Trịnh Thành Công là một anh hùng vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc, ông đã lấy lại Đài Loan, đó là một cống hiến vô cùng to lớn trong sự nghiệp thống nhất dân tộc Trung Hoa. Lấy lại Đài Loan là một sự kiện không thể quên trong lịch sử Trung Quốc, đến nay nó vẫn có tác dụng cổ vũ cho sự nghiệp đấu tranh để sớm thống nhất Tổ quốc.
Hà Lan chiếm Đài Loan và sự nghiệp chống Thanh của Trịnh Thành Công
Đầu thế kỷ 17 trong sự thay đổi triều đại từ nhà Minh sang nhà Thanh, đất nước Trung Quốc có sự đổi thay to lớn, dưới triều vua Minh, bên trong khói lửa của những cuộc khởi nghĩa nông dân ngút trời, bên ngoài là chính sách tằm ăn lá dâu của Bát kỳ Mãn Châu, sự sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong lúc ấy, xã hội phương Tây có những biến đổi lịch sử to lớn, tiếp theo Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha Hà Lan trở thành một bá chủ mới trên mặt biển. Từ những công ty ở Đông Ân Độ, Hà Lan đã đi tiên phong trong công cuộc mở rộng xâm lược kéo dài tới tận vùng biển đông nam Trung Quốc, quân đội Hà Lan đã chiếm được đảo Bành Hồ của Đài Loan.
Năm Minh Thiên Khải thứ 4 (1624), Dư Cao, tổng binh Phúc Kiến đánh bại cuộc xâm chiếm Bành Hồ của quân đội Hà Lan, bắt sống được chủ tướng Cao Văn Tân, chỉ tiếc rằng ông đã không thừa thắng truy kích, tàn quân của quân đội Hà Lan phải tháo chạy về Đài Nam, ở Đài Nam, lần lượt họ xây dựng thành Lan Già (thành Đài Loan), thành Phổ La Văn Tuyên (lầu Xích Khảm). Năm Minh Sùng Trinh thứ 15 (1642), quân đội thực dân Hà Lan lại men lên phía bắc đảo, chiếm Kê Lung, Đạm Thủ, từ đó, Đài Loan rơi vào tay quân xâm lược Hà Lan. Sau khi chiếm Đài Loan quân xâm lược Hà Lan đã thi hành ách thống trị thực dân, tăng thêm thuế má, tiến hành vơ vét. Hành động tàn bạo của chúng đã khiến cho nhân dân Đài Loan vô cùng phẫn nộ và kịch liệt chống lại, cuộc đấu tranh của dân tộc Hán và dân tộc Cao Sơn dần lan rộng ra toàn đảo.
Lúc đó, trong công cuộc chống nhà Thanh đã sản sinh một người anh hùng dân tộc vĩ đại, đó chính là Trịnh Thành Công, chính ông về sau đã lấy lại được Đài Loan từ tay người Hà Lan. Trịnh Thành Công là người Nam An, Phúc Kiến, ông sinh ngày 10 tháng 7 năm Minh Thiên Khải thứ 4 tức năm 1624 tại Bình Hộ, Nhật Bản, cha là Trịnh Chi Long làm tổng binh tỉnh Phúc Kiến triều nhà Minh, mẹ là Điền Xuyên Thị, người Nhật Bản. Đến năm Sùng Trinh thứ 3, ông từ Nhật Bản về nước. Năm Nam Minh Long Vũ nguyên niên (năm thứ 2 đời Thanh Thuận Trị, 1645), ông được vua Long Vũ quý trọng, cho mang họ Chu, đổi tên là Thành Công, phong tước Trung lý bá, nhận chức Ngự doanh trung quân đô đốc, người đời vẫn gọi là “Ông họ vua”. Năm Long Vũ thứ 2, nhân việc cha ông đầu hàng triều Thanh, ông phản đối quyết liệt mang niên hiệu Long Vũ để chống Thanh, tự gọi là Chiêu thảo đại tướng quân, lấy Kim Môn, Hạ Môn ở Phúc Kiến làm cơ sở chống Thanh.
Năm Nam Minh Vĩnh Lịch thứ 2 (1648), ông lần lượt được phong Uy Viễn hầu, Diên Bình công. Trịnh Thành Công thưởng phạt rõ ràng, quân lệnh dứt khoát, kỷ luật nghiêm minh nên đã xây dựng được quân đội cả thuỷ lục quân đều rất thiện chiến. Năm Vĩnh Lịch thứ 12 (1658) lợi dụng cơ hội lúc quân chủ lực của nhà Thanh chiến đấu cùng quân của Lý Định Quốc ở khu vực tây nam, Trịnh Thành Công mang 10 vạn quân bộ, 290 chiến thuyền tiến về phía bắc. Dọc đường, ông phá được Lạc Thanh, chiếm Ôn Châu, cùng hợp quân với Binh bộ thị lang của Nam Minh Trương Hoàng Ngôn, đến Dương Sơn thì gặp cuồng phong, thuyền đắm, người mất, đành phải rút về Bàn Sơn chỉnh đốn. Tháng 5 năm sau, ông đưa quân qua Sùng Minh vào Trường Giang, phá được xiềng xích của quân Thanh ở Hoành Giang, Mộc Phù Doanh, đánh Cô Châu, lấy được Trấn Giang, tiến về vây Nam Kinh. Cánh quân của Trương Hoàng Ngôn đánh chiếm được Vu Hồ, Huy Châu, Ninh Quốc, Thái Bình, Trì Châu… tất cả là 4 phủ 3 châu 24 huyện. Sau đó quân Thanh đột nhiên phản kích, ông mất 14 tướng, quân mất đến hàng vạn, phải rút về Hạ Môn. Tháng 1 năm Vĩnh Lịch thứ 15, liên minh chống nhà Thanh của Lý Định Quốc thất bại, vùng đất liền các tỉnh về cơ bản đã bị quân Thanh chiếm đóng. Trịnh Thành Công trong tình thế cấp bách, cho rằng chỉ có thu phục được Đài Loan, tiếp đến là Kim Môn, Hạ Môn, sau đó mới có thể chiến đấu thu phục Trung Nguyên, như thế sự nghiệp mới hoàn thành. Vì thế, ông quyết định tiến quân thu phục Đài Loan.
Trịnh Thành Công thu phục Đài Loan
Ngày 23 tháng 3 năm Thuận Trị thứ 18, Trịnh Thành Công chỉ huy đại quân 25.000 người, mang theo hơn 200 chiến thuyền từ Kim Môn Liệu La Loan rầm rập xuất phát. Ngày 24, đại quân đến Bành Hồ, ngày 1 tháng 4, 3.000 quân trú tại đó, đến tối đại quân tiến về đảo Đài Loan.
Từ Bành Hồ đến Đài Nam đổ bộ lên đất liền chỉ có hai đường. Đường phía nam đã bị người Hà Lan xây thành Khởi Nhiệt Lan Già ở Côn Thân Sa Châu (tức là thành Đài Loan), bố trí trọng pháo phong toả chặt chẽ. Đường phía bắc boong tàu sẽ hư hại vì nước cạn, lâu ngày bùn cát bồi đắp làm tắc nghẽn, thuyền lớn khó có thể đi qua, người Hà Lan đã lơ là cảnh giác con đường phía bắc này, quân của Trịnh Thành Công thông thạo hoàn cảnh nội tình Đài Loan nên đã chọn con đường phía bắc. Ngày 2 tháng 4, đoàn thuyền đến Lộc Nhĩ Môn gặp lúc nước triều lên mạnh tới 5, 6 thước, đại quân đổ bộ lên bờ rất thuận lợi ở phía bắc, ở phía cuối đảo và vùng phụ cận tây bắc thành Xích Khảm.
Ở Đài Loan, quân xâm lược Hà Lan đồn trú khoảng 2.600 lính, thành Đài Loan (Nhiệt Lan Già Bảo) khoảng 2.000 lính do tổng đốc quân Hà Lan Quỹ Nhất chỉ huy, thành Xích Khảm có khoảng 600 lính do tư lệnh Miêu Nam quân Hà Lan trực tiếp chỉ huy. Quân Hà Lan thấy quân Trịnh Thành Công đến bèn đánh chặn ở hai đường. Đầu tiên, Quỹ Nhất lệnh cho hai thuyền chiến hiệu Hách Khắc Thát và Kỳ Cách La Phất xuất phát, thuyền nhỏ hiệu Bạch Lộ và ca nô hiệu Mã Lợi Á xông tới đoàn thuyền của Trịnh Thành Công. Quân Trịnh lập tức giáng trả, đánh chìm tàu hiệu Hách Khắc Thác và đánh hỏng 3 chiếc tàu khác.
Ngày 3 tháng 4, quân bộ của Hà Lan 240 người do thượng uý Bối Đắc Nhĩ chỉ huy tiến công tuyến bắc lên bờ ở cuối đảo, 4.000 quân Trịnh ở hai mặt bao vây, đạn bắn như mưa, thượng uý Bối Đức Nhĩ cùng 118 tên lính bỏ mạng. Sau khi thuỷ bộ hai mặt đánh lui quân Hà Lan, Trịnh Thành Công chỉ huy quân bao vây thành Xích Khảm, cắt đứt mối liên hệ giữa thành Xích Khảm và thành Đài Loan, ngăn chặn quân bộ và quân thuỷ liên lạc với nhau, rồi đưa quân ngăn chặn quân Hà Lan tăng viện ở cuối đảo. Ngày 6 tháng 4, quân Hà Lan ở thành Xích Khảm đầu hàng.
Ngày 7 tháng 4 Trịnh Thành Công bắt đầu đánh thành Đài Loan, nhưng thành được bảo vệ kiên cố, pháo binh rất mạnh, hơn mười ngày mà vẫm chưa hạ được thành, vì thế, Trịnh Thành Công một mặt tiến hành quản lý những nơi đã chiếm được, một mặt thực hiện chiến lược vây hãm thành Đài Loan. Ngày 28 tháng 5, Ba Đạt Duy Á, tướng chỉ huy quân Hà Lan được tin quân ở thành Đài Loan thua trận, lập tức điều 700 quân, 10 chiến thuyền, khẩn trương tăng viện, ngày 5 tháng 7 đến vùng biển Đài Loan. Quân trinh sát đã cho Trịnh Thành Công biết việc này, ông bắt tay vào việc vây thành và đánh quân tăng viện. Sau khi quân tăng viện đến, quân Hà Lan cố gắng nhanh chóng thay đổi tình hình bất lợi vì bị vây , quyết định đưa tàu thuyền và quân lính mới đến đánh bật quân Trịnh Thành Công khỏi khu vực thành phố Đài Loan, lại phá huỷ những tàu thuyền đang đậu ở vùng gần lầu Xích Khảm của quân Trịnh, dự định sau khi đưa được hai chiến thuyền về khu vực thành phố, phá huỷ vị trí đặt pháo của Trịnh Thành Công trên biển, đưa 3, 4 trăm bộ binh tiến công vào thành phố, một cánh quân khác, đem 20 chiến thuyền tập kích chiến thuyền của quân Trịnh. Ngày 23 tháng 7 nhuận, hai bên chiến đấu trên biển, Trịnh Thành Công đích thân chỉ huy, bao vây chiến thuyền của địch, qua một giờ chiến đấu ác liệt, phá huỷ và đốt cháy hai chiến thuyền của Hà Lan, bắt được 3 thuyền nhỏ, giết hơn 100 quân địch. Sau đó, hạm thuyền của Hà Lan vội chạy ra khơi, không dám đến gần Đài Loan nữa. Tháng 1 năm 1662, Trịnh Thành Công tập trung quân ở Sa Châu ngoài thành Đài Loan, lập 3 pháo đài đặt 28 khẩu pháo, khẩn trương xây dựng chiến hào ở thành Đài Loan. Quân Hà Lan dùng pháo lớn, súng bộ binh, lựu đạn đánh trả, thành Đài Loan như biển lửa. Ngày 1 tháng 2 năm 1662, hai bên chính thức ký điều ước 36 điều.
Thu phục Đài Loan là một cuộc chiến đấu quy mô lớn trong lịch sử chiến tranh nước ta, lần đầu tiên chúng ta đã thắng lợi khi chiến đấu trên đất liền từ một cự ly xa, đây là một chiến thắng oanh liệt vì bằng trang bị thiếu thốn quân ta đã chiến thắng kẻ địch có ưu thế về trang bị. Thắng lợi của cuộc chiến đấu này đã kết thúc sự thống trị của bọn thực dân Hà Lan với nhân dân Đài Loan, bảo vệ lợi ích của dân tộc Trung Hoa, chứng tỏ nhân dân Trung Quốc từ nay đã có truyền thống đấu tranh không cam chịu cho kẻ khác chia xẻ lãnh thổ của mình, cuộc chiến tranh Đài Loan lần đầu tiên của Trịnh Thành Công đã kết thúc thắng lợi toàn diện. Cũng từ đó, Trịnh Thành Công đã trở thành người anh hùng kiệt xuất trong lịch sử dân tộc Trung Hoa.
Đài Loan trở về dưới quyền quản lý của chính phủ trung ương
Sau khi thu phục được Đài Loan, tháng 6 năm 1662, Trịnh Thành Công mắc bệnh rồi mất ở đó, khi ông mới 39 tuổi. Sau cuộc tranh cướp trong nội bộ, con là Trịnh Kinh kế vị trở thành người lãnh đạo thứ hai ở Đài Loan, quan niệm chính trị của hai cha con ông hoàn toàn khác nhau. Trịnh Thành Công nói: “Người Đài Loan, phải coi là người Trung Quốc, đất đai của Trung Quốc”, Trịnh Kinh lại nói: “Đài Loan ở xa ngoài biển, không phải trong bản đồ của Trung Quốc”. Như vậy là Trịnh Kinh đã đi vào con đường chia cắt Tổ quốc.
Năm Khang Hy thứ 20 (1681), tình hình Đài Loan có nhiều thay đổi to lớn. Trịnh Kinh bị bệnh chết, con là Trịnh Khắc Tàng kế vị. Trong lúc quyền lực chưa ổn định, người được tin cậy của Trịnh Kinh là đại thần Phùng Tích Phạm làm chính biến, giết chết Khắc Tàng, thay đổi người nối ngôi. Trong việc này, Phùng Tích Phạm thâu tóm mọi quyền lực, lòng dân Đài Loan thất vọng. Chính phủ Thanh lúc này đã dẹp xong “loạn tam phiên”, kinh tế xã hội bắt đầu di vào con đường phồn vinh, vì thế, việc thu phục Đài Loan là việc được nói đến hàng ngày.
Tháng 6 năm Khang Hy thứ 22, Khang Hy giao cho một người vốn là thủ hạ của Trịnh Thành Công là thuỷ sư đại tướng Thi Lang làm Phó kiến thuỷ sư đề đốc, Thái sư thiếu bảo chỉ huy chiến thuyền tiến quân ra Bành Hồ, Đài Loan. Ngày 18 tháng 6, quân Thanh đánh Hổ Tỉnh, bên ngoài cảng Bành Hồ, chiếm được hai đảo, quét sạch vùng ngoại vi; ngày 22 tháng 6 phát lệnh tổng tiến công. Đến 16 giờ, quân Thanh đã giành được thắng lợi toàn diện, tiêu diệt 12.000 tên địch, bắt 5.000 tù binh, phá huỷ và chiếm hơn 190 chiến thuyền của quân Trịnh. Quân Thanh chết 329 người, bị thương 1.800 người. Quân Trịnh bị tổn thất vô cùng to lớn.
Sau khi đảo Bành Hồ và các đảo khác bị quân Thanh chiếm, Thi Lang một mặt chỉnh đốn quân đội, tạm đừng tiến công, một mặt tích cực tìm cách giải quyết hoà bình. Bành Hồ là cửa ngõ của Đài Loan, lực lượng chủ lực của tập đoàn Trịnh thị đã bị tiêu diệt, trong hoàn cảnh cửa ngõ đã mở, ngày 5 tháng 7 năm Khang Hy thứ 22 (1683), quân Trịnh tiếp nhận điều kiện đàm phán hoà bình của chính phủ Thanh, đầu hàng nộp vũ khí.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét