XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Người thầy và những trang học bạ cấp I


Thầy giáo dạy kèm Toán-Anh rể Trịnh Văn Chẩn


Lớp 1 (1963-1964)

Lớp 2 (1964-1965)

Lớp 3 (1965-1966)

Lớp 4 (1966-1967)


Khi nhỏ tôi là một cậu bé khoẻ mạnh, ham chơi...rồi 4 năm học cấp 1 cũng trôi qua với kết quả học tập trung bình (chỉ biết đọc, viết, làm toán cộng trừ nhân chia, không hiểu gì về tam suất đơn hay tam suất kép), hạnh kiểm trung bình, lao động giỏi, lên lớp 5 (cấp hai) tôi vẫn như vậy, chơi là chính, học là phụ nên kết quả cuối năm yếu kém tôi bị lưu ban (ở lại lớp)...khi học năm thứ hai của lớp 5 do kiến thức bị rỗng nên cũng không thể nào tiếp thu được kiến thức mới và kết quả cuối cùng là không lên được lớp 6, do qui chế hồi đó không cho học lại ở một lớp 2 năm liền nên tôi có danh sách chuyển qua học bổ túc. Bố tôi một nhà nho học tiếng tàu trước 1945 rất lo lắng cho tương lai của tôi, ông họp gia đình lại đánh tôi một trận nhừ tử và đưa ra cho tôi 2 quyết định để lựa chọn, một là theo anh rể lên miền núi học phổ thông lớp 6, hai là xin thi lại để được lên lớp 6 tại trường tôi đang theo học ở quê. Hồi đó chưa có hiện tượng xin điểm, phao, chát bài thi như bây giờ tất cả phải tự lực và rất khách quan trong thi cử. Nếu thi lại thì tôi phải thi hai môn văn và toán, ông anh tôi hứa sẽ xin hội đồng nhà trường miễn cho 1 môn thi tôi phải tự chọn thi một trong hai môn trên, thời hạn cho tôi suy nghĩ là một đêm, sáng hôm sau họp gia đình lại tôi phải trả lời. Cuối cùng tôi cũng phải đi đến quyết định là thi lại môn toán, Anh rể tôi (giáo viên dạy toán cấp 2) sẽ dạy tôi học lại kiến thức môn toán và môn văn (từ lớp 1 đến lớp 5) trong 3 tháng hè, tập trung chủ yếu là môn toán. Suốt 3 tháng hè tôi phải đi học từ nhà tôi đến nhà anh rể tôi với khoảng cách 1km đều đặn, nắng mưa, bão, lũ, v.v... tôi đều đi hết không bỏ qua buổi nào và kết quả cuối cùng là: thi lại môn toán tôi được 9,5 điểm và nghiễm nhiên được vào học lớp 6....và liên tục từ lớp 6 cho đến lớp 10 tôi luôn được công nhận là học sinh giỏi của trường...rồi sau đó với kết quả thi đại học điểm toán cao tôi được chọn vào học ở khoa toán của một trường đại học ở Hà Nội. Khi lớn lên đi làm, rồi có gia đình riêng, có con tôi luôn tự hỏi “Kiến thức học 5 năm tôi chỉ học lại trong vòng 3 tháng có phải là một kỳ tích hay không?” hay là kiến thức hồi đó quá nhẹ, còn của học sinh bây giờ quá nặng. Nhẹ nhưng khách quan và nghiêm túc có hơn học nhiều học nặng nhưng gian dối, hình thức và thiếu nghiêm túc không?...tại sao người ta phải gian dối trong việc học, có phải do quá nặng không thể hoàn thành người ta mới gian dối (tôi không nói học sinh mà muốn nói đến cả hệ thống giáo dục). Thời bố tôi đi học chỉ có thầy mà không có cô, thời tôi đi học thầy nhiều, cô ít (khoảng 20%), thời con tôi đi học thầy ít, cô nhiều, thời cháu tôi đi học rồi sẽ ra sao đây, rất ít người để ý và phân tích đến thực tế này.... Tôi còn nhớ cách đây 6 năm, khi tôi không cho cháu tôi đi học kèm môn toán 6 mà tôi tự dạy cháu tại nhà để cháu có kiến thức thật và đỡ tốn tiền cho bố mẹ cháu, cháu đem về cho tôi 1 bài kiểm tra với kết quả môn toán 1 điểm, lý do phương pháp trình bày không đúng đáp án. Ví dụ 1 bài như thế này: Rút gọn phân số 230/460, cháu tôi làm theo cách của tôi lấy cả tử và mẫu chia cho 230 được kết quả ½, bị cô gạch bảo là sai, mà phải chia thứ tự cho 2, cho 5, cho v,v cho đến khi tối giản mới đúng (sách giải người ta làm như vậy). Tôi rất bực mình và nghĩ rằng không lẽ cô giáo dạy toán lại không hiểu được những điều gián đơn như thế này sao, tôi đến cổng trường điện cho thầy chủ nhiệm bộ môn toán ra gặp tôi về trường hợp trên.....tôi chỉ nhận được câu trả lời tình trạng này ở trường còn rất nhiều nhưng cô ấy là con của ông nọ, bà kia mới chuyển về và từ cấp 1 chuyển lên cấp 2, nói chung là bất lực không xử lý được vì cả xã hội hiện nay không như ngày xưa nữa....anh thông cảm. Khi cháu tôi lên lớp 7, là một đứa trẻ có năng lực học tốt nhưng khi tôi dạy đến chương hàm số và chương thống kê (2 chương này thời tôi học thì người ta đưa vào chương trình năm thứ nhất của bậc đại học) tôi thấy cháu không tiếp thu được. Tôi hỏi tại sao cháu không hiểu thì cháu trả lời không phải do cháu lười mà các bạn cháu ở lớp cũng đều không hiểu, cô ra đề dễ nên cả lớp đều kiểm tra qua và đạt điểm cao. Tôi thấy 2 chương này đưa vào chương trình lớp 7 là thừa và quá vô lý, người đưa vào hiểu biết ít và vô trách nhiệm chăng? vì tôi thấy các năm học còn lại của bậc phổ thông không học lại 2 chương này. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ ở một môn, một bậc học, còn xem kỹ lại toàn bộ chương trình thì không kể ra hết được những điều vô lý. Khi con tôi học xong lớp 12, rồi vào đại học, tôi nhớ có một lần về nghỉ hè cháu hỏi tôi: Bố ơi sao ông Ngoại nhà ta học sơ học yếu lược từ thời Pháp thuộc trước năm 1945 có 3 năm nhưng đến bây giờ tuy ông đã trên 80 tuổi lên mạng cùng với con ông vẫn đọc thông, viết thạo tiếng Pháp và còn đọc và dịch được cả tiếng Anh nữa, còn con học 12 năm tiếng Anh ở bậc phổ thông với kết quả khá, giỏi lại không bằng được ông...(Thậm chí có thể nói hầu hết là không biết gì) có phải nền giáo dục của Việt Nam ta hiện nay có vấn đề không bố?. Tôi đã không dám trả lời, mà chỉ biết nói con phải tự tìm hiểu lấy (có lẽ tôi cũng sợ bị qui kết là suy thoái)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét