Lê Văn Hưng người thôn Kiên Dõng, huyện Bình Khê (Tây Sơn), cách thôn Kiên Mỹ một thôn (Thuận Nghĩa).
Là
một võ sĩ có sức mạnh và sở trường về môn đánh côn (hay gọi là roi
trường). Thuật đánh roi của ông Hưng rất mãnh liệt. Khi đánh ra một đòn,
hàng trăm người không đỡ nổi. Binh khí đụng đến đường roi, lớp văng lớp
gãy. Người thì bị bươu đầu, gãy tay. Môn đánh đòn giải vây này được
truyền từ ông cố họ Lê. Tại Bình Định sau này còn lại một truyền nhân có
thể sử dụng đòn roi giải vây này của họ Lê là ông Hồ Ngạnh ở Thuận
Truyền. Tính đến đời ông Hồ Ngạnh là tám đời.
Tại
An Nhơn cũng có một tay roi xuất sắc, đó là ông Khách Bút và truyền
nhân là ông Hương mục Ngạc. Song, thế roi của ông Khách Bút là lối đánh
song đấu, nghệ thuật cao, tay roi lẹ. Còn thế roi họ Lê dùng sức mạnh
đánh với đông người. Một lần ra đòn, hàng chục mạng người mang thương
tích.
Vốn
là một thanh niên sức mạnh, giỏi võ nhưng thiếu học, tánh khí lại ngang
tàng, nên Lê Văn Hưng sớm trở thành một người sống ngoài vòng pháp
luật. Tuy sống bằng nghề cướp bóc, nhưng Hưng vẫn được nhân dân địa
phương quý mến, bởi vì ông và thuộc hạ không bao giờ khuấy phá đồng bào
trong vùng. Thuộc hạ có đến vài mươi, song chưa hề có lời than vãn về
hành tung của nhân dân trong huyện Tuy Viễn. Vì Hưng và thuộc hạ chỉ đi
“làm ăn” ở khác huyện hoặc khác tỉnh.
Là
người có mưu lược nên việc nghiên cứu thăm dò hiện trường khi đã hoàn
toàn vừa ý, Hưng mới khởi xướng “xuất hành”. Trong đám cướp, Hưng luôn
luôn là tay roi cản hậu…
Một
hôm, Hưng tổ chức một vụ cướp lớn ở Phú Yên, khổ chủ giàu có lại biết
võ nghệ và trong nhà gia nhân và lực điền đều có rèn luyện võ nghệ. Việc
cướp diễn ra như ý muốn. Sau khi khống chế được gia chủ, gia nhân cùng
trai tráng và chủ nhân đuổi theo bọn cướp. Gặp nhau ở giữa đồng. Hưng ở
lại sau, bị 30 người bao vây. Đánh ngang ngọn roi, Hưng tạo thành một
vòng tròn, càng lúc càng rộng ra. Rồi sử dụng thế roi “toàn phong tảo
diệp”, Hưng đánh văng roi một số đông trai tráng. Ỷ mình có “đôi miếng
trong mình”, nên khổ chủ vừa lăn vào đánh vừa đôn đốc một số còn lại
nhào vô. Hưng nương tay đã nhiều lần, nhưng đối phương vẫn liều mạng bám
sát. Trời gần sáng mà trận chiến vẫn chưa giải quyết xong, Hưng đành
phải dùng tận lực đánh dữ dội để rút theo đồng bọn. Cuối cùng, khổ chủ
trúng một roi, hộc máu chết tươi.
Trong
các vụ cướp trước đây, quan nha ít lưu tâm, nhưng vụ cướp lần này gây
ra án mạng, nên chánh quyền không thể bỏ qua. Biết thủ phạm là Hưng,
Tuần phủ Phú Yên hợp lực cùng Tuần Phủ Quy Nhơn cho truy nã gắt gao.
Hưng đành bỏ nhà trốn vào rừng. Nhân Tây Sơn vương mộ binh, Hưng bèn đến
ghi danh nhập ngũ. Trong khi tập luyện, ông đã gây chú ý cho các viên
tướng chỉ huy như biểu diễn thuật cưỡi ngựa không yên cương, lên xuống
ngựa đang chạy nhanh, nhất là môn bắn cung trên mình ngựa. Do đó chức vụ
trong quân đội mỗi ngày một thăng và cuối cùng ông trở thành võ tướng
phụ trách huấn luyện kỹ thuật đánh roi cho nghĩa binh.
Năm
1773, Nguyễn Nhạc xưng vương, Lê Văn Hưng được phong Đề đốc theo Đô đốc
Trần Quang Diệu và Đô đốc Võ Văn Dũng kéo quân ra chiếm huyện Lỵ Bồng
Sơn và Phù Ly, rồi cùng tiến đánh thành Quy Nhơn.
Mùa
Đông năm ấy, Đề đốc Hưng theo Chinh nam Đại tướng quân Ngô Văn Sở vào
đánh chiếm ba phủ Phú, Diên, Bình. Sau khi đại thắng, Lê Văn Hưng được
cử trấn thủ đất Diên Khánh.
Mùa thu năm Giáp Ngọ (1774), viên Lưu thủ đất Long Hồ trong Nam là Tống Phước Hiệp cử đại binh ra đánh Tây Sơn.
Quân
nhà Nguyễn đánh chiếm Bình Thuận, rồi tiến ra Diên Khánh. Trấn thủ Lê
Văn Hưng đem binh cự địch. Sau nhận thấy địch quân đông và có trọng pháo
yểm trợ, liệu không thắng nổi, bèn bỏ thành trống, rút toàn lực lượng
về Phú Yên, hợp cùng Nguyễn Văn Lộc chống địch.
Quy
Nhơn được cấp báo, Nguyễn Huệ kéo quân giải vây. Hai bên liên lạc với
nhau, cùng hợp lực công kích hai đầu, đánh tan thủy, bộ binh của Tống
Phước Hiệp. Tống bỏ chạy về Gia Định. Lê Văn Hưng lại trở vào trấn thủ
Diên Khánh.
Năm
Mậu Tuất (1778), Nguyễn Phúc Ánh chiếm được thành Sài Côn, rồi sai Lê
Văn Quân kéo quân ra đánh Bình Thuận. Từ khi Lý Tài làm phản, Bình Thuận
giao cho Lê Văn Hưng kiêm nhiệm trấn thủ, nên bị mất dễ dàng. Nhưng khi
ra đến Diên Khánh thì bị Lê Văn Hưng chận đánh, phải thối lui vào Bình
Thuận. Lê Văn Hưng truy kích, đánh cho một trận tơi bời. Lê Văn Quân kéo
tàn quân chạy về Gia Định, từ ấy quân Nguyễn rất sợ Lê Văn Hưng và
Nguyễn Phúc Ánh gọi Hưng là Lê Vô Địch.
Cuối
năm Canh Tý (1780), Nguyễn Phúc Ánh xưng vương, năm sau (1781) cử binh
đánh Diên Khánh. Tôn Thất Dụ kéo binh từ Bình Thuận ra đến Diên Khánh,
chưa kịp hạ trại đóng quân thì bị Lê Văn Hưng cho đoàn voi chiến xông
trận. Đoàn voi này do bà Bùi Thị Xuân huấn luyện, rồi tăng phái cho Lê
Văn Hưng một đội thiện chiến để phòng bị mặt Nam. Quân nhà Nguyễn vốn đã
sợ uy danh Lê Văn Hưng, nay lại thấy đoàn voi dũng mãnh ào ạt tiến đến
dày xéo, nên khiếp đảm rùng rùng bỏ chạy. Quân nhà Nguyễn chưa đánh đã
tan.
Đầu
năm Quý Mão (1783), Nguyễn Phúc Ánh lại trở về Gia Định tổ chức quân
ngũ, sai người sang Xiêm cầu viện. Nghe được tin này Nguyễn Nhạc sai Lê
Văn Hưng tháp tùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và Trương Văn Đa vào đánh Gia
Định.
Thủy
binh Tây Sơn đến cửa Cần Giờ, đợi lúc thủy triều dâng, gió từ biển thổi
mạnh vào đất. Tiền quân Châu Văn Tiếp dùng hỏa công chống trả song thất
bại tại đồn thủy binh Dác Ngư. Tướng trấn giữ là Tôn Thất Mậu đem quân
ra giao chiến, song chỉ một vài hiệp liền bị Lê Văn Hưng giết chết.
Nguyễn Phúc Ánh bỏ Gia Định chạy về Ba Giồng. Qua đến tháng 4 hai bên
đánh nhau tại Đông Tuyên (Kiến An, Định Tường). Quân Nguyễn vừa thấy
quân Tây Sơn hùng hổ kéo đến thì đã muốn chạy trốn. Do đó mới vừa giáp
trận thì binh liền tan rã. Lê Văn Hưng tả xông hữu đột, bắt sống được
tướng Nguyễn Huỳnh Đức lập công đầu. Nguyễn Phúc Ánh chạy trốn ra Phú
Quốc. Lê Văn Hưng theo Nguyễn Huệ về Quy Nhơn.
Sau khi vua Quang Trung đánh thắng quân Thanh, Lê Văn Hưng được triệu về Phú Xuân.
Năm Giáp Dần (1794), vua Cảnh Thịnh sai Lê Văn Hưng vào đánh Phú Yên. Lê Văn Hưng kéo đến đèo Cù Mông thì gặp Nguyễn Quang Huy.
Nguyễn
Quang Huy người Phú Yên, thiện dụng cây móc câu bạc, gọi là ngân câu,
thường ưa cưỡi ngựa bạch. Quân sĩ thường gọi là Bạch mã Ngân câu Tướng
quân. Huy đã có sức mạnh lại tinh thông võ nghệ, giỏi binh pháp, được
vua Thái Đức ái trọng, phong chức phòng ngự sử cho vào trấn Bình Thuận.
Tháng
3 năm Quý Sửu (1793), Nguyễn Quang Huy bị đại binh Tôn Thất Hội tấn
công. Ít quân, cô thế, Quang Huy phải rút quân về Phú Yên, chiếm cứ một
vùng hiểm yếu trong dãy Cù Mông đợi dịp lập công chuộc tội. Khi gặp được
nhau, hai bên vui mừng vì tình bạn cũ, vì có người tài giỏi giúp sức,
nên đã đánh chiếm Phú Yên được dễ dàng. Lê Văn Hưng để Nguyễn Quang Huy ở
lại trấn thủ Phú Yên, kéo quân về Phú Xuân.
Tại Phú Xuân, thái sư Bùi Đắc Tuyên dựa vào sự tin cẩn của Cảnh Thịnh, quyền thế của Bùi Thái Hậu, nên càng ngày càng lộng hành.
Lê
Văn Hưng vì người đồng châu, tánh tình thật thà, bảo sao nghe vậy. Hưng
vốn không có học, chỉ giỏi việc đánh nhau, không thích bàn chuyện triều
chính, nên được Bùi Đắc Tuyên trọng dụng.
Nguyên
Lê Văn Hưng lúc còn trẻ, chưa đi làm ăn cướp, có ở nhờ nhà họ Dương
trong thôn. Hưng giao tình với người tớ gái của chủ nhà tên là Ngọc
Bích. Hưng tặng cho Ngọc một chiếc nhẫn vàng hẹn năm năm sau đến cưới,
song mải mưu đồ sự nghiệp nên Hưng lỗi hẹn. Chờ đến ngày hẹn mà không
thấy tình lang, Ngọc Bích nhịn ăn mà chết.
Trong
trong thời gian trấn thủ Diên Khánh, Hưng thường nhớ đến tình xưa. Có
kẻ giỏi thuật thần tiên chiêu hồn Ngọc Bích lên. Hồn hẹn cùng Hưng rằng
13 năm sau sẽ đến hầu khăn túi.
Về
Phú Xuân, Lê Văn Hưng được Bùi Đắc Tuyên trọng dụng. Một hôm trong buổi
lễ mừng sinh nhật của Hưng, một thương gia giàu có tại Phú Xuân đem đến
mừng một ca cơ hiệu Ngọc Bích. Hưng cho là một chuyện hy hữu, vì chẳng
những tên trùng mà dung nhan cũng phảng phất người tình cũ nhà họ Dương.
Hưng cầm tay vuốt ve thì trông thấy nơi ngón tay đeo nhẫn ở bàn tay
trái có vết hằn sâu như vết một chiếc nhẫn. Do đó tình thương yêu càng
nồng đắm.
Tính
tình của Lê Văn Hưng rất trung thực, nên dù được thái sư Bùi Đắc Tuyên
biệt đãi song càng ngày Hưng càng thấy rõ Tuyên là một kẻ đại gian thì
có thái độ phản đối mạnh.
Bùi
Đắc Tuyên nhận thấy Lê Văn Hưng không còn là con bù nhìn để mình khuynh
loát, sai khiến nữa, nên tìm cách xúc xiểm vua Cảnh Thịnh trừ đi.
Nhân
Lê Văn Hưng sau khi thắng trận ở Phú Yên, giao thành cho Nguyễn Quang
Huy trấn thủ, rút quân về Phú Xuân. Tuyên khép tội Hưng là không thỉnh
mệnh trước, cấu kết nha trão hầu mong làm vây cánh, có ý muốn tạo phản,
tâu vua chém đầu răn chúng. Vua Cảnh Thịnh nghe lời chuẩn tấu. Lê Văn
Hưng ung dung nhận lấy cái chết.
Sự việc này đã dẫn đến việc Võ Văn Dũng từ Bắc Hà về Phú Xuân bắt giết cha con Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ và Ngô Văn Sở.
Nội tình nhà Tây sơn đang rối ren lại càng mau tan rã.
Theo Võ nhân Bình Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét