XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Sài Gòn có bao nhiêu cây cầu

Sài Gòn có tổng số trên 200 cây cầu lớn nhỏ đã gắn với vùng đất này từ thuở mới khai hoang, trong đó có 6 cây cầu gắn liền với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của thành phố.
Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã phá bỏ cầu Nhị Thiên Đường 1 khiến nhiều người Sài Gòn tiếc nuối. Hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất này có nhiều cây cầu gắn liền với lịch sử, ký ức sâu đậm của người dân. Sau đây là một số cây cầu lớn và chủ yếu của Sài Gòn xưa và nay:

1-Cầu Bông
Cầu còn có tên gọi khác là cầu Cao Miên, mang đậm dấu ấn của người Sài Gòn xưa, đã đi vào lịch sử và thơ ca như 1 địa danh nổi tiếng. Cùng với cầu Thị Nghè, cầu Bông cũng bắc qua kênh Nhiêu Lộc, nối quận 1 và quận Bình Thạnh.
Theo cố nhà văn Sơn Nam, cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, có sách ghi chính xác là xây dựng vào năm 1771. Lúc mới xây cất, cây cầu này mang tên cầu Cao Miên, vì do một Phó vương Cao Miên lúc đó đang xin tá túc tại Bến Nghé, cho bắc qua sông để tiện việc đi lại.

Trước 1975, cầu Bông được xem là trọng yếu nhất nối liền vùng Đakao của đô thành Sài Gòn với trung tâm tỉnh Gia Định - (Ảnh: Internet).
Ban đầu cầu này được làm bằng gỗ, nhỏ và ngắn nhưng khá nổi tiếng của đất Sài Gòn. Cái tên cầu Bông được nhiều nhà nghiên cứu vùng đất Sài Gòn nói đến nhất là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt xây dựng 1 vườn hoa xinh đẹp gần cầu này thì dân gian bắt đầu gọi là cầu Hoa. Sau này, người dân phải đọc trại thành cầu Huê vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng). Sau này, người dân Sài Gòn tự đổi hẳn tên cây cầu này là cầu Bông (bông là từ địa phương của miền Nam) cho đến nay.


Diện mạo mới của cầu Bông ở thời điểm hiện tại.
Trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, cầu Bông là 1 trong những chiến lũy vững chắc để bao vây quân Pháp trong nội đô Sài Gòn. Còn trong kháng chiến chống Mỹ, cầu Bông là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch.
Hiện tại cầu Bông đã được xây mới với chiều dài 84,2m gồm 3 nhịp, kết cấu dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, bề rộng 21m. Trên mặt cầu được thiết kế lối riêng có dải phân cách, đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
2-Cầu Móng
Được xem là cây cầu cổ xưa nhất ở Sài Gòn do Công ty vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes (Pháp) xây dựng từ năm 1893 và hoàn thành vào năm 1894. Cầu Móng bắc qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nối liền quận 1 và quận 4, có chiều dài 128 mét, rộng 5,2 mét, lề bộ hành rộng 0,5 mét, được xây dựng bằng thép rất kiên cố.

Cầu Móng ngày xưa có ô tô lưu thông - (Ảnh: Internet).
Cầu Móng thời điểm hiện giờ ngắn hơn nhưng đẹp hơn với hệ thống đèn trang trí bắt mắt.
Cầu được thiết kế theo kiểu hình vòng móng, vì thế tên cầu Móng cũng được hình thành từ thời đó đến nay. Thành cầu uốn cong có những khoảng trống, ban đầu cầu có nước sơn màu đen tuy nhiên sau này lại sơn màu xanh đem lại cảm giác tươi mới hơn.
Năm 2005, cầu Móng được tiến hành tháo dỡ để phục vụ cho công tác đào hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Do tính chất lịch sử của cây cầu nên sau khi hoàn tất việc làm hầm Thủ Thiêm thì cầu Móng được trả lại đúng nguyên trạng ban đầu. Sau khi trả lại đúng nguyên bản, cầu còn được gia cố thêm phần trụ móng cùng trang thiết bị chiếu sáng mỹ thuật để người dân ra đây tản bộ ngắm thành phố.
3-Cầu Thị Nghè
      Cây cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc (đoạn gần hạ lưu đổ vào sông Sài Gòn), nối quận 1 và quận Bình Thạnh. Cầu Thị Nghè có chiều dài 105,2 mét, rộng 17,6 mét với 4 làn xe.
Nói về lịch sử, hình thành cây cầu này là do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc. Chồng bà làm chức thư ký, đương thời gọi là ông Nghè (vì thời đó đỗ Tiến sĩ), vì thế nhân dân cũng gọi là Bà Nghè. Vào năm 1867, cầu được làm lại bằng cầu sắt, đến năm 1970 được xây mới bằng bê tông cốt thép.​ ​Tên gọi cầu Thị Nghè được đặt từ giữa thế kỷ 19, cho đến nay tên này vẫn được giữ nguyên.

Cầu Thị Nghè năm xưa - (Ảnh: Internet).


      Vào 14 giờ ngày 17 tháng 11 năm 2009, một chiếc xà lan chở những thanh kè phục vụ cho dự án Vệ sinh Môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã đâm và kẹt dính vào gầm cầu, làm đà ngang cầu Thị Nghè bị nứt, cong và đội thân cầu lên 3 cm. Nguyên nhân được xác định là do nước thủy triều lên quá nhanh khiến cho dây cáp neo giữ chiếc xà lan nằm cách đó khoảng 100 m bị đứt. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cầu đã được phong tỏa để khắc phục sự cố và ngay lập tức làm tắc nghẽn giao thông khá nghiêm trọng. Các phương tiện giao thông đã phải chuyển hướng lưu thông sang các tuyến đường khác như: Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ.
      Cầu Thị Nghè hiện tại được xây dựng rộng hơn với 4 làn xe.
Ngoài ra, cầu Thị Nghè cũng đã chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt giữa quân ta và quân thực dân Pháp khi họ trở lại có ý định đánh chiếm Sài Gòn. Nhiều trận giao tranh đã nổ ra trên cầu Thị Nghè đã gây thiệt hại nặng nề cho quân địch.
Theo một số tài liệu ghi chép lại, vùng Thị Nghè xưa kia là nơi có khu ruộng Tịch Điền, đàn Xã Tắc, miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông, miếu Văn Thánh.
4-Cầu sắt Bình Lợi
Cầu Bình Lợi được xây dựng vào tháng 2/1902, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang. Cầu được thiết kế kiểu vòm thép, mặt cầu bằng gỗ, có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Cầu có một nhịp quay, do nhà thầu Levallois Perret thi công với chiều dài 276m gồm 6 nhịp.
Hiện nay, cầu đường sắt Bình Lợi là phần lưu thông chính cho tuyến đường sắt Việt Nam, bên cạnh đó còn có đường phụ dành cho xe 2 bánh, di chuyển theo 2 chiều. Sau 113 năm khai thác, cầu sắt này đã bị xuống cấp ở một số nhịp, chiều cao thông thuyền của cầu chỉ còn 1,8 m vì vậy mỗi khi có thủy triều lên, nhiều tàu không chú ý đã va chạm và mắt kẹt, càng làm cho cầu thêm phần hư hại.


Cầu Bình Lợi thời kì năm đầu thế kỉ 19- (Ảnh: Internet).

Cầu Bình Lợi hiện tại vẫn giữ nguyên nét hoang sơ như thuở ban đầu.
Cây cầu đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của thành phố qua các thời kì nên việc bảo tồn những "nhân chứng" này cũng là điều cần phải tính đến. Theo thông tin từ Bộ GTVT, đơn vị này cũng đang lên phương án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới để thay thế cầu cũ. Cầu mới được xây cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu với độ thông thuyền 7 m để không ảnh hưởng đến giao thông thủy, vận tốc chạy tàu qua cầu Bình Lợi mới ước tính đạt 100 km/h.
Tháng 6/2014, cầu Bình Lợi 2 đã được khánh thành có chiều dài 975 m, với 8 làn xe mang kiểu dáng kiến trúc cầu vòm Nielsen do Công ty GS Engineering & Construction (Hàn Quốc) đầu tư.

5-Cầu Nhị Thiên Đường
Cầu Nhị Thiên Đường là 1 cây cầu lớn bắc qua Kênh Đôi, quận 8 của vùng Chợ Lớn. Đây là một trong những cây cầu có bề dày lịch sử lâu đời nhất ở Sài Gòn, nối liền Chợ Lớn với các tỉnh miền tây, qua quốc lộ 50. Cầu dài khoảng 1km, và có 2 nhánh bắc song song, gồm cầu Nhị Thiên Đường 1 (cầu cũ) và Nhị Thiên Đường 2 (cầu mới, xây năm 2005).


Cây cầu ở hiện tại vẫn còn giữ nét cổ kính vốn có, tuy nhiên một số hạng mục đã xuống cấp.
Cầu do Pháp xây dựng năm 1925, trong thời đại hoàng kim của cầu sắt. Được thiết kế với vẻ kì lạ toát lên từ hàng cột xanh rêu trên cầu, cho đến các mái vòm cong cong dưới chân cầu. Trước khi 1 loạt cầu mới ra đời từ việc khởi công đại lộ Đông Tây, thì Cầu Nhị Thiên Đường là cây cầu cao nhất ở vùng chợ Lớn.
Nói về tên gọi, Nhị Thiên Đường vốn là tên 1 hãng dầu lừng lẫy trong chợ Lớn thời giữa thế kỉ 20. Hãng dầu này cũng kinh doanh cả in sách và buôn bán gạo. Lúc đó, cạnh chân cầu có 1 kho gạo rất lớn của ông chủ này, nên dân gian lấy luôn tên Nhị Thiên Đường để gọi cho cây cầu. Hiện tại, Nhị Thiên Đường là tên chính thức của cây cầu cổ này và sắp tới Sở GTVT sẽ có phương án phá bỏ.
6-Cầu Chữ Y
Cầu do người Pháp xây dựng vào cuối năm 1938 và hoàn thành năm 1941.​ Cầu nối liền quận 5 và quận 8 (TP. HCM) có 3 nhánh tạo thành hình chữ Y, trong đó có 2 nhánh về hướng đông (thuộc quận 8). Cầu chữ Y bắt đầu từ đường Nguyễn Biểu, bắc qua 2 con kênh là kênh Bến Nghé và kênh Tẻ, đến vùng chợ Rạch Ông và vùng cù lao Chánh Hưng.

Cầu chữ Y năm xưa - (Ảnh: Internet).

Cây cầu góp phần thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của 3 vùng.
Tổng cộng chiều dài các nhánh là 490,3 m (bao gồm đoạn cầu dẫn dài 913 m), trong đó nhánh đường Nguyễn Biểu dài 175 m, nhánh Nguyễn Thị Tần dài 178,3 m, nhánh Hưng Phú dài 137 m. Khu vực ngã ba của cầu rộng 9 m, mỗi lề 0,7 m. Độ cao tĩnh không cách mặt nước là 6,3 m. Được biết, toàn bộ công trình khi xây dựng đã ngốn 800 tấn thép và hơn 4.000 m3 bêtông.
Cầu đã qua nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1948, 1957, 1992. Nói về tên gọi, cầu có 3 nhánh tạo thành chữ Y, nên được người dân đặt luôn tên này, và trở thành tên chính thức. Đứng trên cầu, ta có thể nhìn thấy được toàn bộ quang cảnh cảng Sài Gòn và một phần thành phố với bán kính dưới 3 km.
7-Cầu Bình Triệu
Cầu Bình Triệu là một trong những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn, nằm trên quốc lộ 13 - là cửa ngõ giao thông quan trọng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam bộ. Ngày nay, cầu Bình Triệu nối liền quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh gồm hai chiều lưu thông riêng biệt:

Cầu Bình Triệu I (cầu cũ, xây từ thời Việt Nam Cộng hòa, vào khoảng năm 1972-1973.): lưu thông hướng Bình Thạnh đi Thủ Đức.
Cầu Bình Triệu II (cầu mới, hoàn thành năm 2003): lưu thông hướng Thủ Đức đi Bình Thạnh. Cầu Bình Triệu II dài 559,09 mét; rộng 12,25 mét.
8-Cầu Sài Gòn 1
Cầu Sài Gòn (trước năm 1975 tên là cầu Tân Cảng) là một trong những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn nối đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) với Xa lộ Hà Nội (Quận 2), Thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến khi đường hầm Thủ Thiêm được xây dựng xong thì đây vẫn là cửa ngõ chính để vào nội ô Thành phố Hồ Chí Minh từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Cầu được công ty Johnson Drake and Piper thi công từ tháng 11 năm 1958 đến ngày 28 tháng 6 năm 1961 thì hoàn thành. Cầu dài 986,12 m, gồm 32 nhịp, trong đó có 3 nhịp với chiều dài 267,45m. Cầu được sửa chữa 3 lần vào các năm 1995, 1996. Năm 1998, cầu được tiến hành nâng cấp và sửa chữa với tổng kinh phí 54 triệu franc từ nguồn vốn viện trợ của Pháp và đến tháng 6 năm 2000 thì hoàn thành. Sau khi nâng cấp, mặt cầu được mở rộng từ 19,63m lên 24m đạt tải trọng H30-XB80, có 4 làn xe, có tải trọng 32 tấn, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng cao của thành phố Hồ Chí Minh.


Ngày 12/5/2011, công trình nâng cấp, sửa chữa cầu Sài Gòn do Công ty Freyssinet Việt Nam khởi công thực hiện. Cầu Sài Gòn được thi công các hạng mục như gia cường mặt bê-tông, nhịp thép, hệ thống đỡ nhịp treo, trụ đỡ, gia cố các mối nối, thay thế khe co giãn… trong thời gian 6 tháng với tổng mức kinh phí khoảng 64 tỷ đồng. Dự án nâng cấp, sửa chữa cầu Sài Gòn do Công ty Freyssinet Việt Nam làm tổng thầu theo hình thức EPC (chìa khóa trao tay), đảm nhiệm tất cả công đoạn từ lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây dựng công trình. Sau khi nâng cấp, sửa chữa, cầu Sài Gòn được tăng tải đảm bảo theo tiêu chuẩn HL-93 không hạn chế tải trọng qua cầu.
9-Cầu Sài Gòn 2
Cầu Sài Gòn 2 do Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thực hiện trong 18 tháng, khởi công xây dựng ngày 14/4/2012 hoàn thành ngày 15/10/2013. Cầu Sài Gòn 2 song song với cầu Sài Gòn 1 hiện hữu, cách khoảng 3m về phía hạ lưu, có tổng chiều dài hơn 987m, gồm 30 nhịp. Kết cấu nhịp chính được bố trí theo sơ đồ 5 nhịp liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực.
Dự án cầu Sài Gòn 2 đã được Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM lên kế hoạch hoàn thành trong vòng 21 tháng, rút ngắn tiến độ so với các đơn vị thiết kế trước đó. Và thực tế thi công đã rút xuống còn 18 tháng, tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách. Sau khi đưa vào sử dụng đã giải quyết triệt để điểm nghẽn ở cửa ngõ phía Đông Bắc của TP.HCM.
10-Cầu Thủ Thiêm
Cầu Thủ Thiêm là một cây cầu nối hai bờ Sông Sài Gòn thuộc Quận 2 và Quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh. Cầu có 6 làn xe, nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm và trung tâm hiện hữu của thành phố. Theo dự kiến, tiến độ thi công cầu này hoàn thành vào dịp 30 tháng 4 năm 2005 nhưng do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm trễ nên dự án hoàn thành vào cuối năm 2007. Tổng kinh phí xây dựng cầu lên đến 1.099,6 tỷ đồng. Tổng thầu là Tổng công ty xây dựng số 1 thuộc Bộ Xây dựng.
Cầu Thủ Thiêm dài 1.250 m, phần cầu chính gồm 5 nhịp, 6 làn xe; phần cầu dẫn phía Bình Thạnh gồm bốn nhánh, mỗi nhánh 2 làn xe; cầu dẫn phía quận 2 dài 160 m, rộng tương đương 6 làn xe. Nút giao phía quận Bình Thạnh gồm một hầm chui trực thông dài 460 m trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, rộng 4 làn xe. Đường dẫn phía quận 2 dài 280 m, mặt cắt ngang 47 m. Đường gom có tổng chiều dài 1.460 m, phía quận Bình Thạnh rộng 10,5 m, phía quận 2 rộng 9,5 m.
Cầu Thủ Thiêm
Điểm đầu dự án là giao giữa đường Ngô Tất Tố với đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, Bình Thạnh. Điểm cuối dự án kết nối với đường Lương Định Của (quận 2), tương lai nối với đại lộ Đông - Tây; hướng tuyến theo tim đường Ngô Tất Tố hiện hữu vượt sông Sài Gòn.
4 Cây cầu (trong đó có 1 cầu đi bộ) và một hầm đi vào bán đảo Thủ Thiêm
11-Cầu Thủ Thiêm 2
Cầu Thủ Thiêm 2 được khởi công xây dựng vào ngày 3 tháng 2 năm 2015, với tổng mức đầu tư 4.260 tỷ đồng. Cây cầu này dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30 tháng 4 năm 2020, vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam. Cầu dài 1,4 km trong đó nhịp chính dài 885 m, có thiết kế dây văng bất đối xứng với trụ tháp hình vòm cao 113 m nghiêng về phía Thủ Thiêm, Quận 2. Cầu có quy mô 6 làn xe, trong đó có 4 làn ôtô và 2 làn xe hỗn hợp.
Đường dẫn cầu ở phía Quận 1 chia thành ba nhánh: nhánh chính dài 437 m, rộng 17,5 m, vượt qua giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh – Lê Thánh Tôn và kết nối với giao lộ Lê Duẩn – Tôn Đức Thắng; nhánh N1 dài 195 m, rộng 7 m cho hai làn xe chạy từ Quận 1 sang Quận 2, bắt đầu từ Công trường Mê Linh, chạy dọc đường Tôn Đức Thắng cập theo sông Sài Gòn kết nối vào cầu chính; nhánh N2 dài 193 m, rộng 7 m cho hai làn xe chạy từ Quận 2 sang Quận 1, chạy dọc theo cầu dẫn nhánh chính phía Quận 1 kết nối xuống đường Tôn Đức Thắng trước nút giao Nguyễn Hữu Cảnh – Lê Thánh Tôn và Tôn Đức Thắng. Đường dẫn phía Quận 2 dài 140 m, rộng 36,2 m, kết nối vào Đại lộ Vòng cung trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
12-Cầu Phú Mỹ
Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh bắc qua sông Sài Gòn nối Quận 2 và Quận 7, thuộc đường vành đai ngoài của Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng mức đầu tư 2076 tỷ đồng. Cầu được khởi công ngày 9 tháng 9 năm 2005 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2009, tuy nhiên theo tiến độ mới nhất thì công trình đã vượt tiến độ đến 4 tháng và đã khánh thành vào ngày 2 tháng 9 năm 2009. Đây là cây cầu dây văng có 6 làn xe, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nối Quận 7 với Quận 2 và Quận 9. Cầu cũng giúp việc lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn từ miền Bắc và miền Trung đi Đồng bằng sông Cửu Long đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh được rút ngắn, sau khi cầu Phú Mỹ và các đường vành đai nối đến cầu hoàn thành sẽ góp phần làm giảm sự quá tải cho hệ thống giao thông đường bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi ấy các xe tải loại lớn và xe container sẽ không chạy trong nội thành nữa, góp phần vào việc giảm ô nhiễm cho nội thành. Cầu Phú Mỹ không chỉ là một công trình trọng điểm của Việt Nam, mà còn là công trình cầu dây văng hiện đại nhất thế giới. Hiện đại nhất ở đây là phần kỹ thuật dây văng, trên thế giới chỉ có vài cây cầu như thế 
Kênh truyền hình nổi tiếng thế giới Discovery Channel từng có chương trình về cầu Phú Mỹ.
13-Cầu Ánh Sao
Cầu Ánh Sao (Starlight Bridge) là cầu chỉ dành cho người đi bộ để ngắm cảnh và cũng là cây cầu bộ hành hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Cầu tọa lạc ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh[1]., bắc qua rạch Thầy Tiêu nối Khu Hồ Bán Nguyệt (The Crescent) với Khu kênh Đào có tổng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Đây là một địa điểm tham quan, một nơi hò hẹn lý tưởng cho bao người đang yêu.

Góc nhìn từ Khu Hồ Bán Nguyệt sang Khu Kênh Đào, ở giữa là cầu Ánh Sao.
Nguồn gốc tên gọi
Cầu được gọi là cầu Cầu Ánh Sao vì trên bề mặt cầu được thiết kế với những ánh đèn Led chiếu ngược lên. Ngoài ra, hai bên hông cầu ánh sáng bảy màu liên tục thay đổi và hệ thống phun nước hai bên hông cầu. Hệ thống chiếu sáng cầu được sử dụng bằng pin thu năng lượng mặt trời được lắp ở hông cầu, tạo cho người đi trên cầu có cảm giác đang bước đi trên muôn ngàn những Vì sao.
Thông số kỹ thuật
Khởi công xây dựng vào tháng 5, năm 2009, Cầu được thiết kế với chiều dài 170 mét, bề mặt cầu rộng 8,3 mét. Cầu Ánh Sao do Công ty Gao Ge – Trung Quốc thiết kế, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Công trình Quỹ Đạo triển khai chi tiết và Công ty Sino-Pacific thi công, hoàn thành và đưa vào hoạt động khoảng cuối năm 2010.
14-Cầu Thị Nghè 2
Cầu Thị Nghè 2 bắc qua Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nằm trên trục đường Nguyễn Hữu Cảnh nối quận 1 với quận Bình Thạnh. Cầu có 10 làn xe và dải phân cách ở giữa chạy 2 chiều.

15-Cầu Rạch Chiếc
Cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội, nằm trên trục giao thông đối ngoại quan trọng ở cửa ngõ đông bắc Thành phố Hồ Chí Minh[4] nối liền Quận 2 và Quận 9. Cầu Rạch Chiếc mới được thiết kế với 10 làn xe trên ba nhánh cầu riêng biệt, trong đó hai nhánh cầu biên mỗi nhánh rộng 9,8 mét gồm 2 làn xe hỗn hợp và 1 lề bộ được khởi công vào tháng 10 năm 2009, hoàn thành vào tháng 10 năm 2010. Nhánh cầu giữa rộng gồm 6 làn xe cơ giới, được khởi công vào tháng 2 năm 2011.
Cầu Rạch Chiếc mới được khánh thành vào 9 giờ sáng ngày 10 tháng 7 năm 2012, với tổng vốn đầu tư 1.010 tỉ đồng từ ngân sách thành phố, được Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) ứng vốn theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền quản lý, thu phí giao thông trên xa lộ Hà Nội.
Cầu Rạch Chiếc mới có tuổi thọ thiết kế 100 năm, với chiều dài gồm cả đường dẫn vào cầu là 736 mét, bề rộng là 48 mét. Công trình này do nhà thầu thi công là liên danh Tổng công ty xây dựng Thăng Long và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1.
16-Cầu Rạch Chiếc 2
Cầu Rạch Chiếc 2 trên đường Vành Đai Đông. Giai đoạn 1 đã thông xe một nhánh cầu vào cuối Tháng 1 năm 2016 với quy mô 4 làn xe. Giai đoạn 2 sẽ xây thêm một nhánh cầu Rạch Chiếc nữa. Hiện tại cầu đang được đổi tên thành cầu Phú Hữu;
17-Cầu Ông Lớn
Cầu Ông Lớn nằm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, bắc qua rạch Ông Lớn, thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh. Được thiết kế vào năm 2001 đến năm 2004 thì được đưa vào sử dụng. Đây là kết cấu cầu vòm ống thép nhồi bê tông lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam, góp phần làm đa dạng hóa kiến trúc công trình cầu đường.
18-Cầu Công Lý
Cầu Công Lý bắc qua Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Cầu nằm trên trục đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ khởi nghĩa và là cửa ngõ ra vào Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
19-Cầu Phước Khánh
Cầu Phước Khánh là cây cầu dây văng đường bộ đang xây dựng nằm trong dự án Đường cao tốc Long Thành – Bến Lức thuộc tuyến Đường cao tốc Bắc – Nam Việt Nam và là cây cầu thứ ba được xây dựng trên tuyến cao tốc này. Cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu, nối huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam. Khi hoàn thành vào năm 2019, cầu Phước Khánh cùng với cầu Bình Khánh sẽ là hai cây cầu có tĩnh không lưu thông thuyền cao nhất Việt Nam (55 m).
20-Cầu Bình Khánh
Cầu Bình Khánh là cây cầu dây văng đường bộ sắp được khởi công xây dựng nằm trong dự án Đường cao tốc Long Thành – Bến Lức thuộc tuyến Đường cao tốc Bắc – Nam Việt Nam. Cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, nối hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ của Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Cầu sẽ được xây dựng từ tháng 8 năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào tháng 7 năm 2019. . Tuy nhiên đến 10-2019 vẫn chưa xong, và có lẽ đến 2021 mới xong.
Cầu Bình Khánh có tổng chiều dài 2.764 m, rộng 21,75 m với bốn làn xe lưu thông. Nhịp chính cầu dài 375 m, hai trụ cầu cao 155 m, tĩnh không 55 m, cầu Bình Khánh cùng với cầu Phước Khánh sẽ là hai cây cầu có khổ tĩnh không thông thuyền lớn nhất Việt Nam khi hoàn thành xây dựng.
21-Cầu Ông Lãnh
Cầu Ông Lãnh là một cây cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh nối quận 1 và quận 4, có 14 nhịp với 2 làn xe mỗi bên với tổng chiều dài là 256,3 m, chiều rộng 10 m. Đây là cây cầu dài nhất bắc qua kênh Bến Nghé.
Nguồn gốc: Cầu Ông Lãnh do Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (khi ấy đang đóng quân ở đồn Cây Mai-Thủ Thiêm) cho xây dựng. Ban đầu, cầu làm bằng gỗ, đến năm 1929, người Pháp cho xây lại bằng xi măng, dài 120m.
Năm 1874, một ngôi chợ được xây cất ở khu vực này, mang tên Chợ Cầu Ông Lãnh, chuyên bán trái cây tươi (hiện nay nằm trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, gần mé sông bến Chương Dương, nay đổi tên thành đường Võ Văn Kiệt). Năm 1885, học giả Trương Vĩnh Ký đã viết rằng: chiếc cầu gỗ do ông Lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh Binh Thăng này, chớ không phải ai khác.
Nhưng có người lại bảo rằng: Mặc dù sau Hòa ước Giáp Tuất (1874), toàn Nam Kỳ đã thuộc Pháp nhưng nhà Nguyễn vẫn được phép đặt một lãnh sự quán ở Sài Gòn. Trụ sở ấy đóng tại góc đường Đề Thám-Trần Hưng Đạo ngày nay, và vị lãnh sự đầu tiên là ông Nguyễn Thành Ý (hiện còn tên đường ở phường ĐaKao, quận 1). Do ông này thường đi chiếc xe song mã qua lại khu vực chợ dưới bến Chương Dương, chỗ chiếc cầu neo đậu xuồng ghe của giới thương hồ, từ đó mới có tên gọi là chợ Cầu Ông Lãnh.
Tuy nhiên ý kiến của Trương Vĩnh Ký được nhiều người tin theo hơn., được thi công vào năm 1785 do ông Lãnh Binh Thăng chủ trì.
22-Cầu Long Thành
Cầu Long Thành bắc qua sông Đồng Nai nối liền Quận 9 thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Long Thành của tỉnh Đồng Nai. Cầu Long Thành thuộc gói thầu số 2 của dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (giai đoạn 1) với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.100 mét, trong đó phần cầu dài 2.346 mét (phần còn lại là đường dẫn vào cầu), rộng 19,7 mét. Cầu được thiết kế cho 4 làn xe lưu thông với vận tốc thiết kế 100km/giờ, giá trị hợp đồng của gói thầu trên 1.219 tỷ đồng.
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét