Sau đời Khai Nguyên, xã hội ổn định phồn vinh đã lâu, Đường Huyền Tông dần mất đi tinh thần của một “minh quân trị quốc”. Sau khi đổi niên hiệu thành Thiên Bảo, nhà vua sủng ái Dương Quý Phi, tin cậy vào hoạn quan Cao Lực Sĩ, giao toàn bộ triều chính cho tể tướng Lý Lâm Phủ. Lý Lâm Phủ chuyên lấy lòng Đường Huyền Tông, lợi dụng chức quyền, ngang ngược độc đoán. Sau khi Lý Lâm Phủ chết anh trai của Dương Quý Phi là Dương Quốc Trung kế nhiệm Tể tướng càng không nghe ý kiến người khác, tham ô nhận hối lộ, khiến cho chính trị ngày càng suy bại. Lại thêm lúc đó, ruộng đất chia cắt, chênh lệch giàu nghèo ngày càng nghiêm trọng, chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng suy vong.
Những năm đầu triều Đường, để củng cố chính quyền trung ương tập quyền, bảo vệ biên cương, triều đình thực hiện chế độ phủ binh. Phủ binh là một biện pháp thực hiện các gia đình đóng góp số quân theo số đinh, phân cho ruộng đất, định kỳ bảo vệ kinh đô hoặc phòng thủ biên cương. Ở nội địa hoặc các trấn quan trọng vùng biên giới cử đại đô đốc, thống binh ở nơi đóng quân, do phát triển chế độ tư hữu ruộng đất, nông dân không có ruộng đất phiêu bạt nảy sinh vấn đề nguồn lính; việc chiến đấu lại tăng thêm, phủ binh không thể luân chuyển, phục vụ lâu dài, lại không thể miễn lao dịch cho các gia đình. Hoàn cảnh ấy khiến tầng lớp thống trị triều Đường buộc phải thay bằng chế độ mộ binh. Binh lính được chiêu mộ bình thường làm việc tập trung khai hoang. Quan thống binh ở vùng biên cảnh gọi là Tiết độ sứ. Ban đầu, Tiết độ sứ chỉ nắm binh quyền, sau do nhu cầu tác chiến kiêm luôn quản lý hành chính và tài chính của địa phương. Quyền lực của Tiết độ sứ mở rộng vô hạn, bao gồm cả quyền với ruộng đất, quyền với người dân, quyền với thân binh, lại có cả quyền với tài chính, dần dần Tiết độ sứ trở thành một đại quân phiệt. Thời kỳ Đường Huyền Tông, đã có 10 Tiết độ sứ, họ nắm quân đội, hành chính và tài chính của một châu hoặc mấy châu khiến cho chính phủ trung ương càng ngày càng không thể kiểm soát. Đời Đường Huyền Tông, quý tộc quan liêu đứng đầu bộ máy chỉ lo làm điều xằng bậy, mưu lợi riêng, không quan tâm đến chính sự, cuộc sống ngày càng xa hoa dâm dật, mọi quyền hành của triều đình vào tay tể tướng Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung, nội chính thì giao cho hoạn quan Cao Sĩ Lực. Lý Lâm Phủ chuyên quyền, không chịu nghe lời người khác, Dương Quốc Trung quen vơ vét đục khoét, thích nhận hối lộ, chính quyền thống trị hủ bại, nhân cơ hội ấy, cuộc phản loạn của An Sử nổ ra.
An Sử chi loạn
An Sử chi loạn là một cuộc phản loạn của thế lực cát cứ đầu tiên với chế độ trung ương tập quyền dưới triều Đường từ năm 755 đến 763. Cuộc phản loạn do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh phát động, vì thế, sử sách gọi cuộc nổi dậy này là “An Sử chi loạn”.
An Lộc Sơn là Tiết độ sứ kiêm 3 châu Phạm Dương (nay là tây nam Bắc Kinh), Hà Đông (nay là Thái Nguyên Sơn Tây), Bình Lư ( nay là tây Cẩm Châu, Liêu Ninh), người Liễu Thành, Doanh Châu (nay là vùng phụ cận thành phố Cẩm Châu, Liêu Ninh), ông ta là người xảo trá, thích xu nịnh, do xin được làm con nuôi Dương Quý Phi nên rất được Huyền Tông vừa lòng, tin cậy, con đường thăng tiến rất hanh thông, là một quân phiệt có thế lực mạnh nhất. Thấy Đường Huyền Tông xa hoa dâm dật, triều chính hỗn loạn, lực lượng bảo vệ yếu kém nên có dã tâm bành trướng. Bề ngoài, hắn thường đến thủ đô Trường An, tỏ ra cung thuận triều đình để ngày càng được Huyền Tông tin cậy, nhưng bên trong hắn đã tập trung lực lượng ở Hà Bắc. Ở phía bắc thành Phạm Dương, hắn đã cho xây dựng thành Hùng Võ, chiêu tập binh mã, lại lợi dụng mâu thuẫn dân tộc, tiến hành nhiều hoạt động chia rẽ. Qua khoảng 10 năm chuẩn bị, tháng 11 năm 755 (năm Thiên Bảo thứ 14), An Lộc Sơn thông đồng với Sử Tư Minh, lấy danh nghĩa trừng trị Dương Quý Phi, Dương Quốc Trung, đem 15 vạn quân từ Phạm Dương tiến xuống phía nam chống nhà Đường, “An Sử chi loạn” bùng nổ.
Từ Phạm Dương, An Lộc Sơn một đường đánh chiếm Cảo Thành, Trần Lưu (nay là thành phố Khai Phong, Hà Nam), Vinh Dương, tiến thẳng về Lạc Dương. Triều Đường lệnh cho Lý Uyển làm Nguyên sư Hữu kim ngô đại tướng quân, Cao Tiên Chi làm Phó nguyên sư, đi dẹp loạn. Điền Thừa Tự, An Thủ Trung đưa quân phản loạn tiến công Lạc Dương, tướng Phong Thường Thanh bị phản quân truy đuổi đại bại bỏ chạy, quân phiến loạn chiếm được Lạc Dương, Phong Thường Thanh trốn thoát. Quân phiến loạn truy kích quân của Cao Tiên Chi, quân Đường rối loạn, người ngựa bỏ chạy, chết không thể đếm xuể. Sau đó, quân Đường rút về Đồng Quan mới ngăn được quân phiến loạn tiến về phía tây. Ở Hà Bắc, Bình Nguyên (nay là thành phố Đức Châu, Sơn Đông), thái thú Nhan Trực Khanh, Thường Sơn (nay là huyện Chính Định, Hà Bắc), cùng anh em là thái thú Nhan Bảo Khanh ngăn cản quân phản loạn. Sử Tư Minh đem quân đánh Thường Sơn, Nhan Bảo Khanh đêm ngày đốc chiến đến khi lương hết lại không có viện binh, Thường Sơn thất thủ, Nhan Bảo Khanh cùng hơn 30 người bị hại. Cuộc chiến ở Thường Sơn tuy thất bại nhưng đã hạn chế được quân phản loạn tiến đánh Đồng Quan, giảm được áp lực cho Quan Trung.
Tháng 1 năm Thiên Bảo thứ 15 (năm 756) ở Lạc Dương, An Lộc Sơn tự xưng Đại Yên hoàng đế, chuẩn bị tiến về phía tây đánh Trường An (nay là thành phố Tây An, Thiểm Tây). Đường Huyền Tông lệnh cho Hữu tiết độ sứ Hà Tây Lũng là Ca Thư Hàn làm phó nguyên sư đem quân đi giữ Đồng Quan. Ca Thư Hàn lợi dụng kế “dĩ dật đãi lao” để chặn quân phiến loạn, chờ cơ hội thuận lợi quyết chiến. Nhưng Huyền Tông nhiều lần thúc giục ra quân, Ca Thư Hàn không còn cách nào phải đem quân quyết chiến với loạn quân, kết quả quân Đường đại bại, Ca Thư Hàn bị bắt, đầu hàng An Lộc Sơn. Khi Đồng Quan bị phá, Trường An cũng bị uy hiếp, Huyền Tông cùng triều đình chạy về Tứ Xuyên. An Lộc Sơn đưa quân đến Trường An, quân lính tràn vào thành, bắt hết bách quan, cung nữ, hoạn quan về Lạc Dương.
Trong lúc quân phản loạn đánh Trường An, con của Huyền Tông là Lý Hanh chạy về Linh Võ, lên ngôi xưng đế, lấy hiệu là Túc Tông. Túc Tông chỉnh đốn quân đội, chuẩn bị lấy lại hai kinh, trung hưng triều Đường. Tướng Đường Quách Tử Nghi mang 5 vạn quân đến Linh Võ, Lý Quang Bật đến Thái Nguyên chống cự, chính quyền Túc Tông có thể đứng vững. Nhưng Lý Hanh đã sử dụng Phòng Quán có chí lớn tài nhỏ để mưu đại sự, giao cho ông ta mang quân lấy lại hai kinh. Phòng Quán chia quân làm 3 đường , tiến quân về Trường An. Ông ta dựa vào cách đánh từ thời cổ đã chẳng ai dùng nữa, mang 2.000 cỗ xe trâu, hai cánh có bộ binh và kỵ binh yểm hộ giao chiến với quân phản loạn, quân địch lợi dụng hướng gió phóng hoả, trâu già kéo xe bốn bề hỗn loạn, quân Đường mất hơn 4 vạn người, bộ tướng Dương Hy Văn, Lưu Quý Triết đầu hàng phản quân, Phòng Phách chỉ còn khoảng hơn nghìn quân chạy về Linh Võ.
Trận chiến ở Thái Nguyên và Tuy Dương
Trong cuộc chiến đấu với quân An Sử, những cuộc chiến đấu ở Thái Nguyên và Tuy Dương đã có ảnh hưởng rất lớn. Tháng 1 năm Chí Đức thứ 2(năm 757), An Lộc Sơn bị con là An Khánh Tự giết.
Năm ấy, Sử Tư Minh, Thái Hy Đức mang 10 vạn quân chia làm hai đường bao vây, chuẩn bị đánh Thái Nguyên, tiến nhanh đến Sóc Phương (nay là tây nam huyện Linh Võ, Ninh Hạ), tiêu diệt chính quyền Túc Tông. Tướng Đường Lý Quang Bật cho quân dân đào hào ở ngoài thành, xây dựng đồn luỹ ở trong thành hòng cố thủ Thái Nguyên. Sử Tư Minh mang quân đánh thành, lệnh cho quân đánh phía đông thì phía tây tiếp ứng, đánh phía bắc thì phía nam tiếp ứng, trăm mưu nghìn kế, lại có cả thang mây đánh thành, hai bên giằng co hơn một tháng. Lý Quang Bật cho người đào đường thông ra ngoài thành, vây người ngựa và thang mây của phản quân vào trong, lại chế tạo đại pháo, diệt được hơn 2 vạn quân phản loạn, Sử Tư Minh phải rút quân. Lý Quang Bật cử một viên tướng trá hàng, tự mang quân đào một hầm đất, Sử Tư Minh đang đợi tướng đến đầu hàng, bỗng nhiên một tiếng nổ vang trời, quân phiến loạn hơn nghìn người bị hãm trong hầm hỗn loạn, quân Đường thừa thế xông ra giết được hơn một vạn người. Sử Tư Minh cho Thái Hy Đức ở lại chiến đấu, còn mình thì chạy về Phạm Dương. Lý Quang Bật chọn lựa lính cảm tử, giết được hơn 7 vạn quân địch. Thái Hy Đức bỏ chạy, quân Đường giành được thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thái Nguyên.
Cùng lúc đó, An Khánh Tự lệnh cho Doãn Tử Kỳ mang 13 vạn quân đánh Tuy Dương (nay là nam Thương Khâu, Hà Nam), tướng Đường giữ thành Ung Khâu (nay là huyện Kỷ, Hà Nam) là Hứa Viễn xin Trương Tuần của Ninh Lăng viện binh. Trương Tuần từ Ninh Lăng đem quân đến Tuy Dương, cùng với Hứa Viễn giữ thành. Hai người đồng tâm hiệp lực, Trương Tuần chỉ huy chiến đấu, Hứa Viễn lo việc quân lương, sửa chữa vũ khí, quân Đường chỉ có hơn 6.000 người, nhưng tinh thần hăng hái gấp bội, ngày đêm chịu đựng, có ngày chiến đấu đến hơn 20 trận, giết được hơn 2 vạn địch, Doãn Tử Kỳ phải rút quân. Sau 3, 4 tháng Doãn Tử Kỳ lại đem quân bao vây Tuy Dương. Trương Tuần mổ trâu khao quân, quân sĩ phấn chấn, dốc sức quyết chiến. Quân phản loạn thấy quân Đường ít người, chủ quan khinh địch, Trương Tuần mang quân đánh thẳng vào trận địa của địch, giết được hơn 30 tướng địch cùng hơn 3.000 quân sĩ, đuổi theo đến hơn 10 dặm, giành toàn thắng. Sau đó, hai bên giằng co ở Tuy Dương. Trương Tuần lệnh cho quân nửa đêm quấy rối, quân địch đêm tối không được ngủ, chờ đến sáng, quân Đường lại nghỉ ngơi. Cứ thế nhiều ngày, Doãn Tử Kỳ không chú ý đề phòng, Trương Tuần mang hơn 10 dũng tướng như Nam Tế Vân, Lôi Vạn Xuân đột kích vào trại địch, đánh thẳng vào trại của Doãn Tử Kỳ, giết được hơn 50 tướng, hơn 5.000 quân, Nam Tế Vân bắn một phát tên trúng mắt trái của Doãn Tử Kỳ, chút nữa thì bắt sống được hắn, Doãn tử Kỳ đành phải lui quân. Đến tháng 7, Doãn Tử Kỳ lần thứ 3 đến vây Tuy Dương, quân Đường vì thương vong, quân số không đầy đủ, lại không được tăng viện, trong thành lương thực đã dùng hết, Trương Tuần đành phải cố thủ giữ thành. Quân phản loạn dùng thang mây, la gỗ, túi đất đánh thành, Trương Tuần tùy cơ ứng biến, trăm phương nghìn kế phá địch, khiến cho kế hoạch vây thành của Doãn Tử Kỳ phải kéo dài. Do gian khổ nhiều ngày, quân Đường chỉ còn hơn 600, không có cứu viện. Trương Tuần lệnh cho Nam Tế Vân về Lâm Hoài (nay là đông nam huyện Tứ, An Huy) cầu viện Hạ Lan Tiến Minh, Hạ Lan Tiến Minh sợ Trương Tuần thành công nên không phát binh. Quân phản loạn thấy viện binh không đến, trong thành đến con chim con chuột cũng không thoát được nên đánh gấp. Tướng sĩ quân Đường lực đã kiệt không thể chống cự, thành bị vây hãm, Trương Tuần, Nam Tế Vân, Lôi Vạn Xuân cùng 36 tướng bị hại. Hứa Viễn bị đưa về Lạc Dương.
Cuộc chiến đấu bảo về Thái Nguyên và Tuy Dương đã kiềm chế được lực lượng của quân phản loạn, có tác dụng quan trọng trong việc thay đổi thế cục. Đồng thời lúc đó, tướng nhà Đường Quách Tử Nghi đem quân đánh Phụng Tường, bình định Hà Đông, vua Túc Tông từ Linh Võ về Phụng Tường, hợp quân ở Lũng Thạch, An Tây và Tây Vực lại mượn quân lấy lại hai kinh. Tháng 9 năm Chí Đức thứ 2 (757), quân Đường tiến công Trường An, Lý Tự Nghiệp đi tiền quân, Quách Tử Nghi đi trung quân, Vương Ân Lễ đi hậu quân giao chiến cùng quân phản loạn Lý Quý Nhân. Mới vào trận, quân Đường gặp bất lợi, bị quân phản loạn đánh bại. Lý Tự Nghiệp cầm dao xông tới trước cả binh lính, quân Đường mang theo trường đao xông thẳng vào trận. Tướng Đường Vương Nam Đắc bị tên bắn trúng, máu chảy đầy mặt vẫn rút tên tiếp tục chiến đấu. Quân phản loạn bị đánh bại, tinh thần chán nản. Cuối cùng, quân phản loạn bị chém đầu đến 6 vạn, bỏ chạy mà chết thì không đếm xuể, quân Đường thừa thắng lấy lại được Trường An. Được Quảng Bình vương và Hồi Ngật vương hộ tống, tướng Đường đưa quân về Lạc Dương. An Khánh Tự giết được tướng Đường Ca Thư Hàn, bọn Hứa Viễn chạy về Hà Bắc, quân Đường lấy lại Lạc Dương.
Tháng 3 năm Thượng Nguyên thứ 2 (761)Sử Triều Nghĩa giết cha là Sử Tư Minh, tự lập ngôi đế.
Sử Triều Nghĩa đưa quân đi đánh Tống Châu (nay là thành phố Thương Khâu, Hà Nam) bị tướng Đường Điền Thần Công đánh bại. Năm Bảo Ứng nguyên niên (năm 762), Đường Đại Tông lên ngôi, lệnh cho Ung vương làm Thiên hạ binh mã nguyên sư, Cố Hoài Ân làm phó nguyên sư, cùng với Lý Quang Bật đi đánh Sử Triều Nghi. Quân Đường ở ngoại ô phía bắc Lạc Dương đánh bại quân phản loạn, giết được rất nhiều quân lính, Sử Triều Nghi bại trận chạy về Hà Bắc, tướng Đường Phó Cổ Dạng cũng giành được thắng lợi ở Viên Châu (nay là huyện Thanh Hà, Hà Bắc). Năm Bảo Ứng thứ 2 (763) Sử Triều Nghi chạy về Phạm Dương, cùng kế tự sát kết thúc 8 năm đánh dẹp An Sử chi loạn.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét