XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

SỰ KIỆN 94. PHÊ PHÁN MÃ DẦN SƠ

 Nguyên  nhân quan trọng gây khó khăn cho sự phát triển hiện nay ở nước ta chính là áp lực dân số. Điều này đã khiến cho “kế hoạch sinh đẻ” trở thành quốc sách quan trọng của chúng ta. Thực tế 50 năm đầu của thế kỷ 20, một số nhân sĩ có trách nhiệm đã thể hiện sự lo lắng trước vấn đề dân số tăng nhanh và  biện pháp giải quyết. Người nổi tiếng nhất trong việc này là Mã Dần Sơ nguyên hiệu trưởng trường đại học Bắc Kinh. Nhưng thật đáng tiếc, chủ trương đương thời của Mã Dần Sơ đã bị phê phán mạnh mẽ, chính sách  “kế hoạch sinh đẻ” đã bị lùi hơn 20 năm. Trong hơn 20 năm ấy, dân số Trung Quốc đã tăng lên hơn 1 tỷ người, khiến cho sự  nghiệp xây dựng đất nước và chấn hưng dân tộc chịu những khó khăn vô cùng lớn.
 “Tân nhân khẩu luận”
     Ngày 5 tháng 7 năm 1957, trong lúc cuộc vận động chống lại phái hữu đang phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc, ở nơi đầu sóng ngọn gió, hiệu trưởng trường đại học Bắc Kinh Mã Dần Sơ đã phát biểu “Tân nhân khẩu luận” của ông.
    Ông căn cứ vào kết quả tổng điều tra dân số lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc năm 1953 và tình hình tăng dân số  mấy năm sau đó, nhận thấy dân số nước ta tăng quá nhanh. Ngày 30 tháng 6 năm 1953, dân số Trung Quốc tổng cộng là 601.938.035 người, đây là  một con số kỷ lục. Cùng năm, ở 29 thành phố vừa và nhỏ, toàn tỉnh Ninh Hạ, các tỉnh còn lại, mỗi  tỉnh chọn 110 huyện tiến hành điều tra, có 35 huyện chỉ điều tra 1 khu, 2 trấn, 58 làng, 9 thôn, cộng có 30.180.000 người, kết quả cho thấy  tỷ lệ sinh 37%o, tỷ lệ chết 17%o, vì thế dân số tăng thực là 20%o. Nhưng tình hình xã hội từ sau năm 1953, đời sống nhân dân được cải thiện, số người kết hôn gia tăng, thai phụ, sản phụ và trẻ em được hưởng phúc lợi xã hội, số người già chết ngày càng thấp, trật tự trong nước ổn định, cùng với việc mọi người chịu ảnh hưởng tàn dư của  tư tưởng cũ mong đa phúc đa thọ, làm sao để “ngũ đại đồng đường”, con cháu đầy nhà, bất hiếu có ba, không có con nối dõi là tội nặng nhất, tiên sinh Mã Dần Sơ đã đánh giá: “trong 4 năm gần đây, dân số thực tăng rất có thể trên  20%o”. Trong 6 năm, mỗi năm  tăng trưởng 20% không thể không nhận thấy như vậy là tăng trưởng quá nhanh. Từ đó, Mã Dần Sơ đã chỉ rõ để mở rộng  sản xuấtvà tái sản xuất, tăng cường tích luỹ tiền vốn, tăng nhanh tiến trình công nghiệp hoá cùng với việc giảm bớt tiêu dùng, cần phải khống chế dân số. Đồng thời để từng bước cải thiện đời sống nhân dân, phát triển  nguồn  nguyên liệu của công nghiệp nhẹ, nâng cao mức độ tiêu dùng lương thực, cho đến thúc đẩy sự nghiệp nghiên cứu khoa học, ông cho rằng “không thể không khống chế dân số”, “tăng dân số chính là giảm tích luỹ”, cũng chính là “kìm hãm công nghiệp hoá”, “cho nên với vấn đề dân số, nếu không sớm có kế hoạch khó tránh việc nông dân biến tất cả ơn đức thành thất vọng và bất mãn… mang lại cho chính phủ rất nhiều khó khăn”. Để phát triển lao động sản xuất của nông dân, từ đó nâng cao đời sống vật chất và cuộc sống văn hoá của họ, một mặt cần tích luỹ tiền vốn, một mặt phải khống chế dân số.
    Sau khi Mã Dần Sơ phân tích và  làm sáng tỏ những điều đó, ông đưa ra ba kiến nghị: kiến nghị từ 1958 đến chậm nhất là năm 1963 lúc tiến hành tổng tuyển cử, tiến hành điều tra dân số một lần nữa, chúng ta có thể biết tình hình thực tế gia tăng dân số của nước ta  trong 5 năm hoặc 10 năm; tiếp theo là thống kê tình hình biến động dân số, đây chính là cơ sở để xác định chính sách dân số,  một mặt định số nhân khẩu tăng trưởng  trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai hoặc lần thứ ba, để sau đó có thể dần nâng cao tính chuẩn xác của kế hoạch. Hai là phải hạn chế sinh đẻ, khống chế dân số, bước thứ nhất là phổ biến, tuyên truyền, làm cho phần lớn quần chúng đều thấy tầm quan trọng của hạn chế sinh đẻ, từ đó có thể áp dụng phương pháp hạn chế sinh đẻ vào cuộc sống, một mặt ra sức tuyên truyền tác hại của tảo hôn, ích lợi của kết hôn muộn. Nếu sức mạnh khống chế dân số còn chưa đầy đủ, việc sử dụng các biện pháp  hành chính càng nghiêm ngặt càng hữu hiệu. Nhà nước phải có quyền can thiệp vào việc sinh đẻ, khống chế dân số. Ba là thực hành kế hoạch sinh đẻ là biện pháp khống chế dân số tốt nhất, hữu hiệu nhất, quan trọng nhất là phổ biến, tuyên truyền tránh thai… Trở lên chính là nội dung chủ yếu của “Tân nhân khẩu luận” của Mã Dần Sơ.
    Ngày 2 tháng 3 năm 1957, Mao Trạch Đông chủ trì Hội nghị Quốc vụ viện tối cao. Trong khi Mã Dần Sơ cùng Thiệu Lực Tử ngồi trò chuyện sôi nổi thì chủ tịch Mao Trạch Đông từ trên lễ đài bước xuống, vẻ mặt tươi cười nói với hai người: “Các đồng chí lại đang bàn về vấn đề dân số đấy chứ?”. Trong hội nghị này, Mã Dần Sơ với tư cách đại biểu đã phát biểu về kế hoạch sinh đẻ và hạn chế dân số. Ngày 31 tháng 3 năm đó,  tại Hội nghị lần thứ nhất của Hội y học Trung Hoa ông đã nói: “Nếu mỗi  năm dân số tăng tỷ lệ 3%, năm 1968, dân số Trung Quốc sẽ đạt con số tới 800 triệu, năm 1971 sẽ là 980 triệu, 50 năm sau sẽ  tới 2.600 triệu”.
    Nhưng do cuộc đấu tranh chống phe hữu  mở rộng và ngày càng quyết liệt, có người đã chỉ trích Mã Dần Sơ đưa ra “tân nhân khẩu luận” là phối hợp với các phần tử phái hữu tiến công vào đảng. Tháng 4 năm 1958, đảng uỷ trường đại học Bắc Kinh quyết định tiến hành phê phán Mã Dần Sơ. Tháng 5, Trần Bá Đạt tại đại học Bắc Kinh đã chỉ tên phê phán Mã Dần Sơ, muốn ông phải kiểm thảo. Sau đó trên toàn quốc dần hình thành thế trận phê phán Mã Dần Sơ. Lúc đó, người ta chụp cho “tân nhân khẩu luận” cái mũ thứ nhất là chủ nghĩa Mantuyt; cái mũ thứ hai là phủ nhận tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; cái mũ thứ ba là thiếu tình cảm với 600 triệu dân. Người có lòng tốt khuyên Mã Dần Sơ nên “thu cờ dừng trống”, tạm thời hãy “thu chèo chuyển lái”. Như thế cũng không mất gì vì nhìn xa thấy rộng, đây  không phải nói “đánh được thắng thì đánh, đánh không thắng thì chạy”. Mã Dần Sơ kiên quyết cự tuyệt. Ông dứt khoát: “đây không phải là chính trị mà là học thuật. Học thuật thì phải tranh luận, chân lý càng bàn càng sáng, không thể vì gặp sự công kích mà phải đầu hàng. Phê phán chính là thăng cấp, Mã Dần Sơ vẫn ngẩng cao đầu, Mã Dần Sơ vẫn hiên ngang, những cuộc phê phán ngày càng quyết liệt.
 Đơn thương độc mã
      Mã Dần Sơ là người huyện Thặng tỉnh Triết Giang sinh năm 1882. Từ sớm ông đã đi học ở Mỹ, nghiên cứu về kinh tế học, đã có học vị tiến sĩ. Năm 1915, ông về nước, giảng dạy ở các trường đại học Bắc Kinh, đại học Trung Sơn, đại học Giao thông, đại học Trùng Khánh, đại học Triết Giang, đã từng làm chủ nhiệm khoa, trưởng phòng giáo vụ trường đại học kinh tế Bắc Kinh, Viện trưởng học vịên thương mại đại học Trùng Khánh. Mã Dần Sơ là chiến sĩ dân chủ nổi tiếng đã nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng nhân dân Trung Quốc, tiến hành đấu tranh anh dũng chống phái phản động Quốc dân đảng. Năm 1948, ông được ssự giúp đỡ của đảng cộng sản Trung Quốc từ vùng thống trị của Quốc dân đảng ở  Hương Cảng vào khu giải phóng.
    Sau khi cả nước giải phóng, Mã Dần Sơ lần lượt được bầu làm đại biểu hội nghị toàn thể lần thứ nhất Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc, Uỷ viên chính phủ nhân dân trung ương, Phó chủ nhiệm bộ tài chính và kinh tế chính phủ  nhân dân Trung Quốc, Phó chủ tịch uỷ viên hội quân chính Hoa Đông, Hiệu trưởng đại học Triết Giang, hiệu trưởng đại học Bắc Kinh, Uỷ viên thường vụ đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá 1, khoá 2, Uỷ viên Hội nghị chính trị hiệp thương bốn khoá 1, 2, 3, 4, Uỷ viên thường vụ khoá 2 và 4, Uỷ viên bộ môn triết học xã hội khoa học Viện khoa học Trung Quốc và nhiều chức vụ khác, có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục và kinh tế nước ta.
     Ban đầu, việc phê phán chỉ trong dư luận, dừng lại ở sự tự phát không đáng kể của quần chúng. Mã Dần Sơ đã tỏ thái độ không quan tâm. Mao Chủ tịch ủng hộ “tân nhân khẩu luận”, ai còn dám làm gì ông? Nhưng, thật là bất hạnh, đến mùa xuân năm 1958, Mao Trạch Đông viết “Giới thiệu một hợp tác xã”, đăng trên tạp chí Hồng Kỳ số ra mắt, trong đó với từ ngữ rất mạnh mẽ, ông viết: “ …. Ngoài  sự lãnh đạo của đảng, sáu trăm triệu nhân dân  là nhân tố quyết định. Người đông, bàn bạc nhiều, nhiệt tình cao, hăng hái lớn”. Người nhạy cảm hiểu ra lời nói này nhất định có hàm ý. Mã Dần Sơ sợ “tân nhân khẩu luận” gặp  sự lành ít dữ nhiều.
    Dự đoán của ông rất nhanh chóng được chứng minh. Ngày 4 tháng 5, đại học Bắc Kinh kỷ niệm 60 năm thành lập trường, Trần Bá Đạt đến dự và đọc diễn văn  kỷ niệm. Ông ta hướng về phía Mã Dần Sơ đang ngồi trên đoàn chủ tịch, cao giọng: “Mã Dần Sơ phải làm kiểm thảo về “Tân nhân khẩu luận” của ông ta”.
    Mùa đông lạnh giá năm 1959, tại đại học Bắc Kinh, tuyết rơi băng đóng, gió rét như châm, hội nghị toàn trường  phê phán “Tân nhân khẩu luận” của Mã Dần Sơ với  thái độ rất nghiêm khắc. Giữa lúc đó, Khang Sinh xông vào trận,  có lẽ thấy ngọn lửa còn chưa đủ mãnh liệt, ông ta đập bàn nói chen vào đầy  ác ý: “Mã Dần Sơ đã từng nói, có người nói ông ta theo chủ nghĩa Mantuyt, mhưng ông ta không thừa nhận. Ông ta nói Mantuyt là họ Mã, Mã Khắc Tư (Macx) cũng là họ Mã, ông ta là họ Mã nhà Mã Khắc Tư. “Tân nhân khẩu luận” của Mã Dần Sơ là mang họ Mã của Mã Khắc Tư hay là mang họ Mã của Mantuyt? Tôi thấy vấn đề này hiện nay chưa rõ ràng. Tôi cho rằng “tân nhân khẩu luận” của Mã Dần Sơ có vẻ là mang họ Mã của Mantuyt!” Khang Sinh cho rằng câu nói  này đủ giết chết Mã Dần Sơ. Ai ngờ Mã Dần Sơ vẫn không tiếp thu, trước mặt vẫn lên tiếng rắn rỏi, đằng sau vẫn thẳng thắn: “Mã Dần Sơ tôi là Mã của Mã Khắc Tư!”
    Phải nói đó là lời thề đanh thép. Đối mặt với cái mũ “phần tử phải hữu” là một sự đe doạ cho sinh mạng  bất cứ lúc nào, nhiều người đã khuyên ông chấp nhận kiểm thảo để vượt qua lúc tình thế khó khăn này. Mã Dần Sơ tuyển chọn tờ “Kiến nghị mới”, cho đăng “Lời thỉnh cầu trân trọng của tôi”, vì quyết tâm “nghìn vạn người, vẫn cứ sai”, công khai tuyên bố:
   “Tôi tiếp nhận thư khiêu chiến đăng ra trên “Quang Minh nhật báo”. Việc khiêu chiến này là rất hợp lý, tôi xin kính cẩn đón nhận. Tôi tuy đã gần 80, ít sáng suốt, không thể địch nổi đông người. Ra ứng chiến thật là tìm đến chỗ chết, nhưng quyết không khuất phục, không thể đầu hàng khi chân lý bị phê phán.”
   Trong một cuộc họp học tập của Hội nghị chính trị hiệp thương sau khi ông bị miễn chức, một vị uỷ viên nói: “Một câu nói của Mao Trạch Đông thay cho một vạn câu. Đến một nghìn năm sau vẫn còn đúng”. Mã Dần Sơ nghe thế, bèn nói: “Nói như thế là không phù hợp nguyên lý chủ nghĩa Mac – Lênin. Nguyên lý cơ bản của  chủ nghĩa Mac – Lênin là  không phải  cái đúng lúc nào cũng đúng, dù là Mac, Ăng ghen, Lênin, Xtalin, kể cả đồng chí Mao Trạch Đông, những lời nói và bài viết của họ, đặc biệt là những bàn luận về phương diện chính sách, chỉ đúng trong một giai đoạn, một thời kỳ. Tôi tin rằng bản thân Mao Trạch Đông nếu nghe những lời này của anh cũng  không tán thành! Vì thế, ông lại bị bao vây, tấn công, chụp những cái mũ lớn, nhưng ông vẫn tin tưởng quan điểm của ông là phù hợp với chủ nghĩa Mác.
 Sửa sai cũng tới
     Quy luật khoa học không chiều theo ý muốn chủ quan của một ai. Đồng thời với việc phê phán Mã Dần Sơ, quy luật khoa học đã trừng phạt không nể nang sự ngu muội. Dân số của Trung Quốc từng giây từng phút tăng nhanh chóng làm cho quốc kế dân sinh chịu áp lực to lớn, khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn. Ngày 29 tháng 12 năm 1974 Mao Trạch Đông trong lúc duyệt “Về báo cáo kế hoạch kinh tế quốc dân năm 1975” đã phê: Dân số không thể không khống chế. Câu nói này hoàn toàn thống nhất so với  3 vấn đề trong “Tân nhân khẩu luận” của Mã Dần Sơ 17 năm trước .
    Sau Hội nghị toàn quốc lần thứ ba khoá 11 của đảng, Mã Dần Sơ được sửa sai triệt để, trung ương đảng đã khẳng định tính chính xác của “Tân nhân khẩu luận” và lý luận tổng hợp cân bằng kinh tế, khôi phục chức vụ và danh dự cho ông. Ngày 5 tháng 8 năm 1979, Quang Minh nhật báo đã đăng bài “Phê sai một người, dân thêm 300 triệu”. Đây là sự khẳng định và tán dương, đồng thời cũng  đem lại vinh dự cho ông.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét