Căn cứ vào ý kiến của các học giả, “vạn tuế” vốn ban đầu không phải chỉ chuyên dùng cho Hoàng đế. Trước đó, hai từ này chỉ để biểu thị tấm lòng vui mừng và lời chúc của mọi người với nhau. Thời Tây Chu, Xuân Thu, mọi người dùng “vạn tuế vô cương”, “mi thọ vô cương”, … để làm lời ca tụng và chúc phúc trong dân gian. “Kinh Thi”, tập thơ ca được tuyển chọn sớm nhất của Trung Quốc có chép những câu thơ này:
“Tê bỉ công đường
Xưng bỉ hoàng quăng
Vạn thọ vô cương”.
“Vạn thọ vô cương” ở đây chính là lời tung hô chúc mừng khi nâng chén sau một năm làm ăn vất vả. Ngoài ra, kim văn thời Tây Chu cũng rất nhiều văn tự loại này, như “duy hoàng tôn tử hệ quân thúc đơn tự tác đỉnh, kỳ vạn niên vô cương, tử tôn vĩnh bảo hưởng”. Khi ấy, đây cũng không phải là lời chỉ xưng tụng Thiên tử, chỉ là để biểu thị mong ước truyền tới con cháu đời sau. Tùy vào từng thời gian khác nhau, càng về sau, những từ xưng tụng, chúc phúc càng được đơn giản thành “vạn tuế”. Thời kỳ Chiến quốc, từ “vạn tuế” được sử dụng nhiều lần. Nó chưa trở thành tượng trưng cho thân phận bất kỳ ai. Trên là các bậc vương hầu, dưới là thứ dân đều sử dụng cả. Mà hai từ “vạn tuế” này tùy từng trường hợp, người ta dùng có ý nghĩa khác nhau. Thời kỳ này, “vạn tuế” có một ý nghĩa để kiêng dùng từ “tử” (chết). Như trong Chiến Quốc sách” viết: “Sở vương nằm mơ, ngửa mặt lên trời cười mà rằng: Sau khi quả nhân vạn tuế thiên thu, ai sẽ vui sướng đây?” Theo ghi chép của sử sách, Mạnh Thường Quân từng cử Phùng Huyên là môn khách đến vùng đất phong (nay thuộc phía nam Đằng Châu, Sơn Đông) thu tô. Nhưng những người nghèo khổ ở đây không có tiền nộp nên Phùng Huyên tự đưa ra chủ trương xóa nợ “nhân thiêu kỳ khoán, Dân xưng vạn tuế”. Có thể thấy hai chữ “vạn tuế” lúc này chỉ là từ để tung hô mà thôi.
Vậy hai từ “vạn tuế” cuối cùng được dùng riêng cho Hoàng đế bắt đầu từ bao giờ? Ý kiến của giới sử học không nhất trí, lời lý giải không giống nhau, có người cho rằng sau đời Tần Hán thần tử khi triều kiến nhà vua thường hô “vạn tuế”, nhưng không phải chỉ dành riêng cho Hoàng đế. Lễ nghi triều Hán quy định, đối với Hoàng Thái tử cũng có thể dùng “vạn tuế”. Lúc đó, người trong Hoàng tộc là có thể sử dụng hai chữ “vạn tuế” rồi. Em của Hán Hòa Đế cũng được gọi là “Lưu vạn tuế”. Từ Hán tới Đường, việc quần thần dùng “vạn tuế” cũng có không ít. Chỉ từ triều Tống, hai chữ “vạn tuế” mới thật sự chỉ dùng riêng cho Hoàng đế.
Nhiều người cho rằng hai chữ “vạn tuế” dùng riêng cho Hoàng đế bắt đầu từ đời Hán Cao Tổ. Lưu Bang xuất thân từ người dân nghèo, thô lỗ, sau khi lên ngôi Hoàng đế, muốn tìm cách để đề cao công đức và địa vị của mình. Danh thần Thúc Tôn Thông là người rất thông minh, hiểu được tâm lý của Lưu Bang. Một hôm, trong buổi triều kiến, Thúc Tôn Thông bèn tâu: “Hoàng thượng, thần có lời muốn tấu. Thần cho rằng phải định ra một hình thức lễ nghi sử dụng thường ngày để duy trì sự uy nghiêm của Thiên tử”. Lưu Bang vô cùng vui sướng, vội hỏi ông ta có ý kiến gì. Thúc Tôn Thông dần dần nói những ý tưởng của mình cho Lưu Bang nghe, trong đó có một điều rằng, Hoàng đế là con Trời, chỉ có những người có Thiên mệnh mới có thể giữ được ngai vàng. Cho nên, khi Hán Cao Tổ Lưu Bang thiết triều, mọi người phải đồng thanh hô “vạn tuế” để thể hiện lời chúc và sự kính trọng. Từ đó, “vạn tuế” trở thành lời xưng tụng dành riêng cho Hoàng đế, những người khác tuyệt nhiên không được sử dụng. Bởi vì chỉ có Hoàng đế mới có thể sống vạn niên không thể hủy hoại. Lưu Bang lập tức đồng ý và cho thực hành chế độ lễ nghi này. Từ đó, mỗi khi thiết triều “điện thượng quần thần giai hô vạn tuế”, các bậc quần thần tùy theo cao thấp đứng có trật tự theo thứ bậc. Lưu Bang thấy cảnh tượng như thế rất vừa lòng: “Từ giờ, ta mới thấy ngôi Hoàng đế là cao quý”. Từ ý kiến này, có thể thấy, hai chữ “vạn tuế” dành riêng cho nhà vua chỉ bắt đầu từ thời Lưu Bang tiếp tục cho tới về sau. Nghi lễ trong triều đình không ngừng được sửa chữa, bổ sung ngày càng hoàn chỉnh.
Còn có ý kiến cho rằng Hán Vũ Đế đề cao Nho thuật nên các Nho gia mới dùng “vạn tuế” để định riêng cho Hoàng đế. Truyền thuyết nói có một lần, Hán Vũ Đế tuần du, qua ngọn Hoa Sơn phong cảnh rất hùng vĩ. Sau khi lên tới đỉnh, cả đoàn người nghỉ ngơi, bỗng nhiên có ba tiếng kêu vang vọng từ trên cao tới: “Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn tuế!”. Mọi người vội đưa mắt nhìn khắp nơi, không phát hiện ra bất cứ một ai, bởi vì nơi Hoàng đế đi qua không thể có người. Chủ từ trong miếu nói: “Ba tiếng vừa vang lên là tiếng hô của Sơn thần để tỏ lòng thần phục đối với Thiên tử”. Hán Vũ Đế vô cùng vui sướng liền ra lệnh cho bàn dân thiên hạ không được tùy tiện dùng “vạn tuế” để tôn xưng mà chỉ để dùng riêng cho Hoàng đế. “Hán thư” cũng có viết: Tháng giêng mùa xuân năm Nguyên Phong nguyên niên, Hán Vũ Đế nói: Từ sự việc từ núi Hoa Sơn, … tiếng “vạn tuế” vang lên ba lần từ bên ngoài tòa miếu.” 15 năm sau, Hán Vũ Đế còn nhắc lại chuyện cũ. Ý của Hán Vũ Đế muốn nói “vạn tuế” là ý muốn của sơn thần, sơn thạch, thần dân liệu có thể dùng được hay không? Từ đó, trong cung đình, mỗi khi thiết triều, hai tiếng “vạn tuế” lại được hô vang không dứt, trở thành lời tôn vinh dành riêng cho Hoàng đế. Dân chúng nếu dùng hai chữ này, hậu quả sẽ không thể lường được. Đó là thái độ đại bất kính với Hoàng đế, phải nhận sự trừng phạt nghiêm khắc.
Đến triều Tống, “vạn tuế” đã hoàn toàn trở thành lời tôn vinh “vạn tuế gia”. Ngoài Hoàng đế, tuyệt đối không một ai được dùng. Đại thần nếu được người khác dùng “vạn tuế” để tôn vinh sẽ bị giáng chức và tử hình. Đại Tương Tào đời Bắc Tống khi uống rượu say lệnh cho người hô “vạn tuế”, bị cáo giác phải nhận tội chết.
Như vậy, việc sử dụng từ “vạn tuế” đã có sự thay đổi dần dần qua các triều đại phong kiến. Trong quá trình lịch sử dài lâu, cuối cùng, hai chữ “vạn tuế” đã bị các bậc Hoàng đế độc chiếm. Đó là một sự thực qua ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét