng lấp lánh của chiếc đồng hồ đắt tiền ló ra từ dưới ống tay áo. "Merde(4). Cái cục cứt này ấy á? Tôi mua nó hai mươi Euro từ một gã bán rong người Đài Loan ở St. Germain des Prés đấy. Có thích đưa bốn mươi Euro tôi để lại cho".

Viên cảnh sát dừng việc tra xét và cuối cùng, đứng dẹp sang bên: "Không, cảm ơn. Chúc thượng lộ bình an".

Vernet nín thở cho đến tận khi chiếc xe tải đi xuống con phố được chừng năm mươi mét. Giờ đây ông phải đối mặt với một vấn đề khác. Món hàng ông đang chở. "Mình sẽ đưa họ đi đâu?

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Vận chuyển an toàn.

(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Có chuyện gì xảy ra đấy?

(3) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Tôi là Jérôme Collet… Trung uý Cảnh sát tư pháp … Có cái gì trong này?

(4) Tiếng Pháp trong nguyên bản: Cứt (tiếng văng tục).

Silas nằm úp sấp trên tấm vải bạt trong phòng riêng, phơi lưng ra không khí cho máu từ những vết quất vón cục lại. Đêm nay khổ hình lần thứ hai khiến hắn chóng mặt và yếu lả. Hắn còn phải tháo chiếc dây lưng hành xác, và hắn có thể cảm thấy máu đang rỉ xuống mé trong bắp đùi. Tuy nhiên hắn không có lí do chính đáng để tháo chiếc đai lưng ra.

Mình đã không hoàn thành nghĩa vụ với Nhà Thờ.

Tồi tệ hơn, mình còn phụ lòng Giám mục nữa.

Đêm nay lẽ ra là đêm cứu rỗi của giám mục Aringarosa.

Năm tháng trước đây, giám mục trở về từ một cuộc gặp mặt tại Đài thiên văn Vatican, ông biết được điều gì đó khiến ông thay đổi sâu sắc. Buồn rũ trong nhiều tuần liền, giám mục Aringrosa cuối cùng đã quyết định chia sẻ tin tức cho Silas.

"Nhưng điều này là bất khả?". Silas gào ầm lên. "Con không thể chấp nhận điều này được!".

"Đó là sự thật đấy", Aringarosa khẳng định. "Không thể tưởng tượng được, nhưng chuyện này là sự thật. Chỉ trong vòng sáu tháng nữa thôi".

Lời nói của vị giám mục khiến Silas hoảng sợ. Hắn cầu nguyện xin được giải thoát, thậm chí trong những ngày tăm tối ấy đức tin của hắn vào Chúa cũng như vào Đạo chưa bao giờ lung lay. Chỉ một tháng sau, mây mù bỗng tan một cách kì diệu và ánh sáng của khả năng thành công bừng lên chói lọi.

Giám mục gọi điều đó là sự Can thiệp Thần thánh.

Lần đầu tiên, Giám mục lại có vẻ tràn trề hi vọng: "Silas này", ông thì thầm, "Chúa đã ban tặng cho chúng ta cơ hội để bảo vệ Đạo. Cuộc chiến của chúng ta, cũng như mọi cuộc chiến khác, sẽ đòi hỏi hi sinh. Con sẽ là một người lính của Chúa chứ?".

Silas quỳ xuống trước mặt giám mục Anngarosa - người đã ban cho hắn một cuộc sống mới - và nói: "Con là con chiên của Chúa. Hãy dẫn dắt con như lời trái tim Cha mách bảo".

Khi Aringarosa mô tả cơ hội đã tự đến như thế nào, Silas biết rằng đó chỉ có thể là do bàn tay của Chúa. Ôi số phận nhiệm màu. Giám mục Aringarosa sắp xếp cho Silas tiếp xúc với người đề ra kế hoạch - một người tự xưng là Thầy Giáo. Mặc dù Thầy Giáo và Silas chưa từng mặt đối mặt, mỗi lần họ nói chuyện điện thoại với nhau, Silas đều kính nể cả sự uyên thâm trong đức tin của Thầy Giáo lẫn phạm vi quyền năng rộng lớn của ông. Dường như Thầy Giáo biết tất cả mọi điều, là một người có tai mắt ở khắp mọi nơi. Làm thế nào mà Thầy Giáo lại có thể thu thập được thông tin của mình thì Silas cũng không biết, nhưng giám mục Aringarose đã đặt một niềm tin lớn lao vào Thầy Giáo, và ông cũng yêu cầu Silas như thế: "Hãy làm như Thầy Giáo sai khiến", vị giám mục nói với Silas, "và chúng ta sẽ chiến thắng".

Chiến thắng. Silas nhìn sàn nhà trống trơn và sợ rằng chiến thắng đã né tránh họ. Thầy Giáo đã mắc lừa. Viên đá đỉnh vòm là một cái ngõ cụt quanh co. Và với việc bị lừa, mọi hy vọng đã tiêu tan.

Silas ước mình có thể gọi điện và cảnh báo cho giám mục Aringarosa, nhưng đêm nay Thầy Giáo đã tắt hết các phương tiện liên lạc trực tiếp. Vì sự an toàn của chúng ta.

Cuối cùng, cố dẹp cơn run rẩy, Silas lồm cồm bò dậy, tìm thấy chiếc áo chùng của hắn nằm trên sàn nhà. Hắn rút chiếc điện thoại di động ra từ trong túi áo. Gục đầu tủi nhục, hắn bấm số.

"Thầy Giáo đấy ạ?", hắn thì thầm. "Đi đứt cả rồi". Silas thành thực kể hết cho Thầy Giáo chuyện hắn đã bị lừa như thế nào.

"Anh đã đánh mất niềm tin quá nhanh đấy", Thầy Giáo trả lời phía đầu dây bên kia. "Ta vừa mới nhận được thông tin thôi. Hết sức bất ngờ và đáng mừng. Điều bí mật vẫn chưa mất. Jacques Saumère đã truyền đạt thông tin trước khi chết.

Ta sẽ sớm gọi lại cho anh. Công việc của chúng ta đêm nay đã xong đâu".

MẬT MÃ DA VINCI
Chương 34

Di chuyển trong khoang chứa đồ sáng lờ mờ của chiếc xe tải bọc thép chẳng khác nào bị chở đi trong một xà lim biệt giam vậy. Langdon cố chống lại nỗi lo sợ quá quen thuộc thường ám ảnh ông khi bị hãm trong khoảng kín hẹp. Vernet đã nói rằng ông ta sẽ đưa chúng ta ra ngoài thành phố tới một khoảng cách an toàn. Ở chỗ nào? Bao xa?

Chân Langdon đã tê cứng vì phải ngồi xếp bằng trên cái sàn kim loại, và ông bèn đổi tư thế, nhăn mặt khi cảm thấy máu đang dồn xuống phần dưới cơ thể. Ông vẫn ôm khư khư cái kho báu kì dị mà họ đã lấy ra được từ ngân hàng.

"Tôi nghĩ chúng ta đang đi trên đường cao tốc", Sophie thì thào.

Langdon cũng cảm thấy thế. Sau quãng dừng lại căng thẳng ở đầu bờ dốc vào ngân hàng, chiếc xe tải tiếp tục đi, ngoằn ngoèo sang trái sang phải một vài phút, và giờ đây xe đang lao đi với vận tốc tối đa. Phía dưới họ, những chiếc lốp chống đạn chạy ro ro trên mặt đường phẳng lì. Cố tập trung chú ý vào chiếc hộp gỗ hồng mộc trong tay mình, Langdon đặt cái bọc quý giá xuống sàn, giở chiếc áo bọc ngoài, lôi chiếc hộp ra và kéo về phía mình. Sophie thay đổi tư thế để ngồi bên cạnh ông.

Langdon bỗng cảm thấy họ như hai đứa trẻ chụm đầu trên một món quà Giáng sinh.

Tương phản với màu thẫm của chiếc hộp gỗ hồng mộc, bông hoa hồng khảm trên đó được gia công bằng một loại gỗ có màu nhạt, có lẽ là màu tro, ánh lên dưới ngọn đèn điện mờ. Hoa Hồng. Bao đạo quân và tôn giáo cũng như hội kín đã được xây dựng trên biểu tượng này. Những thành viên Thập Tự Hồng. Những Hiệp sĩ Thập Tự Hồng. (1)

"Tiếp tục đi", Sophie nói. "Mở ra".

Langdon thở thật sâu. Với tay đến nắp hộp, một lần nữa ông lại lén đưa mắt nhìn hình khảm khắc tinh vi ấy một cách ngưỡng mộ, rồi sau đó mới tháo chiếc móc gài, mở nắp, để lộ vật ở bên trong ấp nhiều hoang tưởng về cái họ có thể tìm thấy trong chiếc hộp này, nhưng rõ ràng ông đã lầm mọi bề.

Nằm gọn êm ấm bên trong chiếc hộp lót dày dặn một lớp lụa màu đỏ tắm, là một vật mà Langdon lúc đầu không hiểu là cái gì.

Gia công từ cẩm thạch trắng mài bóng, vật hình trụ đó có kích thước ang áng một cái hộp đựng bóng quần vợt. Nhưng hình trụ này còn phức tạp hơn nhiều so với một trụ đá đơn giản, dường như nó được ghép lại từ rất nhiều mảnh. Năm chiếc đĩa cẩm thạch to bằng chiếc bánh cam vòng được xếp chồng và gắn vào nhau trong một khung đồng tinh xảo. Trông nó giống như một loại kính vạn hoa nhiều ống ngắm. Mỗi đầu của trụ có gắn một nắp cũng bằng cẩm thạch khiến ta không thể nhìn thấu bên trong. Nghe thấy tiếng chất lỏng bên trong!

Langdon cho rằng hình trụ này rỗng.

Tuy cấu trúc của ống này thật khó hiểu nhưng chính những nét khắc xung quanh ống mới là điều thu hút sự chú ý đặc biệt của Langdon. Mỗi một chiếc trong số năm chiếc đĩa dều được khắc lên cùng một loạt chữ cái y hệt nhau - toàn bộ bảng chữ cái ống hình trụ có khắc chữ ấy khiến Langdon nhớ tới một thứ đồ chơi hồi nhỏ - một chiếc gậy được luồn qua những chiếc ống có viết các chữ cái, nó có thể quay quanh trục là chiếc gậy kia để đánh vần những từ khác nhau.

"Kì dị không?", Sophie thì thầm.

Langdon ngước nhìn: "Tôi chịu không hiểu. Nó là cái quái quỉ gì?".

Một ánh lấp lánh trong mắt Sophie: "Ông tôi thường hay tỉ mẩn làm những thứ thế này, coi như một thú vui. Danh hoạ Leonardo da Vinci đã phát minh ra những thứ này".

Ngay cả trong ánh điện mờ tối, Sophie vẫn thấy Langdon rất ngạc nhiên.

"Da Vinci ư?". Ông lẩm bẩm rồi lời nhìn vào chiếc ống đó.

"Đúng thế. Người ta gọi đó là một hộp mật mã. Theo ông tôi, những bản phác hoạ đều xuất xứ từ một trong những nhật ký bí mật của Da Vinci".

"Hộp mật mã ấy để làm gì?".

Bằng vào các sự kiện diễn ra tối nay, Sophie biết rằng câu trả lời có thể chứa đựng những hàm ý thú vị: "Đó chính là két ngầm", cô trả lời, "dành cho việc cất giữ những thông tin tuyệt mật".

Langdon giương to mắt hơn.

Sophie giải thích rằng tạo ra những mô hình theo phát minh của Da Vinci là một trong những thú tiêu khiển mà ông cô yêu thích nhất. Là một nghệ nhân tài năng đã miệt mài hàng giờ trong xưởng gỗ và kim loại của mình, Jacques Saunière khoái bắt chước các nghệ nhân bậc thày như Fabergé, và một người khác, ít tính nghệ thuật hơn nhưng lại thực tế hơn nhiều, đó là Da Vinci.

Chỉ cần liếc sơ qua nhật kí của Da Vinci cũng thấy rõ tại sao danh họa này lại nổi tiếng ngang nhau về cái tật thiếu sự hoàn tất cũng như về tài năng kiệt xuất. Da Vinci đã phác ra những dự thảo cho hàng trăm phát minh mà ông chưa bao giờ hoàn tất. Một trong số những thú tiêu khiển ưa thích của Jacques Saunière là thực hiện những sáng kiến đột xuất còn mơ hồ của Da Vinci - những kiểu đồng hồ, những ống dẫn nước, những hộp mật mã và thậm chí cả mô hình một hiệp sĩ Pháp thời Trung cổ có đầy đủ khớp nối, mà giờ đây vẫn kiêu hãnh đứng trên bàn làm việc trong văn phòng của ông. Được Da Vinci thiết kế vào năm 1495 như là kết quả tự nhiên của thời kì đầu ông nghiên cứu khoa giải phẫu học và động lực học, cơ chế bên trong của rôbốt - hiệp sĩ này có những dây chằng và khớp nối chính xác được thiết kế để có thể đứng dậy từ tư thế ngồi, vẫy tay và cử động đầu thông qua một chiếc cổ rất linh hoạt cũng như đóng, mở được làm rất chính xác về mặt giải phẫu học.

Sophie vẫn luôn đinh ninh rằng chàng hiệp sĩ mặc áo giáp ấy là đồ vật đẹp nhất mà ông cô từng làm… cho tới khi cô trông thấy hộp mật mã trong chiếc hộp gỗ hồng mộc này.

"Ông đã làm cho tôi một trong những thứ này khi tôi còn nhỏ xíu", Sophie kể lại. "Nhưng tôi chưa bao giờ thấy một đồ vật nào to và công phu đến thế này".

Từ nãy, mắt Langdon vẫn không rời khỏi chiếc hộp: "Tôi chưa bao giờ nghe thấy người ta nói đến một hộp mật mã".

Sophie chẳng lấy làm ngạc nhiên. Hầu hết những phát minh chưa thực hiện của Da Vinci chưa hề được nghiên cứu, thậm chí chưa có ai đặt tên cho chúng. Cái từ hộp mật mã này có thể là một sự sáng tạo của ông cô thôi, một tiêu đề thích hợp cho cái khí cụ đã sử dụng khoa học mật mã để bảo vệ những thông tin được viết trên những cuộn giấy hay những văn bản chép tay thời cổ.

Sophie biết Da Vinci là người viên phong trong lĩnh vực mật mã, mặc dù hiếm khi ông được công nhận là thế. Những giảng viên trong trường đại học của Sophie trong khi thuyết trình về các phương pháp lưu giữ thông tin qua mật mã trên máy tính đã hết lời ngợi ca những mật mã gia thời nay như Zimmerman và Schneier mà chẳng hề nhắc đến một điều là từ mấy thế kỉ trước, Leonardo đã phát minh ra một trong số nguyên lí sơ đẳng đầu tiên của việc sử dụng mật mã cùng với chìa khoá mở mã.

Tất nhiên, ông của Sophie là người đầu tiên nói cho cô biết về điều ấy khi chiếc xe tải bọc thép gầm rú trên đường cao tốc, Sophie giải thích cho Langdon rằng hộp mật mã là giải pháp của Da Vinci cho tình thế nan giải khi phải gửi những thông điệp bí mật đến những nơi xa. Trong một thời đại không có điện thoại cũng chẳng có thư điện tử, bất kì ai muốn truyền thông tin riêng của mình đến một người nào khác ở nơi xa cũng chỉ có một cách là viết lên mặt giấy rồi giao phó cho một người mang thư đi. Nếu chẳng may người mang thư ấy ngờ là trong thư có những thông tin quý giá, anh ta có thể bán đứng nó cho kẻ thù để kiếm được nhiều tiền hơn là đưa nó đến đúng địa chỉ.

Nhiều bộ óc lớn trong lịch sử đã phát minh ra các phương pháp sử dụng mật mã để giải quyết những thách thức trong việc bảo vệ dữ liệu: "Julius Caesar phát minh ra cách viết mật mã được gọi là hộp Caesar; Mary, Nữ hoàng Xcốtlen đã tạo ra mật mã thay thế và gửi đi những thông cáo bí mật từ nhà tù; và nhà khoa học xuất sắc người Arập Abu Yusuf Ismail al-Kindi đã bảo vệ được những bí mật của mình bằng một mật mã thay thế tài tình sử dụng nhiều chữ cái khác nhau.

Tuy nhiên Da Vinci lại né tránh toán và mật mã học, để tìm một giải pháp cơ học. Hộp mật mã. Một thứ "côngtennơ" xách tay có thể đảm bảo an toàn cho những lá thư, những tấm bản đồ biểu đồ, hay bất kì thứ gì khác. Một khi thông tin được khoá bên trong hộp mật mã thì chỉ những ai biết chính xác mật khẩu mới có thể truy nhập được.

"Chúng ta cần phải có một mật khẩu", Sophie nói, chỉ tay vào những đĩa có khắc chữ cái. "Hộp mật mã vận hành rất giống loại khoá chữ dùng cho xe đạp. Nếu ta xoay các vòng số vào đúng vị trí, khoá sẽ tuột ra. Hộp mật mã này có năm đĩa khắc chữ cái. Khi ta xoay chúng vào đúng trình tự, các lẫy khoá bên trong sẽ thẳng hàng, và toàn bộ hình trụ sẽ rời ra".

"Thế còn bên trong?".

"Một khi hình trụ này rời ra, ta sẽ thấy một khoang rỗng ở giữa, khoang này có thể chứa một cuộn giấy, trên đó có ghi lại những thông tin ta muốn giữ bí mật".

Langdon có vẻ không tin: "Cô nói ông cô đã từng làm cho cô những thứ như thế này khi cô còn nhỏ?".

"Vâng, một vài thứ nhỏ hơn thế này. Hai lần vào dịp sinh nhật tôi, ông đã cho tôi một hộp mật mã và một câu đố. Lời giải cho câu đố đó chính là chìa khoá để mở hộp mật mã, và do đoán ra lời giải, tôi đã mở được hộp và tìm thấy thiếp chúc mừng sinh nhật của mình".

"Mất quá nhiều công để được một tấm thiếp".

"Không, tấm thiếp bao giờ cũng có một câu đố khác hoặc một đầu mối khác. Ông tôi bao giở cũng thích những cuộc săn lùng kho báu công phu diễn ra xung quanh căn nhà của chúng tôi một loạt các đầu mối dần dần đưa tôi đến với một món quà thực sự. Mỗi một cuộc săn lùng kho báu lại là một trắc nghiệm về tính cách và trình độ của tôi, để chắc chắn răng tôi xứng đáng được những phần thưởng đó. Và những trắc nghiệm ấy chưa bao giờ đơn giản cả".

Langdon lại đưa mắl nhìn cái hộp một lần nữa, trông ông vẫn còn đầy vẻ hoài nghi: "Nhưng tại sao không cậy cho nó rời ra hoặc đập tan nó ra? Chất kim loại này nom có vẻ mảnh và cẩm thạch là một loại đá mềm mà".

Sophie mỉm cười: "Bởi vì Da Vinci rất tinh ranh nên đã phòng ngừa điều đó. Ông đã thiết kế hộp mật mã sao cho nếu có ai cố cưỡng mở nó bằng mọi cách, thông tin bên trong hình trụ này sẽ tự huỷ. Anh xem đây". Sophie với tay vào trong hộp và thận trọng nhấc chiếc ống hình trụ lên. "Bất kì thông tin gì cần đưa vào đây thoạt tiên phải được viết trên một cuộn giấy papyrus (giấy làm từ cây sậy) rồi sau đó mới được nhét vào trong ống".

"Không phải giấy bằng da cừu à?".

Sophie lắc đầu: "papyrus". Tôi biết giấy làm bằng da cừu bền hơn và phổ biến hơn trong thời kì đó. Nhưng bắt buộc phải dùng giấy papyrus. Càng mỏng càng tốt".

"Tôi hiểu rồi".

"Trước khi giấy papyrus được nhét vào trong phần rỗng của hình trụ, nó được cuộn quanh một lọ thuỷ tinh dễ vỡ". Cô khẽ chạm vào hộp mật mã và chất lỏng trong đó kêu ùng ục. "Lọ đựng chất lỏng".

"Chất lỏng gì?".

Sophie mỉm cười: "Dấm".

Langdon do dự một lúc rồi gật đầu: "Tài thật đấy".

Đám và giấy papyrus. Sophie nghĩ bụng. Nếu một người nào đó cố mở cho kì được hộp mật mã, lọ thuỷ tinh kia sẽ vỡ và dấm sẽ nhanh chóng hoà tan giấy papyrus. Đến lúc đó, kẻ nào lôi được cuộn giấy ghi lời nhắn bí mật, thì nó chỉ còn là một cục bột giấy nhão vô nghĩa mà thôi.

"Như anh thấy đấy", Sophie nói với Langdon, "cách duy nhất có thể truy nhập thông tin ở bên trong là biết chính xác mật khẩu gồm năm chữ cái. Với năm số mà có cả thảy hai mươi sáu chữ cái, thế là có tới hai mươi sáu lũy thừa năm sự hoán đổi. Cô ước lượng khả năng hoán vị. "Áng chừng mười hai triệu khả năng".

"Nếu đúng vậy!", Langdon nói, trông có vẻ như trong đầu ông cũng có khoảng mười hai triệu câu hỏi đang quay cuồng.

Vậy cô nghĩ thông tin gì có thể ở bên trong đây?".

"Dù nó là gì thì hiển nhiên là ông tôi rất muốn giữ nó trong bí mật", cô dừng lại, đóng nắp hộp và nhìn bông hồng năm cánh trên đó. Có đìều gì đó đang làm cô băn khoăn. "Vừa nãy anh nói hoa hồng là biểu tượng của Chén Thánh?".

"Chính xác. Trong hệ biểu tượng của Tu viện Sion, hoa hồng và Chén Thánh là đồng nghĩa".

Sophie nhăn trán: "Thật kì lạ, bởi ông tôi bao giờ cũng bảo hoa hồng có nghĩa là bí mật. Ở nhà tôi, ông thường treo lên cửa phòng làm việc một bóng hoa hồng mỗi khi ông có một cú điện thoại riêng mà ông không muốn để tôi quấy rầy. Ông cũng. khuyến khích tôi làm như thế". Cưng à, ông nói, thay vì khóa trái cửa mỗi khi cần riêng tư, chúng ta có thể treo một bông hoa hồng trước cửa - la fleur des sccret (2). Như vậy ta học cách tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Treo một bông hoa hồng là một phong tục của người La Mã Cổ đại.

"Sub rosa - Dưới một bông hoa hồng", Langdon lẩm bẩm. Người La Mã đã treo một bông hoa hồng trước những cuộc họp để ám chỉ rằng cuộc họp này là bí mật. Những người tham dự buộc phải hiểu rằng bất kì điều gì được nói dưới bông hoa hồng - sub rosa đều phải được giữ bí mật".

Langdon giải thích sơ qua rằng hàm nghĩa bí mật của hoa hồng không phải là lí do duy nhất khiến Tu viện Sion lựa chọn nó làm biểu tượng cho Chén Thánh. Rosa rugosa, một trong những loại hoa hồng cổ xưa nhất có năm cánh với sự đối xứng ngũ giác, giống như ngôi sao Kim chỉ đường, đem lại cho Hoa Hồng những liên hệ hình tượng với tính nữ. Thêm vào đó, Hoa Hồng lại gắn bó khăng khít với khái niệm "đúng hướng" và chỉ đường. La bàn Hoa Hồng làm hoa tiêu cho các lữ khách cũng như những Đường Hoa Hồng, những đường kinh tuyến trên các bản đồ vậy. Vì lí do đó, Hoa Hồng được coi là biểu tượng cho Chén Thánh ở nhiều cấp độ - bí mật, tính nữ, và dẫn dắt - đó là chiếc chén nữ tính và ngôi sao chỉ đường dẫn đến sự thật bí mật.

Khi giải thích xong, vẻ mặt Langdon bỗng như rúm lại.

"Robert? Anh vẫn ổn đấy chứ?".

Mắt Langdon dán chặt vào chiếc hộp bằng gỗ hồng mộc.

"Dưới… Hoa hồng", ông nghẹn lại, một vẻ hoang mang dễ sợ bao trùm khắp khuôn mặt, "không thể thế được".

"Cái gì vậy?".

Langdon từ từ ngước lên: "Ẩn sau dấu hiệu Hoa Hồng", ông thì thào, "hộp mật mã này…tôi nghĩ tôi biết nó là gì rồi".

Chú thích:

(1) The Rosicrucians, thành viên của một dòng tu phụng thờ truyên thuyết huyền bí tương truyền do Rosenkreuz sáng lập năm 1484, sau này, vào thế kỷ 17 và 18, chuyển hóa thành nhiều hội kín.

(2) Tiếng Pháp trong nguyên bản: loài hoa tượng trưng cho những bí mật.

Robert Langdon hầu như không tin vào giả thuyết của chính mình, nhưng bằng vào người đã giao lại cho họ cái trụ đá cùng cách thức ông ấy chuyển giao nó cho họ, và giờ đây, bằng vào bông hồng khảm trên chiếc hộp, Langdon chỉ có thể rút ra duy nhất một kết luận.

Mình đang cầm viên đá đỉnh vòm của Ti viện Sion.

Truyền thuyết là rất cụ thể.

Viên đá đỉnh vòm là một viên đá được mã hoá bằng dấu hiệu Hoa Hồng.

"Robert à?" Sophie quan sát ông. "Có chuyện gì vậy?".

Langdon cần một chút thời gian để tập hợp những suy nghĩ của mình. "Ông cô có bao giờ nói với cô về một cái gì gọi là la clef de voyute (1) không?".

"Có nghĩa là chìa khoá vào hầm két?". Sophie dịch câu hỏi của Langdon.

"Không, đó là dịch theo nghĩa đen. Clef de voyute là một thuật ngữ kiến trúc thông dụng. Voyte ở đây không chỉ hầm cất giữ đồ quý giá ở ngân hàng, mà chỉ cái vòm của một cửa tò vò. Thí dụ như trần vòm".

"Nhưng trần nhà xây hình vòm thì làm gì có chìa khoá?".

"Trên thực tế, chúng lại có đấy. Mọi cửa tò vò bằng đá đều cần có một hòn đá hình chữ V ở phần chóp để gắn kết các mảnh vào với nhau và gánh toàn bộ sức nặng. Theo nghĩa kiến trúc, hòn đá này chính là chìa khoá của vòm. Trong tiếng Anh chúng tôi gọi nó là keystone". Langdon quan sát Sophie chờ một ánh mắl lóe lên chứng tỏ cô nhận ra một đlều gì.

Sophie nhún vai, liếc xuống hộp mật mã: "Nhưng hiển nhiên đây không phải là viên đá đỉnh vòm".

Langdon không biết nên bắt đầu từ đâu. Đá đỉnh vòm, với tư cách là một chi tiết kĩ thuật nề để xây dựng cửa tò vò bằng đá, xưa vốn là một trong số những bí quyết được giữ kín nhất của hội Tam Điểm. Cấp Vòm Hoàng gia. Kiến trúc. Đá đỉnh vòm. Tất cả những thứ này đễu liên quan với nhau. Bí quyết về cách dùng một hòn đá đỉnh vòm chêm vào để xây cửa vòm, là một phần của sự thông thái đã khiến cho những thành viên của hội Tam Điểm trở nên những nghệ nhân giàu có đến thế, và đó là một bí quyết mà họ giữ gìn rất cẩn mật. Xưa nay, đá đỉnh vòm vẫn có truyền thống bí mật. Tuy nhiên, cái trụ bằng đá trong chiếc hộp gỗ hồng này hiển nhiên là một cái gì khác hẳn.

Viên đá đỉnh vòm của Tu viện Sion - nếu quả thực đó là cái mà họ đang nắm giữ - hoàn toàn không phải là cái mà Langdon đã hình dung.

"Viên đá đỉnh vòm của Tu viện không thuộc về chuyên môn của tôi". Langdon thừa nhận. "Mối quan tâm của tôi đối với Chén Thánh chủ yếu là về mặt kí tượng học, cho nên tôi có khuynh hướng không đếm xỉa đến việc có quá nhiều truyền thuyết về việc làm thế nào để thực sự tìm ra Chén Thánh".

Sophie nhướn mày: "Tìm ra Chén Thánh?".

Langdon gật đầu một cách không thoải mái, rồi cẩn trọng nói tiếp: "Sophie này, theo các truyền thuyết kể về Tu viện Sion, viên đá đỉnh vòm là một tấm bản đồ được mã hoá… một tấm bản đồ tiết lộ nơi cất giấu Chén Thánh".

Mặt Sophie thất thần: "Và anh nghĩ đây chính là viên đá đỉnh vòm ấy sao?".

Langdon cũng chẳng biết phải nói gì nữa. Ngay cả với ông, điều đó nghe cũng khó tin, vậy mà viên đá đỉnh vòm lại là kết luận lôgic duy nhất mà ông có thể rút ra. Một hòn đá mã hoá được giấu bên dưới dấu hiệu Hoa Hồng.

Ý tưởng cho rằng hộp mật mã là sáng kiến của danh hoạ Leonardo Da Vinci - Cựu Đại Sư của Tu viện Sion - là một dấu hiệu dầy cám dỗ khác nói lên rằng đây quả thật là viên đá đỉnh vòm của Tu viện Sion. Một thiết kế của cựu Đai sư được thực hiện bởi một thành viên khác của Tu viện Sion. Mối quan hệ này hiển nhiên đến mức khó có thể gạt bỏ.

Trong suốt thập kỉ cuối cùng của thế kỉ này, các sử gia vẫn đang cố tìm kiếm viên đá đỉnh vòm của Tu viện Sion tại rất nhiều nhà thờ ở Pháp. Những người tìm kiếm Chén Thánh, vốn quen thuộc với lối nói nước đôi lập lờ trong lịch sử của Tu viện Sion, đã đi đến kết luận rằng la clef de voyte là một viên đá đỉnh vòm theo nghĩa đen - một bộ phận chêm trong kiến trúc - một viên đá được khắc chạm và mã hoá, được gắn vào cửa vòm trong một nhà thờ nào đó. Dưới kí hiệu Hoa Hồng. Trong kiến trúc, không hề thiếu hoa hồng. Cửa sổ hoa hồng. Phù điêu hoa hồng. Và tất nhiên, vô số những ngũ diệp hoa - những hình trang trí hoa năm cánh thường thấy rất nhiều trên chóp các cửa tò vò, ngay trên viên đá đỉnh vòm. Chỗ cất giấu xem ra đơn gián một cách ma quái. Bản đồ dẫn đến Chén Thánh được ghép vào tận phía trên cao cửa vòm của một nhà thờ nào đó, như cười nhạo những con chiên mù lòa đi ngay bên dưới nó.

"Hộp mật mã này không thể là viên đá đỉnh vòm được". Sophie tranh cãi. "Nó đâu có lâu đời đến thế. Tôi dám chắc rằng ông tôi đã làm ra nó. Nó không thể là một phần trong bất cứ truyền thuyết cổ nào về Chén Thánh".

"Trong thực tế", Langdon đáp, cảm thấy một niềm phấn khích rạo rực trong người, "người ta tin rằng Tu viện Sion đã làm ra viên đá đỉnh vòm vào khoảng hai thập kỉ trở lại đây".

Mắt Sophie loé lên sự hoài nghi: "Nhưng nếu hộp mật mã này lại tiết lộ nơi cất giữ Chén Thánh tại sao ông tôi lại giao nó lại cho tôi? Tôi chẳng biết làm thế nào để mở nó và làm gì với nó. Thậm chí tôi còn chẳng biết Chén Thánh là cái gì nữa!".

Langdon ngạc nhiên nhận ra rằng Sophie nói đúng. Ông chưa có dịp giải thích cho cô về bản chất thực sự của Chén Thánh. Chuyện ấy để sau hẵng hay. Lúc này, họ phải tập trung vào viên đá đỉnh vòm đã.

Nếu đây đúng là cái…

Trên nền tiếng bánh xe chống đạn lăn ro ro bên dưới họ, Langdon giải thích nhanh cho Sophie mọi thứ mà ông đã nghe được về viên đá đỉnh vòm. Người ta cho rằng, trong suốt nhiều thế kỉ, bí mật lớn nhất của Tu viện Sion - nơi giấu Chén Thánh chưa bao giờ được viết ra trên giấy trắng mực đen. Vì sự an toàn, nó chỉ được truyền miệng cho mỗi pháp quan (2) mới thụ chức của hội kín này trong một nghi lễ bí mật. Tuy nhiên vào một thời điểm nào đó trong thế kỉ qua, đã nổi lên những lời xì xào rằng chính sách của Tu viện Sion đã thay đổi. Có lẽ điều này là do giờ đây người ta có thể nghe trộm thông qua các thiết bị điện tử hiện đại. Nhưng Tu viện Sion đã thề sẽ không bao giờ nói ra nơi cất giấu Chén Thánh linh thiêng.

"Nhưng vậy thì họ truyền lại bí mật về Chén Thánh như thế nào?". Sophie hỏi.

"Đó chính là lúc viên đá đỉnh vòm nhập cuộc", Langdon giải thích. "Khi một trong bốn thành viên lãnh đạo cao nhất qua đời, ba người còn lại sẽ lựa chọn tử các cấp dưới một ứng cử viên để đưa lên chức pháp quan. Trước khi nói cho pháp quan mới biết nơi cất giữ Chén Thánh, họ kiểm tra ứng cử viên, để qua đó ông này có thể chứng tỏ mình có xứng đáng hay không".

Sophie có vẻ vẫn chưa thoả mãn với điều này, và Langdon chợt nhớ là cô đã kể chuyện dạo xưa ông Saunière thường bày đặt để cô săn lùng kho báu như thế nào - preuves de merite(3). Phải thừa nhận là viên đá đỉnh vòm cũng là một khái niệm tương tự. Vậy thì những cuộc sát hạch như thế này cực kì phổ biến trong những hội kín. Hội kín được biết đến nhiều nhất là hội Tam Điểm. Trong hội này, các thành viên muốn thăng cấp phải chứng tỏ mình có khả năng giữ bí mật, phải biết hành lễ và qua những trắc nghiệm chứng tỏ giá trị của mình trong vòng nhiều năm. Nhiệm vụ khó dần lên cho đến khi đạt tới đỉnh điểm là được lên cấp ba mươi hai trong hội Tam Điểm.

"Vậy viên đá đỉnh vòm này là một preuve de mérite", Sophie nói. "Nếu pháp quan kế nhiệm trong Tu viện Sion có thể mở được nó, ông ta sẽ chứng tỏ mình xứng đáng được nắm thông tin mà nó tàng chứa".

Langdon gật đầu: "Tôi quên mất là cô rất có kinh nghiệm trong loại trò chơi này".

"Không chỉ với ông tôi đâu. Trong mật mã học, cái đó được gọi là "ngôn ngữ tự cho phép". Có nghĩa là nếu anh đủ thông minh để đọc được mật mã đó, thì anh được phép biết người ta đang nói gì".

Langdon đắn đo một thoáng: "Sophie này, cô có nhận thấy rằng nếu đây quả thực viên đá đỉnh vòm thì việc ông cô được nắm giữ nó hàm nghĩa rằng ông là người có quyền lực đặc biệt trong Tu viện Sion. Hẳn ông phải là một trong bốn thành viên cao nhất của tổ chức này".

Sophie thở dài: "Ông tôi là một thành viên có nhiều quyền lực trong một hội kín. Tôi dám chắc điều ấy. Tôi chỉ có thể cho rằng đó là Tu viện Sion".

Langdon bắt cá hai tay: "Cô đã biết ông có chân trong một hội kín?".

"Tôi đã thấy một vài điều không nên thấy mười năm trước đây. Tôi và ông tôi đã không nói chuyện với nhau kể từ đó", cô dừng lại. "Ông tôi không chỉ là một thành viên hàng đầu mà còn… Tôi tin rằng ông chính là người đứng đầu tổ chức này".

Langdon không sao tin được vào điều Sophie vừa nói: "Đại Sư? Nhưng làm sao cô có thể biết được điều ấy!".

"Tôi không muốn nhắc đến chuyện này", Sophie ngảnh đi, vẻ mặt vừa kiên quyết vừa đau đớn ngang nhau.

Langdon ngồi lặng đi ngỡ ngàng. Jacques Saunière là Đại sư. Dù có gây dư vang đáng kinh ngạc nếu đúng là thế, Langdon vẫn có cái cảm giác kì lạ rằng điều đó gần như hoàn toàn có lí. Xét cho cùng, các Đại Sư trước đây của Tu viện Sion cũng là những nhân vật xuất chúng có tâm hồn thẩm mĩ. Bằng chứng về sự việc đó đã được phát lộ tại Thư viện Quốc gia ở Paris cách đây mấy năm trong những tài liệu nay được gọi là Les Dossiers Secrets (4).

Mỗi một sử gia nghiên cứu về Tu viện Sion và cả những người say mê Chén Thánh đều đã đọc Dossiers. Được vào phiếu số 4lm và 249, Les Dossiers Secrets đã được nhiều chuyên gia chứng thực và hồ sơ này xác nhận rành rành những gì các sử gia đã ngờ ngợ trong một thời gian dài: các Đại Sư của Tu viện Sion bao gồm Leonardo Da Vinci, Botticelli, Sir Isaac Newton, Victor Hugo, và gần đây là Jean Cocteau, nghệ sĩ trứ danh của Paris.

Thế thì tại sao lại không cử Jacques Saunière?

Sự nghi ngờ của Langdon càng tăng lên khi ông nhận ra rằng mình đã bị hoạch định để gặp Sophie đêm nay. Đại sư của Tu viện Sion đã sắp đặt một cuộc gặp gỡ với mình. Để làm gì? Để bàn chuyện phiếm về nghệ thuật ư? Điều đó đột nhiên có vẻ vô lí. Xét cho cùng, nếu linh cảm của Langdon là đúng, thì Đại Sư của Tu viện Sion vừa chuyển giao viên đá đỉnh vòm huyền thoại của tổ chức này cho cô cháu gái và lệnh cho cô tìm gặp Langdon.

Thật khó tin!

Trí tưởng tượng của Langdon không thể nghĩ ra được bất kì một hoàn cảnh nào khả dĩ giải thích được ứng xử của Saunière.

Ngay cả nếu Saunière sợ là bản thân mình sẽ chết, thì vẫn còn ba pháp quan kia nắm giữ được bí mật và do đó, đảm bảo được an toàn cho Tu viện Sion. Vậy thì tại sao Saunière lại liều lĩnh trao cho cô cháu gái viên đá đỉnh vòm, nhất là khi hai ông cháu đang bất hòa với nhau? Và tại sao lại kéo Langdon, một người hoàn toàn xa lạ, vào cuộc?

Một mảnh của trò chơi chắp hình này bị thiếu, Langdon nghĩ bụng.

Rõ ràng câu trả lời chưa đến ngay được. Tiếng động cơ chậm lại khiến cả hai người phải ngước lên. Bánh xe nghiến trên sỏi lạo xạo Tại sao chưa chi ông ta đã dùng lại? Langdon tự hỏi.

Vernet đã hứa sẽ đưa họ đến một nơi an toàn cách xa thành phố cơ mà. Chiếc xe tải giảm tốc độ đến gần như bò qua đoạn đường gồ ghề. Sophie nhìn Langdon lo lắng, đóng vội chiếc hộp lại và cài móc vào. Langdon lại đậy chiếc áo khoác của mình lên.

Khi chiếc xe tải dừng lại, máy vẫn để chạy không trong khi khoá ở cửa sau xe bắt đầu xoay. Khi cửa mở toang ra, Langdon ngạc nhiên thấy họ đang đậu xe ở một khu rừng cách xa đường quốc lộ. Vernet hiện ra trước mặt hai người, một vẻ căng thẳng trong mắt, một khẩu súng lục trong tay.

"Tôi xin lỗi về điều này", ông nói. "Thực sự tôi không còn lựa chọn nào khác".

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: viên đá đỉnh vòm.

(2) Xem chú thích ở chương 1.

(3) Tiếng Pháp trong nguyên bản: trắc nghiệm để chứng tỏ giá trị hay sự xuất sắc

(4) Những Hồ sơ bí mật.


MẬT MÃ DA VINCI
Chương 35

André Vernet trông có vẻ lóng ngóng với khẩu súng lục, nhưng mắt ông long lanh một quyết tâm mà Langdon cho rằng chớ có dại dột chốnglại.

"E rằng tôi phải cương quyết thôi", Vernet vừa nói vừa chĩa súng vào hai người ở đằng sau chiếc xe vẫn để nổ máy. "Đặt chiếc hộp xuống".

Sophie ghì chặt chiếc hộp trước ngực: "Ông nói ông với ông tôi là bạn kia mà".

"Tôi có bổn phận bảo vệ tài sản riêng của ông cô", Vernet đáp lại. "Và đó đích thị là điều tôi đang làm đấy. Giờ thì đặt chiếc hộp lên sàn xe".

"Ông tôi đã giao vật này lại cho tôi!". Sophie tuyên bố.

"Làm đi!". Vernet ra lệnh và giơ súng lên.

Sophie đặt chiếc hộp xuống cạnh chân mình.

Langdon quan sát chiếc nòng súng lúc này đã xoay về phía ông.

"Ông Langdon", Vernet nói, "mang chiếc hộp lại cho tôi. Và nên biết rằng sở dĩ tôi yêu cầu ông làm điều đó là vì ông thì tôi sẽ không ngần ngạinổ súng đâu".

Langdon nhìn chằm chằm vào người chủ ngân hàng, vẻ không tin: "Tại sao ông làm thế?".

"Thế ông cho là tại sao?" Vernet sẵng giọng, thứ tiếng Anh trọ trẹ của ông trở nên cộc cằn. "Để bảo vệ tài sản của khách hàng của tôi".

"Giờ đây chúng tôi là khách hàng của ông!" Sophie nói.

Mặt của Vernet trở nên lạnh tanh, một sự thay đổi kì dị: "Cô Neveu, tôi không biết đêm nay làm cách nào mà hai người có được chiếc chìakhoá và số tài khoán, nhưng rõ ràng điều này có dính líu đến hành vi phạm pháp rồi. Nếu mà tôi biết mức độ phạm tội của hai người đến đâu,thì có lẽ tôi đã không giúp hai người thoát ra khỏi ngân hàng".

"Tôi đã nói với ông rồi", Sophie nói, "Chúng tôi không liên quan gì đến cái chết của ông tôi!".

Vernet nhìn Langdon: "Nhưng đài nói rằng ông bị truy nã không chỉ vì đã sát hại ông Jacques Saunière mà còn giết cả ba người đàn ông khácnữa".

"Cái gì?" Langdon như bị sét đánh. Ba vụ giết người nữa ư? Con số trùng hợp ấy còn làm ông choáng hơn là việc ông bị coi là nghi phạm chính.Điều này có vẻ quá vô lí, không thể là một sự trùng hợp được. Ba pháp quan? Langdon nhìn xuống chiếc hộp bằng gỗ hồng mộc. Nếu như bapháp quan bị sát hại thì Saunière chẳng có sự lựa chọn nào. Ông buộc phải chuyển viên đá đỉnh vòm đỉnh vòm cho một người vào đó.

"Cảnh sát sẽ giải quyết chuyện này khi tôi giao ông cho họ", Vernet nói. "Tôi đã để ngân hàng chúng tôi dính líu quá sâu vào vụ này rồi".

Sophie đưa mắt nhìn Vernet: "Rõ ràng ông không hề có ý định nộp chúng tôi cho cảnh sát. Nếu thế ông đã đưa chúng tôi quay trở lại ngânhàng. Nhưng thay vào đó ông đã dẫn chúng tôi đến đây rồi chĩa súng vào chúng tôi, đúng không nào?".

"Ông cô thuê tôi vì một lí do duy nhất - giữ cho tài sản của ông vừa an toàn lại vừa bí mật. Bất kể chiếc hộp kia chứa thứ gì bên trong, tôicũng không mảy may có ý định đề nó trở thành một tang chứng được liệt kê trong vụ điều tra của cảnh sát đâu. Nào Langdon, đưa chiếc hộpđó cho tôi mau".

Sophie lắc đầu: "Đừng làm thế".

Tiếng nổ phát ra và một viên đạn găm vào thành xe trước mặt ông ta. Tiếng vang làm rung phần sau chiếc xe tải và vỏ viên đạn rơi xuống sàncủa thùng đựng hàng.

Mẹ kiếp! Langdon sững người.

Vernet nói, giọng tự tin hơn: "Ông Langdon, cầm cái hộp lên".

Langdon nhấc chiếc hộp lên.

"Giờ thì mang nó lại cho tôi". Vernet nhăm nhăm súng, đứng trên mặt đất phía sau cái gỉảm sóc, đang thắng cánh chĩa súng vào trong thùngđựng hàng.

Cầm chiếc hộp trong tay, Langdon đi qua thùng xe ra phía cánh cửa đã mở…

Mình phải làm một cái gì đó! Langdon nghĩ bụng. "Mình sắp giao cho ông ta viên đá đỉnh vòmcủa Tu viện Sion dấy! Khi Langdon đi về phía cánhcửa, vị ttí cao hơn so với mặt đất của ông trở nên rõ ràng hơn, và ông tự hỏi liệu có thể tận dụng lợi thế này bằng cách nào đó. Khẩu súngcủa Vernet mặc dù được giơ lên chỉ nhằm đến đầu gối Langdon. Có lẽ một cú đá nhằm thật trúng chăng? Nhưng không may, khi Langdon đếngần, thì Vernet dường như cũng cảm thấy nguy hiểm đang rình rập nên ông ta lùi lại phía sau vài bước cách chỗ cũ tầm hai mét.

Ngoài tầm với.

Vernet ra lệnh, "Đặt chiếc hộp cạnh cửa xe!".

Không còn lựa chọn nào khác, Langdon quỳ xuống đặt chiếc hộp gỗ hồng ở mép khoang chứa hàng, ngay trước cánh cửa mở.

"Giờ thì hãy đứng lên!".

Langdon nhỏm dậy nhưng rồi dừng lại, liếc nhìn chiếc vỏ đạn lăn lóc trên sàn xe, cạnh bệ cửa.

"Đứng dậy và tránh xa cái hộp ra".

Langdon dừng lại một lúc lâu hơn, liếc nhìn bệ cửa bằng kim loại. Rồi đứng dậy. Trong khi làm như vậy, ông lén gạt chiếc vỏ đạn qua mép cửaxuống cái gờ hẹp là bệ dưới của cửa sau xe. Đứng thắng người lên, Langdon lùi về phía sau.

"Tiến tới vách sau rồi quay lưng lại".

Langdon vâng lệnh.

Vernet cảm thấy tim mình đập thình thịch. Ngắm súng bằng tay phải, ông với tay trái ra để lấy chiếc hộp gỗ. Ông phát hiện ra rằng chiếc hộpquá nặng. Phải dùng hai tay thôi.

Quay sang nhìn hai tù binh của mình, ông tính toán cơ nguy.

Cả hai đều cách ông khoảng năm mét, ở tận cuối khoang chứa hàng, quay lưng về phía ông. Vernet đã quyết định. Vội vàng, ông đặt khẩusúng lên thanh giảm sốc, nhấc chiếc hộp lên bằng cả hai tay, đặt nó xuống đất, rồi lập tức chộp lấy khẩu súng và chĩa vào khoang chứa hàng.Cả hai tù nhân đều không nhúc nhích.

Tuyệt. Giờ đây chỉ còn việc đóng và khóa cửa lại. Để tạm chiếc hộp trên mặt đất, ông nắm lấy cánh cửa kim loại rồi bắt đầu hì hục đóng lại.Khi cánh cửa quay qua mặt ông, Vernet với tay lên chiếc then đơn cần được đẩy vào đúng chỗ. Cánh cửa đóng đánh thình và Vernet vội vớlấy chiếc then kéo sang trái. Chiếc then trượt vài phân rồi bất ngờ dừng két lại, không thẳng hàng với chốt. Có chuyện gì đây không biết?Vernet kéo lại một lần nữa nhưng then vẫn không sao đóng vào được. Các bộ phận bị vênh rồi. Cửa không tài nào đóng chặt vào được!

Hoảng lên, ông xô mạnh cánh cửa từ phía ngoài, nhưng nó vẫn không nhúch nhích. Một cái gì đó đang chèn cánh cửa lại.

Vernet xoay người lao cả bả vai vào cánh cửa, nhưng lần này cánh cửa bật ra, đập vào mặt Vernet và quật ông ngã sóng soài trên mặt đất,mũi bầm giập đau điếng. Khẩu súng văng đi khi Vernet đưa tay lên ôm mặt và cảm thấy máu âm ấm chảy xuống từ sống mũi.

Robert Langdon chạm đất ở đâu đó gần đấy. Vernet cố đứng dậy, nhưng ông chẳng nhìn thấy gì cả. Mắt ông nhòa đi và ông lại ngã vật ra.Sophie Neveu đang hét lớn điều gì đó. Một lúc sau, Vernet cảm thấy một đám bụi đất và khói thải tạt vào mặt.

Nghe thấy tiếng lốp xe lạo xạo trên sỏi, ông nhỏm dậy đúng lúc kịp nhìn thấy khoảng cách rộng giữa bánh trước và bánh sau không vào trúngngoẹo của. Một tiếng ầm vang lên khi cái giảm sóc phía trước xe đâm sầm vào một cái cây. Động cơ gầm rú và cái cây ngả nghiêng. Cuốicùng, cái giảm sóc xé gẫy làm đôi chiếc xe bọc thép chòng chành lao đi, cái giảm sóc phía trước xe kéo lê theo. Khi chiếc xe tải tới đường látnhựa, một chùm tia lửa loé sáng trong đêm tối, đẩy chiếc xe tải đi với tốc độ tối đa.

Vernet quay mắt lại nhìn mặt đất, chỗ mới đây chiếc xe còn đậu. Ngay cả dưới ánh trăng mờ, ông vẫn có thể thấy chẳng còn gì ở đó nữa.

Chiếc hộp gỗ đã biến mất.

Chiếc Fiat không có gì nổi bật rời Castel Gandoflo ngoằn ngoèo đi xuống, qua đồi Alban Hill vào thung lũng phía dưới.

Ngồi ở ghế sau, giám mục Aringarosa mỉm cười, cảm thấy sức nặng của những tờ trái phiếu trong chiếc cặp số trên lòng mình và tự hỏi còn bao lâu nữa ông và Thầy Giáo mới có thể tiến hành cuộc trao đổi.

Hai mươi triệu Euro.

Món tiền này sẽ mang lại cho Aringarosa thứ quyền lực có giá trị hơn thế nhiều.

Trong khi chiếc xe lao nhanh trên đường về Roma, Aringarosa lại một lần nữa nhận thấy mình đang băn khoăn tự hỏi tại sao Thầy Giáo vẫn chưa liên lạc với ông. Rút máy điện thoại di động ra khỏi túi áo chùng thầy tu, ông kiểm tra tín hiệu sóng. Cực yếu.

"Điện thoại di động ở trên này bập bõm lắm", người lái xe nói, liếc nhìn ông qua kính chiếu hậu. "Sau khoảng năm phút nữa, ra khỏi vùng núi và dịch vụ sẽ tốt hơn".

"Cảm ơn". Aringarosa bỗng cảm thấy lo. Không phủ sóng dưới vùng núi sao? Có lẽ Thầy Giáo đang cố gọi cho ông lúc này.

Cũng có thể là chuyện gì đó kinh khủng đã xảy ra.

Rất nhanh, Aringarosa kiểm tra hộp thư thoại. Chẳng có gì hết. Rồi một lần nữa, ông nhận ra rằng Thầy Giáo ắt không bao giờ để lại một tin nhắn ghi âm, ông ta là một người cực kỳ cẩn trọng trong giao tiếp. Không ai hiểu rõ hơn Thầy Giáo nguy cơ của việc nói chẻ hoe trong cái thế giới hiện đại này. Máy nghe trộm điện tử đã có một vai trò chính yếu trong cách thức ông ta thu thập cả mớ thông tin bí mật dáng kinh ngạc đến thế.

Vì lý do ấy! Ông ta càng thận trọng thêm nữa!

Khốn nỗi, những thủ tục đề phòng của Thầy Giáo lại bao gồm cả việc từ chối không cho giám mục Aringarosa một số điện thoại liên lạc nào. Chỉ mình tôi chủ động liên hệ thôi, Thầy Giáo đã thông báo với giám mục như vậy. Cho nên, hãy giữ máy điện thoại gần ngài. Bây giờ, khi giám mục Aringarosa đã nhận ra rằng điện thoại của ông có thể không thông suốt, ông sợ Thầy Giáo có thể hiểu lầm nếu ông ta liên tục gọi mà không nhận được câu trả lời.

Ông ta sẽ nghĩ là có gih không ổn.

Hoặc là mình đã không thể lấy được hối phiếu.

Giám mục toát mồ hôi.

Hoặc tồi tệ hơn… rằng mình đã lấy được tiền và bỏ chạy!

Xem tiếp:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét