XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

PHỐ THUỐC BẮC

Trần Quang Dũng
Sưu tầm và biên tập

Phố Thuốc Bắc dài 328 mét, đi từ phố Hàng Mã đến phố Hàng Bồ - Bát Đàn, nối ngã năm Hàng Lược với phố Hàng Thiếc.
Thời Pháp thuộc đã gộp năm phố cũ thành một phố, đặt tên là "Rue des Médicaments" (Phố Hàng Thuốc Bắc) :

1. Phố Hàng Khóa (từ Hàng Mã đến Hàng Cá - Lò Rèn) :
Ở đây có những nhà bán các loại khóa sắt do thợ rèn làm ra, hoặc do thợ đồng làng Phùng Khoang đúc nên.
Đầu thời Pháp thuộc, nhiều nhà chuyển sang buôn các loại sắt tròn, sắt ống, sắt lá, ... nên đoạn phố này còn có tên là phố Hàng Sắt.

2. Phố Hàng Áo cũ (từ Hàng Cá - Lò Rèn đến Lãn Ông - Hàng Vải) :
Tiếng là áo cũ nhưng ngoài quần áo ra, ở đây còn buôn bán cả chăn, màn và các thứ vải vóc cũ.

3. Phố Hàng Thuốc Bắc (từ Lãn Ông - Hàng Vải đến Hàng Bút) :
Ở đây bán thuốc nam và thuốc chưa bào chế (cây thuốc còn nguyên cả rễ, cả cành, củ chưa thái).

4. Phố Hàng Vải (từ Hàng Bút đến Hàng Phèn) :
Ở đây bán các thứ vải tấm, khổ rộng khoảng hai gang tay, là sản phẩm của các khung dệt thủ công phần lớn ở vùng Bưởi.
(Ngày ấy, để tránh nhầm lẫn, người ta đã gọi phố Hàng Vải ngày nay là phố Hàng Vải Thâm).

5. Phố Hàng Bút (đoạn cuối còn lại) :
Ở đây bán các loại bút lông và nghiên, mực, giấy, ... Nghiên ở vùng núi đá Sơn Tây đem đến, mực do làng Kiêu Kị sản xuất hoặc nhập từ Trung Quốc, giấy do vùng Bưởi làm ra, ...
(Thời đó, phố Hàng Bút ngày nay tên là phố Hàng Mụn, do có những nhà dùng các mẩu vải thừa, các mụn vải mới để may mũ, đồ chơi, ... dành cho trẻ em).

(Theo Nguyễn Vinh Phúc, PHỐ VÀ ĐƯỜNG HÀ NỘI, Nhà xuất bản Giao thông vận tải năm 2004).

***

Phố Thuốc Bắc (15.11.19)
Ảnh : Trần Quang Dũng.
 — cùng với Trần Quang Dũng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét