Cuối triều Nguyên, cuộc khởi nghĩa nông dân “Hồng cân quân” bùng nổ. Chu Nguyên Chương xuất thân từ nông dân, sau đó trở thành một lãnh tụ của quân khởi nghĩa Hồng cân quân, chinh chiến nam bắc, đánh đông dẹp tây lật đổ ách thống trị của triều Nguyên.
Năm 1368 ở Ứng Thiên (nay là Nam Kinh), Chu Nguyên Chương xưng đế, xây dựng triều Minh. Chu Nguyên Chương có thể từ một chú bé chăn trâu nghèo khổ lên ngôi hoàng đế vì ông có trình độ và năng lực xuất chúng, đã từng vào sinh ra tử, cùng trải qua bao hoạn nạn với biết bao công thần. Ai ngờ, sau khi lên ngôi, Chu Nguyên Chương đã giết rất nhiều các vị trưởng lão công thần, trở thành một ông vua chuyên chế giết hại nhiều công thần nhất trong lịch sử chế độ phong kiến.
Đánh dẹp Đại Nguyên, xây dựng triều Minh
Chu Nguyên Chương (1328 – 1398) tên thuở nhỏ là Trọng Bát, sau đổi là Hưng Tông, tự là Quốc Thuỵ, người Chung Ly, Hào Châu (nay là huyện Phụng Dương, tỉnh An Huy). Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, thửơ nhỏ phải đi chăn trâu cho địa chủ. Năm thứ 4 Nguyên Chí Chính (1344), quê hương Chu Nguyên Chương bị hạn hán, sâu bệnh, lại thêm ôn dịch hoành hành, cha mẹ rồi anh cả của ông theo nhau chết. Để kiếm bát cháo nuôi thân, Chu Nguyên Chương phải xuất gia vào tu ở chùa Hoàng Giác làm hoà thượng. Nhưng nạn mất mùa không lâu sau đó đã khiến ông phải rời chùa đi kiếm ăn ở Hoản Tây, Dư Đông suốt 3 năm, qua bao nhiêu vất vả. Đoạn đời đó đã có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ông sau này.
Đúng lúc đó, cuộc khởi nghĩa Hồng Cân quân bùng nổ, Chu Nguyên Chương đầu quân trở thành thủ hạ của Quách Tử Hưng, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa. Do nhanh nhẹn và dũng cảm, rất nhanh chóng, ông được Quách Tử Hưng tin cậy, sau còn được Quách Tử Hưng gả con gái cho. Trong thời gian làm bộ hạ của Quách Tử Hưng, ông không ngừng mở rộng thế lực, nắm chắc đội ngũ do mình chỉ huy, nên sau khi Quách Tử Hưng chết, ông đẫ thắng con của Quách Tử Hưng giành được quyền lãnh đạo nghĩa quân.
Sau đó, lợi dụng Lưu Phúc Thông chiến đấu ở phía bắc chống quân Nguyên, Chu Nguyên Chương tăng thêm quân số tiến về phía nam. Năm 1355, ông được Tiểu Minh vương Hàn Lâm Nhi thay mặt chính quyền Tống phong làm Tử phó nguyên sư. Năm 1356 Chu Nguyên Chương đánh chiếm Tập Khánh, đổi tên Tập Khánh thành phủ Ứng Thiên (nay là thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô), lại được chính quyền Tống phong làm Giang Nam hành tỉnh bình chương, rồi tự xưng Ngô quốc công. Ông nghe theo kiến nghị của Chu Thăng “Cao trúc tường, quảng tích lương, ái xưng vương” (xây thành cao, trồng nhiều lúa, rồi xưng vương), lấy Ứng Thiên làm trung tâm, ra sức phát triển sản xuất để chuẩn bị cơ sở cho cuộc chiến tranh về sau này. Năm 1363 đến 1367, Chu Nguyên Chương ở hồ Bà Dương đã đánh thắng Trần Hữu Lương, một lực lượng hùng mạnh không kém mình, tự xưng Ngô vương. Sau đó, ông lại đánh thắng Trương Thổ Thành ở Triết Giang, giết chết Hàn Lâm Nhi, làm chủ toàn bộ vùng trung lưu sông Trường Giang gồm cả nam bắc của dòng sông lớn này.Ông lại cử Trần Đạt, Thường Ngô Xuân làm chủ lực tiến về phía bắc chinh phục Trung Nguyên. Tháng giêng năm 1368, Chu Nguyên Chương xưng đế ở Ứng Thiên định quốc hiệu là Đại Minh, lấy niên hiệu là Hồng Võ, lấy Ứng Thiên làm kinh đô. Tháng 8 năm ấy, quân Minh đánh chiếm đại đô của triều Nguyên, Nguyên Thuận Đế phải chạy về Đại Mạc, triều Nguyên diệt vong. Sau đó, Chu Nguyên Chương lại dùng hơn mười năm để ổn định tình hình cả nước.
Chu Nguyên Chương xuất thân nghèo khổ nên những kỷ niệm một thời gian khổ luôn tươi mới trong ký ức của ông. Sau khi lên ngôi, ông đã có nhiều chính sách nhằm an dân, điều tra hộ khẩu, đo đạc ruộng đất, chấn chỉnh việc thuỷ lợi, lập nhiều đồn điền, ban thưởng cho nhà nông, giảm thiểu tô thuế, ban bố “Đại Minh luật”, khiến cho dân chúng được khoan dưỡng sức lực, có điều kiện để khôi phục và phát triển sản xuất, khiến cho hạn ngạch tô thuế thu được tăng gấp ba lần số thu được dưới triều Nguyên.
Chu Nguyên Chương đã tận mắt chứng kiến sự hủ bại về chính trị tình hình quan tham lại nhũng dưới triều Nguyên. Căm thù bọn tham quan hại dân, sau khi lập quốc, ông đã ra sức chỉnh đốn nội chính, chế định luật pháp nghiêm minh, có nhiều hình phạt tuyệt đối nghiêm khắc chưa từng có với tình trạng quan lại tham nhũng. Luật pháp lúc đó quy định, nếu phát hiện quan lại tham ô có tang chứng hại dân, mọi người có thể trực tiếp bắt rồi giải về kinh sư, nếu ai tìm cách ngăn cản, cả họ sẽ bị giết. Các quan giữ kho tiền, lương hay vật khác, nếu làm thất thoát trên 60 lạng bạc, sẽ bị chém đầu bêu trước công chúng, cộng thêm bị hình phạt lột da. Ông cho xây dựng ở cửa các nha môn phủ, châu, huyện những miếu thổ địa là nơi để lột da người, gọi là “Bì trường miếu”. Hai bên cửa nơi làm việc của các quan phủ đều treo một cái túi da người nhồi cỏ, để các quan khi làm việc nhìn vào đấy làm bài học tự răn mình, không dám phạm pháp. Ông còn dùng các hình phạt như cắt gân chân, chặt ngón tay, chặt chân, chặt tay, móc ruột, cắt bộ phận sinh dục. Trong hơn 30 năm xưng đế, Chu Nguyên Chương đã trừng trị không ít tham quan ô lại. Như năm Hồng Võ thứ 9 (1376), ông đã cho phát vãng đi đồn điền Phong Dương, An Huy hàng vạn người. Trong các vụ án xử quan lại tham ô, nổi bật nhất là vụ án Quách Hoàn. Quách Hoàn là quan Thị lang bộ Hộ, trong khi xử lý vụ thu mua lương thực, Quách Hoàn đã bẻ cong pháp luật, năm Hồng Vũ thứ 18 (1385), vụ việc bị phát hiện, các đương sự phải truy hoàn hơn 700 vạn thạch lúa, các quan Tả hữu thị lang lục bộ đều bị giết. Quan lại các cấp trong vụ này bị giết tới vạn người, các nhà phú hộ trong cả nước đều bị truy hoàn tang vật, nhiều người do đó mà bị phá sản. Việc sử dụng hình phạt nghiêm khắc để trừng trị những kẻ tham quan ô lại một cách đại quy mô có thể nói chưa từng có trong lịch sử. Chu Nguyên Chương giương cao ngọn cờ trừng phạt bọn tham quan lại nhũng, việc này đã có tác dụng nhất định trong chấn chỉnh phép nước, cải cách việc nội trị.
Giết hại công thần, phế bỏ thừa tướng, tăng cường quyền lực
Đồng thời với việc chấn chỉnh nội chính, khôi phục sản xuất, chỉnh đốn mọi mặt, Chu Nguyên Chương còn nhiều lần mở rộng cửa nhà ngục, giết hại công thần để tăng cường quyền lực hòng bảo vệ giang sơn lâu dài. Trong đó, hai vụ án lớn nhất là vụ án Hồ Duy Dung và vụ án Lam Ngọc.
Hồ Duy Dung (? – 1380), người Định Viễn, An Huy. Năm Long Phụng nguyên niên (1355), ông theo Chu Nguyên Chương ở Hoà Châu, được làm Tấu sai Nguyên sư phủ, sau lại nhậm các chức quan Chủ bạ, Tri huyện, Thông biện, Kiểm sự,…. Năm Hồng Võ thứ 3 (1370), làm Bái trung sư tỉnh, tham gia chính sự. 6 năm sau được thăng Hữu thừa tướng, rồi lại thăng Tả thừa tướng, được Chu Nguyên Chương rất tin dùng. Hồ Duy Dung do quyền thế ngày càng lớn, dần chuyên quyền hống hách, không biết sợ gì. Ví như trong triều có những việc quan hệ đến việc sống chết, thăng giáng, thường không tấu lên trên xử lý. Phàm có những việc đưa đến nha môn, có việc bất lợi đều giấu kín. Một thời, những người có tội đồ luôn luồn luỵ, những người mất chức thì cầu cạnh. Hồ Duy Dung kéo bè kéo cánh tư lợi, xem thường quyền vua. Năm Hồng Vũ thứ 13 (1380), Chu Nguyên Chương đã xử tội giết Hồ Duy Dung, giết Ngự sử đại phu Trần Ninh, Ngự sử trung thừa Từ Tiết, … Sau 10 năm, đến đời Hỗng Vũ thứ 23 (1390), Chu Nguyên Chương lại giết những kẻ trong bè đảng của Hồ. Vì thế, Thái sư Hàn quốc công Lý Thiện Trưởng cũng bị giết, hơn 70 người trong gia tộc cũng bị sát hại. Cùng với bọn người bị giết, sau đó nhiều người cùng bọn Lục Trọng Hưởng, trước sau liên luỵ bị giết đến hơn 3 vạn, sử sách gọi là “Hồ Duy Dung án”.
Lam Ngọc (? – 1393), người Định Viễn, An Huy, em vợ của đại tướng Thường Ngộ Xuân, ban đầu là bộ hạ của Thường Ngộ Xuân, lập rất nhiều chiến công. Năm Hồng Vũ thứ 20 (1387) nhậm chức Đaị tướng quân, nhiều lần đem quân ra trận, đã từng chiến đấu chống lực lượng quân Nguyên ở tây bắc, lập nhiều công to trong cuộc chiến ở Vân Nam như bức hàng được Liêu Đông Nạp Cáp, cùng Mộc Anh, Phùng Thắng bình định ở Vân Nam, được phong Lương quốc công, sau lại được phong Thái tử Thái phó. Lam Ngọc tự coi là có công lớn chuyên chế ngang ngược, làm nhiều việc bất chấp pháp luật, thái độ kiêu ngạo, coi thường lễ nghĩa. Năm Hồng Võ thứ 26 (1393) bị chỉ huy Cẩm y vệ Tưởng Hiến tố cáo là mưu phản bị giết. Minh Thái Tổ tống cả bè đảng vào ngục, 1 người mang tước công, 13 người mang tước hầu, 2 người mang tước bá, liên luỵ bị giết tất cả đến 15.000 người. Qua hai vụ án Hồ Duy Dung, Lam Ngọc, sử đã chép “Nguyên huân túc tướng tương kế tận hĩ” (Huân, tướng cũng nối nhau mà chết). Ngoài hai vụ án này, không ít các khai quốc công thần cũng đã bị giết. Những khai quốc công thần của triều Minh may mắn sống sót như Thiện Chung, Thang Hoà, Cảnh Trọng Văn,.. thật là thưa vắng. Việc giết các công thần của Chu Nguyên Chương cũng chưa từng có từ xưa đến nay.
Nhà sử học nổi tiếng lúc bấy giờ Ngô Hàm, khi nói về vụ án Hồ Duy Dung đã viết: “Từ sau khi Hồ Duy Dung bị giết, Hồ án trở thành một vũ khí tiện lợi để Chu Nguyên Chương tiến hành đấu tranh chính trị, phàm là các quan văn võ nếu có thái độ oán hận, hành động coi thường sự thống trị của nhà vua, đều bị coi là cùng bè đảng với họ Hồ hoặc bị giáng chức hoặc bị khám xét, tịch thu nhà cửa. Tội trạng của Hồ Duy Dung cũng chính là xuất phát từ mâu thuẫn trong nội bộ của giai cấp thống trị gặp thời cơ mà mở rộng. Sớm nhất là tội tư thông với Nhật Bản, tiếp theo lại là tư thông với Mông Cổ, Nhật Bản và Mông Cổ là hai kẻ thù địch lúc đó, quan hệ với kẻ địch đương nhiên là mưu phản. Về sau, từ việc này lại phát triển đến việc Lý Thiện Trưởng mưu phản…”
Đồng thời, Chu Nguyên Chương đã mượn “Hồ Duy Dung án” để giết công thần túc tướng chủ yếu là nhằm mục đích tăng cường vương quyền. Từ năm Hồng Vũ thứ 9 (1376) trước khi xảy ra “Hồ Duy Dung án”, Chu Nguyên Chương đã phế trừ Hành trung thư tỉnh, thiết lập Bố chính sứ ty, Đề hình tiếp sát sứ ty, Đô chỉ huy sứ ty, chia ra quản lý các mặt dân, hình, binh. Năm Hỗng Vũ thứ 13 (1380), sau vụ án “Hồ Duy Dung”, Chu Nguyên Chương bỏ chức Trung thư tỉnh, bỏ chế độ Tể tướng, chia các quyền làm 6 bộ Sử, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công. Thiết đô sát viện giám sát các quan, Thiết cẩm y vệ làm nhiệm vụ giám đốc với các triều thần và trăm họ, cách sắp đặt này đều nhằm tăng thêm quyền lực cho nhà vua. Chu Nguyên Chương một mặt ra sức xây dựng chế độ trung ương tập quyền, lại thực hành chính sách hoà hoãn các mâu thuẫn, phân phong cho các hoàng tử làm vương, khiến họ trở thành phiên thuộc của hoàng thất. Mục đích chế độ phân phong của Chu Nguyên Chương một là tăng cường phòng bị với quân Mông Cổ ở phương bắc, một là đề phòng các gian thần trong triều có ý muốn cướp ngôi. Chu Nguyên Chương quy định chư vương có thể “di văn thủ gian thần, cử binh thanh quân trắc” (bằng văn tố cáo gian thần, đem quân dẹp loạn). Đồng thời cũng đề phòng các chư vương coi thường pháp chế, Chu Nguyên Chương lại cho phép hoàng đế có quyền hạ lệnh “tiễu phiên”.
Chu Nguyên Chương
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét