Khi triều Kim vừa kiến lập, khí thế đang ào ạt, chỉ mong sau này chiếm được Trung Nguyên, vừa hay lúc ấy, một hôn quân có tiếng là Tống Huy Tông đang tại vị. Ông ta dùng gian thần Thái Lương làm tể tướng, trọng dụng bọn Đổng Quán, Vương Phất, Lương Sư Thành, Dương Tiễn, Lý Ngạn, Cao Cầu,… khiến chính trị Bắc Tống ngày càng đen tối, hủ bại. Năm Tuyên Hoà nguyên nniên (1119), Tống Giang khởi nghĩa ở Sơn Đông, năm sau Phương Lạp lại dựng cờ khởi nghĩa ở Triết Giang, tầng lớp thống trị Bắc Tống đã trong tình thế nguy kịch chẳng khác gì trứng để đầu gậy.
Năm Tuyên Hoà thứ 2 (1120), sau khi triều Kim đã diệt Liêu, Bắc Tống hy vọng nhân cơ hội này lấy lại những vùng đất mà Liêu đã chiếm trước đây, lại cùng Kim lập định ước “liên minh trên biển”: hai nước sẽ đánh gọng kìm vào nước Liêu, khu vực Yên Vân phía nam Trường Thành do quân Tống đảm nhiệm, khu vực Châu Vân phía bắc Trường Thành do quân Kim đảm nhiệm; sau khi thắng lợi, đất Yên Vân trả về cho Bắc Tống, Bắc Tống đem số tiền mỗi năm phải trả cho Liêu trước đây, nộp cho Kim. Có ai ngờ quân Tống bây giờ đã rệu rã không kể xiết, năm Tuyên Hoà thứ 4 (1122), Bắc Tống hai lần đem quân đánh Yên Kinh lại bị quân Liêu ở Yên Kinih đánh cho đại bại. Đến cuối năm ấy, quân Kim từ Cư Dung tiến quân, đánh chiếm Yên Kinh. Cuối cùng, triều Kim vẫn thực hiện cam kết trước đây, đem 6 châu 24 huyện giao cho triều Tống, đổi lại, triều Tống mỗi năm phải nộp cho triều Kim 40 vạn , lại còn phải đem số tô thuế của 6 châu 24 huyện nộp cho Kim. Triều Tống còn mỗi năm phải nộp 100 vạn xâu tiền gọi là thay cho tiền thuế của 6 châu ở Yên Kinh. Có như vậy, triều Kim mới đồng ý rút quân khỏi Yên Kinh, thế mà khi rút khỏi Yên Kinh, quân Kim còn mang đi hết những đồ quý báu của những nhà giàu có ở Yên Kinh, chỉ còn mỗi thành trống không giao cho Tống.
Biến loạn thời Tĩnh Khang, nỗi nhục khắc cốt ghi xương
Sau khi diệt Liêu, thấy nền thống trị Bắc Tống hủ bại, phòng bị lơ là, Kim quyết định mang hết binh lực tiêu diệt Bắc Tống, thống nhất Trung Quốc. Tháng 10 năm ấy Kim diệt Liêu (1125), Kim Thái Tông hạ chiếu xâm lược Tống, quân Kim chia làm hai đường, đường phía tây do Niêm Hãn làm chủ tướng, từ Đại Đồng tiến vào Thái Nguyên, đường phía đông chủ tướng là Cát Ly, từ Bình Châu đánh vào Yên Sơn, quân Kim từ hai đường sẽ hợp quân ở thủ đô của triều Tống ở Đông Kinh (nay là Khai Phong). Do Bắc Tống coi thường việc phòng bị, trừ có đường phía tây ở Thái Nguyên quân Kim gặp phải sự kháng cự ngoan cường của quân dân triều Tống do Vương Bẩm lãnh đạo; còn đường phía đông, quân Kim đã đến phủ Yên Sơn rất thuận lợi, thủ tướng Tống Quách Dược Sư đầu hàng, quân Kim tràn vào thành. Tống Huy Tông hoảng sợ vội viết chiếu thư thoái vị, nhường cho thái tử Triệu Hoàn lên ngôi, đổi niên hiệu là Tĩnh Khang nguyên niên (1126). Tống Huy Tông bỏ về Trấn Giang tỵ nạn.
Trong khi đó, nội bộ triều Tống không thống nhất vấn đề hoà hay chiến. Tống Khâm Tông và tể tướng Lý Bang Ngạn, Trương Bang Xương, chủ trương chịu nhục cầu hoà, đồng ý cắt đất bồi thường. Phái chủ chiến của Lý Cương cho rằng cần phải đánh lại vì vua mới lên ngôi. Phái chủ chiến và quân dân ở Đông Kinh tạo áp lực yêu cầu kháng chiến, Tống Khâm Tông lần lượt mệnh cho Lý Cương làm Binh bộ thị lang, Thượng thư Hữu thừa, trấn giữ Đông Kinh, Tân chính hoành doanh sứ, phụ trách toàn bộ việc phòng thủ kinh đô Khai Phong. Ngày 8 tháng 1 năm Tĩnh Khang nguyên niên (1126), quân Kim tới chân thành Khai Phong. Lúc đó, phong trào Cần vương ở các địa phương sôi nổi, quân các nơi rầm rập tiến về cứu viện cho thủ đô, Lý Cương tự thân đốc chiến, mấy lần đánh bại những cuộc tiến công vào thành của quân Kim. Nghĩa quân Hà Bắc, Sơn Đông cũng chuẩn bị chống Kim, tình thế tấn công của quân Kim vô cùng bất lợi, thương vong rất nhiều, quân Kim buộc phải rút lui.
Sau khi quân Kim rút về phía bắc, phái đầu hàng được thế, Lý Cương cùng phái chủ chiến bị buộc rút quân khỏi Đông Kinh, quân Cần vương các lộ và tổ chức dân binh cũng phải di tản, để trống không phòng bị. Tháng 8 năm 1126, sau một mùa hạ nghỉ ngơi, chỉnh đốn, quân Kim lại chia làm hai đường đông, tây tiến về phía nam. Đường phía tây đánh phá Thái Nguyên, thừa thắng, vượt sông; đường phía đông đánh vào Chân Định. Ngày 25 tháng 11 nhuận năm Tĩnh Khang nguyên niên, hai đường đông tây hợp vây Đông Kinh, thành Đông Kinh bị phá. Nhưng quân dân Đông Kinh chống cự rất quyết liệt, họ lập tức giết ngay viên sứ Kim đến nghị hoà hôm trước. Ngày hôm sau, hơn 30 vạn người mang khí giới chống quân Kim, trong khi quân Kim đốt thành, nhân dân trong thành kéo ra đông không kể xiết. Quân Kim hoang mang lo sửa sang công sự, đề phòng cư dân Đông Kinh tràn vào. Chiếm được thành trong vòng 4 tháng, quân Kim tha hồ giết người cướp của. Tháng 1 năm Tĩnh Khang thứ hai (1127), quân Kim lần lượt đem Tống Huy Tông, Tống Khâm Tông giam lỏng ở Kim Doanh, ngày 6 tháng 2, chúa Kim hạ chiếu, đuổi Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông làm thứ dân, lập tể tướng Trương Bá Xương người đã cấu kết với triều Kim làm Nguỵ Sở hoàng đế. Ngày 1 tháng 4, quân Kim bắt Lỗ Huy, Khâm Nhị Đế, cùng các hậu phi, hoàng tử, tông thất, quý thích hơn 3.000 người, đưa lên phía bắc, bảo tỷ, hưng phục, pháp vật, lễ phẩm,… của hoàng thất triều Tống cũng bị lấy sạch không còn một thứ gì, đây chính là sự kiện mà người ta thường gọi là Cuộc biến loạn đời Tĩnh Khang ( “Tĩnh Khang chỉ biến”). Từ Triệu Khuông Dận mở ra triều Tống thống trị được 167 năm, đến đây triều Tống tuyên bố diệt vong.
Nam Tống yên phận ở Giang Nam, hình thành thế đối nghịch Tống, Kim
Năm 1127, nước Kim rút quân từ Khai Phong, lập Trương Bang Xương làm Nguỵ Sở hoàng đế. Vì Trương Bang Xương là bề tôi triều Tống, sau hàng Kim, quân dân ở Khai Phong rất căm ghét hắn, phần lớn triều thần của Tống trước đây cũng yêu cầu hắn phải thoái vị. Không còn cách nào, Trương Bang Xương mượn tiếng Thái hậu hạ chiếu thư lập Khang vương Triệu Cấu làm đế. Ngày 1 tháng 5 năm Tĩnh Khang thứ 2 (1127), Khang vương Triệu Cấu chính thức kế vị, là Tống Cao Tông. Đây là sự yên phận của vương triều Tống, sau đó định đô ở Lâm An (nay là Hàng Châu, Triết Giang), lịch sử thường gọi là Nam Tống.
Năm đầu, dù đã dựa vào núi Nam Tống vẫn nhiều lần bị quân Kim đánh phá. Nhưng Tống Cao Tông lại lo sợ tướng có công khó kiểm soát, nhất là khi hai vua cũ Huy Tông và Khâm Tông về kinh, địa vị của Cao Tông càng khó giữ nên nắm hết binh quyền rồi chủ trương hoà hoãn với triều Kim. Tháng 9 năm Kiến Viêm nguyên niên, Triệu Cấu nghe nói triều Kim muốn khôi phục địa vị bù nhìn cho Trương Bang Xương nên một lần nữa tiến về phía nam. Cũng không cần hỏi tin tức thật hư, Tống Cao Tông lập tức chạy về phía nam. Đầu tháng 10, từ Nam Kinh (nay là Thương Khấu, Hà Nam), đến cuối tháng đã chạy về Dương Châu. Đến tháng 12, triều Kim chia quân làm 3 đường tiến xuống phía nam. Hoàn Nhan Tông Phụ dẫn quân Kim phía đông từ Thương Châu vượt sông đánh vào Sơn Đông; Hoàn Nhan Tông Hàn dẫn quân Kim ở giữa từ Hà Dương vượt sông, đánh thẳng vào Hà Nam, phía Tây của quân Kim do Hoàn Nhan Tông Vọng chỉ huy tiến công Thiểm Tây. Tháng 2 năm Kiến Viêm thứ 3 (1129), quân Kim đánh đến Dương Châu, TốngCao Tông bỏ chạy, qua phủ Trấn Giang đến Hàng Châu. Tháng 9, quân Kim vượt sông tiến về phía nam, Triệu Cấu lại dẫn quân quan bỏ chạy, tháng 10 thì đến Việt Châu (nay là Thiệu Hưng, Triết Giang), sau đó lại chạy về Minh Châu (nay là Ninh Ba), rồi lại chạy từ Minh Châu đến Định Hải, phiêu bạt trên biển, đến mùa hạ năm Kiếm Viêm thứ 4, sau khi quân Kim rút khỏi Giang Nam, ông ta mới quay lại phủ Lâm An, sau đó lấy Lâm An làm kinh đô của triều Nam Tống.
Tống Cao Tông cầm đầu thế lực cầu hoà, không chịu kháng chiến, nhưng do áp lực của dư luận trong triều đình và nhân dân, quân dân Nam Tống nhiều lần tổ chức kháng chiến chống lại, đã ngăn chặn được thế tiến công của quân Kim, giữ được cho Tống, Kim trở thành hai thế lực đối nghịch ổn định. Nhạc Phi, Hà Thế Trung, những người anh hùng của dân tộc đã trở thành ngọn cờ chống Kim thời kỳ đầu của Nam Tống.
Nhạc Phi (1103 – 1141), tự là Bằng Cử, sinh ra trong gia đình nông dân ở Thang Dương, Tương Châu, phía tây Hà Bắc (nay thuộc Hà Nam). Đầu đời Nam Tống, ông từng là thuộc cấp của Chiêu phủ ty Hà Bắc, sau đó cùng Vương Ngạn ở Hà Bắc chống Kim. Sau khi ly khai Vương Ngạn. Năm Kiến Viêm thứ 4 (1130), Kim Ngột Thuật mang quân từ phủ Lâm An men theo sông rút về Hà Bắc, Nhạc Phi mang quân đánh Thường Châu, chiếm được phủ Kiến Khang (nay là Nam Kinh, Giang Tô), quân Kim rút về Giang Bắc. Lúc này, Nhạc Phi đã trải qua chiến đấu hơn 200 trận lớn nhỏ, anh dũng, thiện chiến, thanh thế ngày càng lớn, rất nhanh chóng trở thành một tướng giỏi. Ở Thiệu Hưng 2 năm (1132), khi Nhạc Phi mới 30 tuổi đã trở thành chủ soái của quân du kích bảo vệ Trường Giang.
Năm Thiệu Hưng thứ 4 (1134), Nhạc Phi được lệnh mang quân tiến lên phía bắc, từ Ngạc Châu (nay là Vũ Xương, Hồ Bắc) đến Tương Dương (nay là Tương Phàm, Hồ Bắc), tiến công mãnh liệt vào quân đội và chính quyền Nguỵ Tề, chỉ trong 2, 3 tháng đã hoàn thành được kế hoạch thu phục được đất của 6 châu: Tương Dương, Dĩnh Châu (nay là Chung Tường, Hồ Bắc), Tuỳ Châu (nay là huyện Tuỳ, Hồ Bắc), Trịnh Châu (nay là huyện Trịnh, Hồ Bắc), Đường Châu (nay là Đường Hà, Hồ Bắc), Tín Dương Quân ( nay là Tín Dương, Hà Nam) Đây là lần đầu tiên Nam Tống lấy lại được số đất bị mất từ sau khi thành lập chính quyền. Vì thế, Nhạc Phi dù mới 32 tuổi đã được phong là Tiết độ sứ, trở thành viên đại tướng trẻ tuổi nhất của Nam Tống. “Nhạc gia quân” do ông chỉ huy có kỷ luật nghiêm minh, chiến công hiển hách, được mọi người yêu mến, trở thành cột trụ vững vàng trong cuộc đấu tranh chống Kim của Nam Tống.
Năm Thiệu Hưng thứ 10 (1140), Kim lại đem quân chia làm hai đường tiến công về Thiểm Tây và Hà Nam. Sau khi nhanh chóng chiếm được hai nơi này, lại đem quân tiến về Hoài Nam. Tống Cao Tông lại co rúm cả tay chân, hạ chiếu gọi Nhạc Phi đang chịu tang mẹ ở gia đình xuất kích đánh vào quân Kim ở Hoài Nam và Thiểm Tây. Trong chiến đấu, chủ soái quân Kim Kim Ngột Thuật, lợi dụng quân Nhạc Phi còn phân tán, mang 15.000 người ngựa tinh nhuệ, tiến công vào thành (nay thuộc Hà Nam). Ngày 8 tháng 7 năm Thiệu Hưng thứ 10, quân Kim Ngột Thuật cùng quân của Nhạc Phi giao chiến, cuộc chiến đấu quyết liệt từ giữa trưa đến nửa đêm, quân Kim thua to. Đây là trận quyết chiến đầu tiên giữa đội quân tinh nhuệ của quân Kim và quân Tống, quân Tống dù ít nhưng đã thắng lớn, đánh cho quân Kim một đòn nặng nề. Sau đó, quân của Nhạc Phi lại đánh quân Kim ở phủ Dĩnh Xương, Kim Ngột Thuật phải bỏ chạy, quân Nhạc Phi còn truy kích đến tận trấn Chu Sơn, cách Khai Phong 22,5 dặm. Lúc này, nghĩa binh ở nam bắc Hoàng Hà đã nhiều lần chiến đấu đều hưởng ứng dưới ngọn cờ “Bắc phạt” của Nhạc Phi, quân Tống ở các nơi khác cũng dựa vào tình thế đó phản công, cuộc đấu tranh chống quân Kim phát triển sang một giai đoạn mới, tình thế rất thuận lợi.
Nhưng vua Tống Cao Tông và tể tướng Tần Cối đứng đầu phái đầu hàng chỉ cần quân Kim đừng xâm phạm phương nam để có thể bảo vệ được một nửa giang sơn, để làm thuộc quốc của Kim đã vừa lòng lắm rồi nên họ chống lại lệnh cho quân Tống các nơi xuất quân, tích cực cùng Kim nghị hoà. Ngày 29 tháng 12 năm Thiệu Hưng thứ 11 (1141) Tống Cao Tông và Tần Cối cuối cùng vu cho ông tội “mạc tu hữu” rồi giết hại cha con ông. Lúc đó, Nhạc Phi mới 39 tuổi, Nhạc Vân mới 23 tuổi, trước khi chịu án, Nhạc Phi còn dùng bút viết 8 chữ đại tự : “Thiên nhật chiêu chiêu, thiên nhật chiêu chiêu”, biểu thị sự phản đối đến cùng phái đầu hàng. Các văn quan võ tướng hết lòng ủng hộ Nhạc Phi, kiên quyết chống Kim đều bị giáng chức hàng loạt. Để thay cho việc phải nạp cống xưng thần, Tống Cao Tông quay về nắm quyền thống trị một nửa đất nước.
Sau triều Tống Cao Tông, quan hệ giữa hai nước Tống Kim ổn định. Nước Kim cũng có mấy lần xâm phạm phía nam, nhưng đều bị chặn lại giữa đường, Nam Tống dưới triều Lý Tông Niên cũng mấy lần tiến hành Bắc phạt nhưng cũng chưa thể thu phục lại đất đai đã mất. Lịch sử Trung Quốc hình thành cục diện Nam Bắc đối nghịch, phải đợi đến triều Nguyên, đất nước mới thống nhất.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét