XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Sài Gòn có bao nhiêu cây cầu

Sài Gòn có tổng số trên 200 cây cầu lớn nhỏ đã gắn với vùng đất này từ thuở mới khai hoang, trong đó có 6 cây cầu gắn liền với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của thành phố.
Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã phá bỏ cầu Nhị Thiên Đường 1 khiến nhiều người Sài Gòn tiếc nuối. Hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất này có nhiều cây cầu gắn liền với lịch sử, ký ức sâu đậm của người dân. Sau đây là một số cây cầu lớn và chủ yếu của Sài Gòn xưa và nay:

1-Cầu Bông
Cầu còn có tên gọi khác là cầu Cao Miên, mang đậm dấu ấn của người Sài Gòn xưa, đã đi vào lịch sử và thơ ca như 1 địa danh nổi tiếng. Cùng với cầu Thị Nghè, cầu Bông cũng bắc qua kênh Nhiêu Lộc, nối quận 1 và quận Bình Thạnh.
Theo cố nhà văn Sơn Nam, cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, có sách ghi chính xác là xây dựng vào năm 1771. Lúc mới xây cất, cây cầu này mang tên cầu Cao Miên, vì do một Phó vương Cao Miên lúc đó đang xin tá túc tại Bến Nghé, cho bắc qua sông để tiện việc đi lại.

Trước 1975, cầu Bông được xem là trọng yếu nhất nối liền vùng Đakao của đô thành Sài Gòn với trung tâm tỉnh Gia Định - (Ảnh: Internet).
Ban đầu cầu này được làm bằng gỗ, nhỏ và ngắn nhưng khá nổi tiếng của đất Sài Gòn. Cái tên cầu Bông được nhiều nhà nghiên cứu vùng đất Sài Gòn nói đến nhất là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt xây dựng 1 vườn hoa xinh đẹp gần cầu này thì dân gian bắt đầu gọi là cầu Hoa. Sau này, người dân phải đọc trại thành cầu Huê vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng). Sau này, người dân Sài Gòn tự đổi hẳn tên cây cầu này là cầu Bông (bông là từ địa phương của miền Nam) cho đến nay.


Diện mạo mới của cầu Bông ở thời điểm hiện tại.
Trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, cầu Bông là 1 trong những chiến lũy vững chắc để bao vây quân Pháp trong nội đô Sài Gòn. Còn trong kháng chiến chống Mỹ, cầu Bông là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch.
Hiện tại cầu Bông đã được xây mới với chiều dài 84,2m gồm 3 nhịp, kết cấu dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, bề rộng 21m. Trên mặt cầu được thiết kế lối riêng có dải phân cách, đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
2-Cầu Móng
Được xem là cây cầu cổ xưa nhất ở Sài Gòn do Công ty vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes (Pháp) xây dựng từ năm 1893 và hoàn thành vào năm 1894. Cầu Móng bắc qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nối liền quận 1 và quận 4, có chiều dài 128 mét, rộng 5,2 mét, lề bộ hành rộng 0,5 mét, được xây dựng bằng thép rất kiên cố.

Cầu Móng ngày xưa có ô tô lưu thông - (Ảnh: Internet).
Cầu Móng thời điểm hiện giờ ngắn hơn nhưng đẹp hơn với hệ thống đèn trang trí bắt mắt.
Cầu được thiết kế theo kiểu hình vòng móng, vì thế tên cầu Móng cũng được hình thành từ thời đó đến nay. Thành cầu uốn cong có những khoảng trống, ban đầu cầu có nước sơn màu đen tuy nhiên sau này lại sơn màu xanh đem lại cảm giác tươi mới hơn.
Năm 2005, cầu Móng được tiến hành tháo dỡ để phục vụ cho công tác đào hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Do tính chất lịch sử của cây cầu nên sau khi hoàn tất việc làm hầm Thủ Thiêm thì cầu Móng được trả lại đúng nguyên trạng ban đầu. Sau khi trả lại đúng nguyên bản, cầu còn được gia cố thêm phần trụ móng cùng trang thiết bị chiếu sáng mỹ thuật để người dân ra đây tản bộ ngắm thành phố.
3-Cầu Thị Nghè
      Cây cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc (đoạn gần hạ lưu đổ vào sông Sài Gòn), nối quận 1 và quận Bình Thạnh. Cầu Thị Nghè có chiều dài 105,2 mét, rộng 17,6 mét với 4 làn xe.
Nói về lịch sử, hình thành cây cầu này là do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc. Chồng bà làm chức thư ký, đương thời gọi là ông Nghè (vì thời đó đỗ Tiến sĩ), vì thế nhân dân cũng gọi là Bà Nghè. Vào năm 1867, cầu được làm lại bằng cầu sắt, đến năm 1970 được xây mới bằng bê tông cốt thép.​ ​Tên gọi cầu Thị Nghè được đặt từ giữa thế kỷ 19, cho đến nay tên này vẫn được giữ nguyên.

Cầu Thị Nghè năm xưa - (Ảnh: Internet).


      Vào 14 giờ ngày 17 tháng 11 năm 2009, một chiếc xà lan chở những thanh kè phục vụ cho dự án Vệ sinh Môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã đâm và kẹt dính vào gầm cầu, làm đà ngang cầu Thị Nghè bị nứt, cong và đội thân cầu lên 3 cm. Nguyên nhân được xác định là do nước thủy triều lên quá nhanh khiến cho dây cáp neo giữ chiếc xà lan nằm cách đó khoảng 100 m bị đứt. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cầu đã được phong tỏa để khắc phục sự cố và ngay lập tức làm tắc nghẽn giao thông khá nghiêm trọng. Các phương tiện giao thông đã phải chuyển hướng lưu thông sang các tuyến đường khác như: Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ.
      Cầu Thị Nghè hiện tại được xây dựng rộng hơn với 4 làn xe.
Ngoài ra, cầu Thị Nghè cũng đã chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt giữa quân ta và quân thực dân Pháp khi họ trở lại có ý định đánh chiếm Sài Gòn. Nhiều trận giao tranh đã nổ ra trên cầu Thị Nghè đã gây thiệt hại nặng nề cho quân địch.
Theo một số tài liệu ghi chép lại, vùng Thị Nghè xưa kia là nơi có khu ruộng Tịch Điền, đàn Xã Tắc, miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông, miếu Văn Thánh.
4-Cầu sắt Bình Lợi
Cầu Bình Lợi được xây dựng vào tháng 2/1902, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang. Cầu được thiết kế kiểu vòm thép, mặt cầu bằng gỗ, có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Cầu có một nhịp quay, do nhà thầu Levallois Perret thi công với chiều dài 276m gồm 6 nhịp.
Hiện nay, cầu đường sắt Bình Lợi là phần lưu thông chính cho tuyến đường sắt Việt Nam, bên cạnh đó còn có đường phụ dành cho xe 2 bánh, di chuyển theo 2 chiều. Sau 113 năm khai thác, cầu sắt này đã bị xuống cấp ở một số nhịp, chiều cao thông thuyền của cầu chỉ còn 1,8 m vì vậy mỗi khi có thủy triều lên, nhiều tàu không chú ý đã va chạm và mắt kẹt, càng làm cho cầu thêm phần hư hại.


Cầu Bình Lợi thời kì năm đầu thế kỉ 19- (Ảnh: Internet).

Cầu Bình Lợi hiện tại vẫn giữ nguyên nét hoang sơ như thuở ban đầu.
Cây cầu đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của thành phố qua các thời kì nên việc bảo tồn những "nhân chứng" này cũng là điều cần phải tính đến. Theo thông tin từ Bộ GTVT, đơn vị này cũng đang lên phương án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới để thay thế cầu cũ. Cầu mới được xây cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu với độ thông thuyền 7 m để không ảnh hưởng đến giao thông thủy, vận tốc chạy tàu qua cầu Bình Lợi mới ước tính đạt 100 km/h.
Tháng 6/2014, cầu Bình Lợi 2 đã được khánh thành có chiều dài 975 m, với 8 làn xe mang kiểu dáng kiến trúc cầu vòm Nielsen do Công ty GS Engineering & Construction (Hàn Quốc) đầu tư.

5-Cầu Nhị Thiên Đường
Cầu Nhị Thiên Đường là 1 cây cầu lớn bắc qua Kênh Đôi, quận 8 của vùng Chợ Lớn. Đây là một trong những cây cầu có bề dày lịch sử lâu đời nhất ở Sài Gòn, nối liền Chợ Lớn với các tỉnh miền tây, qua quốc lộ 50. Cầu dài khoảng 1km, và có 2 nhánh bắc song song, gồm cầu Nhị Thiên Đường 1 (cầu cũ) và Nhị Thiên Đường 2 (cầu mới, xây năm 2005).


Cây cầu ở hiện tại vẫn còn giữ nét cổ kính vốn có, tuy nhiên một số hạng mục đã xuống cấp.
Cầu do Pháp xây dựng năm 1925, trong thời đại hoàng kim của cầu sắt. Được thiết kế với vẻ kì lạ toát lên từ hàng cột xanh rêu trên cầu, cho đến các mái vòm cong cong dưới chân cầu. Trước khi 1 loạt cầu mới ra đời từ việc khởi công đại lộ Đông Tây, thì Cầu Nhị Thiên Đường là cây cầu cao nhất ở vùng chợ Lớn.
Nói về tên gọi, Nhị Thiên Đường vốn là tên 1 hãng dầu lừng lẫy trong chợ Lớn thời giữa thế kỉ 20. Hãng dầu này cũng kinh doanh cả in sách và buôn bán gạo. Lúc đó, cạnh chân cầu có 1 kho gạo rất lớn của ông chủ này, nên dân gian lấy luôn tên Nhị Thiên Đường để gọi cho cây cầu. Hiện tại, Nhị Thiên Đường là tên chính thức của cây cầu cổ này và sắp tới Sở GTVT sẽ có phương án phá bỏ.
6-Cầu Chữ Y
Cầu do người Pháp xây dựng vào cuối năm 1938 và hoàn thành năm 1941.​ Cầu nối liền quận 5 và quận 8 (TP. HCM) có 3 nhánh tạo thành hình chữ Y, trong đó có 2 nhánh về hướng đông (thuộc quận 8). Cầu chữ Y bắt đầu từ đường Nguyễn Biểu, bắc qua 2 con kênh là kênh Bến Nghé và kênh Tẻ, đến vùng chợ Rạch Ông và vùng cù lao Chánh Hưng.

Cầu chữ Y năm xưa - (Ảnh: Internet).

Cây cầu góp phần thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của 3 vùng.
Tổng cộng chiều dài các nhánh là 490,3 m (bao gồm đoạn cầu dẫn dài 913 m), trong đó nhánh đường Nguyễn Biểu dài 175 m, nhánh Nguyễn Thị Tần dài 178,3 m, nhánh Hưng Phú dài 137 m. Khu vực ngã ba của cầu rộng 9 m, mỗi lề 0,7 m. Độ cao tĩnh không cách mặt nước là 6,3 m. Được biết, toàn bộ công trình khi xây dựng đã ngốn 800 tấn thép và hơn 4.000 m3 bêtông.
Cầu đã qua nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1948, 1957, 1992. Nói về tên gọi, cầu có 3 nhánh tạo thành chữ Y, nên được người dân đặt luôn tên này, và trở thành tên chính thức. Đứng trên cầu, ta có thể nhìn thấy được toàn bộ quang cảnh cảng Sài Gòn và một phần thành phố với bán kính dưới 3 km.
7-Cầu Bình Triệu
Cầu Bình Triệu là một trong những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn, nằm trên quốc lộ 13 - là cửa ngõ giao thông quan trọng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam bộ. Ngày nay, cầu Bình Triệu nối liền quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh gồm hai chiều lưu thông riêng biệt:

Cầu Bình Triệu I (cầu cũ, xây từ thời Việt Nam Cộng hòa, vào khoảng năm 1972-1973.): lưu thông hướng Bình Thạnh đi Thủ Đức.
Cầu Bình Triệu II (cầu mới, hoàn thành năm 2003): lưu thông hướng Thủ Đức đi Bình Thạnh. Cầu Bình Triệu II dài 559,09 mét; rộng 12,25 mét.
8-Cầu Sài Gòn 1
Cầu Sài Gòn (trước năm 1975 tên là cầu Tân Cảng) là một trong những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn nối đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) với Xa lộ Hà Nội (Quận 2), Thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến khi đường hầm Thủ Thiêm được xây dựng xong thì đây vẫn là cửa ngõ chính để vào nội ô Thành phố Hồ Chí Minh từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Cầu được công ty Johnson Drake and Piper thi công từ tháng 11 năm 1958 đến ngày 28 tháng 6 năm 1961 thì hoàn thành. Cầu dài 986,12 m, gồm 32 nhịp, trong đó có 3 nhịp với chiều dài 267,45m. Cầu được sửa chữa 3 lần vào các năm 1995, 1996. Năm 1998, cầu được tiến hành nâng cấp và sửa chữa với tổng kinh phí 54 triệu franc từ nguồn vốn viện trợ của Pháp và đến tháng 6 năm 2000 thì hoàn thành. Sau khi nâng cấp, mặt cầu được mở rộng từ 19,63m lên 24m đạt tải trọng H30-XB80, có 4 làn xe, có tải trọng 32 tấn, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng cao của thành phố Hồ Chí Minh.


Ngày 12/5/2011, công trình nâng cấp, sửa chữa cầu Sài Gòn do Công ty Freyssinet Việt Nam khởi công thực hiện. Cầu Sài Gòn được thi công các hạng mục như gia cường mặt bê-tông, nhịp thép, hệ thống đỡ nhịp treo, trụ đỡ, gia cố các mối nối, thay thế khe co giãn… trong thời gian 6 tháng với tổng mức kinh phí khoảng 64 tỷ đồng. Dự án nâng cấp, sửa chữa cầu Sài Gòn do Công ty Freyssinet Việt Nam làm tổng thầu theo hình thức EPC (chìa khóa trao tay), đảm nhiệm tất cả công đoạn từ lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây dựng công trình. Sau khi nâng cấp, sửa chữa, cầu Sài Gòn được tăng tải đảm bảo theo tiêu chuẩn HL-93 không hạn chế tải trọng qua cầu.
9-Cầu Sài Gòn 2
Cầu Sài Gòn 2 do Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thực hiện trong 18 tháng, khởi công xây dựng ngày 14/4/2012 hoàn thành ngày 15/10/2013. Cầu Sài Gòn 2 song song với cầu Sài Gòn 1 hiện hữu, cách khoảng 3m về phía hạ lưu, có tổng chiều dài hơn 987m, gồm 30 nhịp. Kết cấu nhịp chính được bố trí theo sơ đồ 5 nhịp liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực.
Dự án cầu Sài Gòn 2 đã được Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM lên kế hoạch hoàn thành trong vòng 21 tháng, rút ngắn tiến độ so với các đơn vị thiết kế trước đó. Và thực tế thi công đã rút xuống còn 18 tháng, tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách. Sau khi đưa vào sử dụng đã giải quyết triệt để điểm nghẽn ở cửa ngõ phía Đông Bắc của TP.HCM.
10-Cầu Thủ Thiêm
Cầu Thủ Thiêm là một cây cầu nối hai bờ Sông Sài Gòn thuộc Quận 2 và Quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh. Cầu có 6 làn xe, nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm và trung tâm hiện hữu của thành phố. Theo dự kiến, tiến độ thi công cầu này hoàn thành vào dịp 30 tháng 4 năm 2005 nhưng do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm trễ nên dự án hoàn thành vào cuối năm 2007. Tổng kinh phí xây dựng cầu lên đến 1.099,6 tỷ đồng. Tổng thầu là Tổng công ty xây dựng số 1 thuộc Bộ Xây dựng.
Cầu Thủ Thiêm dài 1.250 m, phần cầu chính gồm 5 nhịp, 6 làn xe; phần cầu dẫn phía Bình Thạnh gồm bốn nhánh, mỗi nhánh 2 làn xe; cầu dẫn phía quận 2 dài 160 m, rộng tương đương 6 làn xe. Nút giao phía quận Bình Thạnh gồm một hầm chui trực thông dài 460 m trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, rộng 4 làn xe. Đường dẫn phía quận 2 dài 280 m, mặt cắt ngang 47 m. Đường gom có tổng chiều dài 1.460 m, phía quận Bình Thạnh rộng 10,5 m, phía quận 2 rộng 9,5 m.
Cầu Thủ Thiêm
Điểm đầu dự án là giao giữa đường Ngô Tất Tố với đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, Bình Thạnh. Điểm cuối dự án kết nối với đường Lương Định Của (quận 2), tương lai nối với đại lộ Đông - Tây; hướng tuyến theo tim đường Ngô Tất Tố hiện hữu vượt sông Sài Gòn.
4 Cây cầu (trong đó có 1 cầu đi bộ) và một hầm đi vào bán đảo Thủ Thiêm
11-Cầu Thủ Thiêm 2
Cầu Thủ Thiêm 2 được khởi công xây dựng vào ngày 3 tháng 2 năm 2015, với tổng mức đầu tư 4.260 tỷ đồng. Cây cầu này dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30 tháng 4 năm 2020, vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam. Cầu dài 1,4 km trong đó nhịp chính dài 885 m, có thiết kế dây văng bất đối xứng với trụ tháp hình vòm cao 113 m nghiêng về phía Thủ Thiêm, Quận 2. Cầu có quy mô 6 làn xe, trong đó có 4 làn ôtô và 2 làn xe hỗn hợp.
Đường dẫn cầu ở phía Quận 1 chia thành ba nhánh: nhánh chính dài 437 m, rộng 17,5 m, vượt qua giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh – Lê Thánh Tôn và kết nối với giao lộ Lê Duẩn – Tôn Đức Thắng; nhánh N1 dài 195 m, rộng 7 m cho hai làn xe chạy từ Quận 1 sang Quận 2, bắt đầu từ Công trường Mê Linh, chạy dọc đường Tôn Đức Thắng cập theo sông Sài Gòn kết nối vào cầu chính; nhánh N2 dài 193 m, rộng 7 m cho hai làn xe chạy từ Quận 2 sang Quận 1, chạy dọc theo cầu dẫn nhánh chính phía Quận 1 kết nối xuống đường Tôn Đức Thắng trước nút giao Nguyễn Hữu Cảnh – Lê Thánh Tôn và Tôn Đức Thắng. Đường dẫn phía Quận 2 dài 140 m, rộng 36,2 m, kết nối vào Đại lộ Vòng cung trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
12-Cầu Phú Mỹ
Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh bắc qua sông Sài Gòn nối Quận 2 và Quận 7, thuộc đường vành đai ngoài của Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng mức đầu tư 2076 tỷ đồng. Cầu được khởi công ngày 9 tháng 9 năm 2005 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2009, tuy nhiên theo tiến độ mới nhất thì công trình đã vượt tiến độ đến 4 tháng và đã khánh thành vào ngày 2 tháng 9 năm 2009. Đây là cây cầu dây văng có 6 làn xe, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nối Quận 7 với Quận 2 và Quận 9. Cầu cũng giúp việc lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn từ miền Bắc và miền Trung đi Đồng bằng sông Cửu Long đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh được rút ngắn, sau khi cầu Phú Mỹ và các đường vành đai nối đến cầu hoàn thành sẽ góp phần làm giảm sự quá tải cho hệ thống giao thông đường bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi ấy các xe tải loại lớn và xe container sẽ không chạy trong nội thành nữa, góp phần vào việc giảm ô nhiễm cho nội thành. Cầu Phú Mỹ không chỉ là một công trình trọng điểm của Việt Nam, mà còn là công trình cầu dây văng hiện đại nhất thế giới. Hiện đại nhất ở đây là phần kỹ thuật dây văng, trên thế giới chỉ có vài cây cầu như thế 
Kênh truyền hình nổi tiếng thế giới Discovery Channel từng có chương trình về cầu Phú Mỹ.
13-Cầu Ánh Sao
Cầu Ánh Sao (Starlight Bridge) là cầu chỉ dành cho người đi bộ để ngắm cảnh và cũng là cây cầu bộ hành hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Cầu tọa lạc ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh[1]., bắc qua rạch Thầy Tiêu nối Khu Hồ Bán Nguyệt (The Crescent) với Khu kênh Đào có tổng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Đây là một địa điểm tham quan, một nơi hò hẹn lý tưởng cho bao người đang yêu.

Góc nhìn từ Khu Hồ Bán Nguyệt sang Khu Kênh Đào, ở giữa là cầu Ánh Sao.
Nguồn gốc tên gọi
Cầu được gọi là cầu Cầu Ánh Sao vì trên bề mặt cầu được thiết kế với những ánh đèn Led chiếu ngược lên. Ngoài ra, hai bên hông cầu ánh sáng bảy màu liên tục thay đổi và hệ thống phun nước hai bên hông cầu. Hệ thống chiếu sáng cầu được sử dụng bằng pin thu năng lượng mặt trời được lắp ở hông cầu, tạo cho người đi trên cầu có cảm giác đang bước đi trên muôn ngàn những Vì sao.
Thông số kỹ thuật
Khởi công xây dựng vào tháng 5, năm 2009, Cầu được thiết kế với chiều dài 170 mét, bề mặt cầu rộng 8,3 mét. Cầu Ánh Sao do Công ty Gao Ge – Trung Quốc thiết kế, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Công trình Quỹ Đạo triển khai chi tiết và Công ty Sino-Pacific thi công, hoàn thành và đưa vào hoạt động khoảng cuối năm 2010.
14-Cầu Thị Nghè 2
Cầu Thị Nghè 2 bắc qua Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nằm trên trục đường Nguyễn Hữu Cảnh nối quận 1 với quận Bình Thạnh. Cầu có 10 làn xe và dải phân cách ở giữa chạy 2 chiều.

15-Cầu Rạch Chiếc
Cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội, nằm trên trục giao thông đối ngoại quan trọng ở cửa ngõ đông bắc Thành phố Hồ Chí Minh[4] nối liền Quận 2 và Quận 9. Cầu Rạch Chiếc mới được thiết kế với 10 làn xe trên ba nhánh cầu riêng biệt, trong đó hai nhánh cầu biên mỗi nhánh rộng 9,8 mét gồm 2 làn xe hỗn hợp và 1 lề bộ được khởi công vào tháng 10 năm 2009, hoàn thành vào tháng 10 năm 2010. Nhánh cầu giữa rộng gồm 6 làn xe cơ giới, được khởi công vào tháng 2 năm 2011.
Cầu Rạch Chiếc mới được khánh thành vào 9 giờ sáng ngày 10 tháng 7 năm 2012, với tổng vốn đầu tư 1.010 tỉ đồng từ ngân sách thành phố, được Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) ứng vốn theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền quản lý, thu phí giao thông trên xa lộ Hà Nội.
Cầu Rạch Chiếc mới có tuổi thọ thiết kế 100 năm, với chiều dài gồm cả đường dẫn vào cầu là 736 mét, bề rộng là 48 mét. Công trình này do nhà thầu thi công là liên danh Tổng công ty xây dựng Thăng Long và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1.
16-Cầu Rạch Chiếc 2
Cầu Rạch Chiếc 2 trên đường Vành Đai Đông. Giai đoạn 1 đã thông xe một nhánh cầu vào cuối Tháng 1 năm 2016 với quy mô 4 làn xe. Giai đoạn 2 sẽ xây thêm một nhánh cầu Rạch Chiếc nữa. Hiện tại cầu đang được đổi tên thành cầu Phú Hữu;
17-Cầu Ông Lớn
Cầu Ông Lớn nằm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, bắc qua rạch Ông Lớn, thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh. Được thiết kế vào năm 2001 đến năm 2004 thì được đưa vào sử dụng. Đây là kết cấu cầu vòm ống thép nhồi bê tông lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam, góp phần làm đa dạng hóa kiến trúc công trình cầu đường.
18-Cầu Công Lý
Cầu Công Lý bắc qua Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Cầu nằm trên trục đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ khởi nghĩa và là cửa ngõ ra vào Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
19-Cầu Phước Khánh
Cầu Phước Khánh là cây cầu dây văng đường bộ đang xây dựng nằm trong dự án Đường cao tốc Long Thành – Bến Lức thuộc tuyến Đường cao tốc Bắc – Nam Việt Nam và là cây cầu thứ ba được xây dựng trên tuyến cao tốc này. Cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu, nối huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam. Khi hoàn thành vào năm 2019, cầu Phước Khánh cùng với cầu Bình Khánh sẽ là hai cây cầu có tĩnh không lưu thông thuyền cao nhất Việt Nam (55 m).
20-Cầu Bình Khánh
Cầu Bình Khánh là cây cầu dây văng đường bộ sắp được khởi công xây dựng nằm trong dự án Đường cao tốc Long Thành – Bến Lức thuộc tuyến Đường cao tốc Bắc – Nam Việt Nam. Cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, nối hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ của Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Cầu sẽ được xây dựng từ tháng 8 năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào tháng 7 năm 2019. . Tuy nhiên đến 10-2019 vẫn chưa xong, và có lẽ đến 2021 mới xong.
Cầu Bình Khánh có tổng chiều dài 2.764 m, rộng 21,75 m với bốn làn xe lưu thông. Nhịp chính cầu dài 375 m, hai trụ cầu cao 155 m, tĩnh không 55 m, cầu Bình Khánh cùng với cầu Phước Khánh sẽ là hai cây cầu có khổ tĩnh không thông thuyền lớn nhất Việt Nam khi hoàn thành xây dựng.
21-Cầu Ông Lãnh
Cầu Ông Lãnh là một cây cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh nối quận 1 và quận 4, có 14 nhịp với 2 làn xe mỗi bên với tổng chiều dài là 256,3 m, chiều rộng 10 m. Đây là cây cầu dài nhất bắc qua kênh Bến Nghé.
Nguồn gốc: Cầu Ông Lãnh do Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (khi ấy đang đóng quân ở đồn Cây Mai-Thủ Thiêm) cho xây dựng. Ban đầu, cầu làm bằng gỗ, đến năm 1929, người Pháp cho xây lại bằng xi măng, dài 120m.
Năm 1874, một ngôi chợ được xây cất ở khu vực này, mang tên Chợ Cầu Ông Lãnh, chuyên bán trái cây tươi (hiện nay nằm trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, gần mé sông bến Chương Dương, nay đổi tên thành đường Võ Văn Kiệt). Năm 1885, học giả Trương Vĩnh Ký đã viết rằng: chiếc cầu gỗ do ông Lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh Binh Thăng này, chớ không phải ai khác.
Nhưng có người lại bảo rằng: Mặc dù sau Hòa ước Giáp Tuất (1874), toàn Nam Kỳ đã thuộc Pháp nhưng nhà Nguyễn vẫn được phép đặt một lãnh sự quán ở Sài Gòn. Trụ sở ấy đóng tại góc đường Đề Thám-Trần Hưng Đạo ngày nay, và vị lãnh sự đầu tiên là ông Nguyễn Thành Ý (hiện còn tên đường ở phường ĐaKao, quận 1). Do ông này thường đi chiếc xe song mã qua lại khu vực chợ dưới bến Chương Dương, chỗ chiếc cầu neo đậu xuồng ghe của giới thương hồ, từ đó mới có tên gọi là chợ Cầu Ông Lãnh.
Tuy nhiên ý kiến của Trương Vĩnh Ký được nhiều người tin theo hơn., được thi công vào năm 1785 do ông Lãnh Binh Thăng chủ trì.
22-Cầu Long Thành
Cầu Long Thành bắc qua sông Đồng Nai nối liền Quận 9 thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Long Thành của tỉnh Đồng Nai. Cầu Long Thành thuộc gói thầu số 2 của dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (giai đoạn 1) với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.100 mét, trong đó phần cầu dài 2.346 mét (phần còn lại là đường dẫn vào cầu), rộng 19,7 mét. Cầu được thiết kế cho 4 làn xe lưu thông với vận tốc thiết kế 100km/giờ, giá trị hợp đồng của gói thầu trên 1.219 tỷ đồng.
Sưu tầm

Công thần kiệt xuất Đào Duy Từ


     Ra mắt chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, bằng tài năng xuất chúng của mình, quan họ Đào đã góp công to lớn cho chúa Nguyễn trong việc dựng nghiệp đất Đàng Trong. Người tài giỏi, thì ở thời nào cũng đắc dụng đó thôi.

Đào Duy Từ cho đắp lũy Thầy
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, sau khi kế nghiệp chúa Tiên Nguyễn Hoàng, những mộng lập một cõi giang sơn riêng “Hoành sơn nhất đái” vào Nam. Dẫu tài giỏi, chí lớn mưu cao, thì cũng phải có quần thần đủ năng lực mới thi thố với vua Lê, chúa Trịnh được. May sao, chúa tôi gặp nhau như cá gặp nước.
Chúa hiền gặp tôi giỏi
Với Khám lý Trần Đức Hòa, dẫu được chúa trọng dụng, nhưng Đào Duy Từ lại là con rể ông. Vị quan họ Trần mong tìm cơ hội thích hợp để tiến cử người hiền với chúa Sãi mà chưa gặp dịp. Thế rồi, trời cũng chiều lòng. 
Dạo ấy, nhằm năm Đinh Tỵ (1627), quân hai bên Trịnh - Nguyễn đối địch nhau lần đầu tiên nơi Nhật Lệ. Tướng Nguyễn Hữu Dật buộc quân Trịnh phải rút về bởi sợ chính biến cung đình. Nhân lúc chúa đang vui, nhận thấy đây là thời điểm tốt, nên như Nam Hải dị nhân liệt truyện ghi “Đức Hòa vào yết kiến, dâng bài ca Ngọa Long cương, tâu rằng:
“Bài ca đó là của thầy đồ dạy học nhà tôi tên là Đào Duy Từ làm ra”. Đức Hy Tôn (tức chúa Sãi - người dẫn chú) xem lấy làm lạ, lập tức cho đòi vào yết kiến”. Vậy là cơ hội cá gặp nước, rồng gặp mây đã tới. Nhưng anh hùng gặp gỡ, tương phùng lại chẳng giống như kẻ tầm thường đâu. Cứ xem cuộc diện kiến chúa Sãi-Đào Duy Từ hẳn rõ.
Sử nhà Nguyễn khi ghi lại cuộc gặp gỡ này, đã kể lại khá chi tiết, như để cho hậu thế biết được cung cách của anh hùng đối đãi với anh hùng, mà cũng như là anh hùng đang thử tài nhau vậy. Đại Nam chính biên liệt truyện cho hay “Vài ngày sau Duy Từ đến yết kiến, chúa mặc áo trắng, đi hài xanh, ra cửa nách để đợi.
Duy Từ trông thấy, dừng bước, đứng yên, không vào, chúa biết ý, lập tức mũ áo chỉnh tề rồi mới triệu vào. Duy Từ rảo bước vào lạy. Chúa cùng nói chuyện, bằng lòng lắm. Phán rằng: “Sao khanh đến muộn thế!”. Lại phong làm Nha úy nội tán, tước Lộc Khê hầu, quản quân cơ trong ngoài, tham lý quốc chính”.
Đấy, người giỏi khác kẻ phàm ở lễ nghĩa của kẻ sĩ như thế. Thấy chúa ăn mặc ra dáng của người đang chuẩn bị đi chơi hơn là tiếp đãi nhân tài, thì lấy làm tự trọng mà không vào. Còn chúa thì biết ý mà y phục trang trọng để đãi đằng cho phải đạo trọng đãi hiền tài. Mới gặp gỡ là vậy, nhưng chúa hiền, tôi giỏi đã tương đắc. Chức cao lộc hậu được trao cho họ Đào ngay sau đó, hẳn chính là ở sự trọng tài của chúa Sãi vậy. Thế nên Việt sử mông học mới có đôi dòng như dưới đây:
Phò vua Hi Tôn,
Đứng đầu chức quan võ.
Bàn định việc quốc gia,
Tham mưu về quân sự.
Được trọng dụng, chính là lúc Lộc Khê hầu Đào Duy Từ đem hết tài trí của mình mà thi thố với đời, đền ơn tri ngộ của chúa Nguyễn.
Đào Duy Từ ra sức phò chúa
Công nghiệp với Đàng Trong
Ra làm quan cho chúa Nguyễn trong buổi dòng Gia Miêu ngoại trang đang gây dựng cơ nghiệp riêng một cõi để phân ly với vua Lê, chúa Trịnh, họ Đào dốc hết tâm sức mà cống hiến, được Việt sử mông học ghi nhận lại là:
Lập phép chọn tráng đinh,
Dựng các khoa thi cử.
Đặt câu hỏi trả lời,
Để giao cho sứ bộ.
Cửa Nhật Lệ đắp thành,
Lũy Trường Dục còn đó.
Để giữ vững biên phòng,
Xưa nay thực hiếm có.
Nói về quân sự, giữa buổi hai bên đối địch liên tục (1627-1672), Đào Duy Từ đã giúp cho chúa Nguyễn đủ sức mà cự chiến với Đàng Ngoài. Để ngăn bước tiến của quân vua Lê, chúa Trịnh, như Nam Hải dị nhân liệt truyện ghi “ông tâu xin phái dân binh đắp lũy Trường Dục, tự chân núi Trường Dục đến bãi Hạc Hải, để phòng thủ bờ cõi”.
Năm sau Tân Mùi (1631), lại đắp tiếp lũy khác từ cửa Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu để ngăn Nam-Bắc. Lũy này tục gọi là lũy Thầy, còn được truyền tụng trong ca dao:
Lũy Thầy ai đắp mà cao,
Sông Gianh ai bới, ai đào mà sâu.
Nào chỉ đắp lũy trên bộ, đối với đường thủy, Việt Nam nhân thần giám cho biết “lại ở các cửa bể, như là cửa Nhật Lệ, cửa Minh Linh, thì có chôn các chông bằng sắt, để giữ thuyền ngoài bể không vào được”. Không chỉ thế, ông đặt ra phép duyệt tuyển để kén kẻ tráng đinh, lập phép khảo thí để thu dụng nhân tài. Nhờ vậy, quân sự chúa Nguyễn vững vàng lắm.
Gây dấu ấn nẻo binh bị, mặt ngoại giao ông cũng tỏ ra là tay cừ khôi, mưu kế thâm sâu lắm. Để dứt hẳn mối quan hệ với chúa Trịnh luôn nhăm nhe Nam tiến, Đại Nam chính biên liệt truyện cho hay “Duy Từ khuyên chúa đừng nộp lễ cống và phu thuế cho Trịnh”. Chẳng những thế, ông còn bày ra diệu kế bang giao “dư bất thụ sắc” (ta không nhận sắc) làm cho vua Lê, chúa Trịnh dẫu hậm hực mà chẳng tài nào trách phạt cho được.
Như lời kể trong Việt Nam nhân vật chí vựng biên, ấy là dịp năm Kỷ Tỵ (1629), Thanh Đô vương Trịnh Tráng muốn kiếm cớ đánh chúa Nguyễn, bèn sai sứ đem sắc tấn phong cho chúa Sãi làm Thái phó quốc công. Chúa Sãi lấy làm khó nghĩ, triệu quần thần đến bàn.
Duy Từ phân tích tình hình, cho rằng chúa Trịnh mượn lệnh vua Lê mà nhử mình. Nếu nhận sắc mà không đến thì khi quân. Nếu không nhận thì họ dùng binh trách phạt trong khi binh bị chưa chu toàn. Hãy cứ tạm nhận để chủ động phòng bị rồi tìm kế trả sắc. Chúa nghe theo.
Nhờ có thời gian hòa hoãn, lũy Trường Dục được đắp lên để ngăn bước tiến quân Trịnh, Duy Từ liền dâng kế làm mâm đồng hai đáy, để sắc bên trong. Trên mâm đặt vật phẩm rồi sai sứ đi tạ ơn.
Đến khi sứ chúa Nguyễn đã về, mâm đồng được mở mới biết rằng chúa Nguyễn “mậu nhi vô địch, mịch phi kiến tích. Ái lạc tâm thường, lực lại tương địch” (ẩn ngữ của 4 chữ “dư bất thụ sắc”). Đó, cái tài tình của nghệ thuật ngoại giao của Đào Duy Từ là thế đó.
Đền thờ Đào Duy Từ tại xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa
Chút riêng để lại cho đời
Theo ghi chép để lại trong Thành ngữ, điển tích danh nhân từ điển, ngoài những đóng góp to lớn với tầm nhìn chiến lược cho chúa Nguyễn ở nhiều mặt quân sự, ngoại giao… Đào Duy Từ còn để lại cho đời những di sản thành văn mang dấu ấn riêng của ông.
Ấy là bộ Hổ trướng khu cơ. Đây là bộ binh thư của Đào Duy Từ, được Phạm Việt Tuyền trong Văn học miền Nam cho hay rằng là bộ binh thư dạy những điều cốt yếu về binh pháp, bao gồm 3 quyển chia làm Thiên tập, Địa tập, Nhân tập.
Riêng về mặt văn thơ, dù để lại cho đời không nhiều, nhưng “ngay từ thuở còn hàn vi, Đào Duy Từ đã tỏ rõ chí khí của mình qua văn thơ, và tự ví mình như Gia Cát Lượng bên Trung Hoa lúc còn ở ẩn nơi núi Ngọa Long, nên ông đã làm bài “Ngọa Long cương vãn” viết bằng quốc âm, theo thể văn lục bát”.
Theo Văn học Nam Hà (văn học Đường Trong thời phân tranh) thì Ngọa Long cương vãn dài 316 câu, gồm phần lung, phần chính thứ nhất, thứ hai và phần kết. Mở đầu là phần lung 4 câu nói về vai trò của kẻ sĩ, cũng là tâm sự của ông:
Ngựa xe chàu giản ban lô,
Thấy thiên võ cử đời xưa luận rằng:
An nguy trị loạn đạo hằng,
Biết thời sự ấy ở chưng sĩ hiền.
Còn Tư Dung vãn được làm khi họ Đào đã thành danh, dài 386 câu, thỉnh thoảng có xen lẫn những bài ca, những khúc ngâm, hoặc bài thơ Đường luật. Nội dung ca ngợi cảnh thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ của cửa biển Tư Hiền, cuộc đời nhàn tản của kẻ ẩn sĩ trong lúc đợi thời cơ.
Lại vốn con nhà dòng dõi ca xướng, nên Đào Duy Từ ngoài việc chính sự còn góp công to lớn đối với sự phát triển của nghệ thuật hát bội đất Đàng Trong. Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam cho biết “tương truyền ông là người sáng tác vở tuồng Sơn Hậu”.
Khi nghiên cứu về hát bội nước Việt, trong sách Nghệ thuật hát bội Việt Nam cho ta biết được vai trò của Đào Duy Từ với loại hình nghệ thuật này là “Tiếp đến Đào Duy Từ cũng bỏ miền Bắc vào Bình Định thì nghệ thuật hát bội Bình Định phát triển”.
Rõ là dấu ấn của ông với hát bội được ghi nhận. Nước non Bình Định thì ghi “hát bội xuất phát tại Bình Định, do Đào Duy Từ biến chế lối hát chèo ở ngoài Bắc và lối hát địa phương bắt chước Chiêm Thành, mà tạo ra”. Nếu Đào Tấn là hậu tổ hát bội, thì Đào Duy Từ là tiền tổ vậy...
Trần A.B

Chiếc mâm hai đáy và bài thơ bí hiểm của Đào Duy Từ


      Đào Duy Từ (1572-1634) là nhà chính trị quân sự, thầy giáo, bậc khai quốc công thần lớn nhất của 9 đời chúa Nguyễn và 13 đời vua nhà Nguyễn.
Đào Duy Từ hiệu là Lộc Khê, quê ở làng Vân Trai, xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoa (nay là làng Giáp Nỗ, xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa).
Cha ông là Đào Tá Hán, trước làm lính cấm vệ trong triều, sau bị đuổi về quê làm nghề xướng ca rồi mất sớm.
Quân sư tài ba của chúa Nguyễn
Sách Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn chép rằng Đào Duy Từ vốn là người thông minh, học rộng, đỗ á nguyên khoa thi Hương năm 1593 đời Vua Lê Thế Tông (1567-1584) khi mới 21 tuổi.
Ông thi Hội, bài luận rất tốt được quan chánh chủ khảo là Thái phó Nguyễn Hữu Liêu đánh giá cao. Tuy nhiên, Bộ Lễ đã đưa chứng cứ và truyền lệnh xóa tên, đánh tuột á nguyên, lột mũ áo vì tội đổi họ, man khai lý lịch, bị gạch tên và tống giam.
Nguyên nhân là bởi ở Đàng Ngoài lúc ấy, xướng ca bị cho là “vô loài”, con cái họ không được phép dự thi, không được làm quan. Đào Duy Từ đã đổi tên thành Vũ Duy Từ để đi thi.
Sau khi biết tin chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) ở Đàng Trong chiêu hiền, năm 1625, Đào Duy Từ khăn gói lên đường. Thời gian đầu, chưa có cơ hội yết kiến chúa, ông xin ở lại chăn trâu cho quan Khám lý Trần Đức Hoà.
Sau khi được đọc tập Ngọa Long Cương Vãn của Đào Duy Từ, thấy được tầm nhìn và ý chí của ông, Trần Đức Hòa nhận Đào Duy Từ làm con nuôi.
Sau khi được Trần Đức Hoà giới thiệu với chúa Sãi, chỉ qua một lần đối đáp, Đào Duy Từ nhận được sự tin tưởng và trở thành quân sư của chúa Nguyễn.


             Chân dung Đào Duy Từ. Ảnh: Thư viện Lịch sử. 
Từ đó về sau, những khi có việc chính sự quan trọng, chúa đều cho mời Đào Duy Từ để hỏi ý kiến, đàm đạo. Chính Đào Duy Từ là người đã đốc thúc việc xây luỹ, rèn binh.
Năm 1630, khi Đào Duy Từ đang cho quân đắp luỹ Trường Dục thì Trịnh Tráng đưa quân tiến đánh. Quân Nguyễn chiến đấu anh dũng, đánh bại binh lính Trịnh.
Năm sau, theo kế hoạch của Đào Duy Từ, chúa Nguyễn tiếp tục cho xây luỹ Đồng Hới. Những thành luỹ kiên cố đã giúp quân Nguyễn phòng thủ vững chắc, bảo vệ được thành quả trước đợt tấn công của quân Trịnh.
Không chỉ giúp chúa phát triển, xây dựng quân đội, Đào Duy Từ còn tiến cử nhiều tướng giỏi khác vốn là người thân của ông như Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến (con rể), Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật (học trò), Phúc Kiều, Nguyễn Đình Hùng… Những người này đều được chúa Sãi hết lòng tin yêu và giao cho những chức vụ quan trọng.
Chiếc mâm hai đáy và bài thơ bí hiểm
Lúc này, thấy thế lực đã đủ mạnh, chúa Sãi quyết định tuyệt giao với Bắc Hà, không muốn lệ thuộc vào vua Lê, chúa Trịnh nữa. Do đó, đến năm 1630, mặc dù vẫn dâng lễ vật tiến cống, theo kế của Đào Duy Từ, chúa đã cho làm chiếc mâm để dâng cống, trên mâm ghi một bài thơ rất bí hiểm:
Mâu nhi vô dịch / Mịch phi kiến tích / Ái lạc tâm trường / Lực lai tương địch.
Khi thay vua Lê nhận phẩm vật, chúa Trịnh thấy bài thơ khó hiểu, hỏi khắp các quan trong triều không ai giải được. Nhưng vì không muốn sứ giả đánh giá thấp kiến thức triều đình Bắc Hà, chúa Trịnh vẫn cho khoản đãi và tiễn đoàn ra về như thường lệ, không hỏi gì.
Sau khi đã tiễn đoàn sứ giả rời khỏi Thăng Long, chúa Trịnh mới cho tìm người giỏi khắp xứ để giải bài thơ hiểm hóc.
Giai thoại kể rằng chỉ khi có người tiến cử trạng nguyên Phùng Khắc Khoan (trạng Bùng), bài thơ mới được giải. Vừa đọc, trạng Bùng đã hiểu ngay ngụ ý của bài thơ. Ông giảng giải:
Mâu di vô dịch: Chữ Mâu không có nét phẩy ở nách, tức là chữ Dư.
Mịch phi kiến tích: Chữ Mịch không có chữ kiến ở dưới, tức là chữ Bất.
Ái lạc tâm thường: Chữ Ái bị rơi mất chữ Tâm ở dưới, tức chữ Thụ.
Lực lai tương địch, nghĩa chữ Lực đứng sát với chữ Lai, thành chữ Sắc.
Ý của bài thơ là “Dư bất thụ sắc” nghĩa là “ta không nhận sắc”.
Ngoài ra, vì thấy cái mâm dày, trạng Bùng cho rằng giữa mâm chắc chứa cái gì liên quan ý của bài thơ, nên ông khuyên chúa Trịnh cho chẻ đôi cái mâm ra. Quả nhiên thấy giữa mâm có đạo sắc phong cho Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ thành Thuận Quảng, do vua Lê ban trước đây, giờ chúa Nguyễn trả lại.
Giận quá, chúa Trịnh sai quân lính đuổi theo sứ giả để bắt chém thị uy, nhưng sứ Lại Văn Khuông theo lời dặn của Đào Duy Từ vừa ra khỏi kinh đô Thăng Long đã một mạch phi ngựa thẳng vào nam, quân Trịnh không thể đuổi kịp.
Thấy chúa Nguyễn công khai tỏ ý bất phục, chúa Trịnh cảm thấy mối nguy đã lớn dần, không thể ngồi yên. Năm 1633, đích thân vua Lê chúa Trịnh kéo đại quân vào đánh chúa Sãi. Quân Đàng Trong, với tài năng của quân sư Đào Duy Từ, đã đánh lui quân Lê - Trịnh.
Năm 1634, Đào Duy Từ mất ở tuổi 63, chúa Sãi vô cùng đau đớn, thương xót như mất đi cánh tay phải của mình.
Để xứng đáng với tầm vóc của một bậc hiền tài xuất chúng, chúa Sãi truy tặng Đào Duy Từ là Hiệp mưu đồng đức công thần đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu.

Kẻ chăn trâu kiệt xuất nhất triều Nguyễn và bài học cho hậu thế


                                                   Nguyễn Thanh Điệp.
          Dù có lúc công danh sự nghiệp rơi vào bước đường cùng, bằng ý chí, nghị lực, Đào Duy Từ đã phát huy tài năng của mình để lưu danh sử sách muôn đời.
Đào Duy Từ (1572-1634) quê ở xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Dù chỉ phục vụ chúa Nguyễn có 9 năm, với những đóng góp to lớn, về sau, Đào Duy Từ được vua Gia Long truy phong là bậc khai quốc công thần số 1 của họ Nguyễn.
          Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn, dưới thời chúa Trịnh, ông thi hương đỗ Á nguyên khi mới chỉ 21 tuổi. Nhưng sau đó bị triều đình ra lệnh lột mũ, xóa tên bảng vàng vì tội “đổi họ đi thi”, buộc ông phải lặn lội vào Nam lập nghiệp.
          Kẻ chăn trâu anh hùng
          Ngày mới vào Nam, vì chưa có chỗ trú chân nên Đào Duy Từ phải vào tận Hoài Nhơn (Bình Định) làm nghề chăn trâu cho phú ông. Chính tại đây, trong một lần giao lưu, ông đã bộc lộ được trí tuệ uyên bác của mình, khiến nhiều học giả phải nể trọng, tạo tiền đề cho con đường tiến thân sau này.
          Chân dung Đào Duy Từ. Ảnh: Tư liệu.
          Sách Việt sử giai thoại kể rằng chép rằng một hôm, khi nhà phú nông đang vui vẻ đàm luận kinh sử, Đào Duy Từ dắt trâu về chuồng. Biết đó là đám quan Nho, ông đặt chân lên bậc thềm và nhìn chằm chằm không chào hỏi gì.
Khi bị gia chủ mắng là “kẻ chăn trâu không biết gì”, Đào Duy Từ cười vang rồi nói: “Trong làng Nho cũng có quân tử, cũng có tiểu nhân. Trong bọn chăn trâu cũng có kẻ chăn trâu anh hùng và kẻ chăn trâu tôi tớ”.
          Khách nghe Đào Duy Từ đáp như thế rất lấy làm ngạc nhiên, bèn hỏi: “Ngươi bảo ai là Nho quân tử, ai là Nho tiểu nhân?”. Đào Duy Từ cười đáp: “Nho quân tử thì phải thông hiểu tam tài. Ở nhà lo giữ đạo cha con, anh em và vợ chồng. Khi ra giúp việc cho nước nhà phải biết tìm mưu lược để giữ yên lòng dân và cứu chỗ hiểm, phò chỗ nguy, bày binh bố trận, phải lập công danh sự nghiệp, để tiếng thơm lại cho mai sau, đời đời còn rạng rỡ, ngàn năm không phai mờ”.
Còn như Nho tiểu nhân, tài học nhiều lắm cũng ở mức tầm chương trích cú, chỉ muốn thong dong nơi bút mực văn chương để cầu danh lợi, mượn Nho để cười gió giỡn trăng, coi thường những kẻ hào kiệt ở đời.
Khách nhà Nho nghe nói thì cả kinh, bèn hỏi tiếp: “Thế nào là kẻ chăn trâu anh hùng, thế nào là kẻ chăn trâu chỉ đáng phận tôi tớ, ngươi thử nói tiếp cho rõ ràng xem?”.
Đào Duy Từ lại mỉm cười rồi nói: “Kẻ chăn trâu anh hùng thì như Ninh Thích phục hưng được nước Tề, Điền Đan dùng kế hỏa công mà thu phục những thành trì bị người nước Yên chiếm cứ, Hứa Do dắt trâu ra khe uống nước mà cũng biết được lẽ hưng vong và thịnh loạn, Bách Lý Hề đi chăn dê vùng miền trung nước Tần mà cũng nắm vững sự thịnh suy, bĩ thái...
Còn như kẻ chăn trâu chỉ đáng phận tôi tớ thì chỉ biết đói thì ăn, no thì bỏ, ngày bỏ mặc trâu để đi ăn trộm quả, đêm ngủ say mà quên cả việc bỏ rơm cho trâu bò ăn thêm.
Bọn ấy chỉ biết thân mình, dầm mưa dãi gió, ra không biết kính sợ quỷ thần, vào không biết làm gì cho mẹ cha nhờ cậy, lêu lổng chơi bời vô độ, khi vui thì mặc sức reo hò múa hát, khi giận thì chẳng kể ruột thịt thân sơ, làm xấu cả cha anh, gieo oán hờn cho làng xóm. Bọn ấy chẳng cần hỏi tới làm gì”.
Khách nghe Đào Duy Từ ứng đối lưu loát, đã bác cổ lại thông kim, nên ai nấy đều ngồi nhìn và lòng thì lấy làm kinh hãi. Không ai bảo ai, tất cả đứng dậy khoanh tay thưa rằng: “Ông quả là bậc thầy cao minh”.
Nói rồi, xuống mời Đào Duy Từ lên ngồi chiếu trên. Từ đó, gia chủ may sắm quần áo mới cho Đào Duy Từ, mời ngồi giảng sách, không bắt đi chăn trâu nữa.
          Vang danh muôn đời
          Năm 1627, sau khi đọc bài Ngọa Long cương vãn của Đào Duy Từ, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nhận ra đây là người có chí lớn liền cho gọi ông đến.
Trong lần gặp gỡ này, Đào Duy Từ cao đàm hùng luận, tỏ ra rất am hiểu việc đời, thời thế. Chúa mừng lắm, phong cho ông làm Nha úy Nội tán, trông coi việc quân cơ, tham lý quốc chính. Từ đây, Đào Duy Từ chính thức bước vào con đường quan lộ.


Đền thờ Đào Duy Từ ở Bình Định. Ảnh: Báo Bình Định.
          Khi được chúa Nguyễn tin dùng, Đào Duy Từ đã từng bước củng cố vững chắc cơ đồ họ Nguyễn, trở thành bậc quân sự xuất chúng, được chính chúa Nguyễn Phúc Nguyên ca ngợi không khác gì Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị.
Vào các năm 1630 và 1631, Đào Duy Từ khởi xướng, tổ chức việc đắp lũy Trường Dục và lũy Thầy ở Quảng Bình. Nhờ có hai trường lũy trên, chúa Nguyễn đã ngăn chặn được quân Trịnh trong bảy lần giao tranh.
Sau khi dò la biết được Đào Duy Từ bày mưu cho chúa Nguyễn, chúa Trịnh tiếc người tài, tìm cách lôi kéo ông theo về với triều đình Lê - Trịnh, nhưng Đào Duy Từ đã từ chối.
          Ngoài việc giúp chúa Nguyễn đánh lui quân Trịnh, Đào Duy Từ còn có công mở đất phương Nam, giúp Đàng Trong phồn thịnh, xây dựng một định chế chính quyền rất được lòng dân, đặt nền móng vững chắc cho họ Nguyễn.
Nhờ những kế sách đúng đắn của Đào Duy Từ, chính quyền của chúa Nguyễn bước sang trang mới, từng bước dứt hẳn khỏi sự lệ thuộc vào chính quyền Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, trở thành thế lực phong kiến hùng mạnh, độc lập ở Đàng Trong.
          Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nên ngoài tài năng quân sự, Đào Duy Từ còn có những đóng góp lớn cho hậu thế ở lĩnh vực nghệ thuật. Các tác phẩm như Hổ trướng khu cơ, Nhã nhạc cung đình Huế, vũ khúc tuồng Sơn Hậu là những kiệt tác và di sản văn hóa vô giá của dân tộc ta. Với tài năng uyên bác hơn người, Đào Duy Từ đã trở thành một trong những danh nhân tài năng nhất sử Việt.
          Câu chuyện về cuộc đời, công danh của Đào Duy Từ để lại cho hậu thế những bài học về việc vượt qua khó khăn, nghịch cảnh của số phận để phát huy tiềm năng, sở trường của mỗi người, cũng như bài học về việc sử dụng người tài trong những hoàn cảnh khác nhau.