Kỹ thuật in vinh dự được coi là “mẹ của những phát minh”, là một trong bốn phát minh lớn của Trung Quốc thời cổ. Kỹ thuật in của Trung Quốc thời cổ chia làm hai loại: in bản khắc và in chữ rời. Kỹ thuật in bản khắc ra đời trước, từ trước Công nguyên, người Trung Quốc đã biết in bằng phương pháp ép sát, sau đó bằng cách in trên tấm đá và sau cùng phát minh ra cách in bằng bản khắc. Kỹ thuật in bằng bản khắc được thịnh hành vào đời Đường và đến đời Tống thì hoàn thiện.
Cho mãi đến tận đầu thế kỷ 20 in bằng bản khắc vẫn là phương thức chủ yếu của người Trung Quốc để in các loại sách vở, bản vẽ. Trong quá trình hơn 1000 năm, kỹ thuật in bằng bản khắc không ngừng được hoàn thiện và phát triển. Nguyên liệu để làm bản khắc ngoài gỗ còn có thể dùng đá, đồng; có thể in một màu lại có thể in nhiều màu bằng cách lồng bản, các bản in ban đầu chỉ là những tờ rời, khổ giấy nhỏ, sau phát triển dần khổ giấy có thể lớn hơn. Thời Ngũ Đại đã từng khắc in cuốn “Cửu kinh” là một trong những trước tác của Nho gia gồm 130 quyển, làm trong 22 năm. Thời Tống khắc in “Đại Tạng kinh” trong 12 năm, gồm 13 vạn tấm ván khắc. Đến thời Minh Thanh, hai tôn giáo là Phật và Đạo đã in khắc “Đạo Tạng” và “Độc Đạo Tạng”, đây là những công trình in bằng bản khắc rất lớn.
Chế tạo chữ rời
Nghề in bằng bản khắc từ đời Đường đã có ứng dụng rộng rãi, đến đời Tống đã phổ biến và phát triển, đây là một sinh hoạt văn hoá rất phổ biến ở mọi nơi, nó đã có tác dụng vô cùng to lớn trong việc kế thừa và phát huy những truyền thống học thuật của Trung Quốc.
So với việc viết bằng tay trước đây, kỹ thuật in bằng bản khắc đã tiết kiệm được rất nhiều công sức và thời gian, nó đúng là một cuộc cách mạng to lớn trong việc sản xuất ra sách vở và truyền bá tri thức. Nhưng sách in bằng bản khắc phải mỗi trang khắc một bản, lỡ có sai sót rất khó sửa chữa, nếu khắc một bộ sách lớn phải hao phí rất nhiều thời gian và nguyên liệu, không chỉ hao phí nhiều mà nơi để chứa những bản khắc ấy cũng chiếm một diện tích không nhỏ, rồi quản lý nó cũng không phải dễ dàng. Việc phát minh kỹ thuật in chữ rời trên cơ sở in bằng bản khắc đã có thể giải quyết được những mâu thuẫn ấy, tiến một bước lớn trong việc nâng cao hiệu quả của việc in sách.
Kỹ thuật in chữ rời trước hết là chế tạo từng con chữ riêng, sau khi bản thảo được đưa đến nhà in, cần phải nhặt từng chữ, xếp trên một mặt phẳng rồi thực hiện việc in. Khi in bằng chữ rời, một quyển sách sau khi in xong, có thể gỡ ra, dùng những chữ rời đó để sắp xếp in một quyển sách khác. Trước khi phát minh ra máy điện toán, đây là phương pháp chủ yếu để người ta sản xuất các loại sách, báo, tạp chí, … trên thế giới.
Kỹ thuật in chữ rời sau này được cơ giới hoá đã phát triển rất nhanh chóng, nó là một biểu hiện chủ yếu của văn hoá hiện đại. Một số các học giả Âu Mỹ đều nói kỹ thuật in chữ rời là một cống hiến của một người Đức vào giữa thế kỷ 15 là Gutenbec (1440 – 1450), đồng nhất kỹ thuật in chữ rời và kỹ thuật in, từ đó, kết luận Gutenbec là người phát minh ra kỹ thuật in, đây quả là không đúng với thực tế. Đầu tiên, sách báo được in không phải bằng kỹ thuật in chữ rời, kỹ thuật in bản khắc là phương pháp chủ yếu. Chữ rời xuất hiện là trên cơ sở của kỹ thuật in bằng bản khắc. Mà người Trung Quốc đã phát minh ra kỹ thuật in bằng bản khắc là một sự thực không thể chối cãi. Cho nên, nói Gutenbec là người phát minh kỹ thuật in còn rất nhiều điều phải bàn cãi. Sau đó, kỹ thuật in chữ rời đến châu Âu và được người châu Âu coi là có ý nghĩa to lớn, chỉ có thể nói Gutenbec là người châu Âu đầu tiên ứng dụng phương pháp in này, nhưng chắc chắn, thực tế đã nói với chúng ta, kỹ thuật in bằng chữ rời là do người Trung Quốc phát minh đầu tiên, rồi sau đó, người Trung Quốc đã trực tiếp hoặc gián tiếp truyền bá đến các nơi trên thế giới. Chúng ta hoàn toàn có lý do để tin rằng Gutenbec (hoặc một người nào khác) đã từ những kỹ thuật này mới sáng chế ra kỹ thuật in chữ rời của văn tự La tinh.
Kỹ thuật in bằng chữ rời là một phát minh của Tất Thăng, một công nhân thiên tài Trung Quốc vào những năm đời Khánh Lịch (1041 – 1048) Bắc Tống, trước ông dùng gỗ, sau dùng đất sét để chế thành. Đây là những con chữ rời sớm nhất trên thế giới. So với những con chữ do Gutenbec đã dùng, nó sớm hơn 400 năm. Điều quan trọng nhất của kỹ thuật in bằng chữ rời là nguyên liệu làm chữ rời và phương pháp công nghệ chế tạo chữ rời. Nhân dân lao động Trung Quốc thời cổ đã từng thử dùng rất nhiều loại nguyên liệu: đất dính, gỗ, đồng, thiếc, chì, chất liệu nào cũng thành công. Tất Thăng là người đầu tiên đã thành công khi chế tạo chữ rời bằng đất sét. Chữ rời của người Trung Quốc thời cổ có rất nhiều loại nguyên liệu nhưng nói chung có thể chia làm 2 loại: loại thứ nhất là chữ rời phi kim loại, như đất sét, gỗ và loại nguyên liệu kim loại như thiếc, đồng, chì, …
Thời kỳ Tất Thăng đời Bắc Tống, đã có người thử dùng gỗ để chế thành chữ rời, nhưng gỗ khi gặp nước sẽ nở ra, chữ không đẹp nên không thành công, Tất Thăng mới thay gỗ bằng đất sét để làm chữ rời. Sau đó không lâu, việc nghiên cứu dùng gỗ chế tạo chữ rời đã thành công và được phát triển, mở rộng “Cát dạng biên chí khẩu hoà bản độc” thời Tây Hạ là bản in bằng chữ gỗ và những chữ Duy Ngô Nhĩ bằng gỗ được khai quật là những bằng chứng rõ ràng. Nhà nông học đời Nguyên Vương Trinh đã chế tạo chữ gỗ và sử dụng luân chuyển những con chữ này thành công, dùng chữ gỗ in thành sách “Tinh Đức huyện chí”, nhưng cũng đã thất truyền. Sau đời Minh, chữ rời bằng gỗ dần phát triển trở lại.
Theo sách xưa để lại, Tất Thăng là ngườiđầu tiên đã dùng đất sét chế thành những con chữ đơn, sau đó dùng lửa nung cho cứng, ông đã thành công trong việc dùng những con chữ rời đó để in sách. Những năm 40 của thế kỷ 11, đời Khánh Lịch triều Tống ở Trung Quốc, (1041 – 1048) Tất Thăng đã phát minh kỹ thuật in bằng chữ rời. Về phát minh này, nhà khoa học đời Tống Trầm Quát trong “Mộng Khê bút đàm” quyển thứ 18 “kỹ nghệ” đã ghi lại rất rõ:
“Thư tịch in đời Đường còn chưa phổ biến, từ Phùng Doang Vương bắt đầu in Ngũ kinh, đời sau đều coi đó là bản gốc. Năm Khánh Lịch, có Tất Thăng in bằng chữ rời. Cách làm là dùng đất sét dẻo để khắc chữ, mỏng như đồng tiền. Mỗi chữ làm một thỏi, nung lên cho cứng. Trước hết lấy một tấm sắt, đổ lên đó nhựa thông và sáp ong. Muốn in làm một đai sắt bao xung quanh tấm sắt, xếp chữ lên đó cho đến khi đầy tấm sắt, dùng lửa nung cho nhựa thông và sáp ong chảy đều, giữ chặt các con chữ trên tấm sắt. Nếu chỉ in hai ba bản thì thật đơn giản, nếu in trăm nghìn bản thì rất nhanh. Thường làm hai tấm sắt, một tấm để in, một tấm để xếp chữ. Khi in bằng tấm thứ nhất xong thì tấm thứ hai đã sẵn sàng, cứ thế thay đổi cho nhau. Mỗi chữ có nhiều con chữ, như chữ “chi”, chữ “dã” cần có đến hơn hai chục con chữ, cần chuẩn bị nhiều để dùng nhiều chữ trong mộtbản sách. Không dùng thì lấy giấy gói lại. Mỗi vần để vào một ô gỗ. Có chữ laj chưa chuẩn bị thì khắc luôn, lấy cỏ khô đốt cho cứng, chỉ chốc lát là xong. Chữ đã xếp vào khuôn dình chặt vào nhau nhờ nhựa thông và sáp ong không thể lấy ra. In xong lại nung lửa cho nhựa nóng chảy, lấy tay rũ, các con chữ sẽ tự rơI ra, đặc biệt không bị nhiễm bẩn. Sau khi Tất Thăng mất, cách in này được mọi người tiếp tục sử dụng, còn lưu giữ đến ngày nay.”
Kỹ thuật in bằng chữ rời là một phát minh lớn trong lịch sử khoa học kỹ thuật của Trung Quốc. Dựa vào “Mộng Khê bút đàm”, có thể thấy phương pháp của Tất Thăng có mấy đặc điểm: một là, trực tiếp khắc chữ trên phôi đất sét mà không cần phải viết trước chữ ngược trên giấy rồi mới khắc; hai là, chữ đất sét có bề dầy không lớn, so với chữ rời bằng gỗ còn lại, không có sai khác lớn; ba là, những vật liệu để giữ chặt chữ rời trên khuôn như nhựa tùng hương, sáp ong, bột giấy, sau khi dùng xong, đem nung chảy lại có thể sử dụng lại, kể cả chữ rời và khuôn.
Đối với những đặc điểm đã phân tích ở trên: thứ nhất xét về mặt kỹ thuật, việc khắc chữ ngược trên bản khắc hoặc chữ rời là việc rất đơn giản, một việc tối thiểu phải chuẩn bị. Nếu phải viết chữ ngược trực tiếp trên bản khắc hoặc chữ rời thì phảI bỏ thêm công. Nếu có thể trực tiếp dùng dao khắc chữ ngược trên bản khắc hoặc chữ rời thì sẽ tạo ra trang sách đẹp. Đó là hai cách khắc. Tất Thăng có thể dùng dao trực tiếp khắc chữ ngược trên đất sét, thựchiện một kỹ xảo vô cùng hoàn hảo. Thứ hai, đất sét khô thường dễ vỡ dù con dao khắc có sắc nhọn đến thế nào chăng nữa, chỉ cần hạ dao xuống, bột đất đã bắn ra xung quanh, vùng tiếp giáp với các nét chữ cũng bị vỡ vụn, sau khi nung, ở những vùng tiếp giáp này sẽ xuất hiện những răng cưa, nếu là nghệ thuật khắc dấu thì đây có thể là nét đặc sắc, nhưng khi vùng tiếp giáp của những nét chữ có những khiếm khuyết, những nét răng cưa ấy để lại thì người đọc không thể chấp nhận. Thực tế đã chứng minh, nếu độ ẩm của đất sét khoảng 30%, dao khắc sẽ không bị dính, rít, rất dễ làm cho nét chữ, nét vẽ được gọn gàng ở vùng tiếp giáp. Cho nên Tất Thăng đã khắc chữ trên những thỏi đất sét có độ ẩm nhất định. Thứ ba, dù thỏi đất sét có độ ẩm như thế nào khi khắc cùng không thể dùng lực ấn như nhau, nếu không, phôI đất sét sẽ biến hình hoặc bị vỡ, chỉ có thể đặt phôi trên mặt bàn hoặc một mặt phẳng để khắc. Để đảm bảo cho phôi chữ được ổn định thì khi khắc, ngoại hình của phôi chữ phảI được ổn định. Các sách vở xưa đều ghi lại, chữ của tất Thăng mỏng như “tiền thần” là cách miêu tả ngoại hình của phôi đất rất hình tượng. “Tiền thần” là chỉ độ dầy của một bộ phận trên mặt phẳng của đồng tiền, dộ rộng ước khoảng 4 mm. Như vậy chiều dày của phôi đất sét tiện lợi khi khắc, mau khô, khi nung, hấp thu nhiệt đều. Thứ tư, dùng hỗn hợp tùng hương, sáp ong, giấy vụn nóng chảy để giữ các phôi đất sét chắc chắn trên khuôn sắt cũng do Tất Thăng sáng tạo ban đầu. Phương pháp này không giống với phương pháp cố định chữ gỗ của Vương Trinh đời sau. Phương pháp dùng hỗn hợp để cố định chữ của Tất Thăng rất đơn giản và dễ áp dụng.
Sau này, chính quyền Tây Hạ đã sử dụng kỹ thuật in chữ rời bằng đất sét để in kinh Phật, đến nay vẫn còn có chứng cứ để lại; đến đời Nguyên vẫn có những người tiếp tục phương pháp này, nhưng những sách vở của thời Nguyên in bằng phương pháp này hiện không thể tìm được; đến đời Thanh, Lý Dao và Địch Kim đã sử dụng phương pháp của Tất Thăng in chữ rời bằng đất sét thành công và còn lưu truyền đến nay.
Đầu đời Nguyên, nhà khoa học Vương Trinh phát minh ra chữ rời bằng gỗ đã cải tiến kỹ thuật in chữ rời. Sau khi đặt các chữ thành hàng, dùng mùn cưa để lèn chặt, cải tiến cách cố định của Tất Thăng còn nhiều bất tiện. Để giảm sức lao động của những người đi tìm các con chữ, sắp chữ được nhanh hơn, Vương Trinh đã phát minh ra bàn luân chuyển chữ. Ông đem các chữ rời xếp theo từng ký hiệu và xếp trên hai bàn khác nhau, một bàn để những chữ ít sử dụng, một bàn để các chữ sử dụng thường xuyên. Công nhân sắp chữ chỉ cần ngồi tại chỗ xoay các bàn là có thể tìm được con chữ cần tìm.
Việc in bằng chữ rời của Trung Quốc trước đây, ngoài chữ đất sét, chữ gỗ còn có chữ đồng, chữ thiếc, chữ chì, chữ sứ, nhưng phần lớn sử dụng chữ gỗ. Năm 1773, chính phủ Thanh đã tổ chức khắc hơn 253.500 chữ bằng gỗ táo, để in “Võ Anh điện tụ trân bản tòng thư” 138 loại, cộng là 2300 quyển, đây là cuốn sách in bằng chữ rời lớn nhất trong lịch sử;
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét