XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

Xuất Xứ Những Bài Nhạc Việt "Vang Bóng Một Thời"

1- XUẤT XỨ BÀI BIỆT LY


 Tôi viết Biệt ly năm vừa tròn 20 tuổi trong hoàn cảnh chính quyền thực dân Pháp tuyển mộ rất nhiều người Việt Nam sang làm thợ hoặc lính đánh thuê cho các thuộc địa khác của Pháp. . Hồi đó, cha tôi làm việc ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội.. Sân ga Hàng Cỏ bấy giờ sôi động hơn bao giờ hết, liên tục đưa đón tàu đi tàu về chuyên chở những chàng trai Việt lên đường tha hương. Người đi kẻ ở. Buồn lắm. Đau xót lắm. Cái không khí tiễn đưa không hẹn ngày về tác động mạnh đến tâm cảm vốn day dứt của tôi. Nhà ở gần ga nên tôi thường được chứng kiến những cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga.

Điều đó khơi dậy trong lòng tôi nhiều cảm xúc và tôi có ý định sáng tác một bài hát về đề tài này. Tôi được anh bạn kể chuyện anh ta phải lòng một cô gái nhưng bị bố mẹ ngăn cấm và mối tình tan vỡ. Câu chuyện đó và những cảm nhận của thời thơ ấu đã giúp tôi viết Biệt ly

Lần đầu, Biệt ly được công bố trước đám đông khán giả là vào năm 1940 ở Hà Nội. Chị Phụng, một ca sĩ ở ngõ chợ Khâm Thiên là người đầu tiên hát. Không còn nhớ rõ nghệ danh, tôi chỉ nhớ tên gọi thân mật là chị Phụng - một giọng hát được nhiều người Hà thành yêu mến. Sau một thời gian nằm im ắng, đến năm 1988 Biệt ly mới chính thức được hát trở lại trên các sân khấu trong Nam ngoài Bắc, được đưa vào chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam. Cùng với Biệt ly, nhiều ca khúc tiền chiến của các nhạc sĩ khác như Văn Cao, Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước, Hoàng Quý... cũng được biểu diễn trở lại.

Mấy phút bên nhau rồi thôi Đến nay bóng em mờ khuất Người về u buồn khắp trời Người ra đi với ngàn nhớ thương. Mấy phút bên em rồi thôi Dáng em sống trong hồn tôi Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui Biệt ly ước bao đường tơ Réo rắt trong muôn hương mơ Thành sầu tiễn đưa Biệt ly ước mong hoàng hôn Êm đềm về ru ấm tâm hồn Người yêu đương cách xa Đành sống vui cùng gió sương.

2- XUẤT XỨ BÀI GIỌT MƯA THU

Từ ô cửa nhỏ, mưa ngâu chảy ra tới sông dài, bể rộng, bây giờ nhạc sĩ của mưa mùa thu đã đi và đi xa muôn thuở trong lòng người yêu nhạc bởi duy nhất ba bài hát bất hủ. Ba giọt nước ấy đã góp cho ly nước của nền âm nhạc Việt Nam thêm sóng sánh, quánh vàng.

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại Nam Định, cha mất sớm, gia cảnh túng thiếu, lại có tới sáu người con.. Chú bé Phong đã phải sớm bỏ học, rời quê lên Hà Nội kiếm sống. Nhờ vào năng khiếu vẽ tranh mà Phong đã có việc cho một số tờ báo như vẽ truyện tranh, hình minh họa… và được vào học dự thính tại trường cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Trong một kì thi, thầy giáo cho các học viên tự sáng tác. Đến lượt chấm tác phẩm của Phong, thầy giáo người Pháp TARDIEU đã rất tâm đắc, khen ngợi nhưng lại phán một câu “E rằng con sẽ không sống được lâu bởi hình là vận mệnh người” do trong đó Phong vẽ nhưng thân cây khô của mùa thu, khẳng khiu và đặc biệt tất cả đều cụt ngọn

Quả đúng như thế, cuộc sống của Phong rất long đong, khốn khổ. Anh không chỉ sống ở Hà Nội mà còn lang bạt qua Campuchia, dạt về Hà Nội với đủ nghề nhưng vẫn không thể sống nổi. Từ vẽ tranh, dạy vẽ, mở lớp dạy nhạc, sáng tác và cả nghề hát nhạc hội…

Cám cảnh với oan nghiệt cuộc đời như một định mệnh vương vào tuổi đời. Phong đã viết những bài hát não nề diễn tả tâm trạng của mình, đặc biệt cả ba bài nổi tiếng nhất đều được viết trong mùa thu vàng vọt, mưa não nề. Bởi thu chỉ đẹp và lãng mạn cho người đang mặn nồng, say đắm. Mùa thu sẽ là nỗi đớn đau của người bệnh tật từ thể xác, tâm hồn cho đến nghèo túng.

Thu 1942, Phong bệnh nặng. Một hôm mưa tầm tã, rơi lộp bộp trên mái lá, không thể ngủ, cũng chẳng thể nằm vì nước lạnh thấm ướt căn nhà nhỏ sơ sài. Phong ngồi ôm gối nhìn qua cửa sổ đếm từng giọt rơi xuống, vỡ bóng hòa vào dòng nước lênh láng, trôi tuột và nghĩ rằng có lẽ cuộc đời của mình cũng như thế. Nỗi buồn đã buông chụp xuống ngay từ khi mới chào đời. Hàng ngàn nỗi khổ đã bủa vây và chưa có ngày nhìn thấy hào quang. Đau quá, con tim như thắt lại, máu trào lên để Phong gắng gượng lết tới bàn tuôn trào những cảm xúc lai láng trong một giai điệu hết sức da diết, não nề và tuyệt vọng.

“…Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây

Lòng vắng muôn bề không liếp che, gió về

Ai nức nở thương đời châu buông mau

Dương thế bao là sầu…”

Vừa viết, Phong vừa ôm ngực ho lên từng hồi dài. Bài hát được đặt tên “Vạn cổ sầu” có nghĩa là những nỗi buồn không thể giải thoát.

Ngay sau đó những người bạn vì lo lắng cho sức khỏe của Phong đã đội mưa tới thăm. Ôm đàn, vuốt ngực, đè nén cảm xúc, chàng trai trẻ đã hát cho mọi người cùng nghe thay cho tâm sự không thể tỏa bày. Cung điệu trầm lắng, rời rã, ngưng đọng, nức nở của một con người chẳng còn định hướng tựa con thuyền nhỏ trên sông vạm vỡ mờ bóng đêm. Phong đã trải lòng theo từng lời ca ngọt ngào, không ủy mị, rên rỉ làm mọi người nín lặng và cùng buồn chỉ muốn khóc.

“Bài hát hay lắm Phong ơi, như xoáy vào tim, vào óc của người cùng tâm trạng, nhưng bi thảm quá. Đặc biệt tựa đề “Vạn cổ sầu” nghe tang thương lắm, nên sửa lại đi” – bạn bè góp ý như thế với Phong sau khi cùng lén lau những giọt nước mắt. Phong nghĩ, cũng đúng, bởi đâu phải mình khóc trong lòng, mà sau này người khác hát cũng sẽ phải đồng tâm trạng. Chẳng lẽ các ca sĩ yêu bài này cũng phải chịu vận mệnh như mình sao?

Nhìn những giọt mưa ngâu của Ngưu Lang – Chức Nữ vẫn tuôn trào chưa ngơi nghỉ dội xuống qua ô cửa, Phong thấy sao phũ phàng tựa đời mình quá. Thôi thì sửa tựa cho nhẹ nhàng hơn và “Vạn cổ sầu” được đổi thành “Giọt mưa thu”.

Có lẽ bài hát như một lời tạ từ, điềm báo trước và cũng là di chúc cuối cùng nên chẳng bao lâu sau chàng nhạc sĩ tài hoa, bạc mệnh, yểu đời: Đặng Thế Phong đã mang theo “Vạn cổ sầu” mãi đi vào màn đêm nhạt nhòa khi mới 24 tuổi tại quê hương Nam Định của mình vì căn bệnh của những người nghèo: bệnh Lao.

3- XUẤT XỨ BÀI ÁO LỤA HÀ ĐÔNG 

Ai trong chúng ta cũng đã từng hát một lần bài " ÁO LỤA HÀ ĐÔNG" của nhạc sĩ NGÔ THỤY MIÊN, nhưng mấy ai biết rằng bài hát này lại có xuất xứ từ một cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Việt Nam.

Năm 1930, xứ Bắc Kỳ đã tổ chức cuộc thi người đẹp (giống như thi Hoa hậu bây giờ) với những ấn tượng lạ: không phải ở Hà Nội mà ngay tại tỉnh Hà Đông; các cô gái bất cứ lứa tuổi, kể cả đã có chồng, ngành nghề gì cũng đều được tham gia; phải mặc áo lụa của xứ Hà Đông.

Người đăng quang trong cuộc thi là người đẹp LÝ LỆ HẰNG, xuất thân từ một nông dân nghèo tỉnh Thái Bình. Do cuộc sống mưu sinh, cô phải lên Hà nội làm nghề hát cô đầu cho các quán rượu.

Sau khi thay đổi cuộc đời, cô trở nên nổi tiếng và là niềm ước mơ của bao công tử nhà giàu trong cả nước. Tuy nhiên chẳng ai có thể với tới được móng chân của người đẹp "chân lấm, tay bùn" bởi chỉ một thời gian sau Quốc Vương Bảo Đại đã chọn LÝ LỆ HẰNG làm người tình.

Có lẽ cũng như bao chàng trai si mê sắc đẹp khác, dù đã trải qua hơn 20 năm sau, nhà thơ NGUYÊN SA vẫn mơ tưởng đến nụ cười, ánh mắt khuynh đảo của hoa hậu đầu tiên và buộc ông phải viết bài thơ ca ngợi người đẹp mặc áo lụa ấy.

Mãi đến năm 1969, khi nghe câu chuyện về hoa hậu "thuần nông" phút chốc trở thành người yêu của ông vua cuối cùng Việt Nam, chàng trai 21 tuổi NGÔ THỤY MIÊN đã viết nên ca khúc nổi tiếng "ÁO LỤA HÀ ĐÔNG" được phổ lời từ bài thơ của NGUYÊN SA như để ngưỡng mộ những cô gái tựa như đóa sen vươn lên từ đầm lầy.

 4- XUẤT XỨ BÀI NỮA HỒN THƯƠNG ĐAU

Vào những năm 60, báo chí Sài Gòn hao tốn rất nhiều giấy mực vì phải đăng nhiều kì vụ li dị giữa ca sĩ Khánh Ngọc và nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tòa án xét xử nhiều lần chưa xong, vì thế vụ việc càng làm họ trở nên nổi tiếng hơn.

Lúc đó, chàng nhạc sĩ họ Phạm là thành viên chính trong ban hợp ca Thăng Long, ban nhạc đình đám nhất cả nước lúc ấy bởi các thành viên của nhóm nhạc đều là những ngôi sao đương thời như: vợ chồng ca sĩ Thái Hằng - Phạm Duy, ca sĩ Thái Thanh, vợ chồng ca nhạc sĩ Phạm Đình Chương – Khánh Ngọc…

Vợ của nhạc sĩ họ Phạm này là một ca sĩ được nhiều người biết đến với tên gọi “ngọn núi lửa” bởi cô có bộ ngực hấp dẫn và thường quyến rũ khán giả nam say đắm mỗi khi cô lên hát.

Trước khi đưa đơn ra tòa, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã nghe phong phanh vợ mình ngoại tình. Nhưng vì tình yêu nên ông vẫn tin tưởng vợ và bỏ ngoài tai tất cả những tin “lá cải” ấy. Chỉ đến khi một số người bạn hẹn ông đi bắt ghen tại Thủ Thiêm thì sự việc mới đổ bể. Chẳng hiểu sao báo chí biết rất nhanh và vụ “ăn chè Thủ Thiêm” được mọi người biết đến như một chuyện khôi hài đương thời.

Kẻ trong cuộc gây ra đổ bể này không ai xa lạ hơn lại chính là người anh rể của ông. Nhạc sĩ nổi tiếng thuở ấy: Phạm Duy.

Người đau lòng nhất: chàng nhạc sĩ. Anh rất yêu thương vợ, nhưng cả dư luận xã hội đều rõ tường tận nên đành phải gửi đơn xin li dị. Đây là quãng thời gian đau khổ, ông không còn tâm trí biểu diễn cùng các anh chị trong ban hợp ca nữa mà lui về trong bóng tối viết những tình ca buồn như để tâm sự với chính mình trong gương. Một loạt bài hát mang tâm trạng như thế ra đời: “Đêm cuối cùng”, “Người đi qua đời tôi”, “Khi cuộc tình đã chết”, “Thuở ban đầu”, “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”…

Sau li dị, ông được quyền nuôi con trai khi ấy mới khoảng 4 – 5 tuổi, bắt đầu đi biểu diễn trở lại. Một lần, tình cờ ông gặp vợ mình trên sân khấu của chương trình nhạc hội. Cuối buổi diễn ông có nhã ý muốn được tiễn cô về vì trời đang mưa nhưng Khánh Ngọc từ chối.

Ông lặng lẽ trở về căn nhà kỉ niệm, nhìn qua màn mưa nhớ về những ngày hạnh phúc giờ trôi theo dòng nước, tan vỡ như những bong bóng mưa. Một người vẫn còn đây, người còn lại đã rời xa. Trái tim yêu đã chia làm đôi. Lời thề vỡ vụn… Chịu đựng không nổi nỗi đau dằn xé, ông dự định tìm đến cái chết nhưng đúng lúc ấy tiếng khóc con trẻ đòi mẹ trong đêm làm ông phải vụt ôm con vào lòng dỗ dành mà nước mắt tuôn trào…

Hình ảnh của đêm khốn cùng ấy đã đi vào từng lời của bài hát “ Nửa hồn thương đau” được ông viết trong đêm rã rời đó như lột tả từng mảng tâm trạng bị chà xát. Nếu ai đã nghe một lần bài hát này và cũng đồng cảm với cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sẽ hiểu được tâm hồn con người chỉ có thể chịu đựng một giới hạn nhất định.

Dẫu là một bản tình ca, nhưng khi nhắc tới nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người ta lại nghĩ ngay đến “Nửa hồn thương đau” bởi sự bất hủ của tuyệt tình ca và sự chung thủy trong tình yêu của một người đàn ông. Sau này ông đã ở vậy nuôi con và ra đi lặng lẽ tại California năm 1991.

 5- XUẤT XỨ BÀI GỬI GIÓ CHO MÂY NGÀN BAY


Vào đầu thập niên 50, một nhà tỷ phú trẻ từ Hải Phòng lên tận nhà hát Lớn Hà nội để xem đoàn hát Sài Gòn ra diễn. Sau đêm đầu, chàng đã ở lại và xem tiếp những đêm sau chỉ vì đem lòng hâm mộ cô ca sĩ chính của đoàn: ca sĩ MỘC LAN.

Khi đó ca sĩ MỘC LAN đang là một ngôi sao lớn của cả nước, không chỉ đẹp, đoan trang, hiền lành mà cô còn nổi tiếng bởi đang sống rất hạnh phúc bên chồng cũng là một ca sĩ hàng đầu: ca sĩ CHÂU KỲ. Hai người từng được mệnh danh là cặp tài tử giai nhân, trai tài gái sắc.ở lại câu chuyện Công tử đất Cảng Hải phòng, khi cô ca sĩ về Sài Gòn, vì tương tư, anh cũng liền mua vé bay vào tìm cách gặp gỡ. Nhưng vì biết họ đang yên bề gia thất, hạnh phúc bên nhau nên chàng dùng kế “mưa dầm thấm lâu”. Nhà tỷ phú đã đặt khoản tiền rất lớn cho một tiệm hoa trên đường Nguyễn Huệ với điều kiện nơi đây phải làm theo lời đề nghị bí mật của anh Từ ngày ấy, mỗi sáng khi mở cửa nhà, cô ca sĩ đều nhận được một bó hoa hồng tươi thắm (trị giá món quà lãng mạn đó bằng 3 bữa ăn cho một gia đình trung lưu thuở ấy). Đều đặn như thế mà ca sĩ Mộc Lan vẫn không hề biết tên người hâm mộ mình, cũng như mục đích của người tặng. Tuy nhiên, với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, cô dần quyến luyến với người vô hình và trở nên nôn nóng chờ đợi đêm qua thật nhanh để sáng sớm được ôm bó hoa thơm ngây ngất.

Suốt 3 tháng trời, không thể chờ đợi được nữa, cô liền ra tiệm hoa Nguyễn Huệ và nhờ chuyển một bức thư cho người “vô danh, ẩn tích” với những lời cám ơn chân thành và một chút ẩn ý ngọt ngào. Như mưa gặp bão, khi nhận được những lời nói mà chàng hằng mong đợi, ngay trong đêm đó chàng công tử đã thức suốt để mơ mộng, thả hồn theo gió vào Nam, ngất ngây với tâm hồn kẻ đa tình và sáng sớm ra Bưu điện để gởi nhanh cho nàng một lá thư. Trước khi dán phong thư, chàng còn không quên xịt ít nước hoa vào và hôn nhẹ lên tờ giấy poluya màu xanh (loại giấy mỏng, dùng viết thư tình, chỉ đến khi thời đại computer ra đời người ta mới quên dùng giấy này để viết thư) Nhận thư, ca sĩ MỘC LAN vô cùng bàng hoàng sững sờ, bởi trong đó không phải là những lời nói tỏ tình, yêu đương mà chỉ có một bài hát. Các khuông nhạc được kẻ bằng tay cẩn thận, lời hát được viết nắn nót trên nền tờ giấy mỏng tanh tình tứ “gửi bướm muôn màu tìm hoa, gửi thêm ánh trăng, màu xanh lá thư, về đây với thu trần gian…” chứng tỏ người theo đuổi nàng bấy lâu rất thật tình và gửi gắm hết tâm huyết thương mến.

Nàng còn ngạc nhiên hơn khi biết bài hát được sáng tác chỉ trong một đêm và viết dành riêng tặng cho nàng. Điều đặc biệt, tác giả tình khúc ấy là người không chỉ nổi tiếng giàu có nhất ở đất Cảng, khắp Bắc Kỳ, mà khi đó ông cũng đang là một nhạc sĩ lừng danh với tên gọi “ông Vua Slow – ĐOÀN CHUẨN” không ai không biết tên tuổi. Ngay hôm sau, trên sân khấu Sài Gòn, ca sĩ MỘC LAN đã hát vang “ GỬI GIÓ CHO MÂY NGÀN BAY ” của nhạc sĩ ĐOÀN CHUẨN (1924 – 2001). Chỉ trong một thời gian ngắn bài hát trở nên nổi tiếng với những giai điệu du dương, lời hát êm ái, sâu sắc và lãng mạn. Nhưng cũng từ khi câu chuyện tình nghệ sĩ này “thanh thiên, bạch nhật” thì mái ấm hạnh phúc của gia đình trai tài, gái sắc MỘC LAN – CHÂU KỲ cũng “gửi gió cho mây ngàn bay”. Bởi ít lâu sau nàng đã ngã vào vòng tay của chàng công tử đa tình đất Cảng.

6- XUẤT XỨ BÀI NỖI LÒNG

Phố Khâm Thiên những năm 30 là nơi phức tạp nhất của đất Hà Thành, ở đây tập trung những quán cô đầu, lầu xanh, nhà chứa, thuốc phiện, sòng bài, khu nhà ổ chuột … , tất tần tật các tệ nạn xã hội. Thế nhưng giữa vũng bùn như thế lại mọc lên một đóa sen tinh khiết - Một câu chuyện tình trinh son.

Còn đang học đệ thất (lớp 7 ngày nay), nhưng cậu bé Khánh đã để ý cô bé cạnh nhà. Vì còn quá nhỏ, ngây thơ, nên cả hai chẳng dám cho ai biết họ đang có tình ý. Để gặp nhau nói mấy câu bóng gió, thường thì cô cậu giả vờ vô tình cùng làm những chuyện gì đó ngay bên hàng rào, như phơi quần áo, xách nước giếng, quét sân, rửa bát… đây cũng là dịp hiếm hoi sau giờ học hoặc khi người lớn đi vắng.

Tình yêu non nớt, vụng dại vẫn kéo dài cho tới năm chàng Khánh học đến lớp đệ nhất. Đến kì thi Thành chung (tốt nghiệp phổ thông hiện nay) thì Khánh bị rớt. Biết vì phân tâm do yêu, không lo học, cô bé hàng xóm tránh mặt, không gặp nữa dù hai nhà chỉ cách nhau một hàng rào. Nàng gửi lời nhắn tới Khánh: khi nào thi đậu Thành Chung thì mới thấy nhau. Trong thời gian chàng lo dùi mài kinh sử để thi lại, đột ngột, chỉ trong một đêm gia đình cô gái chuyển gấp lên Thái Nguyên, nơi người cha sẽ tới làm việc. Không được gặp người yêu, Khánh chỉ kịp chuyển tới nàng một chiếc khăn tay. Kì thi ấy Khánh có bằng Thành Chung. Có kết quả, Khánh tức tốc đón xe lên Thái Nguyên. Sau bao tháng chưa nhìn thấy người yêu, sau bao thời gian xa cách, dồn nén nhớ thương, tình yêu của họ giờ mới có dịp nảy nở. Tựa như hạt mầm dưới lớp đất phủ, chỉ chờ đêm mưa đã vội vã vươn lên thành lá non. Chàng dám công khai chuyện tình cảm với gia đình nàng sau khi có việc làm trong ngành điện của thành phố.

Cũng cần nói thêm, thuở ấy, đường từ Hà Nội lên Thái Nguyên không thuận tiện như ngày nay. Xa hơn cả trăm hai chục cây số và phải đi bằng nhiều phương tiện khác nhau: tàu hỏa, ô tô, phà và cả băng rừng, chưa kể những nguy hiểm của cuộc chiến, thú dữ. Gần như mất cả ngày mới tới nơi. Vậy mà mỗi chiều thứ bảy Khánh lại bỏ Khâm Thiên sau lưng, lặn lội suốt đêm, sáng lên gặp nàng và trưa Chủ nhật vượt quãng đường xa về lại Hà Nội. Đều đặn từng tuần như thế. Mỗi lần gặp nhau họ lại xách đàn lên một ngọn đồi trước nhà nàng để hòa nhịp cùng gió trời thổi sáo vi vu trên những ngọn thông. Một lần, do bận công việc nên hai tuần liền chàng không thể đi như đã hẹn. Cuối tuần thứ ba chàng mới khăn gói lên thăm. Tới nhà, một không khí ảm đạm, buồn bã bao phủ. Cha nàng lặng lẽ đưa chàng một chiếc hộp gỗ. Đây là chiếc hộp từng đặt chiếc khăn tay và chàng trao tặng đêm gia đình nàng rời khỏi Hà Nội ngày xưa . Bên trong vẫn còn nguyên chiếc khăn trắng có thêu hình đôi chim bồ câu và một xấp thư mà chàng đã từng gửi trong những ngày không gặp. “Gió Thái Nguyên rét về Yên Thế Đất Thái Nguyên nước độc, rừng thiêng” Sau vài ngày bạo bệnh, nàng đột ngột ra đi. Ôm đàn lên ngọn đồi thông, chàng vật mình vào ngôi mộ người yêu còn thơm mùi đất, chưa kịp mọc cỏ non. Những giây phút lãng mạn hạnh phúc tuột vụt vào quá khứ. Chẳng còn tiếng gió vi vu thổi sáo trên lá, chẳng còn người yêu nghiêng tai nghe đàn. Thay vào đó là ngọn gió đông ào ạt như quất rát xuyên qua lồng ngực đớn đau, chĩa thẳng vào tim. Nước mắt chưa kịp rơi đã bay ngược hư vô. Kỉ niệm cùng nàng tuôn trào theo từng tiếng đàn rời rã “ yêu ai, yêu cả một đời, tình quá khắt khe khiến cho đời ta, đau tủi cả lòng, vì yêu ai mà lòng hằng nhớ …”. Bài hát “Nỗi lòng” đã nghiệt ngã ra đời bên một ngôi mộ mới, trên một đồi thông chất chứa như tiếng khóc ai oán của một cuộc tình chưa chạm tay tới hạnh phúc. “…Lòng vẫn biết nếu yêu rồi một ngày Là đến với đớn đau Nhưng sao trong ta vẫn yêu vẫn nhớ Dù sao, dù sao nếu có một ngày Một ngày gieo trong tim ta Là tình yêu kia ly tan Mà lòng vẫn thương vẫn nhớ…”

Về lại Hà Nội, về lại ngõ nhỏ trong phố Khâm Thiên. Cùng với tác phẩm đầu tay “NỖI LÒNG”, chàng trai trẻ chỉ kịp giãi bày nỗi đớn đau tột cùng của mình trong một tuyệt tình ca nữa “CHIỀU VÀNG”, sau đó ông mãi về cõi xa cùng người yêu ngay tại ngôi nhà nhỏ có hàng rào xưa đầy kỉ niệm. Dẫu là một người viết nhạc không chuyên, chỉ với 2 bài duy nhất trong cuộc đời, nhưng NGUYỄN VĂN KHÁNH vẫn được đặt vào hàng ngũ những nhạc sĩ tài danh của dòng nhạc Tiền chiến.

7- XUẤT XỨ BÀI EM ƠI HÀ NỘI PHỐ

Cứ độ tháng 11, 12 thì trời Sài Gòn dẫu đang là nắng chói chang nhưng trong tôi cồn cào lên nỗi nhớ rét mùa đông. Còn cả ngàn nỗi nhớ cỏn con mà quay quắt như vậy…

Cái se lạnh cuối thu và gió heo may với ly cà phê đen nghi ngút khói trong quán nhỏ sớm mai. Căn phòng chật cùng những ly “quốc lủi"? và những thoáng say với vẻ mặt trầm ngâm của những bạn bè nghệ sĩ nghèo. Nụ hôn lạnh mùa đông, vòng tay bồi hồi ướt giá dưới một tri mưa bụi của những ngày tháng tình yêu còn nồng ấm. Rồi nỗi nhớ về căn nhà tôi đã sống ở Hà Nội qua suốt tuổi ấu thơ mà mùa đông năm 1972 khi những cành bàng trụi lá thì căn nhà ấy, và người bạn thân thiết nhất của tôi cũng vĩnh viễn bị bom B52 dập vùi. Thay vào đó là tượng đài về những người đã chết như một vết sẹo dẫu đã phủ kín rêu xanh mà chẳng bao giờ nguôi rát bỏng mỗi lần tôi nghĩ tới.

Rồi một ngày ngẫu nhiên gặp Phan Vũ trên đường Sài Gòn. Anh đưa tôi một bài thơ thật dài “Em ơi, Hà Nội phố". Tôi đọc lần đầu tiên mà như đã đọc từ rất lâu, như chính tôi vẫn thường nghĩ thế: “Em ơi, Hà Nội phố ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa… Ta còn em… Ta còn em… Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng… Chợt hoàng hôn về từ bao giờ... Đọc xong bài thơ linh cảm mách bảo cho tôi đó sẽ là bài ca mà tôi yêu thích. Tôi tin vào linh cảm ấy và bài thơ dài hàng trăm câu sang bài ca chỉ còn lại vài câu.

Vẫn biết một bài ca có đáng là bao để trả cho món nợ ra đi. Nhưng, bài ca được viết ra tôi đã được giải thoát dù chỉ là phần nào và dẫu ít ỏi tôi cũng đã xây được chút gì cho kỷ niệm (một lần hành hương về dĩ vãng). Một chút gì nhỏ nhoi cho Hà Nội, nơi chứng kiến bao buồn vui của tôi trong suốt nửa cuộc đời.

(Ns. Phú Quang) 

8- XUẤT XỨ BÀI HÀN MẶC TỬ

Đứng từ con đường mới mở chạy ngang sườn núi ven thành phố Quy Nhơn (Bình Định), vào những ngày trời ít sương mù, người ta có thể nhìn thấy những mái nhà của làng phong Quy Hoà lô xô ven biển. Con đường dốc đổ xuống nơi thi sỹ Hàn Mặc Tử sống những ngày cuối đời hơn nửa thế kỷ trước, lượn quanh co, vắng heo hút.

 Ông được chôn trong nghĩa địa của làng phong.một nấm đất nhỏ như kích cỡ của hàng trăm ngôi mộ khác, xếp theo dãy thứ tự, nằm lặng lẽ trong muôn vàn cái chết lặng lẽ của người mắc bệnh cùi – vốn không có gia đình, hay nhiều bè bạn khi cuối đời.

Suốt 19 năm Hàn nằm lại trong nghĩa địa làng phong. Theo lời kể của nhiều nhà nghiên cứu về cuộc đời và thơ Hàn, trong thời gian đó, do hoàn cảnh chiến tranh, đường giao thông không thuận lợi và điều kiện khó khăn, nên mãi đến ngày 13.01.1959, gia đình và bạn bè mới cải táng sang địa điểm mới cho người đã chết. Buổi lễ cải táng cho nhà thơ được tiến hành khá đơn giản: chỉ có hai người chị, hai người em, ba người bạn và một vị linh mục tham dự.

Đến năm 1991, nhạc sỹ Trần Thiện Thanh cùng một số nhạc sỹ khác yêu mến tài năng thơ trẻ này đã đóng góp tiền để xây dựng một ngôi mộ - đài tưởng niệm, trên nền mộ cũ của Hàn.

Cảm động vì số phận của một nhà thơ lớn suốt hàng chục năm phải nằm nhỏ nhoi, quạnh quẽ, sau một lần viếng thăm mộ Hàn Mặc Tử, nhạc sỹ đã sáng tác bài hát về Hàn Mặc Tử và đau đáu nuôi ý định: “Nơi một thi sỹ lớn đã sống những ngày cuối đời và nằm cô quạnh suốt hai mươi năm, chẳng lẽ không có một dấu vết gì để nhớ?”.

9- XUẤT XỨ BÀI DIỄM XƯA

Sơn bắt đầu câu chuyện. Hai chị em đều đẹp và quí phái. Tôi theo cô Diễm. Mối tình học trò, có lẽ đơn phương, kéo dài từ khi tôi còn ở Huế cho đến lúc vào Sài Gòn trọ học. Cha mẹ Diễm khó và không thích tôi. Nhưng tôi vẫn cứ đeo đuổi hình bóng của Diễm, bởi Diễm cũng chưa có biểu hiện nào xa lánh tôi và cũng không có lời lẽ cự tuyệt. Năm đó tôi thi trượt Bac II. Diễm đậu và vào Sài Gòn để vào đại học Văn Khoa. Còn tôi thì về lại Huế, bỏ ngang việc học vì gia đình đang lâm cảnh sa sút. Phần buồn, phần tự ái, tôi không còn tìm cách liên lạc với Diễm nữa. Có lẽ vì vậy mà Diễm cũng lơ luôn.

Diễm đâu biết rằng trong thời gian này tôi đau khổ nhất. Tôi đã cố nén mọi khổ đau trong im lặng. Sự khổ đau và nhớ nhung dày vò tôi từng đêm, tôi đã phải viết nên bài "Diễm Xưa" để trút bớt nỗi khổ đau trong lòng. Nhưng có điều lạ là khi tôi viết xong bản nhạc này, tôi lại thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy vơi đi rất nhiều nỗi nhớ và tình yêu. Trong lòng tôi bấy giờ chỉ còn một chút tình mong manh như sương, như khói. Nó không còn nồng nàn, mãnh liệt như trước kia. Một dịp tôi vào Sài Gòn, tìm đến cư xá nơi Diễm đang nội trú với ý định tặng nàng bản nhạc để làm kỷ niệm một thời tuổi trẻ, rồi thôi. Nhưng không gặp được Diễm. Tôi nhờ mấy cô bạn gái đang đứng ngoài cổng trao lại dùm. Khi tôi quay lưng đi được một quãng thì nghe tiếng Diễm từ trên "ban công" gọi theo:

- Anh Sơn! Anh Sơn! Anh Sơn ơi!

Nhưng tôi không ngoái lại. Tôi cắm đầu đi thẳng. Tiếng gọi tên tôi vẫn còn văng vẳng sau lưng. Từ ấy đến nay, tôi tự nhủ lòng, sẽ không bao giờ tìm gặp lại Diễm nữa.

 10- XUẤT XỨ BÀI GỢI GIẤC MƠ XƯA 

Năm 1954, ông quen cô gái có cái tên khá dễ thương: Lê Thu Hiền. Gia đình cô gái này vốn là người Bắc định cư tại Sài Gòn. Tình cảm hai người ngày càng đằm thắm, và ông luôn tin rằng cuộc tình ấy sẽ mang đến những điều như ông hằng mong ước. Bỗng một ngày, cô nói với ông rằng có người đang hỏi cưới cô. Ông liền liều đến nhà cô để gặp người bố và thưa chuyện hai đứa, nào ngờ chẳng ngăn được số phận, thời gian sau cô thật sự đi lấy chồng, lấy anh giám đốc trường dạy lái xe Auto Ecole Mayer.

 Đó là thời điểm giáp tết Ất Mùi (1955), ngày cô lên xe hoa, ông ngồi ở quán cà phê cạnh nhà cô, nhìn thấy cô mặc lễ phục cô dâu, ôm bó hoa trắng. Đám cưới ấy to lắm, đoàn rước dâu đi một vòng rồi mới về nhà chú rể. Mỗi vòng bánh xe quay là mỗi lần nghiền nát tim ông. Nỗi buồn, sự đau đớn dâng ngập trong lòng ông. Đoàn xe cưới qua đi, ông bần thần trở về căn gác trên đường Lý Thái Tổ, vùi mình trầm tư và lúc ấy dường như bao nhiêu nỗi đau lại tuôn ra. Bài Gợi giấc mơ xưa được ra đời trong trạng thái đó. Thương em thì thương rất nhiều mà duyên kiếp lỡ làng rồi... Cả phần nhạc lẫn phần lời chỉ hoàn thành trong vòng khoảng 10 phút!   ST

11-CA KHÚC MẶT TRỜI BÉ CON CỦA TRẦN TIẾN

Nhạc sĩ Trần Tiến bật mí điều ít biết về 'Mặt trời bé con'

(PLO)-Bài hát Mặt trời bé con được đặt bút viết dành tặng một cô bé, người đã khơi gợi ký ức trèo ống máng ở nhà hát xem ké của chính nhạc sĩ Trần Tiến.

Mới đây, trong chương trình Ký ức vui vẻ được phát sóng trên kênh truyền hình VTV3, nhạc sĩ Trần Tiến đã có những giây phút bộc bạch cũng khán giả về bài hát Mặt trời bé con. Theo nhạc sĩ, bài hát được ra đời vào những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi ông đọc thư của một cô bé nghèo thường xem trộm ông hát.

Trong thư cô bé ấy viết: “Chú Tiến ơi, ngày nào chúng cháu đi học về cũng lấy cái đinh chọc vào hàng rào xung quanh Hội Nhạc sỹ để nhìn qua khe nghe chú hát. Bởi chúng cháu nghèo lắm làm gì có tiền để mua vé”, nhạc sĩ Trần Tiến kể.

Bức thư đã khiến nhạc sĩ nhớ lại về chính tuổi thơ nghèo khó của ông, cũng đã từng treo ống máng của Nhà hát Lớn Hà Nội để xem vì không có tiền mua vé. Đặc biệt, trong một đêm khi nhạc sĩ Trần Tiến đang hát thì trời đổ mưa, từ sân khấu ông thấy cô bé nghèo ấy vẫn cứ đứng ngoài mưa, chính điều đó đã mang cho đoạn cuối của bài hát hình ảnh, “Trời mưa quá em ơi, bài ca ướt mất rồi còn đâu. Trời mưa đến bao lâu mà sao em vẫn chờ, vẫn đợi. Hạnh phúc quá đơn sơ, đời tôi đâu có ngờ từng đêm em vẫn chờ, vẫn chờ đợi dưới mưa”.

“Điều đó đánh động lên tuổi thơ nghèo khó của bất cứ ai, và tôi đã viết bài hát này để tặng con bé”, nhạc sĩ chia sẻ.

Bài hát ban đầu có tên Viết tặng cô bé không có tiền mua vé xem hát, đúng với hoàn cảnh ra đời của ca khúc này, về sau chính ông đã đổi tên thành Mặt trời bé con. Đến nay ca khúc đã được hơn 40 năm tuổi, nhưng chưa bao giờ ngừng lôi cuốn người nghe mỗi khi ca khúc được vang lên, và được chọn làm nhạc nền cho nhiều chương trình dành cho thiếu nhi.

12 - CA KHÚC NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI CỦA ANH BẰNG

Từ thời thập niên 1940, chứng kiến hoàn cảnh ly loạn, các nhạc sĩ thời tiền chiến đã sáng tác những ca khúc có nội dung như vậy và đã trở thành bất hủ, và được yêu thích nhất có lẽ là Nỗi Lòng Người Đi, một ca khúc được nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác trong 10 năm. Ông đã kể về bài hát này như sau:

“Khi lên tàu di cư vào miền Nam năm 1954, tôi đã có cảm hứng viết nhạc phẩm này. Nhưng đâu phải viết một lần là xong mà phải mất tới mười năm, sửa chữa nhiều lần và đến năm 1965 mới cho phổ biến bản này. Khi bản Nếu Vắng Anh phát hành được công chúng yêu chuộng thì tôi hứng khởi hoàn tất bản Nỗi Lòng Người Đi để tiếp tục cái đà sáng tác đang đi tới. Thực ra bản này được thai nghén đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình khi từ giã miền Bắc vào Sài Gòn. Hồi còn trẻ cũng có viết mấy bản nhạc đầu tay nhưng không được phổ biến, cho nên bây giờ cũng không còn nhớ rõ, và coi như là Nỗi Lòng Người Đi là đứa con đầu lòng mặc dù nó ra mắt chậm hơn bản Nếu Vắng Anh”.

“Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu” là câu mở đầu cho nhạc phẩm nổi tiếng đã nói thay được cho tâm sự của hàng triệu người. “Hà Nội” ở đây không còn là một địa danh riêng của tác giả, mà đã trở thành mỗi nơi cho mỗi người nghe nhạc, vì nếu ai cùng chung hoàn cảnh phải lìa xa quê hương và người yêu xưa thì đều yêu thích từng lời ca được bật lên từ “nỗi lòng người đi” này:

Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu

Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều

Hà Nội ơi nào biết ra sao bây giờ

Ai đứng trông ai ven hồ, khua nước trong như ngày xưa…

Tuổi mười tám là tuổi vừa biết mộng mơ khi bước vào đời, nên khi vừa biết mới bước vào đường yêu, lòng tràn đầy tha thiết cùng chung mộng ước về tương lai. Nhưng khi xa Hà Nội rồi thì “bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều”, tình yêu bị ngăn cách không phải do lòng người, mà vì hoàn cảnh phải chia xa rời nhau mỗi người mỗi phương trời khác.

Chàng trai luôn nhớ về quê và người yêu cũ, khi nỗi lòng chất ngất dâng cao, mới gọi tên quê quán thiết tha với nỗi lòng tha thiết của người đi xa, câu “Hà Nội ơi nào biết ra sao bây giờ” chứa đầy tình yêu và luyến tiếc pha với nỗi lo trăn trở của người đi xa, khi đã ra đi biền biệt không biết ngày nào mới trở lại.

Hình ảnh “Ai đứng trông ai ven hồ, khua nước trong như ngày xưa” thật đơn sơ và đẹp đẽ, tả người con gái Hà Nội đứng chờ người yêu ven hồ. Những lần hẹn hò bên hồ nước hữu tình đã khắc sâu mãi trong ký ức để nhớ nhung hoài về cảnh cũ người xưa

13 - CA KHÚC THÀNH PHỐ BUỒN CỦA LAM PHƯƠNG

Năm 1959, nhạc sĩ Lam Phương lập gia đình với nữ kịch sĩ Tuý Hồng khi 22 tuổi và có một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên khoảng thời gian sau đó, ông đã có những mối tình thoáng qua với 1 số nữ ca sĩ xinh đẹp như Minh Hiếu, Bạch Yến và Hạnh Dung. Từ những mối tình này, ông đã có cảm hứng để sáng tác nhiều ca khúc nhạc vàng bất hủ. Viết cho Bạch Yến là các ca khúc Tình Bơ Vơ, Chờ Người, Tiễn Người Đi, Thu Sầu,… viết cho Minh Hiếu có Biển Tình, Em Là Tất Cả, Biết Đến bao Giờ… với ca sĩ Hạnh Dung là các ca khúc Phút Cuối, Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi và Thành Phố Buồn.

Trong số đó, có lẽ bài Thành Phố Buồn nổi tiếng và được yêu thích hơn cả. Nhạc sĩ Lam Phương nói rằng trong số những bài hát của ông thì Thành Phố Buồn được thu âm nhiều nhất. Một ca khúc không có chữ Đà Lạt nào, nhưng khi thưởng thức bài hát, cả một không gian Đà Lạt mờ sương lãng đãng đã vây tràn cảm xúc của người nghe nhạc.

Bài hát này được ông viết khi đang trải qua chuyện tình với cô ca sĩ Hạnh Dung, vốn không nổi tiếng vì chỉ hát trong Biệt đoàn văn nghệ trung ương, nơi nhạc sĩ Lam Phương đang công tác.

Hoàn cảnh sáng tác của bài Thành Phố Buồn được kể lại rằng trong một lần ông đi công tác trên Đà Lạt mà không có người yêu đi cùng, rồi ray rứt nhớ lại kỷ niệm xưa, đã nhiều lần ông hẹn hò cùng Hạnh Dung ở thành phố sương mù này. Vào một buổi chiều, khi đồng nghiệp đã ra ngoài ăn cơm, một mình Lam Phương ngồi trong căn nhà trọ lưng chừng đồi nhìn xuống thung lũng, phong cảnh hữu tình làm ông tha thiết nhớ người yêu và có cảm xúc để viết thành ca khúc:

“Thành phố buồn nhớ không em

Nơi chúng mình tìm chút êm đềm

Quỳ bên em trong góc giáo đường

Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương

Chúa thương tình, sẽ cho mình, mãi mãi gần nhau”.

Lam Phương cũng cho biết rằng cái cớ nhớ người yêu chỉ là một trong những yếu tố cảm xúc, lý do chính tạo nên cảm hứng của sáng tác Thành Phố Buồn là ông gặp được phong cảnh nên thơ lãng mạn của thành phố sương mù, rồi tưởng tượng thêm những hình ảnh về một đôi tình nhân quỳ trong góc giáo đường, xa cách nhau vì nàng trốn phong ba để làm dâu nhà người.

Trong bài hát này, có câu hát nhạc sĩ Lam Phương viết như sau:

Rồi từ đó TRỐN phong ba, em làm dâu nhà người.

Tuy nhiên, hầu hết các ca sĩ Việt Nam đều hát ‘CHỐN phong ba em làm dâu nhà người’.

Sự việc này đã được ca sĩ Phương Dung đính chính nhiều lần trên báo đài. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thính giả không đồng ý và cho rằng lời đúng của bài hát phải là “chốn phong ba” mới đúng. Để làm rõ hơn về câu chữ này, chúng ta có thể lật lại tờ nhạc gốc do chính tác giả phát hành trước năm 1975, và thấy tờ nhạc ghi rõ là “TRỐN phong ba”.

Ngoài ra, chính xác nhất là hỏi trực tiếp nhạc sĩ Lam Phương xem ông sử dụng chữ nào trong sáng tác của mình. Vào 3 năm trước, ca sĩ Huỳnh Phi Tiễn đã phỏng vấn nhạc sĩ Lam Phương và đưa ra câu hỏi về vấn đề này, ông đã trực tiếp nói như sau:

Bởi vì TR và CH gần giống nhau nên nhiều ca sĩ họ nghe không rành, vì không có bản gốc để đối chiếu nên họ tưởng tôi viết là “chốn phong ba”, nhưng thật ra là TRỐN, “trốn tránh phong ba” để đi làm dâu người ta. (Lam Phương)

14 - TÔI ĐƯA EM SANG SÔNG THEO LỜI KỂ CỦA NHẠC SỸ NHẬT NGÂN

Nhạc sĩ Trường Kỳ, một cây bút chuyên viết đời sống và tác phẩm của các văn nghệ sĩ, trong một bài viết vào năm 2000, đã thuật lại nguồn gốc của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông theo lời kể của nhạc sĩ Nhật Ngân, và dưới đây là vài đoạn chính: “Theo lời tâm sự của Nhật Ngân, đáng lẽ ông đã trở thành một nhạc công vĩ cầm như người em họ là Nhật Hiền, nhưng vì gia đình ông quá nghèo, không mua nổi cây đàn cho ông. Do đó, ông đành quyết định thôi học. Vì lòng đam mê âm nhạc và nhất là nhờ ở khả năng thiên phú của mình, Nhật Ngân đã hoàn thành nhạc phẩm đầu tay khi ông mới vừa 18 tuổi vào năm 1960. Ðó là một ca khúc tình cảm mang tên Tôi đưa em sang sông.

Mặc dù chưa có phương tiện phổ biến rộng rãi trong thời gian đầu, nhưng Tôi đưa em sang sông đã trở thành một ca khúc được giới học sinh, sinh viên Ðà Nẵng rất ưa thích, chép tay truyền cho nhau hát.

Sau đó Nhật Ngân gửi ca khúc này vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến giùm, với sự sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho hợp với đường lối của Bộ Thông tin lúc đó không cho phép phổ biến những nhạc phẩm ủy mị, ướt át. Câu “Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời. Và đời em là cánh hoa thì bao người ước mơ, đưa đón trông chờ” được nhạc sĩ Y Vân đổi thành “Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời. Mà đời em là ước mơ đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ” cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.

Câu kết của bản chính là “Nàng đã thay một lối về, thay cả bàn tay đón đưa” cũng đã được Y Vân đổi thành “Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa”. Sự thay đổi lời ca này đã khiến cho tác giả cảm thấy “hẫng” đi một chút, như lời ông nói, vì không đúng với tâm trạng của mình khi đến lúc đó, chưa hề trải qua đời sống trong quân ngũ.

Hơn nữa, vì tác giả còn là một người chưa có tên tuổi nên cần nhờ tới một nhạc sĩ nổi tiếng đứng chung tên để Tôi đưa em sang sông đến với quần chúng dễ dàng hơn. Khi được phát hành, Tôi đưa em sang sông được ký tên bởi hai người là Trần Nhật Ngân và Y Vũ“.

Nhạc sĩ Nhật Ngân qua đời ngày 21 tháng 1, 2012 tại California, Hoa Kỳ.

15 - Ca khúc “Xuân Này Con Không Về” (Trịnh Lâm Ngân)

          Ca khúc “Xuân Này Con Không Về” có thể xem là bài nhạc xuân trước 75 nổi tiếng nhất và được nghe nhiều nhất trong suốt hơn 50 năm qua.

Đã hơn 1 lần, tôi được nghe các chú, các bác ngày xưa từng ở nơi trận tiền, tâm sự rằng những đêm đầu tuyến và nghe Duy Khánh hát bài này, người lính chỉ muốn vứt bỏ súng mà chạy về ngay với mẹ. Nghe mà buồn làm sao.

Bài hát này được yêu thích qua nhiều thế hệ, có lẽ là vì lời hát đi vào lòng người, đánh động tới được những cảm xúc sâu thẳm nhất của mỗi người, không chỉ là người lính, mà tất cả những người tha hương, dù đã trưởng thành nhưng hình bóng mẹ hiền và quê nhà lúc nào cũng ở trong tâm tưởng.

Con biết bây giờ mẹ chờ tin con

khi thấy mai đào nở vàng bên nương

Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về

nay én bay đầy trước ngõ

mà tin con vẫn xa ngàn xa

ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui

nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi

bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng

trông bánh chưng ngồi chờ sáng

đỏ hây hây những đôi má đào

Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,

mái tranh nghèo không người sửa sang

Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân

Đàn trẻ thơ ngây chờ mong

anh trai sẽ đem về cho tà áo mới

ba ngày xuân đi khoe phố phường

Con biết bây giờ mẹ chờ em trông

nhưng nếu con về bạn bè thương mong

bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường

không lẽ riêng mình êm ấm

Mẹ ơi con xuân này vắng nhà

          Theo tác giả Đức Bình trên trang rfi.fr, nhạc phẩm “Xuân Này Con Không Về” được bộ ba nhạc sĩ Trịnh – Lâm – Ngân sáng tác trong khoảng thập niên 60, mở đầu cho một loạt các ca khúc viết về tâm trạng người lính trong mùa xuân.

          Trịnh-Lâm-Ngân là nghệ danh ghép của 3 nhạc sĩ: “Trịnh” tức Trần Trịnh, “Lâm” tức Lâm Đệ, và “Ngân” tức Nhật Ngân. Có lẽ sự kết nối âm nhạc của những nhạc sĩ này là một trong những hiện tượng âm nhạc kỳ thú và đặc biệt nhất của làng âm nhạc Việt Nam.

Trên thực tế, trong bộ ba này chỉ có Trần Trịnh và Nhật Ngân là nhạc sĩ, và cả 2 ông đều có những sáng tác riêng, nhiều tác phẩm hay, rất thành công, và được người yêu nhạc mến mộ. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa 2 con người, với 2 trạng thái cảm xúc khác nhau, để đúc kết quy về một mối, cho ra đời một “Xuân Này Con Không Về” thì quả là đã tạo ra cho ca khúc này một số phận rất riêng biệt.

          Có lẽ cũng chính bởi thế, bên cạnh vô vàn những bản nhạc xuân vui nhộn, công chúng yêu nhạc vẫn lén tìm cho riêng mình một góc nhỏ, để ngồi lắng nghe “Xuân Này Con Không Về”, một nhạc phẩm luôn được tôn vinh trong những dịp đầu xuân, không chỉ trong thời chiến chinh loạn lạc, mà ngay cả trong thời bình, nhất là khi người ta mượn nó để biểu thị những cảm xúc, diễn tả thay tâm trạng của những người con xa xứ, mỗi dịp Xuân về.

          Toàn bài hát không hề có chữ “lính” nào, và chỉ khi đến khúc cuối, người nghe mới lờ mờ nhận ra đây là một bài hát viết cho lính, được lồng ghép vào một bức tranh xuân, với những hình ảnh hoàn toàn đối lập, của một bên là gia đình đoàn viên, bên bếp lửa hồng, trông nồi bánh chưng xanh, chờ trời sáng, với bên kia, là hình ảnh người lính đơn côi nơi chiến tuyến, vì cuộc chiến còn đó, bè bạn đồng đội còn đó, nên người lính không thể trở về với gia đình để hưởng cảnh ấm êm một mình, qua đó phần nào làm toát lên tính vô nghĩa của mọi cuộc chiến, và đó cũng là cách sử dụng những hình ảnh đối lập hết sức tài tình ý nhị của bộ 3 nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân, góp phần giảm nhẹ tính đau thương mà mọi cuộc chiến gây ra.

          Một đặc điểm nổi bật nữa của “Xuân Này Con Khhông Về” mà không thể không nhắc tới, đó là bài hát này luôn gắn liền với tên tuổi của cố ca sĩ Duy Khánh. Ca nhạc sĩ Duy Khánh hát thành công “Xuân Này Con Không Về” đến mức có nhiều khi, người ta tưởng chính ông là tác giả ca khúc này.

                                              Đông Kha (nhacxua.vn)

16-Ca khúc “Tình Bơ Vơ” và mối tình đơn phương của nhạc sĩ Lam Phương

Càng nhìn em yêu em hơn và yêu em mãi

Dù phút êm đềm xa xưa nay đã đi vào quên lãng

Trời vào thu việt Nam buồn lắm em ơi

Mây tím đang dâng cao vời

Mà tình yêu chưa lên ngôi…

Đó là những lời hát trong ca khúc Tình Bơ Vơ mà nhiều người nói rằng được nhạc sĩ Lam Phương viết cho mỗi tình đơn phương với danh ca Bạch Yến.

Trong cuộc trò chuyện trên Jimmy Show, danh ca Bạch Yến nói rằng cô đã gặp nhạc sĩ Lam Phương tại đài phát thanh Pháp Á từ trước năm 1954. Khi đó Bạch Yến mới 10,11 tuổi, vừa đạt giải nhất cuộc thi hát của Pháp Á tổ chức và được đài này mời cộng tác. Lúc đó Lam Phương vẫn là một nhạc sĩ trẻ, còn chưa nổi tiếng. Một thời gian sau, khi tên tuổi nhạc sĩ Lam Phương vang xa khắp nơi với những ca khúc Trăng Thanh Bình, Nhạc Rừng Khuya… và trở thành một nhạc sĩ tài năng, cũng như rất đào hoa, thì Bạch Yến lúc này đã không còn hát ở đài phát thanh nữa mà mưu sinh bằng nghề biểu diễn mô tô bay.

Năm 1956, Bạch Yến đi hát trở lại ở phòng trà và bắt đầu nổi tiếng vào năm 1957 với bài Đêm Đông, khi đó cô mới 15 tuổi. Một vài năm sau, nhạc sĩ Lam Phương có mang lễ sang nhà để hỏi cưới Bạch Yến, nhưng vì cô còn quá nhỏ, chỉ mới 16,17 tuổi nên mẹ của cô chưa đồng ý. Thời gian này nhạc sĩ Lam Phương là 1 người đẹp trai, nổi tiếng nên rất đào hoa, và đến năm 1959, ông lập gia đình năm 22 tuổi với nữ ca sĩ – kịch sĩ nổi tiếng Túy Hồng.

Danh ca Bạch Yến tâm sự rằng mối quan hệ của cô với Lam Phương chưa bao giờ được xem là chuyện tình đúng nghĩa, vì lúc đó cô còn quá nhỏ, chưa nghĩ đến chuyện lấy chồng. Nhưng cô cũng cảm mến Lam Phương như một người bạn, như một mối tình học trò trong sáng và không có hồi kết.

Khi nghe tin Lam Phương cưới vợ, cô cũng bất ngờ và cảm thấy buồn, một nỗi buồn hụt hẫng của thiếu nữ vừa lớn lên đã cảm nhận được sự vô duyên trong tình cảm. Nhưng có lẽ tình cảm chưa đủ lớn để cô phải dằn vặt đau khổ lâu. Hơn nữa lúc đó nhạc sĩ Lam Phương cũng rất bay bướm và đã trải qua rất nhiều mối tình trước khi thành hôn với nữ kịch sĩ Túy Hồng.

Sau khi Lam Phương cưới vợ 2 năm, Bạch Yến lên đường sang Pháp du học, bỏ lại những vinh quang trong sự nghiệp ca hát mà cô đã đạt được đỉnh cao khi tuổi đời còn rất trẻ. Có nhiều lời đồn đoán rằng do nhạc sĩ Lam Phương lấy vợ nên Bạch Yến buồn tình bỏ lại tất cả để ra nước ngoài, tuy nhiên cô phủ nhận việc này. Lý do là cô muốn đi học thêm ở nước ngoài để nâng cấp khả năng trình diễn và ca hát của mình để có những bước đi vững chắc hơn trong sự nghiệp. Cho dù trước đó cô đã rất nổi tiếng, nhưng cũng chỉ là hát theo bản năng.

Đầu thập niên 1960, Bạch Yến không còn ở Việt Nam, nên nhạc sĩ Lam Phương đã viết:

Trời vào thu việt Nam buồn lắm em ơi

Mây tím đang dâng cao vời

Mà tình yêu chưa lên ngôi…

Tình yêu chưa lên ngôi, có lẽ là vì năm xưa người yêu còn quá bé nhỏ, cuộc tình còn chưa kịp thành hình. Sau này tuy đã yên bề gia thất, nhưng sự lỡ duyên cùng Bạch Yến đã làm cho nhạc sĩ Lam Phương nuối tiếc khôn nguôi, sáng tác ra nhiều bài hát dành cho cô. Vợ nhạc sĩ Lam Phương – là Túy Hồng, cũng là bạn của Bạch Yến – sau này cũng có nói với Bạch Yến như sau: “Bồ không biết đầy thôi, ổng viết cho bồ nhiều ca khúc thiết tha lắm”, đây cũng như là 1 cách xác nhận tình cảm sâu đậm mà Lam Phương dành cho danh ca Bạch Yến.

Ngày mình yêu

Anh đâu hay tình ta gian dối

Để bước phong trần tha hương

Em khóc cho đời viễn xứ

Khi nghe câu hát: “anh đâu hay tình ta gian dối”, nhiều người sẽ nghĩ rằng cô gái trong bài hát đã phụ tình chàng trai. Nhưng kỳ thật, phải chăng là nhạc sĩ đang tự trách mình thì đúng hơn? Trong một bài hát khác sau này, Lam Phương cũng đã tự nói mình là kẻ bạc tình: “Mười năm trời chẳng thương mình, để anh thành kẻ bạc tình” (bài Chờ Người).

Thời gian sau đó, cô ca sĩ nhỏ đã bước phong trần tha hương qua nhiều năm để lưu diễn khắp thế giới. Năm 1964, Bạch Yến được mời đi lưu diễn khắp nước Mỹ và cả ở nhiều nước khác trong suốt hơn 10 năm. Không biết là cô có khi nào khóc cho đời viễn xứ hay không, nhưng trong 1 bài phỏng vấn, Bạch Yến đã tâm sự:

“Một mình nơi đất khách, nhất là những đêm đi diễn về, cô quạnh trong cái lạnh, trong sự vắng lặng của bóng đêm, thèm nghe một câu tiếng Việt cũng không có được. Buồn lắm”.

Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi

Gom góp yêu thương quê nhà

Dâng hết cho người tình xa…

Bài hát này là cả một nỗi lòng ray rứt, tiếc nuối của người trai, là lời tự trách mình đã làm lỡ mối duyên tình của ngày thơ, để trọn kiếp phải sống trong nỗi ngậm ngùi:

Anh đâu ngờ có ngày đàn đứt dây tơ

Một phút tim anh ơ hờ

Trọn kiếp em vương sầu nhớ

Nói đi em cả đời mình mãi đi tìm

Cả đời mình xây ước mơ

Cho ngày mộng được nên thơ

Cuối cùng là tình bơ vơ

Cho anh xin một đêm trăng trối

Tìm đống tro tàn năm xưa

Dâng hết cho lần yêu cuối

Rồi từng đêm

Từng đêm nhịp bước cô đơn

Em khóc cho duyên hững hờ

Anh chết trong mộng ngày thơ…

Trong đoạn này, có một câu hát mà vừa mới đây có một nhạc sĩ tương đôi nổi tiếng, nói đại ý là câu hát đúng phải là “cho anh xin một đêm chăn gối…”.

Nghe lời phát biểu này ai cũng phải hoảng hốt vì kiểu “suy bụng ta ra bụng người” của các nhạc sĩ trẻ hiện nay. Nhạc của ngày xưa rất ý nhị, chứ đâu có trắng trợn như bây giờ.

Với lại, “chăn gối” hay “trăn trối” cũng đều sai. Đúng phải là “trăng trối”. Tuy nhiên sau này quá nhiều người ghi sai chính tả thành “trăn trối” nên chữ này mặc nhiên thành đúng. Nếu xem lại từ điển tiếng Việt thì đúng chính tả phải là “trăng trối”. Khi xem lại tờ nhạc in trước 1975, người xưa cũng ghi là “trăng trối”.

Cuối bài viết này, xin nhắc lại lời của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, nói về các bài hát mà Lam Phương sáng tác dành cho Bạch Yến, như sau:

“Hồi thập niên 1970, nghe những bài này, tôi đâu có hiểu tại sao tác giả lại viết toàn những lời chia ly như vậy! Mãi 20 năm sau, gặp Lam Phương lần đầu tiên năm 1993 ở Paris, tôi mới được anh giải thích là những lời ấy anh nói với Bạch Yến khi Bạch Yến giã từ Sài Gòn quay lại Mỹ. Tôi cười bảo anh:

– Như thế thì anh và tôi và tất cả thính giả đều phải cám ơn Bạch Yến đã bỏ anh đi lần thứ hai, anh mới có những nhạc phẩm này. Giá như Bạch Yến ở lại, chưa chắc anh đã giải quyết được gì!”

Đông Kha

Nguồn: nhacvangbolero.com

17-XUẤT SỨ BÀI HOA VÀNG MẤY ĐỘ

                            Ca sỹ Hoàng Lan
                            Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn

Đóa “hoa vàng một thuở” của Trịnh Công Sơn

Hầu như mọi người đều biết, không ít những bản tình ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường được anh sáng tác từ những cảm xúc dành riêng cho một đối tượng trong đời sống tình cảm đầy lãng mạn của mình. Trong số đó, “Hoa Vàng Mấy Độ” và “Như Một Lần Chia Tay”, cho đến nay vẫn được nhiều người yêu thích nhạc Trịnh tìm hiểu về xuất xứ.

Hơn 3 năm sau khi Trịnh Công Sơn qua đời, những thắc mắc về hai nhạc phẩm trên đã được giải đáp rõ ràng khi CD “Hoa Vàng Một Thuở” được chính thức ra mắt tại Toronto sau đó. Người trình bày hai nhạc phẩm này (cùng một số nhạc phẩm của những tác giả khác) cũng là người thực hiện CD “Hoa Vàng Một Thuở” mang tên Hoàng Lan. Cô chính là nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn viết thành hai ca khúc tình cảm bất hủ đó.

Hoàng Lan

Phạm Thị Hoàng Lan sinh tại Sài Gòn và là con út trong một gia đình gồm 6 người con, trong số có một người mất sớm.

Thời kỳ thơ ấu, Hoàng Lan được cặp nghệ sĩ nổi danh Kiều Hạnh – Phạm Đình Sỹ nhận làm con nuôi, ở chung trong một căn nhà trên đường Bùi Thị Xuân. Trong khi đó mẹ cô – bạn thân của nghệ sĩ Kiều Hạnh – thường đi lại giữa Sài Gòn và Đà Lạt lo việc đầu tư nhà đất.

Năm lên 7, Hoàng Lan đã đi hát với gia đình ban nhi đồng Tuổi Xanh của Kiều Hạnh và Phạm Đình Sỹ với tên Tí Hon, cũng là tên gọi ở nhà. Trong một thời gian khá dài, cô đã cùng với ban Tuổi Xanh hát trong các chương trình Phát Thanh Học Đường trên đài Sài Gòn và trong các buổi phát thanh dành cho thiếu nhi trên đài Quân Đội.

Nhờ có năng khiếu văn nghệ cùng một gương mặt xinh xắn mang những nét hồn nhiên, khi mới được 9 tuổi vào năm 1969, Hoàng Lan được mời đóng vai chính trong phim “Đôi Guốc Của Bé” do Minh Đăng Khánh đạo diễn cùng với Sĩ Phú, Linh Sơn, Hoàng Long.

Nhưng rất tiếc, cuốn phim này bị cấm nên đã không có dịp trình chiếu trước khán giả, ngoài một buổi ra mắt giới báo chí. Cũng với tên Tí Hon, cô đã được mời giữ một vai phụ trong phim “Như Giọt Sương Khuya” với Trần Quang và Bạch Tuyết, do Bùi Sơn Duân đạo diễn.

Sau biến cố tháng 4 năm 75, cô được mời đóng vai chính trong phim “Tiếng Đàn”. Tuy từng hoạt động về ca nhạc và điện ảnh từ khi còn nhỏ, nhưng “thật ra em không thích ca hát hay đóng phim. Đúng ra em bị bắt làm như vậy trong thời gian ở với gia đình Kiều Hạnh, tuy là một gia đình văn nghệ nhưng rất khó và nề nếp”, như lời Hoàng Lan tâm sự. Trong khi đó cô lại ưa thích nhất bộ môn múa, nhưng không được sự đồng ý của mẹ.

Tuy nhiên vì quá ham thích múa nên cuối cùng Hoàng Lan đã thuyết phục được mẹ để thi vào ngành múa chuyên nghiệp tại trường Quốc Gia Âm Nhạc, sau khi học đến lớp 10 trường Trưng Vương vào năm 75. Năm 80, cô ra trường và đi dạy tại trường Văn Hoá Thành Phố trong 2 năm liên tiếp.

Năm 85, Hoàng Lan cùng chồng vượt biên và sau đó được vào Canada. Đầu tiên, gia đình cô cư ngụ tại thành phố Hamilton, gần Toronto trong 3 năm trước khi dời về Sonny Creek để sống ở đây 10 năm. Cuối cùng, vợ chồng cô và 2 con gái về cư ngụ ở Burlington cho đến nay.

Trong hơn 10 năm đầu tiên sống ở Canada, Hoàng Lan không có một hoạt động văn nghệ nào, cho đến năm 1996. Trong dịp tham dự buổi tiệc khánh thành văn phòng luật sư của một người bà con, cô gặp một người trong Hội Phụ Nữ Toronto và được mời tham gia vào những sinh hoạt văn nghệ của Hội Cựu Học Sinh Trưng Vương.

Hoàng Lan nhận lời và từ đó dần dần trở thành một khuôn mặt quen thuộc trong những sinh hoạt có tính cách cộng đồng. Ngoài ca hát, cô còn là người hướng dẫn về múa cho một số hội đoàn ở Toronto cũng như là người điều khiển chương trình cho nhiều buổi văn nghệ và là một MC quen thuộc trên chương trình Truyền Hình ở Toronto do Việt Tiến thực hiện từ năm 1999.

Hoàng Lan không nuôi tham vọng trở thành một ca sĩ nghà nghề. Một điều chắc chắn nữa là cô thực hiện CD “Hoa Vàng Một Thuở” không nằm trong mục đích thương mại mà chỉ coi như một kỷ niệm cho chính mình. Đó cũng là một kỷ niệm khó mờ nhạt trong trí tưởng của cô đối với người cố nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn, người đã viết tặng cô hai nhạc phẩm đặc sắc “Như Một Lời Chia Tay” và “ Hoa Vàng Một Thuở”. Nhạc phẩm sau được mọi người biết dưới tên “Hoa Vàng Mấy Độ”.

Trịnh Công Sơn cũng là người có những liên hệ tình cảm đậm đà với Hoàng Lan và từng có ý định cùng cô chung sống. Chính người em rể của Trịnh Công Sơn là Hoàng Tạ Thích đã xác nhận sự liên hệ giữa Trịnh Công Sơn và Hoàng Lan trong một bài viết đăng trên nguyệt san “Người Đẹp Việt Nam” gồm hai số 115 và 116 nhập một, phát hành tại Việt Nam, đề ngày 1 và 15 tháng 1 năm 2004:

“… Đoá hoa vàng đã nhập vào hồn làm anh ngây ngất. Nhân ngày sinh nhật của Hoàng Lan, anh đã nhờ người đem đến tặng nàng 21 cánh hoa hồng vàng…” Yêu em một đoá hoa vàng. Yêu em một phút Hoàng Lan tình cờ…”Hoa Vàng Mấy Độ” viết cho Hoàng Lan năm 1981, nguyên bản là “Một Thuở Hoa Vàng” (Đúng ra là “Hoa Vàng Một Thuở”, theo thủ bút của Trịnh Công Sơn )…

Người em rể và cũng là người rất thân với Trịnh Công Sơn viết tiếp trong một đoạn khác:

“Hồi đó anh đã tuổi 40. Nếu quả thật anh đã mệt mỏi đôi chân muốn tìm một nơi ngơi nghỉ thì người con gái này cũng sẽ có thể là người bạn đời của anh. Nhưng rồi cuộc tình cũng trôi qua. Không vì một phụ rẫy. Không vì một nhạt phai. Chỉ vì, anh là Trịnh Công Sơn. Và những ngày ở Canada, anh đã gặp lại Hoàng Lan ở Toronto (thật ra là Montreal, theo Hoàng Lan). Dĩ nhiên cánh Hoàng Lan bây giờ đã được cắm vào một chiếc bình yên ấm. Nhưng vẫn nghe như ‘Em cười đâu đó, trong lòng phố xá đông vui… một vết thương thôi, riêng cho một người’”…

Lý do sự ra đời của “Hoa Vàng Một Thuở” cũng đã được Hoàng Lan xác nhận cùng với hình chụp nguyên bản nhạc phẩm này trên CD mang cùng tên của cô với lời đề tặng: “Viết cho sinh nhật Hoàng Lan 25.4.1981” và chữ ký của Trịnh Công Sơn: “Trịnh Công Sơn 08.04.1981”.

Trước đó, những người yêu nhạc Trịnh thường tỏ ra thắt mắc về nguồn gốc của “Hoa Vàng Mấy Độ” với nhiều nghi vấn về đối tượng đã tạo cho Trịnh Công Sơn nguồn cảm xúc để viết thành nhạc phẩm này. Bây giờ, mọi thắc mắc và nghi vấn đó đã được giải đáp.

Hoàng Lan quen Trịnh Công Sơn vào năm 1980, khi cô hướng dẫn về múa tại Sở Văn Hoá trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Hồng Thập Tự cũ). Thời gian này, Trịnh Công Sơn phục vụ tại Hội Nghệ Sĩ Thành Phố trong phạm vi âm nhạc, do đó thường hay qua Sở Văn Hoá để in hoặc xin kiểm duyệt nhạc.

Thỉnh thoảng hai người cùng các nhân viên của hai cơ quan trên vẫn đi công tác chung. Lần đầu tiên Hoàng Lan gặp Trịnh Công Sơn trong chuyến công tác văn nghệ ở bệnh viện Sùng Chính. Thật ra trước đó vào khoảng giữa thập niên 60, Trịnh Công Sơn từng nhiều lần đến nhà Hoàng Lan trên đường Cao Thắng chơi cùng với một người bạn của chị cô.

Sau khi người bạn này qua đời, Trịnh Công Sơn cũng vẫn thỉnh thoảng đến thăm mẹ cô do sự tương đắc trong tinh thần văn nghệ. Thời gian này, Hoàng Lan còn là một cô bé con, tuy biết Trịnh Công Sơn là một người nổi tiếng nhưng cô chẳng mấy để ý.

Lần gặp lại trong chuyến cùng đi công tác đầu tiên vào năm 80, Trịnh Công Sơn không nhận ra cô, cho đến khi được nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu nhắc nhở. Sau công tác, Trịnh Công Sơn mời Hoàng Lan về nhà anh trên đường Duy Tân, nơi ra vào tấp nập những khách khứa, bạn bè của người nhạc sĩ lừng danh.

Cô thiếu nữ Hoàng Lan từ đó đã khám phá thêm được một thế giới mới lạ, sau khi đến ngôi nhà này nhiều lần cũng như từng được Trịnh Công Sơn đến nhà chở đi ăn sáng hay trưa trên chiếc xe PC mầu cam quen thuộc của anh. Hoàng Lan và Trịnh Công Sơn càng lúc càng tỏ ra gần gũi hơn.

Hai người gặp nhau gần như hàng ngày, khi cùng đi ăn trưa, khi đi uống nước sau khi tan sở tại những địa điểm quen thuộc như Brodard hoặc Givral. Tuy gần gũi như vậy, nhưng cả hai chẳng ai thổ lộ về tình cảm của mình.

Nhưng riêng phần Hoàng Lan, cô cho biết “thật sự lúc đó em không có nghĩ gì hết, em buồn em đi thôi. Đi, nhưng anh ấy không nói chuyện. Tính anh Sơn thì anh ấy ít nói lắm, không nói gì nhiều”…

Tình cảm giữa hai người cứ lãng đãng và vu vơ như vậy cho đến “một lúc em có cảm giác là chuyện này nó cũng không rõ ràng là cái gì. Lúc đó em cũng chuẩn bị đi. Nên chiều hôm đó gặp anh ấy, em nói thôi ngày mai đừng đón em nữa, em không lên đây nữa đâu. Anh ấy hút thuốc một hồi dòi hỏi ‘bộ em chán rồi hả?’ Em bảo em không có chán nhưng mà thấy chuyện này không đi tới đâu và không rõ ràng”.

Hoàng Lan nhận thấy giữa cô và Trịnh Công Sơn có con đường đi riêng rẽ. Thời kỳ này cô đang tìm đường vượt biên, trong khi tin rằng Trịnh Công Sơn chắc chắn sẽ ở lại.

Nhưng khi trình bầy với Trịnh Công Sơn ý nghĩ của mình, Hoàng Lan được anh cho biết nếu cô lấy lý do đó để cắt đứt liên hệ giữa hai người thì không đúng. Vì cả gia đình anh lúc đó đang được cô em Trịnh Vĩnh Trinh đứng ra làm thủ tục bảo lãnh.

Hoàng Lan tìm cách thoái thác khi Trịnh Công Sơn muốn thật sự đi xa hơn với cô. Cô cho rằng anh là người của quần chúng, nếu xẩy ra tình trạng như vậy sẽ mất đi hình ảnh đẹp với những người ái mộ.

Theo Hoàng Lan, nhạc sĩ họ Trịnh đã nói trong đời sống cũng đến lúc nào phải trở lại với con người thật của chính mình. Hoàng Lan còn cho anh biết tính thân mẫu cô rất rườm rà nên nếu tổ chức đám cưới sẽ phải tuân theo nhiều thủ tục trong khi Trịnh Công Sơn vốn không ưa những sự rình rang, bề ngoài. Hơn nữa, ít ra anh còn phải mặc ”complet” là điều Trịnh Công Sơn rất ghét.

Nhưng Trịnh Công Sơn trả lời anh làm được, miễn cho Hoàng Lan và thân mẫu cô được vui lòng. Tuy là một người của đám đông, nhưng Trịnh Công Sơn luôn muốn có một đời sống bình thường, có vợ, có con mà không phải là một người “khác thường” như nhiều người nghĩ. Hoàng Lan khuyên anh cứ sống thoải mái như từng sống, không nên lệ thuộc vào một người là điều không đáng cho anh đánh đổi.

Nhiều khi tự hỏi lòng mình về tình cảm đối với Trịnh Công Sơn, Hoàng Lan nhận ra rõ ràng một điều là cô chỉ “Thương” nhưng không “Yêu” người nhạc sĩ họ Trịnh. Cô không dám nói thẳng điều này với Sơn vì sợ sẽ khiến anh đau khổ. Trịnh Công Sơn không hề biết Hoàng Lan vẫn luôn hướng tình cảm về mối tình đầu của cô, từng ngỏ lời cầu hôn với nhưng không được thân mẫu cô chấp thuận.

Có lần, vào khoảng đầu năm 81, Trịnh Công Sơn bị đụng xe nặng khi từ nhà Hoàng Lan trở về. Cô và mẹ đến thăm anh tại nhà sau khi Trịnh Công Sơn được đưa về từ bệnh viện. Hoàng Lan xúc động đến bật khóc. Nhưng Trịnh Công Sơn lên tiếng: “Em đi về đi, anh không thích những giọt nước mắt thương hại như vậy”, theo lời Hoàng Lan kể.

Cô tâm sự cảm thấy mình tội lỗi khi đã giải quyết một cách dứt khoát, dù rất đau lòng… Nhưng thật ra, đối với cô, nếu tiếp tục sự liên hệ tình cảm như trước cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Tất cả đến từ sự gắn bó của Hoàng Lan với mối tình đầu của mình. Nên cô chỉ muốn ra đi với mục đích gặp lại người đã mang đến cho cô nhiều rung động, khác hẳn với những rung động của cô với Trịnh Công Sơn.

Nhưng sự tuyên bố dứt khoát của Hoàng Lan với Trịnh Công Sơn không được anh coi là chín chắn nên vẫn tới sở làm đón như trước. Nhưng cô tìm đủ mọi cách để tránh. Những lần Trịnh Công Sơn đến nhà chờ cô đi làm về, khi gần đến nhà nhìn thấy chiếc xe mầu cam quen thuộc là Hoàng Lan phải chạy xe vòng ngoài phố cho đến khi biết anh đã ra về.

Tuy không còn gặp gỡ riêng tư như trước, nhưng Hoàng Lan và Trịnh Công Sơn vẫn thường gặp nhau trong những lần công tác. Thời gian này cô nhận thấy Trịnh Công Sơn có vẻ buồn và uống rượu nhiều. Anh còn viết thư cho thân mẫu Hoàng Lan, có ý trách móc cô.

Những thư này mẹ cô vẫn còn giữ, trong khi cô đã đốt hết những thư Sơn viết cho cô trước khi lập gia đình. Hoàng Lan cũng trả lại Trịnh Công Sơn tất cả những món kỷ niệm cùng hai cây đàn guitars do anh tặng, chỉ giữ lại một bộ giây đàn.

Cũng thời gian này vào dịp sinh nhật Hoàng Lan năm 81, Trịnh Công Sơn tặng cô một quần nhung, một áo pull mầu hồng, một thắt lưng bằng vải bố và một số nước hoa. Anh cùng với Thanh Hải – người thường trình bày nhạc phẩm của anh, hiện sống ở Âu Châu – mang quà tặng đến nhà cô cùng với hai nhạc phẩm “ Hoa Vàng Một Thuở ” và “Như Một Lời Chia Tay”, được buộc một sợi “ruban” rất đẹp.

Một bó hồng mầu vàng – tượng trưng cho lòng không chung thủy – đã được giao đến nhà Hoàng Lan từ sáng sớm. Thanh Hải đã cất tiếng hát hai nhạc phẩm này trong buổi tiệc sinh nhật của Hoàng Lan, trong khi Trịnh Công Sơn ngồi buồn rầu bên cạnh ly rượu không lúc nào vơi.

Khi hỏi Trịnh Công Sơn về ý nghĩa câu “làm sao biết được nỗi đời riêng” trong nhạc phẩm “Như Một Lời Chia Tay”, Hoàng Lan được anh cho biết nếu hồi đó cô nói với anh là muốn rời Việt Nam thì chuyện tình cảm giữa hai người đã khác. Ý anh muốn nói không biết Hoàng Lan có ý định muốn đi, tuy vẫn thường cùng nhau đi chơi gần như hàng ngày. Nếu biết được cô muốn như vậy, anh cũng sẽ quyết định không ở lại Việt Nam.

Lễ đính hôn của Hoàng Lan được tổ chức vào tháng 11 năm 1982. Và tiệc thành hôn với người cùng chung sống với cô tên Hoà hiện nay, được tổ chức một tháng sau. Khi trao thiệp đính hôn cho Trịnh Công Sơn, anh hỏi cô: ”Lần này là thôi thật phải không Lan?”. Cô trả lời “hy vọng là như vậy!”. Trịnh Công Sơn đã không có mặt trong tiệc cưới của cô vào tháng 12 năm 1982, do thiệp mời gửi chung với các người khác tại cùng cơ quan của Trịnh Công Sơn bị thất lạc.

Gần 10 năm sau, đoá “Hoa Vàng Một Thuở” của Trịnh Công Sơn mới gặp lại anh tại Montreal, Canada khi anh qua thành phố này thăm những người em thân thiết của mình vào đầu năm 1992. Ngay khi mới đến nơi, Trịnh Công Sơn đã gọi điện thoại cho Hoàng Lan ở Burlington, Ontario nhưng không gặp.

Mãi đến tháng 7 cùng năm, cô mới có dịp lên Montreal gặp anh tại nhà hàng “La Famille Vietnamienne” do gia đình anh khai thác ở thành phố này. Trịnh Công Sơn đề nghị vẽ tặng cô một bức chân dung, nhưng hoàn cảnh không cho phép nên cô đã từ chối, để “bây giờ nghĩ lại, thấy tiếc” mặc dù khi gặp lại cũng thất rất “bùi ngùi”, như Hoàng Lan tâm sự.

Và đúng như người em rể của Trịnh Công Sơn đã viết: “dĩ nhiên cánh Hoàng Lan bây giờ đã được cắm vào một chiếc bình yên ấm. Nhưng vẫn nghe như “em cười đâu đó, trong lòng phố xá đông vui...một vết thương thôi, riêng cho một người”…

                                                         Trường Kỳ

18-XUẤT SỨ BÀI HAI MÙA MƯA CỦA NHÓM NHẠC MẠC PHONG LINH

Ca khúc “Hai Mùa Mưa” trước năm 75 và huyền thoại về một giọng hát

Năm 1967, khi mới được 16 tuổi, ca sĩ Trang Mỹ Dung (lúc đó vẫn còn đi hát với tên thật là Mỹ Dung) đăng ký tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ trên đài phát thanh, và được nhạc sĩ trong ban giám khảo năm đó là nhạc sĩ Anh Bằng chú ý, nhận làm học trò.

Sau khi tham gia vào lớp nhạc Lê Minh Bằng của nhóm nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng, ca sĩ Trang Mỹ Dung thăng tiến rất nhanh trong sự nghiệp. Trong cùng năm đó, vào tháng 8 năm 1967, cô được nhạc sĩ Anh Bằng giới thiệu thu âm tại hãng dĩa Asia – Sóng Nhạc, nơi ông đang cộng tác. Ca khúc thu âm đầu tiên của Trang Mỹ Dung cũng chính là 1 sáng tác của nhóm Lê Minh Bằng, được ký tên là Mạc Phong Linh, bài Hai Mùa Mưa. Sau này Trang Mỹ Dung thừa nhận ca khúc này đã làm thay đổi cuộc đời cô.

Cho dù sau này, Trang Mỹ Dung nổi tiếng với rất nhiều ca khúc khác nữa, cũng như có nhiều ca sĩ khác hát Hai Mùa Mưa, nhưng khi nhắc đến bài này, ai cũng chỉ nhớ đến Trang Mỹ Dung, và ngược lại. Điều đó thể hiện sự thành công vượt bậc của giọng hát Trang Mỹ Dung cùng ca khúc Hai Mùa Mưa. Bản thu âm ca khúc này với phần hoà âm điêu luyện của nhạc sĩ Y Vân đã trở thành một huyền thoại, gây ấn tượng với tiếng còi tàu buồn man mác ở cuối bài./.

19- Xuất xứ Ca khúc Đêm buồn tỉnh lẻ.


Hoàn cảnh sáng tác ca khúc: Đêm Buồn Tỉnh Lẻ (Bằng Giang – Tú Nhi) và dòng nhạc vàng đại chúng thập niên 60 

Danh ca nhạc vàng Chế Linh tên thật là Chà Len, được sinh ra trong một gia đình người Chăm nghèo. Từ thuở nhỏ, ông được một tu sĩ người Pháp hướng dẫn học nhạc. Từ đó, vì đam mê âm nhạc và cảm thấy vùng đất gió phan và đầy nắng cháy này không thể nuôi dưỡng ước mơ của mình, Chà Len đã rời quê để vào Sài Gòn lập nghiệp năm 1959, khi mới 17 tuổi.

Vào đến Sài Gòn, không người thân thích, ban đầu ông phải đi đánh giày và bán báo để mưu sinh, sau đó may mắn được gia đình một người Hoa giúp đỡ cho tiền ăn và tiền học, ngược lại thì ông phải giúp việc nhà, nấu ăn và giữ con cho gia đình đó với mức lương khoảng 75 đồng một tháng. Tuy được đối xử tốt, nhưng việc làm thuê không liên quan đến âm nhạc không phải là cách để tiến thân.

Khoảng một thời gian sau, Chế Linh tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đoàn văn nghệ Biệt Chính và giành được danh hiệu “Nam ca sĩ xuất sắc nhất”. Sau đó ông đi theo đoàn hát Biệt Chính cùng với các nhạc sĩ như Trúc Phương, Châu Kỳ, Bằng Giang,…

Tuy nhiên 2 năm sau đó thì đoàn văn nghệ Biệt Chính tan rã, các nhạc sĩ như Trúc Phương, Châu Kỳ đều trở lại Sài Gòn, riêng Chế Linh thì ở lại Biên Hòa. Vì chưa có tên tuổi, có trở lại Sài Gòn cũng khó để có thể mưu sinh, ông đến vùng núi Bửu Long để chở đá thuê và luyện thanh khi rảnh rỗi. Cũng tại mỏ đá này có một nhạc sĩ khác đang làm việc, là người đã ảnh hưởng rất lớn đến Chế Linh trong bước đầu sự nghiệp, đó là nhạc sĩ Bằng Giang. Cuộc gặp gỡ này trở thành một điểm mốc quan trọng, khi họ cùng nhau sáng tác những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng với bút danh chung là Tú Nhi – Bằng Giang.

Hát lại bài người em xóm đạo tưởng nhớ kỷ niệm xưa..,,

Ca Khúc “Người Em Xóm Đạo” Của Nhạc Sĩ Bằng Giang

Ngày xưa tôi có người yêu rất đẹp ở xóm đạo

Những buổi tan trường thường hay tìm nhau

Xây mơ ước ngày sau.

Nhặt cành hoa trắng

Thiết tha tôi cài lên trên áo lụa xinh mầu tím

Say sưa trao nhau kỷ niệm phút giây ban đầu

Tình ta sẽ dài lâu như hoa trắng không phai màu.

Một hôm tôi đến tìm em để từ giã lên đường

Gửi lại phố phường chuyện đôi mình thương

Mai xa cách ngàn phương.

Cuộc đời sương gió chiến chinh nơi miền xa

Qua những vùng xa lạ quá

Quê hương bao la những chiều đóng quân ven rừng

Gặp hoa trắng ngày xưa thương em nói sao cho vừa.

Nhưng có ai đâu ngờ một chiều mưa lộng gió

Người em đã ra đi

Không nói lời biệt ly trường xưa giờ vắng bóng

Xóm đạo hết chờ mong.

Ôi xót thương vô bờ giặc về gieo sầu nhớ

Mang theo xác em thơ

Bao ước hẹn ngày xưa

Chuyện vui buồn hai đứa

Giờ còn riêng mình tôi.

Về đây hoa lá cỏ cây cũng buồn theo tháng ngày

Trở lại xóm đạo còn đâu người yêu

Ôi hoang vắng đìu hiu.

Nhặt cành hoa trắng

Xót xa tôi cài lên trên nấm mộ xanh cỏ lá

Em ơi em ơi Nhớ hoài nhớ nhau muôn đời

Vì chinh chiến ngược xuôi nên em cách xa tôi rồi

20- Ca khúc “Người Em Xóm Đạo” là mt sáng tác ni tiếng ca nhc sĩ Bng Giang.

Nhạc sỹ Bằng Giang


        Theo một số tài liệu để lại thì ca khúc này được tác giả cho ra đời vào năm 1970. Và xóm đạo trong bài hát này là xóm đạo nằm ở khu Hố Nai Biên Hòa.

Lời bài hát đơn giản và gần gũi mà chan chứa tình cảm, pha chút chất hùng của nhạc lính mà cũng phảng phất chút bi của quê hương đau khổ. Đó là những mất mát chia ly trong thời binh đao. Mà cụ thể qua bài hát là hình ảnh người lính từ giã người yêu ở một xóm đạo lên đường chinh chiến và đã thành lời giã từ cuối cùng của hai người yêu nhau, bởi lần trở về xóm đạo thì người yêu đã mãi mãi rời xa khi giặc thù gieo lên nỗi đau thương.

Mở đầu bài hát là giây phút hồi nhớ về khoảng trời yêu ngây thơ, trong trắng có anh và em, tình rất đẹp của tuổi học trò, hẹn ước cùng nhau sau những buổi tan trường, cùng xây mơ ước cho ngày sau. “Nhặt cành hoa trắng/ Thiết tha tôi cài lên trên áo lụa xinh mầu tím”, hoa trắng ấy là biểu tượng cho sự tinh khiết, ngây thơ và toàn vẹn, màu hoa dành cho cô dâu ngày cưới. Có lẽ đó là ý nghĩa mà chàng trai muốn bài tỏ và gửi gắm lòng mình đến người con gái khoác trên người màu áo tím của sự thủy chung và gắn bó. Đó là tình yêu đẹp của thuở ban đầu, cho nhau bao kỷ niệm, cho nhau lời mong ước “Tình ta sẽ dài lâu như hoa trắng không phai màu”.

Nhưng rồi tình đẹp đành dang dở, phải xa cách ngàn phương khi anh giờ đây “Cuộc đời sương gió chiến chinh nơi miền xa”, từ giã người yêu, gửi lại chuyện yêu đương nơi xóm đạo thân thương, những bước chân hành quân qua những vùng quê xa hay nơi núi rừng “Gặp hoa trắng ngày xưa thương em nói sao cho vừa”.

Để rồi lời giã từ ấy của người lính đã thành lời từ biệt mãi mãi khi người yêu đã ra đi khi “giặc về gieo sầu”. Người nghe có thể cảm nhận được sự xót xa, đau thương cho người con gái, cho tình yêu đẹp của hai người đã mãi ngăn cách nhau. Vì từ nay đã không còn người em gái “Xóm đạo hết mong chờ” người yêu là lính nơi chinh chiến ngày trở về. Và đâu đó ta thấy được cảnh tang tóc, buồn thảm đã bao chùm xuống nơi xóm đạo yên bình ngày nào mà giặc ác đã gây ra, một người con gái, một tình yêu đẹp với bao ước hẹn “Giờ còn riêng mình tôi”, người lính trận cô đơn ngày về.

“Nhặt cành hoa trắng/ Xót xa tôi cài lên trên nấm mộ xanh cỏ lá …”. Cũng cành hoa trắng ấy của tình yêu thuở ban đầu với bao điều tươi đẹp mong muốn trao gửi cho nhau, nhưng nay lại thành màu hoa trắng của tiễn biệt người yêu trên nấm mộ xanh. Vẫn tình yêu ấy, nguyên vẹn như thuở nào trao cho người yêu xóm đạo cành hoa trắng ngày nào, vì chinh chiến mà em cách xa tôi nhưng “Em ơi, em ơi! Nhớ hoài nhớ nhau muôn đời”.