XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Lời giải 21. PHỤC HY VÀ NỮ OA LÀ ANH EM THÔNG HÔN?

Truyền thuyết có nói về “Tam hoàng Ngũ đế” của Trung Quốc, câu chuyện từ xa xưa vẫn được lưu truyền tới nay. Phục Hy và Nữ Oa đều cùng thuộc Tam hoàng. (Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Tam Hoàng là Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng; nhưng theo Vận Đẩu Xu và Nguyên Mệnh Bao, Tam Hoàng là Phục Hy, Nữ Oa và Thần Nông – Chú thích của Người dịch). Theo truyền thuyết, họ đều là thủy tổ của loài người.

Chuyện Phục Hy và Nữ Oa là anh em cùng thông hôn trong truyền thuyết Trung Quốc đã được lưu truyền rất rộng. Chuyện kể rằng, Phục Hy và Nữ Oa là hai anh em. Trong nạn đại hồng thủy, họ nhờ một quả hồ lô khổng lồ mà thoát nạn. Sau đó họ kết hôn với nhau, loài người hiện nay chính đều là con cháu đời sau của họ. Chuyện này là thật hay giả, cũng có rất nhiều ghi chép trong lịch sử. “Độc dị chí” của Lý Nguyên đời Đường đã ghi: Thời hỗn độn sơ khai, anh em Oa thị ở núi Côn Lôn thắp hương cầu xin: hai anh em nếu được làm vợ chồng, khói tụ lại, không được thì khói sẽ tản ra. Khi thấy khói tụ lại, họ chung sống với nhau.

Vùng Đường Hà, Hà Nam từng khai quật được bức tranh Phục Hy và Nữ Oa, phía trước có hai làn khói, đây chính là hình ảnh tượng trưng thể hiện sự chấp thuận có thể kết hợp được thành vợ chồng.

Còn có những bức vẽ trên đá trong các mộ Hán hình Phục Hy và Nữ Oa có phần dưới giao nhau. Phục Hy được vẽ thành hình con lân (một loài cá), Nữ Oa được vẽ thành hình con rắn. Họ là rắn thần và nữ thần được nhân cách hóa. Trên các bức tranh đó, hai nhân vật Phục Hy và Nữ Oa cầm gậy có hình mặt trời và Mặt trăng. Đó chính là muốn nói: Phục Hy chính là Thần Mặt trời, là dương tính, Nữ Oa là Thần mặt trăng, là âm tính, có ý nghĩa ánh sáng có mưa móc sẽ sinh trưởng vạn vật.

Hiện nay, ở Ly Sơn, Lâm Đồng tỉnh Thiểm Tây có một ngôi miếu cổ, trong miếu thờ cúng Nữ Oa. Ở đây, hàng năm đều cử hành hai lần tế lễ, một lần vào ngày 3 tháng 3 theo Nông lịch và một lần vào ngày 15 tháng 6 theo Nông lịch. Người ở đây gọi hai lần tế lễ này là Đan Tử hội. Rất nhiều những phụ nữ vô sinh đến miếu trong những ngày hội này, mang theo cái khăn trải giường trong đó có giấu đôi giầy vải cũ, đến trước miếu thờ Nữ Oa thắp hương khấn nguyện, sau đó kín đáo đi tới khu rừng ở gần đó ngủ qua đêm. Trai tráng ở các thôn xung quanh sau bữa cơm tối cũng tới đây, gặp gỡ những người phụ nữ vô sinh ấy. Cho đến sáng hôm sau, những người phụ nữ này trở về nhà, chỉ được cúi đầu mà đi, không được quay đầu lại, việc này gọi là “xung hỷ”.

Đây là một phong tục “dã hợp” kỳ lạ, sợ cũng có từ thời Viễn cổ Phục Hy, Nữ Oa anh em thông hôn:

Vì sao Trung Quốc thời Viễn cổ, anh em có thể thông hôn? Có thể dựa vào trạng thái hôn nhân sớm nhất từ thời nguyên thủy để giải thích. Từ ban đầu, hôn nhân và gia đình không tồn tại trong suy nghĩ của nhân loại. Lúc đó, quan hệ giữa con người với nhau còn là tạp hôn. Về sau, kinh tế hái lượm và săn bắn phát triển , trong lao động, có sự phân công theo nam nữ và lứa tuổi. Từ đó, tư duy tiến bộ hơn, cha mẹ không muốn cho con cái mình phát sinh quan hệ giới tính. Cuối cùng, lối quan hệ tạp hôn bị con người bỏ đi. Huyết thống dần tương đối cố định, gọi là “huyết thống gia đình” hay “huyết thống công xã” dần trở thành phổ biến. Trở thành một đơn vị sản xuất và đời sống, nó đồng thời có thể là một tập đoàn thông hôn nội bộ. Về mặt này, đời trước và  đời sau, cha mẹ và con cái phát sinh những quan hệ giới tính là không được phép, giữa anh trai và em gái càng bị nghiêm cấm. Mối quan hệ quần hôn cùng huyết thống đã trải qua một thời gian rất dài. Theo nghiên cứu của các nhà  nhân loại học, người Nguyên Mưu ở Vân Nam, người Lam Điền ở Thiểm Tây ước chừng thuộc giai đoạn này, đại thể đều thuộc thời kỳ huyết thống công xã.

Các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc như Nạp Tây, Thái, Miêu, Đồng, Choang, Lê, Cao Sơn, … cho đến nay vẫn còn lưu truyền các thần thoại nói chuyện anh em thông hôn. Ngoài ra, hiện nay cũng còn một số dân tộc hoặc nhiều hoặc ít còn bảo lưu tàn dư của lối kết hôn này.

Hiện nay, các nhà sử học vẫn chưa thể đoán định thời gian xuất hiện truyện Phục Hy và Nữ Oa vào lúc nào, nhưng họ khẳng định vào thời huyết thống công xã ở thời kỳ xã hội nguyên thủy. Điều này là có thể khẳng định. Thời kỳ này đã cách đây khoảng hàng triệu năm. Phục Hy và Nữ Oa cuối cùng là anh em thông hôn, hiện sử liệu chưa có đầy đủ để chứng minh.

Mác đã từng nói: “Ở thời kỳ nguyên thủy, chị em gái từng là vợ. Điều đó vẫn hợp đạo lý.” Cứ như thế, Phục Hy và Nữ Oa là anh em thông hôn vẫn là điều có thể xảy ra.

Bởi
  Dương Đình Giao

Lời giải 20. VỀ CÁI CHẾT CỦA LÝ LIÊN ANH

Cuối triều Thanh, người để lại ấn tượng sâu sắc nhất với mọi người ngoài “Lão Phật gia” Từ Hy sợ không còn ai khác là Đại Thái giám Lý Liên Anh. Con người này ban đầu là một tiểu Thái giám xuất thân nghèo khổ, nhưng nhờ “thiện sớ tân kế” (học được cách chải đầu để làm Từ Hy hài lòng) lại thêm có công lớn với Từ Hy và tám vị đại thần nắm giữ quyền hành nên từ đó nhanh chóng trở thành Thái giám được Từ Hy tin cậy, là Đại Tổng quản Thái giám cả hai triều vua Đồng Trị và Quang Tự.

Sau khi Từ Hy mất, Lý Liên Anh không còn chỗ dựa nên mượn cớ tuổi già xuất cung. Ngày 4 tháng 3 năm 1911, Lý Liên Anh chết, thọ 64 tuổi. Để làm nên những ngày may mắn của Lý Liên Anh, những năm tháng có thế lực rất lớn, không biết có bao nhiêu oan hồn đã chết dưới bàn tay ông ta. Cuối cùng số phận ông ta như thế nào? Chết già theo lẽ tự nhiên hay chết oan?

Về hoàn cảnh cái chết của Lý Liên Anh trong lịch sử được ghi chép tương đối chính xác trong cuốn sách “Thanh bại loại sao. Yêm thị loại”. Sách này ghi rõ, Lý Liên Anh sau khi Hiếu Khâm hậu (tức Từ Hy) chết, lại được Long Dụ Thái hậu tin cậy cho tới khi bị bệnh. Ông được Long Dụ thưởng hai nghìn lạng bạc.” Người đời sau của Lý Liên Anh cũng ghi lại: “Tổ phụ ta là Lý Liên Anh, chết già, hưởng thọ 64 tuổi.” Lại nói: Tổ phụ tôi bị mắc bệnh cấp tính, đã điều trị rất nhiều nhưng đã mất. Từ khi bị bệnh tới khi mất chỉ có 4 ngày.” Trong “Lý Liên Anh mộ táng bi văn” cũng có viết:  Lý Liên Anh “sau khi về nhà, ngày càng già yếu, tạ thế vào ngày 4 tháng 3 năm Tuyên Thống thứ 3”. Chính dựa vào ghi chép này, người ta nói Lý Liên Anh chết vào năm Tuyên Thống thứ 3 (1911).

Nhưng với sự việc này, nhiều người vẫn có thái độ hoài nghi, có phải Lý Liên Anh đã chết vì bệnh già? Muốn xác định nguyên nhân cái chết của ông ta cần xác định hoàn cảnh khi chôn cất, phải tìm tới mộ của Lý Liên Anh mới có thể kết luận được chính xác.

Vậy thì, mộ của Lý Liên Anh ở đâu? Có người nói mộ của ông ta ở Ân Tế trang, Hải Điện, Bắc Kinh. Đây vốn là nơi để mộ của các Thái giám đời Thanh. Trước khi Từ Hy Thái hậu qua đời đã chọn cho Lý Liên Anh một khu đất cao. Vì thế, khi chết Lý Liên Anh được chôn cất ở đây. Dân gian còn truyền nhau một giả thiết Lý Liên Anh được chôn cất ở Thanh Đông lăng, bên cạnh mộ của Từ Hy Thái hậu. Nhưng có người đã phủ nhận khả năng này vì Thanh Đông lăng là nơi an táng các tần phi của triều Thanh. Lý Liên Anh dù có may mắn thế nào cũng vẫn chỉ là một nô tài, không thể nào được chôn cất ở đây.

Ngoài ra, cũng có người cho rằng mộ của Lý Liên Anh được đặt ở nghĩa địa họ Lý bên ngoài cửa Vĩnh Định Đại Hồng môn.

Năm 1966, thời kỳ “văn cách” (cách mạng văn hóa), trong lúc “phá tứ cựu”, trường học 1.6 ở Ân Tế trang khu Hải Điện Bắc Kinh, Hiệu trưởng, Bí thư cùng một nhóm giáo viên  bị quy thành “ma quỷ rắn rết” đưa đi lao cải, một hôm họ cùng với mấy Hồng vệ binh phát hiện một ngôi mộ cổ, tương truyền đây là ngôi mộ của Lý Liên Anh. Khai quật ngôi mộ, người ta phát hiện những bí mật to lớn. Sau khi đã tìm hiểu kỹ lưỡng, người ta phát hiện trong đó có rất nhiều vật bồi táng, tất cả đều là những châu ngọc quý hiếm. Quan tài còn hoàn toàn nguyên vẹn, nhưng khi mở ra, chỉ thấy xương sọ cùng một bím tóc dài và đôi giày, ngoài ra hoàn toàn không có xương cốt nào khác. Người ta cho rằng, mọi châu ngọc quý giá vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị trộm cắp, nhưng ông chết từ năm 1911, đến năm 1966, sau 55 năm, xương cốt làm sao còn nguyên vẹn, dẫn tới cảnh “khỏa lạp vô tồn”.

Về nguyên nhân dẫn tới cái chết của Lý Liên Anh cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Trong dân gian, có người cho rằng Lý Liên Anh đã bị ám sát ở khu vực giữa Hà Bắc và Sơn Đông. Nhưng những người nói thế này cũng có nhiều ý kiến không giống nhau. Có người cho rằng Lý Liên Anh có một khối lượng tài sản rất lớn, bản thân ông ta cũng biết “ của càng lớn thì họa cũng càng lớn”, cũng đã có dự cảm về những tai họa mình phải gánh chịu. Quả nhiên là cuối cùng, chính do tài sản khổng lồ mà ông ta bị giết. Cũng có người cho rằng, Lý Liên Anh có một người cháu gái, gả cho một người ở huyện Vô Đệ, Sơn Đông. Ông ta ngẫu nhiên gặp nạn khi tới thăm cháu.

Trên đường đi, tới ranh giới giữa Sơn Đông và Hà Bắc thì bị giết. Lúc đó hai tên hầu đi theo hoảng sợ, bỏ chạy, chỉ mang theo được cái đầu đầm đìa những máu để trong một cái túi vải. Ngựa chạy một mạch, về tới Bắc Kinh mới dừng lại. Sau đó có trở lại tìm thi thể của Lý Liên Anh nhưng không tìm thấy.

Cũng có người cho rằng, Lý Liên Anh khi trở về ở Nam Hoa viên bị ám sát. Sau khi Từ Hy chết, Lý Liên Anh ở tại Nam Hoa viên. Ông ta biết không còn thế lực nâng đỡ, sống những ngày cuối cùng trong cô độc. Hàng ngày, ông ta chỉ biết nhớ về chủ cũ, nên thường tới Đông lăng thăm mộ Từ Hy, kết quả trên đường đi bị người ta giết.

Nói Lý Liên Anh bị ám sát, dù vì tài sản hay vì nguyên nhân nào khác cũng đều có thể xảy ra.  Khi còn sống, trong triều quyền hành của ông ta rất lớn, lại dựa vào Từ Hy đã hãm hại rất nhiều người, đương nhiên có rất nhiều kẻ thù.

Sau khi Từ Hy chết, Lý Liên Anh được Long Tụ Thái hậu nâng đỡ, lui về dưỡng lão ở Nam Hoa viên, không tránh khỏi bị người đời oán hận đến xương cốt. Cho nên một khi không còn chỗ dựa thì gặp tai họa cũng là điều tất nhiên.

Cũng có ý kiến cho rằng Lý Liên Anh bị Tiểu Đức Trương hãm hại. Tiểu Đức Trương là người thân tín của Long Tụ, từng đồng tình với việc Long Tụ giám sát Lý Liên Anh. Lý Liên Anh vội tìm đến Giang Triều Tông, một người thân tín của Viên Thế Khải cầu cứu. Trong vòng tay của Giang Triều Tông, Lý Liên Anh được sống an toàn. Tiểu Tâm Trương không cam chịu, đã kết giao với Giang Triều Tông. Thấy người này là thân tín của Thái hậu, tất nhiên Giang Triều Tông không thể cự tuyệt. Một lần, Giang Triều Tông mời Lý Liên Anh tới ăn cơm tối. Lý Liên Anh khinh suất cảm ơn và nhận lời. Trên đường về đã bị kẻ gian sát hại.

Tóm lại, người ta có thể có rất nhiều kiến giải khác nhau về cái chết của Lý Liên Anh, một cái chết không toàn thây. Vì sao ông ta bị giết, ai giết, và giết như thế nào, … Đó còn là những câu hỏi chưa có lời đáp.

Bởi
  Dương Đình Giao
  

Lời giải 19. CÓ PHẢI TỪ HY LÀ NGƯỜI ĐẨY TRÂN PHI XUỐNG GIẾNG?

Trân Phi, một người phụ nữ như hoa như ngọc, thông minh lanh lợi, lại giỏi ca hay múa, cớ sao lại kết thúc cuộc đời vì rơi xuống giếng năm 25 tuổi? Có phải Từ Hy là người đã gây nên thảm cảnh này vẫn là một bí ẩn. Lịch sử còn nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện này, cho tới nay vẫn chưa có hồi kết.

Trân Phi, họ Tha Tha Lạp Thị, người tộc Tương Hồng Mãn Châu, sinh năm Quang Tự thứ 2 (1876), ông nội của bà từng làm Tuần phủ, Tổng đốc các tỉnh phương Nam hơn mười năm. Cha là Trường Tự, có một trai hai gái, bà là  con gái út. Năm Quang Tự thứ 14 (1888), để chuẩn bị hôn lễ cho Quang Tự, hai người con gái của Trường Tự được lựa chọn, năm sau thì nhập cung. Cháu gái của Từ Hy được chọn làm Hoàng hậu, hai người con gái của Trường Tự được phong là Cẩn tần và Trân tần. Năm Quang Tự thứ 20 (1894), cả hai đồng thời được phong Cẩn phi và Trân phi.

Có người nói Trân phi là người phi được Quang Tự sủng ái nhất nhưng lại bị Từ Hy Thái hậu có ác cảm nhất. Bởi vì, Trân phi tuổi trẻ xinh đẹp, tính cách sôi nổi, khoáng đạt, lại giỏi thư họa; Trân phi thích cuộc sống sôi động, ở trong cung, thường mặc y phục giả làm Quang Tự, có lúc mặc y phục của Thái giám giả làm Tiểu Thái giám. Bà còn mang máy ảnh vào Hoàng cung, ghi lại hình ảnh các nghi thức, phục trang. Quang Tự rất yêu thích âm nhạc, Trân phi lại có khả năng ca hát, thường cùng nhà vua mài giũa thư họa, đánh cờ đàm đạo; ngoài ra, bà còn thường cùng Quang Tự bàn bạc công việc, giúp nhà vua nhiều việc chính sự. Những việc làm này khiến cho Hoàng hậu Long Dụ, cháu gái của Từ Hy vô cùng ganh tỵ. Long Tụ Hoàng hậu thường nói xấu Trân phi trước mặt Từ Hy, bản thân Từ Hy cũng không thích việc Trân phi tham gia vào chính sự, nên ban đầu chỉ không thích nhưng sau đó trở nên căm hận. Năm 1898, Khang Hữu Vi, Đàm Tự Đồng tích cực tiến hành biến pháp. Vua Quang Tự tiếp thu những chủ trương của phái cải lương do Khang Hữu Vi đứng đầu, tiến hành tân chính. Trong quá trình tiếp xúc với phái biến pháp, vua Quang Tự đã nhận thấy nguy cơ toàn diện với quốc gia và nhận thức được trách nhiệm của mình. Trân phi chính là người đã cảm thông và chia sẻ với nhà vua trẻ tuổi đang cô đơn  giữa những bức tường cao trong Hoàng cung. Mỗi ngày sau khi thoái triều, Quang Tự đều cùng Trân phi trò chuyện, nhận được sự tán đồng trong những quan điểm duy tân. Những biểu hiện này càng khiến cho Từ Hy không vừa lòng với Trân phi. Năm Quang Tự thứ 24 (1898), Từ Hy phát động chính biến, bắt bớ phái duy tân, Quang Tự bị giam cầm ở Doanh đài. Trân phi mất chỗ dựa, nhận nhiều trừng phạt, bị giam lỏng trong Tử Cấm thành.

Hai năm sau, vào năm Quang Tự thứ 26 (1900), liên quân 8 nước đánh phá Bắc Kinh, dân chúng kinh thành bỏ chạy tránh bom đạn chiến tranh, toàn bộ Hoàng cung cũng rơi vào cảnh rối loạn, Từ Hy theo sát vua Quang Tự cùng  với Hoàng hậu, các đại a ca, một số Thái giám, cung nữ bỏ chạy. Đi theo còn có một số vương cung đại thần. Trong thời gian này, Từ Hy đã hại chết Trân phi khi bà mới 25 tuổi.

Vậy cuối cùng, nguyên nhân nào đã dẫn tới cái chết của Trân phi? Về điều này, lịch sử có rất nhiều lời giải đáp, hoàn toàn không giống nhau.

Phần lớn mọi người đều cho rằng, từ sớm Từ Hy Thái hậu đã thấy Trân phi không thuận mắt mình, trong cuộc xâm lược của liên quân tám nước, để bảo vệ cái trinh tiết truyền thống, đã giam Trân phi vào lãnh cung, và nói với Trân phi: “Nếu bị làm nhục thì thà chết còn hơn.”  Từ Hy cho rằng Trân phi còn trẻ, nếu để quân Tây dương làm nhục sẽ làm ô nhục quốc thể của Mãn Thanh, như thế thì chết là tốt hơn. Vì thế, Từ Hy đã bức Trân phi nhảy xuống giếng tuẫn tiết. Còn Trân phi không bao giờ nghĩ tới chuyện này. Sau hai năm bị giam trong cung cấm do dã tâm của Từ Hy, Trân phi vẫn không chịu khuất phục. Nhưng vua Quang Tự khi ấy còn ở điện Dưỡng Tâm, hoàn toàn không biết gì về chuyện này. Từ Hy đã rất khẩn trương lệnh cho Nội Thái giám Tổng quản Thôi Ngọc Quý đẩy Trân phi xuống giếng. Trân phi đã chết chính vì nguyên nhân đó. Được tin, vua Quang Tự thương tiếc khôn nguôi, sau đó nhiều ngày còn ôm bức di ảnh của Trân phi để lại.

Cũng có một cách lý giải khác: Từ Hy trước khi bỏ chạy về phía tây có cho người gọi Trân phi đi cùng. Nhưng Trân phi không tới gặp Từ Hy, Từ Hy nổi giận lôi đình: “Đã đến lúc này mà ngươi còn chưa chịu thay y phục, người Tây dương kéo đến bây giờ liệu còn sống nổi không?” Nhưng Trân phi vẫn bất động, còn trả lời: “Hoàng đế là chủ của nước, cần phải coi việc quốc gia xã tắc làm trọng. Bà là Thái hậu, đương nhiên có thể lánh nạn, nhưng Hoàng đế thì không thể, Ngài phải ở lại kinh thành để nắm vững đại cục!”

Nghe xong, lửa giận của Từ Hy bốc cao ba trượng, bà nghĩ bụng: Ngươi thật là giỏi, trong lúc nguy cấp này, không những không nghe lời ta, lại còn dám công nhiên cãi lại, còn nói tới triều đình xã tắc, can dự đến triều chính, thật là đại nghịch vô đạo, để lại chỉ tổ gây họa về sau.” Vì thế, Từ Hy đã lệnh cho Thái giảm Tổng quản Thôi Ngọc Quý đưa Trân phi tới cái giếng ở gần cửa Trinh Môn để hãm hại. Nếu hôm nay, bạn có dịp tới thăm Bảo tàng Cố cung ở Bắc Kinh còn có thể thấy cái giếng này.

Ngoài ra, dã sử cuối triều Thanh cũng còn ghi lại rất nhiều chuyện khác. Từ Hy không phải là thủ phạm chính dẫn tới cái chết của Trân phi mà là Nội giám Thôi Ngọc Quý từ lâu đã có ý hãm hại Trân phi. Trong “Thanh cung di văn” có ghi lại chuyện này. Nhưng dù Nội giám có quyền hành rất lớn cũng không thể gan to tày trời dám hãm hại người phi được nhà vua vô cùng sủng ái. Nếu không được Từ Hy làm hậu thuẫn, chắc chắn Thôi Ngọc Quý không thể thực hiện được dù có mưu đồ.

“Quang Tự triều đông hoa lục” có ghi, lòng dạ Từ Hy nham hiểm như rắn độc chính đã gây nên tội ác này, bên ngoài, Từ Hy vẫn nói Trân phi chết để bảo toàn danh tiết, tránh khỏi bị người Tây dương làm nhục mà tự sát. Năm Quang Tự thứ 27 đã có một đạo chỉ nói như vậy.

Cuối cùng, Trân phi được an táng ở Điền thôn, bên ngoài cửa Tây Trực ở Bắc Kinh, sau đó được thực hiện nghi thức an táng của phi, đến năm 1913 được chuyển đến khu lăng của các phi tần bên cạnh lăng tẩm của vua Quang Tự.

Cái chết của Trân phi cuối cùng vẫn chưa có hồi kết thúc.

Bởi
  Dương Đình Giao
  

Lời giải 18. CHUYỆN VỀ HIẾU TRANG THÁI HẬU CẢI GIÁ

Hiếu Trang Thái hậu, người đàn bà bướng bỉnh của thảo nguyên mênh mông, một người phụ nữ kỳ tài đã chinh phục được hai người đàn ông từng hùng bá thiên hạ, con người trí tuệ đã từng đứng tiên phong trong những ngày mới lập quốc, xây dựng cơ nghiệp, … Chuyện về  bà đầy những màu sắc truyền kỳ. Trong lịch sử hơn ba trăm năm của triều Thanh, những nghi án về bà nhiều vô kể, trong đó mối quan hệ giữa Hiếu Trang Thái hậu và Đa Nhĩ Cổn để lại nhiều tranh cãi nhất.

Hiếu Trang Văn Hoàng hậu, Bá Nhĩ Tề cát Đặc Thị, tên Hán là Đại Ngọc Nhi là con gái của Trại Tang, một Bối lặc của bộ tộc Khoa Nhĩ Thấm Mông Cổ, sinh năm thứ 41 đời Minh Vạn lịch (1613). Năm Thiên mệnh thứ 10, Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Bá Nhĩ Tề Cát Đặc Thị Đại Ngọc Nhi 12 tuổi, được gả cho con trai thứ 8 của Nỗ Nhĩ Cáp Xích hơn cô 20 tuổi làm Trắc Phúc Tấn. Năm Sùng Đức nguyên niên, Hoàng Thái Cực xưng đế, Đại Ngọc Nhi được sách phong làm Trang phi, trong sách văn đã có nhiều lời lẽ ca ngợi phẩm hạnh và vẻ đẹp của bà.

Năm Sùng Đức thứ 8, Hoàng Thái Cực bị bệnh băng hà, con trai của Trang phi mới 6 tuổi là Phúc Lâm với sự phò tá của Đa Nhĩ Cổn nối ngôi, tôn Trang phi làm Hoàng Thái hậu.

Vè chuyện Thái Hậu cải giá, người đưa ra chuyện này sớm nhất được các nhà sử học chú ý là Trương Hoàng Ngôn, một di dân đời Minh. Trong mười bài “Kiến Di Cung Từ”, có một bài viết:

“Thượng thọ vi lễ hợp cẩn tôn, Từ Ninh trong cung lan doanh môn

Xuân quan tạc tiến tân ghi chú, đại lễ cung phù thái hậu hôn.”

Đại ý bài thơ là trong cung Hoàng thái hậu đang tổ chức tiệc cưới, mọi người dựa theo sự ban bố của Lễ bộ chúc mừng hôn sự của Thái hậu. Trương Hoàng Ngôn viết sự kiện này xảy ra vào năm Thuận Trị thứ 7, năm Thuận Trị thứ 5, Đa Nhĩ Cổn đã xưng “Hoàng phụ Nhiếp chính vương, Từ Ninh cung lại chính là tẩm cung của Hiếu Trang Hoàng Thái Hậu. Bài từ nói trong cung Từ Ninh cử hành hôn lễ, hiển nhiên là nói tới việc Hiếu Trang Thái hậu đã cải giá cùng Đa Nhĩ Cổn.

Nói Hoàng Thái hậu cải giá còn có thể có nhiều chứng cứ khác: từ lúc Đa Nhĩ Cổn xưng là Hoàng phụ đã có thể biết Thái hậu đã cải giá với Đa Nhĩ Cổn, trong triều Thuận Trị, Đa Nhĩ Cổn đã ở lại chỗ phụ thân của Hoàng thượng, tự xưng là “Hoàng phụ Nhiếp chính vương”, chỉ có thể xảy ra khi mẫu thân của Hoàng đế cải giá, Đa Nhĩ Cổn mới có thể xưng là Hoàng phụ, quyền thế của Đa Nhĩ Cổn từ đó vô cùng lớn. Hiếu Trang Thái Hậu từ lâu đã được Đa Nhĩ Cổn si mê, cho nên người của Đa Nhĩ Cổn mới đưa ra chuyện Hoàng Thái hậu cải giá, hơn nữa, làm như vậy càng thêm khả năng khống chế vua Thuận Trị. Đề xuất này rất nhanh chóng được các đại thần ủng hộ. Trước quyền thế của Đa Nhĩ Cổn, Phúc Lâm cũng miễn cưỡng phải đồng ý. Như vậy, Thái hậu đã chính thức cải giá với Đa Nhĩ Cổn làm vợ. Chuyện này xảy ra trong hoàn cảnh vua Thuận Trị và Hiếu Trang Thái hậu đều trong hoàn cảnh cô nhi quả phụ phải đối phó với những âm mưu hiểm ác về chính trị. Cuối đời Thanh còn phát hiện “Thuận Trị di chiếu” nói tới Thái hậu cải giá với Hoàng phụ Nhiếp chính vương . Chiếu thư còn ghi chép rõ ràng, đây chính là bằng chứng thép chứng tỏ Thái hậu đã cải giá với người rất mực quyền uy.

Ngoài ra, cũng có người nói rằng, sau khi Hoàng Thái Cực băng hà, cuộc đấu tranh trong nội bộ tầng lớp quý tộc Mãn Thanh vô cùng quyết liệt, đỉnh điểm là cuộc tranh chấp ai sẽ kế thừa ngôi báu, lúc đó, thế lực của Đa Nhĩ Cổn và con trưởng của Hoàng Thái Cực là Hào Cách tương đương. Trong cuộc tranh giành ngôi báu, Hiếu Trang Thái hậu dã thỏa thuận với Đa Nhĩ Cổn để cho Phúc Lâm nối ngôi, điều kiện là để cho Đa Nhĩ Cổn làm Nhiếp chính vương. Sau khi được thỏa mãn quyền lợi, Đa Nhĩ Cổn đã chấp nhận để Phúc Lâm lên ngôi. Mới 6 tuổi, Phúc Lâm tất nhiến chỉ biết ăn chơi. Quyền hành tất vào một tay Đa Nhĩ Cổn, nắm được binh quyền, ông ta trở thành nhân vật số một trong triều đình, thậm chí đến đại ấn “ngọc tỷ” của Hoàng đế cũng mặc quyền sử dụng để thống trị thiên hạ, Tiểu Hoàng đế cũng có thể sẵn sàng bị phế truất. Người ta cho rằng, để bảo đảm ngôi báu cho Thuận Trị, Hiếu Trang đã lợi dụng sự si mê của Đa Nhĩ Cổn đối với bà, thực hiện một cuộc đổi chác, đem thân cải giá cùng Đa Nhĩ Cổn.

Còn có người cho rằng, Mãn tộc là một dân tộc thiểu số phương bắc đã có phong tục anh chết em thay, người em có thể lấy người chị dâu như chuyện cải giá này, hoàn toàn không phải là chuyện trái luân lý, đạo đức. Trước đây, tộc Mãn còn có phong tục: cha chết, con có thể lấy mẹ, anh trưởng chết, em có thể lấy chị dâu. Vì thế, trong thời kỳ đầu của triều Thanh, chuyện như vậy có thể coi là bình thường. Xét trong hoàn cảnh khi ấy, Hiếu Tranh đang thì xuân sắc, kết hợp với trang anh tuấn đang nắm quyền lực như Đa Nhĩ Cổn cũng là một sự hợp lý, Thái hậu cải giá cũng không có gì lạ.

Đương nhiên, số các học giả, các nhà sử học phủ nhận chuyện cải giá này cũng không phải là ít. Nhà sử học Mạnh Thâm đã có cuốn “Thực hư của chuyện Thái hậu cải giá” bác bỏ những điều này. Ông cho rằng Trương Hoàng Ngôn là một nguyên lão của triều Minh đã cố ý nói xấu triều Thanh, cho nên những câu thơ của ông ta không đáng tin. Thêm nữa, việc Thuận Trị coi Đa Nhĩ Cổn là “Hoàng phụ Nhiếp chính vương” cũng không phải chuyện lạ. Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, đã có những ông vua tôn lão thần là “trọng phụ”, “thượng phụ”. Mạnh Thâm còn đề xuất, với chuyện Thái hậu cải giá, dã sử có ghi chép rất nhiều, nhưng sử triều Thanh hoàn toàn không có ghi chép gì. Sự thực là, sau khi Hiếu Trang Thái hậu chết, vương triều Thanh còn kéo dài hơn hai trăm năm nữa. Trong suốt thời gian này, các triều đại tiếp theo vẫn giữ thái độ tôn sùng với bà, hết lời ca tụng công đức của bà. Ở lăng tẩm và các kỳ tế lễ đều được cử hành rất trọng thể. Nếu quả thật có chuyện cải giá, vương triều Thanh liệu có thái độ tôn kính như thế? Sau lý lẽ của Mạnh Thâm, học giả Hồ Thích thấy cũng khó có thể bác bỏ.

Nhưng cuối cùng, chuyện Hiếu Trang Thái hậu cải giá vẫn chưa kết thúc, đó vẫn là một nghi án khiến nhiều nhà sử học phân vân. Nhưng dù sự thực lịch sử có như thế nào, địa vị lịch sử của người phụ nữ tài năng kiệt xuất Hiếu Tranh Thái hậu vẫn không thể lu mờ.


Bởi
  Dương Đình Giao
  

Lời giải 17. CÂU HỎI VỀ CÁI CHẾT CỦA LÝ TỰ THÀNH

Lý Tự Thành là lãnh tụ nông dân khởi nghĩa vào cuối đời Minh, ông sinh năm Vạn Lịch thứ 28 (1600) ở huyện Mễ Chỉ, phủ Diên An, tỉnh Thiểm Tây, tự là Hồng Cơ. Là người có dũng có mưu, đại nhân đại nghĩa, năm Thiên Khải thứ 6, Lý Tự Thành đi lính ở Ngân Xuyên. Do khổ công luyện rèn, ông đã trở thành một người anh dũng thiện chiến.

Năm Sùng Trinh thứ 3 (1630), phong trào khởi nghĩa nông dân nổi lên như sóng cuộn, sau khi thăm dò, ông đến đầu quân cho cuộc khởi nghĩa do Sấm vương Cao Nghênh Tường lãnh đạo. Gặp Lý Tự Thành, Cao Nghênh Tường rất vui, cho ông giữ một chức quan. Mọi người bắt đầu gọi Lý Tự Thành là Sấm tướng.

Năm Sùng Trinh thứ 17 (1644), Lý Tự Thành kiến lập chính quyền Đại Thuận ở Tây An, niên hiệu Vĩnh Xương. Cùng năm ấy, Lý Tự Thành lãnh đạo quân khởi nghĩa đánh chiếm Bắc Kinh. Được mấy mươi vạn đại quân phò trợ, ông đánh đâu thắng đấy, cuối cùng, lật đổ được triều đình hôn quân vô đạo của vương triều Minh đã lung lay. Sau đó, do lơ là mất cảnh giác, không đề phòng tướng Minh Ngô Tam Quế đang trấn giữ Sơn Hải Quan, nội bộ lại có tướng lĩnh làm phản, tới khi quân Thanh nhập quan, Lý Tự Thành không biết làm sao, đành phải rút quân khỏi thành Bắc Kinh, qua Hà Nam, Thiểm Tây, Hồ Bắc, … rồi không biết sao nữa. Vì thế, sau khi rút khỏi thành Bắc Kinh, Lý Tự Thành tới những đâu, số phận ra sao vẫn còn là một nghi án trong lịch sử. Gần 400 năm rồi, câu hỏi ấy vẫn còn khiến nhiều người phân vân.

Về những ngày cuối đời của Lý Tự Thành, nói gọn lại, có mấy thuyết sau đây: Một là, ông đã chết ở núi Cửu Cung, Thông Thành; hai là, chết ở núi La Công, Kiềm Dương; ba là chết ở núi Cửu Cung, Thần Châu; bốn là chết ở núi Cửu Cung, Thông Sơn; năm là chết ở núi Thạch Cáp; sáu là chết ở Quảng Tây. Trong những phán đoán này, có hai giả thuyết được nhiều người tán đồng: ông bị hại ở núi Cửu Cung, huyện Thông Sơn, Hồ Bắc và ông chết khi làm sư ở núi Thạch Môn Cáp, tỉnh Hồ Nam.

Sau khi thua trận, Lý Tự Thành chạy về Thạch Môn Cáp làm sư rồi già mà chết ở chùa Linh Tuyền là một giả thuyết được nhiều người tán thành. Huyện Thạch Môn tỉnh Hồ Nam tên cũ là Lễ Dương, còn gọi là Lễ Châu. Theo “Lễ Châu chí lâm” đời Càn Long nhà Thanh, trong phần Lý Tự Thành truyện có chép: Lý Tự Thành sau khi thua trận, về chùa Cáp Sơn làm hòa thượng, pháp danh là “Phụng Thiên Bảo hòa thượng”. Chùa Cáp Sơn ở cách huyện Thạch Môn 15 cây số, là một ngôi chùa cổ có từ đời Đường. Theo những ghi chép này thì Hà Lân đã tới tận nơi khảo sát, đã gặp một người từng hầu hạ Phụng Thiên Bảo hòa thượng, họa lại chân    dung của Hòa thượng người Thiểm Tây đã 70 tuổi. Bức họa này giống với hình của Lý Tự Thành trong sử sách. Năm 1981, ở Thạch Môn Cáp Sơn còn phát hiện một bản khắc gỗ “Mai Hoa bách vận” của Lý Tự Thành, từ mộ của Phụng Thiên Bảo hòa thượng phát hiện tro xương và một bài văn bia “Tháp minh” trên mộ táng do đệ tử Dã Phất soạn. Hà Lân đã coi đây là một chứng cứ quan trọng. Qua khảo sát, Dã Phất chính là người cháu của Lý Tự Thành. Do đó, có thể chắc chắn rằng Phụng Thiên Bảo hòa thượng được Dã Phất ca ngợi chính là Lý Tự Thành. Tại Cáp Sơn, người ta còn phát hiện được tiền đồng “Vĩnh Xương Thông Bảo” trên có khắc “Vĩnh Xương nguyên niên” cùng quạt gấp và lò than bằng đồng. Ngoài ra, khi Lý Tự Thành chỉ huy quân đóng giữ ở Lễ Dương 6, 7 năm không lựa chọn một ai làm thủ lĩnh cũng là một chứng cứ đã làm sư ở đây.

Thuyết cho rằng Lý Tự Thành ở Cáp Sơn làm hòa thượng nêu lý do vì tình thế bức bách để liên minh kháng Thanh. Lúc này để kháng Thanh chỉ có thể dựa vào Đường vương Chu Duật Kiện được Hà Đằng Giao ủng hộ. Nhưng Hà Đằng Giao đàm phán, tất mọi người sẽ giao cho ông ta làm tổng chỉ huy. Hà Đằng Giao là thần tử của Đường vương, Lý Tự Thành là đương kim Hoàng đế, trong hoàn cảnh này khó có thể tiếp nhận. Hơn nữa, Lý Tự Thành đã bức tử Hoàng đế Sùng Trinh, ông là người bị những người thuộc vương triều Nam Minh coi là đại họa. Vì thế, Lý Tự Thành đành phải dùng kế hoãn binh lui về, ẩn cư giả làm sư. Trước hết, để cho Lý Qua và Hà Đằng Giao liên kết để có thể đánh tan sự nghi ngở của vương triều Nam Minh, cùng nhau chống nhà Thanh; mặt khác để cho nhà Thanh mất cảnh giác, chờ thời cơ chín muồi, Lý Tự Thành có thể nổi dậy từ Đông Sơn. Ngoài ra, còn có những chuyện mang màu sắc kỳ ảo khác có thể làm bằng chứng cho việc Lý Tự Thành “Thiền ẩn chi thuyết”.

Tuy thế, một giả thuyết tương đối phổ biến cho rằng “Thiền ẩn chi thuyết” thuần túy chỉ là phỏng đoán, bởi vì cuối cùng, Lý Tự Thành được an táng ở núi Cửu Cung, huyện Thông Sơn, đông nam của tỉnh Hồ Bắc. Núi Cửu Cung ở phía tây núi Ngưu Tích hơn chục cây số, ở đây có mộ của ông. Ghi chép sớm nhất nói Lý Tự Thành chết ở núi Cửu Cung là trong bản tấu của Viễn đại tướng quân triều Thanh A Tề Cách, dẫn bản tấu của Hà Đằng Giao gửi lên Đường vương. Trong bản tấu nói, Lý Tự Thành bị trọng thương, cùng với hơn hai chục người thân tín, bỏ chạy về núi Cửu Cung, bị dân thôn bao vây, không thoát  được, phải tự sát mà chết. Còn có một ghi chép khác rằng, ngày 2 tháng 5 năm Thanh Thuận Trị thứ 2, Lý Tự Thành trên đường di chuyển ở Giang Nam, cùng với quân Thanh đụng độ, binh lực hao tổn, chạy về Hồ Bắc nhưng rồi bị thủ hạ bao vây, cuối cùng chết trong cuộc chiến. Những di vật bên mộ của Sấm vương hiện còn những dấu vết đặc thù, còn khắc chữ Vĩnh Xương niên hiệu, có thể biết đó là dấu tích của Sấm Vương.

Ngoài ra, sử liệu còn có những ghi chép chứng tỏ một cách xác thực Lý Tự Thành đã chết ở núi Cửu Cung, huyện Thông Sơn.

Lý Tự Thành cuối cùng đã chết ở đâu? Vì sao mà chết? Những câu hỏi ấy vẫn còn vô cùng hấp dẫn lôi cuốn biết bao người để cố tìm lời giải đáp.

Bởi
  Dương Đình Giao
  

Lời giải 16. VÌ SAO TRỊNH HÒA VƯỢT BIỂN TỚI 7 LẦN?

Trịnh Hòa, còn gọi là Tam bảo Thái giám là một nhà hàng hải vĩ đại vào đầu đời Minh ở Trung Quốc. Ông vốn họ Mã, người Côn Dương, Vân Nam (nay là Tấn Ninh, Vân Nam), từ nhỏ, đã vào cung, đổi thành họ Trịnh.

Ông vượt biển lần đầu tiên vào năm 1405, đoàn thuyền có quy mô lớn chưa từng có, tới hơn 60 chiếc, mỗi chiếc dài 44 trượng, rộng 18 trượng, thủy thủ đoàn có tới hơn 2,7 vạn người.  Từ 1405 đến 1433, Trịnh Hòa chỉ huy đoàn thuyền được coi là  lớn nhất thế giới,  đã khắc phục muôn vàn khó khăn, tiến hành một hành trình trên biển đại quy mô tới hơn 30 quốc gia trên Nam Dương, Ấn Độ Dương. Điểm cực nam ông đã tới là đảo Gia-va, phía tây bắc, ông đã tới Ba Tư và Hồng Hải, về phía tây, đoàn thuyền đã tới bờ biển phía đông của châu Phi, trong lịch sử hàng hải thế giới, chưa hề có chuyến đi nào dài như vậy. Qua tất cả các nước, đoàn thuyền đã mang tới đồ gốm sứ, đồ đồng, vàng bạc, tơ lụa tinh xảo và nhiều hàng dệt quý giá. Đồng thời, ông cũng góp phần truyền bá văn hóa Trung Hoa. Ngược lại, ông cũng đã tiến hành trao đổi mang về nhiều đặc sản của các nước Á Phi như hồ tiêu, ngà voi, đá quý, hương liệu và nhiều thú quý hiếm như hươu cao cổ, báo kim tiền, …thúc đẩy mối quan hệ giao lưu về kinh tế giữa Trung Quốc với các nước Á Phi.

Trải qua bao gian khổ, Trịnh Hòa vượt biển tới 7 lần để làm gì? Đây là vấn đề đã được rất nhiều người quan tâm tìm hiểu và đã đưa ra rất nhiều lời giải đáp.

Một qquan điểm sớm được lưu truyền là do nguyên nhân chính trị. “Minh sử. Trịnh Hòa truyện” đã ghi: “Thành Tổ nghi Huệ Đế bỏ trốn ra nước ngoài, muốn truy tìm tung tích, đưa quân đi khắp nơi, đồng thời để biểu thị sự giàu mạnh của Trung Quốc.” Chu Đệ cử Trịnh Hòa “Tây dương” là để tìm tung tích của Kiến Văn Đế. Kiến Văn Đế, tức Chu Doãn Văn, còn gọi là Huệ Đế, cháu đích tôn của Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Sau khi phát động “Tĩnh nan chi biến”, Chu Đệ giành ngôi từ trong tay Kiến Văn Đế. Trong cơn hỗn loạn, Kiến Văn Đế bỏ trốn, không biết đi đâu. Chu Đệ rất lo lắng như mang khối đá nặng trong đầu. Mang tính tàn nhẫn của Minh Thành Tổ, Chu Đệ đã cho giết hàng vạn người thân cận với Kiến Văn Đế nhưng vẫn nghi ngờ Kiến Văn Đế bỏ trốn ra hải ngoại, sợ rồi có ngày Kiến Văn Đế phục thù, đó chính là sự đe dọa với ngai vàng của mình. Vì thế, Chu Đệ đã cử Trịnh Hòa “Tây dương” để truy tìm tung tích của Kiến Văn Đế hòng diệt tận gốc hậu họa. Nhưng cũng có một số học giả cho rằng: Kiến Văn Đế vốn người trung hậu, yếu đuối, sau khi bị Chu Đệ giành lấy ngai vàng có bỏ chạy ra nước ngoài Chu Đệ cũng chẳng cần phải tốn kém, mất công mất sức như thế để truy tìm. Vả lại, cũng đã có không ít bằng chứng về việc Kiến Văn Đế ẩn náu ở Nam Kinh rồi chết, không cần phải truy tìm để làm gì. Họ cho rằng nói Trịnh Hòa “Tây dương” để truy tìm Kiếm Văn Đế là rất đáng nghi ngờ.

Một quan điểm khác cho rằng, Minh Thành Tổ 7 lần cử Trịnh Hòa “Tây dương” là để  “huy binh dị vực”, “giáo hóa dị tộc”,  khuếch trương thanh thế để các nước xung quanh kính phục Trung Quốc. Sau khi Minh Thành Tổ Chu Đệ lên ngôi, triều Kinh đã kiến lập hơn 20 năm. “Tĩnh nan chi dịch” không gây nhiều ảnh hưởng xấu tới đời sống nhân dân nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Các đô thị vùng duyên hải của Trung Quốc  có sự phát triển rất phồn vinh. Trong hoàn cảnh ấy, mở rộng giao lưu và buôn bán với nước ngoài  đã trở thành đòi hỏi vô cùng cấp thiết. Là một ông vua nhưng Chu Đệ cũng có ý thức về công lợi, muốn trở thành một “cung chủ” “phụng thiên mệnh thiên quân chủ thiên hạ”, muốn các nước hải ngoại phải triều cống, nhà vua muốn “tuyên dương quốc uy”, tỏ sự giàu có của đất nước, muốn lợi dụng các hoạt động đối ngoại để biểu thị thế lực của mình, xây dựng uy vọng ngày càng lớn. Vì thế, Minh Thành Tổ Chu Đệ quyết định tổ chức một đoàn thuyền cực lớn, tiến hành “Tây dương” tới các nước. Những chuyến đi của Trịnh Hòa rõ ràng đã biểu thị được uy lực, sự giàu mạnh của Trung Quốc với các nước lân bang, tỏ rõ được uy đức của triều Minh. Nhà vua còn muốn mượn sức mạnh của quân đội tỏ rõ uy lực, sẵn sàng dùng binh lực để bảo vệ ngai vàng đã giành được một cách không chính đáng.

Còn có người cho rằng  Trịnh Hòa xuất dương tới 7 lần do nguyên nhân kinh tế, là để phát triển buôn bán đối ngoại, để mở rộng mối quan hệ, thay đổi chính sách ngoại giao vốn lạc hậu. Về mặt kinh tế là để mở rộng quan hệ buôn bán với các nước, từ đó, tăng cường thực lực kinh tế của đất nước. Khi vương triều Minh vừa mới kiến lập, các nước nhỏ xung quanh thường tới triều cống. Đương thời, đó là một hình thức trao đổi sản vật, các nước tiến cống, còn vương triều Minh thì ban thưởng. Các sản phẩm mang ra ban thưởng thường do các nước nhỏ tiến cống. Nhưng trong hoàn cảnh kinh tế còn thiếu thốn, Minh Thái Tổ đã ra lệnh hạn chế tiến cống, từ một năm chuyển thành ba năm một lần. Có một số quốc gia còn hạn chế tới mười năm một lần cho nên quan hệ ngoại giao có khi cơ hồ như đoạn tuyệt, kinh tế buôn bán cơ hồ đình đốn, thanh thế của vương triều Minh có nguy cơ giảm sút. Minh Thành Tổ để cải thiện tình trạng ấy, muốn phát triển quan hệ đối ngoại, mở rộng buôn bán với nước ngoài đã cử Trịnh Hòa xuất dương tiêu diệt các thế lực hải tặc để giữ vững sự ổn định, từ đó, ngầm tuyên bố  vương triều đã duy tân, ban thưởng cho các tiểu quốc, phát triển quan hệ với các nước lân bang, hoan nghênh các nước trở lại nếp cũ tiến cống hàng năm. Cử Trịnh Hòa đưa một đội thuyền lớn tới thăm viếng các nước còn có tác dụng giúp thủ công nghiệp Trung Quốc có điều kiện trao đổi các sản vật giúp họ thấy được sự tinh xảo, hấp dẫn của các sản phẩm thủ công nghiệp, từ đó có ý muốn tới Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, việc tìm ra nguyên nhân các chuyến đi của Trịnh Hòa cũng đã có nhiều thay đổi. Với những góc độ khác nhau, những nguyên nhân chỉ ra cũng không hoàn toàn giống nhau. Chuyến đi đầu tiên có thể chỉ với mục đích thăm viếng các Tiểu quốc, làm giảm áp lực của các nước xung quanh với Trung Quốc. Những chuyến đi về sau chủ yếu là để mở rộng mối quan hệ, thiết lập quan hệ hữu hảo giữa vương triều Minh với các nước lân bang.

Dù những chuyến đi của Trịnh Hòa xuất phát từ nguyên nhân nào, tác dụng to lớn của nó hoàn toàn không thể nghi ngờ, nó thúc đẩy giao lưu văn hóa và kinh tế, giúp các nước hiểu biết Trung Quốc, thừa nhận sự tồn tại của Trung Quốc, một quốc gia giàu mạnh. Những chuyến đi ấy đồng thời cũng tỏ rõ Trung Quốc có một đội thuyền hùng mạnh trong hàng hải thế giới.

Bởi
  Dương Đình Giao
  

Lời giải 15. CÓ PHẢI MAC-CÔ PÔ-LÔ ĐÃ TỚI TRUNG QUỐC?

 Mac-cô Pô-lô là nhân vật ai cũng biết khi đọc lịch sử Trung Quốc, ông chính là người rất có công trong kết nối văn hóa phương Đông với phương Tây, cuốn “Mac-cô Pô-lô du ký” đã được vinh dự to lớn trong lịch sử lữ hành thế giới. Trong cuốn “du ký” này, ông đã nói tới chuyến đi kỳ lạ của mình tới Trung Quốc rồi trở về I-ta-li-a, miêu tả một cách tỷ mỉ về đời sống giàu có và phồn hoa ở Trung Quốc.

Mac-cô Pô-lô sinh năm 1254 trong một gia đình thương nhân ở Vơ-ni-dơ, I-ta-li-a, có thể coi là một trong những người phương Tây đầu tiên đặt chân tới Trung Quốc . Năm 17 tuổi, cha và chú của ông có chuyến đi tới Trung Quốc và thật vô cùng may mắn, ông đã được cùng tham gia chuyến đi này. Họ theo con đường tơ lụa đi về phía đông, qua Xi-ri, lưu vực Lưỡng Hà, vùng Trung Á, qua cao nguyên Pa-mia. Tới năm 1275 họ đã đặt chân tới hành cung của Hoàng đế nhà Nguyên tại Địa Thượng đô (nay là Đa Luân, Nội Mông Cổ), bái kiến Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt. Họ ở lại Trung Quốc 17 năm, du lịch tới rất nhiều nơi, nhờ tài quan sát và ghi nhớ khác người, ở nhiều địa phương khác nhau, họ đã quan sát và ghi chép một cách tỉ mỉ; họ rất chú ý tới đời sống thương nghiệp, trình độ kinh tế, dân tình phong thổ, tôn giáo và tín ngưỡng, … ở nhiều nơi. Địa hình và tình trạng giao thông cũng được họ ghi lại một cách chi tiết.

Năm 1292, Mac-cô Pô-lô dời Trung Quốc và năm 1295 về tới Vơ-ni-dơ. Không lâu sau đó, xảy ra cuộc chiến tranh  trên biển, Vơ-ni-dơ thất bại, Mac-cô Pô-lô bị bắt làm tù binh. Trong tù, ông đã kể lại những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến đi của mình. Người bạn tù Ru-xti-che-lô (Rustichello da Pisa) đã ghi những câu chuyện đó lại thành sách. Cuốn sách nổi tiếng với cái tên “Mac-cô Pô-lô du ký”.

Nhưng những ghi chép về Trung Quốc trong Mac-cô Pô-lô du ký” từ đó tới nay luôn nhận được những nghi ngờ và chỉ trích. Có người cho rằng Mac-cô Pô-lô  về căn bản chưa tới Trung Quốc. Cuốn sách chẳng qua là chắp nhặt lại những câu chuyện của các Giáo sĩ và nhà buôn được lưu truyền, có những đoạn, tác giả đã “đạo” lại những đoạn trong  những cuốn sách nổi tiếng của A-rập. Cả cuốn sách không có một chứng cứ nào dù nhỏ chứng tỏ Mac-cô Pô-lô  đã tới và ở lại Trung Quốc, tất cả chỉ là một số câu chuyện có chút trùng hợp với các sự kiện đương thời.

Vì sao trong cuốn sách không hề nói tới lá trà, phụ nữ bó chân, kỹ thuật in ấn, chế tác sách vở, … những biểu hiện vô cùng quen thuộc trong đời sống của người Trung Quốc? Vì sao không thấy tác giả nói tới chữ Hán, việc sử dụng đũa trong bữa ăn? Vì sao nhiều biểu hiện văn hóa rất phong phú trong đời sống của người Trung Quốc không được ghi chép lại trong cuốn sách này? Ngoài ra, còn có rất nhiều các học giả bổ sung những chi tiết không xác thực của tác giả: Về quan hệ giữa Thành Cát Tư Hãn  và nhiều con cháu của ông có những sai lầm, việc đánh phá thành Tương Dương; hoàn cảnh sử dụng pháo binh để hạ thành này cũng có không ít những điều đáng ngờ; việc Mac-cô Pô-lô làm quan 3 năm ở Dương Châu cũng không đáng tin cậy; …

Nhưng những nhà nghiên cứu sử triều Nguyên và sử Mông Cổ đều thừa nhận Mac-cô Pô-lô có tới Trung Quốc. Người có nhiều đóng góp nhất là Giáo sư Dương Chí Cửu. Trong cuốn “Vĩnh Lạc đại điển” ông đã phát hiện 10 công văn rất quan trọng đời Nguyên có ghi lại sứ đoàn của Y Lợi Hãn quốc từ Tuyền Châu trở về nước trong đó có chi tiết đáng chú ý  là tên của sứ thần Ba Tư và thời gian trở về có được ghi lại một cách chuẩn xác trong cuốn sách của Mac-cô Pô-lô. Tuy thế, trong các công văn này không hề nói tới tên của Mac-cô Pô-lô. Nhưng cũng rất có khả năng, chức vị của Mac-cô Pô-lô trong triều Nguyên chưa vào loại cao để có thể được ghi chép. Về chuyện trong cuốn sách không nói tới việc dùng đũa, lá trà, Trường Thành, … có thể do nhiều nguyên nhân: Trước hết, Mac-cô Pô-lô kể lại bằng lời nên khó nói tới mọi chuyện, bản thân Mac-cô Pô-lô chưa qua trình độ Cao đẳng, lại ở trong tù, rồi những lời kể lại qua người ghi chép, có thể đã “rơi vãi” nhiều. Thứ hai, việc Mac-cô Pô-lô không nói tới trà rất có thể do người Mông Cổ đương thời uống sữa ngựa, rượu nho, … là chủ yếu mà không uống trà. Thứ ba, Mac-cô Pô-lô rất ít tiếp xúc với người Hán, ông cũng không biết chữ Hán, cho nên cuốn sách không nói tới chữ Hán hay vấn đề kỹ thuật in ấn.

Cuối cùng, điều có thể không cần bàn cãi là, chuyện Mac-cô Pô-lô có tới Trung Quốc hay chưa mãi mãi vẫn sẽ là một câu hỏi khó có lời giải đáp.

Bởi
  Dương Đình Giao
  

Lời giải 14. CÓ PHẢI KIẾN VĂN ĐẾ TỰ THIÊU MÀ CHẾT?

Năm Minh Hồng Vũ thứ 31 tức năm 1398, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương băng hà. Trước phút lâm chung, nhà vua để lại một di chiếu, truyền ngôi cho Hoàng Thái tôn Chu Doãn Văn, sử gọi là Kiến Văn Đế. Năm sau, người chú thứ tư của Kiến Văn Đế là Yên vương Chu Đệ khởi binh ở Bắc Bình, gọi là Tĩnh Nan. Sau 3 năm giao tranh, cuối cùng, Chu Đệ tiến công Nam Kinh. Khi  được Tào quốc công Lý Cảnh Long cùng bộ hạ mở cửa Kim Xuyên môn để Chu Đệ tiến vào thì hậu cung đột nhiên phát hỏa. Ngọn lửa ngày càng lớn, bốc cao ngút trời. Kiến Văn Đế bị lửa vây bốn phía, cuối cùng chết trong đám cháy. Chuyện này cho tới nay vẫn còn là một nghi án.

Trong chính sử, chuyện này được ghi lại trong “Hạp cung tự phần thuyết”.

“Thái Tông thực lục” chép rằng: Khi Chu Đệ đánh phá thành Nam Kinh, đưa quân tới trước cửa Kim Xuyên. “Chư vương, văn võ quần thần nô nức tới cửa nghênh đón, tả hữu biến sạch, chỉ còn lại có vài nội thị xung quanh”. Thấy bên mình chỉ còn mấy tên nội thị, Kiến Văn Đế buồn lòng than rằng: Ta còn gì nữa để mà tiếc nuối? Bèn tới Hạp cung tự thiêu. Sau khi tiến vào cung, Chu Đệ cho người đi tìm Kiến Văn Đế, cuối cùng chỉ thấy một thi thể đã cháy đen trong đám tro than, có người nói đó là Kiến Văn Đế. Vì thế, Chu Đệ đã dùng nghi lễ của nhà vua để mai táng. Sau khi lên ngôi được một năm, trong buổi nhận chiếu thư của Quốc vương Triều Tiên, Chu Đệ nói: “Cao Hoàng đế bỏ quần thần, Kiến Văn nối ngôi, nắm quyền gian ác, nhiễu loạn hiến chương, tàn hại cốt nhục. Vì thế, trẫm phải thực hiện lời dạy của tổ phụ, lập tức khởi binh diệt trừ cái ác. Không ngờ Kiến Văn bị kẻ gian bức bách tự thiêu ở Hạp cung.”. Những lời đó chứng tỏ bản thân nhà vua cho rằng mình hành động hợp lẽ và ông cũng không tin rằng Kiến Văn Đế chủ động tự thiêu.

Người đầu tiên nói tới chuyện tự thiêu là Vương Hồng Tú người đời Thanh. Ông dựa vào những câu chuyện trong “Minh sử cảo. Sử Liệt nghi” để cho rằng Kiến Văn Đế đã tự thiêu. Ngoài ra, học giả đời Thanh Tiền Đại Hân trong “Vạn tư đồng truyện” cũng đã sử dụng giả thuyết này. Cho tới “Thực lục” trong những năm Vĩnh Lạc và “Minh sử” được tu biên vào đời Thanh cũng đều nhắc lại giả thuyết đó. Kiến Văn Đế tự thiêu mà chết là quan niệm được coi là chính thống.

Nhưng đại đa số mọi người đều cho rằng nói Kiến Văn Đế tự thiêu là điều khó tin. Họ cho rằng Kiến Văn Đế hoàn toàn không chết trong biển lửa. Số người này đã từ trong “Chính sử” không tìm thấy những dấu vết của việc này. Họ còn đưa ra nhiều nghi ngờ về những điều ghi trong “Minh sử”.

“Minh sử. Cung Mẫn đế bản kỷ” đã ghi chép về cái chết của Kiến Văn Đế như sau: “Kinh thành lâm nguy, trong cung lửa bốc, Kiến Văn Đế không biết làm thế nào. Khi Yên vương vào cung thấy một thi thể trong lửa, ngày Nhâm Thân bèn chôn cất.” Những người nghi ngờ đưa ra những lý lẽ như sau: Không biết làm thế nào sao có thể nói là tự thiêu? Làm sao có thể nói cái thi thể trong đám cháy ấy là Kiến Văn Đế? Những điều này bộc lộ mâu thuẫn khiến người ta hoài nghi. Về sau, lại thêm nhiều người dựa vào những điều mơ hồ này, có thể suy ra thi thể chết cháy ấy là của Hoàng hậu. “Minh sử bản kỷ” thời Càn Long còn viết: Đệ cho người vứt xác vào lửa, rồi nói rằng đó là xác của Kiến Văn Đế.” Như vậy, do người ta không tìm được thi thể Kiến Văn Đế nên nói vậy.

Vì thế, ngoài những người đưa ra giả thuyết này, còn có giả thuyết nói trong mấy ngày Chu Đệ tiến công Nam Kinh, Kiến Văn Đế đã dùng dao tự sát nhưng được quần thần cứu, sau đó đã cùng 22 người thân tín bỏ chạy qua đường ngầm hoặc kênh đào. Kiến Văn Đế bỏ chạy về phương nào? Có người nói do trong cung đã có nhà sư cắt tóc cho ông để giả thành hoàng thượng ẩn mình trong một ngôi chùa nào đấy. Đương nhiên, cũng có người cho rằng ông đã bỏ chạy ra nước ngoài.

Giả thuyết cho rằng Kiến Văn Đế đã trở thành nhà sư được truyền bá rộng rãi. Có ghi chép rằng: Khi thành Nam Kinh bị công phá, Kiến Văn Đế đã giả thành hòa thượng bỏ trốn, cuối năm đó đã có lần trở lại kinh sư, khi chết được chôn cất ở Tây Sơn, Bắc Kinh. Trong “Minh sử. Trình tế truyện” có chép: “Khi cửa Kim Xuyên mở, vua bỏ trốn. Vua giả làm nhà sư, không biết đi đâu.” Trong “Minh triều tiểu sử” ghi chép sinh động hơn: “Kiến Văn Đế trở thành nhà sư rồi lưu lạc, mãi tới khi Chu Đệ chết mới trở về. Chuyện Kiến Văn Đế tới khi Chu Đệ chết mới trở về còn được ghi chép trong nhiều sách vở khác và đều thống nhất chi tiết sau khi chết, được chôn cất ở Tây Sơn, Bắc Kinh, được phong hiệu “Thiên hạ đại sư”.

Những ghi chép này được ghi chép bởi Vương Ngao Sinh vào năm 1450, gần với thời điểm xuất hiện giả thuyết nhà vua giả làm nhà sư. Về sau tác giả này đã trở thành Hộ bộ thượng thư, một cao quan trong Văn Uyên các đại học sĩ nên có thể đáng tin cậy.

Chuyện Kiến Văn Đế chưa chết vào thời điểm ấy đã được lưu truyền rộng rãi. Tin Chu Đệ đưa ra lập tức gây chấn động. Chu Đệ đương nhiên biết rằng mình đã phạm hai tội “đoạt đích” và “soán vị” khi giành lấy ngôi báu. Nếu Hoàng đế còn sống đã bỏ chạy, thì đó là sự uy hiếp cực kỳ lớn với ông ta. Vì thế, để ổn định nhân tâm không thể không lập tức đưa ra một chiếu thư nói Kiến Văn Đế đã chết. Chuyện này sẽ rất khó xác định rõ thực hư, và dễ dàng hiểu vì sao Chu Đệ không cho tìm kiếm thi thể của Kiến Văn Đế.

Trong “Minh sử. Diêu Quảng Hiếu truyện”: Năm 84 tuổi, khi mắc bệnh nguy cấp, Diêu Quảng Hiếu đã tới chùa Quảng Thọ gặp Hoàng đế Vĩnh Lạc, nói: “Hòa thượng Phổ Hiệp bị giam giữ đã lâu, mong có thể tha cho ông ta.” Phổ Hiệp là ai? Đây chính là nhà sư đứng đầu trong Hoàng cung, ông ta chính là Kiến Văn Đế cải trang để mọi người tin rằng Kiến Văn Đế không còn nữa. Vị Hòa thượng này bị giam 16 năm, điều đó có thể chứng tỏ Hoàng đế Vĩnh Lạc coi Hòa thượng này nguy hiểm như thế nào. Trong “Minh sử. Hồ Huỳnh truyện” có ghi lại chuyện Hoàng đế Vĩnh Lạc sai Hồ Huỳnh ám sát Kiến Văn Đế. Năm Vĩnh Lạc thứ 21, trong chuyến thăm một người tên là Trương Tam Phong, qua nhiều châu quận, hương ấp đã được Hồ Huỳnh đưa tới gặp Kiến Văn Đế vào đêm khuya, mãi tới canh tư mới chia tay. Chi tiết này đã bộc lộ thêm về Chu Đệ.

Còn có người nói sở dĩ có việc Quách Hòa đi sang phương Tây có mục đích chủ yếu là truy tìm nơi ẩn náu của Kiến Văn Đế. “Minh sử. Quách Hòa truyện” chép: Thành Đế nghi ngờ Huệ Đế (Kiến Văn Đế) bỏ trốn ra nước ngoài, truy tìm tông tích. Điều đó chứng tỏ Chu Đệ hoàn toàn chưa tin vào cái chết của Kiến Văn Đế do hỏa hoạn, ông ta vẫn chưa có kết luận cuối cùng về số phận của ông vua này.

Theo thời gian, những nghi vấn về Kiến Văn Đế dần được bộc lộ đồng thời cũng kèm theo không biết bao nghi ngờ. Nhà sử học nổi tiếng Cố Hiệt Cương trong thời gian Bắc đại cầu học có tới Hồng Sơn ở Di Hòa viên đã tìm thấy “Tiền Minh thiên hạ đại sư chi mộ”, “Nghệ Lâm tuần san” năm 1928 còn nói tới “Minh Kiến Văn Đế y bát tháp” ở một ngôi chùa Phật ở Võ Định, Vân Nam, kèm theo “Minh thiên hạ đại sư tượng” kèm theo ảnh chụp có viết: “Thiên hạ đại sư giả, Minh Kiến Văn Đế dã.” Xem ra câu hỏi về Kiến Văn Đế vẫn vẫn còn  được các nhà sử học tiếp tục tìm hiểu với rất nhiều hứng thú.

Bởi
  Dương Đình Giao
  

Lời giải 13. TỐNG THÁI TỔ VỚI “TRẦN KIỀU BINH BIẾN” VÀ “CHÚC ẢNH PHỦ THANH”

Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận là vị vua khai quốc của vương triều Tống. Trong suốt cuộc đời ông có hai nghi án lịch sử: trước hết, ông là đầu mối trong “Trần Kiều binh biến” để dẫn tới “Hoàng bào gia thân”; sau khi vua chết, lại để lại một nghi án: “Chúc ảnh phủ thanh”.

Nguyên đán năm 960, trong khi tất cả quần thần triều Hậu Chu đang cùng nhau làm lễ đón năm mới, bỗng nhiên, một tin từ phía bắc truyền  tới. Đó là báo cáo quân sự khẩn cấp của châu Định Nhị: Quân Liêu đang hướng  về phía nam, tiến công triều Chu. Tình hình vô cùng nguy cấp, nếu không nhanh chóng tăng cường quân đội chống lại, quân Liêu sẽ đánh thẳng tới, hậu quả thật khôn lường. Hoàng đế nhỏ tuổi và Hoàng Thái hậu đành phải mời Triệu Khuông Dận lúc ấy đang đảm nhiệm Tiết độ sứ, Thái úy, Điện tiền đô điểm kiểm mang quân lên phương bắc ngăn chặn quân Liêu. Ngày mồng 3, quân Tống tới trạm dịch Trần Kiều ở đông bắc Khai Phong. Đang đêm, quân lính bỗng tụ tập lại, tuyên bố: “Hoàng đế còn nhỏ tuổi kém cỏi, làm sao có thể làm việc triều chính?”. Lúc ấy, Triệu Khuông Dận đang say rượu nằm ngủ trên giường. Sáng sớm hôm sau, các tướng sĩ kéo tới trước mặt Triệu Khuông Dận, đồng thanh hô lớn: “Chư tướng không thể không có chủ, mong Thái úy lên ngôi Thiên tử!” Triệu Khuông Dận  tỉnh dậy, thấy trên người đã có áo bào. Mọi người đứng xung quanh bái lạy, tung hô vạn tuế. Sau đó mọi người đưa ông lên ngựa, lập tức quay về phủ Khai Phong, giành lấy chính quyền Hậu Chu, kiến lập triều Bắc Tống. Đây chính là sự kiện mang tên “Trần Kiều binh biến, Hoàng bào gia thân”.

“Trần Kiều binh biến” vốn được coi là một “thiên cổ nghi án”, có rất nhiều điểm đáng ngờ. Đại để, có thể thấy những nghi ngờ sau đây:

Loại thứ nhất cho rằng, Trần Kiều binh biến không thể là một sự việc ngẫu nhiên mà là nằm trong kế hoạch được Triệu Khuông Dận chuẩn bị trước. Theo “Tốc thủy truyền văn” ghi lại: “Cập tương bắc chinh, kinh sư tuyên ngôn, xuất sư chi nhật, tương sách điểm kiểm vi thiên tử. Cố phú thất hoặc viễn từ vu ngoại châu, độc cung trung  vị  giải chi dã.” Cổ thi cũng viết: “Hoàng bào không phải là vật thường dùng, ai có thể tin trong quân ngẫu nhiên mà có!” Lúc đó, khi tới Trần Kiều, trong quân đã có binh biến, chưa thấy Hoàng bào, đã có Thiên tử, làm sao có thể không phải là có âm mưu từ trước?

Thứ nữa, cái gọi là “say rượu bất tỉnh” chẳng qua cũng là sự ngộ nhận. Triệu Khuông Dận là chủ tướng trong quân, vừa mới lên đường, sao có thể say rượu bất tỉnh ngay trong trướng. Ông ta dù có nghiện rượu cũng không thể coi thường quân quốc đại sự như thế. Chẳng qua, nói “say rượu bất tỉnh” chỉ là để muốn nói, ông ta không liên can gì đến cuộc binh biến này mà thôi. Theo những ghi chép của người đời Tống, Triệu Khuông Dận từ sớm đã xem bói về con đường công danh của mình, từ chức Tiểu hiệu đến khi làm tới Tiết độ sứ, tất cả đều ứng nghiệm. Qua những ghi chép này, có thể thấy Triệu Khuông Dận đã có nguyện vọng lên ngôi Thiên tử. Thế mà  khi ở trạm dịch Trần Kiều, ông ta đang nắm quyền , thời cơ để giành ngôi thật dễ dàng, làm sao có thể bỏ lỡ được! Say rượu ư? Thật là vô lý!

Lại nữa, trong “Tống sử – Đỗ Thái hậu truyện” có ghi: “Sau khi Đỗ Thái Hậu biết con mình xưng đế, nói: Con ta có chí lớn, nay quả nhiên đã thành”, “Con ta bình sinh khác người, nói năng cao quý, thật là ưu tú!” Điều này chứng tỏ rõ ràng Triệu Khuông Dận đã có dã tâm xưng đế, chuyện “Hoàng bào gia thân” không phải tự nhiên mà có.

Tất nhiên cũng có một số người cho rằng Triệu Khuông Dận lên ngôi không phải là một âm mưu. Chứng cứ có ghi trong “Tống sử”, “Tục tư trị thông giám trường biên”, “Khiết Đan quốc chí” và nhiều cuốn sử khác có ghi châu Định Nhị cấp báo; “Bắc Hán cấu kết với giặc Khiết Đan”. Hơn nữa, không có chuyện hoang báo quân đội phối hợp làm binh biến, Tiết độ sứ châu Định Nhị không phải là người thuộc tập đoàn Triệu Khuông Dận, không thể có chuyện hoang báo. Thanh Triệu Dực cho rằng: “Ngũ đại chư đế, phần lớn đều do quân sĩ lập nên. Vì thế, việc Triệu  Khuông Dận “Hoàng bào gia thân” là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Về Tống Thái Tổ còn có một nghi án thiên cổ nữa, đó là chuyện “ Chúc ảnh phủ thanh”.

Buổi tối ngày 20 tháng 10 năm Khai Bảo thứ 9, Triệu Khuông Dận đột ngột qua đời. Ngày hôm sau, em ông là Triệu Quang Nghĩa kế thừa ngôi báu tức là vua Tống Thái Tông trong lịch sử. Về cái chết của Triệu Khuông Dận, “Tống sử. Thái Tổ bản kỷ” chi có một ghi chép sơ lược:” Quý Sửu tịch, Đế băng vu vạn tuế điện, niên ngũ thập, tần vu điện tây giai.” Nhưng ghi chép của dã sử đời Tống thì ly kỳ hơn. Văn Huỳnh trong “Tục tương sơn dã lục” ghi: Vào một đêm, mây giăng tứ phía, không khí thay đổi, tuyết phủ đầy trờihông khí thay đổihhhh

. Nhà vua bỗng nổi hứng, sai quan nắm giữ chìa khóa cung đình mở cửa Khai Đoan, truyền gọi Khai Đoan vương Triệu Quang Nghĩa vào). Khi Khai Đoan vương tới, vua truyền đuổi hết hoạn quan cùng thị vệ, chỉ còn hai anh em đối ẩm. Hai người uống rượu tới trống canh ba. Đêm đó, Triệu Quang Nghĩa ở lại trong cung. Tới trống canh năm, Tống Thái Tổ bất ngờ băng. Triệu Quang Nghĩa tuân theo chiếu thư truyền ngôi Thái Tổ đã ban bố trước khi chết, trước linh vị Thái Tổ, lên ngôi Hoàng đế.”

Vì câu chuyện được ghi lại có những điều hư hư thực thực nên người đời sau ghi lại chuyện này với những nghi vấn.

Một loại ý kiến khác là Tống Thái Tông đã “thí huynh đoạt vị”. Người nêu ý kiến này dựa vào những điều đã ghi trong “Tục tương sơn dã lục” cho rằng Tống Thái Tổ đã chết đột ngột trong khi “chúc ảnh phủ thanh” mà đêm đó, Tống Thái Tông ở lại trong cung cấm, ngày hôm sau trước linh cữu kế vị, thật khó tránh được tiếng giết anh chiếm ngôi. “Tống sử thông tục diễn nghĩa” và “Tống cung thập bát triều diễn nghĩa” đều dựa theo ghi chép này, sau đó tô vẽ thêm nhất là tình tiết “thí huynh đoạt vị”.

Một loại ý kiến khác thì cho rằng, cái chết của Tống Thái Tô và Tống Thái Tông chẳng liên quan gì tới nhau. Người theo ý kiến này đã dựa theo ghi chép của  Tư Mã Quang trong “Tốc thủy kỷ văn” nói Tống Thái Tông vô can. Theo “Tốc thủy kỷ văn”, sau khi Tống Thái Tổ băng, Hiếu Chương Tống Hậu cho người đi gọi bốn người con của Thái Tổ vào cung, nhưng sứ giả lại tới phủ Khai Phong triệu Quang Nghĩa. Triệu Quang Nghĩa vô cùng ngạc nhiên, ban đầu không dám tới, nhưng do sứ giả thúc giục mới đội tuyết vào cung. Vì thế, khi Thái Tổ chết, Thái Tông không có mặt, không thể nói là ông ta đã “thí huynh”.

Còn có một ý kiến khác nữa, tuy không khẳng định Tống Thái Tông là hung thủ giết anh nhưng cho rằng ông ta không thể tránh được nghi ngờ đã chiếm ngôi. Quá trình lên ngôi của Triệu Quang Nghĩa quả thực đã có rất nhiều hiện tượng khác thường. Theo “Tốc thủy kỷ văn” ghi lại, Tống Hậu cho gọi bốn người con của Thái Tổ mà Triệu Quang Nghĩa lại vào cung tạo thành điều nghi ngờ. “Tống sử. Thái Tông bản kỷ” cũng đã từng nêu nghi ngờ này: Sau khi Thái Tông lên ngôi, vì sao không chờ tới năm sau  mới đổi niên hiệu theo như lệ thường  mà chỉ hai tháng sau đã đổi niên hiệu từ Khai Bảo năm thứ 9 thành Thái Bình Hưng Quốc niên? Vì sao sau khi Triệu Quang Nghĩa lên ngôi 5 năm, bỗng nhiên có “Kim quy chi minh”? Đỗ Thái hậu đã có di chiếu “Hoàng vị truyền đệ”, Thái Tông vì sao một lần nữa sát hại em của mình là Triệu Diên Mỹ khiến ông ta phải uất ức mà chết? Sau khi Thái Tông lên ngôi, con thứ của Thái Tổ vì sao lại tự sát?Thái Tông từng gia phong Tống hậu là “Khai Bảo Hoàng hậu” nhưng khi bà chết, vì sao không cử hành nghi lễ tang ma của Hoàng hậu?

Tất cả những điều trên chứng tỏ, việc Thái Tổ chết và Thái Tông nối ngôi có rất nhiều nghi vấn, với mỗi nghi vấn cũng có rất nhiều lời giải đáp. Sự thực như thế nào, chỉ có thể có câu trả lời nhờ các thế hệ tiếp theo.

Bởi
  Dương Đình Giao