XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Điều lệ Hội Cựu Chiến Binh


                           Nhập ngũ 31/8/1978 xuất ngũ 01/7/1982
Điều lệ Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam (21/05/2015)
(Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hội Cựu chiến binh Việt Nam thông qua ngày 13 tháng 12 năm 2007)
Gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân đã cùng toàn dân ta làm nên những chiến công và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử - thời đại.
Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng và kháng chiến cứu nước lâu dài, gian khổ và oanh liệt của dân tộc ta trước đây, cũng như trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, lực lượng Cựu chiến binh ngày càng phát triển lớn mạnh; đến nay đã có hàng triệu Cựu chiến binh, thuộc nhiều thế hệ tiếp tục nêu cao bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ: “Trung thành với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” đang cùng nhân dân cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta.
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và nguyện vọng của các Cựu chiến binh, ngày 6-12-1989 Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Nghị quyết thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Từ ngày thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội đã trưởng thành nhanh chóng và từng bước vững chắc, hoạt động đúng hướng và đạt nhiều kết quả, xứng đáng là một đoàn thể chính tị - xã hội, là chỗ dựa tin cậy của các ấp uỷ Đảng, chính quyền, nhân dân, nhất là ở cơ sở.
Trong tình hình mới, chấp hành Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nghị quyết 09/NQ-TƯ của Bộ Chính tị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Cựu chiến binh trong giai đoạn cách mạng mới”, thực hiện Pháp lệnh Cựu chiến binh, Hội tập hợp, đoàn kết, động viên Cựu chiến binh ra sức xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, góp phần tăng cường hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng toàn dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tích cực tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 06 tháng 12 là ngày truyền thống của Cựu chiến binh.


CHƯƠNG I
TÍNH CHẤT, MỤC ĐÍCH CỦA HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM
Điều 1: Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một đoàn thể chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, một tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động theo đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Hội.
Mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết, tổ chức, động viên các thế hệ Cựu chiến binh giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của Cựu chiến binh, chăm lo giúp đỡ nhau trong cuộc sống, gắn bó tình bạn chiến đấu.

CHƯƠNG II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM
Điều 2: Hội Cựu chiến binh Việt Nam có chức năng đại diện ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Cựu chiến binh. Hội làm tham mưu giúp cấp uỷ Đảng và làm nòng cốt tập hợp, đoàn kết, vận động Cựu chiến binh thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội của cách mạng, của Hội; tham gia giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ viên chức Nhà nước.
Điều 3: Hội Cựu chiến binh Việt Nam có nhiệm vụ:
1. Tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống mọi âm mưu, hoạt động chống phá hoại của các thế lực thù địch; chống các quan điểm sai trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội; giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật.
2. Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; kiến nghị với cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh.
3. Tập hợp, đoàn kết, động viên Cựu chiến binh rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ hiểu biết đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.
Tập hợp quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tham gia tổ chức Câu lạc bộ, Ban liên lạc Cựu quân nhân, các phong trào cách mạng ở cơ sở.
4. Tổ chức chăm lo, giúp đỡ Cựu chiến binh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế gia đình, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp; tổ chức hoạt động tình nghĩa để Cựu chiến binh tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
5. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Cựu chiến binh; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho Cựu chiến binh.
6. Phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan quân sự giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ.
7. Tiến hành các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

CHƯƠNG III
HỘI VIÊN
Điều 4: Những đối tượng được xét kết nạp vào Hội Cựu chiến binh:
- Các đồng chí đã tham gia các đơn vị vũ trang do Đảng tổ chức trước ngày Cách mạng Tháng Tám 1945.
- Các cán bộ và chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, biệt động đã tham gia kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, nay đã xuất ngũ, phục viên, chuyển ngành, nghỉ hưu.
- Các cán bộ và chiến sĩ dân quân, du kích, tự vệ đã trực tiếp tham gia chiến đấu, đội viên các đội công tác vũ trang vùng địch tạm chiếm.
- Các công nhân viên quốc phòng đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong thời kỳ chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
- Những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hoàn thành nhiệm vụ trong Quân đội đã xuất ngũ, chuyển ngành, nghỉ hưu.
- Những hạ sĩ quan, chiến sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ, về định cư tại các xã, huyện miền núi, biên giới đất liền, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số.
- Những quân nhân đã hoàn thành nhiệm vụ ở tuyến đấu biên giới hải đảo.
- Những quân nhân trong quá trình làm nghĩa vụ quân sự tại ngũ có thành tích xuất sắc được Quân đội và Nhà nước khen thưởng.
-Những quân nhân được Bộ Quốc phòng đào tạo thành sĩ quan dự bị trước khi ra quân.
Những người trên đây, giữ được bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, làm tròn nghĩa vụ công dân, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện xin vào Hội đều được xét kết nạp vào Hội.
Việc kết nạp hội viên do tổ chức cơ sở Hội thảo luận và quyết định. Những tổ chức cơ sở có chia ra Chi hội, thì do Chi hội thảo luận xem xét, đề nghị Ban chấp hành cơ sở quyết định. Nơi có Phân hội, thì Phân hội đề nghị, báo cáo lên Chi hội xem xét và Ban chấp hành Hội cơ sở quyết định.
Điều 5: Nhiệm vụ của hội viên:
1. Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, gương mẫu chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
2. Chấp hành Điều lệ, Nghị quyết của Hội, tích cực tham gia các hoạt động của Hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Hội giao cho.
3. Tích cực học tập rèn luyện, nâng cao kiến thức và giữ gìn phẩm chất, tư cách hội viên.
4. Đoàn kết tương trợ nhau trên tình đồng chí, đồng đội, nhất là khi gặp khó khăn.
5. Tuyên truyền phát triển hội viên mới, đóng hội phí, sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở Hội và tham gia xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh về mọi mặt.
Điều 6: Quyền lợi của hội viên:
1. Được thông tin, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cần thiết theo sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ cách mạng, tham gia các sinhhoạt, hoạt động của Hội.
2. Được giúp đỡ làm kinh tế, cải thiện đời sống theo khả năng của Hội.
3. Được Hội giúp đỡ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
4. Thảo luận, phê bình, chất vấn, kiến nghị và biểu quyết các công việc của Hội.
5. Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Hội.
Điều 7: Hội viên tuổi cao, thường xuyên đau yếu hoặc hoàn cảnh gia đình quá khó khăn được miễn công tác và sinh hoạt Hội trong từng thời gian, Chi hội xem xét và Ban chấp hành Hội cơ sở chuẩn y. Nơi có Phân hội, thì do Phân hội xem xét và Ban chấp hành Hội cơ sở chuẩn y.

CHƯƠNG IV
NGUYÊN TẮC VÀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA HỘI
Điều 8: Hội Cựu chiến binh Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Ban chấp hành Hội các ấp do dân chủ bầu ra bằng cách bỏ phiếu kín và làm việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; trường hợp đặc biệt do cấp trên chỉ định; thời gian hoạt động của Ban chấp hành chỉ định không quá một năm.
Số lượng Ban chấp hành cấp nào do Đại hội cấp đó quyết định theo hướng dẫn của Ban chấp hành Trung ương Hội.
Ban chấp hành khoá mới nhận sự bàn giao từ Ban chấp hành khoá trước, điều hành công việc ngay sau khi được bầu; được công nhận chính thức khi có quyết định chuẩn y của Ban chấp hành cấp trên trực tiếp.
Việc bổ sung Uỷ viên Ban chấp hành thiếu, do Ban chấp hành đề nghị, Ban chấp hành Hội cấp trên trực tiếp quyết định; số lượng Uỷ viên Ban chấp hành sau khi bổ sung không vượt quá tổng số Uỷ viên Ban chấp hành do Đại hội quyết định. Khi cần thiết, Ban chấp hành Hội cấp trên trực tiếp được chỉ định tăng thêm một số Uỷ viên Ban chấp hành cấp dưới.
Uỷ viên Ban chấp hành Hội từ cấp tỉnh trở xuống xin rút khỏi Ban chấp hành ở cấp nào do Ban chấp hành cấp đó đề nghi, cấp trên trực tiếp quyết định. Đối với Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội, do Ban chấp hành Trung ương Hội quyết định.
Uỷ viên Ban chấp hành Hội các cấp khi thôi giữ các chức vụ công tác Hội thì thôi không tham gia Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh các cấp.
Điều 9: Hệ thống tổ chức Hội có 4 cấp: Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận,thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và cấp cơ sở.
Ở những cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp được thành lập tổ chức Hội theo hướng dẫn của Ban chấp hành Trung ương Hội.
Hội Cựu chiến binh mỗi cấp đặt dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam cùng cấp, sự chỉ đạo của Ban chấp hành Hội cấp trên, phối hợp chặt chẽ với cơ sở chính quyền, Quân đội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân cấp đó và liên hệ gắn bó mật thiết với nhân dân.
Hội được tổ chức dựa theo hệ thống tổ chức của Đảng; tổ chức Đảng của đơn vị trực thuộc cấp uỷ nào thì tổ chức Hội của đơn vị cũng trực thuộc tổ chức Hội cấp tương ứng.
Điều 10: Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên.
Đại hội cấp nào do Ban chấp hành cấp đó triệu tập theo kỳ hạn quy định. Khi Ban chấp hành xét thấy cần thiết hoặc khi có hơn 1 phần 2 số tổ chức Hội trực thuộc yêu cầu và được Ban chấp hành cấp trên trực tiếp đồng ý thì triệu tập Đại hội bất thường.
Đại biểu dự Đại hội gồm đại biểu do bầu cử từ cấp dưới lên và các Uỷ viên Ban chấp hành cấp triệu tập Đại hội.
Khi cần thiết Ban chấp hành triệu tập Đại hội được chỉ định một số đại biểu, không quá 5% tổng số đại biểu.
Sau khi Ban chấp hành mới được bầu ra, Đoàn Chủ tịch Đại hội uỷ nhiệm từ 1 đến 3 trong số các Uỷ viên được bầu, làm nhiệm vụ triệu tập Ban chấp hành mới họp phiên đầu tiên để bầu ra Ban Thường vụ, bầu ra Chủ tịch, các Phó chủ tịch ( trong Ban Thường vụ) và bầu ra Ban Kiểm tra. Số lượng Uỷ viên Ban Thường vụ không quá 1 phần 3 số lượng Uỷ viên Ban chấp hành.
Điều 11: Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội 5 năm họp 1 lần, có nhiệm vụ: đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của nhiệm kỳ vừa qua, quyết định phương hướng nhiệm vụ, chương trình công tác nhiệm kỳ tới, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội và bầu Ban chấp hành Trung ương Hội.
Ban chấp hành Trung ương Hội có nhiệm vụ: tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội, xây dựng và định hướng nội dung hoạt động, chỉ đạo các chương trình, kế hoạch hoạt động về các mặtcông tác của Hội giữa hai kỳ Đại hội. Ban chấp hành Trung ương Hội đại diện cho Hội quan hệ với các cơ quan Nhà nước, với các ban, ngành, các đoàn thể ở Trung ương, với các tổ chức xã hội trong và ngoài nước.
Ban chấp hành Trung ương bầu ra Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó chủ tịch và Ban Kiểm tra của Hội. Số lượng Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra do Ban chấp hành Trung ương quyết định.
Ban chấp hành Trung ương họp thường lệ 6 tháng một lần, họp bất thường khi cần. Ban Thường vụ họp thường lệ 3 tháng một lần, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành. Chủ tịch, các Phó chủ tịch là bộ phận thay mặt Ban Thường vụ điều hành công tác thường xuyên của Hội.
Khi khuyết Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương thì hội nghị Ban chấp hành Trung ương bầu cử bổ sung cho đủ số lượng do Đại hội đại biểu toàn quốc đã quyết định.
Trường hợp cần tăng thêm Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương thì do hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội quyết định.
Điều 12: Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 5 năm họp một lần, có nhiệm vụ: thảo luận văn kiện của Ban chấp hành Hội cấp trên, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ vừa qua, quyết định nhiệm vụ nhiệm kỳ tới, bầu Ban chấp hành, bầu đại biểu đi dự Đại hội cấp trên.
Ban chấp hành Hội tỉnh, thành phố có nhiệm vụ: thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc, Nghị quyết, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Hội và Nghị quyết của Đại hội cấp mình, tham gia xây dựng và cụ thể hoá các Nghị quyết, chương trình, phong trào của Hội, chỉ đạo công tác của Hội ở địa phương giữa hai kỳ Đại hội, đại diện cho Hội quan hệ với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội ở tỉnh, thành phố.
Ban chấp hành Hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bầu ra Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó chủ tịch và bầu Ban Kiểm tra.
Ban chấp hành họp thường lệ 6 tháng một lần, họp bất thường khi cần. Ban Thường vụ họp 3 tháng một lần. Chủ tịch, các Phó chủ tịch là bộ phận thay mặt Ban Thường vụ điều hành công tác thường xuyên của Hội.
Điều 13: Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị tương đương 5 năm họp một lần, có nhiệm vụ: thảo luận văn kiện của Ban chấp hành Hội cấp trên, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ vừa qua, quyết định nhiệm vụ nhiệm kỳ tới, bầu Ban chấp hành, bầu đại biểu đi dự Đại hội cấp trên.
Ban chấp hành Hội huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nhiệm vụ: tổ chức thực hiện Nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và Nghị quyết của Đại hội cấp mình, hướng dẫn các tổ chức cơ sở thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, phong trào của Hội, chỉ đạo công tác Hội ở địa phương giữa hai kỳ Đại hội, phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong các hoạt động chính trị ở địa phương.
Ban chấp hành huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị tương đương bầu ra Ban Thường vụ, Chủ tịch, 2 Phó chủ tịch và bầu Ban Kiểm tra.
Ban chấp hành họp thường lệ 3 tháng một lần, họp bất thường khi cần. Những địa bàn có khó khăn đặc biệt, họp thường lệ 6 tháng 1 lần, do Ban chấp hành Trung ương Hội hướng dẫn. Ban Thường vụ họp 1 tháng 1 lần. Chủ tịch, các Phó chủ tịch là bộ phận thay mặt Ban Thường vụ điều hành công tác thường xuyên của Hội.
Điều 14: Tổ chức Hội cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập cơ quan giúp việc theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương Đảng và Thường vụ Trung ương Hội.
Điều 15: Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh các cấp cần quan hệ chặt chẽ với các Ban liên lạctruyền thống đơn vị, chiến trường và các hình thức tập hợp Cựu chiến binh hợp pháp khác nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của Hội trong đông đảo Cựu chiến binh.
Đối với những quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về(không thuộc đối tượng kết nạp vào Hội) Hội Cựu chiến binh phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan quân sự địa phương, các ngành chức năng cùng cấp bằng các hình thức thích hợp, tập hợp, bồi dưỡng, động viên anh chị em phát huy vai trò tích cực của Cựu quân nhân trong các phong trào, các cuộc vận động ở cơ sở.

CHƯƠNG V
TỔ CHỨC CƠ SỞ CỦA HỘI
Điều 16: Tổ chức cơ sở Hội là nền tảng của Hội.
Ở các xã, phường, thị trấn, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp được thành lập tổ chức cơ sở Hội.
Tổ chức cơ sở là nơi tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội, của địa phương và của cơ quan, đơn vị, có nhiệm vụ:
- Tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, thực hiện pháp lệnh về dân chủ ở xã, phường; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia giám sát và phản biện xã hội; giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở.
- Bồi dưỡng về phẩm chất và năng lực cho hội viên.
- Hướng dẫn hoạt động của hội viên và vận động Cựu chiến binh thực hiện các nhiệm vụ, các chương trình, phong trào của Hội.
- Chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh ở cơ sở.
- Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, tổ chức giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, phát triển kinh tế gia đình.
- Xây dựng tổ chức Hội cơ sở vững mạnh.
Các tổ chức cơ sở Hội ở cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp có nhiệm vụ:
Tập hợp,đoàn kết, hướng dẫn, động viên Cựu chiến binh giữ gìn và phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”; nâng cao ý thức trách nhiệm chính trị, tích cực góp phần xây dựng và thực hiện các chương trình kế hoạch công tác, sản xuất, kinh doanh của cơ quan đơn vị; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ quan đơn vị; gương mẫu chấp hành các quy tắc chế độ công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ chức trách người cán bộ, công nhân viên chức; chăm lo giúp đỡ nhau về tinh thần và vật chất.
Điều 17: Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên ở cơ sở xã, phường, thị trấn và các cơ sở khác 5 năm họp 1 lần, có nhiệm vụ: thảo luận văn kiện của Ban chấp hành cấp trên, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ vừa qua, quyết định nhiệm vụ nhiệm kỳ tới, bầu Ban chấp hành, bầu đại biểu đi dự Đại hội cấp trên.
Ban chấp hành Hội cơ sở tổ chức thực hiện Nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và Nghị quyết của Đại hội cấp mình, chỉ đạo công tác ở cơ sở giữa 2 nhiệm kỳ Đại hội.
Ban chấp hành Hội cơ sở có từ 9 Uỷ viên trở lên bầu ra Ban Thường vụ, bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch và Ban Kiểm tra do Phó chủ tịch kiêm Trưởng Ban Kiểm tra; dưới 9 Uỷ viên chỉ bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch kiêm phụ trách kiểm tra.
Ban chấp hành Hội cơ sở nơi có Ban Thường vụ, họp thường lệ 3 tháng 1 lần, họp bất thường khi cần. Ban Thường vụ họp thường lệ 1 tháng 1 lần, điều hành công tác của Hội giữa 2 kỳ họp Ban chấp hành. Ban chấp hành Hội cơ sở nơi không có Ban Thường vụ, họp thường lệ 1 tháng 1 lần, họp bất thường khi cần.
Điều 18: Những tổ chức cơ sở đông hội viên hoặc địa bàn quá rộng, được thành lập ra các Chi hội và dưới Chi hội là Phân hội, tạo thuận lợi cho sinh hoạt, công tác và thăm hỏi giúp đỡ nhau. Chi hội và Phân hội bầu ra Chi hội trưởng, Phân hội trưởng. Nơi có đông hội viên, có nhiều Phân hội, bầu ra 1 hoặc nhiều Chi hội phó.
Phân hội, Chi hội (nơi không chia ra Phân hội) sinh hoạt thường kỳ từ 1 đến 3 tháng 1 lần.

CHƯƠNG VI
CÔNG TÁC KIỂM TRA CỦA HỘI VÀ BAN KIỂM TRA CÁC CẤP
Điều 19: Kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo, một nhiệm vụ công tác của tổ chức Hội các cấp. Ban chấp hành các cấp Hội phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức Hội cấp dưới và hội viên về chấp hành Điều lệ, chỉ thị, Nghị quyết của Hội.
Tổ chức Hội và hội viên chịu sựkiểm tra, giám sát của Hội.
Ban chấp hành Hội các cấp bầu ra Ban Kiểm tra cấp mình. Số lượng Uỷ viên Ban Kiểm tra do Ban chấp hành mỗi cấp quy định, trong đó có 1 phần 3 là Uỷ viên Ban chấp hành.
Điều 20: Ban Kiểm tra các cấp chịu sự lãnh đạo của Ban chấp hành cấp mình và sự chỉ đạo của Ban Kiểm tra cấp trên, làm việc theo chế độ tập thể.
Ban Kiểm tra các cấp có nhiệm vụ:
- Kiểm tra hội viên, Uỷ viên Ban chấp hành Hội cùng cấp, tổ chức Hội cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành nhiệm vụ hội viên, nhiệm vụ Uỷ viên Ban chấp hành, trong việc chấp hành Điều lệ, chỉ thị, Nghị quyết của Hội và trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hội.
- Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra và xử lý kỷ luật trong nội bộ Hội của tổ chức Hội cấp dưới.
- Xem xét, kết luận những trường hợp vi phạm kỷ luật, đề nghị Ban chấp hành quyết định hình thức xử lý.
- Giám sát Uỷ viên Ban chấp hành cùng cấp,t CCB Hội cấp dưới trong việc chấp hành Điều lệ, tổ chức thực hiện chỉ thị, Nghị quyết của Hội.
- Tiếp nhận, xem xét, kiến nghị với Ban chấp hành giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên và của nhân dân có liên quan đến hội viên và tổ chức Hội.
Ban Kiểm tra được quyền yêu cầu tổ chức Hội cấp dưới và hội viên báo cáo, cung cấp tài liệu về những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra.

CHƯƠNG VII
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 21: Hội viên và tổ chức Hội có nhiều thành tích được các cấp Hội xét khen thưởng theo Luật Thi đua khen thưởng và hướng dẫn của Ban chấp hành Trung ương Hội và của Nhà nước.
Điều 22: Những hội viên và tổ chức Hội làm trái Điều lệ, Nghị quyết của Hội, làm tổn hại đến uy tín và tài sản của Hội thì tuỳ tính chất, mức độ sai lầm mà áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật sau đây:
Đối với hội viên: khiển trách, cảnh cáo, khai trừ khỏi Hội.
Những hội viên bỏ sinh hoạt Hội, không đóng hội phí liên tục từ 1 năm trở lên, mà không có lý do chính đáng, thì xoá tên trong danh sách hội viên.
Đối với Uỷ viên Ban chấp hành: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ khỏi Hội.
Đối với tổ chức Hội: khiển trách, cảnh cáo.
Việc xử lý kỷ luật hội viên phải được Chi hội thảo luận, biểu quyết với sự đồng ý của quá 1 phần 2 tổng số hội viên, Ban chấp hành Hội cơ sở xem xét quyết định. Với hình thức khai trừ khỏi Hội phải được Chi hội biểu quyết với sự đồng ý của 2 phần 3 tổng số hội viên, Ban chấp hành Hội cơ sở xem xét, quyết định.
Xử lý kỷ luật 1 Uỷ viên Ban chấp hành Hội cấp nào do hội nghị Ban chấp hành cấp ấy thảo luận, biểu quyết với sự đồng ý của quá 1 phần 2 tổng số Uỷ viên Ban chấp hành, Ban chấp hành Hội cấp trên trực tiếp chuẩn y. Xử lý kỷ luật 1 Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội do hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương quyết định.
Xử lý kỷ luật 1 tổ chức Hội với hình thức khiển trách, cảnh cáo do Ban chấp hành Hội cấp trên trực tiếp quyết định. Trường hợp đặc biệt cần áp dụng hình thức xử lý kỷ luật cao hơn do sai phạm nghiêm trọng, thì do Ban chấp hành Hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên xem xét quyết định.

CHƯƠNG VIII
TÀI CHÍNH CỦA HỘI
Điều 23: Tài chính của Hội gồm các nguồn:
- Ngân sách Nhà nước cấp.
- Hội phí do hội viên đóng.
- Tiền ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các khoản thu hợp pháp khác.
Tài chính, ngân sách ở cấp nào do cấp ấy tự quản, có tài khoản riêng và chịu sự kiểm tra của cơ quan Nhà nước theo luật định. Ban chấp hành Trung ương Hội quy định mức đóng hội phí, chế độ thu nộp và sử dụng.
Hàng năm hội nghị Ban chấp hành nghe báo cáo về thu, chi hội phí của cấp mình.

CHƯƠNG IX
CHẤP HÀNH ĐIỀU LỆ HỘI
Điều 24: Mọi hội viên và tổ chức Hội có trách nhiệm chấp hành Điều lệ Hội.
Ban chấp hành Trung ương Hội có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội.
Điều 25: Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi Điều lệ Hội.

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

Mốc thời gian cho 15 tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung


Sắp xếp lại các mốc thời gian cho 15 tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung giúp hiểu rõ mối quan hệ giữa các nhân vật


Tiểu thuyết Kim Dung giúp nhiều người mở ra cánh cửa thế giới kiếm hiệp, cảm thấy hư cấu nhưng trong đó có một số nhân vật, sự kiện có liên quan đến lịch sử chân thực. Dưới đây là mốc thời gian và sự kiện quan trọng trong tiểu thuyết Kim Dung được một “cao nhân” sắp xếp lại khiến mọi người vừa xem liền hiểu ngay.

Dựa trên sự sắp xếp của cao nhân này, tôi đã chỉnh sửa một tí cho phù hợp với những chỉnh sửa mới nhất của Kim Dung sau năm 2000.

Năm 483 TCN, Tây Thi tới nước Ngô, Phạm Lãi gặp được A Thanh. A Thanh truyền thụ kiếm pháp cho các kiếm sĩ nước Việt.

Năm 476 TCN, nước Ngô bị tiêu diệt. Phạm Lãi đi ẩn cư cùng với Tây Thi, A Thanh ra đi.

Năm 527, cao tăng Thiên Trúc – Đạt Ma thiền sư tới Trung thổ truyền giáo, sáng lập thiền tông Trung Quốc. Ông ở lại Thiếu Lâm Tự 9 năm.

Năm 536, Đạt Ma tổ sư qua đời.

Năm 554, Vũ Văn Thái nhà Tây Ngụy công phá thành Giang Lăng (nay là Kinh Châu), Nguyên đế nhà Lương cất giữ kho báu tại Thiên Ninh Tự, đây chính là kho báu “Liên thành quyết.”

Cuối nhà Tùy, Lý Tĩnh lĩnh ngộ võ học bí truyền “Dịch cân kinh”.

Năm 640, Hầu Quân Tập công phá Cao Xương quốc.

Năm 694, Minh Giáo được truyền tới Trung thổ.

Cuối nhà Đường, danh gia kiếm thuật Gia Hưng cải tiến Việt Nữ kiếm pháp.

Năm 877, Cái Bang thành lập.

Năm 907, nhà Đường diệt vong, Da Luật A Bảo Cơ thành lập Khiết Đan

Năm 937, Đoàn Tư Bình khai quốc Đại Lý

Năm 936 – 946, Pháp Huệ thiền sư của Thiếu Lâm Tự luyện thành Nhất chỉ thiền.

Năm 960, Triệu Khuông Dẫn lật đổ nhà Chu, bắt đầu thời kỳ nhà Tống.

Năm 1030, Mộ Dung Bác chào đời.

Năm 1038, nước Tây Hạ thiết lập.

Năm 1047, Mộ Dung Bác đánh bị thương Hoàng My Tăng

Năm 1051, Vô Danh Thần Tăng đến Thiếu Lâm Tự

Năm 1060, Tiêu Phong chào đời

Năm 1061, gia đình Tiêu Viễn Sơn gặp đại nạn ở Nhạn Môn Quan ngoại.

Năm 1062, Tiêu Viễn Sơn học trộm võ công tại Thiếu Lâm Tự

Năm 1063, Đinh Xuân Thu ám toán ân sư Vô Nhai Tử

Năm 1064, Mộ Dung Phục chào đời

Năm 1065, Người sáng lập Minh Giáo Ba Tư, Hoắc Sơn chế tạo Thánh Hỏa Lệnh, đem tinh hoa võ học cả đời khắc lên trên.

Năm 1069, Hư Trúc chào đời.

Năm 1071, Đoàn Dự chào đời.

Năm 1072, Mộ Dung Bác đánh bị thương Thôi Bách Tuyền.

Năm 1074, A Châu chào đời.

Năm 1083, Kiều Phong tiếp nhiệm tân bang chủ Cái Bang

Năm 1090, Cưu Ma Trí đại chiến Sùng Thánh Tự (Đại Lý)

Năm 1091, Kiều Phong rời khỏi Cái Bang. Năm 1092, đại chiến Tụ Hiền Trang.

Năm 1093, Kiều Phong trợ giúp cho Gia Luật Hồng Cơ lật đổ cuộc tạo phản của Hoàng Thái Thúc. Vô Nhai Tử tạ thế, Hư Trúc trở thành tân chưởng môn Tiêu Dao phái. Cùng năm, nước Tây Hạ chiêu vi phò mã.

Năm 1094, Đoàn Chính Minh nhường ngôi cho Đoàn Dự. Tiêu Phong tự vẫn.

Năm 1100, Độc Cô Cầu Bại chào đời

Năm 1103, Nhạc Phi chào đời

Năm 1112, Vương Trùng Dương chào đời.

Năm 1115, Hoàn Nhan A Cốt Đả khai quốc Đại Kim

Năm 1120, Hoàng Thường khiêu chiến Minh Giáo

Năm 1125, Kim Quốc diệt Liêu.

Năm 1127, Kim Quốc diệt Bắc Tống.

Năm 1127 – 1130, Linh Hưng thiền sư của Thiếu Lâm Tự mất 39 năm để luyện thành Nhất chỉ thiền

Năm 1140, Độc Cô Cầu Bại sáng tạo ra thức thứ 9 Phá Khí Thức của Độc Cô Cửu Kiếm.

Năm 1141, Nhạc Phi viết Võ Mục Di Thư

Năm 1158, Đoàn Trí Hưng chào đời

Năm 1163, Chu Bá Thông chào đời.

Năm 1164, Hoàng Thường hoàn thành Cửu Âm Chân Kinh. Hồng Thất Công chào đời.

Năm 1168, Âu Dương Phong và Hồng Thất Công chào đời

Năm 1170, Độc Cô Cầu Bại tạ thế.

Năm 1171, Hoàng Dược Sư chào đời.

Năm 1172, Mã Ngọc chào đời

Năm 1173, Khúc Linh Phong chào đời.

Năm 1175, Khưu Xứ Cơ chào đời

Năm 1178, Cừu Thiên Nhận và Cừu Thiên Trượng chào đời.

Năm 1183, Kim Luân Pháp Vương chào đời.

Năm 1184, Chu Tử Liễu chào đời.

Năm 1185, Cừu Thiên Xích chào đời

Năm 1186, Trần Huyền Phong, Âu Dương Khắc chào đời.

Năm 1190, Hỏa Công Đầu Đà sát hại hàng loạt tăng lữ Thiếu Lâm.

Năm 1193, Hồng Thất Công tiếp nhiệm bang chủ Cái Bang

Năm 1196, Vương Trùng Dương tái nhập Cổ mộ, khắc bộ Cửu Âm Chân Kinh trên hòm quan tài, lưu lại dòng chữ “Ngọc nữ tâm kinh, dục thắng toàn chân, trọng dương nhất sinh, bất nhược vu nhân”. Một ngày sau, Vô Danh Tăng cùng Vương Trùng Dương đấu rượu xem tham duyệt Cửu Âm sang Cửu Dương; hoạn quan trong triều Nam Tống sáng lập Quỳ hoa bảo điển.

Năm 1200, Hoa Sơn luận kiếm 1

Năm 1203, Vương Trùng Dương tạ thế.

Năm 1205, Quách Tĩnh và Dương Khang chào đời

Năm 1206, Thành Cát Tư Hãn khai lập Mông Cổ.

Năm 1208, Hoàng Dung chào đời.

Năm 1224, Quách Tĩnh học Giáng Long Thập Bát Chưởng từ Hồng Thất Công

Năm 1225, Hoàng Dung trở thành bang chủ Cái Bang khi mới 17 tuổi

Năm 1226, Dương Khang chết, Dương Quá chào đời

Năm 1227, Hoa Sơn luận kiếm 2. Mông Cổ diệt Tây Hạ. Thành Cát Tư Hãn tạ thế

Năm 1229, Hoàng Dung sinh hạ Quách Phù

Năm 1234, nước Kim bị Mông Cổ tiêu diệt.

Năm 1235, cao thủ Minh Giáo dựa theo tuyệt kĩ Đẩu Chuyển Tinh Di của Mộ Dung Long Thành mà tạo nên môn thần công có uy lực hơn là Càn Khôn Đại Na Di.

Năm 1242, Dương Quá chứng kiến Âu Dương Phong và Hồng Thất Công qua đời

Năm 1243, Âu Dương Phong & Hồng Thất Công tạ thế; Dương Quá và Tiểu Long Nữ dùng song kiếm hợp bích đánh bại Kim Luân Pháp Vương, Dương Quá học Đạn chỉ thần công.

Năm 1244, Hoàng Dung sinh đôi Quách Tương và Quách Phá Nô

Năm 1247, Trương Tam Phong chào đời.

Năm 1253, Mông Cổ diệt Đại Lý quốc.

Năm 1257, Thạch giáo chủ Minh Giáo bị Cái Bang đoạt mất Thánh hỏa lệnh.

Năm 1259, Dương Quá phi đá giết chết đại hãn Mông Cổ. Hoa Sơn luận kiếm 3.

Năm 1260, Dương Quá cùng Tiểu Long Nữ quy ẩn giang hồ tại Chung Nam Sơn

Năm 1262, Quách Tương ngao du Thiếu Lâm.

Năm 1271, Hốt Tất Liệt đổi tên Mông Cổ quốc thành Đại Nguyên.

Năm 1273, Quách Tĩnh & Hoàng Dung chết trận ở thành Tương Dương.

Năm 1276, Mông Cổ tấn công đô thành Lâm An của nhà Nam Tống.

Năm 1296, Kim mao sư vương Tạ Tốn chào đời.

Năm 1317, Tạ Tốn bái sư phụ Thành Côn, gia nhập Minh Giáo.

Năm 1318, Ân Lê Đình, lục đệ tử phái Võ Đang chào đời.

Năm 1323, Thành Côn giết cả nhà Tạ Tốn.

Năm 1336, Tạ Tốn và vợ chồng Trương Thúy Sơn đến đảo Băng Hỏa.

Năm 1337, đại thọ 90 của Trương Tam Phong. Trương Vô Kỵ chào đời.

Năm 1338, quân Nguyên tiêu diệu nghĩa quân Minh Giáo ở Viên Châu, Thường Ngộ Xuân, Bành Oánh Ngọc may mắn chạy thoát.

Năm 1339, Chu Chỉ Nhược và Triệu Mẫn chào đời.

Năm 1340, Con gái Nhữ Dương Vương là Mẫn Mẫn Đặc Mục Nhĩ chào đời, Nguyên đế phong là “Triệu Mẫn quận chúa”.

Năm 1341: Tiểu Chiêu chào đời.

Năm 1346, đại thọ 100 tuổi của Trương Tam Phong. Phu thê nhà Trương Thúy Sơn tự vẫn.

Năm 1351, Trương Vô Kỵ luyện Cửu Dương Chân Kinh

Năm 1357, lục đại môn phái vây đánh Minh Giáo. Trương Vô Kỵ trở thành giáo chủ Minh Giáo. Trương Tam Phong sáng tạo ra Thái Cực Thần Công.

Năm 1358: Tiểu Chiêu trở về Ba Tư.

Năm 1359, Thiếu Lâm đồ sư anh hùng hội, Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính tạ thế.

Năm 1360, Trương Vô Kỵ thoái ẩn giang hồ. Dương Tiêu trở thành giáo chủ đời thứ 35 của Minh Giáo.

Năm 1361, Trương Vô Kỵ thành thân với Triệu Mẫn

Năm 1365, Minh Giáo tả sứ Phạm Dao dựa vào Bắc Minh Thần Công và Hóa Công Đại Pháp rồi sáng tạo ra Hấp Tinh Đại Pháp.

Năm 1368, Minh triều diệt Nguyên Triều

Năm 1372, Dương Tiêu tạ thế. Nội bộ Minh Giáo xảy ra lục đục. Các cao nhân trong giáo quyết định cải tổ, đổi tên giáo thành Nhật Nguyệt Thần Giáo.

Năm 1400, Quỳ Hoa Bảo Điển rơi vào tay Hồng Diệp thiền sư của Nam Thiếu Lâm.

Năm 1401, Thái-Nhạc xem trộm Quỳ Hoa Bảo Điển. Lâm Viễn Đồ sau khi xem bản thiếu của Quỳ Hoa Bảo Điển mà sáng tạo nên Tịch Tà Kiếm Phổ.

Năm 1402, Hoa Sơn bị phân liệt thành khí tông kiếm tông.

Năm 1406, 10 trưởng lão Nhật Nguyệt thần giáo phá Ngũ nhạc kiếm pháp.

Năm 1420, Nhật Nguyệt thần giáo tập kích núi Võ Đang, bộ Thái Cực Quyền Kinh và Chân Võ Kiếm do Trương Tam Phong viết tay bị lấy mất

Năm 1422 Phong Thanh Dương chào đời

Năm 1442 Phong Thanh Dương học được Độc Cô Cửu Kiếm từ mộ kiếm Độc Cô Cầu Bại

Năm 1446 Nhạc Bất Quần chào đời

Năm 1458, Thái Cực tông sư Trương Tam Phong tạ thế, hưởng thọ 212 tuổi (theo “Cổ kim Thái Cực Quyền phổ cập nguyên lưu xiển bí”, Lý Sư Dung khảo chứng)

Năm 1469, Lệnh Hồ Xung chào đời.

Năm 1479, phe Kiếm tông và Khí tông phái Hoa Sơn tranh giành.

Năm 1486, Nhậm Doanh Doanh chào đời.

Năm 1493, Đông Phương Bất Bại trở thành giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo.

Năm 1503, Dư Thương Hải tiêu diệt Phước Oai Tiêu Cục

Năm 1504, Lệnh Hồ Xung học được Độc Cô Cửu Kiếm từ Phong Thanh Dương

Năm 1505, Lâm Bình Chi giết Mộc Cao Phong và Dư Thương Hải

Năm 1506, Nhạc Bất Quần và Nhậm Ngã Hành tạ thế

Năm 1508, Lệnh Hồ Xung giam cầm Lâm Bình Chi trong ngục tối.

Năm 1509, Lệnh Hồ Xung & Nhậm Doanh Doanh kết thành phu thê, tiếu ngạo giang hồ.

Năm 1610, Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi gặp họa diệt môn.

Năm 1612, Hạ Tuyết Nghi giành được tam bảo trấn giáo của Ngũ Tiên Giáo.

Năm 1623, Viên Thừa Chí chào đời.

Năm 1644, Viên Thừa Chí, con trai của võ tướng Viên Sùng Hoán đã lãnh đạo hào kiệt trong giang hồ giúp Lý Tự Thành công phá thành Bắc Kinh, nhà Minh bị diệt. Ngô Tam Quế đầu hàng Thanh, vợ chồng Lý Nham tự sát. Cùng năm, Viên Thừa Chí, Hạ Thanh Thanh dẫn đầu người thân và thuộc hạ chạy trốn đến Nam Dương – Singapore ngày nay.

Năm 1645, giữa mùa hè, dưới sự truy sát của quân Thanh, quân chủ lực của Lý Tự Thành thất bị lui về huyện Thông Thành, Hồ Bắc. Một ngày, Lý Tự Thành mang số binh ít ỏi đi thị sát về phía nam huyện, bởi vì ngủ say trong Miếu Huyền Đế, Cửu Cung Sơn nên bị nông dân họ Khương ngộ sát, hưởng thọ 39 tuổi.

Năm 1655, Vi Tiểu Bảo được sinh ra ở Dương Châu.

Năm 1669, Khang Hy cùng Vi Tiểu Bảo bắt Ngao Bái.

Năm 1670, Vi Tiểu Bảo trở thành Thanh Mộc Đường hương chủ của Thiên Địa Hội.

Năm 1698, chưởng môn phái Vũ Đường, Lục Phỉ Thanh chào đời.

Năm 1711, hoàng đế Ung Chính cùng nhà họ Trần ở Hải Ninh đánh tráo con gái vừa sinh ra. Ái Tân Giác La Hoằng Lịch chính là con của nhà họ Trần ở Hải Ninh, Chiết Giang.

Năm 1733, Trần Gia Lạc chào đời.

Năm 1735, Ái Tân Giác La Hoằng Lịch đăng cơ, niên hiệu Càn Long.

Năm 1753, Miêu Nhân Phụng & Hồ Nhất Đao quyết chiến. Hồ Nhất Đao chết. Hồ Phỉ chào đời.

Năm 1758, Hồng hoa hội giam cầm Càn Long tại Lục Hòa tháp và ép Càn Long phải thừa nhận thân thế của mình..

Năm 1759, Hương Hương công chúa tự sát ở thành Bắc Kinh.

Năm 1780, Miêu Nhân Phụng và Hồ Phỉ quyết đấu không rõ kết cục.

Năm 1924, Kim Dung chào đời. (hehe, ổng sinh sau đẻ muộn nhất nhưng lại sinh ra các nhân vật kiếm hiệp bên trên...kaka)

Năm 2009, Kim Dung chỉnh sửa lần gần nhất Thiên Long Bát Bộ, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Liên Thành Quyết, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký, Phi Hồ Ngoại Truyện...(ổng rảnh mà chắc là ổng bị nhiễm phim ảnh TQ cải biên nên ổng sửa luôn cho giống....phim ...kaka)

Tuần tự 15 bộ tiểu thuyết xếp theo bối cảnh lịch sử của nhà văn Kim Dung

1. Việt Nữ Kiếm
2. Thiên Long Bát Bộ
3. Anh Hùng Xạ Điêu
4. Thần Điêu Hiệp Lữ
5. Ỷ Thiên Đồ Long Ký
6. Liên Thành Quyết
7. Tiếu Ngạo Giang Hồ
8. Hiệp Khách Hành
9. Bích Huyết Kiếm
10. Lộc Đỉnh Ký
11. Bạch Mã Khiếu Tây Phong
12. Uyên Ương Đao
13. Thư Kiếm Ân Thù Lục
14. Phi Hồ Ngoại Truyện
15. Tuyết Sơn Phi Hồ
Tham khảo thêm
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI NIÊN BIỂU

2100 – 1600 BC (Nhà Hạ)

1600 – 1066 BC (Nhà Thương)

(Nhà Chu)

* 西周 1066 – 771 BC (Tây Chu)
* 東周 770 – 256 BC (Đông Chu)
* 春秋 770 – 476 BC (Xuân Thu)
* 戰國 475 – 221 BC (Chiến Quốc)

221 – 206 BC (Nhà Tần)

(Nhà Hán)

* 西漢 206 BC – 23 (Tây Hán đến năm 23 sau Công Nguyên)
* 東漢 25 – 220 (Đông Hán)

三國 (Tam Quốc)

* 220 – 265 (Nguỵ)
* 221 – 263 (Thục)
* 222 – 280 (Ngô)

西晉 265 – 316 (Tây Tấn)

東晉 317 – 420 (Đông Tấn)

十六國 304 – 439 (Thập luc quốc)

南北朝 (Nam Bắc triều)
* 南朝 (Nam triều)

o 420 – 479 (Tống)
o 479 – 502 (Tề)
o 502 – 557 (Lương)
o 557 – 589 (Trần)

* 北朝 (Bắc triều)

o 北魏 386 – 534 (Bắc Nguỵ)
o 東魏 534 – 550 (Đông Nguỵ)
o 北齊 550 – 577 (Bắc Tề)
o 西魏 535 – 557 (Tây Nguỵ)
o 北周 557 – 581 (Bắc Chu)

581 – 618 ( Nhà Tuỳ)

618 – 907 (Nhà Đường)

* 五代十國 (Ngũ đại thập quốc)

o 後梁 907 – 923 (Hậu Lương)
o 後唐 923 – 936 (Hậu Đường)
o 後晉 936 – 946 (Hậu Tấn)
o 後漢 947 – 950 (Hậu Hán)
o 後周 951 – 960 (Hậu Chu)

* 十國 902 – 979 (Thập quốc) …

(Nhà Tống)

* 北宋 960 – 1127 (Bắc Tống)
* 南宋 1127 – 1279 (Nam Tống)

916 – 1125 (Liêu)

西夏 1032 – 1227 (Tây Hạ)

1115 – 1234 (Kim)

1271 – 1368 (Nguyên)

1368 – 1644 (Minh)

1644 – 1911 (Thanh)

中華民國 1912 – 1949 ( Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan)


中華人民共和國 1949 – Now (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hoà Quốc)