XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hàn quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hàn quốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

THẤY GÌ Ở HÀN QUỐC ?


  1. Hàn Quốc có diện tích chưa bằng một phần ba (100.000 km2), dân số bằng hơn nửa (50 triệu) của nước ta, nhưng ngay ở thủ đô Seoul (diện tích khoảng 600 km2 – bằng một phần năm Hà Nội, dân số 10 triệu người – gấp hai lần Hà Nội) người ta cũng không thấy sự đông đúc đến nghẹt thở. Giờ tan tầm, dòng xe cũng bị ùn ứ ở những nút giao thông, nhưng tất cả nhanh chóng qua đi. Còn giờ làm việc thì đường phố thông thoáng, nhiều nơi, có cảm giác đang ở một thành phố của một tỉnh lẻ nào đấy.
Có nhiều nguyên nhân tạo nên sự thoáng đãng này: trước hết là người ta không dùng xe máy để đi lại vì mùa đông kéo dài và hệ thống giao thông công cộng rất hoàn chỉnh. Đôi khi cũng có thể thấy một chiếc xe máy nhưng chỉ có hai loại, xe thể thao và xe của những người đi “ship” hàng. Cứ ba người dân ở đây có một ô tô nhưng luật lệ được tự giác thực hiện nghiêm chỉnh nên cũng giúp việc đi lại được thuận lợi. Cùng với xe bus, Seoul còn có một hệ thóng xe điện ngầm hoàn chỉnh. Được vận hành từ năm 1974, đến nay đường xe điện ngầm ở Seoul dài 1.013,4 km nối các quận của thủ đô với các vùng ngoại vi. Hàn Quốc hiện vẫn trong tình trạng chiến tranh (với Triều Tiên chỉ mới có Hiệp định đình chiến) nên hệ thống xe điện ngầm cũng là thành phố ngầm dưới mặt đất, đồng thời cũng là hệ thống hầm trú ẩn có thể đối phó với chiến tranh  hạt nhân.
Suốt mấy ngày ở Seoul, tôi không hề nhìn thấy cảnh sát ở bất cứ đâu. Thì ra, họ theo dõi tất cả qua các camera có ở khắp mọi nơi và chỉ xuất hiện khi sự cố xảy ra. Tất cả các làn đường ở Seoul đều là đường một chiều, trong đó có làn đường bên trái là làn ưu tiên luôn thông thoáng. Xe bus và xe chở khách du lịch là hai đối tượng hàng đầu được chạy trên làn này. Nếu ai có việc khẩn cấp trong khi đường ùn tắc cũng có thể cho xe chạy vào đây nhưng tất nhiên phải chuẩn bị tinh thần nộp phạt. Qua hệ thông camera, người ta đã ghi lại đầy đủ thời gian và quãng đường ưu tiên mà anh đã sử dụng và số tiền phạt không hề nhỏ nên ít người dám “cả gan”.
Sân bay Incheon được xây dựng từ năm 2001 để phục vụ cho World cup 2002 là một trong những cảng trung chuyển hàng không lớn nhất thế giới, được đánh giá là một trong 5 sân bay thuộc loại 5 sao của thế giới. Sân bay Incheon hiện tại có 1 sân golf, các dịch vụ spa, các phòng nghỉ cá nhân, khách sạn, sòng bạc, các khu vườn trong nhà ga, các khu mua sắm, giải trí, các khu ăn uống rộng lớn và 1 Bảo tàng văn hóa Hàn Quốc. Sân bay có tới hơn 500 cửa lên xuống máy bay và để đi lại ngay trong sân bay cũng có hệ thống xe điện ngầm. Hiện việc mở rộng sân bay cũng đang được thực hiện.
  1. Người Hàn Quốc ở Seoul chủ yếu ở chung cư và rất nhiều người thuê nhà để ở. Cuộc sống ổn định nên họ không quá coi trọng lưu giữ tài sản. Nhà ở cũng thường nhỏ, diện tích trung bình căn hộ thường chỉ 60 – 70 m2 (để tiết kiệm năng lượng sưởi ấm vào mùa đông). Các khu chung cư thường chỉ có các ngôi nhà dưới 20 tầng, rất ít nhà chọc trời. Các cửa hàng, cửa hiệu hiện đại (không có cửa hàng nhỏ trên phố như Đài Loan), không choáng lộn. Người dân đi trên phố (ít người đi bộ) ăn mặc giản dị. Hình như người dân ở đây không thích phô trương.
Họ rất chú trọng cuộc sống gia đình. Thường, phụ nữ khi có con (thường muộn vào độ tuổi khoảng gần 40) đều ở nhà chăm sóc con cái và lo việc nội trợ. Trách nhiệm kiếm tiền đặt trên vai người chồng nên người chồng rất được vợ nể trọng, chăm sóc chu đáo. Ngược lại, người chống cũng biết ơn người vợ vì đã hy sinh để chăm chút cho gia đình. Ngày nghỉ, chồng thường đưa vợ và các con đi chơi. Tất cả việc chăm sóc con, mang theo túi, ba-lô, … đều do người chồng đảm nhận. Họ rất tự nguyện vì biết vợ mình đã vất vả suốt cả tuần. Thái độ tôn trọng phụ nữ này có lẽ còn vượt cả người châu Âu.
  1. Lái xe taxi, du lịch ở Seoul hầu hết đều là người cao tuổi. Có cụ đã 80 nhưng vẫn lái xe 45 chỗ. Luật Hàn Quốc không khống chế độ tuổi được lái xe. Cứ 6 tháng một lần, tới khám sức khỏe, nếu đủ điều kiện thì vẫn được lái. Thanh niên Hàn Quốc không thích làm nghề này, họ chú trọng các nghề đòi hỏi chất xám, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao. Không biết khi các bác lái xe già này qua đời sẽ ra sao. Trong các nhà hàng, khách sạn rất nhiều lao động nhập cư. Người Trung Quốc khá đông chủ yếu làm trong các hiệu ăn. Theo thống kê, cho tới nay có tới 170.000 người Việt Nam đang sinh sống ở Hàn Quốc, ngoài một số cô dâu lấy chồng người Hàn, phần lớn là lao động trong các công trường xây dựng, đánh bắt xa bờ, tạp vụ, ….

Một chuyện cũng thú vị: thanh niên ta khi thi đỗ vào đại học thường mong muốn cha mẹ thưởng cho xe máy hay điện thoại “xịn”. Thanh niên Hàn Quốc thì không thế. Họ xin cha mẹ cho đi phẫu thuật thẩm mỹ. Cho nên, có con sắp tới tuổi trưởng thành, cha mẹ phải dành dụm vì tiền làm đẹp không hề rẻ. Có lẽ do đó, thanh niên, trung niên  Hàn Quốc có khuôn mặt và hình thể rất đẹp.

TỪ HÀN QUỐC NHÌN VỀ VIỆT NAM

Trước những năm 60 thế kỷ 20, trong các nước châu Á, chỉ có Nhật là nổi trội hơn cả. Sau những canh tân đất nước của Thiên hoàng Minh Trị, nước Nhật đã tiến bộ vượt bậc, trở thành người “anh cả da vàng” theo cách suy tôn của các chí sĩ cách mạng Việt Nam. Cho dù có chịu hai quả bom nguyên tử của Mỹ nhưng cũng chính nhờ sự giúp đỡ của người Mỹ, nước Nhật đã nhanh chóng khôi phục và chỉ 19 năm sau chiến tranh, họ đã vượt lên khỏi hoang tàn và chết chóc, tổ chức thành công Thế vận hội mùa Hè năm 1964. Sau Nhật Bản khi ấy có lẽ chỉ có Sài Gòn là có thể sánh vai. Singapor thì mãi năm 1965 mới ra đời, còn trước đó chỉ là một làng chài heo hút của Malaysia. Hàn Quốc, khi ấy chẳng mấy ai biết đến. Người Việt Nam ở phía bắc biết tới Nam Triều Tiên (tên gọi cũ của Hàn Quốc) chỉ vì luôn nghe báo chí kết tội kẻ độc tài Lý Thừa Vãn, Tổng thống đầu tiên (cùng với Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan và Magsaysay của Philipin). Đến năm 1960, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc mới chỉ xấp xỉ 100 đô-la/năm.
Nhưng dưới thời Tổng thống thứ 2, Park Chung Hee, Hàn Quốc đã có bước phát triển vượt bậc. Chỉ trong 4 nhiệm kỳ, Park Chung Hee đã đưa Hàn Quốc trở thành nước có nền công nghiệp phát triển, tạo đà cho những bước nhảy vọt trở thành con hổ ở châu Á sau này. Ông thành công nhờ hai nguyên nhân, một là thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng rất hà khắc để huy động toàn bộ sức dân vào công cuộc phát triển đất nước. Ông đã tuyên bố trước hơn 20.000 sinh viên trường Đại học Seoul: ““Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Nếu làm được vậy, trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới… Hôm nay, có thể một số người dân bất đồng ý kiến với tôi, nhưng xin hiểu cho rằng tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra”. Nói là làm, ông đã thi hành án tử hình với 24 quan chức và nhà tư sản vì tội tham nhũng. Đồng thời với “bàn tay thép”, Park Chung Hee còn liên minh với Mỹ, dựa hẳn vào Mỹ, đổi lấy viện trợ của Mỹ bằng việc đưa 320.000 quân tham chiến ở Việt Nam (khi ấy, ta gọi là lính đánh thuê Nam Triều Tiên, vào những năm 80, các nghệ sĩ của ta tham gia biểu diễn kiếm tiền được gọi là “đi pắc” – đánh thuê). Sau cuộc chiến khoảng 5.000 (có tài liệu ghi 6.000) lính Hàn đã tử trận và 110.000 người bị thương tật. Nhưng kết quả, những người lính này đã mang về cho đất nước 5 tỷ đô-la (tương đương 35 tỷ đô-la hiện nay), sau đó còn nhận được viện trợ từ Mỹ bằng con số đó để có tiền vốn xây dựng đất nước.
Đánh giá về Park Chung Hee, người Hàn Quốc đã tốn không ít giấy mực mà vẫn chưa ngã ngũ. Giới trẻ ngày nay rất biết ơn ông vì nhờ ông, họ được hưởng những thành tựu của một nước văn minh, tiên tiến, ngẩng cao đầu trước bè bạn năm châu. Nhưng cũng không ít người lên án chính sách độc tài của ông. Bằng chứng là ông đã ba lần bị ám sát bởi những người đối lập và lần thứ ba, ông đã tử thương bởi một quan chức thân cận. Nhưng rõ ràng, chính nhờ những quyết đoán táo bạo của ông, Hàn Quốc đã nhanh chóng thay đổi.
6.000 người lính chết trận (chỉ bằng hơn nửa số quân ta hy sinh trong 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị, cũng chưa bằng số người dân chết và mất tích trong Tết Mậu Thân 1968 ở Huế) để sau 20 năm, Hàn Quốc  từ nghèo nàn lạc hậu trở thành một cường quốc, đứng thứ 4 châu Á và thứ 15 thế giới, có tên trong nhóm G.20 của các nước phát triển nhất. 50 triệu dân Hàn Quốc giờ đây được hưởng một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc trong xã hội giàu có, văn minh.
Cũng trong cuộc chiến tranh này, chúng ta đã hy sinh bao nhêu chiến sĩ? Bao nhiêu người dân lành đã ngã xuống vì bom rơi đạn lạc?
Để sau đó, đất nước của chúng ta đang trong tình cảnh hiện nay?