XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

CÔNG LAO CỦA A.YERSIN

Nhân đại dịch COVID-19 nhớ đến công lao của Bác sỹ A.Yeasin;
Đọc bài dưới đây về Ông thấy công lao của ông đúng là trời bể với dân nước Việt. Từ xây dựng trường Đại học y khoa đầu tiên cho VN & xứ Đông Dương, thành lập các Viện Pasteur, tìm ra và thành lập thành phố Đà Lạt, nhập trồng hầu hết các giống cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu,... cho VN và xứ Đông Dương, chữa bệnh, chế thuốc chữa bệnh,...vv và còn nhiều thứ khác nữa. Trong SGK và lịch sử thì lại chẳng hề nhắc tới ông, trong giới học sinh và sinh viên thì may chăng chỉ có sinh viên y khoa là có thể biết nhiều về ông. Cái tiếc và buồn nhất là các di sản gắn liền với Ông như ngôi nhà của Ông tại Đà Lạt không còn nữa, hệ thống đường sắt răng cưa độc đáo nhất trên thế giới Tháp Chàm- Đà Lạt đã bị bán sắt vụn còn nhà của ông tại Nha Trang/ Lầu ông Năm thì đã bị các quan thời nay phá bỏ hết rồi.
Có dựng tượng hay xây đền thờ ở đâu trên đất nước Việt Nam này thì nên nhớ tới ông và hãy dựng tượng của Ông- A.YERSIN một con người vĩ đại, người đã bỏ ra cả cuộc đời để lao động, sáng tạo và cống hiến cho nước Việt.
Bổ sung thêm các tư liệu (link) và các hình ảnh liên quan tới ông bên dưới bài viết để mọi người hình dung được rõ hơn.
CÀ PHÁO, CÀ CHUA, CÀ RỐT VÀ CÀ PHÊ (Tony buổi sáng)
Dịch hạch là căn bệnh khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, có thời điểm làm giảm 2/3 dân số châu Âu và 1/3 dân số Trung Quốc. Chính bác sĩ Yersin là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn này và các nhà khoa học về sau khống chế nó hoàn toàn. Yersin cũng là một câu chuyện thú vị khi cả cuộc đời trưởng thành của ông, đều gắn bó với 2 chữ Việt Nam.
Tốt nghiệp tiến sĩ y khoa với đề tài bệnh Lao, nhưng Yersin và thầy hướng dẫn của mình là giáo sư Roux nổi danh với phát minh ra vắc xin bạch hầu. Thành tựu của ông khiến thiên tài Louis Pasteur chú ý và được nhận vào làm ở viện Pasteur Paris danh giá. Nhưng máu thám hiểm trong người khiến ông nằng nặc xin nghỉ việc để đi làm thuỷ thủ tàu viễn dương "dù chưa có kinh nghiệm đi biển bao giờ". Ông nói "đời mà không đi, thì còn gì là đời".
Các lần đi thám hiểm và quay lại Pháp, ông đều được Louis Pasteur "mời ăn tối và nghe báo cáo", "thấy thú vị trước các thông tin mới mẻ do Yersin kể". Pasteur yêu cầu ông hãy làm gì thì làm cho trọn vẹn để "vang danh thiên hạ, giúp nhân loại". Vâng lời thầy, Yersin xách đồ đạc lên tàu vượt ngàn hải lý, mặc cho gió bão khôn lường. Hình ảnh học trò khăn gói xuống thuyền dọc ngang quả đất sau khi học xong là hình ảnh vô cùng đẹp của những người có LÝ TƯỞNG SỐNG.
Sang Việt Nam, ông làm bác sĩ trên tàu giữa Sài Gòn, Manila, Hải Phòng rồi sau đó định cư ở Nha Trang, sau một lần tàu cập bến và ông phải lòng với cảnh sắc nơi đây. Đầu thế kỷ 20, ông tham gia hội đồng sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Y Khoa Đông Dương (nay là Y Hà Nội), xây dựng toàn bộ giáo trình sơ khởi và nhận thức y đức cho các thế hệ bác sĩ, quy hoạch các bệnh viện ở các tỉnh thành khắp Việt Nam theo khoảng cách địa lý để "ai bị bệnh cũng có chỗ gần nhất mà đến trị kịp thời".
Nhưng Hà Nội cũng chỉ có thể giữ chân ông được 2 năm. Ông quay trở lại Nha Trang, thực hiện chuỗi những ngày làm khoa học và thám hiểm khắp núi rừng Đông Dương. Ông là người đã tìm ra cao nguyên Lang Biang và quy hoạch Tp Đà Lạt, xây dựng viện Pasteur Đà Lạt và phát triển mạnh hơn cho viện Pasteur Sài Gòn, Hà Nội. Trại ngựa nuôi lấy huyết thanh sản xuất vắc xin của ông nằm ở suối Dầu là trại ngựa thuốc lớn nhất châu Á khi đó. Ông còn cho trồng cây ký ninh để trị bệnh sốt rét. Ông từng mong muốn Diên Khánh là thành phố dược phẩm, là nơi sản xuất thuốc men cho cả Đông Dương.
Ông cũng là người mang cây cao su, ca cao, cà phê (thậm chí ông cho thử nghiệm cây điều từ Brazil và tiêu đen từ Ấn Độ ở nông trại của mình), đến bây giờ chúng ta đã có hàng tỷ đô la xuất khẩu. Ông thử nghiệm nhiều giống cây ôn đới như cà rốt súp lơ su su lay-ơn cẩm tú cầu xà lách xông cà chua....(hầu như tất cả các loại rau củ mang tiếng Pháp đều là do ông và bạn bè đồng sự ông mang qua). Ông còn nuôi cừu trồng nho ở Phan Rang, nuôi đà điểu ở Ninh Hoà, thử nghiệm trồng quy mô lớn cây cà phê ở Lâm Đồng, Đăk Lăk và Pleiku. Ông cũng là 1 triệu phú nhờ trồng cao su xuất bán cho hãng lốp xe Michelin và là cổ đông chính của ngân hàng HSBC. Ông cho rằng "tôi phải kiếm tiền kiểu khác chứ không tài nào cầm được tiền của các bệnh nhân". Toàn bộ tiền lãi của ông đến nay vẫn còn và vẫn bí mật chuyển đều đặn về 1 quỹ từ thiện và quỹ nghiên cứu khoa học.
Ông sống 1 mình, giản dị ở Nha Trang đến cuối đời, 1 cuộc đầy ắp những chuyến đi thám hiểm và thành tựu. Nha Trang cũng là nơi tiếp cận điện ảnh đầu tiên của nước ta do ông mang về chiếu.
Có lần khi trẻ con vào nhà ông xem phim và nghịch phá những chậu hoa quý, gia nhân toan ra mắng nhưng ông bảo "đừng la trẻ nhỏ, nghe lớn tiếng chúng sẽ sợ". 1 lần ông lái xe hơi trên đường, 1 người dân bất cẩn lao vào xe ông và bị tai nạn. Dù lỗi của người đi bộ rành rành nhưng ông chạy xuống giúp họ băng bó, xin họ tha thứ và kiên quyết trả lại xe cho chính phủ, đi xe đạp, vì theo ông "dân chúng xứ này chưa quen luật lệ nên đi lại vô tư, mình đi xe đạp có va chạm thì cũng không gây thương vong cho họ". Có lần ông lên Tây Nguyên tìm thuốc, người dân tộc đã bắt ông, định hành quyết. Nhưng họ nhìn vào mắt ông, thấy một sự chân thành và thiện lương kỳ lạ, họ quyết định thả ông ra. Ông sau đó chữa trị bệnh cho cả buôn làng và gửi thuốc men lên cho họ đều đặn. Ngôi nhà của ông là trại tế bần khổng lồ cho người sa cơ lỡ vận, ốm đau, bệnh tật, đói kém....của khắp vùng, mở cửa suốt ngày suốt đêm. Ông không có vợ con vì dâng hiến phụng sự cả đời cho khoa học, nhưng người ta kính yêu ông như cha mẹ ruột.
        Trong khi nhiều trí thức Việt Nam đi Pháp để hưởng thụ sự văn minh có sẵn của xứ người, ông như cá bơi ngược dòng. Dù quê hương ông là đất nước Thuỵ Sĩ giàu có và xinh đẹp, dù tốt nghiệp trường Y Paris và là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới khi ấy, ông vẫn xuống tàu đi về phương Đông, một miền đất nghèo xa lạ. Ông đã chọn Việt Nam làm nơi sinh sống, làm việc và an nghỉ cuối đời. Ông luôn nói "tôi mãi mãi là một công dân Pháp, nhưng tôi yêu Việt Nam và tôi sẽ phụng sự cả tính mạng và cuộc đời tôi cho họ".
Đám tang ông là đám tang lớn nhất Việt Nam lúc đó. Giây phút cuối đời, ông nhờ người quản gia dìu ông ra phía cửa sổ, nhìn về phía biển, nơi ghi dấu 1 thời dọc ngang tuổi trẻ, rồi trút hơi thở cuối cùng. Nghe tin ông mất, người dân Nha Trang bỏ hết công ăn việc làm để lo hậu sự. Tàu bè ngoài biển vội vã cập bến xóm Cồn, ngưng mọi hoạt động đánh bắt trong nhiều ngày. Những phụ nữ tiểu thương bán cá đã bỏ hết cá mắm tiền bạc danh lợi mỗi ngày, bỏ cái nón lá quen thuộc để đeo khăn tang trắng xoá trên đầu, xuống đường đưa tiễn, khóc hết nước mắt.
Người dân Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, các thành phố lớn khác châu Á yêu quý ông, nhất là người Hongkong, nơi ông đã thành công trong việc giúp hàng triệu người dân ở đây thoát khỏi nỗi kinh hoàng do dịch cúm. Úc từng mời ông sang thành lập viện Pasteur cho họ nhưng ông đã từ chối. Hongkong thì tìm mọi cách giữ ông lại, nhưng ông vẫn khăng khăng quay về dải đất hình chữ S mà ông trót yêu thương. Năm 1943, khi ông mất, trí thức toàn thế giới, đặc biệt giới Y khoa và giới thám hiểm đã bày tỏ sự thương tiếc vô hạn. Di chúc ông ghi giản dị "Tôi muốn được an táng ở Suối Dầu, mộ thật nhỏ và nằm úp xuống, đầu quay về phía biển. Ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm) đừng cho ai đem thi hài tôi đi nước khác. Mọi tài sản xin tặng hết cho Viện Pasteur và những người cộng sự lâu năm đã làm việc với tôi".
     Nếu bạn đã từng 1 lần được tiêm chủng, chích ngừa hay thậm chí ăn cà rốt, uống cà phê, đắp mặt cà chua (trước đó thì người Việt chúng ta chỉ có cà pháo....để ăn với mắm tôm) thì hãy biết ơn Yersin. Công lao của ông với dân tộc này, với đất nước này là không bao giờ kể hết.
Các bạn có thể đọc thêm tư liệu về bác sĩ Yersin, có nhiều cuốn sách viết về ông. Đó là một người mà người Việt chúng ta phải mãi mãi nghiêng mình. Sách giáo khoa nên bổ sung nhiều bài học về ông để dạy ở các cấp học để thế hệ chúng ta mãi mãi biết ơn. Lòng biết ơn là thước đo của sự văn minh, ở mỗi cá nhân và cả dân tộc.
Và mỗi cá nhân, nếu tình cờ đọc được những dòng chữ trên thì hãy bắt chước ông ở tinh thần PHỤNG SỰ, CỐNG HIẾN. Không nhỏ hẹp, vun vén cá nhân, cái xe - cái nhà - miếng đất - bằng cấp - chức vụ - công danh, tiền tài mang về cho vợ cho con tầm thường nữa. Mạnh dạn vẫy vùng biển rộng trời cao, dấn thân vì MỘT LÝ TƯỞNG SỐNG của riêng mình. Cùng nhau MAKE VIETNAM BETTER.
Phàm làm người, ai càng sớm tìm được lý tưởng sống, thì càng có một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn, không hối tiếc.




Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

CÔ ĐƠN GIỮA NHỮNG LÂU ĐÀI

(Viet Cuong Sarraut sưu tầm về những năm tháng lưu vong cuối đời của Hoàng hậu Nam Phương)
******
Thuở sinh thời bà là con gái của một trong 4 gia đình giàu có nhất miền Nam thế kỷ 20 – đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào, trở thành hoàng hậu An Nam, khi dứt áo rời quê hương để lưu vong nơi đất khách, Nam Phương hoàng hậu vẫn có cuộc sống sung túc đề huề với những khối tài sản đồ sộ trên khắp nước Pháp và các lãnh địa Pháp như các lâu đài lớn ở Cannes, Limousin, Paris…, nhiều nhà đất ở bên xứ Maroc, Congo… Sở hữu nhiều lâu đài, đồn điền như thế, nhưng rốt cuộc Nam Phương hoàng hậu tìm được hạnh phúc ở đâu trong những năm tháng cuối đời?
Tháng 3/1946, cựu hoàng Bảo Đại sang Hồng Kông cùng vũ nữ Lý Lệ Hà. Tháng 12/1946, tình hình chính trị và quân sự giữa Việt và Pháp rất căng thẳng, chiến tranh tới gần. Hoàng hậu Nam Phương một nách 5 con sống trong cung An Định trong khi mẹ chồng cũng đã tản cư, cảm thấy hoang mang và tuyệt vọng. Ở lại Huế thì nay mai chiến sự nổ ra, khó tránh hòn tên mũi đạn, tản cư về nông thôn thì sợ các con mình quen nếp sống vương giả, không hòa nhập được.Tính đi tính lại, người phụ nữ thông minh ấy chọn giải pháp đưa các con vào nương nhờ nhà thờ dòng Chúa cứu thế, nơi thuộc quyền quản lý của các linh mục Canada, một nước trung lập, không ngả về Mỹ hay Pháp. Cuộc sống ở đây khá kham khổ so với sinh hoạt trước kia của họ, sáng sáng các hoàng tử, công chúa phải tự đi tìm nước rót vào ca để rửa mặt.
Súng bắt đầu nổ ở Huế vài tuần và bà Nam Phương rất lo vì tu viện có thể bị tấn công. Bản thân các linh mục trong nhà dòng cũng cảm thấy bà và các con nên sang Pháp tản cư, năm 1947 ấy, bà cùng các con cuối cùng đã ra đi và không có lần quay về Việt Nam nữa, mặc dù trong lòng bà cũng đã có lần muốn về lại chốn quê hương .
Thời gian đầu, mẹ con cựu hoàng hậu sống ở lâu đài Thorenc tại Cannes. Bà Nam Phương gửi các con vào trường trung học Couvent des Oiseaux, nơi bà từng học thời con gái, hằng ngày, ngoài việc chăm sóc con cái, bà thường đọc sách báo hoặc chăm sóc hoa lá trong vườn, buổi tối thì chơi dương cầm cho các con nghe. Những ngày lễ, mấy mẹ con cùng ra phố xem phim hoặc mua sắm.Nam Phương hoàng hậu sành thời trang và có gu ăn mặc thanh lịch, tinh tế. Bà rất thích mua đồ của nhãn hiệu Christian Dior và Balmin, màu tím nhạt được bà ưa chuộng nhất, về nghệ thuật, bà treo tranh của của Renoir, Buffet trong nhà. Bà không thích tranh lập thể của Picasso vì tâm hồn bà không hợp với trường phái hội họa này cũng như siêu thực, bà cũng rất thích nuôi chó. Trong nhà bà có cả một đàn chó, và trong đó có một con thuộc giống Saint Bernard, loại chó to như con cọp, loại chó này để sử dụng tìm người mất tích trong rừng, trong khi đi trượt tuyết. Về thể thao, bà có thể chơi bóng bàn, quần vợt, và golf nhưng không giỏi lắm.
Bảo Đại thỉnh thoảng mới về Pháp. Tuy nhiên, cái niềm vui ở bên chồng quá ít ỏi, nhất là từ sau năm 1955, Bảo Đại bỏ đi tứ xứ, các con thì đã lớn, như chim bay đi… Năm 1958, nhằm tránh mặt báo chí, dư luận và những người quen biết, bà Nam Phương đã rời bỏ cả Cannes xa hoa hay thành Paris hoa lệ và ồn ào. Những cơ ngơi đồ sộ ở Neuilly, hàng tá căn nhà lớn ở Morocco, biệt thự trên đại lộ Opéra, Paris hay trang trại rộng lớn ở Congo đều không còn sức hấp dẫn để có thể níu giữ nổi bà.Những năm sau này, bà Nam Phương rời lâu đài Thorenc để về sống ở lâu đài Domain de la Perche ở Chabrignac thuộc vùng Trung Tây nước Pháp, cách Paris chừng 400-500 cây số. Nơi này có một trang trại lớn của riêng bà Nam Phương mà trước đây gia đình bà (ông bà Nguyễn Hữu Hào) đã mua cho. Nhà của bà ở cách biệt với những nhà dân ở vùng này, vì là làng quê nên mọi người ít có dịp giao thiệp với nhau.Về đời sống vật chất thì bà Nam Phương không lúc nào thiếu thốn khi sống ở xứ người. Tài sản riêng do gia đình Nguyễn Hữu Hào mua cho bà gồm một chung cư lớn tại Neuilly và một chung cư ở đại lộ Opera. Ngoài ra bà còn nhiều nhà đất ở bên xứ Maroc, Congo… Tất cả những bất động sản này bà đã chia cho các con mỗi người một phần riêng và chỉ giữ lại trang trại ở Chabrignac, gồm 160 mẫu đất với một đàn bò gần trăm con và một vườn hồng lúc nào cũng nở hoa rất đẹp.Ngoài hoa lợi thu được từ cây trái trong điền trang, bà hoàng Nam Phương còn nuôi thêm khoảng 100 con bò sữa trên một trang trại lớn với 160 mẫu đất. Tất cả những người con của bà đều sống với bà trong điền trang La Perche. Theo Daniel Grande Clemént, tác giả cuốn “Bảo Đại, hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam” thì “dường như thời gian sống tại điền trang La Perche là những tháng năm bình yên và hạnh phúc nhất của Nam Phương Hoàng hậu”.Cho đến cuối đời, bà vẫn sống trong nhung lụa nhờ gia đình cự phú của mình. Tuy nhiên, với bà Nam Phương, tiền không giúp mua được niềm vui. Cựu hoàng hậu sống lặng lẽ với thú vui điền viên trong trang trại Charbrignac, bất động sản duy nhất bà giữ lại cho riêng mình, sau khi chia hết các tài sản khác cho các con.
Rũ bỏ lớp áo vàng son quyền quý, bà Nam Phương quay lại sống đúng nghĩa cuộc đời an lành, bình dị của một phụ nữ An Nam học thức.Hàng ngày, bà dậy rất sớm, thường tự tay trang trí, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc cây cảnh. Vừa làm bà vừa khe khẽ hát. Khi có việc ra ngoài, bà thường tự tay lái chiếc xe hơi hiệu Dauphine, có thêm cô hầu gái hay người quản gia đi theo. Bà nuôi trong điền trang 4 người giúp việc nông, một số người hầu gái và một viên quản gia người Pháp. Tất cả người ăn kẻ ở trong nhà đều được bà đối xử thân tình, gần gũi. Trong các dịp lễ, Noel hay ngày đầu năm mới, bà đều không quên có quà tặng cho họ và gia đình.
Lucien Boudy – một cựu xã trưởng Chabrignac, cho biết Hoàng hậu Nam Phương “…là một mệnh phụ phu nhân rất duyên dáng, đặc biệt thân thiện rộng rãi với dân làng. Bà cũng rất nhân từ và yêu thương với cả người hầu kẻ hạ trong nhà”.Nam Phương Hoàng hậu sống rất cởi mở, quảng giao, thường xuyên đi thăm thú điền trang để gặp gỡ và trò chuyện thân mật với những người nông dân. Vì thế dân làng rất quý mến bà. Từ chỗ xa lạ, sau 5 năm làm dân Chabrignac, bà đã để lại biết bao tình cảm trong tâm trí người dân địa phương. Họ xem bà là một cô-rê-diên (Người địa phương Correze) chính cống. Đối với bà, người quản gia người Pháp có một vị trí rất đặc biệt. Ông này luôn tháp tùng bà trong những chuyến làm khách, dự tiếp tân đối với các gia đình quyền quý trong vùng. Không ai có bằng chứng xác đáng nhưng dường như những người quen biết trong vùng đều cho rằng, ông quản gia này đã yêu thầm Nam Phương hoàng hậu.
Cựu hoàng Bảo Đại, ít khi đến thăm bà. Dân làng chỉ nhớ có một lần Cựu hoàng về Chabrignac vào tháng 1/1962, nhân dịp Công chúa Phương Liên tổ chức lễ thành hôn với một người Pháp tên Bernard Soulain. Thế nhưng rất kỳ lạ, suốt 5 năm sống ở Chabrignac, bà vẫn không hề ghé thăm lâu đài De La Nouche – nơi ở của Công chúa Như Lý, con gái vua Hàm Nghi, lấy một lần, dù hai điền trang nằm gần như cạnh nhau. Cả Công chúa Như Lý và Hoàng hậu Nam Phương đều có vẻ như không hề biết đến sự tồn tại của người kia trên cùng một vùng đất, dù trên quan hệ, Công chúa Như Lý là cô chồng của bà Nam Phương.
Có lẽ sự cô đơn và nỗi đau buồn cho cuộc đời tuy vàng son mà bất hạnh của mình khiến hoàng hậu lưu vong mắc bệnh tim. Ngày 14/9/1963, vừa từ thị trấn Brive cách điền trang 30 km trở về, bà Nam Phương đã cảm thấy đau họng. Viên bác sĩ được mời đến đã khám qua loa và kết luận bà bị viêm họng nhẹ, chỉ uống thuốc vài ngày là khỏi. Kỳ thực, bà bị chứng lao hạch tràng hạt, cơn đau tiếp tục hoành hành dữ dội. Trước khi viên bác sĩ thứ hai kịp đến nơi thì Nam Phương Hoàng hậu, 49 tuổi, đã qua đời vì nghẹt thở.Bà mất vào ngày 15/9/1963. Đám tang của bà rất lặng lẽ. Ngày đưa tang, ngoài hai Hoàng tử Bảo Long (1936), Bảo Thăng (1943) và ba Công chúa Phương Mai (1937), Phương Liên (1938) và Phương Dung (1942) đi bên cạnh quan tài của mẹ.
Khi được tin bà Nam Phương tạ thế, Bảo Đại trở về ngay và đã mua một chiếc quan tài bằng gỗ sồi, loại gỗ quý giá nhất của người Pháp để an táng người vợ hiền thục, nhân từ và đạo đức mà cho tới tận cuối đời cũng không hề bị ai chê trách hay than phiền. Ngay cả ông Bảo Đại cũng chưa bao giờ dám trách vợ về việc trai gái, vì kể từ ngày ly thân với Bảo Đại, bà Nam Phương không có bất kỳ nhân tình nào, dù là đi khiêu vũ hay đi tắm biển với một người đàn ông khác cũng không. Có lẽ bà Nam Phương được sinh ra trong một gia đình nề nếp nên bà giữ đạo rất nghiêm khắc, ngay cả với các con.
Mộ phần của bà được đặt trong phần mộ của dòng họ Bá tước De La Besse. Bà Bá tước De La Besse, tức Công chúa Như Lý cũng có mặt trong dòng người đưa tang của làng Chabrignac, với nỗi ân hận vì trước đó hai người đã không hề có cơ hội gặp gỡ nhau. Ít lâu sau, Công chúa Như Lý đã lần lượt cải táng mộ Vua Hàm Nghi từ Alger về nghĩa trang này. Sau đó, Công chúa Như Mai, Hoàng tử Minh Đức cũng lần lượt được đưa về an táng tại làng Chabrignac, cách mộ của Nam Phương Hoàng hậu không xa lắm.Ngôi mộ của bà Hoàng Hậu Nam Phương, người vợ chính thức đầu tiên của Bảo Đại, rất dễ nhận ra, vì có hai cây tùng trồng hai bên mộ, nay đã cao và to phình. Ngôi mộ có vẻ mới được trùng tu lại, sạch sẽ, đơn sơ. Trên ngôi mộ đơn sơ dựng một tấm bia đá giản dị. Mặt trước tấm bia ghi dòng chữ Hán:“Đại Nam Nam Phương Hoàng Hậu chi lăng” (Dịch nghĩa: Lăng của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam).Nắp đậy huyệt chỉ là một tấm bê tông phẳng phiu, có chạm nổi hình thánh giá và một tấm bia chìm đề hàng chữ tiếng Pháp “Sa Majesté Nam Phuong Impératrice d’Annam 1913 – 1963”. Trên nắp huyệt dựng một tấm bia khác đề rõ hơn một chút “Ici repose l’Impératrice Nam Phuong, née Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao, 14.11.1913 –15.09.1963" 15 (Tại đây an nghỉ Nam Phương Hoàng Hậu, tên gốc Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao, 14.11.1913 – 15.09.1963).
Có một nghịch lý là, hoàng hậu Nam Phương nổi tiếng là một Đệ nhất phu nhân đẹp nhất nước Nam, nhưng thời gian 5 năm bà làm dân Chabrignac và lăng mộ của bà ở Chabrignac, không mấy người Việt ở Việt Nam hay ở ngay trên đất Pháp biết đến. Trong lúc đó người dân Chabrignac hạt Corrèze thì lại rất tự hào khi quê hương họ đã từng là nơi sinh sống 5 năm cuối đời và là nơi an nghỉ của bà Hoàng hậu đẹp nổi tiếng của Việt Nam, với niềm tự hào ấy, người chủ Domaine de la Perche ngày nay đã xây dựng khu nhà cũ và lăng mộ của bà thành một điểm du lịch ở trung tây nước Pháp.
Vậy là cuộc đời của hoàng hậu Nam Phương đã khép lại, không đài các, không lăng tẩm, chỉ có một ngôi mộ quá đỗi nhỏ bé đơn sơ ở nơi đất khách quê người. Những ngày tháng buồn nhiều hơn vui. Tiền tài, của cải, vật chất, danh vọng, sắc đẹp… đã thoáng qua đi như bong bóng. Nhưng vẻ đẹp tâm hồn đức hạnh của bà lại là điều sống mãi… Một kiếp người oanh liệt như thế, nhưng cuối cùng chỉ là: Sống gửi, thác về. Hãy trân quý những ngày chúng ta đang sống bằng cách sống thiện lương, đó có lẽ là điều sẽ lưu hương lại mãi, như cái tên bà hoàng hậu Nam Phương – Hương thơm từ Phương nam.

Ảnh st - Hoàng hậu Nam Phương sông lưu vong bên Pháp — cùng với Viet Cuong Sarraut.

DƯỢC SỸ THẨM HOÀNG TÍN THỊ TRƯỞNG HÀ NỘI

(2/1950 - 8/1952)
***********
(Viet Cuong Sarraut sưu tầm tiếp theo hai gương mặt Thị trưởng Hà Nội Trần Duy Hưng và Trần Văn Lai)

ÔNG NGUYÊN TÊN LÀ Thẩm Tấn Trịnh, sinh năm 1909 tại Hà Nội. Nguyên tổ quán ông ở Phúc Kiến, Trung Quốc, tổ phụ 6-7 đời đã đến lập nghiệp tại Hưng Yên rồi chuyển về Hà Nội. Thân phụ ông là cụ Thẩm Phác (1887-1956), thư ký Sở Lục lộ trong chính quyền thuộc địa Đông Dương. Ông có người em họ là nhạc sĩ Thẩm Oánh.
Ông được cựu tuần phủ Hoàng Huân Trung,nhận làm con nuôi, vì vậy mới lấy tên là Thẩm Hoàng Tín.
Xuất thân trong gia đình giàu có, công chức chính quyền thuộc địa, ông sớm hấp thu nền học vấn cơ bản Tây học. Năm 1932, ông bỏ nhà sang Pháp du học. Ban đầu, ông định học ngành Y, tuy nhiên sau đó đổi ý định sang học ngành Dược. Năm 1937, sau khi lấy được bằng Dược sĩ, ông trở về Việt Nam, mở nhà thuốc hành nghề ở phố Cửa Nam, Hà Nội.Ngoài ra, ông còn có phòng thí nghiệm, bào chế lớn và một cửa hàng thuốc tây nữa ở đường Đồng Khánh(phố Hàng Bài ngày nay).
Ngoài ra, ông còn tham gia hoạt động xã hội, đặc biệt là Hội Truyền bá Quốc ngữ (cùng với Phan Khôi, Đặng Thai Mai) và giữ chức Thủ quỹ của Hội.
Là người có thiên hướng ủng hộ phong trào Việt Minh đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam, trong những năm đầu Kháng chiến chống Pháp, ông thường xuyên bí mật gửi thuốc men ra vùng chiến khu.
Tháng 2 năm 1950, ông được Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Nguyễn Phan Long bổ nhiệm giữ chức Thị trưởng Hà Nội thay ông Phan Xuân Đài. Trong thời gian tại chức Thị trưởng Hà Nội (1950 -1952) ông có đóng góp:

* Ban hành quy chế đặt tên các phố Hà Nội trong gian đoạn trước 1954.
* Thiết lập chợ tại những nơi gần đường cái lớn, giao thông thuận tiện cho việc buôn bán như: Ngã Tư Sở, Ô Yên Phụ, đường Lò Lợn.
* Sửa chữa nhà cửa bị phá hủy trong những năm chiến tranh.
* Tu sửa cầu Thê Húc. Tết Nhâm Thìn 1952, người dân đi lễ đền quá đông làm cầu Thê Húc bị sập. Rất may nước hồ Gươm năm đó cạn nên những đứa trẻ rơi xuống hồ không bị chết đuối. Thị trưởng Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới. Để có thiết kế đẹp, ông Tín tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu và trong hơn 30 mẫu của các kiến trúc sư cả Pháp lẫn Việt tham gia thì thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm được lựa chọn. Vẫn giữ lại dáng cong cầu vồng xưa nhưng Nguyễn Ngọc Diệm thiết kế cong hơn để cầu khỏe hơn đồng thời làm cầu nổi hơn. Nguyễn Ngọc Diệm giữ nguyên 16 hàng cọc tròn nhưng các đầu trụ được vuốt nhọn như gợi nhớ lại chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938. Dầm ngang, dầm dọc, mặt và thành cầu đều làm bằng gỗ.
* Lập quỹ Tín dụng bình dân "giúp ích được cho nhiều tầng lớp trong xã hội, cho người dân nhập cư vay mua và sửa chữa nhà cửa, thương gia khuếch trương thương mại, mọi ngành kinh tế sẽ phát đạt: thương mại, kỹ nghệ, các nhà sẽ được xây dựng nhiều thêm, phố xá rộng rãi, các nhà máy mượn thêm thợ và làm việc luôn luôn, nền thương mại không đình trệ, các ngành tiểu công nghệ phát triển hơn lên…
Tháng 8 năm 1952, ông thôi nhiệm. Người kế nhiệm là ông Đỗ Quang Giai (nguyên Chánh án Tòa án hỗn hợp Hà nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ).
Hiệp định Genève ký kết, ghi nhận thắng lợi công cuộc giành độc lập của Việt Nam. Là một nhân sĩ trí thức từng ủng hộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông được mời ra vùng tự do để tránh bị khủng bố, đồng thời học tập về chính sách của cụ Hồ khi về tiếp quản Hà Nội. Khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản miền Bắc, ông được bầu làm Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Hà Nội.
Sau khi hiến nhà thuốc ở Cửa Nam, ông về làm việc tại Bệnh viện B, làm Phó phòng Dược. Khoảng thập niên 1960, ông được Bác sĩ Tôn Thất Tùng mời về làm Trưởng phòng Xét nghiệm tại Bệnh viện Việt-Đức tại Hà Nội. Là một Dược sĩ Tây y, nhưng ông quan tâm và yêu thích y thuật cổ truyền, nên ông đã thành lập phòng nghiên cứu Đông y tại bệnh viện Việt Đức.
Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và hành nghề dược. Ông được cho là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu và ứng dụng liệu pháp chữa bệnh "Vi lượng đồng căn" (tiếng Pháp: Homéopathie), sử dụng liều thuốc cực ít để điều trị nhóm bệnh có cùng gốc rễ với nguyên nhân gây ra bệnh, dùng cho các bệnh mạn tính như hen suyễn, dị ứng, bệnh ngoài da như vẩy nến..; các bệnh về đường tiêu hóa, tim mạch... Với liệu pháp này, ông chữa cho nhiều bệnh nhân bị hen suyễn, vẩy nến... không lấy tiền.
Năm 1979, ông bị bệnh đau tim, được chính phủ Việt Nam cấp phép sang Pháp chữa bệnh. Ông cùng người vợ cuối cùng là bà Nguyễn Thị Nhung định cư tại Pháp và ở cùng các con. Năm 1991, ông qua đời tại Paris, thọ 81 tuổi. Sau hỏa thiêu, hài cốt của ông được để ở Trúc Lâm Thiền Viện ở Paris.

Lúc sinh thời, là một nhân sĩ trí thức có tiếng, ông được biết đến với phong cách ăn mặc rất chải chuốt, lúc nào cũng đúng mốt – áo quần toàn may bằng hàng đắt tiền, để râu mép kiểu Clark Gable, thích giao du với giới trí thức, chính trị. Tuy vậy, ông có tiếng làm việc siêng năng, ăn nói từ tốn, đàng hoàng, khiêm nhường. Tuy làm Thị trưởng Hà Nội trong thời gian 2 năm ngắn ngủi, nhưng ông có tiếng liêm khiết, làm Thị trưởng nhưng dùng lương để hỗ trợ người nghèo.

Vợ đầu ông là bà Vũ Nguyệt Đoan (1910-1944), lập gia đình với ông khoảng năm 1929. Bà qua đời năm 1944, thời kỳ Nhật đang chiếm miền Bắc, khi đang ngồi ôtô nhà đi lễ ở Thái Bình bị máy bay Mỹ ném bom trúng.
Bà sinh cho ông 6 người con:
- Thẩm Thị Hồng Anh, sinh 1930, Dược sĩ. Bà là vợ giáo sư Lê Thành Khôi, thân mẫu của nhạc sĩ Nguyên Lê.
- Thẩm Đôn Thư, sinh 1932. Bà là vợ của đạo diễn Trần Thịnh (1932-1986).
- Thẩm Võ Hoàng, sinh 1935, nhà quay phim tài liệu đang sống tại Pháp.
-Thẩm Võ Kỳ, sinh 1937
- Thẩm Vũ Tùng, sinh 1939, xung phong lên Tây Bắc làm công nhân lập nghiệp tại đây.
- Thẩm Vũ Can, sinh 1942, cựu công chức Bộ Giáo dục, sống ở Hà Nội.
Vợ thứ ông là bà Phạm Thị Thành (1921-1969), Dược sĩ, con gái Tuần phủ Hưng Yên Phạm Văn Lệ (còn gọi là cụ Phủ Lệ). Bà nguyên là vợ của Kỹ sư Canh nông Đào Đức Thông. Ông Thông là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, hy sinh trong Kháng chiến chống Pháp. Sau khi chồng hy sinh, bà đưa con trai về Hà Nội học tiếp ngành Dược, sau đó tái giá với ông Thẩm Hoàng Tín. Là dược sĩ, bà trực tiếp trông nom các tiệm thuốc để ông Tín có thì giờ lo việc chính trị. Sau năm 1954, gia đình hiến hiệu thuộc Cửa Nam, bà làm việc tại bệnh viện B. Bà mắc bệnh ung thư và qua đời năm 1969.
Bà sinh cho ông người con trai duy nhất Thẩm Hoàng Long, sinh 1951. Ông Long là cựu binh Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng tham chiến trong chiến trường Quảng Trị năm 1972, về sau là nhà báo, nhiếp ảnh gia, hiện đang sinh sống tại Paris, Pháp.
Người vợ thứ ba của ông là bà Nguyễn Thị Nhung (1921-2000). Bà Nhung là em ruột của bà Nguyễn Thị Bính, vợ học giả Hoàng Xuân Hãn. Ông bà không có với nhau người con chung nào.

Mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, mặc dù dưới những thể chế chính trị khác nhau, thành phố Hà Nội lại có những vị Thị trưởng tâm huyết đã cống hiến tài trí cho công cuộc xây dựng Hà Nội.
* Ông Trần Văn Lai thời Đế quốc Việt Nam
* Ông Thẩm Hoàng Tín thời Quốc gia Việt Nam
* Ông Trần Duy Hưng thời VNDCCH

Chân dung ông Thẩm Hoàng Tín(ảnh st)
180
 — cùng với Viet Cuong Sarraut.

NHÀ THỜ HÀM LONG

(VietCuong Sarraut sưu tầm và biên tập nhân mùa Giáng sinh 2019)

Nhà thờ Hàm Long là một nhà thờ của Giáo hội Công giáo Rôma, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, Việt Nam. Đây là một trong những nhà thờ lớn ở Hà Nội.
Nhà thờ tọa lạc ở số 21 phố Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, có một cạnh nằm trên đoạn đầu phố Ngô Thì Nhậm. Công trình do kiến trúc sư người Việt, Doctor Thân (quê ở Hạ Hồi, Thường Tín, Hà Nội) du học ở Pháp thiết kế. Nhà thờ được khởi công xây dựng vào tháng 12 năm 1934 và hoàn thành vào ngày 7 tháng 5 năm 1939, cao 17m.
Đáng chú ý là ở đây người ta dùng nhiều chất liệu xây dựng trong dân gian như: rơm hồ vôi, nứa, giấy bản... để tạo các vòm cuốn, gây hiệu quả phản âm khi hành lễ mà không cần đến những thiết bị âm thanh hiện đại. Trên các cột và bàn thờ được trang trí bằng các hoạ tiết dây thừng như kiểu dây áo áo dòng Phanxicô.
Ở cửa chính của nhà thờ có một bức phù điêu ở phía dưới gác chuông. Trên đó có khắc cây thánh giá với hai cánh tay đóng đinh trên thánh giá, cánh tay không có áo là cánh tay của Chúa Giêsu, cánh tay có áo là cánh tay của thánh Phanxicô thành Assisi. Đây chính là biểu tượng phổ quát của dòng Phan Sinh. Các cửa đi vào nhà thờ đều có màu nâu là màu của dòng Phan Sinh. Còn các cột có hình tượng dây buộc, các dây đó là các dây thắt lưng của tu sĩ dòng nhất, dòng nhì.
Ở bên trong nhà thờ có ba vị thánh trên bàn thờ, đứng giữa là thánh Antôn thành Padova, bên cạnh là thánh Clara và thánh Phanxicô, cả ba vị đó đều là tu sĩ dòng nhất và dòng nhì.Nhà thờ lấy thánh Antôn thành Padova làm quan thầy.
Một số linh mục phục vụ ở đây trong những thập niên vừa qua đã trở thành hồng y và Giám mục như: Hồng y Trịnh Như Khuê, Hồng y Trịnh Văn Căn, Hồng y Phạm Đình Tụng, Giám mục Giáo phận Hải Phòng Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương, Giám mục Thái Bình Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang.
Giáo dân của nhà thờ đa phần ở các phố lân cận nhà thờ như Hàm Long, Lê Văn Hưu, Lò Đúc, Thi Sách, Ngô Thì Nhậm, Huế, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh...Tuy không phải là giáo dân nhưng tuổi trẻ của tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó với nhà thờ này.Nhiều đêm Noel tôi từng có mặt trong nhà thờ để dự lễ, để được nghe giọng đọc Thánh kinh truyền cảm, trầm ấm của đức cha, để được nghe những bản Thánh ca du dương đậm chất giao hưởng.
Vâng, " Bài Thánh ca đó còn nhớ không em.
Noel năm nào chúng mình có nhau ".
Vài năm gần đây nhà thờ Hàm Long được chỉnh trang, tôn tạo nên vẫn giữ được sự uy nghi, cổ kính ở vị trí tiếp giáp hai mặt phố.
Ảnh - Nguyễn Tuấn Hải.
294 — cùng với Viet Cuong Sarraut.

Nguyễn Văn Tố Danh nhân Hà Nội

ÔNG THÔNG, ÔNG PHÁN
VÀ CÂU CHUYỆN ÔNG PHÁN MEN (NGUYỄN VĂN TỐ) MỘT DANH NHÂN CỦA HÀ NỘI
*************
(Viet Cuong Sarraut sưu tầm bài của ông Kiều lê Kiều)

Ngày nay hai tiếng Ông Thông, Ông Phán đã thành một bóng mờ. Nhân đọc được trên fb bài viết về chân dung một Ông Phán, một danh nhân uyên bác của Việt Nam.Xin phép tác giả đăng lại để cùng suy ngẫm.

Ông Thông, Ông Phán, Ông Tham là tên gọi quan chức cấp trung và cao cấp thuộc cơ quan hành chính Pháp ở Đông Dương. Chúng ta thường “dị ứng” với các tên gọi trên qua hình ảnh có phần bôi bác ”Sáng vác ô đi tối vác về, Sáng uống Sâm banh tối sữa bò “, hình ảnh cũng được thổi lên quá khích về các bà Phán, bà Tham thân hình béo nục,quần áo gấm hoa, kiềng vàng, vòng xuyến, mặt phấn hương, tam bành quát mắng gia nhân…
Đó chẳng qua là ngòi bút văn học có chút “Thăng hoa“ thế thôi, chứ thực ra đâu đến nỗi !
Lớp công chức Thông, Phán chân chính (Đa phần) họ đều là dân tri thức có thực tài sau khi đã qua những kỳ khảo thi sát hạch kiểm tra nghiêm ngặt(chứ không phải là được bổ nhiệm đúng quy trình).Họ trở thành công chức ngạch bậc cao, tiền lương đáng nể (không phải là bơ thừa sữa cặn, và càng không thể là nhơ bẩn). Thường gia đình Thông, Phán có từ 2 đến 4 người giúp việc trong số:
-Vú em : chuyên một việc chăm sóc trẻ sơ sinh (Kể cả cho bú sữa)cho đến khi lớn
- Anh Xe : chuyên trách kéo xe tay (Xe có 2 càng phía trước để nắm tay vào đó rồi chạy bộ lôi xe theo mình ở sau)
-Anh Bếp chuyên việc bếp nước
-“Con Sen hoặc Thằng Nhỏ“ : để sai vặt việc nhà…
Những “Người ăn kẻ ở này” ở riêng dưới nhà xép, ăn sau nhà chủ. Họ sống an phận thủ thường, tuân theo nội quy gia chủ, sống có phép tăc kính cẩn “Gửi, Thưa “, chả mấy khi xẩy ra trộm vặt, tắt mắt hoặc đố kỵ nói xấu gia chủ.
Đối lại người gia đình ông Thông, ông Phán cũng coi họ thân tình, bắt con cái phải gọi vú nuôi là “Vú”xưng em, gọi anh Bếp anh Xe mà không thằng này con nọ. Ngày lễ tết, các Ông gửi quà biếu cho gia đình họ, đường ăn nếp ở giữa chủ và gia nhân khác lạ lắm lắm so với thời “Ô Sin“ ngày nay
Nhiều Ông Thông ông Phán là những người tài năng, có những người có thể gọi là xuất sắc, ví dụ Nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam, văn bằng Cử nhân, Đại học Sorbone -Pháp), Nhà thơ Tú Mỡ (Hoàng Trọng Hiếu), Hoạ sỹ Nguyễn Văn Thọ…họ đều xuất thân là Thông,Phán Sở Tài chính Đông dương, Nhà thơ Cù Huy Cận (Kỹ sư Nông nghiệp) tham tá Sở Canh nông, và đặc biệt xuất sắc siêu tài năng là Ông PHÁN MEN (Nguyễn văn Tố). Ông là niềm tự hào của người Việt chúng ta.Tuy là công chức cao cấp ở Viện Viễn Đông Bác Cổ (ngạch bậc lương của ông chỉ xếp sau Giám đốc Viện) nhưng khi đi làm chỉ đi bộ từ nhà (Phố Bát sứ) đến phố Carreau, nay là Phố Lý Thường Kiệt nơi có trụ sở Viện.Mùa đông cũng như hè, cả đời chỉ áo thâm khăn xếp, đi giầy Gia Định, không bao giờ mặc Âu phục (Theo “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”). Ông giỏi Hán Nôm, thông kim bác cổ về Văn học, biết nhiều lĩnh vực từ khảo cổ đến ngôn ngữ, Lich sử, văn hoá giáo dục. Đặc biệt tiếng Pháp (Xuất thân từ trường Thông ngôn),có lời đồn là ông nhớ từng chữ ở trang nào của Từ điển Larousse ! Văn phong tiếng Pháp và thông tuệ uyên bác đến mức viên Giám đốc Viện người Pháp Coedese phải”ngả mũ”, mỗi khi viết bài đều thông qua ông để có lỗi thì nhờ ông sửa (Theo "Hiền tài nguyên khí Quốc gia").Đầu thế kỷ XX ông được người đời tôn vinh là một trong "Tứ Kiệt nước Nam" Quỳnh - Vĩnh - Tố - Tốn (Phạm Quỳnh, Nguyễn văn Vĩnh, Nguyễn văn Tố và Phạm duy Tốn).
Đến thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Ông vẫn đóng áo thâm khăn xếp như ngày nào, ra mắt Chính phủ trong cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội, rồi Trưởng ban thường trực Quốc hội khóa I. Ông cùng nhà bác học Văn hoá lừng danh Hoàng Xuân Hãn đề xuất học Bình dân học vụ với cách đánh vần O,A,Bờ,Cờ,… I thời có móc, tờ dài có ngang…Nhờ có cách đánh vần tuyệt vời này mà dân ta nhanh chóng thoát khỏi mù chữ, đơn giản mà vĩ đại thay Ông PHÁN MEN (Người dân yêu quý ông và đặt tên thân tình như thế vì khi đi làm, ông cứ men theo các nhà trên phố mà đi). Đẹp qúa bóng dáng Ông như còn in dấu phố phường Hà nội đến tận bây giờ !
Ngày 7/10/ 1947, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, bắt được Ông và tưởng là Cụ Hồ. Nếu ông cứ mặc nhiên để chúng cho là như vậy, chắc chắn sẽ an toàn tính mạng, nhưng sợ quân Pháp loan tin đó ra, sẽ có hại cho Cách mạng nên cố tình vùng chạy…và ông đã bị chúng bắn theo sát hại !(Theo "Hiền tài là nguyên khí Quốc gia")
Chúng ta tự hào thay một Phán Men sử dụng tiếng Pháp để chính người Pháp phải kính nể (Giống như dân Paris kính nể ông Trạng Mẹo Phạm duy Khiêm), một học giả, một nhà Văn hoá, một người con giữ quốc hồn quốc tuý lấp lánh trong áo thâm, khăn xếp nho nhã của tiền nhân, một tấm gương yêu nước vĩ đại đến quên cả thân mình, để con cháu muôn đời ngưỡng mộ .

 ÔNG PHÁN MEN- NGUYỄN VĂN TỐ !
______________
Chân dung ông Nguyễn Văn Tố (ảnh st)
247
 — cùng với Viet Cuong Sarraut.

LƯU VĨNH PHÚC- CHỦ SOÁI QUÂN CỜ ĐEN

THÂN THẾ LƯU VĨNH PHÚC- CHỦ SOÁI QUÂN CỜ ĐEN VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG KHI VÀO ĐẠI NAM
*****************
(Viet Cuong Sarraut sưu tầm)

Lưu Vĩnh Phúc sinh ra ở vùng cực tây nam tỉnh Quảng Đông, giáp giới với Việt Nam và gần biển, thuộc giống Hakka (người "Hẹ", âm Hán Việt: Khách gia). Cha mẹ ông nghèo cùng cực, không có nghề nghiệp, nhà cửa, và Lưu Vĩnh Phúc đến tận cuối đời cũng không biết chữ. Cuối năm 1853, khi cả bố mẹ và chú lần lượt qua đời vì bệnh tật và đói kém, Lưu Vĩnh Phúc thậm chí không có nổi chiếc áo quan để chôn họ. Cậu thiếu niên Lưu Vĩnh Phúc phải sống lang thang trên đường phố để kiếm miếng ăn. Năm 21 tuổi, Lưu Vĩnh Phúc xin làm thuộc hạ của Ngô Lăng Vân (Wu Yuan-ch’ing), người tự xưng là Ngô Vương, là dư đảng Thái Bình Thiên quốc, bản doanh đóng gần Nam Ninh, để nhận được khẩu phần trợ cấp và cuối cùng trở thành một người có ảnh hưởng dưới trướng Ngô Vương. Khi Ngô Lăng Vân bị giết (1863), có thời gian Lưu Vĩnh Phúc đem bộ thuộc của mình đi theo Vương Sĩ Lâm và Hoàng Tư Nùng ở châu Thượng Tư (Quảng Tây) đi cướp ở nhiều nơi, sau mới gia nhập trở lại với Ngô Côn, con trai và là người kế nghiệp Ngô Vương. Do cuộc sống kham khổ, cộng với buồn chán, Lưu Vĩnh Phúc xin với Ngô Á Chung (Wu Ah-chung, tức Ngô Côn) cho tiến hành các cuộc viễn chinh nhằm cướp bóc ở phần bên kia biên giới Đại Nam (quốc hiệu Việt Nam từ thời vua Minh Mạng), cũng là để tránh sức ép quân sự của nhà Thanh, lúc đó đang tìm cách đặt lại quyền kiểm soát ở vùng Lưỡng Quảng. Dẫn theo 200 đồng đảng thân tín, dùng một lá cờ màu đen làm kỳ hiệu của mình, Lưu Vĩnh Phúc vượt biên giới vào Đại Nam năm 1865.

Lưu Vĩnh Phúc vừa đi vừa tuyển thêm quân từ các toán thổ phỉ khác mà không bị ai chặn lại hay ngăn trở gì. Đến gần Sơn Tây, quân Cờ đen khi đó đã lên tới 500 người dừng lại lập doanh trại. Sự hiện diện của một đội quân vũ trang trong lãnh thổ của các bộ tộc Mông miền núi là một sự đe dọa với họ, nên xung đột vũ trang đã nổ ra. Quân Cờ đen phục kích và đánh bại cuộc tấn công của thổ dân, đồng thời giết chết một thủ lĩnh của họ. Viên thủ lĩnh này chống đối chính quyền nhà Nguyễn, nên nhân cơ hội đó nhà Nguyễn chính thức ban cho Lưu Vĩnh Phúc chức vị Cửu phẩm bách hộ để tiếp tục công việc bình định vùng này.
Tuy vậy, đánh nhau với người thiểu số không phải là mối quan tâm chính của Lưu Vĩnh Phúc, nên năm 1868, Lưu Vĩnh Phúc quay ra tranh giành khu vực thị trấn Lào Cai, tức châu Bảo Thắng, một món mồi béo bở, lúc bấy giờ đang nằm dưới sự kiểm soát của các thương gia có vũ trang người Quảng Đông. Quân Cờ đen tự tiện thu thuế, khai khoáng, cướp bóc khắp nơi, quan quân nhà Nguyễn cũng không ngăn cản được.
Nhận được tin về những thắng lợi dễ dàng của Lưu Vĩnh Phúc, những toán quân còn lại của Ngô Vương, lúc này đang bị quân Thanh dồn ép về gần biên giới, theo Hoàng Sùng Anh(Huang Ch'ung-ying, cháu Ngô Vương) lập thành quân Cờ vàng, tràn qua biên giới chiếm thị trấn Hà Giang nằm trên bờ sông Lô. Quân Cờ vàng được tổ chức theo mô hình quân Cờ đen, nhưng với số lượng đông hơn gấp hai, ba lần. Tuy nhiên Hà Giang không phải là một nơi có thể đem lại nhiều lợi nhuận như Lào Cai, nên xung đột giành quyền lợi giữa hai nhóm Cờ đen và Cờ vàng bùng nổ.
Năm 1869, quân Cờ đen phục kích đánh tan tác quân Cờ vàng tại Lào Cai, rồi truy quét Cờ vàng đến tận hang ổ tại Hà Giang. Phối hợp với quân Cờ đen là quân nhà Nguyễn và quân Thanh của tướng Phùng Tử Tài, quân Cờ vàng phải tháo chạy khỏi căn cứ Hà Giang. Tuy nhiên, do dịch bệnh và khí hậu khắc nghiệt nên quân Thanh phải rút về, quân Cờ vàng tiếp tục kiểm soát một vùng rộng lớn ở khoảng giữa sông Hồng đến biên giới, từ Lào Cai đến Sơn Tây. Đến năm 1875, quân Cờ đen mở chiến dịch quyết định đánh chiếm Hà Giang, phối hợp với họ không những là quân nhà Nguyễn mà cả quân Thanh từ Quảng Tây và Vân Nam. Hoàng Sùng Anh bị truy đuổi, bị bộ hạ làm phản, bị bắt rồi bị giết chết.
Do chiến thắng quân Cờ vàng mà quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc chính thức được chính quyền nhà Thanh bảo trợ, ngược lại Lưu Vĩnh Phúc cũng xóa bỏ mặc cảm khi trước, hạ lệnh cho thủ hạ dóc tóc kiểu Mãn Châu để tỏ lòng trung thành với nhà Thanh. Về phần nhà Nguyễn, mặc dù sử dụng Lưu Vĩnh Phúc nhưng triều đình Huế vẫn còn nghi ngờ về lòng trung thành của Lưu và quân Cờ đen. Vì vậy, năm 1873, Hoàng Kế Viêm xin phong cho Lưu chức Phòng ngự sứ nhưng vua Tự Đức không đồng ý.

Chân dung chủ soái quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc(ảnh st)
110
 — cùng với Viet Cuong Sarraut.

NHÀ THỜ CỬA BẮC


(VietCuong Sarraut sưu tầm nhân mùa Giáng sinh 2019)

Nhà thờ Cửa Bắc (tên chính thức là Nhà thờ Kính Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo) là một nhà thờ Công giáo La Mã ở Hà Nội, công trình kiến trúc này có nhiều nét độc đáo, sơn mầu vàng tạo thêm điểm chấm phá trong không gian đô thị Hà Nội.
Nằm ở số 56 phố Phan Đình Phùng, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, vì nhà thờ được xây dựng ở Cửa chính Bắc thành Thăng Long nên được gọi tên là Cửa Bắc. Được xây vào năm 1925, khánh thành 1/2/1931 do một linh mục, kiến trúc sư người Pháp tên là Emest Hebrard thiết kế theo kiểu hình chữ nhật (kiến trúc Ba-xi-la-va), kết hợp phong cách Á - Âu, không tuân theo quy tắc đối xứng, mà lệch với tháp chuông cao ở bên phải và cân bằng với mái vòm (Cúp-pô-lơ) ở trung tâm. Có sự biến hóa hài hòa với không gian xung quanh, nhưng vẫn đảm bảo sự trang nghiêm và có phần tĩnh mịch, gây được ấn tượng về một sự siêu thoát. Kiến trúc nhà thờ Cửa Bắc thể hiện sự hòa hợp với khung cảnh nhiệt đới, với văn hóa phương Đông.
Nhà thờ Đức Mẹ Hà Nội là tước hiệu của nhà thờ từ những năm 1959. Trước đó 9 năm, vào ngày 22 tháng 8 năm 1950, cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê – người đã dâng địa phận Hà Nội cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ – đã xin Tòa Thánh chuẩn nhận cho việc nhận Đức Mẹ là quan thầy thành phố Hà Nội. Sau khi được Tòa Thánh chuẩn nhận từ đó đến nay vào ngày 2 tháng 7 hàng năm, nhà thờ này đều cử hành Thánh lễ Đức Mẹ Hà Nội.
Sáng ngày 19 tháng 11 năm 2006, trong khuôn khổ tham dự Hội nghị lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương(APEC) tại Việt Nam, tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và phu nhân Laura Bush đã tham dự thánh lễ tại nhà thờ Cửa Bắc.
Nhà thờ Cửa Bắc không chỉ là cử hành các nghi lễ thờ phụng Thiên Chúa mà còn là một công trình kiến trúc có giá trị. Do được xây dựng từ cuối những năm 20 của thế kỷ XX, trải qua những thăng trầm của thời gian và thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều đã làm bào mòn khiến nhiều hạng mục xuống cấp, hư hại nặng nề. Từ tháng 5 năm 2013, nhà thờ được trùng tu, tôn tạo và đến ngày 4 tháng 11 năm 2014 thì công việc được hoàn thành.
Nhà thờ Cửa Bắc(ảnh của NAG Thược Đỗ)
304

NHÀ THỜ LỚN HÀ NỘI

(VietCuong Sarraut sưu tầm từ nguồn Wikipedia nhân dịp mùa Giáng sinh 2019)

Nhà thờ Lớn Hà Nội (tên chính thức: Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse) là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội, nơi có ngai tòa của tổng Giám mục. Đây cũng là một nhà thờ cổ tại thành phố này, thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội.

Theo một số tài liệu lịch sử như sách của Louvet "La vie de Mgr. Puginier", tiểu thuyết lịch sử "Bóng nước Hồ Gươm" của Chu Thiên, các tài liệu trong Văn khố Hội Thừa sai Paris (M.E.P.) … thì khu đất này xưa kia là khu đất của Báo Thiên Tự (Chùa tháp Báo Thiên) được xây dựng từ đời Nhà Lý. Đây là một ngôi quốc tự nổi tiếng của kinh đô Đại Việt trong suốt các triều đại từ Lý-Trần. Đến thời Lê – Nguyễn, đây vẫn là nơi diễn ra các nghi lễ Phật giáo cầu cho quốc thái dân an...
Theo Bùi Thiết trong Tự điển Hà Nội địa danh, chùa Báo Thiên đến cuối thế kỷ 18 đã bị phá hủy và nền chùa cũ trở thành đất họp chợ trước khi chuyển giao cho nhà thờ. Còn ông Thống sứ Bắc Kỳ Raoul Bonnal, người chứng kiến việc chuyển giao khu đất, đã viết trong cuốn Au Tonkin rằng Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã cố gắng lấy lòng Giám mục bằng cách lấy lý do ngôi chùa đã đổ nát và không tìm thấy hậu duệ của người thành lập ngôi chùa nên đã cho phá sập và chuyển nhượng khu đất cho nhà thờ (có tài liệu ghi chép là thực dân Pháp phá chùa để xây dựng nhà thờ là không chuẩn xác). Tuy nhiên, trên thực tế, theo tài liệu của André Masson thì khu vực Nhà thờ thuộc trong khuôn viên của chùa Báo Thiên. Theo sách Từ điển Đường Phố Hà Nội của Đại Học Hà Nội xuất bản viết rõ: "Nền nhà thờ hiện nay nguyên là nền đất chùa Báo Thiên rất nổi tiếng, ở đây còn có một tháp gọi là tháp Báo Thiên"(Tháp Báo thiên là một trong Tứ đại thần khí của nước Đại Việt).

Sau nhà thờ tạm bằng gỗ, từ năm 1884-1888, Giáo hội Công giáo tiến hành xây nhà thờ bằng gạch, tốn phí khoảng 200.000 franc Pháp. Khi đó, Giám mục xin chính quyền bảo hộ Pháp cho mở xổ số để quyên góp. Sau hai lần bị từ chối, cuối cùng ông cũng được chấp thuận mở hai đợt xổ số (đợt một năm 1883, đợt hai năm 1886), quyên góp được khoảng 30.000 franc Pháp, cộng với các nguồn tài trợ khác, đủ kinh phí hoàn thành nhà thờ vào năm 1886.

Nguyên thủy, nhà thờ này có tên là Nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph) do vào năm 1678, Giáo hoàng Innôcentê XI tôn phong Thánh Giuse (cha nuôi của Chúa Giêsu) làm thánh quan thầy của nước Việt Nam và các nước lân cận. Chính vì vậy, ngôi thánh đường lớn nhất ở Hà Nội được tôn phong là "Nhà thờ chính tòa kính Thánh Giuse". Lễ khánh thành được tổ chức đúng vào lễ Giáng sinh năm Đinh Hợi (1887).

Nhà thờ hiện nay tọa lạc tại số 40 phố Nhà Chung, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nằm trên một khu đất rộng, liền kề với tòa tổng Giám mục Hà Nội, Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội.

Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng ở châu Âu, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.

Phía sảnh trong nhà thờ, có một cửa đi lớn, hai cửa nhỏ hai bên tháp. Các cửa đi và toàn bộ các cửa sổ đều cuốn nhọn theo nghệ thuật Gothique, kết hợp với các cửa cuốn nhọn là những bức tranh Thánh bằng kính màu rất đẹp và hài hòa tạo ra nguồn ánh sáng tự nhiên bên trong lòng nhà thờ. Khu cung thánh được trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống, chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất tinh vi độc đáo. Ở tòa gian chính có tượng thánh Giuse bằng đất nung cao hơn 2m.

Nhà thờ còn có một bộ chuông Tây, gồm bốn quả chuông nhỏ và một quả chuông boòng lớn, trị giá 20.000 franc Pháp thời đó. Đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền nhà thờ. Đồng hồ có báo khắc, báo giờ, hệ thống chuông báo được liên kết với 5 quả chuông treo trên hai tháp.

Trung tâm quảng trường phía trước nhà thờ có đài Đức Mẹ bằng kim loại, xung quanh nhà thờ có đường kiệu, bồn hoa, phía sau có hang đá. Hiện nay toàn bộ không gian và cảnh quan nhà thờ bị chen lấn bởi sự phát triển của đô thị, mất đi sự tương xứng với quy mô đồ sộ của nhà thờ.

Nhà thờ lớn Hà Nội là Nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Hà Nội, là một trong những trung tâm của các hoạt động Công giáo tại Hà Nội và các vùng phụ cận. Ngày thường, nhà thờ có 2 thánh lễ, ngày Chủ nhật có 7 thánh lễ. Ngoài ra, nhà thờ còn tổ chức lễ rước thánh Quan thầy của Tổng giáo phận Hà Nội là Thánh Giuse vào ngày 19 tháng 3 hàng năm.

Nhà Thờ Lớn Hà Nội(ảnh st)
211
 — cùng với Viet Cuong Sarraut.

Nhà Thờ Lớn và ý nghĩa ngày lễ giáng sinh

LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY LỄ GIÁNG SINH
(VietCuong Sarraut Nhớ lại ngày này năm trước)

ĐÊM NAY HÀ NỘI đang sống trong không khí của ngày lễ Giáng sinh. Nhớ lại những đêm này của thời tôi còn là một chàng thanh niên trai trẻ, mặc dù không phải là một giáo dân nhưng tôi thường xuyên cùng bạn học đi dự lễ và đi chơi suốt đêm lễ, đa phần là ở Nhà Thờ Lớn nhưng cũng có những năm lại ở Nhà thờ Hàm Long. Thời tiết Hà Nội vào những đêm đó thường rất lạnh và lất phất mưa bụi mà trước đó Hà Nội có phần ấm áp hơn. Chúng tôi thường đi rất sớm để có thể có một chỗ ngồi hay chỗ đứng trong nhà thờ, để có thể dự trọn vẹn buổi lễ. Ấn tượng không thể phai mờ là được nghe những bản Thánh kinh bằng giọng đọc trầm ấm, truyền cảm của đức cha và được nghe các bản Thánh ca du dương của nhà thờ trình diễn mang đậm chất giao hưởng. Tan lễ chúng tôi thường hay tụ tập ở những quán ăn, quán cafe ở xung quanh khu vực nhà thờ để hàn huyên mà ngày nay gọi là "chém gió". Đêm Noel của chúng tôi chấm dứt khi trời đã chạng vạng sáng. Trái ngược với những đêm xưa, đêm nay tôi lại ở trong nhà để cặm cụi gõ những dòng chữ chia sẻ này. Dấu hiệu của tuổi tác đã biến tôi thành một ông già hơi lẩm cẩm, thủ cựu, khó tính và thích hoài cổ.
Lễ Giáng sinh có nguồn gốc đã trên 2000 năm nhưng cũng không nhiều người biết tường tận về lịch sử và ý nghĩa của ngày lễ này. Tôi mạo muội viết nội dung này trên cơ sở sưu tầm tài liệu, âu cũng là một sở thích cá nhân muốn chia sẻ cùng quý vị, những người bạn thật và ảo của tôi trên cộng đồng mạng.
Lễ Giáng sinh, còn được gọi là Lễ Thiên chúa Giáng sinh, Lễ Noel hay Chrismats là ngày kỷ niệm Chúa Giê su sinh ra đời. Theo phần lớn tín hữu của Ki tô giáo thì đức chúa Giê su sinh tại Bethiehem xứ Judea nước Do Thái, lúc bấy giờ thuộc Đế quốc La Mã nay là một thành phố của Palestine. Người sinh ra vào khoảng giữa thế kỷ VII đến thế kỷ II Tr CN. Chúa Giê su đươc tín đồ của Ki tô giáo cho rằng đươc sinh ra vào thời khắc bắt đầu một ngày mới tức là vào lúc hoàng hôn của một ngày (quan niệm tính bắt đầu một ngày mới rất cổ của người theo Ki tô giáo) nên lễ Giáng sinh thường tổ chức từ chiều ngày 24/12 đến đêm gọi là "Lễ Vọng", ngày 25/12 mới là "Lễ Chính ngày". Lễ Thiên Chúa Giáng sinh nguyên thủy là ngày lễ của những người theo đạo Ki tô giáo là ngày kỷ niệm ngày sinh ra đời của người lãnh đạo tôn giáo của mình, là Thiên Chúa giáng thế làm người.
Nhưng đến ngày nay, ngày lễ này mang ý nghĩa là ngày lễ gia đình, một ngày đặc quyền để tụ tập quây quần mọi người, mọi thế hệ trong gia đình. Lễ này dưới một hình thức được biểu lộ, tạo những kỷ niệm chung và duy trì tình cảm giữa mọi người trong gia đình.Các gia đình thường tổ chức các bữa ăn chung, vui bên nhau cùng bạn bè, không ngủ để ca hát, nghe kể chuyện và quây quần bên lò sưởi và cây thông Noel.Trẻ em rất thích ngày này vì trong ngày lễ các điều ước muốn của chúng sẽ trở thành sự thực và chúng được nhận quà của Ông già Noel. Lễ Noel là một thông điệp của hòa bình"Vinh danh Thượng đế trên cao - Bình an cho người dưới thế ". Lễ Noel còn là ngày chia sẻ với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh hoạn, già yếu.
Ngày lễ Noel gắn liền với biểu tượng Cây Thông Noel và Ông già Noel trong bộ trang phục mầu đỏ với chòm râu bạc trắng trên chiếc xe trượt tuyết do những chú tuần lộc kéo đi để phát quà cho trẻ em khắp nơi trên thế giới.
Chữ Noel là tiếng Pháp có xuất sứ từ chữ La tinh có nghĩa là "Ngày Sinh".
Chữ Christmas gồm hai phần Christ có nghĩa là "đấng chịu sức dầu"(tước vị của Giê su). Mas là viết tắt của Mass có nghĩa là "thánh lễ". Ghép liền nhau Christmas có nghĩa là "Ngày lễ giáng sinh của đức chúa Giê su ".
Những năm gần đây ở nước ta ngày lễ Noel không chỉ là ngày lễ của những người Công giáo mà còn là một ngày lễ hội vui chung của cả người không theo Công giáo. Tất cả trẻ em đều háo hức được nhận quà của những Ông Già Noel, nhưng các bé không thể biết đó là những Ông già Noel thực hiện theo hợp đồng với bố mẹ của chúng.
Nhân dịp ngày lễ Noel cho phép tôi được kính chúc tất cả các bạn của tôi cùng với gia đình mình tràn ngập sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc và an lành. Cầu Chúa ban phước lành cho chúng ta.
MERRY CHRISTMAS
______
______________________
Nhà thờ lớn đêm lễ Noel(ảnh của NAG Lê Toàn Ngọc) — cùng với Viet Cuong Sarraut.



CHÙA MỘT CỘT

(Viet Cuong Sarraut sưu tầm và biên tập)

CHÙA MỘT CỘT nằm trên phố Chùa Một cột trong quần thể Lăng Chủ tịch HCM và Bảo tàng HCM thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội .
Chùa còn được gọi với những tên khác là Chùa Mật, Liên hoa đài, Nhất trụ tháp, Diên Hựu tự.
Chùa được xây dựng vào thời vua Lý Thái Tông (tháng 10 năm 1049) cách đây gần 1000 năm .
Tích xưa còn lưu lại : vua Lý Thái Tông nằm ngủ chiêm bao thấy Phật Quan âm tọa thiền trên tòa hoa sen sáng rực rỡ, đưa tay dắt vua lên đài .Tỉnh mộng vua đã cho dựng chùa với lối kiến trúc tựa như trong giấc mơ. Chùa xây xong như một đài sen vươn lên giữa mặt hồ Liên Chiểu ở kinh thành Thăng Long. Đến đời vua Lý Anh Tông, nhà vua thường lui tới cầu nguyện, không bao lâu hoàng hậu sinh hạ một hoàng tử khôi ngô. Vua Lý Anh Tông cho rằng đó là do công đức Phật ban cho nên đã tu sửa lại chùa và cho làm thêm một ngôi chùa ở bên cạnh, cách Liên hoa đài 10 m về phía Tây Nam để tạ ơn. Quần thể gồm chùa Một cột và ngôi chùa bên cạnh được gọi là chùa Diên Hựu với ý nghĩa là "Phước bền dài lâu ".
Chùa Một cột là ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo, cột là hai khối đá hình trụ được chồng khít lên nhau khó nhận ra được vết nối ghép. Bên trên cột đá là các thanh xà bằng gỗ để đỡ ngôi chùa bằng gỗ quý ở bên trên. Bên trong Liên hoa đài đặt tượng thờ Phật bà Quan âm. Chùa nằm giữa một hồ nước hình vuông mỗi cạnh 20m có tường thấp bằng gạch bao quanh.
Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn chùa đều được trùng tu.Ngày10/9/1954 người Pháp đã cho phá hủy chùa trước khi rút khỏi Hà Nội, chùa chỉ còn lại cột đá và các thanh xà đỡ.Sau ngày tiếp quản Hà Nội, năm 1955, Chính phủ ta đã cho phục dựng lại chùa Một cột theo nguyên mẫu cũ dưới sự chỉ đạo của KTS Nguyễn Bá Lăng như ngày nay. Chùa Một Cột chỉ là một phần trong quần thể chùa Diên Hựu được chọn là một trong những biểu tượng của Hà Nội .

Ảnh st.
154 — cùng với Viet Cuong Sarraut.