Lời giải 19. CÓ PHẢI TỪ HY LÀ NGƯỜI ĐẨY TRÂN PHI XUỐNG GIẾNG?
Trân Phi, một người phụ nữ như hoa như ngọc, thông minh lanh lợi, lại giỏi ca hay múa, cớ sao lại kết thúc cuộc đời vì rơi xuống giếng năm 25 tuổi? Có phải Từ Hy là người đã gây nên thảm cảnh này vẫn là một bí ẩn. Lịch sử còn nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện này, cho tới nay vẫn chưa có hồi kết.
Trân Phi, họ Tha Tha Lạp Thị, người tộc Tương Hồng Mãn Châu, sinh năm Quang Tự thứ 2 (1876), ông nội của bà từng làm Tuần phủ, Tổng đốc các tỉnh phương Nam hơn mười năm. Cha là Trường Tự, có một trai hai gái, bà là con gái út. Năm Quang Tự thứ 14 (1888), để chuẩn bị hôn lễ cho Quang Tự, hai người con gái của Trường Tự được lựa chọn, năm sau thì nhập cung. Cháu gái của Từ Hy được chọn làm Hoàng hậu, hai người con gái của Trường Tự được phong là Cẩn tần và Trân tần. Năm Quang Tự thứ 20 (1894), cả hai đồng thời được phong Cẩn phi và Trân phi.
Có người nói Trân phi là người phi được Quang Tự sủng ái nhất nhưng lại bị Từ Hy Thái hậu có ác cảm nhất. Bởi vì, Trân phi tuổi trẻ xinh đẹp, tính cách sôi nổi, khoáng đạt, lại giỏi thư họa; Trân phi thích cuộc sống sôi động, ở trong cung, thường mặc y phục giả làm Quang Tự, có lúc mặc y phục của Thái giám giả làm Tiểu Thái giám. Bà còn mang máy ảnh vào Hoàng cung, ghi lại hình ảnh các nghi thức, phục trang. Quang Tự rất yêu thích âm nhạc, Trân phi lại có khả năng ca hát, thường cùng nhà vua mài giũa thư họa, đánh cờ đàm đạo; ngoài ra, bà còn thường cùng Quang Tự bàn bạc công việc, giúp nhà vua nhiều việc chính sự. Những việc làm này khiến cho Hoàng hậu Long Dụ, cháu gái của Từ Hy vô cùng ganh tỵ. Long Tụ Hoàng hậu thường nói xấu Trân phi trước mặt Từ Hy, bản thân Từ Hy cũng không thích việc Trân phi tham gia vào chính sự, nên ban đầu chỉ không thích nhưng sau đó trở nên căm hận. Năm 1898, Khang Hữu Vi, Đàm Tự Đồng tích cực tiến hành biến pháp. Vua Quang Tự tiếp thu những chủ trương của phái cải lương do Khang Hữu Vi đứng đầu, tiến hành tân chính. Trong quá trình tiếp xúc với phái biến pháp, vua Quang Tự đã nhận thấy nguy cơ toàn diện với quốc gia và nhận thức được trách nhiệm của mình. Trân phi chính là người đã cảm thông và chia sẻ với nhà vua trẻ tuổi đang cô đơn giữa những bức tường cao trong Hoàng cung. Mỗi ngày sau khi thoái triều, Quang Tự đều cùng Trân phi trò chuyện, nhận được sự tán đồng trong những quan điểm duy tân. Những biểu hiện này càng khiến cho Từ Hy không vừa lòng với Trân phi. Năm Quang Tự thứ 24 (1898), Từ Hy phát động chính biến, bắt bớ phái duy tân, Quang Tự bị giam cầm ở Doanh đài. Trân phi mất chỗ dựa, nhận nhiều trừng phạt, bị giam lỏng trong Tử Cấm thành.
Hai năm sau, vào năm Quang Tự thứ 26 (1900), liên quân 8 nước đánh phá Bắc Kinh, dân chúng kinh thành bỏ chạy tránh bom đạn chiến tranh, toàn bộ Hoàng cung cũng rơi vào cảnh rối loạn, Từ Hy theo sát vua Quang Tự cùng với Hoàng hậu, các đại a ca, một số Thái giám, cung nữ bỏ chạy. Đi theo còn có một số vương cung đại thần. Trong thời gian này, Từ Hy đã hại chết Trân phi khi bà mới 25 tuổi.
Vậy cuối cùng, nguyên nhân nào đã dẫn tới cái chết của Trân phi? Về điều này, lịch sử có rất nhiều lời giải đáp, hoàn toàn không giống nhau.
Phần lớn mọi người đều cho rằng, từ sớm Từ Hy Thái hậu đã thấy Trân phi không thuận mắt mình, trong cuộc xâm lược của liên quân tám nước, để bảo vệ cái trinh tiết truyền thống, đã giam Trân phi vào lãnh cung, và nói với Trân phi: “Nếu bị làm nhục thì thà chết còn hơn.” Từ Hy cho rằng Trân phi còn trẻ, nếu để quân Tây dương làm nhục sẽ làm ô nhục quốc thể của Mãn Thanh, như thế thì chết là tốt hơn. Vì thế, Từ Hy đã bức Trân phi nhảy xuống giếng tuẫn tiết. Còn Trân phi không bao giờ nghĩ tới chuyện này. Sau hai năm bị giam trong cung cấm do dã tâm của Từ Hy, Trân phi vẫn không chịu khuất phục. Nhưng vua Quang Tự khi ấy còn ở điện Dưỡng Tâm, hoàn toàn không biết gì về chuyện này. Từ Hy đã rất khẩn trương lệnh cho Nội Thái giám Tổng quản Thôi Ngọc Quý đẩy Trân phi xuống giếng. Trân phi đã chết chính vì nguyên nhân đó. Được tin, vua Quang Tự thương tiếc khôn nguôi, sau đó nhiều ngày còn ôm bức di ảnh của Trân phi để lại.
Cũng có một cách lý giải khác: Từ Hy trước khi bỏ chạy về phía tây có cho người gọi Trân phi đi cùng. Nhưng Trân phi không tới gặp Từ Hy, Từ Hy nổi giận lôi đình: “Đã đến lúc này mà ngươi còn chưa chịu thay y phục, người Tây dương kéo đến bây giờ liệu còn sống nổi không?” Nhưng Trân phi vẫn bất động, còn trả lời: “Hoàng đế là chủ của nước, cần phải coi việc quốc gia xã tắc làm trọng. Bà là Thái hậu, đương nhiên có thể lánh nạn, nhưng Hoàng đế thì không thể, Ngài phải ở lại kinh thành để nắm vững đại cục!”
Nghe xong, lửa giận của Từ Hy bốc cao ba trượng, bà nghĩ bụng: Ngươi thật là giỏi, trong lúc nguy cấp này, không những không nghe lời ta, lại còn dám công nhiên cãi lại, còn nói tới triều đình xã tắc, can dự đến triều chính, thật là đại nghịch vô đạo, để lại chỉ tổ gây họa về sau.” Vì thế, Từ Hy đã lệnh cho Thái giảm Tổng quản Thôi Ngọc Quý đưa Trân phi tới cái giếng ở gần cửa Trinh Môn để hãm hại. Nếu hôm nay, bạn có dịp tới thăm Bảo tàng Cố cung ở Bắc Kinh còn có thể thấy cái giếng này.
Ngoài ra, dã sử cuối triều Thanh cũng còn ghi lại rất nhiều chuyện khác. Từ Hy không phải là thủ phạm chính dẫn tới cái chết của Trân phi mà là Nội giám Thôi Ngọc Quý từ lâu đã có ý hãm hại Trân phi. Trong “Thanh cung di văn” có ghi lại chuyện này. Nhưng dù Nội giám có quyền hành rất lớn cũng không thể gan to tày trời dám hãm hại người phi được nhà vua vô cùng sủng ái. Nếu không được Từ Hy làm hậu thuẫn, chắc chắn Thôi Ngọc Quý không thể thực hiện được dù có mưu đồ.
“Quang Tự triều đông hoa lục” có ghi, lòng dạ Từ Hy nham hiểm như rắn độc chính đã gây nên tội ác này, bên ngoài, Từ Hy vẫn nói Trân phi chết để bảo toàn danh tiết, tránh khỏi bị người Tây dương làm nhục mà tự sát. Năm Quang Tự thứ 27 đã có một đạo chỉ nói như vậy.
Cuối cùng, Trân phi được an táng ở Điền thôn, bên ngoài cửa Tây Trực ở Bắc Kinh, sau đó được thực hiện nghi thức an táng của phi, đến năm 1913 được chuyển đến khu lăng của các phi tần bên cạnh lăng tẩm của vua Quang Tự.
Cái chết của Trân phi cuối cùng vẫn chưa có hồi kết thúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét