XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

CON NGƯỜI, ANH LÀ AI




"Con người, Anh là ai ?

Nhân ngày "Nhà báo Việt Nam" năm nay 2021, tôi xin trình làng một bài báo tôi viết cách đây 11 năm và chưa đăng ở báo nào cả. Tôi dành nó cho tờ "Văn Hóa và Phát triển" do ông bạn nhà báo chiến sỹ , bạn từ thời học trò của tôi : nhà báo Phạm Việt Long làm Tổng biên tập. đây là quà tặng của tôi với Tạp Chí và tất cả mọi người.

Bài này là "lời xám hối" của tôi và cũng là những phỏng đoán khoa học của tôi mà   đại dịch Covid Vũ Hán trong 2 năm qua đã làm lộ ra chân tướng xấu xa của một bộ phận loài người rất hiểm nguy mà Nhân Loại cần cảnh giác cao độ.

Bài viết từ 2010, cách đây dã 11 năm..

Lời xám hối muộn màng

Lời xám hối của tác giả bài viết “con người anh là ai” trên “Khảo cổ học” gần 40 năm trước”

                                Vũ Thế Long

          Mấy năm trước, tình cờ tôi được đọc  cuốn sách nổi tiếng của một nhà văn Trung Hoa “Người trung Quốc xấu xí”. Tác giả đã dũng cảm liệt kê một lọat thói hư tật xấu của dân tộc Trung Hoa, già một phần tư nhân loại. Cuốn sách ra đời đã bị dư luận phản ứng dữ dội. Sau đó, người ta mới nhận thức được rằng: nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật, tìm ra cái yếu cái dở của chính mình, của dân tộc mình, của nhân loại, không biết tự phê bình để tiến bộ mãi thì làm sao mà tiến bộ được. Cuốn sách trở nên rất nổi tiếng và người Trung Hoa đang có những bước tiến bộ đáng kinh ngạc. Chúng tôi mạo muội mượn cụm từ “xấu xí” trong đầu đề cuốn sách để lạm bàn về một số mặt xấu xí của loài người. Chúng tôi không dám bàn về những tính cách xấu xí của cả nhân loại. Chỉ dám bàn luận đôi điều về những ứng xử chưa hay, chưa đúng của con người với môi trường sống, với hệ Sinh thái Nhân văn để từ đó cùng suy ngẫm về một lối sống sao cho hài hòa với môi sinh. Góp phần thúc đẩy cuộc sống của chúng ta tốt hơn, đẹp hơn.

          Phải chăng chúng ta đã quá huyênh hoang với quyền lực của con người ?

          Cách đây 39 năm, trong một bài viết của mình “Con người anh là ai?”(Vũ Thế Long, Tạp chí Khảo cổ học số 11-12, 12-1971), chúng tôi đã dám liều viết : Lao động đã tạo ra một môi trường mới, môi trường trung gian giữa con người và tự nhiên. Con người ngày càng thích nghi một cách chặt chẽ với môi trường chính mình tạo ra và càng gắn chặt với môi trường ấy, thì cũng càng bớt lệ thuộc vào các yếu tố tự nhiên. Môi trường đó bắt đầu từ những yếu tố đơn giản và ngày càng hoàn bị: con người đã làm ra quần áo để mặc mà không bộ lông thú nào có thể bì kịp, con người đã làm ra nhà cửa để ở, đóng tàu thuyền,đi lại dưới nước giỏi hơn cá, chế tạo máy bay nhanh hơn chim...Con người đã tạo ra trí thông minh và đã vượt xa những khả năng mà các loài vật đã đạt được qua một quá trình tiến hóa rất lâu dài. Con người đã vươn tới đỉnh cao của hệ thống tiến hóa trong sinh giới.

 Nhờ lao động, nhờ chế tạo, con người đã trở thành vị chúa tể của thế giới này, và, ngày nay đang tiến tới làm chủ cả khoảng không vũ trụ bao la, làm chủ cả các hành tinh khác...

          Với ý nghĩ “ Con người là chúa tể của muôn loài” và với tư duy ích kỉ: Cuộc sống trên thế giới này là của con người, tùy thuộc vào con người. Con người muốn làm gì thì làm. Loài người đã vung lưỡi rìu của mình đốn hết khu rừng này đến khu rừng khác. Biến bao rừng núi xanh tốt thành hoang mạc. Thẳng tay tàn sát biết bao thú rừng và phá tan tành nơi ở nơi sống của biết bao loài vật trên trái đất. Chúng ta đã ca vang “Rừng ơi ta đã về đây”...nhưng không phải là về để nâng niu, gìn giữ và bảo vệ. Về để chặt, để phá ! Đã có những chàng trai được báo chí thổi lên thành những dũng sĩ diệt voi, diệt hổ, diệt bò tót ...Và cho đến nay, khi những giọt nước mắt hối hận muộn mằn nhỏ xuống thì hầu hết các khu rừng qúy đã bị cạo trọc. Các loài thú hiếm và cả thú không hiếm đã bị xóa sổ. Thiên tai, lũ lụt đang ngày càng diễn ra với một quy mô khủng khiếp hơn. Nguyên nhân gây ra những thảm khốc ấy, có một phần tội lỗi không nhỏ của chính nhân loại. Luật pháp đã đứng ra bảo vệ thiên nhiên. Loài người đã gắng công phục hồi lại rừng xưa nhưng cho đến tận lúc này, vẫn còn những kẻ tham lam đang tâm tiếp tục tàn sát tự nhiên dưới mọi hình thức.

          Tôi xin được tự xám hối: Từ nay xin phép không bao giờ được coi loài người là chúa tể của thế giới này nữa. Chỉ xin nguyện cầu được làm một thành viên tử tế của nhân loại, một tiểu phần có tri thức của vũ trụ bao la cũng đã là qúa toại nguyện rồi.

Phát triển và thụt lùi

         Đã có muôn vàn công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển và văn hóa. Loài người ở nhiều nơi trên thế giới đã phạm phải lắm sai lầm. Với mục tiêu tăng trưởng, phát triển, người ta đã bất chấp mọi nguy cơ tiềm ẩn đứng đằng sau của phát triển. Bằng mọi cách để phát triển nhanh, người ta thi nhau khai thác mọi nguồn năng lượng cho đến cạn kiệt. Trung bình, mỗi ngày trên thế giới có đến mấy chục nhân mạng bị chết thiêu chết vùi trong các hầm lò. Thỉnh thoảng lại xảy ra vụ nổ nơi này nơi khác giết chết hàng trăm hàng ngìn nhân mạng. Nặng thì nổ cả lò phản ứng nguyên tử gây tai họa cho cả một vùng, rò rỉ chất độc làm bao người chết. Người nhiễm độc thì sống cũng người chẳng ra người. Nhẹ thì cũng làm ô nhiễm cả một thành phố, cả một con sông. Mỗi ngày hàng trăm người chết vì tại nạn xe cộ. Phát triển mà không tính toán mục tiêu vì cuộc sống của con người thì phát triển sẽ đi liền với hủy hoại.

 Khi xóa sổ một rừng cây, khi di dời hàng vạn dân ra khỏi nơi cư trú ngàn đời của mình, loài người đã làm thay đổi toàn bộ hệ sinh tái tự nhiên cũng như hệ sinh thái nhân văn được hình thành từ hàng ngàn hàng vạn năm. chính vì thế, nhân loại đang cố sức gìn giữ những gía trị văn hóa mà loài người đã tích lũy được trong lịch sử sinh tồn của mình. Những tri thức bản địa tồn tại trong từng bộ tộc, dân tộc, không kể thiểu số hay đa số trên toàn thế giới đang đượcUNESCO và nhiều tổ chức chú ý sưu tầm, khôi phục và gìn giữ.

 Kinh tế phát triển, từ đói kém nghèo nàn đến khá giả và giàu sang là điều đáng mừng. Nhưng đi theo đó lại là một loạt các hậu quả về mặt xã hội không lường trước. Nhiều gia đình bỗng chốc trở thành giàu có nhưng sau đó là tan nát, con cái nghiện ngập, bệnh tật, cửa nhà tan hoang. Vậy cái đó có phải là cái giá chọ sự phát triển ? Nước giàu mà sống ích kỉ, thanh niên ẽo ợt, lười biếng,không chịu học hành thì đấy có phải là con đường đi lên của mỗi quốc gia, dân tộc? Bởi thế, chúng ta cần có một cái nhìn tổng thể, một quy hoạch bền vững cho sự phát triển. Không chỉ chạy theo những con số của GDP tính theo đầu người mà phải đi liền với sự phát triển lành mạnh về con người và nhân cách, văn hóa...

        Chừng nào con người nhận thức được cái gía phải trả cho lòng tham lợi nhuận đơn thuần mà thiếu sự chăm sóc cho cái phần “Người” trong cộng đồng nhân loại thì nhân loại mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.

       Con người và các đại dịch, thiên tai

        Trong lịch sử của mình loài người đã phải trải qua hết thiên tai này đến thiên tai khác. Hết đại dịch này đến đại dịch khác. Thửơ xưa đã có những đại dịch, thiên tai giết chết hàng triệu người. Loài người đã phấn đấu hy sinh không mệt mỏi để tìm cách giảm nhẹ thiên tai, phòng trừ dịch bệnh.     

Ngày nay, khi con người đã phát triển ở một trình độ cao hơn trước. Con người đã tự giải mã được bộ gien của mình. Đã nhân bản vô tính được nhiều loài vật, tạo ra được nhiều giống vật nuôi, cây trồng, chủng vi sinh vật mới và cả muôn vàn loại thuốc kháng sinh khác nhau nhưng thiên nhiên lại không ngừng sinh ra những thách đố mới. Nhiều thuốc thì lại có nhiều vi trùng kháng thuốc. Nhiều Vacine thì lại có lắm virus biến thể mới ra đời. Một trong những nguyên nhân gây nên những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, kháng thuốc, dị ứng...Chính lại là do con người tạo ra trong sự phát triển thiếu cẩn trọng hoạc phi đạo đức của chính mình.

          Diều gì sẽ xảy ra nếu trong phòng thí nghiệm có những kẻ làm khoa học bất lương? những tên khủng bố nhân loại đội lốt khoa học ?

          Loài người muốn phát triển bền vững và lành mạnh trước hết, phải tự sửa chữa những cái xấu xa của chính mình. Sống hài hoà với môi trường tự nhiên và môi trường xã hôi là điều mà nhân loại hằng mong ước và hướng tới.

Hà Nội 20-1-2010

Nguồn thừ Facebook Vu The Long

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

NỬA ĐỜI VỀ SAU

 

1*Nửa đời về sau, hãy trầm tĩnh.

Đôi khi bị người khác hiểu lầm, đừng tranh luận.

Trong cuộc sống, có nhiều chuyện khó có thể nói rõ ràng đúng sai, nhiều điều  không hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai…

2*Nửa đời về sau, hãy bình thản.

Người ta đến độ tuổi nào đó, tự nhiên không còn thích ồn ào.

Tâm thái bình thản giúp con người khỏe mạnh, sống lâu.

Cho dù đời sống vật chất dư dả hay túng thiếu, nội tâm bình thản là sống hạnh phúc

3*Nửa đời về sau, hãy biết nhún mình.

Bất đồng ý kiến với với con cái, mâu thuẫn với bạn bè, không sao cả. Khi đó bạn hãy về làm chút việc nhà …

Trong lúc làm lụng, bạn sẽ thấy tâm trạng và suy nghĩ của mình dịu lại.

4*Nửa đời về sau, đừng ân hận.

Cuộc đời là con đường dài với vô số ngã rẽ, và ta luôn luôn phải lựa chọn.

Không có cơ hội nào lặp lại nữa, lựa chọn rồi thì đừng  ân hận, cũng đừng nghĩ rằng muốn làm lại từ đầu.

5*Nửa đời về sau, hãy tiếp tục tìm tòi, học tập.

Đọc sách xem báo, vẽ tranh, ca hát, nghe nhạc…tất cả những thứ đó đều có thể đem lại niềm vui, làm cho mình thư thái, dễ chịu.

6*Nửa đời về sau, hãy đơn giản.

Suy nghĩ quá nhiều, chỉ làm cho đời mình thêm phức tạp.

“Đơn giản” là một ân huệ mà trời ban cho chúng ta, sao lại bỏ nó đi.  Cảm nhận món ngon, chơi vui đây đó, tán chuyện trên trời dưới biển với bạn bè…

7*Nửa đời về sau, đôi lúc nên dễ dãi với mình.

Ăn trái cây, rau quả, thực phẩm lành mạnh là tốt rồi nhưng có lúc thèm thịt cá? Vậy thì cứ ăn đi!

8*Nửa đời về sau, hãy ăn mặc đẹp.

Yêu cái đẹp là điều ta theo đuổi cả đời, đừng nghĩ mình có tuổi rồi không nên chưng diện nữa Lúc lưng còn thẳng, chân còn khỏe, hãy mặc cho đẹp cho sang…

9*Nửa đời về sau, đôi lúc ngờ nghệch một chút cũng chẳng sao.

Có những chuyện cần thờ ơ thì thờ ơ. Cái gì không làm rõ được thì thôi, kệ nó. Mình có thể quên đi ai đó thì quên đi.

Nếu chỉ biết nhớ không biết quên, chỉ biết tính toán chi li, mà không biết phiên phiến cho qua, chỉ biết khôn khéo mà lại không biết vụng về… thì cuộc đời nặng nề, còn lúc nào được thanh thản.

10*Nửa đời về sau, hãy mong điều may cho người khác.

Ta đối với đời thế nào, đời cũng sẽ đối với ta như thế. Hãy khen bạn bè, khen con cháu,  thậm chí cả người xa lạ cũng đừng tiếc một lời đẹp! Khi mình làm cho người khác vui, mình sẽ nhận ra rằng mình cũng vui…

TÍNH XẤU NGƯỜI VIỆT QUA TỤC NGỮ CA DAO


Từ xa xưa tục ngữ, ca dao đã phản ánh tính xấu của người Đông Lào.

“Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” nên chuột cũng biết lo lót quà cáp cho mèo để việc đại hỉ được “đầu xuôi đuôi lọt” trong bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng Đám cưới chuột;

"Tay có ngón ngắn ngón dài, người có năm bảy hạng" nên có những quan điểm sống trái ngược nhau. Do vậy tục ngữ cũng là tấm gương phản chiếu những tật xấu, nhân sinh quan của một bộ phận người Việt.

Trước hết đó là tính cá nhân, vị kỷ, chỉ biết vơ vén cho mình, cho gia đình, họ hàng, với lối sống khôn lỏi, ranh vặt: khôn sống mống chết, khôn ăn người, dại người ăn. Và tạo ra những vây cánh họ tộc: trong họ ngoài làng, "một người làm quan cả họ được nhờ".

Người Việt trọng miếng ăn: "đánh mõ không bằng gõ thớt", muốn ăn trước người, còn khó khăn, nguy hiểm đùn cho người khác: "ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau".

Của chùa, của người thì bồ tát mặc sức xài xả láng, còn của mình thì lạt buộc. Điều gì cá nhân không hưởng lợi thì không làm: "ôm rơm rặm bụng".

Việc chung sẽ có người khác lo, tội gì "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", chỉ tổ "lắm thóc, nhọc xay". Ấy vậy nên cha chung không ai khóc.

Lối sống vô cảm cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi cũng sinh ra từ tính cá nhân, ích kỷ.

Muốn sống yên ổn trong một xã hội nhiều tai bay vạ gió, con người phải thu mình lại, tránh những vạ miệng, nói năng nước đôi: "người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo", "làm trai cứ nước hai mà nói" hoặc "mũ ni che tai, việc ai chẳng biết".

Có lối sống an phận lão giả an chi, nhẫn nhục im lặng "ngậm miệng ăn tiền", cam chịu thân hèn không dám động đến những người quyền chức, còn do "miệng quan trôn trẻ, lươn lẹo khó lường". Thấp cổ bé họng nhưng muốn sống an toàn nên sẵn sàng lo lót, chạy chọt.

Dẫu nghề nào cũng “ăn”, cũng “tham nhũng vặt”: "thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ, thợ bồ ăn nan, thợ hàn ăn thiếc"... nhưng nghề làm quan thì hết biết: "quan thấy kiện như kiến thấy mỡ". Nghề làm quan kiếm ăn dễ nhất, “khủng” nhất, tham nhũng lớn nhất khiến bà mẹ phải thốt lên: "Con ơi mẹ bảo con này/cướp đêm là giặc cướp ngày là quan". Quan mới hay bới chuyện. Vô phúc mới lôi nhau lên quan. "Vô phúc đáo tụng đình, tụng đình rình vô phúc", bởi "nén bạc đâm toạc tờ giấy".

Coi mình là trung tâm, cái gì của mình cũng hơn và thiên lệch đến vô lý: "Ta về ta tắm ao ta/dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn".

Mình là nhất nên không thích và cũng không có khả năng hợp tác, nhất là khi quyền hành nắm trong tay. Hậu quả là "lắm thầy thối ma, lắm cha con khó lấy chồng". Tự cao đấy nhưng cũng lại tự ti đấy: "văn mình, vợ người".

Anh em sinh đôi của tính ích kỷ, cá nhân là bệnh háo danh, dẫu là hư danh. Trạng Quỳnh từng được người làng cầu cạnh giúp họ trở nên ông nọ bà kia, với cuộc đời một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Sinh thói trọng hình thức, rồi nạn mua quan bán tước.

Có cầu ắt có cung. Hình thành những người hành nghề “chạy” (chạy chức, chạy quan, chạy bằng cấp, chạy huân chương, chạy danh hiệu..., chạy án, chạy tội…), và những người làm giả tất tần tật mọi thứ, tạo ra một xã hội đầy rẫy những giá trị giả.

Háo danh nên chỉ thích được khen, khó chịu cả với những lời chê hợp lý. Người Việt chỉ sợ mang tiếng chứ không sợ làm điều xấu.

Trong các từ điển tiếng Việt, chỉ có cụm từ (sợ) mang tiếng, (sợ) mất mặt mà không thấy (sợ) cái xấu. Còn công việc thì lại đùn đẩy nhau trách nhiệm, biên chế càng phình lên thì công việc càng rối và bê trễ, lắm sãi không ai đóng cửa chùa.

Đáng sợ nhất là thói kèn cựa "con gà tức nhau tiếng gáy", "trâu buộc thì ghét trâu ăn, quan võ thì ghét quan văn dài quần" và thậm chí "không ăn thì đạp đổ".

Một xã hội mà tính cá nhân, đố kỵ nổi trội lại rất háo danh và coi trọng hình thức sẽ không có chỗ đứng cho những người tài, muốn đóng góp cho đất nước luôn vươn tới những tầm cao mới. Chỉ có chỗ cho bọn khôn ranh, luồn lạch kiểu lươn, kiểu trạch.

"Đánh chó phải ngó chủ nhà": Nhiều vụ việc trong đời sống, nhiều cách hành xử cho thấy người Việt rất nhớ câu đánh chó phải ngó chủ, "gió chiều nào che chiều ấy", cốt sao được an toàn. Và cũng là lối sống "phù thịnh, chẳng ai phù suy". Ai chẳng may gặp rủi ro, thất thế thì người ta "nhờ gió bẻ măng", thừa cơ "đục nước béo cò", "giậu đổ bìm leo"...muốn béo cò phải khuấy cho đục nược, muốn bìm leo phải kéo cho dậu đổ và dìm cho chết luôn, cho kền kền rỉa xác. 

(Sưu tầm).

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

Kênh đào Kra

 

Giải mã phát ngôn Lý Hiển Long, cuộc chiến lợi ích

Tác giả bí ẩn NLA đã đưa ra giả thuyết.

(Ha ha, bao giờ cũng vậy, khi xuất hiện một vấn đề bí rị về tư liệu và mơ hồ về chính trị thì lập tức có một Facebooker mới te giải thích đầy đủ và gợi mở, còn hơn cả sách trắng chính phủ)

Mời anh chị xem và có ý kiến:

“Vài dòng về Kênh Kra... và vì sao Lý Hiển Long lại đánh Việt Nam lúc này!

Cho đến bây giờ, các tàu thuyền lưu thông từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương và ngược lại sẽ phải đi qua eo biển Malacca nằm giữa bán đảo Malaysia và đảo Sumatra. Eo biển này dài khoảng 1000 km, bề ngang hẹp, chỗ hẹp nhất chưa tới 2.5km với độ sâu khoảng 25m. Các tàu thuyền chở dầu và hàng hóa có trọng tải lớn khi đi qua đây gặp rất nhiều trở ngại nên thường phải chạy vòng xuống phía Nam của đảo Sumatra để đi qua eo biển Lambock, rộng và sâu khoảng 250m. Không chỉ vậy, lượng tàu thuyền đi qua eo biển Malacca ngày càng gia tăng làm cho sự lưu thông ở đây bị đình trệ. Đó là chưa kể, eo Malacca là thánh địa cướp biển, hải tặc Somalia tính ra chỉ là đám nghiệp dư.

Khi kênh đào Kra qua Thái hoàn thành, tàu bè sẽ tiết kiệm được khoảng 1000 km hải trình và giảm nguy cơ bị cướp đi nhiều lần. Tàu cướp biển thường là tàu nhỏ, khó di chuyển quá xa bờ và hải quân Việt Nam thì không hề "hiền" tí nào.

Khu vực hiện nay xuất khẩu hàng container từ biển Ấn và các khu vực châu Phi qua các nước phát triển đang phải đi thông qua rất nhiều các hải phận, quan trọng nhất là phải đi xuống cảng Sing, để từ cảng Sing xuất đi (lên).

200 năm nay, Singapore đã hưởng lợi từ vị trí chiến lược của eo Malacca. Nằm trên 1 trong các tuyến trung chuyển hàng hóa nhộn nhịp nhất thế giới giúp đảo quốc này luôn có nguồn thu từ tàu bè qua lại. Nhưng khi kênh Kra hoàn thành thì xin lỗi các bạn, Việt Nam sẽ tiếp quản cái vị trí thơm tho đấy.

Nếu kênh đào Kra xuất hiện thì hàng hải sẽ chỉ đi tắt qua Thailand chứ ai hơi đâu mà đi xuống Sing rồi đi lên để làm gì.

Điều đó chả khác gì cắt đứt nguồn sống của Sing. Các bạn nghĩ coi cái gì làm nên cú hích để nền kinh tế Sing nhảy lên vượt bậc? Cái gì làm nên cú hích cho các khu vực cảng Manila, Thượng Hải phát triển lên vượt bậc?!.. Đó là "Cảng trung chuyển, cảng thương mại hàng hóa đường biển đó"!... và năm ngoái cũng thời điểm này Việt Nam đang chuẩn bị thông qua Dự thảo Luật đơn vị hành chinh - kinh tế đặc biệt, nếu thông qua thì giờ Việt nam đã và đang xây dựng Vân Phong thành "Cảng Trung Chuyển Quốc tế Vịnh Vân Phong", các bạn biết cái cảng này lớn cỡ nào không ? Cảng trung chuyển, nó giống như nói theo kiểu dễ hiểu: "CHỢ ĐẦU MỐI trên biển".

Quan trọng là từ Việt Nam, hàng hóa sẽ xuất đi trực tiếp ra biển lớn, ra đường thông thương quốc tế, mà không phải đi qua một nước thứ 3 nào đó, từ đó chi phí về thuế quan sẽ là rẻ nhất quả đất đúng không ? Đồng nghĩa với việc lượng hàng hóa nhập vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam xuất đi đều sẽ giảm nhiều thứ thuế, các giao dịch thương mại tại Việt Nam ở khu cảng biển cũng sẽ thúc đẩy nguồn "ngoại tệ" lưu chuyển vào Việt Nam, điều đó càng kích phát hoạt động thương mại trong nước được phát huy. Đồng thời, cũng từ đây các nhà đầu tư khác cũng sẽ kéo vào Việt Nam để đầu tư, đặt văn phòng đại diện và thậm chí là chuyển hệ thống kinh doanh để bù trừ cho chi phí thuế ở các khu vực đắt đỏ trước đây!

niệm hoàn toàn khác với "Đặc khu kinh tế", cái cụm từ đặc khu này do báo chí giật tít lên chứ ngay trong Luật chả có chữ nào ghi là "Đặc khu!"

Vậy các bạn nghĩ coi AI LÀ NGƯỜI KHÔNG MUỐN VIỆT NAM có thể thu lợi từ Kênh Kra và cực kỳ không muốn thấy sự phát triển 3 khu vực kinh tế đặc biệt nhất lẫn "Cảng Trung Chuyển Quốc tế Vịnh Vân Phong" ?

Còn về Lý Hiển Long tại sao lại đánh phá vào lúc này. Bởi sắp tới Quốc hội chuẩn bị nhóm họp các Dự thảo Luật, trong đó thông tin về việc Dư thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được đem ra bàn luận lại đã xuất hiện từ tháng 5/2019 trên mạng rồi.

Giờ các bạn bảo "chơi bẩn" với Lý Hiển Long bởi lão ấy không xứng phải "chơi Quân tử". Đạo lý từ xưa các cụ dạy rồi: "đối với bọn tiểu nhân thì cần phải thể hiện quân tử ra mặt nhưng sau lưng đâm không trượt phát nào"... đằng này các bạn lại toàn đi làm ngược lại!... Thế thì lão ấy càng có lợi thế tiếng nói với quốc tế để tẩy chay Việt Nam, thử hỏi cộng đồng thế giới tin lời 01 lão Thủ tướng hay tin vào 01 đám người ngay cả nói đạo lý cũng không có cứ chăm chăm đi phá là chính!... Các cụ nhà ta xưa nay có câu: "Trường kỳ Kháng chiến ắt thành công!" các bạn quên rồi à, hay là không hiểu bản chất câu nói này!

 (hết trích dẫn)

Theo tìm hiểu của chúng tôi kênh đào Kra có thể mang đến lợi ích cho VN đặc biệt là Phú Quốc nhưng đã bị Thái Lan và Singapore tìm mọi cách làm chậm tiến độ.Dù ai đầu tư kênh Kra thì VN đều hưởng lợi, vì lợi thế địa lý vì nền kinh tế có độ mở lớn…

Kênh đào Kra là một dự án đề xuất đào một con kênh lớn qua miền nam Thái Lan để giúp cải thiện giao thông trong khu vực. Theo kế hoạch xây dựng kênh đào Kra có chiều rộng 400m, chiều sâu 25m và dài 135km nối liền từ Ấn Độ Dương tới vịnh Thái Lan.

Năm 1677, người Pháp đã đưa ra ý tưởng đào kênh tại nơi hẹp nhất của eo đất này để thông hai biển Andaman và vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, với kỹ thuật đương thời thì ý tưởng đó không thể trở thành hiện thực được.

Năm 1773, để tăng cường khả năng phòng thủ đất nước từ phía biển Andaman, vua Rama I của Thái Lan đã sai em trai nghiên cứu kế hoạch đào một con kênh, song kế hoạch này cũng không thành hiện thực.

Năm 1882, Ferdinand de Lesseps, Tử tước xứ Lesseps, người đã chỉ huy đào kênh Suez, tới thăm eo đất Kra và hứa sẽ giúp đào kênh này. Tuy nhiên, vào năm 1897 thì nước Anh không muốn cảng Singapore bị mất ưu thế, nên đã cùng với Thái Lan ký một hiệp định về việc không đào kênh qua eo đất Kra.

Năm 1973, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản và Pháp đã từng đề xuất thực hiện một vụ nổ hạt nhân quy mô nhỏ để đào con kênh này, nhưng kế hoạch cũng không được thực hiện. Hiện nay Trung Quốc mới chính là thế lực mong muốn giành quyền xây dựng và kiểm soát con kênh này nhất

Năm 2015, sau nhiều năm dừng triển khai kênh đào Kra thì Trung Quốc đã lên kế hoạch khởi động lại dự án kênh đào nhân tạo lớn nhất khu vực châu Á. Kênh Kra dự kiến được xây dựng với chiều dài 135km, nối liền Ấn Độ Dương và vịnh Thái Lan. Với kinh phí khoảng 35 tỷ USD, kênh đào Kra hứa hẹn sẽ thu hút hơn 30% lượng hàng hóa hiện tại đang đi qua Singapore và thay đổi hoàn toàn cục diện hàng hải khu vực.

Thủ tướng Thái Lan, bày tỏ quan ngại với công chúng với  tuyên bố rằng ông không ủng hộ dự án vì nó có thể góp phần chia cắt thêm đất nước, nơi hiện tại vẫn còn nhiều cuộc binh biến và tình hình chính trị không ổn định ở phía Nam

Nếu như tiếp tục triển khai dự án mang tên kênh đào Kra, các nhà vận động kênh đào của đất nước Thái sẽ nghiêng về phương án xây dựng một liên minh các nhà đầu tư - tài trợ quốc tế, nhằm tránh tình trạng quốc gia duy nhất (Trung Quốc) hưởng lợi từ kênh đào và các hạ tầng cảng liên quan.

Với kênh đào Kra, hoạt động thương mại quốc tế gia tăng từ sự vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sẽ làm thay đổi bộ mặt của những thành phố trong vùng duyên hải Việt Nam, Cambodia, Myanmar và đặc biệt là đặc khu Phú Quốc.

Nền kinh tế Việt Nam với thương mại hải cảng lớn đến 90% tổng lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển và đây là cơ hội rất lớn để đất nước tăng cường phát triển kinh tế hàng hải.

Với lợi thế về địa lý, các cảng biển nước sâu tại khu vực phía Nam Việt Nam nói chung và Phú Quốc nói riêng sẽ cạnh tranh trực tiếp với các cảng biển tại Singapore vì lộ trình hàng hải sẽ chuyển về phía bờ biển Việt Nam khi tàu thuyền từ Thái Bình Dương đi vào Biển Đông và Vịnh Thái Lan trước khi đi qua kênh đào Kra thay vì hàng hải gần bờ biển các đảo của Malaysia, Indonesia và Philippines trước khi đi vào eo biển Malacca.

Trung Quốc muốn đơn phương hóa kênh đào Kra Kênh đào này sẽ mở rộng vành đai kinh tế, tăng cường sức mạnh quân sự của hải quân Trung Quốc. Dự án này có những rủi ro chính trị nhất định, vì liên quan chặt chẽ tới môi trường chính trị của các nước trong khu vực Đông Nam Á và quan hệ Mỹ – Thái.

Singapore là quốc gia không hề mong dự án kênh đào Kra triển khai, quốc đảo này ra sức phản đối việc xây dựng Kra nhưng họ đồng thời cũng rất thực dụng khi các nhà đầu tư lớn của quốc đảo này cam kết rót vốn vào Phú Quốc, bởi ưu thế về vị trí siêu chiến lược trong khu vực Đông Nam Á.

Khi kênh đào này khai thông, tuyến đường hàng hải Quốc tế sẽ chạy dọc và bó sát các thành phố duyên hải Việt Nam từ Phú Quốc đến Vịnh Vân Phong. Vùng Vịnh Thái Lan thuộc lãnh hải Việt Nam sẽ trở nên nhộn nhịp và PHÚ QUỐC với lợi thế vị trí trọng điểm khu vực cùng cơ sở hạ tầng tốt có thể cạnh tranh với các cảng lớn khác trong vùng.

Hiện tại Phú Quốc xây dựng và triển khai “Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc” với diện tích 179.3ha có vốn đầu tư 1644 tỷ đồng. Đây là Cảng hành khách đa chức năng đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, có thể tiếp nhận tàu khách du lịch và hàng hóa công suất lớn, tạo động lực phát triển cho đảo Phú Quốc.

Với mối liên hệ đặc biệt mang tên “kênh đào Kra và Phú Quốc”, trong một tương lai khi kênh đào Kra chính thức đi vào hoạt động, người Việt Nam sẽ có thể kỳ vọng đảo ngọc Phú Quốc trở thành một Singapore thứ hai tại châu Á và hơn thế.

Ok, đó là lý do cho phát ngôn Tứ mã nan truy của ông Lý Hiển Long…

(Bài viết có sử dụng hình ảnh và tư liệu của Dandautu-Cảm ơn nhóm tác giả)

Sưu Tầm đọc để biết về Thái Bình Dương

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

Liệu pháp “hồng hạc động”



Phương pháp tập luyện độc đáo: Đứng 2 phút hiệu quả tương đương với việc bạn thể dục đi bộ 1 giờ

* Khai Tâm 

Một nhân viên văn phòng có thể đi bộ đến nơi làm việc và trở về nhà hàng ngày, tuy nhiên hiệu quả thể chất cũng tương đương với việc bạn đứng co một chân tại văn phòng trong vòng 2 phút.

Bác sĩ chăm lo sức khỏe cho cựu thủ tướng Nhật Bản đã chia sẻ một phương pháp luyện tập độc đáo, có tác dụng rèn luyện xương khớp và ngăn ngừa loãng xương. Đó là liệu pháp đứng bằng một chân hay còn gọi là liệu pháp hồng hạc động.

Liệu pháp “hồng hạc động”

Theo ông Ishihara Kushiro - bác sĩ sức khỏe của cựu Thủ tướng Nhật Bản, đứng bằng một chân hay còn gọi là “liệu pháp hồng hạc động - dynamic flamingo” là một môn thể dục có tác dụng rèn luyện xương khớp và ngăn ngừa loãng xương. Liệu pháp này không chỉ giúp tăng cường cơ bắp mà còn giúp xương cứng chắc hơn.

Ông Ishihara cho rằng, đứng bằng một chân trong 2 phút tương đương với việc đi bộ trong 1 giờ. Người ta đã xác nhận rằng những người có thể đứng bằng một chân trong thời gian dài sẽ ít bị ngã hoặc gãy xương hơn. Ngoài ra, đứng bằng một chân không cần chỗ rộng rãi để thực hành mà vẫn có thể thúc đẩy quá trình hình thành xương trong thời gian rất ngắn, khá hiệu quả trong việc tập luyện.

Ngoài bác sĩ Ishihara, giáo sư Keizo Sakamoto của Khoa Chỉnh hình tại Đại học Showa cũng đã hướng dẫn bệnh nhân của mình thực hiện bài tập này trong nhiều năm.

Giáo sư Sakamoto tin rằng "chỉ cần chân trái và chân phải đứng trên một chân trong 1 phút, gánh nặng cho xương chân cũng tương đương với việc đi bộ trong 1 giờ. Đây là bài tập rất thích hợp để ngăn ngừa loãng xương và gãy xương do ngã."

Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy, chỉ cần đứng bằng một chân trong 1 phút, 3 lần/ngày thì chỉ sau 3 tháng, hơn 60% người đã tăng mật độ xương ở cổ xương đùi.

Đứng như vậy trong 2 phút tương đương với đi bộ trong 1 giờ.

Ngoài ra, 100 tình nguyện viên thuộc phái nữ, trong độ tuổi từ 40 đến 80,  được chia thành hai nhóm A và B. Nhóm A tập đứng trên một chân 3 lần mỗi ngày ở mỗi bên chân trái và phải trong 1 phút, còn nhóm B không làm gì. 6 tháng sau, người ta thấy có sự khác biệt rõ ràng ở hai nhóm như sau:

· Nhóm A có thể duy trì tư thế đứng một chân trung bình 65 giây, trong khi nhóm B chỉ có thể duy trì tư thế đứng một chân trung bình trong 34 giây.

· Nhóm B (không luyện tập) có số lần ngã nhiều gấp 3 lần nhóm có luyện tập (nhóm A).

· Hơn nữa, nhiều người có tập luyện cho biết các triệu chứng đau khớp háng, đau lưng, thắt lưng cũng được cải thiện bởi tư thế này không chỉ giúp xương và các cơ xung quanh khớp háng mà cả phần lưng dưới cũng được vận động.

Dành cho những người không có thời gian: Chỉ cần 2 phút tập luyện

Phương pháp tập luyện này dành cho những người không có thời gian và không gian, môn thể dục này giúp tăng cường sức mạnh giống như chim hồng hạc, sử dụng một chân trong 1 phút và hai chân trong 2 phút để đạt được tải trọng tương tự như đi bộ trong 53 phút.

Cách tập tư thế “hồng hạc động”

· Nhìn thẳng về phía trước

· Thư giãn cổ tay, thư giãn vai

· Góc đầu gối là 90 độ

· Người ngồi không vững có thể tựa lưng ghế nhẹ nhàng

Nâng cao chân và tập cơ đùi để có kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi, để giữ thăng bằng không phải là việc dễ dàng. Do đó, người cao tuổi có thể nhấc chân lên cách mặt đất khoảng 5cm là được.

Khi đứng bằng một chân, hãy cẩn thận để không bị ngã. Nếu sàn trơn trượt, bạn có thể có thể bắt đầu vịn một tay vào tường hoặc ghế.

Theo kế hoạch dài hạn "Health Japan 21" của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, những người trên 75 tuổi có thể đứng bằng một chân trong hơn 20 giây hiện chỉ chiếm 38,9% nam giới và 21,2% nữ giới. Để ngăn chặn sự gia tăng số người cao tuổi nằm liệt giường, mục tiêu đến năm 2010 của kế hoạch này là tăng tỷ lệ người tập luyện liệu pháp này lên 60% đối với nam và 50% đối với nữ.

Sưu tầm

DẠY TRẺ Ở VN

1. Dạy trẻ theo cách dạy… thú
Chúng ta bắt con cá phải biết leo cây và con khỉ phải biết bơi dưới nước.
Con nhà người ta học được hoặc học giỏi cái gì thì cũng muốn, thậm chí bắt con mình làm được điều đó.
2. Phục vụ con một cách… mù quáng
VTV ngày 30 tết đăng chuyện một người cha lớn tuổi từ Nam Định lên Hà Nội làm thuê vất vả đến mức quên cả Tết để kiếm tiền nuôi con đang học… đại học.
Mà không phải con đi làm tự nuôi mình chứ chưa nói tới chuyện nuôi cha.
Chuyện cha mẹ không chịu để cho con mình lớn là căn bệnh ung thư trầm kha nặng nề vô cùng của xã hội ta.
Nhiều cha mẹ coi việc phục vụ hay làm hộ con một cách mù quáng này là một niềm vui hay trách nhiệm hay đơn thuần là sự quan tâm hay bù đắp gì đó. Thật là sai lầm ngoài sức tưởng tượng.
Những đứa trẻ của chúng ta lớn lên hoặc là những cây tầm gửi và cây leo hoặc là những chiếc ly thủy tinh có thể rơi và vỡ nát bất kỳ lúc nào.
Chuyện cha mẹ không chịu để cho con mình lớn là căn bệnh ung thư trầm kha nặng nề vô cùng của xã hội ta.
3. Không để cho trẻ ra ngoài khi trời … mưa hoặc rét
Các trường học và cha mẹ có một phản ứng gần như tự động là không cho học sinh ra ngoài khi thời tiết không thuận lợi và hủy các chuyến đi học tập dã ngoại của trẻ em.
Người Nhật trái lại coi đây là cơ hội để rèn cho trẻ sự cứng cỏi và khả năng thích nghi. Thậm chí họ còn đưa trẻ đi học khi chúng ốm để chúng quên việc bị ốm đi và nhanh chóng hồi phục. Tất nhiên ốm nặng hay bệnh truyền nhiễm là ngoại lệ.
4. Nuôi con như nuôi… heo
Nuôi con cho béo mới là khỏe mạnh là một trong những cách tiếp cận dinh dưỡng và giáo dục thể chất sai lầm nhất của các cha mẹ Việt Nam.
Trẻ em không cần béo hay thậm chí không được phép béo. Đó là nguyên tắc mà chúng ta vô tư vi phạm và dẫn tới việc chúng ta xâm phạm và xâm hại cuộc đời của trẻ nhỏ.
Ở Pháp, người ta có thể tước quyền nuôi con (ở tuổi ấu thơ) của cha mẹ nếu họ để cho con mình thừa cân quá mức quy định. Rõ ràng họ muốn cảnh báo cho cha mẹ là thừa cân là một căn bệnh nghiêm trọng. (ST)

Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

CÁI TÔI Ở NGƯỜI VIỆT

Tại sao cái tôi, cái “égo” của người Việt lớn thế? Tôi gặp không biết bao nhiêu người vỗ ngực, tự cho mình là vĩ nhân. Không phải chỉ vỗ ngực, còn trèo lên nóc nhà gào khản cổ: Tôi giỏi quá, tôi phục tôi quá, tại sao tôi tài ba đến thế ?

Một lần ngồi nhậu với 5 ông, có cảm tưởng ngồi với 5 giải Nobel văn chương. Những ông như vậy, nhan nhản. Nói “ông”, vì hầu như đó là một cái bệnh độc quyền của đàn ông. Như ung thư vú là bệnh của đàn bà.

In một hai cuốn sách tào lao tặng bố vợ, nghĩ mình ngồi chung một chiếu với Marcel Proust, Victor Hugo. Làm vài bài thơ, câu trên vần (hay không) với câu dưới, nghĩ mình là Baudelaire, Nguyễn Du tái sinh. Lập một cái đảng có ba đảng viên, kể cả em gái và mẹ vợ, nghĩ mình là lãnh tụ, ăn nói như lãnh tụ, đi đứng, tắm rửa như lãnh tụ. Viết vài bài lăng nhăng, đầu Ngô mình Sở, nghĩ mình là triết gia, trí thức, sẵn sàng dẫn dân tộc đi lên (hay đi xuống). Học gạo được cái bằng (chưa nói tới chuyện mua được cái bằng), nghĩ mình đã kiếm ra điện và nước nóng.

●Tôi, tôi, tôi

Một ông bạn in một tấm danh thiếp khổ lớn, dày đặc những chức tước, trong đó có “nhà nghiên cứu”. Những người quen không biết ông ta nghiên cứu cái gì, lúc nào. Tôi đáng nhận là nhà nghiên cứu hơn, vì thỉnh thoảng vẫn vào Google tìm mẹo trị mắc xương cá, hay cách nấu canh hẹ tàu hũ.

Nghĩ cũng lạ, cái TÔI to tổ bố ở một xứ như Việt Nam. Việt Nam, xứ của văn hoá Phật giáo, một tôn giáo coi cái ngã là hư cấu, cái tôi không có thực. Nơi chịu ảnh hưởng Lão giáo, những người đã ra suối rửa tai khi nghe thiên hạ nhắc tới tên mình. Nơi người Công giáo thực hành đạo nhiệt thành, và Công giáo coi vị tha, nghĩ tới người khác, là đức tính hàng đầu.

Không lẽ người Việt không hiểu tôn giáo mình đang theo?

Có ai đã gặp một người Nhật vỗ ngực: tôi, tôi, tôi. Nói chuyện với người Nhật, trong những cơ hội hơi chính thức, chưa gì họ đã mang giấy bút ra ghi chép. Làm như những điều bạn nói là khuôn vàng, thước ngọc.

●Tôi là chân lý

Nước Việt nghèo, chậm tiến, lạc hậu. Đáng lẽ người Việt phải khiêm nhượng, biết người, biết mình. Nhưng không, trong từ điển cá nhân của người Việt không có chữ khiêm tốn. Nhiều lần tôi gân cổ cãi với bạn bè, về nhà nghĩ: Không chừng nó có lý. Tại sao không nhìn nhận ngay? Bởi vì cái tôi nó lớn quá.

Ở đâu cũng có những cái tôi, nhưng ở người Việt, nó đạt một tỷ số đáng ngại. Mỗi lần, hiếm hoi, gặp một người đồng hương có khả năng nhưng khiêm tốn, tôi nghĩ bụng: Ông nội này mất gốc rồi.

Thảo luận với người Việt rất khó, vì ai cũng nghĩ là mình nắm chân lý trong tay. Nghĩ khác là xúc phạm ông ta, xúc phạm Chân lý, bôi nhọ sự thật. Phải căm thù, phải tiêu diệt, phải triệt hạ, phải tố cáo, chụp mũ.

Cái tôi lớn, phải chăng đó là nét đặc thù của một dân tộc đầy tự ti mặc cảm? Trong cái kiêu hãnh lố bịch của người “mang dép râu mà đi vào vũ trụ” có cái tự ti của những người vẫn mang dép râu ở thế kỷ 20, 21.

Trong y học, égocentrisme là một cái bệnh, pathologie. Và trong 9 trên 10 trường hợp, những người có mặc cảm tự cao, tự đại (complexe de supériorité) là để che đậy tự ti mặc cảm (complexe d’infériorité).

Những người có thực tài rất khiêm nhường, vì họ không so sánh với người khác. Họ so sánh mình với mình, so sánh mình hôm nay với mình hôm qua, so sánh tác phẩm mới với tác phẩm cũ của chính mình. Và thường thường thất vọng.

Khi một nghệ sĩ thoả mãn với tác phẩm của mình, anh ta hết là nghệ sĩ. Anh ta không tìm tòi nữa, anh ta về hưu. Như một công chức, một tài xế xe đò về hưu.

●Đèn dầu và đèn điện

Thomas Edison nói nếu hài lòng với đèn dầu, tìm cách cải thiện đèn dầu, sẽ không bao giờ kiếm ra điện. Người Việt ta dễ thoả mãn quá, dễ kiêu hãnh quá, dễ “tự sướng” quá. Hậu quả là cái gì của ta nó cũng nho nhỏ. Cùng lắm là xinh xắn, dễ thương, nhưng đồ sộ, vĩ đại thì không có. Không thể có. Tham vọng nhỏ, thành quả nhỏ.

Pablo Picasso khi thành công, được ca tụng ở “période rose” (thời kỳ hồng), nếu thỏa mãn, sẽ không có “période bleue”, thời kỳ xanh. Nếu thoả mãn với “période bleue” sẽ không có tranh trừu tượng, đưa hội họa đi vạn dặm. Một giai thoại: Picasso mời bạn bè ăn tiệm. Cuối bữa ăn, gọi tính tiền. Chủ tiệm nói xin miễn chuyện tiền bạc, được tiếp Picasso là hân hạnh rồi. Pablo vẽ vài nét trên tấm khăn phủ bàn, tặng chủ tiệm. Ông này nói xin maître ký tên. Picasso trả lời: Tôi chỉ trả bữa cơm, không muốn mua tiệm ăn.

Nếu Picasso là người Việt, sẽ thấy đời mình đã quá đủ để thoả mãn: vua biết mặt, chúa biết tên, chữ ký đáng ngàn vàng, chỉ việc ngồi hưởng và chiêm ngưỡng dung nhan mình. May mắn cho hội họa, ông ta là người Tây Ban Nha, hì hục tìm tòi cho tới chết.

Mỗi lần nghe, hay coi Jean Marie Le Clézio, Patrick Modiano trong những chương trình văn học trên France Culture, hay trên France 5, ít người nghĩ họ đã chiếm giải Nobel Văn chương.

Họ khiêm nhượng, ngập ngừng, do dự, gần như cáo lỗi sắp sửa nói những điều tào lao.

Le Clézio, Nobel 2008, khoanh tay, chăm chú nghe một tác giả vừa chân ướt chân ráo vào nghề, nói về một cuốn sách đầu tay. Modiano, Nobel 2014, tìm chữ một cách khó khăn, ngượng ngập, ít khi chấm dứt một câu, như muốn nói: Thôi, bỏ qua đi, những điều tôi muốn nói chẳng có gì đáng nghe. Ông ta thực sự ngạc nhiên không hiểu tại sao có người nghĩ đến mình để trao giải. Ông ta nói có người đọc sách của mình đã là một phép lạ.

●Người và ta

Những năm đầu ở Pháp, có thời tôi cư ngụ Rue Marcadet, Paris. Bên cạnh là một cặp vợ chồng già, hiền lành, bình dị như một cặp thư ký hay công nhân về hưu. Mỗi lần gặp ở thang máy, bà vồn vã chào, hỏi thăm đủ chuyện. Thỉnh thoảng ông mời vào nhà, uống trà, hỏi chuyện về Phật giáo mà ông nói đọc nhiều, nhưng có điều không hiểu. Thí dụ ông muốn so sánh khái niệm về Niết bàn của Phật giáo với thiên đàng của Thiên Chúa giáo.

Ông là một người Công giáo thuần thành, nhưng muốn tìm hiểu về những tôn giáo khác.

Tuyệt nhiên không bao giờ ông bà nói về mình. Nếu không coi TV, chắc không bao giờ tôi biết bà là Yvonne Loriot, danh cầm hàng đầu của Pháp, chiếm giải nhất 7 lần khi học ở Conservatoire de Paris, trước khi trở thành một giáo sư âm nhạc có uy tín.

Ông là Olivier Messaien, một trong những tác giả nhạc cổ điển lớn nhất của hậu bán thế kỷ 20. Rất nhiều các nhạc sư, nhạc trưởng nổi tiếng ở Âu Châu, như Pierre Boulez, Iannis Xenakis hãnh diện là đệ tử của ông. Tác phẩm opéra “Saint-Francois d’Assise”của ông được trình diễn trên khắp thê giới, được đón nhận như những tác phẩm của Mozart, Beethoven.

Ông bà sống trong một căn nhà bình dân, ăn uống đơn giản như một cặp vợ chồng nghèo. Tiền bản quyền nhạc đem tặng – một cách kín đáo – các hội từ thiện, hay giúp trùng tu nhà thờ Notre Dame de Lorette gần nhà. Những lúc rảnh rỗi, bà theo ông vào rừng, thu thanh để nghiên cứu tiếng chim hót.

Ai biết hai ông bà già, lễ độ, gần như vụng về, đang xếp hàng mua ổ bánh mì, là những nhân vật chiếm chỗ lớn trong bất cứ một tài liệu nào về âm nhạc cổ điển cận đại, tuần trước còn là thượng khách của hoàng gia Thụy Điển.

Khi nào ta có những người như Modiano, Le Clézio, Messaien – chưa nói tới tài năng, chỉ nói tới thái độ khiêm tốn – Việt Nam sẽ là một dân tộc trưởng thành. Trong khi chờ đợi, chúng ta tiếp tục leo lên nóc nhà, gào: Tại sao tôi tài giỏi quá như vậy? Khi gào mỏi, leo xuống, đóng áo thụng vái nhau.

Đó cũng là một trò vui, nếu hậu quả không nghiêm trọng. Chúng ta đều đồng ý với nhau là đất nước đang trên bờ vực thẳm, không thể nhẫn tâm khoanh tay nhìn. Nhưng chúng ta không ngồi nổi với nhau, vì cái TÔI nó lớn quá. Lớn hơn cả vận mệnh dân tộc.

●Từ Thức

(Từ Thức là bút hiệu của ông Trần Công Sung, cựu ký giả Việt Tấn Xã (Việt Nam Thông Tấn Xã, cơ quan trực thuộc Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa). Hiện cư ngụ tại Paris, Pháp.)

THỜI HOA ĐỎ

THỜI HOA ĐỎ - SỰ DAY DỨT TẬN ĐÁY LÒNG MỘT THI NHÂN & TIẾNG VỌNG ÁNH LÊN MỘT SỰ THẬT… NHƯNG KHÔNG THỂ ĐỔI KHÁC ĐƯỢC !

Vâng, xin bắt đầu bằng những giai điệu day dứt được cất lên từ bài hát có tên “Thời hoa đỏ” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ thơ của thi sĩ Thanh Tùng…
“Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Bước lặng trên con đường vắng năm nao
Chỉ có tiếng ve sôi ồn ào…
Mà chẳng cho lòng nguôi yên chút nào…”
Tôi đã nghe bài hát này không biết bao lần, đặc biệt mỗi dịp hè về, mỗi khi đi bách bộ dưới những tán phượng vĩ đỏ rực trên trời và sẫm màu huyết dụ dưới bàn chân để rồi lại nhẩm hát những lời ca như tiếng vọng day dứt từ tận đáy lòng của thi nhân…
“Anh mải mê về một màu mây xa
Cánh buồm bay về một thời đã qua
Em thầm hát một câu thơ cũ
Về một thời thiếu nữ say mê…
Về một thời hoa đỏ diệu kỳ…
Tôi cũng thú thật, đầu năm 1990, ngay từ lần đầu tiên nghe bài hát này (và cả nhiều năm sau này nữa), tôi vẫn cứ nghĩ bài hát đang kể về câu chuyện một người lính từ chiến trường xa trở về hậu phương và gặp lại được người yêu cũ… trong bùi ngùi nuối tiếc vì nàng đã đi lấy chồng…
(Ôi, sao mà giống như cuộc tình của chính mình ngày xưa vậy ?!).
Vâng, và họ lại cầm tay nhau đi trên con đường xưa, dưới những tán phượng đỏ au bao kỷ niệm của một thời đi học, môt thời yêu đương, một thời thương thầm nhớ trộm, có dỗi hờn, có bồi hồi, lưu luyến… và để rồi có không ít những nuối tiếc về cuộc tình của một thời trai trẻ khờ dại đã qua…
Trong nỗi buồn day dứt của “một câu thơ cũ”, người con gái vẫn như đang thầm hát về “Về một thời thiếu nữ say mê/Về một thời hoa đỏ diệu kỳ…”; Còn người lính “của thời trai trẻ ngày xưa” thì vẫn đầy kiêu hãnh đi bên cạnh và dẫu buồn nhưng không hề nuối tiếc con đường một thời mình đã chọn, đã sống và dâng hiến…
Và cái kết của câu chuyện cũng thật trong sáng, họ không còn buồn nữa mà chỉ là một sự man mác nuối tiếc đối với một thời non trẻ đã đi qua và nó thực sự giống như hình ảnh của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam đầy hào hoa và lãng mạn, cho dù đâu đó đã có những ngã rẽ, đã có không ít những trái tim không thể cùng nhau “đi hết những ngày đắm say…”
Thú thật, cũng từ sự mê say này mà tôi đã nghe bài hát này không biết bao lần, với rất nhiều giọng ca khác nhau như Lệ Thu (người vinh dự được hát bài này đầu tiên), như Thái Bảo, rồi Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Thu Minh, Thùy Dung, Phương Thảo, Việt Hoàng, Bằng Kiều v.v và v.v… Mỗi người hát đều có một sắc thái riêng, nhưng khi bài hát này được cất lên đều làm cho trái tim tôi như rung ngân, xao xuyến theo nhịp đập của giai điệu…
Giọng hát của ca sĩ Lệ Thu sao mà trầm ấm thế, cái luyến láy sao mà ngọt đến thế; Giọng ca của Thùy Dung thì trong veo, Phương Thảo thì sang trọng… Nhưng thú thật tôi lại chỉ thích giọng của ca sĩ Thái Bảo. Vì sao ư ? Vì hình như trời chỉ phú cho mỗi ca sĩ một gam màu riêng và chỉ phù hợp cho một ca khúc cụ thể nào đó. Với “Thời hoa đỏ” thì cái thô ráp trong chất giọng của Thái Bảo hình như nó đã làm cho tôi cảm nhận được rõ hơn, “gần hơn” cái “ngày xưa” ấy…
(Các bạn hãy nghe thử lại xem có cảm nhận như tôi không bằng cách nhấn vào các đường link tôi đã chỉ ra ở phía dưới nhé) !
Cũng phải thừa nhận, khi thi & ca đã gặp nhau (như đôi lứa ấy) và hòa quyện được với nhau (như cuộc đời ấy) thì nó sẽ nâng mỗi chúng ta lên, bay bổng và tự hào, làm cho chúng ta biết nhận ra giá trị thực của chính mình để tự tin và kiêu hãnh đi tiếp con đường đời đã chọn…
Cũng chính vì thế, bài hát như thể đã tiếp thêm một nguồn năng lượng sống thật sự dồi dào cho chính mình và những thế hệ trẻ (trước và sau mình) vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời cũng như của đất nước…
Nhưng, cũng giống như người con gái, khi mình đã yêu, đã “si” thì cũng đồng nghĩa với việc mình luôn luôn muốn “dấn thân” vào, muốn “khám phá” thêm, thêm nữa để tìm hiểu sâu hơn vào mọi ngóc ngách của cuộc đời nàng… và sự thật nhiều khi lại cho ta nhiều cảm xúc khác, có thể bớt yêu đi nhưng cũng có thể càng đắm say hơn...
Tôi cũng vậy, tôi cũng đã phải tìm đọc và đọc đi, đọc lại nhiều lần với hàng tá bài viết về “Thời hoa đỏ” trên các báo, đài, tạp chí, mới có, cũ có, đã in từ trước đó cả 10 năm, 20 năm cũng có... chỉ với một mong muốn để hiểu thêm thật rõ về tác giả thơ, tác giả nhạc, hiểu thật rõ hơn hoàn cảnh ra đời của tác phẩm…
Và điều bất ngờ, đầu tiên mà tôi biết được (khi đã tĩnh tâm lại), trước hết về bài thơ – vâng, bài thơ "Thời hoa đỏ" – Đó không phải là một bài thơ tình cách mạng như tôi vẫn nghĩ; Nó thuần túy chỉ là một bài thơ tình bi lụy, đau khổ vì yêu, nhưng rất hay và cái chính, nó là sản phẩm của một thi sĩ thật sự rất đa tình và sinh ra hình như chỉ để dâng hiến cho thi ca nên ngay cả khi đau khổ đến tận cùng ông cũng biết chắt lọc ra những vần thơ tinh túy nhất để viết nên cho đời những áng thơ lãng mạn đến bất tử !
Cần nói rõ thêm, bài thơ thi sĩ Thanh Tùng viết năm 1972 để khóc thương người vợ đầu đã chết. Người vợ đã phụ bạc ông để ra đi với người tình khác… nhưng ông vẫn còn yêu (như ông nói, đã yêu thì yêu cả cái đẹp lẫn cái xấu…) nên khi nghe tin bà mất ông đã tức tốc từ Hải Phòng đi Quảng Ninh (nơi ở mới của bà) để được khóc cho tận lòng tri kỷ… và bài thơ cũng đã ra đời từ đó. Rõ ràng trong nỗi đau đó, bài thơ chỉ có một màu đỏ của máu đang “ứa” trong lòng ông và ông đã mượn sắc đỏ của hoa để nói “Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ/Như vết xước của trái tim”….
Và như vậy, thêm một lần nữa chúng ta thấy được một cách rõ ràng đây là một bài thơ tình bi thương chứ không phải là một áng thơ tình lãng mạn cách mạng như tôi và các bạn đã cảm nhận được khi nghe ca khúc này !
Điều ngạc nhiên thứ hai là người đã phổ thơ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng – Ông, chắc chắn phải là một người cộng sản chân chính lắm mới có thể biến cái khổ đau của người khác, thậm chí khi chính mình cũng đang thực sự cô đơn, buồn chán… mà vẫn kịp nhận ra “vấn đề” để “căn chỉnh” lời thơ sao cho có lợi nhất cho xã hội, cho đất nước ta thời ấy và thổi vào đó một âm hưởng bi mà tráng đến nao lòng và cũng đầy kiêu hãnh của một thời “hoa đỏ”. Bởi vì suy cho cùng bài thơ cũng ra đời vào cái thời hoa ĐỎ - 1972.
(Tôi cố tình viết hoa chữ ĐỎ ) !
Điều lạ nữa là, dẫu cả bài thơ hoàn toàn không nói đến bất kỳ một khía cạnh nào về người lính, về một thời chiến trận, về sự lãng mạn cách mạng…nhưng tại sao khi bài thơ khi đi vào ca khúc, chúng ta lại cảm nhận như đang nghe một ca khúc trữ tình cách mạng đẹp đến nao lòng !?
Cái chính nằm ở chỗ, sự “căn chỉnh" đúng nơi, đúng tầm của người phổ nhạc. Và quả thật, không chỉ nó đã cho ta cảm nhận như đang nghe một ca khúc trữ tình cách mạng mà những giai điệu quá đẹp và lãng mạn này đã được kiểm chứng qua thời gian… có thể sẽ là bất tử trong lòng người Việt vì nó cũng đã được rứt ra từ tận cùng của nỗi buồn và sự cô đơn của tác giả khi lâm trọng bệnh ở Nga (thời Liên Xô)… Thời đó ông được cử sang Liên Xô để dự trại viết và dĩ nhiên khi trở về ai cũng phải có tác phẩm...
Điều không may khi ông bị trọng bệnh ở bên đó… lại hóa thành điều may mắn cho đời, bởi như ta đã biết, từ sự cô đơn, tủi buồn một mình trên đất khách quê người mà ông đã tìm thấy “Thời hoa đỏ” trong thơ của Thanh Tùng và những giai điệu bất tử cũng từ nỗi buồn đó đã gặp nhau và giao kết để sinh hạ ra một một tình khúc lãng mạn đi cùng năm tháng…
Chính nhà thơ Thanh Tùng (khi được nghe bài hát “Thời hoa đỏ" qua đài Tiếng nói VN), cũng lấy làm ngạc nhiên, không hiểu vì sao bài thơ của mình vào nhạc lại nuột nà đến thế và lại hóa thành lãng mạn cách mạng đến thế...
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng, (dù có “muộn màng”) thì cũng đã xin phép nhà thơ để “căn chỉnh”, được đổi mấy chữ, nhất là chữ “tan tác” thành “xao xác” và “máu ứa” thành “nuối tiếc”… bởi vì theo ông “tớ thấy nó buồn quá, mà kỷ niệm thì buồn là đương nhiên, nhưng phải là cái buồn man mác, lạc quan chứ không bi lụy”.
Cả nước ta từng đi qua chiến tranh và đương nhiên từng thấm đẫm bao nỗi buồn vì chết chóc, vì bom rơi, đạn xéo của giặc thù… nhưng thời đó, thế cuộc không cho phép bất cứ một tác phẩm văn học văn nghệ nào nói về cái buồn bi lụy làm ảnh hưởng đến thời cuộc… (Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, dòng chảy văn hóa văn nghệ vẫn phải nằm chung trong sự chỉ đạo này…) và vì thế, dẫu có buồn nẫu ruột và bi quan đến mấy thì người nhạc sĩ muốn tác phẩm mình “sống được” thì đều buộc lòng phải “căn chỉnh” như vậy thôi. May thay, sức sống của ca khúc “Thời hoa đỏ” theo “định hướng” đã được “căn chỉnh” bởi người nhạc sĩ tài hoa đã lan tỏa và ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam nên người ta cũng dễ dàng chấp nhận nó, như chấp nhận sự thật của bài thơ và sự chấp nhận đó, tự nó cũng đã được “căn chỉnh” theo một tâm thế mới – tâm thế của niềm tin, của niềm kiêu hãnh, của cái “cái say mê một thời thiếu nữ” và của sự khát khao như khát khao của một người lính “thời trai trẻ ngày xưa…” mà ai cũng đã từng đi qua, đã từng có !
Để thưởng thức đến tận cùng cái hay của một tác phẩm văn học nói chung và âm nhạc nói riêng, các bạn cũng như tôi, chúng ta cũng cần phải hiểu sâu sắc hơn về nó là thế, kể từ khi nó còn trong “trứng nước” như chúng ta từng yêu thương con cái chúng ta kể từ khi nó mới chỉ là hình hài của một sự sống nhỏ nhoi để rồi biết nâng niu và nuôi dưỡng nó lớn khôn và thành người !
Bây giờ đang là tháng 5 – tháng mà ở đâu đâu, khắp đất nước ta màu hoa phượng cũng đang cháy lên như tâm hồn tuổi trẻ sẵn sàng cháy lên… Và mỗi khi ai đó có dịp bách bộ dưới những tán phượng vĩ đỏ rực trên trời và sẫm màu huyết dụ dưới bàn chân đều không quên nhẩm hát lại những lời ca như tiếng vọng day dứt từ tận đáy lòng của thi nhân… và dẫu tiếng vọng đó có ánh lên một sự thật phi cách mạng nào đó thì nó vẫn không thể đổi khác được và bài hát vẫn tự nó ngân lên những giai điệu đầy lãng mạn cách mạng, tạo nên một sự lạc quan đầy hứng khởi cho cuộc đời này…
Cũng chính vì vậy, tôi thực sự yêu kính nhà thơ Thanh Tùng và càng kính trọng sự "căn chỉnh" và tôn sùng những giai điệu trong ca khúc “Thời hoa đỏ” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng !
Hà Nội, ngày 26.5.2016
P/S:
Mời các bạn sau khi nghe bài hát hãy đọc lại nguyên tác bài thơ “Thời hoa đỏ” này nhé:
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng chịu cho lòng ta yên
Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
Em hát một câu thơ cũ
Cái say mê một thời thiếu nữ
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn sâu vào mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót
Trong câu thơ của em
Anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say
Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh tanh
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim
Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em
Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời trai trẻ ngày xưa.
Các bạn nhấn vào đây để nghe 2 giọng ca tiêu biểu cho ca khúc Thời hoa đỏ:
Ảnh : Nhà thơ Thanh Tùng và con gái (sản phẩm của mối tình bi thương nhưng đã sinh ra Thời hoa đỏ !)