"Ngày
thứ hai ở nhà chồng, Hà đột ngột tuyên bố rằng chúng tôi sẽ ở lại Việt Nam vĩnh viễn.
Hành động của anh làm tôi hết sức ngỡ ngàng. Ở Việt Nam , anh đã trở thành một con người
khác hẳn.
Tôi và
anh quen nhau tại Kiev .
Chúng tôi lấy nhau và sinh được hai đứa con tuyệt vời – con trai Andrei và con
gái Maia. Lúc đầu, mẹ tôi phản đối kịch liệt quyết định lấy chồng của tôi.. Thứ
nhất, vì chồng tôi – Hà – là người Việt Nam bán hàng ngoài chợ. Thứ hai, vì
anh hơn tôi đến 16 tuổi đời.
Nhưng
mặc cho những linh cảm của mẹ, chúng tôi đã cùng chung sống với nhau suốt 8 năm
trời hòa hợp và hạnh phúc. Hầu như chúng tôi chưa bao giờ có những bất đồng
lớn. Chồng tôi rất yêu lũ trẻ và sẵn sàng giúp tôi làm mọi việc trong nhà, từ
nấu nướng đến dọn dẹp nhà cửa. Cuộc sống tưởng đâu cứ mãi như vậy. Cho đến một
ngày, Hà nhận được tin bố ốm nặng, có thể không qua khỏi. Anh lập tức bay về
Việt Nam .
Một thời
gian sau, anh gọi điện sang và bảo mẹ con tôi sang Việt Nam với anh.
Thực tâm tôi không muốn đi cho lắm, vì đường xa mà hai con còn nhỏ – con trai
tôi sáu tuổi, còn con gái mới có một năm bốn tháng. Nhưng Hà động viên tôi rất
nhiều và nói chỉ ở Việt Nam
vài tháng là cùng. Chủ yếu là anh muốn giới thiệu mẹ con tôi với gia đình, họ
hàng bên nội. Thế là tôi quyết định lên đường, mang theo hai con mà lòng không
hề nghĩ có những gì đang chờ đợi mình ở phía trước.
Ấn tượng
về làng quê Việt Nam
Mẹ con
tôi sang Việt Nam
khi bố chồng tôi đã mồ yên mả đẹp. Ngày đầu ở nhà chồng, chúng tôi đã đưa hai
con đi thăm mộ ông nội. Nghĩa địa nằm ngay gần nhà, nhưng thực sự mà nói, nó
khác xa với hình ảnh quen thuộc của những nghĩa trang ở Ukraina. Người Việt Nam có một
phong tục rất đặc biệt: ba năm sau khi chôn cất người quá cố, họ lại đào lên,
lấy xương mang đi chôn lại(!) Lần thứ hai này mới là lần chôn cất vĩnh viễn.
Quê
chồng tôi là một ngôi làng gồm khoảng 400 nóc nhà, nằm không xa thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, ở đó không hề có đường ống khí đốt. Mọi người chủ yếu nấu thức ăn
bằng bếp rạ. Chỉ có một số gia đình khá giả mới dám nấu ăn bằng bình gas, vì đó
là một điều xa xỉ đối với những người nông dân. Dân làng nghèo đến nỗi, khi ai
đó mua sắm bất kỳ vật gì cũng đều trở thành sự kiện của cả làng.
Làng mạc
ở Việt Nam
cũng có nhiều điểm giống với làng quê ở Ukraina, chỉ có điều đường xá không
trải nhựa, mà đổ bằng bê tông. Có lẽ bê tông chịu nóng tốt hơn so với nhựa
đường. Xung quanh mỗi ngôi nhà đều có rãnh thoát nước. Lúc đầu, tôi không hiểu
tại sao phải làm như vậy. Sau đó, tôi đã hiểu – vì vào mùa mưa, dù có rãnh
thoát nước nhưng nhiều lúc vẫn phải lội nước đến tận đầu gối! Khó chịu nhất là
áo quần giặt xong phơi cả tuần cũng chẳng chịu khô cho.
Món bánh
xoài.
Ngày thứ
hai ở nhà chồng, Hà đột ngột tuyên bố rằng chúng tôi sẽ ở lại Việt Nam vĩnh viễn.
Hành động của anh làm tôi hết sức ngỡ ngàng, vì anh đã tự quyết định mà không
hề bàn với tôi lấy một tiếng. Tôi không thể ngờ rằng người chồng đã từng chung
sống suốt tám năm trời lại có thể xử sự với tôi như vậy! Ở Việt Nam , anh đã trở
thành một con người khác hẳn: anh hầu như không âu yếm, chuyện trò với tôi bao
giờ, và thường tự quyết định mọi việc, kể cả những việc có liên quan trực tiếp
đến tôi và các con.
Dù rất
buồn trước sự thay đổi của Hà, nhưng trong một giai đoạn nào đó, tôi đã buộc
mình phải chấp nhận điều đó… Vì dù không muốn, tôi cũng chẳng có con đường nào
khác, tiền quay về cũng không có luôn. Nhưng dù sao, trong thâm tâm tôi vẫn
luôn hy vọng sẽ thuyết phục được chồng cho mẹ con tôi trở lại Ukraina.
Thật ra,
không thể nói là mọi người đối xử không tốt với tôi, nhưng có quá nhiều khác
biệt trong cách sống của người Việt Nam và người Ukraina. Chẳng hạn,
tôi không thể hiểu tại sao người Việt Nam có thể sống được mà không cần
đến các sản phẩm sữa? Bò ở Việt Nam
nuôi chỉ để lấy thịt, vì vậy thậm chí mọi người chẳng hề có khái niệm về bơ,
sữa hay phó mát gì cả. Con gái Maia của tôi vẫn quen ăn cháo sữa, vì vậy tôi đã
phải mua sữa đặc có đường, có lúc cả sữa đậu nành, để nấu cháo cho con. Mẹ
chồng tôi không thể hiểu nổi khi thấy tôi cho sữa vào cháo. Có lẽ đối với họ,
đó là một món ăn hổ lốn đáng sợ?!
Còn với
tôi, có lẽ đáng sợ nhất là nhà trẻ ở quê chồng. Lịch làm việc ở đó đã rất đặc
biệt: sáng 5 giờ đưa trẻ con đến (trước khi đến phải cho ăn sáng ở nhà), đến 10
giờ phải đón về cho ngủ trưa ở nhà! Các lớp được phân chia không theo lứa tuổi,
mà theo nguyên tắc “ai đăng ký trước vào trước”. Vì vậy trong một lớp có thể có
cả trẻ sơ sinh mới mấy tháng trời, cùng những cháu đã 5-6 tuổi. Cửa sổ các
phòng không đóng bao giờ, cánh cửa ra vào cũng không có luôn. Trẻ nhỏ nằm trên
chiếu trải dưới nền nhà, còn lũ lớn hơn thì chạy lăng quăng xung quanh. Nói
chung, có người trông hộ trẻ con để bố mẹ đi làm đồng là tốt lắm rồi!
Thời
gian đầu, mọi người định dạy tôi làm ruộng, nhưng tôi phải thú thật là chẳng hề
có khái niệm gì về công việc đó cả. Tôi cũng đã từng cùng mọi người trong gia
đình nhà chồng lội ruộng cấy lúa, nhưng đến khi biết rằng dưới làn nước bùn đỏ
quạch đó còn có cả những con rắn nữa, thì tôi phát hoảng. Mọi người thông cảm,
không bắt tôi lội ruộng nữa, mà bảo tôi học sử dụng máy tuốt lúa. Nhưng tôi làm
chẳng ra hồn, khiến cho mọi người phát chán. Nhiều người trong gia đình, họ
hàng nhà chồng tôi tỏ rõ vẻ thất vọng vì sự lóng ngóng trong công việc đồng áng
của tôi.
Bù lại
thì sự hiện diện của tôi cũng phần nào làm phong phú thêm đời sống dân làng.
Nhất là trong công việc bếp núc. Người Việt Nam chỉ quen ăn khoai tây nấu canh,
vì vậy, mọi người rất ngạc nhiên trước món khoai tây nghiền do tôi làm ra, khi
nếm thử ai cũng khen ngon. Món bánh xèo truyền thống của người Ukraina cũng
được đón nhận nhiệt tình (mọi người gọi đó là món bánh mì ngọt). Tôi đã dạy cho
mọi người làm một số món ăn như món bít tết và thịt băm viên. Món bánh xèo nhân
xoài do tôi “sáng tạo” ra thật sự ngon miệng và hợp khẩu vị nên ai cũng thích.
Ước muốn
trở về.
Hà tìm
được việc làm ở Hà Nội. Anh bỗng dưng sinh ra nghiện cờ bạc, bao nhiêu tiền làm
ra đều nướng hết vào trò chơi đỏ đen. Hồi ở Ukraina, tôi chưa bao giờ thấy anh
như vậy. Mẹ chồng tôi không biết về điều này, nên sinh ra nghi ngờ tôi giữ hết
tiền lương của anh. Từ sự nghi ngờ đó, bà bắt đầu soi mói tôi từng ly từng tý –
từ việc tôi mua gói băng vệ sinh, cho đến cái kẹo cho trẻ con, đều bị bà để ý
và cự nự vì tốn tiền vô ích. Càng ngày, cuộc sống càng trở nên tồi tệ đến mức
ngột ngạt.
Con trai
của tôi dù mới 6 tuổi đầu, nhưng đã phần nào hiểu được những gì đang diễn ra
xung quanh, có lần nó bảo mẹ dành tiền để về Ukraina. Tôi chỉ còn biết thở dài
thương con, vì vé máy bay quay về cho ba mẹ con ít nhất cũng phải hai nghìn đô
la, trong khi trong tay tôi không có nổi lấy một trăm! Andrei hứa sẽ giúp tôi
kiếm tiền. Những ngày sau đó, con trai tôi đã tự động làm mọi cách, từ câu cá,
hái quả mang đi bán, cho đến thu nhặt vỏ chai… để mong kiếm được chút tiền đưa
về cho mẹ.
Tôi
không có đủ can đảm để tâm sự thật hoàn cảnh của mình với mẹ tôi. Nhưng có một
lần, khi đã không thể chịu nổi, tôi viết một bức thư cho bạn gái ở Ukraina, và
cô bạn Tania đã kể lại mọi việc cho mẹ tôi. Người nhà và bạn bè tôi bắt đầu tìm
mọi biện pháp để giúp mẹ con tôi trở về, thậm chí đã nhờ Bộ Ngoại giao can
thiệp qua Đại sứ quán Việt Nam
ở Kiev .
Vào một
ngày, có một người công an đến nhà và nói có thông tin cần kiểm tra. Tất nhiên,
anh ta không nói được tiếng Nga, còn tôi thì chưa đủ vốn tiếng Việt để giải
thích cặn kẽ mọi việc. Chồng tôi đã lợi dụng ngay tình thế đó để nói tất cả
những gì có lợi cho bản thân anh ta.
Một lần,
tôi đã quyết định bỏ trốn. Mang theo hai con cùng một số quần áo, tôi bỏ chạy
khỏi nhà mà chẳng biết sẽ đi đâu. Cuối cùng thì chồng tôi đuổi kịp và đưa ba mẹ
con lên xe tắc xi. Đến trung tâm Hà Nội, anh ta cho mẹ con tôi xuống xe và bảo:
đấy, muốn đi đâu thì cứ đi! Giữa lúc bơ vơ, tôi gặp một người đàn ông tốt bụng,
sau khi hỏi han tình cảnh, biết tôi là người Ukraina (người dân Việt Nam rất quý
những người từ các nước thuộc Liên Xô cũ), đã cho ba mẹ con tôi ăn và đưa đến
đồn công an trình báo. Chồng tôi buộc phải đến đón chúng tôi về, kèm theo lời
cảnh cáo của chính quyền: sẽ không để yên, nếu còn xảy ra sự việc tương tự. Sau
lần đó, Hà không chỉ lạnh nhạt với tôi, mà cả với các con cũng vậy. Có lúc, cả
nhà ăn cơm mà chẳng gọi mẹ con tôi.. Một người chị em của chồng tôi thấy vậy,
thương chúng tôi nên đã mang đồ ăn đến cho chúng tôi ăn.
Cuối
cùng thì dịp may cũng đến. Ông trưởng phòng lãnh sự Đại sứ quán Ukraina tại Việt
Nam
đã đến tận nhà thăm mẹ con tôi. Được dịp, tôi đã kể hết với ông về tình cảnh
của mình, kể cả việc bị đay nghiến vì mua một tuýp thuốc đánh răng mới, cả việc
mẹ chồng tôi giấu kỹ bột giặt, chỉ cấp cho tôi mỗi lần một thìa con! Đến giờ,
tôi đã quên mất họ tên của ông, nhưng luôn nghĩ đến ông với lòng kính trọng và
biết ơn đặc biệt, vì ông đã quan tâm rất nhiều đến chúng tôi.
Ông nói,
Đại sứ quán hiện không có tiền để giúp mẹ con tôi, nhưng hứa sẽ giúp đỡ bằng
mọi cách. Lần sau đến, ông mang cho chúng tôi rất nhiều thứ, từ bột giặt cho
tôi, chiếc xe đạp cho con trai tôi, đến các loại đồ chơi, bánh kẹo, nước ngọt…
Thậm chí ông còn cho tôi tiền nữa. Chỉ có điều, sau khi ông về, tôi lại cảm
thấy cay đắng hơn bao giờ hết – tôi không phải là một đứa ăn mày, vậy mà đã
phải ngửa tay nhận của một người không quen biết từ gói bột giặt trở đi...
Cuộc trở
về của Maia.
Ông
trưởng phòng lãnh sự đã tổ chức một chiến dịch vận động quyên góp tiền trong
cộng đồng người Ukraina đang có mặt ở Việt Nam để giúp đỡ ba mẹ con chúng tôi.
Ở Kiev , gia
đình tôi cũng tìm mọi cách để dồn tiền để gửi sang cho tôi. Cuối cùng, nhờ sự
giúp đỡ của mọi người, chúng tôi đã có đủ tiền để mua vé máy bay về Ukraina.
Gia đình
chồng tôi tỏ ra khá hờ hững với việc mẹ con chúng tôi quay về. Có thể, họ thậm
chí đã vui mừng vì thoát được một cô con dâu vô dụng như tôi. Tôi đã trở về
Ukraina sau 11 tháng trời sống ở Việt Nam như vậy đó.
Tôi và
con trai Andrei bay về Kiev ,
còn con gái Maia phải để lại cho chồng nuôi theo quyết định của tòa. Điều đó
làm cho tôi day dứt khôn nguôi. Thậm chí, tôi không biết có khi nào được gặp
lại con gái bé bỏng của mình không nữa…
Sự dằn
vặt đeo đuổi tôi suốt ba năm trời. Tôi biết, gia đình chồng tôi sẽ không ngược
đãi cháu, nhưng dù sao con sống xa mẹ cũng là một điều bất hạnh.
Một lần,
Hà gọi điện cho tôi. Anh ta báo tin sắp cưới vợ mới, và vợ sắp cưới của anh ta
đang mang thai. Anh ta nói cho phép tôi đón Maia về, nhưng với một điều kiện:
phải đưa cho anh ta 3 nghìn đô la! Mặc dù đã từ lâu tôi không còn chút tình cảm
nào đối với người đàn ông này nữa, nhưng vẫn hết sức bất ngờ, vì không bao giờ
nghĩ anh ta có thể trở nên ích kỷ đến như vậy.
Thế là
tôi lại phải đi xin tiền khắp họ hàng, bạn bè một lần nữa. Mỗi người cho tôi
từng nào có thể cho được, nhưng gia đình tôi thuộc dạng nhà nghèo, nên cũng
chẳng có người quen nào giàu có cả. Kết quả là tôi chỉ có đủ tiền để mua vé máy
bay đi và về. Tuy nhiên, tôi không hề tiết lộ với Hà điều này, mà vẫn hứa là sẽ
nộp đủ 3 nghìn đô la như anh ta đòi hỏi.
Khi tôi
vừa bước vào nhà, mẹ chồng tôi gần như đổ gục xuống chân tôi mà xin lỗi. Nước
mắt bà chảy lã chã trên khuôn mặt già nua. Sau khi tôi rời Việt Nam , bà đã hiểu
ra rằng người có lỗi không phải là tôi, mà là Hà. Người con dâu mới không giúp
gì được mẹ chồng, thậm chí bà còn phải san sẻ cả số tiền lương hưu ít ỏi của
mình cho con trai và con dâu. Mọi việc trong nhà bà vẫn phải tự mình làm hết,
mặc dù đã gần 90 tuổi. Mẹ chồng tôi hiểu rằng giữa chúng tôi và bà chỉ có những
khác biệt về văn hóa. Giá như không có sự thay đổi của chồng tôi, biết đâu tôi
và bà đã trở thành những người thân thật sự trong cùng một nhà, như trong những
gia đình bình thường khác?
Hà,
chồng tôi, tất nhiên chỉ quan tâm đến tiền. Tôi buộc phải nói dối rằng không
tin tưởng vào sự trung thực của anh ta, nên sẽ chỉ giao tiền ở sân bay, khi đã
chắc chắn một trăm phần trăm là con gái tôi sẽ cùng tôi quay về Ukraina.
Đến ngày
lên đường. Trong xe tắc xi ra sân bay, chồng tôi lại hỏi tiền. Tôi lại hứa sẽ
đưa tiền cho anh ta khi tới sân bay. Đến khi hai mẹ con tôi đã vào trong vùng
kiểm soát an ninh, Hà còn gọi với theo: “Lena ,
thế tiền đâu?” Tôi quay lại và… vẫy tay chào từ biệt!
Bây giờ
tôi đã thực sự hạnh phúc bên hai đứa con mình. Andrei rất ham bóng đá. Còn Maia
đã quen với nhà trẻ mới và dần dần học lại tiếng mẹ đẻ. Chẳng mấy người biết
rằng tôi đã từng trải qua một cuộc hôn nhân đặc biệt như vậy."
Nguồn:
Elena Elovikova.
Từ: Le Chung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét