QUANG TRUNG - VỊ HOÀNG ĐẾ CẦU HÔN THANH TRIỀU
Trong
lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam , Nguyễn Thái Tổ có lẽ là vị
Hoàng đế duy nhất cầu hôn một gia đình Hoàng gia ngoại quốc.
Không
những thế, đó còn là quốc gia vừa mang quân đến xâm lược Việt Nam và Nguyễn
Thái Tổ là người chỉ huy quân dân đánh tan.
Sách Đại
Nam Liệt Truyện (Tập 2, Quyển 30) của Quốc sử quán Triều Nguyễn chép:
"Năm
Nhâm Tý (1792), Huệ sai làm tờ biểu đưa sang nước Thanh, xin cầu hôn, để do
thám ý vua Thanh, cũng muốn mượn cớ ấy để gây mối đao binh nhưng gặp khi bị ốm
không đi được."
Ngoài
ra, trong Bộ Bang giao lục có nói về một "Thỉnh hôn biểu" của Hoàng
đế Nguyễn Thái Tổ gửi Hoàng đế Càn Long (Trung Quốc) để xin cầu hôn:
"Thần
là kẻ áo vải, được nhờ ơn cả, lạm giữ cõi Nam . Từ khi vào triều cận nơi cung
khuyết đã được đặc cách làm lễ bảo kiến vấn an. Lại được ban thưởng trọng hậu,
ân sủng dồi dào. Phàm là việc mà cõi phương Nam từ xưa nay chưa ai từng được ưu
hậu như thần cả.
Ðến khi
thần về nước, lại được đặc ân mọi bề, cấp ban thánh chỉ, ơn cao lồng lộng của
nhà vua thật không sao kể ra cho xiết ! Thần là kẻ nhỏ nhoi ở nơi hẻo lánh xa
xôi chẳng ngờ lại được hưởng ân lộc đến thế ! Tấm lòng canh cánh ngày đêm mong
sao sớm được đền đáp. Song thần chưa có dịp để thực hiện.
Chỉ mong
được thường gõ cửa trời, gần nhìn bóng nhật, nhưng ở phương xa, núi sông cách
trở. Sức muốn làm nhưng không được như ý. Hễ qua khỏi cửa ải Nam Quan thì thân
cũng hóa thành sơ.
Thần những
mơ tưởng khúc nhạc quân thiều, ngóng trông vân hán, hằng e mình rồi cũng đến
như hạng tầm thường, bị liệt ra ở ngoài vòng thanh giáo làm phụ lòng công ơn
trời bể của Thánh từ! Trộm nghĩ, thánh nhân tỏ lòng giúp đỡ phiên thần để nối
lại chỗ sơ thành ra thân thiết, phần việc đều cư xử như đạo xưa.
Nước
thần ban đầu, vua Kinh Dương Vương chịu mệnh nơi Viêm Ðế, bà Âu Cơ kết duyên
cùng vua Lạc Long. Tổ nước Văn Lang mở cõi Giao Chỉ, trăm trai nối dõi, từng
làm phên dậu phía Nam, may nhờ phúc ở Trung Hoa, được nổi danh là văn hiến thế
đại, dẫu đã xa nhưng sử sách còn đủ để khảo xét.
Từ khi
nhà Tống dấy lên, ràng buộc nước thần, nên mới ra ngoài vòng đức hóa, không
liệt vào hạng minh đường, chỉ để như hạng hành bộc khác mà thôi. Nhà Thanh ta
được trời quyết cố, rộng đến muôn phương, chỗ nào có bóng mặt trời soi đến đều
coi muôn dân như chung một bọc, như con một nhà.
Kính
nghĩ, Ðại Hoàng đế Bệ Hạ đức ngang với trời đất, đạo cao hơn vua Hiên vua
Nghiêu, vỗ về cho chư hầu mến phục, dịu dàng cho người xa hướng về không phải
là kiểu tầm thường như các triều đại gần đây. Thần lạm được thánh thượng coi
như con ruột, liệt vào hạng thân vương. Phận này, dù tận nơi xa khuất, nhưng
tình ấy vẫn kể như vô cùng.
Thiết
nghĩ, muôn vật đều không giấu mình được với trời đất. Con cái không thể giấu
được tính với mẹ cha, thì chuyện riêng của gia đình cũng không dám che dấu được
với bậc chí tôn. Mới đây, nhà thần gặp việc không may, thiếu người giữ việc
chăm lo hương khói. Trên nền xây dựng phong hóa cũng thiếu người đỡ đần. Vậy muốn
núp dưới bóng cây ngọc để bám vững vào gốc dân.
Ngưỡng
trông thánh triều phát tích từ nơi Trường Bạch, mang đến phúc lành cho con cháu
hàng ngàn hàng ức, nối đời phồn thịnh. Lâu nay cứ việc là vua thì chọn những
nơi quí hiếm để gả Công chúa chứ không có lệ lập hôn đến các phiên thần ở cõi
phương xa. Phép luật đã nghiêm nhặt như thế, thì làm sao có thể vươn tới cành
ngọc cho được, chỉ vì một nỗi niềm riêng tư trông ngóng, việc cứ trăn trở mãi
không thôi.
Ngẫm
mong cành ngọc nhà trời lan rộng đến mọi chốn mọi nơi, ngõ hầu thần được hưởng
phúc lành theo dấu gót lân, đem phong hóa quan thư ban ra cho mọi lẽ, những
việc tề gia thuận thảo ở chốn gia đình sẽ là mẫu mực để dân trong nước học
theo. Tập làm quen với nề nếp chốn Trung Hạ, gạt bỏ thói cũ, khiến thần dân
trong nước thỏa niềm ước mong của vòng đức, hóa, cao sang. Mong sao dòng dõi
của thần, đời đời được giữ mãi làm phiên phong, hưởng mọi sự tốt lành ! Ðó là
điều mong lớn nhất của thần !
Do ở
phương xa lại có việc xảy ra bất trắc nên thần đã bàn với bầy tôi, ai cũng
không dám, nhưng vì thần mà họ đề nghị phải làm. Cửa vua muôn dặm, trông ngắm
đăm đăm. Nay đành đánh bạo mà làm, tự nghĩ cũng cần nên cân nhắc, nhưng vì tỏ
lòng thành kính, sai kẻ bồi thần sang xin triều kiến thay mặt thần, họ sẽ nói
lên nỗi lòng thần muốn bày tỏ.
Mong sao
cho được đấng anh minh rủ thương, xét cho thần vì tấm lòng chân thành, trìu
mến, tha thứ cho thần những lời mạo muội, táo bạo trong việc xin cầu hôn. Thần
ở biển Nam ,
ngóng trông sao Bắc xin kính chúc thánh thiên tử sống lâu muôn tuổi, mãi mãi là
cha mẹ của dân vạn nước.
Thần
xiết bao lo lắng, ngóng mong ! "
Nguồn
khảo cứu:
- Khâm
Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục.
- Đại Nam Liệt
Truyện.
- 13
Biên Khảo Về Nhà Tây Sơn.
Nguồn
ảnh: Tranh vẽ Hoàng đế Nguyễn Thái Tổ mặc Cổn Miện trong Lễ đăng cơ do Duy Tran
vẽ, đăng trên Đại Việt Cổ Phong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét