XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Giai thoại Phạm Lãi - Tây Thi

Phạm Lãi là vị tướng tài ba giúp vua nước Việt là Việt Câu Tiễn đánh thắng và giết chết vua Ngô Phù Sai, trả được cái nhục mất nước, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu.
Sau khi thành công, Phạm Lãi bí mật rút lui khỏi quan trường (Công thành thân thối), cùng với người đẹp Tây Thi, lên thuyền đi vào Ngũ Hồ, sống cuộc đời phóng khoáng tự do.
Sau đó, Phạm Lãi thay đổi tên họ, trở thành Đào Châu Công, chỉ huy một đoàn thương thuyền và một đoàn thương xa, chuyên đi buôn bán, mua hàng hóa từ nơi dư thừa, chở đến bán ở các nơi thiếu thốn, rất được các nước chư Hầu hoan nghinh. Đào Châu Công có một hệ thống xe, thuyền vận tải hàng hóa đi khắp các thị trấn lớn của nước Tàu thời bấy giờ.
Việc thương mãi của Đào Châu Công thật là phát đạt.
■ Tây Thi là người con gái rất đẹp của nước Việt, giặt lụa ở Trữ La thôn.
Do đó, nơi bao lơn trước Tòa Thánh Tây Ninh, có đắp một khuôn hình Phạm Lãi - Tây Thi chèo thuyền đi buôn, tượng trưng nghề Thương mãi (THƯƠNG).
Vua nước Việt là Câu Tiễn muốn đem quân sang đánh nước Ngô. Phạm Lãi can rằng:
- Không nên, tôi nghe nói việc binh là điều gở, đánh nhau là điều trái với đức, tranh nhau bằng quân sự là việc thấp nhứt. Lo âm mưu làm trái với đức là việc Thượng Đế cấm. Nếu làm tất bất lợi.
Việt Vương không nghe, đem binh đánh Ngô, bị vua Ngô Phù Sai và Tướng Quốc Ngũ Tử Tư đánh cho đại bại, bị bắt làm tù binh. Ngũ Tử Tư yêu cầu vua Ngô giết ngay Câu Tiễn để khỏi lưu hại về sau. Nhưng Văn Chủng đã dùng nhiều tiền bạc lo lót cho Thái Tể Phỉ, một đại thần của vua Ngô, tìm cách cứu mạng Câu Tiễn, nên Thái Tể Phỉ tâu với vua Ngô, không nên giết Câu Tiễn, chỉ nên giam cầm mà thôi.
Vua Ngô sắp ưng thuận thì Ngũ Tử Tư lại can nữa:
- Nếu nay mà Đại Vương không tiêu diệt nước Việt, thì sau nầy sẽ hối hận. Câu Tiễn là người có chí khí, lại có hai bề tôi tài giỏi là Phạm Lãi và Văn Chủng phò tá, nước Việt sẽ mau hùng cường, nhứt định sẽ đánh lại nước Ngô.
Vua Ngô không nghe, chỉ bắt Câu Tiễn giam cầm đày đọa một thời gian rồi thả cho trở về nước.
Việt Vương Câu Tiễn được tha về nước rồi thì giấu mình, nuôi chí phục thù, nhưng ngoài mặt giả bộ an phận phục tùng vua Ngô, hằng năm triều cống.
Phạm Lãi bí mật luyện tập quân đội, tích thảo đồn lương; Văn Chủng lo sửa sang việc chánh trị và kinh tế, đồng thời tuyển lựa một đoàn mỹ nữ, huấn luyện đủ các ngón nghề mê hoặc Ngô Phù Sai, để Việt Vương dâng hiến cho vua Ngô. Trớ thêu thay, trong đoàn mỹ nữ có nàng Tây Thi đứng đầu lại là người yêu của Phạm Lãi. Nhưng cả hai người đều hy sinh tình riêng để lo báo đền ơn nước.
Ngô Phù Sai hết sức bằng lòng đoàn mỹ nữ nầy và đặc biệt sủng ái Tây Thi. Ngũ Tử Tư vội vào triều can vua Ngô nhiều lần, nhưng vua không nghe, lại còn có ý bực bội.
Bảy năm trôi qua, nước Việt đã khá hùng mạnh. Việt vương nóng lòng phục thù, muốn đem binh đánh Ngô, nhưng Phạm Lãi can vì chưa phải lúc.
Trong lúc đó, bên nước Ngô, Ngô Phù Sai tin dùng Thái Tể Phỉ, lại được Văn Chủng đem vàng bạc đút lót người để cố ý gièm pha hãm hại Ngũ Tử Tư. Âm mưu nầy dần dần thành công. Ngũ Tử Tư bị vua Ngô bức tử.
Trước khi chết, Ngũ Tử Tư bảo:
- Các ngươi hãy móc cặp mắt của ta đặt ở cửa thành phía Đông để ta xem quân nước Việt tiến vào.
Việt Vương Câu Tiễn hay tin Ngũ Tử Tư bị bức tử chết thì rất mừng, liền vời Phạm Lãi đến thương nghị việc đánh Ngô, nhưng Phạm Lãi vẫn can, vì tuy nước Ngô mất tướng tài là Ngũ Tử Tư, nhưng thế của nước Ngô còn mạnh lắm.
Mùa Xuân năm sau, vua Ngô Phù Sai làm Bá Chủ chư Hầu ở phía Nam, đem đại quân lên phía Bắc, họp với các chư Hầu ở Hoàng Tri. Tinh binh của nước Ngô đều đi theo, chỉ chừa lại những lính già giữ thành mà thôi. Việt Vương Câu Tiễn lại thương nghị với Phạm Lãi và Văn Chủng xem lúc nầy đánh Ngô được chưa. Phạm Lãi đáp:
- Đúng lúc nầy mà Đại vương tấn binh thì nhứt định đại thành công, giết được Ngô Phù Sai, trả cái thù thuở trước.
Việt Vương Câu Tiễn xuất toàn lực bất ngờ tấn công nước Ngô. Quả nhiên quân Ngô đại bại. Ngô Phù Sai dẫn binh trở về tiếp cứu, nhưng Ngũ Tử Tư đã chết rồi, trong triều không còn trung thần, đâu có ai chống nổi Phạm Lãi và Văn Chủng. Ngô Phù Sai đành thảm bại, che mặt ân hận nói:
- Ta không còn mặt mũi nào nhìn thấy Ngũ Tử Tư nữa.
Nói rồi, Ngô Phù Sai rút gươm tự sát. Toàn quân Ngô đều tan rã đầu hàng.
Phạm Lãi đã có kế hoạch chuẩn bị sẵn từ trước, liền chạy thẳng lên Cô Tô Thành, vào ngay cung cấm để tìm nàng Tây Thi, người yêu cũ 17 năm về trước, đưa nàng xuống ngay một chiếc thuyền lớn đã đậu chờ sẵn, rồi dùng mũi kiếm khắc vào thẻ trúc một mật thơ gởi cho Văn Chủng (hiệu là Tử Hội):
Việt Vương có nói: Chim đã hết thì cung tốt phải cất, thỏ khôn đã chết thì chó săn bị làm thịt. Vua Việt là người cổ dài, miệng diều hâu, có thể cùng chung lo lúc hoạn nạn, nhưng không thể cùng chung hưởng với ông ta khi thành công. Sao bạn không bỏ đi? Nếu Tử Hội còn tham mến công danh, ắt ngày sau không khỏi bị tai họa.
Phạm Lãi gọi một cận thần đến dặn: Đợi ta đi khỏi Cô Tô Thành chừng nửa giờ thì ngươi đem bức mật thư nầy giao cho Đại Phu Văn Chủng.
Xong, Phạm Lãi cho thuyền rời ngay Cô Tô Thành, đi về phía Ngũ Hồ. Gió thổi mạnh, thuyền lướt nhanh, Thái Hồ mênh mông nhìn thấy trước mặt. Phạm Lãi và Tây Thi cùng nhìn lại phía sau, Cô Tô Thành đang còn ngập trong biển lửa, kết thúc một triều đại trong những mối oan cừu.
Phạm Lãi thở dài: Tất cả đã kết thúc, hận cũ được tiêu tan, thì thù mới sẽ tới. Việt Vương ngày nay rồi sẽ theo vết xe đổ của Ngô vương. Văn Chủng không chịu bỏ đi hôm nay thì ngày kia cũng giống như Ngũ Tử Tư mà thôi.
Phạm Lãi nhìn Tây Thi nói:
- Ân cừu, Ngô quốc, Việt quốc, Sở quốc, có liên quan gì đến ta nữa chứ? Tây Thi, từ rày về sau, chúng ta không màng đến các chuyện ấy nữa. Sóng nước Ngũ Hồ sẽ rửa sạch tất cả, để chúng ta không còn dính đến thế sự nữa. Tây Thi, để ta giới thiệu người nhà của ta ra mắt nàng.
Phạm Lãi đưa Tây Thi vào khoan thuyền giữa. Con lớn tên là Phạm Bình 15 tuổi, con kế là Phạm An 11 tuổi. Cả hai lớn lên trong gian khổ, người hơi gầy nhưng chắc nịch.
Tây Thi nói:
- Phạm An giống hệt chàng lúc chàng cách nay 17 năm.
Phạm Lãi đưa Tây Thi đi xem khắp các nơi trên thuyền. Trên thuyền tất cả có 10 thanh niên và 10 thiếu nữ. Phạm Lãi cho họ kết làm vợ chồng với nhau. Phạm Lãi nói:
- Chúng ta sẽ đến một nơi không có khói lửa của nhân gian, 10 cặp vợ chồng nầy sẽ sanh con đẻ cháu không ngừng.
Rồi họ đi xem các đồ vật trong thuyền, nào nông cụ, nào hạt giống, lương thực, muối ăn, rương tráp.
Tây Thi ngạc nhiên hỏi:
Chàng đã chuẩn bị sẵn hết à?
Phải, lúc rời Hội Kê đi đánh nước Ngô, ta đã chuẩn bị đầy đủ tất cả.
Nghĩa là chàng chắc chắn chiến thắng?
- Dĩ nhiên là phải chiến thắng, bởi vì Ngô quốc tuy mạnh hơn Việt quốc, nhưng họ thiếu những tướng tài giỏi cầm quân, trong triều, phần lớn là bọn dua nịnh. Ta đã chuẩn bị 17 năm rồi, vì nàng mà ta lo liệu chu toàn tất cả.
Phạm Lãi và Tây Thi rời bỏ tất cả, cắt đứt mọi quan hệ với thế giới bên ngoài. Họ vô tư ca hát vui vẻ trên thuyền, khi câu cá, lúc đọc sách, mặc thời gian trôi theo dòng nước biếc.
Một hôm, chàng cho thuyền ghé lại một bến sông, đem cá lên bờ đổi lấy muối và lương thực. Người nhà tên là A-Mang lên bờ một lúc lâu rồi trở về thuyền báo cáo với chủ nhân:
- Việt Vương treo giải thưởng lớn cho ai tìm được Phạm Đại Phu. Việt Vương và Văn Đại Phu kéo đại quân cùng 800 xe lên phía Bắc hội minh với hai nước Tề và Lỗ. Việt Vương chia nước Ngô thành quận, huyện, lấy đất ở sông Hoài cho Sở, trả cho nước Tống đất Ngô, trả cho nước Lỗ dãy đất trăm dặm ở phía Đông sông Tứ. Việt Vương Câu Tiễn bây giờ làm Bá chủ chư Hầu ở phương Nam.
Tây Thi bảo:
- Thiếu Bá, chàng hỏi nhiều như thế để làm gì? Các việc ấy không liên quan gì đến chúng ta. Chúng ta rày đây mai đó, mọi việc trên đất liền, chúng ta không nên biết tới.
- Nhưng Thái Hồ không rộng lắm, lại rất gần nước Việt, e có hôm, chúng ta phải dời đi. Lúc Việt vương từ Trung nguyên trở về, chúng ta không dễ gì an cư trong Thái Hồ.
Phạm Lãi cho thuyền vượt biển sang Tề, tự đặt tên mới cho mình là Chi Di Tử Bì. Sau một thời gian, Phạm Lãi cảm thấy là cũng khó ở yên được nơi nước Tề, nên quyết định chuyển sang ở đất Đào, là nơi phát tích vua Nghiêu, ở phía Nam nước Tề, giờ đây trở thành một nước nhỏ, không có xung đột, lại có thể giao lưu với các nước khác rất thuận lợi.
Chàng đã sai Phạm An đến đất Đào, lựa chỗ tốt mua 1000 mẫu đất làm cơ sở. Phạm Lãi cho đóng nhiều chiếc thuyền buôn và nhiều chiếc xe chở hàng hóa. Chàng hoàn toàn chuyển sang ngành thương mãi. Chàng nói với Tây Thi:
- Ta đã nghiên cứu kỹ đại thể trong thiên hạ, biết rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có những cuộc biến động mới lớn lao, nhưng chúng ta không sợ biến động, bởi vì biến động là cách nâng cấp tiến bộ xã hội. Sau nầy, người làm chánh trị sẽ nhiều hơn, vì họ chọn con đường chánh trị để vinh thân. Nhưng ngoài chánh trị, ta còn phát hiện được một con đường khác rất quan trọng mà trước đây chưa biết. Đó là con đường thương mãi.
Thế giới của chúng ta mỗi ngày thêm đông đúc, cuộc sống càng lúc càng phức tạp hơn. Dân chúng rồi đây sẽ cần nhà thương mãi hơn nhà chánh trị. Ta sẽ dốc hết tinh lực còn lại để lo cho công việc nầy: Đem cá, muối dư thừa nơi nước Tề, chở qua bán nơi nước Tần vì nước Tần không có hai thứ ấy; rồi lại chở bông vải từ nước Tần về Trung nguyên. Thực phẩm của hai nước Ngô, Sở dư thừa, trong lúc ở Tống, Trần, Trịnh lại thiếu hụt; tơ lụa của Hàn, Sở có thể chở qua Tề, Lỗ đổi lấy đồng thau. Ôi! Bao nhiêu việc cần thiết cho ta làm!
Từ đây, ta lấy tên là Đào Châu Công. Mọi người nhớ gọi ta như vậy.
Bấy giờ nước Tàu bước vào thời kỳ Chiến Quốc, các nước chỉ lo đánh nhau, loạn lạc khắp nơi, nhưng lại thấy xuất hiện những đoàn xe hay đoàn thuyền mang nhãn hiệu Đào Châu đi lại qua các nước một cách dễ dàng để chở hàng hóa cần thiết đến đổi các hàng hóa dư thừa của địa phương. Các đoàn xe, thuyền nầy đều xuất phát từ đất Đào. Nhờ các đoàn xe, thuyền thương mãi nầy mà dân chúng có được nhiều hàng hóa tiêu dùng, đời sống dân chúng được khá hơn, mặt khác nó cũng đem lại lợi tức cho Đào Châu Công rất lớn.
Đào Châu Công cùng với bà vợ tuyệt đẹp đi viếng kinh đô Hàm Dương của nước Tần, được vua Tần tiếp đãi vào bực thượng khách. Trên đường về tới Hàm Đang có tin cấp báo từ đất Đào, nên cả hai người phải tức tốc trở về đất Đào.
Nguyên do, con thứ Phạm An gây chuyện ở nước Sở, tranh chấp và lỡ tay giết chết một vị công hầu. Phạm An bị bắt và bị xử tử hình.
Vợ con của Phạm An quì xuống trước mặt Phạm Lãi cầu xin cứu mạng cho chồng. Phạm Lãi rất bi thương, song thần sắc vẫn tiêu dao, bảo con dâu:
- Chuyện nầy rất khó, ta không nắm chắc được mười phần, nhưng chỉ biết tận lực, còn tùy số mạng của nó.
Bây giờ ta sai Tử Hòa (đứa con út) vào nước Sở để cứu An thì may ra khỏi được.
Phạm Bình lên tiếng thưa rằng:
- Con là trưởng nam, trong nhà có việc gì quan trọng là cha sai con đi, lẽ nào chuyện sống chết nầy lại sai em út của con đi thì thật là sỉ nhục cho con, làm mất truyền thống trưởng tử của gia đình. Xin cha cho con đi, nếu không con sẽ tự sát.
Tây Thi cũng cho lời nói của Phạm Bình là đúng.
Phạm Lãi có dụng ý riêng, khó nói ra mà trong nhà không ai để ý tìm biết, nên đành phải sai Phạm Bình đi. Âu cũng là số mạng của Phạm An không thể cải lại được. Phạm Lãi căn dặn Phạm Bình rất kỹ lưỡng: Vào nước Sở, tìm đến Trang Tiên Sinh, dâng 1000 lượng vàng và bức thơ nầy của ta, đoạn ở chờ tại kinh đô nước Sở. Khi thấy An ra khỏi ngục thì lập tức ra thành trở về đây. Nhớ đừng làm gì khác hơn mà thất bại.
Phạm Lãi dặn đi dặn lại mấy lượt rồi mới cho Phạm Bình đi. Bình đi rồi, Phạm Lãi rất buồn, lòng trĩu xuống:
- Hy vọng cứu An rất ít. Các ngươi chuẩn bị lo chung sự cho An đi.
Tây Thi ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao chàng lại nói như thế?
- Ta muốn sai Tử Hòa đi là vì nguyên nhân ấy.
- Thiếp chưa hiểu được ý chàng.
- Thằng Bình được sanh ra trong hoàn cảnh khó khăn, nên coi trọng tiền bạc. Tử Hòa lại lớn lên trong cảnh giàu sang, nên xem tiền bạc như cỏ rác. Đối với Bình, việc không đáng tốn 1000 lượng vàng, không phải không đáng tốn trước khi việc thành, mà là không đáng tốn sau khi việc thành.
Bởi vì theo dự liệu của ta, Trang Tiên sinh sẽ nghĩ cách nói cho vua Sở đại xá, nhân thể tha cho An luôn mà không lộ điều gì. Nhưng rồi thằng Bình sẽ nghĩ rằng, đại xá tù nhân là chủ ý của Sở vương, Trang Tiên sinh không có công lao gì, nên Bình sẽ đến đòi vàng lại. Thế là người khác nhờ đại xá mà sống, còn Phạm An vì đại xá mà chết. Ta mong dự đoán của ta sai. Nhưng Tây Thi! Mạng sống của con người đâu phải vì một hai câu dặn mà thay đổi được, có số mạng tất cả. Hãy chờ xem.
- Ôi! Chàng luôn luôn liệu việc như Thần, nhưng mong sao lần nầy chàng đoán sai, An được cứu sống trở về.
Chẳng bao lâu sau, Bình chở xác em trở về tới đất Đào cùng với 1000 lượng vàng lấy lại từ Trang Tiên sinh.
Đào Châu Công vô cùng bi thương, nhuốm bịnh, cả nửa năm sau mới khỏi. Từ đấy, sức khỏe của chàng cũng suy dần, và chàng cũng trầm lặng hơn trước.
Để giải buồn cho chàng, Tây Thi tổ chức một chuyến du hành sang Tây Thục. Phạm Lãi rất vui và tỏ ra rất thích xứ nầy.
Phạm Lãi nói: - Ta muốn chôn cuộc đời già nơi đây.
Tây Thi nói: - Không nên, chàng còn con cái ở đất Đào.
Phạm Lãi và Tây Thi cùng có chung một ước muốn là trước khi chấm dứt đời mình, cả hai muốn du hành nước Ngô và nước Việt một lần cuối.
Mùa Xuân năm sau, hai người cùng với quản gia thân tín A Mang mà nay đầu đã bạc trắng, đánh xe đi đến kinh thành nước Ngô xưa, tìm đến Cô Tô Đài. Lúc đó, Trời đã về chiều, cảnh sắc ảm đạm thê lương. Đường vào thành cũ rất khó đi, đá gập ghềnh chớ không bằng phẳng như xưa. Tây Thi nói:
- Đào Công, chúng ta hãy xuống xem.
Đào Công khó nhọc bước xuống trước, rồi dìu Tây Thi xuống theo. Hai người đi bộ lần tới, gặp một lão già đang bươi móc dưới đất, Đào Công dừng lại hỏi:
- Các ông đang tìm kiếm gì đó?
- Chúng tôi đang tìm đồ quí. Trước kia, nơi đây là Oán Oa Cung, Đại vương tôi lập ra cho Tây Thi ở, nghe nói có để trong ấy nhiều đồ quí giá.
Tây Thi liền hỏi:
- Tây Thi à! Người ấy có đẹp không? Ông có thấy Tây Thi lần nào không?
- Năm tôi 20 tuổi, tôi có thấy Tây Thi một lần, chưa có ai đẹp bằng, nhưng rất đáng tiếc!
- Tiếc gì?
- Nghe nói bà vua nước Việt giết chết Tây Thi rồi.
Vợ chồng Đào Công nhìn nhau, sau 40 năm họ còn nghe được tin tức sau cùng mới mẻ nầy. Đào Công mỉm cười hỏi lại:
- Ông có nghe lầm chăng?
- Tôi biết chuyện nầy rõ mà! Bà vua nước Việt cho Tây Thi là họa thủy làm mất nước Ngô nên giết đi. Rồi sau khi Việt vương giết Ngô vương, Việt vương kéo quân lên Bắc và thua trận, Việt vương đổ thừa là tại không có Phạm Lãi gì đó.
Đào Công hỏi tiếp: - Ông nói Phạm Lãi làm sao?
- Cái ông ấy giỏi ghê lắm, đã giúp Việt vương đánh thắng quân Ngô rồi thì chuồn êm. Việt vương chia cho nửa nước mà ông Phạm Lãi không nhận. Bởi vậy Việt vương bại trận sau nầy thì cho là tại thiếu Phạm Lãi.
Đào Công từ giã ông lão, dìu Tây Thi bước qua một góc hoang tàn khác. Tây Thi lấy làm áo não, nói nhỏ:
- Trong mắt mọi người, thiếp là họa thủy, chàng là anh hùng. Bây giờ Cô Tô Đài chỉ là một đống gạch vụn, không biết những người bạn của thiếp ngày xưa bay giờ lưu lạc nơi đâu?
- Ai mà biết được, có lẽ họ đã chết. Không phải chúng ta đã sống quá lâu sao?
- Thoạt đầu, thiếp nghĩ Cô Tô Đài sẽ vĩnh viễn, nhưng không ngờ chúng ta còn đây mà nó đã sụp đổ trước rồi.
Vợ chồng Đào Công bồi hồi hoài cổ. Bỗng A Mang thưa:
- Bẩm chủ nhân, Trời sắp tối, nghe nói ở đây ban đêm có dã thú rình mồi.
Hai người trở lại xe. Sáng hôm sau, Đào Công cho xe dạo khắp kinh thành, rồi cho xe đi về phía Nam đến nước Việt, đến kinh thành Hội Kê.
Trước cung của Việt Vương, chàng thấy một pho tượng lớn bằng đồng đúc từ thời Việt Vương Câu Tiễn. Đó là tượng Phạm Lãi, để ghi nhớ công lao vĩ đại của một công thần.
Đào Công ngắm tượng của mình mà lòng bồi hồi xúc cảm. Chàng cho xe đi đến Gia Lãm, cố đô nước Việt, cũng là nơi sanh quán của Tây Thi. Hai người mướn thuyền đi dọc theo dòng sông, đến thôn Trữ La, bỗng Phạm Lãi chỉ tảng đá trắng:
- Trông kìa, tảng đá trắng còn đó.
Tây Thi hỏi một người con gái đang giặt lụa nơi đó:
- Tảng đá ấy là gì?
Cô gái đáp, tỏ ý trách móc, vì nghe giọng nói của Tây Thi thì biết bà là người ở Gia Lãm, thế mà tại sao không biết sự tích của phiến đá trắng đó.
- Coi! Đó là tảng đá của người đẹp Tây Thi thuở trước. Bà là người ở Gia Lãm mà sao không biết việc nầy?
Rồi Tây Thi nhìn qua chồng. Đào Công nói:
- Vị mỹ nhân nầy bất tử.
Hai người cảm thấy rất thú vị và thỏa mãn chuyến du hành nầy, nên trở về đất Đào. Kể từ đó, hai người không đi đâu nữa cả, sống trọn vẹn với nhau đến hết cuộc đời.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét