Một chiến hạm có 64 khẩu pháo hiệu “Sư tử”, một con thuyền có 3 cột buồm của Công ty Đông Ấn Độ vào sổ đăng ký 1.200 tấn hiệu “Ấn Độ Tư Thản” và một con thuyền nhỏ đi bảo vệ hiệu “Sài Lang” đã nhổ neo từ sớm. Rất nhanh chóng, cảng Phác Chí Mao Tư đã bị ném lại phía sau. Toàn đội hướng về phía Tây.
Để lợi dụng hướng gió, Huân tước Mã Ca Nhĩ Ni bỏ điểm dừng ở Vị Mặc Tư. Lúc đó, cả gia đình vua Anh đều đang ở đó. Trong một phòng phía đuôi tàu “Sư Tử”, Mã Ca Nhĩ Ni đang hít thở tận hưởng không khí của biển cả. Ông cũng say sưa với chuyến đi mạo hiểm này: Vua nước Anh từ lâu đã muốn cử một sứ đoàn lớn qua đó, các nước châu Âu cũng đưa một sứ đoàn có quy mô như thế đến Trung Quốc, đây chính là chuyến đi lớn đầu tiên. Nhưng Mã Ca Nhĩ Ni vẫn chưa muốn đến đó, ông chờ đợi chuyến đi trong một hoàn cảnh khác.
Hoàn cảnh thông sứ
Trước thế kỷ thứ 19, giữa Trung Quốc và phương Tây chưa có mối bang giao. Nguyên nhân của việc đó rất phức tạp. Thứ nhất là giữa Trung Quốc và phương Tây rất xa về địa lý, giao thông cũng không thuận lợi. Từ phương Tây đến Trung Quốc đều dùng thuyền buồm. Khi đó còn chưa có kênh Xuyê, từ phương Tây muốn đến Trung Quốc còn phải đi qua mũi Hảo Vọng Giác ở cực nam châu Phi, từ Luân Đôn đến Quảng Châu nhanh nhất cũng phải mất 3 tháng, vì thế lượng hàng hoá qua lại giữa hai nước cũng không lớn. Người phương Tây đến Trung Quốc mua hàng không ngoài tơ, chè và một số hàng xa xỉ khác. Kinh tế của Trung Quốc là tự cấp tự túc, không biết dùng cái gì của phương Tây xuất sang. Cho nên, tổng khối lượng mậu dịch quốc tế của Trung Quốc chủ yếu là xuất siêu. Trong tình hình ấy, mối bang giao hạn chế là tất yếu.
Còn một nguyên nhân nữa, Trung Quốc không thừa nhân sự bình đẳng của người ngoại quốc. Người phương Tây đến Trung Quốc , chúng ta thường coi họ là những “lưu cầu nhân” (người đi kiếm ăn), tiếp đãi họ với vị thế cao hơn. Họ không đến, chúng ta không ép buộc họ, nhưng khi họ đến tất phải tôn Trung Quốc là thượng quốc còn họ chỉ là những phiên thuộc. Vấn đề vị thế, vấn đề nghi thức đã trở thành một trở ngại lớn cho bang giao, “Thiên triều” tuyệt đối không thể bỏ qua việc này. Trung Quốc lúc ấy không nhận thấy việc liên hệ với bên ngoài là sự cần thiết tất yếu, lại cho rằng không cần quan hệ với “ngoại Di” với “Man mạch”, những kẻ không biết lễ nghĩa, liêm xỉ, qua lại với họ thì có được cái gì? Họ hám lợi mà đến, thiên triều ra ân cho họ, để cho họ mua bán, cần gì phải lôi kéo, phải mơn trớn họ. Nếu họ lại không biết an phận ấy, thiên triều sẽ “tiễu Di” (đuổi ngay). Lúc ấy Trung Quốc không biết có ngoại giao, chỉ biết là có “tiễu Di hoặc phủ Di”. Sự chia rẽ của các nhà chính trị cùng lắm chỉ là có một số chủ trương “đuổi”, có một số chủ trương “cho”.
Chế độ thông thương lúc đó cũng đặc biệt, thương nhân phương Tây chỉ biết có một cửa khẩu là Quảng Châu. Đến cuối đời Minh đầu đời Thanh, người phương Tây có đến Chương Châu,Tuyền Châu, Phúc Châu, Hạ Môn, Ninh Ba, Định Hải,… Nhưng sau đó do việc qua lại không thuận tiện, triều đình nhà Thanh lại ra pháp lệnh cấm, thành lập cái gọi là chế độ thông thương một cửa. Ở Quảng Châu, người nước ngoài cũng không được tự do, chỉ được mua bán vào hai mùa hạ, thu, họ có thể ở lại 13 nơi ở Quảng Châu, mua bán xong, họ phải đến Áo Môn rồi về nước. 13 điểm ấy là 13 nhà do chính phủ Trung Quốc chỉ định có thể mua bán cùng với người nước ngoài, đứng đầu là các “hành tổng”, “hành tổng” của 13 nơi ấy là 13 lãnh tụ, cũng là mgười giao thiệp của chính phủ. Mệnh lệnh của quan sứ ở Quảng Châu đều do các hành tổng” truyền đạt cho các thương nhân nước ngoài; nhà buôn nước ngoài muốn trình giấy tờ cũng phải qua các “hành tổng”. Nhà buôn nước ngoài đến Quảng Châu theo pháp lệnh không được ngồi kiệu, dĩ nhiên trong thực tế các quan sứ có thông cảm và châm chước, ngoài 13 nơi ở theo pháp lệnh họ không được đi chơi xa, riêng các ngày 8 ( đó là các ngày 8,18, 28) đi đến “Hoa địa” ở Hà Nam một lần. Đến Quảng Châu, họ không được mang vũ khí. “Di phụ” (phụ nữ nước ngoài) không được đến để đề phòng “bàn cứ chi tiêm”. Còn một số lệnh cấm kỳ lạ như người nước ngoài không được mua sách của Trung Quốc, không được học tiếng Trung Quốc. Người thày dạy tiếng Trung Quốc cho bác sĩ Mã Lễ Tốn, đồng thời cũng là một giáo sĩ truyền đạo Da Tô, mỗi ngày khi đi dạy phải mang theo mấy đôi giày và một ít thuốc độc. Giày là để chứng tỏ ông ta đi bán giày, không phải là đi dạy học, còn thuốc độc là để chuẩn bị nhỡ ra bị chính phủ phát hiện thì tự sát.
Lúc đó hải quan của Trung Quốc hoàn toàn tự chủ. Thuế hải quan được triều đình định ra vốn rất thấp, bình quân không quá 4%, chính phủ Mãn Thanh không coi trọng thu nhập từ hải quan. Nhưng những lệ xấu của quan lại phụ trách thì cực kỳ nặng nề, đại khái là thuế phải lên đến 20%. Pháp lệnh của Trung Quốc quy định phải công khai mức thuế, nhưng trên thực tế, quan lại các cấp lại giữ bí mật tuyệt đối, thuế má hoàn toàn nằm trong tay họ. Người nước ngoài mỗi lần nộp thuế đều phải qua thương lượng, mặc cả, vì thế đòi hỏi phải rất kiên nhẫn.
Người nước ngoài không vừa ý với chế độ thông thương của Trung Quốc, nhưng họ cũng nhận thấy không thể làm gì được ngoài việc duy nhất là phải chịu đựng. Đến cuối thế kỷ 18 (cuối đời Càn Long, đầu đời Gia Khánh), thái độ của người nước ngoài dần dần cũng thay đổi. Lúc đó, phần lớn hàng hoá mậu dịch đối ngoại của Trung Quốc đều trong tay Công ty Đông Ấn Độ của Anh. Trong số những người nước ngoài ở Quảng Châu, người Anh chiếm địa vị hàng đầu. Cuộc cách mạng công nghiệp ở nước Anh lúc đó đã khởi xướng, những mặt hàng thủ công nghiệp trước đây dần đã chuyển sang được chế tạo bằng máy móc. Thị trường nước ngoài ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của nước Anh, việc hạn chế thông thương của Trung Quốc là điều vô cùng bất lợi với sự phát triển của thương nghiệp nước Anh. Nhưng bây giờ, tại Ấn Độ, nước Anh đã chiến thắng nước Pháp, bán đảo Ấn Độ cũng rơi vào tay nước Anh. Sau đó, việc phát triển ở vùng Đông Á cũng dễ dàng hơn vì đã có Ấn Độ làm cơ sở.
Khi đó, người châu Âu xem vua Càn Long là một vị vua anh minh mẫu mực. Họ cho rằng, người Anh đến Trung Quốc thông thương gặp muôn vàn khó khăn đều do các quan lại địa phương ở Quảng Châu tạo nên. Nếu có cách gì để vua Càn Long biết, ông ta sẽ có sự chấn chỉnh. Năm 1793 (năm Càn Long thứ 57), khi ấy vua Càn Long đã 83 tuổi, nếu nước Anh nhân cơ hội này cử một sứ đoàn tới chúc thọ, việc ấy có thể là cơ hội thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Quan sứ ở Quảng Châu biết vua Càn Long thích những hư vinh, nên hết sức khuyên nước Anh cử sứ đến chúc thọ. Vì thế, nước Anh mới cử sứ đoàn do Mã Ca Nhĩ Ni làm đặc sứ toàn quyền đến Trung Quốc.
Cuộc gặp gỡ của Mã Ca Nhĩ Ni
Mã Ca Nhĩ Ni không phải là lần đầu tiên xuất ngoại, ông trước đã từng làm công sứ dưới triều Sa hoàng nước Nga, làm tổng đốc Gia Lặc Tỷ và tổng đốc Mã Đức La Tư. Quốc vương Kiều Trị Tam Thế cử đến Trung Quốc đều là viên quan giỏi. Nhân viên sứ đoàn có đến gần trăm người, bao gồm quan ngoại giao, quý tộc thanh niên nước Anh, học giả, bác sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, kỹ sư, quân đội và những người phục vụ. Kể cả thuỷ thủ là gần 700 người.
Lúc đó, chiến tranh Anh Pháp đang đến gần nhưng sứ đoàn vẫn lên đường đi Trung Quốc, điều này cũng chứng tỏ sứ mệnh quan trọng của chuyến đi này. Nội các nước Anh thấy chuyến đi này là cần thiết và cũng biết rằng ba chiếc thuyền này một khi đã xuất phát thì không còn cách gì để gọi về. Một vị tín sứ có thể cho một đội quân đuổi theo, nhưng không có cách gì để đuổi theo một hạm đội, hạm đội ấy một khi đã xuất phát chỉ có thể trông chờ vào sự an bài của thượng đế. Mã Ca Nhĩ Ni còn nhận được lệnh tiếp xúc với các nước cùng trong vùng Viễn Đông như: Thiên hoàng Nhật Bản, Hoàng đế An Nam, Quốc vương Triều Tiên, Mã Ni La, đảo Mã Lỗ Cổ Dương, …. Ông còn có quyền đến thăm bất cứ nước nào có thể giúp cho ông hoàn thành được sứ mệnh quốc gia: mở cánh cửa lớn của Trung Quốc vì nền thương nghiệp của nước Anh. Nước Anh là một cường quốc có vị trí toàn cầu, nó không làm việc đem toàn bộ số tiền đánh bạc trong chuyến đi này. Đây là một kế hoạch lâu dài của đất nước, nó đầu tư vì tương lai.
Tháng 4 năm đó, có một việc khác đã xảy ra trên thế giới, đặc phái viên của Công ty Đông Ấn Độ cũng xuất phát từ Luân Đôn, ngày 20 tháng 9 họ đến Quảng Châu, yêu cầu Quảng Châu sắp xếp để họ cùng tổng đốc Lưỡng Quãng gặp mặt. Họ cần đưa một phong thư của Giám đốc công ty Phất Lan Tây Tư. Bồi Lâm Tước Thổ cho tổng đốc. Trong thư đặc biệt đã viết: Vua nước Anh muốn tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa triều đình hai nước, để phát triển quan hệ mậu dịch hai bên cùng có lợi, quyết định cử Huân tước Mã Ca Nhĩ Ni làm đặc sứ toàn quyền đến thăm Bắc Kinh để tiến hành quan hệ trên nguyên tắc bình đẳng. Trong khi sứ đoàn mới xuất phát, họ đã thông báo mục đích của chuyến đi cho phía Trung Quốc.
Mã Ca Nhĩ Ni cho rằng chuyến đi này là rất phí công. Lễ vật cho vua Càn Long đều là những sản phẩm tốt nhất của nước Anh. Dụng ý không ngoài việc cho Trung Quốc biết nước Anh là một quốc gia không chỉ giàu có mà còn văn minh. Chính phủ Anh đã ra lệnh cho Mã Ca Nhĩ Ni phải hết sức tuân theo những lễ tiết của Trung Quốc, chỉ có một điều là phải tỏ ra hai nước Trung – Anh là bình đẳng. Mục đích giao thiệp có mấy việc: Thứ nhất, nước Anh muốn cử đại sứ toàn quyền thường trú ở Bắc Kinh, nếu Trung Quốc muốn cử đại sứ đến Luân Đôn, triều đình Anh sẽ đón tiếp với lễ tiết trang trọng nhất. Thứ hai, nước Anh mong Trung Quốc tăng cường mở cửa thông thương. Thứ ba, nước Anh mong Trung Quốc cố định và công khai thuế hải quan. Thứ tư, nước Anh muốn Trung Quốc cho một đảo nhỏ, để thương nhân nước Anh có thể ở và cất trữ hàng hoá, cũng giống như người Bồ Đào Nha có đảo Áo Môn. Về phía vua Càn Long, ông cũng rất vui mừng đón tiếp đặc sứ của nước Anh, nhưng vua Càn Long coi sứ đoàn Anh như một hạng sứ của phiên thuộc, muốn họ phải quỳ lạy. Mã Ca Nhĩ Ni ban đầu không chấp nhận, sau đó đáp ứng có điều kiện. Điều kiện của ông là: Khi Trung Quốc cử sứ đến Luân Đôn cũng phải quỳ lạy với vua Anh; hoặc là Trung Quốc cử một người quỳ lạy bức vẽ vua Anh mà ông ta mang theo. Mục đích của ông ta không ngoài việc tỏ rõ sự bình đẳng giữa hai nước. Trung Quốc không chấp nhận điều kiện ấy. Vua Càn Long rất không vui, sau khi tiếp kiến đã muốn ông ta rời khỏi Bắc Kinh về nước. Tất cả những yêu cầu mà Mã Ca Nhĩ Ni đưa ra, Trung Quốc đều cự tuyệt. Chuyến đi nhằm thiết lập quan hệ hữu nghị của nước Anh lần này hoàn toàn thất bại. Trung Quốc cũng đánh mất cơ hội tiếp cận với sự tiến hoá của xã hội cận đại thế giới.
Một lần thử nữa của A Mỹ Sĩ Đức
Sau chiến thắng Napôlêông, nước Anh đã tuyên bố với Bắc Kinh nước Pháp đã sụp đổ. Nhưng họ đã nhận được lời đáp: “Nước các ông cách xa vạn dặm nhưng nếu vua nước các ông biết đại nghĩa, cung thuận thiên triều sẽ được ban thưởng”. Để đả phá thái độ ngạo mạn này, nước Anh quyết định một lần nữa cử một sứ đoàn mới, do nghị viên Viện quý tộc, cháu và người kế thừa của người đã thắng lợi trong chiến dịch Wateclô Uy Liêm.Bì Đức. A Mỹ Sĩ Đức dẫn đầu.
Ngày 8 tháng 2 năm 1816, huân tước A Mỹ Sĩ Đức lên một chiến thuyền mang tên A Nhĩ Sai Tư Đặc, lịch trình của họ chỉ bằng một nửa Mã Ca Nhĩ Ni, sau 6 tháng, họ đến vùng biển Trung Quốc, tại Na Lý Đồng Tư, những người trong sứ đoàn gặp gỡ những “ngưòi Quảng Châu”. Mấy hôm sau, họ khởi hành đi Bắc Trực Lệ.
Ngày 28 tháng 7 họ đến Bắc Trực Lệ. Lập tức đã xuất hiện vấn đề “khấu đầu”. Huân tước A Mỹ Sĩ Đức đã không cố chấp nhưng cố vấn của ông đã có ý kiến trái ngược. Nhân vật thứ ba của sứ đoàn cho rằng “khấu đầu” chỉ là vấn đề hình thức. Một người lại có ý kiến ngược lại. Nội các nước Anh lại có thái độ theo kiểu thực dụng: đưa người đến Bắc Kinh là để giành được quyền buôn bán, khấu đầu thì có gì là không thể làm? Lãnh đạo của Công ty Đông Ấn Độ lại kiến nghị sau khi đến Quảng Châu: phải yêu cầu người ta tôn trọng danh dự của nước Anh, không thể mở đầu bằng một vết nhơ như thế. A Mỹ Sĩ Nhi cuối cùng cự tuyệt việc “khấu đầu”, ông hiểu sứ mệnh của mình. Ngày 4 tháng 8 quan viên trong sứ đoàn Trung Quốc lên chiến hạm hiệu “A Nhĩ Sai Tư đặc” mặt lạnh như tiền. A Mỹ Sĩ Đức nhanh chóng hiểu được thái độ của Mã Ca Nhĩ Ni trước đây. Thế mà quan viên Trung Quốc đã thề mà nói rằng họ đã tận mắt chứng kiến Mã Ca Nhĩ Ni “khấu đầu”. Chiếu thư của vua Gia Khánh cũng nói như vậy: “Sứ thần hành lễ, tất cả phải khấu như nghi lễ”.
Ở Thiên Tân, trên các bàn đã trải lụa vàng, lại điểm hương. Người Trung Quốc phía trước đều quỳ. A Mỹ Sĩ Đức tất nhiên là vẫn đứng, chậm rãi bỏ mũ cúi chào. Sau lễ tiết kỳ lạ này thì cử hành yến tiệc, người nước Anh cũng xếp bằng tròn mà ngồi. Các quan Trung Quốc không che giấu thái độ khi nhìn thấy cách ngồi của Man tộc, không thể để cho họ mang cái lối dã man như thế gặp hoàng thượng. A Mỹ Sĩ Đức và những tuỳ tùng của ông vẫn không chịu quỳ. Các quan Trung Quốc mời họ thử quỳ. Họ cự tuyệt. Tư Đương Trần kiến nghị để cho cháu của A Mỹ Sĩ Đức đi phục dịch quỳ thử.
Qua Thiên Tân, lại có một áp lực khác nảy sinh; nhân viên tuỳ tùng của sứ thần quá đông. Vấn đề “khấu đầu” lại được đặt ra. Các quan Trung Quốc nói: Hoàng thượng không dung thứ những hành vi trái với nghi lễ. A Mỹ Sĩ Đức lại dùng cách của Mã Ca Nhĩ Ni, đề nghị cử một quan Trung Quốc cùng tước vị với ông khấu đầu trước bức tranh vẽ Nhiếp chính vương nước Anh, đồng thời, ông cũng khấu đầu trước Gia Khánh; hoặc là trong tương lai sứ Trung Quốc được cử đến nước Anh cũng khấu đầu trước Nhiếp chính vương nước Anh, người Trung Quốc tức mà không làm gì được. Huân tước A Mỹ Sĩ Đức cuối cùng trả lời dứt khoát không nhượng bộ.
Trên đường đi của sứ đoàn, người Trung Quốc lại không ngừng kiếm chuyện. Có một lần, trời mưa như trút, họ không muốn cho người Anh ngồi kiệu, nói là “Kinh thành rất gần đây rồi, ngồi kiệu là làm tổn hại đến sự tôn nghiêm Hoàng thượng”. Hoàng thượng cuối cùng đưa hoàng cữu quốc công và thế thái đến cùng tiếp A Mỹ Sĩ Đức, thái độ của Thế thái tiếp sứ thần Anh rất lạnh nhạt, không mời ngồi, lại còn gay gắt nói: ba lần quỳ, chín lần khấu đầu nhất định không làm, phải đuổi sứ đoàn này đi.. “Gia Khánh là vua của thiên hạ, mọi người đều phải kính trọng”.
Ngày 28 và 29 tháng 8 đến Bắc Kinh: tất cả mọi việc đều đã được chuẩn bị trước. Người Anh vừa bẩn vừa mệt, bức xúc không kể hết. Các quan Trung Quốc lại trực tiếp đưa họ đến Tử Cấm thành, lúc ấy đã là nửa đêm. Sứ đoàn Anh yêu cầu đưa họ về chỗ ở. Trong thời gian không thích hợp ấy, các quan lại cao cấp và thân vương đã mặc đầy đủ triều phục. Một tình tiết có tính hài kịch: trước khi vào tiếp kiến, chỉ có sứ thần, hai chuyên viên và phiên dịch và Lễ Tốn được tiến vào”.. Lúc đó xảy ra một cuộc tranh cãi mà mọi người phải trố mắt ra, một số quan viên Trung Quốc muốn kéo dài việc gặp hoàng thượng, có người nhường, có người bướng bỉnh kéo cánh tay mà lôi vào. A Mỹ Sĩ Đức đến lúc này đã mệt lắm, quần áo xộc xệch, thời gian đã muộn, tỏ thái độ phản đối với người phụ trách. Ông ta nói dứt khoát không khấu đầu, cuối cùng, phải yêu cầu mọi người đi ra. Sự phản kháng của họ được trả lời ngay, long nhan tức giận, bắt sứ đoàn lập tức phải rời kinh. Đang giữa đêm, tất cả đành phải lên đường.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét