XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

SỰ KIỆN 96. ĐÁNH ĐỔ BÈ LŨ BỐN TÊN

  Ngày thứ tư, 6 tháng 10 năm 1976 là một ngày rất bình thường như biết bao những ngày bình thường khác. Nhưng ngày bình thường này đã được lịch sử lựa chọn. Ở Hoài Nhân Đường, một nơi  nổi tiếng trong và ngoài nước, một cuộc chiến đấu đặc biệt ảnh hưởng to lớn đến lịch sử Trung Quốc đã diễn ra một cách thầm lặng. Tập đoàn “bè lũ bốn tên” trong ngày này đã bị tiêu diệt, sự diệt vong của “bè lũ bốn tên” đã tuyên bố kết thúc 10 năm “đại cách mạng văn hoá”.
 “Bè lũ bốn tên” một lũ hề bắng nhắng.
     Tập đoàn “bè lũ bốn tên” xuất hiện trong quá trình phê phán “Hải đoan bãi quan” năm 1965. Sau khi “đại cách mạng văn hoá” bắt đầu, Giang Thanh, lúc đó là tổ phó tổ Văn cách trung ương, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên dựa vào lực lượng của Giang Thanh cũng gia nhập tiểu tổ Văn cách, hình thành lực lượng hạt nhân của tập đoàn Giang Thanh. Về sau, chúng lại dựa vào quyền thế, nhân sự hỗn loạn của “Văn cách”, “giũa vuốt tô lông”, câu kết với những kẻ thân tín, tiến hành chắp nối xây dựng  hệ thống phe phái trong toàn quốc. Bọn người này, trước “Văn cách” đều là một bọn vô danh tiểu tốt không ai biết đến, “Văn cách” đã khiến họ nổi tiếng, trở thành những nhân vật   uy quyền mọi người đều biết.
    Trương Xuân Kiều kém Giang Thanh 3 tuổi, từng có bút danh là Địch Khắc trong các bài phát biểu công kích Lỗ Tấn. Tháng 1 năm 1938, Trương Xuân Kiều đến Diên An, rồi đến Thạch Gia Trang công tác, sau đó lại  cùng với Kha Khánh Thi đến phương nam, trước “Văn cách” là bí thư thị uỷ Thượng Hải. Đầu năm 1958, chiều theo khuynh hướng tả trong tư tưởng đương thời, Trương Xuân Kiều đã viết bài “Đánh đổ pháp quyền của giai cấp tư sản”, từ đó được  Mao Trạch Đông chú ý. Năm 1963, ông ta lại tìm mọi cách lấy lòng Giang Thanh, giúp Giang Thanh tổ chức phê phán văn chương “Lý Tuệ Nương”, do đó, được Giang Thanh tín nhiệm. Trong cuộc chiến văn chương phê phán “Hải đoan bãi quan”, Trương Xuân Kiều lại lập được chiến công. Giang Thanh hiểu  những mưu kế của Trương Xuân Kiều, coi ông ta là “quân sư”.
    Diêu Văn Nguyên trước “Văn cách” là một anh chàng vô danh tiểu tốt, công tác ở phòng nghiên cứu chính sách của thị uỷ Thượng Hải, từng viết một số bài bình luận văn nghệ đăng trên “Giải phóng nhật báo” Thượng Hải,  chuyên  chụp mũ  thô bạo. Năm 1965, hiểu được ý đồ của Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên đã viết một số bài báo, trở thành người đi đầu trong trận chiến văn chương “Bình kịch lịch sử tân biên” (“Hải đoan bãi quan”), Diêu Văn Nguyên từ đó lập công trở thành thành viên của tiểu tổ “Văn cách” trung ương, thành người có ích đối với Giang Thanh.
    Vương Hồng Văn 16 tuổi đã gia nhập hồng quân, sau khi phục viên là người có công trong việc bảo toàn 17 xưởng bông ở Thượng Hải, trước “Văn cách”, chẳng qua chỉ là  phó trưởng phòng bảo vệ. Khi “Văn cách” nổi lên, Vương Hồng Văn tìm được cơ hội, dựa vào những nhà tạo phản, trở thành tư lệnh của bộ tư lệnh tạo phản cách mạng Thượng Hải, người đã tạo ra các “sự kiện an ninh”, “sự kiện đường Khang Bình”, lại làm ầm ĩ chuyện “nhất nguyệt phong phồn”, giành được quyền trong đảng và chính quyền ở Thượng Hải, lên đến chức Bí thư thứ 3 thành phố Thượng Hải. Sau khi Lâm Bưu sụp đổ, Mao Trạch Đông chọn Vương Hồng Văn làm người kế tục, năm 1972,  Vương được đưa về trung ương. Sau khi về trung ương, Vương Hồng Văn cùng bọn Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên cấu kết thành “bè lũ bốn tên”.
    Những âm mưu hành động của Giang Thanh đã được Mao Trạch Đông lưu ý và phê phán nghiêm khắc. Trong hội nghị Bộ chính trị, Mao Trạch Đông đã phê phán Giang Thanh rõ ràng: “Không thể có hai xưởng, một gọi là xưởng thép, một gọi là xưởng bông, dù sao cũng không được chụp mũ cho người khác”.  Còn khuyên họ không được lập “nhóm bốn người”. “Các đồng chí phải chú ý không được hình thành một phái nhỏ có bốn người”. “Bè lũ bốn tên” không những  đã không nghe, ở Thượng Hải, lại còn  giở trò chuẩn bị  đưa những cán bộ  mới xuất thân công nhân  chuẩn bị  nhận chức vụ ở các cấp uỷ.
 Chuẩn bị
     Ngày 8 tháng 1 năm 1976, thủ tưởng Chu Ân Lai kính yêu của nhân dân Trung Quốc lâm bệnh tạ thế. Sự ra đi của ông đã để lại cho toàn đảng và nhân dân cả nước lòng đau đớn vô hạn. Tháng 4 năm đó, trên phạm vi toàn quốc đã nổ ra sự kiện Thiên An Môn, các đại biểu tưởng nhớ thủ tướng Chu Ân Lai, cuộc vận động chống lại bè lũ bốn tên Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn ngày càng lớn mạnh. Cuộc vận động này cũng ủng hộ Đặng Tiểu Bình, trở thành đại biểu lãnh đạo chân chính của đảng. Sau khi đánh đổ tập đoàn phản cách mạng Giang Thanh, nó xây dựng được  cơ sở quần chúng vững mạnh.
    Ngày 9 tháng 9, Mao Trạch Đông tạ thế, nỗi đau vô hạn bao trùm toàn đảng và nhân dân cả nước. Tháng 8 năm 1976, khi Mao Trạch Đông lâm bệnh nặng, Vương Chấn đã gặp Diệp Kiếm Anh, trong câu chuyện phiếm đã nói tới “bè lũ bốn tên”. Vương Chấn nói: “Tôi thấy nhất định phải bắt họ, vấn đề phải giải quyết thôi!”. Diệp Kiếm Anh cũng có suy nghĩ như vậy. Ngày 10 tháng 9, ngày thứ hai sau khi Mao Trạch Đông tạ thế, Diệp Kiếm Anh tới thăm Hoa Quốc Phong. Diệp Kiếm Anh ngầm bảo với Hoa Quốc Phong: “Mọi người thấy phải bắt khẩn cấp”, “Đã chú ý rồi lại càng phải chú ý”. Hoa Quốc Phong đã hiểu ý của Diệp Kiếm Anh nên không mặn mà câu chuyện, chuyển sang nói chuyện về việc bảo vệ di hài của Mao Trạch Đông.
    Ngày 12 tháng 9 Nhiếp Vinh Trăn nhờ Dương Thành Võ nói với Diệp Kiếm Anh: “Bọn bốn người vừa là phản cách mạng, vừa là bọn người xấu thì đã rõ rồi, phải hết sức cảnh giác đề phòng họ ra tay trước…Chúng ta phải ra tay trước, phải áp dụng những biện pháp kiên quyết mới có thể đề phòng được sự bất ngờ”. Sau đó mấy hôm, Diệp Kiếm Anh lại liên tục gặp Hoa Quốc Phong đến ba lần, nói về việc sau khi Xtalin tạ thế, Malencôp kế nhiệm, sau đó đã bị Bunganin đoạt quyền. Lần này, sau khi nghe, Hoa Quốc Phong  cười nói: “Chỉ cần lão đồng chí ủng hộ, tôi sẽ làm”.
    Tập đoàn Giang Thanh cũng hành động. Trương Xuân Kiều đã làm một đề cương cướp đảng đoạt quyền, chuẩn bị trấn áp và sát hại những cán bộ và quần chúng phản đối “bè lũ bốn tên”. Ngày 16 tháng 9 “bè lũ bốn tên” cùng nhau trù mưu bàn tính, viết xã luận “Mao Trạch Đông mãi mãi sống trong trái tim chúng ta”, lần thứ nhất tung ra  cái gọi là “Lời dặn dò phút lâm chung” của Mao Trạch Đông
     Đến tháng 10, chúng càng “giương cung rút kiếm” “rút cuộc càng lộ ra hết”, “bè lũ bốn tên” ráo riết “mài dao”, kế hoạch bạo loạn phản cách mạng đã sắp xếp xong xuôi. Diêu Văn Nguyên nói: “Tại sao không xử bắn tất cả bọn phản cách mạng? Chuyên chính đâu phải là cái đẹp?”. Vương Hồng Văn lại rêu rao: “Ở Thượng Hải tìm 100 con chó còn khó khăn, chứ tìm một vạn, 10 vạn tên phản cách mạng rất dễ dàng”. “Bè lũ bốn tên” cũng đã chuẩn bị tuyên cáo với nhân dân, chuẩn bị tuyên bố với thế giới sau chính biến, họ dựa vào sự hậu thuẫn của dân quân vũ trang Thượng Hải và Bắc Kinh, cuối cùng đã bắt đầu biểu diễn trò bẩn thỉu tranh đoạt quyền hành trên vũ đài chính trị. Ngày 1 tháng 10, Giang Thanh đến đại học Thanh Hoa vu cáo Đặng Tiểu Bình “bức hại Mao Chủ tịch”, lại yêu cầu “khai trừ Đặng Tiểu Bình khỏi đảng”, công bố lời thề “phải rèn luyện thân thể để đấu tranh với họ” chuẩn bị thượng đài. Sau khi Mao Trạch Đông tạ thế, “Bè lũ bốn tên”  còn  thay đổi hai tham mưu trưởng của hai sư đoàn bộ đội thiết giáp. Liên tiếp trong 3 ngày 7, 8, 9 tháng 10  đã có lời đồn  về những tin mừng, ở Thượng Hải lượng giấy đỏ và pháo được tiêu thụ mạnh.
    Hoa Quốc Phong với cương vị then chốt trong đảng và chính quyền cũng bị Giang Thanh đưa vào tình thế khó xử. Quyết tâm của Hoa ngày càng kiên định. Quân đội đã có sự chuẩn bị đầy đủ, có Diệp Kiếm Anh chủ trì quân uỷ và Uông Đông Hưng điều khiển bộ đội cảnh vệ trung ương. Vấn đề là làm vào lúc nào cho thích hợp, tốt nhất và hết sức hợp pháp. Chờ đến ngày này, Hoa Quốc Phong tìm từng người  để thuyết phục. Như vậy, việc bắt “bè lũ bốn tên” có thể nói là chấp hành quyết định của đa số trong Bộ chính trị, là hợp pháp.
 Đại quyết nhân tâm
     Để đảm bảo công việc thắng lợi, Diệp Kiếm Anh đã nhiều lần bàn bạc, bố trí tỉ mỉ,  không bỏ qua từng chi tiết nhỏ, đồng thời liên hệ chặt chẽ với lãnh đạo quân đội, nắm thật chắc cơ quan tổng bộ, lục không quân và biên phòng bờ biển. 7 giờ tối ngày 6 tháng 10, xe của Diệp Kiếm Anh đến Hoài Nhân Đường ở Trung Nam Hải. Bên trong đại sảnh Hoài Nhân Đường Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh ngồi trên ghế sôpha, Uông Đông Hưng và cảnh vệ đứng sau tấm bình phong.
    Người đến đầu tiên là Trương Xuân Kiều, ông ta cặp một tập văn kiện vui vẻ bước vào, vừa tiến vào cửa, ông ta đã bị cảnh vệ giữ ở bên ngoài. Đến lúc này ông ta mới thấy có điều không bình thường. Vừa bước vào phòng, thấy Diệp Kiếm Anh ngồi, ánh mắt nghiêm khắc, Hoa Quốc Phong đứng dậy, nhìn ông ta nghiêm túc tuyên bố, tội lỗi của anh không thể tha thứ, Trung ương quyết định cách ly anh để thẩm tra, phải chấp hành ngay. Trương Xuân Kiều hai chân run cầm cập, chỉ dùng tay sửa sửa cái kính, không có một chút phản kháng, bị người giám hộ đưa đi.
    Tiếp theo là Vương Hồng Văn, Vương Hồng Văn phấn khởi bước vào cửa, thấy người phụ trách cùng mấy vệ binh tiến lại, Vương Hồng Văn thấy việc không bình thường, cao giọng hỏi: “Tôi  đến họp, các anh muốn gì?”, sau đó  rất nhanh chóng bị giữ hai tay đưa vào đại sảnh. Ông ta nhìn thấy Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh đang ngồi, dự cảm thấy ngày tàn đã đến rồi bị đưa đi, bất đắc dĩ thốt lên: “Không ngờ lại nhanh như thế!” nhưng hối thì đã muộn.
    Diêu Văn Nguyên chậm chạp mãi 8 giờ 15 mới đến, với ông ta thì không cần khách khí, không cần đợi ông ta tiến đến đại sảnh, chỉ  mới tới hành lang, Hoa Quốc Phong cũng không cần xuất hiện, chỉ cần đội phó đội cảnh vệ trung ương tuyên bố, Diêu Văn Nguyên chưa rõ sự thể như thế nào, tay phường kèn này lập tức tay chân bủn rủn, bị mấy anh cảnh vệ áp giải đưa đi.
    Sự việc được tiến hành một cách khẩn trương ở Hoài Nhân Đường, chỉ có một tiểu tổ đến phòng 201 của Trung Nam Hải, Trương Diên Từ đội trưởng đội cảnh vệ trung ương thực hiện nhiệm vụ này, đến khi tuyên bố hoàn thành mệnh lệnh, Giang Thanh không dám hé một lời, hai mắt lườm nguýt. Bà ta ngồi trên ghế sôpha một lát mới chậm chậm đứng dậy, lấy một phong bì dán kín, trên đề 7 chữ “Đồng chí Hoa Quốc Phong tự mở”, giao  cho Trương  Diên Từ, rồi sau đó bị đưa đi trên một xe chuyên dụng.
    Còn Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh đứng đầu trung ương đảng, không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu, đã đánh đổ được “bè lũ bốn tên”. Ngày hôm sau, bọn tay sai cho “bè lũ bốn tên” tiếp tục bị bắt giữ  và thẩm tra.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét