XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

SỰ KIỆN 49. NỮ CHÂN QUẬT KHỞI HÙNG CỨ TRUNG NGUYÊN

Nữ Chân là một tộc đã từ lâu đời sinh sống ở phía bắc nước ta. Từ thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, bộ lạc phương Bắc Nữ Thận chính là tổ tiên của người Nữ Chân.  Thời kỳ Lưỡng Hán gọi là Ấp Lâu, thời kỳ Nam Bắc triều gọi là  Vật Cát, thời kỳ Tuỳ Đường gọi là Mạt Hạt nhưng đều  là bộ tộc Nữ Chân này. Đến thời kỳ hai nước Tống Liêu đối địch họ mới được gọi là Nữ Chân. Trong hơn một  nghìn năm, người Nữ Chân vốn sống ở vùng lưu vực sông Hắc Long Giang và lưu vực sông Tùng Hoa chỉ có đồng cỏ và sông nước nên nguồn sống chính của họ là du mục và đánh cá.
Những năm cuối của  triều Đường, Liêu Thái Tổ Da Luật A Bảo Cơ  vùng dậy ở phương bắc nhiều bộ tộc du mục vốn sống ở phương bắc được nhập vào trong phạm vi thế lực của người Khiết Đan, tộc Nữ Chân là một trong số ấy. Khiết Đan thấy tộc Nữ Chân nhỏ yếu đã  đưa khoảng hơn nghìn hộ của tộc Nữ Chân  về phía nam Liêu Dương để thế lực Nữ Chân  yếu đi. Bộ lạc Nữ Chân này được đưa đi dần bị Liêu đồng hoá, vào sổ hộ tịch của triều Liêu, gọi là Thục Nữ Chân. Một số bộ lạc Nữ Chân sống phân tán ở vùng sông Tùng Hoa, phía đông sông Ninh Giang chưa bị dời đi gọi là Sinh Nữ Chân. Lúc đó, Sinh Nữ Chân chỉ có khoảng hơn 10 vạn người, chia ra làm 72 bộ lạc, các bộ lạc vẫn giữ được tập quán và chế độ cũ, cùng thời với Tống, Liêu nhưng họ lạc hậu hơn nhiều.
 Khổ công gây dựng, đợi thời cơ vùng lên
 Một dân tộc lạc hậu, thấp kém muốn   tiến bộ lên giai đoạn  cao  phải không ngừng phát triển. Trong quá trình tiếp thu những ảnh hưởng của bên ngoài bộ Hoàn Nhan của Sinh Nữ Chân đã phát triển rất nhanh, thực lực dần mạnh lên. Bộ Hoàn Nhan có ghi lại tù trưởng của họ khoảng  đầu thế kỷ 10 là Hàm Phổ. Truyền thuyết nói ông ta từ Cao Lệ đến Hoàn Đan, lúc ấy đã ngoài 60 tuổi, vừa đúng lúc bộ Hoàn Đan có người giết một người thuộc bộ tộc khác, hai tộc từ đó mang thù oán, thường xuyên đánh giết lẫn nhau, thù hận càng ngày càng sâu. Hàn Phổ là người cao tuổi có nhiều kinh nghiệm, mời đại diện hai bộ tộc đến hoà giải tranh chấp. Ông nói với họ: “Giết một người mà đánh nhau mãi không ngừng, cả hai bên đều thiệt hại rất lớn, sao không dừng việc tàn sát lại, ngay khi việc mới phát sinh, đem  của cải ra mà bồi thường, như thế hai bên đều không phải đánh nhau, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn”. Hai bên nghe nói như thế đều đồng ý rồi định ước: “Nếu có kẻ giết người, cứ giết một người  phải bồi thường 10 đôi ngựa, 10 con bê, 6 lạng vàng; nếu giết một nhà, hai bên sẽ thương lượng, không được đánh nhau”. Phong tục của Nữ Chân ngày nay giết một người phải đền 30 con trâu, ngựa bắt đầu từ đó. Hàn Phổ giải quyết xong xuôi việc này được mọi người rất tin phục, liền cử ông làm tù trưởng bộ lạc, sau được triều Kim coi là thuỷ tổ.
Sau Hàm Phổ qua mấy đời Điểu Lỗ, Bạt Hải, Tuy Khả, bộ Hoàn Nhan trong các bộ Sinh Nữ Chân phát triển, thực lực ngày càng mạnh. Đến thời kỳ Thạch Lỗ làm tù trưởng , ông thấy tộc Nữ Chân chưa có chữ viết, luật lệ, rất khó trong việc cai trị, quyết tâm thay đổi (?), chỉnh đốn việc hành chính của bộ lạc, nhưng ý tưởng của ông bị người trong bộ lạc phản đối. Một số người đến bắt ông, chuẩn bị đem giết. Chú của Thạch Lỗ phải đến nhận lỗi, Thạch Lỗ mới bảo toàn được tính mệnh. Sự việc này càng thôi thúc Thạch Lỗ quyết tâm thay đổi. Sau khi thực hiện “điều giáo chi trị”, bộ Hoàn Nhan càng mạnh lên. Thạch Lỗ   mang quân thôn tính các  bộ tộc vẫn theo những phong tục  cũ. Bộ Hoàn Nhan cứ đánh là thắng, chinh phục được rất nhiều bộ lạc Sinh Cát Chân, uy tín của Thạch Lỗ ngày càng cao. Hoàng đế Khiết Đan cho Thạch Lỗ chức quan Thích Ẩn, hy vọng dùng bàn tay của Thạhc Lỗ để khống chế toàn bộ Sinh Nữ Chân.
Đầu thế kỷ 11 con của Thạch Lỗ kế vị tiếp tục làm tù trưởng đời thứ 6. Bộ Hoàn Nhan lúc này đã định cư ở vùng đất xung quanh  Hổ Thuỷ (nay là A Thập Hà). Đây là vùng rừng sâu rậm rạp, đất đai phì nhiêu, bộ Hoàn Nhan  đã có những tiến bộ vượt bậc trong phát triển so với các bộ tộc khác. Điểu Cổ Nãi dần chinh phục được các bộ Sinh Nữ Chân khác, liên hợp với các bộ Bạch Sơn, Da Hối, Thống Môn, Da Lãn, Thổ Cốt Luận, lại liên minh với các bộ  Bồ Nhiếp (Bồ Nô Lý), Thiết Ly,  Việt Lý Đốc, Áo Lý Mễ, , Phẫu A Lý thành liên minh bộ lạc, xưng với Liêu là Ngũ Quốc Bộ, Điểu Cổ Nãi làm trưởng liên minh, nhận chức Tiết độ sứ Nữ Chân do triều Liêu phong.
Sau khi Điểu Cổ Nãi chết, con  là Hặc Lý Bát kế nhiệm làm trưởng liên minh. Ông đem quân cùng  với em và con trấn áp được cuộc phản loạn của giới quý tộc trong liên minh, dùng phương thức “ngoạ tân thưởng đảm” để đánh tan những nghi ngờ của người Khiết Đan, tiếp tục phát động chiến tranh mở rộng thế lực. Đến khi Hặc Lý Bát chết, từ một bộ Hoàn Nhan của Sinh Nữ Chân nhỏ bé đã trở thành một liên minh lớn bao gồm 30 bộ lạc, bóng dáng của một quốc gia chế độ nô lệ đã bắt đầu hình thành. Lúc ấy, chỉ cần một cơ hội, một nhân vật lãnh tụ có thế lực, có thể tập hợp được những thế lực mới này, tiến về phía nam, chinh phục các dân tộc có nền văn hoá tiên tiến , kinh tế  phát đạt hơn mình.
 Hoàn Nhan A Cốt Đả lập nước
     Lúc đó, trong khi thế lực của tộc Nữ Chân ngày càng phát triển thì tầng lớp thống trị Khiết Đan ngày càng hủ bại. Mạt Đại Hoàng đế Thiên Tộ của Khiết Đan ham săn bắn, rượu chè, lười biếng chính sự. Sức mạnh của Khiết Đan ngày càng giảm sút, trong nội bộ, các cuộc đấu tranh chống lại triều Liêu ngày càng nhiều.
Năm 1113, con thứ của Hặc Lý Bát  là A Cốt Đả (1068 – 1123) kế nhiệm tù trưởng liên minh bộ lạc Nữ Chân, trở thành nhân vật lãnh tụ quan trọng của tộc Nữ Chân. Theo “Kim sử” ghi lại, ông ta sinh ra trong một đêm mà trên trời luôn có mây ngũ sắc, có ý là  một người khác thường sắp ra đời sẽ làm được việc khác thường. Những lời đó chỉ là tương truyền không thể tin. Nhưng A Cốt Đả đúng cũng là một người khác thường. Ông là người  cẩn trọng, dũng mãnh hơn người, giàu có mà nhiều mưu lược , cùng cha và anh trừng trị những  kẻ muốn ly khai, đánh đâu thắng đấy, tiếp thụ được dũng khí của Hắc Lý Bát.
Tháng 9 năm 1114, A Cốt Đả tập hợp được ở các bộ lạc trong  liên minh 800 người, đem quân chống lại Khiết Đan. Đầu tiên, ông tiến đánh Ninh Giang Châu, Ninh Giang Châu cũng có 800 quân, nhưng được tăng viện thêm  7.000 nên tổng số quân đến 7.800 người. Nhưng do chính trị của Khiết Đan mục nát, dân nghèo đói không còn đường sống, tinh thần và kỷ luật của quân Liêu bị sa sút nên trong cuộc chiến đấu với quân Nữ Chân đang có khí thế, số lượng lớn không cữu vãn được quân Liêu. Sau khi A Cốt Đả phá được thành Ninh Giang Châu, Khiết Đan đưa quân đến lấy lại, tháng 11, hai bên giao chiến ở Hà Điếm, A Cốt Đả đem 3.700 quân chống lại, giành được thắng lợi, tập hợp quân Liêu hàng phục vào quân Nữ Chân, thừa thắng đánh chiếm Liêu Tân, Thành Châu.
Dưới sự chỉ huy của A Cốt Đả, trong vòng chưa đầy một năm, quân Nữ Chân đã chiếm được  rất nhiều  cứ điểm, trấn thành trọng yếu  thuộc khu vực đông bắc của vương triều Liêu. Cuộc chiến thắng lợi dần dần. Tộc Nữ Chân chỉ là một  tộc người theo chế độ thị tộc bộ lạc, không thể đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới. Vì thế em của A Cốt Đả là Hoàn Nhan Thinh (Ngô Khất Mại) thôi thúc A Cốt đả xây dựng quốc gia. Ngày nguyên đán tháng 1 năm thứ 5 Liêu Thiên Khánh (1115), A Cốt Đả dựa theo chế độ của người Hán, xưng hoàng đế, lập niên hiệu Thu Quốc, định đô ở Ninh Phủ (nay là nam huyện A Thành  Hắc Long Giang), lấy quốc hiệu là Đại Kim, A Cốt Đả là Kim Thái Tổ.
Sau khi A Cốt Đả lên ngôi, bên trong chấn chỉnh chế độ, bên ngoài chỉnh đốn quân đội, tích cực chuẩn bị diệt Khiết Đan. Ông phế trừ chế độ Tướng quốc, thiết lập “Am bản bột cực liệt” để phụ tá chính sự. Quân đội Nữ Chân thực hiện chế độ “Mãnh an mưu khắc” truyền thống, đổi lấy 300 họ thành một mưu khắc, 10 mưu khắc thành một mãnh an, chính thức hình thành tổ chức hành chính quân sự, thu nạp những quân lính triều Liêu ra hàng, dựa vào binh chế triều Liêu thiết lập đô thống hoặc quân sư. Triều Kim mới thiết lập đã phát triển so với nước Liêu, thế lực ngày càng mạnh. Năm thứ 4 Kim Thiên Phụ (1120), vây hãm Thượng Kinh gần Hoàng Phủ (nay là phía nam Ba Lâm Tả Kỳ, Nội Mông Cổ), năm thứ 6, chiếm được Liêu Trung Kinh (nay là  Tây Ninh Thành, Nội Mông Cổ). Cuối năm đó, đánh chiếm Yên Kinh (nay là Bắc Kinh). Từ đó, Khiết Đan xưng hùng một thời đến ngày sụp đổ, đến lúc diệt vong chắc chẳng còn xa.
Tháng 8 năm Thiên Phụ thứ 7 (1123), trên đường từ Yên Kinh về bắc, A Cốt Đả bị bệnh chết. Em là Hoàn Nhan Thinh (Ngô Khất Mại) kế vị đổi niên hiệu là Thiên Hội, đó là Kim Thái Tông. Kim Thái Tông liên hợp với Tây Hạ, truy kích Liêu Thiên Tộ. Năm Thiên Hội thứ 3 (1125), Liêu Thiên Tộ trên đường chạy về Đảng Hạng bị quân Kim bắt, triều Liêu diệt vong.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét