Nhà báo: Phạm Thanh Hà
Bài và ảnh
Tôi không tin lắm vào việc Tết thiếu
thịt lợn. Vì bằng cách nào đó, từ những năm tháng nghèo đói và tem phiếu, Tết ở
Hà Nội vẫn có thịt lợn làm nhân bánh chưng, gói giò, nấu canh bóng, làm nem, …
Chỉ là nhiều hay ít thôi. Phân phối mậu dịch chẳng đủ, quê nhà không tiếp tế,
thì công đoàn cơ quan thể nào cũng vẫn tìm cách liên hệ mua đâu đó một vài con
lợn, để mỗi cán bộ công nhân viên thêm dăm bảy lạng đến một vài cân thịt, cho
cái Tết đủ đầy. Người Hà Nội rất giỏi xoay xở để Tết không thiếu thốn gì, từ xưa
vẫn thế.
Tôi nhớ những gói thịt mà bố mẹ tôi
được chia trong thời bao cấp, mỗi Tết, ở cơ quan. Chủ nghĩa bình quân đầy tương
ái tương thân thể hiện trong mỗi gói thịt như thế. Con lợn được chia như chia
cỗ ở làng, nhưng không phải bằng một tay mõ chuyên nghiệp cụ Ngô Tất Tố viết
trong “Việc làng”.
Chỉ là mấy cán bộ nào đó tháo vát
hơn những người khác trong cơ quan đảm nhiệm mọi việc, từ giết mổ, làm lông,
pha lợn ra từng tấm để phân phát cho mọi người. Náo nức cả cơ quan từ một góc
sân nào đó, có thùng phuy nước sôi, có hàng đám người chỉ trỏ bàn tán. Cỗ lòng
trở thành một bữa liên hoan tập thể náo nhiệt.
Rồi, mỗi người được nhận một phần
thịt mà sau cùng, giống như một gói thịt vụn. Trong đó có một mảnh ba chỉ, một
mảnh thịt mông, một cục xương, một miếng chân giò, … Không để ai thiệt, vì có
khi thiệt miếng nọ miếng kia sẽ đưa đến việc mất lòng hoặc thậm chí kiện cáo.
Ai cũng có chỗ này một chút, chỗ kia một chút.
Góp gói thịt của cả hai bố mẹ, cùng
với thịt mua phiếu mà ngày Tết có được nhiều hơn ngày thường, là đủ tưng bừng
một nồi thịt đông, một nồi măng và nhân bánh chưng ít nhiều cũng đủ. Cái gói
thịt nhiều mảnh vụn ấy, về sau ngẫm lại, dường như đưa ra một triết lí nào đấy
thương thương tội tội, trong cách sống cộng đồng.
Cái thương thương tội tội ấy chấm
dứt lúc nào tôi không nhớ. Nhưng những lần thịt lợn gây náo động thị trường, cả
thừa lẫn thiếu, tôi lại thấy có đâu đó trở lại.
Không khí chia thịt thời bao cấp
tưởng đã mất từ lâu lắm, cách đây ít lâu tôi gặp nó trong một cuộc đụng thịt ở
một chúng cư. Ngày mà người Hà Nội biết sợ thực phẩm bẩn, sợ lợn nuôi bằng
thuốc tăng trọng và những điều tương tự, nếu có ai đó nói ở quê nhà hiện giờ,
có chuồng nuôi lợn chỉ rau với cám, bã với hèm, … thì việc bàn nhau chủ nhật
này về thuê làm thịt một con lợn mang lên chia nhau là việc rất dễ xảy ra.
Thế nhưng điều ấy không gây tưng
bừng như những cuộc chia thịt Tết. Gọi đúng tên, đấy là những cuộc đụng lợn đơn
giản vì mục đích ăn uống an toàn. Nó làm công cuộc đô thị hóa của chúng ta lui
lại nhiều bước, vì nói chung, ở hành lang chúng cư bỗng dưng bày ra một phản
thịt thà mỡ xương lẫn lộn như chợ làng. Vui có vui một chốc, nhưng nhếch nhác
hôi hám thì khó lòng phủ nhận.
Cùng nhiều lí do khác nữa, việc đụng
lợn chúng cư không phổ biến, cũng không kéo dài được lâu. Vả lại, thời buổi văn
minh hiện đại, thiếu gì trang trại quanh thành phố để mà rủ nhau lên đấy đụng
lợn khi cần. Lợn sau khi được giết mổ sạch sẽ, chia thành từng gói hút chân
không. Một con lợn chia tư hoặc chia tám, cũng mỗi phần có đủ người miếng nọ hoặc
miếng kia.
Thời buổi hiện nay, việc mua thịt
lợn ở chợ hoàn toàn dễ dàng, dù giá có tăng gần gấp đôi. Nhưng gấp đôi, thì
thịt lợn vẫn kém thịt bò, không đến mức không thể ăn được. Chỉ là sự hiện diện
của thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta phổ biến hơn bất kể một loài
thịt nào khác. Con lợn cũng cống hiến sự sống cho loài người hơn bất kể một
loài vật nào khác. Nên việc cảm giác sẽ thiếu thịt lợn khiến con người cảm thấy
bất an hơn.
Bởi thế, tôi chắc những cuộc
"đụng" lợn Tết sắp tới sẽ nhiều. Những gói thịt nhiều mảnh vụn có thể
khác đi, ở chỗ không phải là những mảnh mà là những miếng dày dặn hàng cân, hút
chân không rồi cho vào tủ cấp đông. Những cuộc đụng lợn mang tinh thần làng xã,
thương thương tội tội, hóa ra cũng chẳng dễ dàng gì biến mất.
Thôi cũng chẳng sao, vì Tết vẫn còn.
(Theo Sống ở Hà Nội, báo An Ninh Thủ
Đô ngày 02- 01- 2020).
— cùng với Trần Quang Dũng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét