Nhà văn Đỗ Phấn
Chẳng biết cái chạn vì sao lại có
tên tiếng Pháp là “gác măng giê” (garder à manger)? Không lẽ người Pháp cũng
mang nó sang từ chính quốc ?
Trước 1975 ở Hà Nội, nhà nào cũng có
một cái chạn. Các vùng nông thôn miền Bắc cũng có một cái tương tự được đóng bằng
tre ở những nhà khá giả. Nhà thường dân chỉ có cái cũi để đựng bát đũa phơi
ngoài sân nắng.
Chạn là đồ vật duy nhất thời bao cấp
không phải mua bằng tem phiếu, dù được bày bán ở cửa hàng mậu dịch.
Có một qui tắc hẳn hoi cho việc sản
xuất chạn. Bao giờ nó cũng được đóng thành ba tầng bất kể kích thước như thế
nào. Dưới cùng là tầng không cánh để úp xoong nồi. Giữa là tầng nan gỗ thưa để
xếp bát đĩa. Trên cùng là tầng có lưới vây ba mặt kể cả cánh. Danh từ riêng gọi
thứ lưới ấy là “lưới chạn”. Một thứ lưới dệt bằng sợi thép nhỏ và mỏng như vải
màn. Công dụng của nó cũng giống như mắc màn để tránh ruồi muỗi bay vào thức ăn
đựng trong chạn. Bên hông chạn bao giờ cũng treo một giỏ tre cắm đũa, muôi,
thìa. Bốn chân chạn thường là bốn chiếc bát mẻ đổ đầy nước để chống kiến bò
lên.
Vật dụng đầu tiên để xác định qui mô
một gia đình ở phố là chiếc chạn bát. Chưa có nó thì dù vợ chồng đã có vài con
vẫn chưa xứng được gọi là gia đình. Nói về sự nghèo khổ tạm bợ thời ấy, người
ta thường dùng câu cửa miệng : “Đến cái chạn còn không có mà úp bát”.
Mẹ chồng thử thách con dâu mới về
bằng cách xem cô ấy thu vén cái chạn như thế nào. Bát nước mắm ăn dở để ở tầng
trên cùng có đậy cái đĩa con lên không. Bát đĩa xếp ở tầng hai có hàng lối ngay
ngắn hay không. Ấm tích nuôi mẻ để ở tầng dưới cùng, dùng xong có nút lá chuối
khô vào miệng vòi hay không v.v …
Quan trọng thế, nhưng cái chạn ít
khi được người ta đóng bằng gỗ tốt. Đến thời bao cấp khó khăn thì cái chạn hầu
như được đóng chỉ bằng gỗ đầu thừa đuôi thẹo ở các nhà máy. Có lẽ chính vì thế
nó cũng chẳng đủ tiêu chuẩn để thành một mặt hàng bán phân phối như cái giường.
Dù rằng lúc ấy cái giường cũng chỉ có bốn thành vây quanh là gỗ nhóm 5. Cái
giát giường chính là thứ gỗ dùng để đóng chạn. Vợ chồng mới cưới một năm thay
hai bộ giát giường là chuyện thường. Nhưng nan gỗ ở cái chạn còn bền hơn bộ
lưới nhiều lần. Lưới thép không chịu được mắm muối thường bị han gỉ và thủng
trước tiên. Nhà có người khéo tay lên phố Hàng Thiếc mua lưới mới về thay.
Không có, đành lấy họa báo dán vào. Họa báo thời ấy in hình diễn viên tuyệt
đẹp. Nhưng đằng sau sự tuyệt đẹp ấy chỉ là mấy món đồ ăn dở mặn chát cất đi cho
bữa sau.
Cũng như giần, sàng, nong, nia, cối
xay lúa giã gạo ở nông thôn, cái chạn bát ở thành thị bắt đầu bị quên lãng kể
từ khi có chiếc tủ lạnh thay vào. Bắt đầu là tủ lạnh cũ thời miền Nam giải phóng
mang ra. Tiếp đến là tủ lạnh Sa-ra-tôp của công nhân lao động xuất khẩu ở Liên
Xô mang về. Quãng những năm 90 thế kỉ trước, người Hà Nội hầu như đã phổ cập tủ
lạnh, thay cho chiếc chạn úp bát có tuổi đời gần một thế kỉ.
Lũ trẻ 9x ở phố bây giờ rất ít đứa
từng trông thấy cái chạn. Thậm chí trong từ vựng của chúng cũng không có chữ
ấy. Giống như thế hệ trước, đã không còn khái niệm về những võng, lọng, hia,
hốt, …
Thế giới đồ vật quanh ta tưởng rằng
hàng ngày thêm vào biết bao nhiêu thứ, mà không phải thế. Dường như mỗi thứ
thêm vào lại có một thứ phải bớt đi. Thậm chí nhiều hơn một thứ phải bớt đi.
Cái máy xay xát ra đời làm biến mất cối xay thóc, cối giã gạo, giần, sàng, quạt
thóc. Riêng có cái chạn bớt đi, phải cần đến mấy thứ thay vào. Tủ lạnh, tủ bếp,
giàn chậu rửa bàn bếp để xếp bát vừa rửa xong. Vẫn tìm không ra chỗ để chiếc ấm
tích nuôi mẻ. Mẻ mua ở chợ thường không ra mẻ. Dù có bị “khinh như mẻ” thì mẻ
đâu phải là món dễ làm. Rất hiếm cô dâu hiện đại có thể nấu được một nồi cơm
làm mẻ cho đúng cách.
Cái chạn mất đi làm mất theo nó cả
câu thành ngữ lâu đời. Giờ mà giải thích cho lũ trẻ hiểu câu “chó chui gầm
chạn” hẳn là phải hết nửa buổi. Dĩ nhiên bắt đầu từ cái chạn. Vẫn phải giải
thích thôi. Vì thành ngữ ấy vẫn chưa có câu khác thay thế.
***
CÁI CHẠN BÁT.
Ảnh sưu tầm. — cùng với Trần Quang
Dũng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét