Lời giải 16. VÌ SAO TRỊNH HÒA VƯỢT BIỂN TỚI 7 LẦN?
Trịnh Hòa, còn gọi là Tam bảo Thái giám là một nhà hàng hải vĩ đại vào đầu đời Minh ở Trung Quốc. Ông vốn họ Mã, người Côn Dương, Vân Nam (nay là Tấn Ninh, Vân Nam), từ nhỏ, đã vào cung, đổi thành họ Trịnh.
Ông vượt biển lần đầu tiên vào năm 1405, đoàn thuyền có quy mô lớn chưa từng có, tới hơn 60 chiếc, mỗi chiếc dài 44 trượng, rộng 18 trượng, thủy thủ đoàn có tới hơn 2,7 vạn người. Từ 1405 đến 1433, Trịnh Hòa chỉ huy đoàn thuyền được coi là lớn nhất thế giới, đã khắc phục muôn vàn khó khăn, tiến hành một hành trình trên biển đại quy mô tới hơn 30 quốc gia trên Nam Dương, Ấn Độ Dương. Điểm cực nam ông đã tới là đảo Gia-va, phía tây bắc, ông đã tới Ba Tư và Hồng Hải, về phía tây, đoàn thuyền đã tới bờ biển phía đông của châu Phi, trong lịch sử hàng hải thế giới, chưa hề có chuyến đi nào dài như vậy. Qua tất cả các nước, đoàn thuyền đã mang tới đồ gốm sứ, đồ đồng, vàng bạc, tơ lụa tinh xảo và nhiều hàng dệt quý giá. Đồng thời, ông cũng góp phần truyền bá văn hóa Trung Hoa. Ngược lại, ông cũng đã tiến hành trao đổi mang về nhiều đặc sản của các nước Á Phi như hồ tiêu, ngà voi, đá quý, hương liệu và nhiều thú quý hiếm như hươu cao cổ, báo kim tiền, …thúc đẩy mối quan hệ giao lưu về kinh tế giữa Trung Quốc với các nước Á Phi.
Trải qua bao gian khổ, Trịnh Hòa vượt biển tới 7 lần để làm gì? Đây là vấn đề đã được rất nhiều người quan tâm tìm hiểu và đã đưa ra rất nhiều lời giải đáp.
Một qquan điểm sớm được lưu truyền là do nguyên nhân chính trị. “Minh sử. Trịnh Hòa truyện” đã ghi: “Thành Tổ nghi Huệ Đế bỏ trốn ra nước ngoài, muốn truy tìm tung tích, đưa quân đi khắp nơi, đồng thời để biểu thị sự giàu mạnh của Trung Quốc.” Chu Đệ cử Trịnh Hòa “Tây dương” là để tìm tung tích của Kiến Văn Đế. Kiến Văn Đế, tức Chu Doãn Văn, còn gọi là Huệ Đế, cháu đích tôn của Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Sau khi phát động “Tĩnh nan chi biến”, Chu Đệ giành ngôi từ trong tay Kiến Văn Đế. Trong cơn hỗn loạn, Kiến Văn Đế bỏ trốn, không biết đi đâu. Chu Đệ rất lo lắng như mang khối đá nặng trong đầu. Mang tính tàn nhẫn của Minh Thành Tổ, Chu Đệ đã cho giết hàng vạn người thân cận với Kiến Văn Đế nhưng vẫn nghi ngờ Kiến Văn Đế bỏ trốn ra hải ngoại, sợ rồi có ngày Kiến Văn Đế phục thù, đó chính là sự đe dọa với ngai vàng của mình. Vì thế, Chu Đệ đã cử Trịnh Hòa “Tây dương” để truy tìm tung tích của Kiến Văn Đế hòng diệt tận gốc hậu họa. Nhưng cũng có một số học giả cho rằng: Kiến Văn Đế vốn người trung hậu, yếu đuối, sau khi bị Chu Đệ giành lấy ngai vàng có bỏ chạy ra nước ngoài Chu Đệ cũng chẳng cần phải tốn kém, mất công mất sức như thế để truy tìm. Vả lại, cũng đã có không ít bằng chứng về việc Kiến Văn Đế ẩn náu ở Nam Kinh rồi chết, không cần phải truy tìm để làm gì. Họ cho rằng nói Trịnh Hòa “Tây dương” để truy tìm Kiếm Văn Đế là rất đáng nghi ngờ.
Một quan điểm khác cho rằng, Minh Thành Tổ 7 lần cử Trịnh Hòa “Tây dương” là để “huy binh dị vực”, “giáo hóa dị tộc”, khuếch trương thanh thế để các nước xung quanh kính phục Trung Quốc. Sau khi Minh Thành Tổ Chu Đệ lên ngôi, triều Kinh đã kiến lập hơn 20 năm. “Tĩnh nan chi dịch” không gây nhiều ảnh hưởng xấu tới đời sống nhân dân nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Các đô thị vùng duyên hải của Trung Quốc có sự phát triển rất phồn vinh. Trong hoàn cảnh ấy, mở rộng giao lưu và buôn bán với nước ngoài đã trở thành đòi hỏi vô cùng cấp thiết. Là một ông vua nhưng Chu Đệ cũng có ý thức về công lợi, muốn trở thành một “cung chủ” “phụng thiên mệnh thiên quân chủ thiên hạ”, muốn các nước hải ngoại phải triều cống, nhà vua muốn “tuyên dương quốc uy”, tỏ sự giàu có của đất nước, muốn lợi dụng các hoạt động đối ngoại để biểu thị thế lực của mình, xây dựng uy vọng ngày càng lớn. Vì thế, Minh Thành Tổ Chu Đệ quyết định tổ chức một đoàn thuyền cực lớn, tiến hành “Tây dương” tới các nước. Những chuyến đi của Trịnh Hòa rõ ràng đã biểu thị được uy lực, sự giàu mạnh của Trung Quốc với các nước lân bang, tỏ rõ được uy đức của triều Minh. Nhà vua còn muốn mượn sức mạnh của quân đội tỏ rõ uy lực, sẵn sàng dùng binh lực để bảo vệ ngai vàng đã giành được một cách không chính đáng.
Còn có người cho rằng Trịnh Hòa xuất dương tới 7 lần do nguyên nhân kinh tế, là để phát triển buôn bán đối ngoại, để mở rộng mối quan hệ, thay đổi chính sách ngoại giao vốn lạc hậu. Về mặt kinh tế là để mở rộng quan hệ buôn bán với các nước, từ đó, tăng cường thực lực kinh tế của đất nước. Khi vương triều Minh vừa mới kiến lập, các nước nhỏ xung quanh thường tới triều cống. Đương thời, đó là một hình thức trao đổi sản vật, các nước tiến cống, còn vương triều Minh thì ban thưởng. Các sản phẩm mang ra ban thưởng thường do các nước nhỏ tiến cống. Nhưng trong hoàn cảnh kinh tế còn thiếu thốn, Minh Thái Tổ đã ra lệnh hạn chế tiến cống, từ một năm chuyển thành ba năm một lần. Có một số quốc gia còn hạn chế tới mười năm một lần cho nên quan hệ ngoại giao có khi cơ hồ như đoạn tuyệt, kinh tế buôn bán cơ hồ đình đốn, thanh thế của vương triều Minh có nguy cơ giảm sút. Minh Thành Tổ để cải thiện tình trạng ấy, muốn phát triển quan hệ đối ngoại, mở rộng buôn bán với nước ngoài đã cử Trịnh Hòa xuất dương tiêu diệt các thế lực hải tặc để giữ vững sự ổn định, từ đó, ngầm tuyên bố vương triều đã duy tân, ban thưởng cho các tiểu quốc, phát triển quan hệ với các nước lân bang, hoan nghênh các nước trở lại nếp cũ tiến cống hàng năm. Cử Trịnh Hòa đưa một đội thuyền lớn tới thăm viếng các nước còn có tác dụng giúp thủ công nghiệp Trung Quốc có điều kiện trao đổi các sản vật giúp họ thấy được sự tinh xảo, hấp dẫn của các sản phẩm thủ công nghiệp, từ đó có ý muốn tới Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, việc tìm ra nguyên nhân các chuyến đi của Trịnh Hòa cũng đã có nhiều thay đổi. Với những góc độ khác nhau, những nguyên nhân chỉ ra cũng không hoàn toàn giống nhau. Chuyến đi đầu tiên có thể chỉ với mục đích thăm viếng các Tiểu quốc, làm giảm áp lực của các nước xung quanh với Trung Quốc. Những chuyến đi về sau chủ yếu là để mở rộng mối quan hệ, thiết lập quan hệ hữu hảo giữa vương triều Minh với các nước lân bang.
Dù những chuyến đi của Trịnh Hòa xuất phát từ nguyên nhân nào, tác dụng to lớn của nó hoàn toàn không thể nghi ngờ, nó thúc đẩy giao lưu văn hóa và kinh tế, giúp các nước hiểu biết Trung Quốc, thừa nhận sự tồn tại của Trung Quốc, một quốc gia giàu mạnh. Những chuyến đi ấy đồng thời cũng tỏ rõ Trung Quốc có một đội thuyền hùng mạnh trong hàng hải thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét