XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Bàn về phong thủy Thành nhà Hồ

          Chuyện xây thành, thiên đô chắc chắn phải là đại sự quốc gia, sẽ là tập trung tất cả tinh túy về phong thủy của nhiều bộ óc uyên thâm. Không thể một vài câu mà nói cho hết được. Bàn về Phong thủy của việc xây thành, là một việc khó khăn, học giả xưa nay ít người dám nhắc đến. Nhưng dù sao, thực tế thì không thể phủ nhận, bởi vì ngoài yếu tố Phong thủy, sẽ còn nhiều lý do khác để người ta không đi được đến đích. Một trong những lý do đó, chính là sự bảo thủ, chuyên quyền và độc đoán của Hồ Quý Ly.
          Nhân thể vừa qua có chuyến giao lưu với chi nhánh CLB Phong thủy Thăng Long trong Thanh Hóa, tôi viết bài này lạm bàn đôi lời. Cũng chỉ là vài lời khoác lác che mắt thành nhân vậy thôi, mục đích để giúp mua vui bên bàn trà cho khách hữu duyên.


Toàn cảnh địa thế Thành nhà Hồ-Nhà tui ngay ngã ba chân núi Đốn Sơn
          Thành nhà Hồ, một công trình kiến trúc được xây dựng làm kinh đô của Việt nam trong thời kỳ Hồ Quý Ly làm vua, còn được gọi là Tây đô (để phân biệt với Đông Đô – Thăng Long).
          Sau khi lên ngôi, Hồ Quý Ly quyết định dời đô vào Thanh Hóa, đã cho xây thành Tây Đô. Mặc dù đã có rất nhiều lời can gián, nhưng Hồ Quý Ly vẫn nhất quyết thiên đô. Vì ông cho rằng mảnh đất này có thế “Long Xà tương ngộ, Thạch bàn tác ấn”, có thể ở được đến “lục thập niên” tức là 60 năm. Tuy nhiên, thực tế thì nhà hồ chỉ tồn tại được có 7 năm (Từ năm 1400 đến năm 1407).
          Năm Đinh Sửu (1397) quyết định khởi công xây thành. Theo sử liệu, thì thành chỉ xây trong thời gian rất ngắn, khoảng 3 tháng là xong. Bắt đầu từ tháng Giêng năm Đinh Sửu đến tháng 3 năm Đinh Sửu thì hoàn thành. Về cơ bản, đây là con số kỷ lục về xây thành đá và vẫn còn nhiều nghi vấn, sau khi xây xong thành, thì các công trình kiến trúc khác bên trong thành còn tiếp tục được hoàn thiện đến năm 1402.
         Kiến trúc, thành có 2 vòng là Thành Ngoại và Thành Nội. Thành ngoại đắp bằng đất trồng tre gai, có hào sâu bên ngoài rộng đến 50m, trên bố trí các vọng canh để phòng thủ. Thành Nội bằng đá, “chu vi vuông cạnh 424 tầm, cao 1 trượng 2 thước” (theo Vĩnh Lộc huyện chí).
THÀNH NHÀ HỒ DƯỚI GÓC NHÌN PHONG THỦY
          Về phong Thủy, theo nhìn nhận của chính bản thân Hồ Quý Ly cho rằng đất này là nơi có “Sơn phong bát diện, lưỡng thủy hội đường”. Tức là bốn phương có núi non bao bọc, hai dòng hước hội tụ tại minh đường. Nhưng thực tế thì sau khi dời đô về đây, nhà Hồ chỉ tồn tại được có 7 năm. Và có một kết thúc khá bi thảm. Vậy thì thực sự là tòa thành đá mới xây đó, có được như lời mô tả của Hồ Quý Ly hay không?
         Xem xét tổng thể khu đất này, cho thấy vị trí xây thành cũng là một đại địa, thế long hùng dũng đổ xuống từ Vân Nam, qua Sơn La theo dòng sông Mã dẫn mạch về đến khu núi Tượng thì dừng lại, mở ra một khu bình nguyên rộng lớn. Khí mạch rất hùng dũng, tại đây dòng sông Mã chuyển mình uốn khúc trước khi hội với sông Bưởi để chảy tiếp về hướng Đông Nam. Hai dòng nước hợp nhau như hai tà áo khép lại. Cũng chính vì khí thế hùng dũng như thế, cho nên nó đã trở thành kinh đô, được Hồ Quý Ly chọn làm đất xây thành.
          Đại cục thì như thế, tuy nhiên, xem xét phong thủy không chỉ có thế. Quan sát khí mạch khi nhập huyệt trường, ta sẽ thấy khi về đến đồng bằng, long mạch mở rộng phân tán, các sống núi tản mát chia thành các nhánh hướng thẳng về khu vực thành. Địa hình này trong địa lý gọi Kiếp Long”, là hung địa. Tất cả các dày núi trái phải đều chạy thẳng xuống, xuyên thẳng vào trung tâm huyệt trường, sát khí rất lớn. Do vậy, dẫu cho có khí thế hùng mạnh cũng không thể lâu bền. Chỉ hợp với chiến tranh, làm thành lũy phòng thủ, mà không thể là đất đế đô muôn đời.

          Chẳng thế mà Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết trong thư can Hồ Quý Ly về việc chọn đất xây thành đã viết: “Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ (tức Thăng Long) có núi Tản Viên, có sông Lô, Nhị, núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất ấy làm nơi sâu gốc bền rễ (…). Xin nghĩ lại điều đó, để làm thế vững vàng cho nhà nước. An Tôn đất đaii chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị”.
          Với cái nhìn của Nguyễn Như Thuyết, thì thế đất mà Hồ Quý Ly chọn, chỉ là nơi “đầu non cuối nước”, không phải là cát địa, chỉ thích hợp với chiến địa. Xem trong lịch sử thì đúng như vậy, ngay sau khi thiên đô, thì họa chiến tranh đã ập đến. Hồ Hán Thương (con trai của Hồ Quý Ly) là một người rất am tường địa lý, cũng can gián rằng “Tuy là thạch bàn long xà, nhưng thễ đất còn non lắm, chỉ là long xà ẩm thủy, không quá lục niên”. Theo nhìn nhận của Hồ Hán Thương, thì thế đất này chỉ là đất “Long Xà ẩm thủy” không quá được 6 năm. Quả nhiên, từ khi dời đô về đây, 6 năm sau thì thành thất thủ, nhà Hồ diệt vong.
          Khi chọn vị trí xây thành, Hồ Quý Ly đã chọn núi Đốn Sơn làm án (địa phương gọi là núi Đún). Núi Đún sơn nằm chính diện cửa Ngọ Môn, cách khoàng 2,5km. Hồ Quý Ly đã cho đắp 1 con đường chạy thẳng từ chính diện cửa Ngọ Môn lên Đốn Sơn, và trên núi đặt đàn tế Nam Giao. Tuy nhiên, núi Đốn sơn thế vốn nằm dọc, như một mũi tên nhọn chiếu thằng vào cửa Ngọ Môn. Trong địa lý, kỵ nhất là “thương sa, trực lộ”, tức là sa sơn như mũi thương đâm thẳng vào, đường đi xuyên thẳng vào trung tâm. Cả 2 điều đó Hồ Quý Ly đều vấp phải. Điều này tạo nên một thế xung sát rất mạnh, nguyên nhân của đại họa diệt vong sau này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét