(Viet Cuong Sarraut sưu tầm)
Các tài liệu nói về Ô Chợ Dừa rất ít nhưng lại là cái tên rất thân quen với người Hà Nội. Nó được đặt tên cho một cái ngã 5 lớn có Đê La Thành đi qua cuối phố Hàng Bột(nay là Tôn Đức Thắng) thuộc làng Thịnh Hào, cuối phố Khâm Thiên thuộc làng Thổ Quan, đầu phố Nam Đồng(nay là Nguyễn Lương Bằng) và phố Xã Đàn có đàn Xã Tắc.Nó được đặt tên cho một Phường của Quận Đống Đa.
Tư liệu đầu tiên được tìm thấy nói về ô Chợ Dừa chỉ có:
1. Ô Thịnh Quang, tên Nôm là Chợ Dừa, sau đổi là Thịnh Hào.
2. Tại cửa ô này có 1 ngôi chợ đươc họp dưới bóng dừa
Ngôi chợ dưới bóng dừa chính là cơ sở để có địa danh tiếng Nôm là Ô Chợ Dừa.
Hãy tiếp tục lần giở lịch sử để có thêm cái nhìn tổng quan về địa danh này:
Thành Đại La đời Lý mở các cửa: Triều Đông ( ở dốc Hòe Nhai), Tây Dương (trước cây Cầu Giấy), Trường Quảng (Ô Chợ Dừa), Cửa Nam (Ô Cầu Dền), Vạn Xuân (Ô Đống Mác). Thành Đại La được bao bọc mặt ngoài bởi ba con sông: sông Nhị, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và được tận dụng như những con hào tự nhiên…
Cửa Trường Quảng chính là nơi có ngôi chợ dưới bóng dừa ấy (khi nhà Lê xây dựng lại Hoàng thành thì các cửa thành lúc ấy được gọi là cửa ô). Vì vậy, ngoài Hán danh là Ô Thịnh Quang, Thịnh Hào còn có 1 cái tên Nôm là Chợ Dừa, do Chợ Dừa đã tồn tại trước đó.
Theo Thượng Kinh ký sự, phần Đến Kinh Thành (đoạn gần cuối) của Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác viết khi ông được quan Chính Đường (Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo) tiến cử lên kinh đô chữa bệnh cho Thế Tử Trịnh Cán (con chúa Trịnh Sâm và Tuyên Phi Đặng Thị Huệ) năm 1782 thì cửa Vũ Quan (Ô Chợ Dừa), được mô tả như sau:
..…cùng đi theo cửa Vũ Quan, nhắm cửa thành mà vào. Tôi thấy một cái thổ thành không cao lắm, kế bên có một dãy tường nhỏ, trên mặt tuờng ngựa đi được; phía ngoài là hàng rào tre dày đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, thật là mười phần kiên cố. Ba tầng vọng canh được thiết lập nơi đây, tầng nào cũng có quân lính đứng thành hàng hai bên, đao thương xán lạn, hào quang như tuyết. Lính giữ cửa thấy bọn tôi đi có mang binh khí, xét hỏi thật nghiêm ngặt, đến khi biết rõ đầu mối, lại nhận thấy dấu hiệu áo lính trấn đất Nghệ An, mới để cho đi…
Và theo nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy về quang cảnh ô Chợ Dừa:
...…Có những hôm cửa ô Chợ Dừa tấp nập lạ thường. Đó là những ngày triều đình ra quân. Quan tướng nhận chiếu chỉ, lạy từ vua trước sân rồng rồi lên xe. Vua xuống bệ, đặt tay vào lưng xe, đẩy làm phép một cái, gọi là “đẩy xe” để tỏ lòng tin cho quan quân yên tâm đi đánh giặc. Cờ mở, trống dong, các bạn đồng liêu đi tiễn. Tướng ra cửa ô, kéo lá cờ to có chữ họ của mình lên, cửa ô đóng lại. Sau đó, tướng lại “vi hành” về nhà để thu xếp, hôm nào xong xuôi mới trẩy thật. Những hôm có quan đóng như vậy, dân quanh cửa ô đi lại rầm rập, hàng quán bán đắt như tôm tươi. Lại có những hôm quân hồi vô lệnh, giáo mác lỏng chỏng, quân lính mất tăm. Nhân dân rầm rập chen ra khỏi cửa ô.…
Qua những dữ liệu trên, xét về vị trí địa lý thì cửa Trường Quảng (Vũ Quan, Thịnh Quang, Thịnh Hào) Ô Chợ Dừa chiếm 1 vị trí quan trọng trong các cửa Ô, và Đàn Xã Tắc cũng nằm ngoài cửa Trường Quảng - Ô Chợ Dừa.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì đàn Xã Tắc thời Lý được lập "ở ngoài cửa Trường Quảng". Cửa Trường Quảng ở đâu thì đến nay chưa rõ! Còn theo Đại Nam nhất thống chí thì đàn Xã Tắc thời Lý được lập "ở địa phận huyện Vĩnh Thuận về phía tây nam tỉnh thành, đắp từ năm Lý Thiên Cảm, Thánh Vũ thứ 5 (1048) nay còn nền cũ ở Thịnh Hào" …
Từ đó ta thấy tầm quan trọng của cửa Trường Quảng (Ô Chợ Dừa) với kinh thành Thăng Long và tại sao Ô Thịnh Quang (Thịnh Hào) lại có tên Nôm là Ô Chợ Dừa.
Những hình ảnh về Hà Nội xưa được đăng rộng rãi trên mạng internet và các trang viết về Hà Nội đã ghi lại quang cảnh Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tuy không có bức ảnh nào ghi cụ thể là Ô Chợ Dừa, nhưng những hình ảnh quanh khu vực Hồ Tây, làng Yên Thái (khu vực bên trong thành Đại La) thì thấy dừa được trồng rất nhiều. Có phải chăng sau khi chiến thắng quân Lâm Ấp(nhà nước Chăm Pa gồm hai bộ tộc Cau và Dừa, bộ tộc Dừa tách ra thành lập nước Lâm Ấp) ngoài số tù binh được tướng Phạm Tu Lý - Phục Man đưa về quê mình ở làng Yên Sở(còn gọi là làng Dừa) thuộc huyện Hoài Đức, thì còn có số khác được đưa về để xây dựng lũy thành Tô Lịch? Và đây cũng là một minh chứng cho sự có mặt của bức tranh Hứng Dừa trong tranh dân gian Đông Hồ khi nói về nét sinh hoạt của dân tộc ta cách nay hơn 500 năm.
____________
Hình ảnh nút giao thông Ô Chợ Dừa ngày nay(ảnh st)
159
— cùng với Viet Cuong Sarraut.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét