Tiểu thuyết Thủy Hử trong mắt một học giả phương Tây
Sở dĩ nói Thủy Hử là một bộ tiểu thuyết bệnh hoạn, đó là do nó ca tụng bạo lực như trong một vở hài kịch, mà không vạch ra hậu quả nghiêm trọng của điều đó.
Tác giả: Bill Jenner (Australia).
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành.
Nguồn: 西方学者看《水浒》– 月刊 科学与文化.
Cách đây ít lâu tiểu thuyết Thủy
Hử được dựng thành phim truyền hình nhiều tập. Sau khi công chiếu, các nhân vật
trong truyện đã trở thành đề tài ưa thích được dân chúng khắp Trung Quốc sôi
nổi bàn tán. Nhân dịp này, giáo sư Bill Jenner ở Đại học Quốc gia Australia,
một người đã nhiều năm nghiên cứu văn học cổ điển Trung Quốc và từng dịch tác
phẩm cổ điển Trung Quốc nổi tiếng Tây Du Ký ra tiếng Anh, đã trả lời phỏng vấn,
nói lên quan điểm của ông đối với tiểu thuyết Thủy Hử. Qua đây có thể thấy
người phương Tây và người Trung Quốc có quan điểm giá trị rất khác nhau.
– Nên nhìn nhận như thế nào về
tác phẩm Thủy Hử?
– Bill Jenner: Tôi thấy đây là
một vấn đề rất thú vị, vì nó liên quan tới nền văn hóa và trạng thái tâm lý của
xã hội Trung Quốc từ triều Minh cho đến ngày nay. Tình trạng chém giết lẫn nhau
trong Thủy Hử rất nhộn nhạo; mặt khác, người ta không thể không hỏi rốt cuộc vì
mục đích gì mà những người ấy vung tay chém giết như vậy? Cái gọi là các anh
hùng hảo hán trong sách ra tay choảng nhau thường gây ra tổn thương cho bản
thân và người nhà, chỉ vì để chứng tỏ võ công của mình mà họ sử dụng bạo lực,
làm hại kẻ khác. Xét về ý nghĩa ấy thì Thủy Hử là một bộ tiểu thuyết bệnh hoạn.
Trong đó việc tuyên truyền ca ngợi quan niệm bạo lực và nghĩa khí anh em [1]
kiểu lưu manh thì không có chút ý nghĩa xây dựng nào cả.
– Thế thì tại sao Thủy Hử lại
được dân thường Trung Quốc hiện nay hoan nghênh đến thế? Phải chăng điều đó nói
lên một số vấn đề nào đó trong hiện thực?
– Tôi cảm thấy các nhân vật trong
Thủy Hử không phải là sự miêu tả cuộc sống chân thực; cuộc sống hiện thực không
như thế giới hảo hán trong Thủy Hử. Nghĩa khí giang hồ trong Thủy Hử là sự tô
đẹp hành vi lưu manh – loại giá trị quan này rất có tính phá hoại. Sở dĩ cuốn
tiểu thuyết này cùng với bộ phim truyền hình nhiều tập được cải biên dựa vào
tiểu thuyết đó được phổ biến rộng rãi là do thế giới trong sách tồn tại một sự
tương phản với cuộc sống hiện thực. Các hảo hán trong sách ra tay choảng nhau
không xét tới hậu quả. Trong đời sống hiện thực có nhiều người ưa thích cuốn
sách này, đó là do họ phải chịu sự trói buộc của các thế lực quyền thế trong xã
hội, chỉ có từ các anh hùng hảo hán phóng đãng bạt mạng trong sách họ mới tìm
kiếm được sự giải thoát và trút bỏ nỗi phẫn nộ trong lòng. Đây là hiện tượng
làm mọi người rất lo ngại.
– Ông cho rằng nhân vật nào trong
Thủy Hử thể hiện rõ nhất các hành vi và tính cách anh hùng hảo hán nói trên?
– Tôi thấy nhân vật Lý Quỳ rất có
thể nói lên vấn đề. Tay này hữu dũng vô mưu, trung thành hết mực với bạn; anh
ta còn là một người con rất hiếu thảo, chẳng sợ gian nan đi đón mẹ về, dù bà mẹ
đã bị hổ vồ ăn mất rồi, anh ta vẫn gắng hết sức mình. Nhưng mặt khác, khi Lý
Quỳ đã tức giận thì anh ta sẽ mất khả năng tự kiềm chế, không những chỉ giết kẻ
thù mà còn giết tất cả mọi người không phân biệt ai, kể cả những người bàng
quan vô tội cũng bị anh ra dùng rìu chém chết tuốt. Điều đó nói lên, vì để trút
giận mà Lý Quỳ chẳng tiếc tay sử dụng bạo lực cực đoan không chút ý nghĩa gì
hết. Xem xét từ tầng nấc này, việc Thủy Hử hiện nay vẫn còn rất được hoan
nghênh và được nhà nước [Trung Quốc] cho phép, quả thực làm mọi người luẩn quẩn
trong vòng mê hoặc. Nhà nước từng coi Thủy Hử là cuốn tiểu thuyết ca ngợi cuộc
khởi nghĩa của nông dân, qua đó tuyên truyền cho cuốn tiểu thuyết này. Thực ra,
trừ Lý Quỳ ra, 108 tướng trong Thủy Hử đều không phải là nông dân. Phần lớn họ
là người thuộc tầng lớp quan lại, có cả những chủ đất, ngay anh em họ Nguyễn
cũng là các nhà tư bản thuê mướn sức lao động. Nếu nói Thủy Hử thể hiện mâu
thuẫn giai cấp gì đó thì tôi cho rằng nó chủ yếu thể hiện mâu thuẫn nội bộ tầng
lớp dưới của giai cấp thống trị.
– Ông nói Thủy Hử là một bộ tiểu
thuyết bệnh hoạn, phải chăng chủ yếu vì nó tuyên truyền bạo lực và nghĩa khí
huynh đệ? Chẳng lẽ đây là hiện tượng đặc biệt của xã hội Trung Quốc ư?
– Sở dĩ nói Thủy Hử là một bộ
tiểu thuyết bệnh hoạn, đó là do nó ca tụng bạo lực như trong một vở hài kịch,
mà không vạch ra hậu quả nghiêm trọng của điều đó. Con người bị giết một cách
vô cớ mà không có sự thương xót của ai cả – điều này rất dễ gây ra sự dẫn dắt
sai lầm cho thanh thiếu niên. Dĩ nhiên vấn đề bạo lực thanh thiếu niên không
phải là thứ riêng Trung Quốc mới có mà các nước khác cũng có. Chẳng hạn xã hội
Mỹ hiện nay cũng có sự thể hiện giá trị quan của Thủy Hử: thiếu niên mang súng
vô cớ bắn giết người khác chỉ vì để trổ tài, giống hệt như biểu hiện của các
hảo hán trong Thủy Hử.
– Đúng thế, trong xã hội Mỹ và
trong các tác phẩm văn học Mỹ hiện nay chẳng thiếu gì các hiện tượng bạo lực.
Điều đó khiến tôi liên tưởng tới việc trong văn học Anh cũng có sự miêu tả hảo
hán lục lâm kiểu như Robin Hood.
– Tôi thấy huyền thoại Robin Hood
có chỗ khác với Thủy Hử. Người anh hùng kiểu Robin Hood có tình cảm chính nghĩa
giết kẻ giàu cứu người nghèo, còn nghĩa khí giang hồ của các hảo hán trong Thủy
Hử thì không có tình cảm chính nghĩa xã hội ấy.
– Cách nói này của ông hầu như
khác với ấn tượng nói chung của mọi người. Nhìn chung khi nhắc tới các anh hùng
Thủy Hử người ta đều nghĩ đến các hiệp sĩ “giữa đường thấy sự bất bình chẳng
ngơ”.
– Thoạt xem là thế, nhưng khi
phân tích kỹ thì sẽ phát hiện thấy Thủy Hử thiếu tình cảm chính nghĩa. Các anh
hùng hảo hán trong sách chỉ lo báo thù riêng tư; họ quan tâm nhiều hơn đến sự
thừa nhận họ là hảo hán và họ coi trọng nghĩa khí của hảo hán. Song loại nghĩa
khí ấy không chú trọng cái nghĩa của chuẩn tắc đạo đức, không phải là chính
nghĩa. Hãy xem Võ Tòng. Anh ta bị tù vì giết chị dâu Phan Kim Hoa. Người gác
ngục đối xử tốt với Võ Tòng, muốn anh ta giúp đối phó với Tưởng Môn Thần. Võ
Tòng biết rõ hai bên đối lập ấy đều chẳng phải người tốt, song điều đó không
ngăn cản Võ Tòng say rượu đánh Tưởng Môn Thần. Việc Võ Tòng đã làm trên thực tế
là phục vụ cho bọn xã hội đen, chứ không liên quan gì tới lợi ích của dân
chúng. Ngay cả Thủy Bạc Lương Sơn bản thân cũng là sự thể hiện một xã hội có
giai cấp. Khi chia của ăn cướp được, Thủy Bạc Lương Sơn chia chiến lợi phẩm ra
làm hai phần: một phần để cho các anh hùng hảo hán hưởng thụ, một phần khác
chia đều cho các tiểu lâu la đông người hơn, song chưa bao giờ họ chia lương
thực cho những người nghèo đói. Tuy họ cũng đánh úp bọn quan lại ác bá, song lý
do đánh thường thường là vì các thành viên trong số hảo hán ấy bị bọn quan lại
ác bá đối xử không công bằng – nghĩa là có nhiều yếu tố cá nhân hơn, khác với
câu chuyện của Robin Hood. Chính vì thế mà người Trung Quốc mới có câu “Già
chẳng đọc Tam Quốc, trẻ không xem Thủy Hử”.
– Vừa rồi ông nói việc cuốn tiểu
thuyết bệnh hoạn Thủy Hử vẫn được phổ biến làm mọi người lo ngại, nhưng các
danh tác cổ điển khác của Trung Quốc cũng vẫn rất được phổ biến, mà các cuốn
sách ấy đâu có tuyên truyền bạo lực và nghĩa khí giang hồ như Thủy Hử.
– Dĩ nhiên là như vậy rồi. Việc
Thủy Hử được lưu hành rộng rãi chỉ phản ánh một mặt của trạng thái tâm lý xã
hội Trung Quốc đương đại chứ không đại diện cho tình hình toàn bộ xã hội Trung
Quốc. Song điều làm người ta lo ngại là rất ít người đặt vấn đề nghi ngờ những
giá trị tinh thần được Thủy Hử tuyên truyền ca ngợi.
———————————-
Chú thích:
[1] Tên phim truyền hình Thủy Hử
được dịch ra tiếng Anh là All Men Are Brothers (Tất cả mọi người đều là anh em;
Tứ hải chi nội giai huynh đệ). Tên truyện được dịch là The Water Margin.
Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét