XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

BÀI THƠ TẶNG VỢ CỦA HỒ DZẾCH

Mình vừa là chị là em

Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời

Mai này tới phút chia đôi

Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?

Xót mình đã lắm thương đau

Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình

Cuộc đời đâu phải phù sinh

Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!

            Nhà thơ Hồ Dzếch tên thật là Hồ Triệu Anh, sinh năm 1916 tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá, là con trai ông Hà Kiến Huân gốc Hoa từ Quảng Ðông di cư sang Việt Nam. Hồ Dếnh mất năm 1991.

            "Bài thơ tặng vợ" không ghi năm tháng sáng tác nhưng căn cứ vào nội dung bài thơ, ta có thể đoán ông viết vào những năm tháng cuối đời ở vào tuổi 69 hay 70 gì đó, cái tuổi thấy thời gian phía trước không còn là bao nhiêu, ngoái lại phía sau thấy mình còn nợ nần bao nhiêu ân nghĩa. Ðấy là cái tuổi, con người đã phải nghĩ đến chuyện đi, ở. Trong các gia đình Việt .

Ở BÀI THƠ NÀY, SỰ THỂ LẠI NGƯỢC LẠI. NHÀ THƠ GIÀ MONG ƯỚC:

Xót mình đã lắm thương đau

Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình.

           Bài thơ có 8 dòng thơ với 4 cặp lục bát mà tâm tư, tình cảm đằm thắm sâu sắc biết đến dường nào!

            Chỉ cặp lục bát đầu tiên đã đầy ắp thương mến :

Mình vừa là chị là em

Tấm lòng người mẹ trái tim bạn đời.

            Tự cổ chí kim, từ Ðông sang Tây, có lẽ không có câu thơ nào ca ngợi người vợ đến như thế: Câu thơ vừa nói tình yêu vừa nói đến ân nghĩa. Chăm sóc chồng chu đáo, như chăm sóc em: đấy là người chị. Dịu dàng, đằm thắm, chiều chồng, hờn dỗi, nũng nịu: đấy là người em. Người vợ ấy lại có tấm lòng người mẹ, đồng cam cộng khổ, chia bùi sẻ ngọt với người bạn đời của mình.

            Một cặp lục bát viết thật tự nhiên mà tâm tư, ân nghĩa nặng đến thế, sâu sắc đến thế. Phải chăng, hai nền văn hoá Việt- Hoa ở trong ông đã đúc nên câu thơ này?

Mai này tới phút chia đôi

Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?

            Câu thơ không hề lâm ly khi nói đến cái đoạn "âm dương đôi ngả" ấy, nó cũng không lý trí, gượng gạo mà vẫn mặn mà yêu thương. Hai tiếng "chia đôi" tác giả dùng thật chuẩn? Non tay chọn một chút, sẽ dùng hai tiếng "chia phôi" thì "lên giọng cải lương" ngay, mòn sáo ngay!

            Câu thơ tiếp theo "Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau" nghe thật bâng khuâng, xúc động mà vẫn bình tĩnh, chủ động.

            Người chồng ấy biết thương vợ vô cùng:

Xót mình đã lắm thương đau

Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình.

Câu thơ đầy tâm trạng, đầy suy tư và khuất chìm cả niềm ân hận nữa? (Trong nỗi "thương đau" của người vợ, biết đâu lại không có những nỗi tại chồng, vì chồng?).

CHỮ "ĐỠ" THẬT CHÍNH XÁC, THẬT HAY, THẬT CÓ TÌNH

 Ý tưởng chính của bài thơ, hồn vía bài thơ đủ tập trung thể hiện ở ba cặp lục bát đó. Thương vợ là vất vả "thương đau" nhiều, nhà thơ già xin "làm kẻ đi sau" để vợ mình không phải vất vả lo toan cho cuộc ra đi cuối cùng của mình nữa, người chồng muốn được lo cho vợ thật chu đáo như một niềm đền đáp.

            Cặp lục bát cuối cùng không có phát hiện gì mới nhưng nó làm cho bài thơ đằm lại, làm cái đế đỡ cho bài thơ chắc hơn, vững hơn.

Cuộc đời đâu phải phù sinh

Nước non chan chứa nghĩa tình mình ơi!

            Xưa nay, khi bàn về kiếp người, trong xã hội không phải không có một số nhân sinh quan yếm thế, coi đời người là vô nghĩa, là kiếp phù sinh... Nhà thơ Hồ Dzếch không nghĩ thế. Ông trân trọng cuộc đời, trân trọng hạnh phúc gia đình, trân trọng tình nghĩa, ân tình...

            Bài thơ có 8 dòng với 4 cặp lục bát, người yêu thơ chỉ đọc hai lần là thuộc, quả là không có ý tưởng gì cao siêu mới lạ mà đọc lên sao nó lay động tâm tư ta đến thế, nó "gạn đục khơi trong" tâm hồn con người, tình cảm con người đến thế?

            Dĩ nhiên, bạn đọc trẻ chưa đủ từng trải, tâm trạng, nỗi đời để "nhập" bài thơ này như những người có tuổi, những bác cao tuổi.

 St.

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

NHỚ QUÊ QUA MỘT ĐÔI LẦN VỀ THĂM VÀ VĂN HOÁ CON GÀ TỨC NHAU TIẾNG GÁY




Tôi rất ít về quê, nhưng cũng có đôi ba lần về ngắn ngày; Thấy quê có nhiều đổi thay cũng rất đáng để mừng; Mọi nhà đã biết dùng bếp ga, bếp từ, bếp điện, đã có công trình vệ sinh hiện đại như thành phố, đã có thiết bị bơm và lọc nước giếng đúng theo tiêu chuẩn của khoa học quy định cho nước sạch nông thôn…Tuy nhiên hương, vị, sắc và màu của quê xưa hầu như không còn nữa; Đâu còn hương hoa bưởi, hoa xoan, đâu còn vị cải cay và vị thơm giòn vàng ươm của dưa Don muối vại nén nặng; Đâu còn sắc màu và bóng râm của luỹ tre, hàng rào dứa dại, cây dừa, cây vải, cây mít, cây cau, cây bưởi, cây chay, cây nhãn cổ thụ, cây bàng thay lá đỏ mùa đông, hoa gạo đỏ rực mỗi tháng ba về hàng năm; Đâu còn giống cây ngô đỏ bắp nhỏ luộc, hoặc rang lên ăn, hoặc làm thính thơm lừng cả xóm, đâu còn cây rau đay, cây mùng tơi trồng một lần ăn cả 6 tháng; Cây ngô, cây rau cải cũng không giữ được giống như các cụ xưa hay làm mà đã bị lai tạo từ rất lâu rồi, tất cả các hàng rào trong làng đều làm (xây) bằng đá vôi thay cho hàng rào cây dại xưa, tất cả luỹ tre và 100% cây ăn quả cổ thụ trong làng đề bị đốn chặt một cách không thương tiếc và tính toán, tất cả các ao trong làng đều không giữ được nước, một số bị lấp để cấp đất thổ cư, cả làng nhà nào cũng nhà mái Thái, kiến trúc pha Tây, sân gạch, cổng sắt, có cái sân để phơi nông sản và để mưa rơi cho không khí điều hoà bây giờ người ta làm mái tôn che hết sân luôn; Mỗi nhà chỉ còn một vài bụi chuối..rất nóng bức, khô cằn và khó chịu…cho dù có trang bị máy lạnh như thành phố nhưng không khí và môi trường kém xưa quá xa; Giống ngan ăn giun bãi phù sa sông Mã cũng mất dần thay bằng ngan Pháp 7kg/con; Xuống sông thì sông Mã đẹp nước trong xanh vào mùa Đông Xuân và chảy dữ dội vào mùa Hạ Thu xưa không còn nữa, lượng nước sông cạn kiết chỉ còn bằng 1/3 so với trước, nạn thuỷ điện thượng nguồn Hoàng Anh Gia Lai xây chặn hai con đập đã gây ra hiệu ứng này; Mùa kiệt bây giờ người ta có thể lội qua sông không cần phải đi đò ngang và nước sông cũng không thể dùng làm nước sinh hoạt như xưa nữa vì nó quá bẩn do ô nhiễm; Ra đồng thấy cũng khô cằn không còn màu xanh mướt của lúa thì con gái như ngày xưa nữa, tuy nhìn lên núi thấy rất đáng mừng là cây xanh trên núi đã bắt đầu mọc trở lại nhìn xanh rì rất đẹp mắt và người ta cũng đã trở lại nuôi dê như ngày xưa (có lẽ do nấu bếp ga người dân không chặt cây làm củi như xưa nữa)…Ôi hai tiếng quê hương. Quê tôi đã đổi thay và giàu lên theo hướng công thương nghiệp; Rất may cho quê tôi đình làng vẫn còn và được tôn tạo khang trang, được dùng làm nơi sinh hoạt cộng đồng thay cho nhà văn hoá không như các làng khác phá đình để xây nhà văn hoá....Thói thường ở quê, giàu thì sinh ganh ghét, đố kỵ, nghèo thì bị coi thường, thậm chí còn bị coi khinh. Việc xây nhà mái Thái, hoặc nhà một trệt một lầu, mái tôn che sân, cổng nhà bằng sắt có mái che, tường bao tốn mấy trăm triệu (Có nhà cả tỷ bạc) cũng là một “tiêu chí” để “đo” sự giàu nghèo của các gia đình. Nếu không làm sẽ bị người làng đàm tiếu rằng, cả đời không xây nổi cái nhà, cái cổng có tường bao để giữ đất cho con. Vì lẽ đó “cái lẽ con gà tức nhau tiếng gáy đã ăn sâu vào máu làng quê nơi đây” nên nhà nhà người người lại đổ xô đầu tư xây nhà cho bằng chị bằng em; Nếu có tiền để xây thì không nói làm gì hoặc có 70% đi vay 30% nằm trong khả năng trả nợ của bản thân và gia đình thì cũng miễn bàn…Khốn nỗi chỉ có 30% thậm chí 0% cũng đi vay để làm cho kỳ được nên dẫn đến hệ luỵ làm nhà xong nhưng không được ở phải đi tìm việc làm thuê để trả nợ…hầu hết là vào Chợ cá Bình Điền Thành phố Hồ chí Minh để làm thuê ban đêm và ở lán trại tạm, ăn cơm hàng, cháo chợ; Ban đầu thì chỉ một vài hộ…trải qua vài năm đến nay đã mấy trăm người vào đó đi làm (nhà đẹp làm nên để không, khoá cửa. khoá cổng nhờ người trông coi hộ)…nếp nghĩ con gà tức nhau tiếng gáy đã mua khổ vào thân làm nhà không được ở và đã có một vài người đã ra đi nơi đất khách quê người; Những người làm xong nhà không phải trả nợ hoặc trả nợ đã xong cuộc sống so với trước đây cũng có nhiều đổi khác… Từ ngày nhà nhà “kín cổng cao tường”, lúc buồn muốn sang chơi hàng xóm, phải gọi cổng, ai ai cũng thấy ngại. Mà hình như từ ngày xây cổng, người dân trong xóm cũng dần sống khép kín, tình làng nghĩa xóm cũng vơi đi và khác xưa rất nhiều; Nhớ lại những năm thập niên 80 và 90 thế kỷ trước cả làng thi nhau phá bỏ hàng rào cây duối, dứa gai, cây dại để xây tường rào bằng đá núi (vì làng sát chân núi đá chỉ nổ vài quả mìn là có đá, cát thì có sẵn ngay bãi phù sa sông Mã, chỉ cần mua một xe ô tô than đá là có thể nung 1 lò vôi để tôi vôi làm vật liệu xây tường rào…thời đó mua xe bánh lốp và mua trâu kéo xe vận chuyển vật liệu đã trở thành mốt cho cả làng, nhà nào có xe trâu là nhà giàu của làng, năm đầu cả làng chỉ có 3 xe trâu được dân thuê vận chuyển vật liệu…chỉ vài năm sau nhà nào cũng có xe trâu thành thử nuôi không con trâu vì chẳng còn ai thuê đi làm như xưa nữa (Con gà tức nhau tiếng gáy về xe trâu đã bão hoà nhu cầu vận chuyển thuê); Đến nay không chỉ riêng chuyện “cổ súy” cho việc xây cổng nhà, tường bao, mái che sân và nhà mái Thái mà trong những ngày Tết những năm vừa qua, đến nhà ai người ta cũng được nghe “thông báo” tin vui là có cả thảy bao nhiêu chiếc xe taxi được mua để vận chuyển người trong làng và bao nhiêu chiếc ô tô của con em quê hương về quê ăn Tết. Với dân làng ngày nay và một số người còn ấp ủ tư tưởng con gà tức nhau tiếng gáy, việc những người đi ô tô về quê ăn Tết, dù là xe cơ quan, xe đi thuê hay tắc-xi…, đều là người thành đạt. Có lẽ vì thế mà nhiều người rất ngạc nhiên khi đi chúc Tết anh em, hàng xóm, có người hỏi là về quê bằng ô tô hay xe máy. Hóa ra, việc có người để tâm “điểm danh” những người đi ô tô về quê từ Tết trước đã vô tình tạo ra “cú hích” để cho cứ đến tết hoặc những ngày hiếu hỷ hàng năm có thêm một số người dù không có nhu cầu thực vẫn thuê xe về để giải quyết khâu “oai”….và đây không còn là chuyện vui nữa mà đã trở thành chuyện đáng buồn;

          Chuyện nhặt kể trên là “phiên bản” của lối sống “con gà tức nhau tiếng gáy” trong cuộc sống cộng đồng của người dân ở các làng quê xưa. Điều đáng nói ở đây là hiện nay mặc dù cuộc sống vật chất cũng như văn hoá đã được cải thiện phần nào nhưng việc tiếp thu những tư tưởng văn minh, tiến bộ trong đời sống thực tế của người dân ở làng tôi và một số vùng quê vẫn chưa được nâng lên tương ứng./.

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

CHẾ GIỄU BÀI BÁC TRÍ TUỆ

Vương Trí Nhàn

Một người bạn tôi bảo phần lớn truyện cười dân gian ở ta là những câu đùa cợt qua lại của mấy anh đói, nghe cũng có lý. Ở đây, đề tài ăn uống chiếm tỷ lệ khá lớn.
Nhiều truyện khác thiên về mô tả đời sống bản năng của con người. Chỉ có một bộ phận nhỏ truyện tiếu lâm đi vào ghi nhận các vấn đề nghiêm túc trong đó có tư duy của người Việt. Ở đó chúng ta hiện ra như những người thông minh nhưng nặng về khôn vặt, nông nổi mà lại kiêu căng về sự nông nổi của mình và khi đuối lý thì hay lý sự cùn.
Một số truyện còn cho thấy người nông dân xưa – tác giả các truyện tiếu lâm – cố ý đi vào chế giễu sự suy nghĩ của của con người và ngầm đề ra những triết lý bi quan theo đó cho rằng mọi cố gắng tư duy tư tưởng đều vô nghĩa.
Trời sinh ra thế là câu chuyện ông bố vợ với hai chàng rể, một làm ruộng và một học trò. Cuộc đối đáp của họ cho thấy người xưa đã muốn đi vào giải thích tại sao những sự vật quanh mình lại có đặc tính thế này thế kia. Tại sao con ngỗng cũng như con ễnh ương lại kêu to? Tại sao sao con vịt nổi mà cái thuyền cũng nổi?
Nhưng diễn biến của cộc đối đáp khá bất ngờ. Cứ mỗi lần anh con rể học trò đưa ra một sự cắt nghĩa thì anh làm ruộng bẻ lại ngay. Vì sự hiểu biết thực tếcủa người học trò là hạn chế nên sự bác lại có vẻ như là có lý.
Nhưng điều quan trọng hơn là sau đó, người ta – đây là các tác giả ẩn danh của truyện dân gian nói chung--đi tới kết luận “dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng“.
Tức là thôi không bàn nữa, cũng như không nên học. Học mà làm gì, chúng ta sẽ chẳng bao giờ học đến nơi đến chốn, âu là nghỉ cho khỏe.
Đã đành biết cái gì dở dang thì chẳng hay ho gì. Nhưng lẽ nào vin vào cớ học hỏi hiểu biết rất khó, người ta từ bỏ luôn cả sự học?
Nhưng đấy là một xu hướng không hề che giấu toát ra qua mẩu truyện cười mà người nghe đa số đều đồng tình tán thưởng.
Nhiều truyện tiếu lâm khác cũng có thiên hướng hư vô tương tự, tức là phủ nhận mọi cố gắng tìm tới cái hoàn thiện. Cả sự cẩn thận lẫn sự lễ phép đều bị truyện Ba anh đầy tớ mang ra giễu. Anh đầy tớ nọ đang khiêng cáng cho ông chủ, được khen liền đặt cáng xuống để cám ơn. Sự lễ phép quá vô duyên và con người sao quá ngớ ngẩn. Truyện Nói có đầu có đuôi thì bịa ra cảnh một ông chủ bắt đầy tớ phải ăn nói cho mạch lạc, kết quả là cháy mất cái áo.
Cái gọi là suy nghĩ nghiêm túc ở đây bị coi là không thiết thực, là học đòi không phải lối, là có hại.
Nhiều người nước ngoài đến VN trước kia đã kín đáo nhận xét là người mình thích bài bác chế giễu những gì khác mình.
Những nông nổi hồ đồ đó là một biểu hiện trẻ con, như chữ Tản Đà đã dùng.
Trong sự bài bác nói chung thường có cái lối “tự kỷ trung tâm luận”, coi mình là cái rốn của vũ trụ, cái gì mà mình không biết tức là không cần và cũng chẳng ai biết hơn mình mà phải quản ngại.
Cũng tương tự như cái lối tinh ranh tinh tướng, cái gì không làm được thì không cho người khác làm, không ăn được thì đạp đổ.
Riêng việc chế giễu bài bác trí tuệ nó có liên quan đến những khó khăn trong việc đặt trí óc vào công việc, từ đó tạo nên bản năng tự phát trong suy nghĩ và hành động người Việt.
Đời sống khó khăn khiến cho người ta luôn luôn sống trong chen chúc cạnh tranh. Song không sao tìm ra cách cạnh tranh lành mạnh.
Một cách tự nhiên, nẩy sinh ý hướng không muốn tuân thủ lối sống chuẩn mực, kiếm sống bằng đủ loại thủ đoạn, cũng như sinh ra thói cạnh khóe chê bai nhau.
Đây là đặc tính của lớp người mà xã hội học gọi là những
kẻ chầu rìa.
Theo các nhà xã hội học, lớp người này không có khả năng làm giàu về vật chất. Trong sự bất mãn, họ liền tự khẳng định bằng cách tỏ thái độ khinh miệt đối với nhân tố trí tuệ đạo đức và tinh thần con người. Đối với nhưng chuẩn mực đã định hình về sinh hoạt và ứng xử, và nói chung đối với kiến thức và sự uyên bác nói chung họ thù ghét ra mặt.
Chúng tôi đã có lần nói rằng văn hóa Trung Hoa có truyền thông tôn trọng những người có văn hóa. Nhưng ở đây cũng có một dòng nước ngược.
Người Trung quốc tự trào (sách đã dịch ra tiếng Việt ở Nxb Văn học 2000) cho biết người Trung quốc không chỉ xu thời, cầu an, sẵn sàng hối lộ thần thánh hoặc rúc đầu vào cánh, cam chịu trước cuộc đời bất công... mà còn “coi nhẹ trí thức văn hoá, thù hằn tri thức văn hoá “.
Theo những người viết sách, “giảo hoạt là sự kết tinh thông minh tài trí của người Trung quốc, khuyết điểm lớn nhất của nó là đối lập chủ nghĩa lý tưởng với chủ nghĩa hành động, nó cười giễu mọi cố gắng của nhân loại...”
Nhìn lại dân ta thì sao?
Do hoàn cảnh riêng của người Việt, những thói xấu này càng ăn sâu vào tâm lý, trở nên một căn bệnh dai dẳng khó chữa và nhiều khi bộc lộ ra một cách trơ tráo.
Sang thời hiện đại, đặc tính “cái gì cũng xem thường“ “khinh thế ngạo vật” “ghét sự suy nghĩ dùng đến sách vở”… còn được công khai tiếp nối. Một người như nhà văn Nguyễn Công Hoan trong hồi ký của mình đã hồn nhiên cho thấy mình thực quả là một thứ tập đại thành của lối suy nghĩ đó.
Ông đã diễn tả cho thấy tình trạng này đã ăn sâu vào nhiều người Việt để trở thành một cách cư xử tự nhiên như thế nào.
Trong Đời viết văn của tôi, nhà văn kể, từ nhỏ ông ham chơi và ngại học. Vừa thi tốt nghiệp xong là ông bẻ bút và cho hết sách vở để khỏi ngó ngàng gì đến chúng nữa.
Hồi còn đi học, có lần làm bài bàn về hy vọng, ông viết ở đời tôi không có hy vọng gì, rồi đem nộp thày.
Cái lò gạch bí mật của ông kể một anh theo dõi một người có học sống ở một làng quê, ra cái vẻ đang điều tra khoa học lắm, rút cục chỉ bắt gặp một anh ỉa bậy.
Truyện thường bị kêu là tục tằn, nhảm.
Nhưng phải nói cái chính là nó muốn chế giễu một lối sống nghiêm túc có tìm tòi suy xét điều tra nghiên cứu trước mọi sự kiện xảy ra chung quanh.
Sự thống trị gần như tuyệt đối của tinh thần bài bác trí tuệ để lại nhiều hậu quả nặng nề. Suốt thời trung đại chúng ta không hình thành nổi một tầng lớp trí thức đủ mạnh đóng vai trò dẫn dắt đám đông đại chúng trong cộng đồng.
Trên nhiều phương diện, văn hóa Việt Nam kể cả văn hóa quyền lực văn hóa chính trị như còn đang ở vào một tình trạng tiền văn hóa chứ chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.
(Theo tôi đọc được, ở nhiều nước trên thế giới, kể cả Trung quốc, văn hóa dân gian bao gồm văn học truyền miệng, hoặc các loại nghệ thuật không có tác giả -- chỉ mới có yếu tố văn hóa chứ chưa thể là văn hóa theo nghĩa đầy đủ của chữ này. Và một nền văn hóa mà hàm lượng folklore quá cao là một nền văn hóa chưa trưởng thành).
VTN - 2007


Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023

TRUYỆN KIỀU DIỄN NGHĨA

 

1

Cuốn “Kim Vân Kiều Truyện”

Của Thanh Tâm Tài Nhân

Được Nguyễn Du viết lại

Thành thơ Việt, có vần.

Tức là thơ lục bát,

Ba nghìn hai trăm câu,

Bằng chữ Nôm mộc mạc,

Âm vang mãi trong đầu.

Tên gốc của tác phẩm

Là “Đoạn Trường Tân Thanh”,

Còn “Kiều”, do người đọc

Gọi ngắn gọn mà thành.

Ôi, “Tiếng Kêu Đứt Ruột”.

Ôi, Thúy Kiều, Thúy Kiều,

Đọc mà lòng tê tái,

Viết chắc đau hơn nhiều.

Sách viết khi Cụ Nguyễn

Đi sứ nhà Thanh về,

Đi ba năm ròng rã,

Vất vả đủ trăm bề.

Thơ chữ Hán của Cụ,

Tôi dịch cũng khá nhiều,

Bây giờ xin viết lại

Nội dung cuốn Truyện Kiều.

Số là nay giới trẻ

Sống trong thời a còng,

Nhiều đứa không chịu đọc -

Mất thì giờ, tốn công.

Chúng bảo, thơ dài quá,

Đầy điển cố nước Tàu,

Rằng hay thì hay thật,

Nhưng khó hiểu, đau đầu.

Đúng là bọn ưa dễ,

Thích văn hóa ăn liền.

Cháu con tôi cũng thế,

Hời hợt và vô duyên.

Chúng bảo tôi viết lại,

Hay tóm lược nội dung,

Đơn giản và dễ hiểu -

Một việc làm điên khùng.

Vậy mà tôi chiều chúng.

Giờ bố mẹ, than ôi,

Con nói gì, không cãi,

Bảo ngồi đâu cứ ngồi.

Và đây, xin tóm lược

Rất nôm na, Truyện Kiều.

Được, chỉ có cốt truyện,

Mất thì nhiều, rất nhiều.

Nên tóm thì cứ tóm,

Nhưng bọn trẻ chúng mày

Phải đọc Kiều nguyên bản

Được đính kèm theo đây.

Một áng thơ tuyệt đẹp,

Một viên ngọc lung linh

Trong vườn thơ quốc nội,

Về chữ hiếu, chữ tình.

Có lẽ người dân Việt,

Không ai không từng yêu

Hoặc ngâm nga, học thuộc

Một vài câu trong Kiều.

Thế mà, thưa Cụ Nguyễn,

Lớp trẻ giờ ít người

Đọc và yêu thơ Cụ.

Đơn giản vì chúng lười.

Thành ra con mạn phép,

Tóm lược Kiều ra đây.

Kính mong Cụ lượng xá

Tha cho tội láo này.

2

Thời nhà Minh, Trung Quốc,

Có gia đình họ Vương,

Sống hòa thuận, thanh bạch,

Gia sản cũng “thường thường”.

Bố mẹ già đáng kính,

Ba người con trưởng thành.

Vương Quan là con út,

Chuyên lo chuyện học hành.

Lo nữ công gia chánh,

Hai cô chị đáng yêu,

Nổi tiếng rất xinh đẹp -

Thúy Vân và Thúy Kiều.

Thúy Kiều là chị cả,

Đẹp nết, đẹp cả người,

Như Nguyễn Du đã nói,

Đúng “mười phân vẹn mười”.

Một hình mẫu lý tưởng

Người đẹp thời bấy giờ,

Dịu dàng và trong trắng,

Tiết nghĩa và ngây thơ.

Cô em nàng cũng đẹp,

Kiểu đôn hậu, hồn nhiên,

Kiều thì đẹp kiểu khác,

Buồn buồn và dịu hiền.

Lại mùa xuân nữa đến,

Hoa lá rợp trên cành.

Cả nhà đi dự hội,

Tên hội là Đạp Thanh.

Vốn là người đa cảm,

Khi thấy mộ Đạm Tiên,

Nàng khóc người kỹ nữ,

Một tài sắc kiếp tiền.

Thế mà giờ nấm mộ,

Không hương khói, úa tàn,

Ôi, đớn đau, chua xót

Kiếp “bạc mệnh hồng nhan”.

Đêm, Đạm Tiên báo mộng,

Bảo đời Kiều sau này

Sẽ long đong nhiều nỗi,

Đầy oan nghiệt, chua cay.

Vốn thường buồn, tư lự,

Kiều hay tin, bần thần,

Thấp thỏm lòng đa cảm

Kiếp bèo bọt, trầm luân.

Cũng buổi chiều hôm ấy,

Khi bóng đã xế tà,

Nàng gặp chàng Kim Trọng,

“Phong nhã” và “hào hoa”.

Chàng thư sinh Kim Trọng

Vốn “thuộc nhà trâm anh”.

Bạn Vương Quan từ nhỏ,

Quen nhau qua học hành.

Chàng từ lâu nghe tiếng,

Đã thầm yêu Thúy Kiều,

Giờ may mắn được gặp,

Yêu lại càng thêm yêu.

Không một lời trao đổi,

Hai người còn rụt rè,

Nhưng “tình trong như đã”

Tuy “mặt ngoài còn e”.

Nàng Kiều thì tự vấn:

Chao, “gặp gỡ làm chi”,

Như Đạm Tiên bạc mệnh,

Liệu “biết có duyên gì?”

Kim Trọng thì mê mẩn

Quên mọi chuyện vì yêu,

Chàng tìm cớ dọn đến

Ở cạnh nhà Thúy Kiều.

Một hôm chàng nhặt được

Chiếc kim thoa, và chàng

Lấy đó làm cái cớ

Để trò chuyện với nàng.

Rồi hai người hò hẹn.

Rồi nàng Kiều, thật ghê,

Vốn bẽn lẽn, gia giáo,

Thế mà “buông rèm che”,

Nàng “xăm xăm băng lối”

Sang nhà chàng Kim Lang.

“Bóng trăng vàng đã xế”

“Giấc mộng xuân mơ màng”.

Rồi hai người thề thốt,

Trao kỷ vật cho nhau,

Nguyện suốt đời chung thủy

Đến răng long, bạc đầu.

Để chiều lòng Kim Trọng,

Nàng đã đàn một bài,

Bài “Bạc Mệnh” day dứt,

Não lòng và bi ai.

Tiếng đàn buồn đến mức

Kim Trọng “lúc chau mày,

Lúc ôm đầu, tựa gối”

Thấy “ngậm ngùi, đắng cay”.

Rồi tình nồng, duyên đượm,

Đêm, lại chỉ hai người,

Nên “xem ra Kim Trọng

Đã có phần lả lơi”.

Nhưng nàng Kiều lúc ấy

Nghĩ tới chuyện Trương Quân

Và Oanh Oanh ngày trước

Mà không chịu trao thân.

Mới lần đầu gặp mặt,

Mà Kim Trọng, ghê chưa,

Đã lả lơi chuyện ấy.

Cũng là tay không vừa.

Hôm sau, có tin khẩn

Nhắn Kim Trọng, rằng chàng

Có ông chú vừa mất,

Phải về nhà chịu tang.

Than ôi, tình mới bén,

Giờ đã phải chia tay.

Lại thề non, hẹn biển,

Lại dài ngắn dãi bày.

Rồi bất ngờ tai họa

Ập xuống đầu Vương gia:

Các em và bố mẹ

Vừa ăn cỗ, về nhà

Thì bỗng bọn nha lại

Kéo đến bắt Vương ông.

Toàn một lũ trâu ngựa,

Đánh đập rất đau lòng.

Hỏi ra thì mới biết

Do một thằng bán tơ

Đã dựng chuyện vu cáo,

Thật vô lý, bất ngờ.

Chẳng còn cách nào khác,

Nàng bán mình, chuộc cha.

Ôi, chua xót, đau đớn,

“Đau đớn phận đàn bà.”

Rồi nàng ôm mặt khóc:

“Kim Lang hỡi, Kim Lang,

Thôi thôi, thế là thiếp

Phải phụ bạc tình chàng!”

Nàng gọi Thúy Vân lại,

Cúi thấp lạy, ân cần:

Em hãy lấy Kim Trọng,

Hằng sửa túi, nâng khăn.

Romeo, Juliet,

Yêu đến thế là cùng,

Nhưng theo tôi được biết,

Chưa đến mức chồng chung.

Đúng, người xưa nhân nghĩa.

Ta, hiện đại, cũng yêu,

Say đắm nữa là khác,

Nhưng mấy ai bằng Kiều?

3

Bỏ ra bốn trăm lạng,

Mã Giám Sinh mua Kiều.

Hắn là tên vô lại,

Gian tà và rất kiêu.

Hứa lấy nàng làm lẽ,

Thực ra hắn lõi đời

Mua nàng làm kỹ nữ

Để tiếp khách làng chơi.

Còn Tú Bà, vợ hắn,

Chủ thanh lâu Lâm Truy,

Sai nàng ra tiếp khách,

Nhưng Kiều không chịu đi,

Nói, nàng là vợ lẽ

Của ngài Mã Giám Sinh.

Mụ Tú Bà nghe vậy

Liền “nổi cơn tam bành”.

Mụ bảo nàng quyến rũ

Thằng chồng mụ, và rồi

Cho đánh nàng tàn nhẫn

Bằng gậy và bằng roi.

Nhục nhã và phẫn uất,

Nàng liền rút con dao,

Đinh tự vẫn thì ngất,

Và trong cơn chiêm bao

Kiều gặp lại người cũ,

Tức là nàng Đạm Tiên.

Nàng dặn, khoan, chưa chết,

Hẹn gặp ở sông Tiền.

Còn Tú Bà thì nghĩ

Mất nàng là mất lời,

Cho ra lầu Ngưng Bích

Để nàng tạm nghỉ ngơi.

Một mình trên lầu vắng,

Sông nước bốn xung quanh,

Kiều thực sự mừng rỡ

Khi gặp chàng Sở Khanh.

Hắn có vẻ nho nhã,

An ủi rất ân cần,

Còn hứa giúp trốn thoát,

Nên nàng đã trao thân.

Mấy hôm sau, trời tối,

Hắn đưa ngựa đón nàng,

Giữa đường, bỏ nàng lại,

Lo sợ và hoang mang.

Tú Bà liền xuất hiện

Cùng một lũ đầu trâu,

Bắt nàng vì tội trốn,

Còn đánh đập rất đau.

Nàng đã phải van khóc

Xin Tú Bà ngừng tay,

Hứa nhẫn nhục tiếp khách,

Không trốn khỏi nơi này.

“Thân lươn đâu sợ bẩn”,

Xin hầu hạ sớm trưa.

“Ôi tấm lòng trinh bạch,

Nguyện từ nay xin chừa”.

Thì ra chính mụ Tú

Đã thuê thằng Sở Khanh,

Lừa nàng, đưa vào bẫy.

Thôi, trót nhỡ thì đành.

Tên hắn kể từ đấy

Có thêm nghĩa xấu xa,

Tức là thằng chim gái,

Kẻ thù các cô, bà.

4

Vậy là Kiều cam chịu

Để số phận an bài,

Ở thanh lâu nổi tiếng

Cả về sắc, về tài.

“Sớm tiễn đưa Tống Ngọc”,

“Chiều vui với Tràng Khanh”,

“Lúc tiệc tan, tỉnh rượu,

“Giật mình, lại thương mình”.

Ở thanh lâu, Kiều gặp,

Tiếp một khách làng chơi,

Rất hào hoa, phong nhã,

Tử tế và thương người.

Lúc đầu chỉ ong bướm,

Người ấy, tên Thúc Sinh,

Sau yêu Kiều thực sự,

Thương cảm và chân tình.

Định lấy Kiều làm lẽ,

Đưa tiền cho Tú Bà,

Chàng đem Kiều giấu kín,

Sau khi chuộc nàng ra.

Vốn người huyện Vô Tích,

Chàng cùng cha, Thúc ông,

Đến Lâm Truy buôn bán,

Khá ý hợp, tâm đồng.

Cha chàng, khi biết chuyện,

Trách mắng rất nặng nề,

Bắt trả về nhà chứa,

Nhưng chàng không chịu nghe.

Với Kiều, ông kết tội,

Đã quyến rũ Thúc Sinh,

Rồi nhờ quan xét xử

Thật chí lý, chí tình.

Quan sai đem Kiều đánh,

Nhưng Thúc Sinh vội vàng,

Đứng ra bênh, biện bạch

Đủ điều tốt về nàng.

Nghe nói nàng gia giáo,

Lại am tường thơ văn,

Quan bảo nàng thử vịnh

Chiếc cùm đeo dưới chân.

Nàng đọc thơ, quan huyện

Rất khâm phục trong lòng,

Bèn xử cho nàng thắng,

Lựa lời khuyên Thúc ông.

Thúc ông đành chịu nhún,

Không cản trở hai người,

Phần vì “thương nết hạnh”,

Phần vì sợ chê cười.

Sau nửa năm chung sống,

Kiều khuyên chàng về quê

Nói mọi chuyện với vợ,

Rồi tính kế, liệu bề.

Hoạn Thư, vợ chàng Thúc,

“Ăn ở, nết cũng hay”,

Về khoản ghen mà nói

Thì nàng rất cao tay.

Biết chồng có vợ lẽ,

Tỉnh bơ, không nói gì,

Lại chiều chồng nhất mực,

Không mảy may hoài nghi.

Vì thế chàng do dự,

Không dám kể sự tình

Như nàng Kiều đã dặn.

Ôi, ôi, chàng Thúc Sinh.

Tiễn chồng quay trở lại

Với vợ hai, Thúy Kiều,

Hoạn Thư liền sang mẹ,

Than và khóc khá nhiều.

Rồi họ sai Ưng, Khuyển

Cùng một bầy lâu la

Kíp đến gặp Kiều trước

Rồi phóng lửa đốt nhà.

Chúng ném một xác chết

Vào nhà nàng, thật ghê,

Đưa nàng tới Vô Tích

Trước khi Thúc Sinh về.

Thấy nhà mình bị cháy,

Lại thêm một xác người,

Tưởng rằng Kiều đã chết,

Chàng ôm mặt kêu trời.

Lại nói bọn Ưng, Khuyển,

Đưa nàng Kiều về quê,

Nàng bị Hoạn Thư mẹ

Đánh một trận ê chề,

Rồi bắt nàng hầu hạ

Như con ở trong nhà,

Luôn bị đánh, bị chửi,

Ngẫm mà lòng xót xa.

Mỗi lần Hoạn Thư đến,

Nàng cũng phải theo hầu.

Nàng kia cười, ngon ngọt,

Không trách cứ một câu.

Đàn bà ghen, không lạ,

Thường vẫn thế xưa nay,

Nhưng Hoạn Thư ghen khác,

Thật cao tay nàng này.

Cứ công bằng mà nói,

Ấy cũng là sự thường.

Hoạn Thư, ghét thì ghét,

Nhưng cũng thấy thương thương.

Hỏi bây giờ, thậm chí,

Thời bình đẳng, bình quyền,

Mấy ai đủ bình tĩnh

Như nàng này khi ghen?

Một năm sau, chàng Thúc

Về quê thăm vợ hiền.

Nàng Hoạn Thư cười nụ

Trong bữa tiệc đoàn viên,

Rồi vẫy tay cho gọi

Mời Kiều ra hầu chàng,

Phải rót rượu cung kính,

Phải đi đứng nhẹ nhàng.

Thúc Sinh thì tê tái,

Biết mình là nạn nhân

Một âm mưu thâm độc,

Ngồi đực mặt, bần thần.

Sợ vợ, chàng gạt lệ,

Không dám nhận nàng Kiều,

Vẫn cười cười, nói nói

Với bà vợ thân yêu.

Tất nhiên chàng đáng trách,

Nhưng xin hỏi thực lòng,

Nếu ta, gặp cảnh ấy,

Ta làm khác được không?

Làm nhục thế chưa đủ,

Hoạn Thư còn bắt nàng

Ngồi phệt xuống, rũ tóc,

Cầm đàn gẩy tình tang.

Và Kiều, ôi, nhẫn nhục

“Trước rèm the, vặn đàn”,

“Bốn dây kêu như khóc”

Khiến “cõi lòng nát tan”.

Ôi, cho người trong cuộc,

Cùng “một tiếng tơ đồng”,

Người thì “ngoài cười nụ”,

Người “khóc thầm bên trong”.

Cả Hoạn Thư, tôi nghĩ,

Như Kiều, cũng xót xa,

Vì cùng chung một phận,

“Xót xa phận đàn bà.”

Một thời gian sau đó,

Khi thấy Kiều chịu thua,

Hoạn Thư cho nàng sống

Và chép kinh trong chùa.

Một lần, vợ đi vắng,

Thúc Sinh lén thăm Kiều,

Lại mừng mừng, tủi tủi,

Lại thề thốt thương yêu,

Mà không biết ngoài cửa

Hoạn Thư đang cả cười,

Rồi bước vào, nhỏ nhẹ,

Khen, vỗ về hai người.

Thế mới thật đáng sợ,

Thế mới là cao tay.

Lần nữa phải nhắc lại:

Hiếm ai như nàng này!

Kiều thì lại càng sợ,

Để mất - chẳng còn gì,

Nên ngay tối hôm ấy

Nàng vượt tường trốn đi.

5

Thương cho Kiều bạc mệnh,

Phiêu dạt kiếp thăng trầm.

Dài, còn dài trước mặt

Bể khổ mười lăm năm.

Ôi, vì sao số phận

Luôn cay đắng, phũ phàng?

Nàng chạy trốn? Thử hỏi,

Cái gì đang chờ nàng?

Lần nữa trời dun dủi

Kiều bước vào cửa thiền.

Đó là chùa Chiêu Ẩn,

Trụ trì là Giác Duyên.

Sư trụ trì rộng lượng

Cho nàng trú nơi này,

Tưởng nàng người nhà Phật,

Lại từ xa đến đây.

Khi trốn khỏi Vô Tích,

Nàng lấy của nhà chùa

Chiếc chuông và chiếc khánh,

Gọi là để làm bùa.

Một hôm có thí chủ

Nói với sư trụ trì,

Chiếc chuông và khánh ấy

Giống hệt, chẳng khác gì

Với chuông khánh chùa nhỏ

Trong vườn nhà Hoạn Thư.

Sư bà gọi Kiều đến

Để làm rõ thực hư.

Kiều đành phải thú thật

Tung tích mình, thế là

Được Giác Duyên cho đến

Sống tạm với Bạc bà.

Bạc bà là phật tử,

Hay đến chùa dâng hoa,

Thấy Thúy Kiều xinh đẹp,

Liền nảy ý gian tà.

Mụ đánh nàng, dọa dẫm,

Cũng có lúc van nài

Lấy cháu mụ, Bạc Hạnh,

Một người ở châu Thai.

Bạc Hạnh vờ cưới, hỏi,

Đưa nàng về Thai châu.

Ở đấy, lại lần nữa,

Kiều rơi vào thanh lâu.

6

Trong may có cái họa,

Trong họa có cái may.

Sự đời thường vẫn vậy,

Cả xưa và cả nay.

Số là nơi mới đến,

Khi tiếp khách làng chơi,

Kiều ngẫu nhiên được gặp

Rất đặc biệt, một người.

Người đó là Từ Hải,

Đúng một “đấng anh hào”,

Loại “râu hùm, hàm én”,

Vai rộng, “mười thước cao.”

Chàng là một chiến tướng

Người thuộc vùng Việt Đông,

Thích “đội trời, đạp đất”,

“Vùng vẫy khắp non sông”.

Anh tài và giai nữ

Thế là được gặp nhau,

Bén tình và bén nghĩa,

Rất ý hợp tâm đầu.

Từ Hải bỏ tiền chuộc,

Thúy Kiều về nhà chàng,

Nửa năm sống hạnh phúc,

Đậm đà tình tao khang.

Rồi một mình, một ngựa,

Từ Hải lại lên đường,

Hẹn ngày quay trở lại

Với người mình yêu thương.

Xong đại sự, Từ Hải,

Tức khoảng một năm sau,

Cho người về đón vợ

Theo nghi lễ vương hầu.

Thanh thế chàng lúc ấy

Lừng lẫy một phương trời.

Một võ tướng phản loạn,

Thu phục trăm vạn người.

Một hôm, nhân rỗi việc

Kiều kể lại với chồng

Cảnh hàn vi ngày trước,

Nước mắt chảy hai dòng.

Từ Hải nghe, phẫn nộ,

Liền cho người đi ngay

Tới Lâm Truy, Vô Tích,

Lo nhanh chóng việc này.

Khi mọi người có mặt,

Ngồi cao giữa trung quân,

Kiều công bằng xét xử,

Báo oán và đền ân.

Nàng hậu thưởng chàng Thúc,

Cụ Giác Duyên nhân từ,

Bà quản gia tốt bụng

Trong nhà mẹ Hoạn Thư.

Rồi nàng ra lệnh chém

Tú Bà, Mã Giám Sinh,

Bạc Bà và Bạc Hạnh,

Bọn Ưng Khuyển, Sở Khanh.

Ân oán thế là rõ,

Nhưng máu đổ cũng nhiều.

Đành rằng ác trả ác,

Ôi ôi, nàng Thúy Kiều.

Còn Hoạn Thư, đáng lẽ

Phải chết như Tú Bà,

Vì “chính danh thủ phạm”,

Thế mà Kiều lại tha.

Vì nàng kia khôn khéo

Tự bào chữa cho mình.

Rằng “đàn bà nhẹ dạ,

Ghen tuông cũng thường tình.”

Rằng “càng cay nghiệt lắm,”

Thì “càng oan trái nhiều.”

Rằng “chồng chung ai dễ

Nhường cho ai khi yêu...”

Kiều nghe nàng nói vậy,

Phải chép miệng mà rằng:

Dẫu trong lòng độc ác,

Nhưng “giỏi bề nói năng”;

Rằng giết thì đáng giết,

Có ác, phải có đền,

Nhưng giết khi nói phải,

“E là người nhỏ nhen.”

Vậy là Hoạn Thư thoát.

Thật đúng là cao tay.

Nói rồi, xin nói lại:

Hiếm ai như nàng này!

7

Quyền uy của Từ Hải

Cứ lớn dần, lớn dần.

Chàng xưng vương, lập quốc,

Cai trị cả muôn dân.

Chàng chia đôi thiên hạ

Với vương triều nhà Minh,

Triết Giang và Phúc Kiến

Coi như đất của mình.

Rồi năm năm sau đó,

Vua nhà Minh vội vàng

Sai tướng Hồ Tôn Hiến

Đem quân đến đánh chàng.

Biết Từ Hải dũng mãnh,

Đấng anh hùng vô biên,

Khó dùng binh mà thắng,

Nên hắn lập kế hèn.

Hắn cho người mang lễ

Gồm rất nhiều bạc vàng

Cùng lời hứa trọng dụng

Để dụ chàng ra hàng.

Hắn còn sắm lễ vật

Dành riêng cho Thúy Kiều,

Cốt nhờ nàng nói hộ -

Nói chùng nhiều, rất nhiều.

Phần vì lễ quá hậu,

Phần chưa hiểu sự tình,

Nàng đã khuyên Từ Hải

Ra đầu hàng triều đình,

Để muôn dân đỡ khổ,

Để thành quan đại thần,

Để nàng về quê cũ

Mong gặp lại người thân.

Dẫu còn nghi, Từ Hải

Vẫn nghe vợ, tiếc thay.

Các ông chồng có lẽ

Nên học bài học này.

Từ Hải mặc nhung phục

Rời doanh trại, đầu hàng.

Hồ Tôn Hiến lập tức

Cho quân ra giết chàng.

Ôi, “râu hùm, mày én”,

Ôi, một “đấng anh hào”,

Từng “đội trời đạp đất”,

Thế mà chết buồn sao.

Lại thêm bài học nữa:

Không được tin chính quyền.

Xưa hay nay cũng vậy.

Chúng, một lũ đê hèn.

Đêm ấy, Hồ Tôn Hiến

Mở tiệc mừng rất to.

Hắn bắt Kiều rót rượu,

Hết vò lại đến vò.

Khi ngà ngà quá chén,

Hắn bắt nàng chơi đàn.

Cả “bốn dây nhỏ máu,”

“Gió thảm, mưa tuôn tràn.”

Hắn ngồi nghe, tư lự,

Rượu và đàn cùng say.

“Thật lạ cho mặt sắt,

Cũng vì tình, biết ngây.”

Rồi lâng lâng, loạng choạng,

“Vì rượu và vì tình,”

Hắn giữ Kiều ở lại,

Bắt ăn nằm với mình.

Sáng hôm sau, tỉnh dậy,

Nghĩ mình bậc cao sang,

Vướng vào Kiều không tiện,

Hắn quyết định gả nàng

Cho một thổ quan nhỏ,

Và rồi lễ tơ hồng

Giữa Kiều và quan thổ

Được tổ chức trên sông.

Lòng ê chề nhục nhã,

Hận chồng chết vì mình,

Nàng Thúy Kiều bạc mệnh

Quyết một lòng quyên sinh.

“Ôi, Đạm Tiên, nàng hỡi,

Dưới suối vàng có hay,

Nàng hẹn ta, thì đấy,

Xin đón ta nơi này!”

Và rồi, giữa sông nước,

Khi trời còn đầy sương,

Nàng ôm hận, lặng lẽ

Nhảy xuống sông Tiền Đường.

Lại nói, sau hậu thưởng,

Sư trụ trì Giác Duyên

Gặp đạo cô Tam Hợp,

Một tín đồ Đạo thiền.

Tam Hợp báo sư biết

Chuyện ở sông Tiền Đường,

Khuyên nhanh chóng đến đấy

Cứu nàng Kiều đáng thương.

Sư Giác Duyên vội vã

Thuê ngư phủ nhiều giờ

Rà quét khúc sông ấy,

Vớt được nàng lên bờ.

Thật may, Kiều còn sống.

Nằm bất động trên thuyền,

Trong cơn mê nàng thấy

Bóng hình nàng Đạm Tiên.

Nàng báo: Trời đã thấu

Nỗi khổ và lòng nàng,

Và rằng đã đến lúc

Cuộc đời mới sang trang.

Rồi từ đấy sư cụ

Và cháu bà, nàng Kiều,

Bên sông, trong am cỏ

Cùng vui vầy sớm chiều.

8

Vậy là biển cũng lặng,

Và trời cũng ngớt giông.

Sóng gió không còn nữa,

Sóng cũng lặng trong lòng.

Đời Kiều nay đã khác,

Như vừa nói - sang trang .

Thư thản và yên tĩnh.

Ta hãy mừng cho nàng.

Lại nói chàng Kim Trọng,

Sau khi chịu tang về,

Hay tin Kiều bị bán,

Mà nước mắt dầm dề.

Vương ông cho chàng biết

Rằng Kiều đã buộc lòng

Nhờ Thúy Vân thay chị

Lấy Kim Trọng làm chồng.

Sau nhiều lần từ chối,

Tìm Kiều không thấy đâu,

Cuối cùng, bị thúc dục,

Hai người đã cưới nhau.

Rồi Kim Trọng thi đậu,

Được bổ về Lâm Truy,

Nơi Thúy Kiều ngày trước

Buộc phải làm ca nhi.

Ở đấy, các nha lại

Kể chàng nghe một phần

Cuộc đời Kiều đã chịu,

Cơ cực và gian truân.

Chàng không biết lúc ấy

Ở tít vùng Thai Châu

Thúy Kiều và Từ Hải

Đang vui sống bên nhau.

Khoảng năm năm sau đó,

Nhận được chiếu triều đình,

Chàng đi nhậm chức mới,

Làm quan huyện Nam Bình.

Vương Quan thi, cũng đỗ,

Được bổ về Phú Dương,

Nên hai người lần ấy

Đi cùng lúc, cùng đường.

Đến Hàng Châu, bất chợt

Họ hay tin, rùng mình,

Rằng Từ Hải bị giết,

Còn Kiều thì quyên sinh.

Họ quay về, lập tức

Hai gia đình Kim, Vương

Soạn lễ, mang đến cúng

Bên bờ sông Tiền Đường.

Giác Duyên, nhân có việc,

Đi ngang, thấy tên Kiều

Trên bài vị giải oán,

Dừng lại hỏi đôi điều.

Hóa ra Kiều còn sống!

Kiều còn sống, mừng sao!

Mắt mở, nhìn thấy rõ,

“Mà những tưởng chiêm bao!”

Vậy là dẫu chìm nổi

Số phận một cuộc đời,

Vẫn có cái kết hậu

Cho nàng và mọi người.

Trong buổi tiệc đoàn tự

Thúy Vân ép chị mình

Phải lấy chàng Kim Trọng,

Mới hợp lý, hợp tình.

Kiều thoạt đầu không chịu,

Bảo “tấm thân ngọc ngà”

Giờ không còn trong trắng

Mà “dư thừa xấu xa.”

Cuối cùng nàng chấp nhận,

Nhưng trong đêm động phòng

Nàng không cho Kim Trọng

Ân ái như vợ chồng.

“Tấm thân thiếp ô uế,

Không đáng được gần chàng.”

Biết làm sao, đành vậy.

Tội nghiệp chàng Kim Lang.

Từ đấy họ hạnh phúc

Sống bên nhau trọn đời,

Chàng Kim cùng hai vợ

(Thực ra chỉ một người!)

Mười lăm năm lưu lạc,

Mười lăm năm trầm luân,

Giờ lòng Kiều phẳng lặng

Như nước lặng hồ xuân.

Và đều đều cứ chảy

Dòng nước sông Tiền Đường,

Rửa sạch bao oan trái

Một kiếp sống đoạn trường...

9

Thế là tôi kể hết,

Giản dị và trung thành

Truyện “Tiếng Than Đứt Ruột,”

Tức “Đoạn Trường Tân Thanh.”

Truyện có nhiều bài học,

Về thế thái, nhân tình.

Đọc đi, các bạn trẻ,

Rồi ngẫm người, ngẫm mình.

Hà Nội, 5. 2. 2012

Thái Bá Tân