Trong những nỗi nhục lớn nhất về chủ quyền, không ai có thể quên được việc mất đất, lãnh thổ bị người khác xâm chiến, nỗi khổ này khó mà để lại cho đời sau. Trong lịch sử cận đại Trung Quốc, nỗi khổ này đã nhiều lần xuất hiện, nhưng không ai có thể quên được việc mất đất Hương Cảng và Áo Môn. Thực hiện việc thống nhất tổ quốc, đề cao địa vị Trung Quốc trên trường quốc tế, hai vùng đất này nhất định phải được thu hồi.
Hương Cảng và Áo Môn
Hương Cảng là cửa ngõ ra vào biển phía nam Trung Quốc, cảng tự do ở Viễn đông, một trong những khu vực mậu dịch, trung tâm vận tải đường biển, trung tâm tài chính ở châu Á và Thái Bình Dương. Nó nằm ở phía đông Chu Giang Khẩu, phía nam của thành phố Thâm Quyến, cách thành phố Quảng Châu khoảng 130 km, trên đường vận tải chủ yếu với thế giới, cửa ngõ của vùng Hoa Nam. Nó bao gồm 3 bộ phận: đảo Hương Cảng, Cửu Long và “Tân Giới”; diện tích đất liền 1.071,8km2. Trong đó đảo Hương Cảng 75,6 km2, Cửu Long 11,1km2, “Tân Giới” (bao gồm đảo lớn và hơn 230 đảo nhỏ xung quanh) 975,1 km2, phần đất mới thêm vào là 9,2 km2. Diện tích của thành phố là 166 km2, chiếm 15,6% tổng diện tích, dân số 6.785.000 người (số liệu năm 2000). Đất ít, người nhiều, 80% dân tập trung ở vùng đất hẹp dựa vào núi trông ra biển, mật độ dân số rất cao. 98% cư dân là người Trung Quốc, đông nhất là người Quảng Đông.
Hương Cảng từ xưa đến nay là vùng đất thiêng liêng của lãnh thổ nước ta. Thời kỳ nhà Thanh thống trị, Hương Cảng thuộc sự quản lý của huyện Tân An, tỉnh Quảng Đông (nay là thành phố Thâm Quyến). Nửa cuối thế kỷ 18, người Anh và các thương nhân ngoại quốc hàng năm qua Hương Cảng đưa thuốc phiện vào buôn bán ở Trung Quốc, đến năm 1840, họ phát động cuộc Chiến tranh nha phiến nổi tiếng thế giới. Ngày 29 tháng 8 năm 1842, chính phủ Thanh hủ bại hèn nhát bị ép ký kết điều ước bất bình đẳng thứ nhất, tức là “Điều ước Nam Kinh”. Khoản thứ 3 của điều ước quy định: “Đảo Hương Cảng nhượng cho chế độ quân chủ nước Anh, địa vị chủ quyền này được thế tập vĩnh viễn, nước Anh được tuỳ ý lập pháp cai trị”. Tháng 11 năm 1856, nước Anh lại mượn cớ, cùng nước Pháp lập liên quân phát động hiến tranh Nha phiến lần thứ hai. Trong cuộc chiến tranh này, quân Thanh liên tiếp thất bại. Anh và Pháp ép buộc chính phủ Thanh ngày 24 tháng 10 năm 1860 ký kết “Điều ước Bắc Kinh”, cắt phần đất phía bắc đường phố bán đảo Cửu Long cho Anh quốc. Năm 1894, chính phủ Thanh thất bại trong chiến tranh Giáp ngọ với Nhật, Anh và Pháp lại mượn cớ ép chính phủ Thanh ngày 9 tháng 6 năm 1898 ký “Chuyên ước mở rộng chỉ giới Hương Cảng”, quy định giới hạn phía bắc đường phố bán đảo Cửu Long đến phía nam sông Thâm Quyến cùng hơn 230 đảo trở thành lãnh thổ của Anh quốc. Từ đó, nước Anh thông qua ba điều ước bất bình đẳng đã chiếm toàn bộ đất Hương Cảng.
Sau khi triều đình nhà Thanh bị lật đổ, chính phủ Trung Quốc nhiều thời kỳ đã không thừa nhận chủ quyền vĩnh viễn của nước Anh với Hương Cảng, với những mức độ khác nhau cố gắng để Hương Cảng trở về tổ quốc. 150 năm nay, nhân dân Trung Quốc vẫn nuôi khát vọng thu hồi miền đất này, nhưng do những hạn chế của điều kiện lịch sử, chính phủ các thời kỳ trước chưa hoàn thành được sứ mệnh lịch sử này.
Áo Môn ở bờ biển phía nam của Trung Quốc, nó nằm ở phía nam giữa tam giác châu Chu Giang và tam giác châu Tây Giang, phía Tây của Chu Giang Lạp La Khẩu, nguyên là đất huyện Hương Sơn, tỉnh Quảng Đông (nay là thành phố Trung Sơn). Phía bắc tiếp giáp với Chu Hải Củng, phía nam gần biển nam của Kết Hàm, đông giữa biển Linh Đinh cùng trông sang Hương Cảng và Thâm Quyến, phía tây nhìn ra Loan Tử của huyện Đầu Môn, Quảng Đông. Áo Môn là do bán đảo Áo Môn và Hàn Tử tạo thành. Tổng diện tích 23km2, trong đó bán đảo Áo Môn 6km2.
Từ xưa đến nay, Áo Môn là lãnh thổ của Trung Quốc. Năm 1553, người Bồ Đào Nha hối lộ cho quan lại địa phương để dừng tàu bè lại đây buôn bán. Năm 1557, người Bồ Đào Nha bắt đầu tụ cư ở Áo Môn. Năm 1840, sau chiến tranh Nha phiến, người Bồ Đào Nha lợi dụng chính phủ Thanh thất bại, tuyên bố Áo Môn là cảng tự do, đuổi quan lại của chính phủ Thanh, chiếm Áo Môn. Năm 1887, chính phủ Bồ Đào Nha ép chính phủ Thanh trước sau ký kết “Thảo ước hội nghị Trung – Bồ” và “Điều ước Bắc Kinh Trung – Bồ”, trong đó quy định Bồ Đào Nha được quản lý Áo Môn và các vùng đất thuộc Áo Môn, quyền quản lý của Bồ Đào Nha là vô thời hạn.Về sau, Bồ Đào Nha đã coi Áo Môn là lãnh thổ của mình.
- Đặng Tiểu Bình và Thatchơ
Sau khi lên nắm quyền, Đặng Tiểu Bình quyết tâm giải quyết vấn đề Hương Cảng và Áo Môn. Vấn đề Hương Cảng là trọng tâm của hai vấn đề này, chỉ cần giải quyết được vấn đề Hương Cảng, vấn đề Áo Môn sẽ tự nhiên được giải quyết. Ngày 22 tháng 9 năm 1982, Thủ tướng Anh Thatchơ thăm Trung Quốc, cùng với Đặng Tiểu Bình đàm phán về vấn đề Hương Cảng. Nước Anh vừa mới chiến thắng trong cuộc chiến tranh đảo Mavinat, chiếm được quần đảo này, vì thế, bà ta xuống máy bay với thái độ vô cùng đắc ý.
Ngày 24 tháng 9, bắt đầu cuộc hội đàm chính thức cao cấp, với dáng vẻ tự đắc, Thatchơ đến phòng khách Nhân dân đại hội. Đầu tiên bà ta được Đặng Dĩnh Siêu đón tiếp. Sau một lát trò chuyện với Đặng Dĩnh Siêu, nữ thủ tướng Anh đến dinh Phúc Kiến ở gần đó để hội đàm với Đặng Tiểu Bình. Đi được nửa đoạn đường, thấy cửa dinh Phúc Kiên vẫn đóng chặt, bà ta ngạc nhiên, có vẻ khó chịu, vì sao không thấy Đặng Tiểu Bình nghênh tiếp? Khi bà ta đến cách khoảng hơn 10m, cửa dinh bỗng mở, Đặng Tiểu Bình tươi cười bước tới, đến gần bắt tay nữ thủ tướng. Vừa mới trải qua cảm giác khó chịu, câu nói đầu tiên của Thatchơ là: “Tôi là đương kim thủ tướng nước Anh tới thăm Trung Hoa, rất vui mừng được gặp ông”. Thủ tướng Anh thêm hai chữ “đương kim” hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên mà có ý nhắc nhở Đặng Tiểu Bình: Ông không thể thờ ơ được. Đặng Tiểu Bình phản ứng rất nhanh, lập tức trả lời: “Vâng, tôi đã nhận ra thủ tướng nước Anh, hoan nghênh bà tới thăm”.
Trước khi tới thăm Trung Hoa, bà Thatchơ đã từng nói: “3 điều ước về Hương Cảng vẫn có hiệu lực. Ý của bà ta là, dựa vào 3 điều ước này, việc đảo Hương Cảng và bán đảo Cửu Long thuộc về nước Anh là không thể thay đổi. Đến năm 1997, Trung Quốc chỉ có thể thu hồi lại Tân Giới của nước Anh. Vì thế, khi cuộc hội đàm chính thức khai mạc, bà Thatchơ vẫn kiên trì lập luận “3 điều ước vẫn có giá trị”. Chúng ta đều biết, 3 điều ước bất bình đẳng này là do nước Anh dùng vũ lực ép buộc chính phủ Mãn Thanh, nước Trung Hoa mới sau khi thành lập đã sớm tuyên bố không thừa nhận. Vì thế, Đặng Tiểu Bình đã hùng hồn trả lời: “Vấn đề chủ quyền không bao giờ là vấn đề có thể đem ra bàn bạc”, “Đối với vấn đề này, Trung Quốc không nhượng bộ”. Ông còn khẳng định: “Đến năm 1997, Trung Quốc không chỉ thu hồi Tân Giới mà còn thu hồi cả đảo Hương Cảng, Cửu Long”.
Thátchơ nói với vẻ đầy sức mạnh: Nếu Trung Quốc tuyên bố thu hồi Hương Cảng làm cho Hương Cảng mất đi sự phồn vinh Trung Quốc sẽ phải chịu ảnh hưởng như một tai nạn.” Đặng Tiểu Bình kiên định: “Nếu nói như bà thu hồi Hương Cảng là một việc làm ảnh hưởng như một tai nạn thì chúng tôi cũng dũng cảm đối mặt với tai nạn này.” Đặng Tiểu Bình đã đề ra giới hạn về thời gian của việc đàm phán: “Chúng tôi có thể chờ đợi 1, 2 năm thu hồi Hương Cảng, nhưng thời gian không thể là vô thời hạn. Nếu đàm phán cấp cao không đạt đến một hiệp nghị, Trung Quốc sẽ suy nghĩ để có một phương thức và thời gian thích hợp cho việc thu hồi Hương Cảng”.
Lần thứ nhất trong hội đàm cấp cao tuy không có kết quả, nhưng Thatchơ đã thấy được sự lợi hại của Đặng Tiểu Bình, lập trường “3 điều ước vẫn còn giá trị” của bà ta về căn bản đã bị Đặng Tiểu Bình làm lung lay. Hội đàm kết thúc, nữ thủ tướng Anh từ phòng khách Nhân dân đại hội đi ra, qua cửa lớn bước hai bậc một xuống tam cấp, không ngờ bị ngã. Đường đường là thủ tướng, lại bị ngã trước mắt bao người nước ngoài, lại vừa mới kết thúc cuộc đàm phán, đây là một việc khiến cho có bao dự đoán và tin đồn trong các nhà báo quốc tế. Tóm lại, trong lần đàm phán này, Thátchơ không giữ được vẻ uy dũng sau chiến thắng Manvinat mà gặppr chịu sự thất vọng.
Ý chí và nguyên tắc đanh thép của Đặng Tiểu Bình đã khiến cho Thatchơ phải thay đổi, tháng 3 năm 1983, bà ta viết thư cho thủ tướng Trung Quốc, đề xuất hướng chuẩn bị để trình với quốc hội vấn đề trao trả Hương Cảng về Trung Quốc. Đó là cơ sở để tiến hành hội đàm lần thứ hai. Ngày 17 tháng 3 năm 1983, Thátchơ lại đến thăm Trung Hoa. Bà ta đề xuất: để đảm bảo sự bình ổn trong thời kỳ quá độ, kiến nghị thành lập một “tiểu tổ liên lạc liên hợp Trung – Anh” để hiệp thương các vấn đề cụ thể trong việc Hương Cảng trở về tổ quốc. Tiểu tổ liên hợp này bắt đầu làm việc từ 1 tháng 7 năm 1988, đến 1 tháng 1 năm 2000 thì giải thể. Tháng 9 năm 1994, tổ liên hợp Trung – Anh tuyên bố: Xác nhận từ ngày 1 tháng 1 năm 1997 khôi phục chủ quyền đối với Hương Cảng, thành lập đặc khu Hương Cảng của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Ngày 13 tháng 4 năm 1987, hai chính phủ Trung – Bồ ký kết “Tuyên bố liên hợp của chính phủ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và chính phủ Cộng hoà Bồ Đào Nha về vấn đề Áo Môn”, xác định từ ngày 20 tháng 12 năm 1999, khôi phục chủ quyền của Áo Môn, thành lập đặc khu Áo Môn.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét