Lời giải 09. CÂU HỎI VỀ CUỘC DI DÂN ĐẠI HÒE THỤ Ở SƠN TÂY
“Vấn ngã tổ tiên tại hà xứ, Sơn Tây Hồng Động đại hòe thụ. Tổ tiên cố cư khiếu thập ma, Đại hòe thụ thượng lão quát oa”. Đó là bốn câu trong bài ca dao được phổ biến từ đầu đời Minh đến nay vẫn được truyền tụng ở các địa phương Hà Bắc, Hà Nam, Giang Tô, An Huy, Phúc Kiến, thậm chí ở cả Đài Loan trong lãnh thổ Trung Quốc. Bài ca dao ghi chép từ đầu đời Hồng Vũ cho đến năm thứ 15 đời Vĩnh Lạc, triều đình nhà Minh đã tiến hành một cuộc cưỡng bức di dân trong suốt 50 năm với số dân khoảng 10 vạn người trên diện tích tương đương với một nửa lãnh thổ của Trung Quốc lúc bấy giờ.
Đây là cuộc di dân lớn nhất trong thời gian dài nhất trên phạm vi rộng lớn nhất, có ý nghĩa sâu rộng nhất được ghi chép trong lịch sử. Lúc ấy, việc di dân được triều đình nhà Minh tập trung chủ yếu vùng Đại hòe thụ, huyện Hồng Động, sau khi đăng ký sổ sách, người dân bị cưỡng bức lên đường, do vậy, hầu hết đời sau của những di dân đều nói rằng Hồng Động chính là mảnh đất quê cha đất tổ của họ, trong đó Đại hòe thụ trở thành biểu tượng. Chính vì thế, người ta cũng lấy tên “Sơn Tây Đại hòe thụ thiên tỷ” để đặt tên cho cuộc di dân này.
Về nguyên nhân và hoàn cảnh của cuộc di dân, những đời sau của các di dân còn lưu truyền nhiều câu chuyện. Tương truyền, trong quá trình kiến lập triều đình nhà Minh, Chu Nguyên Chương có một Đại tướng quân là Hồ Đại Hải đã cùng ông vào sinh ra tử, lập được rất nhiều chiến công. Vì thế, sau khi triều đình được kiến lập, khi luận công xét thưởng, ông đã hỏi nguyện vọng của Hồ Đại Hải. Không ngờ, Hồ Đại Hải đã có một yêu cầu kỳ lạ là giết sạch dân chúng thuộc tỉnh Hà Nam. Vốn là trước khi tham gia khởi nghĩa, do nghèo đói, Hồ Đại Hải đã phải đi ăn mày. Nhưng dân chúng thấy Hồ Đại Hải người cao to khỏe mạnh đều sợ hãi, thường không cho trú chân, Hồ Đại Hải có lần đã suýt chết đói. Vì thế, giờ đây, khi đã có quyền thế, ông ta muốn báo thù. Chu Nguyên Chương thấy phạm vi trong tỉnh Hà Nam là quá rộng, nhưng xét thấy công lao hiển hách của Hồ Đại Hải nên chỉ chấp nhận giết dân trong phạm vi một tầm tên bắn của Hồ Đại Hải. Không ngờ, mũi tên của Hồ Đại Hải lại cắm vào đuôi một con nhạn, con nhạn bị thương mang mũi tên bay ra ngoài tỉnh Hà Nam, thẳng tới vùng Sơn Đông. Hồ Đại Hải cứ theo đường bay của con nhạn, thực hiện lới vua ban, gần như dân chúng vùng Hà Nam, Sơn Đông đều bị giết sạch. Vì “Thiên tử nhất ngôn, tứ mã nan truy”, Chu Nguyên Chương đành phải chấp nhận rồi điều dân từ Sơn Tây tới.
Lúc đó, biết người muốn di chuyển không nhiều, triều đình nhà Minh chỉ dán một cáo thị: “Người nào muốn di dân, cứ đợi ở nhà; ai không muốn di dân thì trong ba ngày, tập hợp quanh gốc hòe ở huyện Hồng Động.” Vì thế, trong ba ngày, có tới hơn mười vạn người không muốn dời mảnh đất quê hương đã tới tập trung. Sau đó, quân lính bất ngờ bao vây, trói tất cả lại. Trong tiếng kêu khóc vang trời, việc đăng ký sổ sách được tiến hành. Trước khi lên đường, người ta nghe thấy tiếng kêu la của mọi người cùng với tiếng quạ kêu không dứt, những dòng nước mắt tuôn chảy, đoàn người luôn ngoái lại luyến tiếc mảnh đất đã từng gắn bó. Vì thế, cây hòe và tiếng quạ kêu đã trở thành biểu tượng nói lên tình cảnh bi thương của các di dân rồi lưu truyền trong ca dao. Truyền thuyết cũng kể rằng, sợ dân tình bỏ trốn, quân lính đã dùng dao đánh dấu trên ngón út của từng người. Vì thế, trên ngón chân út của người đời sau các di dân đều còn mang vết sẹo. Điều này cũng được thể hiện trong ca dao. Trên đường đi, mỗi người dân đều bị trói, hai tay quặt sau lưng, nên hậu duệ của những di dân sau này đều có thói quen chắp hai tay sau lưng khi đi đường. Sự việc này diễn ra từ năm thứ ba đời Hồng Vũ (1370) đến năm thứ 15 đời Vĩnh Lạc (1417), kéo dài gần nửa thế kỷ. Dân chúng thuộc 2 phủ, 51 huyện của tỉnh Sơn Tây bị đưa đến Bắc Kinh, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, An Huy, Giang Tô, Hồ Bắc, …hầu khắp lãnh thổ Trung Quốc lúc bấy giờ. Đến đời sau của những di dân này còn ra cả nước ngoài.
Để không quên quê hương, nhiều hậu duệ của các di dân đã đăng ký gia phả, ghi chép lại quá trình di dân. Đó là những chứng cứ còn lưu trong sách vở. Trong “Chu thị tổ bi” ở thôn Quách Hải, huyện Nghi Thành, tỉnh Hồ Bắc còn ghi: “Thủy tổ là Chu Kế Toàn, từ Cổ Đại hòe thụ huyện Hồng Động chuyển tới huyện Nghi Thành, sau tới Trương Gia thôn, sau đổi thành Chu Gia Lâu. Một số di dân tới sau, còn lấy cả tên cũ từ quê hương đặt cho vùng đất mới, như vùng ngoại ô Bắc Kinh có Triệu Gia doanh, Hồng Động doanh, Bồ Châu doanh, Trưởng Tử doanh, … Căn cứ vào các tài liệu ghi chép, họ đều là những người dân ở Triệu Thành, Hồng Động di dân tới từ thời nhà Minh.
Những ghi chép này chủ yếu dựa vào những truyền miệng của nhiều đời sau của các di dân. Về Hồ Đại Hải, trong “Minh sử” có những ghi chép xác thực, nhưng việc ông giết sạch dân của tỉnh Hà Nam thì không thấy. Nhiều khả năng là những đời sau đã suy đoán rồi thêm thắt vào. Hiện nay, phần lớn các chuyên gia và học giả đều cho rằng: Cuộc di dân Đại hòe thụ ở Sơn Tây có nguyên nhân là vùng đất Trung nguyên chiến tranh tràn lan, kéo dài. Đầu đời Nguyên, Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, Thiểm Tây và một vùng của An Huy dân cư thưa thớt, đất đai hoang hóa. Trong khi đó, vùng Sơn Tây có núi Thái Hành ngăn cách, chiến tranh không lan tới, khí hậu ôn hóa, kinh tế phát triển, dân số đông đúc. Dân cư các tỉnh lân cận cũng tìm cách đổ tới Sơn Tây, khiến cho phía nam Sơn Tây mật độ dân số quá đông. Căn cứ vào “Minh Thái Tổ thực lục”, năm Hồng Vũ thứ 14 (1381), dân số Hà Nam, Hà Bắc ước khoảng 189 vạn người mà riêng Sơn Tây đã là 403 vạn, vượt qua dân số hai tỉnh kia cộng lại. Vào thời kỳ triều Minh mới kiến lập, kinh tế các nơi đều phát triển trở lại cho nên mới tiến hành cuộc di dân đại quy mô như thế. Hồng Động chính là nơi mật độ dân số cao nhất của Sơn Tây, cho nên việc triều đình nhà Minh lập đăng ký sổ sách rồi sắp xếp di dân là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Còn có người cho rằng việc di dân còn có tác dụng giảm thiểu các mâu thuẫn xã hội, quân bình dân số. Đó đều là những việc làm hợp lý.
Hơn 600 năm đã qua, nguyên nhân của cuộc di dân Đại hòe thụ Sơn Tây vẫn còn đang được tìm hiểu. Cây hòe lớn có từ đời Hán cũng đã không còn. Hậu duệ của những di dân đã tới sinh sống ở hơn 20 tỉnh, 400 huyện trong cả nước, có nhiều người còn tới nhiều vùng đất khác nhau của các nước Nam Á. Nhưng tấm lòng người xa quê vẫn luôn nhớ về vùng đất tổ. Hàng năm, cứ từ ngày 1 tới ngày 10 tháng 4 dân có quê gốc vùng Hồng Động vẫn trở về dưới gốc hòe xưa, tưởng nhớ về nguồn cội của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét