Tác giả: George Dutton - Lê Nguyễn dịch và
giới thiệu
NXB tổng
hợp Thành phố Hồ Chí Minh
Tặng Jessief Talia và Miranda
LỜI GIỚI
THIỆU
Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ cuộc
nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn là sự kiện đưa đến nhiều dị biệt nhất
về mặt quan điểm hay nhận thức. Nổi bật nhất là quan điểm đưa ra cách nay hơn
nửa thế kỷ, coi phong trào Tây Sơn như cuộc nổi dậy của giới nông dân bị áp
bức, bóc lột, chống lại nhà Nguyễn thối nát và mang lại công bằng xã hội cho
mọi tầng lớp nhân dân. Sự lý tưởng hóa hầu như mọi hoạt động của phong trào Tây
Sơn đã dẫn đến một số nhận định chủ quan về thực chất của phong trào này và
cũng từ đó, nhiều sự thật lịch sử liên quan đến phong trào chưa được làm sáng
tỏ. Gần đây, cuộc nội chiến kéo dài 30 năm từ đầu thập niên 1770 đến đầu thập
niên 1800 được nhiều học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài để tâm tìm hiểu, dựa
vào nhiều nguồn tư liệu ở các văn khố nước ngoài, tiêu biểu là văn khố của Bộ
Hải quân và Thuộc địa cũ và Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris (Pháp). Nhờ thế mà
số dữ kiện được đưa ra về thời kỳ này phong phú hơn, nhiều sự thật lịch sử
trước đây, vì lý do này hay lý do khác, còn mơ hồ, chưa thống nhất, nay được rõ
ràng, dứt khoát hơn.
Một trong những tác phẩm tiêu biểu
cho chủ đề này là The Tây Sơn uprising (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn) của giáo
sư sử học người Mỹ George Dutton mà bản dịch đang nằm trên tay quý bạn đọc. Tác
giả là giáo sư bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á thuộc trường Đại học
California tại Los Angeles (UCLA), Mỹ; từng giảng dạy môn lịch sử Việt Nam cận
và hiện đại, đồng thời là tác giả nhiều sách viết về xã hội Việt Nam các thế kỷ
XVIII, XIX và XX. Riêng tác phẩm The Tây Sơn Uprising được trường Đại học
Hawai’i xuất bản năm 2006 là một công trình nghiên cứu quan trọng của Dutton về
phong trào Tây Sơn những năm 1771-1802, trong khuôn khổ một cuộc nội chiến ác
liệt và dằng dai kéo dài hơn 30 năm, với những di chứng còn tồn tại đến thế kỷ
XIX.
Dutton đã dành phần lớn tác phẩm này
để bàn về mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn với các thành phần xã hội phức tạp lúc
bấy giờ, gồm có giới nông dân, người châu Âu tại Đại Việt, các sắc tộc thiểu số
như người Hoa, người Chăm, người Khmer, đồng bào Thượng trên cao nguyên và cả
những thành phần cư dân mà tác giả gọi là “những kẻ sống bên lề xã hội”.
Ở mỗi chủ đề, tác giả đã tham khảo
nhiều nguồn tư liệu bằng các ngôn ngữ khác nhau để lý giải vấn đề, chủ yếu nhằm
làm sáng tỏ nhiều chi tiết lịch sử còn thiếu sót hay mơ hồ.
Trước tiên, bàn đến quan điểm xem nhà
Tây Sơn là một phong trào nông dân, Dutton đưa ra một số luận cứ nhằm minh họa
cho cách nhìn của ông. Ông viết: “Người nông dân thời kỳ Tây Sơn là những kẻ
lót đường cho quân đội, là đối tượng của sự lao dịch, là nguồn tiếp tế và nguồn
lợi tức cho phong trào. Những người đàn ông và đàn bà đó có thể nuôi ước vọng
về một cuộc sống tốt hơn, điều này phản ánh trong sự ủng hộ đầy vẻ lạc quan của
họ khi nhìn thấy những biểu hiện sớm sủa của cuộc nổi dậy, song những ước vọng
đó sớm nhường chỗ cho một thực tế đầy thất vọng và theo những chứng cứ khả dĩ
nhất, ít có người nông dân nào nhìn thấy một sự cải tiến đáng kể trong đòi sống
của họ phát xuất từ hành động của nhà Tây Sơn*”.
Không phải ai cũng đồng tình với quan
điểm của tác giả, song sự gợi mở của ông tạo nên sức sống mới cho sinh hoạt học
thuật về thời kỳ này đã từ lâu đi theo những lối mòn.
Dutton nhận định rằng, lúc bắt đầu
cuộc nổi dậy, nhà Tây Sơn cũng chỉ tái phân phối những tài sản có giá trị thấp,
hoặc lúa gạo cho người nông dân thay vì thừa nhận quyền sở hữu ruộng đất của họ
thông qua những chứng từ hợp pháp. Người nông dân trong cuộc nội chiến
1771-1802 trở thành công cụ lớn nhất cho mục tiêu tối hậu của anh em Tây Sơn,
để rồi, như một nhận định khá chua chát của Dutton, cuối cùng “họ trở thành kẻ
đồng lõa với sự áp bức chính họ*”, bởi vì sự đóng góp công sức của họ đã được
đền đáp bằng sự bóc lột họ bằng sưu cao thuế nặng.
Trong thành phần những sắc dân thuộc
khối thiểu số, qua ngòi bút của George Dutton, mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và
người Hoa cũng phức tạp không kém. Mối quan hệ này khởi đầu từ việc thu nhận
các lực lượng người Hoa dưới quyền của hai thương nhân Tập Đình và Lý Tài vào
trong hàng ngũ Tây Sơn, và nó chặt chẽ đến nỗi vào năm 1775, một nhà quan sát
người Âu đã viết rằng, phần lớn quân nổi dậy là người Hoa. Song mối quan hệ đó
sớm lụi tàn, nhường chỗ cho những ân oán kéo dài, nhất là vào thập niên 1780,
khi nhà Tây Sơn tàn sát hàng ngàn người Hoa tại vùng Gia Định. Cuộc thảm sát
này mang màu sắc một sự trả thù cho viên tướng Tây Sơn Phạm Ngạn bị sát hại bởi
đạo quân Hòa Nghĩa gồm phần lớn là người Hoa, song theo Dutton (và một số tác
giả khác), mối quan hệ căng thẳng giữa nhà Tây Sơn và người Hoa lúc bấy giờ bị
chi phối bởi nỗi lo ngại cộng đồng này là những trung tâm tài chánh nếu không
tự nguyện đóng góp vật chất cho đạo quân nhà Nguyễn thì ít nhất cũng nằm trong
tầm ảnh hưởng và sự chỉ phối của đạo quân này. Song Dutton cũng cho rằng không
phải lúc nào mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và người Hoa cũng mang màu sắc tiêu
cực. Chỉ một năm sau cuộc thảm sát người Hoa tại Sài Gòn (1782), các tàu buôn
của họ tiếp tục cập bến buôn bán tấp nập.
Đối với người Âu, chủ yếu là những
người Pháp đang sống bên trong hay bên ngoài guồng máy chiến tranh, qua ngòi
bút của Dutton, nhà Tây Sơn thường cho rằng các cuộc thất trận lớn của họ là do
có sự tham gia của những người Âu thiện chiến trong lực lượng của Nguyễn Ánh.
Tuy nhận định này có tính phóng đại ít nhiều, song họ cũng nỗ lực chiêu dụ
những người Pháp có năng lực về mặt kỹ thuật, công nghệ, gia nhập vào đạo quân
của họ. Trường hợp cựu đại tá công binh Olivier de Puymanel (có tên Việt là ông
Tín), người đã xây thành bát quái (thành Sài Gòn) cho chúa Nguyễn vào năm 1790,
là một ví dụ tiêu biểu cho sự níu kéo của nhà Tây Sơn đối với người Pháp. Trong
tác phẩm của mình, George Dutton đã viện dẫn tài liệu của một giáo sĩ kể lại
câu chuyện vào năm 1795, Thái sư nhà Tây Sơn là Bùi Đắc Tuyên đã công khai yêu
cầu các giáo sĩ giao Puymanel cho ông ta nếu không muốn các nhà thờ bị phá hủy.
Tuyên còn có ý định nhờ một Tổng trấn ở Manila (Philippines) bắt giữ Puymanel
giùm. Cũng từng có cuộc tiếp xúc giữa một đại diện thương mại Anh là Charles
Chapman với Nguyễn Nhạc và nhà lãnh đạo Tây Sơn muốn nhờ Tổng trấn Bengale cử
người huấn luyện quân sĩ giùm, nhưng những ý định của ông ta cũng không thành
hiện thực.
Cuối cùng, mối quan hệ giữa nhà Tây
Sơn và hải tặc Trung Hoa là chủ đề được Dutton đề cập khá kỹ, ông nêu ra những
dữ kiện minh chứng cho mối quan hệ giữa phong trào này và các nhóm hải tặc
Trung Hoa bị chính quyền nhà Thanh tróc nã, phải trôi dạt xuống các vùng biển
phía nam. Đây là một lực lượng quan trọng cả về nhân số lẫn phương tiện và vũ
khí, có những đạo quân hải tặc lên tới hàng ngàn người và một số tàu thuyền
hàng trăm chiếc. Nhà Tây Sơn đã tuyển mộ thành phần này và sử dụng họ dưới hai
hình thức chính: một là để kiểm soát đường biển, ngăn chặn các tàu thuyền di
chuyển nhằm mục đích tiếp xúc, tiếp tế cho chúa Nguyễn Ánh; hai là để chia sẻ một
phần lợi kiếm được cho phong trào này, bù đắp vào những khoản thiếu hụt về vật
tư và tài chánh. Dutton đã mô tả với nhiều chi tiết hơn về điểm này: “Được đánh
giá cao do khả năng hạn chế các hoạt động của con người, bọn hải tặc cũng có
ích về mặt tài chánh cho nhà Tây Sơn. Đổi lại với việc cung cấp cho hải tặc nơi
trú ẩn an toàn trong vịnh Bắc phần, nhà Tây Sơn nhận được một tỷ lệ phần trăm
những của cải mà tàu thuyền của chúng cướp được. Về những của cải được đưa qua
vùng biển này, hoạt động tuần tra có lọt rất nhiều cho cả hai phía. Cứ mỗi mùa
xuân và mùa hè, các tàu hải tặc bắt đầu mùa cướp bóc, rồi khi mùa thu đến thì
chúng quay về nơi trú ẩn an toàn. Murray viết rằng, các hải tặc sẽ nộp của cải
cướp được cho nhà Tây Sơn (ít nhất về mặt lý thuyết); Tây Sơn lại mang bán
chúng ở Đại Việt rồi hoàn từ 20 đến 40% tiền thu được cho hảỉ tặc...*”.
Những gì George Dutton trình bày
trong tác phẩm của ông cho thấy một thực trạng chung của cả hai bên trong cuộc
nội chiến kéo dài hơn 30 năm, đó là sự câu kết, hợp tác với những thế lực bên
ngoài để tăng cường sức mạnh chiến đấu cho lực lượng của mình. Tác giả đã có
nhận định khá tinh tế về vấn đề này: “Kết luận rằng trộm cướp và hải tặc giữ
vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn không nhằm làm mất uy tín
các lãnh tụ phong trào, như ý đồ của các sử gia triều Nguyễn, cần trung thực
hơn khi miêu tả thành phần phức tạp của cuộc nổi dậy, phản ánh tính không đồng
nhất của xã hội Đại Việt cuối thế kỷ XVIII. Cũng như đối thủ của họ là chúa
Nguyễn, nhà Tây Sơn trước tiên là những kẻ thực dụng, trong việc tuyển mộ quân
đội, họ không nghĩ đến nền tảng xã hội, và kinh nghiệm, mà chỉ nghĩ đến những
con số tuyệt đối. Đối với người tuyển mộ của nhà Tây Sơn, một kẻ cắp hay cướp
biển không phải là một tên tội phạm cần tiêu diệt, mà là một người có kinh
nghiệm chiến đấu, có thể tự trang bị vũ khí, sẵn sàng thách thức với nhà cầm
quyền*”.
Khi đánh giá chung về nhà Tây Sơn,
George Dutton có những nhận định khá thẳng thắn khi ông viết: "... các
lãnh tụ Tây Sơn không phải là những người canh tân hay những nhà cách mạng, mà
chỉ là những kẻ cơ hội về chính trị. Họ tỏ ra thực dụng khi đưa ra nhiều lời
kêu gọi khác nhau, theo nhiều cách khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, sử
dụng những công cụ tìm thấy, và những tình huống bắt gặp được để tranh thủ sự
ủng hộ và để họp pháp hóa bản thân họ cũng như phong trào của họ. Cho dù một
vài sử gia người Việt cố gán cho cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn những mưu định
lớn lao, một cái nhìn sâu sát hơn cho thấy họ chẳng có một chiến lược nào tài
giỏi, rất ít khi dựa vào một triết lý đặc biệt nào. Tuyên ngôn của các nhà lãnh
đạo Tây Sơn về những mục tiêu nào đó thường được tính toán nhắm vào lợi ích
riêng tư và quyền lực chính trị cùa họ, mà không nhằm tạo sự chuyển biến cho đất
nước họ hay cho đời sống của cư dân của họ*”
Ở một đoạn khác, tác giả còn tỏ ra
gay gắt hơn: “Vì thế, thay vì miêu tả anh em nhà Tây Sơn như những nhà cách
mạng, chính xác hơn là chúng ta nên xem họ như những diễn viên phụ (cho dù là
ghê gớm) trên một sân khấu chính trị đông đúc và rộng lớn mà diễn viên và đồ
dùng đã được dọn sẵn. Mở rộng cách ẩn dụ này hơn nữa, có thể nói các lãnh tụ
Tây Sơn là những diễn viên không có kịch bản, tùy nghi ứng biến vai diễn của họ
cũng như hướng giải quyết của vở kịch. Họ được dẫn dắt không phải bởi một tầm
nhìn dài hạn mà bởi động cơ cá nhân ngắn hạn, đáp ứng với những tình huống hay
thay đổi*”.
Trên là nhận định của tác giả về nhà Tây Sơn nói chung, song tách riêng nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ, Dutton có một cái nhìn khác, sâu sắc và trọng thị hơn rất nhiều: "... Sự tin tưởng của người xứ Đàng Ngoài vào vua Quang Trung phát xuất phần lớn từ việc ông bảo vệ đất nước Đại Việt chống lại cuộc xâm lược của quân nhà Thanh vào năm 1788. Chính hành động này, hơn bất cứ hành động nào khác, đã củng cố tầm vóc của ông trong con mắt của các nho sĩ Bắc hà cũng như trong quảng đại quần chúng. Chiến thắng quân Thanh của ông đã dứt khoát đưa ông vào ngôi đền của những anh hùng dân tộc - Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo và Lê Lợi, là những người đã bảo vệ đất nước chống lại người láng giềng phương Bắc. ông gợi nhớ lại chiến công của những vị anh hùng này khi tập họp quân đội tấn công quân Thanh và chiến công của ông rõ ràng đã kết nối thành tích của ông với thành tích của các vị anh hùng. Chỗ đứng của Quang Trung trên vũ đài quốc gia được xác định bởi chiến công của ông về mặt quân sự hơn là tầm nhìn chính trị của ông. Hình như là sau nhiều năm xa chiến trường, vua Quang Trung cần đến sự kích động và một sự tưởng thưởng hậu hĩnh từ một cuộc đối đầu quân sự khác. Thật vậy, cuộc xâm lăng có trù tính nhắm vào nhà Thanh chứng tỏ logic quân sự và chính trị được liên kết đến mức độ nào trong đầu óc của ít nhất một lãnh tụ nhà Tây Sơn*".
Thưa quý độc giả
Dịch ra
Việt ngữ một tác phẩm như The Tây Sơn uprising là điều cực khó, khi phải lồng
những văn từ bằng tiếng nước ngoài thời hiện đại vào khuôn khổ xã hội Việt Nam
thế kỷ XVIII với nhiều dị biệt về tổ chức chính quyền, phong tục tập quán, ngôn
ngữ thông dụng. Điều này đòi hỏi người dịch phải có một kiến thức nhất định về
lịch sử Việt Nam thời kỳ này để chuyển tải đến người đọc những nội dung mà tác
giả của nó muốn gửi gắm, đồng thời để bổ sung những thiếu sót hay đính chánh
những chi tiết mà tác giả có phần nhầm lẫn khi đi sâu vào những vấn đề lịch sử
phức tạp. Nỗi khó khăn càng nhân lên nhiều hơn khi phải “hoàn nguyên” những chỗ
tác giả trích dịch ra tiếng Anh một đoạn tác phẩm bằng Việt ngữ. Dù rất cố
gắng, song có những tác phẩm bằng Việt ngữ, người dịch và người biên tập không
tìm thấy để có thể ghi lại đúng nguyên văn phần đã được tác giả tham khảo và
dịch ra tiếng Anh. Trong trường hợp này, sự dịch ngược trở lại chỉ có thể đáp
ứng về mặt nội dung, đành bỏ qua nguyên văn của tài liệu gốc. Đôi lúc, chúng
tôi có được may mắn phát hiện những sai sót “chết người” của tác giả khi dịch
ngôn ngữ Việt ra tiếng Anh, ví dụ khi ông dịch từ “trăm họ” trong sách Đại Nam
thực lục là “hundred sumames” hay từ “thiên hạ” là “under heaven”, song những
phát hiện ít ỏi đó không có nghĩa là những sai sót như thế đã được tìm thấy
hết.
Vì tác phẩm này dựa vào một nguồn tài
liệu thật phong phú nên chỉ trong hơn 300 trang bản thảo dạng pdf, đã có đến
764 chú thích! Số lượng chú thích khổng lồ này lại được tập trung hết vào cuối
quyển sách, có thể không thuận tiện cho người đọc, cho nên chúng tôi đã cố gắng
đưa chúng xuống cuối mỗi trang sách để bạn đọc dễ dàng theo dõi hơn. Dù số chú
thích của tác giả đã quá nhiều, người dịch vẫn thấy có trách nhiệm bổ sung
những chú thích của riêng mình đối với các chi tiết lịch sử mà tác giả đã không
trình bày một cách đầy đủ hay sai lạc. Những chú thích của riêng người dịch sẽ
được ghi thêm ở cuối câu ký hiệu (" ND). Tất nhiên chúng tôi vẫn rất cần ở
quý độc giả sự hợp tác để giúp chúng tôi bổ sung, chấn chỉnh những sai sót của
tác giả hay người dịch trong các lần tái bản sau.
Trân trọng, Lê Nguyễn
LỜI CẢM TẠ
Tác phầm
này xuất phát từ một luận án tiến sĩ tôi đã nghiên cứu và soạn thảo khi làm
việc tại trường Đại học Washington, giữa những năm 1994 và 2001. Trong thời
gian ở Đại học Washington, tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và khích lệ của
các thành viên ủy ban duyệt xét luận án, đặc biệt là bà Laurie Sears và ông
Christoph Giebel. Hướng dẫn luận án cho tôi, Laurie là người mà một nghiên cứu
sinh có thể kỳ vọng: một người tư vấn nhiệt tình, một nhà phê bình sâu sắc và
mạnh dạn. Tôi tự thấy mình may mắn được làm người học trò của bà. Christoph
cũng hay giúp đỡ như vậy, ngay lúc tác phẩm này mới được khối thảo, ông đã dành
cho tôi những lời phê bình sâu sắc và đặt ra cho tôi những câu hỏi gợi lên
nhiều suy nghĩ. Tôi cũng nhận được sự hỗ trợ và động viên của các bạn nghiên
cứu sinh về lịch sử Việt Nam ở trường Đại học Washington và nhiều nơi khác, đặc
biệt các bạn Judith Henchy, Jamie Anderson, Michele Thompson, David Biggs, Liam
Kelley và Charles Wheeler.
Về sau,
khi tôi chuyển bản luận án này thành tác phẩm, tôi được hỗ trợ bởi những ý kiến
sâu sắc, những gợi ý và sửa chữa của những người đã đọc từng phần hay toàn bộ
tác phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau. Tôi đặc biệt biết ơn những lời phê
bình rộng lượng của Victor Lieberman, Peter Zinoman, Li Tana, Nola Cooke, Liam
Kelley và David Chandler. Những phê bình của họ đã khiến tôi suy nghĩ lại về
nhiều điều trong bản thảo và giúp tôi biên soạn một bản thảo cuối cùng mà tôi
hi vọng là sẽ tốt hơn. Tôi cũng đánh giá cao nhiệt tình của Alexander Woodside
khi trả lời một số câu hỏi của tôi và góp ý với tôi về các vấn đề liên quan đến
nguồn tư liệu và nghiên cứu. Cuối cùng, khi tôi tiếp tục duyệt lại bản thảo,
tôi nhận được sự hỗ trợ và động viên tinh thần của khoa Ngôn ngữ và Văn hóa châu
Á của tôi ở Đại học California, Los Angeles (UCLA), đặc biệt là tình thân hữu
của Thu Hương Nguyễn Võ, Namhee Lee, và Michael Bourdaghs. Nói lời biết ơn về
tất cả những góp ý và phê bình mà tôi nhận được trong lúc viết ra tác phẩm này,
tất nhiên tôi là người chịu trách nhiệm sau hết đối với sản phẩm cuối cùng và
những khuyết điểm còn lại của nó. Có nhiều cách để viết lịch sử về nhà Tây Sơn;
đây là một trong những cách như thế.
Cuộc nghiên cứu để làm ra tác phẩm
này được hỗ trợ một phần bởi Chương trình học bổng Fulbright-Hayes cho việc
nghiên cứu luận án ở nước ngoài và học bổng VI FLAS. Cuộc nghiên cứu này cũng
không thể có được nếu không có những sự giúp đỡ trong thời gian tôi lưu lại
Việt Nam, Pháp và Rome. Tại Việt Nam, các ông Nguyễn Quang Ngọc, Phan Huy Lê và
Đỗ Bang đã giúp đỡ đặc biệt cho việc nghiên cứu được dễ dàng, cũng như các viên
chức ở Viện Hán Nôm, các Thư viện Khoa học xã hội ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí
Minh, Thư viện Quốc gia Hà Nội, Thư viện tỉnh Bình Định ở Qui Nhơn. Tại Paris,
tôi may mắn được tiếp cận kho tài liệu gồm những thư từ thật cập thiết của các
giáo sĩ được lưu trữ tại Văn khố Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris. Vị giám đốc
văn khố là Cha Gérard Moussay và người phụ tá của ông là Brigitte Appavou đã
tạo điều kiện thuận lợi cho tôi được sử dụng nguồn tư liệu này. Tôi cũng muốn
cảm tạ các viên chức ở Thư viện Vatican, nơi tôi được tiếp cận các bản thảo
thật hấp dẫn của một giáo dân Việt Nam tên Jesuit Philiphê Bỉnh.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn Jessie Yuan, hiền nội của tôi, và Talia, con gái tôi. Họ góp ý rất nhiều khi tôi nghiên cứu và viết quyển sách này, tôi rất biết ơn họ vì điều này. Họ luôn nhắc nhở rằng, những gì quan trọng đối với tôi không nằm trong những tài liệu ghi chép khô khan (dù hấp dẫn) về những người khuất bóng đã lâu rồi.
DẪN NHẬP
Mùa xuân năm 1773, một đạo quân nhỏ
gồm những bộ tộc sống ở vùng cao và nông dân ở vùng đồng bằng mở đường đi xuống
từ vùng cao nguyên An Khê, nơi ngày nay là vùng Nam Trung Việt Nam, để tấn công
phủ lỵ Qui Nhơn* có tường thành bao quanh, cầm đầu đạo quân này là một người
buôn trầu cau và làm biện lại, tên Nguyễn Nhạc. Không tìm ra phương kế tấn công
trực diện vào thành, lực lượng nổi dậy sử dụng một mưu chước. Họ giả vờ bắt
người cầm đầu (Nguyễn Nhạc) bỏ vào cũi và giải giao ông ta cho quan phủ, ông
này cho giam Nhạc trong thành như một tù nhân. Đêm hôm đó, Nhạc tự giải thoát
và mở cổng thành cho đạo quân của ông ta đang chờ sẵn. Những kẻ nổi dậy nhanh
chóng vô hiệu hóa lực lượng bảo vệ thành, đốt cháy doanh trại, khiến quan Tuần
phủ hoảng sợ bỏ chạy*. Thắng lợi củng cố lòng tự tin, quân nổi dậy nhanh chóng
tiến đánh các mục tiêu khác dọc theo bờ biển. Khi họ di chuyển về vùng quê,
bước dưới một ngọn cờ to màu đỏ, quân lính đội khăn màu đỏ và tạo ra những
tiếng động lớn nhằm đe dọa đối phương. Đạo quân của Nguyễn Nhạc tịch thu tài
sản của những người giàu có bất hợp tác với họ và mang chia cho những người
nông dân nghèo khổ vốn coi họ như những “kẻ cướp nhân đức và giàu lòng từ
thiện*”.
Chuỗi sự kiện này đánh dấu sự khỏi
đầu của một trong những thời kỳ quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam, thời kỳ
mà sự biến động về kinh tế và xã hội diễn ra suốt gần ba thập kỷ và ảnh hưởng
còn kéo dài đến thế kỷ XIX. Những cuộc xung đột vào cuối thế kỷ XVIII nổ ra
trên đồng ruộng và ở các vùng duyên hải thuộc lãnh thổ Việt Nam, cũng như trong
những trung tâm quyền lực chính trị đang tồn tại hoặc sẽ xuất hiện trong lúc
cuộc nổi dậy xảy ra. Trước khi đạo quân nổi dậy bị đánh bại hoàn toàn vào năm
1802, họ đã lật đổ hai dòng họ trị vì, thống nhất trong thời gian ngắn một lãnh
thổ đã được cai trị lâu dài bởi hai vương triều khác nhau và đánh dấu chấm hết cho
một triều đại kéo dài ba trăm năm. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Nhạc và hai người
em trai - Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ - quân nổi dậy cũng khiêu khích và đẩy lùi
các cuộc xâm lược qui mô lớn xuất phát từ Xiêm và Trung Quốc, và bản thân họ
cũng tiến hành những cuộc phiêu lưu quân sự tại hai vương quốc láng giềng Khmer
và Lào. Khi cuộc nổi dậy và tiếp theo là những trận chiến kéo dài, lính đánh
thuê người Pháp, người Bồ Đào Nha, người Trung Hoa và người Đông Nam Á lao vào
cuộc chiến, và hàng trăm ngàn người đã ngã xuống bởi chiến tranh và nạn đói.
Nhiều người khác nữa đã rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn khi xã hội Việt Nam “ từ
giai cấp nông dân đến những thành phần ưu tú về tri thức và chính trị, những
nhà tu hành và các bộ tộc thiểu số - phải đối mặt với một vương quốc đang hồi
biến loạn.
Cuộc nổi dậy mang tên của ấp Tây Sơn
là nơi mà những người lãnh đạo xuất hiện. Với ý nghĩa "núi về phía
tây'", cái tên này có liên quan đến vị trí ngôi làng ở cạnh một vùng đất
cao nhô lên từ khu vực ven biển gần Qui Nhơn, trong một vương quốc mà người
thời đó gọi là Đàng Trong, còn người châu Âu thì gọi là Cochin - China. Cư dân
vùng Qui Nhơn xuất thân từ những nhóm người đi lập nghiệp, những cựu tù nhân bị
bắt giữ trong các cuộc chiến tranh vào thế kỷ XVII giữa chính quyền họ Nguyễn ở
phương Nam và chính quyền họ Trịnh ở phương Bắc. Hai dòng họ tranh giành nhau
quyền lực chính trị trên suốt chiều dài lãnh thổ Việt Nam. Người Việt ở Qui
Nhơn và vùng nội địa sống rất gần với những nhóm người miền cao rất trung thành
với các chúa Nguyễn. Vùng Qui Nhơn cũng là nơỉ tồn tại những di tích của vương
quốc Chăm hùng mạnh từng thống trị vùng duyên hải Nam-Trung Việt Nam ngày nay.
Khu vực này trở thành nơi bùng phát sự thù nghịch vây bọc lãnh thổ Việt Nam
trong hơn 30 năm trời.
Những anh em lãnh đạo cuộc nổi dậy
được người đương thời biết đến với nhiều cái tên. Người đầu lãnh được viên chỉ
huy quân Trịnh vào chiếm lấy Đàng Trong năm 1774 gọi là "Biện Nhạc ngông
cuồng"; "biện” là từ ám chỉ vai trò viên chức thu thuế* cho địa
phương. Với những người khác thì Nhạc được gọi là "trại chủ*”, nhằm nói
đến sự liên kết quân sự giữa ông ta với nhiều băng cướp cùng phe. Một vài nhân
chứng là giáo sĩ người Âu gọi ông ta là "cái ông Nhạc bội giáo ấy”, tin
rằng ông ta sinh ra trong một gia đình Thiên Chúa giáo*. Người em trai của ông
ta là Nguyễn Huệ cũng có một biệt hiệu được phổ biến rộng rãi như thế. Với
những hải tặc Trung Hoa mà ông ấy tuyển mộ vào lực lượng hải quân của ông, Huệ
là “Đại soái Việt Nam”, và là “kẻ dấy loạn bảo vệ cho hải tặc*”. Đối với giới
nhân sĩ ở Đàng Ngoài, khi chạm trán với nhân vật huênh hoang này, người đã xâm
chiếm vương quốc của họ vào năm 1786, ông ấy là "Chế Bồng Nga” - ám chỉ
ông vua Chăm cũng từng đánh chiếm lấy thành Thăng Long (nay là Hà Nội) vào thế
kỷ XIV như vậy. Với những giáo sĩ châu Âu, ông ấy gọi lên hình ảnh những kẻ
phiêu lưu quân sự thời xưa, và họ gọi ông là “Attila khác” hoặc “Alexandre Đại
đế*”. Và, như chúng ta đã biết, đối với một số nông dân Việt, ba anh em nhà Tây
Sơn là “những kẻ cướp nhân đức và giàu lòng từ thiện”. Chính những gương mặt đầy
màu sắc như tắc kè ấy, mà đối với nhiều người chúng tượng trưng cho nhiều thứ,
đã lãnh đạo cuộc nổi dậy phi thường này.
Hình 1:
Bản đồ Đại Việt thế kỷ XVIII cho thấy nhưng trung tâm đô thị lớn, các con sông
và sự phân chia lãnh thổ Trịnh-Nguyễn trước năm 1774.
Nhiều
chiêu bài mà những người cầm đầu cuộc nổi dậy sử dụng đã cho thấy rõ sự hiện
diện của những nhóm xã hội phức tạp và chồng chéo nhau dính líu vào những biến
động của thời kỳ này. Trộm cướp, hải tặc, người Chăm, giáo dân Công giáo, những
kẻ phiêu lưu quân sự, và các viên chức địa phương đều là những thành phần của
một mạng lưới xã hội đã được thử thách một cách dữ dội bởi cuộc chiến dài 30
năm của nhà Tây Sơn.
Thời kỳ của nhà Tây Sơn quan trọng
không đơn thuần do những động lực xã hội phức tạp đã làm cho nó biến đổi một
cách sâu sắc, hoặc do sự tồn tại lâu dài và tác động lớn lao của nó lên dân tộc
Việt Nam. Điều quan trọng là nó đánh dấu một điểm gãy đổ của lịch sử, khi mà
các động lực nội tại đã tổng lược những chủ đề cơ bản được dùng từ lâu để định
hình tiến trình của lịch sử Việt Nam.
Như một điểm ngắt quãng, thời kỳ của
nhà Tây Sơn được xem là một tiêu biểu cho bi kịch cuối cùng trong sự chuyển dần
quyền lực chính trị và kinh tế tại vùng phía bắc châu thổ sông Hồng về phía nam
xuyên qua đèo Hải Vân và hướng về đồng bằng sông Cửu Long. Đó là một chuyển
biến đã diễn ra trên hai thế kỷ, thể hiện sức mạnh đang lớn lên và sự thịnh trị
của các chúa Nguyễn cùng với sự mở rộng ảnh hưởng của họ trên vùng lãnh thổ
phía nam của kinh đô Phú Xuân (gần Huế ngày nay). Một chuyển biến cuối cùng đã
làm nảy sinh hai nhà nước độc lập với nhau về mặt chính trị - điều mà nhà
nghiên cứu Li Tana gọi là “hai nước Đại Việt” - với nhà Nguyễn kiểm soát các
lãnh thổ ở phía nam và dòng họ Trịnh ở phía bắc, người Việt gọi là Đàng Ngoài,
còn người châu Âu thì gọi là Đông Kinh*. Sự kiện nhà Tây Sơn xâm chiếm Đàng
Ngoài, khởi đầu vào năm 1786, đã kết thúc chế độ tự trị về mặt chính trị của
vùng này và bắt đầu một tiến trình theo đó thế lực ở phía nam vươn lên, trước
tiên bởi chế độ mới do những người nổi dậy lập nên và sau đó, bởi các chúa
Nguyễn đã đánh bại họ.
Giai đoạn này cũng được đẩy nhanh bởi sự dính líu của người châu Âu (đặc
biệt phần lớn là người Pháp) vào vấn đề chính trị nội bộ của người Việt Nam và
của người Việt Nam vào những vấn đề thuộc về lục địa Đông Nam Á. Cho dù sự tiếp
xúc giữa người châu Âu và người Việt đã bắt đầu từ thế kỷ XVI và đã trở nên ổn
định vào cuối thế kỷ XVIII, song sự dính líu của các giáo sĩ Pháp và hải tặc
vào đời sống chính trị của Đại Việt đã dâng lên rất cao trong cuộc xung đột với
nhà Tây Sơn. Điều này mở đường cho sự đính líu về mặt quân sự và chính trị về
sau này của người Pháp tại bán đảo Đông Dương, dẫn đến những hậu quả to lớn vào
giữa thế kỷ XIX. Ở cùng thời điểm này, những năm tháng của triều đại Tây Sơn
cũng cho thấy sự gia tăng dính líu của người Việt vào những vấn đề chính trị
của các lân bang, bao gồm các vương quốc của người Khmer, người Xiêm và người
Lào. Có lúc người Xiêm trở thành đồng minh của chúa Nguyễn trong cuộc chiến
chống lại nhà Tây Sơn, trong lúc các sứ giả Tây Sơn tìm cách tranh thủ sự hỗ
trợ của người Xiêm cho mục tiêu riêng của họ. Quân đội Tây Sơn cũng từng xâm
chiếm lãnh thổ của cả Chân Lạp lẫn Lào, lôi cuốn họ vào cuộc xung đột giữa những
người Việt với nhau. Vì thế mà những biến động vào thời kỳ này đã đẩy người
Việt dính líu sâu hơn vào các vấn đề chính trị của lục địa Đông Nam Á diễn ra
mạnh mẽ vào thế kỷ XIX. Trong khi chúng ta có thể xem thời đại của nhà Tây Sơn
là thời đại của sự gián đoạn, nó cũng chứng tỏ được nhiều yếu tố liên tục trong
một tiến trình dài hơn của lịch sử Việt Nam.
Những điều này được tìm thấy trong cái
cách mà các nhà lãnh đạo chính trị Đại Việt sử dụng để thiết lập chế độ hợp
pháp của họ thông qua các tuyên bố dị thường và mang tính thể chế, thông qua
bản chất mối quan hệ bất đồng giữa nhà nước và cư dân của họ, mối tương tác
giữa người Việt ở vùng đồng bằng với nhiều nhóm dân tộc khác nhau, bao gồm
người ở vùng cao, người Hoa, người Chăm, vai trò của những danh ngôn và thuật
hùng biện của Khổng phu tử trong việc trị nước và kiểm soát xã hội, và từ đó,
định ra những giới hạn thực sự. Các lãnh tụ Tây Sơn liên minh với nhiều nhóm
sắc tộc và thận trọng chiếm đoạt các yếu tố thuộc về di sản lịch sử của người Chăm,
họ viện dẫn ngay cả các nguyên lý của Khổng giáo để hợp pháp hóa sự thống trị
của họ. Theo cách này, thời đại Tây Sơn có thể được xem vừa là thời kỳ chuyển
tiếp dẫn đến sự trỗi dậy của những thế lực mới mẻ có thể định hình cho những gì
mà người Việt đã trải qua trong các thế kỷ XIX và XX, vừa là một thế giới vi mô
chứa đựng những mặt cơ bản của kinh nghiệm lịch sử lâu dài của người Việt.
Công trình nghiên cứu này khảo sát
những động lực của thời đại Tây Sơn bằng cách phân tích mối quan hệ giữa các
lãnh tụ Tây Sơn nhiều nhóm xã hội, sắc tộc và kinh tế hình thành trong xã hội
Đại Việt thế kỷ XVIII. Điều cần nhấn mạnh là tôi đã sử dụng những cách thức
liên tục hơn là gián đoạn khi khảo sát những kiểu mẫu lâu đài định hình mối
tương tác giữa các lãnh tụ chính trị và những nhóm khác nhau, trên danh nghĩa
thuộc quyền hạn của họ. Và rồi, một vài nhóm này, là người Công giáo hay người
Tàu chẳng hạn, đã tạo nên những tầng lớp xã hội mới bên trong lãnh thổ lớn hơn
của người Việt, chống lại quyền lực của nhà Tây Sơn với những thách thức chưa
từng có. Ngoài ra, tôi đã đưa ra giả thuyết rằng, các lãnh tụ nhà Tây Sơn và
cuộc nổi dậy của họ (và sau này là chế độ của họ) đã đứng giữa một bên là những
thực tế mới mẻ của vương quốc Đàng Trong và một bên là những mô hình được thiết
lập lâu dài khi Đại Việt còn là một khu vực bị giới hạn về mặt địa lý và dân
số. Rõ ràng rằng, cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn là sản phẩm của một không gian
và thời gian đặc biệt trong vương quốc sống động của nhà Nguyễn. Tuy nhiên, ảnh
hưởng rộng lớn của nó và các cuộc chạm trán với nhiều nhóm khác nhau ở các
vương quốc Đàng Trong và Đàng Ngoài đã cho thấy nhiều yếu tố vượt quá khoảng
không gian và thời gian khởi nguồn của nó.
Những biến động trong thời đại Tây Sơn phức tạp về mặt chính trị do một loạt những tác nhân chính trị và quân sự có liên quan và do ở mảnh đất mà chúng diễn ra. Những lãnh thổ từ lâu bị chia cách trong hơn một thế kỷ được kết nối trở lại vào giữa những năm 1770 khi quân Trịnh ở phương Bắc xâm chiếm vùng đất phía nam của Đại Việt Cuộc phản công sau đó của nhà Tây Sơn vào năm 1786 đã khiến cho hai khu vực rộng lớn Đàng Trong và Đàng Ngoài trở nên gần gũi hơn về mặt chính trị. Và rồi, vì những lý do chính trị và địa lý, cả hai miền lại tiếp tục chia cách nhau trong suốt thời kỳ này. Kinh nghiệm về những rối loạn thời kỳ Tây Sơn thường rất khác nhau, một sự kiện với những cấu trúc xã hội và kinh nghiệm lịch sử khác nhau, và với những phân tranh về chính trị tồn tại cả trước và trong thời kỳ Tây Sơn. Tuy nhiên, có nhiều kinh nghiệm được chia sẻ cho thấy yêu cầu của các lãnh tụ nhà Tây Sơn và quân đội của họ hiếm khi được người dân ở khắp các vùng miền tôn trọng. Trong công trình nghiên cứu này, tôi sẽ xem những vùng miền này là những thực thể riêng rẽ, làm nổi bật những khía cạnh của hoàn cảnh và kinh nghiệm riêng của chúng, cho dù có những lúc tôi cũng nhấn mạnh đến sự tương đồng giữa chúng với nhau. Thời đại nhà Tây Sơn có thể được nghiên cứu một cách hữu hiệu từ một trong hai địa thế thuận lợi, ấy vậy mà tôi đã chọn khảo sát cả hai, có thể điều này là khá điên rồ.
NHÀ TÂY SƠN VỚI LỊCH SỬ ĐƯỢC BIÊN CHÉP BẰNG
NGÔN NGỮ PHƯƠNG TÂY
Năm 1971, trong một công trình nghiên
cứu mở đường cho lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX có tên Việt Nam và mô hình Trung
Hoa, Alexander Woodside lập luận rằng: “lịch sử cận đại Việt Nam mở ra với cuộc
nổi dậy của nhà Tây Sơn*”. Cho dù nhận định này chứa đựng sự thật, cuộc nổi dậy
của nhà Tây Sơn vẫn còn là một khoảng trống trong giới học thuật phương Tây,
vốn đã thất bại trong việc xử trí những vấn đề phức tạp ở thời kỳ này. Chẳng
hạn như tác phẩm của Alexander Woodside, cho dù trong lời tựa công nhận tầm
quan trọng của nhà Tây Sơn, cũng chỉ bắt đầu phần tường thuật sau sự thất bại
của nhà Tây Sơn, miêu tả cách mà triều Nguyễn đã áp dụng để triển khai các định
chế chính trị và hành chánh trong nửa đầu thế kỷ XIX*. Năm 1971 cũng chứng kiến
sự ra đời của một công trình tiên phong khác về lịch sử Việt Nam trước thế kỷ
XX, đó là tác phẩm Vietnamese Anticolonialism, 1885-1925 (Việt Nam chống chủ
nghĩa thực dân, 1885-1925) của David Marr đề cập đến dòng lịch sử Việt Nam vào
cuối thế kỷ XIX, khi Việt Nam chịu chấp nhận qui chế thuộc địa xứ bảo hộ của
Pháp*. Một thập kỷ sau, với tác phẩm Vietnamese Tradition on Trial (Truyền
thống Việt Nam trong cơn thử thách), David Marr đưa câu chuyện trở về giữa thế
kỷ XX, miêu tả thời kỳ đỉnh cao của chế độ thực dân Pháp từ năm 1920 đến năm
1945*. Trong mỗi công trình còn phôi thai của giới nghiên cứu bằng ngôn ngữ
Anh, thời kỳ Tây Sơn lẩn khuất ở phía sau, được công nhận do ý nghĩa về mặt
lịch sử hay biên chép sử, nhưng không nhất thiết được bàn đến.
Giới học thuật viết bằng tiếng Anh
gần đây tiếp tục khuynh hướng nghiên cứu những sự kiện diễn ra trước và sau
thời kỳ Tây Sơn, cho dù nhiều tác phẩm cuối cùng cũng đề cập trực tiếp đến ít
nhất vài yếu tố của thời kỳ này. Đáng chú ý nhất là Li Tana, tác giả của Nguyễn
Cochinchina:
Southern
Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries (Chúa Nguyễn ở Đàng Trong:
Đàng Trong thế kỷ XVII và XVIII) (1998) tiếp cận với thời kỳ Tây Sơn từ thế kỷ
XVII bằng việc khảo sát sự hình thành một chính quyền nhà Nguyễn ở Đàng Trong*.
Bà đã dành trọn một chương cho những năm đầu tiên của cuộc nổi dậy, đánh dấu
một công trình nghiên cứu chi tiết bằng tiếng Anh về nhà Tây Sơn, và điều quan
trọng là bà đã đặt cuộc nổi dậy này trong khuôn khổ nguồn gốc địa lý và xã
hội-chính trị của nó ở Đàng Trong. Li Tana lập luận rằng, đó không phải là một
“phong trào nông dân” do những nông dân Việt ở vùng đồng bằng phát động, mà
đúng hơn là một “cuộc nổi dậy ở tỉnh thành”, tiêu biểu bởi sự tham gia của
những nhóm người bất mãn ở vùng cao*. Bà chỉ tường thuật những năm đầu tiên của
cuộc nổi dậy và vì thế đã nêu bật nhà Tây Sơn như một hiện tượng cục bộ, nhưng
đã không đề cập đến bản chất của phong trào khi nó bành trướng ra khỏi điểm
khởi nguyên của nó. Như tôi sẽ phát biểu về sau, một khi cuộc nổi dậy vượt ra
ngoài cội rễ Qui Nhơn, quá trình diễn biến của nó về cơ bản sẽ chuyển qua một
thế giới rộng lớn hơn của xã hội và hoạt động chính trị Đại Việt, và nó trở nên
lớn mạnh hơn một cuộc nổi dậy ở tỉnh thành về cả tầm vóc lẫn ảnh hưởng.
Một nghiên cứu mới đây cũng có liên
quan đến nhà Tây Sơn, mặc dù vẫn còn có tính hạn chế. Tác phẩm của Choi Byung
Wook có nhan đề Southern Vietnam under the reign of Minh Mạng (1820-1841):
Central Policiesand Local Response (2004) (Nam kỳ dưới triều Minh Mạng
(1820-1841): Các chính sách của trung ương và phản ứng của địa phương), cũng
giống như nghiên cứu trước đó của Alexander Woodside, chỉ nhắm vào thời kỳ đầu
của nhà Nguyễn. Choi Byung Wook mở đầu nghiên cứu của ông bằng cách nhắm vào
cuối thế kỷ XVIII và khảo sát sự hình thành của một tổ chức chính quyền ở Gia
Định trong thời gian xảy ra cuộc chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn. Tuy
nhiên, ông đã không chứ trọng đến nhà Tây Sơn, mà chú trọng đến đối thủ của Tây
Sơn là nhà Nguyễn và những người kế tục, đã thành lập một liên minh chống Tây
Sơn bên trong vương quốc không đồng nhất ở phía nam Đàng Trong.
Hai công trình nghiên cứu khác bằng tiếng
Anh cũng đề cập đến phong trào Tây Sơn. Đó là Beyond the Bronze Pillars: Envoy
Poetry and the Sino-
Vietnamese
Relationship (Hawa’i, 2005) (Bên kia đồng trụ: Thi sứ và mối quan hệ
Trung-Việt) của Liam Kelley, bao gồm thời đại Tây Sơn và một số danh sĩ, như
một phần của một cuộc nghiên cứu rộng rãi nhằm khảo sát cái thế giới tư tưởng
lớn lao hơn của vùng Đông Á tìm thấy trong thi ca Việt.
Bài nghị luận mới đây của Wynn Wilcox
nhan đề “Allegories of Vietnam: Transculturation and the Origin Myths of
Franco-Vietnamese Relations” (Cornell, 2002) (Chuyện ngụ ngôn ở Việt Nam: Sự
chuyển đổi văn hóa và những huyền thoại khỏi đầu của mối quan hệ Pháp-Việt), là
một nghiên cứu sử học nhìn trực tiếp về thời kỳ Tây Sơn, sử dụng nó như một
lăng kính dùng để khảo sát mối quan hệ giữa chúa Nguyên Ánh và các giáo sĩ châu
Âu đã ủng hộ ông. Tuy nhiên, Wilcox ít chú trọng đến những biến động của thời
kỳ Tây-Sơn, mà quan tâm nhiều hơn đến sự xuất hiện về sau của những nhân vật
lịch sử quan trọng. Trong lúc cả hai công trình nghiên cứu này có tính cách
quan trọng khi quan tâm nhiều hơn vào những vấn đề ở cuối thế kỷ XVIII, chúng
lại không dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nổi dậy của nhà Tây Sơn và mối quan
hệ lớn lao hơn của nó trong xã hội Đại Việt.
Đáng ngạc nhiên hơn, và với một vài
ngoại lệ, các công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp về thơi kỳ tiền thuộc địa
của Việt Nam cũng có khuynh hướng xem nhẹ nhà Tây Sơn như thế. Một nghiên cứu
của Charles Maybon vào năm 1919 với nhan đề Histoire moderne du pays d’Annam
(1592-1820) (Lịch sử cận đại xứ An Nam, 1592-1820) dành nhiều chương cho thời
kỳ Tây Sơn, cho dù có một cái nhìn riêng biệt về nhà Nguyễn, và một điều không
làm ai ngạc nhiên, là ông nhấn mạnh nhiều đến vai trò của người Pháp*. Năm
1955, Lê Thành Khôi xuất bản Le Vietnam: Histoire et civilisation (Việt Nam:
Lịch sử và nền văn minh), đưa ra một phân tích chấp nhận được về thời kỳ Tây
Sơn trong khuôn khổ một quyển sách giáo khoa về lịch sử Việt Nam*. Ông Khôi
miêu tả những chuyển đổi về kinh tế và xã hội gây nên tình trạng bất ổn phổ
biến ở cả hai miền của đất nước và rồi đưa ra một bản mô tả có cân nhắc về cuộc
nổi dậy và sự sụp đổ sau cùng của chế độ Tây Sơn. Khi chỉnh sửa lại cuốn
Histoire du Vietnam (1983,1992) (Lịch sử Việt Nam), trong phần tóm lược về cuộc
nổi dậy, ông Khôi vẫn giữ lại phần kể về những diễn biến của nó và những động
lực làm thay đổi những diễn biến đó. Tác phẩm nghiên cứu bằng tiếng Pháp gần
đây của Philippe Langlet nhan đề L’ancienne Historiographie d’état au Vietnam
(1990) (Phép chép sử ở Việt Nam khi xưa) tuy chủ yếu là một nghiên cứu tỉ mỉ về
dự án chép sử nhà Nguyễn thế kỷ XIX, cũng quan tâm đến quan điểm của nhà Nguyễn
đối với những người đi trước họ, bao gồm nhà Tây Sơn và nhà Lê*. Langlet chứng
minh rằng, các sử quan nhà Nguyễn đã phải đánh vật với vấn nạn làm thế nào để
miêu tả chân dung nhà Tây Sơn, đồng thời tìm cách củng cố tính hợp pháp của
chính họ đã bị làm vẩn đục bằng con đường nắm quyền lực không chính quy của họ.
Cuối cùng là Yang Baoyun với chuyên khảo năm 1992 với nhan đề Contribution à
Vhistoire de la principauté des Nguyễn au Vietnam méridional (1600- 1775) (Sự
đóng góp vào lịch sử của vương quốc các chúa Nguyễn tại Đàng Trong, 1600-1775)
là một ví dụ khác về một nghiên cứu gần đây đã tiếp cận nhưng không đề cập trực
tiếp đến nhà Tây Sơn.
Như nhan đề đã gợi ra, tác phẩm của
Yang ngưng ngay khi nhà Tây Sơn bắt đầu nổi dậy, và chỉ báo trước một cách vắn
tắt những gì tiếp theo sau*. Theo cách này, phong trào Tây Sơn đã được các tác
phẩm nghiên cứu quan trọng bằng tiếng Anh trình bày một cách rành mạch theo thứ
tự thời gian và được khảo sát tương đối chi tiết hơn bằng tiếng Pháp, trong khi
phần lớn giới học giả sử dụng ngôn ngữ châu Âu đã không có những nghiên cứu tỉ
mỉ về phong trào.
Trên một vài phương diện, phong trào đã không đương cự nổi trước những nỗ lực có hệ thống của nhà Nguyễn nhằm xóa sạch - trong chừng mực có thể - những dấu vết của chế độ Tây Sơn*. Như David Marr đã chỉ ra: “triều Nguyễn cấm các sử gia của họ thuật lại những gì thuộc về triều đại ngắn ngủi của nhà Tây Sơn (1788-1802), thông thường đó là lề thói hàng ngày nhằm bảo tồn cho hậu thế tính liên tục thời gian từ một quá khứ xa xôi*”. Tất nhiên là sự cấm đoán này khiến cho việc nghiên cứu về thời kỳ Tây Sơn trở nên khó khăn hơn so với những thời kỳ trước và sau đó, là những thời kỳ mà các tư liệu lịch sử được biên soạn nhiều hơn và tồn tại lâu hơn. Sự thống trách cũng có thể diễn ra trước ngưỡng cửa của thời kỳ thuộc địa hóa, là thời kỳ lôi cuốn sự chú ý của giới học thuật nhiều hơn, một phần do nó kết nối trực tiếp Việt Nam với thế giới châu Âu, và tất nhiên, một phần nó được xem là khúc dạo đầu gần gũi nhất dẫn đến cuộc cách mạng bi thảm và những cuộc chiến ở thế kỷ XX. Dù với lý do nào, nước Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII cũng là một vùng đất chưa được khai phá hết của các nhà học thuật phương Tây.
NGƯỜI VIỆT NAM CHÉP SỬ VỀ THỜI KỲ TÂY SƠN
Trái ngược với các đồng nghiệp phương
Tây, các sử gia Việt Nam đã chép sử thời kỳ Tây Sơn một cách tỉ mỉ hơn, việc
giải thích về cuộc nổi dậy cũng đáng chú ý hơn và thường dẫn đến những cuộc
tranh cãi phức tạp. Thật vậy, thời kỳ này và những biến động kèm theo nó là
điểm cốt yếu trong các câu chuyện kể về lịch sử xuất hiện trong các bộ sử chép
về sau. Điều đáng tranh cãi là những vấn đề về tính hợp pháp về chính trị, về
sự phân ly và hợp nhất quốc gia, những xung đột và đối đầu trong xã hội. Sự
dính líu của '‘người ngoài” trong những tranh chấp về chính trị ở Việt Nam, từ
việc chúa Nguyễn Ánh liên minh với người Xiêm vào đầu thập niên 1780 đến sự tín
nhiệm của ông đối với các lính đánh thuê người Pháp, và cuộc xâm lăng qui mô
lớn của quân Trung Hoa nhân danh triều đại nhà Lê vào những năm cuối cùng của
thập niên này, tất cả đã khơi mào cho những xung đột xoay quanh vấn đề chủ
nghĩa quốc gia. Những tranh chấp về việc chép sử này đã bắt đầu trước khi tàn
dư của những cuộc xung đột đã được giải quyết xong và tiếp tục cho đến ngày
nay, và đó là truyền thống chép sử đầy tranh cãi mà cuộc nghiên cứu của tôi đã
đóng góp vào. Trong việc phân tích về nhà Tây Sơn, tôi tìm cách tạo sự cân bằng
giữa hai thái cực, một mặt là sự quỷ hóa và phỉ báng nhà Tây Sơn của nhà Nguyễn
sau khi kế tục họ về mặt chính trị, một mặt là sự vinh danh cùng tôn kính của
các sử gia Cộng sản trong thế kỷ XX, những người xem công cuộc cách mạng của họ
là sự thừa kế tinh thần cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn.
Vào thế kỷ XIX, triều Nguyễn mà người
sáng lập từng chống lại nhà Tây Sơn và cuối cùng lật đổ được chế độ này, đã
miêu tả họ như là “giặc cướp*” hay “phiến loạn*”, bác bỏ mọi ý niệm cho rằng
nhà Tây Sơn đã xây dựng một triều đại hợp pháp. Thêm vào đó, các sử quan triều
Nguyễn lập luận rằng, việc tham gia của dân chúng vào phong trào Tây Sơn lúc
đầu là sản phẩm của sự lừa gạt, về sau là do bị cưỡng bách*. Cách chép sử này
rõ ràng là nhằm chính thống hóa sự cầm quyền của nhà Nguyễn, chủ yếu cũng là
sản phẩm của một thắng lợi quân sự*. Tính chính thống của nhà Nguyễn kết hợp
với sự thất trận của nhà Tây Sơn là điều mà Nola Cooke gọi là “huyền thoại phục
hưng”, theo đó, các nhà cai trị mới họ Nguyễn đã phục hưng một chính thể do tổ
tiên họ thiết lập hơn là kế tục vương quyền đó nhà Lê để lại*.
Xét về mặt chính thống, triều đại mới có thể chọn ưu tiên cách giải thích này, vào lúc mà những truyền thuyết phổ biến xoay quanh nhà Tây Sơn bắt đầu đưa ra một cách giải thích nhằm lý tưởng hóa phong trào nổi dậy, và người dân vùng Bình Định* tìm cách phục hồi tên tuổi những ai được xem là anh hùng hào kiệt của địa phương*. Thêm vào đó, việc nhà Nguyễn tự đặt mình ra ngoài khuôn khổ nhà Lê cũ đã khiến một vài danh sĩ Bắc hà viết riêng những tác phẩm về chế độ Tây Sơn vốn là một triều đại ngắn ngủi được chính thức mô tả là bất hợp pháp*. Vì thế, việc ghi chép lịch sử về phong trào Tây Sơn ở thế kỷ XIX khá phức tạp và nhiều mâu thuẫn, hậu quả của những góc nhìn và mục tiêu chính trị khác nhau.
Hình 2:
Tượng vua Quang Trung, một sự miêu tả cách điệu hình ảnh của người em trong gia
đình Tây Sơn, nằm trong một vị trí thuộc Bảo tàng Quang Trung, được xây dựng
trong khu phức hợp của anh em Tây Sơn.(Ảnh của tác giả.)
Hai mạch dẫn giải không chính thức này bắt đầu xuất hiện một cách rõ
ràng hơn vào đầu thế kỷ XX khi sự suy yếu về mặt chính trị của nhà Nguyễn dưới
sự thống trị của thực dân Pháp tạo điều kiện cho trước tiên là các sử gia theo
chủ nghĩa dân tộc và sau đó là các sử gia Mác-xít đưa ra những giải thích khác
hơn, khi họ khảo sát phong trào Tây Sơn dưới ánh sáng của cuộc cách mạng Việt
Nam.
Giới nghiên cứu đầu thế kỷ XX bắt đầu
bỏ qua quan điểm coi nhà Tây Sơn như ''giặc cướp” hay "phiến loạn”. Thay
vào đó, do ít bị ràng buộc bởi những mối quan tâm về ý thức hệ của một triều
Nguyễn đã suy yếu, họ cho rằng anh em nhà Tây Sơn đã mưu cầu một quyền lực
chính trị hợp pháp*. Cùng lúc với sự xuất hiện khuynh hướng đó, các tài liệu
vào đầu thế kỷ XX không bàn đến vấn đề hỗ trợ của dân chúng cho phong trào.
Thật vậy, các tài liệu có liên quan đến người nông dân hầu như biến mất hoàn
toàn trong tác phẩm của hai nhà viết sử nổi bật vào đầu thế kỷ XX là Phan Bội
Châu và Trần Trọng Kim, khi mà họ có thể bàn luận một cách thoải mái hơn về các
nhà lãnh đạo chính trị và quân sự thời kỳ Tây Sơn*. Phải chờ đến năm 1938,
trong tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh mới cho rằng chính sự
tham gia của nông dân đã mang lại sức mạnh và thắng lợi của phong trào Tây
Sơn*. Dù vậy, phải đến sau Thế chiến thứ hai, tiếp theo cuộc cách mạng của
những người Cộng sản và mối quan hệ mạnh mẽ của họ với nông thôn Việt Nam, việc
miêu tả nhà Tây Sơn như một “cuộc nổi dậy của nông dân” hay “phong trào nông
dân” bắt đầu xuất hiện trong giới học thuật Việt Nam. Những biểu hiện này
thường được quảng bá bởi các nhà sử học Cộng sản vào nửa sau thế kỷ XX, và ngày
nay chi phối các cuộc thảo luận có liên quan đến thời kỳ Tây Sơn.
Những nhà học thuật đó hào hứng miêu
tả cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn như một cuộc cách mạng*, hoặc trung dung hơn,
là phong trào nông dân*. Cả hai cách diễn tả này cho thấy là người nông dân
Việt Nam đã ủng hộ các nhà lãnh đạo phong trào Tây Sơn và chính thể của họ sau
đó. Các nhà sử học Cộng sản lập luận rằng người nông dân đã háo hức ủng hộ các
nhà lãnh đạo ngay trong thời kỳ đầu của cuộc nổi dậy, tiếp sau là sự hợp tác
của giới nông dân hợp nhất trong những nỗ lực hào hùng nhằm thống nhất đất nước
và đánh đuổi ngoại xâm - quân Xiêm năm 1785 và quân Tàu năm 1789. Cách phân
tích này dẫn đến lập luận cho rằng động cơ (hợp tác) của người nông dân xuất
phát từ hành động của họ. Vì thế, sự kiện những đạo quân nông dân chiến đấu
chống lại sự xâm lược của người Xiêm (hay người Tàu) được giải thích như sự
tiêu biểu của một cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập quốc gia. Tương tự như vậy,
việc quân đội Tây Sơn vượt qua lằn ranh chia đôi hai nhà Trịnh-Nguyễn vào năm
1786 được miêu tả như sự thể hiện niềm khát khao cháy bỏng được nhìn thấy sự
thống nhất đất nước hơn là theo đuổi một cách tầm thường sự giàu có, quyền lực,
và cả sự trả thù.
Trong việc nhận định của các nhà chép
sử Cộng sản về nhà Tây Sơn, người nông dân xuất hiện như những gương mặt anh
hùng, cao thượng và dũng cảm, thề hứa vì công bằng kinh tế và xã hội, vì một
đất nước thống nhất không bị ngoại bang can thiệp vào. Người nông dân trong
thời đại Tây Sơn được miêu tả như những người tiên phong trong cuộc cách mạng
được họ ủng hộ vào thế kỷ XX, cho dù sự thất bại cuối cùng trong việc chuyển
đổi cơ cấu chính trị và kinh tế được xem như một chỉ dấu của sự hạn chế mạnh mẽ
mà thời khắc lịch sử này đã áp đặt lên họ. Họ lập luận rằng cuối cùng chỉ có
Đảng (Cộng sản) mới vượt qua được những giới hạn về nhận thức đã từ lâu kìm hãm
óc sáng tạo của người nông dân. Sự miêu tả giới nông dân thế kỷ XVIII như những
người ở bậc dưới của thang xã hội, cao thượng và kiên định, những người ủng hộ
trung thành nhà Tây Sơn, có vẻ như đã biến họ trở thành kẻ đồng lõa với sự áp bức
mà chính họ là nạn nhân, vì thời đại Tây Sơn rõ ràng là thời kỳ của vô vàn khổ
nhọc và khó khăn của người nông dân. Đó là thời kỳ mà lợi ích của sự nổi dậy,
nếu quả thực có thể nhận thấy được, cũng hiếm khi vượt quá cái giá lớn lao mà
nhóm người này phải trả.
Trong nhiều bài viết, người nông dân được đồng nhất với những người lãnh đạo họ, và điều này cho thấy rằng động cơ của các nhà lãnh đạo (chứ không phải của người nông dân) bằng cách này hay cách khác, cũng tiêu biểu hoặc phù hợp với động cơ của những người theo họ (thường khi là miễn cưỡng). Vì thế, cụm từ “Tây Sơn” thường được dùng để chỉ toàn bộ phong trào, người lãnh đạo cũng như người đi theo, được xem như có cùng quyền lợi như nhau, hoặc ít nhất cũng chồng chéo nhau, trong khi trên thực tế, các nhà lãnh đạo cuộc nổi dậy thường không mấy quan tâm đến những người đi theo họ. Những người này thường tỏ ra miễn cưỡng hoặc bị cưỡng bức nặng nề. Cho dù một vài nhà viết sử Việt Nam gần đây bắt đầu có một cái nhìn phê phán hơn về thời kỳ Tây Sơn, song không có một sự tái khảo sát một cách có hệ thống về thời kỳ này, hoặc sách về cuộc nổi dậy vẫn chưa được xuất bản*. Các tác phẩm vào cuối thập niên 1980 vốn tiêu biểu cho đợt cuối cùng những câu chuyện kể về phong trào Tây Sơn, tiếp tục coi đó như một hành động kiêu hùng được dẫn dắt bởi chủ nghĩa dân tộc nhằm bảo vệ đất nước và quyền lợi của giới nông dân bị áp bức*.
NGUỒN TƯ LIỆU VÀ ĐỐI TUỢNG NGHIÊN CỨU
Công trình nghiên cứu này dựa vào
nhiều nguồn tư liệu, bao gồm tư liệu từ văn khố và tư liệu in tại Việt Nam và
châu Âu. Tôi dựa nhiều vào các tư liệu Việt Nam cùng thời với nhà Tây Sơn và
các biên niên sử của triều đình nhà Nguyễn vào cuối thế kỷ XIX để có những phác
thảo rõ ràng về cuộc nổi dậy và những biến động quan trọng do nó gây nên. Tôi
bổ sung những tư liệu này bằng việc đọc nhiều bài viết của các chứng nhân là
các giáo sĩ người châu Âu (chủ yếu là người Pháp), những người đã trải qua các
biến động vào thời kỳ này. Các bài tường thuật của những giáo sĩ này đặc biệt
có giá trị trong việc cung cấp một cái nhìn ở cấp làng xã về những biến động
thường chỉ được biên niên sử Việt Nam miêu tả một cách sơ lược. Dù nguồn tư
liệu châu Âu có một khuynh hương riêng và phản ánh cái ưu thế của người đứng
ngoài cuộc, nhiều giáo sĩ là những người cư trú lâu năm ở Đại Việt, nói được
tiếng Việt và có một cảm nhận đặc biệt rõ ràng về sự phát triển chính trị ở cả
cấp làng xã lẫn cấp quốc gia. Những tư liệu của các giáo sĩ đặc biệt giúp tôi
viết ra một tác phẩm tương đối chi tiết về ảnh hưởng của cuộc nổi dậy của nhà
Tây Sơn đối với người Việt bình thường, cùng với phản ứng của họ.
Soạn thảo dựa vào những nguồn tư liệu
như thế, công trình nghiên cứu này không thừa nhận những miêu tả về nhà Tây Sơn
bằng cách cho rằng cuộc nổi dậy và chính thể mà nó tạo ra có một cấu trúc thật
phức tạp và nhiều thành phần tham gia, thường những mục tiêu mâu thuẫn nhau
không cho phép giải thích một cách quá đơn giản như các nhà sử học từ trước tới
nay thường làm.
Cuộc nổi dậy, về sau biến thể thành
một loạt những chế độ chính trị, chẳng những cố liên hệ đến giới nông dân, mà
còn với nhiều nhóm chính trị và xã hội khác, mỗi nhóm chịu ảnh hưởng sâu sắc,
trên một phương diện nào đó, bởi những sự kiện đã diễn ra từ mùa xuân năm 1773.
Điều mà tôi muốn nói ra ở đây là cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn không chỉ có liên
quan đến người nông dân mà còn nhắm đến sự tham gia của họ trong suốt một quá
trình dài. Thật vậy, chính những người lãnh đạo phong trào, tức ba anh em nhà
Tây Sơn, không đơn thuần là nông dân hay ngươi làm nông, cho dù họ thường lặp
đi lặp lại rằng họ có gốc nông dân. Đúng hơn là nên coi họ thuộc về tầng lớp
quý tộc nhỏ ở nông thôn, với người lớn tuổi nhất là Nguyễn Nhạc vốn là một
người buôn bán trầu cau kiêm nghề thu thuế theo thời vụ cho triều đình nhà
Nguyễn. Hơn thế nữa, cả ba anh em nhận được sự giáo huấn đáng kể của một bậc
thức giả khả kính đã xa lánh khỏi những cuộc tranh chấp nội bộ trong triều đình
nhà Nguyễn, về sau là người cổ vũ cho anh em Tây Sơn tiến hành cuộc nổi dậy.
Lai lịch anh em nhà Tây Sơn cho thấy rõ rằng, trong lúc dựa vào người nông dân
để bổ khuyết quân đội của họ và để ý đến một vài mối quan tâm của người nông
dân, bản thân họ không phải là nông dân.
Khi cuộc nổi dậy bắt đầu, các lãnh tụ
Tây Sơn nhanh chóng đi sâu vào khung cảnh rộng lớn của xã hội Đàng Trong, về
sau, khi phong trào lan ra đến Đàng Ngoài, họ buộc phải đối phó với những phức
tạp xã hội ở đó. Họ khá thành công trong việc tuyển mộ những người ủng hộ, từ
những nông dân người Việt ở vùng đồng bằng, những thương buôn người Hoa ở vùng
duyên hải, đến những thành viên trong gia đình hoàng tộc Chăm và các bộ tộc
vùng Tây Nguyên. Mỗi một nhóm này có những mục tiêu khác nhau, họ kết hợp với
nhau chủ yếu do bất bình với cung cách quản lý tồi nền kinh tế Đàng Trong của các
chúa Nguyễn về các mặt thương mại, thuế khóa và tiền tệ. Anh em nhà Tây Sơn có
thể lôi cuốn những nhóm chiết trung như thế theo mình, chính là vì họ đáp ứng
quyền lợi riêng của mỗi nhóm và đưa những mối bất bình riêng của mỗi nhóm vào
chương trình hành động của họ. Chính những lực lượng tham gia đông đảo này buộc
các nhà lãnh đạo Tây Sơn phải kết nối lại một chương trình hành động đầy tham
vọng và thường mâu thuẫn nhau. Chính vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi
các nhà lãnh đạo phong trào Tây Sơn không thể đáp ứng hết kỳ vọng của những
người đã tham gia cuộc nổi dậy từ lúc ban đầu.
Sau này, có vẻ như những người hưởng
lợi nhiều nhất từ sự nổi dậy của nhà Tây Sơn là những người lãnh đạo của phong
trào này và những kẻ ủng hộ ưu tú của họ. Cho dù một số nhóm cấp dưới cũng được
hưởng lợi vào một số thời điểm, ở một số nơi, từ việc làm của nhà Tây Sơn -
chẳng hạn như những lúc cần phục hồi trật tự, hoặc các cơ hội thu tóm chiến lợi
phẩm do nhiều chiến dịch quân sự mang lại - những lợi ích đó hiếm khi có tính
hệ thống và dài lâu. Những cuộc tái phân phối tài sản ban đầu và thủ tục bãi bỏ
gánh nặng thuế khóa khiến họ có biệt danh “những kẻ cướp nhân từ", đã sớm
nhường chỗ cho những đòi hỏi của chính quyền quân nổi dậy ít nhất cũng phiền hà
như những gì mà chính thể do họ thay thế từng làm, và có lẽ còn hơn thế nữa, vì
những đòi hỏi này thường được đưa ra trong khuôn khổ những chiến dịch hành quân
kéo dài nhằm thu thuế và bắt người dân làm lao động cực nhọc.
Các nhà lãnh đạo Tây Sơn chẳng bao
giờ thực hiện một sự thay đổi sâu rộng nào để cải tiến thân phận của giai cấp
nông dân, như những cuộc cải cách ruộng đất qui mô hay tái phân phối tài sản.
Ngay cả trong những ngày đầu của phong trào Tây Sơn, những người lãnh đạo cuộc
nổi dậy cũng chỉ tái phân phối những tài sản có giá trị thấp, hoặc lúa gạo, hơn
là cấp cho người nông dân các chứng thư ruộng đất. Có một khoảng thời gian ngắn
họ điều chỉnh mức chịu thuế của người dân ở Đàng Ngoài và nỗ lực kích thích
thương mại, song đó là những mưu chước nhằm đối phó với những cuộc khủng hoảng
đang diễn ra hơn là đưa ra những cải tổ một cách có hệ thống. Dù gì thì sự
tương hợp về quyền lợi giữa các nhà lãnh đạo phong trào Tây Sơn với những người
theo họ trong những năm đầu tiên của phong trào cũng nhanh chóng biến mất và
những gì được coi như một “phong trào nông dân” trong những ngày đầu cũng sớm
biến thành một thực thể chính trị phức tạp và rối rắm ngày càng tiêu biểu cho
quyền lợi của những nhà lãnh đạo chính trị cao cấp mưu cầu quyền lực để đạt
được mục đích của mình. Sau nữa, cần minh xác rằng cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn
cũng giống như nhiều "phong trào nông dân” khác, không thể được xem như sự
biểu lộ ý chí tập thể của giới nông dân. Ngay trong thời kỳ đầu, khi số người
đi theo còn ít, phong trào có khuynh hướng theo chủ nghĩa bình quân và những
nhà lãnh đạo của phong trào còn cố chứng tỏ mình, song cái chủ nghĩa bình quân
đó sớm dẫn đến sự xung đột giữa khát vọng của những nhà lãnh đạo Tây Sơn với kỳ
vọng của những người nông dân phục vụ trong quân đội của họ. Nói cách khác, một
cuộc nổi dậy khỏi đầu bởi (và kể cả cho) người nông dân không có nghĩa là nó sẽ
vẫn còn giữ cái danh nghĩa “phong trào nông dân”. Như Michael Adas đã có lý khi
viết rằng:
“Xem xét
kỹ nhiều cuộc bạo loạn được quy cho người nông dân gây ra, hoặc những cuộc nổi
dậy đòi ruộng đất, người ta có thể kết luận rằng trên thực tế các cuộc xung đột
này là hậu quả mối hận thù giữa những phe phái quyền lực hoặc các cuộc chống
đối triều đình, trong đó, có sự dính líu bất đắc dĩ của những người lính gốc
nông dân hoặc giới nông dân. Ngoại trừ những cuộc nổi dậy quan trọng trong đó
người nông dân tập hợp quanh một đấng cứu tinh hay những nhà lãnh đạo có uy tín
đấu tranh để lật đổ những kẻ cầm quyền bất tài hay tàn bạo, căn nguyên và hậu
quả của những cuộc đấu tranh đó rất ít được người nông dân quan tâm đến, hoặc
không dính đáng bao nhiêu đến thân phận của tầng lớp dân cày”.
Trong khi xét trên một vài phương
diện, phong trào Tây Sơn thuộc về trường hợp ngoại lệ như Adas đã miêu tả -
theo đó, phong trào được dẫn dắt bởi “những nhà lãnh đạo có uy tín đấu tranh để
lật đổ những kẻ cầm quyền bất xứng hay tàn bạo” - nó cũng biểu thị những yếu tố
cùa điều mà Adas gọi là "mối cừu hận giữa những người có quyền lực trong
xã hội hoặc những cuộc đấu tranh chốn cung đình”. Như sẽ nói rõ trong công
trình nghiên cứu này, nhà Tây Sơn dính líu rất nhiều vào những cuộc tranh chấp
ngôi vị diễn ra trên lãnh thổ của cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh. Và cho dù có
thể nói rằng các lãnh tụ Tây Sơn đã tận dụng các cơ hội này cho những mục tiêu
riêng của họ, cũng lại có thể cho rằng họ đã bị các đối thủ lôi kéo vào các
cuộc tranh giành quyền lực và đến lượt họ lôi kéo người nông dân tham gia vào
những cuộc đấu tranh do họ gây ra.
Điểm nhấn của công trình nghiên cứu
này là những động lực xã hội tiềm tàng của cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, và lần
lượt mở rộng sang những chương khảo sát các nhóm xã hội khác. Để xây dựng một
bối cảnh cho bài phân tích này, Chương I cung cấp một cái nhìn lịch sử rộng lớn
về thời kỳ Tây Sơn, khảo sát những nguyên nhân chính của cuộc nổi dậy, rồi phác
họa những nét đại cương về diễn biến của cuộc nổi dậy. Chương II khởi sự một
cuộc khảo sát chặt chẽ hơn về nhiều khía cạnh của cuộc nổi dậy, bắt đầu với các
nhà lãnh đạo là ba anh em ở ấp Tây Sơn, xem họ đã xây dựng tính chặt chẽ của
phong trào như thế nào. Trong Chương III, tôi lập luận rằng lời hứa của phong
trào khi khởi sự như chấm dứt nạn tham nhũng, hủy bỏ thuế má bất hợp lý, và tái
phân phối tài sản cho dân sẽ sớm nhường bước cho những thực tế đời sống tăm tối
dưới một chế độ gần như lúc nào cũng có chiến tranh. Tôi khảo sát vấn đề mà
người nông dân, hiểu theo nghĩa rộng, đã bị tác động như thế nào và phản ứng ra
sao trước “phong trào nông dân” này-Cuối cùng, Chương IV quay sang nghiên cứu
về nhiều người sống ở nơi mà tôi gọi là bên lề xã hội Việt Nam vào thời kỳ này.
Họ là những người Công giáo Việt Nam, các bộ tộc thiểu số, những kẻ không được
luật pháp che chở, và bọn cướp biển, với mối quan hệ phức tạp giữa họ với các
lãnh tụ Tây Sơn.
Tài liệu phân tích này gợi ra rằng tâm
điểm cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn là một loạt những tác động qua lại giữa các
lãnh tụ cuộc nổi dậy với nhiều nhóm khác nhau trong xã hội Việt Nam lúc bấy
giờ. Đôi khi sự tương tác đó thể hiện dưới hình thức hòa hợp giữa hai bên, có
khi họ thương lượng với nhau về mối quan hệ giữa hai bên. Trong những trường
hợp khác, các lãnh tụ Tây Sơn kết nạp một số nhóm hoặc người cầm đầu của nhóm,
và trong nhiều trường hợp, tùy vào hoàn cảnh, nhà Tây Sơn dựa vào sự áp bức để
đạt được mục tiêu của họ. Như vậy, thông qua sự hòa hợp, sự thương lượng, sự
kết nạp, và áp bức, các nhà lãnh đạo của phong trào nổi dậy có khả năng tự biến
đổi - ở một chừng mực nào đó - thành những nhà cai trị “Việt Nam”, ngay vào lúc
đất nước vẫn còn chia cách và chiến tranh.
Công
trình nghiên cứu của tôi cũng không thừa nhận ý niệm về chủ nghĩa biệt lệ* của
nhà Tây Sơn thường thấy trong phương pháp chép sử của người Cộng sản Việt Nam,
cho rằng chính thể Tây Sơn và chính sách, sự cư xử của họ đối với người nông
dân tốt hơn những chính thể mà họ thay thế, hoặc những chính thể tiếp sau họ.
Có rất ít trường hợp chế độ nhà Tây Sơn đi chệch hướng hành động của những
người đi trước, nhất là trong việc chọn lựa danh xưng các chức vụ trong chính quyền,
và ở một qui mô nhỏ hơn là việc họ sử dụng chữ Nôm trong một số văn kiện của
chính quyền. Nhưng nhìn chung, anh em nhà Tây Sơn không phải là những nhà canh
tân và điều không làm ai ngạc nhiên là chính thể mới của họ chấp nhận cung cách
và lề thói của những người đi trước họ, bao gồm cả cơ cấu hành chánh lẫn nhiều
thứ lễ phục. Những gian khổ mà người nông dân phải đương đầu như lao động khổ
dịch, thuế má gia tăng vô tội vạ, bắt lính triền miên, được nhân lên dưới chính
quyền Tây Sơn, song chúng cũng tương tự với những gì họ đương đầu dưới chính
quyền các chúa Trịnh và sau đó, dưới chính quyền nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX.
Cuối cùng, tôi lập luận rằng thay vì
xem cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn là tiêu biểu cho sự chiến thắng của tầng lợp
nông dân đã chịu đựng khổ sở lâu ngày, chúng ta nên hiểu điều này như một thử
thách về quyền lực trước một chế độ chính trị suy yếu. Những người tiến hành
cuộc nổi dậy được khích lệ bởi những dấu hiệu cho thấy là một thử thách như thế
có thể đạt đến thành công. Cuộc nổi dậy không phải là một phong trào về mặt tư
tưởng tìm cách kết nối một chương trình hành động đồng nhất. Nói đúng hơn, đó
là một biến động diễn ra trong những tình huống luôn thay đổi, bởi ý muốn thất
thường của nhà lãnh đạo, và phản ứng của những người ở phía đối địch. Việc
nghiên cứu này sẽ đề cập đến một số vấn đề phức tạp, mặc dù không thể dẫn chứng
hết bằng tư liệu.
CHƯƠNG I
THỜI KỲ TÂY SƠN VÀ THẾ KỶ XVIII Ở ĐẠI VIỆT
Khởi nghĩa Bắc Công Thủ
-Sấm
truyền của người Việt vào thế kỷ XVIII-
Cách tốt
nhất để bắt đầu tìm hiểu về "đoàn quân ó” xuất phát từ ấp Tây Sơn là đặt
chúng vào khuôn khổ thời gian và địa lý của thời kỳ được gọi là thế kỷ XVIII
kéo dài ở xứ sở Đại Việt. Khuôn khổ thời gian xác định thời kỳ này kéo dài từ
năm 1672, khi cuộc chiến kéo dài nửa thế kỷ giữa các chúa Trịnh và chúa Nguyễn
đã dừng lại trên thực tế, đến năm 1802, khi cuộc xung đột giữa nhà Nguyễn và
nhà Tây Sơn đã kết thúc. Đây là một trong những thời kỳ quan trọng bậc nhất của
dân tộc Việt Nam, biểu thị bằng sự mở rộng dân số về phía nam cùng những thay
đổi về mô hình kinh tế, sự tham gia ngày càng nhiều của các thương nhân, lính
đánh thuê và giáo sĩ châu Âu, sự bất mãn của dân chúng dâng cao, bùng nổ và
được làm cho tồi tệ hơn bởi các thế lực chính trị và tự nhiên.
Tất cả những sự kiện đó diễn ra bên
trong một lãnh thổ bị chia tách về chính trị và địa lý, ngay cả khi nó không
hoàn toàn được hợp nhất bởi các yếu tố có sự tham gia của lịch sử, văn hóa và
ngôn ngữ. Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn là sản phẩm của sự giao tiếp giữa thời
gian và không gian.
Các lãnh tụ Tây Sơn nổi lên chống lại các chúa Nguyễn đang cai trị Đàng Trong, một vương quốc bao gồm các phần đất nằm ở miền Trung và miền Nam Việt Nam ngày nay. Chính thể ở phía bắc được biết đến nhiều với cái tên Đàng Ngoài, tập trung ở Thăng Long và trải dài từ biên giới phía nam Trung Quốc đến sông Linh Giang, chạy qua khu vực nay là phía bắc tỉnh Quảng Bình*. Vùng lãnh thổ này được cai trị bởi dòng họ Trịnh, cầm đầu bởi các chúa Trịnh. Toàn bộ vương quốc Đại Việt được cai trị trên danh nghĩa bởi vua Lê, mà tổ tiên của ông đã lên ngôi vào năm 1428, nhưng trên thực tế chính chúa Trịnh mới thực sự cai trị và kiểm soát sinh hoạt cung đình. Mặc dù xa cách về mặt địa lý với triều đình nhà Lê, các chúa Nguyễn vẫn trung thành với vua Lê trong một thời gian dài, tuy đến thời điểm nhà Tây Sơn nổi dậy, họ đã thực sự tách khỏi mối ràng buộc trên. Anh em nhà Tây Sơn đã lợi dụng sự phân hóa chính trị phức tạp đó để nắm lấy quyền lực. Trong lúc quân đội Tây Sơn có thể kết nối lại với nhau những lãnh thổ Việt đã bị chia tách lâu dài thì các cuộc xung đột trong hàng ngũ lãnh đạo Tây Sơn cuối cùng chỉ đưa lại sự phân hóa chính trị nhiều hơn nữa.
I.1. TIẾN ĐẾN SỰ PHÂN HÓA CHÍNH TRỊ Ở ĐẠI
VIỆT: 1509-1672
Trong
lúc Đại Việt đạt đến đỉnh cao của sức mạnh chính trị, quân sự và văn hóa trong
ba thập niên cuối cùng của thế kỷ XV, dưới triều Hồng Đức, nhà Lê (1470-1497),
thì thời kỳ đầu thế kỷ XVI chứng kiến sự suy yếu thảm hại của sức mạnh và sự cố
kết nội tại của nó. Bắt đầu vào năm 1509, triều đình nhà Lê đã chứng kiến sự kế
tục nhau của những ông vua bất tài và nhu nhược, bị nhiều người xa lánh tại
triều đình và không thể khẳng định uy quyền trước một loạt những cuộc nổi dậy
của dân chúng và nhiều kẻ thách thức quyền lực đối với họ. Hậu quả là một
khoảng trống chính trị ở trung ương, trở thành mục tiêu đầy cám dỗ của một nhân
vật quân sự đầy quyền lực là Mạc Đăng Dung. Dung là thành viên đầy tham vọng
của một thị tộc làm nghề đánh cá, vào thế kỳ XV đã biến thành một dòng dõi văn
chương xuất chúng, cho dù họ vẫn còn duy trì mối quan hệ với cái gốc ven biển
của họ. Sau khi đạt đến mức cao nhất trong phẩm hàm võ quan ở triều đình, họ
Mạc có thể giữ một vị trí nổi bật về mặt quân sự như người đứng ra bảo vệ một
triều đình đang suy yếu, trở thành một trong những quyền lực chính trị không ai
có thể tranh giành. Năm 1527, Mạc Đăng Dung giữ một địa vị có thể lấn át quyền
hành của vua Lê*. Ông ta yêu cầu vua Lê phải giao ngai vàng cho dòng họ Mạc,
tuyên bố rằng triều đại nhà Lê đã cáo chung.
Việc nhà Mạc nắm lấy quyền lực ở Thăng Long
đưa đến hậu quả là những người còn sống sót cùa triều Lê phải trải qua cảnh
sống lưu đày trên đất nước mình, cuối cùng tị nạn ở vương quốc Lào. Ở đó, với
sự giúp sức của thành viên hai nhóm quân sự mạnh nhất ở Thanh Hóa, thuộc dòng
họ Nguyễn và họ Trịnh, nhà Lê dần lấy lại quyền lực của mình. Nỗ lực này tiếp
tục suốt gần thế kỷ XVI, và trong cuộc chiến giằng co và dai dẳng với nhà Mạc,
đã nổi lên cuộc tranh đua giữa hai dòng họ được đại diện hỏi hai nhân vật chính
là Nguyễn Kim (1467-1545) và Trịnh Kiểm (?- 1570)*. Sự căng thẳng này tăng lên,
cho dù hai dòng họ không chỉ đơn thuần là liên minh quân sự, mà còn là sự kết
hợp qua hôn nhân. Nguyễn Kim đã gả một trong những cô con gái cho Trịnh Kiểm,
buộc chặt hai gia đình theo cung cách được ưa chuộng thời ấy. Tuy nhiên, cả sự
liên kết quân sự lẫn hôn nhân không thể ngăn chặn tham vọng cá nhân của Trịnh
Kiểm. Trong cuộc tranh giành ưu quyền chính trị, họ Trịnh dần thắng thế, và địa
vị được củng cố khi người đứng đầu dòng họ Nguyễn* bị một hàng tướng nhà Mạc
mưu sát vào năm 1545*.
Mặc dù lúc đầu hai người con trai của
Nguyễn Kim cũng theo cha đi đánh trận để phò giúp nhà Lê, song địa vị của họ so
với họ Trịnh đã suy yếu. Nôn nóng tiêu diệt đối thủ của mình, Trịnh Kiểm đã bố
trí giết chết người con trai lớn của Nguyễn Kim. Qua hành vi này của anh rể,
người con trai nhỏ hơn là Nguyễn Hoàng thấy trước số phận của mình nếu không
tìm mưu chước tự bảo vệ. Thông qua người chị ruột là vợ Trịnh Kiểm, ông xin
được cử làm Trấn thủ ở các lãnh thổ xa về phía nam là Thuận Hóa và Quảng Nam*.
Sự lưu đày phương xa của đối thủ chính trị làm vừa lòng Trịnh Kiểm, ông ta chấp
thuận đề nghị của Nguyễn Hoàng. Không lâu sau, vào năm 1558, chàng trai Nguyễn
Hoàng 34 tuổi đi vào vùng đất phương Nam, đánh dấu bước khởi đầu sự chia tách
về chính trị kéo dài hơn hai thế kỷ, cho đến thời đại của nhà Tây Sơn*. Được sự
hỗ trợ bởi thuộc hạ xuất thân từ những gia đình ưu tú đi theo ông vào Nam, lúc
bấy giờ hình thành một trung tâm cai trị xuất sắc ở vùng đất mới, Nguyễn Hoàng
nhanh chóng xây dựng nên sức mạnh chính trị và kinh tế trên lãnh thổ dưới quyền
kiểm soát của ông*.
Việc Nguyễn Hoàng ra đi diễn ra ngay
vào lúc họ Trịnh tiếp tục cuộc đấu tranh quân sự chống nhà Mạc, là mối bận tâm của
họ cho đến cuối thế kỷ XVI và thế kỷ XVII. Mặc dù theo đuổi mưu đồ chính trị ở
phía nam, năm 1593, Nguyễn Hoàng đưa một đoàn quân hùng hậu trở ra Bắc và trải
qua suốt bảy năm trời giúp họ Trịnh đạt được thắng lợi quyết định trước nhà
Mạc*. Khi họ Trịnh bắt đầu củng cố quyền lực sau chiến thắng nhà Mạc, năm 1600,
Nguyễn Hoàng quay về phương Nam, không bao giờ đặt chân trở lại đất Bắc nữa.
Một số nhà nghiên cứu lập luận rằng mốc thời gian đó đánh dấu thời điểm rạn vỡ
quan trọng giữa hai họ Trịnh-Nguyễn, và từ đó, giữa hai vương quốc độc lập về
chính trị*.
Cho dù sự trở lại của Nguyễn Hoàng có
là thời điểm quyết định về mối quan hệ giữa hai bên hay không, cái chết của ông
vào năm 1613 và sự chuyển giao quyền lực cho người con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc
Nguyên (1563-1635) rõ ràng đã làm gia tăng bước đi hướng đến sự độc lập của
vùng đất phía nam. Năm 1624, sự rạn nứt với phía bắc là không thể hàn gắn khi
người con của Nguyễn Hoàng* tuyên bố không chuyển ra Bắc số thuế thu được ở
những địa phương mà họ cai quản nhân danh nhà Lê (Trịnh)*. Sự thách thức đó dù
là không bất ngờ, cũng bị các chúa Trịnh xem là hành vi bội phản, và dùng nó
biện minh cho hành động quân sự của họ.
Năm 1627, họ Trịnh tấn công họ Nguyễn
lần đầu tiên, khởi đầu một thời kỳ xung đột kéo dài 45 năm giữa hai dòng họ thù
nghịch nhau. Bốn thập niên rưỡi trải qua 6 cuộc xung đột quân sự với qui mô
lớn, nhưng không có bên nào chiếm được ưu thế tạm thời so với đối thủ của mình.
Dù quân Trịnh có một sức mạnh đáng kể xuất phát từ một dân số đông hơn rất
nhiều, song với khả năng chiến đấu của lính bộ và lính biển, quân Nguyễn lợi
dụng được địa hình chật hẹp ven biển kết hợp với một loạt thành lũy bảo vệ
khiến các cuộc tấn công qui mô lớn của quân Trịnh gặp nhiều khó khăn. Thêm vào
đó, cư dân nhà Nguyễn được tổ chức dọc theo các phòng tuyến quân sự, luôn trong
tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Tình trạng quân đội của chúa Trịnh cũng khá phức
tạp do những cuộc tấn công của nhà Mạc còn tiếp diễn. Lực lượng này dù đã phải
rời bỏ Thăng Long trong những trận đánh vào cuối thế kỷ XVI, vẫn tiếp tục đe
dọa quân Trịnh từ nơi trú ẩn của họ trong vùng rừng núi Cao Bằng, gần biên giới
với Trung Quốc. Sau hết, ngoài việc đối đầu với quân chúa Nguyễn ở biên giới
phía nam và sự quấy phá của nhà Mạc ở phía bắc, quân Trịnh còn phải đương đầu
với sự bất mãn của dân chúng ngay trên lãnh thổ của họ nữa*.
Trong thời kỳ chiến tranh đó, tổ tiên
của anh em nhà Tây Sơn đến ngụ cư trên lãnh thổ các chúa Nguyễn. Dòng họ này
nguyên sống ở huyện Hưng Nguyên, trấn Nghệ An, trong vùng đất sau này thuộc
quyền kiểm soát của chúa Trịnh. Lúc bấy giờ họ mang họ Hồ và theo một vài nguồn
sử liệu, họ là cháu trực hệ của Hồ Quý Ly, một võ tướng nổi tiếng vào cuối thế
kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, người đã nắm lấy quyền bính từ triều đại nhà Trần đã suy
yếu (1225-1400) và sau đó cai trị đất nước trong một khoảng thời gian ngắn ngùi
trước khi nhà Minh sang xâm lược Đại Việt vào năm 1407*. Giữa những năm 1653 và
1657, trong cao điểm những cuộc giao tranh giữa hai quân đội Trịnh-Nguyễn, ông
tổ năm đời của anh em Tây Sơn bị quân nhà Nguyễn cầm giữ và bị buộc phải tái
định cư ở vùng Qui Nhơn*. Vào thời đó, Qui Nhơn là một vùng biên khá ổn định,
cư dân chính là người Chăm, cùng một số sắc tộc khác không phải là người Kinh.
Việc định cư những tù nhân quân sự ở khu vực này là một phần trong nỗ lực của
nhà Nguyễn nhằm gia tăng ảnh hưởng của họ trong một vùng quan trọng về mặt
chiến lược và cũng có thể nhằm đối phó với những tàn tích còn sót lại trong ảnh
hưởng chính trị của vương quốc Chăm trước kia. Thân sinh ba anh em Tây Sơn là
ông Nguyễn Văn Phúc tùng có lúc sống ở ấp Kiên Thành trước khi đưa gia đình về
làng Tây Sơn*.
Cuộc chiến giữa hai quân đội Trịnh-Nguyễn kéo dài cho đến giữa thế kỷ XVII, bên này mở những cuộc tấn công liên tiếp vào phía bên kia. Năm 1672, quân Trịnh tung ra một loạt tấn công cuối cùng nhằm xâm nhập các phòng tuyến của quân Nguyễn, nhưng tất cả những cuộc tấn công đó đều bị đẩy lùi. Cuối năm đó, quân Trịnh ngưng tấn công và rút về. Cả hai phía chấp nhận một thế bế tắc về quân sự và cuộc ngưng bắn trên thực tế đã hình thành. Tình trạng chiến tranh kết thúc, sự chia tách càng dứt khoát hơn, mỗi bên tiếp tục tự nhận là một vương quốc riêng, dùng con sông Linh Giang* làm ranh giới giữa hai bên. Trong thời kỳ hậu chiến đó, ranh giới này được duy trì chặt chẽ, hai nhà Trịnh-Nguyễn không có những cuộc tiếp xúc trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, những cuộc tiếp xúc gián tiếp ở miền Nam Trung Quốc vẫn tiếp tục, thông qua các thương nhân qua lại hai lãnh thổ, giúp cho hai phía ít nhất cũng có những thông tin về nhau.
I.2. ĐÀNG NGOÀI VÀ ĐÀNG TRONG THẾ KỶ XVIII
Việc
dừng cuộc chiến công khai cho phép mỗi bên tập trung vào những vấn đề nội bộ,
trong lúc sự chia tách dứt khoát góp phần tạo ra những thực thể chính trị riêng
biệt ở hai bên bờ sông Linh Giang. Mỗi chính thể theo đuổi một đường hướng
chính trị riêng biệt được xác định bởi những hoàn cảnh về địa lý và kinh tế
riêng. Mặc dù các nhà viết sử Việt về sau nhấn mạnh đến tính thuần nhất cố hữu
của dân tộc Việt Nam, và ở một mức độ nào đó là sự thuần nhất về ranh giới lãnh
thổ, như Nola Cooke và Li Tana đã lập luận, rõ ràng là hai vương quốc Nguyễn và
Trịnh cần được xem như hai nhà nước tách biệt nhau và phát triển trong những
hoàn cảnh lạ thường. Keith Taylor cũng vậy. Trong một khảo sát quan trọng về
chủ nghĩa địa phương của người Việt Nam, ông đã chỉ ra sự kiện các đặc điểm dễ
phân biệt về vùng miền và kinh nghiệm lịch sử vùng miền từ lâu đã tạo nên tính
cách của con người Việt Nam ở mức độ nào đó. Chính sự khác biệt về vùng miền đó
đã góp phần hình thành hai thực thể chính trị riêng biệt, với cách nhìn và định
hướng rất khác nhau, trên một đất nước Đại Việt bề ngoài có vẻ thống nhất. Các
chúa Trịnh và xã hội của họ hướng về Trung Quốc, về một thế giới văn hóa và
thương mại nằm ở phía bắc, hoặc trên đất liền, hoặc trên biển. Các chúa Nguyễn
thì quay sang phía nam, đông và tây, hướng về biển và vùng lục địa Đông Nam Á,
với sự liên hợp phức tạp về văn hóa và kinh tế kết nối họ với các dân tộc Chăm,
Khmer, Xiêm cùng thế giới mậu dịch rộng lớn hơn ở các vùng đảo.
Như một thế lực chính trị thực sự ở
Đàng Ngoài, các chúa Trịnh chỉ đạo đường lối phát triển chính trị và kinh tế
trong vùng. Sau cuộc xung đột với các chúa Nguyễn, các chúa Trịnh thực hiện
những cải cách chính trị ôn hòa và cố gắng điều chỉnh về thuế khóa và kinh tế
nhằm đáp ứng với tình hình biến chuyển nhanh chóng. Thêm vào đó, chúa Trịnh nỗ
lực tăng cường sự ổn định xã hội bằng cách làm nổi bật vai trò và địa vị của
các nho sĩ và sử dụng khoa cử như một cơ chế để tuyển chọn họ. Những cải cách
này xem ra khá khiêm tốn trước những vấn đề rộng lớn nên không thể theo kịp
những biến chuyển nhanh chóng về kinh tế xã hội. Ngoài ra, các chúa Trịnh còn
thay đổi gánh nặng thuế khóa trong xã hội Đàng Ngoài, tìm kiếm những giải pháp
có tính sáng tạo cho vấn đề thâm hụt ngân sách thường xuyên. Hậu quả là thuế má
gia tăng trên những sản phẩm vốn không phải là đối tượng của sưu cao thuế nặng,
trong đó có muối, các khoáng chất và sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, những
thành phần ưu tú giàu có lại thường xuyên tránh được hoàn toàn các khoản thuế
khóa. Một loạt thiên tai xảy ra kết hợp với các cuộc khủng hoảng kinh tế tăng
dần vào các thập niên 1730 và 1740. Và cũng từ đó, nạn tham nhũng của công tăng
cao. Và điều có thể thấy rõ là quyền hành của chúa Trịnh trở nên mong manh hơn.
Hệ quả là sự bất an trong dân chúng gia tăng ở mức độ dữ dội, được châm ngòi
bởi những vấn đề trên và bởi sự gia tăng của số người sống lang thang, không
đất đai canh tác. Một số cuộc nổi dậy kéo dài nhiều thập niên, trong đó có cuộc
nổi dậy của Hoàng Công Chất diễn ra từ năm 1740 đến năm 1767, của Lê Duy Mật,
từ năm 1738 đến năm 1769. Hậu quả là những bất ổn này khiến cho quân đội và
chính quyền họ Trịnh phải bận tâm giải quyết trong phần lớn khoảng thời gian
giữa thập niên 1730 và thập niên 1770.
Mặt
khác, ở Đàng Trong do các chúa Nguyễn kiểm soát, những năm cuối thế kỷ XVII và
đầu thế kỷ XVIII tiêu biểu cho thời kỳ các nhà cai trị củng cố địa vị của họ và
học cách bòn rút của cải của vương quốc phía nam. Để làm việc này, họ Nguyễn
tiếp tục tổ chức nhà nước và cư dân dọc theo các phòng tuyến quân sự. Tư tưởng
Khổng giáo và việc đề bạt quan chức dựa vào công trạng có quá ít chỗ ở một nhà
nước đang trong tình trạng chiến tranh*. Các quan hệ cá nhân và thị tộc là con đường
chắc chắn nhất dẫn đến quyền lực chính trị và uy tín xã hội. Thêm vào đó, định
hướng quân sự của chính quyền nhà Nguyễn từng ích dụng trong cuộc chiến với họ
Trịnh vào giữa thế kỷ XVII, nay tiếp tục được sử dụng trong sự bành trướng lãnh
thổ về phía nam, đến đồng bằng sông Cửu Long. Sự bành trướng này diễn ra bất
lợi cho vương quốc Chăm vẫn còn trong tình trạng bán tự trị, đang tồn tại giữa
vùng duyên hải miền Trung và của người Khmer ở xa về phía nam.
Cùng lúc đó, tham vọng mở rộng dần sự
kiểm soát lãnh thổ về phía tây của các chúa Nguyễn đã tạo ra những căng thẳng
lớn dần với các cư dân vùng cao. Cuối cùng, những căng thẳng này bùng lên thành
những cuộc xung đột giữa người Việt và người Tây Nguyên vào những thập niên
1750 và 1760. Như nhà nghiên cứu Li Tana đã viết, sự bành trướng của cư dân
Việt và vấn đề mùa màng thất bát đã là ngòi nổ của cuộc đối đầu ở Quảng Nam.
Người miền cao, thường gọi là “Mọi Đá Vách” thường xuyên mở những cuộc đột kích
các căn cứ của nhà Nguyễn ở phía nam Phú Xuân, và các nỗ lực của nhà Nguyễn
nhằm kiểm soát tình hình đã trở nên vô hiệu*. Khoảng thời gian giữa những năm
1767 và 1771, ngay trước cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, là một loạt những cuộc
tấn công liên tiếp nhau như thế. Người Srê nổi dậy ở Quảng Ngãi năm 1770, cùng
năm với người vùng cao Đá Vách tiến hành những cuộc tấn công xa hơn vào các
cộng đồng ở vùng đồng bằng. Cuộc xung đột tiếp tục giữa người ở hai vùng cao và
thấp là yếu tố quan trọng góp phần vào những thắng lợi ban đầu của phong trào
Tây Sơn, khi các nhà lãnh đạo phong trào xem vùng cao là nơi tuyển mộ người
thuận lợi nhất.
Suốt thế kỷ XVIII, các chúa Nguyễn
dần dần khoác vẻ ngoài của một thực thể chính trị có tính tự trị hơn. Năm 1702,
chúa Nguyễn* gửi một lá thư cho triều đình Trung Hoa thông qua các trung gian
người Xiêm, xin nhà Thanh công nhận là một thuộc quốc riêng rẽ. Vua nhà Thanh
xét rằng vẫn còn vua Lê trên ngai vàng ở Thăng Long nên từ chối tiếp thư. Dù có
sự bác bỏ của Thanh triều, cuộc thương lượng về mặt ngoại giao cũng cho thấy sự
hiện diện tại Đàng Trong của một thực thể chính trị đang nỗ lực tái khẳng định
mình. Điều này phản ánh qua việc thay đổi các thuật ngữ chính trị, như danh
xưng dùng để chỉ kinh đô của họ, danh hiệu các quan chức và tước hiệu dùng cho
các thành viên trong vương gia*. Cuối cùng, năm 1744, chúa Nguyễn* chính thức
hóa việc thoát khỏi ảnh hưởng của nhà Lê, đánh dấu sự chấm dứt việc công nhận
vua Lê là người lãnh đạo về mặt chính trị của họ*. Vào năm đó, chúa Nguyễn Phúc
Khoát ban một chỉ dụ tuyên bố việc xưng vương, tự xem mình ngang hàng các nhà
cai trị phía bắc, chứ không còn là thần dân của họ nữa.
Vào thời kỳ này, cả chúa Trịnh lẫn
chúa Nguyễn đều củng cố quyền lực chính trị của họ, trong lúc vua Lê vẫn còn
ngồi trên ngai vàng. Dòng dõi hoàng tộc này từng một thời lừng lẫy, đã hàm ơn
dòng họ Trịnh về sự “phục hưng”, tuy vẫn còn được duy trì danh hiệu và cung
điện, song quyền hành thực sự đã về tay chúa Trịnh. Đó là một sự sắp đặt có lợi
cho dòng họ Trịnh khi họ có thể nắm giữ quyền hành chính trị và kinh tế mà
không cần phải gạt bỏ nhà Lê. Họ toan tính nắm quyền trên danh nghĩa của chính
họ mà không cần sử dụng danh nghĩa của nhà Lê. Song họ cho rằng tính chính
thống của nhà Lê cũng như sự tưởng nhớ của người dân về thời kỳ hoàng kim của
dòng họ trị vì đó là vốn quý, giúp vào việc tái lập sự ổn định sau khi cuộc nội
chiến kết thúc*. Cuối cùng thì quyền năng của họ Trịnh đã giúp ổn định ngai
vàng vua Lê và cả hai đã phát triển mối quan hệ cộng sinh được công nhận rộng
rãi. Có một câu nói trong dân gian như sau: “Chúa Trịnh còn nhà Lê còn, chúa
Trịnh mất nhà Lê mất”. Sự sắp đặt đó, cùng với sự căng thẳng chính trị tiềm
tàng của nó, kéo dài đến thời kỳ Tây Sơn.
Giữ vua Lê trên ngai vàng là con dao
hai lưỡi đối với chúa Trịnh, khi lòng trung thành đối với nhà Lê kéo dài đến
thế kỷ XVIII. Thật vậy, nhiều cuộc nổi dậy với qui mô lớn diễn ra ở phía bắc
vào thế kỷ XVIII lợi dụng sự bất hòa giữa vua Lê và chúa Trịnh để tuyên truyền
lôi kéo tình cảm của người dân hướng về nhà Lê. Điều đặc biệt là sự tưởng nhớ
đến thời kỳ vàng son đầu đời Lê lại tương phản mạnh mẽ với sự cam go về kinh tế
tác động lên đời sống người dân đang oán thán các chúa Trịnh*. Hai cuộc nổi dậy
quan trọng vào thời kỳ này, trong đó có cuộc nổi dậy của hoàng thân Lê Duy Mật,
diễn ra vào những năm từ 1738 đến 1769, với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Vài
cuộc nổi loạn nhận được sự ủng hộ của giới quan lại, trong đó người nổi tiếng
nhất là Phạm Công Thế, đỗ trong khoa thi năm 1727, là quan lại cao cấp tham gia
vào cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật. Khi Thế bị bắt vào năm 1738, những người hỏi
cung ông ta trách rằng: “Nhà ngươi là người trong khoa giáp làm sao lại đi theo
bọn phản nghịch?" Và Thế đã trả lời: “Danh phận không sáng tỏ đã lâu rồi,
còn phân biệt thế nào là thuận với nghịch được nữa?”
Về sau, trong thế kỷ đó, quan điểm
này được danh sĩ Phạm Đình Hổ lặp lại, và trong tác phẩm Vũ trung tùy bút, ông
đã viết: "thế hệ trượt dài vào những thói quen xấu và con đường quyền lực
mỗi ngày một suy yếu. Khái niệm về danh thơm bị xáo trộn, và người ta không còn
phân biệt được đúng sai”.
Với những cảm nghĩ như thế, đây là lúc thuận tiện để quy trách nhiệm về các biến động trên và cuộc nổi dậy đầy ấn tượng tiếp sau đó của nhà Tây Sơn khi nhà Lê đang ở trong tình thế suy yếu rõ rệt. Tuy nhiên, việc xem xét chặt chẽ lại cho thấy những điều khác hơn. Dù cho nhiều biến động nổi lên vào giữa thế kỷ XVIII, đặc biệt ở khu vực phía bắc, cả Đàng Ngoài và Đàng Trong đều tương đối mạnh, họ tập trung quyền lực vào giữa và một phần nửa sau thế kỷ này. Ở phía nam, thời kỳ giữa thế kỷ XVIII là thời kỳ của sự mở rộng về mặt địa lý và một vương triều quyết đoán, có đầu óc độc lập được lãnh đạo bởi chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), một người kiên quyết và có tài. Thời gian trị vì 27 năm của ông đánh dấu một thời kỳ mở rộng đất đai và những mối quan hệ ngoại giao rộng rãi với người Xiêm và người Khmer. Ở phía bắc cũng tương tự như thế, trong lúc có nhiều biến động lớn do dân chúng gây ra vào những thập niên đầu thế kỷ XVIII nhằm phản ứng lại đường lối cai trị khắc nghiệt của chúa Trịnh Giang (1729-1740), tình hình được cải tiến chậm dưới thời hai người kế tục ông là Trịnh Doanh (1740-1767) và Trịnh Sâm (1767-1782); cả hai đã có những nỗ lực đáng kể nhằm giải quyết những vấn đề trọng đại mà họ đã kế thừa*. Cuối cùng thì họ đã thành công trong việc đàn áp phần lớn các cuộc nổi dậy và bắt đầu chú ý đến một số bất mãn ngấm ngầm của giới nông dân. Cho dù họ không thể loại trừ được hết những vấn đề về cơ cấu mà họ Trịnh phải đương đầu, những nhà cai trị của hai miền cũng phục hồi được trật tự ở một mức độ nhất định. Không mấy ai đặt vấn đề về việc họ là những nhà cai trị có khả năng, tương đối mạnh mẽ. Mặt khác, họ có thể ngăn chặn một số vấn đề tiềm ẩn trong vương quốc riêng của mình, song họ không thể loại bỏ chúng hoàn toàn.
I.3. ĐỘNG LỰC XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA VÀO THẾ KỶ
XVIII
Biến động đột ngột về chính trị tại
Đàng Ngoài và Đàng Trong giúp định hình hoàn cảnh xuất hiện cuộc nổi dậy của
nhà Tây Sơn, song các động lực khác trong xã hội Đại Việt cuối thế kỷ XVIII
cũng góp phần lớn vào việc xác định đặc điểm của thời kỳ này. Nhiều yếu tố sẽ
được đề cập đến về sau, song có một vài yếu tố đáng được nêu bật ở điểm này.
Điều đặc biệt là ảnh hưởng của phương Tây gia tăng, khi có nhiều người Âu, nhất
là các giáo sĩ, đến Đại Việt. Có những biến đổi nội tại trong xã hội liên quan
đến sự gia tăng thịnh vượng và một cấu trúc giai cấp thay đổi không ngừng. Hơn
nữa, đây là thời kỳ của sự vận động mạnh mẽ về tri tuệ, được thúc đẩy một phần
bởi những nỗ lực của giới nho sĩ nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề của một
xã hội nhiễu loạn.
Có lẽ điều đáng chú ý nhất là vào
thời kỳ này, người ta nhận thấy ảnh hưởng của người châu Âu một cách sâu sắc và
trực tiếp hơn bất cứ lúc nào trước đó. Con đường chủ yếu dẫn đến sự giao tiếp
ngày càng gia tăng là thương mại và tôn giáo. Các thương nhân và giáo sĩ châu
Âu tranh nhau hàng hóa, thị trường và tâm linh của người Việt. Các giáo sĩ châu
Âu đã hiện diện ở Đại Việt vào những năm đầu của cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh và
nhân số của họ tăng lên vào thời kỳ hậu chiến, đồng thời với sự gia tăng của
người dân địa phương theo đạo Thiên Chúa. Mặc dù sự thành công của các giáo sĩ
còn hạn chế, một vài gia đình có máu mặt và một vài ngôi làng cải sang đạo mới,
hình thành những nhóm nhỏ trong xã hội Đàng Ngoài và Đàng Trong mà quyền lợi
phần nào vượt ra ngoài những chuẩn mực đã được chấp nhận về xã hội và tôn
giáo*. Những căng thẳng giữa triều đình Việt Nam với người theo đạo Thiên Chúa
được biết đến nhiều vào thế kỷ XIX, song ở nửa sau thế kỷ XVIII, giáo dân Việt
và các giáo sĩ châu Âu đã đứng trước một tình thế nan giải về mặt chính trị,
như chúng ta sẽ thấy ở Chương IV. Dù trong trường hợp nào, giáo dân Thiên Chúa
giáo Việt Nam và các giáo sĩ châu Âu cũng bị thu hút vào các cuộc xung đột của
nhà Tây Sơn, và con đường được vạch ra trong việc chọn phe nào không nghiêm
ngặt và dễ đoán trước một chút nào.
Như Nguyễn Thanh Nhã đã lập luận, thế
kỷ XVIII là thời kỳ có những chuyển biến kinh tế quan trọng, trong đó những
hoạt động thương mại và mậu dịch (cả trong nước lẫn quốc tế) đã hình thành sự
phân phối của cải và những nền tảng của quy ước xã hội. Ông cho rằng sự gia
tăng thịnh vượng dưới hình thức hoạt động thương mại đã phá vỡ các rào cản xã
hội. Những phân hóa xã hội đang tồn tại đã ít được khảo sát một cách cẩn trọng
và một số dạng nghề nghiệp (như nghề diễn tuồng chẳng hạn) đã không còn bị
khinh rẻ. Mối quan hệ gia đình của những người như thế không còn là rào cản
ngăn họ vươn tới địa vị cao nữa. Khi nhắc tơi Lê Quý Đôn, Alexander Woodside
cũng đã viết rằng ở Đàng Trong “sự phân biệt giai cấp và địa vị xã hội đã suy
giảm”. Trong lúc những phân biệt đó không bao giờ được khảo sát một cách nhiệt
tình ở vương quốc nhà Nguyễn thì có những dấu hiệu cho thấy rõ rằng ảnh hưởng của
chúng ở vương quốc chính thống về mặt văn hóa của chúa Trịnh cũng suy tàn. Thật
vậy, các tác giả như Lê Quý Đôn đã miêu tả một số thay đổi này và sự gia tăng
mức độ thịnh vượng về thương mại ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài.
Cuối cùng, thế kỷ XVIII là thời kỳ
của sự vận động về mặt tinh thần, đặc biệt ở Đàng Ngoài. Một số nhân vật quan
trọng hiểu biết nhiều về lịch sử Việt Nam hoạt động tích cực vào thế kỷ XVIII
vốn được miêu tả như một trong những cao điểm trong lịch sử tư tưởng triết học
Việt Nam. Nửa sau thế kỷ này là thời kỳ của Lê Quý Đôn (1726-1784), một trong
những tác gia và nhà triết học quan trọng nhất trong chiều dài lịch sử Việt
Nam. Ít nổi tiếng hơn một chút song cũng có nhiều tài như Ngô Thì Nhậm
(1746-1803), Phan Huy Ích (1751-1822), Bùi Dương Lịch (1758-1827), Bùi Huy Bích
(1744-1818), Nguyễn Thiếp (1723-1804), và những người khác đã hoạt động tích
cực trong thời kỳ Tây Sơn, bị tác động bởi chúng và phản ánh chúng trong tác
phẩm của họ. Đó cũng là thời kỳ của Nguyễn Du (1765-1820), tác giả lừng danh
của Truyện Kiều. Ngoại trừ Nguyễn Thiếp và Nguyễn Du, những người còn lại thuộc
về tầng lớp đỗ đạt tiến sĩ, những sĩ tử đã đi đến giai đoạn cuối của hệ thống
khoa cử nhiều cấp do triều đình tổ chức.
Đối mặt với những rối loạn về chính
trị và xã hội ngày một gia tăng của thời đại mình, nhiều người trong những nhà
nho này tích cực tìm phương thuốc nhằm ổn định trật tự. Cho dù là một thành
phần trong cơ chế quan liêu, giới nho sĩ trong thơi kỳ này vẫn còn gắn bó chặt
chẽ với cái gốc rễ nông thôn của họ, vì thế họ đã cố những mối quan tâm cụ thể
đến việc thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của người nông dân*. Trong số những nhà
nho được biết đến nhiều vào giai đoạn đó có Lê Quý Đôn và Ngô Thì Nhậm, đã nhắc
lại câu danh ngôn của Khổng phu tử “Dân là gốc nước” (Dân vi bang bản)*. Hay
như danh sĩ Nguyễn Thiếp đã viết cho nhà lãnh đạo Tây Sơn một bức thư vào năm
1791: “Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên”*. Do đó, mối quan tâm của họ
không phải xuất phát từ một chủ nghĩa vị tha, mà đúng hơn bằng nhận thức rằng
sự ổn định ở nông thôn rất cần thiết cho sự tồn tại của nhà nước.
Để giải quyết các vấn đề xã hội như
vậy, những nhân vật này nỗ lực phục hồi các tư tưởng của xã hội Khổng giáo đã
được miêu tả trong văn hán cổ từ di sản triết học mà họ đã chia sẻ với người
Trung Quốc. Họ tìm cách gieo rắc tư tưởng của những văn bản đó và đưa ra những
giải thích cá nhân, cốt sao những giải pháp họ đề ra đạt được hiệu quả mong
muốn. Kết hợp mối quan tâm về cuộc khủng hoảng xã hội trong cộng đồng với niềm
tin về tính cải thiện trong học thuyết Khổng tử, các nho sĩ phía bắc tham gia
vào nhiều hoạt động sôi nổi nhằm quảng bá các tác phẩm kinh điển của Khổng giáo
cùng với thông điệp của chúng. Những thông điệp từ các tác phẩm mà họ viết ra
thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau: tóm lược nguyên tác, trích dẫn từ tác phẩm
kinh điển, chuyển thành thơ, và quan trọng hơn cả là dịch toàn phần hay ít nhất
một phần tác phẩm kinh điển ra chữ Nôm*. Mặc dù giới sử gia Việt Nam đương đại
cho là các nhà lãnh đạo Tây Sơn về sau đã có những công trình dịch những tác
phẩm kinh điển ra chữ Nôm, hành động này cần được coi như là biểu thị to lớn và
có hệ thống nhất của một nỗ lực nhằm mở rộng nhận thức của công chúng về sách
vở Khổng giáo thông qua một hình thức dễ tiếp cận rộng rãi hơn.
Nói tóm lại, thế kỷ XVIII trải qua cuộc khảo sát chặt chẽ hơn về cả hai mặt tinh thần và xã hội, về sự bất mãn của giới nông dân bùng nổ dữ dội dưới sự lãnh đạo của ba anh em nhà Tây Sơn*. Như chúng ta sẽ thấy, cả hai mặt này có quan hệ hỗ tương chặt chẽ với nhau, giúp tạo ra phong trào Tây Sơn và về thực chất đã định hướng phong trào suốt hơn 30 năm trải rộng khắp lãnh thổ Việt Nam.
I.4. CÁC YẾU TỐ GÂY RA SỰ BẤT MÃN CỦA DÂN
CHÚNG: TẠI SAO CÓ PHONG TRÀO TÂY SƠN?
Trong lúc động lực xã hội được coi là
cơ sở quan trọng của cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, nó lại không thể giải thích
được căn nguyên của sự biến loạn. Vì thế, chúng ta cần nhìn một cách trực tiếp
hơn vào những mô hình rộng rãi về chuyển đổi dân số và kinh tế, góp phần làm
lan rộng tình trạng bất an, và vào những yếu tố trực tiếp hơn, chủ yếu về kinh
tế nhưng cũng về cả quân sự và chính trị. Và như chúng ta sẽ thấy dưới đây, cả
hai yếu tố này góp phần làm cho tình hình trở nên tệ hại hơn bởi một loạt những
chuyển tiếp chính trị gay go ở cả hai miền đất nước, những chuyển tiếp có thể
mang lại thành công về quân sự và chính trị cho đạo quân nổi dậy.
I.4.1. Chuyển biến về dân số trên lãnh thổ của
chúa Nguyễn
Lãnh thổ của chúa Nguyễn nhanh chóng được mở rộng từ giữa thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII. Việc mở rộng sự thống trị của nhà Nguyễn đến những vùng xa kinh đô Phú Xuân cũng mang lại những hệ quả quan trọng. Trước tiên, dân số và khối lượng đất đai do chúa Nguyễn kiểm soát đã gia tăng rất nhiều, khiến cho việc quản lý về mặt hậu cần của vương quốc này trở nên phức tạp hơn rất nhiều*. Thêm vào đó, sự mở rộng quyền lực chính trị về phía nam có nghĩa là các chúa Nguyễn ở một chừng mực nào đó đã bị cô lập về mặt vật chất với phần lớn vương quốc của họ, một vùng đất rộng lớn nằm ở phía nam đèo Hải Vân, thuộc trấn Quảng Nam. Những vùng đất mới do chúa Nguyễn công bố chủ quyền là nơi cư trú của những nhóm người pha tạp, hay dời đổi, có mối quan hệ lỏng lẻo với kinh đô Phú Xuân. Như chúng ta đã biết, khu vực quanh Qui Nhơn được dành làm nơi cư trú của những tù nhân chính trị phía bắc và cũng là quê hương của những người còn sót lại của vương quốc Chăm, trong khi có nhiều nhóm người vùng cao sống sát cạnh trung tâm của cuộc nổi dậy ở ấp Tây Sơn. Khi nhà Nguyễn tìm cách nới rộng ảnh hưởng trong khu vực, họ tác động đến quyền lợi chính trị của người Chăm và người vùng cao tại địa phương, song cả hai nhóm người này sẽ sớm trở thành những nhóm ủng hộ cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn.
Ngoài ra, khi nhà Nguyễn bành trướng xa hơn về phía nam, đến vùng đồng bằng sông Cửu Long do người Khmer cắt nhượng, họ xung đột với những người dân còn sót lại của vương quốc Chân Lạp. Trong lúc người Khmer không phải là chướng ngại quan trọng đối với quân nhà Nguyễn thì việc di chuyển đến vùng này khiến nhà Nguyễn đụng độ trực tiếp với các thế lực chính trị ở lục địa Đông Nam Á, đặc biệt là với sức mạnh của người Xiêm*. Cùng với thời gian, vận may của các nhà cai trị đất Chân Lạp suy yếu dần, dẫn đến những cuộc tranh giành quyền lực giữa những người muốn chiếm lấy ngai vàng. Những sự kiện này lần lượt thu hút sự chú ý của triều đình Xiêm vốn không ngừng mưu tìm một vai trò trực tiếp trong các vấn đề chính trị tại Chân Lạp. Sự đến sau của nhà Nguyễn không tránh khỏi việc lôi kéo triều đình Việt vào những mưu đồ trong đời sống chính trị ở Chân Lạp và sự đối đầu trực tiếp với người Xiêm vào thập niên 1760*. Năm 1766, quân Nguyễn xung đột quân sự với quân Xiêm, chủ yếu tập trung vào trung tâm thương mại quan trọng ở vùng duyên hải Hà Tiên, song cũng ở cả khu vực nội địa*.
Năm sau, một quốc vương Xiêm mới lên
ngôi báu ngay sau một cuộc xâm lược của người Miến Điện* Nhà cai trị mới của
Xiêm là Taksin, một người có hai dòng máu Hoa-Thái, nhanh chóng theo đuổi một
chính sách ngoại giao hung hăng, đưa quân Xiêm áp sát biên giới các nước láng
giềng. Quan trọng hơn cả là Taksin thân hành dẫn một đoàn quân đi vào đất Chân
Lạp vào năm 1771, và đưa người ông ta ưa thích lên ngai vàng ở Oudong. Cuộc
đụng độ ở Hà Tiên tiếp tục âm ỉ và bùng phát theo chu kỳ vào những năm tiếp
sau. Đầu năm 1772, nhà Nguyễn huy động trên 10 vạn quân để đối phó với quân
Xiêm và quân Chân Lạp. Mặc dù quân Nguyễn cầm chân được quân Xiêm ở vịnh và
chiếm được đất của Chân Lạp ở Phnom Penh và vùng phụ cận, những nỗ lực này
khiến cho chính quyền nhà Nguyễn ở Phú Xuân phải luôn bận tâm với vùng đất ở xa
về phía nam kinh đô của họ. Cuối cùng, họ dễ rơi vào tình trạng rối loạn nội
bộ, ngay khi mà cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn đã được trù tính xong ở vùng cao
An Khê.
I.4.2. Những vấn đề kinh tế của nhà Nguyễn
Trong lúc bận rộn về mặt quân sự ở xa
về phía nam, nhà Nguyễn còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trải rộng
trên nhiều mặt trận.
Cuộc
khủng hoảng bao gồm những vấn đề có phạm vi rộng lớn nhưng có quan hệ mật thiết
với nhau như chi tiêu quá đáng, sưu thuế tăng cao và bất quân bình về mặt địa
lý, tham nhũng trong chính quyền, thu nhập từ ngoại thương giảm sút đột ngột,
sản lượng lúa gạo không cân bằng và một cuộc khủng hoảng về tiền đồng phát sinh
trong tình huống ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Phú Xuân. Thật vậy, trong
những thách thức mà nhà Nguyễn gặp phải vào lúc này, chính vấn đề thuế má sẽ đổ
dầu vào ngọn lửa bất mãn của dân chúng. Chính thứ dầu này mà các lãnh tụ Tây
Sơn đã bật tia lửa làm bùng lên cuộc nổi dậy của họ.
I.4.3. Khủng hoảng về thu nhập, thương mại và tiền đồng
Cái giá
phải trả cho cuộc chiến với quân Xiêm buộc nhà Nguyễn phải triển khai một quân
số tương đối lớn ở xa kinh đô Phú Xuân là một trong những nguyên nhân dẫn đến
sự căng thẳng về kinh tế ở vương quốc Đàng Trong. Tuy nhiên, đó không phải là
lý do duy nhất, vì còn có sự kiệt quệ về ngân khố nữa. Nhiều lúc các chúa
Nguyễn thực hiện những chi tiêu quá đáng cho nhiều dự án nhằm nâng cao uy tín
của họ, trong đó có việc xây dựng những công trình rất công phu và hoa mỹ tại
kinh đô Phú Xuân, vấn đề chi tiêu quá đáng tăng cao vào nửa sau thập niên 1760,
đồng thời với việc công khố bị kiệt quệ đã khuyến khích nạn tham nhũng ở cả cấp
địa phương lẫn trung ương. Sau khi củng cố địa vị như một gương mặt chính trị
chủ yếu của vương quốc Đàng Trong, vị tân quốc phó Trương Phúc Loan đã nâng cao
và mở rộng thuế má, từ đó làm gia tăng mạnh mẽ tài sản và ảnh hưởng cá nhân của
ông ta. Việc Loan thừa nhận sự hối lộ cho phép các quan chức được miễn nghĩa vụ
quân sự đã phản ánh một vấn đề rộng lớn về nạn tham nhũng diễn ra ở nhiều cấp
độ khác nhau trong xã hội Đàng Trong.
Cùng lúc đó, nhà Nguyễn phải đương
đầu với sự giảm sút đột ngột các khoản thu về thương mại khi số lượng tàu buôn
từ nước ngoài ghé thương cảng quan trọng là Hội An (Faifo) giảm xuống rất nhanh
trong suốt thập niên 1760 và đầu thập niên 1770, Trong Phủ biên tạp lục soạn
năm 1776, Lê Quý Đôn đã viết rằng trong năm 1771, chỉ có 16 tàu buôn nước ngoài
ghé Hội An và hai năm sau đó, chỉ còn phân nửa số tàu này cập bến!. Điều này
trái ngược với một cảng sầm uất từng đón từ 60 đến 80 tàu buôn nước ngoài vào
cuối thập niên 1740. Sự suy yếu về thương mại có thể một phần đo thuế nhập khẩu
hàng hóa tăng nhằm đài thọ những dự án xây dựng quá phung phí của chúa Nguyễn
Phúc Khoát khởi đầu vào giữa thập niên 1750. Hệ quả âm ỉ của sự suy yếu về
thương mại còn diễn ra bên ngoài phủ chúa Nguyễn, có quan hệ với nhiều người
sống trong vùng, bao gồm người dân trong nước cung cấp hàng hóa xuất khẩu và
các thương nhân người Hoa cư ngụ ven biển kiếm sống nhờ vào các tàu buồn nước
ngoài. Trong số những nhà buôn này có những người đầu tiên ủng hộ về tài chánh
và quân sự cho nhà Tây Sơn, hi vọng sự thay đổi về mặt cai trị có thể giúp phục
hồi các trung tâm thương mại sinh lợi ở vùng duyên hải.
Dính dáng trực tiếp đến sự suy yếu về
thương mại là cuộc khủng hoảng về tiền đồng với những hệ quả quan trọng đối với
nền kinh tế Đàng Trong. Lượng tiền đồng nhập từ Nhật Bản và Trung Quốc giữ một
vai trò quan trọng trong việc giữ vững sự tăng trưởng kính tế mà nhà Nguyễn đã
trải qua trong 150 năm, tạo điều kiện thuận tiện cho giao dịch thương mại trong
và ngoài nước. Không có mỏ đồng riêng, các chúa Nguyễn phải lệ thuộc vào kim
loại nhập khẩu, và vào đầu thế kỷ XVIII, khi trị giá tiền đồng ở Nhật Bản và
Trung Quốc tăng lên, lượng tiền đồng xuất cho Đàng Trong giảm đi rất nhiều. Sự
lệ thuộc vào nguồn cung cấp đồng từ bên ngoài của nhà Nguyễn luôn là một khâu
yếu của nền kinh tế, và khi khâu này bị vỡ, họ không có nhiều sự lựa chọn. Cuối
cùng, họ chỉ chọn một bước đi là nhắm vằo đồng tiền riêng của mình, song đúc
bằng kẽm thay vì bằng đồng, một sự thay đổi dẫn đến một loạt vấn đề mới.
Để chuyển sang một kim loại mới, các
chúa Nguyễn muốn rằng tiền kẽm phải được ngang giá với tiền đồng. Tuy nhiên,
hình như đa số người dân chống lại đòi hỏi đó. Nhiều người thích tích trữ gạo
hơn là bán lấy tiền kẽm, và giá gạo tăng lên khi nguồn cung cấp giảm xuống, dẫn
đến tình trạng thiếu lương thực ở một số nơi. Ngoài ra, như Lê Quý Đôn đã viết,
tiền mới bị làm giả dễ dàng, góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng niềm tin vào đồng
tiền và hủy hoại những nỗ lực ổn định tiền tệ. Chúa Nguyễn không phải là không
biết đến những vấn đề do chính sách của họ gây ra, và điều này đã được một quan
lại đã trí sĩ là Ngô Thế Lân kể lại trong một hồi ức vào năm 1770*. ông Lân kêu
gọi chúa Nguyễn sản xuất thêm tiền đồng và xây dựng các kho chứa thóc để ổn
định giá cả của loại hàng hóa quan trọng này, song lời cảnh báo của ông không
được lưu ý đến, và cuối cùng ông đã phó thác số phận của mình cho nhà Tây Sơn.
Một vấn đề cuối cùng nhưng gần gũi
hơn đã tạo sức ép lên vùng Qui Nhơn là ở Phú Xuân, người ta ngày càng thích
loại gạo không mắc tiền trồng ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo một khảo sát tiến
hành vào năm 1769, có một sự mất cân bằng giữa dân số và sản lượng lúa gạo giữa
hai miền, và Quảng Nam đánh thuế gạo cùng loại cao hơn 30% so với Thuận Hóa.
Mặc dù có thể điều này không liên quan trực tiếp với sản lượng gạo lúc bấy giờ,
song nó gợi cho thấy có một khoảng cách lớn giữa hai vùng. Bằng cách tiếp cận
số lúa gạo thặng dư sản xuất được ở Quảng Nam, nhà Nguyễn có thể định một giá
gạo hợp lý cho Thuận Hóa, một vùng theo truyền thống chỉ trồng lúa đủ sống, với
số lượng đủ để nuôi dân. Nhưng khi miền Nam của lãnh thổ có thể sản xuất một
khối lượng lớn lúa thặng dư, số lúa này cần được chuyển đi gần 900 cây số để ra
kinh đô của nhà Nguyễn. Khối lượng lúa chở ra Phú Xuân đòi hỏi việc trưng dụng
một lượng lớn tàu thuyền.
Như Li Tana đã cung cấp thêm chi
tiết, phần lớn yêu cầu của nhà Nguyễn về sự lao dịch và tàu thuyền chuyên chở
lúa gạo từ phía nam diễn ra ở vùng phụ cận Qui Nhơn*. Khu vực này được coi như
một trạm dừng lý tưởng trong hành trình chuyên chở lúa gạo rất cần cho người
dân, được chia gần như cách đều nhau giữa Phú Xuân và Gia Định, nổi bật là một
cảng quan trọng ở Thị Nại. Qui Nhơn cũng có lợi cho nhà Nguyễn, vì ở rất gần,
dễ dàng tìm lao động và thu giữ tài nguyên hơn là vùng Gia Định xa xôi. Hậu quả
là sức ép của nhà Nguyễn trên miền duyên hải nam-trung đã tạo ra một sự bất mãn
to lớn ở đây. Dù cho tàu thuyền bị ép buộc chở lúa gạo hoặc được dỗ dành bằng
các biện pháp khích lệ, kế hoạch cũng trở nên phức tạp và không chắc chắn. Tuy
nhiên, điều chắc chắn là trung tâm chính trị của nhà Nguyễn đã trở nên lệ thuộc
về kinh tế vào vùng đất phía nam của vương quốc Đàng Trong.
I.4.4. Thuế má và sự bất mãn của dân chúng
Vấn đề
cơ cấu đặt ra những câu hỏi khó cho phủ chúa Nguyễn cũng như cho xã hội Đàng
Trong rộng lớn hơn, song nguyên do trước mắt của sự bất mãn về kinh tế của dân
chúng là thuế má. Nửa sau thế kỷ XVIII chứng kiến cả sự gia tăng gánh nặng sưu
thuế lẫn nỗ lực mở rộng việc thu thuế ở những khu vực trước đây chưa từng bị
đánh thuế như thế. Thuế má gia tăng do một số áp lực đã kể trên được làm cho dễ
dàng một phần bằng cách cải tiến và cập nhật các hồ sơ về sở hữu đất đai và các
thông tin liên quan đến các sản phẩm phi nông nghiệp. Năm 1769, có lẽ do mệnh
lệnh của Trương Phúc Loan, vị chúa trẻ* ban chỉ dụ cập nhật sổ điền, dân số và
năng suất vụ mùa cùng với dữ liệu chính xác về nguồn thu các sản vật thiên
nhiên khác từ mật ong đến ngà voi. Tiếp đó, vào năm 1770, lại có một chỉ dụ
khác cho tiến hành một cuộc điều tra và ghi sổ bộ các tư điền tại Thuận Hóa,
nằm ở phần phía bắc lãnh thổ của các chúa Nguyễn*. Tác động của nỗ lực lập sổ
dân, ruộng cày và tính khả dụng của nguồn nguyên liệu là rất đáng kể. Có thể là
qua thời gian, những trang trại hiện có đã được mở rộng và nhiều trang trại mới
được canh tác trong vùng. Phần lớn đất canh tác mới có thể chưa được ghi vào sổ
bộ thuế chính thức. Vì vậy, việc lập sổ điền mới có thể mang về thu nhập mới
cho phủ chúa, tiền thuế do những người trước đây tránh nộp nay phải đóng hoặc
đang đóng với một thuế suất thấp trên đất đã được nâng cấp do sổ điền lập từ
trước đã được biên soạn xong.
Những
thay đổi này làm lan rộng sự oán thán về sưu cao thuế nặng và người dân nhắm
trực tiếp vào ông quốc phó. Trong tài liệu điều tra nghiên cứu, Lê Quý Đôn đã
viết là:"... Theo lời người ta nói, thuế tạp ở xứ Quảng Nam do Trương Phúc
Loan mới tăng, không phải các vương công đời trước đặt”. Nhiều bài viết cho
rằng Trương Phúc Loan đưa ra một loại thuế đinh rất không được hoan nghênh.
Không giống như những dạng thuế khác đánh trực tiếp và tỷ lệ thuận với năng
suất mùa màng và tình trạng cá nhân, thuế đinh là loại thuế cố định đánh trên
mỗi dân làng có tên trong sổ thuế, cho dù như Nguyễn Thanh Nhã đã viết là khoản
tiền thuế thay đổi tùy theo địa vị xã hội và cả địa điểm trong vương quốc nhà
Nguyễn. Hệ thống thuế khóa mở rộng này cùng với việc Trương Phúc Loan dung túng
cho nạn hối lộ, tham nhũng tràn lan, trong đó có việc mua quan bán chức trong
làng, với mong muốn đó là một nguồn thu nhập. Những ai trả tiền để có một chức
vị trong làng sẽ bù đắp vốn đầu tư bằng cách đặt thêm những khoản thuế phụ trội
đánh vào những người dưới họ. Người dân còn thất vọng về một hệ thống phí bổ
sung phức tạp, không bao giờ thay đổi và những chi tiêu cộng thêm vào các khoản
thuế có sẵn, được các quan chức địa phương thực hiện một cách có hệ thống hoặc
dưới hình thức đặc biệt. Có các loại phí “dầu đèn", phí “quà tặng” và phí
“trầu cau”, bổ sung vào phí vận chuyển hàng hóa, phí xây dựng và phí bảo quản
kho thóc. Hệ thống phí bổ sung diễn ra tệ hại nhất tại khu vực Qui Nhơn, nơi
khởi phát không ngẫu nhiên cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn.
Một vấn đề cơ bản khác và cũng là
nguồn gốc sự khốn khổ của người dân là chính quyền đánh sưu cao thuế nặng đặc
biệt trong những vùng kinh tế phát triển, vì những nơi này rất hấp dẫn đối với
những viên chức tham nhũng. Chẳng hạn như Quảng Nam được coi là giàu có hơn
phần phía bắc Thuận Hóa, và chính ở đây gánh nặng thuế khóa rất nặng nề. Như Lê
Quý Đôn đã viết: “Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam, vì xứ
Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ”. Nhà nghiên cứu họ Lê kết luận: “Lệ
phí thuế ở xứ Quảng Nam khác với xứ Thuận Hóa. Sự trưng thu so với Thuận Hóa
hơi nặng, cho nên kho tàng thu vào rất nhiều, bổng lộc quan lại rất nhiều, mà
dân địa phương ấy nổi loạn trước cả cũng vì cớ ấy”.
Không chỉ người nông dân ở vùng thấp là những người lao đao vì chế độ
thuế khóa thay đổi. Sự bất mãn về thuế rất mạnh mẽ ở những vùng cao thuộc Quảng
Nam. Người vùng cao sống trong những khu vực này cảm thấy phải đối diện với một
gánh nặng thuế khóa tăng đột ngột và toan tính của nhà Nguyễn trực tiếp kiểm
soát hầu mở rộng cơ sở kinh tế của họ. Trước sự giảm sút thu nhập từ hoạt động
thương mại vào giữa thế kỷ XVIII, có vẻ như nhà Nguyễn cùng các quan lại ở địa
phương và khu vực chuyển sự chú ý của họ vào việc thu lợi tức từ những người
sống bên lề sự kiểm soát chính trị của họ, và như Li Tana đã viết, phần nào
nhằm chuyển gánh nặng thuế khóa ra khỏi những người dân vùng thấp vốn bất định.
Những nhóm này kiểm soát một lượng lớn hàng hóa có giá trị mà bất cứ một nhà
nước Việt Nam nào cũng cần hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của họ, từ các loại
gỗ thơm đến các nguồn tài nguyên khoáng sản và động vật. Sự trao đổi hàng hóa
từ lâu là mối tương tác về thương mại bền vững giữa người vùng cao và các đối
tác của họ sống ở vùng ven biển. Chính quyền nhà Nguyễn đã thu thuế các nhóm
dân vùng cao ngay từ cuối thế kỷ XVII, một việc làm chỉ phát triển vào thế kỷ
XVIII. Có vẻ như sự thay đổi trong thời kỳ của Trương Phúc Loan là việc nhà
Nguyễn tăng thu thuế ở những vùng này, với cái đích nhắm đặc biệt là vùng nội
địa giàu tài nguyên của Quảng Nam*.
Mối tương tác đó lúc đầu chỉ nhắm vào thương mại, nhưng sau đó phát triển thành một khuôn khổ thuế má gia tăng, và Li Tana đã ước tính rằng vào cuối thập niên 1760, người vùng cao đã đóng góp gần 50% các khoản thuế thứ cấp (không quan trọng) (thuế phi đất đai và thuế thân) hàng năm cho nhà Nguyễn. Với chính quyền Đàng Trong áp đặt thuế thương mại và các loại thuế khác lên những người dân vốn từ lâu chưa từng phải đóng những loại thuế như thế, hầu như không có gì đáng ngạc nhiên khi những nhóm người này ủng hộ một phong trào nổi lên nhằm đảo ngược những áp lực thuế khóa như thế. Sự kiện các nhóm người vùng cao sẵn sàng tham gia vào những hành động chống lại nhà Nguyễn diễn ra từ thập niên 1750; cuộc nổi dậy mới xảy ra này* đối với họ đơn thuần chỉ là sự tiếp nối những thách thức của họ đối với chính quyền vùng đồng bằng. Việc tăng thu thuế của chính quyền nhà Nguyễn là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự ủng hộ phong trào Tây Sơn ngay từ đầu của các bộ tộc thiểu số. Tóm lại, như Li Tana đã nhận xét một cách sắc sảo: “chính hệ thống thuế khóa đã gây ra cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn”.
I.5. SỰ CHUYỂN TIẾP QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ Ở ĐÀNG
TRONG VÀ ĐÀNG NGOÀI
Loạt vấn
đề kinh tế và dân số này tạo ra một môi trường đủ chín muồi cho một sự bất ổn.
Cuối cùng điều có thể tạo ra một cuộc nổi dậy và làm tăng cơ may thắng lợi của
nó chính là sự xuất hiện tình hình chính trị không ổn định vào giữa thập niên
1760 và đầu thập niên 1780. Vào lúc này, các quyền lực chính trị đương thời đã
bị suy yếu trầm trọng, do tính chính thống bị đặt thành vấn đề, vào lúc mà sự
tiếp tục chia cách đất nước Đại Việt khiến cho lòng trung thành về mặt chính
trị không được tin cậy. Các cơ cấu chính trị có nhiều khuyết điểm, trước hết ở
Đàng Trong vào đầu thập niên 1770, rồi sau đó ở Đàng Ngoài vào đầu thập niên
1780, giúp cho những người đấu tranh chính trị tập trung vào sự oán hận của
người dân đối với vấn đề kinh tế hơn là những nhân vật đặc biệt. Như chúng ta
sẽ thấy, nhà Tây Sơn có thể khai thác sự phân hóa sâu sắc về chính trị và tư
tưởng bè phái để tập hợp những người ủng hộ từ nhiều giai tầng xã hội khác
nhau.
Cuộc khủng hoảng chính trị đầu tiên
diễn ra vào năm 1765 sau cái chết của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát từng nắm quyền
cai trị lâu dài ở Đàng Trong*. Sự qua đời của chúa mang lại quyền lực cho
Trương Phúc Loan, một quan lại nhiều tham vọng và được chúa tin dùng. Cha của
Loan là Trương Phúc Phan từng là một trong những quan lại cao cấp ở phủ chúa,
và bản thân Loan lại cũng là cậu ruột của chúa Võ vương. Thông qua những mối
quan hệ đó, Loan leo dần trên nấc thang quyền lực và khi Võ vương qua đời, ông
ta được cử làm phụ chánh cho vị Thế tử là Hưng Tổ*. Các nhà chép sử của triều
Nguyễn về sau đã viết rằng Loan "sợ rằng vị chúa (mới) là một người thông
minh và có tài, sẽ khó mà lôi kéo (thao túng), vì thế ông ta làm giả một chỉ dụ
ra lệnh giam cầm Hưng Tổ trong phủ chúa”*. Rồi khi thấy một ông hoàng khác là
Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần) mới 12 tuổi “(Loan) âm mưu với thái giám Chử Đức
và một võ quan tên Nguyễn Cửu Thông làm giả một chỉ dụ cử Duệ Tông nối nghiệp
chúa”. Sau đó, Loan sắp xếp để được chúa Duệ Tông cử vào những cương vị cao
nhất tại phủ chúa. Duệ Tông cử Loan làm Quốc phó, vừa phụ trách Lại bộ. Chúa
cũng giao cho ông ta đồn binh và cơ sở thu thuế. Chính những cơ sở thu thuế
giúp Loan kiểm soát có hiệu quả việc hành thu thuế và hậu quả của việc này,
chúng ta đã xem ở phần trên*. Để kết chặt mối quan hệ với phủ chúa, Loan thu
xếp cho hai người con trai cưới các con gái của vị chúa vừa qua đời*.
Các nhà chép sử đương thời và về sau
đều cho rằng chính những mưu đồ của Trương Phúc Loan và nhân cách đáng khinh
của ông ta là nguyên nhân gây ra sự bất mãn của dân chúng và làm gia tăng các
cuộc nổi dậy chống chính quyền*. Sử biên niên thế kỷ XIX của nhà Nguyễn đưa
tiểu sử chính thức của Loan vào phần “Nghịch thần, gian thần đối với triều
đình”. Khi miêu tả về vị phụ chánh này, sử đã nhấn mạnh đến những khiếm khuyết
cá nhân và chính trị của ông ta:
“... Dẫu
được chúa thân yêu, nhưng chỉ say mê tửu sắc, không để ý đến việc nước*. Loan
thấy thế bèn không kiêng nể gì, bán quan, buôn tước, ăn tiền tha tội, hình phạt
phiền nhiễu, thuế má nặng nề, nhân dân đều lấy làm khổ. Trong khoảng 4, 5 năm,
tai dị hiện ra luôn, đất động, núi lở, sao sa, nước đỏ, trăm họ đói kém, trộm
cướp tứ tung”*.
Những
dấu hiệu đất động, sao sa, nước đỏ cho thấy rằng tình hình chính trị không vững
vàng, được xác định bởi sự kiện trộm cướp tứ tung và vấn đề thiếu thốn lương
thực. Những hành động của Loan, cũng như những mưu toan của ông ta trong việc
tìm người kế nghiệp chúa đã dẫn đến tình trạng bè phái trong phủ chúa, hoặc
nhằm ủng hộ vị chúa tại vị, hoặc ủng hộ người anh của chúa đã bị phế bỏ. Chính
những phân hóa nội bộ như thế đã bị nhà Tây Sơn khai thác vào đầu thập niên
1770.
Cùng lúc với cuộc khủng hoảng nổ ra ở
Đàng Trong, một cuộc chuyển tiếp quyền lực chính trị khác diễn ra ở Đàng Ngoài.
Năm 1767, một người con của chúa Trịnh Doanh là Trịnh Sâm (1739 - 1782), còn
trẻ, đầy nhiệt huyết, song khá nhẫn tâm, lên kế nghiệp cha. Dưới thời Trịnh
Sâm, những cuộc nổi dậy của dân chúng ở phía bắc kéo dài từ thập niên 1730 đã
bị đập tắt và phần nào trật tự chính trị được vãn hồi. Ngoài ra, khi ở đỉnh cao
quyền lực, chính chúa Trịnh Sâm nhiều nghị lực sẽ lợi dụng cuộc nổi dậy của nhà
Tây Sơn để xâm chiếm người láng giềng phía Nam vào năm 1774*. Cuộc khủng hoảng
sẽ góp phần làm cho dòng họ Trịnh sụp đổ khởi sự vào năm 1780, mười lăm năm sau
sự kế nghiệp đầy tranh cãi giúp đẩy nhanh cuộc nổi dậy của người dân ở phía
nam. Tình trạng sức khỏe suy yếu của Trịnh Sâm khiến cho người con trai đầy
tham vọng của ông là thế tử Trịnh Khải (còn gọi là Trịnh Tông) âm mưu một cuộc
lật đổ. Kế hoạch của Khải bị phát hiện và một người con nhỏ khác của Trịnh Sâm
với người hầu thiếp sủng ái là Trịnh Cán được cử làm thế tử thay Khải. Khi
Trịnh Sâm qua đời vào năm 1782, Trịnh Khải, người con đã bị ông hạ bệ, được sự
ủng hộ của đám kiêu binh đã lật đổ Trịnh Cán*. Cuộc đảo chánh và những hậu quả
của nó về sau đã tạo ra sự bất ổn trong xã hội phía bắc khi đám kiêu binh tàn
phá các khu vực quanh kinh thành Thăng Long.
Cố nhiên là có một sự thay đổi rõ ràng từ giữa thế kỷ XVIII, khi những nhà lãnh đạo giỏi kiểm soát các chiếc ghế quyền lực, đến giữa thập niên 1760 (Ở Đàng Trong) và đầu thập niên 1780 (ở Đàng Ngoài), khi quyền hành chính trị bỗng nhiên không được xác định một cách rõ ràng. Ở cả hai miền, những người đòi hỏi quyền hành đã hành xử với những lý lẽ đáng ngờ (và bị công khai cật vấn), và các cuộc khủng hoảng trầm trọng về sự kế nghiệp đã tạo ra những cơ hội được nhà Tây Sơn nhanh chóng nắm bắt. Vì thế, các lãnh tụ Tây Sơn đã tìm cách nắm lấy quyền hành vào thời điểm mà các nhà lãnh đạo chính trị ở cả hai miền Nam và Bắc đều không có được sự ủng hộ và trung thành trọn vẹn. Trong khung cảnh nhiều biến đổi ấy, việc đòi nắm quyền hành xuất phát từ nhiều cách khác nhau, từ nhiều nguồn khác nhau, khiến nhà Tây Sơn dễ dàng đưa ra các yêu sách, còn người dân thì dẹp qua một bên lòng trung quân của họ để ủng hộ phong trào nổi dậy.
I.6. KHỞI NGUYÊN: NHỮNG NĂM ĐẦU TIÊN TRONG
CUỘC NỔI DẬY CỦA NHÀ TÂY SƠN
Tình
hình chín muồi cho một cuộc nổi dậy, và nhiều cơ hội đang chờ đợi các nhân vật
có tham vọng về quân sự tìm cách liên kết với những người ủng hộ. Vào giai đoạn
đó, có ba anh em cư ngụ ở ấp Tây Sơn nhỏ bé. Người anh cả là Nguyễn Nhạc nằm
trong guồng máy hành chánh mà sau này ông ta sẽ lật đổ, ở đó, ông ta giữ chức
tuần biện lại) có nhiệm vụ thu thuế ở khu Vân Đồn. Nhạc cũng là người buôn bán
trầu cau, một loại hàng hóa quan trọng ở địa phương lúc bấy giờ. Vì thế, ông ta
đã có mối liên hệ với cả nhà cầm quyền lẫn địa hạt thương mại rộng lớn đang ở
trong tình trạng căng thẳng vào giữa và nửa sau thế kỷ XVIII. Cả hai nghề
nghiệp này đòi hỏi ông ta phải thường xuyên đi lại trong vùng, trong đó có việc
tiếp xúc với khu vực cao nguyên, một nơi mà chúng ta đã biết là đang chịu một
áp lực thuế má rộng lớn và không thoải mái từ nhà Nguyễn. Những chuyến đi này
giúp ông ta mắt thấy tai nghe về mức độ bất mãn của dân chúng trong vùng.
Các nguồn tư liệu không có sự đồng
nhất với nhau về một nguyên nhân chính xác đã thúc đẩy Nhạc đi đến quyết định
khởi loạn, song tất cả đều cho rằng ông ta không có khả năng giao nộp tiền thuế
đã thu từ khu vực ông ta chịu trách nhiệm. Một vài tư liệu ám chỉ việc Nguyễn
Nhạc ưa thích cờ bạc và ngụ ý rằng ông ta đã tiêu phí tiền thuế thu được vào
loại trò chơi này*. Maurice Durand có vẻ như hoàn toàn có lý khi cho rằng Nhạc
không bao giờ có thể thu ngay được thuế do tình trạng lụn bại về kinh tế trong
vùng và do dân chúng bất mãn trước gánh nặng thuế má dành cho họ. Dù chi tiết
của việc không nộp thuế thu xong có được giải trình như thế nào, vào một thời
điểm trong năm 1771, ông ta tìm cách trốn lên vùng cao nguyên ở phía tây ngôi
nhà ở để không bị quan lại nhà Nguyễn truy lùng và bắt bớ*, ông ta đưa hai
người em và một nhóm nhỏ những người ủng hộ đi theo, hi vọng chốn xa xôi sẽ bảo
vệ được họ trong lúc trù tính kế khác. Trong quá trình hành động này, ông ta
nhận được sự khích lệ của một người thầy giáo cũ tên Trương Văn Hiến, vốn là
một người tị nạn khỏi chính quyền nhà Nguyễn do Trương Phúc Loan chế ngự. Hiến
thúc giục Nhạc tự xem như mình được sinh ra để thực hiện lời tiên tri lâu năm
tại địa phương: tây khởi nghĩa, bắc thu công*. Ông thầy gợi ý rằng từ “tây”
trong lời tiên tri có liên quan đến Tây Sơn là tên ngôi làng của ba anh em
Nguyễn Nhạc.
Vùng An Khê mà ba anh em Tây Sơn lui
về là một địa điểm lý tưởng cho những người cầm đầu một cuộc khởi loạn khi họ
tìm cách giành lấy sức mạnh và người ủng hộ. Nó tương đối xa, chỉ có thể tiếp
cận được bằng một con đường nhỏ hẹp và nguy hiểm, dễ dàng bảo vệ chống lại các
cuộc tấn công của quân nhà Nguyễn*. Vùng cao nguyên này nằm giữa những con
đường thương mại quan trọng trải dài từ cảng biển Qui Nhơn ở phía tây đến lãnh
thổ của Chân Lạp và vùng nam Lào, mở đường cho hàng hóa chuyên chở dọc theo
chúng*. An Khê cũng là một khu vực giàu tài nguyên có thể cung cấp cho anh em
Tây Sơn các thứ gỗ, sắt, sulphur, ngựa và voi. Nguyễn Nhạc từng có nhiều cuộc
tiếp xúc trong vùng, nơi cung cấp cho ông ta chỗ trú ẩn, và một điều quan trọng
không kém là tuyển mộ quân sĩ. Trong hai năm kế đó, Nhạc và nhóm người theo ông
ngày càng đông đúc, tiếp tục ở An Khê để củng cố căn cứ và lôi cuốn thêm người
ủng hộ. Ưu thế của vị trí của họ giúp ba anh em đạt được vài thắng lợi ban đầu
ở các vùng phụ cận, rút kinh nghiệm chiến đấu, tăng cường uy tín, trong khi ít
nguy cơ hơn. Tuy nhiên, cuối cùng thì Nguyễn Nhạc quyết định là đạo quân của
ông ta đã sẵn sàng đi xuống vùng đồng bằng và thách thức trực tiếp quân nhà
Nguyễn.
Để thiết
lập một vị trí vững chắc ở vùng đồng bằng ven biển quê nhà, đạo quân Tây Sơn
cần chiếm lĩnh phủ Qui Nhơn có thành lũy bao quanh, với phủ lỵ cùng tên. Không
đủ nhân lực và vũ khí để trực tiếp tấn công thành, các lãnh tụ Tây Sơn quyết
định lấy thành bằng mưu chước. Dụng cụ họ sử dụng là một phiên bản của con ngựa
thành Troie, nhằm công thành từ bên trong. Để thực hiện mục tiêu này, vào giữa
tháng 9 năm 1773, Nhạc giả vờ bị bắt. Ông ta hướng dẫn những người ủng hộ làm
một chiếc cũi và khi cũi làm xong, ông ta tự nhốt mình vào đó. Những người ủng
hộ Nhạc đến gặp các quan lại ở phủ, báo rằng họ đã bắt được lãnh tụ Tây Sơn nổi
tiếng và rồi mang “tù nhân” đến trình diện các quan.
Quan nhà Nguyễn thích thú với vận may
này, sau khi tưởng thưởng xứng đáng cho những người mang giao nộp người tù đáng
giá, họ chuẩn bị đưa cũi về phủ lỵ. Đêm hôm đó, khi những người ủng hộ Nhạc tập
trung bên ngoài thành, ông ta tự chui khỏi chiếc cũi, đoạt gươm của người lính
coi ngục và bắt đầu tấn công đám lính gác, cùng lúc đó, ông ta mở cổng phủ lỵ
để cho quân lính của ông ta tràn vào. Khi đã vào thành rồi, quân Tây Sơn nhanh
chóng tiêu diệt số lính đóng trong thành, đốt cháy doanh trại của họ. Quan Tuần
phủ Nguyễn Khắc Tuyên chạy ra khỏi thị trấn, vội quá đến nỗi đánh rơi ấn tín,
chứng cứ chính thức về quyền cai trị của ông ta. Việc dùng vũ trang chiếm lấy
phủ Qui Nhơn và của cải lấy được góp phần mở rộng quyền lực và uy tín của anh
em Tây Sơn. Ngoài ra, việc chiếm phủ giúp họ kiểm soát có hiệu quả một dải đất
trọng yếu dọc theo bờ biển.
Thắng lợi nhanh chóng bước đầu của quân nổi dậy có thể được quy cho
nhiều yếu tố, trong đó có sự thành lập một liên minh quân sự rộng lớn (nhưng
không ổn định), một quân đội nhà Nguyễn không có động lực chiến đấu và có thể
không được chuẩn bị sẵn sàng, không triển khai khéo léo các mưu lược cùng những
thiết bị khác để giảm thiểu cách biệt với nhà Tây Sơn. Trong những năm đầu tiên
đó, những người khởi loạn khai triển và cổ vũ cho hình ảnh như là những chiến
sĩ chính trực, những người của nhân dân, và chịu khó hành xử để người nông dân
chiếm đa số trong dân tộc không xa lánh họ. Một giáo sĩ người Tây Ban Nha là
Cha Diego de Jumilla đã viết về quân khởi loạn trong một bức thư gửi đi năm
1774 rằng họ:
“Không
làm tổn hại người hay tài sản. Trái lại, có vẻ như họ muốn mọi người Đàng Trong
đều được bình đẳng; họ vào nhà của người giàu, và nếu như họ được tặng một món
quà biếu nào đó, họ không làm hại gì. Nhưng nếu họ bị kháng cự, họ tịch thu
những món đồ xa xỉ nhất rồi mang chia cho người nghèo, chỉ giữ lại cho họ gạo
và thức ăn... (Vì thế, người dân) bắt đầu tôn xưng họ là những kẻ cướp nhân từ
và bác ái, được người nghèo khổ kính trọng”*.
Tuy
nhiên, nhà Tây Sơn không chỉ kêu gọi những người nông dân nghèo trở thành những
người cốt cán theo họ. Họ cũng cần có sự ủng hộ của những thành phần khác trong
xã hội, trong đó có những người có nhiều uy thế ở địa phương, có thể mang theo
những người tùy tùng và của cải, những người có thể đóng góp nguồn tài chánh
rất cần thiết cùng những tài nguyên vật chất khác. Trong số người được tuyển mộ
vào phong trào những ngày đầu có những người như Nguyễn Thung, được Đại Nam
liệt truyện của nhà Nguyễn nhắc đến như là một “tên ác ôn ở xóm làng”, ám chỉ
việc ông ta có một thế lực nhất định ở địa phương (tuy nhiên ông ta đã bị các
sử gia triều Nguyễn miệt thị), và Huyền Khê, cũng được Đại Nam liệt truyện miêu
tả là xuất thân từ một gia đình giàu có.
Các lãnh tụ Tây Sơn cũng mở rộng quân
đội của họ để liên kết rộng rãi với những người dân đồng bằng bất mãn, phần lớn
là người Chăm và người Hoa. Trong hai nhóm người này, quan trọng nhất về mặt
tài chánh và quân sự là người Hoa, nhiều người trong số họ là thành viên của
các hội buôn quan trọng dọc theo miền duyên hải. Điểm đặc biệt là những thương
buôn người Hoa ngày càng cảm thấy khốn khổ vì tình trạng xuống dốc trong thương
mại, cùng với chính sách thuế khóa của nhà Nguyễn, họ hi vọng nhà Tây Sơn sẽ
cải thiện được tình hình. Các thành viên của cộng đồng này đóng góp tiền bạc và
nhân lực cho Tây Sơn, tác động trực tiếp và quan trọng vào sức mạnh của phong
trào nổi dậy. Lực lượng của người Hoa giúp mở rộng đạo quân Tây Sơn một cách
nhanh chóng, nhưng đồng thời sự hiện diện của họ cũng làm xói mòn tính thuần
nhất mong manh của quân nổi dậy. Quân lính người Hoa được tổ chức như những lực
lượng quân sự tự trị chỉ nghe theo các cấp chỉ huy người Hoa, là những đồng
minh hơn là thống thuộc quân đội Tây Sơn. Ngoài ra, có vẻ như những cam kết của
người Hoa với anh em Tây Sơn cũng có giới hạn, và trong vòng 2 năm, những người
chỉ huy các đạo quân tự trị này đã làm rạn nứt hàng ngũ những người ủng hộ nòng
cốt ban đầu của nhà Tây Sơn.
Thứ đến, nhà Tây Sơn lợi dụng tình
trạng chưa sẵn sàng của quân đội nhà Nguyễn để xem đó là cơ hội của một cuộc
nổi dậy. Quân Nguyễn dưới quyền Trương Phúc Loan được huấn luyện kém, và thiếu
kinh nghiệm, vốn là hệ quả của tình trạng thái bình tương đối lâu dài trong
vùng. Dù cho quân Nguyễn không tỏ ra lười nhác vào những thập niên đầu, song họ
có liên quan đến việc gây ra sự náo động trong người dân cao nguyên, đến cuộc
giao tranh với quân Xiêm vào cuối thập niên 1760 - họ đã không được chuẩn bị để
đối phó với tầm cỡ và sức tiến nhanh của những thách thức quân sự mới nảy sinh
từ nhà Tây Sơn. Có vẻ như quân Nguyễn bỏ chạy khỏi chiến trường mỗi khi có thể,
và các quan lại thường đưa hối lộ để khỏi phải đi lính và cử người khác đi thay
họ. Cùng với thời gian, quân Nguyễn hoạt động hiệu quả hơn khi cuộc tấn công
bất ngờ ban đầu của nhà Tây Sơn qua đi, nhưng cũng cần có một khoảng thời gian
nào đó để họ có thể cản được đà tiến của quân khởi loạn trong những cuộc chạm
trán đầu tiên.
Cuối cùng, như đã đề cập trong kịch bản chiếc cũi, vào những năm đầu tiên của cuộc nổi dậy, các lãnh tụ Tây Sơn sử dụng nhiều chiến thuật và mưu lược khác nhau để cải thiện tình thế bất lợi cho họ. Chẳng hạn như để làm cho đối phương hoảng sợ, lực lượng Tây Sơn tạo ra những tiếng rít to khi di chuyển qua vùng nông thôn và khi chiến đấu. Chính từ chiến thuật này mà họ được khoác cho cái biệt danh phổ biến là quân ó. Quân Tây Sơn cũng tìm cách dọa dẫm kẻ thù của họ bằng cách chiến đấu dưới một lá cờ đỏ khổng lồ được cho là dài 9m. Có thể đoán chừng là lá cờ đó được nhìn thấy từ rất xa, và cùng với những tiếng rít ít nhất cũng có khả năng làm cho quân Nguyễn hoảng sợ. Một cách khác gây ra sự hoảng sợ là cải trang thành những người cao nguyên to lớn như đạo quân người Hoa, rồi khuyến khích họ uống rượu say và trần truồng lao vào chiến trận. Người ta cho rằng những đạo quân này có mang những tấm giấy vàng và bạc dùng đắp lên mặt quân lính đối phương đã ngã xuống để xem họ còn thở không để rồi sát hại những người giả chết. Kết quả là các tài liệu của nhà Nguyễn có ghi là “Không ai kháng cự lại chúng được”.
I.7. DIỄN BIẾN CUỘC NỔI DẬY CỦA NHÀ TÂY SƠN:
ĐẠI CƯƠNG VỀ MẶT LỊCH SỬ
Bằng
cách này, quân Tây Sơn đã thách thức quyền lực tối cao của nhà Nguyễn ở Đàng
Trong. Lực lượng nổi dậy nhanh chóng gia tăng về số lượng và trải rộng sự kiểm
soát một dải đất to lớn hơn bao giờ hết. Từ một góc nhỏ trong nội địa Qui Nhơn,
quân đội Tây Sơn chiếm lấy phần lớn Đàng Trong và cuối cùng cả toàn bộ Đàng
Ngoài nữa. Phần còn lại của tác phẩm này dành khảo sát xem các lãnh tụ Tây Sơn
đã bành trướng quyền lực bằng cách nào và các mối quan hệ phức tạp giữa họ với
nhiều thành phần khác nhau trong xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Vì phương
pháp nghiên cứu của tôi không theo lối biên niên một cách chặt chẽ, tôi bắt đầu
với một cái nhìn khái quát về hành trình chính trị và quân sự của cuộc nổi dậy
của nhà Tây Sơn kéo dài ba thập kỷ. Bản phác thảo của tôi sẽ đề cập đến những
nhân vật và biến động quan trọng của thời kỳ này và chỉ ra một số động lực xã
hội sẽ được kể lại với những chi tiết quan trọng hơn ở phần phân tích về sau.
I.7.1. Các trận chiến ở Đàng Trong (1773-1785)
Sau
thắng lợi ở Qui Nhơn, lực lượng Tây Sơn có thể chiếm lấy nhiều huyện kế cận
trước khi đối mặt với sự kháng cự của quân Nguyễn. Cùng lúc này, lợi dụng biến
động ở Đàng Trong, quân Trịnh tiến công vào nam vào năm 1774, bề ngoài là để
giúp quân Nguyễn đàn áp cuộc nổi dậy của anh em Tây Sơn, nhưng rõ ràng họ xem
đây là cơ hội bằng vàng để khuất phục một đối thủ chính trị lâu đời của họ. Khi
lực lượng quân sự to lớn của miền Bắc tiến về Phú Xuân, triều đình nhà Nguyễn
đi bằng đường biển vào Gia Định, nơi được dùng làm trung tâm kháng chiến đến
cuối thời kỳ Tây Sơn. Tại đây, chúa Nguyễn* dành thời gian đầu cho việc tuyển
mộ người ủng hộ để chuẩn bị cho cuộc phản công, cùng lúc với việc quân Trịnh
tăng cường tấn công nhằm chiếm lấy Phú Xuân rồi vượt đèo Hải Vân nhắm tới các
vị trí của Tây Sơn ở phía bắc Quảng Nam. Nằm giữa gọng kìm của quân Trịnh đang
tiến đến và quân Nguyễn đang tập hợp lại ở phía nam, các lãnh tụ Tây Sơn áp
dụng giải pháp thực dụng là đầu hàng quân Trịnh vào tháng 5.1775. Tướng chỉ huy
đạo quân miền Bắc* sẵn sàng giao trách nhiệm truy đuổi chúa Nguyễn cho anh em
Tây Sơn để tiếp tục cuộc tiến công kẻ thù ban đầu của họ.
Thời gian 10 năm sau được đánh dấu
bởi một loạt chiến dịch quân sự qua lại giữa lực lượng Tây Sơn và quân chúa
Nguyễn. Trọng tâm của những cuộc giao tranh là phủ Gia Định và thành phố chiến
lược Sài Gòn của nó. Nhịp độ của trận chiến được điều chỉnh ở một mức độ đáng
kể bởi những trận gió mùa chỉ có thể để cho các lực lượng thủy quân di chuyển
đến những vị trí nào đó, vào những thời điểm nào đó. Hình thức giao tranh được
định hướng theo kiểu nước đôi của anh em nhà Tây Sơn trong việc tiến hành những
chiến dịch quân sự mở rộng ở bất cứ khoảng cách nào so với căn cứ của họ. Rõ
ràng là họ luôn cảm thấy thuận tiện trong phạm vi Qui Nhơn hoặc quanh vùng Qui
Nhơn và trở nên do dự khi đi xa ở bất cứ khoảng thời gian nào. Vì thế, trong
lúc thường xuyên đánh lấy Gia Định, các anh em Tây Sơn không muốn chiếm giữ
vùng này. Thay vào đó, họ nhanh chóng quay về phòng tuyến của họ ở Qui Nhơn
trước khi gió mùa bất lợi đối với họ. Mỗi lần họ để lại phía sau một lực lượng
chiếm đống mà sức mạnh có vẻ cạn kiệt khi không có mặt những lãnh tụ quan trọng
của họ, cũng là lúc họ để lại một khu vực dễ dàng bị quân nhà Nguyễn phối hợp
phản công.
Quân Tây Sơn chiếm lấy Sài Gòn lần
đầu tiên vào giữa mùa xuân năm 1776, khi người em nhỏ nhất là Nguyễn Lữ* đưa
thủy quân tấn công sông Sài Gòn. Tuy nhiên, không lâu sau, quân nhà Nguyễn quay
lại, tái chiếm thành phố, buộc Lữ rút quân về Qui Nhơn. Vào giữa mùa xuân nãm
1777, Nguyễn Nhạc lại cử Lữ và Huệ tái chiếm Sài Gòn. Nguyễn Huệ dẫn một đoàn
quân hùng hậu đi bằng đường bộ và đường thủy trong 6 tháng đã tiêu diệt phần
lớn quân nhà Nguyễn, bắt giữ và giết gần như toàn bộ thành viên của hoàng tộc
nhà Nguyễn*. Sau khi hoàn thành sứ mạng này, Huệ quay về Qui Nhơn, để lại một
lực lượng để kiểm soát thành phố. Người duy nhất trong hoàng tộc nhà Nguyễn còn
sống sót sau cuộc tàn sát của nhà Tây Sơn là một ông hoàng trẻ tuổi tên Nguyễn
Ánh*. Ánh chạy khỏi Gia Định, sống giữa vùng đầm lầy Cà Mau ở vùng cực nam Việt
Nam, trước khi tìm chỗ ẩn lánh ở hòn đảo Pulau Panjang* trong vịnh Xiêm La.
Nghe tin quân Tây Sơn rút khỏi Gia Định, ông tập hợp số quân còn lại từ hướng
tây tiến qua vùng Long Xuyên và Sa Đéc, trở lại Sài Gòn và đoạt thắng lợi vào
đầu năm 1778*.
Điều này đánh dấu sự khởi đầu một
thời kỳ dài chiếm đóng Gia Định và ông hoàng trẻ tuổi họ Nguyễn lợi dụng cơ hội
này để củng cố quyền hành còn chưa chắc chắn của mình, ông cử một sứ bộ sang
Xiêm hi vọng đạt được một hiệp ước hữu nghị, giúp ông tăng cường tính chính
thống trong lúc chuẩn bị một chiến dịch tái chiếm phần còn lại của xứ sở từ tay
nhà Tây Sơn. Trong vùng kiểm soát của mình, ông tổ chức lại ba trấn, cử nhiệm
các quan chức chính trị, thu thuế, huấn luyện quân bộ và quân thủy, cổ xúy một
chương trình tái phân phối đất đai nhằm cải tiến nông nghiệp ở một vùng đã bị
chiến tranh tàn phá nhiều năm liền. Rồi vào năm 1780, nhằm mục đích củng cố
liên minh chính trị đã hình thành, Nguyễn Ánh tự xưng vương. Hai năm trước đó,
tức năm 1778, Nguyễn Nhạc cũng nắm lấy quyền lực nhân danh mình, tự tuyên xưng
hoàng đế với niên hiệu Thái Đức, đặt kinh đô ở Chà Bàn, một trung tâm chính trị
cũ của người Chăm.
Từ đầu năm 1778 đến năm 1781, không
bên nào tìm cách cải thiện hiện trạng, vì cả hai bên đều bận rộn củng cố vị trí
riêng của mình. Thế rồi, vào mùa hạ năm 1781, sự thù nghịch nổ bùng trở lại khi
Nguyễn Ánh tung ra một cuộc tấn công thất bại vào dinh lũy của Tây Sơn nằm ở bờ
biển Nha Trang. Tiếp theo đó là cuộc phản công của Nhạc và Huệ diễn ra vào
tháng 5.1782. Hai anh em Tây Sơn tập hợp100 tàu chiến và tiến về phía nam,
hướng về sông Sài Gòn và mở cuộc tấn công vào Gia Định- Chiếm lấy thành phố,
quân Tây Sơn đốt cháy và cướp bóc các tiệm buôn của Hoa thương, và tàn sát hàng
ngàn cư dân người Hoa. Cuộc tàn sát này là hậu quả trực tiếp của việc một trong
những tướng giỏi của Nguyễn Nhạc bị một tướng người Hoa theo chúa Nguyễn giết
chết*, song điều này phản ánh sự căm giận của nhà Tây Sơn trước việc cộng đồng
người Hoa ngày càng ủng hộ kẻ đối địch với họ là chúa Nguyễn. Sau thắng lợi dã
man đó, tháng 6.1782, các lãnh tụ Tây Sơn trở về phía bắc, giao thành phố Sài
Gòn lại cho các tùy tướng. Nghe tin Huệ và Nhạc đã rời Sài Gòn, Nguyễn Ánh phản
công và chiếm lại thành phố mấy tháng sau đó*.
Tháng 3
năm 1783, một lần nữa, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lại tấn công Sài Gòn, đánh bại
quân Nguyễn và buộc Nguyễn Ánh phải thoát chạy. Thừa thắng xông lên, các lãnh
tụ Tây Sơn bố trí một đội thuyền truy đuổi Nguyễn Ánh và đoàn quân đã mất hết
tinh thần chiến đấu của ông. Tuy nhiên, một trận bão to giữa biển đã phá hủy
phần lớn đoàn thuyền Tây Sơn, giúp Nguyễn Ánh thoát ra đảo Phú Quốc, nơi quân
sĩ của ông phải ăn cỏ và chuối để sống. Cuối cùng, từ đây, ông đến Xiêm, được
vua Xiêm cho tạm trú để mưu tính bước đi kế tiếp sẽ diễn ra vào tháng 1.1785.
Vào thời điểm này, khởi đầu từ căn cứ ở Xiêm, với sự bổ sung 20.000 quân Xiêm
và 300 tàu chiến do nhà cầm quyền Xiêm cử ra, Nguyễn Ánh và quân đội của ông đi
đường bộ xuyên qua Chân Lạp và đường biển sang vịnh Xiêm La, tấn công các địa
phương phía nam. Quân Tây Sơn đã sẵn sàng ứng phó với cuộc tấn công của quân
Nguyễn, họ phục kích dọc theo con sông Mekong gần Mỹ Tho. Nguyễn Huệ dụ đội
thủy quân Xiêm quá khinh địch rơi vào bẫy phục kích, tiêu hủy toàn bộ thuyền
chiến của quân Xiêm, giết hầu hết, chỉ 1.000 quân Xiêm thoát được. Sự thất trận
này đã phá hủy lực lượng của chúa Nguyễn, họ cùng tàn quân Xiêm trở về nơi ẩn
lánh ở Vọng Các (Bangkok).
I.7.2. Quân Tây Sơn xâm chiếm Đàng Ngoài
(1786-1789)
Sau khi đã đánh bại hoàn toàn Nguyễn
Ánh, Nguyễn Nhạc nhìn thấy cơ hội thực hiện tham vọng ôm ấp từ lâu là mở rộng
quyền hành ra vùng đất cũ của nhà Nguyễn nằm giữa đèo Hải Vân và sông Gianh,
lúc ấy vẫn còn bị quân Trịnh chiếm đóng. Việc tính toán thời gian tỏ ra không
khá hơn khi quân Trịnh cuối cùng cũng suy yếu sau một loạt trận đói và lũ lụt
diễn ra vào thập niên 1770 buộc nhiều người phải rời bỏ làng quê để đi tìm cái
ăn.
Ngoài
ra, như chúng ta đã thấy, cái chết của Trịnh Sâm vào năm 1782 tiếp theo là cuộc
đấu tranh nội bộ dẫn đến cuộc đảo chánh ở cung đình. Điều này tạo ra sự bất ổn
chính trị và sự nổi lên của đám kiêu binh chỉ được kiểm soát một cách lỏng lẻo
bởi phe cầm quyền mới. Cuối cùng, Nguyễn Nhạc quyết định tiến ra bắc theo lời
cổ vũ mạnh mẽ của Nguyễn Hữu Chỉnh, một nhân vật nổi tiếng đã phản lại họ Trịnh
và chạy theo nhà Tây Sơn. Sau vụ đảo chánh trong nội bộ họ Trịnh vào năm 1782,
Chỉnh bị buộc phải rời khỏi Đàng Ngoài, và đã tham gia vào hàng ngũ Tây Sơn như
một lãnh tụ quân sự, một nhà chiến lược. Trong bốn năm sau đó, ông ta cố gắng
làm cho Nhạc chú tâm đến việc tiến ra bắc, hi vọng một cuộc viễn chinh như thế
sẽ tạo cơ hội cho ông ta trả thù những ai đã buộc ông ta phải trải qua cảnh lưu
vong chính trị.
Theo lời khuyên của Chỉnh, Nguyễn Nhạc
cử đoàn quân viễn chinh ra Phú Xuân vào tháng 6.1786. Quân Tây Sơn do Nguyễn
Huệ và Nguyễn Hữu Chỉnh cầm đầu; Huệ chỉ huy lực lượng thủy quân chạy dọc theo
bờ biển rồi đi vào sông Hương, Chỉnh lãnh đạo cuộc tấn công trên bộ xuyên qua
đèo Hải Vân. Sau một cuộc kháng cự ngắn ngủi, thành Phú Xuân đầu hàng, quân Tây
Sơn tàn sát rất nhiều quân của họ Trịnh. Không lâu sau, những khu vực lân cận
cũng quy phục quân Tây Sơn và việc toàn bộ Thuận Hóa cũng như sông Gianh rơi
vào tay họ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nguyễn
Nhạc ra lệnh cho Nguyễn Huệ dừng lại ở ranh giới Trịnh-Nguyễn từ trước (tức là
con sông Gianh), song với sự thúc giục của Nguyễn Hữu Chỉnh, Huệ quyết định
nhân đà này, mở cuộc tấn công và chiếm hết phần đất còn lại của họ Trịnh. Huệ
và Chỉnh sử dụng 400 thuyền chiến để tấn công phía bắc, tịch thụ các kho thóc
trên đường đi. Chỉnh đi qua Nghệ An và Thanh Hóa mà không gặp một sự kháng cự
nào đáng kể. Không lâu sau, sự hoảng loạn diễn ra ở kinh thành Thăng Long, chúa
Trịnh Cán chạy lên Sơn Tây, tại đây ông ta bị bắt và tự tử, có vẻ như thời kỳ cầm
quyền dài của các chúa Trịnh đã kết thúc. Cái chết của Trịnh Cán và sự kháng cự
của quân Trịnh bị đập tan, khiến con đường hướng về kinh thành mở rộng và quân
của Nguyễn Huệ tiến vào Thăng Long ngày 21.6.1786.
Vào kinh đô rồi, Huệ long trọng ra mắt
vua Cảnh Hưng* (1740- 1786) xin thần phục và xin dâng sổ quân, sổ đinh cùng một
văn kiện tuyên bố rằng quyền hành hợp pháp của triều đại nhà Lê đã được phục
hồi. Đối lại, nhà vua phong Huệ làm tướng và tước quốc công và gả con gái cho*.
Nhiều ngày sau, nhà vua thăng hà, và sau khi thảo luận, quyền kế vị được trao
cho người cháu của ông là Lê Chiêu Thống*. Trong khi đó, do ganh tức trước
những thành tích của Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc thân hành ra bắc ra mắt vua Chiêu
Thống. Mấy ngày sau, khoảng cuối tháng 8.1786, anh em Tây Sơn dẫn quân về nam,
để Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại miền Bắc. Ở trong tình thế phải tự lo liệu và không
chắc gì về tình trạng của mình ở Đàng Ngoài, Chỉnh từ kinh đô phía bắc lui về
Nghệ An xây dựng căn cứ ở đó.
Sau khi
trở về nam, Nguyễn Nhạc phân chia lãnh thổ vừa mở rộng cho ba anh em. Người em
yếu nhất là Nguyễn Lữ được phong tước Đông Định vương và cai trị vùng đất Gia
Định. Nhạc tự mình giữ vùng đất giữa, tiếp tục cương vị hoàng đế Thái Đức, đóng
đô tại thành Hoàng đế ở Qui Nhơn. Nguyễn Huệ ở Phú Xuân được phong Bắc Bình
vương, cai quản vùng Thuận Hóa vừa giành được cùng với vùng Nghệ An chiếm từ
tay nhà Lê. Sự chia rẽ giữa anh em nhà Tây Sơn không chỉ là về mặt địa lý, mà
còn về mặt cá nhân. Những căng thẳng nảy sinh từ việc Nhạc để ý thấy tính độc
lập ngày càng tăng của Huệ đã bùng sôi thành một trận chiến cốt nhục tương tàn
kéo dài từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 6 năm 1787. Sự xung đột lên đến cực điểm
khi Huệ vây hãm kinh đô Chà Bàn của người anh và đạt đến thắng lợi quyết định
buộc Nhạc phải nhượng thêm phần đất ở phía nam đèo Hải Vân.
Trong
khi đó, ở phía bắc, Lê Chiêu Thống tỏ ra là một ông vua nhu nhược, dễ dàng để
cho những nhà chính trị có uy tín hơn thao túng. Chính từ sự nhu nhược đó mà
ông để cho những người còn lại trong dòng họ Trịnh quay lại, và họ nhanh chóng
áp đặt trở lại ảnh hưởng của dòng tộc họ lên triều đình. Nhà vua bí mật thông
báo tin tức về tình hình này cho Nguyễn Hữu Chỉnh biết. Nhận thấy đây là cơ hội
để tăng cường quyền lực riêng, Chỉnh tập hợp một đạo quân 10.000 người và tiến
về Thăng Long vào tháng 12 năm 1786. Đến cuối tháng 1.1787, Chỉnh đánh bại quân
Trịnh và tự xem mình là ông chủ mới của phương Bắc. Nguyễn Huệ tức giận vì
Chỉnh đã hành động khi không được phép, ra lệnh cho Chỉnh quay về, song Chỉnh
từ khước. Tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh của mình, và có lẽ cũng tin là anh
em nhà Tây Sơn đang tiếp tục chia rẽ nhau, Chỉnh khuyên vua Chiêu Thống triệu
hồi Nguyễn Huệ trở ra Nghệ An.
Huệ giận dữ, cự tuyệt yêu cầu của vua
Lê, ra lệnh cho tướng thân cận là Võ Văn Nhậm* mang một đạo quân ra Thăng Long
bắt Chỉnh. Nhậm ra bắc vào mùa thu năm 1787, dễ dàng chiếm lấy kinh đô đã bị
vua Lê nhanh chóng rời bỏ, bắt Nguyễn Hữu Chỉnh và giết đi. Nhưng rồi có vẻ như
Nhậm cũng bị lôi cuốn bởi một tham vọng từng kích thích Chỉnh, không nhìn thấy
chướng ngại nào trên con đường đi của mình, nên tự nắm quyền hành. Một tướng
Tây Sơn ở phía bắc lúc bấy giờ là Ngô Văn Sở tỏ ra khinh miệt Nhậm và gửi cho
Huệ một mật thư xác nhận Nhậm đang trù tính phản lại Huệ. Huệ tin Sở và quyết
định mở một cuộc tấn công Thăng Long vào mùa xuân năm 1788, bắt giữ và chém đầu
Nhậm.
Chạy khỏi kinh thành trong cuộc xâm
chiếm Đàng Ngoài lần thứ hai của quân Tây Sơn vào năm 1787, cuối cùng vua Lê
Chiêu Thống tìm đường sang Trưng Quốc, tại đây, ông kêu gọi hoàng đế nhà Thanh
giúp ông lấy lại ngai vàng. Ông lập luận rằng do nước Đại Việt là một nước phụ
thuộc Trung Quốc nên triều đình nhà Thanh buộc phải bảo vệ chống lại kẻ gây
hấn. Cho dù Thanh đế tỏ ra do dự khi dính líu vào một việc có vẻ thuộc về nội
bộ của người Việt, song viên Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây)
nhiều tham vọng là Tôn Sĩ Nghị đã thuyết phục nhà vua rằng xâm chiếm Đại Việt
là một chuyện đơn giản. Cuối tháng 10.1788, quân Trung Hoa, với quân số có lẽ
vào khoảng 200.000 người*, đi qua miền Bắc Đại Việt, vào thành Thăng Long mà
không gặp một sự kháng cự nào và đưa vua Lê trở lại ngai vàng.
Quân số ít hơn, lực lượng Tây Sơn dưới
quyền Ngô Văn Sở rút về Thanh Hóa, tại đây, ông gửi một thư về Phú Xuân cho
Nguyễn Huệ xin tăng cường quân. Huệ quyết định rằng vua Lê Chiêu Thống đã mất
quyền đòi lại ngai vàng, vì thế ông tự lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Quang
Trung (1788-1792). Ngay lập tức, tân hoàng đế Tây Sơn tập hợp một đạo quân khác
và tiến về phía bắc. Ông cũng cử một sứ giả mang thư cho viên chỉ huy đạo quân
nhà Thanh yêu cầu họ lui quân. Viên tướng Tàu trả lời bằng cách xé toang bức
thư và hành hình sứ giả Đại Việt. Trong lúc đó, quân Trung Quốc bận rộn việc tổ
chức mừng tết, không để ý gì đến phía địch. Biết trước điều này, Nguyễn Huệ ra
lệnh cho binh sĩ ăn tết sớm rồi định thời điểm tấn công thành Thăng Long vào
lúc nửa đêm ngày mùng 5 tết. Quân Việt tấn công vào lúc quân Thanh không phòng
bị gì, và họ dễ dàng bị đánh bại, tướng lĩnh và binh lính tháo chạy trong tình
trạng vô trật tự*.
I.7.3. Vua Quang Trung nắm lấy chính quyền
(1789-1792)
Thắng
trận xong, vua Quang Trung bắt tay vào một chiến dịch hai mũi giáp công nhằm
củng cố địa vị của ông. Với mũi đầu tiên, ông tìm cách đảm bảo một nền hòa bình
lâu dài với Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu này, ông sử dụng công sức của hai
trong số những nhân tài lỗi lạc của đất bắc là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Cả
hai đi theo nhà Tây Sơn sau chiến dịch năm 1788 chống lại Võ Văn Nhậm, cuối
cùng đã kết thúc sự thống trị của nhà Lê. Bằng việc kết hợp giữa sự khẩn khoản
và sự đe dọa ngấm ngầm, hai nhà ngoại giao Tây Sơn có thể thuyết phục triều
đình nhà Thanh từ bỏ các nỗ lực phục hồi nhà Lê. Quan trọng hơn, các nhà ngoại
giao của vua Quang Trung đạt được sự công nhận quyền lực của tân quân và hoàng
đế nhà Thanh phong Huệ làm An Nam Quốc Vương. Cuối năm 1789, một sứ bộ Việt
khác cũng đi sang Trung Quốc để làm lễ ra mắt. Hoàng đế nhà Thanh nhấn mạnh
rằng vua Quang Trung cần thân hành cầm đầu sứ bộ sang Trung Quốc. Không muốn
tham gia chuyến đi nguy hiểm này, vị hoàng đế Đại Việt cử một người giống hệt
ông đi thay mình*. Đó là nhân vật được vua Càn Long tiếp đón như một tân quốc
vương Đại Việt khi ông ta đến cung điện mùa hè của nhà Thanh ở Nhiệt Hà
(Jehol)*. Theo nhiều tài liệu, sứ bộ Việt ở nhiều tuần lễ tại triều đình nhà
Thanh trong tình hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau*. Những sứ bộ như thế và thư từ
trao đổi giữa hai bên đảm bảo mối quan hệ yên bình và chính quyền Trung Quốc
vẫn đứng ngoài cuộc chiến đang tiếp tục giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn. Nhà
Thanh chỉ công nhận nhà Nguyễn sau năm 1802, khi mọi dấu tích của triều Tây Sơn
không còn tồn tại nữa.
Thiết
lập xong mối quan hệ tốt đẹp với triều đình Trung Quốc, vua Quang Trung quay
sang những vấn đề cấp bách trong nước. Những năm tháng rối loạn về chính trị và
chiến tranh đã gióng lên hồi chuông báo động về phúc lợi kinh tế và xã hội trên
lãnh thổ do nhà Tây Sơn kiểm soát. Chính vì vậy, vua Quang Trung đã đặt ưu tiên
cao cho việc vãn hồi trật tự và hiệu suất kinh tế. Ông ban bố một tuyên cáo kêu
gọi những nông dân bỏ nhà đi trở về ruộng vườn của họ, thiết lập một mức thuế
khuyến khích họ trở về và thưởng công cho những ai cày cấy trên các mảnh ruộng
bỏ hoang. Thêm vào đó, nhằm kêu gọi người dân trở về làng cũ của họ, vị tân
hoàng đế Tây Sơn ban lệnh điều tra dân số cả nước, thiết lập một hệ thống thẻ
căn cước. Mỗi người được cấp một thẻ căn cước và những ai không có thẻ này sẽ
bị cưỡng bách vào quân ngũ ngay. Trong lãnh vực chính sách xã hội và chắc chắn
rằng với sự cố vấn của những người theo Nho giáo, vua Quang Trung ra lệnh khởi
sự một dự án phiên dịch và ấn hành các sách kinh điển của Nho giáo từ chữ Hán
sang chữ Nôm. Ông cũng tìm cách làm sống lại một hệ thống giáo dục đã suy tàn,
bao gồm việc xây dựng trên cả nước những trường học ở các địa phương do các nhà
nho điều hành và tổ chức lại hệ thống khoa cử. Dù chỉ cô mỗi một kỳ thi Hương
diễn ra trước khi ông mất vào năm 1792, nỗ lực này cũng cho thấy vua Quang
Trung mong muốn thiết lập một nền tảng học thuật trong chế độ mới của ông.
Đồng thời với việc vãn hồi trật tự
trong nước, vua Quang Trung tiếp tục tiếp cận với thế giới bên ngoài biên giới
Đại Việt. Các tướng của ông tiến hành ít nhất hai cuộc tấn công lãnh thổ của
Lào, cho là để trừng phạt ông vua ở Luang Prabang vì đã quên đáp ứng lời yêu
cầu cử sang một sứ bộ triều cống. Cuộc tấn công đầu tiên diễn ra năm 1790 khi
50.000 quân xâm chiếm lãnh thổ Lào sát cạnh Nghệ An. Chiến dịch thứ hai vào năm
sau với một lực lượng nhỏ hơn gồm 10.000 quân nhưng đánh thẳng vào bên trong
nội địa Lào, cuối cùng chiếm lấy Luang Prabang vào mùa thu năm 1791. Sau khi
cướp phá kinh đô Lào, và rồi đi đến biên giới Xiêm, quân Tây Sơn rút về. Vua
Quang Trung cũng tiếp xúc ngoại giao với các tiền đồn của người châu Âu ở Macao
và Philippines. Hi vọng thuyết phục người Âu giao thương với chế độ của ông
thay vì với đối phương của ông là chúa Nguyễn, ông cử các sứ giả đem mật thư
yêu cầu được thiết lập quan hệ thương mại với Manila và Macao. Những nỗ lực này
rất không thành công vì phần lớn người Âu đã thiết lập quan hệ thương mại với
nhà Nguyễn, nay họ không muốn làm thương tổn mối quan hệ đó khi buôn bán với kẻ
đối địch với chúa Nguyễn. Tuy vậy, người Bồ Đào Nha ở Macao đã có một số động
thái khởi đầu để đáp ứng lại lời đề nghị của chính quyền Tây Sơn. Cuối cùng,
vua Quang Trung cũng khuyến khích việc buôn bán xuyên biên giới với Trung Quốc
và thương lượng với vua nhà Thanh nhằm thiết lập thị trường mậu dịch mới ở biên
giới hai nước.
I.7.4. Thời kỳ hậu Quang Trung
Tháng 9
năm 1792, trong lúc sắp sửa mở một cuộc tấn công lớn vào lực lượng chúa Nguyễn
Ánh tại Gia Định, vua Quang Trung bất ngờ quá đời ở tuổi 40*. Cái chết sớm của
người có sức lôi cuốn nhất, nhiều tham vọng nhất và có tài quân sự trong số ba
anh em là một bước ngoặt trong thời kỳ Tây Sơn. Gần như ngay lập tức, cái chết
của vua Quang Trung đã đe dọa sự tồn tại của chế độ mà ông chỉ vừa mới thành
lập. ông làm hoàng đế trong một thời gian chưa tới 4 năm và chỉ đạt được một số
tiến bộ nhất định trong việc ổn định xã hội và chính trị sau một thời khoảng
dài chiến tranh và dời đổi. Hơn nữa, khi ông nằm xuống, người con trai và cũng
là người sẽ kế vị ông mới có 11 tuổi*. Người con đó là Nguyễn Quang Toản, lên
ngôi với niên hiệu Cảnh Thịnh, dưới sự giám hộ của một phụ chánh là Thái sư Bùi
Đắc Tuyên, anh (em) cùng mẹ khác cha với mẹ ông*. Chế độ phụ chánh này bị chi
phối bởi một cuộc đấu tranh nội bộ giữa một số tướng cũ của vua Quang Trung
chống lại vị thái sư nhiều tham vọng, đang nuôi ý định cho một trong những
người con trai của ông ngồi lên ngai vàng nhà Tây Sơn.
Trong
lúc cái chết của vua Quang Trung là một tai họa giáng xuống chính quyền nhà Tây
Sơn đang có triển vọng tồn tại lâu dài thì những biến động ở vùng cực nam cũng
góp phần làm cho nó suy yếu thêm. Sau khi bị đánh bại vào năm 1785, chúa Nguyễn
buộc phải chạy sang Vọng Các (Bangkok) với đồng minh người Xiêm, và ở đó,
Nguyễn Ánh cùng một số tướng sĩ tòng vong mưu tính việc quay về nước. Trong lúc
họ làm điều này thì người con còn nhỏ tuổi của chúa Nguyễn là hoàng tử Cảnh
đang ở Pháp với sự chăm sóc của một giáo sĩ người Pháp là Pierre Joseph Pigneau
de Béhaine*. Nguyễn Ánh giao phó con trai cho người Pháp này với hi vọng cả hai
sẽ thuyết phục được hoàng đế Pháp Louis XVI gửi quân viện cho, đổi lại những
nhân nhượng về kinh tế và lãnh thổ sau khi chúa Nguyễn toàn thắng*. Pháp hoàng
thỏa thuận một hiệp ước theo những điều đã vạch ra, song dành cho người đại
diện của ông ở Pondicherry được tùy ý quyết định việc thực hiện hiệp ước*. Viên
chức này nhận thấy kế hoạch không đáng để nước Pháp dính vào nên từ khước nó
trước sự thất vọng của Bá Đa Lộc. Không nao núng, giáo sĩ này dùng tiền riêng
và những lời hứa hẹn tưởng thưởng thích đáng để tập hợp một nhóm lính đánh thuê
người Pháp và nhiều tàu thủy châu Âu rồi giong buồm trở về Đàng Trong vào mùa
hè năm 1789. Vào thời điểm đó, lợi dụng được cuộc chiến nồi da xáo thịt giữa
Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh rời Vọng Các, chiếm lại căn cứ cũ của ông
tại Gia Định, ông dễ dàng đánh đuổi Nguyễn Lữ, buộc ông này phải chạy về Qui Nhơn
và qua đời một thời gian ngắn sau đó.
Mặc dù không góp phần vào cuộc giao
tranh đầu tiên ấy, đội quân nhỏ gồm những người Pháp và các cố vấn quân sự của
Nguyễn Ánh giữ một vai trò quan trọng về mặt tâm lý đối với chúa Nguyễn trong
những năm tiếp sau. Quân số người Âu tham gia chiến đấu cho sự nghiệp của chúa
Nguyễn luôn là con số nhỏ; năm 1792, có khoảng 40 người trong hàng ngũ bộ binh,
được sự hỗ trợ của 2 tàu chiến châu Âu trong đội thủy quân của chúa*. Dù đó là
những con số khiêm tốn, song sự hiện diện của người châu Âu trong hàng ngũ quân
Nguyễn và các tàu chiến phương Tây cũng tạo một ấn tượng mạnh cho nhà Tây Sơn;
họ nhiều lần khuyến dụ những chuyên gia về chiến thuật người Pháp về với họ*.
Các lãnh tụ Tây Sơn thường xuyên cho những cuộc thất trận lớn của họ là do có
sự tham gia của người Âu trong hàng ngũ quân Nguyễn và những giáo sĩ hỗ trợ họ.
Rõ ràng điều này nhằm phóng đại ảnh hưởng của sự tham gia quân sự của người Âu,
song giới lãnh đạo quân sự Tây Sơn vẫn xem sự dính líu của người Âu trong cuộc
nội chiến là điều đáng báo động.
Từ
năm 1787 đến năm 1792, Nguyễn Ánh củng cố vị trí ở phía nam, kiểm soát bền vững
một khu vực từng là nơi đụng độ trong một thời gian dài giữa hai đạo quân đối
địch nhau. Có vẻ như Nguyễn Nhạc không còn có ý muốn, hay không còn khả năng mở
ra một cuộc tấn công có thể đánh bật chúa Nguyễn ra khỏi dinh lũy phía nam.
Nhạc tiến hành những cuộc tấn công định kỳ chống lại quân Nguyễn, nhưng cả việc
tạm thời ngăn chặn quân Nguyễn tiến về vùng duyên hải cũng không thành công.
Trong khi đó, vào mùa hè năm 1792, quân chúa Nguyễn mở cuộc tiến công, và thành
công trong việc vây hãm Nhạc ở Qui Nhơn. Thiếu lực lượng bảo vệ, tướng chỉ huy
Qui Nhơn buộc phải bỏ đội thủy quân trọng yếu, tàu thuyền của họ lớp bị bắt
giữ, lớp bị tiêu hủy bởi quân Nguyễn. Cuộc vây hãm thứ hai của quân Nguyễn diễn
ra một năm sau đó chỉ kết thúc sau khi Nhạc gửi lời cầu xin tuyệt vọng đến
người cháu ruột là vua Cảnh Thịnh và nhận được sự tăng viện của vị vua trẻ này.
Nỗi nhục do quân nhà Nguyễn gây ra
khiến Nhạc rơi vào tình trạng tuyệt vọng, ông thất bại trong việc nhường lãnh
thổ của mình cho người cháu* để đổi lại việc được rút lui trong sự yên bình*.
Ít lâu sau, vào cuối mùa thu năm 1793, Nhạc qua đời ở tuổi 50, chỉ một năm sau
cái chết của người em trai ông*. Sau cái chết của Nguyễn Nhạc, con trai ông là
Nguyễn Bảo được người em họ là vua Cảnh Thịnh cử làm người kế nghiệp ông, nhưng
không được mang một lễ phục hoàng gia nào. Bảo chỉ được phong tước Hiếu công và
bị kiểm soát bởi một phái bộ do người em gửi đến Qui nhơn. Như tác giả Maurice
Durand đã viết: “Mọi việc diễn ra như là chính quyền ở Phú Xuân đang điều khiển
cái vương quốc vẫn còn nằm trong tay nhà Tây Sơn. Hơn nữa, những cuộc hành quân
chống lại quân Nguyễn tùy thuộc phần lớn vào các con của Nguyễn Huệ”.
I.7.5. Chính trị của nhà Tây Sơn vào thời kỳ
hậu Quang Trung (1792 - 1802)
Có thể
nói thời kỳ hậu Quang Trung là thời kỳ suy tàn của nhà Tây Sơn. Sự kiện này
không bất ngờ, và trước năm cuối cùng của triều đại Tây Sơn, người ta cũng
không hoàn toàn tin rằng nó sẽ xảy ra. Ngay cả khi hai khuôn mặt chính trị và
quân sự chủ yếu đã khuất rồi, các tướng Tây Sơn vẫn tiếp tục thách thức chúa
Nguyễn Ánh. Mặc dù không có nhiều tham vọng như người cha trong việc tiến hành
những thay đổi về kinh tế-xã hội, vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản cũng đề ra
nhiều sáng kiến chính trị. Một thời gian ngắn sau khi nắm quyền, ông ta vội vã
bãi bỏ chương trình “thẻ căn cước” không được dân ủng hộ của người cha*. Ông ta
chỉ tiến hành ít nhất một cuộc điều tra dân số trong nỗ lực kế tục ý nguyện của
người cha muốn phục hồi sự ổn định về dân cư trong nước. Vua Cảnh Thịnh cũng đề
ra một số thay đổi về mặt tôn giáo. Có lẽ do khuyến cáo của những cố vấn theo
Khổng giáo, nhà vua ra lệnh củng cố rất nhiều đền chùa Phật giáo nằm rải rác ở
nông thôn. Chúng được tháo dỡ, thay vào đó là những kiến trúc to lớn hơn được
xây dựng từ những vật liệu thu thập được, chiếm một diện tích to rộng ở khu
trung tâm. Thêm vào đó, từ những nghi ngờ về giới giáo sĩ và về lòng trung
thành của họ đối với chúa Nguyễn, ông khởi sự thẳng tay đàn áp đạo Thiên Chúa
từ năm 1795. Theo nhiều thư từ của các giáo sĩ, việc đàn áp này không có tính
hệ thống*. Tuy nhiên, Cảnh Thịnh ngày càng cảm thấy bị bỏ rơi bởi giới nho sĩ
Bắc hà, những người từng nhiệt tình ủng hộ cha ông. Sức lôi cuốn quần chúng của
vua Quang Trung đã không truyền lại được cho người con trai còn trẻ của ông và
ngay cả những nho sĩ từng lạc quan cho rằng chế độ mới của nhà Tây Sơn có thể
làm thay đổi những thập niên suy tàn dưới thời Trịnh cũng bỏ đi dần. Ngoài ra,
mối đe dọa quân sự gia tăng từ phía chúa Nguyễn cũng đang làm cho triều đình
Tây Sơn ở Phú Xuân phải lo lắng.
I.7.6 Các chiến dịch quân sự thời kỳ hậu Quang
Trung
Các
chiến dịch quân sự diễn ra vào thập niên 1790 có thể so sánh với những chiến
dịch vào thập niên 1770 và đầu thập niên 1780 được quyết định bởi những mùa gió
ven biển, đôi khi được mệnh danh là “chiến tranh gió mùa”. Mỗi bên sẽ mở cuộc
tấn công khi gió thuận lợi cho việc khởi động lực lượng thủy quân của họ. Cho
dù mỗi doanh trại có một lực lượng bộ binh hùng hậu, sự di chuyển trên biển tỏ
ra hiệu quả hơn. Mặt khác, di chuyển bằng đường biển cũng có nghĩa rằng nếu
không đạt được một thắng lợi có tính quyết định, không bên nào có thể kéo dài
các cuộc tấn công hoặc dễ dàng củng cố thắng lợi của họ. Mở rộng một chiến
dịch, đặc biệt để chống lại một mục tiêu ở xa, sẽ có nguy cơ không gặp được mùa
gió thuận lợi để quay về căn cứ. Trái lại, đơn vị tấn công sẽ có nhiều nguy cơ
đối mặt với một cuộc phản công. Chính vì điều này mà quân Nguyễn tiến rất chậm,
và các cố vấn người Âu cảm thấy thất vọng, họ thường xuyên than vãn về vẻ thận
trọng quá đáng của chúa Nguyễn Ánh.
1790.
Thành trì có tường bao quanh, được sử dụng như một phần quan trọng trong chiến
dịch của chúa Nguyễn nhằm chiếm lấy vùng đất nằm trong tay nhà Tây Sơn. (Ảnh
của tác giả.)
Sự tiến
quân của chúa Nguyễn tuy chậm mà chắc, mở rộng dần lãnh thổ dưới sự kiểm soát
trực tiếp của ông ở vùng duyên hải. Hầu như mục tiêu chính trong các chiến dịch
này của quân Nguyễn là vùng phía nam kinh đô của nhà Tây Sơn gần Qui Nhơn và
cảng Thị Nại thuộc thị trấn này. Việc đội thủy quân của Nhạc bị phá hủy tại Thị
Nại năm 1792, tiếp theo là cái chết của ông vào năm 1793 là những trở ngại
chính đối với nỗ lực của nhà Tây Sơn nhằm tranh quyền kiểm soát phía nam với
chúa Nguyễn, về sau, hình như nhà Tây Sơn ngày càng dựa vào các hải tặc Trung
Hoa để bổ sung sức mạnh thủy quân đang suy yếu của họ. Thêm vào đó, năm 1794,
mục tiêu của nhà Nguyễn được củng cố bởi việc họ chiếm lấy thành Diên Khánh,
nằm ngay phía tây thành phố cảng quan trọng Nha Trang. Diên Khánh trở thành một
căn cứ quan trọng giúp chúa Nguyễn mở những cuộc hành quân xa hơn về phía bắc,
và vì thế, nó cũng trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công liên tục của nhà
Tây Sơn, kể cả những cuộc vây hãm định kỳ và mạnh mẽ trong những năm tiếp
theo*.
Mùa xuân năm 1795, quân Tây Sơn phản
công lại quân của chúa Nguyễn và truy đuổi họ tới Bà Rịa, ở hướng đông nam Sài
Gòn. Thế nhưng, đó là lần phản công quan ưọng cuối cùng về phía nam của quân
Tây Sơn, và trong mọi trường họp, các cuộc tấn công của họ đều diễn ra trong
một thời gian ngắn. Trong khi đó, chúa Nguyễn tiếp tục tiến hành thường xuyên
những cuộc hành quân ở vùng duyên hải, hướng về dinh lũy của Tây Sơn. Mùa xuân
năm 1797, trong một cuộc tấn công, quân Nguyễn vòng qua mục tiêu quen thuộc là
Qui Nhơn, đi xa hơn về phía bắc, vào giữa lãnh thổ của nhà Tây Sơn. Trong cuộc
viễn chinh này, quân Nguyễn chiếm thành phố Tourane (Đà Nẵng) trong hai tháng
rồi sau đó lại bỏ ngỏ. Năm 1799, quân Nguyễn lại mở cuộc tấn kích hai mũi giáp
công, vừa hướng về trung tâm chính trị Phú Xuân của nhà Tây Sơn, vừa nhắm đến
thủ phủ Qui Nhơn ở phía nam. Tháng 6 năm này, Qui Nhơn rơi vào tay quân Nguyễn
và được đổi tên là Bình Định. Một lần nữa được sự hỗ trợ của các nhóm hải tặc,
quân Tây Sơn khởi phát cuộc vây hãm Qui Nhơn suốt một năm tròn, về sau, lực
lượng của họ không thể lấy lại thị trấn này, nhưng họ vẫn còn chiếm khu vực gần
Phú Yên, và nơi đây được sử dụng như một căn cứ để mở các cuộc phản công.
Cuộc tấn công của quân Nguyễn năm 1799
là một đe dọa cho kinh đô Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn chạy ra bắc, hi
vọng tập hợp lực lượng hỗ trợ để mở cuộc phản công khác. Ông tổ chức lễ ra quân
trở lại và đổi niên hiệu là Bảo Hưng, ông ban lời hiệu triệu kêu gọi dân chúng
chuẩn bị bảo vệ miền Bắc chống lại cuộc xâm chiếm của quân chúa Nguyễn có thể
xảy đến. Cùng lúc đó, ở miền Trung, một cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ các vị trí
của nhà Tây Sơn vẫn được tiến hành bởi hai vợ chồng Bùi Thị Xuân và Trần Quang
Diệu. Họ tích cực vây hãm quân Nguyễn trong thành Qui Nhơn và sau đó tiến ra
bắc trong nỗ lực bảo vệ nhà Tây Sơn ở Nghệ An. Nữ tướng Bùi Thị Xuân từng được
huấn luyện trong vùng đất Tây Sơn giàu tinh thần thượng võ, là một chỉ huy lỗi
lạc dưới tay có hàng ngàn quân. Bà cưỡi voi ra trận, thực hiện nhiều cuộc tiến
công, đối đầu với những khó khăn, gian khổ dồn đập trước khi bị quân chúa
Nguyễn bắt giữ vào năm 1802 và bị hành hình sau đó không lâu cùng với chồng và
cô con gái.
Trong thời gian đó, vào đầu năm 1800, quân Nguyễn mở một chiến dịch rộng lớn nhằm phá vòng vây quân Tây Sơn ở Qui Nhơn. Các đạo quân phía nam đang sẵn sàng đánh bại quân Tây Sơn thì phải đối đầu với hai chuyện không may. Trước tiên là cái chết của Giám mục Bá Đa Lộc, một người tin cẩn lâu năm của chúa Nguyễn Ánh, một cầu nối giữa chúa và người châu Âu*. Kế đó, một thời gian ngắn sau cái chết của Bá Đa Lộc, một phần lớn trong đội thủy quân của chúa Nguyễn bị phá hủy hoặc trôi dạt ra biển Đông trong một trận bão ập đến bất ngờ. Sau những khó khăn, trở ngại đó, họ không mở những cuộc tấn công nữa mà rút về Gia Định. Song cho dù quân Nguyễn gặp những trở lực như thế, quân Tây Sơn vẫn không ngăn cản được đà tiến của họ về vùng duyên hải. Đòn giáng mạnh cuối cùng diễn ra vào mùa xuân năm 1802, khi quân chúa Nguyễn không quan tâm đến cuộc vây hãm thành Qui Nhơn của quân Tây Sơn, họ giong buồm tấn công trực tiếp vào phần nửa phía bắc của đất nước. Dù quân Tây Sơn có chống cự, quân Nguyễn không gặp mấy khó khăn khi đặt chân lên đất Sơn Nam và nhanh chóng theo hướng tây bắc tiến về kinh thành Thăng Long, nơi vua Cảnh Thịnh đang ẩn lánh từ năm trước. Ngày 20.7.1802 là ngày khởi đầu của triều đại Việt Nam cuối cùng. Cho dù các lực lượng theo Tây Sơn còn tấn công rải rác ở miền Bắc, và số người trung thành với nhà Lê vẫn còn, chúa Nguyễn Ánh bắt đầu nỗ lực hợp nhất các phần đất khác nhau về mặt địa lý.
CHƯƠNG II
CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO ĐÒI CHIẾM QUYỀN BÍNH
Được làm vua, thua làm giặc
-Ngạn ngữ Việt Nam-
Cuộc nổi
dậy khởi phát ở ấp Tây Sơn được đẩy nhanh bởi sự gia tăng cuộc khủng hoảng kinh
tế tại Đàng Trong và những cuộc xung đột kéo dài giữa nhà Nguyễn với các nhóm
dân vùng cao chống lại sự hợp nhất với chính quyền ở vùng đồng bằng. Cùng lúc
đó, có lẽ thắng lợi của phong trào được củng cố nhờ sự suy yếu của một chính
thể đã bị phân hóa từ bên trong, khi quyền hành bị phân tán mỏng trong suốt thế
kỷ XVIII. Các lãnh tụ Tây Sơn đã kết hợp sự bất mãn về kinh tế và chính trị của
dân chúng với cơ hội biến một nhóm người ủng hộ nhỏ bé và thứ yếu về mặt địa lý
thành một lực lượng quân sự và chính trị quan trọng. Để có thể hiểu được sự
chuyển đổi này và cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn như một lực lượng chính trị, tôi
bắt đầu khảo sát xem các lãnh tụ của phong trào này đã quan niệm như thế nào về
những hành động của họ và về mối quan hệ giữa họ với những cơ cấu chính trị
đang tồn tại. Trong lúc những biến động của thời kỳ này chứng tỏ rằng khả năng
kiểm soát dân cư của triều đình nhà Nguyễn có giới hạn, chúng cũng cho thấy rõ
những nhân vật có sức lôi cuốn đặc biệt đã huy động người dân như thế nào để
nắm lấy quyền lực chính trị.
Một vài
nhà sử học Việt Nam vào giữa thế kỷ XX, đặc biệt là Trần Huy Liệu và Văn Tân,
đã khảo sát những biến động chính trị của thời kỳ này và coi đó là một cuộc
cách mạng*. Họ miêu tả cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn như một nỗ lực tập trung
nhằm lật đổ những thế lực chính trị thối nát, thống nhất đất nước, bảo vệ non
sông chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài và xiển dương các yếu tố văn hóa
trong nước, Sự giải thích phong trào như thế đã phản ánh một cách thích hợp chủ
thuyết chính trị của nhà nước miền Bắc Việt Nam sau năm 1954, đồng thời che đậy
những phức tạp đích thực của thời kỳ Tây Sơn. Một cuộc khảo sát tỉ mỉ hơn cho
thấy rõ rằng những thành tích của phong trào Tây Sơn không để lộ một hệ tư
tưởng mạch lạc nào của những người lãnh đạo nó. Ngoài ra, mặc dù cuộc nổi dậy
đưa đến một thay đổi về mặt chính quyền và tổ chức lại lãnh thổ Việt Nam, tác
động chính trị của nó không có tính cách mạng khi phần lớn những cơ cấu chính
trị, kinh tế và xã hội cơ bản vẫn không có gì thay đổi.
Các lãnh
tụ chính trị Tây Sơn tiếp tục hành động trong khuôn khổ chính trị sẵn có, lợi
dụng các xung đột và bất đồng vào các mục tiêu chính trị của họ, trong khi họ
không bao giờ làm tốt hơn chúng. Một mặt các lãnh tụ Tây Sơn tiêu biểu cho một
lực lượng mới nổi trên lãnh thổ Đàng Trong, với những cư dân năng động và tài
nguyên kinh tế có thể ủng hộ tham vọng của họ. Mặt khác, nhiều mô hình biến
động chính trị vào thời kỳ này từng xảy ra trước đây trong lịch sử Việt Nam, và
chế độ do nhà Tây Sơn thiết lập trông cũng không khác gì những chế độ mà họ đã
thay thế. Vì thế, thay vì miêu tả anh em nhà Tây Sơn như những nhà cách mạng,
chính xác hơn là chúng ta nên xem họ như những diễn viên phụ (cho dù là ghê
gớm) trên một sân khấu chính trị đông đúc và rộng lớn mà diễn viên và đồ dùng
đã được dọn sẵn. Mở rộng cách ẩn dụ này hơn nữa, có thể nói các lãnh tụ Tây Sơn
là những diễn viên không có kịch bản, tùy nghi ứng biến vai diễn của họ cũng
như hướng giải quyết của vở kịch. Họ được dẫn dắt không phải bởi một tầm nhìn
dài hạn mà bởi động cơ cá nhân ngắn hạn, đáp ứng với những tình huống hay thay
đổi. Chương này sẽ xét xem các lãnh tụ Tây Sơn quan niệm cách nào về hành động
của họ và cơ chế chính trị nhờ đó gia tăng số người ủng hộ họ và hợp pháp hóa
những đòi hỏi của họ.
II. 1. NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA CUỘC NỔI DẬY CỦA
NHÀ TÂY SƠN
Khi cố
gắng tìm hiểu sự thúc đẩy về tư tưởng đằng sau một phong trào rộng lớn như
phong trào Tây Sơn, các nhà quan sát muốn tìm thấy các hình thức tôn giáo hay
những biểu thị rõ nét có liên quan với các phong trào nông dân khác ở Đông Á và
Đông Nam Á vào đầu thời kỳ hiện đại*. Tuy nhiên, những biểu thị như thế hầu như
hoàn toàn vắng bóng. Mặc dù có sức mạnh rõ rệt và dấu hiệu đả phá tín ngưỡng
trong hành động của họ, quân đội Tây Sơn đã không tạo một cuộc vận động cứu
thế. Giới lãnh đạo Tây Sơn không hành động theo một nhiệt tình tôn giáo nào, và
hình như quân đội của họ không mưu tìm sự kiên nhẫn hay dũng cảm từ bùa phép
hay hình tượng tôn giáo. Trên phương diện này, cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn
giống như những phong trào quần chúng khác ở thế kỷ XVIII, ít chịu ảnh hưởng
bởi nhiệt tình tôn giáo. Như Hue-Tam Ho Tai* đã chỉ ra trong công trình nghiên
cứu quan trọng của bà nhan đề Millenarianism and Peasant Politics in Vietnam
(1983) (Chủ thuyết thiên niên và chính sách về người nông dân tại Việt Nam),
các hoạt động cứu thế của người Việt là một hiện tượng chủ yếu thấy ở các lãnh
thổ phía nam Việt Nam*. Hue-Tam Ho Tai không lập luận rằng loại hành động như
thế không xảy ra ở các vùng phía bắc, mà cho rằng những điều kiện ở vùng hạ
Đàng Trong (vào thế kỷ XIX) phù hợp đặc biệt với hoạt động cứu thế. Ngay cả ở
phía nam, hoạt động cứu thế cũng chỉ xuất hiện vào nửa sau thế kỷ XIX. Thật
vậy, dù thường ở vào trung tâm của những phong trào như thế, Phật giáo vẫn là một
điều gì đó mà các lãnh tụ Tây Sơn xem thường, hoặc thậm chí thù nghịch.
Sự thiếu
vắng nền tảng tôn giáo trong cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn đã lôi cuốn sự chú ý
của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Trong một bài viết vào năm 1965 nhan đề
"Tại sao các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Việt Nam ít có màu sắc tôn giáo?”,
Nguyễn Khắc Đạm lập luận rằng trong lúc tại Việt Nam, về mặt lịch sử, một vài
phong trào quần chúng do các nhân vật tôn giáo lãnh đạo, các phong trào nông
dân Việt Nam nói chung đã không được lãnh đạo bởi các chức sắc tôn giáo, cũng
không nhằm chống lại các cơ sở tôn giáo. Đôi lúc, như trong thời kỳ Tây Sơn, đã
có những nỗ lực nhằm tước mất quyền năng của các tổ chức tôn giáo, nhưng không
như người nông dân châu Âu vẫn thường thách thức Giáo hội Công giáo, người nông
dân Việt Nam không cần tấn công các cơ sở tôn giáo để giành lấy sự thuận lợi về
kinh tế*. Mặc dù ông Đạm bỏ qua những căng thẳng phức tạp giữa các cơ sở tôn
giáo giàu có với nhiều cuộc nổi dậy của người dân vào các thế kỷ XVII và XVIII,
có vẻ như các cuộc tấn công chống Phật giáo trong thời kỳ Tây Sơn chỉ có tính
ngẫu nhiên hơn là thuộc về quan điểm chủ yếu của những người nổi dậy.
Thế giới tư tưởng của người nông dân
Việt Nam tất nhiên là đầy rẫy những yếu tố tôn giáo - những tín ngưỡng khó tách
rời với thực tiễn nghi thức và xã hội hàng ngày - và điều này khá phổ biến
trong thời kỳ Tây Sơn. Thật vậy, như chúng ta sẽ thấy, tín ngưỡng dân gian
hướng vào sự siêu nhiên là một thành phần quan trọng trong phong trào Tây Sơn,
đặc biệt là trong giai đoạn ban đầu. Cùng lúc đó, những yếu tố của các cấu trúc
tôn giáo được thể chế hóa (dù có được giải thích lại), vốn khá rõ nét trong
nhiều cuộc nổi dậy của người dân tại Đông Á và Đông Nam Á, lại gần như hoàn
toàn thiếu vắng trong phong trào Tây Sơn. Trong khi các lãnh tụ Tây Sơn đề cập
đến tín ngưỡng dân gian và đôi lúc vận dụng nó vào thế giới tâm linh, và các
thế lực siêu nhiên, trong một ý nghĩa nào đó, đã liên kết phong trào Tây Sơn
với các lực lượng tôn giáo, việc triển khai những thế lực này được xem như một
phương tiện để đạt được cứu cánh về vật chất hơn là một mục tiêu hợp nhất tinh
thần. Do nhà Tây Sơn không nêu rõ một quan điểm lâu dài để lãnh đạo phong trào,
cũng không hợp nhất giới nông dân thông qua những lời hứa hẹn về một nỗ lực tinh
thần chung, các lãnh tụ phong trào đã gây dựng sự tín nhiệm cho họ và thúc đẩy
những người theo họ bằng những từ ngữ tầm thường nhất. Xét về cơ bản, phong
trào cần đến năng lực của những lãnh đạo năng động và có sức lôi cuốn, có khả
năng đặc biệt trong việc huy động binh lính bổ sung cho quân đội của họ, cùng
những thắng lợi ban đầu chống lại một chính thể bị chia rẽ vì tình trạng bè
phái và bị cản trở bởi một đạo quân yếu kém. Thật vậy, hình như sự kết hợp giữa
sức lôi cuốn quần chúng của anh em Tây Sơn với lời tuyên bố là cuộc nổi dậy của
họ nhằm thực hiện một lời tiên tri tạt địa phương - được khẳng định bằng các
mối liên hệ đã được chứng minh với thế giới siêu nhiên - đã tìm được sự ủng hộ
ban đầu của người dân. Hướng đi đó cũng tập trung sự chú ý vào chính các lãnh
tụ Tây Sơn và phong trào tiếp tục được lèo lái bởi mục tiêu cá nhân của các nhà
lãnh đạo (hoặc cố vấn của họ) và bởi những hoàn cảnh trong đó họ tự nhận thức
được mình, hơn là từ một ý thức hệ riêng biệt. Sự thiếu vắng một ý thức hệ cho
thấy là các lãnh tụ Tây Sơn có thể được coi như những kẻ cơ hội hơn là những
người biết nhìn xa trông rộng, và mục tiêu của phong trào của họ luôn thay đổi,
thiếu hẳn yếu tố kiên định và rõ ràng.
Như một phần trong nỗ lực lôi cuốn
người ủng hộ, các lãnh tụ Tây Sơn phải hợp pháp hóa các khát vọng chính trị của
họ, một công việc phức tạp ở một lãnh vực mà không có một phương thức nào được
thừa nhận để tạo sự tín nhiệm về mặt chính trị. Vì thế, họ cố gắng đi tìm sự
hợp pháp, hoặc có lẽ chính xác hơn là họ tự cho là hợp pháp, bằng nhiều cách
khác nhau. Như một nhà quan sát châu Âu đương đại đã viết về những nỗ lực lớn
lao của các lãnh tụ Tây Sơn về mặt này:
“Về phần
mình, nhà Tây Sơn không có phương sách nào mà không thử nghiệm, cũng không có
một cơ hội nào mà họ bỏ qua, vì đó có thể là những phương tiện giúp họ được
nhiều người biết đến. Giới thương nhân thì giải trí xa hoa, lễ lạt và pháo
bông; tướng lãnh thì phỉnh phờ quân đội; còn các giáo sĩ thì thuyết phục hàng
giáo phẩm công bố cho những người dân vô tâm các sắc chỉ của Tiên* đã phong ba
vị* này là những nhà cai trị tương lai của họ”*.
Nhận xét
trên - và phần còn lại của chương này sẽ làm rõ - cho thấy rằng nhà Tây Sơn đã
kêu gọi sự hạp pháp hóa ở nhiều mức độ khác nhau: những lời kêu gọi trừu tượng,
vừa có tính huyền bí lẫn đạo đức; các chính sách kinh tế xã hội, trong đó có
chính sách tái phân phối, và những chính sách khác nhằm giải quyết các vấn đề
về cấu trúc kinh tế cùng nhiều nỗ lực về mặt tổ chức nhằm kết nối họ với nhiều
cơ cấu quyền lực đang tồn tại. Xét chung, những phương thức nhằm hợp pháp hóa
về mặt chính trị này nhằm củng cố sức mạnh và quyền hành cho các lãnh tụ Tây
Sơn. Mỗi phương thức nhằm đáp ứng các tình huống, các đối tượng và nhu cầu cấp
bách riêng biệt từng thời điểm. Mặc dù chương này sẽ lần lượt khảo sát những
chiến lược đó, các lãnh tụ Tây Sơn không nhìn chúng theo cách khoanh vùng, mà
cũng không khái niệm hóa chúng theo một phong cách tiện dụng. Ngoài ra, trong
lúc những phương cách này được trình bày liên tiếp ở đây, chúng không được khai
triển theo thứ tự thời gian. Một vài phương cách được trình bày ngắn gọn, trong
khi những cái khác trải dài suốt thời kỳ Tây Sơn.
II.2. TÍNH CHÍNH THỐNG VỀ CHÍNH TRỊ CỦA NƯỚC
ĐẠI VIỆT XƯA
Mặc dù
lịch sử Việt Nam là lịch sử kéo dài của tính cha truyền con nối, vấn đề chính
thống về mặt chính trị không bao giờ rõ ràng. Có những thời kỳ yên bình, sự kế
vị diễn ra một cách có trật tự, quyền hành được chuyển cho người kế tục đã được
chỉ định, song nhiều sự kế vị khác đã không được thừa nhận do sự lừa bịp hoặc
bạo lực. Cũng có những trường hợp người kế vị bị thay thế bởi người đang trị vì
hoặc do bè cánh về chính trị. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, có những giai
đoạn quyền lực được phân chia giữa người đang trị vì với một người hay một nhóm
quý tộc. Vì thế, tính chính thống về mặt chính trị có thể xuất phát từ nhiều
cách khác nhau, thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu riêng của người
tuyên bố nắm quyền.
Thực tế phức tạp liên quan đến tính
chính thống về chính trị này có thể tìm thấy vào những giai đoạn sớm nhất trong
thời kỳ độc lập của Việt Nam, vào thế kỷ XI, khí quyền cai trị có quan hệ chặt
chẽ với những biểu trưng đặc biệt của “đức vương”*. Như Keith Taylor đã chỉ rõ,
tính chính thống của triều Lý (1009-1225) là một chức năng của điều mà ông gọi
là “tín ngưỡng triều Lý", theo đó việc tuyên bố nắm quyền phần lớn xuất
phát từ quan hệ giữa người cầm quyền với nhiều thần linh trong vùng đất đó. Nói
cách khác, tính chính thống mang tính cá nhân nhiều và phải được chứng tỏ một
cách tích cực bởi các nhà cai trị nối tiếp nhau. O.W. Wolters cũng lập luận
rằng vào thế kỷ XIII, người Việt không có một hệ thống cố định về quyền trưởng
nam hoặc một thông lệ chặt chẽ nào đối với vấn đề kế vị ngai vàng. Cũng như ở
những quốc gia Đông Nam Á khác, các nhà cai trị ở Việt Nam thời kỳ này là những
lãnh tụ anh hùng xây dựng sự liên kết thông qua hôn nhân hay những lời tuyên
thệ trung thành. Mặc dù vào thế kỷ XIII, triều đại nhà Trần (1225- 1400) đề ra
một tập tục kế vị chính thức như một phần nỗ lực né tránh những người không
thừa nhận họ, song điều này vẫn không chấm dứt những cuộc tranh giành quyền lực
phức tạp.
Dựa vào một phân tích các triều đại
đầu tiên và tiếp theo đó, Ralph Smith cho rằng về mặt lịch sử, Việt Nam trải
qua những chu kỳ mà các chế độ theo Nho giáo xen lẫn với những chế độ thể hiện
sức mạnh chính trị, tức thể hiện tính hợp pháp của họ, từ những nguồn xuất phát
khác. Một khảo sát ngắn về các chế độ chính trị tại Việt Nam khỏi đầu vào thế
kỷ XIV hình như đã xác minh điều đó. Cuối thế kỷ XIV, thông qua hôn nhân, Hồ
Quý Ly trở thành thành viên của dòng họ Trần đang trị vì và chiếm lấy ngai vàng
từ cương vị này*. Ông ta lập nên một chính quyền theo khuôn mẫu Nho giáo trước
khi bị quân đội Trung Hoa lật đổ vào năm 1406. Rồi quân Minh cũng bị Lê Lợi
đánh đuổi và lập nên triều đại mới với một tính chính thống về Nho giáo thậm
chí còn lớn hơn nữa. Tính chính thống về mặt chính trị dựa vào Nho giáo đạt đến
cao điểm dưới triều Hồng Đức của vua Lê Thánh Tông, vị vua thứ 5 triều Lê. Tuy
nhiên, đến đầu thế kỷ XVI, triều đại nhà Lê bắt đầu sụp đổ, vai trò nổi bật về
chính trị của Nho giáo cũng không còn nữa. Lợi dụng biến động chính trị này,
Mạc Đăng Dung chiếm lấy ngai vàng, và dù ông ta có ý quay lại các chuẩn mực Nho
giáo thời Hồng Đức, song điều này cũng không tồn tại được lâu. Thay vào đó,
nước Đại Việt bước vào một thời kỳ rộng mở, trong đó năng lực về quân sự và
quan hệ gia đình được coi là những yếu tố quyết định mang lại quyền lực chính
trị*. Xét về cơ bản, Nho giáo và các nỗ lực chính thống hóa dựa vào học thuyết
này đã lùi xa sau khi nhà Mạc bị đánh bại vào cuối thế kỷ XVI.
Như chúng ta đã thấy trong chương
trước, sự phân chia lãnh thổ giữa hai họ Trịnh-Nguyễn tạo ra hai thực thể chính
trị, mỗi nơi có cách chính thống hóa về mặt chính trị riêng. Chế độ nhà Nguyễn
tiếp tục đi theo hướng phi-Nho giáo đã xuất hiện trong cuộc chiến chống nhà
Mạc, họ cai trị một đất nước mà quyền lực chính trị xuất phát từ các liên minh
quân sự cũng như từ sự ủng hộ của Phật giáo. Tại Đàng Ngoài do họ Trịnh kiểm
soát, có những thời kỳ Nho giáo được phép phát triển trở lại và được sử dụng
như một thế lực chính thống hóa, đặc biệt trong thời gian tại vị của chúa Trịnh
Tạc (1657-1682). Tuy nhiên vào đầu thế kỷ XVIII, một lần nữa Nho học lại suy
tàn, và đến thời Trịnh Giang (1729-1740), chính quyền Đàng Ngoài cấm du nhập từ
Trung Quốc các sách về Nho giáo, trong khi sách kinh Phật giáo lại được tích
cực sưu tập. Cùng lúc đó, người ta có thể mua điểm trong các kỳ thị Nho học,
làm mất giá trị của chúng và xói mòn một trong những nền tảng của trật tự chính
trị Khổng giáo. Cơ cấu chính trị vào thời kỳ này rất phức tạp bởi sự phân tán
liên tục quyền lực chính trị trong các thành viên của hai dòng họ Nguyễn và
Trịnh vào lúc mà vua Lê vẫn tiếp tục ngồi trên ngai vàng ở Thăng Long. Thêm vào
đó, vào giữa thế kỷXVIII, nhiều nhân vật thách thức quan trọng đối với dòng họ
Trịnh nổi lên trong dòng họ nhà Lê, cho rằng tính chính thống của nhà Lê vẫn
còn là một tiêu chuẩn chính trị quan trọng. Vì thế, khi nhà Tây Sơn nổi dậy vào
năm 1771, cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều đứng trước thử thách phải xác định
khái niệm hợp pháp về mặt chính trị, ngoài ra, còn phải đương đầu với các ý
tưởng quanh co về nguồn gốc của tính chính thống đó.
Bối cảnh chính trị vào thế kỷ XVIII
được định hình bởi những cuộc đua tranh quyền lực. Với một lịch sử kéo dài và
khá phổ biến về những thách thức đối với khái niệm về tính hợp pháp chính trị
và sự kế vị triều đình một cách trật tự, lãnh thổ của người Việt vẫn để ngỏ cho
những đòi hỏi mới về quyền lực chính trị, đặc biệt trong thời kỳ hỗn loạn. Vào
những thời điểm như thế, quyền lực chính trị thường được khẳng định bởi sức
mạnh thể hiện dưới hình thức một quân đội mạnh. Thật vậy, cách khẳng định quyền
lực đó dễ được tin tưởng ở Việt Nam trong buổi đầu thời hiện đại, nhất là đã
tạo ra những rối loạn trong các cuộc truyền ngôi báu đã qua. Ý tưởng cho rằng
thực tế chính trị có thể không phản ánh một cơ cấu chính trị được lý tưởng hóa
gói gọn trong câu nói dân gian "được làm vua, thua làm giặc”. Những ai có
đủ quyền lực thì được làm vua, những ai không có quyền lực thì làm giặc. Vào
thời kỳ Tây Sơn, ý tưởng này được lặp lại bởi một tướng tài giỏi của phong trào
Tây Sơn là Ngô Văn Sở. Trong một lần bàn luận với lãnh tụ Tây Sơn là Nguyễn
Huệ, Sở đã nhận xét rằng “từ xưa đến nay, thiên hạ* không phải là riêng của một
dòng họ; nếu ta có thể nắm lấy thiên hạ thi hãy tiến tới và hành động”. Trong
lúc chưa có một phương cách nào giúp nắm lấy quyền lực, nhận định của Ngô Văn
Sở phản ánh một thực tế lịch sử nhất định. Và dù sao thì cũng như nhiều người
đi trước họ, các lãnh tụ Tây Sơn biết rằng một thế lực tàn bạo không phải lúc
nào cũng là những phương tiện đủ và có hiệu quả để lôi cuốn người khác theo
mình hoặc đạt được tính hợp pháp. Một tính hợp pháp như thế còn cần dựa vào
những biểu hiện thiêng liêng hoặc sự hỗ trợ có tính siêu nhiên, hoặc những dấu
hiệu cụ thể hơn của quyền hành chính trị.
II.3. SỰ CHUẨN NHẬN CỦA “TRỜI” VÀ NHỮNG TUYÊN
BỐ SIÊU NHIÊN VỀ QUYỀN LỰC
Từ những
ngày đầu của cuộc nổi dậy, các anh em nhà Tây Sơn dựa nhiều vào tín ngưỡng dân
gian liên quan đến thế lực siêu nhiên, trong đó có tính quan trọng của những
lời tiên tri, điềm báo, và những biểu hiện khác của quyền lực cá nhân nhằm hợp
pháp hóa yêu sách chính trị của họ. Điều này đặc biệt quan trọng trong những
năm đầu tiên của cuộc nổi dậy vì đó là một công cụ quan trọng giúp những người
trong cuộc lảng tránh chuyện họ thiếu hẳn các mối quan hệ chính trị. Trong khi
sự tự kết nối với các cơ cấu chính trị hiện hữu có một giá trị to lớn, như sẽ
được chứng minh sau này, thì khả năng chứng tỏ rằng những quyền lực cao hơn là
công cụ giúp con người đạt đến sự xuất chúng thường có một giá trị tức thời.
Ngoài ra, các lãnh tụ Tây Sơn thường vận dụng tín ngưỡng dân gian trong thế
giới thần linh và siêu phàm, trong đó có khái niệm về “ý trời”, trong lúc họ
vẫn nhấn mạnh đến các lời tiên tri và những chỉ dấu khác về vận mệnh dành cho
họ. Như Michael Adas đã viết trong tác phẩm Prophets of Rebellion (1979) (Những
lời tiên tri về cuộc nổi dậy): “Những khải huyền này và luận điệu của các nhà
tiên tri tự coi mình là những đấng cứu thế siêu phàm hoặc được trời sai xuống
để phê chuẩn những quyết định của họ và truyền đạt ý niệm về tính hợp pháp cho
những người theo họ”*. Rõ ràng là cơ chế này vận hành trong trường hợp của nhà
Tây Sơn và là công cụ giúp các lãnh tụ cuộc nổi dậy nhận được sự tin tưởng của
những người theo họ.
II.3.1. Nhà Tây Sơn và Thiên Ân
Thông
qua các cuộc vận động, các lãnh tụ Tây Sơn vẫn thường nhấn mạnh một trong những
ý tưởng chính là những gì họ làm không đơn thuần là việc làm của một nhóm nông
dân bất mãn. Đúng hơn, đó là một sứ mạng thiêng liêng phản ánh “ý trời” và liên
hệ với điều mà họ gọi là “mệnh trời”. Từ ngữ này dễ dàng bị cường điệu hóa,
thường được sử dụng hoặc để nói đến một định mệnh nào đó xảy đến trong tương
lai, hoặc một cách nói giễu cợt khi đề cập đến vận mệnh đổi thay. Tuy nhiên,
không có gì đáng nghi ngờ rằng từ ấy (và những biến thể của nó sau đó) là một
yếu tố quan trọng trong thế giới tư tưởng và những cuộc đàm luận về thời đại
này. Trong thế giới quan của người Việt, khái niệm về “trời” (thiên) kết hợp ý
thức hệ ưu tú của Khổng giáo với ý niệm của người dân về các sức mạnh thiêng
liêng. Đó không phải là trời trong ý nghĩa tôn giáo như cái thế giới của kiếp
sau mà là sự đề cập một cách trừu tượng hơn về một sức mạnh siêu hình, đôi khi
có thể bức chế và định hình những diễn biến trên đời. Trời thường được dùng để
nói đến những gì ở bên trên - như bầu trời ” với những mối liên kết với mùa,
thời tiết, và tất cả những hiện tượng tự nhiên khác. Vì thế, sự hiểu biết của
người Việt Nam về trời nhắc đến nhiều ý tưởng có liên quan và sự kết nối giữa
người trần tục với thần thánh.
Dù cho trời đôi lúc được quan niệm
như một sức mạnh dẫn dắt định mệnh của con ngươi và tạo ra các thể chế, nhưng
không phải lúc nào ý niệm đó cũng được xem như là những tác nhân gây ra sự đổi
thay. Những giải thích khác về trời coi đó là sức mạnh phản ánh - chứ không
phải điều khiển - diễn biến các sự kiện. Như Alexander Woodside đã chỉ rõ, các
học giả Việt Nam vào thế kỷ XVIII thường không xem trời là ý niệm định đoạt
diễn biến các sự kiện, theo ý nghĩa của thuyết định mệnh - Hơn thế nữa, họ quan
niệm nguồn gốc những đổi thay và chuyển biến nằm trong thế giới con người, đặc
biệt có liên quan đến đạo đức và phẩm hạnh của cá nhân các nhà lãnh đạo. Vì
vậy, trời có thể biểu lộ bằng nhiều dấu hiệu khác nhau, song không phải là sự
biểu thị của một kết quả tiền định, mà là phản ánh sự hạn chế về mặt đạo đức
của những nhân vật đặc biệt. Alexander Woodside nhắc đến danh sĩ nổi tiếng
Nguyễn Thiếp vào thế kỷ XVIII khi ông nhận định rằng: “sự hủy diệt đất nước và
gia đình xảy ra do sự bại hoại của đạo đức làm người, do những nhà cai trị tầm
thường, và do những quan lại chỉ biết xu nịnh họ, không do những tiến trình
không thể đảo ngược lại vượt ra ngoài tầm với của con người”. Quan điểm của
Nguyễn Thiếp cho thấy là trời không gây ra những biến đổi trong thế giới loài
người, mà chỉ báo hiệu chúng.
Các nho sĩ thế kỷ XVIII cũng có chung
ý niệm này, điều đó cho thấy rõ họ hiểu về mối tương tác giữa ý trời và dục
vọng của con người. Một nho sĩ nổi tiếng là Ngô Thì Sĩ đã viết rằng: “Người ta
sinh ra đều có mệnh... mệnh là trời phú cho”. Con ông là Ngô Thì Nhậm thì nhận
xét rằng: “Trời trông, trời nghe do ở dân. Lòng dân yên định thì ý trời cũng
xoay chuyển”. Rõ ràng là những nho sĩ sống cùng thời với phong trào Tây Sơn
nhìn thấy mối quan hệ giữa con người và trời là quan trọng và không dễ giải
quyết. Hơn nữa, tình trạng căng thẳng này còn tìm thấy trong cách các lãnh tụ
Tây Sơn chứng minh cho hành động của họ. Một mặt, họ lập luận rằng một quyền
lực thiêng liêng buộc họ phải hành động, tức khái niệm về ý trời; mặt khác, họ
thừa nhận rằng động lực chính của họ là sự khốn khổ của người dân do sự cai trị
tồi mà ra. Nêu lên quyền lực của “trời” trong thế giới tư tưởng của người Việt
thế kỷ XVIII, các lãnh tụ Tây Sơn ngay từ lúc khởi đầu cuộc nổi dậy đã nói đến
ý trời như sự hỗ trợ, cổ vũ cho phong trào và các mục tiêu của họ. Chẳng hạn
như họ đúc chiếc ấn quân sự cho các tướng lãnh của họ có hàng chữ “Phụng Thiên
phạt bạo Nguyễn Phúc”* (Vâng mệnh trời trừng phạt bạo chúa [họ] Nguyễn Phúc)*.
Câu đó ám chỉ vị chúa Nguyễn cuối cùng là Nguyễn Phúc Thuần, người đã được
Trương Phúc Loan đưa lên ngai vàng. Ở đây chúng ta có được chứng cứ cụ thể nhất
về việc các lãnh tụ Tây Sơn gợi lên khái niệm mệnh trời, nhân danh người dân để
hướng dẫn hành động của họ. Hơn nữa, thông điệp trong chiếc ấn nêu rõ sự giận
dữ của trời thông qua nhà Tây Sơn, trước sự cai trị tồi của nhà Nguyễn.
Nhiều bài tường thuật của các chứng
nhân người châu Âu nhấn mạnh đến việc các lãnh tụ Tây Sơn nêu lên tầm quan
trọng của mối liên hệ với trời và sự phù hộ của trời dành cho phong trào của
họ. Tháng 2 năm 1774, một giáo sĩ người Tây Ban Nha* là Diego de Jumilla viết
về nhà Tây Sơn rằng “họ loan báo cho các làng mạc rằng họ không phải là kẻ
cướp, mà họ tiến hành một cuộc chiến tuân theo ý trời”. Bài viết của một giáo
sĩ Pháp về những ngày đầu của phong trào cũng cho rằng “[các lãnh tụ Tây Sơn] phổ
biến hàng ngàn câu chuyện về những giấc mơ và các dấu hiệu từ trời chứng minh
cho sứ mạng của họ”. Một du khách ngươi Âu khác viết rằng người trẻ tuổi nhất
trong ba anh em Tây Sơn là Nguyễn Lữ đã tuyên bố rằng các vị tiên* đã ban chiếu
chỉ rằng cả ba anh em nên phục vụ như những nhà cai trị mới của vương quốc.
Những lời ám chỉ sớm sủa đó cho thấy rõ rằng các lãnh tụ cuộc nổi dậy đã đã phổ
biến cách giải thích của họ về ý trời ngay vào thời kỳ khỏi đầu của cuộc nổi
dậy.
Những lời tuyên bố về sự phù hộ của
trời không phải là không có người hoài nghi. Như sẽ được nêu rõ dưới đây, những
lời tuyên bố đó đã được chứng minh bởi những biểu lộ về sự phù hộ của trời. Một
thư giáo sĩ viết vào năm 1776 nêu lên những khó khăn mà nhà Tây Sơn gặp phải
khi tìm cách thuyết phục một công chúng còn hoài nghi về tính hợp pháp của
Nguyễn Nhạc cùng những lời tuyên bố đang được sự hỗ trợ siêu nhiên: “Người cầm
đầu cuộc nổi dậy đã tiến tới và tự xưng vương, nhưng ông ta không có ấn tín lẫn
quyền trượng, và chính điều này là bằng chứng cho thấy rằng ông ta đã không
được ông trời chọn lựa”*. Nói tóm lại, tuyên bố làm vua là một chuyện, còn
chứng minh được rằng mình được trời phong cho một địa vị nào đó là một chuyện
hoàn toàn khác, đôi lúc đòi hỏi những dấu hiệu của nghi thức thế tục, như những
ấn tín chẳng hạn. Tầm quan trọng của ấn tín sẽ được khảo sát chi tiết dưới đây,
cho dù cũng cần nêu ra ở đây rằng Nguyễn Nhạc đã đúc cho riêng ông ta một ấn
vàng khi ông xưng hoàng đế năm 1776, có lẽ để đối lại với sự hoài nghi của dân chúng
mà thư của các giáo sĩ đã phản ánh.
Các lãnh tụ Tây Sơn luôn nhấn mạnh rằng
họ hành động theo ý trời và điều này rất phổ biến vào những năm đầu của cuộc
nổi dậy, song về sau, lối nói phô trương này vẫn được tiếp tục, khi phong trào
đã chín muồi và lan rộng ra ở Đàng Ngoài. Năm 1778, một du khách Anh là Charles
Chapman viết rằng Nguyễn Nhạc đã thông báo cho ông là "lạy Trời đã cung
cấp cho ông ta một công cụ để giải thoát (người dân) và đưa ông ta lên ngôi
báu”*.
Một tường thuật khác trong lá thư viết
năm 1784 của một giáo sĩ Tây Ban Nha là cha Ginestar kể lại việc một tướng Tây
Sơn đã nói với ông rằng “trời đã phó thác vương quốc này cho họ”, cái vương
quốc được nói đến là vương quốc của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Những bài tường
thuật này cho thấy rằng các lãnh tụ Tây Sơn tiếp tục nhấn mạnh điều mà họ gọi
là sự phù hộ của trời và họ cảm thấy điều quan trọng là phải kể lại chuyện này
với du khách châu Âu. Sự nhấn mạnh đó gợi cho thấy rằng các lãnh tụ cuộc nổi
dậy coi hình thức hợp pháp hóa chính trị này là điều cơ bản trong toàn bộ sứ
mạng của họ.
Khi quân Tây Sơn tiến vào lãnh thổ họ
Trịnh vào mùa hè năm 1786, họ mang theo lời tuyên bố hành động nhân danh ông
trời. Khi Nguyễn Huệ yết kiến vua Lê già nua* tại Thăng Long, vị lãnh tụ Tây
Sơn đã miêu tả những nỗ lực nhân danh nhà vua bằng cách cầu khẩn sự phù hộ của
trời. Huệ tâu “thần đã đến đây, bởi vì đó là thể theo ý trời", và “trời đã
mượn bàn tay của hạ thần để tấn công và tiêu diệt họ Trịnh bất kính, để mở rộng
uy quyền to lớn của bệ hạ”. Huệ còn tỉ mỉ hơn khi quả quyết “Thần đến đây vào
lúc này hoàn toàn dựa trên ý trời, về những tàu thuyền đã đưa quân của hạ thần
đến đây, nếu không thể làm cho nước lụt và ngọn gió nồm yếu đi thì làm sao hạ
thần đù sức mạnh để hoàn thành công việc này?”. Điều đáng chú ý là vị lãnh tụ
Tây Sơn lập luận rằng ông không chỉ đơn thuần là người làm thay ý trời, mà lời
tuyên bố của ông còn được minh chứng bởi những biểu hiện về uy lực của trời.
Nguyễn Huệ cho rằng do trời không ở bên cạnh ông, các sức mạnh tự nhiên do trời
kiểm soát, đã không giúp ông một cách hoàn hảo để ông hoàn thành những việc
phải làm*. Rõ ràng là trong việc phục hồi ngai vàng vua Lê, Nguyễn Huệ tuyên bố
rằng trời đã chọn nhà Tây Sơn để vãn hồi trật tự, tiêu diệt họ Trịnh áp bức, mà
không tự đặt mình như những nhà cai trị tại vương quốc Đàng Ngoài, như họ đã
làm ở Đàng Trong,
Tuy
nhiên, hai năm sau, tình hình đã đổi khác, Nguyễn Huệ chuẩn bị đẩy mạnh lời
tuyên bố về quyền lực chính trị ra phía bắc, cũng lại nhân danh ý trời. Khi lên
ngôi báu, ông ban chỉ dụ nêu rõ rằng “nỗi thống khổ của người dân diễn ra khắp
nơi chung quanh ta, (việc ta lên ngôi báu) là theo ý trời đã định, không phải
như người dân đã truyền tụng. Ta đã dựa theo ý trời và đi theo lòng người”. Lại
một lần nữa, vị lãnh tụ Tây Sơn nhấn mạnh ý tưởng là “trời” đã kêu gọi ông
chống lại “sự áp bức đối với người dân”. Điều quan trọng hơn là chỉ dụ này chứa
đựng một nội dung được người tín cẩn của Nguyễn Huệ là danh sĩ Ngô Thì Nhậm
soạn ra một cách thận trọng*. Câu “là theo ý trời đã định, không phải như người
dân đã truyền tụng” nhằm hợp lý hóa các hành động của nhà Tây Sơn theo Khổng
giáo, phân biệt những gì do các thế lực siêu nhiên khởi phát với những gì chỉ
đơn thuần bị kích động do áp lực của người dân. Đối với một nho sĩ, ngoài việc
tham gia một phong trào như thế, sẽ thừa nhận nó xuất phát từ ý trời chứ không
phải đơn thuần từ khát vọng của con người. Ý trời được sắp đặt bởi một quyền
lực thiêng liêng và siêu việt trong khi khát vọng của người dân đối nghịch trực
tiếp với mối quan hệ theo Khổng giáo tồn tại giữa người cai trị và người bị
trị.
Mặc
dù nhà Tây Sơn cố công nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với giới nho sĩ (như đã
nêu rõ ở phần diễn đạt cẩn trọng của Ngô Thì Nhậm) và nhấn mạnh rằng hành động
của họ nhằm đáp ứng lại ý trời, đôi khi họ lại nêu rõ là sự nổi dậy của họ được
thúc đẩy bởi những nỗi thống khổ cụ thể và phù hợp với tiếng gọi của nhân dân.
Trong một tuyên cáo gửi dân chúng Đàng Ngoài trong thời gian họ xâm chiếm vùng
này, nhà Tây Sơn kết hợp khái niệm về ý trời với nỗi khát khao của người dân và
miêu tả hành động của họ như “phù hợp với ý trời và đáp ứng với lòng người”*.
Và rồi, khi miêu tả tình cảnh của người dân, cũng bản tuyên cáo trên nói về
“những người dân khốn khổ và sống rải rác chờ đợi sự quay về của ngọn cờ chính
nghĩa”. Ngoài ra, ngay trong chỉ dụ ban hành năm 1788, khi lên ngôi, hình như
tìm cách tin là ý trời đã xui khiến cho phong trào của ông, Nguyễn Huệ viết
“Lúc đầu, ta không có ý làm vua. Chỉ vì lòng dân đã chán ngấy cuộc sống hỗn độn
mà ta nóng lòng muốn trở thành một vị vua đức hạnh để cứu vãn đời sống và mang
thanh bình lại cho muôn dân”. Vì thế, các lãnh tụ Tây Sơn tiếp tục thay đổi
những lời tuyên bố về động cơ chính xác dẫn đến hành động của họ, có khi thì
tin ở trời, có khi thì nói đến khát vọng của những người dân khốn khổ.
Cho dù động cơ ban đầu của cuộc nổi
dậy của nhà Tây Sơn là gì đi nữa, các lãnh tụ của phong trào xem trọng vai trò
của uy lực của trời. Họ làm thế rõ ràng vì lối nói hoa mỹ và những lời tuyên bố
như vậy khá quan trọng trong bối cảnh văn hóa và chính trị Việt Nam và được mọi
phía sử dụng trong cuộc tranh giành chính trị vào thời kỳ này. Đến cuối thời kỳ
Tây Sơn, khi có một cảm nhận chung là gió đã đổi chiều chống lại chế độ của
những người nổi dậy và có lợi cho nhà Nguyễn, một quan sát viên người châu Âu
đã ghi rằng “tất cả nông dân và những kẻ chuyên quyền cũng vậy, đều thừa nhận
và lớn tiếng tuyên bố rằng chính Trời đã ban cho chúa Nguyễn một chiến thắng
nhanh chóng và toàn diện đến như vậy”. Lời tuyên bố này củng cố quan niệm phổ
biến về vai trò của ông trời trong việc xác định quyền cai trị vương quốc và
đồng thời làm rõ bản chất hay thay đổi của ơn trời và sự bất định về chính trị
cố hữu mà nó tạo ra. Lời tuyên bố được trời phù hộ chỉ được tin khi một nhà cai
trị hay kẻ nổi dậy có thể trưng ra những dấu hiệu của sự phù hộ đó. Nếu họ
không làm được như thế, dòng tình cảm của người dân sẽ quay sang hướng khác.
Thật vậy, lời tuyên bố được trời phù hộ phải luôn luôn được củng cố bằng những
minh chứng về sự phù hộ đó, nếu không, ý trời sẽ được hiểu một cách rất khác
bởi những người nghe khác.
II.3.2. Các lãnh tụ Tây Sơn và thế giới siêu
nhiên
Khi các
lãnh tụ Tây Sơn thường xuyên nói đến việc trời chuẩn nhận cho những hành động
của họ, họ cũng liên kết họ một cách rộng rãi với thế giới siêu nhiên vốn có
một ảnh hưởng đáng kể trong óc tưởng tượng của mọi người. Họ làm điều đó theo
nhiều cách khác nhau, bao gồm việc sử dụng những lời tiên tri, tín ngưỡng địa
phương, và những dấu hiệu khác của ân huệ siêu nhiên. Nguồn gốc chính xác của
cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn có thể vẽ ra một phần từ người thầy của ba anh em
đã khuyến cáo Nguyễn Nhạc tự xem là có trách nhiệm hoàn thành một lời tiên tri
tồn tại lâu đời tại địa phương: "Ở phía tây, có một cuộc nổi dậy vì chính
nghĩa, ở phía bắc, một đại công đã hoàn thành”*. Lời tiên tri cũng được Nguyễn
Nhạc sử dụng từ đó, nó được ghi lại trong nhiều bài tường thuật, ý nghĩa của nó
thúc đẩy phong trào và lôi cuốn người ủng hộ ngay trong những ngày đầu. Lời
tiên tri là một yếu tố quan trọng trong thế giới tư tưởng của người bình dân
cũng như giới trí thức vào cuối thế kỷ XVIII, và vì thế, anh em nhà Tây Sơn đã
tìm cách loan truyền rộng rãi lời tiên tri này cùng sự giải thích của họ về ý
nghĩa của nó và sự khẳng định đã thực thi nó.
Ngoài lời tiên tri đó, các lãnh tụ
Tây Sơn còn tìm các cách khác để tuyên bố về mối quan hệ trực tiếp của họ với
thế giới siêu nhiên. Nhiều truyện dân gian nói về các lãnh tụ cuộc nổi dậy, có
những truyện nhấn mạnh đến các yếu tố phi thường xoay quanh anh em Tây Sơn,
phần lớn liên quan đến những năm đầu tiên của phong trào. Từ góc độ của người
chép sử, những truyện như vậy đáng ngờ, bởi vì phần lớn chúng được truyền khẩu
thay vì được viết thành văn bản, khiến cho khó mà tìm ra nguồn gốc của chúng.
Một vài truyện được viết sau này và hiện có thể tìm thấy trong các bản thủ bút
lưu trữ, song phần lớn chúng không có tên tác giả và không đề ngày tháng, khiến
cho chúng cũng đáng ngờ như vậy. Một vài truyện được ghi nhận trong những tài
liệu có đề ngày vào thế kỷ XIX, cho thấy rằng chúng được lưu hành vào cuối thế
kỷ XVIII. Cho dù nhiều truyện này không dễ dàng chứng minh hay xác định ngày
tháng, chúng tạo thành một phần quan trọng trong sự hiểu biết của người dân về
thời kỳ Tây Sơn. Hơn nữa, mặc dù các chi tiết có tính hư cấu, những truyện này
thường phù hợp với những gì chúng ta biết về nhà Tây Sơn từ những nguồn tư liệu
khác, về những truyền thuyết dân gian quanh các lành tụ Tây Sơn.
Trong
những văn bản còn tồn tại và các truyện truyền khẩu liên quan đến những biểu
hiện siêu nhiên quanh các lãnh tụ Tây Sơn, có nhiều vũ khí siêu phàm do anh em
Tây Sơn phát hiện hay do người khác mang đến cho họ. Những thứ này có một lịch
sử dài dòng trong hiểu biết của người dân Việt, với truyền thuyết kể về các vũ
khí siêu phàm vào đầu thế kỷ II trước Công nguyên. Một truyện kể rằng vào đầu
thời kỳ đó có một chiếc nỏ thần được cho là “Ai có thể giữ chiếc nỏ này sẽ cai
trị đất nước; ai không giữ được nó sẽ bị diệt vong”. Và như thế, việc mất chiếc
nỏ thần đã gây ra sự sụp đổ của vị vua từng sở hữu nó. Nhiều năm sau đó, vào
thế kỷ XV, người ta kể rằng vị đại anh hùng trong cuộc kháng chiến chống quân
nhà Minh là Lê Lợi đã nhận được thanh gươm thần để sử dụng trong các chiến dịch
chống lại lực lượng chiếm đóng Trung Quốc. Khi sứ mạng của ông hoàn tất, chiếc
gươm thần được trả về chiếc hồ nơi nó từng xuất hiện*.
Những vũ khí thần bí là vật quan trọng được sử
dụng đặc biệt trong lễ nghi tại địa phương nơi nhà Tây Sơn nổi dậy, như Li Tana
đã giải thích, các bộ tộc thiểu số ở cao nguyên và đồng bằng sống trong vùng
Qui Nhơn có nhiều truyền thuyết liên quan đến gươm báu và uy lực mà chúng dành
cho những ai sử dụng chúng. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhìn thấy
những vũ khí có ma lực, đặc biệt là gươm kiếm, giữ một vai trò nổi bật trong
truyền thuyết về nhà Tây Sơn. Một câu chuyện như thế, được miêu tả một cách ẩn
dụ về quyền uy thống nhất của nhà Tây Sơn, kể về việc Nguyễn Nhạc tìm được một
lưỡi gươm báu ở vùng duyên hải và rồi tìm thấy cán gươm phù hợp với nó trên vùng
cao nguyên. Một biến thể khác của câu chuyện trên bao gồm sự mô phỏng theo
truyền thuyết về vua Arthur*, kể rằng Nguyễn Nhạc phát hiện lưỡi gươm gắn vào
một phiến đá và ông chỉ một mình dùng sức mạnh rút nó ra. Rồi một hôm đi thăm
một ngôi làng của người Bahnar trên vùng cao nguyên phía tây Qui Nhơn, người ta
mang đến cho ông một con chim khổng lồ, nó há miệng ra cho thấy một cái cán vừa
với lưỡi gươm. Khi hai vật thể này được tra vào với nhau, chúng không rời nhau
nữa*. Một câu chuyện tương tự kể về việc Nguyễn Nhạc tìm thấy một thanh gươm ở
đồng bằng và một ấn vàng trên cao nguyên, điều đó biểu thị cả quyền lực về quân
sự và chính trị. Điều này một lần nữa gợi lên ý tưởng về sự liên minh giữa
người ở cao nguyên và người
ở đồng
bằng, được nhà Tây Sơn thể hiện ở một mức độ nào đó vào những năm đầu tiên của
họ.
Một câu chuyện trau chuốt hơn liên quan
đến Nguyễn Nhạc kể về một việc xảy ra vào những ngày đầu của cuộc nổi dậy, khi
vào một đêm nọ, dân làng giật mình nhìn thấy ánh sáng chói lòa phát ra từ khu
rừng bên cạnh. Có vẻ như luồng ánh sáng đó không có một nguồn xuất phát rõ
ràng. Khi ánh sáng xuất hiện vào đêm thứ hai, dân làng đi điều tra và phát hiện
một cây cung khổng lồ cùng với tên. Tiếng đồn về vụ này lan xa, và lần sau đó,
khi ánh sáng phát ra vào nửa đêm, nhiều dân làng đi ra để định vị nguồn ánh
sáng. Dõi theo luồng ánh sáng xuyên qua rừng, dân làng bắt gặp Nguyễn Nhạc đang
mặc áo giáp đứng trước một tảng đá to. Với một giọng nói vang như sấm, ông ta
tố cáo sự bạo ngược của phụ chánh nhà Nguyễn là Trương Phúc Loan và quy những
khốn khổ của người dân cho viên quan này cùng thuộc hạ của ông ta. Bị khuất
phục trước vóc dáng của Nhạc cùng những biểu hiệu quanh ông ta, người dân về
theo anh em ông ta lật đổ Loan và làm nhẹ đi sự nghèo khổ của chính họ.
Người em của Nguyễn Nhạc là Nguyễn Huệ
cũng là nhân vật của những truyện kể dân gian kết nối ông với vũ khí thần bí.
Một truyện như thế kể về một cặp rắn khổng lồ nằm chắn con đường Nguyễn Huệ dẫn
quân đi qua. Quân của ông ta sợ hãi, nhưng vị chỉ huy của họ* xuống ngựa và cầu
khấn với cặp rắn thần “Nếu anh em tôi và tôi có thể đảm đương đại sự này, tôi
thỉnh cầu Rắn thần rời khỏi đường đi cho lính của tôi đi qua. Còn nếu số mệnh
không cho phép thì xin hãy cắn tôi chết nhưng để binh sĩ của tôi sống và trở về
với vợ con họ”. Ngay sau đó, cặp rắn tránh đường và hộ tống đoàn quân đi đến
nơi. Chúng còn hỗ trợ nhà Tây Sơn nhiều hơn nữa bằng cách dâng cho Nguyễn Huệ
một thanh “long đao” với cán làm bằng gỗ mun và lưỡi rất sắc*. Một câu chuyện khác
về Nguyễn Huệ miêu tả ông có sức mạnh siêu nhân, có thể nâng và sử dụng một cây
giáo bạc đặc biệt mà người thường không thể làm cho nó nhúc nhích nổi. Giống
như lưỡi kiếm cắm trong đá mà chỉ một mình Nguyễn Nhạc rút ra nổi, câu chuyện
này làm nổi bật một lãnh tụ Tây Sơn như đang sống bên ngoài thế giới bình
thường. Điều đặc biệt là những câu chuyện truyền khẩu về vũ khí thần kỳ được
củng cố bởi một tác phẩm của triều Nguyễn vào thế kỷ XIX là bộ Đại Nam liệt
truyện. Tác phẩm này ghi chép về người anh lớn nhất của nhà Tây Sơn rằng “trên
đường xuyên qua vùng núi An Dương, Nhạc tìm thấy một thanh gươm mà ông gọi là
gươm thần. Ông ta dùng nó để đánh lừa người dân, và nhiều người tin ông ta”.
Điều này được miêu tả trong sử triều đình, cuộc nghiên cứu khởi sự vào nửa đầu
thế kỷ XIX cho thấy rằng câu chuyện này xuất hiện vào thời kỳ Tây Sơn. Hơn thế
nữa, khi cho quyền lực và uy thế xuất phát từ việc sở hữu một thanh gươm thần,
rất có thể các anh em Tây Sơn đã tìm cách loan truyền những câu chuyện như thế
trong những năm đầu của phong trào.
Có vẻ như họ không chỉ khuyến khích
việc loan truyền những câu chuyện như thế, mà còn tích cực khai thác tín ngưỡng
dân gian có tính huyền bí và ma thuật để đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu
của họ. Điều này được miêu tả một cách sinh động trong một truyện về Nguyễn
Nhạc có thể tìm thấy trong nhiều nguồn tư liệu viết. Theo những tư liệu này,
Nhạc lợi dụng thói mê tín tại địa phương quanh ngọn núi ở gần đó để thuyết phục
những người ngấm ngầm ủng hộ ông về mối quan hệ của ông ta với thế giới siêu
nhiên. Để làm điều này, ông ta lén mang chiêng trống lên đồi và bí mật sắp xếp
làm cho chúng vang lên và kèm theo là những tia sáng lóe lên vào một đêm có lễ
hội tại địa phương. Giả vờ kinh ngạc, nhưng cũng do tò mò, ông ta tập hợp một
nhóm người địa phương thích mạo hiểm và dẫn đoàn người lên đồi. Trong làn sương
mù trên đỉnh đồi, họ bắt gặp một ông lão da nhăn nheo, ông ta gọi tên Nhạc rồi
đọc những chữ khắc trên một tấm bảng đồng “Ngọc hoàng thượng đế ban lệnh cho
Nguyễn Nhạc làm hoàng đế trong nước”. Sau khi đọc xong, ông lão đưa tấm bảng
đồng cho lãnh tụ Tây Sơn và biến mất trong đêm tối*. Trên thực tế, ông lão
chính là thầy dạy của Nhạc tên Trương Văn Hiến, theo một vài tài liệu, là người
đã tư vấn cho Nhạc sắp xếp trò biểu diễn này để làm nổi bật tính cách thần bí
của người lãnh đạo cuộc nổi dậy. Không để ý đến trò lừa gạt công phu do Nhạc
sắp xếp, dân làng hăm hở ủng hộ người lãnh tụ được trời phong thánh - như người
thay mặt Ngọc hoàng Thượng đế, nhân vật cao tột bậc trong đền thờ các vị thần
của người Việt.
Một truyện khác kể lại chi tiết trường hợp của một lãnh tụ Tây Sơn xoay
chuyển số mệnh với một nghi thức do Nguyễn Huệ thực hiện gần kinh thành Phú
Xuân vào cuối năm 1788. Mục đích của buổi lễ này nhằm xác định sự may rủi trong
cuộc hành quân sắp diễn ra để chống lại quân Tàu đã xâm lấn miền Bắc Đại Việt
từ đầu năm này. Truyện kể rằng Huệ bước lên bệ thờ và tuyên bố:
“Các
tướng sĩ của ta! Ta sắp sửa mang quân ra Bắc hà (phía bắc Đại Việt) để hỏi tội
quân xâm lược nhà Thanh, và vãn hồi thanh bình, hạnh phúc cho trăm họ. Nếu trời
cho đại quân của chúng ta thắng trận, trời sẽ làm cho cả 200 đồng tiền này nằm
ngửa mặt lên. Lưng của những đồng tiền này làm bằng đồng... Giờ thì quân ta tìm
xem dấu hiệu thắng hay bại”*.
Nói
xong, Huệ và các tướng cầu nguyện trước bệ thờ, sau đó, vị lãnh tụ Tây Sơn tung
các đồng tiền lên không. Lúc đó, quân sĩ chạy lên phía trước, nhìn thấy tất cả
các đồng tiền đều ngửa lên, và đều tin rằng chiến thắng của họ đã được báo
trước. Tài liệu tiếp sau đó viết rằng Huệ đã cho đúc những đồng tiền đặc biệt
có 2 mặt sau như nhau dùng để biểu diễn, vì vậy, trong khi nghi thức được vạch
ra nhằm thể hiện những quan điểm chung về thực hành tôn giáo thì nó cũng có thể
được xem như một cách vận dụng khác của nhà Tây Sơn đối với những biểu hiện của
thần thánh.
II.4. NGÔN NGỮ KHỔNG GIÁO TRONG CUỘC NỔI DẬY
CỦA NHÀ TÂY SƠN
Trong
lúc việc đề cập đến trời và các lực siêu nhiên là những phương tiện hữu ích
dùng dẫn chứng cho những gì họ tuyên bố và tuyển mộ người theo họ, các lãnh tụ
cuộc nổi dậy cũng sử dụng các lối nói hoa mỹ khác. Điều đặc biệt là cũng giống
như lãnh tụ các cuộc nổi dậy của nông dân trước đây, gần như họ rất có ý thức
khi nhấn mạnh đến khía cạnh đạo đức trong cuộc chiến đấu của họ bằng ngôn ngữ
Khổng giáo riêng biệt. Quyết định sử dụng ngôn ngữ - nếu không cần đến nội dung
- của ý thức hệ Khổng giáo tỏ ra quan trọng cả trong việc kết nối các lãnh tụ
Tây Sơn với những người ngấm ngầm ủng hộ họ trong hàng ngũ trí thức nhà Nguyễn
(tuy nhiên số người này không nhiều) lẫn việc đẩy xa hơn mối quan hệ giữa họ
với cộng đồng cư dân rộng lớn hơn vốn đáp ứng lại ngôn ngữ Khổng giáo theo cách
riêng của họ.
Alexander
Woodside lập luận rằng truyền thống Khổng giáo đã được thiết lập tại vùng nông
thôn Đại Việt vào thời điểm này, và viết “ảnh hưởng của truyền thống cổ điển
Hoa-Việt đối với người nông dân Việt Nam vào những năm 1700 và 1800 là điều...
không cần phải tranh cãi, đặc biệt những phần nói đến sự phế truất một vương
quyền xấu xa và thay bằng một vương quyền tốt đẹp”. Mặc dù điều này đúng nhiều
hơn ở phần phía bắc lãnh thổ Đại Việt vốn chịu ảnh hưởng lâu dài của ý thức hệ
Trung Hoa, một số ngôn từ hoa mỹ của Khổng giáo cũng phát triển trên vương quốc
nhà Nguyễn, ngay cả lúc đạo Khổng tiếp tục bị loại khỏi đời sống chính trị.
Trong một xã hội mà các nho sĩ duy trì mối quan hệ trực tiếp với giới nông dân,
hoặc qua mối quan hệ thân thuộc, hoặc qua việc họ cư trú ở những ngôi làng, nơi
họ có thể mở trường học, không có gì đáng ngạc nhiên khi người nông dân thấm
nhuần các yếu tố của ý thức hệ Khổng giáo, hoặc ít nhất là về ngôn từ. Chắc
chắn rằng bản thân các anh em nhà Tây Sơn cũng được học những điều cơ bản về ý
thức hệ này dưới sự dạy dỗ của người thầy nhiều hiểu biết Trương Văn Hiến, vì
vậy việc họ viện dẫn tư tưởng Khổng giáo trong suốt cuộc nổi dậy là điều tự
nhiên.
I.4.1. Nhà Tây Sơn và chữ “Nghĩa”
Trong
ngôn từ Nho giáo thường được các lãnh tụ Tây Sơn viện dẫn, từ “nghĩa” được đặc
biệt nhấn mạnh, bắt đầu với việc xác định rằng cuộc nổi dậy của họ là một cuộc
nổi dậy vì nghĩa, một cuộc khởi nghĩa*. Việc sử dụng từ ngữ này cần để liên kết
cuộc nổi dậy với lối tiên tri thường được nhắc đến về một “cuộc khởi nghĩa”. Sự
nhấn mạnh vào từ “nghĩa” liên kết họ với lời tiên tri này, đồng thời nó cũng
cho phép các lãnh tụ Tây Sơn sử dụng một kiểu tuyên bố khác về tính chính
thống. Điều đặc biệt là sự thất bại của hai họ Trịnh-Nguyễn trong việc thực
hiện nghĩa vụ đối với thần dân của họ đã mở đường cho việc phê phán họ, vào
những thời điểm nào đó, phần nào trong bối cảnh đã được triết lý Khổng tử tạo
dựng nên. Từ Hán-Việt “chính nghĩa” bao gồm các khái niệm về công lý và hành
động đúng đắn thường được liên kết với cung cách hành xử của giới nho sĩ. Nó
xuất phát từ đặc tính của Khổng giáo thường nhấn mạnh vào những giáo điều căn
bản trong cách hành xử của mỗi người, đáng lưu ý nhất là hiếu, nghĩa, đức và
nhân.
Thật
vậy, tại nhiều nơi ở Đông và Đông Nam Á, mối quan hệ giữa người nông dân với
những người đứng trên họ về kinh tế và chính trị, dù là địa chủ hay quan chức
triều đình, là mối quan hệ ít nhất cũng dựa phần nào vào những căn nguyên mà
ngôn từ của Khổng giáo gọi là “chính nghĩa” và “công lý”. Có thể đọc thấy khái
niệm này trong tác phẩm của James Scott nhan đề The Moral Economy of the
Peasant (1976) (Nền kinh tế đạo đức của người nông dân)*. Dù Scott đề cập chủ
yếu đến mối quan hệ giữa nông dân và địa chủ, nhưng rõ ràng nhà nước cũng là
đối tượng của khái niệm kinh tế đạo đức. Vì thế, sự thất hại của nhà nước trong
việc thực hiện những tiêu chuẩn mà người dân mong muốn đã dẫn đến sự chỉ trích
và những phản kháng nhân danh chính nghĩa. Cuối cùng, khi các phong trào của
người dân giương cao ngọn cờ chính nghĩa, điều đó không chỉ đơn thuần chứng tỏ
tính đúng đắn hay công bằng trong mục tiêu của phong trào mà còn nhằm chỉ trích
triều đình, hoặc ít nhất là đại diện của triều đình tại địa phương, đã thất bại
trong việc thực hiện những nghĩa vụ cơ bản đối với người dân.
Nhiều
cuộc nổi dậy của người dân trong lịch sử Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là
cuộc nổi dậy của Lê Lợi vào thế kỷ XV, dẫn đến ý tưởng về một cuộc khởi nghĩa
nhằm vãn hồi trật tự và các mối quan hệ tốt đẹp. Vào thời kỳ ngay trước khi nhà
Tây Sơn nổi dậy, hoàng thân nhà Lê là Lê Duy Mật đã nổi dậy chống chúa Trịnh
Giang vào năm 1738, ban bố một hiệu triệu bằng chữ nôm nhắc lại cuộc khởi nghĩa
anh dũng của Lê Lợi chống lại quân Minh, gọi là Lam Sơn khởi nghĩa. Làm như
thế, Lê Duy Mật không chỉ tìm cách kết nối hoạt động của riêng ông ta với hoạt
động của bậc tiền bối lẫy lừng, mà còn xác định rằng cả hai cùng chia sẻ một
lời cam kết vì “chính nghĩa”*. Đề cập đến một truyền thống như thế, không có gì
ngạc nhiên khi những cách nói của Khổng giáo như “chính nghĩa” được người nông
dân Việt Nam thấm nhuần, đặc biệt những ai quan tâm đến việc nêu lên những sai
lầm về mặt nhận thức trong cách cư xử chính đáng của các người cầm quyền.
Thật
vậy, điều này có thể thấy được khi sự biểu lộ thiện ý của người nông dân đi đôi
với tư tưởng chính thống ở một chừng mực khiến họ tin vào quan niệm về một
“trật tự chính đáng”.
Trong
một số trường hợp, khác biệt với sự giải thích của phần lớn nho sĩ, việc đề cập
đến người nông dân trong ý niệm này phản ánh điều mà Alexander Woodside gọi là
“một loại tính thích nghi có thể gây tranh cãi” về phía người nông dân khi
hưởng ứng học thuyết Khổng tử. Trong lúc các nho sĩ nhận thấy một lãnh tụ (hay
chế độ) cá biệt thiếu tính chính nghĩa, họ không nhất thiết phải (nếu chẳng bao
giờ) khẳng định rằng người nông dân cần được phép phục hồi tính chính nghĩa đó.
Như Ralph Smith đã nhận định:
“Có thể giải
thích triết lý Khổng giáo trong tinh thần phản kháng, vì nếu như đời sống cá
nhân của vị hoàng đế hay quần thần của ông ta thiếu đạo đức hay thiếu ngay
thật, thì chắc chắn rằng họ không xứng đáng nắm quyền cai trị. Nhưng trên thực
tế, Khổng giáo không nhất thiết có tính bảo thủ. Sự thật là một nhà cai trị có
thể đánh mất ‘Mệnh Trời', nhưng nếu ông ta bị phế truất, thì đó là một định
mệnh khách quan hơn là vấn đề chọn lựa của con người”.
Hơn thế
nữa, ngay cả những nho sĩ như Ngô Thì Nhậm, người đôi lúc coi hành động của
trời bị chi phối bối những biến động thế tục, đã viết rằng “Thịnh suy, dài ngắn
vận mệnh do trời, không phải sức người tạo ra được". Nói cách khác, con
người không thể trực tiếp làm thay đổi ý trời, cho dù nỗi khốn khổ của họ có thể
làm xoay chuyển định mệnh một cách gián tiếp.
Đối với
một người nổi dậy tìm cách phế truất một vua chúa, cần nhấn mạnh rằng thắng lợi
của ông ta là những chỉ dấu cho thấy cả về sự thay đổi số mệnh lẫn tính chính
nghĩa trong hành động của ông ta. Để đảm bảo rằng mọi người đều hiểu được tính
chính nghĩa trong sứ mạng của họ, các lãnh tụ Tây Sơn thường xuyên sử dụng từ
này để mô tả về phong trào của họ và về những người tham gia vào đó. Vì thế,
chẳng hạn như quân đội Tây Sơn gồm không chỉ đơn thuần là lính, mà là nghĩa
quân, được chỉ huy bởi các nghĩa sĩ. Những người ủng hộ phong trào cũng được
gọi là ông nghĩa. Như nhà sử học Việt Nam Nguyễn Lương Bích đã viết: “Tất cả
các tướng Tây Sơn và đa số quần chúng lúc đó gọi những người tham gia phong
trào là nghĩa sĩ và không bao giờ quên chữ nghĩa khi đề cập đến những người
này”.
Trong
lúc được dùng phần lớn để miêu tả những người chiến đấu phía Tây Sơn, từ nghĩa
cũng được sử dụng để gán cho những yếu tố khác liên quan đến cuộc nổi dậy.
Chẳng hạn như nó được dùng gọi tên hai đạo quân người Hoa chiến đấu cùng với
nhà Tây Sơn trong những năm đầu tiên của cuộc nổi dậy là quân Hòa Nghĩa và
Trung Nghĩa*. Từ nghĩa cũng được dùng ở những trường hợp trừu tượng hơn trong
những bản tuyên bố công khai, miêu tả quân đội Tây Sơn đi dưới “ngọn cờ chính
nghĩa” trong các cuộc hành quân chống lại kẻ thù. Một số trường hợp đặc biệt
tìm thấy trong lời kêu gọi dân Nghệ An vào năm 1786 của Nguyễn Hữu Chỉnh trong
thời gian quân Tây Sơn chiếm lấy Đàng Ngoài, và trong lời hiệu triệu do Phan
Huy ích soạn năm 1800 nhân danh vua Tây Sơn Cảnh Thịnh cũng tìm cách đẩy mạnh
sự ủng hộ mục tiêu của nhà Tây Sơn. Cuối cùng, khi Nguyễn Huệ tiến đến việc
thiết lập một kinh đô ở vùng Nghệ An sau năm 1789, ông đã đặt lại tên vùng này
là Nghĩa An, rõ ràng là có ý kết nối lãnh thổ này với căn nguyên của cuộc nổi
dậy là khởi nghĩa, khi một lần nữa, ông tìm cách nhấn mạnh đến tính hợp pháp
của việc nắm lấy quyền hành.*
Việc nhà
Tây Sơn sử dụng từ “nghĩa” rõ ràng là có tính đến việc tham gia vào một cuộc
tranh luận có tính hùng biện đang diễn ra, vì những đối thủ của họ cũng sử dụng
từ này để minh chứng cho hành động của chính họ, thách thức đội quân nổi dậy và
các lãnh tụ của họ. Hoàng Lê nhất thống chí, một tác phẩm biên niên cận đại
viết về các biến động ở Đàng Ngoài, cũng thường xuyên miêu tả những người ủng
hộ vua Lê ở phía bắc vào cuối thập niên 1780 là “nghĩa quân” và đề cập đến việc
vua Lê tuyển mộ “nghĩa sĩ”. Lời hịch do nho sĩ trung quân Lê Huy Dao soạn để
tập hợp những người ủng hộ cho mục tiêu phục hồi nhà Lê vào những thập niên
1780 và 1790 cũng thường nhắc đến từ “nghĩa” để miêu tả những người tham gia
chiến đấu chống lại nhà Tây Sơn. Tác phẩm Lê quý dật sử của Bùi Dương Lịch vào
đầu thế kỷ XIX cũng viết tương tự về các phong trào chống Tây Sơn vào năm 1786 là
“các cuộc khởi nghĩa” nhằm bảo vệ vì vua đang tại vị.
II.4.2. Nhà Tây Sơn và chữ “Đức”
Nhà Tây
Sơn cũng nhấn mạnh đến việc họ có đức, một tính cách cốt yếu khác của Khổng
giáo. Trong lúc chữ nghĩa miêu tả phong trào và các mục tiêu của nó theo nghĩa
rộng, ý niệm về chữ đức đòi hỏi một cách đặc biệt hơn ở cá nhân người lãnh đạo.
Việc nhấn mạnh vào đức có liên quan đến lời tuyên bố của nhà Tây Sơn rằng họ
nhận được mệnh trời, vì có một mối liên hệ rõ rệt giữa cái đức của cá nhân với
sự thừa nhận của trời. Như Lê Lợi đã nhận định ngắn gọn vào thế kỷ XV; “Trời
phù hộ người có đức”. Hoặc giả, trong sự phân bố ý niệm của O.W. Wolters,
“[Đức], theo nghĩa của người Tàu, là người có đức có thể tác động lên người
khác và lực hút như nam châm của nó được minh họa trong tiểu sử của những vị
thần nổi tiếng của địa phương. Như đã miêu tả, đức vận hành như một hình thức
lôi cuốn quần chúng. Nó cho phép một cá nhân lôi cuốn người ủng hộ và hướng họ
đi theo ý chí của ông ta.
Đối với
nhà Tây Sơn, được thừa nhận là có đức cũng gần quan trọng như những việc làm cụ
thể mà họ đã thể hiện. Xác định một người tự nhận là có đức có thể giúp đưa ra
những tuyên ngôn chính trị, trong khi đồng thời tự liên kết mình với thế giới
siêu nhiên, các lãnh tụ Tây Sơn tìm cách nhấn mạnh nhiều lần về lời tuyên bố họ
có đức. Thư của một giáo sĩ Tây Ban Nha viết vào những ngày đầu tiên của phong
trào cho rằng những người nổi dậy được người dân miêu tả như những kẻ cướp
“nhân đức”. Khi dịch bức thư, ông giáo sĩ gần như viết bằng tiếng Việt, thứ ngôn
ngữ mà tài liệu của các giáo sĩ Pháp về sau sử dụng khi nói về các lãnh tụ Tây
Sơn. Một thời gian ngắn sau, chắc chắn không phải do tình cờ mà Nguyễn Nhạc tự
khoác cho mình danh hiệu chính trị đầu tiên vào năm 1775, đó là hiệu Minh Đức
Chúa Công. Để rồi vào năm 1778, ông ta tiến thêm bước nữa, tự xưng hoàng đế và
chọn niên hiệu Thái Đức. Việc sử dụng từ đức như một phần niên hiệu không phải
Nhạc là người duy nhất làm thế; từ này đã 6 lần được các vua Lê sử dụng (cho dù
trước thời Lê không thấy sử dụng bao giờ). Tuy nhiên, việc Nguyễn Nhạc chọn chữ
đức như một phần niên hiệu của ông ta gợi ra một đức tính đặc biệt mà ông ta
muốn nhấn mạnh.
Ngoài
việc Nguyễn Nhạc sử dụng niên hiệu như thế, các anh em Tây Sơn còn tìm những
cách khác để nhấn mạnh đến tuyên ngôn của họ về chữ đức. Họ thường xuyên cố
gắng truyền bá các tên gọi của họ có liên quan đến chữ đức. Vì thế, có nhiều
chứng nhân người châu Âu thường dùng các từ sau khi viết về các anh em Tây Sơn,
như “đức anh” với Nguyễn Nhạc, “đức em” với Nguyễn Huệ, và “đức ông” khi nói
đến một trong hai người*. Việc thường xuyên sử dụng những từ này của các giáo
sĩ chắc chắn phản ánh một lối nói thông thường, cho thấy rằng các lãnh đạo Tây
Sơn rất thành công trong việc gieo chữ đức trong trí tưởng tượng của người dân.
Khi cả hai lãnh tụ Tây Sơn đến Thăng Long năm 1786, các giáo sĩ ở Đàng Ngoài đã
gọi chung họ là “hai đức ông” và riêng Nguyễn Huệ là “đức ông thứ nhất”. Thậm
chí những từ này còn tìm thấy trong tài liệu lịch sử của người Campuchia vào
thập niên 1930, ở đó, các cụm từ đức ông anh và đức ông em được dùng để nói đến
anh em Tây Sơn. Một thời gian sau khi cuộc nổi dậy bắt đầu, cách nói đó cho
thấy việc sử dụng các danh hiệu này của họ được phổ biến rộng rãi như thế nào.
II.5. VỐN XÃ HỘI
VÀ CHỦ NGHĨA DÂN TÚY CỦA NHÀ TÂY SƠN
Trong
lúc những cách gọi hoa mỹ kết hợp với các tuyên bố về sự chuẩn nhận của trời và
thế lực siêu nhiên là một hình thức hợp pháp hóa cần ích, các lãnh tụ Tây Sơn
cũng theo đuổi những cách thức tập hợp người ủng hộ cụ thể hơn. Vốn xuất thân
từ một nông thôn ở sát cạnh vùng cao nguyên, chắc chắn rằng các anh em Tây Sơn
lưu ý đến sự bất bình của cả giới nông dân ở đồng bằng lẫn các bộ tộc ở vùng
cao và cách mà họ có thể giải quyết những điều này (ít nhất trong một giới hạn
nào đó). Như chúng ta đã thấy, đáng kể nhất trong những mối bất bình này là
thuế má cao, các vấn đề tiền tệ, và tác động ngấm ngầm của sự suy yếu về ngoại
thương. Mặc dù trong những ngày đầu của cuộc nổi dậy, nhà Tây Sơn không đặt
mình vào tư thế thực hiện những cải cách quan trọng ở bất cứ lãnh vực nào, song
họ vẫn thường xuyên giải quyết những bất công kinh tế.
Một
trong những sáng kiến đầu tiên và quan trọng nhất của họ về phương diện này là
tái phân phối tài sản khi họ đi về nông thôn, mang theo khẩu hiệu: “Lấy của
người giàu cho lại người nghèo”. Theo tài liệu của người châu Âu thời kỳ này,
có vẻ như quân Tây Sơn nhằm đạt được sự ủng hộ của người dân nông thôn thông
qua việc tái phân phối tài sản như thế. Tuy sử dụng ngôn ngữ không được nhẹ
nhàng hơn, các nguồn tư liệu của người Việt vào thế kỷ XIX cũng miêu tả hành
động của họ với những từ tương tự: “Vào thời điểm đó, những kẻ nổi dậy đứng
lên, cướp của người giàu chia cho người nghèo, lừa bịp họ bằng những ân sủng
nhỏ nhặt để mua lòng mọi người”. Trong lúc các sáng kiến đó được xem như những
phương tiện (nhằm đạt được sự ủng hộ của người dân như sử nhà Nguyễn đã ghi)
hơn là cứu cánh, ý tưởng cổ xúy cho công bằng về kinh tế trở thành trung tâm
điểm của phong trào lúc ban đầu. Trong bất cứ trường hợp nào, những hành động
như thế mang lại cho anh em Tây Sơn danh nghĩa "kẻ cướp nhân từ” cũng như
sự ủng hộ rộng rãi của người dân.
Sự tái
phân tài sản không tạo ra một chuyển biến quan trọng trong mối quan hệ kinh tế
ở nông thôn, song những hành động như thế đã cho thấy những người nổi dậy là
những kẻ bị thiệt hại về kinh tế nhiều nhất. Hơn nữa, ý tưởng tái phân tài sản,
đặc biệt là thực phẩm, không chỉ đơn thuần có tính đại chúng, mà còn được chính
thức công nhận và trở thành tiền lệ trong lịch sử, ít nhất ở Đàng Ngoài. Vào
những lúc khủng hoảng, tại các vùng bị hạn hán hay lụt lội, triều đình cử quan
lại đi trưng thu lương thực của người giàu. Trong lúc hiệu quả của việc trung
thu còn hạn chế, do người giàu thường tự thu mình trong chỗ kín cổng cao tường
hoặc hối lộ quan trên, thì nguyên tắc đạo đức vẫn còn tồn tại và được mọi người
biết đến*. Tác giả Trương Bửu Lâm đã lập luận rằng trong nhiều trường hợp,
triều đình có thể làm giảm sự căng thẳng và chống đối ở địa phương bằng cách
nhượng bộ hay cứu tế dưới một hình thức nào đó. Chỉ khi nào “triều đình không
cứu tế, hoặc đồ trợ cấp đến quá trễ hay ít quá, sự chống đối mới kéo dài và
phát triển thành một lực lượng cần được vô hiệu hóa trên tầm mức quốc gia. Từ
viễn cảnh này, các nỗ lực của nhà Tây Sơn nhằm tái phân tài sản có thể được
hiểu như là một mưu tính chính đáng nhằm thực hiện những hoạt động mà chính
quyền nhà Nguyễn đã không làm vì một lý do nào đó. Thật vậy, sự kiên gan và
thắng lợi của cuộc nổi dậy là một cáo buộc đối với triều đình vì đã không xoa
dịu được sự bất mãn của người dân, và cũng là sự chỉ báo về những hành động của
chính anh em Tây Sơn.
Mặc dù
có vẻ như hầu hết hành động tái phân tài sản của Tây Sơn diễn ra vào đầu phong
trào, nhiều sự kiện về sau cũng nói lên bản chất những toan tính của họ nhằm sử
dụng các biện pháp kinh tế để khuyến khích sự ủng hộ của người dân. Trong các
chiến dịch diễn ra ở Đàng Ngoài năm 1786, nhà Tây Sơn từng đi vào một vùng đã
bị nạn đói tàn phá nhiều năm qua. Vì vậy, khi đội quân của họ chiếm được tiền
đồn ven biển của quân Trịnh ở Vị Hoàng, phía nam kinh thành Thăng Long, nơi có
nhiều kho thóc quan trọng của triều đình, họ nhanh chóng cho mở kho, phân phát
thực phẩm cho người dân trong vùng, về sau, khi quân Tây Sơn tiến vào Thăng
Long, họ cũng mở một nhà kho của triều đình tại đây, phân phát một số vật liệu
tìm được cho dân địa phương. Những hành động như thế vừa nhằm để chứng tỏ thiện
chí, vừa để xoa dịu những lo lắng của dân chúng liên quan đến mục đích của họ
trong thời gian họ lưu lại miền Bắc.
Ngoài
việc tịch thu và phân phát lại tài sản và thực phẩm, có lần anh em Tây Sơn
chiếm được Qui Nhơn vào mùa thu năm 1773 và kiểm soát có hiệu quả nhiều lãnh
thổ thuộc vùng duyên hải, họ bắt đầu áp dụng những biện pháp kinh tế khác, vừa
có tính tượng trưng, vừa trọng yếu. Những biện pháp đầu tiên tập trung vào vấn
đề thuế má, các lãnh tụ Tây Sơn thu hút được nhiệt tình của người dân trong
việc lập sổ bộ thuế. Như một nhân chứng người Tây Ban Nha đã viết:
"Trong
những thôn ấp nhỏ nhất, họ lấy các giấy tờ chính thức và đốt cháy nơi công
cộng, đặc biệt là bản chép cũ qui định đồ cống nạp và thuế má do nhà vua và các
quan lại đặt ra. Họ ban bố lệnh bãi bỏ việc cống nạp, ngoại trừ những phong tục
xưa ở miền Bắc buộc mỗi gia đình có lương thực trong nhà phải nộp một quan tiền
rưỡi mỗi năm. Người dân hoan hỉ với biện pháp này, thể nghe theo và cung hiến
cho những người giải phóng họ nhiều quà cáp. Họ đóng gông binh lính và quan lại
mà họ bắt được, trả thù tầng lớp xã hội này”.
Chắc chắn đó là những hành động có tính
toán để có một kết quả ấn tượng và công khai hủy hoại biểu tượng của một chính
quyền bị căm ghét, song chúng cũng được xem như là những chỉ dấu của một nền
kinh tế sắp được cải tiến. Trong một hành động mang nhiều tính tượng trưng
khác, Nguyễn Nhạc ráo riết truy đuổi và cuối cùng sát hại hai quan lại hành thu
thuế của triều đình đã trốn khỏi Qui Nhơn sau khi quân Tây Sơn tấn công vào phủ
lỵ này. Nói rõ hơn, thuế má là vấn đề hay thay đổi trong cư dân Quảng Nam và nó
đã được các lãnh tụ Tây Sơn khai thác một cách tỉ mi trong những chiến dịch ban
đầu của họ.
Mối quan tâm về kinh tế khác mà anh em
Tây Sơn đã giải quyết từng bước là chuyện đúc tiền. Như đã đề cập trong chương
trước, vào giữa thế kỷ XVIII, nhà Nguyễn đã bắt đầu cho đúc những đồng tiền pha
kẽm để thay thế tiền đồng cũ. Dân chúng lơ là với tiền kẽm, và hình như điều
này góp phần vào sự bất ổn kinh tế lan rộng vào cuối thập niên 1760, đầu thập
niên 1770. Các thương nhân tích trữ lương thực và từ chối bán chúng lấy tiền
mới, trong lúc những người có tiền đồng cũ ngần ngại, không muốn tham gia vào
việc mua bán này. Để đáp ứng lại tình thế này, nhà Tây Sơn bắt đầu cho đúc
những tiền đồng mới, có lẽ vào đầu năm 1775, nhưng chắc chắn là năm 1778, khi
Nguyễn Nhạc xưng hoàng đế và lấy niên hiệu Thái Đức. Việc đúc tiền mới có một
tác dụng tích cực và cụ thể trong cái nhìn của người dân về nhà Tây Sơn, vì
những đồng tiền bền chắc của họ đã thay thế những đồng tiền kẽm rất không được
người dân ưa chuộng. Do quyết định ban đầu về việc thay đổi đồng tiền kẽm gặp
phải tình trạng thiếu đồng, cách duy nhất mà anh em Tây Sơn có thể giải quyết
là nấu chảy những sản phẩm vãn hóa do con người làm ra (đồ tạo tác văn hóa) -
bao gồm vạc đồng dùng trong nghi lễ, trống, chiêng, và chuông - thu giữ chẳng
những từ các đền đài của nhà Nguyễn, mà còn từ các đền chùa Phật giáo. Cho dù
các vật liệu này xuất phát từ đâu, tiền Tây Sơn phổ biến đến nỗi chúng tiếp tục
được lưu hành rộng rãi vào thế kỷ XIX, mặc cho nhà Nguyễn nhiều lần tính đến
việc bãi bỏ và thay thế chúng.
Trong một nỗ lực khác nhằm đánh bóng
hình ảnh mình và củng cố tính đại chúng, anh em Tây Sơn đã tự nhận có quan hệ
chặt chẽ với những người dân mà họ lãnh đạo. Điều đặc biệt là cả Huệ và Nhạc
đều tự cho mình là những người bình dân, có ít của cải và không sở hữu miếng
đất nào. Họ coi mình như những người áo vải - nói cách khác là họ không ăn mặc
quần áo sang trọng như các quan chức. Lúc đầu, Nguyễn Nhạc dùng từ này để tự
nói về mình trong một thư gửi cho các tướng của họ Trịnh vào xâm chiếm Đàng
Trong năm 1776, mở đầu bằng câu: “Tôi xuất thân là người áo vải đến từ vùng Tây
Sơn”. Nguyễn Huệ bắt đầu sử dụng từ này vào năm 1786, khi ông bệ kiến vua Lê
lần đầu, lúc ấy, ông sử dụng trở lại câu mà Nhạc đã dùng trước đó, về sau, Huệ
sử dụng lại câu này với tư cách hoàng đế Quang Trung gửi thư cho triều đình nhà
Thanh vào giữa những năm 1789 và 1791. Cố nhiên, việc anh em Tây Sơn sử dụng từ
này trong quan hệ với các nhà lãnh đạo chính trị cho thấy là họ không chỉ đơn
thuần nhắm đến những người nông dân có thể theo họ. Trái lại, hình như nó được
dùng như một hình thức tôn kính, gọi lên sự khiêm tốn và không tiềm ẩn một sự
đe dọa nào, song có lẽ cũng là một biểu thị của sự trong sáng, như là họ đang
tìm cách nhấn mạnh đến tính chính đáng trong hành động của họ.
Mặc
dù cách nói đó được tìm thấy chủ yếu trong mối liên lạc giữa anh em Tây Sơn với
các quan chức chính trị cao cấp, có vẻ như nỗ lực nhằm quảng bá hình ảnh của họ
một cách rộng rãi hơn đã đạt được thành công, và câu “áo vải” đã bén rễ trong
trí tưởng tượng của người dân. Nổi tiếng nhất có lẽ là công chúa Ngọc Hân,
người vợ góa trẻ tuổi của hoàng đế Quang Trung, người đã sáng tác một bài thơ
khóc chồng khi nhà vua thăng hà vào năm 1792, trong đó, bà đã dùng từ “áo vải”
khi kể về ông. Nhưng đanh thép hơn, hai anh em Tây Sơn được một quan lại nhà
Nguyễn nhắc đến theo cách này vào năm 1799, khi ông ta nhận định về những lý do
dẫn đến thành công bước đầu của họ và sự lớn mạnh nhanh chóng của họ:
“Anh em
Nhạc Huệ là dân áo vải, không có miếng đất cắm dùi, thế mà giơ cao tay hô một
tiếng, người đi theo hàng vạn, không đầy năm sáu năm trời mà chiếm cả giang
sơn”.
Một quan lại nhà Nguyễn đã ghi lại gần
như nguyên văn lối nói mà anh em Tây Sơn đã sử dụng, gọi lên mức độ thành công
của họ trong việc gieo rắc ý niệm đó trong trí tưởng của người dân. Thật vậy, ý
niệm đó tiếp tục gây ra tiếng vang trong thời hiện đại, khi anh em nhà Tây Sơn
vẫn còn được nhiều người biết đến là những anh hùng áo vải. Trong lúc một mặt,
sự liên kết với người dân bình thường có vẻ như mâu thuẫn với điều họ cho là ý
trời, thì rõ ràng là họ tìm thấy một động lực khiến họ phải khắc phục sự phân
cách không thể không vượt qua này.
II.6. THIẾT LẬP CÁC MỐI QUAN HỆ CHÍNH TRỊ
Tính
hiệu quả, các biểu hiện siêu nhiên, việc chứng tỏ sự hào hiệp về kinh tế, và
lòng quả cảm cá nhân không đủ để hình thành một địa vị chính trị của những
người mới phất lên như anh em nhà Tây Sơn. Họ còn cần phải phát triển những mối
quan hệ trực tiếp hơn với những cơ chế chính trị đang tồn tại, và nhất là với
những cá nhân và dòng họ đang chính thức nắm quyền hành. Vì vậy, khi mà các
lãnh tụ Tây Sơn sử dụng loại kỹ thuật hợp pháp hóa đã được miêu tả ở trên, họ
cũng tìm cách kết nối với những thế lực cầm quyền đương thời. Họ làm điều đó
vừa thông qua việc thiết lập các mối quan hệ chính thức về chính trị và quân
sự, vừa thông qua những toan tính hôn nhân với dòng họ những người cầm quyền.
Trên cả hai phương diện, nhà Tây Sơn áp dụng chiến lược duy trì hình thức tiến
thân về mặt chính trị vẫn tồn tại lâu dài ở Việt Nam. Phát triển mối quan hệ
với những định chế đang tồn tại, với những nhân vật chính trị nổi bật, cùng
những di sản lịch sử, là điều rất cần để củng cố một yêu cầu về quyền lực.
Những quan hệ chính thức trong việc thiết lập quyền lực chính trị bao gồm một
hình thức chính thống hóa quan trọng, cùng lúc với sự hình thành những mối quan
hệ cá nhân và không chính thức với nhiều dòng dõi đang nắm quyền cũng là điều
cốt yếu dẫn đến sự thành công của nhà Tây Sơn.
II.6.1. Tây Sơn và nhà Nguyễn (1773-1775)
Vào
những năm đầu tiên của cuộc nổi dậy, các lãnh tụ Tây Sơn tìm cách tô vẽ hình
ảnh của họ không phải như những kẻ thay thế dòng họ Nguyễn, mà là những người
bảo vệ một trật tự đang tồn tại nhưng đã suy tàn. Khi đã chiếm được phủ lỵ Qui
Nhơn, họ tuyên bố ủng hộ “người cai trị hợp pháp” của vương quốc - người con
trai còn trẻ của vị chúa đã qua đời - người đã bị Trương Phúc Loan âm mưu truất
quyền kế nghiệp*. Loan báo ý định lật đổ cả vị chúa đang nắm quyền lẫn viên
quốc phó tham nhũng Trương Phúc Loan, Nguyễn Nhạc công khai tuyên bố:
“Nay
viên quan Trương Phúc Loan xấu xa và tham lam đã công khai nhận hối lộ và gây
ra sự rối loạn trong triều... Thế tử Dương*, con của Thái Bảo (con trai vị chúa
đã cai trị lâu dài) người rất thông minh, và ta đã lập ngài lên ngôi vương để
giữ yên ngôi chúa Nguyễn”.
Nói cách
khác, viên quốc phó “xấu xa”, người chịu trách nhiệm về những rối loạn gây nguy
hiểm cho dòng họ Nguyễn đang cầm quyền, cần phải bị thay thế bởi người kế vị
hợp pháp là vị thế tử “rất thông minh” và quân đội Tây Sơn sẽ là lực lượng đứng
ra thực hiện sự thay đổi này.
Các nhà
lãnh đạo Tây Sơn biết rất rõ rằng chiêu bài về một người kế vị hợp pháp sẽ có
tiếng vang mạnh mẽ đối với những người am hiểu chính trị còn ngờ vực hơn là mở
cuộc thách thức triều đình nhà Nguyễn. Bằng cách ủng hộ vị hoàng tôn, các nhà lãnh
đạo Tây Sơn cũng hi vọng sẽ thủ lợi từ sự phân hóa trong nội bộ cung đình đã
nổi lên để phản ứng lại những hành động của viên quốc phó. Như tác giả Trương
Bửu Lâm đã viết:
“Loan,
khi làm quốc phó... đã theo đuổi việc xóa bỏ một số định chế và khối quyền lực
mà nhà Nguyễn đã xây dựng trong gần 200 năm ở phương Nam. Hành động của ông ta
có nghĩa là nhiều nhân sĩ bỗng nhiên cảm thấy họ bị loại ra khỏi quyền lực
chính trị. Hậu quả là người dân phía nam chịu ảnh hưởng của những nhân sĩ bất
mãn này đã xem Loan như một kẻ xấu xa về trật tự vật chất, xã hội và đạo đức.”.
Trong số
những nhân sĩ bất mãn này có người thầy học của anh em Tây Sơn tên Trương Văn
Hiến. Người anh cả của Hiến trung thành với vị chúa cuối cùng và đã bị Trương
Phúc Loan sát hại khi chống lại các nỗ lực của Loan nhằm thao túng việc kế vị.
Hiến cư ngụ ở Qui Nhơn, mở trường dạy học, nơi các anh em Tây Sơn theo học. Có
thể rằng với tư cách người cố vấn không chính thức cho anh em Tây Sơn trong
những năm đầu, Hiến đã đề xuất chiến lược ủng hộ một người kế vị hợp pháp lên
ngôi, vừa có lợi về mặt chính trị, vừa là phương tiện để áp dụng biện pháp trả
thù cá nhân đối với Loan*.
Khi lời
tuyên bố “cứu giá” chúa Nguyễn của nhà Tây Sơn trở nên quan trọng đối với các
nho sĩ bị buộc phải chọn lựa giữa những người nông dân nổi dậy “có đức” với
những ông vua thối nát nhưng “hợp pháp” hoặc các chúa phục vụ họ, những lời
tuyên bố như vậy cũng quan trọng đối với người nông dân ủng hộ họ. Thật vậy,
không cần thiết phải nỗ lực kêu gọi cứu giúp một ông vua ở những người nông dân
mà phần đông đã sung vào quân đội. Miêu tả phong trào của họ theo cách này, nhà
Tây Sơn tự liên kết với truyền thống lâu đời của những người dân ủng hộ các nhà
cai trị hợp pháp chống lại những người chống đối khác. Hai họ Trịnh - Nguyễn bảo
vệ nhà Lê chống lại họ Mạc là ở vào truyền thống này, như các thành viên trong
hoàng tộc nhà Lê vừa mới tìm cách giải thoát nhà vua khỏi sự chế ngự của họ
Trịnh. Ở bất cứ trường hợp nào, bằng cách lưu ý rằng họ là những kẻ trung quân,
không phải là bọn phản loạn, anh em Tây Sơn hi vọng được người dân ủng hộ mà
không gặp sự khó xử về đạo đức với những ai dính líu với dòng chúa Nguyễn.
Nhà Tây
Sơn đã thành công trong nỗ lực liên kết với vị đông cung thế tử và tuyên bố họ
là người đấu tranh, bảo vệ ông. Một khẩu hiệu phổ biêh được tung ra vào thời
điểm này vẽ lên sự khác biệt giữa hai thế lực chống chọi nhau: “Quân triều đình
là quân của quốc phó- Lính huýt gió là lính của đông cung”. Quốc phó là Trương
Phúc Loan, và câu “lính huýt gió” nhằm ám chỉ những tiếng huýt gió to mà quân
Tây Sơn tạo ra khi di chuyển ở nông thôn. Một khẩu hiệu tương tự cũng xuất hiện
cùng thời điểm trên, nêu rõ tên những nhân vật chính trị có vấn đề: “Tấn công
và lật đổ Trương Phúc Loan, giúp và ủng hộ đông cung Nguyễn Phúc Dương”. Sự xuất
hiện của những khẩu hiệu như thế cho thấy rằng lời kêu gọi phục hưng của anh em
Tây Sơn đã âm vang trong cư dân Đàng Trong.
Để đẩy
xa hơn tính chính thống của họ như những chiến sĩ bảo vệ người thừa kế hợp pháp
của nhà Nguyễn, anh em Tây Sơn lấy họ mẹ là họ Nguyễn. Họ của người cha là họ
Hồ, khi kết nối với dòng họ Hồ Quý Ly, nhà lãnh đạo đầy quyền lực tại miền Bắc
vào cuối thế kỷ XIV, đã không tạo ra một âm hưởng nào đặc biệt trên lãnh thổ
phía nam. Họ Nguyễn sẽ có nhiều thuận lợi cho họ hơn trong tiến trình thực hiện
chiến dịch. Chẳng những họ này liên kết họ trong ý thức của người dân về dòng
họ đang nắm quyền, tạo ra một cái vỏ bọc về tính chính thống, mà còn có thể coi
như một điềm lành. Những người trung thành với chúa Nguyễn thường được phép đổi
ra họ Nguyễn như một ân sủng được chúa ban cho. Điều đó có nghĩa rằng khi mang
dòng họ Nguyễn hoặc là họ có liên quan đến dòng hoàng tộc, hoặc là họ được công
nhận có công phục vụ xứ sở. Cuối cùng, quyết định chọn họ Nguyễn có thể là dụng
ý của anh em Tây Sơn nhằm liên kết họ với một lời tiên tri khác: Phù Nguyễn trì
thống (dòng họ Nguyễn sẽ bảo vệ và cai trị). Việc chọn lấy họ Nguyễn không đơn
thuần là sự kết nối anh em Tây Sơn với nhà Nguyễn đương quyền, mà quan trọng
không kém là sự liên kết họ với lời tiên tri xác định quyền cai trị sẽ thuộc về
dòng họ Nguyễn.
Không thỏa mãn với việc chỉ sử dụng họ Nguyễn, Nguyễn Nhạc còn tìm cách tạo lập mối quan hệ gần gũi hơn nữa với nhà Nguyễn bằng việc mưu tính gả một trong những cô con gái của ông ta cho vị đông cung mà anh em Tây Sơn đang bảo vệ*. Ý nghĩa của nỗ lực nhằm tạo mối quan hệ qua hôn nhân không nên được cường điệu quá đáng. Ngay từ những ngày đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập, sự kết giao qua hôn nhân rất quan trọng, giúp các dòng họ có thế lực tại địa phương buộc chặt với nhau trên một lãnh thổ bị chia cắt. Từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIV, các triều Lý và Trần đã cầm quyền trên đất nước Đại Việt và kết giao với nhau qua một mạng lưới hôn nhân với những dòng dõi tự trị tại địa phương. Vào các thế kỷ sau, những sự kết giao như thế tiếp tục được sử dụng như một phương tiện kết nối các dòng dõi chính trị thuộc nhiều vị trí khác nhau, trong đó có hai họ Trịnh và Lê trong cuộc cộng sinh chính trị lâu dài của họ. Trong một vùng đất mà quan hệ họ hàng quyết định địa vị chính trị và tính chính thống, đối với những người ngoại cuộc làm chính trị như anh em Tây Sơn, một trong những cách tốt nhất để tự khẳng định mình là qua hôn nhân, trở thành thành viên của những gia đình có uy tín về chính trị. Trong lãnh vực này, việc họ sử dụng quan hệ hôn nhân cũng tương tự như dòng họ Nguyễn trước họ, vào thế kỷ XVII đã phát triển mối quan hệ hôn nhân với các nhà cai trị hai vương quốc ở sát cạnh là vương quốc Khmer và vương quốc Chăm và với những thương nhân giàu có như cách củng cố nền tảng chính trị của chính họ.
Tuy
nhiên, để tạo dựng mối quan hệ hôn nhân, trước tiên Nguyễn Nhạc phải bắt được
đông cung Nguyễn Phúc Dương, người trước đó đã tránh được một cuộc truy bắt của
nhà Tây Sơn. Cho dù họ tuyên bố tranh đấu nhân danh đông cung thế tử, có nhiều
dấu hiệu cho thấy ông không hoan nghênh lắm sự hỗ trợ này và tìm cớ duy trì một
khoảng cách an toàn với những kẻ tự nhận đã cứu ông. Song, sau khi nhà Tây Sơn
treo thưởng cho ai bắt được ông, cuối cùng đông cung Dương cũng bị bắt và bị
giải đến cho các lãnh tụ Tây Sơn ở Hội An vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm 1775.
Vào lúc này, Nhạc “gả con gái Thọ Hương cho đông cung như một quà tặng và nhiều
lần yêu cầu đông cung lên ngôi chúa, song ông không đồng ý”. Phần lớn chứng cứ
còn lưu lại kể rằng đông cung tiếp tục từ chối những đề nghị đó, cho đến ngày
ông có thể thoát khỏi sự giam hãm của nhà Tây Sơn vào cuối năm 1776 và chạy vào
vùng Gia Định, nơi tập trung quân của nhà Nguvễn. Tuy nhiên, về phần mình,
Nguyễn Nhạc tin, hay muốn tin rằng cuộc hôn nhân là hoàn hảo, vì theo Hoàng Lê
nhất thống chí, về sau, Nhạc tự giới thiệu với nhà Lê là qua cuộc hôn nhân này,
ông ta đã là một thành viên của dòng họ Nguyễn từng cầm quyền*.
Với việc đông cung Dương thoát khỏi sự cầm giữ của anh em Tây Sơn, sự thuận lợi từ mối quan hệ với nhà Nguyễn tan thành mây khói. Sự ra đi của ông khiến các lãnh tụ Tây Sơn mất đi những tàn dư còn có ích của nhà Nguyễn, những người còn tồn tại của vương triều này tập hợp lại ở vùng Gia Định dưới sự chỉ huy của một ông hoàng trẻ khác là Nguyễn Ánh (cháu nội chúa Nguyễn Phúc Khoát). Vì vậy, sau khi đông cung đi thoát rồi, anh em Tây Sơn từ bỏ việc khoe khoang phục vụ cho chính nghĩa của nhà Nguyễn và năm sau đó, họ đã tàn sát gần như toàn bộ dòng dõi nhà Nguyễn trong một cuộc càn quét vùng Gia Định. Trong mọi trường hợp, nhà Tây Sơn tiếp tục duy trì khoảng cách nhất định giữa họ và những người mà họ tự cho là bảo vệ chính nghĩa của họ. Như chúng ta đã biết ở phần trên, nhà Tây Sơn đã đúc những chiếc ấn quân sự chỉ trích chúa Nguyễn trẻ tuổi như một bạo chúa. Để đẩy mạnh sự chỉ trích hơn nữa, các lãnh tụ Tây Sơn chính thức cấm sử dụng từ phúc là một phần tên của quốc phó Trương Phúc Loan, của chúa Nguyễn Phúc Thuần vừa bị sát hại, và của toàn bộ dòng dõi các chúa Nguyễn*. Mối quan hệ căng thẳng giữa họ với đông cung Dương trẻ tuổi và sự nhận biết là lời tuyên bố ủng hộ nhà Nguyễn của họ chỉ còn chút giá trị nhất định khiến họ tìm thêm những mối quan hệ chính trị khác. Họ không cần phải nhìn đâu xa, vì đại quân của họ Trịnh đã có mặt tại vùng đất phía nam rồi.
Hình 5:
Bản đồ miền Trung Đàng Trong cho thấy những địa điểm then chốt có liên quan đến
cuộc nổi dậy. Các địa danh trong phủ được đặt theo sự phân bố địa lý, với các
ranh giới không rõ ràng.
II.6.2. Nhà Tây Sơn và họ Trịnh (1775-1786)
Trong
lúc cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn gây ra nhiều thiệt hại cho các chúa Nguyễn, nó
trở thành một cơ hội ngoạn mục cho chúa Trịnh ngồi ở Thăng Long quan sát những
biến động đang diễn ra. Lợi dụng những rối loạn ở phía nam, chúa Trịnh Sâm ra lệnh
xâm chiếm lãnh thổ của chúa Nguyễn vào mùa hè năm 1774, tuyên bố là mục đích
nhằm giúp đỡ chúa Nguyễn chống lại nhà Tây Sơn. Sâm huy động một đạo quân
30.000 người nhanh chóng tiến vào nam. Cuối năm 1774, quân Trịnh đến vùng đất
Thuận Hóa đang suy yếu vì nạn đói và đầu năm sau vào đến Phú Xuân, một thành
phố đang diễn ra cảnh rối loạn nội bộ nghiêm trọng, với một vài quan lại hỗ trự
tích cực cho cuộc xâm chiếm của quân Trịnh, Sau khi chiếm kinh đô nhà Nguyễn
một cách dễ dàng, quân Trịnh tiếp tục tiến về phía nam, qua đèo Hải Vân và đi
sâu vào Quảng Nam.
Trong
lúc cuộc tiến quân trước đó của họ ít gặp sự kháng cự của quân Nguyễn, và lúc
ban đầu, họ cũng giành được một vài thắng lợi trước quân Tây Sơn, thì sau đó
quân Trịnh sớm gặp khó khăn. Họ đã không được chuẩn bị tốt cho việc thích ứng
với các điều kiện về địa lý và khí hậu ở phía nam, các đường dây tiếp tế bị
căng ra quá mức chịu đựng. Những vấn đề trên kết hợp với một trận dịch quét qua
toàn quân Trịnh và mặc dù lúc đầu chỉ ảnh hưởng đến binh lính (làm chết 600
người và 3.000 người khác bị nhiễm bệnh), song về sau còn làm giảm sút nghiêm
trọng số người chỉ huy quân sự nữa. Trong một thời gian ngắn giữa tháng 1 và
tháng 3.1775, đã có 3 trong số những tướng lĩnh quan trọng của quân Trịnh qua
đời*.
Mặc dù
lâm vào tình thế khó khăn, cuộc tiến công của quân Trịnh vào cuối năm 1774, đầu
năm 1775 cho thấy một mối đe dọa nghiêm trọng cho vị thế của nhà Tây Sơn đang
lâm nguy trước cuộc phản công do quân nhà Nguyễn tiến hành từ phía nam. Kẹt
giữa hai lực lượng quân sự, và không có đủ tiềm lực chiến đấu ở cả hai mặt
trận, Nguyễn Nhạc tỏ ra thực dụng khi xin đầu hàng quân Trịnh vào cuối mùa xuân
1775. Khi Nhạc bày tỏ điều này trong lá thư gửi cho tướng Trịnh, “tôi được biết
đại quân đang tiến công và lấy lại lãnh thổ cũ. Tôi nghĩ ngay đến bản thân
mình: tôi đang ở trên đất của nhà vua, và tôi là thần dân của vua, tôi sẽ hết
lòng tuân theo mệnh lệnh của ngài”. Đang ở trong tình thế căng thẳng, các chỉ
huy quân Trịnh dễ dàng thỏa thuận với lời xin đầu hàng và cử anh em Tây Sơn làm
tướng trong hàng ngũ quân Trịnh. Người lớn nhất trong ba anh em Tây Sơn từng bị
quân Trịnh chế nhạo một cách khinh miệt bằng cái tên “Biện Nhạc ngông
cuồng" được cử làm Tây Sơn Hiệu Trưởng Tráng Tiết Tướng Quân. Lúc đầu, nhà
Trịnh chỉ phong chức cho Nguyễn Nhạc, nhưng ông ta thúc giục họ làm nhiều hơn,
và họ đồng ý ban cho người em của ông ta là Nguyễn Huệ chức Tây Sơn Hiệu Tiền
Phong Tướng Quân. Cuối cùng thì trong lúc bề ngoài Nhạc vẫn giả vờ hành động
như một thuộc hạ của chúa Nguyễn, ông ta còn là một tướng trong quân đội của họ
Trịnh lãnh sứ mạng lật đổ chính nhà Nguyễn.
Chẳng
những ban cho anh em Tây Sơn chức chưởng trong quân đội, chúa Trịnh còn ban
tượng trưng những phần thưởng bằng vật chất cho những người liên minh mới với
họ. Những vật phẩm đó biểu thị cho cả quyền lực chính trị và quân sự, gồm có
gươm, quân phục, cờ, và ấn tín. Chúng có một ý nghĩa chính trị to lớn và có giá
trị nhiều hơn chức tước, vốn dễ yêu cầu nhưng không dễ được dẫn chứng. Sở hữu
những phẩm vật phản ánh chức vụ mới và sự liên kết của họ, anh em Tây Sơn dễ
dàng hơn trong việc tuyên bố nắm quyền. Có ưu thế nhất trong những phẩm vật này
là chiếc ấn, biểu tượng chính thức của chức vụ chính trị hay quân sự. Chúng
được sử dụng ở Đại Việt cũng như ở Trung Quốc, nhằm mang lại tính hiệu lực cho
những văn kiện chính thức, nhưng quan trọng hơn là nhằm làm biểu tượng cho
quyền lực và địa vị. Việc sở hữu một chiếc ấn như thế là dấu hiệu chủ yếu của
quyền lực. Như đã ghi lại ở trên, một giáo sĩ đã viết vào năm 1776 rằng do
Nguyễn Nhạc không sở hữu một ấn tín của triều đình, người dân nghĩ là ông ta
không có được ân sủng của trời. Tầm quan trọng của ấn tín cũng được nêu rõ
trong một tình tiết liên quan đến một tôi trung của nhà Nguyễn về sau đã đi đến
kinh đô của Tây Sơn để làm thông dịch cho một phái bộ của người Anh do Charles
Chapman dẫn đầu vào năm 1778:
“Ông
quan không may tội nghiệp của chúng tôi đang ở trên boong tàu, ông ta thích ẩn
mình trong một bộ trang phục của người Anh, râu cạo nhẵn, răng đánh sạch, và
điều làm cho ông ta lo lắng là phải cắt bộ móng tay dài từ hơn bảy phân đến một
tấc. Ông ta muốn xem tờ giấy (một chỉ dụ của Nguyễn Nhạc cho Chapman) và ông ta
nói với tôi mà nước mắt quoanh tròng khi nhìn thấy dấu đóng từ ấn tín cũ của
các chúa Nguyễn mà người sở hữu đê hèn đã lấy cắp nó”.
Thật
vậy, tầm quan trọng của ấn tín trong thế giới biểu tượng chính trị của người
Việt Nam được chứng tỏ qua việc đánh cắp ấn của một vị quan hay tự ý đúc ấn là
có thể bị chém đầu.
Các lãnh
tụ Tây Sơn biết rõ giá trị những vật phẩm do chúa Trịnh cấp, và cố công gìn giữ
những gì mà các ân nhân của họ đã ban cho họ. Nguyễn Nhạc nhiều lần cử các phái
bộ mang quà tặng cho các ông chủ ở phía bắc, dâng những phẩm vật có giá trị
phản ánh sự giàu có và tài nguyên thiên nhiên của phía nam: ngựa, voi, gỗ trầm
hương, đá cẩm thạch và vàng. Những phái bộ này xuất hiện đều đặn đến mức chúa
Trịnh phải từ chối một số lễ vật của nhà Tây Sơn. Trong số những phái bộ mang
phẩm vật có một phái bộ được Nhạc chính thức giao việc dâng cho chúa Trịnh
quyền kiểm soát ba phù dưới quyền họ là Quảng Ngãi, Qui Nhơn và Phú Yên. Vì ba
phủ này nằm ở phía nam đèo Hải Vân mà quân Trịnh đã rút khỏi, việc dâng tặng
được nêu lên với nhận thức đầy đủ là món quà này sẽ không được chấp nhận. Hoặc
đúng hơn là các lãnh tụ Tây Sơn tin chắc rằng ngay cả khi chúa Trịnh nhận quà
tặng thì họ cũng chỉ làm việc đó theo nghi thức, vẫn cho phép Nhạc tiếp tục
thực hiện quyền kiểm soát trực tiếp lãnh thổ trên thực tế.
Có trong tay chức tước mới và nhiều
vật phẩm có giá trị tượng trưng, anh em Tây Sơn quay sự chú ý vào việc tấn công
quân Nguyễn ở phía nam, vì lúc bấy giờ họ là tướng trong quân Trịnh, tự coi
mình là đạo quân tiên phong của quân Trịnh ở phía bắc. Không còn bị đe dọa bởi
quân Trịnh ở mặt bắc, quân Tây Sơn có thể tiến hành một cuộc phản công hữu hiệu
chống quân Nguyễn và đẩy cuộc xung đột đi xa hơn về phía nam. Trong lúc quân
Tây Sơn chống quân Nguyễn, Nguyễn Nhạc tiếp tục nuôi dưỡng những tham vọng
chính trị xa hơn mà ông ta tin rằng người bảo trợ là chúa Trịnh có thể đáp ứng
được. Cuối cùng, vào đầu năm 1777, Nhạc đòi hỏi chúa Trịnh thừa nhận quyền hành
chính trị của ông ta (đối lại với trách nhiệm quân sự đơn thuần) trên lãnh thổ
phía nam Phú Xuân. Chúa Trịnh về mặt danh nghĩa có mọi quyền hạn trên vùng đất
này, đã thuận theo yêu cầu của ông ta. Chúa bổ nhiệm Nguyễn Nhạc làm trấn thủ
Quảng Nam và phong tước quận công, hãng thứ ba trong các tước vị triều đình.
Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Nguyễn Hoàng, người khai sáng
vương quyền nhà Nguyễn ở Đàng Trong, cũng được phong chức tước này, và điều đó
cho thấy chúa Trịnh xét Nhạc trên danh nghĩa tương tự*, có thêm trong tay những
chức tước đó, Nhạc trở thành một viên chức chính trị ưu tú của chúa Trịnh.
Sau những thăng thưởng này, có vẻ như
mối tương quan giữa Nguyễn Nhạc (và nhà Tây Sơn nói chung) với những nhà lãnh
đạo ở phía bắc đã không còn như trước nữa. Các tài liệu lịch sử Việt Nam không
còn viết về những mối quan hệ giữa các năm 1777 và 1786 và có lẽ những tình
huống này không đáng phải ngạc nhiên. Trong thời gian các nhà lãnh đạo Tây Sơn
tham gia vào một cuộc chiến đấu mãnh liệt với kẻ thù họ Nguyễn ở phía nam, họ
ít có cơ hội, và cũng không cần mấy, tiếp xúc nhiều với chúa Trịnh. Khi hai bên
chạm trán nhau lần nữa thì đó là vào năm 1786, lúc bấy giờ quân Tây Sơn tấn
công ồ ạt vào các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị trước kia của họ.
II.6.3.
Nhà Tây Sơn và các mối quan hệ chính trị địa phương: người dân vùng cao và
người Chăm
Ngoài
những nỗ lực ban đầu nhằm kết hợp với những trung tâm chính trị xa xôi (cho dù
là hùng mạnh hơn) ở Thăng Long và Phú Xuân, nhà Tây Sơn còn thiết lập mối quan
hệ với các lực lượng và tổ chức chính trị tại địa phương. Một trong những khía
cạnh quan trọng nhất trong cuộc nổi dậy của anh em Tây Sơn là mối quan hệ giữa
họ với nhiều bộ tộc không phải là người Việt, gồm cả những người sống ở cao
nguyên và những người cư trú ở đồng bằng ven biển. Thông qua giao thiệp về
thương mại, Nguyễn Nhạc đã thiết lập mối quan hệ tốt với các bộ tộc ở cao
nguyên, trong đó đáng lưu ý nhất là người Bahnar. Một vài tài liệu chép rằng
Nhạc đã cưới một phụ nữ Bahnar làm vợ, một điều dường như đã được xác minh
trong tài liệu của người châu Âu về sau này cho rằng vợ ông ta và mấy người con
có thể xuất thân từ các nhóm người vùng cao. Cùng với các bộ tộc khác, người
Bahnar cung cấp binh lính, quân nhu, và sự phòng vệ trong những năm đầu của
phong trào, khi nó dễ dàng bị tấn công và tiêu diệt bởi quân Nguyễn. Có thể sự
dính líu của người Bahnar vào phong trào Tây Sơn là sự tiếp tục hỗ trợ cho
những hành động chống nhà Nguyễn đã diễn ra vào các thập niên 1750 và 1760.
Những nhóm người này tiếp tục ủng hộ nhà Tây Sơn, cho dù chúng ta sẽ thấy ở
Chương IV, nhiều người khác chọn cách đứng về phía nhà Nguyễn là đối địch của
Tây Sơn*.
Trong
lúc những quan hệ chính trị và cá nhân diễn ra tại cao nguyên cố nhiên là có
tính quan trọng, đặc biệt trong những giai đoạn đầu tiên của phong trào, khi
nhà Tây Sơn mở rộng hoạt động xuống vùng đồng bằng ven biển, họ ngày càng dựa
vào các tổ chức chính trị ở đồng bằng, đặc biệt nhất là các tổ chức của người
Chăm. Vùng đất các anh em Tây Sơn đứng lên là trung tâm của một vùng từng được
dùng làm kinh đô của vương quốc Champa hùng mạnh. Vào thế kỷ XVIII, tổ tiên của
người Chăm từng kiểm soát phần lớn vùng đất miền Trung của Việt Nam ngày nay,
có lúc quyền lực của họ trải dài tới Thăng Long ở phía bắc, tới Angkor ở các
phía tây và nam. Champa có một lực lượng chính trị và quân sự ghê gớm đối đầu
với nhà nước Việt Nam lúc ban sơ, song rồi suy yếu về chính trị và mất dần đất
đai vào tay người Việt từ đầu thế kỷ XV. Đến các thế kỷ XVI và XVII, nhà nước
Champa và cư dân của họ còn phải chịu đựng cảnh nhà Nguyễn bành trướng về phía
nam, và vào thời kỳ Tây Sơn, vương quốc Champa đã thu nhỏ rất nhiều về đất đai
và uy thế. Tuy vậy, Champa tiếp tục giữ một mức độ độc lập về chính trị nhất
định, cảnh quan trong vùng vẫn còn rải rác các tháp Chăm và các bức tường
thành, nhắc nhở uy lực một thời của các vua Chăm. Do sự tiếp tục tồn tại của
người Chăm, khu vực trên được gọi phổ biến là xứ Chiêm hoặc các du khách châu
Âu gọi đơn giản hơn là Chăm.
Nhận ra
những gì họ phải chịu đựng dưới bàn tay quyền lực của các chúa Nguyễn, có lẽ
không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng người Chăm sẵn sàng liên kết với nhà
Tây Sơn. Trong số những người đầu tiên ủng hộ phong trào Tây Sơn có bà công
chúa Chăm tên Thị Hỏa và các ngươi thân cận của bà. Nhà Tây Sơn không chỉ đơn
thuần trông chờ vào sự ủng hộ vật chất của người Chăm, cho dù họ có tuyển mộ
người Chăm vào trong quân đội của họ, họ còn coi đó là những biểu tượng chính
trị, tuy không rõ ràng song cũng quan trọng không kém. Theo các sử quan triều
Nguyễn vào thế kỷ XIX, các nhà lãnh đạo người Chăm đã giới thiệu với các lãnh
tụ Tây Sơn nhiều vật phẩm có tính biểu tượng: “Chưởng cơ Chăm ở xứ Thuận Thành
(một thuộc quốc của triều đình nhà Nguyễn), tiếp xúc với nhà Tây
Sơn,
mang theo tất cả biểu chương của vương quốc Chăm để dâng nộp cho họ”*. Trên
thực tế, một hành động như vậy cho thấy một chuyển biến về kỳ vọng chính trị
của người Chăm vào nhà Tây Sơn. Có lẽ người lãnh đạo dân tộc Chăm suy luận rằng
nhà Tây Sơn có thể giúp họ duy trì sự tự trị hoặc ít nhất cho phép họ thực hiện
việc trả thù nhà Nguyễn. Cũng như những lễ vật mà họ Trịnh đã dâng nộp, các đồ
tạo tác cung đình của người Chăm đã giúp nhà Tây Sơn thực hiện các nghi thức
trong nỗ lực hợp pháp hóa về mặt chính trị.
Về những
vật phẩm cung đình được dâng nộp, một tài liệu rất khác biệt và có lẽ hạp lý
hơn, là thư của một giáo sĩ Pháp tên Jean- Pierre-Joseph D’Arcet, người Pháp
duy nhất sống trong lãnh địa do nhà Tây Sơn kiểm soát trong thời gian giữa thập
niên 1770 và năm 1786:
“Ngày
nọ, rút quân về sau một trận chiến ở Đồng Nai, (Nguyễn Nhạc) viếng một tiểu
vương cư ngụ trên lộ trình của ông ta nằm giữa hai vương quốc, ông ta không gặp
ai tại triều đình ngoài một thiếu niên khoảng 10 đến 12 tuổi đang ngồi trên
ngai vàng. Nhạc tự xưng là cha và người anh cả của ông vua trẻ kia* và đòi xem
những vật phẩm quý giá nhất trong triều. Trong những đồ vật mà ông ta được cho
xem, có một cây quyền trượng bằng vàng chạm trổ đẹp, với hình 14 chiếc sừng,
đánh dấu 14 thế hệ cha con đã nắm quyền kể từ khi vương quốc được thành lập.
Ông ta giữ lấy tác phẩm tuyệt vời đó và nói với người đệ tử: “ta sẽ trả nó lại
cho con”. [Vị tiểu vương] đã phải nhận quà tặng và cho phép người giám hộ nhân
đức và giàu lòng trắc ẩn kia* cướp đoạt tài sản chốn cung đình. Người đệ tử
đáng thương đó phải sẵn lòng như thế để bảo tồn sự sống còn của ông ta”.
Tài liệu
đó chứng tỏ là nhà Tây Sơn đã tịch thu các biểu chương của người Chăm, thay vì
người Chăm dâng hiến cho họ, và những điều này cho thấy động cơ của nhà Tây Sơn
rõ hơn là nguyện vọng của người Chăm. Cho dù biểu chương của vương quốc Chăm có
được dâng nộp hay bị tịch thu thì cuối cùng cũng đã nằm trong tay các lãnh tụ
Tây Sơn và chắc chắn là họ sử dụng chúng với hiệu quả cao. Những vật phẩm đó có
một ý nghĩa rất bí ẩn mà âm vang của chúng đã làm tăng thêm trọng lượng đáng kể
cho những tuyên bố về chính trị và lễ nghi của nhà Tây Sơn.
Có lẽ
mối quan hệ có ý nghĩa biểu tượng nhất của nhà Tây Sơn đối với dân tộc Chăm nằm
trong việc Nguyễn Nhạc đã chọn cố đô Vijaya của người Chăm làm kinh đô của
mình. Thành này có tên tiếng Việt là Chà Bàn (hay Đồ Bàn), hơi xa cảng Qui Nhơn
và không được tu sửa từ nhiều thế kỷ qua. Nguyễn Nhạc nỗ lực tích cực khôi phục
chúng, gia cố các bức tường thành và tái thiết một số cung điện bên trong*. Du
khách Anh Charles Chapman đã đến thăm thành phố này vào năm 1778 và có để lại
một tài liệu miêu tả thú vị về nó (xem bên dưới). Chà Bàn được dùng làm kinh đô
của Nguyễn Nhạc từ năm 1776 cho đến khi ông ta qua đời vào năm 1793, khi đó,
người cháu kế nghiệp ông* tiếp tục sử dụng thành phố này như một trung tâm
chính trị. Mặc dù không có một chứng cứ rõ ràng nào cho thấy nhà Tây Sơn chọn
lấy khu vực này vì nó là một kinh đô cũ của người Chăm, nhưng hầu như chắc chắn
rằng đây là một phần quan trọng trong các tính toán của Nguyễn Nhạc. Một nguồn
tư liệu có tên Nguyễn thị Tây Sơn ký ghi chép rằng khu vực này được chọn lựa
không phải vì nó báo hiệu một điềm tốt, mà vì trong bất cứ trường hợp nào, nó
cần ích và tương đối dễ phòng thủ.
Mối quan
hệ Tây Sơn-Chăm được thiết lập trong mấy năm đầu của cuộc nổi dậy và không phải
là một mối quan hệ có thể đánh giá được. Xét cho cùng, nhà nước Chăm vẫn là một
vị trí trung gian của quyền lực chính trị. Từ vị trí này, nhà Tây Sơn có thể
tranh giành quyền lực với nhà Nguyễn, không phải với tư cách người kế tục trực
tiếp của dòng họ Nguyễn, mà với tư cách là những người kế tục truyền thống
chính trị Chăm. Có lẽ không phải hoàn toàn là điều ngẫu nhiên khi Nguyễn Huệ
đến Thăng Long vào năm 1786, một số người phương Bắc đã gọi ông với cái tên Chế
Bồng Nga, nhắc nhở nhà lãnh đạo Chăm nhiều quyền lực vào thế kỷ XIV, người đã
tấn công kinh đô nước Đại Việt tương tự như thế. Và điều có một ý nghĩa biểu tượng
là cũng như Chế Bồng Nga, như chúng ta sẽ thấy, Nguyễn Huệ cũng được kết hôn
với một bà công chúa như một hành động vừa nhằm nhân nhượng vị tướng phương
Nam, vừa kết nối hai vương quốc chính trị nam và bắc*. Trong lúc đế chế Chăm
từng đạt đến đỉnh cao dưới triều Chế Bồng Nga, và đến thế kỷ XIX, nó trở nên
rất tầm thường về mặt chính trị đến mức hầu như không còn tồn tại trên thực tế,
thì với người phương Bắc, khi bị tách rời khỏi phần đất Đại Việt, dân tộc Chăm
vẫn còn là một thế lực chính trị và quân sự mạnh mẽ.
II.7. TRỞ THÀNH VƯƠNG CÔNG, VUA VÀ HOÀNG ĐẾ:
ANH EM TÂY SƠN TUYÊN BỐ NẮM QUYỀN LỰC
Cho dù
đã tạo được mối quan hệ quan trọng với những thế lực chính trị đương thời, nhà
Tây Sơn có những tham vọng chính trị riêng của họ và không hoàn toàn đi theo
con đường của họ Nguyễn, họ Trịnh hay người Chăm. Vì vậy, ngay cả khi họ tự coi
mình như những người bảo vệ dòng họ Nguyễn, đạo quân nổi loạn ấy đã hủy hoại
những vật phẩm thiêng liêng nhất của triều Nguyễn, đặc biệt nhất là họ đã đốt
cháy 9 ngôi đền (của các chúa Nguyễn, kể từ chúa Nguyễn Hoàng), trong thủ phủ
chính của tỉnh Quảng Nam vào giữa năm 1774. Trong lúc không rõ đó có phải là
một hành vi có tính toán nhằm báo thù chính trị hay không, hay đơn thuần chỉ là
sự phá hoại do thiếu kiểm soát trong một chiến dịch quân sự, điều này làm lộ rõ
sự căng thẳng trong mối quan hệ vốn có giữa nhà Tây Sơn với những thế lực được
coi là đồng minh của họ. Năm sau, Nhạc biểu lộ những dấu hiệu đầu tiên về tham
vọng chính trị của ông (có lẽ mới triển khai). Tham vọng đó diễn ra dưới hình
thức thiết lập một chính quyền chính thức của nhà Tây Sơn, mô phỏng về danh
hiệu, nếu không về chức năng, là những yếu tố quan trọng của một chính quyền
quân chủ. Quan trọng hơn cả là Nguyễn
Nhạc tự phong là Minh Đức Chúa Công - giữ
cương vị từng do các chúa Nguyễn nắm giữ" và sau đó ban phát tước vị cho
các em của ông, ông cũng tổ chức, ít nhất trên danh nghĩa, lục bộ là 6 cơ quan
đảm trách những nhiệm vụ chính của một chính quyền Đại Việt theo truyền thống:
bộ Công, bộ Lại, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hình và bộ Hộ, và bổ nhiệm người trông coi
các bộ. Như sách Bình Nam thực lục đã mô tả, ông “đặt ra các tước vị theo đúng
hệ thống của dòng họ Nguyễn”. Hành vi này là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy là
nhà Tây Sơn không cần một bung xung từ dòng họ Nguyễn, ngay cả khi họ tiếp tục
cầm giữ một hoàng tôn Dương bướng bỉnh làm con tin về chính trị.
Năm
1776, bị chúa Trịnh quấy rầy, các lãnh tụ cuộc nổi dậy nâng cao tính độc lập
của họ khi Nguyễn Nhạc tự xưng hiệu Thiên Vương*. Li Tana đã chỉ ra rằng đó là
danh hiệu mà các chúa Nguyễn thường sử dụng trong mối quan hệ với dân bản địa
trong vùng. Có vẻ đây là một nỗ lực nhằm công bố một danh hiệu chính trị quen
thuộc như một phần trong ý đồ của Nhạc muốn củng cố hơn nữa địa vị của ông ta
trong cộng đồng dân cư địa phương. Cũng vào thời điểm đó, ông ta chính thức
thiết lập kinh đô tại Vijaya, đúc một chiếc ấn vàng (như chúng ta đã thấy, đó
là một biểu tượng quyền lực rất mạnh mẽ), lập một phân khu chính trị mới tại
Qui Nhơn, và công bố một chế độ cưỡng bách quân sự, qui định cứ 5 dân làng thì
phải có một người khai báo nghĩa vụ quân sự.
Tuy
nhiên, tham vọng chính trị của Nhạc vẫn chưa được thỏa mãn, vì hai năm sau, vào
năm 1778, ông ta tuyên bố lên đến đỉnh cao nhất của quyền lực chính trị, tự
xung hoàng đế và khai mở năm đầu tiên của niên hiệu Thái Đức, về mặt tượng
trưng, đó là một bước đi vô cùng quan trọng, vì trong lúc chấp nhận một niên
hiệu mới, Nguyễn Nhạc phải đoạn tuyệt hoàn toàn với các mệnh lệnh của triều Lê,
một bước đi mà thậm chí sau gần 200 năm, nhà Nguyễn cũng không thực hiện*.
Trong hệ thống chính trị xưa của nước Đại Việt, niên hiệu được dùng để ghi lại
thời điểm xảy ra các sự kiện, như một chuẩn mực theo thể biên niên ký. Việc nhà
Nguyễn sử dụng niên hiệu của vua Lê trong lịch của họ và trong các tài liệu
khác cho thấy sự kiện họ tiếp tục công nhận quyền hành tối cao của nhà Lê*.
Nguyễn Nhạc không có được sự đảm bảo về quyền hành như nhà Nguyễn khi họ duy
trì lâu dài ý niệm về quyền thống trị của nhà Lê đối với vùng đất phía nam,
bước đi của Nhạc có lẽ nên được coi như là một lối tuyên xưng cá nhân hợp với
logic hơn là một thách thức chính trị mạnh mẽ đối với vua Lê. Qua việc chấp
nhận một niên hiệu mới, Nhạc công bố sự thiết lập một nhà nước độc lập ở phía
Nam, thay vì thách thức những lời khẳng định của vua Lê trên toàn cõi Đại Việt,
về điểm này, các chứng cứ về mặt tư liệu chưa đầy đủ, rõ ràng, cho dù có vẻ như
lời tuyên bố của Nhạc chỉ nhằm vào lãnh địa cũ của nhà Nguyễn. Trong cùng năm
đó, khi nêu rõ kế hoạch mở rộng đất đai xa hơn với phái viên người Anh Charles
Chapman, Nguyễn Nhạc cũng chỉ đề cập đến việc chiếm lĩnh những đất đai cũ của
nhà Nguyễn vào thời đó còn nằm dưới sự kiểm soát của quân Trịnh, không kể tới
việc thách thức quyền hành của nhà Lê ở phía bắc con sông Gianh.
Việc Nhạc
cố gắng mô phỏng tính xa hoa của triều đình nhà Lê được Chapman kể lại trong
chuyến viếng thăm của ông vào tháng 7.1778, tại triều đình Tây Sơn ở thành cổ
của người Chăm*. Như Chapman đã viết:
“Xét
tổng quát, khung cảnh có một vẻ bề ngoài tinh tế, và mặc dù nó đòi hỏi sự sắp
đặt những đồ dùng cần thiết để tạo nên sự đường bệ và lộng lẫy để so sánh với
các ông hoàng phương Đông khác, như sự dồi dào những ngọc đá quý, thảm, người
hầu cận, sự qui củ và đúng mực quan sát được ở đây mang lại cho mọi người ý tưởng
về một vị vua có nhiều quyền hành được vây bọc bởi triều đình của ông ta”.
Chapman
cũng viết về vẻ bề ngoài của Nguyễn Nhạc như sau:
“Vì vua
mặc một chiếc áo lụa màu vàng sẫm*, trên khảm hình rồng bằng vàng và các hình
thể khác; ông đội trên đầu một chiếc mũ chật quay ra sau, trán được trang điểm
bằng châu ngọc, trên cùng là một viên đá to màu đỏ được một sợi dây xỏ qua và
nâng nó lên vài phân, Nó lúc lắc và sáng lấp lánh mỗi khi ông cử động”.
Có thể
rằng Chapman đến thăm Nguyễn Nhạc một thời gian ngắn sau khi ông lên ngôi Thái
Đức hoàng đế. Trong lúc các nguồn tư liệu về vấn đề này không rõ ràng thì sách
Nguyễn thị Tây Sơn ký chép rằng “vào mùa xuân, tháng đầu tiên năm Mậu Tuất
(1778), quân ta (Nguyễn) tiến công Sài Gòn, quân của Tổng đốc Nhung bị đánh bại
và trốn chạy. Vào lúc đó, Nhạc tự xưng là Mình Đức hoàng đế”. Phần còn lại của
tài liệu bao gồm nghi thức phủ phục của các quan lại trước Nhạc, cho thấy rằng
thể chế của ông ta vào thời đó là thể chế của một hoàng đế hơn là của một quốc
vương.
Với việc
Nhạc tự xưng hoàng đế, nhà Tây Sơn đã cắt đứt liên minh chính trị và quân sự
với nhà Nguyễn và họ Trịnh khi họ tạo nên một quyền lực chính trị độc lập.
Trong 8 năm sau đó, tình trạng chính trị này vẫn diễn ra trên vùng đất do Tây
Sơn kiểm soát, ngay cả khi những xung đột về quân sự với nhà Nguyễn vẫn tiếp
diễn ở phía nam. Tuy nhiên, về sau, tình hình biến đổi mạnh mẽ, làm thay đổi
sâu sắc diễn biến của phong trào và chia rẽ các lãnh tụ Tây Sơn.
II.8. GIỚI HẠN CỦA SỰ CỐ KẾT: SỰ CHIA RẼ VỀ
CHÍNH TRỊ CỦA NHÀ TÂY SƠN
Khoảng cuối năm 1785, các lãnh tụ Tây Sơn tiếp tục khai triển những tuyên bố về chính trị và tính hợp pháp trong phạm vi lãnh thổ cũ của nhà Nguyễn ở phía nam đèo Hải Vân. Tuy nhiên, qua năm sau, tình hình biến đổi, và năm 1786 đánh dấu một sự phân rẽ trong phong trào Tây Sơn, khi những mối căng thẳng tiềm ẩn giữa các lãnh tụ Tây Sơn nổi lên một cách mạnh mẽ. Nguồn cội của những đổi thay này là sự bành trướng dần ảnh hưởng quân sự và chính trị của nhà Tây Sơn ở Đàng Ngoài, nổi bật với việc trước tiên Nguyên Huệ chiếm lấy Phú Xuân và ngay sau đó là kinh thành Thăng Long ở phía bắc trong một chiến dịch thần tốc. Về thực chất, phong trào bị chia rẽ vào mùa hè năm 1786 và một đường ranh chia cách đã được vạch ra giữa Nguyễn Nhạc, là người cẩn trọng hơn, song có lẽ ít tham vọng hơn, với người em trai năng động và có tài về quân sự là Nguyễn Huệ.
Hình 6:
Bản đồ Đàng Ngoài cho thấy những vị trí then chốt liên quan đến hoạt động của
nhà Tây Sơn ở khu vực phía bắc. Các tên trong trấn được đặt theo sự phân bố địa
lý chung.
Trước
thời điểm này, anh em Tây Sơn chiến đấu cùng với nhau trong khuôn khổ một sự
lãnh đạo còn tương đối chặt chẽ, dưới sự giám sát tối hậu của Nguyễn Nhạc. Điều
đáng tiếc là có ít thông tin về những động lực nội tại trong sự lãnh đạo của
nhà Tây Sơn trong khoảng thời gian giữa những năm 1775 và 1786, do đó khó mà
xác định bản chất và qui mô của những căng thẳng tồn tại từ lâu giữa hai anh
em. Một chi tiết trong thư của một giáo sĩ có miêu tả việc hai anh em Nhạc-Huệ
bất hòa với nhau về việc hành xử với người Cơ Đốc giáo vào năm 1784, cho thấy
sự tồn tại của mối căng thẳng này. Vào thời điểm trên, người ta kể rằng Huệ đã
đả kích mạnh mẽ chính sách của người anh qua việc thẳng tay đàn áp người Cơ Đốc
giáo, lập luận rằng điều này gây nhiều chia rẽ vào lúc mà họ cần sự hợp nhất về
mặt xã hội trong cuộc chiến đấu chống lại nhà Nguyễn đang diễn tiến. Bức thư
miêu tả là Huệ rất giận dữ và Nhạc cũng miễn cưỡng đồng tình với những lập luận
của người em*. Mặt khác, chúng ta chỉ có thể suy đoán rằng dù gì thì sự cáng
thẳng đang tồn tại giữa hai anh em cũng được làm dịu đi bởi những chiến dịch
quân sự diễn ra đều đặn khiến họ thường xuyên sống xa nhau và luôn bận rộn ở
vùng đất phía nam. Cùng lúc đó, khi Huệ đạt được những thắng lợi liên tiếp ở phía
nam trong lúc người anh vẫn bất động ở Chà Bán, người em có thể đã bắt đầu
khuếch trương tham vọng chính trị của riêng mình. Dù ở trường hợp nào thì mối
quan hệ giữa họ cũng đã thay đổi từ năm 1786 vớí chiến dịch chiếm lại Thuận Hóa
từ tay quân Trịnh.
II.8.1. Tây Sơn tiến ra Bắc
Nhiều
yếu tố khiến cho năm 1786 trở thành thời điểm thuận lợi cho việc tấn công quân
Trịnh. Quan trọng nhất là chiến thắng có tính quyết định của quân Tây Sơn trước
liên quân Nguyễn- Xiêm tại vùng châu thổ sông Cửu Long vào cuối năm 1785. Đòn
trí mạng này buộc Nguyễn Ánh và những người ủng hộ ông phải sống lưu vong tại
Xiêm và ở đó cho đến năm 1787. Trong tình trạng chúa Nguyễn ở xa và có vẻ như
vùng đất phía nam đã chắc chắn nằm dưới sự kiểm soát của mình, cuối cùng thì
anh em Tây Sơn đã nhìn ra phía bắc. Nhạc muốn lấy lại vùng đất mà quân Trịnh đã
chiếm của chúa Nguyễn trong chiến dịch 1774-1775, một tham vọng mà ông ta đã
nuôi dưỡng từ ít nhất là vào năm 1778. Thứ đến, Đàng Ngoài đã bị hủy hoại bởi
một trận đói kéo dài tàn phá cả một vùng và trở nên đặc biệt dữ dội vào đầu năm
1786. Cuối cùng, Nhạc nhận được sự tư vấn và ý kiến về mặt chuyên môn của
Nguyễn Hữu Chỉnh, một người đã phản lại triều đình phương Bắc và tham gia vào
lực lượng quân sự phương Nam từ năm 1782. Chỉnh trốn khỏi Đàng Ngoài sau khi
cảm thấy bị thất sủng trong một cuộc lật đổ ở triều đình tiếp sau cái chết của
chúa Trịnh Sâm. Ngay cả sau khi đâ bỏ đi, Chỉnh vẫn còn quan hệ với chính quyền
phía bắc. Mùa xuân năm 1786, ông ta tiếp một người quen đến thăm, là một sứ giả
do chúa Trịnh gửi đến để thảo luận về vấn đề ranh giới với các lãnh tụ Tây Sơn.
Sứ giả này đã cung cấp cho Chỉnh chi tiết của trận đói đang xảy ra ở phía bắc
và thẳng thắn khuyến cáo người bạn của ông ta tiến hành một cuộc tấn công; ông
ta biểu lộ sự bất bình với chính quyền họ Trịnh và những khó khăn to lớn đang
diễn ra tại vương quốc phía bắc. Chỉnh được nghe kể lại về tình hình trong vùng
quê của ông và cung cấp cho anh em Tây Sơn những thông tin họ cần nắm để chuẩn
bị tiến hành cuộc tấn công.
Được
Chỉnh cổ vũ là thời cơ đã chín muồi cho một cuộc tấn công, Nhạc phái Chỉnh và
Nguyễn Huệ đi chiếm lấy những vùng đất họ Trịnh đang chiếm giữ ở phía bắc sông
Gianh. Đã bị trận đói làm cho suy yếu, sức mạnh của những người bảo vệ khu vực
này sa sút thêm sau một tuần lễ nhịn ăn theo lệnh của viên trấn thủ, như một
phần của nghi thức chữa lành bệnh. Một cuộc tấn công ngắn ngủi vào kinh thành
Phú Xuân đã hạ gục quân phòng thủ, phần lớn quân Trịnh đồn trú tại đây bị quân
Tây Sơn tiêu diệt. Nhiều nguồn tư liệu viết rằng kết quả trận đánh là một cuộc
thảm sát mà hầu như không một người nào trong lực lượng phòng thủ ở kinh thành
còn sống sót. Viên tổng trấn cũng bị sát hại trong trận này. Sau khi giải quyết
nhanh gọn lực lượng phòng thủ chính của quân Trịnh ở Phú Xuân, quân Tây Sơn
nhanh chóng tiến về phía bắc, đến sông Gianh.
Thay vì
tạm dừng chiến dịch tại con sông từ lâu được dùng làm ranh giới chia cắt giữa
quân Trịnh và quân Nguyễn, Nguyễn Huệ quyết định vượt quá chỉ thị của người anh
và mở rộng chiến dịch qua khỏi sông Gianh, hướng về kinh thành Thăng Long ở
phía bắc. Nhiều nhà viết sử người Việt cho rằng trong những chiến dịch năm
1786, Nguyễn Huệ quyết định chiếm lấy Đàng Ngoài thay vì dừng lại ở sông Gianh.
Một số người cho rằng họ nhìn thấy ở Huệ một ước vọng thống nhất đất nước,
trong khi các nhà phân tích bi quan hơn thì giải thích quyết định của ông đơn
thuần là sự phản ánh ý thức mạo hiểm cá nhân. Thật vậy, theo những tư liệu
đương thời của cả người Việt và người châu Âu, người thúc đẩy việc mở rộng chiến
dịch không phải là Nguyễn Huệ, mà đúng hơn là Nguyễn Hữu Chỉnh. Sách Hoàng Lê
nhất thống chí, một trong những nguồn tư liệu quan trọng nhất về thời kỳ này,
có thuật lại một cuộc đàm luận kéo dài giữa hai người, trong đó Chỉnh thúc giục
Huệ nắm lấy cơ hội, mở rộng cuộc tấn công về hướng Thăng Long, lưu ý Huệ rằng ở
phương Bắc lúc bấy giờ, không còn ai có nhiều sức mạnh hoặc sự hiểu biết để tổ
chức kháng cự. Dù cho Chỉnh lập luận rằng có thể lấy lý do phục hồi ngôi vị nhà
Lê để biện minh cho cuộc mạo hiểm này, điều rõ ràng là việc ông ta nóng lòng đi
ra bắc là sự kết hợp giữa tham vọng cá nhân và mong muốn tră thù nhà họ Trịnh
đã buộc ông ta phải sống kiếp lưu đày.
Căn cứ
vào lời khuyên của Chỉnh, quân Tây Sơn mang theo những lá cờ đề rõ 4 chữ Phù Lê
Diệt Trịnh, cho thấy rằng chiến dịch của họ nhằm giải thoát cho vua Lê*. Vì
thế, cũng giống như những chiến dịch trước đây mà họ đã chiến đấu nhân danh
người kế nghiệp “chân” chúa Nguyễn, lần này họ tiến ra Thăng Long dưới lá cờ
nhà Lê. Họ không phải là những kẻ nổi loạn, mà là những lực lượng khôi phục
nhắm đến việc “phò vua”. Nhưng ngay cả khi nhà Tây Sơn sử dụng danh nghĩa nhà
Lê theo cách này, cũng đã có những dấu hiệu cho thấy họ có thể đồng thời sử
dụng trở lại họ Nguyễn, nhân danh dòng họ Nguyễn, giải phóng đất bắc khỏi tay
chúa Trịnh và giúp đỡ nhà Lê. Theo sách Sử ký Đại Nam Việt quốc triều, một tác
phẩm không rõ năm ra đời (song chắc chắn là ở vào thế kỷ XIX), đã miêu tả mánh
khóe đó với mấy chi tiết sau:
“Trước
tiên, họ gửi đi một bức thư báo cho người dân biết rằng ‘nhà Nguyễn đã đánh bại
quân Tây Sơn và đã bình định mọi vùng đất ở Đàng Trong; nay chúng tôi ra Đàng
Ngoài, trước tiên để cứu dân lành và diệt họ Trịnh, do trong quá khứ họ đã gieo
rắc nhiều khó khăn cho dân; thứ đến, là cứu giá nhà Lê; và thứ ba là do trước
đây họ Nguyễn là các chúa cai trị toàn bộ khu vực Đàng Ngoài và tôn phò nhà Lê,
và vì thế một lần nữa chúng tôi mong mỏi nắm lấy cương vị này’. Vì vậy, một số
quân lính (của Tây Sơn) đã mang theo những lá cờ ghi hàng chữ ‘nhà Nguyễn có nhiệm
vụ diệt Trịnh phù Lê’”.
Đoạn văn
trên cho thấy rằng vào năm 1786, một lần nữa, nhà Tây Sơn nhấn mạnh đến mối
quan hệ giữa họ với các chúa Nguyễn, coi như những người này từng có một kinh
đô chính trị ở phía bắc. Ngoài ra, một giáo sĩ Pháp còn ghi chép rằng trong
thời gian diễn ra các chiến dịch của nhà Tây Sơn, tiếng đồn loan truyền là chúa
Nguyễn sắp đến, làm ra vẻ như quân Tây Sơn là một đạo quân của chúa Nguyễn. Có
nhiều khả năng các lãnh tụ Tây Sơn tìm cách làm cho mọi người tin rằng chính họ
là nhà Nguyễn khi trước đến để cứu giúp nhà Lê. Cho dù có thể người dân phía
bắc có đôi chút ác cảm với chúa Nguyễn, nhưng sẽ có lý khi cho rằng họ sẽ chào
đón các chúa Nguyễn hơn là chào đón những nông dân nổi dậy được đại diện bởi
nhà Tây Sơn.
Cho dù
sử dụng chiêu bài nào để biện minh cho việc tiến quân ra bắc, Nguyễn Huệ cũng
đã đưa quân đội của ông vào một chiến dịch rất có hiệu quả chỉ kéo dài mấy tuần
lễ. Một lần nữa, quân Tây Sơn chỉ phải đối phó với sự kháng cự yếu ớt của quân
Trịnh, nạn đói kèm theo những cuộc đấu tranh chính tỏ nội bộ tại kinh đô đã làm
giảm thiểu khả năng tổ chức một cuộc phòng thủ thích đáng. Vì thế, quân Tây Sơn
đã vào thành Thăng Long ngày 21.7.1786 mà không gặp một sự kháng cự nào, chúa
Trịnh đã chạy khỏi kinh thành. Khi đã vào hoàng thành, Nguyễn Huệ kiên định với
lời hứa phục hồi địa vị của vua Lê. Ông thu xếp một cuộc bệ kiến và long trọng
trao trả lại quyền hành cho vua Lê Cảnh Hưng*. Bù lại, vua Lê ban tước vị cho
lãnh tụ Tây Sơn bao gồm tước rất cao là Đại Nguyên Soái Uy Quốc Công. Việc ban
danh hiệu Đại Nguyên Soái là một hành động có ý nghĩa đặc biệt, bởi vì đây
chính là danh hiệu mà các chúa Trịnh nắm giữ, và điều đó có ngụ ý là Nguyễn Huệ
được vua Lê coi như người đã thay thế chúa Trịnh*. Có nhiều khả năng vua Lê coi
việc nhà Tây Sơn trao quyền độc lập chính trị cho mình là một mưu mẹo và cho
rằng hiện trạng sẽ được khôi phục, với nhà Tây Sơn đang giữ vai trò của chúa
Trịnh đã bị trục xuất khỏi kinh thành.
Cho dù
được vua Lê chào đón và ban tước vị, Nguyễn Huệ tỏ vẻ không hài lòng và thậm
chí còn cảm thấy bị hạ nhục khi nhận như thế. Ông đã gián tiếp phàn nàn điều
này với người tâm phúc là Nguyễn Hữu Chỉnh:
“Ta đã
mang hàng chục ngàn quân, đánh chỉ một trận mà bình định cả vùng phía bắc sông
Gianh. Từng tấc đất, từng con người ở đây đều là của ta, nếu ta muốn xưng đế,
xưng vương, có gì cản được ta đâu. Về cái chỉ dụ cử ta làm Nguyên Soái Uy Quốc
Công, đó có phải là điều quan trọng với ta không? Phải chăng người phương Bắc
muốn dùng danh hiệu anh hùng để lung lạc ta? Ông có nghĩ rằng ta là kẻ mọi rợ
nhận ngay lấy những danh vị này và coi đó là đủ danh dự và vinh quang cho ta
rồi!"*.
Không
thỏa mãn với những tước vị đó, lãnh tụ Tây Sơn tìm kiếm một phần thưởng lớn lao
hơn. Điều đặc biệt là ông đã hỏi cưới cô công chúa triều Lê*. Không có cớ từ
chối, vua Lê chịu gả cho Nguyễn Huệ cô con gái cưng của mình là công chúa Ngọc
Hân.
Cũng
giống như việc ban chức Đại Nguyên Soái, chuyện hôn nhân vua Lê chấp thuận cũng
là sự tiếp nối mô thức đã được thiết lập trong mối quan hệ cộng sinh lâu dài
giữa vua Lê và chúa Trịnh, thường là những cuộc hôn nhân giữa các công chúa
triều Lê với người trong dòng họ Trịnh. Các chúa Trịnh thường cưới công chúa
nhà Lê để cho mối quan hệ với hoàng tộc nhà Lê được luôn mới mẻ và sâu sắc.
Bằng cách thâm nhập triều đình nhà Lê qua hôn nhân, anh em nhà Tây Sơn làm theo
cách của các chúa Trịnh mà họ đã loại trừ và mở rộng mối quan hệ với những
người cầm quyền chính trị. Trước tiên, Nguyễn Nhạc mưu toan một cuộc hôn nhân
cưỡng bách giữa con gái ông ta và vị Thế tử trẻ tuổi của nhà Nguyễn*, và giờ
đây, người em trai của ông đi theo một tiến trình tương tự, cho dù trong những
tình huống có khác đôi chút. Bằng cách dàn xếp mối liên kết với nhà Lê qua hôn
nhân, chỉ sau hơn 10 năm một chút, anh em Tây Sơn đã thiết lập hay mưu toan
thiết lập mối quan hệ chính trị hoặc gia tộc với những nhà cầm quyền vào thời
kỳ này, và thậm chí trong trường hợp người Chăm, họ còn loại bỏ các chính quyền
địa phương. Thêm vào đó, như đã ghi trước đây, cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Huệ và
Ngọc Hân gợi nhớ lại cuộc hôn nhân vào thế kỷ XIV giữa vua Chăm Chế Bồng Nga và
một bà công chúa Việt khác*. Một lần nữa, một nhân vật chính trị-quân sự phía
nam đến từ một căn cứ trên lãnh thổ Chăm và đã được an ủi bằng cách được lấy
một nàng công chúa.
Sau khi
đã làm rể trong gia đình hoàng tộc phía bắc, Nguyễn Huệ sớm bị lôi cuốn vào các
vấn đề chính trị trong triều khi vua Lê già nua qua đời chỉ mấy ngày sau lần
tiếp kiến vị lãnh tụ Tây Sơn. Đã có những cuộc tranh cãi trong triều về việc
nên chọn ai kế vị ngai vàng, vì không có một người thừa kế trực tiếp nào bên
nam giới. Nguyễn Huệ trực tiếp tham gia vào cuộc bàn cãi về ai sẽ là người kế
vị tốt nhất của vua Cảnh Hưng và cuối cùng chọn người cháu của vua là Lê Mân Đế
lên ngôi với niên hiệu Chiêu Thống*, Mặc dù người cháu này là ứng viên hàng
đầu, song ông ta còn khá trẻ* không có nhiều hiểu biết về chính trị hơn người
tiền nhiệm, nên ông dễ bị lôi kéo bởi những nhân vật chính trị quyền uy hơn.
Chưa đầy 6 tháng sau, ông ta đã phải nhờ sự che chở của những người còn sót lại
của dòng họ Trịnh*.
II.8.2. Một cuộc tranh cãi: Sự chia rẽ trong
hàng ngũ Tây Sơn
Với sự
phục hưng triều đại nhà Lê và việc kế vị đã được sắp xếp xong, có vẻ như Nguyễn
Huệ đã củng cố chặt chẽ quyền hành của nhà Tây Sơn trên dải đất trải dài từ Hà Tiên
ở vịnh Xiêm La đến biên giới Trung Quốc. Ngược lại, hành động của ông ở miền
Bắc đã đánh dấu sự khỏi đầu mối bất hòa công khai về chính trị bên trong hàng
ngũ nhà Tây Sơn. Hai yếu tố góp phần tạo ra sự nứt rạn này. Trước tiên là sự
thách thức công khai của Nguyễn Huệ đối với quyền hành chính trị của người anh.
Trong lúc đây không phải là lần đầu tiên Huệ thách thức mệnh lệnh của Nhạc, đây
là sự vi phạm hiển nhiên nhất đối với chính quyền khởi thủy từ Qui Nhơn. Cho dù
Huệ có gửi một thư thông báo cho người anh ý định đẩy chiến dịch đi xa hơn và
tấn công Thăng Long, song ông đã không chờ được trả lời trước khi bắt đầu cuộc
tấn công.
Yếu tố
thứ hai góp phần vào sự căng thẳng giữa hai anh em đơn giản là lãnh thổ nằm
dưới ảnh hưởng của nhà Tây Sơn đã tăng lên hơn gấp đôi trong một sớm một chiều.
Vì thế, lãnh thổ này trở thành dải đất rộng lớn nhất chưa từng được một chính
quyền đơn độc nào kiểm soát, nó cũng trở nên khó cai trị hơn rất nhiều. Trong
lúc Nguyễn Huệ chính thức chuyển giao quyền lực ở phía bắc cho nhà Lê, ông tiếp
tục quan tâm vào những công việc ở vùng này, đặc biệt trong vùng đất quan trọng
là Nghệ An, mà Huệ đã chiếm lấy từ triều đình nhà Lê và đặt nó dưới quyền hạn
của mình. Do hậu quả của việc Nguyễn Huệ tấn công ra Đàng Ngoài, sức mạnh chính
trị của nhà Tây Sơn bị kéo dãn ra, đặc biệt khi xét đến khoảng cách tương đối
xa giữa Qui Nhơn với phần lãnh thổ ở phía bắc đèo Hải Vân.
Nguyễn
Nhạc phản ứng lại loạt diễn biến này theo hai cách. Trước tiên, sau khi nhận
được thư của Huệ vào giữa tháng 8, Nhạc lập tức tập hợp một đạo quân nhỏ và
chạy vội ra bắc để kéo người em về. Sau khi trải qua 4 ngày ở Bắc hà, và bệ
kiến tân hoàng đế nhà Lê, Nhạc đưa Huệ cùng đạo quân hỗn hợp xuôi về nam vào
cuối tháng 8. Họ để Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại, bề ngoài là để coi sóc những quyền
lợi của họ ở Nghệ An, cho dù lúc đó có sự suy đoán rằng ông ta bị bỏ rơi bởi
những người từng một thời liên kết với ông ta. Thứ đến, để đáp ứng với sự mở
rộng việc kiểm soát lãnh thổ - và có lẽ cũng nhằm làm rõ mối quan hệ giữa ông
ta và người em - Nhạc phân chia lãnh thổ giữa các anh em. Như đã đề cập ở trên,
ông ta phong cho Nguyễn Huệ tước Bắc Bình vương, và giao cho nhiệm vụ trấn giữ
đất Thuận Hóa, phần lãnh thổ mà Huệ vừa lấy lại từ quân Trịnh, và Nghệ An, do
Huệ chiếm giữ của nhà Lê. Nhạc vẫn còn giữ cương vị Thái Đức hoàng đế, thêm vào
danh nghĩa Trung ương Hoàng đế, xác định quyền kiểm soát toàn bộ xứ Quảng Nam,
ngoại trừ vùng Gia Định. Vùng đất quan trọng ở phía nam được ông ta giao cho
một người em khác là Nguyễn Văn Lữ, với tước Đông Định Vương. Vì vậy, chuỗi sự
kiện bắt đầu vào năm 1786 đã đưa lãnh thổ nước Đại Việt vào một tình trạng qua
phân về chính trị (thậm chí còn nặng nề hơn thời kỳ Trịnh- Nguyễn phân tranh).
Mối quan
hệ chính trị về sau giữa ba anh em nhà Tây Sơn không được các nguồn tư liệu
đương thời mô tả rõ ràng, về mặt kỹ thuật, chỉ có một hoàng đế thống trị toàn
bộ lãnh thổ từ Nghệ An trở vào, là Nguyễn Nhạc. Từ những tài liệu chính thức
được soạn thảo trong thời kỳ Nguyễn Huệ trị vì, chúng ta biết rằng ông vẫn tiếp
tục công nhận người anh của ông là Thái
Đức
hoàng đế. Có vẻ như mối quan hệ chính trị giữa hai anh em cũng tương tự như mối
quan hệ tồn tại dưới thời vua Lê, trong quan hệ với chúa Trịnh. Vua Lê từng là
người đứng đầu triều đình trên danh nghĩa, với danh hiệu hoàng đế, trong khi
chúa Trịnh nhận tước vương. Cho dù bản chất thật của mối quan hệ tồn tại giữa
ba anh em Tây Sơn như thế nào, thực tế cho thấy có ba gương mặt chính trị cao
cấp đang kiểm soát một lãnh thổ gồm phần lớn nước Đại Việt. Tuy nhiên, sự phân
chia trách nhiệm về chính trị không triệt tiêu được sự thù địch ngày càng dâng
cao giữa các anh em, và vào đầu năm 1787, Huệ và Nhạc lâm vào một cuộc nội
chiến. Một vài tài liệu cho rằng Huệ giận dữ vì đã không được chia phần thích
đáng từ những gì đã tranh thủ được trong các chiến dịch đánh ra phía bắc. Các
tài liệu khác thì cho rằng Huệ cảm thấy bị sỉ nhục do Nhạc đã ngủ với một trong
những người vợ của ông. Dù với lý do nào, chiến tranh cũng đã bùng nổ giữa hai
anh em, lên đến đỉnh điểm khi Huệ tập hợp một đạo quân lên đến hơn 80.000 binh
sĩ vây hãm thành Chà Bàn. Sau ba tháng bị vây hãm, cuối cùng thì Nhạc đã đầu
hàng người em của mình. Điều kiện đầu hàng làm phức tạp thêm sự phân chia lãnh
thổ giữa các anh em Tây Sơn, khi Nhạc nhượng hai huyện ở phía bắc Quảng Nam cho
Huệ. Nó tạo nên một hình thể vụng về về mặt địa lý khi lãnh thổ của Huệ chồm
qua hai bên đèo Hải Vân vốn từ lâu được xem như một đường ranh thiên nhiên chia
đôi hai vùng đất về mặt địa lý. Mặt khác, nó tạo điều kiện cho Huệ mở rộng việc
kiểm soát vùng Quảng Nam cùng tiềm năng tiếp cận những vùng đất xa hơn về phía
nam.
Sự bất
hòa giữa hai anh em tiếp tục dưới những hình thức tinh vi hơn sau khi cuộc xung
đột công khai được giải quyết xong, và biểu lộ qua những nỗ lực của Nguyễn Huệ
nhằm đảm bảo quyền lực của ông trên lãnh thổ miền Bắc. Trong lúc Huệ bị Nhạc
kéo về nam vào cuối mùa hè năm 1786 và ở lại Phú Xuân thì Nguyễn Hữu Chỉnh bị
bỏ lại ở Bắc hà và quyết định ở lại Nghệ An, tiếng là để bảo vệ quyền lợi của
nhà Tây Sơn ở đây. Vì thế, khi một người còn sót lại của dòng họ Trịnh mưu toan
tái lập quyền thống trị về chính trị của dòng họ Trịnh vào cuối năm 1786, chính
Chỉnh là người ở gần mà vua Lê đã vời đến để giúp ông chống lại thách thức này.
Khi đã quay về bắc, Chỉnh bắt đầu thể hiện quyền lực đối với vua Lê, trực tiếp
đụng chạm đến các tuyên ngôn về chính trị của Nguyễn Huệ. Trước đây Huệ đã nhìn
Chỉnh bằng con mắt hoài nghi do tầm vóc và ảnh hưởng đáng kể của ông ta ở Đàng
Ngoài. Có lẽ điều cũng quan trọng là Huệ coi Chỉnh như một đồng minh thân cận
của Nhạc, vì chính Nhạc là người đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ với kẻ đã
phản bội chúa Trịnh vào giữa những năm 1782-1786*. Trên phương diện này, quyết
định của Huệ tước bỏ quyền lực của Chỉnh vào mùa hè năm 1787 có thể coi như một
mưu toan gián tiếp làm giảm thiểu ảnh hưởng của Nhạc trên đất Bắc*. Quân đội
của Huệ một lần nữa trở ra Bắc để truy bắt Chỉnh và cuối cùng họ bắt được ông
ta và chém đầu vào cuối năm 1787, trong khi vua Lê, người đang dựa vào sự hỗ
trợ của Chỉnh, đã rời khỏi kinh thành và đang đi trốn.
Người
được cử thay mặt nhà Tây Sơn để giám sát một đất bắc không có người lãnh đạo là
Võ Văn Nhậm, vốn là em rể của Nhạc*, đang là một viên tướng cao cấp trong quân
đội Tây Sơn. Khi vừa ra đến Thăng Long, Nhậm đã phải đối mặt với một tình hình
chính trị rối ren khi nhiều phần tử trung thành với vua Lê- chúa Trịnh đang tìm
cách tổ chức quân đội để chiếm lại kinh thành. Việc hành xử quyền lực chính trị
một cách nặng tay của Nhậm ở phía bắc làm dấy lên sự bất mãn của quần chúng và tiếng
đồn đến tai Nguyễn Huệ ở Phú Xuân*. Huệ nhanh chóng quyết định hành động, một
phần để dập tắt nguồn gốc gây ra nỗi bất hạnh cho người dân, phần khác nhằm
loại bỏ một người đang nổi lên như một đối thủ chính trị tiềm tàng của Huệ. Mùa
xuân năm 1788, Huệ dẫn quân ra Bắc và xử tử Nhậm như đã xử Chỉnh trước đó. Khử
Nhậm, Huệ đã tiến thêm một bước trong việc làm giảm thiểu ảnh hưởng có thật
hoặc trong tưởng tượng của Nguyễn Nhạc ở phương Bắc*. Việc Huệ diệt những người
này không chỉ được thúc đẩy bởi mưu toan làm giảm thiểu ảnh hưởng của Nhạc ở
phương Bắc, mà sự kiện này còn cần được coi là một phần trong tính toán của Huệ
khi áp dụng những biện pháp đó. Với việc vua Lê trốn đi và hai tướng cũ của nhà
Tây Sơn bị Nguyễn Huệ trừ khử, khu vực Bắc hà nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp
của lãnh tụ Tây Sơn ở phía bắc. Rồi trước khi quay về Phú Xuân, Huệ tuyển dụng
một nhóm nhân sĩ rất được trọng vọng ở Bắc hà để trông coi vùng này với sự hỗ
trợ của lực lượng Tây Sơn.
II.9. SỰ XÂM LĂNG CỦA QUÂN TÀU VÀ CÁC HẬU QUẢ
Trong lúc
sự phân hóa trong nội bộ nhà Tây Sơn đang phát triển, thì lại dấy lên mối quan
tâm từ bên ngoài khi Trung Quốc bị lôi cuốn vào cuộc tranh giành quyền lực
chính trị. Năm 1787, khi Nguyễn Huệ tiến ra Bắc để loại trừ Chỉnh, vua Lê Chiêu
Thống chạy khỏi Thăng Long. Sau một thời gian lưu lạc trong nước và thất bại
trong việc kêu gọi sự ủng hộ để ông ta trở lại ngai vàng, vua Chiêu Thống vượt
qua biên giới đi vào đất Tàu, xin triều đình nhà Thanh ủng hộ. Vua Càn Long nhà
Thanh được thúc giục bởi Tôn Sĩ Nghị, một tổng đốc nhiều tham vọng tại các tỉnh
phía nam Trung Hoa, ở biên giới Đại Việt, đã chuẩn y đề nghị của ông ta. Tháng
11.1788, một đạo quân Trung Quốc hùng hậu bắt đầu tràn qua Đại Việt để ủng hộ
vua Lê*. Viên tướng chỉ huy đạo quân Tây Sơn đóng quân ở phía bắc cho rằng thật
là điên rồ và dại dột khị chống lại cuộc xâm lược qui mô lớn của đạo quân
phương Bắc nên lui quân về phía nam, đóng ở các dãy núi đá vôi và các hang động
ở Tam Điệp nằm giữa trung tâm Thanh Hóa.
Từ một
vị trí chiếm nhiều lợi thế ở Phú Xuân, kinh đô cũ của nhà Nguyễn, Nguyễn Huệ
kết luận rằng cách tốt nhất để hợp nhất lực lượng quân sự của ông với người dân
nói chung nhằm tiến hành một cuộc tấn công quân nhà Thanh là tự xưng hoàng đế,
cương vị mà theo ông, vua Lê đã từ bỏ khi trốn sang Tàu. Cuối cùng, vào ngày
22.12.1788, Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang tại cố đô của nhà Nguyễn, ban bố chỉ
dụ tuyên xưng hoàng đế với niên hiệu Quang Trung và giải thích về quyết định
lên ngôi của ông. Ông viết trong chỉ dụ: “ta khởi phục quyền lực cho triều Lê,
nhưng thay vì trông nom việc nước, (nhà vua) đã chạy ra ngoài nước xin che chở.
Nhân sĩ và dân chúng phương Bắc không còn quý trọng nhà Lê nữa. Họ chi tin cậy
vào ta". Qua việc Huệ bước lên ngai vàng với danh nghĩa Quang Trung hoàng
đế, lúc bấy giờ có đến hai vua Tây Sơn cai trị một dải đất trải dài từ ranh
giới Gia Định cho đến Nghệ An*.
Vào thời
điểm này, những rối rắm về quyền lực chính trị ở Đại Việt đã lên đến đỉnh điểm.
Vua Lê Chiêu Thống vẫn tự coi mình là hoàng đế Đại việt, vẫn còn có một nhóm người
trung thành đi theo, cũng sắp được đội quân xâm lăng hùng hậu của nhà Thanh đưa
trở lại ngai vàng. Ở phía nam của vua Chiêu Thống là Nguyễn Huệ, đang cai trị
với niên hiệu Quang Trung hoàng đế, đang kiểm soát về mặt chính trị phần lãnh
thổ trải dài từ biên giới Việt-Trung đến phần trên của xứ Quảng Nam. Ở phía nam
vùng đất của Huệ là lãnh thổ của Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc, cai trị vùng
đất phía nam cho đến ranh của vùng Gia Định*. Và cuối cùng, xa hơn về phía nam
là dinh lũy Gia Định do Nguyễn Lữ kiểm soát đến năm 1787, đang nằm trong tay
quân đội của người còn sót lại của dòng họ Nguyễn là Nguyễn Ánh. Để tỏ ra trung
thành với nhà Lê, Ánh vẫn tiếp tục sử dụng niên hiệu Cảnh Hưng của vì vua Lê
quá cố trong các văn kiện chính thức ban hành*. Như vậy, trong tình hình lúc
đó, có đến 4 gương mặt chính trị tự xưng (hoặc được hiểu như) hoàng đế trên một
lãnh thổ mà vào năm 1778 chỉ có một.
Quân đội
nhà Thanh nhanh chóng tiến vào Đại Việt lúc đó đang bị chia rẽ về mặt chính trị
và vào thành Thăng Long ngày 17.12.1788, tại đây, họ đưa vua Lê Chiêu Thống trở
lại ngai vàng như là hoàng đế của lãnh thổ Đại
Việt.
Tuy nhiên, ông vua Đại Việt này trên thực tế chỉ là một kẻ bị cầm tù trong
chính cung điện của mình, bị giám sát chặt chẽ bởi tướng nhà Thanh. Ông không thể
đi ra ngoài cung điện nếu không được phép, cũng không thể ban bố các chỉ dụ
nhân danh mình. Quân Thanh buộc Chiêu Thống phải sử dụng niên hiệu của hoàng đế
nhà Thanh trong các văn kiện do triều đình ban ra, và sự sỉ nhục này gia tăng
đến mức họ nhất định buộc ông phải sử dụng đồng tiền của họ có khắc niên hiệu
của hoàng đế nhà Thanh thay vì sử dụng tiền riêng của xứ sở. Song chuyện này
không tồn tại lâu.
Sau khi
tự xưng hoàng đế vào cuối tháng 11, Nguyễn Huệ nhanh chóng tập hợp khoảng
20.000 quân tiến thẳng ra Bắc. Ông ban bố một lời kêu gọi quân sĩ, gợi lại ký
ức lịch sử về những người đi trước từng chống lại những đạo quân Tàu xâm lăng
hùng hậu:
“Dưới
thời Hán, có Hai Bà Trưng. Thời Tống có Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Thời
Nguyên Mông có Trần Hưng Đạo. Thời Minh có Lê Thái Tổ, người sáng lập triều đại
hiện nay.
Những vị
anh hùng này không thể ngồi yên nhìn kẻ thù ngang nhiên dùng bạo lực và tàn ác
với dân mình. Họ đã nghe theo ý nguyện của dân và giương cao lá cờ chính
nghĩa”*.
Rõ ràng
là vua Quang Trung tự xếp mình vào hàng ngũ những bậc anh hùng kia và ám chỉ
rằng cuộc tấn công của ông vào quân Thanh cũng sẽ thắng lợi như thế. Lợi dụng
lúc sắp đến ngày Tết nguyên đán, vị lãnh tụ Tây Sơn tính toán sao cho cuộc tấn
công của ông trùng với ngày lễ tết. Ông suy luận chính xác rằng quân Thanh sẽ
vui tết và sẽ không phòng bị trước cuộc tấn công của quân Tây Sơn, vốn đã để
cho quân Thanh thấy họ rút lui trước đạo quân hùng hậu đến từ phương Bắc. Vua
Quang Trung tập hợp đạo quân của mình lại và hứa với họ là việc mừng lễ tết của
họ sẽ chỉ hoãn lại vài ngày và ngày mùng 7, họ sẽ vui tết trong thành Thăng
Long. Vì vậy, vào những ngày đầu năm âm lịch (tháng 1-2 năm 1789), vua Quang
Trung tổ chức một cuộc tấn công nhanh chóng tiêu diệt đạo quân Thanh không
phòng bị. Hàng ngàn quân Thanh bị tiêu diệt trong ngày đầu của cuộc tấn công,
phần lớn những kẻ còn lại bỏ chạy tán loạn, trong đó có nhiều tướng nhà Thanh.
Bản thân vua Lê cũng bỏ chạy khi tin tức về cuộc tấn công đến tai ông, và ông
nhanh chóng đi theo lộ trình sang Tàu. Như vị tư lệnh đã hứa, quân đội Tây Sơn
vào thành Thăng Long sau chưa đầy 7 ngày.
II.10. QUANG TRUNG CỦNG CỐ QUYỀN LỰC
Sau khi
đã tự xưng hoàng đế trên lãnh thổ cũ của nhà Lê và đánh đuổi quân Thanh, Nguyễn
Huệ đang ở vào một tư thế có thể củng cố hơn nữa quyền hạn của ông. Ông đã làm
điều đó theo nhiều cách khác nhau - khôi phục mối quan hệ chặt chẽ với triều
đình Trung Hoa, đặt nền tảng cho một trung tâm chính trị ở Nghệ An, và giành
lấy sự ủng hộ và công nhận của giới nho sĩ có uy tín ở Bắc hà.
II.10.1. Tranh thủ sự công nhận của nhà Thanh
Một mặt,
việc vua Quang Trung đánh bại quân Thanh là lời tuyên bố mạnh mẽ về tính hợp
pháp về chính trị, vì sự bảo vệ đất nước chống lại quân xâm lược tạo được một
tiếng vang rất lớn trong dân chúng cũng như trong các thành phần xã hội ưu tú
liên quan đến việc tạo ra một thể chế chính trị. Trong lời phát biểu với đạo
quân Tây Sơn trước khi mở cuộc tấn công quân Thanh, vua Quang Trung dẫn chứng
hàng loạt những nhân vật anh hùng đã đi trước ông trong việc đánh bại quân
phương Bắc. Một hành động như thế có lẽ là một nguồn lực mạnh mẽ nhất của sự
hợp pháp hóa về mặt chính trị giúp khẳng định quyền lực ở Đại Việt. Mặt khác,
và điều này có vẻ như là một sự nghịch lý, trong lúc việc đánh bại quân Thanh
là một hình thức hợp pháp hóa có sức tác động mạnh mẽ trong nước, thì việc xoa
dịu họ sau một thất bại như thế và nhận sự tuyên phong của triều đình
Trung
Hoa cũng là một hình thức công nhận về mặt chính trị không kém phần quan trọng.
Đó cũng là trường hợp xảy ra từ những ngày đầu độc lập của nước Đại Cồ Việt vào
thế kỷ X, sự giao hảo với triều đình phương Bắc là một điều tối cần thiết nhằm
tự phòng bị trước khả năng người Trung Hoa có thể thực hiện các tham vọng quân
sự mới.
Sau đợt
rút quân ban đầu của người Thanh, vua Quang Trung thận trọng để không làm nhục
họ một cách không cần thiết, ông đối xử tốt với những binh lính nhà Thanh bị
bắt giữ và thu xếp cho họ về nước ngay, ông cũng bắt đầu trao đổi nhiều thư từ
với người Trung Hoa (ông sử dụng danh sĩ Ngô Thì Nhậm như người bình bút riêng
cho mình), trong đó, ông bày tỏ mong muốn khôi phục sự hòa hợp giữa hai nước và
bắt đầu bình thường hóa các tương tác về ngoại giao và kinh tế*. Để đổi lại sự
hợp tác của ông, vua Quang Trung yêu cầu nhà Thanh công nhận ông là vị vua hợp
pháp của Đại Việt. Hoàng đế nhà Thanh có thể chọn cách tri hoãn việc ban vương
hiệu cho ông và cố gắng tổ chức một cuộc xâm lăng lần thứ hai nhằm ủng hộ vua
Lê. Song ông đã chọn cách đồng ý với yêu cầu của nhà vua Tây Sơn. Triều đình
nhà Thanh cử một sứ bộ đến nước láng giềng phương Nam chính thức công nhận
Nguyễn Huệ là người lãnh đạo nước "An Nam” - phong ông danh hiệu theo
truyền thống của người Trung Hoa là An Nam Quốc Vương. Nhà Thanh sau đó còn
công nhận Nguyễn Quang Toản, con trai của vua Quang Trung, là hoàng thái tử,
người sẽ nối ngôi vua.
Sự công
nhận này được tiến hành với sự thỏa thuận là tân vương nước Đại Việt sau đó sẽ
thăm viếng triều đình Trung Hoa. Trước đây, chưa có một hoàng đế Đại Việt nào
thực hiện một chuyến đi như thế, và vua Quang Trung cũng không là ngoại lệ. Tuy
nhiên, như đã đề cập ở trên, vào năm 1790, ông cử một sứ bộ sang nhà Thanh, với
một người giống như ông đi thay. Hoàng đế nhà Thanh cảm thấy hài lòng với cuộc
thăm viếng này, cư xử tốt với đoàn tùy tùng của Quang Trung. Mưu chước đó phản
ánh nỗ lực của vua Quang Trung nhằm giữ một khoảng cách với người Trung Hoa,
ngay khi ông tìm cách xoa dịu họ. Chẳng những vị hoàng đế Đại Việt không đi đến
triều đình nhà Thanh, ông còn không bao giờ gặp bất cứ một sứ giả Trung Hoa nào
đi đến vương quốc của ông. Thay vào đó, cử người đại diện tiếp họ, qua nhiều
công văn, ông than phiền là hoàn cảnh chính trị hoặc những điều kiện di chuyển
không thuận lợi trên đường từ Phú Xuân ra Thăng Long khiến cho ông không thể
đích thân tiếp họ. Thật vậy, việc Quang Trung tiếp tục ở Phú Xuân là lý do
thuận lợi để duy trì một khoảng cách vật chất với người Trung Hoa, ngay khi ông
có thể kiểm soát lãnh thổ của mình ở khu vực miền Trung Đại Việt.
II.10.2. Xây dựng kinh đô mới: Phượng Hoàng
Trung Đô
Sau khi
đánh bại quân Thanh, Quang Trung là vị hoàng đế cai trị một lãnh thổ trải dài
từ biên giới Trung Hoa về phía nam qua đèo Hải Vân. Điều này phù hợp với việc
mở rộng chính quyền Lê-Trịnh lúc đỉnh điểm diễn ra vào năm 1775, khi cuộc tiến
công của quân Trịnh được đẩy đi xa nhất*. Khi vua Quang Trung mở rộng lãnh địa
của mình, ông không còn tập trung sự chú ý về phía nam - trung tâm Qui Nhơn do
người anh kiểm soát - mà về toàn bộ lãnh thổ mới mẻ và phức tạp bao gồm kinh đô
Thăng Long cũ của nhà Lê và cố đô Phú Xuân của nhà Nguyễn. Mặc dù ông đã bắt
đầu đóng đô ở Phú Xuân, nơi ông tái thiết các đồn lũy và xây dựng cung điện
riêng, ông vẫn quyết định là tốt hơn hết nên thiết lập một kinh đô hoàn toàn
mới, nằm ở gần trung tâm của dải đất đang do ông kiểm soát. Nhận thức được nhu
cầu tập trung căn cứ của mình, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông chọn Nghệ
An, nằm gần cách đều với hai trung tâm trên*, làm nơi xây dựng một kinh đô to
lớn mới lấy tên là Phượng Hoàng Trung Đồ. Đó sẽ là kinh đô trung tâm, đưa hai
kinh đô cũ của nhà Lê và nhà Nguyễn xuống hàng thứ yếu.
Nghệ An
không đơn thuần là một vị trí thuận lợi về mặt địa lý, đối với nhà Tây Sơn, nó
còn có sức thu hút mạnh mẽ về mặt tâm linh, vì đây chính là nơi tổ tiên của họ
đã đặt chân đến từ thế kỷ XVII Mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và đất Nghệ An về
sau được một nho sĩ Bắc hà là Bùi Dương Lịch miêu tả như sau:
“Nhà Tây
Sơn truyền đạt cho ấp Thái Lão (huyện Hưng Nguyên) dựng lên một ngôi đền thờ tổ
tiên của họ để thờ cúng tại đây, bởi vì theo hồ sơ nhân khẩu, ấp Thái Lão nằm
trong huyện Hưng Nguyên là quê nhà của tổ tiên của họ. Trong quá khứ, tổ tiên
của họ đã đi lính ở phía nam, đóng tại Qui Nhơn. Năm đó, Nguyễn Huệ đã đánh
chiếm miền Bắc, thắng trận và quay về Nghệ An”.
Vì thế,
việc vua Quang Trung đóng đô ở Nghệ An sẽ được coi như ông quay về quê hương
của tổ tiên. Một kinh đô ở Nghệ An sẽ tạo nên một trung tâm chính trị cũng như
tinh thần của chế độ mới. Ông đã có những nỗ lực đáng kể trong việc xây dựng
đền miếu cho tổ tiên trong vùng, mô phỏng truyền thống thờ cúng tổ tiên của
hoàng tộc nhà Lê, cũng như của những dòng họ ít quyền thế hơn.
Mặc dù
cái Phượng Hoàng Trung Đô do vua Quang Trung hoạch định đã không bao giờ hoàn
thành, song ông cũng đã vạch ra những dự án lớn lao cho trung tâm chính trị mới
của mình. Thành trì được xây dựng trên một con sông mà bên ngoài là thành phố
Vinh ngày nay, với một đài chỉ huy có thể quan sát nhiều con sông và các dãy
núi gần đó. Nó được thiết kế trên một qui mô rất lớn, biểu lộ quá những mảnh
tường ngoài còn sót lại cao 20m và cho thấy có một cấu trúc rộng 300m và dài
450m2. Do kinh đô này chưa hoàn thành lúc sinh thời của ông, vua Quang Trung
tiếp tục đóng đô ở Phú Xuân, song rõ ràng là ông coi đó như trung tâm cuối cùng
của triều đại của ông, vào lúc ấy cũng như trong tương lai. Được nghe kể rằng
trong phút lâm chung của ông vào năm 1792, ông đã khuyên nhủ con trai là Nguyễn
Quang Toản phải coi Nghệ An chứ không phải Phú Xuân là nền tảng của triều đại
của ông này.
II.10.3. Quang Trung và các sĩ phu Đàng Ngoài
Một
thành phần thứ ba trong tiến trình củng cố chính trị của vua Quang Trung bao
gồm việc thể hiện thiện ý của ông đối với cộng đồng các sĩ phu Bắc hà. Với ông,
những sĩ phu này tiêu biểu cho nhiều thứ. Trước tiên, sự ủng hộ hoặc đồng tình
của họ dành cho ông sẽ là một hình thức hợp pháp hóa cần thiết đối với vị lãnh
tụ Tây Sơn. Trong con mắt những nho sĩ này, tính hợp pháp rất quan trọng, bởi
vì tầm cỡ của họ trong xã hội có thể giúp thuyết phục đông đảo quần chúng đi
theo nhà Tây Sơn. Bằng vào mối quan hệ của họ với khu vực nông thôn, một khi
các nho sĩ chịu phụng sự cho nhà Tây Sơn, người dân ở các huyện họ cư ngụ có
thể cũng ủng hộ chế độ mới. Thứ đến, vị hoàng đế Tây Sơn cần những người này
làm quan cai trị các lãnh địa mới được chiếm giữ và làm sứ thần sang Trung Hoa,
nhất là sau khi đã đánh bại quân nhà Thanh. Cuối cùng, vua Quang Trung cần giới
sĩ phu ở sự hiểu biết của họ về phương Bắc, với những vấn đề của nó, cùng cư
dân trong vùng. Đây là một vùng đất mà các lãnh tụ Tây Sơn không nắm rõ, do họ
đến từ vùng đất phía nam xa xôi. Như một hệ quả của nhu cầu được sự ủng hộ về
nhiều mặt của giới sĩ phu, có vẻ như Nguyễn Huệ chịu nhiều ảnh hưởng của họ,
thường xuyên làm theo những tri thức của họ và triết lý hiện hành.
Vua
Quang Trung tuyển dụng những nho sĩ này theo nhiều cách khác nhau, trong đó có
việc ban Chiếu Tìm Hiền Tài năm 1789 (?) nhắm trực tiếp vào những nho sĩ sống
trong lãnh địa mới của ông. Vị hoàng đế cũng sử dụng những cách tiếp cận trực
tiếp hơn nữa (và hiệu quả hơn), chẳng hạn như nhờ những người đã tham gia vào
chế độ mới tuyển mộ bạn bè hay người ngang hàng với họ. Vị hoàng đế Tây Sơn
nhận thấy rằng cách dễ dàng nhất để có được sự ủng hộ của kẻ sĩ Bắc hà là tranh
thủ được sự hỗ trợ của vài gương mặt tiêu biểu, từ đó dẫn đến những người khác
thông qua mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp của họ với nhau. Điều này chứng tỏ
rất có hiệu quả vì kẻ sĩ Bắc hà đã hình thành một cộng đồng vô cùng gắn bó với
nhau. Nhiều người trong số họ quan hệ với nhau qua hôn nhân, học chung trường,
hoặc trở thành bè bạn khi đi thi hoặc trong lúc phục vụ các nhiệm sở khác
nhau*. Trong nhóm những người kết nối chặt chẽ với nhau này, có nhiều sĩ phu
Bắc hà quan trọng bậc nhất trong thế hệ của họ, là những người mà hoàng đế Tây
Sơn hi vọng nhiều nhất vào việc lôi kéo họ vào guồng máy của ông. Nếu một trong
những sĩ phu này bị phía đối nghịch tuyển dụng thì sẽ có nhiều khả năng những
người có quan hệ với ông ta cũng bị thu phục.
Trong
nhóm sĩ phu Bắc hà cốt cán, nhiều người tỏ ra đặc biệt quan trọng có thể góp
phần vào nỗ lực tuyển dụng những người của vua Quang Trung. Trần Văn
Kỷ(1740?-1801) là nhân vật quan trọng trong nỗ lực tuyển mộ của vua Quang Trung
và sự ủng hộ của gần như toàn bộ các sĩ phu Bắc hà cốt cán có thể xuất phát từ
nỗ lực trực tiếp hay gián tiếp của ông ta. Kỷ sắp xếp giới thiệu cho Nguyễn Huệ
nhiều nhân sĩ nổi tiếng trong đó có Nguyễn Thiếp, một nhân sĩ được nhiều người
biết tiếng nhưng sống ẩn dật ở Nghệ An, và sau đó là Ngô Thì Nhậm. Nhậm có mối
quan hệ với nhiều sĩ phu Bắc hà quan trọng do có một thời gian dài ông ta phục
vụ dưới trướng chúa Trịnh, thuộc dòng dõi danh tiếng, và ông có thể tuyển mộ
nhiều tiến sĩ lỗi lạc cho nhà Tây Sơn bao gồm Phan Huy Ích, Ninh Tốn, Đoàn
Nguyễn Tuấn, Nguyễn Nha, Trần Bá Lãm, và Vũ Huy Tấn. Trong lúc phục vụ cho nhà
Tây Sơn, Nhậm được biết đến như người chuyên soạn các chiếu chỉ cho vua Quang
Trung, nỗ lực chiêu mộ các kẻ sĩ bạn của ông rất quan trọng đối với chế độ mới.
Khi lời
hiệu triệu người dân hoặc những cuộc tiếp xúc cá nhân không đạt hiệu quả, vua
Quang Trung chuẩn bị lực lượng. Chẳng hạn vào mùa xuân năm 1788, sau khi vua Lê
trốn lánh khỏi kinh thành Thăng Long, Nguyễn Huệ muốn hòa giải với các quan lại
triều Lê để họ giúp ông điều hành các vấn đề chính trị ở phía bắc. Trong trường
hợp này, ông đã tập hợp họ lại và theo một vài nguồn tư liệu, ông buộc họ ký
một văn kiện thể hiện lòng trung thành với ông*. Họ đã làm điều đó, với ít
nhiều tính tự nguyện, với hai ngoại lệ: nhà triết học và biên khảo Bùi Huy Bích
giả ốm, không tham gia cuộc họp, và Nguyễn Huy Trạc (1733-1788), đỗ tiến sĩ năm
1769, đã uống thuốc độc tự tử. Từ thời điểm này, rõ ràng là triều đại Quang
Trung đã áp đụng khá sớm mô hình cưỡng bách hợp tác đối với các nho sĩ Đàng
Ngoài đang có thái độ miễn cưỡng. Trong trường hợp đặc biệt đó, cưỡng bách sự
hợp tác của các nho sĩ đang cư trú tại Thăng Long tương đối dễ, họ có ít cơ hội
trốn đi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, các nho sĩ còn có thái độ do
dự bị lùng kiếm và bị cưỡng bách đi vào triều đình Tây Sơn. Những người được
mời đến mà không đồng tình hợp tác sẽ có hai sự chọn lựa: hoặc tự sát, hoặc
trốn đi. Chỉ có một nhóm nhỏ chọn cách thứ nhất, về sau, sử của triều Nguyễn
vào thế kỷ XIX là sách Đại Nam nhất thống chí đã vinh danh họ về quyết định họ
đã chọn.
Đáp ứng
với các chiếu chỉ, những lời kêu gọi cá nhân, hoặc là áp lực trực tiếp, nhiều
nho sĩ Đàng Ngoài đã chọn cách phục vụ chính quyền mới của nhà Tây Sơn. Những
người chọn cách tham gia vào chế độ mới đã làm thế vì nhiều lý do khác nhau,
với nhiều mức độ cam kết khác nhau. Một số người đồng tình phục vụ với nhiệt
tình thật sự đối với các chương trình hoạt động của nhà Tây Sơn, với kỳ vọng
các chương trình này mang lại một trật tự chính trị và xã hội mới. Những người
khác hợp tác với niềm tin rằng ý thức hệ Khổng giáo của họ đòi hỏi sự phục vụ
vì công ích ở những người có khả năng phục vụ, ngay cả khi họ không tin chắc
vào triển vọng thành công của chế độ mới*. Vẫn còn những người tham gia vào chế
độ mới không vì những lý do nhân bản hay triết lý, mà vì những lý do thực dụng,
ủng hộ điều mà họ xem như một quyền hành chính trị trên thực tế để tiếp tục
nghề nghiệp của mình. Ý niệm thực dụng kể sau cùng có liên quan đến trường hợp
Tuần huyện Trang. Sau khi phản bội chúa Trịnh là người đã trốn thoát khỏi tay
quân Tây Sơn vào năm 1786, bất chấp việc người thầy của ông ta giao phó chúa
cho ông ta chăm sóc, Trang đã giải thích hành động của ông ta bằng cách tuyên
bố rằng: “Tôi không sợ thầy tôi bằng sợ những người phản loạn, và tôi không thể
yêu chúa bằng yêu chính tôi”.
Tuy
nhiên, phần lớn các nho sĩ Đàng Ngoài quyết định không phục vụ chế độ mới, một
quyết định được thúc đẩy hoặc bởi lý do trung thành với chế độ cũ, hoặc vì
những mối quan tâm thực tế hơn. Phần lớn những nho sĩ chọn con đường không phục
vụ nhà Tây Sơn thường là ẩn dật, chờ tình thế thay đổi, một cách hành động phổ
biến trong những thời kỳ biến động chính trị. Điều này khiến cho vua Quang
Trung phải than vãn (qua bàn tay Ngô Thì Nhậm): “Than ôi, khi trời đất chẳng
hanh thông, người tài đức đâu hết cả"*. Trong lúc một số nho sĩ ẩn dật hay
về trí sĩ, những người khác không chấp nhận một mưu chước như vậy, cho dù vua
Quang Trung kiên trì theo đuổi những trí thức nổi tiếng ở Đàng Ngoài. Một tác
giả vào thời kỳ này đã miêu tả nỗ lực của hoàng đế Tây Sơn như sau: “ (Ông) cư
xử với các nho sĩ mà không phân biệt người nam hay người bắc, tìm và hỏi thăm
họ khắp nơi, từ hang cùng rừng thẳm đến bờ cây bụi cỏ”. Cách xác định này có lẽ
không hoàn toàn mang tính ẩn dụ, mà phản ánh thực tế của việc Nguyễn Huệ tìm
kiếm các nho sĩ đã giấu mình nơi rừng sâu hay hang động.
Cuối
cùng, những nho sĩ tham gia vào chính quyền Tây Sơn, dù nhiệt tình hay miễn
cưỡng, cũng đều rất quan trọng đối với vua Quang Trung, mang lại cho ông niềm
tin rằng ông đang có được sự hỗ trợ thiết thực và khôn ngoan để cai trị vương
quốc mới của mình. Ảnh hưởng của những nho sĩ này trong hoạt động chính trị của
vua Quang Trung rất đáng kể. Dưới sự cố vấn của họ, đặc biệt của Ngô Thì Nhậm,
vua Quang Trung thực hiện nhiều dự án, từ việc xét tuyển quan lại đến việc đề
ra chương trình học dành cho hệ thống học đường do triều đình bảo trợ, kết hợp
hài hòa cùng với một dự án lớn nhằm dịch các tác phẩm cổ điển bằng chữ Hán ra
chữ Nôm. Thông qua những nho sĩ này, cũng chủ yếu từ Nhậm, vua Quang Trung ban
hành các chiếu chỉ và thư từ trao đổi với triều đình Trung Quốc, Cho dù không
thể thiết lập một cơ chế điều hành đầy đủ trước khi chính quyền nhà Tây Sơn bị
lật đổ, giới trí thức Đàng Ngoài cũng đã định hướng nó bằng những cách thức
đáng chú ý phản ánh quan điểm riêng và những mối quan tâm lâu dài của họ.
II.11. TRUNG QUỐC VÀ THAM VỌNG CHÍNH TRỊ CỦA
VUA QUANG TRUNG
Sau khi
đã hành động một cách có hiệu quả để đảm bảo quyền lực chính trị của mình,
trong đó có việc được nhà Thanh chính thức công nhận và được sự hỗ trợ của các
danh sĩ tài năng, giúp ông tái lập bộ máy công vụ của chế độ cùng nhiều định
chế khác, có vẻ như vua Quang Trung muốn chọn cho mình một tư thế nghỉ ngơi.
Trên thực tế, từ đó về sau, ông vẫn ở kinh thành Phú Xuân, nhưng đến năm 1791,
ông vẫn không ngừng vẽ ra những kế hoạch nhằm tranh thủ thêm sự nhân nhượng từ
một triều đình nhà Thanh có vẻ như đang tỏ ra khiếp sợ*. Trong những nhân
nhượng mà có vẻ như vua Quang Trung muốn có được từ phía Trung Quốc là trái tim
của cô công chúa nhà Thanh. Cũng như mưu định của người anh trước đây từng tạo
mối quan hệ hôn nhân với nhà Nguyễn* và cuộc hôn nhân sau này của chính Nguyễn
Huệ với công chúa nhà Lê, một yêu cầu như thể là phương tiện để củng cố một mối
quan hệ chính trị quan trọng. Nó cũng cần được xem một bước khác nữa hướng đến
việc hợp pháp hóa người mới đến trong những cặp mắt hoài nghi của giới trí thức
Đàng Ngoài. Cho dù việc thiết lập mối quan hệ chính trị thông qua hôn nhân là
một nguyên tắc đã được biết đến từ lâu, việc vua Quang Trung xin kết hôn với
công chúa nhà Thanh là chuyện chưa có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam. Có lẽ nó
được xem như một chỉ dấu về việc hoàng đế Tây Sơn tin chắc rằng ông đã dọa dẫm
vừa đủ để nhà Thanh phải lưu tâm đến một yêu cầu như thế*.
Táo bạo
hơn nữa là kế hoạch của vua Quang Trung đòi nhà Thanh trả lại hai tỉnh lớn ở phía
nam Trung Quốc là Quảng Đông và Quảng Tây. Sách Đại Nam liệt truyện chép rằng
kế hoạch này xuất phát từ việc nhà Thanh không quan tâm tới sự phàn nàn của
phía Đại Việt về một số quận huyện nằm ở biên giới mà họ cho rằng phía Trung
Quốc đã chiếm của họ. Nếu người Trung Quốc không muốn trả lại hai tỉnh đó, vua
Quang Trung hình như đã sẵn sàng lấy lại chúng bằng vũ lực. Sách Hoàng Lê nhất
thống chí viết rằng, thư của vua Quang Trung gửi nhà Thanh đòi hai tỉnh đơn
thuần chỉ nhằm thăm dò phản ứng của người Trung Quốc, chứ không phải thực tâm
muốn thế*. Tuy nhiên, hình như vị hoàng đế Tây Sơn bị lôi cuốn bởi một sự thôi
thúc không mấy tầm thường, vì ông biết là phần lãnh thổ đó từng có lần thuộc về
người Việt Nam và việc được nhận lại nó là một phần của sự phục hồi (hơn là mở
rộng) một lãnh thổ cũ của người Việt. Như Alexander Woodside từng viết: “Nhằm
khôi phục sự thống nhất ban đầu của Bách Việt, một truyền thuyết mà hai mươi
thế kỷ của lịch sử chế độ quân chủ của Trung Quốc đã xóa sạch, vua Quang Trung
đã đưa ra một quyết định có tính thúc ép đến mức vào khoảng thời gian trước khi
ông qua đời vào năm 1792, triều Tây Sơn đã cho đóng những chiếc thuyền chiến
khổng lồ để chuyển voi chiến đến Quảng Đông, như là bước đầu hướng đến việc tái
chiếm Quảng Đông và Quảng Tây”.
Ở một
mức độ nào đó, một cuộc tấn công của Đại Việt chống lại Trung Quốc có vẻ như là
một cuộc tự sát, nếu như ta so sánh kích thước tương đối giữa hai nước và quân
đội nằm trong tay họ. Logic tiềm tàng chi phối ý định của vua Quang Trung có lẽ
được vạch ra từ vị thế chính trị của ông ở Đàng Ngoài. Sự tin tưởng của người
xứ Đàng Ngoài vào vua Quang Trung phát xuất phần lớn từ việc ông bảo vệ đất
nước Đại Việt chống lại cuộc xâm lược của quân nhà Thanh vào năm 1788. Chính
hành động này, hơn bất cứ hành động nào, đã củng cố tầm vóc của ông trong con
mắt của các nho sĩ Bắc hà cũng như trong quảng đại quần chúng, Chiến thắng quân
Thanh của ông đã dứt khoát đưa ông vào ngôi đền của những anh hùng dân tộc -
Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo và Lê Lợi - là những người đã bảo vệ đất nước chống
lại người láng giềng phương Bắc. Ông gợi nhớ lại chiến công của những vị anh
hùng này khi tập hợp quân đội tấn công quân Thanh và chiến công của ông rõ ràng
đã kết nối thành tích của ông với thành tích của các vị anh hùng. Chỗ đứng của
Quang Trung trên vũ đài quốc gia được xác định bởi chiến công của ông về mặt
quân sự hơn là tầm nhìn chính trị của ông. Hình như là sau nhiều năm xa chiến
trường, vua Quang Trung cần đến sự kích động và một sự tưởng thưởng hậu hĩnh từ
một cuộc đối đầu quân sự khác. Thật vậy, cuộc xâm lăng có trù tính nhắm vào nhà
Thanh chứng tỏ logic quân sự và chính trị được liên kết đến mức độ nào trong
đầu óc của ít nhất một lãnh tụ nhà Tây Sơn. Ra đời như một mối đe dọa về quân
sự đối với các nhân vật và cơ chế chính trị đương thời, trên nhiều phương diện,
phong trào Tây Sơn là phản ứng về quân sự trước một tình hình đòi hỏi những
giải pháp sâu rộng hơn về xã hội và chính trị.
Hình như
vua Quang Trung cũng tin rằng người nhà Thanh đã tỏ ra sợ hãi trước quân đội
của ông, sau khi ông đã đánh tan tác lực lượng của họ vào năm 1789. Thư của một
giáo sĩ thời đó đã miêu tả tình hình lúc ấy như sau:
“Có vẻ
vị hoàng đế nhà Thanh sợ hãi trước một Attila mới*, khi chỉ vài tháng sau đó,
đã cử một sứ thần sang phong cho ông làm An Nam Quốc Vương, quên đi thanh danh
và sự tổn thất hơn 40.000 hay 50.000 quân đã bị bạo chúa* tiêu diệt chỉ trong
một trận đánh vào năm trước, một trận đánh mà quân Thanh được trang bị tận
răng, nào gươm, nào súng và quân số nhiều hơn đối phương cỡ 10 chọi l*. Sự thật
là trong con mắt mọi người, sứ bộ này không đáng tin tưởng đến mức người ta có
lý khi nghi ngờ về những gì vị hoàng đế đã làm. Bản thân bạo chúa cũng không
buồn rời Đàng Trong để được đăng quang tại kinh đô của chúng ta* và tự bằng lòng
với việc cử một quan lại tầm thường thay thế mình, mặc trang phục, lấy danh
nghĩa của người lãnh đạo và tự nhận là sứ thần”*.
Ngoài
ra, theo sách Đại Nam thực lục, cuộc tiếp đón rất thân tình dành cho sứ bộ của
vua Quang Trung vào năm 1790 càng khiến ông tin vào mối quan hệ này nhiều hơn.
Có lẽ điều này dựa vào sự giải thích tình thế lúc bấy giờ là vua Quang Trung
đòi nhà Thanh nhường cho hai tỉnh phía nam. Tuy nhiên, những kế hoạch lớn lao
này không bao giờ thành hiện thực, vì vua Quang Trung đã qua đời vào cuối mùa
hè năm 1792, ngay khi sứ bộ của ông đang trên đường đến Trung Quốc để trình bày
những yêu cầu của ông. Khi các sứ giả Đại việt hay tin về cái chết của vị hoàng
đế của họ, họ ngay lập tức quay về Thăng Long. Điều này đánh dấu sự kết thúc
một kế hoạch táo bạo của Quang Trung, một kế hoạch chẳng bao giờ được hồi sinh
dưới triều đại người kế vị ông.
Dù vị
vua Tây Sơn có bị thúc đẩy bởi bất cứ yếu tố nào, kế hoạch thách thức người
Trung Quốc chứng tỏ ông có tham vọng khẳng định tầm vóc chính trị của mình
trong phạm vi lãnh thổ Đại Việt và trong mối quan hệ vô cùng quan trọng với
Trung Quốc. Hình như ông đã rất thành công khi xác lập vị thế chính trị trong
con mắt của cả người Việt lẫn người Trung Quốc, và chỉ có cái chết sớm của ông
vào năm 1792, ở tuổi 40, mới làm chấm dứt ước vọng của ông muốn tạo lập cho
dòng dõi của mình một triều đại mới mẻ và lâu đài. Mặc dù người con, người kế
vị ông, là Quang Toản sẽ còn cai trị một thập niên nữa (một phần thời gian này
có sự giám hộ của một phụ chánh), ước vọng chính trị của nhà Tây Sơn đã thực sự
chết theo vua Quang Trung.
II.12. KẾT LUẬN: TẦM NHÌN HẠN CHẾ CỦA CÁC LÃNH
TỤ NHÀ TÂY SƠN
Vậy thì
chúng ta kết luận thế nào về mục đích và quan điểm của những người lãnh đạo
phong trào Tây Sơn trong 30 năm cuối cùng của thế kỷ XVIII? Việc liên tục sử
dụng các mối liên hệ chính trị khả dĩ và duy trì cho đến khi nào chúng không
còn có ích nữa, hoặc đơn giản là tích lũy những mối quan hệ đó chờ thời cơ khả
dụng, cho thấy rằng các lãnh tụ Tây Sơn không phải là những người canh tân hay
những nhà cách mạng, mà chỉ là những kẻ cơ hội về chính trị. Họ tỏ ra thực dụng
khi đưa ra nhiều lời kêu gọi khác nhau, theo nhiều cách khác nhau, vào những
thời điểm khác nhau, sử dụng những công cụ tìm thấy, và những tình huống bắt
gặp được để tranh thủ sự ủng hộ và để hợp pháp hóa bản thân họ cũng như phong
trào của họ. Cho dù một vài sử gia người Việt cố gán cho cuộc nổi dậy của nhà
Tây Sơn những mưu định lớn lao, một cái nhìn sâu sát hơn cho thấy họ chẳng có
một chiến lược nào tài giỏi, rất ít khi dựa vào một triết lý đặc biệt nào.
Tuyên ngôn của các nhà lãnh đạo Tây Sơn về những mục tiêu nào đó thường được
tính toán nhắm vào lợi ích riêng tư và quyền lực chính trị của họ, mà không
nhằm tạo sự chuyển biến cho đất nước họ hay cho đời sống của cư dân của họ.
Những thay đổi diễn ra không chứng tỏ một tầm nhìn chính trị và xã hội rộng lớn
của bất cứ người nào trong anh em nhà Tây Sơn. Có lẽ ngoại lệ duy nhất là việc
vua Quang Trung kết nối một vài chính sách tổng quát sau năm 1789, và đó là kết
quả từ ảnh hưởng của giới nho sĩ Đàng Ngoài.
Trường
hợp của nhà Tây Sơn cho thấy sự phức tạp của nguồn gốc quyền lực và tính hợp
pháp về chính trị thường thấy ở những người đưa ra yêu sách về quyền lực vào
đầu thời kỳ này. Cho dù có một sự chồng chéo nào đó, các chiến lược mà anh em
nhà Tây Sơn sử dụng để hợp pháp hóa rõ ràng là đã được vạch ra nhằm kêu gọi sự
ủng hộ của nhiều nhóm khác nhau trong xã hội. Một số chiến lược, chẳng hạn như
việc tìm người ra làm quan, hôn phối trong các gia đình hoàng tộc, và phục hồi
cơ cấu chính trị Khổng giáo, đã tác động có hiệu quả trong giới trí thức. Những
lời kêu gọi khác tác động nhiều hơn trong dân chúng, trong đó có nỗ lực của nhà
Tây Sơn liên kết họ với các thế lực siêu nhiên và những hành động mang lại công
bằng về kinh tế, vừa cụ thể, vừa có tính tượng trưng của họ. Thật vậy, sự pha
trộn các cách giải quyết vấn đề phản ánh một sự thật là trong lúc vua Quang
Trung bận tâm vào việc chứng tỏ thành tâm theo Khổng giáo của ông ở phía bắc,
thì người anh của ông ở Qui Nhơn không quan tâm gì đến sự tinh tế của Khổng
giáo, và trong chừng mực có thể xác định được, ông tiếp tục nêu lên tính hợp
pháp của mình từ những thắng lợi về quân sự, từ mối quan hệ với người Chăm, và
từ quyền lực cá nhân của ông.
Cuối
cùng, cho dù những tuyên ngôn chính trị của họ lớn lao đến đâu, và những thắng
lợi trong các chiến dịch quân sự của họ gây ngạc nhiên đến mức nào, trên nhiều
phương diện, anh em nhà Tây Sơn vẫn duy trì tính cục bộ địa phương trong sự
định hướng và các mục tiêu nhắm đến*. Họ có thể đưa quân đội ra đến biên giới
nước nhà, hoặc thậm chí vượt ra khỏi biên giới như trường hợp với các vương
quốc Lào và Chân Lạp, nhưng cuối cùng thì họ luôn luôn quay về căn cứ, nơi họ
cảm thấy dễ chịu nhất. Sự kiện những cố vấn chính trị, những chiến lược gia
quân sự đáng tin cậy nhất của họ, với một ít ngoại lệ, vẫn là những người ủng
hộ họ sớm nhất ngay từ quê nhà, là một chỉ dấu khác cho thấy các lãnh tụ Tây
Sơn tiếp tục nhìn về nguồn gốc của họ ngay cả khi các chiến địch cũng như tham
vọng của họ vượt ra khỏi trục Qui Nhơn-An Khê. Đặc biệt là Nguyễn Nhạc vẫn kiên
trì ở kinh đô Chà Bàn của ông, nơi ông nhiều lần bị vây khốn. Thật vậy, chuyến
đi xa duy nhất của Nguyễn Nhạc ra khỏi Chà Bàn là chuyến đi tốc hành đặc biệt
của ông ta ra Thăng Long vào mùa hè năm 1786 để đuổi theo và đưa người em là
Nguyễn Huệ trở về. Mặc dù Huệ đã chứng tỏ một sự năng động mạnh mẽ hơn nhiều so
với Nhạc, song ông cũng chôn chân ở Phú Xuân từ năm 1786 đến ngày ông mất vào
năm 1792. Trong lúc vị tướng vĩ đại này tiến hành nhiều chiến dịch quân sự ra
Bắc, ông thích giao quyền bính lại cho người khác, luôn cảm thấy thoải mái khi
trở về gần với cội rễ của mình.
Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi các sử gia nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX không chịu nhìn nhận anh em Tây Sơn từng là những nhà cai trị hợp pháp trên lãnh thổ Đại Việt, coi họ như những kẻ soán ngôi đã chiếm lấy quyền lực chính trị mà nhà Nguyễn coi như của mình. Và còn nữa, như đã lập luận trong chương này, trong chiều dài lịch sử Việt Nam, có vô số nguồn tư liệu dùng để giải thích tính hợp pháp về chính trị. Cho dù nhà Tây Sơn là những người ngoài nắm lấy quyền hành chủ yếu thông qua các biện pháp quân sự, họ không phải là những người đầu tiên hay cuối cùng đã làm như thế, và thật ra sự chiến thắng nhà Nguyễn và nắm quyền là kết quả của một chiến dịch quân sự kéo dài. Trên một vài phương diện, việc nhà Tây Sơn nắm lấy quyền hành có thể so sánh với những người kế tục họ, và trong mọi trường hợp, đây là sự chứng tỏ có sức thuyết phục về phương cách mà các đối thủ chính trị có thể vươn lên từ bóng tối để trở thành những kẻ xuất chúng.
CHƯƠNG III
GIỚI NÔNG DÂN ĐỜI SỐNG DƯỚI CHÍNH QUYỀN TÂY
SƠN
Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết.
-Sấm truyền của người Việt vào thế kỷ XVIII-
Những kẻ
thô lỗ này xuất phát từ các dãy núi ở Đàng Trong, họ không biết gì về sự sắp
đặt việc cai trị. Họ không mưu cầu việc gì khác ngoài cướp phá, và không buồn
nghĩ đến những hậu quả tiếp theo. Họ lấy đi tất cả vàng bạc của vương quốc...,
họ lôi nông dân ra khỏi các cánh đồng và cho đi lính; họ thiêu hủy phần lớn
làng mạc, đánh thuế người dân và bắt dân làm lao dịch. Và điều gì đã xảy ra?
Tất cả những điều tệ hại mà chúng tôi đã xác định nay vẫn còn tiếp diễn: nạn
đói, dịch bệnh, cái chết của người và thú, và tất cả không có thuốc chữa.
Thư của
giáo sĩ Pháp, 1789*.
Do các
lãnh tụ Tây Sơn có mưu định hợp pháp hóa quyền lực chính trị của họ, họ bắt đầu
thi thố cái quyền lực đó với những người dân mà họ đang kiểm soát. Khả năng
kiểm soát những người dân này của chính quyền Tây Sơn rất cần thiết để đối phó
với những mối đe dọa trước mắt mà họ phải đương đầu, từ việc tiếp tục cuộc
chiến trên nhiều mặt trận đến việc di chuyển người dân ở những nơi mà sản xuất
nông nghiệp bị thất thu nhiều. Chính quyền nhà Tây Sơn thường xuyên đưa ra
nhũng yêu cầu nặng nề cho người dân sống trong lãnh thổ do họ kiểm soát, những
yêu cầu phát sinh do chiến tranh tiếp diễn không ngừng, do sự phá hoại và những
chi phí phải đài thọ. Trước hết là nhu cầu về nhân lực để hỗ trợ các chiến dịch
quân sự. Thứ đến, do các lãnh tụ Tây Sơn thiết lập nhà nước riêng của họ, họ
cần sức lao động để xây dựng những trung tâm chính trị mới và nhiều loại công
trình công cộng. Cuối cùng, những người lãnh đạo chính quyền cần có các nguồn
tài chánh để trả lương cho lính và thực hiện các chương trình khác của chính
quyền, vì vậy họ cần bòn rút những khoản thuế do người dân đóng góp, cả hiện
kim lẫn hiện vật.
Hậu quả
của những yêu cầu này rất nặng nề, vì chúng thường gây ra sự gián đoạn các chu
kỳ gieo hạt giống, cấy mạ và thu hoạch vụ mùa. Sự cưỡng bách quân sự, vốn chỉ
áp dụng cho đàn ông, đã đẩy nhiều nông dân ra khỏi ruộng đồng của họ. Yêu cầu
lao dịch nặng nhọc rơi cả vào đàn ông lẫn đàn bà. Trong lúc những lao dịch như
thế thường chỉ đáp ứng yêu cầu của địa phương, cho phép mọi người vẫn còn được
ở lại nông trại của họ, thời gian dành cho việc làm đường mới, xây dựng thành
lũy mới, hoặc sửa chữa đê điều, hoặc thực hiện các dạng hạ tầng cơ sở nông thôn
khác, tất nhiên là họ sẽ không còn thời gian cần thiết để cấy cày, trồng trọt.
Chiến tranh kéo theo sự di chuyển của nhiều đạo quân dọc theo chiều dài đất
nước phá hủy mùa màng, và cũng thường phá hủy những đường đê, những bờ ruộng
lúa khi quân lính đi qua những khu vực không có đường đi hay đường đi còn thô
sơ. Việc luân phiên vào quân đội hay bị trưng dụng làm lao dịch đã vượt ra
ngoài khuôn khổ. Tất nhiên đối với vấn đề năng suất nông nghiệp, vào quân đội
hay làm lao dịch đều có cùng một hậu quả như nhau, đó là những cánh đồng không
có người chăm sóc, gìn giữ.
Mối quan
hệ giữa nhà Tây Sơn với giới nông dân thường xuyên gây ra sự đối chọi giữa
những đòi hỏi của các lãnh tụ cuộc nổi dậy với nhu cầu của giới nông dân. Trong
một thời gian dài, đặc biệt trong thời loạn lạc, mối quan hệ giữa những người
cai trị và những người bị trị là một mối quan hệ phức tạp, một cuộc đấu tranh
giữa một bên nhằm kiểm soát con người và tài nguyên thiên nhiên và một bên nhàm
hạn chế những gì chính quyền có thể làm được. Mối quan hệ này càng phức tạp hơn
khi thời tiết thất thường, khi xảy ra chiến tranh và với việc làm tệ hại của
chính quyền. Lúc ban đầu, các lãnh tụ Tây Sơn chỉ hi vọng mở rộng số người để
hình thành một đạo quân đủ chống lại nhà Nguyễn và tranh thủ thiện cảm của
những người không thích đi lính. Một khi lực lượng quân nổi dậy bắt đầu chuyển
thành một đạo quân chính qui vào năm 1775 - nó cần được thay đổi. Nó đòi hỏi
một sự kiểm soát có hệ thống những người dân dưới quyền của mình. Để kiểm soát
có hiệu quả, các lãnh tụ Tây Sơn thường xuyên kiểm tra dân số và phân loại
những người dân của họ, áp đặt trật tự trong một xã hội mà nhiều nơi đã bắt đầu
trượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền, về sau, các lãnh tụ cuộc nổi dậy đã
có thể lợi dụng những người dân này để đưa họ vào quân đội hay làm lao dịch
cũng như đóng thuế bằng tiền hay hiện vật.
Cho dù
áp lực của hoạt động quân sự kéo dài trong thời Tây Sơn đã làm gia tăng một vài
sự căng thẳng giữa người cai trị và người bị trị, có vẻ như những mô hình quan
hệ như thế khá phổ biến vào nhiều thời kỳ trong lịch sử Việt Nam. Mục đích của
tôi ở đây là sử dụng kinh nghiệm của nhà Tây Sơn để vạch ra những đặc điểm của
thời kỳ phức tạp này, nhưng cũng nhằm gợi lên những loại động lực nào đã gây ra
tai họa cho mối quan hệ giữa vua chúa và thần dân của họ xuyên qua lịch sử Việt
Nam. Trong lúc nhiều khía cạnh trong mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo Tây Sơn
và giới nông dân có tính cách đặc biệt hoặc khác thường, tác động chung của
phong trào lên người nông dân là một phần của một mô hình cũ hơn nhiều. Cho dù
phong trào có những biểu hiện bề ngoài như thế nào, thì từ cái nhìn tầm thường
của người nông dân Việt Nam, thời kỳ Tây Sơn chỉ có tệ hại, đôi lúc tệ hại hơn
rất nhiều.
Trong
lúc về mặt vật chất, người nông dân có thể chống, và đã chống lại chính quyền
mói bằng nhiều cách, thì họ cũng có thể sử dụng các phương tiện chống đối ít
trực tiếp hơn, bao gồm các hình thức về mặt tâm lý. Do nhà Tây Sơn là một trong
những kẻ thách thức các quyền lực chính trị vào cuối thế kỷ XVIII, sự hiện diện
của nhiều người muốn nắm lấy quyền lực và sự thành bại của các chiến dịch quân
sự cho thấy trên thực tế, người nông dân vẫn còn níu giữ hi vọng được cứu thoát
khỏi cảnh ngộ khốn khổ của họ. Song không may cho họ, niềm hi vọng thường bị
tiêu tan khi họ khám phá ra rằng những người mà họ nóng lòng mong đợi như các
đấng cứu tinh cũng không khá hơn những chính quyền mà họ đã thay thế. Sau cùng,
từ cái nhìn của giới nông dân, có vẻ như có ít cơ sở để phân biệt giữa chính
quyền nhà Tây Sơn với các chính quyền Trịnh-Nguyễn.
Mối quan
hệ phức tạp và thường có tính thù địch giữa người dân Đại Việt với các lãnh tụ
Tây Sơn không giống bao nhiêu với cái nhìn lý tưởng hóa đối với nhà Tây Sơn
thường thấy trong tác phẩm của các nhà viết sử Việt Nam đương đại. Việc thường
xuyên nhắc lại cụm từ vô định hình “phong trào Tây Sơn” trong ngữ cảnh này là
điều cần bàn lại. Chương này tách bạch chữ “Tây Sơn” - được sử dụng một cách
quá rộng rãi - và nhận thấy là nó che giấu một sự phân hóa sâu sắc. Tôi rút ra
kết luận rằng các chiến dịch quân sự nhiều và tàn bạo trong cuộc nổi dậy của
nhà Tây Sơn đáp ứng rất ít nguyện vọng của người nông dân hoặc những mục tiêu
đặt ra so với những gì thuộc về tham vọng chính trị của các lãnh tụ phong trào.
Người nông dân thời kỳ Tây Sơn là những kẻ lót đường* cho quân đội, là đối
tượng của sự lao dịch, là nguồn tiếp tế và nguồn lợi tức cho phong trào. Những
người đàn ông và đàn bà đó có thể nuôi ước vọng về một cuộc sống tốt hơn, điều
này phản ánh trong sự ủng hộ đầy vẻ lạc quan của họ khi nhìn thấy những biểu
hiện sớm sủa của cuộc nổi dậy, song những ước vọng đó sớm nhường chỗ cho một
thực tế đầy thất vọng và theo những chứng cứ khả dĩ nhất, ít có người nông dân
nào nhìn thấy một sự cải tiến đáng kể trong đời sống của họ phát xuất từ hành
động của nhà Tây Sơn.
Khi tôi
nhắc đến người nông dân trong chương này, tôi muốn nói đến trước tiên những
người mà cuộc sống của họ tập trung vào sản xuất nông nghiệp trên một qui mô
nhỏ (gia đình hay gia đình mở rộng); họ tiêu biểu cho đại đa số những người dân
sống trên lãnh thổ Đại Việt vào thế kỷ XVIII. Để được thuận tiện, thành phần
này cũng bao gồm những người có liên kết với nền kinh tế nông thôn tập trung
vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nó không bao gồm những người mà nghề
nghiệp có liên quan đến lãnh vực thương mại. Các nhà buôn ở nông thôn cũng như
ở vùng duyên hải có những hoạt động rộng rãi, trong lúc kết nối với nhịp sống
của khu vực thương mại, họ cũng bị tác động ngay lập tức của những yếu tố ngoài
địa phương hay ngoài khu vực. Rõ ràng là có nhiều thành phần kinh tế nằm trong
tầng lớp “nông dân” - như chính các lãnh tụ Tây Sơn đã miêu tả, song không may là
nguồn tư liệu hạn chế hiếm khỉ cho phép chúng ta có được một sự phân biệt rõ
ràng như thế.
III.1. KIỂM SOÁT NGƯỜI DÂN
Mỗi khi
các lãnh tụ Tây Sơn thiết lập một chế độ chính trị mới - vào năm 1775 ở Đàng
Trong và năm 1788 ở Đàng Ngoài - họ tìm cách khẳng định quyền kiểm soát cư dân
sống trên những lãnh thổ nằm dưới quyền hành chính trị của họ. Những nỗ lực này
phản ánh nhu cầu quân sự và thuế khóa trước mắt, song chúng cũng là một phản
ứng lại sự dịch chuyển của người dân và những xáo động do cuộc xung đột quân sự
và sự rối loạn xã hội gây nên. Chiến lược kiểm soát dân chúng bắt đầu với việc
điều tra dân số giúp chính quyền mới có được một số ý niệm về dân số và sự phân
bố dân cư trên những lãnh thổ họ làm chủ. Một khi dân chúng đã được kiểm kê, cả
hai chế độ của nhà Tây Sơn* thiết lập các hệ thống nhằm phân loại cư dân dựa
vào tuổi tác hay tình trạng kinh tế để tính toán việc bắt lính, làm lao dịch,
và các nghĩa vụ về thuế. Cuối cùng, ở Đàng Ngoài, vua Quang Trung khai triển
một hệ thống thẻ căn cước duy nhất giúp nhà nước có thể theo dõi người dân khi
họ đi ra khỏi làng mạc. Bằng những phương cách mà phần lớn đã được các vua chúa
từng áp dụng, các lãnh tụ Tây Sơn toan tính kiểm soát những cư dân đã rời bỏ
chỗ ở, không chỉ trong một thời gian ngắn ở Đàng Trong, do hậu quả cuộc nổi dậy
của nhà Tây Sơn, mà còn trong hơn một phần tư thế kỷ ở Đàng Ngoài, nơi những
cuộc nổi loạn của dân, lụt lội và nạn đói kém đã đưa hàng chục ngàn người ra
khỏi nhà cửa của họ.
III.1.1.Điều tra dân số
Phương
tiện chủ yếu được các nhà lãnh đạo Tây Sơn sử dụng để kiểm soát dân chúng là sổ
hộ khẩu. Thông tin thu thập được theo cách này rất cần cho việc hành thu thuế,
xác định trách nhiệm lao dịch, và thông thường hơn nữa là để có một nhận thức
về nhân khẩu trong địa hạt. Như Phan Huy Chú đã nhận định vào đầu thế kỷ XIX:
"Để được lợi từ ba cõi (Thiên, Địa, Nhân), người ta phải hiểu có bao nhiêu
người sẵn sàng phục vụ cho xứ sở để không phải lo không đủ người”. Nhận thức rõ
tầm quan trọng của những thông tin như thế, các vua chúa Việt Nam đã thực hiện
việc kiểm tra dân số từ ít nhất vào giữa thế kỷ XI, khi mới vừa lấy lại nền độc
lập. Cho dù họ thường xuyên tiến hành việc kiểm tra này, quãng cách giữa các
lần kiểm tra và tính hiệu quả của chúng thay đổi qua nhiều thế kỷ, phản ánh
hoàn cảnh chính trị và xã hội cùng sức mạnh tương đối của một vua chúa nào đó.
Ở Đàng
Ngoài, vua Lê-chúa Trịnh tiến hành định kỳ việc kiểm tra dân số, đôi lúc không
có hệ thống, song cuộc kiểm tra cuối cùng tương đối chính xác được tiến hành
vào năm 1658. Các biến động vào thế kỷ XVIII, trong đó có tình trạng rối ren
của nửa thế kỷ bất ổn trong dân chúng, hậu quả của những năm đói kém và chết
chóc tràn lan, đã khiến cho sổ bộ dân còn sống do các viên chức làng xã hoặc
chính quyền trung ương làm ra trở nên sai lạc rất nhiều. Vì thế, vào năm 1773,
sau khi cuộc nổi dậy quan trọng cuối cùng của người dân đã bị đàn áp, chúa
Trịnh muốn xem lại và cập nhật hóa các số liệu kiểm tra. Kế hoạch đó bị thất
bại hoàn toàn khi gặp phải sự chống đối bền bỉ và rộng khắp buộc triều đình
phải ngưng nỗ lực này. Ở Đàng Trong, nhà Nguyễn cũng thực hiện những cuộc kiểm
tra định kỳ tương tự nhằm mục tiêu thuế khóa và bắt lính, tình trạng hệ thống
quản lý hồ sơ khá tốt. Một cuộc điều tra dân số có hệ thống vào năm 1769 là một
phần nỗ lực của chính quyền nhằm tăng thu thuế và, như chúng ta đã nhận thấy
trước đấy, đó là nguồn gốc chủ yếu gây ra sự bất mãn trong dân chúng. Chỉ được
cập nhật hai năm trước khi nổ ra cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, nên số liệu về
dân số thời Nguyễn cũng chỉ được xác định vào ngày tháng khi cuộc nổi dậy mới
bắt đầu.
Mặc dù
chưa rõ cuộc kiểm tra dân số đầu tiên của nhà Tây Sơn diễn ra vào lúc nào, lời
tuyên bố của Nguyễn Nhạc vào năm 1775, rằng cứ 5 dân làng thì phải có một người
sung vào lính, cho thấy là nhà lãnh đạo Tây Sơn đã nắm đươc các sổ sách hành
chánh hiện hành của nhà Nguyễn. Sách Đại Nam thực lục còn chép rằng vào năm
sau, Nhạc buộc người dân sung vào quân đội dựa vào danh tánh được ghi trong sổ
bộ (hào) ở các làng mạc quanh Qui Nhơn, chứng tỏ rằng ông ta kiểm soát được ít
nhất một số sổ bộ về dân số. Tuy nhiên, phải chờ đến năm 1784, chúng ta mới có
được báo cáo đầu tiên về kiểm tra dân số do chính quyền của Nguyễn Nhạc tiến
hành. Giám mục Pháp Pigneau de Béhaine đã viết vào tháng 3.1785 rằng khi ông
rời Đàng Trong vào tháng 8.1784, nhà Tây Sơn đang tiến hành một cuộc kiểm kê
dân số nghiêm ngặt, và nhiều người dân đã trốn khỏi làng mạc để tránh bị kiểm
kê. Năm sau, Nguyễn Nhạc ra lệnh tiến hành một cuộc kiểm tra khác, ít bao quát
hơn. Lần kiểm kê này đặc biệt nhắm vào người Việt theo Cơ Đốc giáo. Với mối
quan tâm về lòng trung thành chính trị của người Cơ Đốc giáo trên lãnh thổ của
mình, Nhạc ra lệnh ghi danh họ để hoặc đánh thuế họ hoặc buộc họ phải bỏ đạo.
Trong lúc việc kiểm kê này chỉ bao gồm một phần dân số Đàng Trong là những
người Việt theo Cơ Đốc giáo, đối tượng của nó là một thành phần dân chúng rất
dễ bị tổn thương và dễ dàng bị khai thác về mặt tài chánh hay lao động.
Tiếp
theo cuộc đánh chiếm lãnh thổ phía bắc vào năm 1786, nhà Tây Sơn mở rộng việc
áp dụng những phương cách như thế ở vùng này. Những năm 1787 hoặc 1788, có vài
thời điểm nhà Tây Sơn bắt đầu lập danh sách người dân sống ở phía bắc Đàng
Trong, tức lãnh thổ cũ của nhà Nguyễn mà họ đã lấy lại từ tay họ Trịnh vào năm
1786. Rồi khi Nguyễn Huệ đã nắm lấy quyền bính từ tay nhà Lê vào cuối năm 1788,
nỗ lực này được đẩy ra Đàng Ngoài. Nhà lãnh đạo Tây Sơn hi vọng phục hồi trật
tự và ổn định ở Đàng Ngoài bằng cách biến những người dân di trú thành những
người sống yên một chỗ, và làm như thế để phục hồi nền kinh tế nông nghiệp đã
bị gián đoạn một thời gian dài. Với mục tiêu này trong đầu, vào tháng tư năm Kỷ
Dậu (tháng 4-5, năm 1789), vua Quang Trung “cho điều chỉnh các sổ bộ về tình
trạng pháp lý” của dân chúng như là bước khởi đầu của một cuộc kiểm kê dân số
rộng lớn hơn. Đầu năm sau, ông ban bố một chỉ dụ trong đó có đoạn sau “Trong
tất cả các trấn từ phía bắc sông Linh Giang, các phủ, huyện phải nỗ lực ghi
chép số dân làng phân theo hạng”. Trong cùng năm này, ông ban bố một chỉ dụ
khác liên quan đến việc đánh thuế, phân loại dân chúng, và chi tiêu của các
làng xã, theo đó, trách nhiệm gìn giữ các sổ bộ được giao cho các làng xã. Làng
xã tiếp tục trả thuế dựa vào sổ bộ hiện có, thuế suất chỉ giảm nếu xã trưởng
chính thức xác nhận cư dân đã qua đời.
Có lẽ
vào khoảng thời gian trên, vua Quang Trung ban hành một chỉ dụ - dù không được
xác định ngày tháng - nhắm trực tiếp vào cuộc khủng hoảng nông nghiệp. Với văn
kiện này, ông mô tả những vấn đề phát sinh do cuộc sống rày đây mai đó của
người dân trong những năm xáo động, dẫn đến sự sa sút của sản lượng nông nghiệp
và gia tăng nỗi lo đói kém. Vị hoàng đế ước tính rằng có lẽ chỉ 40% đến 50% dân
số được ghi sổ là còn ở tại chỗ, và chỉ có một tỷ lệ tương tự đất nông nghiệp
là đang được canh tác. Chỉ dụ kêu gọi các xã trưởng, trưởng thôn ấp tiến hành
cuộc điều tra về nhân khẩu và đất đai và ghi số liệu vào sổ bộ làng rồi trình
cho các quan lại nhà Tây Sơn xem xét. Cuối cùng, chỉ dụ yêu cầu mọi người dân
đã rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn hãy quay lại làng mạc và tiếp tục lại công việc
đồng áng. Mục tiêu của chính sách này rõ ràng là có hai phần: phục hồi sản
lượng nông nghiệp để hỗ trợ cư dân Bắc hà, và đưa dân chúng trở về làng quê,
nơi họ có thể được kiểm kê và nhà nước có thể kiểm soát họ một cách hữu hiệu.
Cho dù theo quan điểm của người nông dân, sự gia tăng mức độ kiểm soát của
chính quyền được coi như một bước thụt lùi, song chỉ dụ đã có hiệu quả tức thì
khi nhắm vào việc cải tiến sự ổn định xã hội, giúp khôi phục hoạt động nông
nghiệp.
Năm
1792, một thời gian ngắn trước khi qua đời, vua Quang Trung ban lệnh thực hiện
một cuộc điều tra dân số có tính hệ thống hơn, lưu ý rằng những nỗ lực trước
đây đã hoặc không thành công, hoặc không đầy đủ. Tác giả Bùi Dương Lịch đã mô
tả những vấn đề về sổ bộ dân số vào thời đó như sau:
“Sổ đinh
lập từ năm Nhâm Dần (1722) đời Lê cũ đến nay đã sáu bảy mươi năm, hộ khẩu nơi
đông thêm, nơi hao hụt, khác nhau rất nhiều, nên thuế khóa, sai dịch không đều.
Đến năm Quý Tỵ (1773), ban chỉ làm lại, nhưng dân thì cương ngạnh, quan thì ăn
hối lộ, không làm xong được, sau đó lại phải theo sổ cũ. Đến bấy giờ, Tây Sơn
hạ lệnh cho dân xã các nơi phải mở sổ của thôn ấp"
Khi mệnh
lệnh của nhà Tây Sơn được ban bố, một cuộc điều tra dân số diễn ra và một giáo
sĩ đã mô tả là việc này được tiến hành nghiêm túc nhất, trùng khớp với mọi
người dân trong độ tuổi từ 9 đến 70 tuổi. Các số liệu kiểm tra sau đó được dùng
áp dụng cho cả việc thu thuế lẫn nghĩa vụ quân sự.
Cuộc
điều tra dân số cuối cùng của nhà Tây Sơn mà chúng tôi có được chứng cứ đã diễn
ra vào năm 1801, dưới triều Nguyễn Quang Toản, là con, cũng là người kế vị vua
Quang Trung. Việc kiểm kê này là một phần trong công cuộc tái cơ cấu rộng lớn
hơn đang được nhà Tây Sơn tiến hành. Nỗ lực này khởi đầu vào năm 1800 với việc
thay thế niên hiệu Cảnh Thịnh bằng niên hiệu Bảo Hưng, một sự thay đổi được dự
liệu nhằm làm trẻ lại một chế độ đang sa sút trước những cuộc tấn công của chúa
Nguyễn* và đang có nguy cơ thất thủ kinh thành Phú Xuân. Đó cũng là thời kỳ mà
sự bất bình của dân chúng đối với nhà Tây Sơn đang tăng cao ở những trấn phía
bắc, số vụ nổi loạn qui mô nhỏ cũng nhiều hơn, do chúng được khích lệ bởi hi
vọng lực lượng của chúa Nguyễn sắp ra tới. Không rõ là cuộc điều tra dân số mới
của nhà Tây Sơn có phải là một cuộc đổi mới chính quyền của họ hay không. Có
điều rõ ràng là cuộc điều tra đó được phác họa trong điều kiện ngay cả việc
kiểm kê dân số cũng không ghi nhận được ai đã đi khỏi làng xã của họ. Căn cứ
vào cuộc điều tra này, những ai không có tên trong sổ bộ làng được coi là thuộc
thành phần các phong trào chống Tây Sơn.
Dù có
thể gặp nguy hiểm, song các làng xã vẫn tìm cách ngăn trở các nỗ lực của chính
quyền (Tây Sơn) muốn có một dân số chính xác. Dân làng và các viên chức làng xã
biết rất rõ rằng họ sẽ có lợi nhất khi ghi dân số (trong làng) ở mức thấp nhất
để bảo vệ họ trước những yêu sách của chính quyền. Do mỗi làng có trách nhiệm
chung phải đáp ứng yêu cầu về thuế má và bắt lính do chính quyền Tây Sơn đề ra,
cư dân của họ sẽ có lợi khi lừa dối chính quyền trung ương. Vì thế, nhiều làng
mạc ở phía bắc tìm cách giảm thiểu nghĩa vụ quân sự và thuế má bằng cách khai
ít đi số cư dân của họ*. Giữa cuộc điều tra dân số năm 1801, một giáo sĩ Pháp
ghi rằng những ngôi làng có thể báo cáo ít hơn dân số thật của họ cần phải có
một lập trường vững chắc để có thể tồn tại trước những yêu sách của chính
quyền. Từ sự miêu tả của giáo sĩ trên, rõ ràng tiến trình này không chỉ đơn
thuần là một kiểu lừa bịp về dân số mà đúng hơn là sự báo cáo hạ thấp dân số
thật. Chẳng hạn như ngôi làng nơi ông ta ở có dân số thực gần 300 người nhưng
chỉ được báo cáo có 10% con số này. Rõ ràng là nếu một làng xã có thể báo cáo
một con số vô cùng sai lạc như vậy, cư dân của họ sẽ ở vào một vị thế tốt hơn
nhiều so với nhà nước. Điều không thể nghi ngờ là chính quyền nhà Tây Sơn cũng
cảnh giác trước những dối gạt như vậy và đã thận trọng ngăn ngừa chúng, nhưng
trong phần lớn những trường hợp như vậy, họ không có nhiều thẩm quyền buộc làng
xã đưa ra những con số chính xác, một việc đòi hỏi phải có sự hợp tác của địa
phương.
III.1.2. Phân loại dân chúng
Như
người nông dân được kiểm kê dưới chính quyền Tây Sơn, dân chúng cũng được phân
loại, tiếp tục một việc làm mà các triều đại trước đã thực hiện. Chẳng hạn như
triều Lê-Trịnh đã áp dụng cơ chế phân loại, theo đó các loại hạng được thiết
lập tạo nên thứ bậc của người dân thường trong làng xã. Hệ thống này được vua
Lê Thánh Tông đưa ra năm 1470, chi tiết được giải thích rõ ràng trong bộ luật
Hồng Đức. Theo bộ luật này, dân làng khi đến tuổi 18 sẽ được ghi tên vào sổ bộ
làng và phân loại nhằm vào mục đích đánh thuế và bắt lính. Những ai không chịu
ghi tên có thể bị trừng phạt bằng cách sung vào lính. Dân làng được phân chia
hạng, loại như dưới đây:
Tráng hạng: thanh niên và người trưởng thành,
đối tượng của nghĩa vụ quân sự.
Quân hạng: thanh niên và người trưởng thành,
đối tượng của binh lính dự bị.
Dân hạng: dân chúng nói chung.
Lão hạng: người từ 50 đến 60 tuổi.
Cố hạng: người lao động ăn lương không có đất.
Cùng hạng: người bần cùng.
Nhà Nguyễn cũng phân loại dân của họ tương tự như thế, dù họ có bổ sung hai hạng dân là tàng tật và đào*. Các hạng này áp dụng trong các khu vực hay làng xã đặc biệt, nhấn mạnh vào hai hạng đầu tiên, trong đó con số thanh niên cố định được đánh dấu cho nghĩa vụ quân sự tại ngũ hay dự bị. Việc phân loại, hạng những người cá biệt có khác nhau, tùy thuộc vào tình hình địa phương ở một làng xã nào đó hoặc tùy vào từng địa điểm*. Ngoài ra, về mặt lý thuyết, luật lệ của nhà Nguyễn quy định rằng những số liệu cần được cập nhật thường xuyên, mỗi ba năm một lần thường thức và mỗi sáu năm một lần bao quát hơn.
Chính
quyền Tây Sơn cũng phân loại dân dựa vào tuổi tác, rõ ràng là dựa vào cách làm
của nhà Nguyễn và họ Trịnh trước đó. Có những chỉ dấu cho thấy hoàng đế Thái
Đức sử dụng cùng một hệ thống, vì lịch sử nhà Nguyễn thế kỷ XIX cho biết là sổ
bộ về dân số của nhà Tây Sơn trong lãnh địa của họ đã sử dụng ít nhất các hạng
lão hạng và lão nhiêu là hai hạng cuối cùng dựa vào tuổi tác. Điều này cho thấy
rằng vua Thái Đức tiếp tục sử dụng sổ bộ làng xã cũ mà ông ta đã tịch thu được,
trong đó có hệ thống phân loại của nhà Nguyễn mà các sổ bộ đó đã áp dụng. Đáng
tiếc là không có thông tin nào về việc vua Thái Đức sử dụng cơ chế này và trong
điều kiện tốt nhất, có thể phỏng đoán rằng ông tiếp tục sử dụng hệ thống hiện
hành của nhà Nguyễn dưới một hình thái không thay đổi.
Chúng ta
có nhiều chi tiết hơn liên quan đến việc vua Quang Trung thực hiện cơ chế này
trong lãnh địa phía bắc của ông. Ở vùng đó, dân chúng được phân loại theo cách
dưới đây:
Vị cập:
những người từ 9 đến 17 tuổi.
Tráng
hạng: những người từ 18 đến 55 tuổi.
Lão hạng
những người từ 56 đến 60 tuổi.
Lão
nhiêu: những người từ 61 tuổi trở lên.
Nhiều
yếu tố trong sự sắp xếp phân loại này rõ ràng là khởi đầu từ phương thức của
hai họ Trịnh-Nguyễn. Điều hiển nhiên nhất là hệ thống mới này được hợp lý hóa,
làm giảm số hạng còn có bốn. Thứ đến, hệ thống phân loại được đơn giản hóa này
đã triệt tiêu cách xếp hạng dựa vào tình trạng không có ruộng đất và những biểu
hiện khác của sự nghèo đói, mà chỉ nhắm chủ yếu vào tuổi tác. Một điều cũng
đáng ghi nhận nữa là trong kế hoạch của nhà Tây Sơn, có một thành phần mới được
bổ sung dành cho những người dưới 18 tuổi. Trong những cách phân loại trước
đây, người dân chỉ được ghi tên vào sổ bộ khi được 18 tuổi. Nay một nỗ lực đã được
thực hiện để ghi tên những người mới lên 9. Có thể đây là mưu định nhằm ngăn
chặn tình trạng người dân thoát khỏi sự kiểm soát của nhà nước, bằng cách ghi
tên họ vào sổ bộ từ rất sớm. Nhưng rõ ràng điều này cũng được thúc đẩy bởi ý
định mở rộng số người mà chính quyền mới có thể gọi họ sung vào lính hay làm
lao dịch. Vì vậy, trên thực tế, mọi người nằm trong độ tuổi 9 và 55 tuổi đều là
những đối tượng tiềm năng của nghĩa vụ quân sự, qui định cứ ba người thì có một
người tại ngũ và cứ 7 dân làng thì có một người đủ tiêu chuẩn đi lính*. Hình
như nhà Tây Sơn coi những người trẻ là một nguồn lực quan trọng, và chúng ta sẽ
thấy rằng họ định kỳ được sử dụng trong quân ngũ và trong những dự án lao động
khổ sai*.
III. 1.3. Thẻ căn cước
Một khi
dân chúng đã được kiểm kê và phân loại xong, chính quyền Tây Sơn tìm cách kiểm
soát các hoạt động của họ và cột chặt họ vào gia đình hơn. Bước đầu tiên hướng
đến những biện pháp như vậy ở Đàng Ngoài được một giáo sĩ Pháp đề cập đến vào
năm 1788. Ông ta viết rằng tất cả du khách đều được yêu cầu phải có một thẻ căn
cước nếu họ muốn đi khắp cả nước. Thêm vào đó, mỗi làng được lệnh xây dựng hai
hay ba văn phòng để ghi tên khách bộ hành đi ngang qua, từ đó tạo ra một phương
cách giúp qui định việc đi lại trong nước cũng như thu thập các số liệu về dân
số. Hệ thống này không được nói đến trong các nguồn tài liệu khác, có vẻ như đã
không được thiết lập một cách rộng rãi.
Ngay sau
khi Nguyễn Huệ lên ngôi Quang Trung hoàng đế, và cùng với một trong những cuộc
điều tra dân số theo lệnh của ông, ông thực hiện một nỗ lực có tính hệ thống và
mạnh mẽ hơn nhằm áp đặt sự kiểm soát lên mọi người. Giống như hệ thống có
trước, hệ thống này nhằm sử dụng thẻ căn cước cá nhân do hoàng đế Tây Sơn thực
hiện như một phương tiện theo dõi và kiểm soát hoạt động của dân chúng và dễ
dàng nhận biết những làng xã mà họ thống thuộc. Những tài liệu này được gọi một
cách thông tục là tín bài, do câu chữ ghi trên đó là thiên hạ đại tín. Một
nguồn tư liệu về sau đã miêu tả hữu ích về những thẻ này và cách vận hành của
hệ thống:
“Mỗi
người sẽ có một thẻ, trên đó khắc mấy chữ ‘Thiên hạ Đại tín’ và một con dấu
chính thức. Trên 4 cạnh của thẻ, người ta ghi tên, họ, lai lịch người đeo và
dấu chỉ tay ngón cái bàn tay trái... Khi đi ra ngoài, người dân phải luôn mang
theo thẻ, và nếu xảy ra trường hợp xét hỏi, họ phải lấy ra trình. Thẻ đó được
gọi là ‘tín bài’ Và nếu một người không có thẻ thì... người dân được phép xem
và hiểu điều đó. Sự kiện này được báo cáo và người không có thẻ sẽ bị bắt giữ
và sung vào quân đội”.
Hệ thống
thẻ căn cước là một sự đổi mới về phía nhà Tây Sơn: có vẻ như nó chưa có tiền
lệ trong lịch sử Việt Nam. Nó là một phần trong kế hoạch có tính hệ thống nhằm
áp đặt sự kiểm soát trực tiếp của nhà nước lên cá nhân người dân hơn là sự thực
hành có tính qui ước quyền lực của nhà nước diễn ra một cách rộng rãi ở cấp
làng xã. Chính thể mới nhấn mạnh rằng mọi người dân đăng ký với nhà nước và
mang thẻ đăng ký, và qui định rằng ai không có một thẻ như thế và không xuất
trình khi được yêu cầu sẽ lập tức bị bắt vào quân đội Tây Sơn.
Sách
Hoàng Lê nhất thống chí đưa ra giả thuyết rằng những thẻ đó là một phần trong
sự chuẩn bị kế hoạch xâm lược Trung Quốc của vua Quang Trung*. Tuy nhiên, một
tài liệu khác là sách Tây Sơn thuật lược cho là chính sách thẻ tín bài đã được
phác họa bởi Ngô Thì Nhậm, một danh sĩ và là cố vấn của vua Quang Trung. Nếu
điều này đúng thì nó cho thấy rằng chính sách đó là một công cụ dùng để kiểm
soát dân chúng hơn là một phương cách tăng cường việc bắt lính. Trong lúc không
có một chỉ dấu nào cho thấy Nhậm có một tham vọng quân sự, ông rất quan tâm đến
những người sống lang thang, một vấn đề mà ông đã kiến nghị với chúa Trịnh vào
thập niên 1770. Một hệ thống như thế sẽ giúp hoàn thành mong muốn của ông đặt
người dân dưới sự kiểm soát. Thật vậy, nếu hệ thống thẻ căn cước là một sáng
tạo của Nhậm thì có thể ông đã được gợi ý từ sách Chu Lễ, một tác phẩm có từ
thời tiền đế chế Trung Hoa mô tả những hệ thống các tư liệu nhận dạng để kiểm
soát hoạt động của người dân.
Dù xuất
phát từ đâu hay mục tiêu ban đầu như thế nào, rõ ràng là những thẻ nhận dạng
như thế có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, ngay cả khi tác dụng đáng
lưu ý nhất của nó là nhằm dọa dẫm cư dân Bắc hà.
Bất kể
mục tiêu của chúng là gì, thẻ căn cước rất không được dân chúng ưa thích và họ
chỉ mang theo một cách rất miễn cưỡng. Như một tài liệu có miêu tả, chỉ có nỗi
sự hãi mới khiến người ta bằng lòng mang theo thẻ: “Lúc ấy nhân dân sợ oai dữ
của Huệ, cùng đưa nhau ra lãnh [thẻ] tín bài”. Một giáo sĩ Pháp viết rằng hệ thống
này có tác dụng khiến người dân không muốn rời khỏi làng xã của họ vì sợ bị hỏi
thẻ căn cước và có thể bị bắt đi lính. Sách Hoàng Lê nhất thống chí mô tả một
phản ứng đối nghịch: dân chúng rời bỏ làng mạc và trốn vào vùng đồi núi để
tránh phải mang thẻ và trình thẻ khi bị hỏi đến. Một nhân chứng khác cho biết
dân chúng phẫn uất vì thẻ căn cước đến nỗi nhiều lần họ đứng lên làm loạn và bị
lực lượng hùng mạnh của nhà Tây Sơn đập tan. Sự thù nghịch đó là điều không khó
hiểu, vì hệ thống này, ít nhất về mặt lý thuyết, có một ảnh hưởng rất rộng, đạt
đến một trạng thái mới, khiến người dân dễ bị nguy hiểm trước chính quyền và
không dễ gì che giấu trước các quan lại. Sự thù nghịch kéo dài của người dân
đối với hệ thống thẻ tín bài đã khiến cho chính quyền Tây Sơn xét lại và một
thời gian ngắn sau cái chết của vua Quang Trung vào năm 1792, hệ thống thẻ tín
bài bị bãi bỏ bởi tân quân là vua Cảnh Thịnh, ông cũng ngưng hẳn việc bố ráp
những kẻ sống lang thang.*
III.2. VIỆC KHAI THÁC: BẮT LÍNH VÀ KHỔ DỊCH
DƯỚI THỜI TÂY SƠN
III.2.1. Việc quân sự
Một khi
dân chúng đã được kiểm kê, phân loại và vào sổ bộ, họ có thể bị chính quyền bắt
tham gia vào nhiều công việc và công trình khác nhau. Nhu cầu quan trọng nhất
nằm trong lãnh vực quân sự vì xét về mặt cơ bản, các lãnh tụ Tây Sơn rất quan
tâm đến việc động viên và triển khai quân đội. Mặc dù họ đơn thuần là những
người cuối cùng trong danh sách dài những vua chúa Việt Nam đã kêu gọi người
dân phục vụ trong quân đội, yêu cầu về mặt quân sự họ đưa ra là rất phiền hà.
Luôn có một kẻ thù đối đầu với nhà Tây Sơn, vốn là những người ngay lúc ban đầu
đã tiến hành các chiến dịch quân sự qui mô lớn chống lại nhà Nguyễn từ năm 1773
đến năm 1778, và rồi từ năm 1782 đến năm 1785, những cuộc xung đột tiếp tục trở
lại vào đầu thập niên 1790. Thêm vào đó, còn có một chiến dịch tuy ngắn ngủi
nhưng rất qui mô nhằm đánh đuổi quân Thanh vào những năm 1788 - 1789. Khi không
còn có sự thách thức của nhà Nguyễn hay nhà Thanh, nhà Tây Sơn tìm tới những
cuộc xung đột khác: với họ Trịnh năm 1786, những cuộc tấn công quan trọng vào
đất Lào những năm 1790 và 1791; và cuối cùng vào năm 1792, khi vua Quang Trung
dự tính tấn công Trung Hoa trong một nỗ lực lấy lại hai tỉnh Quảng Đông và
Quảng Tây đã “mất”, rồi sau đó hoạch định một cuộc tấn công lớn chống lại chúa
Nguyễn. Bên cạnh đó, còn có những cuộc chiến công khai trong nội bộ nhà Tây
Sơn, trong đó có cuộc chiến ngắn ngủi nhưng gây ấn tượng mạnh nhất giữa Nguyễn
Nhạc và Nguyễn Huệ vào năm 1787, cũng là việc Nguyễn Huệ tấn công Nguyễn Hữu
Chỉnh năm 1787 và Võ Văn Nhậm năm 1788, tiếp theo là những cuộc xung đột vào
cuối thập niên 1790, khi triều đình Tây Sơn ở Phú Xuân chống lại những viên
tướng phản bội ở Qui Nhơn.
Dưới thời các chúa Nguyễn, sau năm 1672, các cuộc chiến qui mô lớn tại Đại Việt giảm xuống, khi những cuộc xung đột với họ Trịnh đã kết thúc. Vì thế, đời sống của những người trong quân đội Đàng Trong vào thời kỳ này không phải lúc nào cũng gặp nhiều khó khăn. Tài liệu của các quan sát viên người châu Âu vào thế kỷ XVII mô tả quân đội nhà Nguyễn được tổ chức tương đối tốt và cho rằng quân lính được phép đưa gia đình theo với họ. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ XVIII, có vẻ như tình hình trở nên khó khăn hơn. Như Pierre Poivre đã viết vào năm 1749: "Những binh lính này bị thiếu ăn và thậm chí còn được trả lương thấp. Họ mòn mỏi trong cảnh sống cực nhọc cho đến khi tính khí thất thường của vị chúa Nguyễn đưa họ lên một vị trí đặc biệt”. Sự sa sút trong mức sống của binh lính trùng hợp với những chiến dịch quân sự ngày càng gia tăng, đặc biệt ở vương quốc láng giềng Chân Lạp, cùng những khu vực thuộc vùng cao. Và còn nữa, dù có sự xuống cấp trong điều kiện sống của những người phục vụ trong quân đội chúa Nguyễn vào giữa thế kỷ XVIII, vẫn còn có một khác biệt về chất lượng sống giữa những người bị cưỡng bách vào quân đội Tây Sơn và những người bị cưỡng bách vào quân đội nhà Nguyễn trước năm 1771, khi những người bị buộc vào quân đội Tây Sơn thường xuyên trải qua những cuộc xung đột qui mô lớn.
Trong
các cuộc chiến của nhà Tây Sơn, không những tần suất các cuộc xung đột mà còn
vì qui mô của nó báo trước điềm gở cho những nông dân bị buộc đi lính. Khi
những đạo quân này phát triển về lực lượng thì cũng là lúc gia tăng số tai họa
và những hậu quả kèm theo của chiến tranh giáng xuống đầu người dân Việt, kể cả
lính hay dân. Các chứng cứ rời rạc cho thấy có hàng trăm ngàn người ngã xuống
trên chiến trường và có thể có hàng chục ngàn người khác chết vì bị thương hay
bệnh hoạn. Những báo cáo rải rác đây đó về tai họa cho thấy một ý niệm về sự
mãnh liệt của cuộc xung đột. Có những tài liệu cho thấy lực lượng Tây Sơn đã
sát hại 1.600 quân Nguyễn vào đầu năm 1774. Thập niên tiếp sau khá ác liệt,
cuộc chiến giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn tiếp diễn, sự mãnh liệt của nó được
tiết lộ trong một tài liệu phổ biến năm 1784 chép rằng chỉ trong thời gian 6
tháng, đã có 18 trận chiến lớn, trong đó Nguyễn Nhạc tổn thất “một phần ba”
quân đội của ông, về sau, 30.000 quân Trịnh có thể đã chết trong chỉ một trận
đánh vào năm 1786, trong cuộc tấn công của Nguyễn Huệ vào Phú Xuân. Khi Nhạc và
Huệ tham gia vào một trận chiến ngắn ngay vào đầu năm 1787, một giáo sĩ cho
biết Nhạc bị tổn thất 40.000 quân*. Trong những năm 1793-1794, quân Tây Sơn vẫn
còn là bộ binh với 50.000 đến 60.000 quân, cho thấy là những cuộc đụng độ lớn
vẫn tiếp tục diễn ra. Rồi trong những trận chiến quanh vùng Qui Nhơn năm 1801,
một quan sát viên người châu Âu ghi nhận số tổn thất (cả chết lẫn bị thương)
của quân Tây Sơn và quân chúa Nguyễn lên trên 54.000 người. Những con số này
cho thấy rõ qui mô những cuộc chiến của nhà Tây Sơn và nhu cầu tiếp tục tìm
kiếm tân binh để bổ sung lực lượng chính qui đang sa sút.
Lúc ban đầu, quân Tây Sơn được điền thế bằng những người tình nguyện, đặc biệt khi phong trào còn tự giới hạn trong những cuộc hành quân qui mô nhỏ ở vùng cao nguyên, chủ yếu nhằm tìm cách gia tăng quân số. Bằng cách này, vào năm 1774, quân đội Tây Sơn đã lên đến 25.000 người. Đó là một lực lượng đáng kể, song vẫn còn phải đối đầu với một đạo quân Nguyễn nhiều hơn, vì thế nên vào năm 1775, sau khi đã tự xưng vương, Nguyễn Nhạc đề ra một chi tiêu quân số cho các làng xã dưới sự kiểm soát của ông ta. Cứ 5 người nam thì mỗi làng xã bị buộc phải giao một người để sung vào quân đội. Từ thời điểm đó trở đi, đội ngũ quân Tây Sơn không còn được bổ sung bằng những người hăng hái tình nguyện nữa, mà ngày càng nhiều bởi những người miễn cưỡng bị bắt lính. Cách thức mà các lãnh tụ Tây Sơn dùng để tuyển mộ lính thay đổi trong không gian và thời gian. Trong lúc Nhạc qui định cứ 5 người đàn ông thì có một người phải đi lính thì ở phía bắc, Nguyễn Huệ bắt cứ 3 dân làng phải có một người đi lính. Những tài liệu về sau của nhà Nguyễn cho rằng chế độ Tây Sơn ở phía nam thiết lập những nguyên tắc chỉ đạo trước về số lính mỗi làng phải cung cấp theo tỷ lệ 1 trong 7 người. Tuy nhiên, tài liệu này cũng nêu lên giả thuyết rằng những nguyên tắc chỉ đạo đó thường bị hoãn lại, với mỗi dân làng phải phục vụ như một người lính. Vào đầu năm 1776, Lê Quý Đôn cũng ghi rằng Nhạc buộc "mọi người dân ở phủ Qui Nhơn phải phục vụ như những người lính”, điều này cho thấy là những chỉ đạo đã soạn sẵn nhanh chóng bị gạt qua một bên. Một tài liệu tương tự về sau cho rằng cho dù Nguyễn Huệ dùng sổ bộ của làng xã để tuyển mộ người đi lính thay vì bắt lính theo một tỷ lệ nào đó trong số người đủ tư cách, trong ít nhất một trường hợp cá biệt, ông đơn thuần bắt sung vào quân đội tất cả những người trong độ tuổi 15 đến 60. Với nguy cơ cao bị tử trận hay bị thương từ một trận đánh lớn và kéo đài, cùng với đời sống khắc nghiệt trong quân đội Tây Sơn, các lãnh tụ cuộc nổi dậy phải bố ráp người một cách bừa bãi. Không có gì ngạc nhiên khi thấy rằng nhiều người bị cưỡng bách sung vào quân đội Tây Sơn đã đào ngũ càng nhanh càng tốt, trốn đi mà không đủ thức ăn, bị đối xử tàn nhẫn dưới bàn tay những kẻ chỉ huy, và nỗi khó khăn của những cuộc cưỡng bách hành quân nhanh như chớp. Nhiều tư liệu (xin xem phía dưới) mô tả các nhà lãnh đạo Tây Sơn, đặc biệt ở phía trên Đàng Trong và Đàng Ngoài, thường xuyên tuyển mộ người mới để thay thế quân đào ngũ, và làm điều đó một cách bừa bãi*. Vì vậy, khi Nguyễn Huệ tiến hành cuộc chiến năm 1787 chống Nguyễn Nhạc, ông đã nhanh chóng tập hợp một đạo quân đáp ứng được yêu cầu của ông: "(Huệ) trở lại đấy vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 với khoảng 50.000 người, hoặc chính xác hơn, với 50.000 nông dân hoặc những kẻ sẵn sàng tòng quân được tuyển mộ vội vã, những quân lính trước đây của ông đã gần như bỏ ông đi hết vì sự tàn ác của ông đã để cho họ chết đói”*. Một kết quả của chiến lược tuyển mộ như thế là sự hình thành một lực lượng khố rách áo ôm với tỷ lệ đào ngũ cao sau đó là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Ngay cả việc Nguyễn Huệ tuyển mộ lính cho đạo quân của ông để đánh đuổi quân Thanh cũng được thực hiện theo cung cách đặc biệt như thế, hình thành một lực lượng được một tài liệu đương thời miêu tả như sau:
Hình 7:
Một lính Tây Sơn năm 1793. Tranh vẽ của William Alexander, một thành viên của
phái bộ Huân tước Mc Cartney năm 1793. Cho dù có tính cách điệu, hình vẽ cũng
cho thấy trang phục và vũ khí của binh sĩ Tây Sơn bên trong và quanh khu vực
cung điện của nhà Tây Sơn. Tranh từ sách A Voyage to Cochinchina in the Years
1792 and 1793 (Chuyến du hành sang Đàng Trong những năm 1792-1793) của John
Barrow (London, T. Cadell & W. Davies, 1806; in lại tại Kuala Lumpur bởi
Oxford University Press, 1975).
"Vào
thời điểm đó (cuối năm 1788), bạo chúa mới của Đàng Trong biết về sự có mặt của
quân Thanh và những thành tích của họ. Vì ông là một con người xuất sắc và được
coi như một Alexandre Đại đế thứ hai, ông bổ sung vào trong chiến dịch của mình
tất cả những người mà ông tình cờ gặp phải, đàn ông, trẻ con, người cao tuổi,
và đạo quân của ông có dáng vẻ của một đoàn người đi cứu tế hơn là những chiến
binh”*.
Đối đầu
với sự phản kháng hàng ngày trong quân đội của họ và nhiều binh lính đào thoát
ở chiến trường, các lãnh đạo quân sự nhà Tây Sơn ngày càng chấp nhận những biện
pháp cưỡng bức để quân đội của họ có đầy đủ sức mạnh và thường xuyên sử dụng sự
thô bạo trong mối tương quan của họ với dân chúng và các quan lại địa phương.
Theo nhiều tài liệu, nhà Tây Sơn nhanh chóng cưỡng bách dân chúng gia nhập vào
quân đội của họ và cũng nhanh chóng trừng phạt những ai từ chối vào quân đội.
Trên
phương diện này, nhà Tây Sơn đã theo cách làm của nhà Nguyễn vào thế kỷ XVII và
có thể sớm hơn. Như Li Tana đã viết:
“Luật
tuyển quân của nhà Nguyễn rất chặt chẽ. Khoảng năm 1671, Vachet viết rằng: ‘một
người sẽ bị mất đầu nếu bị phát hiện đang tìm cách trốn lính’, ông cũng thêm
rằng nếu một quan lại phụ trách tuyển quân chấp nhận việc bắt người dưới tiêu
chuẩn làm lính, ông ta cũng sẽ mất đầu. Xem tài liệu của Da Shan vào thập niên
1690, cách tuyển quân diễn ra ở mỗi làng xã chỉ kém hơn tai họa một chút”.
Sự đổi
mới của nhà Tây Sơn, nếu có thể gọi như thế, đã làm gia tăng mức độ và phạm vi
tàn bạo được dùng để đe dọa người dân, buộc họ phải tán đồng những yêu sách của
Tây Sơn.
Việc
hành hình là phản ứng đáp lại sự đối kháng diễn ra trong những ngày đầu tiên
của cuộc nổi dậy, và vẫn là một yếu tố quan trọng trong chính sách quân sự của
nhà Tây Sơn cho đến ngày cuối cùng của chế độ. Ngay khi cuộc nổi dậy mới nổ ra,
cũng ông giáo sĩ Tây Ban Nha từng viết rằng nhà Tây Sơn được hoan nghênh là
“những kẻ cắp nhân đức và từ thiện”, đã nhận xét rằng “họ nổi lửa thiêu hủy tư
dinh của viên quan trấn thủ, làm chủ toàn bộ trấn mà không gặp một sự đối kháng
nào, vì họ đã hành hình tất cả những ai chống lại họ”. Thật vậy, cũng nguồn tư
liệu trên viết rằng trong những yếu tố khác nhau, chính nỗi sợ hãi đối với
người lãnh đạo Tây Sơn là Nguyễn Nhạc đã dẫn đến những thắng lợi ban đầu của quân
Tây Sơn. Những chính sách như thế kéo dài suốt thời kỳ Tây Sơn, và vào năm
1801, thư của một giáo sĩ viết rằng “ngay giữa lúc rối loạn đó, nhà Tây Sơn
cũng không đánh mất sự sáng suốt của họ và đã tiến hành một đợt tuyển quân mới;
không ai dám từ khước, vì những ai làm thế là bị chém đầu ngay tức khắc. Vì
thế, không chỉ những người chết trên bãi chiến trường, nếu họ không may bị sung
vào quân đội, mà còn có những người ngã xuống vì đã cố gắng cưỡng lại việc bắt
lính ngay từ đầu.*
Trong
lúc các nhà lãnh đạo quân sự Tây Sơn hành hình nhiều người cưỡng lại các nỗ lực
tuyển quân của họ, họ còn hành xử đặc biệt tàn bạo với những người đã ở trong
quân đội của họ - để trui rèn họ trong chiến đấu, hăm dọa để họ không có âm mưu
trốn đi, và có lẽ cũng để ép buộc người dân địa phương phải hợp tác với họ. Thư
của một giáo sĩ viết năm 1788 đã miêu tả sự kiểm soát tàn bạo do tướng Tây Sơn
Võ Văn Nhậm và các quan lại của ông ta thực hiện:
“Tài
năng của những con người này là giết rất nhiều người để làm cho họ sợ và biết
tuân thủ hoàn toàn. Họ cũng giết nhiều người không vì lý do nào cả. Khi họ rời
đi và mang theo đạo quân hùng hậu bị cưỡng bách, họ nhân đôi sự hung bạo của
họ. Gây ra một sơ suất nào đó hoặc quấy rầy ai, hoặc vì một việc tương tự nào
đó, hoặc thậm chí không có một vi phạm nào, những người lính cũng có thể bị
chém đầu. Trong một khoảng không gian chừng nửa dặm đường, người ta có thể nhìn
thấy 15 thi thể bị giết theo cách này”.*
Sự mô tả
trên cho thấy một kiểu đe dọa được tạo ra để buộc người dân tham gia vào quân
đội Tây Sơn và giữ họ ở đó. Đôi khi có vẻ như những mối đe dọa này mở rộng
thành hành vi ăn thịt người theo nghi thức. Một bức thư có lẽ được viết năm
1795, ghi rằng; “những kẻ nổi loạn chiếm đóng toàn bộ Đàng Ngoài và phần trên
của Đàng Trong, gây ra những phiền toái và làm điều hung bạo với một tính cách
kỳ lạ nhất, đến mức khiến cho lính của họ uống máu người và ăn thịt những người
vẫn còn sống để tập cho lính quen với sự tàn bạo"*. Tin đồn về cách hành
xử như vậy không chỉ có trong các tài liệu của các giáo sĩ Pháp, mà còn cả
trong sử của triều Nguyễn vào thế kỷ XIX. Chẳng hạn như sách Đại Nam thực lục
mô tả một cuộc đối đầu giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn, trong đó một tướng nhà
Nguyễn bị bắt giữ, và sau khi từ chối thỏa hiệp trước sự đe dọa của phía Tây
Sơn, ông đã bị giết và bị ăn thịt.*
Tuy
nhiên, với tất cả tính chất nguy hiểm của nó, việc sử dụng biện pháp hành hình
và các hình thức dọa dẫm khác không đủ để duy trì sức mạnh cần thiết của binh
lính trong quân đội Tây Sơn. Vì thế, các lãnh tụ Tây Sơn cũng đã áp dụng những
chiến lược khác để giữ chân và thu hút binh lính, bao gồm các biện pháp thuyết
phục hơn là cưỡng bách. Cách phổ biến nhất, đặc biệt vào những năm cuối cùng
của chế độ, là các lãnh đạo quân sự Tây Sơn thăng thưởng binh lính của họ, hi
vọng sự hãnh diện về cấp bậc có thể thuyết phục binh lính ở lại quân ngũ. Năm
1797, một giáo sĩ đề cập đến tình hình huyện của ông ta ở Đàng Ngoài rằng: “hầu
hết đàn ông đều đã chết trong chiến tranh hoặc do những tai ương khác đã diễn
ra trên đất nước này trong 25 năm qua, ít người còn ở lại phụng sự bạo chúa, và
hầu như các võ tướng, quan lại cũng thế, một ít người còn ở trong quân đội,
những người khác ở công sở, cơ quan tư pháp”*. Tương tự như thế, mấy năm sau,
vào năm 1801, một nhà quan sát quân sự người Âu khá nhạy bén đã ghi nhận cái
cấu trúc nặng phần đầu một cách khác thường của quân đội Tây Sơn ở Đàng Trong.
Miêu tả quân nổi dậy sau một chiến thắng quan trọng của quân nhà Nguyễn với kết
quả là 13.700 lính Tây Sơn bị bắt giữ, ông ta viết:
“Có trên
144 Chưởng cơ, Vệ úy, và Phó vệ úy* trong một trại giam rộng lớn ở dinh thự nằm
bên phải lối ra vào. Tất cả đều bị xiềng xích. Ngoài ra, còn có 500 đến 600
người khác bị xiềng nhẹ hơn. Các Cai cơ, Cai đội chừng 3.500 đến 4.000 người
thì bị mang gông”*.
Mặc dù
các cấp bậc được ghi ở đây theo thuật ngữ châu Âu, hình như có thể thấy rõ một
sự mất cân đối trong quân đội Tây Sơn giữa những người có cấp bậc cao so với
binh lính thường.
Những
chỉ dấu của khuynh hướng này cũng có thể tìm thấy trong các tài liệu của người
Việt, sổ bộ làng từ một thôn ấp nằm ở phía bắc Phú Xuân, bên trên Đàng Trong,
đề năm 1799, ghi là có 295 đàn ông đủ tiêu chuẩn trong làng, trong đó 122 người
hoặc có danh hiệu cao quý, hoặc ở địa vị võ quan. Trong những điều kiện bình
thường, thật khó mà có đến 41% đàn ông trong làng có các danh hiệu hoặc cấp bậc
như thế trong quân đội. Thật vậy, trường hợp này cho thấy rằng các danh hiệu và
cấp bậc cao trong quân đội đôi lúc được ban phát một cách hào phóng để thu hút
hay giữ chân người ủng hộ. Thêm vào đó, sự bành trướng một cách mạnh mẽ thành
phần quan võ Tây Sơn không làm mất người trong dân chúng nói chung, xét về các
biến động quân sự vào cuối thời kỳ Tây Sơn. Một câu nói có tính chế nhạo vào
những năm cuối cùng của nhà Tây Sơn, phê phán cơ cấu kỳ lạ của đạo quân nổi
dậy:
Tướng
chỉ huy ta có 3.000 người.
Các
tướng trong quân đội, ta có 80.000 người.
Các quan
võ, nhiều không đếm xuể.
Quan lại
cấp thấp, ta lấy thuyền mà chở.
III.2.2. Lao dịch
Ngoài
việc quân, nhà Tây Sơn còn bắt dân chúng phải đáp ứng những yêu cầu liên tục về
sự lao dịch. Đây là một nghĩa vụ khó nhọc khác và tốn kém thời gian, đe dọa đời
sống của người dân và đẩy họ ra khỏi những ruộng đồng của họ. Giống như các
chúa Nguyễn, chúa Trịnh trước họ, và triều Nguyễn sau họ, nhà Tây Sơn dựa vào
sự lao dịch của người dân để thực hiện những dự án lớn lao và tầm thường của
họ*. Trong một thời kỳ mà chiến tranh và sự tàn phá nặng nề như cuối thế kỷ
XVIII, có lẽ khó mà tránh được yêu cầu đóng góp sức lao động lớn lao vừa để ủng
hộ các chiến dịch quân sự, vừa để xây dựng và tái thiết những hạ tầng cơ sở đã
bị tàn phá trong chiến tranh. Trong lúc một vài hình thức lao dịch do chính
quyền Tây Sơn yêu cầu có thể nói là có lợi cho dân địa phương - chẳng hạn như
tu sửa đê điều hoặc làm lại những con đường đã hư hỏng- nhiều dự án khác có rất
ít hoặc không mang lại lợi ích cụ thể nào cho những người bị bắt ép phải tham
gia.
Nhu cầu
lao dịch biểu hiện rất sớm trong phong trào Tây Sơn, và có lẽ sự tiếp cận với
một cuộc chiến mang tính hủy diệt của nhà Tây Sơn - đốt cháy những gì có thể là
những công trình hữu dụng - đã góp phần tạo ra những yêu cầu lao dịch vô độ của
họ*. Chẳng hạn như khi chiếm lĩnh phủ lỵ Qui Nhơn vào năm 1773, quân nổi dậy đã
nhanh chóng thiêu hủy tư dinh của viên tri phủ. Một thời gian ngắn sau, “họ đốt
cháy tư dinh của quan phủ Quảng Ngãi và xây dựng một tư dinh mới”*. Quân đội
Tây Sơn cũng gây ra những cuộc tàn phá trên diện rộng tại các thị trấn duyên
hải quan trọng là Đà Nẵng và Hội An, riêng Hội An bị tàn phá đặc biệt nghiêm trọng.
Họ cũng tàn phá những thị trấn ở xa về phía bắc sau khi đã xâm chiếm Đàng Ngoài
vào năm 1786*. Dù các công trình xây dựng bị thiêu hủy bằng đuốc hay bị dỡ từng
viên gạch, cuối cùng chỉ có người dân là phải xây dựng lại những gì đã bị tàn
phá.
Đặc biệt
hơn, chính người dân địa phương bị trưng dụng để thực hiện những dự án này và
vì thế mà sự phân bố lao động có tính thất thường. Trong lúc có nhiều dự án qui
mô nhỏ nhằm tái thiết nhà cửa và đường sá, xuyên suốt thời kỳ Tây Sơn, gánh
nặng lao dịch nặng nề nhất rơi vào những người dân sống sát cạnh các trung tâm
chính trị của chính quyền Tây Sơn. Dự án đầu tiên nhằm xây dựng một trung tâm
chính trị mới vào năm 1775 khi Nguyễn Nhạc bắt đầu sử dụng lao công địa phương
để củng cố các công sự và dựng lên các kiến trúc ở Chà Bàn. Mặc dù tại vị trí
này, các phế tích một thành lũy của người Chăm vẫn còn tồn tại, công việc chủ
yếu cần làm là củng cố các bức tường thành, xây dựng một không gian sống và lao
động bên trong khu vực. Đó là tài liệu mắt thấy tai nghe duy nhất miêu tả chi
tiết về nhà Tây Sơn “ kiểm soát Chà Bàn từ năm 1778, và kể về một thị trấn mà
các thành lũy vẫn còn ở tình trạng chưa được tu sửa. Có giả thuyết cho rằng
hoặc công trình chưa được hoàn thành - mặc dù nhân chứng (Charles Chapman)
không cho biết đã thấy một toán lao công nào - hoặc công trình bị đình hoãn do
người lao động đã trốn khỏi hiện trường, khiến cho nhà lãnh đạo Tây Sơn không
còn đủ người để hoàn thành dự án.
Một kiểu
mẫu tương tự cũng được tìm thấy ngay sau khi Tây Sơn tiến ra bắc vào năm 1786.
Sau khi quân của ông đã chiếm lấy Phú Xuân từ tay quân Trịnh, Nguyễn Huệ bố ráp
dân địa phương và buộc họ làm việc ngày đêm để tái thiết các công sự trong kinh
thành, để biến nơi đây thành trung tâm chính trị riêng của ông. Cùng lúc đó,
Huệ cũng bắt đầu khôi phục Lũy Sầy* ở phía bắc Phú Xuân, trước đây đã được dùng
để bảo vệ quân Nguyễn chống lại quân Trịnh. Dự án này giống như dự án tái thiết
khu phòng thủ kinh thành, đòi hỏi sự đóng góp sức lao động lớn lao của dân địa
phương. Giáo sĩ Pháp Jean Labartette viết rằng, yêu cầu lao động nặng đến nỗi
tất cả các thành phần dân chúng đều bị buộc phải tham gia, chi trừ các bà mẹ
đang cho con bú.
Bốn năm
sau, vào năm 1790, Nguyễn Huệ (lúc này là Quang Trung hoàng đế) bắt đầu tuyển
lao động cho công trình quan trọng xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô mới của ông.
Một tài liệu viết vào năm 1791 mô tả sự khó nhọc mà những người bị cưỡng bách
lao động trong công trình đó phải đối đầu:
“Dân và
lính ngập tràn, họ bận rộn không ngừng trong việc xây dựng một thị trấn mà
những kẻ nổi loạn đang dựng lên. Một số người được phái đi tìm gỗ trong rừng,
trong khi những người khác đào trong đất tìm đá; có người nung gạch ngói và
những người khác thì làm việc trên những vùng đất cao hay những mương rãnh. Tất
cả những việc đó được làm với phí tổn do dân chịu”.
Về sau
một nhà chép sử biên niên người Việt viết rằng: Các quan chức trong vùng thúc
giục người dân ở tất cả các huyện đi tới An Trường để lấp các ao hồ và đẵn gỗ.
Phản ứng của người dân là chống lại dự án này, nhiều người từ bỏ công việc đang
làm và trốn đi. Vì thế, như khi nhà Tây Sơn liên tục tuyển mộ lính mới thay cho
lính đào ngũ, tình trạng tương tự cũng xảy ra với việc lao dịch.
Trong
lúc những dự án qui mô lớn nhằm xây dựng một kinh đô mới có lẽ là nguồn gốc
hiển nhiên nhất của sự gian khổ đối với người dân Việt, họ cũng bị cưỡng bách
cung cấp sức lao động cho vô số dự án nhỏ khác. Đó là trường hợp trong phạm vi
lãnh địa của nhà Tây Sơn, song hình như nó đặc biệt đúng ở Đàng Ngoài, nơi
Nguyễn Huệ cùng các thuộc tưởng của ông và những người kế tục không ngừng đòi
hỏi ở người dân của mình. Sự việc bắt đầu với sự sách nhiễu của Huệ quanh vùng
Phú Xuân vào năm 1786 và tiếp tục xa hơn về phía bắc vào năm 1788, khi có tin
tướng Tây Sơn Võ Văn Nhậm bắt mọi người phải sửa chữa các bức tường thành cũ
quanh Hà Nội, một hành động làm cho người dân oán giận, và như chúng ta đã
thấy, điều này góp phần vào việc Nguyễn Huệ loại trừ ông ta sau đó. Rồi khi
chiến tranh với nhà Nguyễn kéo dài đến thập niên 1790, sự sách nhiễu về lao dịch
của nhà Tây Sơn “cho những dự án từ việc làm lại cầu, đường, đến việc xây dựng
và sửa chữa công sự - chỉ có tăng lên mà thôi. Năm 1794, lại thêm một loạt
những yêu cầu lao dịch khác, được miêu tả là đã làm kiệt quệ người dân sống
dưới sự kiểm soát của nhà Tây Sơn. Bốn năm sau, tình hình vẫn không cải thiện,
và một lá thư khác của một giáo sĩ viết: “Người dân chưa bao giờ bị quấy rầy
nhiều như thế. Họ phải cống nộp gấp đôi trong năm nay, phải đào những con kênh
để chuyên chở gạo từ Đàng Ngoài vào miền thượng Đàng Trong và làm những chiếc
giỏ để chuyển gạo bằng đường bộ ở những nơi người ta không thể đào kênh được”.
Để đáp
ứng những yêu cầu lao dịch liên miên của họ, các nhà lãnh đạo Tây Sơn mở rộng
các nhóm người trong xã hội là đối tượng để làm những công việc như thế. Họ bao
gồm phụ nữ và những nhóm khác trong xã hội trước đây được miễn (hoặc ít sử dụng
thường xuyên), gồm trẻ em, người già, và tu sĩ Phật giáo. Như đã lưu ý ở trên,
khi quân Tây Sơn vào Thuận Hóa năm 1786, họ lập tức bắt mọi người làm việc, chỉ
trừ các bà mẹ đang cho con bú. Sau đó, có thể việc sử dụng phụ nữ giảm xuống,
nhưng vào mùa hè năm 1792, một giáo sĩ ở Đàng Ngoài thuật lại rằng “vừa có một
chỉ thị là trong tất cả những làng xã không có đủ đàn ông để làm việc công ích,
phụ nữ sẽ được sử dụng, và những phụ nữ chưa chồng được giao việc vác đá để xây
dựng công sự”. Một vài dân làng, ít nhất trong trường hợp này, cố thể làm lung
lạc sức mạnh của mệnh lệnh bằng mưu chước đi tìm các cô gái độc thân trong làng
và ép họ lấy chồng. Bằng cách này, các làng xa có thể tránh được gánh nặng phải
cung cấp đồ tiếp tế cho những cô gái được cử tham gia các dự án xây dựng. Tuy
nhiên, việc này làm phát sinh những khó khăn và sức ép đối với dân địa phương.
Những
sức ép như thế cũng kéo dài với những ai thường được coi là còn quá trẻ hoặc
quá già để có thể trở thành đối tượng của những yêu cầu lao động trong nước. Hệ
thống phân loại ghi danh những đàn ông trong làng từ lúc 9 tuổi đã là một chỉ
dấu cho thấy rằng chính quyền mới kéo lùi giới hạn tuổi để có sự tham gia rộng
rãi hơn trong xã hội và sẵn sàng đặt trẻ em trong tình trạng khả dụng khi cần
đến. Như chúng tôi đã lưu ý ở trên, năm 1787, Nguyễn Huệ bắt những trẻ 15 tuổi
vào lính. Đó không chỉ là công tác quân sự, mà còn là những loại lao động khác
áp đặt cho giới trẻ. Một thư của giới giáo sĩ vào năm 1791 thuật lại rằng
"nếu còn có bất cứ người trẻ tuổi nào trong làng, đó là vì họ được miễn
trừ do đã có những đóng góp rất lớn. Thêm vào đó, vào những ngày này, còn có
một mệnh lệnh bắt tất cả thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi đi phục vụ cho các
con của nhà vua”.
Những
đứa trẻ này, và nhiều trẻ khác từ 7 đến 8 tuổi được chọn để thành lập một đội
bảo vệ đặc biệt cho một trong những người con của vua Quang Trung (khoảng 6 hay
7 tuổi) vừa được chọn làm người lãnh đạo chính quyền ở Đàng Ngoài. Cũng có rải
rác những chứng cứ về việc chính quyền nhà Tây Sơn sử dụng những đàn ông, đàn
bà lớn tuổi làm những công việc nặng nhọc, và cả những người đàn ông 60 tuổi bị
buộc phải làm lính. Vào những thời điểm khác, những người già hơn cũng đã tình
nguyện gia nhập vào quân đội Tây Sơn. Có trường hợp một nhóm người già lão sống
ở Thăng Long hình thành một đội “bạch đầu quân" nhằm hỗ trợ cuộc tấn công
quân Thanh vào năm 1789, một hành động được vua Quang Trung đích thân khen thưởng.
Cuối
cùng, các lãnh tụ Tây Sơn, vốn ít chú trọng đến giáo lý Phật giáo, đã không băn
khoăn gì khi bắt các tu viện Phật giáo phải lao động. Thông thường nhất là họ
bắt các thầy tu phải rời tu viện (nhiều tu viện đã bị quân Tây Sơn cướp phá và
sử dụng làm chuyện khác) để đi khuân vác hoặc làm lính trong hàng ngũ quân nổi
dậy. Việc dùng thầy tu lao động theo lệnh của nhà nước như thế là điều rất bất
thường vào thời kỳ Tây Sơn, vì theo truyền thống, những người thuộc giới tu sĩ
được miễn lao dịch và thuế má. Quyết định của các lãnh tụ Tây Sơn bắt bất cứ ai
mà họ coi như một nguồn lao động thuận lợi và chưa được khai thác một lần nữa
cho thấy một mức độ cao về chủ nghĩa thực dụng hơn là về ý thức hệ đang dẫn dắt
phong trào. Cùng lúc ấy, nhà Tây Sơn tấn công các trung tâm tu tập Phật giáo và
việc phân tán những người ở trong đó cho làm lao dịch có thể còn có một lý do
thứ hai, đó là giảm thiểu khả năng những chốn tu tập đó được sử dụng như những
ổ đề kháng, vì cũng có những dấu hiệu cho thấy điều đó đã xảy ra.
Dù yêu cầu lao động xảy ra thường xuyên gây ra sự phiền hà cho tất cả các nhóm người trong xã hội, thỉnh thoảng chúng cũng tạo ra lợi ích cụ thể cho những người thực hiện. Chẳng hạn như những dự án sửa chữa đê đặc biệt quan trọng ở Đàng Ngoài, nơi đồng ruộng gần sông được tạo ra những bờ đê bằng đất để kiểm soát dòng chảy khó đoán trước của nó. Những vụ vỡ đê định kỳ thường tàn phá trên một diện rộng, đôi lúc cuốn đi hàng ngàn ngôi nhà. Một văn kiện miêu tả dự án sửa chữa đê năm 1795 tại trấn Sơn Nam (một khu vực đất phù sa bồi trải dài theo bờ phía nam con sông Hồng, từ Thăng Long ra đến bờ biển) được thực hiện dưới sự giám sát của một viên chức quan trọng của nhà Tây Sơn là Phan Huy ích, đã cho thấy dấu hiệu về ý nghĩa của những công trình như thế:
“Tôi
nhận được lệnh giám sát việc đắp đê, đích thân đi xem xét và kiểm tra khắp nơi,
sông và buộc dân tham gia bằng cách mang tre tới và bắt đầu dựng lên; tôi cũng
thông báo cho họ thời hạn chót phải hoàn tất, để họ không xao nhãng. Sau một
tháng, công trình hoàn tất, Dân chúng có mệt đôi chút, nhưng họ được lợi chung,
và mọi người nhận thấy điều đó có lợi”*.
Sự miêu
tả của Phan Huy ích rõ ràng là có tính lý tưởng hóa, có thể hiểu được là những
người lao dịch cũng thấy được sự góp công của họ theo cách đó. Thật vậy, có lẽ
như những người lao động hiểu được nhu cầu của các dự án bảo vệ đê vốn đã không
được làm gì cả trong những năm tháng rối ren. Những dự án sửa chữa đê như trên
tiêu biểu cho những trường hợp hiếm có mà sự lao động của dân chúng có lợi trực
tiếp cho những người bị buộc phải thực hiện chúng. Một loại dự án lao động công
ích khác cũng mang lại lợi ích là những nỗ lực tái thiết đường sá, vì những con
đường này giúp chuyên chở thực phẩm cần thiết cùng những hàng hóa thương mại
nói chung. Tuy nhiên, phần lớn những dự án khác như xây dựng công sự, thành
trì, dinh thự hay công sở không phải là những lợi ích tức khắc hay rõ ràng đối
với những người lao động bị buộc phải thực hiện chúng.
III.3. BÒN RÚT TÀI NGUYÊN: CƯỚP PHÁ, ĐÁNH THUẾ
VÀ NHŨNG LẠM
Quân vụ
và lao dịch cưỡng bách những người dân miễn cưỡng thi hành chỉ thể hiện một
khía cạnh của áp lực của nhà Tây Sơn lên những người sống dưới sự kiểm soát của
họ. Mặc dù những việc như thế đáp ứng nhiều nhu cầu cấp bách, song các lãnh tụ
quân nổi dậy và những nhà lãnh đạo đất nước sau đó còn cần đến những đóng góp
rõ ràng hơn. Vì thế, trong suốt thời kỳ Tây Sơn, người dân Đại Việt bị buộc
phải thường xuyên cung ứng cho chính quyền các sản phẩm vật chất. Những đóng
góp này đôi lúc dưới hình thức tiền bạc, song thường xuyên hơn gồm hàng hóa các
loại, từ sản vật, thú nuôi đến những đồ quý giá khác. Hình thức của những sự
bòn rút này thay đổi, phản ánh mục tiêu và sức mạnh của những người thực hiện
chúng. Sự cướp phá đơn thuần do binh lính thực hiện, phổ biến trong những ngày
đầu của cuộc nổi dậy, vẫn là thành phần trung tâm trong chiến lược bòn rút của
nhà Tây Sơn. Thứ đến, những thành phần có tổ chức hơn trong chính quyền Tây Sơn
thu lợi bằng hiện vật hay tiền bạc qua việc thu thuế theo qui định thông thường
hoặc sử dụng quân đội để cưỡng bách dân chúng phải đóng góp. Cuối cùng, các
quan lại hoặc viên chức chính quyền địa phương thối nát sẽ ép buộc người dân
sống dưới sự kiểm soát của họ phải đóng góp tài nguyên hay tiền bạc. Ở một mức
độ nào đó, đối với người nông dân Việt trung bình, cơ chế đặc biệt dùng bòn rút
lợi lộc không thích đáng, vì kết quả cuối cùng chắc chắn là không như nhau.
III.3.1. Sự cướp bóc (Sự “tái phân phối của
cải”)
Việc
tịch thu sản vật và đồ quân dụng, hoặc với mục đích tái phân phối, hoặc giữ lại
chúng cho quân đội là một thành phần quan trọng trong việc tiếp cận quyền lực
của các cấp lãnh đạo thực dụng của nhà Tây Sơn. Một mặt, lúc ban đầu, cuộc nổi
dậy được dẫn dắt và hỗ trợ bởi những vụ tịch thu như thế, vốn được các nhà quan
sát đương thời gọi là “sự trộm cắp từ thiện", các sử gia nhà Nguyễn thế kỷ
XIX thì gọi là “cướp bóc”, còn các học giả hiện nay thì gọi là “phân phối lại
của cải". Chứng cứ từ những ngày đầu tiên của phong trào cho thấy rằng
quân đội Tây Sơn tái phân phối của cải như một cách hữu hiệu giúp giành được sự
ủng hộ của dân chúng và tăng cường đội ngũ của họ. Trong lúc chắc chắn là những
người nông dân nghèo hơn được hưởng lợi từ một số hành vi ban đầu của nhà Tây
Sơn nhằm phân phối lại tài sản, thì khi những đạo quân của họ lớn mạnh hơn,
việc tịch thu sản vật trở nên bừa bãi hơn.
Tài liệu
miêu tả này xuất hiện năm 1774:
“Trước
khi bỏ đi, quân nổi dậy tàn phá toàn vùng, không để sống sót một con gà... Họ
tịch thu 82 khẩu súng đại bác bằng đồng do người Hà Lan và người Anh tặng cho
chúa Nguyễn để bảo vệ thủ phủ của trấn này*, ở đó có cảng Tourane*; quân nổi
dậy cũng bắt đi 45 con voi, nhiều vũ khí, trống và cờ cùng một lượng đồ vật
khác. Mỗi quan chức rời đi cùng với hơn 12 chiếc thuyền lớn chở đầy của cải, đi
bằng đường biển về địa phương nơi họ đóng quân”.
Những
hành động đó đưa đến kết quả là người dân trở thành nạn nhân hơn là người được
hưởng lợi từ những chiến dịch quân sự được gia tăng một cách đột ngột của nhà
Tây Sơn. Vì thế, vị giáo sĩ Tây Ban Nha miêu tả cuộc tấn công có sức tàn phá
của nhà Tây Sơn đã tiếp tục nhận xét rằng: “về phần dân chúng, họ tập hợp lại
trong hàng ngũ của chúa Nguyễn*, bởi vì những kẻ nổi loạn đã lấy hết những gì
họ có, sau khi đã cướp phá toàn thị trấn; vì vậy mà quân của chúa Nguyễn không
gặp khó khăn gì khi chiếm lại thị trấn, khiến cho đối phương phải bỏ chạy”. Lời
dẫn giải cho thấy rằng lợi ích về mặt chính trị của sự cướp phá chỉ là sự may
mắn nhất thời và những hành động như thế thường làm cho người dân xa lánh hơn
là lôi kéo họ về phía quân nổi dậy*. Dù vậy, hình như quân Tây Sơn vẫn tiếp tục
việc cướp phá trong các chiến dịch quân sự trải dài suốt thời gian còn lại của
thập niên 1770. Khi Charles Chapman thăm vùng duyên hải Đàng Trong vào năm
1778, ông đã gặp những dân làng đói rét bị quân Tây Sơn cướp bóc những tài sản
ít ỏi của họ khi đạo quân này đi qua địa phương giữa lúc nạn đói đang diễn ra.
Những cuộc cướp bóc như thế vẫn tiếp tục trong những lần tấn công sau đó của
quân Tây Sơn vào Gia Định giữa những năm 1782-1785.
Mức độ
cướp bóc của quân Tây Sơn gia tăng khi những kho báu của Đàng Ngoài nằm trong
tầm tay của họ vào năm 1786. Mặc dù Nguyễn Huệ tìm cách áp đặt kỷ luật lên quân
đội của ông trong những giai đoạn đầu tiên của chiến dịch đánh ra bắc, họ vẫn
lấy đi nhiều vàng bạc trong phủ chúa Trịnh ở Thăng Long, cùng với tất cả vũ khí
và quân dụng cất giữ tại kinh thành. Như một quan sát viên đã diễn tả:
"quân Đàng Trong* cướp lấy mọi thứ vàng, bạc, súng lớn, súng nhỏ, đồ gia
dụng, voi, ngựa; họ để lại đàng sau không có gì ngoài các bức tường của phủ
chúa Trịnh”. Trên đường rút lui, quân Tây Sơn tiếp tục việc cướp bóc kéo dài
của họ, chuyển sự chú ý của họ vào những làng mạc trên đường họ đi. Nhiều giáo
sĩ châu Âu có dịp quan sát quân đội Tây Sơn đã viết rằng cuộc xâm chiếm đất bắc
của họ được tiến hành chủ yếu như một hành trình cướp bóc kéo dài và biểu dương
lực lượng, chứ không nhằm mục đích như một nỗ lực chính trị bền vững.
Như đã
đề cập trong chương trước, việc cướp bóc trong chiến dịch đánh ra bắc vào năm
1786 đã gây ra sự căng thẳng phát sinh giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc. Khi hai
anh em từ Đàng Ngoài trở về, Nhạc giành lấy cho riêng mình phần lớn hay tất cả
những gì cướp được ở kinh thành Thăng Long. Để trả đũa, vào đầu nám 1787, Huệ
tấn công Nhạc ở Qui Nhơn, nhưng rồi sau đó cũng cho phép (hoặc có thể cử đi)
một số đơn vị quân đội của ông trở ra đất bắc để cướp bóc thêm, bù vào những
của cướp được mà ông đã mất vào tay người anh.
“Khi
quân Tây Sơn tích lũy đủ đồ dự trữ, cả về tài nguyên thiên nhiên lẫn tiền bạc,
họ bí mật mang chúng đến tổng kho ở Xứ Thanh. Ở đó, sự moi tiền và bạo lực tiếp
tục về phía nhà Tây Sơn và quân đội của họ cho đến giữa tháng ba, khi ít nhất
là phần lớn những kẻ cướp bóc đó quay về Phú Xuân. Họ trở về với vô số đồ cướp
được, lần này tất cả dành cho Đức ông (Nguyễn Huệ), để bù vào phần mất mát mà
bạo chúa Nhạc đã thu giữ hoàn toàn trong năm trước”.
Như bức
thư đã nêu rõ, chắc chắn những ngôi làng của người Việt và cư dân của chúng đã
chịu ảnh hưởng của quân Tây Sơn khi họ sục tìm của cải ở vùng quê, hoặc cho bản
thân họ, hoặc cho người lãnh đạo của họ.
Với cuộc
tấn công qui mô lớn của nhà Tây Sơn ra phía bắc vào những năm 1787, 1788 và
1789, các vùng Nghệ An và Thanh Hóa nằm giữa Phú Xuân và Thăng Long bị ảnh
hưởng nặng nề. Chúng thường xuyên nằm dưới quyền của những đạo quân hùng mạnh,
dù thỉnh thoảng cũng được cấp chỉ huy ra lệnh kìm chế, chắc chắn rằng họ cũng
gây nhiều thiệt hại cho dân địa phương. Một thư giáo sĩ viết vào năm 1789 cho
thấy một vài ý nghĩa về ảnh hưởng của quân Tây Sơn ở Đàng Ngoài:
“Kẻ địch
đi vào các nhà, xem xét và lấy đi những gì họ thích. Đó là khu vực của những
ngôi làng nghèo, không có điều kiện cống nộp. Người dân Đàng Ngoài bất hạnh vẫn
phải chịu đựng trước lòng tham vô độ của kẻ thù, và của những người Đàng Ngoài
chạy theo lính Đàng Trong”*.
Những
bức thư khác vào thời kỳ này mô tả những vụ cướp bóc đều đặn, trong đó quân
lính lấy cả những thứ tầm thường nhất. Một bài viết năm 1787 kể về chuyện lực
lượng Tây Sơn bỏ lại các cơ sở truyền giáo tại địa phương không còn gì hết
ngoài mấy cái lọ. Một tài liệu khác của giới giáo sĩ cho biết đã nhìn thấy các
ngôi làng bị đốt cháy (có thể đã bị cướp phá) bởi quân Tây Sơn, ba hoặc bốn lần
trong khoảng thời gian giữa những năm 1786 và 1792.
Dù cho những vụ cướp phá diễn ra để làm thỏa mãn tính tham lam của quân lính, các tướng lãnh hoặc các nhà lãnh đạo chính trị, chúng thường được thúc đẩy bởi những mối lợi thiết thực hơn. Một hậu quả của cuộc chiến kéo dài vào thời kỳ này là nhu cầu cung cấp đủ đạn dược cho lực lượng của các bên. Để thỏa mãn nhu cầu này, quân đội thường quay sang kho tàng của cộng đồng địa phương, và thường nhất là các điện thờ, đền thờ. Lính thì tịch thu các chuông đồng, trống và các đồ tạo tác khác rồi đem nấu chảy để làm thành đạn đại bác cho các đơn vị pháo binh. Trong những cuộc tấn công đầu tiên vào trung tâm chính trị của nhà Nguyễn, quân Tây Sơn cũng đã lấy đi những đồ tế lễ của triều đình, gồm 9 cái vạc đồng, biểu tượng của tổ tiên của dòng họ Nguyễn. Những đồ vật này có thể được dùng để chế tạo vũ khí và đạn dược, nhưng chúng cũng có thể, và đã được dùng để đúc tiền của chính quyền mới hoặc thậm chí giúp vào việc xây dựng và trang hoàng các trung tâm chính trị của họ. Sự cướp phá của Tây Sơn đưa đến hậu quả là một lượng rất lớn những đồ vật có giá trị bị lấy đi và nấu chảy, cho dù trong một số trường hợp, người nông dân áp dụng các biện pháp để bảo vệ món đồ có giá trị của địa phương. Trước khi quân Tây Sơn động binh, người ta loan truyền tin tức về việc đồ tạo tác trong chùa có thể bị tước đoạt, nhiều làng xã đã áp dụng biện pháp đơn giản là đem chôn giấu các đồ tạo tác cho đến khi mối đe đọa qua đi. Thư của các giáo sĩ mô tả cái cách mà người nông dân dùng để bảo vệ các kho tàng ở địa phương, song những chứng cứ rõ ràng hơn cho thấy những dòng sản phẩm tạo tác như thế đã được khai quật bởi các nhà khảo cổ học đương đại.*
III.3.2. Đánh thuế bằng tiền và hiện vật
Các nhà
lãnh đạo chính quyền Tây Sơn cũng có mưu định tiến hành việc bòn rút các khoản
hoa lợi dưới hình thức thu thuế. Đây là một công việc phức tạp hơn, đòi hỏi một
hạ tầng kiến trúc về thể chế mà nhà Tây Sơn đã khai triển rất chậm. Thêm vào
đó, có vẻ như trong những năm đầu tiên của cuộc nổi dậy, sự cướp bóc và cưỡng
đoạt được sử dụng như một biện pháp thay cho việc đánh thuế trực tiếp và có hệ
thống. Phải chờ đến năm 1786, chúng ta mới có chứng cứ đầu tiên về nỗ lực thu
thuế của nhà Tây Sơn, ở một khu vực và trong những hoàn cảnh mà những nỗ lực
này tỏ ra vô cùng khó khăn. Biến động xã hội và chính trị ở Đàng Ngoài khiến
cho vùng này dễ bị quân Tây Sơn tấn công và việc hành thu thuế hàng ngày gần
như là điều bất khả. Tuy nhiên, điều này không ngăn được việc Nguyễn Huệ bắt
đầu bòn rút hoa lợi trong vùng, đặc biệt ở Nghệ An. Có những bài tường thuật
cho biết là vào mùa hè năm 1787, Nguyễn Huệ đã sẵn sàng “đánh thuế rất cao bằng
lúa và bạc”. Những loại thuế này không hẳn là có tính hệ thống, nhưng chúng
được các quan chức Tây Sơn đặt ra ở những nơi mà họ có khả năng buộc người dân
phải nộp.
Mặc dù
lúc khẳng định quyền lực, chính quyền Tây Sơn gặp không ít khó khăn và bị chống
đối, song khi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế Quang Trung vào cuối năm 1788 và đe
dọa triều đình nhà Thanh, ông cố gắng bắt đầu việc đánh thuế và thu thuế một
cách có hệ thống. Trong một chỉ dụ vào năm 1790, vị tân hoàng đế giải thích
nghĩa vụ đóng thuế áp dụng cho các làng xã theo cách phân loại cư dân ở đó. Chỉ
dụ cũng nhắm vào các loại thuế đánh trên mùa vụ, dựa vào chất lượng khác nhau
của đất trồng và quy định cách hành thu thuế và các loại thuế được cất giữ như
thế nào. Rõ ràng là từ văn kiện trên mà nhà Tây Sơn đã xếp đặt lại trật tự của
cơ cấu thuế má và hệ thống hóa những gì còn hỗn độn, đặc biệt ở phía bắc vào
thập niên 1780. Tuy nhiên, có điều là trước khi vua Quang Trung qua đời vào năm
1792, không rõ việc hành thu thuế đã diễn ra một cách đều đặn như thế nào. Có
những tài liệu đơn lẻ viết về gánh nặng thuế khóa, trong đó có Nghệ An, từ vùng
này, danh sĩ Nguyễn Thiếp* viết thư cho vua Quang Trung phiền trách ông về việc
tăng cao gánh nặng thuế má và những đóng góp bằng sự cưỡng bách*. Trong bất cứ
tình huống nào, hệ thống thuế khóa cũng bị phá vỡ vào cuối triều đại, khi những
cuộc khủng hoảng quân sự và chính trị trở nên gay gắt.
Ngay cả
khi đã khớp lại những nghĩa vụ thuế khóa được chuẩn hóa, chính quyền Tây Sơn
vẫn tiếp tục đưa ra những đòi hỏi bổ sung và bất thường để tài trợ các nghi lễ
tốn kém của triều đình. Khi người vợ đầu tiên qua đời vào mùa xuân năm 1791, vị
hoàng đế Tây Sơn tổ chức một lễ tang rất công phu cùng với thời gian chịu tang
tiếp sau, và "những chi phí to tát giáng xuống đầu những người bần cùng.
Qua năm tiếp theo, sau cái chết của vua Quang Trung, những sắp đặt hoang phí
lại diễn ra ở khu vực quanh kinh thành Phú Xuân để đón nhận sự công nhận chính
thức của nhà Thanh cho tân vương là vua Cảnh Thịnh. Những sự chuẩn bị này được
một nhà quan sát châu Âu mô tả như là "một kế hoạch được trù liệu nhằm thu
thuế từ người dân dưới dạng kim loại bạc và động vật”*. Thật vậy, những sự
chuẩn bị này đã không được sứ bộ Tàu đón nhận, mà đơn thuần chỉ là một cuộc
diễu hành theo nghi thức để chuyển bản sắc phong đến kinh thành Phú Xuân của
nhà Tây Sơn, Dù mục tiêu của những nghi lễ như thế có là gì đi nữa, dân chúng
nói chung lại một lần nữa bị buộc phải chịu đựng gánh nặng tài chánh về chuyện
này. Những yêu cầu như thế tạo nên một hình thức đánh thuế bất thường, áp đặt
thêm một tầng nấc bất ổn lên những người nông dân vốn đang gắng sức với việc
lính tráng và lao dịch, thường xuyên và tốn kém thì giờ.
Phổ biến
hơn nghĩa vụ thuế má bằng tiền là sự bắt buộc đóng góp hàng hóa và sản vật. Đó
là cách thức có từ lâu ở Đại Việt, nhưng đặc biệt ở Đàng Trong, nơi nhiều vùng
muốn được nộp một vài loại thuế dưới dạng sản phẩm địa phương, xếp loại từ sáp
ong, tổ yến, đến các loại gỗ quý. Nhà Tây Sơn tiếp tục cách làm này trong thời
kỳ trị vì của họ. Chẳng hạn như năm 1789, một tài liệu của giới giáo sĩ ở phía
bắc Đàng Trong đã viết rằng: “những người Cơ Đốc giáo của chúng ta bị buộc phải
đóng góp 10.000 miếng đồng để đúc súng đại bác, và những người Hoa sống ở Việt
Nam cũng không được miễn trừ khoản tiền bất công đó". Hai năm sau, cũng từ
vùng này, một giáo sĩ khác mô tả những đòi hỏi đặt ra cho những ai sống ở địa
phương của ông:
“Chỉ
trong cái huyện Bố Chính đơn độc và nhỏ bé, nơi tôi đã ở 15 ngày qua, người dân
được lệnh phải đóng hơn 100 thuyền nhỏ: những con người khốn khổ đó và tất cả
những tín đồ Cơ Đốc giáo bất hạnh của chúng ta đã không thể thu hoạch vụ mùa
liên tục vào tháng 10 và tháng 5 năm sau và có lẽ cũng mất luôn cả những gì
tiếp sau tháng 10. Trước đây, họ chưa bao giờ chịu đựng một gánh nặng lấn lao
đến thế: số ván mà họ phải có trong nỗ lực này là 2.500 tấm... Ngoài những tấm
ván này, mọi người phải tìm ra mọi thứ để làm ra sản phẩm”.
Rõ ràng
là từ tài liệu miêu tả này, khu vực đặc biệt đó bị buộc phải đóng góp những tài
nguyên có giá trị của địa phương, và vì thế, huyện Bố Chính, một khu rừng núi
cây cối rậm rạp ở phía bắc Phú Xuân, đã được yêu cầu cung cấp gỗ để đóng
thuyền. Cũng như đã mô tả trước đây, những người bị buộc phải lao dịch tại kinh
đô mới của vua Quang Trung ở Nghệ An không chỉ đóng góp công sức mà còn phải
đóng góp cả vật chất và tiền bạc để hoàn thành các dự án xây dựng. Những tài
liệu này cũng cho thấy mức độ của những đòi hỏi như thế đối với các nhóm người
đặc biệt trong xã hội, như người Cơ Đốc giáo, một chủ đề quan trọng sẽ được
trình bày chi tiết hơn ở chương sau.
III.3.3. Tham nhũng: Những hạn chế của chính
quyền Tây Sơn
Hình
thức bòn rút tài nguyên cuối cùng, và là một trong những hình thức rộng khắp,
đó là tình trạng tham nhũng của những quan chức phục vụ cho chính quyền Tây
Sơn. Tham nhũng là một phạm trù rộng rãi, được xếp từ những chuyện nhỏ nhặt như
việc lợi dụng sự ủy nhiệm thu thuế của nhà nước đến những việc moi tiền triệt
để hơn. Tham nhũng xuất phát từ một chính quyền trung ương yếu ớt và là một đề
tài kéo dài trong lịch sử Việt Nam. Người ta tìm thấy tham nhũng ở cả những
triều đại suy tàn lẫn những chính quyền tân lập đang tìm cách khẳng định quyền
lực và cơ cấu lại chính quyền của họ. Cố nhiên là chính quyền Tây Sơn đã gặp
phải nhiều trở lực ngăn cản họ chặn đứng nạn tham nhũng ngay từ lúc khởi đầu
cuộc nổi dậy. Sự rối loạn trật tự xã hội lớn lao và những dịch chuyển ở khắp
các vùng trong nước khiến cho công việc của họ đặc biệt khó khăn, nhưng sự
thiếu thốn những quan chức được đào luyện, sự tiếp tục tin tưởng vào những
người ủng hộ chỉ có một kỹ năng hành chánh hạn chế, chiến tranh tiếp diễn và sự
thiếu vắng một cơ cấu tư pháp vận hành tốt, tất cả kết hợp thành những vấn đề
mà chính quyền Tây Sơn phải đương đầu. Hậu quả là tình trạng tham nhũng không
ngừng, lần hồi mang lại sự oán giận cho những người dân mà các lãnh đạo Tây Sơn
vẫn tuyên bố là đang ủng hộ họ, và tiếp tục khuấy động nồi bất bình của dân
chúng, làm dấy lên sự mong muốn có một sự cải tiến nào đó.
Sự thất
bại của chính quyền Tây Sơn trong việc kiểm soát nạn tham nhũng có thể qui cho
tính cấp bách của cuộc chiến đang tiếp diễn, cách làm việc quan liêu của các
lãnh tụ cuộc nổi dậy cùng những người phụ tá thân cận của họ, cả hai đã tạo ra
một cơ cấu hành chánh có tính đối phó ở nhiều nơi. Như Charles Chapman đã nhận
xét về chính quyền Tây Sơn mà ông đã gặp trong chuyến viếng thăm triều đình của
Nguyễn Nhạc tại Chà Bàn vào năm 1778:
“Nguyễn
Nhạc tự cho mình có nhiều thẩm quyền, nhưng đó là những thẩm quyền được thi
hành kém bởi những quan chức cai trị dưới quyền ông. Họ toàn là những người ít
học được chọn lựa trong số những cư dân ở làng sinh quán Tây Sơn của ông, một
khi nắm quyền hành thì chỉ được biết đến nhiều qua tính xảo trá, sự hung bạo và
hành vi moi tiền, và nếu ở xa, họ không dễ dàng thừa nhận sự lệ thuộc vào những
bàn tay đã nâng đỡ họ”.
Nói tóm
lại, nhà nước Tây Sơn buổi đầu được xem như được cai trị bởi những quan chức
không học vấn, hung bạo và tham nhũng, không mấy quan tâm đến các chỉ thị từ
chính quyền trung ương. Ngoài ra, đây là mô hình kéo dài suốt thời kỳ Tây Sơn
và về thực chất không khác với chính quyền do Nguyễn Huệ thiết lập ở Đàng
Ngoài. Một giáo sĩ Pháp mô tả chính quyền này vào năm 1789 đã lặp lại phần
nhiều nhận định của Chapman vào năm 1778 về chính quyền của Nguyễn Nhạc “những
kẻ mọi rợ này xuất phát từ những dãy núi ở Đàng Trong và chẳng biết sắp xếp
việc cai trị là gì”. Mặc dù có những nơi mà cơ cấu hành chánh phát triển đầy đủ
hơn - bao gồm khu vực quanh Thăng Long dưới triều Quang Trung và người kế tục
ông - nhiều nơi khác ít may mắn hơn do khí chất những quan chức phục vụ ở đó.
Hình 8:
Quan lại Tây Sơn, 1793. Tranh vẽ của William Alexander, người đã tháp tùng phái
bộ Huân tước McCartney trong lần viếng thăm cung điện của vua Cảnh Thịnh ở Phú
Xuân năm 1793.
(Sưu tập
của tác giả.)
Sự tham
nhũng có tính hệ thống trong chính thể nhà Tây Sơn được khuyến khích bởi sự yếu
kém trong thể chế của họ và sự bất lực của các nhà lãnh đạo trong việc tạo ra
một hệ thống tư pháp, không bắt được mọi người tuân thủ một cách hữu hiệu. Có
những dấu hiệu cho thấy một bộ luật mới đã được soạn thảo vào thời điểm sau khi
vua Quang Trung nắm lấy quyền bính, nhưng nó đã không bao giờ được phổ biến
chính thức*. Sự thiếu vắng một cơ cấu luật pháp khả thi có nghĩa rằng sẽ rất
khó mà kiểm soát nạn tham nhũng trong bộ máy công quyền. Sách Tây Sơn thuật
lược nhận xét về chính quyền Quang Trung là: “Không lập pháp lịnh điều ước,
việc thưa kiện đều do miệng ngài phân xử, tội tù thì phần nhiều dùng đòn mà
đánh để trừng trị”. Năm 1789, thư của các giáo sĩ cũng viết rằng hệ thống tư
pháp hoặc không còn tồn tại, hoặc ở hình thức sơ khai, được thi hành bởi những
người có năng lực hạn chế, nhiều người trong số họ không biết đọc, cũng chẳng
biết viết. Một thập niên sau, tình hình cũng không khá hơn, điều này được phản
ánh trong một tài liệu miêu tả của giới giáo sĩ về cơ cấu luật pháp vô cùng mục
nát: “Tất cả quan lại tìm cách làm giàu cho bản thân mình bằng tiền của của dân
nghèo. Công lý được tính bằng cân lượng của vàng và cán cân luôn nghiêng về
những ai cống nộp nhiều tiền”.
Đặc biệt
ở Đàng Ngoài, có nhiều bài tường thuật về những việc làm sai trái vào thời kỳ
Tây Sơn (1786-1802), và những bình luận thường xuyên của các quan sát viên cả
người Việt lẫn người nước ngoài đều đưa ra nhận xét là các quan chức địa phương
được huấn luyện rất kém và thường là dễ hối lộ. Một vài sáng kiến cai trị của
nhà Tây Sơn chỉ làm tình hình thêm nghiêm trọng và không ở đâu tệ hại hơn ở
Nghệ An. Cuối năm 1789, Nguyễn Thiếp trình bày trực tiếp với vua Quang Trung
những vấn đề liên quan đến các quan chức địa phương làm việc ở trấn này: “Quan
càng nhiều thì dân càng bị nhiễu. Quyền nghi, công việc bất nhất; tướng, hiệu, quan,
lại không có kiềm thúc”. Những vấn đề này phát xuất một phần từ quyết định của
nhà Tây Sơn chia Nghệ An ra 12 huyện. Nguyễn Thiếp thấy rõ mối quan hệ giữa một
cơ cấu quan liêu rộng lớn và sự áp bức ngày càng gia tăng mà người dân nói
chung đang phải gánh chịu. Những vấn đề này càng phức tạp hơn khi Nghệ An nằm
trên đường đi trực tiếp của các chiến dịch quân sự lớn của nhà Tây Sơn giữa
những năm 1786 và 1789. Trong thời kỳ này, quân Tây Sơn đi qua Nghệ An 8 lần,
mỗi lần một gây ra nhiều khó khăn hơn cho cư dân địa phương.
Có thể
để đáp lại thư của Nguyễn Thiếp, hoặc có lẽ do nghe được những thông tin này,
triều Quang Trung ra lệnh điều tra sâu rộng chuyện tham nhũng của quan chức ở
trấn này. Cây bút Bùi Dương Lịch miêu tả như sau về phản ứng của nhà Tây Sơn
đối với những vấn đề này, bắt đầu vào những tháng 6, 7 năm 1790:
"Trước
đó, những quan chức cao cấp nhất đã tự tay thảo một chỉ dụ với những nét chữ
bằng mực son bí mật ra lệnh cho tất cả các quan trấn thủ phải kiềm chế nạn tham
nhũng. Tất cả quan lại trong trấn ra lệnh cho quan chức ba ty trong vùng phải
đi ra ngoài để thăm hỏi cư dân ở các thôn ấp để mọi người có thể chỉ ra những
ty sở nào ăn hối lộ. Các quan lại bí mật điều tra, thu thập các kiến nghị, lời
thỉnh cầu rồi mang trở về cho các quan ở trấn. Tất cả các quan ở trấn lại gửi
về cho các quan huyện để sắp xếp các nơi cần tiến hành điều tra”.
Từ văn
kiện này, hình như chính quyền Tây Sơn dưới triều Quang Trung đã tích cực tìm
cách giải quyết vấn đề tham nhũng, đặc biệt tại Nghệ An. Cách đáp ứng của nhà
Tây Sơn cố nhiên là phát xuất từ sự trân trọng của vua Quang Trung đối với lời
khuyên của Nguyễn Thiếp, cũng như tình trạng của Nghệ An như là kinh đô trung
tâm trong tương lai của ông vậy. Đây là một khu vực mà dân chúng rất cần có một
đời sống ổn định.
Cho dù
có những cuộc điều tra này, tình hình cũng không cải thiện. Nguyễn Thiếp gửi
thêm một kiến nghị thứ hai cho vua Quang Trung vào năm 1791, trong đó lặp lại
ngôn ngữ mà ông đã sử dụng trong thư viết năm 1789, ông viết rằng dân chúng vẫn
còn phải chịu đựng hai gánh nặng quân vụ và sự cưỡng bách trưng dụng vào quân
đội Tây Sơn. Nỗi khốn khổ của họ tiếp tục được tăng lên qua những cơn hạn hán
làm hư hại mùa màng. Nguyễn Thiếp chỉ trích chính quyền Tây Sơn đã không đáp
ứng thích đáng nhữngyêu cầu của người dân. Chính quyền đã không hỗ trợ những
người nông dân bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc không tiến hành các bước hạ giảm
thuế má. Nguyễn Thiếp cũng thúc giục vua Quang Trung giảm nhẹ mức đóng góp bắt
buộc tỷ lệ với những khó khăn mà mỗi người dân phải gánh chịu. Cuối cùng thì
tình hình trong trấn khó khăn đến mức dân chúng đã đứng lên làm loạn, chống lại
một viên quan đặc biệt tham nhũng của nhà Tây Sơn vào năm 1791*. Đây là một
hành động hiếm hoi nói lên sự thách thức công khai của người dân đối với chính
quyền nhà Tây Sơn, vì người dân chỉ biết nhiều về nhà nước quân phiệt mà họ
đang sống. Cuộc nổi loạn cho thấy tình hình khó khăn đến mức nào đối với cư dân
sống tại địa phương. Năm 1797, các bản tường thuật vẫn còn cho thấy rằng dân
chúng tiếp tục sống trong gian khổ vì các quan chức địa phương của nhà Tây Sơn
chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng của họ.*
III.4. CÁC HÌNH THỨC PHẢN KHÁNG CỦA DÂN CHÚNG:
XEM CÁC LỜI TIÊN TRI, CÁC ĐIỀM BÁO, VÀ CÁC CỨU TINH
Mặc dù
lúc đầu các lãnh tụ nổi dậy của nhà Tây Sơn mô tả phong trào của họ như một
hành động phản kháng ồ ạt chống lại các mô hình chính trị và kinh tế đang phát
triển ở Đàng Trong, song việc phong trào hướng về một chính quyền chính thống,
cùng với những đòi hỏi lớn lao và phiền hà gây ra cho người dân sống dưới sự
kiểm soát của họ, cuối cùng lại kích động sự phản kháng chống lại chính các
lãnh đạo nhà Tây Sơn. Các hình
thức phản
kháng thay đổi rất nhiều và có mức độ phức tạp khác nhau. Các tài liệu còn lưu
hành chỉ cho phép chúng ta có một cái nhìn hạn chế về sự phản kháng bằng bạo
lực. Tôi có dịp viết về sự đào ngũ trong quân đội Tây Sơn và trong các nhóm lao
dịch, cũng như sự vận dụng thuế khóa và sổ bộ dân cư và mấy cuộc nổi dậy chỉ
tồn tại trong thời gian ngắn, cùng sự chôn giấu các vật thiêng liêng. Cũng có
nhiều bản tường thuật về những làng xã ở
Đàng Ngoài dựng chướng ngại vật lên để chống lại các lực lượng từ bên ngoài,
khẳng định tính tự trị theo truyền thống xưa, mặc cho nhà nước bòn rút lợi lộc
cùng những khoản đóng góp khác*. Những trường hợp này cho thấy người nông dân
mưu toan chống lại nhà Tây Sơn theo nhiều cách, cho dù hiệu quả của chúng thay
đổi rất nhiều.
Ngoài
việc công khai phản kháng, người nông dân (và những người ưu tú trong xã hội)
Việt Nam cũng có thể làm điều được gọi là sự thách thức tâm lý. Sự thách thức
này bao gồm việc nhắc đến những lời tiên tri và những điềm báo tự nhiên, nhưng
cũng bao gồm những hình thức ám chỉ khác hay phản kháng bằng lời nói. Những
dạng thách thức này tạo nên một địa hạt tư tưởng độc lập giúp cho người nông
dân - và một số lượng đáng kể những người ưu tú trong xã hội - tự kiểm soát
được phần nào trước những thế lực áp chế đời sống của họ và chia sẻ với những
khó khăn của chính quyền Tây Sơn. Nỗ lực sử dụng các lời tiên tri hay điềm báo
để xác định những việc sẽ xảy ra trong tương lai thường đưa đến kết quả với
nhiều cách giải thích khác nhau, đặc biệt với những lời tiên tri. Song đây mới
đúng là vấn đề: con người có nhận thức về những gì xảy ra quanh mình và thường
thay đổi cách đọc các dấu hiệu để phản ánh đúng sự biến đổi của hoàn cảnh. Sự
tồn tại của những dấu hiệu, những lời tiên tri, những điềm báo này không phải
là những phương tiện giúp hiểu được diễn biến cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, mà
là cách để hiểu trạng thái tâm lý của người dân trong một thời đại có quá nhiều
bất ổn.
Có một
vấn đề cố hữu khi coi các dấu hiệu hay lời tiên tri như là chứng cứ hiển nhiên
về sự sáng suốt của những người giải thích chúng. Cuối cùng, nhiều tài liệu ghi
chép lại những lời tiên tri đó để lùi ngày tháng xảy ra sự việc đã được đoán
hay lường trước. Cố nhiên, những tiên đoán chính xác (hay nói đúng hơn là sự
giải thích chính xác những lời tiên đoán đó) được ghi nhận trong những tài liệu
biên niên của tư nhân hay nhà nước. Chúng tôi không nghe nói về những lời giải
thích khác, những lời giải thích tồn tại bên cạnh những giải thích này và chưa
từng xảy đến. Dù cho có sự báo trước, những bài viết về nỗ lực tìm hiểu các dấu
hiệu siêu nhiên quan trọng cho thấy con người vào thời kỳ này đã hiểu về thế
giới của họ như thế nào. Nhiều nguồn tư liệu miêu tả những dấu hiệu và lời tiên
tri này ra đời vào cuối đời Tây Sơn và những năm đầu triều Nguyễn, có thể chúng
được lưu hành vào thời Tây Sơn. Một số lời tiên tri được ghi nhận trong thư của
các giáo sĩ đương thời, là chứng cứ xa hơn cho thấy rằng những ý niệm như thế
là phần cốt lõi của sự hiểu biết của cả giới nông dân lẫn những người ưu tú
trong xã hội về thế giới của họ.
III.4.1. Nhà tiên tri và lời tiên tri
Khi
chiến tranh cuốn xoáy quanh họ vào cuối thế kỷ XVIII, người dân Đại Việt thường
tìm hiểu về thời đại của họ bằng cách nhìn vào dấu hiệu những gì sẽ chứa đựng
trong tương lai. Cách đó phổ biến ở tất cả vị trí trong xã hội Đại Việt vào
thời kỳ này, và người dân thuộc mọi tầng lớp thường hướng về những ai có thể
trả lời cho họ về những gì sẽ đến. Một nhà quan sát châu Âu thế kỷ XVIII đã
viết: “những kẻ lừa đảo này hiện diện rất nhiều ở Đàng Ngoài; những ông thầy
bói, thầy pháp không chỉ xuất hiện ở các thị trấn hay làng mạc, mà quyền năng
của họ tác động từ những người thấp kém nhất cho đến bậc vua chúa, kiểm soát cả
những việc làm mang tính nguyên tắc của nhà vua”*.Ngoài những nhà tiên tri tự
phong, những kẻ gọi là lừa đảo, còn có một số cá nhân được tôn xưng rộng rãi
nhờ tài tiên tri của họ. Vào những thế kỷ trước, danh sĩ Đàng Ngoài Nguyễn Bỉnh
Khiêm (1491-1585) nổi tiếng là một nhà tiên tri, và những lời tiên đoán của ông
lôi cuốn sự chú ý của mọi người ngay cả sau khi ông đã qua đời. Cuối thế kỷ
XVIII, vị ẩn sĩ lừng danh Nguyên Thiếp đã giữ vai trò này. Cây bút Bùi Dương
Lịch đã viết về ông: “Mọi người nói rằng ông biết hết mọi việc trước khi chúng
xảy ra”. Chính từ sự nổi danh này đã khiến Nguyễn Huệ thỉnh ý kiến Nguyễn Thiếp
vào cuối năm 1788 khi ông tìm cách xác định kết quả trận chiến sắp xảy đến với
quân xâm lược nhà Thanh.
Ngoài
việc hỏi ý kiến những nhân vật như Nguyễn Thiếp, người dân thời Tây Sơn ghi
chép lại những lời tiên tri còn tồn tại, cố kết nối chúng với những biến động
hay những nhân vật sống trong thời của họ. Thêm vào đó, những nhân vật chính
trị vào thời kỳ này hành động dựa vào những lời tiên tri, sử dụng chúng để biện
minh cho hành động của họ và khuyến khích người dân tin vào sự giải thích của
họ về những lời tiên tri đó. Như một giáo sĩ hoạt động ở Đàng Ngoài vào thập
niên 1780 đã nhận xét: “Người ngoại giáo ở vương quốc này có những lời tiên tri
mà họ gọi là sấm ký, đúng và dễ hiểu như lời tiên tri của Nostradamus*. Theo
giải thích của những người ngoại giáo, những lời tiên tri này loan báo rằng
dòng họ của chúa Trịnh sẽ kết thúc trong thời đại này. Sự tin tưởng vào các
điềm báo và những dấu hiệu về diễn biến trong tương lai đã liên kết chặt chẽ
với thế giới văn hóa của người bình dân và người ưu tú trong xã hội và mở rộng
đến cả các bậc vua chúa. Lời tiên tri không dễ dàng bị gạt bỏ bởi thành phần ưu
tú về chính trị bởi vì họ có một ảnh hưởng mạnh mẽ đối với quần chúng và vì
thế, có khả năng tác động lên niềm tin và hành động của họ.
Một minh
chứng đáng chú ý về tác động của lời tiên tri đối với thành phần ưu tú về chính
trị xảy ra vào giữa thế kỷ XVIII và đoán trước tình trạng bất an cùng cực trong
cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn. Một lời tiên tri được truyền tụng vào thời điểm
trên nhằm tiên đoán sự chuyển qua chính thể của nhà Nguyễn: “Sau 8 đời, giờ là
lúc quay về kinh đô trung tâm”. Một câu khác trau chuốt hơn viết rằng: “Khi đã
có 8 chúa rồi mà không có thêm một chúa nữa; khi núi biến thành đồi; khi cảng
biển đóng lại; khi những người sinh ra cùng một nhà bị phân tán; khi người mới
xuất hiện, là khi vương quốc sẽ rơi vào tay những người xa lạ và bị họ cai
trị”. Vào thời điểm đó, Nguyễn Phúc Khoát là chúa Nguyễn đời thứ 8, và lời tiên
tri này được phổ biến rộng rãi lúc đó, có vẻ như để tiên đoán rằng thế hệ lãnh
đạo của ông là thế hệ cuối cùng và việc quay về “kinh đô trung tâm” - được hiểu
là kinh đô Thăng Long của triều Lê-Trịnh - sẽ diễn ra.
Để tránh
hậu quả này, năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát tiến hành một số cải cách ở phủ chúa và
sau đó đã tuyên bố quyền tự trị đối với vương quốc Đàng Ngoài. Bên cạnh việc
thay đổi niên hiệu và vị trí của phủ chúa, ông còn ban lệnh thay đổi những qui
định liên quan đến kiểu trang phục. Ông lệnh cho mọi người thay đổi quần áo
theo kiểu trang phục mà người dân dưới thời nhà Minh, Trung Quốc, đã mặc. Lý do
chính đằng sau việc làm này là qua sự thay đổi vẻ bề ngoài của thần dân của
mình, chúa có thể chuyển Phú Xuân thành một loại “kinh đô trung tâm”. Sự kiện
một bậc vua chúa có thể đánh giá nghiêm túc một lời tiên tri và hưởng ứng trực
tiếp với nó cho thấy mãnh lực của những ý tưởng như thế trong xã hội Đại Việt
thời kỳ này.
Học giả
Pháp Léopold Cadière, người đã ghi chép câu chuyện về các hành động của chúa
Nguyễn Phúc Khoát, kết luận bài nghiên cứu của ông bằng cách cho rằng lời tiên
tri chẳng những báo trước sự nổi dậy của nhà Tây Sơn, mà còn cổ vũ các nhà lãnh
đạo của phong trào:
"Không
ai biết được liệu cuộc khởi nghĩa này - cuộc khởi nghĩa đã ghi dấu sự trỗi dậy
của triều Nguyễn - có ăn sâu vào tâm trí của người dân thời đó như chúng ta đã
nhìn thấy hay không; cũng không ai biết được liệu những kẻ nổi loạn này, trong
phạm vi hạn hẹp nào đó, có nhìn thấy được sức mạnh của họ hay có khẳng định
được sứ mạng mà họ đã tuyên bố hay không, song những tin đồn mơ hồ, nhưng mãnh
liệt, trong âm thanh của những tai họa siêu nhiên và của sự đổ vỡ toàn diện, đã
làm rối loạn triều đình và dân chúng từ nhiều năm qua”.
Cho dù
câu hỏi do Léopold Cadière đặt ra không thể trả lời trực tiếp, hình như một vài
yếu tố trong cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn có thể được truy nguyên từ sự rối
loạn nổ ra vào thời kỳ này. Chúng ta đã thấy rằng nguồn gốc của cuộc nổi dậy
được chỉ ra từ một lời tiên tri tồn tại lâu dài ở địa phương. Vả lại, chúng ta
biết rằng lời tiên tri đã gây sự rúng động khiến chúa Nguyễn để cho nó được lưu
hành rộng rãi vào những năm sau của phong trào Tây Sơn. Trong một tuyên cáo đưa
ra trong chiến dịch ở Nghệ An vào năm 1786, tướng Tây Sơn Nguyễn Hữu Chỉnh đã
công bố rằng “mọi người đều biết là ngôi chúa (chúa Nguyễn) chỉ có 7 đời”.
Chỉnh nhắc đến câu nói gọi lên rằng dân chúng nhận thức được lời tiên tri này
và dù cho hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, nó vẫn còn là một phần trong ý
thức của người dân. Lê Quý Đôn chép rằng nơi xuất phát của lời tiên tri là Nghệ
An, và cho rằng việc nhắc đến nó trong vùng này đã tạo ra một âm vang đặc biệt.
Thậm chí
sau năm 1786, những lời tiên tri tiếp tục là một yếu tố đầy ý nghĩa trong ý
thức của người dân. Đặc biệt, Nguyễn Hữu Chỉnh, người từng nhắc đến lời tiên
tri về sự sụp đổ của nhà Nguyễn vào năm 1786, đã triển khai các lời tiên tri
theo chiến lược nhằm nâng cao quyền lợi chính trị của chính ông ta. Người ta
cho rằng Chỉnh có được sự tin tưởng nhờ một câu nói xưa: "Con cọp đến từ
rừng núi phía tây; con rồng đến từ biển phía đông". Theo lời giải thích
của Chỉnh về câu này, con cọp đến từ rừng núi phía tây rõ ràng là nhằm nói đến
quân Tây Sơn, trong khi con rồng đến từ biển đông (đông hải) là nhằm nói đến
Nguyễn Hữu Chỉnh, vì quê quán của ông ta là vùng Đông hải. Một thư giáo sĩ năm
1787 đưa ra nhận xét rằng những lời tiên tri như thế “mang lại dũng cảm to lớn
cho Cống Chỉnh, người đang lợi dụng những người dân mù quáng đáng thương không
biết gì về cách sắp đặt của mệnh trời”. Tín ngưỡng dân gian về sự tiên tri rõ
ràng là đã hình thành nên một cái nhìn bao quát về tinh thần vào cuối thế kỷ
XVIII và những người khát khao về chính trị như Chỉnh sẽ hoặc vận dụng những
tín ngưỡng đó, hoặc đơn giản là tìm thấy sự can đảm từ chúng.
III.4.2. Đọc những điềm báo về thay đổi chính
trị
Hơn cả
sự tiên tri vốn tối nghĩa và mơ hồ trong việc đính ra thời gian thực hiện,
người dân hương về những điềm báo trong thế giới tự nhiên quanh mình. Những dấu
hiệu này có khuynh hướng gần gũi hơn trong các mối quan hệ của chúng và có thể
được hiểu như sự phê phán trực tiếp về một thế lực thống trị này hay khác. Ở
mức độ rõ ràng nhất, con người giải thích những tai họa thiên nhiên xảy ra liên
tục như lụt lội, đói kém, hạn hán và giông bão như là dấu hiệu cho thấy một ông
vua đã không còn được trời phù hộ. Cả chính sử và ngoại sử đều có ghi chép
những thảm họa về khí hậu và các loại hiện tượng bất thường của tự nhiên. Chúng
cũng ghi nhận những điềm báo trên bầu trời; các hiện tượng nhật thực và nguyệt
thực, vị trí các vì sao, sao băng, và hàng loạt các sự kiện không dễ gì phân
loại. Đó là những sự cố bất bình thường - giông bão dữ dội, sao chổi sáng, nhật
thực và nguyệt thực kéo dài bất thường - lôi cuốn sự quan tâm và chú ý của hầu
hết mọi người. Cũng thế, trong khi ông Trời có thể ghi thông điệp lên bầu trời
thì nước và núi non cũng ghi lên chúng những thông điệp có tính cảnh báo hoặc
về một số mệnh đã định sẵn. Những dấu hiệu đó bao gồm việc nước sông đổi màu,
nước hồ sôi sục, bến tàu đầy những đá, và đỉnh núi bị sạt lở. Tất cả những dấu
hiệu này có thể được con ngươi hiểu như là chỉ dấu của sự tốt, xấu, gọi lên
những sự kiện trong tương lai hoặc phán xét về một phe phái chính trị hay quân
sự này khác.
Điều
không có gì đáng ngạc nhiên là với một cuộc nổi dậy thường xuyên gây ra những
rối loạn chính trị, thời kỳ Tây Sơn là thời kỳ mà dấu hiệu về những chuyển biến
sắp xảy đến của thế giới tự nhiên hay siêu nhiên thường được quan sát và ghi
lại. Trong số những hiện tượng được quan sát có hiện tượng về sau được xem là
dấu hiệu một cuộc nổi lên nắm lấy quyền lực chắc chắn sẽ xảy đến của nhà Tây
Sơn. Lê Quý Đôn đã viết về một trường hợp như thế mà ông đã nhìn thấy được khi
nghiên cứu về sự suy tàn của nhà Nguyễn vào đầu thập kỷ 1770: “Năm Kỷ Sửu
(1769), sao Chổi xuất hiện, và Nguyễn Quang Tiền đã nói với người thời đó rằng,
‘ở trấn Quảng Nam, trong không quá 5 hay 6 năm, chắc chắn sẽ cố một cuộc nổi
dậy... và rồi số phận của nhà Nguyễn sẽ đi đến hồi kết thúc'”. Nguyễn Quang
Tiền là một quan lại nhà Nguyễn và hình như ông đã tiên đoán sự nổi dậy của nhà
Tây Sơn vào giữa thập niên 1770.
Những
điềm báo xa hơn về cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn cũng được ghi chép trong sử
biên niên thời đó. Năm 1771, vào tháng 12 âm lịch, trên núi Thạch Bi ở phủ Phú
Yên (khu vực duyên hải miền Trung), một tiếng sấm bỗng nổi lên vang rền và vào
lúc đó, những tảng đá màu đen bỗng nhiên chuyển thành màu trắng. Từ đàng xa,
ngọn núi giờ đã trắng như vôi, có dáng vẻ như một tấm bia dựng đứng. Ý nghĩa
của hiện tượng này được tôn lên bởi đây chính là nơi vua Lê Thánh Tông đã đặt
một bảng chỉ dấu biên giới vào năm 1470, khi thắng lợi vẻ vang trong chiến dịch
chống lại vương quốc Chăm ở phía nam. Tấm bảng đánh dấu việc thiết lập ranh
giới mới giữa lãnh thổ Việt và Chăm. Mặc dù người soạn bản văn không giải thích
sự kiện này, song hình như nó gợi lên tình trạng bất ổn xuất hiện trở lại trên
đất Chăm (nơi xuất phát của nhà Tây Sơn) và sự chuyển đổi quyền lực đánh dấu sự
cáo chung của nhà Lê.*
Trong
lúc có nhiều dấu hiệu liên quan đến cuộc nổi dậy và những năm đầu của nhà Tây
Sơn, nhiều điềm báo hơn nữa xuất hiện trong thời gian sắp diễn ra việc nhà Tây
Sơn tấn công họ Trịnh ở Đàng Ngoài vào năm 1786. Những điềm báo này xuất hiện
lần đầu vào năm 1782, liền sau cái chết của chúa Trịnh Sâm và cuộc lật đổ tại
phủ chúa diễn ra tiếp theo đó. Cuối năm 1782, người ta kể rằng thình lình có
những âm thanh như tiếng súng nổ vang dội giữa bầu trời, một hiện tượng kéo dài
trong 25 phút đồng hồ. Không lâu sau đó, vào đầu năm 1783, người ta lại kể rằng
những đỉnh của rặng núi phía bắc bỗng nhiên sụp đổ*. Cũng cùng năm đó, dường
như một thiên thạch rơi xuống một chiếc hồ ở kinh thành Thăng Long khi một cuộc
thi đình đang diễn ra. Điều này được tâu lên vua cùng với lời bàn đáng ngại
rằng sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ 30 năm trong đó “các nho sĩ
phải cúi mình trong nhục nhã.*
Có lẽ sự
kiện có điềm gở nhất vào thời kỳ này là vào năm 1786 khi một con vật hay một đồ
vật sáng lấp lánh nổi lên trên mặt hồ Hoàn Kiếm ở Thăng Long. Cái hồ này được
dân chúng tôn sùng như là nơi vào đầu thế kỷ XV, một con rùa thần đã dâng cho
Lê Lợi thanh gươm giúp ông đánh bại quân nhà Minh. Cũng tại hồ này, ông trả lại
thanh gươm khi sứ mạng đã hoàn thành. Câu chuyện năm 1786 kể về một vật hay một
con vật kỳ bí đã bay về bờ phía nam của hồ rồi biến mất. Khi điều này xảy ra,
nước trong hồ bỗng nhiên nổi sóng đục ngầu, và ngày hôm sau, mặt hồ phủ đầy tôm
chết. Những chuyện khác kể rằng một hiện tượng tương tự đã diễn ra ở phủ chúa
vào khoảng thời điểm đó. Dân gian đã giải thích hiện tượng đó rằng vật kỳ bí
được nhìn thấy ở hồ là chiếc gươm thần của Lê Lợi. Rõ ràng là câu chuyện có ngụ
ý là chiếc gươm sau khi đã được sử dụng để giúp lập nên triều Lê vào thế kỷ XV,
nay đã bỏ rơi nhà Lê, cho thấy sự sụp đổ tất yếu của nó.
Những
điềm báo xuất hiện ở Đàng Ngoài vào đầu thập niên 1780 có thể được sử dụng như
loại tiên tri đủ ý nghĩa, vì chúng có vẻ cổ vũ cho tham vọng chính trị cá nhân
của Nguyễn Hữu Chỉnh. Như chúng ta đã thấy, Chỉnh đặc biệt chú ý đến những lời
tiên tri và dùng chúng một cách rất có hiệu quả để leo lên chiếc ghế quyền lực.
Hai tác phẩm ngay sau đó là Hoàng Lê nhất thống chí và Lịch triều tạp kỷ có kể
lại một cuộc nói chuyện được cho là đã diễn ra tại Đàng Trong vào đầu năm 1786
giữa Chỉnh và một người cháu từ phía bắc vào thăm. Sách viết rằng Chỉnh thảo
luận tình hình xứ bắc với người đến thăm, hỏi xem có thiên tai hay điềm báo vừa
xảy ra không, Người cháu trả lời bằng cách nhắc chi tiết một đoạn kinh cầu
nguyện dài kể về một hiện tượng xảy ra vào năm 1782, năm mà chúa Trịnh Sâm qua
đời và Chỉnh buộc phải trốn đi trong một biến động tiếp theo:
“Ngày 15
tháng 11 năm Nhân Dần (1782) trong khoảng không trung bỗng có một tiếng nổ lớn
rung động cả trời đất, kéo dài độ hơn một khắc, không biết là tiếng gì.
Lại nữa,
tháng 2 năm Quý Mão (1783), núi Hùng Sơn sụt xuống đến hơn 20 trượng. Tháng 6
năm ấy, sông Thiên Đức cạn nước đến một ngày một đêm.
Đêm mồng
một tháng 10 năm Giáp Thìn (1784), trong hồ Thủy Quân ở kinh đô có tiếng kêu
như sấm, nước hồ sục sôi, sáng hôm sau thấy tôm cá (trong hồ) đều chết hết.
Và trong
phủ chúa thường có hàng vạn quạ đen bay lượn trên cây, ngày đêm quàng quạc kêu
ở cửa Các môn trước phủ đường.
Lại nữa,
móng thành kinh đô vô cớ sụt lở đến hơn mười trượng”.*
Các bài
viết tiếp tục lưu ý rằng danh sách dài những điềm báo đầy tính bất an khiến
Chỉnh thêm tin tưởng vào kế hoạch tấn công Đàng Ngoài vào mùa hè. Vì thế, chúng
ta thấy rằng các điềm báo không chỉ đơn thuần được dùng như là dấu hiệu một sự
thay đổi quyền lực không thể tránh khỏi, mà còn là sự phấn khởi cho những ai
coi chúng là cơ hội để hành động chống lại những kẻ đương quyền. Sau hết, có
một người nào đó là sứ giả nhà trời biến những điềm báo đó thành hiện thực.
Chỉnh tự thấy mình là một người như thế, cũng như Nguyên Nhạc trước đó tự thấy
ông ta là người hoàn thành lời tiên tri đã dẫn dắt phong trào của ông ta trong
những năm đầu tiên.
III.4.3. Ý tại ngôn ngoại (tìm hiểu ẩn ý của
các câu nói)
Một
phương pháp cuối cùng mà người Việt thời kỳ này thường dùng để nhìn thấy tương
lai là phân tích các câu, chữ. Giới nho sĩ, và có thể cả những dân làng có học,
nhìn vào chữ Hán, phân tích ngữ pháp để tìm những ý nghĩa được ẩn giấu bên
trong hoặc chỉ dấu của sự tiên tri. Chữ Hán giúp họ đi sâu vào những phân tích
thú vị, theo đó, các con chữ được tách ra thành nhiều thành phần và lời tiên
báo được nhìn thấy trong đó. Vì chữ Hán thường được cấu thành bởi những phần
nhỏ hơn nên chúng có những ý nghĩa riêng biệt, những phần nhỏ hơn có thể được
“đọc” tách riêng ra theo một cách phù hợp với mục đích của người giải thích
chúng. Ngoài ra, các thông điệp có thể được ẩn giấu trong những câu viết hay
câu nói xem ra có vẻ vô hại. Một ví dụ khá hay về cách làm này có từ thời kỳ
đầu của nhà Tây Sơn và được ghi chép trong sách Lịch triều tạp kỷ. Trường hợp
được nêu diễn tả một bài thơ ngắn được viết như một lời phẩm bình quanh co về tình
hình chính trị của thời kỳ đó (năm 1780): Tổ tư vân gian nguyệt, hoàng hoa nhật
diệu hương (trái đất sẽ truyền đi lời nguyền không thật chống lại đóa hoàng hoa
mà mặt trời đã làm cho hương tỏa ngát)*. Những từ tổ và tư kết hợp thành từ anh
(em) rể*, nhắc đến Hoàng Tố Lý, một người thân thuộc của chúa Trịnh, trong khi
các chữ hoa và nhật tạo thành chữ việp, nhằm nhắc đến danh hiệu cao quý của vị
tướng quan trọng của chúa Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc. Chữ diệu* nhằm nhắc đến năm
sinh của cả hai. Toàn bộ câu này được giải nghĩa là muốn nói đến hai người đàn
ông đang mưu chống lại chúa Trịnh.*
Những
hình thức chơi chữ như thế, có tác dụng hoặc là tiên đoán hoặc là phẩm bình
chính trị kín đáo, chúng tiếp tục diễn ra và tăng lên nhiều trong thời kỳ Tây
Sơn. Đặc biệt có nhiều toan tính phân biệt số phận của nhà Tây Sơn và các nhà
lãnh đạo chính trị khác bằng cách sử dụng những chữ tạo thành niên hiệu của họ.
Trong những phản ứng của người dân đối với việc Nguyễn Nhạc tự tuyên xưng là
Thái Đức hoàng đế, có sự khảo sát hai chữ này để tìm ra những điềm báo. Những
phân tích sau đó kết luận rằng triều đại của Nguyễn Nhạc sẽ kết thúc trong 14
năm. “Những người có hiểu biết giải thích rằng hai chữ Thái Đức có nghĩa là “Ba
ngườỉ chiến đấu trên mặt nước, và trong 14 năm, họ sẽ thất bại”. Những chữ đó
gợi một lời tiên đoán phức tạp. Chữ Thái chứa đựng chữ “ba” và chữ “nước”*, chữ
sau đồng âm với chữ “nước” (đất nước); chữ Đức chứa đựng trong nó chữ “mười
bốn” và chữ “mất”*. Và thật vậy, như Bùi Dưong Lịch, một nho sĩ đã đưa ra phân
tích này, triều đại Thái Đức kéo dài trong 14 năm, từ năm 1778 đến năm 1793.
Các phân
tích tương tự được áp dụng cho những nhân vật chính trị quan trọng khác ở cuối
thế kỷ XVIII. Một sự khảo sát tỉ mỉ như thế về các chữ dành cho vua Lê là Lê
Chiêu Thống, được cho là đã tiên đoán sự thoái vị chắc chắn sắp xảy ra của ông:
"Việc
chiết tự hai chữ Chiêu và Thống* cho ra nghĩa như sau: 'mặt trời che phủ con
dao nằm trên miệng và cắt đứt sợi dây quan hệ gia đình của người anh thứ hai'.
Sau đó, nhà vua trốn khỏi xứ bắc và Nguyễn Chỉnh bị giết, và tất cả diễn ra
đúng như những từ ngữ đã nói lên”.*
Cho dù
còn mù mờ, sự giải thích này được cho là đã tiên đoán những sự kiện diễn ra
trong tương lai. Giống như ví dụ trước, cái vẻ chính xác của sự tiên đoán này
chỉ được ghi nhận sau khi nó xảy ra, và vì thế, chúng ta không thể xác định có
đúng là tiến trình phân tích chữ nghĩa đã diễn ra trước khi nhà vua bị phế
truất hay không. Tuy nhiên, có vẻ như những nỗ lực nhằm xác định tương lai của
vua Lê đã được thực hiện vào thời điểm đó. Sau này, kỹ thuật tương tự được áp
dụng cho chữ tên của hai vua Tây Sơn ở phía bắc là Quang Trung và Cảnh Thịnh.
Tên của hai vì vua này được phân tích rồi mổ xẻ thành những câu thơ trong dân
gian, với kết quả như sau:
Đầu cha
ta lấy làm chân con,
Trong 14
năm tròn, sẽ đạt đến con số cuối cùng.
Người
cha có một cái đầu nhỏ, và người con một cái chân nhỏ,
Đến năm
Nhâm Tuất, họ sẽ không còn nữa.
Bài thơ
này mô tả sự kiện mỗi chữ Quang và Cảnh đều có chữ "thiểu” trong đó. Chữ
Quang ở trên, chữ Cảnh ở dưới. Như câu cách ngôn ngắn này đã tiên đoán, sau 14
năm trị vì kể từ năm 1788, năm cuối cùng của nhà Tây Sơn là năm Nhâm Tuất
-1802.
Cuối
cùng, trong lúc kết quả sự phân tích chữ nghĩa có thể chuyển thành thơ, những
câu tục ngữ khác có thể dùng chữ Hán để ám chỉ một cách kín đáo số phận của
nhiều nhân vật khác nhau. Một bài hát ngắn được cho biết là đồng thời với phong
trào Tây Sơn cũng có các vần điệu về những nhân vật quan trọng trong chính
quyền Tây Sơn ở phía bắc nhằm phẩm bình về số phận được đoán trước (hay hi vọng
như thế) của họ:
Mời
người mang nước lên thuyền.
Quang đổ
vỡ, Chỉnh bị tiêu diệt,
còn Gánh
rơi ngay xuống nước.*
Chữ
quang là đôi gióng dùng để kề vai gánh bình nước, nhằm ám chỉ Quang Trung, và
cái chết của ông, chữ chỉnh hay chĩnh, là vại nước, nhằm ám chỉ Nguyễn Hữu
Chỉnh, người đã bị nhà Tây Sơn đánh bại. Và chữ gánh, nghe gần đồng âm với chữ
cảnh, nhằm nhắc đến vua cuối cùng của Tây Sơn là Cảnh Thịnh.
III.4.4. Đợi cứu thoát: Trông chờ một sự thay
thế về chính trị
Ngoài cố
gắng nhìn thấy diễn biến của những sự kiện trong tương lai, người thường dân và
giới trí thức Đại Việt cũng biểu lộ sự phản kháng trước những nhà cai trị của
họ bằng cách nói lên sự ưa thích những người thay thế về chính trị. Chẳng hạn
những người dưới chính quyền họ Trịnh thường bày tỏ niềm hi vọng nhà Nguyễn đến
để giải thoát họ. Tương tự như thế, một số người sống dưới chế độ Tây Sơn ở
Đàng Ngoài mong đợi sự cứu thoát trước hết của quân Thanh sang để hỗ trợ vua Lê
bị phế truất vào năm 1788, và sau đó của nhà Nguyễn, khi cuộc xâm lăng của quân
Thanh bị thất bại. Cuối cùng, những người dưới chế độ nhà Nguyễn vào những thập
niên 1780, 1790 và đầu thế kỷ XIX thường biểu lộ nỗi ước muốn được cứu thoát
bởi quân Tây Sơn. Vào những thời điểm khó khăn, thông thường người dân hi vọng
vào những nhà cai trị mới, có lẽ đó tin rằng người thay thế sẽ khá hơn kẻ áp
bức hiện tại. Nét đặc biệt của việc tìm kiếm một người thay thế về mặt chính
trị trong thời kỳ Tây Sơn thể hiện ở điểm người dân Đại Việt có thể chờ đợi ở
nhiều người thay thế chân thật.
Trong ba
thập niên cuối cùng của thế kỷ XVIII, giới nông dân (và những thành phần khác)
đã lựa chọn nhiều thế lực chính trị để bày tỏ lòng trung thành, đổi lại việc họ
được giúp thoát khỏi nỗi khổ đau của họ. Nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn (và trong
một mức độ nào đó là nhà Lê-Trịnh), đã tranh đấu với nhau chẳng những trên
chiến trường, mà còn trên đấu trường tranh thủ lòng dân. Trong lúc những đề
xuất về chính trị của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn có thể không hoàn toàn khác
biệt nhau theo một nghĩa tuyệt đối, thì theo cái nhìn của người nông dân, thế
lực nào không áp bức họ lúc đó có thể được họ mong chờ đến cứu họ, cho dù đó có
thể là một hi vọng hão huyền. Thật vậy, rất có thể tiếng tốt của nhà Tây Sơn
phát triển trong ký ức dân gian đến tận thế kỷ XIX một phần xuất phát từ việc
họ “không phải là nhà Nguyễn”. Ở một mức độ nào đó, chính quyền nhà Tây Sơn đại
diện cho một thời đại lý tưởng hóa (tuy nhiên nhớ nhầm) đến trước thời kỳ của
những đòi hỏi lao động nặng nhọc và những khó khăn khác đã kích động sự nổi dậy
ồ ạt của giới nông dân vào nửa đầu thế kỷ XIX.
Ý niệm
người dân chờ đợi sự giải thoát được khai triển sớm vào thời kỳ Tây Sơn, khởi
đầu vào năm 1774, khi quân Trịnh xâm chiếm lãnh thổ của nhà Nguyễn. Chúa Trịnh
và các võ tướng của ông miêu tả hành động của họ phần nào như một sứ mạng giải
cứu nhân dân hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam. Người dân ở những vùng này được
cho là đã chịu đựng các quan chức tham nhũng, sưu cao thuế nặng, cùng những
cuộc đột kích thường xuyên của dân vùng cao. Tóm lại, cuộc xâm lăng của quân
Trịnh nhằm giải thoát những người dân từng phải chịu đựng đau khổ “từ hơn một
trăm năm qua”. Lê Quý Đôn cũng viết về những bức thư được nhiều nho sĩ ở Đàng
Trong gửi cho ông, trong đó, họ bày tỏ nỗi vui mừng lớn lao khi thấy quân triều
đình đến và trước khả năng thống nhất lãnh thổ Đại Việt mà họ đã chờ đợi rất
lâu. Cho dù tình cảm đó có thể chưa có tính tiêu biểu rộng rãi, song những gì
chúng thể hiện trong những lá thư này phản ánh cảm nhận là sự đến nơi của quân
Trịnh có thể giải tỏa những nỗi khó khăn mà họ đã trải qua.
Song tất
cả nhiệt tình trước sự hiện diện của quân Trịnh cũng sớm nhường chỗ cho sự vỡ
mộng, và người dân ở Thuận Hóa cảm thấy bực mình dưới quyền lực của những người
mà họ coi như là cứu tinh và hi vọng được cứu vớt. Sách Đại Nam thực lục viết
rằng vào năm 1776, các quan lại của chúa Trịnh đã quấy rối dân chúng ở Thuận
Hóa khiến họ đâm ra oán giận, giận về điều này cũng như về những nỗi khổ khác
đè lên vai họ. Mấy năm sau, vào năm 1779, một giáo sĩ sống trong vùng do chúa
Trịnh kiểm soát đã viết rằng “Đàng Trong (ở đây muốn nói đến phần phía bắc của
Đàng Trong đang do quân Trịnh chiếm giữ) luôn hi vọng nhìn thấy đức vua của họ
(chúa Nguyễn) dẫn đầu đoàn quân đến nơi giải thoát họ khỏi cảnh sống nô lệ nhục
nhằn gây ra bởi những người ở Đàng Ngoài”. Tình hình tiếp tục xấu hơn, đặc biệt
khó khăn dưới sự cai trị của viên trấn thủ cuối cùng của chúa Trịnh ở Thuận
Hóa. Phạm Ngô Cầu hành động “tàn ác, thô lỗ và tham lam, quấy nhiễu dân chúng
và đẩy khu vực ấy vào cảnh đói nghèo, khốn khổ”. Như một giáo sĩ đã viết vào
giữa năm 1786, một thời gian ngắn trước khi nhà Tây Sơn đánh chiếm Đàng Ngoài:
“Tất cả nông dân ở những vùng này biểu lộ nỗi căm ghét không nguôi đối với mọi
người ở Đàng Ngoài, không trừ một ai”. Thật vậy, sự kiện quan chức Trịnh thăm
viếng trại Tây Sơn vào đầu năm 1786 khiến Nguyễn Hữu Chỉnh mở một cuộc tấn công
đã phản ánh mức độ không hài lòng của những người dân ở đây.
Khi sự
thù nghịch đối với dòng họ Trịnh ở những người dân mà họ đã “giải thoát” tại
vùng thượng Đàng Trong, danh tiếng của họ ở Đàng Ngoài cũng nhanh chóng sụt
giảm. Trong nhiều tình huống khác nhau, điều này biểu lộ qua việc người dân bày
tỏ sự ủng hộ những người thay thế về chính trị. Cuối cùng, tình hình trên dẫn
đến sự kiện vào năm 1779, một giáo sĩ châu Âu đã viết về thái độ của người dân
đối với một cuộc nổi dậy gần Thăng Long: “Mọi người ủng hộ những kẻ nổi dậy, và
rất ít người theo nhà vua. Người ta thích thấy họ chiến thắng với hi vọng tìm
thấy dưới một chính quyền mới, sự kết thúc của vô số điều tệ hại mà họ phải
khuất phục trong nhiều năm”.
Trong
lúc ấy, sự bất ổn đã khuấy động ngay bên trong trại Tây Sơn. Mặc dù anh em Tây
Sơn đã đứng lên một phần để giải thoát dân chúng Đàng Trong khỏi sự hà khắc về
chính trị, khi cuộc nổi dậy của họ chuyển thành một chế độ chính thức, họ nhanh
chóng đặt gánh nặng lên vai những người này. Viết trong tác phẩm Phủ biên tạp
lục vào năm 1776, chỉ ba năm sau khi lực lượng Tây Sơn đã chuyển cuộc nổi dậy
của họ xuống vùng đồng bằng đông dân, Lê Quý Đôn nhận định rằng: “dân chúng
vùng Quảng Nam vào thời đó đã trải qua nhiều gian khổ. Tất cả đều trông chờ
quân đội của triều đình (triều Lê-Trịnh) đến để giải thoát và cứu vãn họ”. Hai
năm sau, Charles Chapman cũng ghi nhận sự bất mãn của người dân tương tự như thế
đối với sự cai trị ngày càng phiền hà của Nguyễn Nhạc. Dựa vào những cuộc nói
chuyện với người Việt trong thời gian một tháng lưu lại lãnh thổ của nhà Tây
Sơn, trong đó có việc đi thăm kinh đô Chà Bàn của Nhạc, Chapman viết về tình
hình lúc đó như sau:
“Chính
quyền của Nhạc được điều hành trong sự ghê tởm cùng cực... Nhiều người trong
quân lính của ông và hầu hết những người dân tôi gặp đều công khai nói với tôi
và những người đi với tôi là họ đã phải cam chịu như thế nào và bày tỏ mong ước
là người Anh hãy bảo vệ họ, đảm bảo với chúng tôi rằng chỉ cần sự xuất hiện của
một lực lượng tối thiểu là cả nước sẽ chạy đi gặp họ”*.
Điều này
cho thấy rằng nhiều người dân sống dưới chính quyền Tây Sơn đã bắt đầu nghĩ tới
người thay thế chính trị. Trong khi có ít cơ hội để người Anh có thể dính líu
vào điều mà Chapman coi là công việc nội bộ, cảm nghĩ do ông diễn tả phản ánh
niềm hi vọng chung là sẽ xuất hiện những người thay thế về chính trị.
Cuối
cùng vào tháng 6.1786, khi nhà Tây Sơn chiếm lấy những phần đất cũ của các chúa
Nguyễn đang nằm trong tay quân Trịnh, người dân đã sẵn sàng trả thù những người
cai trị hà khắc và đón chào quân Tây Sơn như những nhà giải phóng. Khi quân
Trịnh chạy khỏi Phú Xuân trước sức tấn công của quân nổi dậy, một số người dân
địa phương đã bắt giữ những người từng hành hạ họ và mang đến trước lực lượng
Tây Sơn, và có trường hợp, quân Tây Sơn ném 200 quân Trịnh xuống biển. Trong
những trường hợp khác, người ta kể rằng dân địa phương đã tự tay tàn sát quân
Trịnh. Sự đáp trả đầy nhiệt tình mà quân đội Tây Sơn nhận được từ dân chúng
trong cuộc xâm chiếm vùng thượng Đàng Trong có lẽ đã phản ánh tình cảm của
người dân cảm thấy họ bị chiếm đóng trong hơn một thập kỷ bởi những người mà họ
coi như là quân đội "nước ngoài”, và họ đã phải trải qua những gian khổ to
tát vào thời kỳ này. Với họ, quân Tây Sơn là biểu hiệu của sự cứu vớt. Điều đó
không chứng tỏ rằng người dân ở Phú Xuân và ở vùng phía bắc nhất thiết cảm thấy
một mối quan hệ thân thiết về chính trị và văn hóa với những đội quân xuất phát
từ ngọn núi Tây Sơn, mà đúng hơn là họ chào đón những người này như là “những
người khác” so với những lãnh chúa họ Trịnh vừa qua.
Sự đồng
thuận ban đầu đối với chính quyền Tây Sơn ở Đàng Ngoài phần lớn là phản ứng
trước những khó khăn trong đời sống trước đây dưới sự kiểm soát của quân Trịnh,
kết hợp với sự gian khổ do nhiều năm đói kém gây ra. Như một giáo sĩ đã viết:
“Người dân rất mệt mỏi dưới sự thống trị bạo tàn của dòng họ Trịnh, và thậm chí
họ còn bị kiệt quệ vì những điều phiền toái do quân lính gây ra mà họ phải chịu
đựng từ lúc chúa khởi sự nắm quyền”. Cũng vì thế, dù cho lúc ban đầu người dân không
dám tin chắc vào ảnh hưởng của quân Tây Sơn, đạo quân xâm lấn này được lệnh của
cấp chỉ huy không được quấy nhiễu người dân ở kinh thành Thăng Long. Đạo quân
phía nam rất tuân thủ lệnh này, một sự kiềm chế chắc chắn đã mang lại sự khuây
khỏa cho dân chúng ở Thăng Long. Cuối cùng, có lẽ người dân phía bắc đã đáp ứng
lại lời tuyên bố của nhà Tây Sơn rằng họ đang phục hồi quyền lực cho triều Lê.
Trong trí tưởng của người dân, sự phục hồi này thể hiện một hình thức cứu vãn
về chính trị, cho dù hoàng tộc triều Lê chỉ còn là một cái bóng của chính họ.
Người ta có thể nói rằng người dân Đàng Ngoài tập hợp lại không phải vì nhà Tây
Sơn hoặc thậm chí vì vua Lê đã được phục hồi ngôi vị, mà đúng hơn vì triều đại
nhà Lê đã được lý tưởng hóa từ thế kỷ XV, và sự phục hồi này đã được ngầm hứa
hẹn bởi nhà Tây Sơn.
Sự kiên
nhẫn ban đầu của nhà Tây Sơn vào mùa hè năm 1786 thay đổi về cơ bản khi họ quay
lại Thăng Long, như chúng ta đã thấy. Sự cướp phá lan rộng và sự ngược đãi
người dân địa phương đã cho thấy sự kết thúc thời kỳ ngắn ngủi mà nhà Tây Sơn
đã được người dân phía bắc yêu mến*. Theo thư của các giáo sĩ, năm 1788, dân
miền Bắc bắt đầu biểu lộ công khai lòng căm hờn đối với những lãnh chúa mới của
nhà Tây Sơn và một ước muốn được giải thoát khỏi tay họ*. Mấy năm sau, một nhân
chứng khác kể rằng “không có gì ngoài thuế má và lao dịch, chúng đẩy người dân
vào cuộc khủng hoảng và điều này khiến họ mơ ước được giải thoát".*
Kết quả
của sự bất mãn gia tăng đối với nhà Tây Sơn là người Việt sống ở vùng thượng
Đàng Trong và Đàng Ngoài bắt đầu ngóng về phương Nam và sức mạnh đang đâm chồi
nẩy lộc của quân Nguyễn, để giải thoát họ. Do việc áp đặt sự kiểm soát chặt chẽ
trên biên giới giữa lãnh thổ do Tây Sơn kiểm soát và khu vực nằm trong tay chúa
Nguyễn, người dân ở phía bắc khó nhận được thông tin chi tiết về những biến
động ở phía nam. Họ dựa vào sự suy đoán vài mẩu tin đi theo tàu thuyền vòng qua
ngả Macao.
Thông
tin nhận được đủ để người dân phía bắc biết được sự tồn tại của nhà Nguyễn và
sức mạnh đang lên của họ. Họ không có thông tin về tình hình chính xác của chúa
Nguyễn ở vùng Gia Định, song họ nuôi hi vọng rằng chúa Nguyễn có thể thể hiện
một hình thức cứu vãn, như trước đây họ đã đặt hi vọng vào nhà Tây Sơn chưa
được biết đến bao nhiêu. Thật vậy, có vẻ như một sự lý tưởng hóa cuộc sống dưới
chế độ nhà Nguyễn đã bắt đầu diễn ra ở những nơi mà các chúa Nguyễn từng thống
trị và chính sự lý tưởng hóa này kết hợp với những khó khăn trong đời sống dưới
chính quyền Tây Sơn đã kích thích trí tưởng của người dân quay nhìn về phía
sau.
Sử biên
niên của nhà Nguyễn vào năm 1791 (cho dù không phải là không có thiên kiến) đã
chép rằng “dân Thuận (Hóa) và Quảng (Nam) đã căm ghét chính sách tàn bạo của
nhà Tây Sơn trong một thời gian dài, và chờ đợi quân của triều đình từng ngày
một. Vì vậy, cứ mỗi lần nghe gió nồm thổi là họ cùng nói ‘chúa cũ của chúng ta
đã đến'”. Sử năm sau cũng miêu tả việc người dân sống trong những huyện dưới quyền
Tây Sơn ở Phú Yên và Khánh Thuận mang cả vợ con chạy về những vùng do chúa
Nguyễn* kiểm soát ở xa về phía nam*. Sách Tây Sơn thuật lược chép tương tự: “Ở
Bắc kỳ thì dân trí thức đều chán ghét triều Tây Sơn, mong được vị chân chúa. Từ
sau khi Gia Định đã dẹp yên rồi, mỗi lần gió nồm thổi, thì người người đều nói
rằng đó là gió của ông Chủng (Gia Long) vậy”*. Vào thập niên 1790, người dân
tiếp tục mong chờ chúa Nguyễn đến, ngay cả khi niềm hi vọng của những người
sống dưới sự kiểm soát của nhà Tây Sơn liên tục dâng lên rồi tiêu tán. Một thư
giáo sĩ viết vào tháng 5.1792 nhắc đến “vị chúa vùng Hạ Đàng Trong, người mà
tất cả dân Đàng Ngoài đều trông đợi với sự nôn nóng tột bực”. Những lời đồn đại
có vẻ hợp lý cho biết là lực lượng của chúa Nguyễn sắp đến nơi, như trong năm
1794, khi có tin đồn loan truyền còn không lâu nữa quân Nguyễn sẽ đến, sau khi
đã phá hủy thủy quân Tây Sơn neo đậu ở Qui Nhơn vào năm trước. Nhưng bằng cách
này hay cách khác việc quân chúa Nguyễn đến luôn được đoán trước, hoặc bởi thời
tiết, hoặc do chiến thuật quân sự cẩn trọng của chúa Nguyễn Ánh.
Giữa
thập niên 1790, người dân phía bắc bắt đầu suy đoán khi nào, hay trừ khi nào,
quân Nguyễn cập bờ biển của họ. Một thư giáo sĩ viết vào tháng 8.1794 với ý
đoán trước là việc đó đã lan truyền ở Đàng Ngoài. “Người ta tiếp tục chờ đợi vị
chúa hợp pháp ở Đàng Trong sẽ đến, nhưng khi nào thì ông đến?" Pierre Eyot
đặt ra câu hỏi như trên trong một bức thư đề ngày 6.8.1794. Vài tuần sau, một
giáo sĩ ở vùng Hạ Đàng Ngoài là Charles La Mothe đã viết rằng sự phục hồi vương
quốc bởi vị chúa Đàng Trong đã bị truất ngôi là “điều mà mọi người nhiệt tình
hi vọng và mơ ước”. Hơn nữa, dân chúng ở Đàng Ngoài chẳng những suy đoán là
chắc chắn chúa Nguyễn sẽ đến nơi, mà còn bắt đầu vạch kế hoạch đứng lên ủng hộ sự
tiến công của quân Nguyễn. Năm 1794, một người đàn ông ở Thanh Hóa tiếp xúc với
Nguyễn Ánh và được bảo đi tuyển mộ lính để nổi dậy chống nhà Tây Sơn. Năm 1797,
một giáo sĩ viết rằng “ [nhà Tây Sơn] phải biết sợ người dân Đàng Ngoài, những
người không ủng hộ ách áp bức của họ, không giúp đỡ họ và quay lưng lại với họ.
Nhiều lần họ đã đứng lên, nhưng không thành công... Họ chờ đợi vị chúa ở Đồng
Nai như là người giải thoát cho họ”.*
Khi
người dân phía bắc bắt đầu nghe nhiều tin đồn hơn về việc chúa Nguyễn sắp đến
nơi vào những năm 1800 và 1801, họ tăng cường kế hoạch thách thức nhà Tây Sơn,
khi mà quyền lực của phong trào này ngày càng không thể chịu đựng nổi, và chế
độ này đang đối mặt với một cuộc chiến đấu vô vọng với chúa Nguyễn. Một thư
giáo sĩ năm 1801 đã tóm lược tình hình dân chúng ở Đàng Ngoài:
"Về
phần thường dân, tinh thần của họ bị khích động mãnh liệt. Khắp nơi trên cả
nước, người Cơ Đốc giáo và người lương đang bị nghiền nát dưới ách nô lệ tàn
bạo của những kẻ nổi loạn Tây Sơn, rất nhiệt tình mong ước sự đến nơi của vị
chúa Đàng Trong; nhiều tin đồn các loại, đến nỗi người ta không biết tin vào
đâu, vài người nói rằng một số nhóm khởi nghĩa được thành lập khắp nơi, sẵn
sàng đứng lên chống lại những người nổi loạn Tây Sơn ngay khi vị chúa hợp pháp vừa
xuất hiện".
Trong
một trường hợp, vị lãnh đạo một nhóm có kế hoạch nổi dậy chống Tây Sơn bí mật
đi về phía nam, tại đây ông ta nhận các tài liệu từ chúa Nguyễn Ánh cho phép
ông ta tổ chức cuộc nổi dậy và sắp đặt việc giúp ông ta tuyển mộ người đi theo.
Cuộc nổi dậy đã bị nhà Tây Sơn nghiền nát. Sự thất bại của những cuộc nổi dậy
như thế có thể do sự kết hợp của tổ chức kém, số người ít (hiếm khi quá một
trăm người), và điều kiện quân sự hóa của nhà Tây Sơn cho phép họ huy động quân
nhanh chóng để đàn áp những cuộc khởi nghĩa của người dân như thế. Tuy nhiên,
các cuộc nổi dậy và những cảm nghĩ phổ biến của người dân được các giáo sĩ châu
Âu đề cập đến cũng cho thấy một vài dấu hiệu về sự thù nghịch dai dẳng và lớn
mạnh đối với chính quyền nhà Tây Sơn.
Điều trớ
trêu là ngay vào lúc dân chúng ở Đàng Ngoài ngày càng biểu lộ niềm hi vọng rằng
chúa Nguyễn sẽ sớm giải thoát họ khỏi tay nhà Tây Sơn, thì những người đã sống
dưới sự kiểm soát chính trị của lực lượng nhà Nguyễn ở vùng cực nam lại hi vọng
được cứu khỏi tay họ. Không có nhân vật nào hơn Giám mục Bá Đa Lộc, người châu
Âu ủng hộ Nguyễn Ánh nhiệt tình nhất, người đã mô tả những cảm nghĩ rõ rệt của
người dân khi ông viết vào năm 1791 về một tình hình đang ngày càng khó chịu
đối với những người Việt Nam sống dưới sự kiểm soát của chúa Nguyễn: "
(Nguyễn Ánh) chất lên vai người dân của ông gánh nặng thuế má và những dự án
lao động, và vào lúc này, người dân khốn khổ bị giày vò bởi nạn đói, đến nỗi họ
mong nhà Tây Sơn đến”. Hai năm sau, vào năm 1793, tình trạng những người sống
dưới quyền của chúa Nguyễn cũng không có vẻ cải thiện. Trong khoảng thời gian
từ khi có sự chỉ trích của vị Giám mục, một giáo sĩ Pháp khác viết rằng
"hai năm cuối cùng đó, mọi người phải đi làm việc công, và họ không bận
tâm đến điều gì khác ngoài việc tìm những phương cách để sống sót, sự nghèo khổ
đã đến độ cùng cực”. Cố nhiên, những đòi hỏi của chúa Nguyễn, cũng như của nhà
Tây Sơn, đã khiến cho người dân căm phẫn và làm phát sinh nỗi ước muốn của họ
được một tổ chức khác cứu vớt.
Vào giữa
thập niên 1790, tình hình ở phía nam vẫn không thể chịu đựng nổi đối với nhiều
người và ngay cả khi sử nhà Nguyễn viết rằng vào năm 1795, nhiều người dân trốn
khỏi các trại đồn điền được thiết lập trên lãnh thổ do chúa Nguyễn kiểm soát.
Lời tường thuật trong một thư giáo sĩ cùng năm trên nói rõ hơn nỗi gian khổ mà
những người sống dưới sự cai trị của Nguyễn Ánh phải đối mặt và chỉ rõ rằng một
số người vẫn tiếp tục coi nhà Tây Sơn là sự thay thế nhà Nguyễn tốt hơn:
“Điều
bất hạnh lớn nhất của chúa Nguyễn Ánh là ông đã làm cho lòng dân giận ghét ông,
có lúc vì cách hành xử đầy kiêu hãnh của ông, có lúc là một số hành vi điên rồ,
như mong muốn xây dựng một ngôi đền lộng lẫy thờ Khổng tử, và tái thiết thành
phố Sài Gòn* v.v... Những dự án đó được ban ra vào thời điểm người dân đã bị
tràn ngập bởi [những đòi hỏi] lao dịch và đóng góp cho cuộc chiến tranh mà
người dân ghê tởm, họ mong ước được những người nổi dậy mang đi, hi vọng rồi
cuối cùng họ cũng được làm dịu bớt những nỗi bực mình”.
Sự kiện
vào năm 1795, nhà Tây Sơn tiếp tục xuất hiện như một người thay thế chính trị
đáng ao ước, cho thấy cả hai phía phải đương đầu với những khó khăn nghiêm
trọng như thế nào trong việc củng cố sự ủng hộ của người dân. Để kề nhau chứng
cứ từ những vùng đất do chúa Nguyễn kiểm soát với niềm hi vọng mà người phương
Bắc ấp ủ để được cứu vãn bởi bàn tay nhà Nguyễn một lần nữa cho thấy rằng niềm
hi vọng đó không nằm trong sự hiểu biết cụ thể về chính sách của một nhà cai
trị đặc biệt. Đúng hơn, nó xuất phát từ niềm tin rằng bất cứ nhà cai trị nào
cũng có thể đạt được tiến bộ hơn một người đương quyền.
Năm
1802, đạo quân được chờ đợi từ lâu của chúa Nguyễn tiến ra Đàng Ngoài, cuối
cùng đã “giải thoát” những cư dân đó khỏi tay nhà Tây Sơn. Rồi người dân ở phía
bắc cũng sớm phát hiện ra rằng hi vọng của họ chỉ là ảo vọng. Trước khi chiếm
lấy Thăng Long vào tháng 7.1802, quân của chúa Nguyễn đã bắt đầu gây khó cho
dân Đàng Ngoài. Người ta kể rằng trong các chiến dịch ở phía bắc, quân chúa
Nguyễn đã buộc người dân phải nộp ngựa, yên ngựa, và các vũ khí được trang trí.
Trong một vài trường hợp, khi các làng mạc không thể cung ứng những vật phẩm mà
họ đòi hỏi, họ đòi phải đóng góp bằng tiền. Giáo sĩ Pierre-Jacques de la
Bissachère đã ghi: “Điều đó là sự khởi đầu nỗi bất mãn đối với chính quyền
mới”.
Ác cảm
đối với nhà Nguyễn gia tăng đều đặn trong những năm đầu của triều đại mới. Chỉ
vài năm sau bản tường thuật ban đầu, de la Bissachère viết rằng: “vương (Ánh)
bị người dân căm ghét rất nhiều, đặc biệt khi ông tự xưng hoàng đế, do những
lao dịch quá đáng mà ông áp đặt cho người dân để xây dựng các pháo đài và thành
phố. Ông ta kết luận “Người Đàng Ngoài kêu gọi ông vua đang tại vị giúp họ tiêu
diệt nhà Tây Sơn, nhưng nay ông cai trị họ chưa đầy sáu năm, họ nguyền rủa ông
mỗi ngày vì ông bắt họ lao dịch tệ hại gấp hai lần so với thời Tây Sơn; họ nuôi
ý định nổi dậy, nhưng họ không có đủ sức lực (để làm thế) và thiếu một nhà lãnh
đạo có thể kích thích họ hành động”. Sự giận dữ của người dân phía bắc đã kết hợp
với sự kiện nhà Nguyễn không giữ lời hứa khôi phục nhà Lê. Như de la Bissachère
đã nhận định vào đầu thế kỷ XIX:
“Người
dân phía bắc... nôn nóng chờ đợi ông (Nguyễn Ánh) giải thoát họ khỏi sự tàn bạo
của những kẻ nổi loạn Tây Sơn và tái lập ngai vàng của dòng vua cũ, nhưng trong
sự mong chờ của họ, những người Bắc hà này thất vọng ê chề, bởi vì vị chúa này
mới vừa chiếm lấy Bắc hà, nơi người ta trông ông như trông một người giải
thoát, thì ông đã tự xưng vương và đón nhận sự tuyên phong chính trị của hoàng
đế Trung Quốc”.
Hoặc như
tác giả Đặng Phương Nghi nhận định trong nghiên cứu của bà về Việt Nam thế kỷ
XVIII:
“Bị kiệt
quệ bởi họ Trịnh, dân chúng hoan nghênh cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn; tuy
nhiên, điều đó không kéo dài trước khi họ thấy rằng quyền lực của Tây Sơn là
một sự áp bức ghê tởm, và cầu mong chúa Nguyễn Ánh đến nơi; khi vua Gia Long
ngồi lên ngai vàng, họ lại kêu rên và coi nhà cai trị mới như một bạo chúa man
rợ”.
Xét
chung, chứng cứ khả tín cho thấy rằng cuộc sống không nhất thiết tốt hơn hay
xấu hơn dưới bất cứ một lực lượng chính trị-quân sự đặc biệt nào trong những
năm dưới chính quyền Tây Sơn. Mỗi bên đều đặt ra những đòi hỏi lớn lao cho
những người sống dưới quyền lực của họ để tái thiết, xây dựng phòng tuyến, bòn
rút tài nguyên và các mưu đồ quân sự. Với người dân, bên khác, dù là gì đi nữa,
đều có thể là bên cứu vớt họ. Chẳng hạn như cùng lúc với việc dân chúng phía
nam mong được nhà Tây Sơn cứu giúp thì những người sống ở phía bắc lại mong
được cứu thoát khỏi tay nhà Tây Sơn. Thật vậy, họ luôn mang niềm hi vọng chung
rằng người cai trị sắp tới hoặc một người thay thế nào đó, sẽ tốt hơn và ít có
những đòi hỏi hơn. Như những sự kiện thời Tây Sơn đã chỉ rõ, sự cứu giúp hằng
mong đợi đã không bao giờ đến. Những người sống dưới sự thống trị
của họ
Trịnh và được nhà Tây Sơn giải thoát lại nuôi hi vọng sớm được chúa Nguyễn giải
thoát cho họ. Những người ở vùng cực nam được chúa Nguyễn giải thoát khỏi bàn
tay nhà Tây Sơn lại sớm mong mỏi sự trở lại của người lãnh đạo chính trị cũ của
họ. Và những người sống dưới chính quyền họ Trịnh, những người lúc đầu được nhà
Tây Sơn giải thoát rồi lại được chúa Nguyễn giải thoát, cũng sớm mong mỏi lật
đổ được ách thống trị của nhà Nguyễn.
III.5. KẾT LUẬN
Trong
chương này, tôi chỉ chạm vào bề mặt mối quan hệ phức tạp tồn tại giữa giới nông
dân Việt Nam và những người lãnh đạo của phong trào Tây Sơn. Dân cư quá đông
đúc, đất đai rất khác nhau và thời gian quá dài để có thể có được một sự miêu
tả dứt khoát đời sống của người nông dân trong những năm tháng dưới thời Tây
Sơn. Tuy nhiên, điều mà tôi hi vọng có thể làm được là chứng tỏ rằng sự miêu tả
có tính thuyết phục về nhà Tây Sơn thường không quá dễ dàng. Sự miêu tả dễ dãi
về cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn như một “phong trào nông dân" đã che giấu
mối quan hệ phức tạp hơn tồn tại giữa những người lãnh đạo của phong trào này
(bản thân họ không phải là nông dân theo nghĩa thông thường của từ ngữ này) và
những người họ tìm kiếm để đưa vào trong quân đội của họ và đặt dưới quyền lực
chính trị của họ. Chúng ta không thể giả sử rằng những người lãnh đạo phong
trào có cùng mối quan tâm với khối đông đảo quần chúng nông dân, và lối giải
thích nhằm đồng nhất hóa giữa anh em Tây Sơn với phong trào là vô cùng sai lạc.
Có những
giai đoạn đáng ghi nhớ về sự hợp tác nhiệt tình giữa người dân với phong trào
Tây Sơn và một vài mục tiêu của họ, nhưng lại có nhiều trường hợp về sự đấu
tranh của người dân địa phương chống lại những đòi hỏi của chính quyền mới.
Điều quan trọng là được xem như sự biểu lộ mối ác cảm đặc biệt đối với nhà Tây
Sơn. Thay vào đó, những hành vi này cần được xem là sự đối kháng chống lại bất
cứ sự gia tăng ép buộc nào bởi quyền lực của nhà nước, bất kể nguồn gốc xuất
phát hay những luận điệu của quyền lực đó. Nói cách khác, không có gì quan
trọng lắm khi cho rằng nhà Tây Sơn đã khẳng định những điều này với người dân,
hay đúng hơn là bất cứ một nhóm chính trị cùng thời nào cũng sẽ làm như thế.
Trường hợp này được chứng minh bởi sự kiện là người dân nói chung trong giai
đoạn này thưởng lớn tiếng kêu ca lúc thì về họ Nguyễn, lúc thì về họ Trịnh và nhà
Tây Sơn. Thêm vào đó, người dân vừa được “giải thoát" khỏi sự tàn ác của
một chế độ thì đã bắt đầu công khai chỉ trích việc làm quá đáng của những nhà
lãnh đạo mới và hi vọng vào sự giải thoát của một thế lực chính trị-quân sự
khác trong thời đại của họ.
Chính trong bối cảnh này mà sự tuyên dương nhà Tây Sơn nổi lên trong trí tưởng người dân thế kỷ XIX cần được hiểu hết ý nghĩa của nó*. Sự thay đổi quan điểm của người dân về phong trào và chính quyền Tây Sơn xuất phát từ ác cảm của họ đối với nhà Nguyễn cũng như từ sự hoài niệm về nhà Tây Sơn. Tất nhiên, nỗi luyến tiếc về một thời kỳ tốt đẹp là một kiểu mẫu phổ biến, vấn đề ở đây là chúng ta cần nhận thức về nỗi luyến tiếc như thế và tìm hiểu chúng đã hình thành như thế nào. Tôi tin rằng các nhà sử học thế kỷ XX dựa rất nhiều vào những chuyện truyền khẩu và các truyền thống dân gian khác về nhà Tây Sơn đã nhận thức được nhiều về kiểu luyến tiếc quá khứ đó. Trên nhiều phương diện, các tài liệu lịch sử cho thấy nhà Tây Sơn đã không tốt hơn hay xấu hơn những người đi trước hay đi sau họ.
CHƯƠNG IV
NHỮNG KẺ SỐNG BÊN LỀ CUỘC NỘI CHIẾN NGƯỜI CƠ
ĐỐC GIÁO, HẢI TẶC VÀ CÁC THÀNH PHẦN KHÁC
Đó là năm 1787 và tôi vẫn còn sống.
Nhưng tôi vẫn sống là nhờ đức của Đấng Hoàng Thiên Bởi vì tôi đã sống giữa gươm giáo và vây phủ bởi cái chết. -Visente Liêm Ký, 1787- Người nông dân Việt sống ở đồng bằng không phải là giai tầng duy nhất bị tác động sâu xa bởi những biến động thời kỳ Tây Sơn. Cuộc nổi dậy và những chế độ mà nó tạo ra cũng có những tác động quan trọng lên những nhóm người sống bên lề của xã hội Đại Việt thế kỷ XVIII. Trong số những nhóm đó, có người Việt theo Cơ Đốc giáo, nhiều nhóm sắc tộc và di cư, nổi tiếng nhất là nhóm di cư từ Trung Hoa, nhưng cũng có những nhóm sống ở cao nguyên, và đôi khi ở xuyên qua biên giới, đến Xiêm, Chân Lạp, và vương quốc Lào; nhiều băng cướp sử dụng các chiêu bài khác nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện tùy theo sự biến đổi của hoàn cảnh; và cuối cùng là bọn hải tặc, được phân biệt với các băng cướp không đơn thuần chỉ vì chúng hoạt động ở biển và sông ngòi, mà trong trường hợp này, còn do chúng xuất phát từ Trung Quốc. Mặc dù đôi lúc số hải tặc này không nhiều, nhưng chúng tạo được hiệu ứng quan trọng trong diễn biến của cuộc nổi dậy, căn cứ vào những thành công và thất bại của chúng.
Có nhiều
cách để phân loại cái mà tôi gọi là “bên lề xã hội”, và tôi chọn những nhóm
được nêu rõ trong các tài liệu và đáng chú ý do vai trò của họ trong thời kỳ
Tây Sơn. Tất nhiên có những nhóm khác mà dấu vết của họ đã bị thời gian xóa
nhòa. Trong một vài trường hợp, có sự chồng chéo đáng kể giữa những thành viên
của các nhóm này với thành phần “nông dân” rộng lớn hơn đã được đề cập trong
chương trước. Chẳng hạn như nhiều người theo Cơ Đốc giáo lại là những nông dân
sống ở vùng đồng bằng và nhiều nông dân trở thành kẻ cướp do nhu cầu sống hoặc
chọn lấy đó làm nghiệp dĩ. Vấn đề bên lề khá phức tạp, bởi vì từ ngữ này chỉ có
nghĩa khi được quan sát trong một phạm vi đặc biệt nào đó. Tính bên lề của một
vài nhóm - những nhóm sắc tộc ở cao nguyên, các băng cướp, hải tặc và những
người Cơ Đốc giáo - hiển nhiên là sống xuyên suốt lãnh thổ Đại Việt. Những nhóm
khác, như người Hoa, người Chăm và người Khmer chẳng hạn, hiện diện rất nhiều ở
phần phía nam của Đàng Trong, ở đó, ít nhất về mặt cộng đồng, họ chiếm đa số.
Vì thế, xác định những nhóm này cái tên “bên lề” là điều còn phải bàn lại,
trong một phạm vi hạn hẹp hơn của khư vực trung và nam Đàng Trong, trong lúc sẽ
có lợi hơn đôi chút nếu nhìn vấn đề trong khuôn khổ rộng lớn của toàn bộ lãnh
thổ Đại Việt. Cố nhiên, việc đặt những nhóm ở phía nam qua một bên lề phần nào
là sản phẩm của những nhân tố chính trị, dân số, và cuối cùng là thuật chép sử
phát triển vào cuối thế kỷ XIX, khi sự Việt hóa về mặt sắc tộc ngày càng tăng
lên.
Tuy
nhiên, với những ý nghĩ có sẵn như thế trong đầu, chúng ta có đầy đủ lý do để
khảo sát những nhóm này với tính cách riêng của họ. Trước tiên, đó là những
nhóm được các nhà hoạt động chính trị vào thế kỷ XVIII, các quan sát viên, và
các nhà chép sử biên niên xác định như là những nhân tố tách biệt rõ ràng trong
xã hội Đại Việt. Thứ đến, mỗi một thành phần trong những nhóm này bị tác động
sâu sắc bởi những biến động của thời kỳ Tây Sơn và lần lượt để lại dấu ấn của
họ trong cuộc nổi dậy và trong các chính thể về sau, cùng kẻ thù của các chính
thể này. Cuối cùng, mỗi một nhóm trên có thể được phân loại như “ở bên lề” bằng
một cách nào đó, cho dù tinh chất bên lề này thay đổi tùy từng lãnh thổ và đôi
khi nặng về tính ý thức hệ và văn hóa hơn là về số liệu và tính chất địa lý.
Chẳng hạn người Cơ Đốc giáo đôi khi có thể ở vào các trung tâm quyền lực và
tính bên lề của họ xuất phát từ qui chế thiểu số dành cho họ, cũng như sự tách
biệt giáo lý của họ trong những bài giảng về sự hành lễ, sự tôn kính và cách
hành xử trong xã hội.
Các băng
cướp và hải tặc bị gạt ra ngoài lề về mặt luật pháp và cả về mặt địa lý. Những
nhóm người Hoa bị gạt ra ngoài lề ở một mức độ nào đó về mặt chính trị, và đôi
khi về mặt văn hóa, mặc dù có những khu vực (như vùng quanh Sài Gòn, Hội An và
Hà Tiên), họ hiện diện đông đảo và có một ảnh hưởng chính trị đáng kể.
Sự tương
tác gia tăng giữa những người ở bên lề xã hội Việt Nam và những người ở trung
tâm xã hội không phải là điều đáng ngạc nhiên trong thời gian xảy ra cuộc xung
đột, vì trong những thời điểm như thế, giới ưu tú về chính trị quay sang những
nhóm sống bên lề để tìm sự ủng hộ của họ. Lịch sử Việt Nam đầy rẫy những cuộc
xung đột và liên minh với nhau giữa người ở đồng bằng và đối tác của họ ở vùng
cao. Xung đột thường phát sinh từ sự tranh giành tài nguyên và đất đai, khi các
thế lực chính trị ở đồng bằng nỗ lực cướp lấy tài nguyên của các vùng cao. Liên
minh thường là sản phẩm phụ của một thực tại, trong đó nhiều phong trào quần
chúng và phần lớn nỗ lực kháng chiến chống phương Bắc vào các thời kỳ tiền cận
đại và sơ kỳ cận đại bắt đầu bằng việc rút quân về các vùng ngoại vi (thường là
vùng cao), nơi những người trung thành có thể khôi phục sức mạnh, thu thập tài
nguyên, kết nạp người ủng hộ trước khi tung ra những cuộc tấn công chống lại
các trung tâm chính trị ở đồng bằng.
Mô hình
có sự xen kẽ giữa xung đột và hợp tác xuất hiện từ những thế kỷ đầu tiên của
thời kỳ Bắc thuộc, một thời kỳ mà sự khác biệt về mặt chủng tộc giữa những cộng
đồng dân tộc sống ở đồng bằng và cao nguyên vẫn còn chưa được giải quyết. Mô
hình này tiếp tục vào hậu thời kỳ tự chủ bắt đầu từ nửa sau thế kỷ X, thỉnh
thoảng có sự nối kết giữa người Việt ở đồng bằng với các tộc người ở cao
nguyên. Từ những cuộc chống Nguyên Mông vào nửa sau thế kỷ XIII đến cuộc khởi
nghĩa chống quân Minh của Lê Lợi vào thế kỷ XV, các nhà lãnh đạo quân sự Đại
Việt thường được sự ủng hộ về thực chất của các nhóm sắc tộc miền núi và thủ
lĩnh của họ sống trong những khu vực mà các lãnh tụ quân sự Việt vẫn thường lui
về. Về sau, khi nhà Mạc bị đánh đuổi khỏi Thăng Long vào cuối thế kỷ XVI, họ
tìm chỗ ẩn lánh trên vùng cao nguyên phía bắc Cao Bằng và thiết lập mối quan hệ
với các nhóm sắc tộc ở địa phương. Nhiều cuộc nổi dậy ở Đàng Ngoài vào thế kỷ
XVIII cũng có liên quan đến những sắc tộc không phải là người Việt thuần túy*.
Việc nhà Tây Sơn liên minh với những nhóm người vùng cao là sự thể hiện tiếp
nối một truyền thống lâu đời, cho dù việc thiết lập những liên minh như thế đôi
khi hoàn toàn mới mẻ trong bối cảnh đặc biệt của Đàng Trong, nơi mà cuộc chung
sống không dễ dàng giữa người vùng cao với người đồng bằng đã được đưa vào qui
chuẩn dưới chính quyền nhà Nguyễn từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVIII.*
Khi đặt vấn đề những nhóm người sống bên lề xã hội, mục đích của tôi nhằm đưa tất cả các nhóm này vào trong những câu chuyện kể về thời kỳ Tây Sơn, vì những tài liệu hiện có hoặc không đề cập đến, hoặc giải thích sai lạc bản chất sự tham gia của họ. Một vài nhóm, như hải tặc hay các băng cướp chẳng hạn, hầu như hoàn toàn không được nói đến trong những câu chuyện kể về thời kỳ này. Việc không đề cập đến những nhóm này không có gì đáng ngạc nhiên khi tác phẩm của những người theo chủ nghĩa quốc gia đương đại vốn miêu tả quân Tây Sơn là sự liên kết của những thành phần đạo đức trong xã hội, cho dù bị áp bức, đã đứng lên đấu tranh vì lợi ích quốc gia. Sự miêu tả này đã vô tình hay cố ý phản ứng lại sử nhà Nguyễn đã mệnh danh nhà Tây Sơn một cách rõ ràng là “giặc”. Mặc dù hầu như ba anh em Tây Sơn không phải là “giặc cướp”, nhiều người tham gia vào phong trào hay ít nhất hoạt động song hành với nó đã bị gọi mơ hồ như thế. Họ cướp bóc trong chính cái xã hội mà các nhà lãnh đạo Tây Sơn cần được sự hỗ trợ của họ. Không đề cập tới sự hiện diện và đóng góp của những thành phần này trong cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn sẽ làm sai lạc rất nhiều những động lực phức tạp của thời kỳ này.
Mối quan
hệ giữa nhà Tây Sơn với những nhóm khác như người Cơ Đốc giáo và người không
thuộc dân tộc Kinh, nếu không bị quên lãng thì cũng bị đơn giản hóa rất nhiều
trong các tác phẩm lịch sử hiện đại. Sự đơn giản hóa này xuất phát từ việc sử
dụng cớ chọn lọc những nguồn tư liệu củng cố cho lối chép sử coi các lãnh tụ
Tây Sơn như những mẫu mực của một chính sách xã hội tiến bộ*. Tác phẩm của các
nhà nghiên cứu Việt Nam đã miêu tả thời kỳ Tây Sơn như dấu mốc cao nhất trong
việc hành xử đối với người bản địa theo Cơ Đốc giáo, ủng hộ luận điệu này, các
nhà sử học đó thường chọn ra một ít thư từ của các giáo sĩ châu Âu ca ngợi chế
độ của nhà Tây Sơn thông qua sự khoan dung về mặt tôn giáo của họ và so sánh
cách hành xử này của họ với những người đi trước họ*. Trong lúc có những thời
điểm nhà Tây Sơn tỏ ra có thiện cảm với những người Cơ Đốc giáo sống dưới sự
kiểm soát của họ, cũng có nhiều trường hợp họ đàn áp thẳng tay một thiểu số
người theo tôn giáo này. Tương tự như thế, sự giải thích hiện nay về động lực
chi phối mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo Tây Sơn với những nhóm không phải
người Kinh cũng được đơn giản hóa rất nhiều. Phong trào Tây Sơn tính đến việc
lôi cuốn thành viên của các nhóm không phải là người Kinh, bao gồm các nhóm
trên cao nguyên, người Hoa và người Chăm. Tuy nhiên, những nhóm người trên
không ủng hộ nhà Tây Sơn một cách đồng nhất. Thỉnh thoảng một vài nhóm hỗ trợ
nhà Tây Sơn.
Tuy
nhiên, các thành viên của họ ủng hộ những người đối địch với nhà Tây Sơn nhiều
hơn.
IV.1. ĐẠO CƠ ĐỐC VÀ CÁC TÍN ĐỒ CƠ ĐỐC GIÁO
TRONG THỜI ĐẠI TÂY SƠN
Người
Việt theo Cơ Đốc giáo hợp thành một nhân tố phức tạp trong xã hội Đại Việt thế
kỷ XVIII, và là nhóm người mà vai trò rất hay thay đổi. Khi tôi nói về người
Việt theo Cơ Đốc giáo, tôi đang miêu tả một nhóm người được hư cấu theo một
cách nào đó, vì họ bao gồm nhiều người mà tư cách tín đồ Cơ Đốc giáo chỉ có
trên danh nghĩa. Đó là những người mà sự gia nhập vào một tín ngưỡng mới được
du nhập không phải là chuyện đặc biệt, cho đù sự mong muốn hay ước định của các
giáo sĩ châu Âu có là gì đi nữa, người Việt có khuynh hướng thực hiện một chọn
lựa cởi mở và thường nhìn tôn giáo một cách rất cụ thể. Tuy nhiên, thành phần
“Cơ Đốc giáo” cũng có một lợi ích nào đó, vì nó được vận dụng bởi các nhân tố
trong xã hội Đại Việt, ở cả mức độ của nhà nước lẫn của người dân*. Cũng có một
điều rõ ràng là từ những nguồn cội đó, một số người Việt tự gắn bó chân thành
với đức tin và đáp ứng sự cổ vũ của các giáo sĩ châu Âu. Những người này tự
nguyện chịu sự nguy hiểm hoặc trả một cái giá nhất định (thường bằng tiền) để
được phép tiếp tục hành đạo. Hơn nữa, các thành viên trong ban lãnh đạo nhà Tây
Sơn có chủ tâm đàn áp người theo Cơ Đốc giáo (tuy có sự nhận diện) từ thời này
qua thời khác, không như một thành phần xã hội có thật, có rất ít tính thần
học, mà như một nhóm người được liên kết với những giáo sĩ ngoại quốc vốn được
coi như những mối đe dọa tiềm tàng hay có thật đối với chế độ. Cuối cùng, trên
bình diện địa phương, những cuộc xung đột trong phạm vi làng mạc và giữa các cá
nhân với nhau đôi khi được khoác cho danh nghĩa “Cơ Đốc giáo”, khi việc làm như
thế có thể phục vụ những lợi ích đặc biệt.
IV.1.1. Cơ Đốc giáo tại Đại Việt trước thời
đại Tây Sơn
Giáo sĩ
châu Âu đầu tiên đến Đại Việt vào năm 1533*, nhưng phải chờ đến năm 1596, giáo
đoàn chính thức đầu tiên mới được thành lập tại đây. Hơn nữa, chỉ sau năm 1615,
với sự trục xuất các giáo sĩ dòng Tên (dòng Jesuit) ra khỏi đất Nhật và lệnh
này gây được sự chú ý trên những phần đất khác ở Đông Á, Cơ Đốc giáo mới bắt
đầu có một chỗ đứng thực sự trên lãnh thổ Đại Việt. Việc đến Đàng Ngoài của
giáo sĩ dòng Tên nổi tiếng người Pháp vào năm 1627 đánh dấu một bước ngoặt
trong sự bành trướng của Cơ Đốc giáo trên lãnh thổ Đại Việt. De Rhodes dành
thời gian cho cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong 18 năm trước khi bị trục xuất vào
năm 1645*. Sự trục xuất ông không làm chậm đi sự phát triển của Cơ Đốc giáo, và
nhiều giáo sĩ khác sớm tiếp bước de Rhodes trong việc thành lập các giáo đoàn,
trường học, và nhà thờ, đặc biệt ở Đàng Ngoài, song cũng có một số cơ sở nhỏ
hơn ở phần đất phía nam.
Sự du
nhập của Cơ Đốc giáo vào Đại Việt là một việc làm tương đối dễ, ít nhất về mặt
thần học, do cơ cấu tôn giáo của Đại Việt lúc đó - bao gồm sự pha trộn không rõ
ràng của Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo và tín ngưỡng dân gian - hoàn toàn cởi
mở và không thù nghịch đối với việc du nhập một hệ thống tín ngưỡng hay các
hình thức mới. Tôn giáo mới xâm nhập vào nhiều giai tầng khác nhau của xã hội,
cho dù có thể nó thành công nhất trong số người sống bên lề xã hội Đàng Ngoài
về mặt kinh tế. Mặc dù là tôn giáo mới chứa đựng một không khí văn hóa dễ chịu,
Cơ Đốc giáo cũng phải đương đầu với nhiều trở lực, cả về mặt thần học lẫn chính
trị. Như các giáo sĩ châu Âu đã thuyết giáo, Cơ Đốc giáo có sự bất đồng với các
cách hành đạo hiện hành, đặc biệt những cách hành đạo không chấp nhận khả năng
có một thần linh duy nhất và sự tôn sùng đó có thể phát sinh từ những thực thể
khác hơn một đấng thần linh cao cả. Sự căng thẳng này biểu hiện trong những từ
ngữ cụ thể vào thế kỷ XVIII, khi một số giáo sĩ, và sau này là các tu sĩ người
bản xứ, cấm đoán người Việt mộ đạo Cơ Đốc giáo tham gia vào những cuộc hành lễ
được coi là đa thần hay sùng bái thần tượng- Vì thế khi các làng mạc tổ chức lễ
hội và kêu gọi sự đóng góp hay tham gia của người dân, những người Cơ Đốc giáo
mộ đạo thường từ chối. Ngay trong cộng đồng các nhà truyền giáo vào cuối thế kỷ
XVIII, đã có những cuộc tranh luận sôi nổi (mặc dù vấn đề đã được bàn luận
trước đó) về việc nên xem nhiều cách hành lễ theo truyền thống của người Việt
là thuộc về đời hay đạo*. Biểu hiện đáng chú ý nhất trong cuộc tranh luận này
tập trung vào vấn đề thái độ của người Cơ Đốc giáo Đại Việt đối với tổ tiên của
họ. Do nhiều giáo sĩ coi đồ cúng và sự quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên là sự thờ
cúng sai trái, họ can ngăn hoặc công khai cấm đoán người Việt theo Cơ Đốc giáo
thực hiện những nghi thức này. Vì thế, người Việt theo Cơ Đốc giáo và các giáo
sĩ châu Âu phục vụ họ đã tham gia vào một cuộc tranh cãi về nghi thức từng gây
ra những vấn đề to lớn cho giáo đoàn Cơ Đốc giáo tại Trung Quốc vào thế kỷ XVII
và đầu thế kỷ XVIII.
Trong
khi quan hệ mật thiết về mặt xã hội và triết lý của Cơ Đốc giáo tạo nên một
nhân tố thách thức các vua chúa Đại Việt, những người chịu trách nhiệm du nhập tôn
giáo này vào Đại Việt tạo ra một mối quan hệ khác. Đôi khi sự nghi ngờ đối với
các giáo sĩ châu Âu thể hiện bằng những nỗ lực dứt khoát cầm tù và trục xuất
họ, trong khi vào những giai đoạn khác, triều đình Đại Việt vẫn dành cho họ sự
khoan thứ. Trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào giữa thế kỷ XVII, các giáo sĩ
có thể tự xem mình như những người dẫn dắt đến công nghệ vũ khí tiên tiến bằng
cách phóng đại vai trò của họ, tác động lên việc mua bán vũ khí, và đe dọa rằng
việc trục xuất họ sẽ kết thúc dòng vũ khí đổ vào Đại Việt. Đã bận tâm về tác
động xã hội và tâm linh của một tôn giáo ngoại lai, vào lúc này, các vua chúa
còn bận tâm hơn nữa với việc duy trì lợi thế về công nghệ mà họ tin rằng các
ông giáo sĩ này có thể mang lại cho họ. Vì thế, các giáo sĩ, đặc biệt là giáo
sĩ Pháp, có thể sử dụng các mối quan hệ thương mại như một lợi thế để lưu lại
Đại Việt ngay cả khi họ đang ở vào một tình thế tế nhị.
Khi cuộc
Trịnh-Nguyễn phân tranh rơi vào tình trạng bế tắc vào đầu thập niên 1670, tình
cảnh của các giáo sĩ châu Âu trở nên nguy hiểm hơn, đặc biệt ở Đàng Ngoài. Mặc
dù Cơ Đốc giáo đã bị cấm đoán trên cả hai lãnh thổ của họ Trịnh và họ Nguyễn và
các chúa ở cả hai miền cấm các giáo sĩ châu Âu vào trong lãnh thổ của họ, song
chính vua Lê-chúa Trịnh ở Đàng Ngoài mới theo đuổi cách cư xử hùng hổ hơn. Ban
đầu, chúa Trịnh cấm Cơ Đốc giáo bằng chỉ dụ năm 1664, rồi lặp lại lệnh cấm vào
năm 1669. Một thời gian sau, sự dính líu rõ ràng của người Pháp trong một âm
mưu chống lại vua Xiêm vào năm 1685 - cuối cùng tin tức đến tai các vua chúa ở
Đại Việt - khiến họ tiếp tục nghi ngờ giới giáo sĩ và gia tăng nỗ lực đàn áp
"đạo của người Bồ Đào Nha”*. Những nỗ lực này tiếp tục trong thế kỷ XVIII,
khi các chúa Trịnh ban hành đều đặn các chỉ dụ cấm đạo*.
Dù cho
những cấm đoán này được lặp đi lặp lại, chúng cũng là chứng cớ cho thấy sự vô
hiệu của những nỗ lực của chúa Trịnh nhằm ngăn chặn sự lan truyền của Cơ Đốc
giáo, có vẻ như trên thực tế đã có sự mở rộng tự do tôn giáo ở Đàng Ngoài từ
giữa thập niên 1720 đến đầu thập niên 1770. Với cái chết của chúa Trịnh Doanh*
vào năm 1767, tình hình bất ổn trở lại, nhưng người kế nghiệp ông là Trịnh Sâm
lúc đầu vẫn tiếp tục chính sách khoan thứ với Cơ Đốc giáo. Năm 1771, chúa Trịnh
thả hai giáo sĩ châu Âu đã bị giam cầm nhiều năm trước đó. Đó là cao điểm của
sự khoan thứ trong thời gian ở ngôi chúa của Trịnh Sâm, vì hai năm sau, một
cuộc đàn áp khác diễn ra đưa đến sự bắt giữ và hành hình một giáo sĩ Tây Ban
Nha dòng Dominican và một tu sĩ Việt.
Phản ứng
của cộng đồng Cơ Đốc giáo trước sự hành hình, trong đó có sự tôn vinh hai nạn
nhân, khiến cho Trịnh Sâm lại ban một chỉ dụ buộc Cơ Đốc giáo phải bị trừ tiệt
trong vòng hai tháng.
Ngay cả
loạt biến động đó cũng không khiến cho sự hành đạo Cơ Đốc giáo phải diễn ra
trong vòng bí mật, và trong một số trường hợp, việc thực hiện tín ngưỡng đã từ
bên lề được chuyền vào trung tâm xã hội. Một số thành viên của dòng họ đang
thống trị Đàng Ngoài cũng trở thành tín đồ Cơ Đốc giáo, trong đó có một người
chị (hay em gái) của chúa Trịnh Sâm và một trong những anh (em) rể của ông.
Người cầm đầu quân Trịnh xâm chiếm Đàng Trong vào năm 1774 là hoạn quan Hoàng
Ngũ Phúc cũng nổi tiếng là một người Cơ Đốc giáo và cư xử dễ chịu với tín
ngưỡng này. Thật vậy, năm 1775, một giáo sĩ viết rằng một số nhân vật quan trọng
của chúa Trịnh có liên quan đến cuộc đánh chiếm Đàng Trong là người Cơ Đốc
giáo, một trường hợp mà chúa hi vọng sẽ là điềm lành đối với các tín đồ Cơ Đốc
giáo trong vùng. Mặc dù có những dấu hiệu đầy hứa hẹn này, song ngay năm sau,
một thư giáo sĩ viết từ châu thổ sông Hồng cho rằng tình hình tôn giáo ở đó đã
trở nên rất tồi tệ và sẽ là một trở lực lớn cho Cơ Đốc giáo ở Đại Việt nếu như
quân Trịnh chiến thắng quân nhà Nguyễn. Chủ nghĩa hoài nghi này được xác minh
mấy năm sau đó, vào năm 1779, khi chúa Trịnh ban hành một chỉ dụ khác kêu gọi
bắt giữ và hành hình ngay tất cả những giáo sĩ châu Âu.
Trong
lúc đó, Cơ Đốc giáo tại Đàng Trong được phép tồn tại với sự can thiệp tương đối
nhẹ nhàng của chính quyền từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, cho dù đôi
lúc cũng có sự cấm đoán. Các giáo sĩ châu Âu, phần lớn thuộc dòng lesuit hiện
diện tại phủ chúa Nguyễn trong một phần thế kỷ XVII và XVIII. Các chúa Nguyễn
muốn giám sát sự hành đạo của các tu sĩ dòng Jesuit vì họ muốn sử dụng tài năng
về khoa học của những người này. Những người này phục vụ tại Phú Xuân với tư
cách y sĩ, nhà toán học, thông ngôn, và nhà thiên văn học, cùng khả năng với
những người đồng đạo của họ từng đảm trách trước đấy ở triều đình Trung Quốc*.
Tu sĩ dòng lesuit người Bồ Đào Nha Joao Loureiro chẳng hạn, đã từng cư trú
trong phủ chúa từ thập niên 1740 đến lức ông ra đi vào năm 1777 (với khoảng
thời gian trống hai năm từ 1750 đến 1752), và hai tu sĩ dòng Jesuit khác là
Johann Koffer và Xavier de Monteiro, cũng ở tại phủ chúa một thời gian vào thập
niên 1750.
Năm
1750, sự đàn áp Cơ Đốc giáo được tái tục, người thực hiện là chúa Nguyễn Phúc
Khoát đầy quyền uy, tiếp nối những nỗ lực của ông nhằm ngăn chặn những lời tiên
tri báo trước sự kết thúc của nhà Nguyễn. Trong khoảng thời gian này, sự khủng
bố lại tiếp tục, chúa Nguyễn cho phép Koffer và Monteiro ở lại phủ chúa (mặc dù
đến năm 1755 thì Koffer ra đi), và Loureiro quay lại sau đúng hai năm vắng mặt.
Cố nhiên là chúa duy trì sự mâu thuẫn liên quan đến Cơ Đốc giáo khi ông tìm
cách tách các giáo sĩ là nhà khoa học châu Âu ra khỏi sứ mạng của họ. Cái chết
của vị chúa cai trị lâu dài vào năm 1765* khiến cho thái độ ứng xử chính thức
đối với Cơ Đốc giáo được dịu đi, nhẹ nhàng nhất vào năm 1774, khi một chỉ dụ
cho phép tự do hành đạo và giảm nhẹ tội cho những ai đã bị trừng phạt trước đây
vì đức tin của họ. Tuy nhiên, khi ở vào đỉnh điểm cuộc tấn công quan trọng đầu
tiên của nhà Tây Sơn chống lại chúa Nguyễn, không rõ là các quan lại có thời
gian hành động theo những lời lẽ của chỉ dụ đã ban hành trước khi chúa Nguyễn
bị đánh bật khỏi Phú Xuân không.
Cho dù
thường có những chỉ dụ chống Cơ Đốc giáo và những cuộc đàn áp định kỳ, số người
Việt được rửa tội vào các thế kỷ XVII và XVIII tiếp tục gia tăng. Ước tính vào
thập niên 1660, số tín đồ Cơ Đốc giáo ở phía bắc là 350.000 người*, và có lẽ
con số đầy tính lạc quan này cho thấy tính năng động trong công việc của giáo
đoàn châu Âu. Một tài liệu dè dặt hơn công bố năm 1754 cho biết chỉ có từ
30.000 đến 40.000 tín đồ Cơ Đốc giáo trong cùng một khu vực trên, có lẽ phản
ánh một thế kỷ có sự can thiệp tích cực của chính quyền chống lại Cơ Đốc giáo,
và cũng có thể đó là cách hiểu hạn hẹp hơn của một tín đồ*. Ba mươi năm sau,
một tài liệu năm 1784 lại đưa số tín đồ Cơ Đốc giáo lên giữa hai con số 350.000
và 400.000. Ở Đàng Trong dân số ít hơn, con số ước đoán lượng tín đồ Cơ Đốc
giáo trong cùng thời điểm thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng giữa hai con số 10.000
và 15.000 người. Ở cả hai nơi, đặc biệt ở Đàng Ngoài, người Cơ Đốc giáo hình
thành một thiểu số rõ rệt trong một dân số chung vào thời điểm đó nằm giữa
khoảng từ 5,5 triệu đến 10 triệu người*.
IV.1.2. Người Việt theo Cơ Đốc giáo và nhà Tây
Sơn: từ năm 1771 đến năm 1786
Đầu thập
niên 1770, khi anh em nhà Tây Sơn bắt đầu từ làng mạc tăm tối vươn đến danh vị
hoàng gia, tình trạng của Cơ Đốc giáo ở cả hai lãnh thổ của chúa Trịnh và chúa
Nguyễn vẫn còn mơ hồ, khi sự chính thức phản đối của nhà nước xung đột với
tiếng gọi của tôn giáo cả trong các nhóm dân làng đông đúc lẫn thiểu số những
gương mặt ưu tú ở cung đình. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi Cơ Đốc
giáo tiếp tục có một ảnh hưởng đáng kể trong xã hội Đại Việt, một thứ ảnh hưởng
dâng cao lên trong thời kỳ Tây Sơn khi sự căng thẳng giữa bộ máy nhà nước và
nhóm người này tăng cao.
Mặc dù
tín đồ Cơ Đốc giáo là một nhóm người nằm bên lề xã hội, họ sớm bị lôi cuốn vào
những biến động trong thời kỳ Tây Sơn và có một số chỉ dấu cho thấy rằng họ
hiện diện ngay trung tâm cuộc nổi dậy. Có nhiều giai thoại kể rằng anh em Tây
Sơn xuất thân từ một gia đình có quan hệ với Cơ Đốc giáo và thậm chí họ cũng có
thể là tín đồ của tôn giáo này. Một tu sĩ châu Âu viết rằng cha của họ là một
người Cơ Đốc giáo bỏ đạo và khi còn bé thơ, Nguyễn Nhạc đã được làm lễ rửa tội.
Một người khác cho biết Nhạc có tên thánh là Paul và người lãnh đạo Tây Sơn tự
xưng là “Paul Nhạc”. Truyện kể về anh em Tây Sơn cho rằng nền tảng Cơ Đốc giáo
của họ cứ mở rộng dần và khi các lãnh tụ Tây Sơn đến Thăng Long năm 1786, một
giáo sĩ đã viết “thỉnh thoảng có tin tức loan truyền rằng hai Đức ông là người
Cơ Đốc giáo, và rằng có một số người Cơ Đốc giáo trong các quan lại cũng như
binh lính của họ”. Một năm sau, một bức thư khác viết rằng người anh cả của nhà
Tây Sơn được nhiều người nhắc đến là “cái ông Nhạc bỏ đạo đó”. Cuối cùng, một
tu sĩ Việt thuộc dòng Jesuit là Philiphê Bỉnh đã viết là chẳng những anh em Tây
Sơn xuất thân từ một gia đình Cơ Đốc giáo, mà chính sự sùng đạo của cha mẹ họ
đã đưa họ đến sự nổi dậy:
“Hai anh
em Thái Đức và Quang Trung [sử dụng niên hiệu của họ sau này] được nuôi nấng
cùng nhau, và cha của họ là một người Cơ Đốc giáo. Tuy nhiên, ông không thể
giáo dục các con ông về đức tin bởi vì vào mỗi đầu hôm, khi người cha và người
mẹ đọc thánh kinh, hát thánh ca và kêu họ thì họ chạy trốn và không thể nào đọc
thánh kinh và hát cùng cha mẹ họ. Khi cha mẹ họ trừng phạt họ thì họ lập tức
chạy vào rừng và trở thành kẻ cướp”.
Không
thể xác định cái nào trong những tác phẩm trên, chúng có thể kể lại những tin
đồn đương thời hoặc phản ánh suy nghĩ đầy mong ước của các thành viên trong
cộng đồng giáo sĩ lúc bấy giờ. Song cũng có chứng cứ cho thấy trong gia đình
của anh em nhà Tây Sơn có vài người theo Cơ Đốc giáo. Một giáo sĩ đi đến gần
Qui Nhơn vào năm 1778 đã gặp một phụ nữ mà ông miêu tả như là dì của lãnh tụ
cuộc nổi dậy và kể rằng bà này là một người Cơ Đốc giáo sùng đạo. Bà rất hiếu
khách khi tiếp các giáo sĩ đến thăm bà và từng đóng góp tiền cho giáo đoàn.
Chúng tôi cũng biết rằng vào thập niên 1650, trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân
tranh, tổ tiên của anh em nhà Tây Sơn đã từ vùng phía bắc của Nghệ An chuyển
đến Qui Nhơn và có thể hiểu được rằng gia đình họ đã gặp các giáo sĩ dòng
Jesuit đang hoạt động ở Đàng Ngoài vào các thập niên 1630 và 1640.
Nếu như
anh em Tây Sơn có một quan hệ cá nhân nào với Cơ Đốc giáo, điều đó không có một
tác động rõ rệt nào lên thái độ của họ đối với tôn giáo hay những người hành
đạo. Hành động của các lãnh tụ Tây Sơn đối với đức tin thay đổi rất nhiều, và
không thể nêu lên mối tương quan giữa một nền tảng Cơ Đốc giáo về phía họ với
một cách cư xử đặc biệt nào đối với tôn giáo. Tính cách không đoán trước được
trong thái độ của nhà Tây Sơn đã biểu hiện ngay vào những ngày đầu tiên của
cuộc nổi dậy. Ở một số nơi, nhà thờ bị quân Tây Sơn cùng những đạo quân liên
minh với họ cướp phá. Tài liệu của một giáo sĩ Tây Ban Nha viết vào năm 1774
cho rằng một nhóm 17 kẻ nổi loạn xuất hiện tại ngôi nhà thờ nông thôn nhỏ bé
của ông vào giữa tháng ba và lấy đi tất cả những thứ gì có giá trị mà họ tìm
thấy, gồm cả nến và vải phủ bàn thờ. Năm sau, giáo sĩ Pháp Pierre-Jacques Halbout,
sống chỉ cách Đà Nẵng 6 dặm đường, viết rằng có 60 ngôi nhà của những người Cơ
Đốc giáo trong cái huyện nhỏ bé của ông đã bị các kẻ nổi loạn đốt cháy*.
Ngay khi
một số người trong đạo quân của họ cướp phá đồ nhà thờ và dùng đuốc đốt cháy
nhà người Cơ Đốc giáo, những phần tử khác của quân Tây Sơn lại thể hiện thiện
chí đối với tín ngưỡng và các giáo sĩ châu Âu. Một tác phẩm vào thế kỷ XIX bình
luận về cách xử sự tích cực của nhà Tây Sơn đối với người Cơ Đốc giáo trong
thời kỳ đầu như sau:
“Với vấn
đề đức tin, tình hình yên ắng do quân Tây Sơn không quan tâm đến vấn đề tôn
giáo. Người dì của vua Thái Đức là một người Cơ Đốc giáo và đã giúp cho tín
ngưỡng được phát triển bằng nhiều cách khác nhau. Có lẽ ông nhớ là mẹ ông cũng
là một tín đồ Cơ Đốc giáo. Vì những lý do đó, tất cả các giáo sĩ, bất luận ở
phương Tây hay phương Đông, đều có thể đi khắp nơi và làm mọi việc mà không gặp
một sự can thiệp nào”.
Hơn nữa,
giáo sĩ Tây Ban Nha, người từng kể rằng tất cả những gì ông có đều bị quân nổi
loạn cướp phá, đã viết thêm là không lâu sau sự kiện này, một vài quan lại Tây
Sơn đến thăm ông và hứa cho 30 quân bảo vệ ông, cũng như cho ông được tự do
công khai giảng đạo và xây dựng nhà thờ. Họ cũng tặng ông “rất nhiều bạc” song
ông từ khước. Đổi lại với những lời hứa hẹn và tặng vật này, các quan chức Tây
Sơn xin thuốc men và thậm chí cố nài họ làm công việc của một bác sĩ, một đề
nghị mà các giáo sĩ thường từ chối. Những nỗ lực nài ép các giáo sĩ cho thấy
các lãnh tụ Tây Sơn quan tâm đến kỹ năng của người châu Âu, và điều này giúp
giải thích việc họ đôi khi cư xử tốt với giới giáo sĩ.
Việc cư
xử không đoán trước được của quân đội Tây Sơn đối với nhà người Cơ Đốc giáo
trong những ngày đầu của cuộc nổi dậy là dựa vào các điều kiện của địa phương
và không xuất phát từ mệnh lệnh của trung ương. Tuy nhiên, khi các lãnh tụ Tây
Sơn củng cố và thể chế hóa việc họ nắm lấy quyền hành, họ bắt đầu công bố các
chỉ dụ chính thức về tôn giáo. Chỉ dụ đầu tiên mà chúng ta biết là do Nguyễn
Nhạc ban hành năm 1779 công nhận quyền tự do tôn giáo cho những người sống trên
lãnh thổ của ông. Đó là một chỉ dụ đặc biệt nhắm vào người Cơ Đốc giáo. Động
lực dẫn đến chỉ dụ này không rõ ràng, cho dù nó có vẻ như là một toan tính của
các lãnh tụ Tây Sơn nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của các giáo sĩ châu Âu. Cũng có
những chỉ dấu cho thấy rằng Nhạc cấp cho một số giáo sĩ những giấy viết tay cho
phép họ tự do đi lại và hoạt động tôn giáo, ít nhất trong khu vực gần nhất
quanh trung tâm chính trị của nhà Tây Sơn. Có lẽ do những động thái như thế mà
Nguyễn Nhạc tuyển được hai giáo sĩ dòng Dominican người Tây Ban Nha phục vụ lâu
dài tại cung đình của ông ta ở Qui Nhơn vào những năm đầu thập niên 1780.
Mặc dù
có chỉ dụ đầy tính rộng lượng trên và sử dụng các giáo sĩ tại cung đình của
mình, các thành viên trong ban lãnh đạo nhà Tây Sơn, đặc biệt là Nguyễn Nhạc,
tiếp tục gây ra nỗi hoài nghi liên quan đến cộng đồng Cơ Đốc giáo và những
người châu Âu bảo trợ cho họ. Những nỗi hoài nghi này gia tăng suốt những năm
đầu thập niên 1780, trong lúc có chứng cứ là phía chúa Nguyễn nhận được sự ủng
hộ của một số giáo sĩ châu Âu, nổi bật nhất là Giám mục Bá Đa Lộc. Vị Giám mục
người Pháp là người tâm phúc và từ năm 1777, ông là người tranh đấu không mỏi
mệt cho một Nguyễn Ánh còn trẻ tuổi, vai trò ngày càng rõ nét của ông đã gây ra
mối hoài nghi của các lãnh tụ Tây Sơn về tất cả những người châu Âu đang sống ở
Đại Việt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các lãnh tụ Tây Sơn cho rằng người
châu Âu, đặc biệt là các giáo sĩ, có những mối liên kết chặt chẽ với vị giám
mục.
Tiềm ẩn
trong sự căng thẳng này là khuynh hướng của các giáo sĩ coi nhà Tây Sơn như
những người cai trị bất hợp pháp, một quan điểm xuất hiện trong những ngày đầu
tiên của cuộc nổi dậy. Một giáo sĩ Tây Ban Nha viết rằng ông ta và ông giáo sĩ
bạn tỏ ra do dự trong việc ủng hộ nhà Tây Sơn, bởi vì họ giải thích phong trào
này nhắm vào việc chống lại một vị vua hợp pháp:
“Tất cả
giáo sĩ tỏ ra hàm ơn về thiện ý của các quan lại Tây Sơn, nhưng khi phong trào
nhắm đến việc chống lại chúa Nguyễn... chúng tôi biểu lộ công khai một sự lãnh
đạm hoàn toàn, tuyên bố rằng chúng tôi không dính dáng gì đến những vấn đề này,
và khuyên nhủ các tín đồ Cơ Đốc giáo hãy tuân phục vì vua của họ. Bằng một ý
thức trong sáng, chúng tôi nói với họ rằng họ không nên liên kết với cuộc nổi
dậy, mặc dù cuộc nổi dậy này được thúc đẩy bởi một số mục tiêu chính trị. Vì
thế, chúng tôi nghĩ đến việc truyền dẫn cho người Cơ Đốc giáo sự tuân phục đối
với vị chúa của họ và tránh việc có thành kiến đối với giáo đoàn”.
Nỗ lực
của giáo đoàn nhằm truyền rao cho các nhà cai trị dân sự ý niệm về lòng trung
thành được định trong kinh thánh đang là nguồn gốc căng thẳng giữa các lãnh tụ
Tây Sơn và người châu Âu*. Trong bất cứ trường hợp nào, những toan tính nhầm
tránh “thành kiến đối với giáo đoàn” thường bị tổn thương bởi những hành động
của Bá Đa Lộc nhân danh chúa Nguyễn Ánh; những hành động đó về sau gây ra rất
nhiều khó khăn cho những người Âu sống dưới quyền hành của nhà Tây Sơn.
Khoảng
thời gian mà nhà Tây Sơn có thái độ nương nhẹ đối với Cơ Đốc giáo thông qua chỉ
dụ năm 1779 không kéo dài được lâu, thì một loạt những biến động xảy ra dẫn đến
sự đàn áp thẳng tay những người Cơ Đốc giáo sống trên các lãnh thổ dưới quyền
nhà Tây Sơn. Năm 1780, Nguyên Nhạc bắt giữ Jean-Pierre-Joseph D’Arcet, giáo sĩ
Pháp duy nhất đang hoạt động trên lãnh thổ Tây Sơn, cùng với nhiều môn đồ Cơ
Đốc giáo của ông ta. Cho dù có thể D'Arcet bị bắt giữ do đã hành đạo ở sát cạnh
Qui Nhơn (một khu dân cư được nương nhẹ rất nhiều), lúc đó có tin đồn rằng ông
ta bị bắt giữ do nhà Tây Sơn hi vọng giữ ông ta như một phái viên được phái tới
châu Âu. Nhìn các lãnh tụ Tây Sơn với một cái nhìn mang nặng tính giáo điều,
cách giải thích sau có vẻ hợp lý nhiều, một lần nữa cho thấy rằng hành động của
họ đối với người Cơ Đốc giáo được dẫn dắt bởi những mục tiêu chính trị trước
mắt hơn là những suy xét mang tính ý thức hệ bao quát hơn.
Nếu các
lãnh tụ Tây Sơn biết được những hoạt động của giới giáo sĩ gần Qui Nhơn, họ
cũng có thể nghĩ xa hơn về những hoạt động đó. Khi quân đội Tây Sơn hành quân
qua Chân Lạp vào năm 1782, họ bắt một số giáo sĩ Tây Ban Nha và đóng gông đưa
những người này về Sài Gòn. Trong số những người bị bắt có Ferdinand de
Olmedilla. Người ta kể rằng khi Nguyễn Nhạc thấy viên giáo sĩ, ông ta đã la to:
“Cha Felon đây mà, ông ta đã hứa chở cho chúng ta một tàu kim loại đồng, vậy mà
trở về nước ông ta chở đồng cho ông Chủng [Nguyễn Ánh] để ông ta chạy cỗ máy
chiến tranh... Gông cổ ông ta ngay lập tức”*. Điều đó cho thấy rằng nhà Tây Sơn
tiếp tục những nỗ lực (có vẻ như không thành công) nhằm sử dụng các giáo sĩ
đang tranh đấu bên chúa Nguyễn. Khi Oimedilla tìm cách làm dịu sự giận dữ của
Nguyễn Nhạc bằng cách trưng ra giấy phép Nhạc đã cấp cho ông ta đi thu nạp tín
đồ ở Qui Nhơn, vua Tây Sơn tuyên bố rằng giấy phép đó không có hiệu lực bên
ngoài khu vực sát cạnh Qui Nhơn. Sau khi lôi giáo sĩ Tây Ban Nha vào Sài Gòn,
vua Tây Sơn ra lệnh là Olmedilla phải được đưa trở về kinh đô của phe nổi dậy.
Khi ông ta được chuyển ra Qui Nhơn bằng đường biển, một cơn bão thổi đến, nhiều
tàu đi theo bị lật úp. Vị lãnh đạo nhà Tây Sơn tố cáo Oimedilla đã làm phép
thuật gọi giông bão và ngay lập tức ra lệnh hành quyết ông ta*.
Ngay vào
lúc Nhạc phát triển địa vị vững vàng của ông ta, thì người em trai là Nguyễn
Huệ giữ một thái độ ôn hòa và thực dụng hơn đối với người Cơ Đốc giáo. Sự bất
đồng quan điểm giữa hai anh em được minh họa trong một giai thoại liên quan đến
một tình tiết có lẽ xảy ra vào năm 1783 hoặc đầu năm 1784. Một giáo sĩ Pháp đã
kể lại câu chuyện:
"Vị
vương trẻ tên là Đức Em [Nguyễn Huệ] qua nơi đó sau khi đi thăm vị vua là anh
của ông; ông ngạc nhiên trước một đám đông như thế... những kẻ giàu nghèo, mạnh
yếu thông báo cho ông những gì đang xảy ra, Nhờ một viên quan, ông biết rằng
chính lệnh của nhà vua [Nhạc] bắt giữ tất cả những người giảng đạo và những
người theo Cơ Đốc giáo. Không bằng lòng điều đó, vị vương trẻ yêu cầu thả tất
cả ra và chuyển cha Emmanuel cho ông. Viên quan phụ trách về tư pháp trả lời
rằng ông ta không thể làm thế, vì đã nhận lệnh của nhà vua phải bắt giữ họ. Vị
vương đưa ra yêu cầu lần thứ hai là cha Emmanưel phải được chuyển cho ông, và
ông sẽ tự chịu trách nhiệm trông coi giáo sĩ này, song viên quan vẫn khước từ.
Vị vương
trở nên giận dữ, đi xuyên qua đám đông và đến nhà viên quan tư pháp, ra lệnh
cho quân lính của ông kêu gọi sự rộng lượng của các quan lại và lấy đi tất cả
tài sản của họ, đồng thời tháo gông cho các giáo sĩ. Rồi ông đến ra mắt nhà
vua, nói với sự giận dữ: ‘Vương huynh đang làm gì thế? Chúng ta đang có chiến
tranh với nhiều phía, chúng ta đang kết hợp mọi người lại để làm điều đó, vậy
mà huynh bắt giữ tất cả những người Cơ Đốc giáo. Nếu họ quay lại chống ta,
chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta chống lại họ như thế nào?'. Đức vương không biết
trả lời ra sao với những câu hỏi đó... và khi chiều đến, ông nói: ‘Ta không
biết gì về chuyện đó; hãy làm như đệ muốn'. Nghe thế, Đức Em trả lời một cách
dũng cảm: ‘nếu đệ có thể làm hoàn toàn theo ý muốn, đệ sẽ ra lệnh thả hết họ
ra’. ‘Hãy làm thế đi', Đức vương trả lời... và vị vương ra lệnh thả hết những
người Cơ Đốc giáo”*.
Tài liệu
này cho thấy có sự phân hóa trong nội bộ các nhà lãnh đạo Tây Sơn trong việc
hành xử đối với người theo Cơ Đốc giáo, cho dù quan điểm của họ vẫn còn mềm
dẻo.
Trong
lúc rõ ràng là Nguyễn Nhạc đã đàn áp những người Cơ Đốc giáo vào năm 1783 hay
1784, thì vào mùa hè năm 1785, có những báo cáo cho rằng ông nới lỏng những hạn
chế gắt gao này và dành cho các giáo sĩ châu Âu sự tự do hoàn toàn trong việc
chăm sóc những người mộ đạo của họ trong khu vực quanh phủ lỵ Qui Nhơn. Điều
này cũng cho thấy sự nương nhẹ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, vì đến
tháng 11.1785, Nhạc lại đàn áp Cơ Đốc giáo bằng cách ban hành một chỉ dụ chống
lại tôn giáo:
"Ta
mong muốn triệt tiêu khỏi đất nước của ta một tôn giáo của người Tây dương đang
lan rộng. Đó là một giáo phái không công nhận cả cha lẫn vua; ta không rõ chúng
mang tới cho con người loại độc dược nào khiến họ đi theo; giáo phái đó không
tôn trọng luật pháp của chúng ta, không tôn kính thần hộ mệnh của chúng ta; đêm
đêm chúng đọc kinh sách, và tập hợp chung đụng nam nữ mà không một chút xấu hổ;
chúng là những kẻ ăn không ngồi rồi, chỉ thích rong chơi, không hề làm việc gì
để tạo lập của cải hay tài sản thừa kế; cuối cùng, chúng không biết đỏ mặt vì
xấu hổ khi bị trừng phạt... Vì những lẽ đó và những điều ta biết, ta ra lệnh
phá hủy tất cả nhà chung của chúng, [và] sẽ lập một bảng liệt kê danh sách
chính xác tất cả những ai tham gia vào tôn giáo này. Những ai đang trong tình
trạng chuyên chở vũ khí sẽ bị ghi tên sung vào quân ngũ”.*
Chỉ dụ
này tóm lược những lý lẽ của nhà nước Đại Việt chống lại Cơ Đốc giáo, miêu tả
quyết định cấm tôn giáo xuất phát từ tác động phá hoại xã hội mà nó gây ra. Cơ
Đốc giáo được coi là sự thách thức đối với các nghĩa vụ gia đình và chính trị
của Khổng giáo, vì nó "không công nhận cả cha lẫn vua”. Trong sự phục tùng
những người bề trên theo giáo điều của Khổng giáo, sự tôn kính người cha và ông
vua (một gương mặt khác của người cha) là căn bản của trật tự xã hội, và do có
tính nổi loạn cố hữu, tôn giáo được xem là sự thách thức (dù cho trên thực tế,
chưa biết được những người tham gia có phá bỏ trật tự. xã hội hiện hành hay
không, và nhiều người thì không). Nhạc không nói lên quan điểm trên với tư cách
một người theo Khổng giáo, những điều cơ bản trong chỉ dụ trên có thể phản ánh
ảnh hưởng của các cố vấn của Nhạc lên ông ta.
Người Cơ
Đốc giáo được chọn nói đến trong chỉ dụ này do họ “không tôn kính các vị thần
hộ mạng của chúng ta”. Có lẽ đó là nguồn gốc phổ biến và rõ ràng nhất của sự
căng thẳng xã hội tồn tại ở những khu vực nơi người Cơ Đốc giáo sinh sống. Sự
kiện họ thiếu thiện chí trong việc đóng góp vào những nghi thức của làng xã có
liên quan đến thần hộ mạng cho thấy họ là những kẻ ngoài cuộc và bất đồng quan
điểm, nếu không về mặt chính trị thì cũng về mặt xã hội. Cho dù một số giáo sĩ,
đặc biệt là giáo sĩ dòng Jesuit, đã nhấn mạnh đến việc họ thích ứng với phong
tục địa phương, những người khác (chủ yếu từ các tổ chức thế tục như Hội Truyền
giáo Hải ngoại Paris, MEP) nhấn mạnh rằng người Việt theo Cơ Đốc giáo không
phải đóng góp tiền cho những buổi lễ nhằm kỷ niệm hay tôn vinh các vị thần hộ
mạng tại địa phương. Vì thế, nhiều làng xã lâm vào tình trạng chia rẽ sâu sắc.
Trong một số trường hợp, những dân làng không phải là người Cơ Đốc giáo đưa vấn
đề ra cơ quan tư pháp, nhằm mục đích buộc người theo Cơ Đốc giáo trong làng
phải thanh toán phần đóng góp của họ vào chi phí cộng đồng của những buổi lễ
này. Trong những trường hợp khác, làng xã bị chia tách ra, với một nhóm người
kéo nhau sang một khu vực khác để hình thành một nơi ở mới.
Với tất
cả những lý do được miêu tả tỉ mỉ về việc cấm tôn giáo hoạt động, các giáo sĩ
châu Âu cho rằng chỉ dụ trên được thúc đẩy chủ yếu bởi ý muốn trả thù. Hình như
Nhạc khó chịu vì thất bại trong việc thuyết phục các giáo sĩ phương Tây cung
cấp cho kim loại đồng chở từ châu Âu sang, đã bị Olmedilla lừa gạt trong chuyện
này, vì thế ông ta đã sử dụng chỉ dụ như một phương tiện để trừng phạt tập thể
những tín đồ Cơ Đốc giáo, vì những việc làm được cho là tệ hại của các giáo sĩ.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, chỉ dụ mang lại cho Nhạc nhiều lợi ích thực tế.
D’Arcet, giáo sĩ Pháp hoạt động trong lãnh thổ do Tây Sơn kiểm soát vào các
thập niên 1770 và 1780, viết rằng chỉ dụ ra lệnh cho tất cả những người Cơ Đốc
giáo phải đăng ký và sổ đăng ký này được chuyển đến triều đình, để cho tất cả
những người có tên trong danh sách có thể được “sử dụng như là những nô lệ phục
vụ cho đức vua cùng các quan lại của ông”*. Nhạc cũng dành cho người Cơ Đốc
giáo một sự chọn lựa thứ hai, cho phép họ thanh toán một khoản “tiền phạt” tính
ra 10 “đồng livre” bằng đồng thay vì phải từ bỏ tín ngưỡng của họ*.
Việc thu
các khoản tiền phạt (hay thuế) như thế - một cách hành thu từng được quan lại
của chúa Trịnh ở các trấn và cả các chúa Nguyễn ở phía nam thực hiện - có ích
cho các lãnh tụ Tây Sơn vì nhiều lý do. Trước hết, nó cho phép họ dễ dàng nhận
diện người Cơ Đốc giáo hơn, vì khi tiền bạc được thu thập một cách có hệ thống
thì sổ bộ về người Cơ Đốc giáo tại địa phương cũng được soạn thảo. Thứ đến,
việc thu tiền của người theo Cơ Đốc giáo là cách hóa giải sự căm phẫn tiềm tàng
của người dân địa phương đối với Cơ Đốc giáo, và vì thế là làm giảm căng thẳng
xã hội. Bằng cách áp đặt tiền phạt cho những người Cơ Đốc giáo, chính quyền Tây
Sơn muốn chứng tỏ rằng trở thành người Cơ Đốc giáo là điều không thể chấp nhận
được, và họ làm như thế để ngăn chặn điều này cùng những hình thức đi ngược lại
trào lưu chính thống khác. Cuối cùng, tất nhiên đây là cách hữu hiệu để thu lợi
tức bổ sung từ một nhóm người tương đối ít được bảo vệ. Trong lúc các quan lại
Tây Sơn hài lòng nhìn thấy dân chúng từ bỏ Cơ Đốc giáo, họ cũng không khăng
khăng với việc này đến nỗi từ bỏ niềm vui được đút lót. Điều đó rất rõ ràng đối
với những giáo sĩ châu Âu đã quan sát việc thi hành các chính sách đó. Như có
người đã viết: “chính vì chống lại kẻ thù của tôn giáo không bằng chống lại
những kẻ yêu tiền mà chúng ta phải tự bảo vệ mình”*. Một người khác viết riêng
về cuộc đàn áp năm 1785 của Nhạc rằng: "có vẻ như tên bạo chúa hành động
vì sự hám lợi hơn là vì sự căm ghét tôn giáo thần thánh của chúng ta”*.
Người
theo Cơ Đốc giáo đặc biệt bị tổn thương bởi hình thức "đánh thuế” như thế,
bởi vì khi đã là một đối tượng tôn giáo thiểu số bị ngược đãi, họ không thể nhờ
đến sự bảo vệ của nhà nước như những người Việt khác. Thật vậy, mục tiêu chủ
yếu của họ là tránh sự chú ý của bộ máy quan liêu vẫn thường xuyên cấm đạo Cơ
Đốc. Vì thế, người Cơ Đốc giáo luôn ở dưới quyền sinh sát của bộ máy cai trị,
không nhất thiết là bộ máy trung ương, mà còn cả những quan chức địa phương
tham lam và binh lính nữa. Do việc thu những khoản tiền phạt theo lệnh nhà nước
thường được sắp đặt trước, và còn có thể được bổ sung bởi những đòi hỏi thêm
của quan chức địa phương, nên việc thanh toán các khoản đóng góp theo yêu cầu
cũng chỉ tạm thời giải quyết vấn đề và không có gì đảm bảo là họ sẽ không chịu
sưu cao thuế nặng trong tương lai. Thêm vào đó, đã đóng phạt cho quan chức ở
cấp chánh quyền này không có nghĩa là sẽ không bị những quan chức cấp cao hơn
đưa ra các đòi hỏi tương tự. Cuối cùng, do những sự dàn xếp này thường không có
tính cách chính thức, nên nếu một quan chức rời khỏi nhiệm sở, người kế nhiệm
ông ta không cần thiết phải tôn trọng những điều khoản của thỏa thuận hiện hành
và có thể đòi hỏi những khoản nộp thêm.
Mặc dù
người Cơ Đốc giáo được chọn cách nộp phạt, song nhiều người vẫn bị cưỡng bách
gia nhập quân đội Tây Sơn chỉ một thời gian ngắn sau khi chỉ dụ của Nguyễn Nhạc
được ban bố. Vì thế, hình như đạo quân Tây Sơn đi ra bắc năm 1786 bao gồm một
tỷ lệ không cân xứng những người theo Cơ Đốc giáo. Năm đó, một giáo sĩ châu Âu
ở Đàng Ngoài đã viết rằng: “một số khá lớn những người nổi dậy là người theo Cơ
Đốc giáo, hoặc ít nhất cũng là những người đã được rửa tội; nhiều người trong
số họ đi xưng tội với Cha Khiêm, cha xứ tại kinh đô”. Một người khác viết rằng
trong đạo quân Đàng Trong trú đóng tạm thời cạnh ngôi làng nhỏ của họ, nhiều
binh lính là người Cơ Đốc giáo. Sự hiện diện của người Cơ Đốc giáo trong quân
đội Tây Sơn, có lẽ với số lượng không tương xứng với sự có mặt của họ trong cư
dân Đàng Trong, là một chỉ dấu cho thấy sự nổi bật của họ trong nhóm này. Nhiều
người có lẽ đã bị bắt lính cùng với bất cứ những ai mà nhà Tây Sơn có thể nắm
bắt lấy. Những người khác, như chúng ta đã thấy, được chọn vào quân đội Tây Sơn
bởi vì họ là người Cơ Đốc giáo, và dễ bị đòi hỏi bởi chính quyền. Dù với lý do
nào, rõ ràng người Cơ Đốc giáo, tuy chỉ là một số nhỏ trong toàn bộ dân số,
cũng là một thành phần quan trọng và rõ rệt trong xã hội Đại Việt vào thời Tây
Sơn và không thể lãng quên.
IV. 1.3. Mối quan hệ Tây Sơn và người Cơ Đốc
giáo tại Đàng Trong sau năm 1785
Mặc dù
Nguyễn Nhạc đã luân phiên giữa việc cư xử nhẹ tay với việc tấn công Cơ Đốc giáo
trong nửa đầu thập niên 1780, thời kỳ sau 1785 được đánh dấu bởi thái độ chống
Cơ Đốc giáo ngày càng tăng và không thể đảo ngược được của người anh cả trong
ba anh em Tây Sơn. Ác cảm của Nguyễn Nhạc càng tăng cao chủ yếu do sự gia tăng
ủng hộ của người châu Âu đối với Nguyễn Ánh, đặc biệt là sự ủng hộ của Giám mục
Bá Đa Lộc. Vào thời điểm đó, vị giám mục này hộ vệ người con trai của Nguyễn
Ánh đến châu Âu để tranh thủ sự ủng hộ của nước Pháp cho mục tiêu của chúa
Nguyễn. Mặc dù thỏa ước đã ký kết không mang lại chút hi vọng hỗ trợ nào, sự
thật về phái bộ này cho thấy rõ mức độ dính líu của các giáo sĩ châu Âu nhân
danh lý tưởng của nhà Nguyễn, một sự dính líu mà các lãnh tụ Tây Sơn cũng nhận
thấy. Một thư giáo sĩ viết vào năm 1786 trên lãnh thổ của Tây Sơn ghi rằng:
“Chúng tôi chỉ lo sợ một điều. Đó là sợ cái đầu bị lìa khỏi cổ, không phải vì
sự căm ghét đối với tôn giáo thiêng liêng của chúng ta, mà vì những người châu
Âu mong muốn đưa vị chúa Đàng Trong trở lại ngai vàng”*. Thư của một giáo sĩ
Pháp viết từ Đàng Ngoài vào tháng 8.1786 cho rằng mọi người ở đây biết sứ mạng
mà ông giám mục thực hiện vì chúa Nguyễn*, Những báo cáo trên cho thấy Nhạc ra
lệnh đưa tất cả những người đàn ông Cơ Đốc giáo trên lãnh thổ của ông ta vào
quân đội và phá hủy nhà thờ của họ. Theo tài liệu này, một lần nữa Nguyễn Huệ
bước vào, dung hòa những yêu cầu của người anh, cho được miễn nghĩa vụ quân sự
đổi lấy một khoản tiền nhỏ*. Nỗi lo lắng của Nhạc trước việc phái bộ từ Pháp
quay về càng gia tăng, khi chính Nguyễn Ánh quay về Đàng Trong năm 1787 sau
nhiều năm sống lưu vong trên đất Xiêm.
Việc
Nguyễn Nhạc chống lại những người Cơ Đốc giáo sống trên lãnh thổ của ông ta
tiếp tục gia tăng vào năm 1789, người ta kể rằng ông đã ra lệnh cho các xã
trưởng trong lãnh thổ của ông ta tiến hành một cuộc điều tra dân số trong khu
vực trách nhiệm của họ. Lệnh này được tiếp nối bằng một yêu cầu khác, buộc
những ngươi theo Cơ Đốc giáo phải nộp một khoản phạt bằng 10 miếng đồng vì vẫn
tiếp tục gắn bó với tôn giáo. Khi đội thuyền của chúa Nguyễn tiến đến cảng Thị
Nại của vua Thái Đức vào mùa hè năm 1792 và bắt giữ hay phá hủy toàn bộ thủy
quân của Tây Sơn, sự giận dữ của Nguyễn Nhạc còn mãnh liệt hơn nữa. Theo một số
tài liệu, ông ta quyết trả thù hành động trên, thề rằng nếu đạt đến thắng lợi
cuối cùng trước quân Nguyên, ông ta sẽ chứng kiến sự hủy hoại toàn diện của Cơ
Đốc giáo trên lãnh thổ của ông ta. Nhạc đã không hoàn thành được mục tiêu này,
vì ông ta đã qua đời vào ngày 13.12 năm sau, được cho là do bị dằn vặt bởi nỗi
giận dữ của chính ông ta. Các giáo sĩ phương Tây khi viết về cái chết của
Nguyễn Nhạc đã giải thích đó là sự trừng phạt của thần thánh và so sánh sự cư
xử của Nhạc và của người em ông ta đối với người Cơ Đốc giáo: “Cái chết của ông
ta (Nhạc) và của người em trai ông ta thật khác nhau! Người này (Huệ) không làm
gì chống lại người Cơ Đốc giáo thì chết như một ông vua trong vinh quang của
mình; còn người kia (Nhạc) dành cả đời để ngược đãi họ, tìm cách làm cho họ bị
hủy hoại hoàn toàn, thì chết trong sự ô nhục, mất cả quyền trượng và vương quốc
của mình”*.
Sau cái
chết của Nhạc vào năm 1793, tình hình của Cơ Đốc giáo trên vùng đất do Tây Sơn
kiểm soát ở phía nam có vẻ được cải thiện, ít nhất là tạm thời. Năm 1795, một
giáo sĩ viết rằng nhà Tây Sơn “hoặc vì lý do chính trị, hoặc được thuyết phục
rằng việc ngược đãi tôn giáo thiêng liêng của chúng ta thường dẫn đến một kết
cục tệ hại, nên đã có thiện chí hơn đối với tôn giáo”. Trong một thư khác, cũng
tác giả trên kể về việc một quan chức cao cấp của nhà Tây Sơn đã ca ngại Cơ Đốc
giáo và chỉ trích cách cư xử của nhà Nguyễn trước đó đối với tôn giáo này. Có
thể những cảm nghĩ đó phản ánh việc nghĩ lại về thái độ thù nghịch của Nhạc đối
với người Cơ Đốc giáo, với ý định vuốt ve họ vì quyền lợi của nhà Tây Sơn. Điều
không may là không còn có thêm chứng cứ nào sau năm 1795 về tình trạng của
những người Cơ Đốc giáo ở phần phía nam lãnh thổ do nhà Tây Sơn kiểm soát.
IV. 1.4. Mối quan hệ Tây Sơn và người Cơ Đốc
giáo tại Đàng Ngoài sau năm 1785
Tình
trạng của người Cơ Đốc giáo ở vùng thượng Đàng Trong và Đàng Ngoài trong thời
kỳ bắt đầu vào năm 1786 cũng giống ở các khu vực xa về phía nam, là vấn đề về
những thăng trầm của tính bè phái chính trị và sự thay đổi chiều hướng quân sự
trong cuộc chiến với nhà Nguyễn, mỗi vấn đề tác động sâu sắc lên thái độ và
hành động của chính quyền đối với cả người Việt theo Cơ Đốc giáo lẫn các giáo
sĩ châu Âu. Chính hành động của nhà Tây Sơn đối với người theo Cơ Đốc giáo ở
phía bắc sau năm 1786, và đặc biệt sau năm 1788, đã giải thích rằng chính sách
tôn giáo của họ thuận lợi cho Cơ Đốc giáo. Cách nhìn nhận này đúng với thực tế,
tình cảnh của người Việt Cơ Đốc giáo ở khu vực phía bắc Phú Xuân sau năm 1788
thường có tính tích cực, và điều này được các giáo sĩ châu Âu công nhận.
Tuy
nhiên, một cuộc khảo sát kỹ hơn cho thấy rằng cũng có những thời điểm diễn ra
các cuộc tấn công người Cơ Đốc giáo, khi thì do chính quyền trung ương, khi thì
do địa phương thực hiện, đặc biệt trong khoảng thời gian những năm 1794-1795 và
từ năm 1798 đến 1800, tình hình luôn trở nên bấp bênh do vận may về chính trị
hay thay đổi.
Sau cái
chết của Trịnh Sâm vào năm 1782, thái độ của chính quyền đối với Cơ Đốc giáo ở
phía bắc bớt thù nghịch hơn, điều này được ghi trong nhiều thư từ của các giáo
sĩ. Năm 1784, một giáo sĩ thậm chí còn viết rằng một thời gian ngắn sau lễ Phục
sinh, ông ta có thể tự mình đi vào kinh đô Thăng Long. Sự nương nhẹ ngày càng
gia tăng có thể là kết quả của tình trạng rối loạn về chính trị lan rộng trên
đất bắc, khiến chính quyền có ít thì giờ để theo đuổi các chính sách chống lại
người Cơ Đốc giáo. Hình như việc quân đội Tây Sơn ra Đàng Ngoài năm 1786 cũng
không làm thay đổi sự lạc quan chung của người Cơ Đốc giáo ở đây. Khi Nguyễn
Hữu Chỉnh trở thành người nổi bật về chính trị vào cuối năm 1786, ông ta tỏ rõ
một thái độ có thiện chí đối với tôn giáo và những người được kết nạp. Hình như
Chỉnh quen biết với một vài ngươi Cơ Đốc giáo trong thời gian ở phía nam với
nhà Tây Sơn và cả người thư ký thân tín lẫn người y sĩ riêng của ông ta đều là
người Cơ Đốc giáo. Thậm chí một vài người còn tuyên bố rằng bản thân Chỉnh cũng
lả người Cơ Đốc giáo, dựa vào việc ông ta công khai chỉ trích phía Phật giáo và
các đồ thờ cúng của tôn giáo này*. Dù cho hành động của ông ta phát xuất từ
đâu, những người Cơ Đốc giáo cũng được sống yên bình trong gần 12 tháng Chỉnh
có vai trò nổi bật ở Đàng Ngoài.
Sau việc
Chỉnh bị hất cẳng vào cuối năm 1787 là thời kỳ bất ổn chính trị gia tăng ở Đàng
Ngoài, lên đến cực điểm bằng cuộc xâm lược của quân Thanh và thất bại tiếp sau
đó của đạo quân này vào đầu năm 1789. Cộng đồng người Cơ Đốc giáo và các nhà
thờ bị thiệt hại khá nhiều trong thời kỳ này, mặc dù có những chỉ dấu cho thấy
rằng điều này không phải là không tương xứng với sự chịu đựng của người dân nói
chung, và sự nương tay với tôn giáo hình như cũng tiếp tục sau đó. Sau khi yên
vị trên ngai vàng, hoàng đế Quang Trung nêu rõ rằng ông sẵn sàng đối xử tốt với
người Cơ Đốc giáo dưới quyền kiểm soát trực tiếp của ông. Việc có tin một quan
lại cao cấp của ông là người Cơ Đốc giáo có thể ảnh hưởng đến thái độ của vị
hoàng đế đối với thần dân của ông. Các giáo sĩ viết rằng mặc dù có những cuộc
thảo luận trong các quân sư của vua Quang Trung về vấn đề đàn áp người Cơ Đốc
giáo, phần lớn những người tín cẩn của nhà vua đều có những lý lẽ chống lại
việc làm này. Họ vạch ra rằng người Cơ Đốc giáo khá đông, họ đóng thuế một cách
đầy đủ và họ không gây ra một vấn đề gì. Vì thế, các quân sư đã kết luận rằng
không có lý do gì để xua đuổi người Cơ Đốc giáo, và trên thực tế, làm như vậy
là lợi bất cập hại. Vua Quang Trung nghe theo ý kiến đó, vì nó có vẻ phù hợp
với quan điểm của riêng ông, và sự yên bình về tôn giáo vẫn tiếp tục như đã
được xác định bởi những bức thư khác viết từ Đàng Ngoài vào thời đó.
Cũng như
những người đi trước và những người đồng thời (trong đó có anh ông là Nguyễn
Nhạc), vua Quang Trung chuẩn bị sử dụng kiến thức khoa học của các giáo sĩ châu
Âu phù hợp với ông. Khi bà hoàng hậu của ông ngọa bệnh vào năm 1791, ông quay
sang các giáo sĩ Pháp thuộc Hội Truyền giáo Hải ngoại (MEP) sống trên lãnh thổ
của ông, hi vọng thuốc phương Tây cứu được bà. Bất đắc dĩ phải cử người trong
số họ đi vào một nơi mà cách ngôn gọi là hang hùm, các giáo sĩ Pháp quyết định
đề cử một giáo sĩ trẻ tên Francois-Joseph Girard. Sự chậm trễ của các quan lại
của Quang Trung ngăn trở việc Girard cho thuốc và bà hoàng hậu qua đời. Dù thế,
vị hoàng đế Tây Sơn tiếp đón người châu Âu tại cung điện của ông ở Phú Xuân và
có vẻ như đã làm dịu hơn lập trường của ông đối với Cơ Đốc giáo*. Mặc dù vua
Quang Trung không phải là không biết sự ủng hộ của giới giáo sĩ cho chúa Nguyễn
Ánh, song có vẻ như ông không quan tâm đến thông tin này, cũng như người anh
của ông từng làm thế. Thái độ này phần nào có liên quan đến sự kiện ông tiếp
tục bảo vệ vùng đệm giữa ông và quân Nguyễn. Trong bất kỳ trường hợp nào, miễn
là vua Quang Trung có được hi vọng thu phục các giáo sĩ, người Cơ Đốc giáo, hay
cả hai về phía mình, ông vẫn tiếp tục chính sách khoan nhượng đối với họ.
Khi Quang Trung duy trì sự khoan nhượng người Cơ Đốc giáo trong lãnh thổ của ông, ông không cần lý đến nguồn gốc của họ như người anh của ông đã làm trước đó vào thập niên 1780. Đặc biệt hơn cả là cũng như Nhạc, Quang Trung quyết định đánh một thứ thuế đặc biệt lên người Cơn Đốc giáo trong quản hạt của mình. Năm 1790, ông ban hành một chỉ dụ thu tiền người Cơ Đốc giáo đổi lại việc họ được phép tiếp tục thực hành tín ngưỡng. Ông ấn định khoản nộp của cộng đồng người Việt theo Cơ Đốc giáo sống ở phía bắc Phú Xuân là 10.000 tiền đồng. Những người sống ở phía nam, nơi ít người Cơ Đốc giáo hơn, sẽ phải đóng 5.000 tiền đồng. Số tiền được đóng tập thể, phản ánh nhận thức của vua Quang Trung cho rằng cộng đồng (ít nhất tại chỗ) tương đối có tính gắn kết nên có thể cống nộp tài nguyên theo cách đó. Điều này không khác với những sự kiện trước đây, khi quan lại địa phương bắt cóc các giáo sĩ châu Âu hay tu sĩ bản xứ và buộc cộng đồng có liên quan đến họ phải nộp tiền chuộc. Những hành động đó được thúc đẩy bởi việc họ tin rằng các giáo sĩ châu Âu giàu có và vì thế là một mục tiêu có lợi cho họ. Chính sách nương nhẹ đối với người Cơ Đốc giáo đôi lúc tiếp tục được thực hiện ở phía bắc của vương quốc Tây Sơn, ngay cả sau cái chết sớm sủa của vua Quang Trung vào năm 1792. Người kế vị ông được sự hỗ trợ của một vị phụ chánh, duy trì chính sách của người cha trong nhiều năm sau đó. Trong thư gửi về Paris vào tháng 6.1793, Charles La Mothe viết rằng có một chính sách khoan nhượng đối với những chính sách đã tồn tại dưới thời Lê-Trịnh. Cùng lúc đó, Pierre Eyot viết rằng "Do Đàng Ngoài nằm dưới sự thống trị của Đàng Trong, không có chuyện kể về sự ngược đãi tôn giáo". Một giáo sĩ khác viết vào năm 1794, so sánh tình trạng tôn giáo ở Đàng Ngoài thuận lợi hơn so với nước Pháp của ông ta lúc phải trải qua nỗi thống khổ trong cuộc Cách mạng Pháp. Ông ta viết rằng tình trạng nội chiến ở hai nơi tương tự nhau, nhưng do sự kiện "những người nổi dậy của chúng tôi không đụng chạm đến tôn giáo, và trái lại, họ cho tôn giáo nhiều tự do hơn bao giờ”. Những người khác viết thư vào năm đó cũng có những nhận xét tương tự.
Tuy
nhiên, sự yên bình về tôn giáo được mô tả trong những thư này không kéo dài
lâu. Năm 1793, đã có những chỉ dấu cho thấy các thành phần trong ban lãnh đạo
nhà Tây Sơn e sợ những người châu Âu ở trong hàng ngũ của họ, nghi ngờ những
người này tiếp xúc với lực lượng của chúa Nguyễn và với người của chúa Nguyễn
đang hoạt động ở Đàng Ngoài. Cũng có tin đồn là chúa Nguyễn đang chỉ đạo các
giáo sĩ trong các vùng do Tây Sơn kiểm soát đội lốt tôn giáo để hoạt động cho
chúa. Mặc dù những lời tố cáo này bị chính một quan lại cao cấp của Tây Sơn bác
bỏ, sự hoài nghi vẫn là một phần đáng kể trong không khí chính trị chung vào
thời đó. Một cuộc tấn công quan trọng của quân Nguyễn vào năm 1794 đã kích động
một vài nhà lãnh đạo Tây Sơn, vì “viên thái sư ở vùng thượng Đàng Trong [Bùi
Đắc Tuyên, phụ chánh của vì vua trẻ Tây Sơn]* đã nhìn thấy mấy sĩ quan Pháp đi
đầu hàng quân đối địch của ông ta và đã đánh bại quân của ông ta nên đã nổi con
cuồng nộ đối với chúng ta [các giáo sĩ châu Âu] và các giáo dân Cơ Đốc giáo, và
lên tiếng đưa ra những lời đe dọa nặng nề”. Việc nhìn thấy những người Pháp này
trong hàng ngũ quân Nguyễn đối với một vài quan chức Tây Sơn là một dấu hiệu rõ
ràng và xa hơn về việc các giáo sĩ châu Âu đã tích cực hỗ trợ đại kình địch của
họ.
Sự yên
ắng nhất thời về tôn giáo được điểm xuyết bằng hai chỉ dụ được ban hành vào
tháng 2 năm 1795*. Một giáo sĩ viết về bối cảnh xoay quanh những chỉ dụ này và động
lực ẩn đáng sau chúng rất rõ ràng:
“Cách
đây 4 ngày nhà vua ban một chỉ dụ tập hợp các sư sãi hàng đầu ở Đàng Ngoài lại
để giúp ông, bằng uy tín và những lời cầu nguyện của họ, chống lạl những tiến
bộ mà chúng ta [các giáo sĩ] đã đạt được, và có hại cho tinh thần của người dân
trong việc tranh thủ lòng trung thành của họ đối với vị vua ở Đồng Nai”.
Bình
luận này cho thấy rõ rằng quan điểm chống Cơ Đốc giáo phát triển vào thời điểm
này có quan hệ trực tiếp với nỗi lo sự là người Cơ Đốc giáo, dù là các giáo sĩ
hay người bản xứ, đang trở thành những người ủng hộ chúa Nguyễn. Philiphê Bỉnh,
một người Việt thuộc dòng Tesuit, mô tả động lực của những chỉ dụ trên là nỗi
lo sợ mất nước về tay người châu Âu, hơn là sự thù nghịch đối với Cơ Đốc giáo.
Trong lúc cả hai chỉ dụ đều dưới danh nghĩa vì vua trẻ của nhà Tây Sơn là Cảnh
Thịnh thì các giáo sĩ lại đồng thanh gán ghép chúng cho ông quan phụ chánh* và
cơn thịnh nộ của ông này đối với sự ủng hộ của người châu Âu dành cho chúa
Nguyễn Ánh ở phía nam, kết hợp với lòng căm thù khôn nguôi đối với tín ngưỡng.
Theo một
giáo sĩ khác, Bùi Đắc Tuyên từng có một cuộc nói chuyện vào năm 1795, trong đó,
ông ta công khai bày tỏ quan điểm của triều đình Tây Sơn đối với giới giáo sĩ
và sự dính líu của người châu Âu nhân danh lý tưởng của chúa Nguyễn. Tuyên ghi
nhận sự ủng hộ của những người châu Âu đặc biệt cho mục tiêu của chúa Nguyễn,
và thúc giục các giáo sĩ sử dụng ảnh hưởng của họ để thuyết phục người nông dân
chuyển sự trung thành của họ về phía Tây Sơn:
“Ta
đã... nói với các thầy trong đạo là nếu họ trả cho ta ông Olivier và những
người đi chung với ông ta ở vùng hạ Đàng Trong, ta sẽ để họ sống trong an bình,
nhưng nếu không đạt được điều này, ta sẽ bắt giữ họ và phá hủy toàn bộ nhà thờ
của họ theo đúng tinh thần của chỉ dụ... Các ông vua trước luôn luôn cấm đạo,
nhưng những ông vua bây giờ thì trái lại, cho phép mọi người tôn trọng đạo mà
không nói một lời nào, và ở đây chúng ta sẽ để cho ông Olivier cai quản mọi
công việc ở vùng hạ Đàng Trong, chế tạo vũ khí và các thầy trong đạo hãy kêu
gọi người châu Âu tiến hành cuộc chiến giúp một vị vua rất nhân từ và rất rộng
lượng đối với họ: những người Cơ Đốc giáo vô ơn bạc nghĩa”.
“Ông
Olivier” được nhắc đến trong buổi nói chuyện này chính là Olivier de Puymanel
(1768-1799). Được sử biên niên Việt Nam gọi là "Ông Tín”, de Puymanel khá
nổi tiếng về kiến thức trong lãnh vực chiến thuật quân sự và vũ khí*. Tài liệu
của một giáo sĩ Pháp tên Charles-Prancois Langlois viết vào năm 1795 rằng
“những bạo chúa muốn có được ít nhất một hay hai người châu Âu để cử họ đến
Đàng Trong thuyết phục ông Olivier không ủng hộ chúa Nguyễn nữa hoặc đi đến
Manila yêu cầu vị Tổng trấn cử người bắt giữ Olivier nếu điều này thuộc thẩm
quyền của ông ta". Vào mùa hè năm 1795, một giáo sĩ châu Âu khác cũng viết
tương tự, rằng Tuyên muốn sử dụng một số giáo sĩ châu Âu đi đến Đồng Nai thuyết
phục Olivier ngưng ủng hộ chúa Nguyễn và đưa ra những lời kêu gọi tương tự với
những người châu Âu khác trong trại quân Nguyễn.
Các chỉ
dụ năm 1795 cũng bao gồm lời kêu gọi phục hồi hay làm sống lại các truyền thống
của địa phương, cả Phật giáo lẫn Khổng giáo, trong một nỗ lực trừ tiệt sự tiêm
nhiễm Cơ Đốc giáo trong xã hội Đại Việt. Do đó, các chỉ dụ kêu gọi khôi phục sự
trung thành với những lời giáo huấn của đạo Khổng và mang lại sức sống mới cho
sự cam kết của chính quyền nhằm duy trì cơ chế xã hội theo Khổng giáo. Như chỉ
dụ đã nêu: “[Các giáo sĩ] đã bí mật đến đất nước chúng ta để đầu độc và làm mê
muội trái tim của mọi người trong nước. Họ trực tiếp truyền đi những lời nói
dối để làm lạc hướng các hàng ngũ dân chúng đi vào con đường phi chính
thống"*. Vì thế, có vẻ như các chỉ dụ là một phần của một mưu toan rộng
lớn hơn nhằm (coi việc) phục hồi tính chính thống như một cách tăng cường sức
mạnh của triều Tây Sơn chống lại kẻ thù. Các nguyên lý phi chính thống do các
giáo sĩ châu Âu chủ trương và được những người Việt Cơ Đốc giáo chấp nhận là
một thách thức quan trọng đối với sự thống nhất quốc gia và xã hội, và vì thế,
theo quan điểm này, nó cần phải bị triệt tiêu.
Thời điểm
của chỉ dụ chống Cơ Đốc giáo năm 1795 để lộ những chia rẽ quan trọng trong hàng
ngũ lãnh đạo nhà Tây Sơn. Hiển nhiên phụ chánh Bùi Đắc Tuyên đã lôi kéo người
mà ông ta có trách nhiệm đỡ đầu là vua Cảnh Thịnh trẻ tuổi để ông này ban bố
các chỉ dụ chống Cơ Đốc giáo, và làm điều này như cái vỏ bọc cho một cuộc phế
truất đã được dự liệu để thay thế con của hoàng đế Quang Trung bằng con cháu
của viên phụ chánh. Âm mưu này bị phát hiện và một cuộc chống phế truất đưa đến
kết quả bắt giữ Tuyên và hành hình ngay ông ta. Sau cái chết của Tuyên, các chỉ
dụ bị hủy bỏ, cho dù không rõ là do trong đó chứa đựng yếu tố chống Cơ Đốc giáo
hay chúng đã được soạn thảo bởi một người đã bị thất sủng như Tuyên. Một bức
thư viết: "Một chỉ dụ được ban bố hủy bỏ tất cả những gì mà viên phụ chánh
đã làm trong ba tháng tại nhiệm". Bức thư tiếp tục ghi nhận rằng các giáo
sĩ được cho biết là nếu chỉ dụ chống Cơ Đốc giáo do vua Cảnh Thịnh và các quân
sư làm ra thì vẫn còn hiệu lực, còn nếu là của Bùi Đắc Tuyên như nhiều người nghi
ngờ, thì sẽ bị hủy bỏ.
Sự phân
hóa trong nội bộ lãnh đạo Tây Sơn về thái độ ứng xử với người Cơ Đốc giáo kéo
dài cho đến khi triều đại này sụp đổ. Một vài quan lại tiếp tục cư xử khắc
nghiệt với họ, trong khi những người khác thể hiện sự khoan nhượng nhiều hơn.
Trong một vài trường hợp, người chủ trương khoan nhượng là những người theo chủ
nghĩa thực dụng, sợ rằng việc đàn áp người Cơ Đốc giáo sẽ gây thêm sự căm ghét
của một bộ phận dân chúng vốn đang mất thiện cảm với chính quyền. Một số quan
lại khác là người Cơ Đốc giáo và đi tìm những người đồng đạo với họ. Những lá
thư của các giáo sĩ viết vào thời kỳ này có kể về một số quan lại cao cấp của
nhà Tây Sơn là người Cơ Đốc giáo và họ tỏ ra cảm thông với hoàn cảnh của các
giáo sĩ. Chẳng hạn như trong cuộc đàn áp người Cơ Đốc giáo diễn ra vào giữa năm
1795, một giáo sĩ viết rằng vào tháng 8 năm đó, tức chỉ 6 tháng sau khi chỉ dụ
được ban bố, ông ta được triệu tập đến khu đất kiên cố của viên trấn thủ “kinh
đô" để làm lễ kỷ niệm, ông ta kể rằng các quan lại bất đầu trả lại nhà thờ
và những đồng tiền họ đã tịch thu trong thời gian ngược đãi tôn giáo ngắn ngủi
đã qua. Một số giáo sĩ khác cũng đã kể lại những trải nghiệm lạc quan tương tự
và sự tự do tôn giáo tiếp tục vào năm 1797.
Ngay cả
khi có sự tiếp tục yên ắng về tôn giáo, các vấn đề trước đây góp phần gây ra
những hành động chống Cơ Đốc giáo vẫn tồn tại. Chúa Nguyễn tiếp tục củng cố sức
mạnh ở phía nam, không ngừng đe dọa mở cuộc tấn công quyết định vào triều đình
Tây Sơn ở Phú Xuân, và sự nghi ngờ của những người Âu sống trên lãnh thổ Tây
Sơn chắc chắn là đang gia tăng. Sự nghi ngờ này đặc biệt dâng cao khi chúa
Nguyễn mở rộng khả năng gửi những toán hoạt động bí mật ra bắc. Đầu năm 1797,
một giáo sĩ Pháp kể rằng: “những gián điệp của vị chúa ở Đàng Trong lần lượt bị
bắt, làm sống lại sự nghi ngờ mà người ta đã đành để chống lại chúng ta".
Trong những tình huống như vậy, một cuộc đàn áp trở lại là điều không thể tránh
được, và nó đã xảy ra vào mùa hè năm sau. Một chỉ dụ mới chống Cơ Đốc giáo được
ban hành, phản ánh sự ngờ vực của nhà Tây Sơn, không chỉ đơn thuần đối với các
giáo sĩ, mà còn với những người Việt theo Cơ Đốc giáo nữa. Hình như vào năm
1798 có một số người Cơ Đốc giáo tham gia một cuộc nổi dậy chống nhà Tây Sơn
dưới sự lãnh đạo của một “thuật sĩ” tự xưng vương. Trong lúc giới giáo sĩ kể
lại biến động này thì Pierre Eyot viết rằng chứng cứ đó cho thấy người Cơ Đốc
giáo không lãnh đạo cuộc nổi dậy, và sự ngờ vực vẫn còn đó.
Đỉnh điểm của sự ngược đãi diễn ra vào tháng 9.1798, khi một giáo dân Cơ Đốc giáo người Việt tên Immanuel Triệu bị hành quyết cùng với 6 tên trộm cắp vào ngày 17 tháng này. Sự kiện này đánh dấu cuộc hành quyết công khai đầu tiên một người Cơ Đốc giáo kể từ cái chết vào năm 1782 của Perdinand de Olmedilla, một giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Dominican. Hơn nửa, sự đàn áp Cơ Đốc giáo được kèm theo bằng một mệnh lệnh lập bảng kiểm kê tất cả các nhà thờ đang tồn tại và các “nhà của Chúa”. Lệnh này nhắm vào từng xứ đạo một và tiếp theo bằng sự thanh sát của những quan lại đi kiểm tra các danh mục đã lập. Hình như đó là bước khởi đầu của một chiến dịch nhằm phá hủy tất cả các nhà thờ đang có; song như trường hợp vẫn thường xảy ra, hành động quyết liệt này có thể được giải quyết sớm bằng cách hối lộ một khoản tiền được ấn định ít nhất 5.000 xâu tiền cho mỗi khu vực.
Tuy
nhiên sau vài năm, áp lực đối với người Việt Cơ Đốc giáo có vẻ như đã được làm
dịu bớt cho dù các vấn đề vẫn còn tồn tạị. Tháng 4 năm 1800, Pierre Eyot kể lại
rằng: “sự thực là người Cơ Đốc giáo ít bị quấy rối hơn lúc bắt đầu sự ngược đãi
tôn giáo". Nhưng mà ngay vào cùng năm đó, những gián điệp bị bắt gần Phú
Xuân khai rằng họ được chúa Nguyễn cử đi thuyết phục những người châu Âu sống
dưới sự kiểm soát của nhà Tây Sơn hãy dời đến lãnh thổ của chúa Nguyễn. Cuối
cùng thì lời khai của họ được cho là không thật và sự ngờ vực đối với người
châu Âu được khơi lại. Ấy thế mà tình hình vẫn ổn định khi các giáo sĩ và giáo
dân Cơ Đốc giáo cảm thấy ít bị áp lực hơn, có lẽ do sự căng thẳng về mối đe dọa
của quân nhà Nguyễn đang gia tăng. Chính quyền nhà Tây Sơn lúc bấy giờ đang
phấn đấu để tồn tại và không còn lo lắng đến việc sử dụng các phương kế để lùng
bắt các giáo sĩ phương Tây hay những môn đồ của họ.
Mùa hè
năm 1802, Nguyễn Ánh và lực lượng của ông tiến vào Thăng Long, đạt chiến thắng
cuối cùng trước nhà Tây Sơn. Một thời kỳ xáo trộn đã kết thúc trong xã hội Việt
Nam, song đối với người Cơ Đốc giáo Việt Nam, năm 1802 không đánh dấu một bước
ngoặt. Cuộc sống của họ vẫn còn bất định. Mặc dù tân vương nhà Nguyễn mắc nợ
các giáo sĩ Pháp trong quá trình diễn ra các chiến dịch của ông, việc ông lên
ngôi không đánh dấu sự chiến thắng của tự do tôn giáo, mà đúng hơn là một
chương khác trong sự căng thẳng giữa một quốc gia hầu như đang theo Khổng giáo
với một tín ngưỡng phi chính thống.
IV.2.
MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ TÂY SƠN VÀ NHỮNG BỘ TỘC KHÔNG PHẢI NGƯỜI KINH
Ở Chương
II, tôi đã khảo sát một vài phương cách mà các lãnh tụ Tây Sơn đã sử dụng để
thiết lập mối quan hệ với nhiều bộ tộc như một phương tiện để hợp pháp hóa các
yêu sách chính trị của họ. Những mối quan hệ này tiếp tục quan trọng xuyên suốt
những năm tháng của phong trào Tây Sơn, không những vì tính biểu tượng của
chúng, mà còn vì những giá trị riêng biệt của chúng nữa. Trong lúc quân đội Tây
Sơn từ vùng cao đi xuống vào năm 1773 để chiếm lấy Qui Nhơn, vùng cao còn là
trung tâm điểm của cuộc xung đột giữa họ với quân Nguyễn trong 30 năm sau đó.
Quân đội của hai bên đi xuyên qua vùng cao trong chiến dịch của họ và khu vực
cao nguyên được sử dụng như một đường dẫn quan trọng cần cho sự di chuyển các lực
lượng đi dọc theo hay đi xuyên biên giới với các nước láng giềng. Kết quả là cả
hai bên đều tìm cách phát triển mối liên kết với thành viên những bộ tộc ở các
vùng này, trong lúc họ vẫn tranh thủ sự ủng hộ của các dân tộc khác như người
Chăm, người Hoa, và người Khmer ở các khu vực đồng bằng duyên hải.
Thành
phần “sắc tộc không phải người Kinh” là điều cần được bàn lại, phần vì nó xác
định những nhóm người bị phủ nhận, phần vì nó gợi lên một sự gắn kết không tồn
tại trong những nhóm người này. Tuy nhiên, theo những nguồn tài liệu đương
thời, thành phần đó có một giá trị nhất định, xét về ý nghĩa của sự chia cách
giữa những nhóm sắc tộc tự xác định hay được xác định trong thời kỳ Tây Sơn.
Tôi sẽ sử dụng những từ theo tập quán dành cho những nhóm sắc tộc này, những từ
thường gợi lên đặc tính phổ biến kết hợp với những ranh giới quốc gia rõ rệt,
vốn là sản phẩm của sự can thiệp thuộc địa do người châu Âu thực hiện vào thế
kỷ XIX*. Vì thế, khi tôi nói đến người “Khmer” và khi tôi sử dụng từ “Trung
Hoa”, tôi không gợi ra những đặc tính quốc gia đương thời, mà là muốn đề cập
đến sự phân loại (dù có dịch ra như thế nào) phản ánh cách xếp đặt vào các thế
kỷ XVIII và XIX. Điểm cơ bản mà tôi muốn nêu ra trong cuộc thảo luận là những
người tham gia vào các biến động ở thời kỳ này và những người ghi nhận chúng về
sau có sự nhận thức khác nhau về ý nghĩa của chúng về mặt văn hóa hay ngôn ngữ
học. Trong khi nét đặc trưng của những sự khác biệt này có thể thay đổi, và cái
cách phân loại của chúng ta có thể chồng chéo với nhau, theo tôi, có một nhận
thức về sự khác biệt được công nhận phù hợp với những động lục về chính trị và
quân sự vào thời kỳ này. Tuy nhiên, cũng thật có ích khi chúng ta ghi nhớ những
nhận định của Li Tana, rằng “một quan niệm được xác định rõ về sắc tộc trong
khuôn khổ tác phẩm Water Prontier... là mọi sự phân loại nên được xem là sự ướm
thử, hay thay đổi, thậm chí chỉ có tính cách tạm thời”.
Có ba
nhóm sắc tộc quan trọng không phải là nguôi Kinh ở đồng bằng, chúng cũng được
xác định rõ trong các nguồn tài liệu đương thời. Nhóm đầu tiên là những người
Hoa, được triều đình Đại Việt và các sử gia công nhận như một thành phần riêng
biệt, cho dù trong nhóm này có những nhóm nhỏ phản ánh các cộng đồng riêng, các
nhóm ngôn ngữ khác nhau hoặc những vùng miền ở Trung Quốc, nơi xuất thân của
họ*. Điều hiển nhiên nhất là người Hoa đã được chọn để liệt kê như một thành
phần riêng biệt trong dân số (Đại Việt và Việt Nam) các thế kỷ XVIII và XIX.
Nhóm thứ hai gồm những người Chăm cư trú ở đồng bằng, khác với những người Việt
định cư ở vùng phía nam; họ được phân biệt bởi các hoạt động văn hóa và cách
hành đạo cũng như mối quan hệ về chính trị với vương quốc Chăm còn tồn tại lúc
bấy giờ. Cuối cùng, và ít đáng chú ý hơn một chút trong cuộc xung đột của nhà
Tây Sơn là người Khmer, hình thành một nhóm người quan trọng ở cực nam, vùng
châu thổ sông Cửu Long, và sâu vào bên trong, đến biên giới Chân Lạp.
Nhóm thứ
tư không phải người Kinh mà tôi muốn nói đến, dù ngắn ngủi, là thành phần đông
đúc sống trên vùng cao nguyên, ngày nay là nam trung phần Việt Nam, đôi khi
được xếp vào thành phần “dân cao nguyên” hay “dân vùng cao”. Đây là một nhóm mà
tính đặc trưng xuất phát từ vị trí địa lý cũng như từ những khác biệt cụ thể về
văn hóa và xã hội. Cả những người quan sát Việt và châu Âu vào thời kỳ này gọi
họ là man hay mọi, một từ phản ánh cảm nghĩ tự mãn, sẻ chia về tính ưu việt về
văn hóa. Mặc dù thành phần sắc tộc này tương đối khó phân biệt, bao gồm nhiều
tộc người, nhiều ngôn ngữ, tập quán văn hóa, song có một cảm thức rõ ràng rằng
họ là một tộc người đặc biệt, tách biệt với người Việt ở đồng bằng, phân biệt
bởi đời sống kinh tế, ngôn ngữ và y phục của họ. Những tài liệu còn lưu giữ ít
khi mở ra các cuộc thảo luận về những nhóm người ở bên ngoài thành phần “người
vùng cao” khoáng đạt và vì thế, tài liệu của tôi về những người này sẽ tương
đối khó phân biệt, ngay khi cần phải nói rõ rằng thành viên của những nhóm này
tự thấy họ khác biệt với nhau, cũng như với những cư dân sống ở đồng bằng.
IV.2.1 Người Hoa ở Đàng Trong
Nhóm sắc
tộc nổi trội nhất bị lối cuốn vào cuộc chiến của nhà Tây Sơn là người Trung Hoa
ở Đàng Trong, với nhân số vào cuối thế kỷ XVIII khoảng 30.000 người*. Trong sử
biên niên Việt Nam hiện nay, người Hoa ở Đại Việt được phân biệt bởi khoảng
thời gian họ đi đến vương quốc này. Người minh hương là những người đến vào
cuối thế kỷ XVII hay đầu thế kỷ XVIII, nhiều người trong số họ trung thành với
nhà Minh đã bị truất ngôi, trong khi thanh nhân là thần dân của nhà Thanh, phần
lớn đến Đại Việt vào giữa hoặc nửa sau thế kỷ XVIII*.
Những
người trung thành với nhà Minh, nhiều người là binh lính, bỏ những đồn lũy cuối
cùng của triều đại này ở phía nam Trung Quốc và đi theo đường bể dọc theo duyên
hải Đại Việt, đến Đà Nẵng năm 1679. Các chúa Nguyễn chính thức cho phép họ cư
ngụ ở vùng duyên hải Đàng Trong và sau đó, nhiều khu vực cư trú của họ hình
thành ở nhiều nơi khác nhau trong vương quốc*. Quyết định của các chúa Nguyễn
cho phép đạo quân đông đảo đó cư trú trên lãnh thổ của họ xuất phát chủ yếu từ
sự kiện những người Hoa tị nạn này cần ích cho việc định cư ở những nơi vẫn còn
thưa dân và trong nhiều trường hợp, những nơi này được triều đình Phú Xuân kiểm
soát khá lỏng lẻo. Nhiều người tị nạn trong số này cư trú bên trong hoặc chung
quanh trung tâm thương mại Hội An, trong khi những người khác đi xa hơn về phía
nam, cư trú ở vùng Biên Hòa thưa thớt dân cư, hoặc ở Mỹ Tho, trong vùng châu
thổ sông Cửu Long; một số ít thành lập một cộng đồng ở cảng cá Hà Tiên xa xôi,
nằm trong một vùng có sự tranh chấp ở biên giới Đại Việt-Chân Lạp.
Một nhóm
người Hoa thứ hai gọi là thanh nhân di cư vào lãnh thổ Đại Việt chậm hơn một
chút, và vì nhiều lý do khác nhau. Nhóm này đến Đại Việt tham gia vào việc buôn
bán dọc theo vùng duyên hải giữa miền Nam Trung Hoa và Đàng Trong, một nền
thương mại phát triển nhanh chóng vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, phần
do nhà Thanh giảm nhẹ những hạn chế trong việc cho thần dân của họ tham gia vào
việc buôn bán trên biển. Nhiều người đến sau định cư ở Hội An, nhưng họ cũng
tản ra đến những cộng đồng khác sống dọc theo vùng duyên hải miền Trung. Không
như những nhóm người Hoa định cư trước đã bắt đầu quen với chỗ cư trú mới và
hợp nhất với nhau trong xã hội Việt, những người đến sau nay vẫn còn kết nối
chặt chẽ với gốc gác của họ ở Hoa Nam thông qua hoạt động thương mại thường
xuyên và sự tiếp xúc với các phe phái và hội kín.
Trong
lúc thời điểm tái định cư là đặc điểm nổi bật của người Hoa ở Đại Việt, thì có
một nét độc đáo và nhiều ý nghĩa hơn, đó là nơi xuất phát của họ bên trong đế
quốc Trung Hoa rộng lớn. Nét độc đáo này có lẽ hơn cả thời điểm tái định cư, sẽ
là những gì phân biệt các tộc người Hoa với nhau trên lãnh thổ Đại Việt. Người
Hoa tị nạn trên lãnh thổ Đại Việt đến chủ yếu từ vùng duyên hải Trung Hoa, song
ở bên trong khu vực này có nhiều tỉnh, người dân nói nhiều ngôn ngữ khác nhau
và mang theo các nền tảng xã hội và lịch sử đặc biệt của họ. Bên trong Đại
Việt, những người này có khuynh hướng quần tụ với nhau theo nguồn gốc xuất phát
có liên hệ trực tiếp với một ngôn ngữ mà họ chia sẻ cùng nhau*. Vì thế, người
Hoa sống ở Đại Việt được nhận biết sự khác biệt rõ rệt bên trong các cộng đồng
và giữa các cộng đồng với nhau, những khác biệt phản ánh các nguồn gốc xuất
phát khác nhau và những trải nghiệm về di trú trong lịch sử.
Do có
nhiều hình thức khác biệt nhau trong cộng đồng người Hoa ở Đại Việt, cố nhiên
là sẽ có một sự đon giản hóa đáng kể khi nói đến "tộc Trung Hoa" dưới
hình thức tập thể như tôi đang làm ở đây. Việc tôi quyết định sử dụng hình thức
tập thể này là một vấn đề có tính thiết thực, mặc dù nó được biện minh ở một
mức độ nào đó bởi sự ràng buộc của thành viên người Hoa trong thế giới thương
mại cùng những mối quan hệ với một khu vực buôn bán dọc ven biển rộng lớn hơn.
Điều này cũng xuất phát từ sự kiện là các nguồn tư liệu hiếm khi phân biệt một
cách đầy đủ những thành viên khác nhau trong một thành phần rộng lớn hơn. Tuy
nhiên, tôi nhận thấy rằng bên dưới bề mặt của ký hiệu ngôn ngữ chưa hoàn chỉnh
“tộc người Hoa” là những khác biệt rộng lớn và rõ ràng. Nó cần được ghi nhớ
suốt cuộc thảo luận dưới đây, cho dù tôi tiếp tục tin rằng từ chung ấy có một
sự hữu dụng nhất định phản ánh ý thức về sự khác biệt của điều mà người Đàng
Trong vào thế kỷ XVIII nhận thấy hoàn toàn.
IV.2.2. Nhà Tây Sơn và cộng đồng người Hoa
Cho dù
không thể tìm ra động cơ chính xác của việc thương nhân người Hoa ủng hộ cuộc
nổi dậy của nhà Tây Sơn, chúng ta biết rằng những thành viên của nhóm này cung
ứng cả tiền bạc lẫn nhân lực cho phong trào Tây Sơn trong những năm đầu tiên.
Động cơ chính có thể là kinh tế - hi vọng có được những cơ hội buôn bán tốt hơn
và thuế má nhẹ hơn đánh trên hàng nhập khẩu - song cũng có thể có cả những cân
nhắc về chính trị. Thư của một giáo sĩ đã viết rằng “ở xứ Chăm (Quảng Nam),
những kẻ nổi loạn đạt đến thỏa thuận với người Hoa, hứa hẹn rằng nếu họ ủng hộ
việc làm của nhà Tây Sơn để giải thoát người dân khỏi chế độ bạo ngược mà họ
đang phải chịu đựng vào lúc đó, thì Tây Sơn sẽ cử một trong những quan lại của
họ làm vua xứ Đàng Trong"*. Hoàn toàn không chắc rằng nhà Tây Sơn dự tính nhân
nhượng như thế lúc bấy giờ, nhưng họ có thể sử dụng lời hứa như một chiến thuật
tuyển mộ. Dù với động cơ nào, các thương nhân người Hoa cũng đã thiết lập mối
quan hệ trọng yếu với các lãnh tụ Tây Sơn và các chiến binh người Hoa giữ vai
trò công cụ, và có thể nổi trội trong bốn năm đầu tiên của phong trào.
Sự đóng
góp chủ yếu của người Hoa là dưới dạng nhân lực, với những đạo quân người Hoa
làm gia tăng mạnh mẽ tầm cỡ lực lượng quân sự do nhà Tây Sơn tuyển chọn. Số
lính người Hoa chiến đấu trong hàng ngũ Tây Sơn nhiều đến nỗi vào năm 1775, một
quan sát viên người châu Âu đã viết rằng đa số lính của quân nổi dậy là người
Hoa. Các đạo quân người Hoa được lãnh đạo bởi hai người nổi tiếng nhất đã ủng
hộ nhà Tây Sơn từ sớm là Tập Đình và Lý Tài, vốn là hai thương nhân ở Hội An.
Khi họ tham gia vào phong trào Tây Sơn vào năm 1773, mỗi người mang theo họ một
đạo quân gồm toàn người Hoa*. Đạo quân của Tập Đình tự đặt tên là Trung Nghĩa
quân, còn đạo quân của Lý Tài là Hòa Nghĩa quân. Có thể rằng những đạo quân này
được hai thương nhân trên huy động bằng cách sử dụng các mối quan hệ với hội
kín hoặc với các phường hội mua bán. Vào cuối thế kỷ XVII, các hội kín nổi lên
ở miền Nam Trung Hoa như những thế lực thương mại và chính trị quan trọng.
Engelbert cho rằng những nhóm này được tổ chức theo ngôn ngữ và đã có mặt ở Hội
An vào cùng thời điểm đó. Vào giữa thế kỷ XVIII, các tổ chức theo kiểu này đã
hình thành tại nhiều nơi ở Đông Nam Á và vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi
tìm thấy những “người anh em” người Hoa xuất hiện ở Đại Việt vài thập niên
sau*. Ngoài ra, chúng ta còn biết rằng người Hoa định cư ở Đại Việt và nhiều
nơi khác ở Đông Nam Á thường sống theo gia đình hay bang nhóm, các cơ cấu trung
tâm của các tổ chức hội kín. Đáng tiếc là có ít chứng cứ về tính cách của những
đạo quân này, hay thành phần của chúng, vì thế chỉ có thể ước đoán khả năng
liên kết của chúng với các hội kín hay các tổ chức tiền thân khác. Mặc dù chúng
ta không biết nhiều về cấu trúc hay thành phần của chúng, song rõ ràng rằng
những đạo quân này có thể được xác minh là thành phần mạnh mẽ nhất của quân Tây
Sơn trong hai năm đầu của cuộc nổi dậy.
Ngay khi
một số người Hoa tiến lên phía trước để hỗ trợ nhà Tây Sơn trong những ngày đầu
tiên của phong trào, những người khác ủng hộ lực lượng đối nghịch của nhà Tây
Sơn. Chẳng hạn như đến cuối năm 1775, một thương nhân người Hoa họ Tất đã tài
trợ cho một cuộc nổi dậy do hai thành viên của dòng họ chúa Nguyễn là Tôn Thất
Quyền và Tôn Thất Xuân lãnh đạo. Hai người này đã xây dựng lực lượng ở Quảng
Nam và nhanh chóng chiếm lấy hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Tình trạng các phe
phái quân sự tranh chấp với nhau sớm gây được sự chú ý của anh em nhà Tây Sơn
và Nguyễn Nhạc đã dành hai tháng chiến đấu với những đạo quân này và cuối cùng
thắng thế khi quân của Quyền và Xuân cạn hết đồ tiếp tế. Gần như cùng lúc đó,
một người Hoa khác là Đỗ Thanh Nhân, đi theo chúa Nguyễn đang lẩn tránh và tiến
về Gia Định, tại đây, ông nhanh chóng tuyển mộ một đạo quân hơn 3.000 người để
chiến đấu cho chúa. Nhân gọi đạo quân của ông là Đông Sơn như một thách thức
trực tiếp với những kẻ nổi dậy ở ấp Tây Sơn*. Quân Đông Sơn còn là một đạo quân
độc lập đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Đỗ Thanh Nhân, nhưng nó tỏ ra quan
trọng đối với sự tồn tại của quân Nguyễn vào những năm cuối thập niên 1770.
Những trường hợp như thế cho thấy rõ rằng việc thừa nhận sự ủng hộ bất biến mà
các thương nhân người Hoa ở dọc theo vùng duyên hải đã dành cho chúa Nguyễn là
không đúng chỗ. Sự phân hóa như thế trong một cộng đồng với thành phần không ổn
định hầu như là một điều khá bất ngờ. Thật vậy, đặc biệt vào những năm đầu tiên
của phong trào, ngay cả những thương nhân đang tìm kiếm sự đổi thay về chính
trị và kinh tế cũng không nhất thiết nhìn thấy nhà Tây Sơn như là tác nhân duy
nhất của sự thay đổi này.
Trong
khi đó, cũng vào năm 1775, liên minh vừa được thiết lập giữa Nguyễn Nhạc với
Tập Đình và Lý Tài cũng bắt đầu rạn nứt. Lý do chính của điều này hình như là
sự đặc biệt tàn bạo của các đạo quân người Hoa đã khiến cho những người dân mà
nhà Tây Sơn đang tìm cách tuyển mộ trở nên xa lánh họ. Theo một số tài liệu,
các đạo quân của Tập Đình và Lý Tài quấy rối người dân và gạ gẫm đàn bà, con
gái. Trong một bức thư viết vào năm 1775, giáo sĩ Pierre-Jacques Halbout viết
rằng “những kẻ nổi loạn...phần lớn là người Hoa và đã phạm vào hàng ngàn chuyện
kinh tởm, chẳng hạn như ăn thịt người, cho rằng món đó ngon hơn các thứ thịt
khác”*. Thư của một giáo sĩ Tây Ban Nha cùng thời kỳ này miêu tả các đạo quân
người Hoa đã có những hành động tàn bạo tệ hại hơn cả quân Tây Sơn và quân của
đối phương gộp lại*. Trên thực tế, trong những ngày đầu tiên của liên minh giữa
Tây Sơn với quân Trịnh, vị chỉ huy phía bắc đã gửi một thư cho Nguyễn Nhạc đặc
biệt yêu cầu Nhạc tìm cách bắt giữ hay sát hại hai tên Tập Đình và Lý Tài “gian
ác”, nhắc nhở rằng tiếng đồn về những việc làm quá đáng của họ đã đến tai chúa
Trịnh. Không rõ liệu những việc làm xấu xa hoặc tham vọng chính trị và quân sự
có khiến cho những viên chỉ huy người Hoa xa lánh Nhạc hay không, nhưng vào một
thời điểm của năm 1775, Nhạc và Lý Tài cùng âm mưu giết Tập Đình. Khi tin tức
đến tai Tập Đình, ông ta chạy về Hoa Nam, tại đây, về sau, ông ta bị sát hại
trong một cuộc nổi dậy khác. Một thời gian ngắn sau, đến phiên Lý Tài, có lẽ
nhìn thấy cơ hội tốt hơn với chúa Nguyễn, hoặc không yên tâm về mối quan hệ
giữa ông ta với Nguyễn Nhạc, đã chạy về phía nam, kết hợp với kẻ thù trước đây
của ông ta. Với đạo quân hùng mạnh của mình, trong nhiều năm liền, ông ta chi
phối việc bổ nhiệm các chức vụ quan trọng ở Đồng Nai trước khi bị sát hại vào
năm 1777 trong một trận đánh có tính phe phái với một đạo quân khác cũng theo
chúa Nguyễn*.
Ngay khi
mối quan hệ của các lãnh tụ Tây Sơn với các thương nhân người Hoa như Tập Đình
và Lý Tài suy sụp, những căng thẳng khác với cộng đồng người Hoa cũng bắt đầu
phát triển. Có vẻ như những căng thẳng đó phần nào là sự căng thẳng giữa nông
thôn và thành thị biểu lộ trong thời kỳ đầu của phong trào Tây Sơn. Quân nổi
dậy tấn công các đô thị, nơi phần lớn người Hoa sinh sống, bởi vì họ cho rằng
đó là những trung tâm của quyền lực chính trị và kinh tế góp phần tạo nên các
vấn đề xảy ra ở nông thôn. Thành thị cũng được nhắm đến do những của cải cất
giữ ở đó, những của cải được dùng để xoa dịu quân nổi dậy và những người ủng hộ
họ ở nông thôn, cho dù sự cướp phá các đô thị khiến người dân thành thị xa lánh
những đạo quân này.
Ngoài ra, quân Tây Sơn không chỉ đơn thuần cướp phá các trung tâm đô thị, mà hình như họ còn tấn công trực tiếp các người Hoa sống ở đó. Người ta kể rằng quân Tây Sơn đã tàn sát những người Hoa sống ở các thành phố cảng duyên hải Đà Nẵng và Hội An vào giữa thập niên 1770, một giáo sĩ Tây Ban Nha đã viết rằng: “một số người Hoa xách gươm chạy, một số khác, trong lúc chạy, đã nhảy xuống dòng sông chảy gần thành phố"*. Năm 1782, khi quân Tây Sơn đi vào Chân Lạp, “họ chạy đi tìm những người Hoa đã trốn khỏi Đàng Trong và tiêu diệt những người này mà không vì lý do gì ngoài lý do họ theo phe chúa Nguyễn" Cuối mùa xuân năm đó, mối quan hệ giữa Tây Sơn và cộng đồng người Hoa sống ở Đàng Trong rơi xuống điểm thấp nhất khi quân nổi dậy tàn sát một khối lượng lớn người Hoa ở Sài Gòn.
Theo
nhiều bản tường thuật, quân Tây Sơn cướp bóc và đốt cháy cửa hàng, tàu bè của
thương nhân người Hoa và giết những người Hoa sống trong thành phố, với những
con số người chết ước tính từ 4.000 đến 20.000*. Bộ Đại Nam thục lục ghi nhận
sự kiện này như sau: “Nhạc lập tức sai bắt hết người Thanh hơn một vạn người ở
Gia Định, không kể là lính, là dân hay là người buôn bán, đều giết hết mà quăng
xác đầy sông. Hơn một tháng trời, không ai dám ăn tôm cá và uống nước sông”, về
nhận xét này, Trịnh Hoài Đức bổ sung trong Gia Định thành thông chí: “Tất cả
hàng hóa buôn bán như vải muslin, lụa, trà, thuốc, dầu thơm, và giấy bị tịch
thu từ nhà của người Hoa, bị vứt hết ra ngoài đường và không ai dám nhặt lên”.
Có một
cuộc tranh luận quan trọng về lý do quân Tây Sơn tiến hành cuộc tấn công ghê
gớm này và việc cướp bóc tiếp sau đó. Các nguồn tư liệu Việt Nam thế kỷ XIX
(trong đó có bộ Đại Nam thực lục) có viết rằng một trong những tướng* thân cận
của Nguyễn Nhạc đã bị đạo quân Hòa Nghĩa của Lý Tài sát hại và việc tàn sát
người Hoa là hành động trả thù cho cái chết đó. Có thể rằng cuộc tấn công được
thúc đẩy bởi lý do tài chánh, một nỗ lực tiêu hủy sự độc quyền thương mại mà
người Hoa đã tạo lập ở thành phố này. Ý tưởng cho rằng cuộc tấn công được thúc
đẩy bởi động cơ thương mại được nhiều nguồn tài liệu khác tán đồng, chúng ghi
rõ chẳng những người Hoa, mà thương nhân Bồ Đào Nha cũng bị sát hại và hàng hóa
bị cướp bóc. Việc cướp bóc vật sở hữu trong nhà cửa, tàu thuyền của người Hoa
đã chứng minh cho sự giải thích này. Như các tác giả Nguyễn Thế Anh và Choi
Byung Wook đã lập luận một cách thuyết phục, có thể mối ác cảm của nhà Tây Sơn
đối với cộng đồng người Hoa tăng cao do sự ủng hộ của những người này dành cho
chúa Nguyễn. Hành động của nhà Tây Sơn được thúc đẩy bởi sự kết hợp của những
yếu tố này, lấy sự trả thù làm cái cớ cho cuộc tấn công. Dù với lý do nào, cuộc
thảm sát là một biến động rất ít được các sử gia Việt theo chủ nghĩa Quốc gia
hay Mác-xít đề cập đến trong tác phẩm của họ viết về phong trào Tây Sơn, vì
điều này làm phức tạp cho việc họ miêu tả nhà Tây Sơn như là những lãnh tụ nhân
từ của một phong trào hài hòa về mặt đạo đức.*
Cho dù
có những khó khăn trong quan hệ giữa nhà Tây Sơn với người Hoa phản ánh trong
vụ thảm sát năm 1782, phong trào này không phải lúc nào cũng tỏ ra thù nghịch
với cộng đồng người Hoa, không phải sự căm ghét của Tây Sơn biểu lộ với tất cả
người Hoa, Một năm sau vụ thảm sát tại Sài Gòn, các tàu buôn của người Hoa lại
cập cảng ở đây để buôn bán. Hơn nữa, binh sĩ người Hoa vẫn tiếp tục hiện diện
trong hàng ngũ quân Tây Sơn cho đến năm 1790, và như chúng ta sẽ thấy, nhà Tây
Sơn vẫn duy trì quan hệ thân thiện với hải tặc Trung Hoa ở vùng ven biển, vốn là
nền tảng của chiến lược quân sự của họ cho đến những ngày cuối cùng của triều
đại Tây Sơn. Điều này cho thấy rằng các lãnh tụ Tây Sơn không tiếp tục theo
đuổi một chính sách kiên định chống người Hoa và cũng nhấn mạnh quan điểm cho
rằng hành động của họ cuối cùng là sự biểu lộ những phản ứng theo thời cơ tùy
vào từng hoàn cảnh hơn là sự thực hiện một cách thận trọng một kế hoạch hành
động chính trị hay xã hội đặc biệt nào. Thật vậy, trong một nghiên cứu tỉ mỉ về
người Hoa ở Đại Việt, Thomas Engelbert đã phát biểu một cách hợp lý rằng nhà
Tây Sơn tấn công bất cứ ai mà họ coi là kẻ thù và cuộc thảm sát ở Sài Gòn không
tiêu biểu một đường hướng chống người Hoa đặc biệt nào trong phong trào của họ.
Tuy
nhiên, vụ tấn công trên phản ánh nỗi khó khăn chung của các lãnh tụ Tây Sơn
trong việc nhờ cộng đồng người Hoa ủng hộ cuộc tuyển mộ người ở Đàng Trong. Mặc
dù lúc đầu đạo quân nổi dậy có thể tìm được sự ủng hộ của cộng đồng người Hoa
sống trong khu vực ven biển Nam-Trung hay miền Trung, họ không thể chuyển sự
ủng hộ thành một liên minh thân Tây Sơn hoạt động rộng rãi và lâu bền hơn, trải
dài đến những khu vực dân cư sống ở xa hơn về phía nam. Quân Tây Sơn nỗ lực
liên tục nhằm thiết lập sự kiểm soát chính trị vững chắc trong khu vực nơi các
chúa Nguyễn đã thành lập triều đình lưu vong của họ sau khi buộc phải rời khỏi
Phú Xuân vào năm 1774. Trong cuộc chiến sau đó, như chúng ta đã thấy, khu vực
phía nam được sang tay liên tục vào khoảng thời gian giữa những năm 1776 và
1787, khi nhà Tây Sơn không bao giờ có thể thiết lập quyền kiểm soát vững chắc
của họ trong một thời gian dài. Cho dù bị buộc phải rời bỏ khu vực tranh chấp
nhiều lần, quân nhà Nguyễn cũng đạt được nhiều thắng lợi trong việc thu phục
lại một vùng Gia Định có giá trị về mặt kinh tế và chiến lược. Hơn thế nữa, họ
có thể tổ chức các lực lượng địa phương trong khu vực này - trong đó có những
thành viên ưu tú của cộng đồng người Hoa - với hiệu quả lớn lao hơn so với nhà
Tây Sơn.
Có nhiều
lý do giải thích tại sao chúa Nguyễn có thể tìm được sự ủng hộ kiên định của
cộng đồng người Hoa trong lúc nhà Tây Sơn cũng phấn đấu thực hiện điều này.
Trước tiên, các chúa Nguyễn đã vào đến vùng Gia Định gần 18 tháng trước khi
những đạo quân Tây Sơn đầu tiên đến đây và họ nắm lấy cơ hội quảng bá lời cam
kết và tuyên bố về quyền lực của họ. Họ có thể đề cập một cách có hiệu quả đến
tính hợp pháp của họ và chứng tỏ một quyền hành được người dân địa phương hưởng
ứng. Một lý do giải thích việc nhà Tây Sơn không có khả năng củng cố sự kiểm
soát của họ trong vùng này được nêu ra trong một kiến nghị do Trương Văn Hiến,
người thầy và người cố vấn cho vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, gửi đến ông ta:
Gia Định
ở xa Phú Xuân, nhân dân chưa bị khổ sở về nạn Trương Phúc Loan, nên không căm
thù nhà Nguyễn như người miền Trung. Quân ta vào đánh quân nhà Nguyễn, nhân dân
miền Nam coi là cuộc tranh giành quyền vị với nhau, chớ không phải để giải
phóng họ. Bởi vậy, bên nào mạnh, được thì họ theo, theo trong nhất thời. Rồi ai
được, ai thua, họ bàng quan tọa thị. Do đó, quân ta cứ lấy được Gia Định, rồi lại
mất... Muốn giữ đất được lâu bền, thì phải làm thế nào chiếm cho được lòng dân,
nhất là lòng của kẻ sĩ.
Như tác
giả của kiến nghị này nêu rõ, các lãnh tụ Tây Sơn đã không đánh giá đúng mức
tình hình trong vùng cùng những gì đã diễn ra dưới nhà Nguyễn, nên hoàn toàn
không để tâm đến những gì ở khu vực nam-trung quanh Qui Nhơn. Ngoài ra, điều
này cho thấy rõ tình trạng tương đối ngoại cuộc của nhà Tây Sơn ở vùng cực nam,
trong khi quân Nguyễn đến từ vùng chiến trận xa hơn, họ tiêu biểu cho một quyền
lực chính trị với một độ tín nhiệm vững chắc trong vùng.
Sự thành công của quân nhà Nguyễn trong việc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với người Hoa ở khu vực Gia Định có lẽ bắt nguồn từ những hoàn cảnh lịch sự. Mối quan hệ của dòng họ Nguyễn với những cộng đồng này đã diễn ra cách đó hơn một thế kỷ, và có thể ở một mức độ nào đó, sự kiện nhà Nguyễn chấp nhận giúp đỡ những người Minh tị nạn đã góp phần vào việc ủng hộ công cuộc chống Tây Sơn. Cuộc thảm sát người Hoa của Tây Sơn tại Gia Định năm 1782, một phần nhằm trừng phạt việc người Hoa ủng hộ nhà Nguyễn, chỉ tổ đẩy người Hoa đi sâu hơn vào quân ngũ nhà Nguyễn. Cuối cùng, sau khi vĩnh viễn chiếm lại Gia Định năm 1788, Nguyễn Ánh tiến thêm những bước hợp nhất người Hoa vào trong cơ cấu chính trị và quân sự của ông, củng cố vững chắc hơn sự ủng hộ ông trong cộng đồng này. Do đó, cho dù nhà Tây Sơn hình như có được sự ủng hộ ngay từ đầu của những thương nhân hoạt động ven biển và những người theo họ, chính nhà Nguyễn mới là những người có thể thiết lập mối quan hệ lâu bền hơn với cộng đồng rất quan trọng này.
Hình 9:
Tháp Chăm ở Chà Bàn. Nằm trên một ngọn đồi ngay giữa trung tâm chính trị của
nhà Tây Sơn, đây là một trong nhiều những ngọn tháp ở vùng duyên hải nam-trung,
nơi khởi đầu cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn.(Ảnh của tác giả.)
IV.2.3.
Nhà Tây Sơn và người Chăm
Trong
lúc người Hoa là nhóm sắc tộc nổi bật nhất có dính dáng đến cuộc nổi dậy của
anh em Tây Sơn, thì những nhóm sắc tộc khác như người Chăm và những người sống
ở vùng cao cũng giữ những vai trò quan trọng. Như đã chỉ rõ ở Chương II, các
lãnh tụ Tây Sơn đã dựa vào cộng đồng người Chăm trong những ngày đầu của cuộc
nổi dậy, để tìm cả sự ủng hộ về quân sự lẫn sự hỗ trợ trừu tượng hơn về các dấu
hiệu và biểu tượng. Việc Tây Sơn dựa vào người Chăm phát xuất từ sự gần nhau
giữa nơi nổi dậy với lãnh thổ của các vua Chăm ngày xưa. Ngoài ra, bằng cách
xui cho bà công chúa Chăm Thị Hỏa tham gia vào phong trào của họ, các lãnh tụ
Tây Sơn có thể đưa một số lượng đáng kể người Chăm vào quân đội của họ. Với
người Chăm, nhà Tây Sơn có thể tạo cơ hội cho việc phục hồi một phần sức mạnh
chính trị cũ của họ, trong khi với nhà Tây Sơn, người Chăm và các trung tâm
chính trị bán tự trị của họ hình thành một vị trí khác của quyền lực chính trị
trong cuộc chiến đấu của họ chống lại nhà Nguyễn. Quyết định của Nguyễn Nhạc sử
dụng cố đô Vijaya* làm trung tâm chính trị đã phản ánh rõ logic này.
Sự chiếm
hữu Vijaya làm kinh đô chính trị cũng như việc Nhạc tịch thu biểu chương của
hoàng gia Chăm vào một thời điểm giữa thập niên 1780 cho thấy rằng nhà lãnh đạo
Tây Sơn có khuynh hướng lợi dụng người Chăm hơn là phục vụ các lợi ích của họ.
Dù vậy, vị vương công Chăm đã bị lãnh đạo cuộc nổi dậy thu lấy biểu chương lại
trở thành một liên minh chính trị quan trọng của nhà Tây Sơn. ông ta tham gia
cuộc nổi dậy vào khoảng giữa thập niên 1780 và phục vụ cho mục tiêu của nhà Tây
Sơn trong gần một thập kỷ, cho đến khi qua đời vào năm 1794. về sau các sử gia
chép rằng Chưởng cơ trấn Thuận Thành tên Tá được nhà Nguyễn công nhận như một
nhân vật trung tâm quan trọng ở vùng Qui Nhơn, họ liên tục nỗ lực lôi kéo ông
ta về phía mình. Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả những nỗ lực đó không lâu
sau khi Nguyễn Ánh quay về Gia Định: “Năm Mậu Thân (1788), Thế tổ Cao Hoàng đế
thu phục Gia Định, nhiều lần dụ bảo, Tá sự tội không dám ra, quân ta đi qua đất
ấy nhiều lần bị hại”.
Sự thách
thức của Tá có lẽ phản ánh sức mạnh quân sự liên tục của nhà Tây Sơn vào cuối
thập niên 1780, đầu thập niên 1790, cho dù các nỗ lực thuyết phục những người
Chăm ủng hộ họ cho thấy quyết tâm của họ trong việc đánh phá những liên minh
của nhà Tây Sơn.
Khi
quyền kiểm soát lãnh thổ của Nguyễn Nhạc suy yếu dần trước sức mạnh ngày càng
gia tăng và sự kiểm soát đất đai ngày càng rộng lớn của quân Nguyễn, các lãnh
đạo nhà Tây Sơn trì hoãn sự sụp đổ của lãnh thổ Chăm. Năm 1790, có dấu hiệu cho
thấy những nhân vật chính trị quan trọng của người Chăm bắt đầu hướng sự ủng hộ
của họ vào chúa Nguyễn. Năm 1793, khi quân Nguyễn chiếm lại Bình Thuận, một thị
trấn ven biển ở phía nam Nha Trang, một lãnh đạo người Chăm đã dẫn quân của ông
ta kết hợp với quân Nguyễn tấn công quân Tây Sơn, để đổi lấy việc chúa Nguyễn
công nhận quyền uy của ông ta đối với cư dân Chăm ở địa phương*. Một thư giáo
sĩ viết vào năm 1793 đề cập đến tình hình phía nam cũng viết rằng các đạo quân
Chăm đã chuyển lòng trung thành của họ sang chúa Nguyễn và đã nổi dậy chống nhà
Tây Sơn. Cuối cùng, vương công Chăm tên Tá không chống lại nổi với sự đổi thay
này và đã bị một tù trưởng phản bội vào năm 1794, như sách Đại Nam nhất thống
chí đã miêu tả:
"Năm
Giáp Dần (1794), Tù trưởng Thuận Thành là Nguyễn Văn Hào dẫn đường cho quân
đuổi bắt, Tá bị giết. Bèn bỏ hiệu Thuận Thành vương, cho Hào làm Chưởng cơ lãnh
Chánh trấn Thuận Thành; Nguyễn Văn Chấn cũng được chức Chưởng cơ làm phó, giao
cho chiêu tập nhân dân, hàng năm nộp thuế; lệ vào dinh Bình Thuận”.
Như tài
liệu này đã ghi, nhà Tây Sơn đã tương tranh với nhà Nguyễn để tranh thủ lòng
trung thành của cộng đồng ngươi Chăm. Nó cũng minh họa sự xung đột về lòng
trung thành trong cộng đồng người Chăm rộng lớn. Mặc dù sử nhà Nguyễn mô tả Hào
là "tù trưởng”, những chỉ dấu khác cho thấy rằng, cũng như Nguyễn Văn
Chấn, ông là một người Chăm (tên Chăm của họ được sử nhà Nguyễn ghi là Thôn ba
hú và Bô kha đáo). Cả hai hỗ trợ nhà Nguyễn cũng như nhiều người Chăm khác, tất
cả đều được thưởng công bằng việc ban chức tước và giao cho các trọng trách
quân sự*.
IV.2.4. Tây Sơn và người Khmer
Một cộng
đồng sắc tộc nổi bật khác ở phía nam có liên quan đến cuộc chiến của nhà Tây
Sơn là người Khmer. Vùng Gia Định là nơi xung đột nặng nề trong cuộc chiến, đặc
biệt vào thập niên 1770 và đầu thập niên 1780, từng là nơi mở rộng của đế quốc
Khmer và chỉ đặt dưới sự kiểm soát của nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ XVIII. Dù
quyền lực chính trị của nhà Nguyễn có mở rộng ở khu vực này, vẫn còn nhiều
người Khmer sống ở nhiều nơi trong cùng châu thổ sông Mekong, về hướng lãnh thổ
của vương quốc Chân Lạp. Trong thế kỷ XVIII, cả người Khmer sống trên lãnh thổ
do người Việt kiểm soát và người Khmer sống trên vương quốc Chân Lạp ngày càng
dính líu nhiều vào các vấn đề của người Việt. Sự dính líu này gia tăng trong
thời đại Tây Sơn. Vào thập niên 1770 và đầu thập niên 1780, cả quân đội nhà
Nguyễn lẫn nhà Tây Sơn đều từng đi vào lãnh thổ Chân Lạp, dính líu vào các cuộc
chuyển đổi ngai vàng ở Oudong. Xa hơn nữa, người Khmer ở cả hai vùng biên giới
được tuyển mộ vào quân đội của cả hai phía, đôi khi bằng vũ lực. Như học giả
Khmer Khin Sok đã kể lại trong một câu chuyện về xứ sở Chân Lạp từ thế kỷ XVII
đến thế kỷ XIX: “Trong 10 năm - từ năm 1783 đến năm 1794 - Chân Lạp là bãi
chiến trường giữa người Xiêm và người Việt; người Khmer bị cả hai bên bắt đi
lính và tiếp tục hứng chịu các cuộc tàn sát, hủy hoại và tàn phá”.
Nhà Tây
Sơn đã có tham vọng chiếm lãnh thổ Chân Lạp từ ít nhất là vào năm 1778, khi
Nguyễn Nhạc giãi bày tham vọng quân sự dài ngày của ông ta với Charles Chapman,
trong dịp người Anh này đến thăm kinh đô của nhà Tây Sơn. Vì thế, cuộc xâm lấn
Chân Lạp của quân Tây Sơn vào năm 1782 tiêu biểu cho nỗ lực hoàn thành mục tiêu
này. Trong lúc quân nổi dậy không thể (hay chọn cách không thể) chiếm giữ một
lãnh thổ nào của người Khmer ngay tiếp sau cuộc xâm lấn này, họ đã chấp nhận sự
đầu hàng của một số đạo quân Chân Lạp và có thể những lực lượng này đã tham gia
vào hàng ngũ Tây Sơn. Cũng có thể rằng nhà Tây Sơn bắt giữ thường dân Khmer để
gia tăng quân số của họ, vì con người có giá trị đối với các lãnh đạo Tây Sơn
hơn là lãnh thổ Chân Lạp tương đối xa đối với họ. Không lâu sau khi rút khỏi
Chân Lạp, anh em Tây Sơn được sự hỗ trợ thêm của một trong những người Khmer
đang giành lấy ngai vàng. Ông hoàng này được sử biên niên nhà Nguyễn gọi tên là
Tèn, bị buộc phải trốn khỏi kinh đô Chân Lạp ở Oudong, cuối cùng chạy về Gia
Định, tại đây ông ta được sự che chở của viên trấn thủ Tây Sơn.
Suốt
thời gian còn lại của thập niên 1780, binh lính và các cộng đồng người Khmer
tiếp tục về phe của nhà Tây Sơn trong cuộc tranh chấp với nhà Nguyễn. Tuy
nhiên, khi Nguyễn Ánh từ Vọng Các (Bangkok) trở về (Gia Định) vào năm 1787,
động lực khiến người Khmer dính líu vào cuộc chiến đã thay đổi. Khi quân Nguyễn
tiến vào Sài Gòn, Nguyễn Lữ bị buộc phải rút chạy về Qui Nhơn, và điều này đánh
dấu sự kết thúc của bất cứ sự tồn tại nào của nhà Tây Sơn tại vùng đất cực nam.
Dù vậy, một số ít người Khmer vẫn tiếp tục ủng hộ quân Tây Sơn còn ở lại vùng
châu thổ sông Mekong*. Đầu năm 1788, một người Khmer tên ốc Nha Long* tiếp xúc với
quân Tây Sơn, mang theo một số ít thuyền. Ông ta chiến-đấu với quân Nguyễn ở
Cần Thơ nhưng thua trận. Sách Đại Nam thực lục viết về một người Khmer khác ở
vùng sông Mekong là ốc Nha ốc, cũng liên minh với nhà Tây Sơn trong cùng năm
1788. Ông ta được phân nhiệm bảo vệ các vùng chiến thuật Trà Vinh và Mân Thít
nằm ở các cửa sông Mekong. Tuy nhiên, sau cái chết của người chỉ huy Tây Sơn
của ông ta, Ốc Nha Ốc buộc phải chạy về vùng cần Thơ, nơi cuối cùng ông ta bị
bắt và bị giết bởi quân Nguyễn. Cái chết của Ốc đánh dấu sự kết thúc mối quan
hệ giữa nhà Tây Sơn với người Khmer tại vùng Gia Định, về sau, nhà Nguyễn tìm
cách thiết lập liên minh với người Khmer trong vùng - hoặc ít nhất để đảm bảo
rằng họ không tạo ra những vấn đề phải giải quyết trên cơ sở chính trị mới được
thiết lập ở Gia Định*.
IV.2.5. Nhà Tây Sơn và các bộ tộc vùng cao
Dân bản
địa sống ở các khu vực cao nguyên cũng bị lôi cuốn vào những cuộc chiến của nhà
Tây Sơn. Những nhóm này đã có các mối quan hệ lâu dài với người Việt ở đồng
bằng, qua hình thức buôn bán thường xuyên và những trận chiến thỉnh thoảng xảy
ra. Tần suất của sự tiếp xúc gia tăng vào các thế kỷ XVII và XVIII*. Trong
những ngày đầu làm nghề bán trầu cau, Nguyễn Nhạc đã mở rộng mối quan hệ với
nhiều nhóm sắc tộc trong vùng cao nguyên ở phía tây ấp Tây Sơn. Khi anh em Tây
Sơn thiết lập căn cứ đầu tiên trên cao nguyên An Khê, những mối quan hệ đang
tồn tại ấy tỏ ra hữu ích cho việc lôi cuốn người theo và có được tiềm lực kinh
tế và quân sự. Với việc sử dụng vùng đó làm căn cứ, lúc ban đầu, cuộc nổi dậy
của nhà Tây Sơn dựa nhiều vào những nhóm người sống trên vùng cao nguyên.
Không chỉ đơn thuần là sự gần gũi, mà còn có cả sự ác cảm đối với nhà Nguyễn đã khiến người vùng cao ủng hộ nhà Tây Sơn. Như đã đề cập ở Chương I, gánh nặng thuế khóa ngày càng tăng đối với người dân vùng cao là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thù nghịch của họ đối với chế độ nhà Nguyễn. Sự căng thẳng này dẫn tới nhiều cuộc nổi dậy và tấn công cộng đồng dân cư vùng đồng bằng bắt đầu vào thập niên 1750. Khi quân Tây Sơn mở chiến dịch chống lại quân Nguyễn, các nhóm người vùng cao thiết lập các liên minh với quân nổi dậy, đặc biệt nhằm đóng góp kinh nghiệm của họ vào việc tấn công các vị trí của quân Nguyễn. Những nhóm người vùng cao, như người Bahnar, là một nhân tố quan trọng của đạo quân Tây Sơn suốt thập niên 1770, một vị trí mà họ không từ bỏ khi anh em Tây Sơn mở cuộc tấn công Đàng Ngoài năm 1786. Bình luận về việc các bộ tộc khác nhau tham gia vào quân nổi dậy khi đạo quân này xâm nhập miền Bắc vào năm đó, một người Pháp cho biết là các bộ tộc đó gồm có “người Mường, người Man-di và những người mọi rợ khác đến từ Cao Miên (Campuchia), Cambien* và Xiêm, V. V... ”*.
Nhận xét
này làm lộ rõ tính cách rất pha tạp của quân Tây Sơn và sự hiện diện liên tục
của người vùng cao, và qua thời gian, những người này được tiếp cận bởi binh
lính đến từ các vùng biên giới của Đại Việt.
Cũng như
với người Hoa, quân Tây Sơn không thể coi sự ủng hộ của người vùng cao là lẽ
đương nhiên. Thay vào đó, hầu như ngay từ lúc đầu, họ bị buộc phải chiến đấu
với quân Nguyễn, và thậm chí với cả những đội quân độc lập hỗ trợ đạo quân này.
Mặc dù quân nổi dậy đạt được thành công trong việc tuyển mộ người vùng cao đứng
về phía họ trong những năm đầu của cuộc nổi dậy, cuộc tuyển mộ này cũng đứng
trước những thách thức khi những đội quân độc lập khác nổi lên trong đám người
trên. Đáng lưu ý nhất trong những nhóm này là đội quân do Châu Văn Tiếp* tuyển
mộ. Cũng như Nhạc, Tiếp từng là một nhà buôn có mối liên lạc với người vùng cao
và theo sách Đại Nam liệt truyện, Tiếp có quen biết với Nhạc trước khi cuộc nổi
dậy xảy ra. Tiếp và người anh của ông lợi dụng mối liên hệ có sẵn để tuyển mộ
quân gồm những người vùng cao sống bên trong phủ Phú Yên vào những năm đầu của
cuộc xung đột với quân Tây Sơn. Đạo quân này lên đến hơn 1.000 binh lính. Như
tác giả Choi đã nêu, đạo quân do Châu Văn Tiếp lập nên hoạt động có hiệu quả
như một lực lượng độc lập suốt phần lớn thập niên 1770. Xét chung, nó ủng hộ
mục tiêu của chúa Nguyễn, nhưng có những thời điểm nó sát cánh cùng quân Tây
Sơn vì lý do chiến lược, đặc biệt là trước năm 1776, khi nhà Tây Sơn còn tuyên
bố chiến đấu nhân danh nhà Nguyễn. Sự hiện diện của đạo quân người vùng cao của
Tiếp cho thấy rõ một điều là mặc dù nhà Tây Sơn có những tiềm năng đáng kể
trong việc tuyển mộ những người này do họ căm hận việc nhà Nguyễn xâm phạm
quyền tự trị của họ, song sự thù nghịch này không nhất thiết đảm bảo việc họ ủng
hộ nhà Tây Sơn.
IV. 3. NHỮNG KẺ LANG THANG, TRỘM CƯỚP VÀ HẢI
TẶC TRONG CUỘC NỔI DẬY CỦA NHÀ TÂY SƠN
Chúng
tôi bị quấy phá bởi bọn trộm cướp và hải tặc, chúng cướp bóc và tàn phá tất cả.
Cái tổng nơi tôi cư ngụ, ở ngõ vào đất Chân Lạp, bị chúng tràn vào quấy phá.
Pierre-Marie
Le Labousse*.
Ngay lúc
người Việt Cơ Đốc giáo và những nhóm sắc tộc không phải là người Kinh giữ một
vai trò quan trọng trong thời kỳ Tây Sơn, những nhóm khác sống bên lề xã hội
cũng thế, không ai tạo được nhiều ấn tượng hơn những kẻ lang thang, những băng
cướp và đám hải tặc. Mặc dù phần lớn các tài liệu của nhà Tây Sơn không nói tới
sự hiện diện và vai trò của những nhân tố như thế, một cuộc khảo sát tỉ mỉ hơn
các sử liệu và đặc biệt là các chứng cứ do các nhà quan sát người Âu đưa ra cho
thấy rằng các nhóm sống bên lề xã hội này giữ những vai trò quan trọng trong
quân đội Tây Sơn. Khi bản thân các nhà lãnh đạo Tây Sơn nuôi khát vọng chính
trị vượt lên trên nghề ăn cướp đơn thuần, phong trào của họ thường được mở rộng
một cách đột ngột bởi có sự tham gia của các băng cướp. Có vẻ như nhà Tây Sơn
đã chấp nhận, và thậm chí có lúc chào đón, sự tham gia của những phần tử ngoài
vòng pháp luật như thế, vì gần như lúc nào họ cũng cần bổ sung binh lính. Cho
dù việc liên kết với các băng cướp có thể làm tổn hại mối quan hệ giữa họ với
giới nông dân, cũng có nhiều trường hợp các lãnh tụ Tây Sơn nhìn thấy lợi ích
của những mối quan hệ như thế vượt quá cái giá họ phải trả.
IV.3.1. Chuyện sống lang thang và cướp bóc ở
Đại Việt cuối thế kỷ XVIII
Các băng
cướp lan rộng vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XVIII có mối liên hệ
trực tiếp với hiện tượng “du thủ du thực” - là hành vi của người dân rời xa
nông trại và nhà cửa của họ. Nhiều người dân Việt đã ra đi vào thời kỳ này, tẹo
nên sự bất an và bất ổn. Hậu quả của nạn đói và việc nhà nước không có khả năng
phản ứng một cách thỏa đáng với những cuộc khủng hoảng như thế đã góp phần rất
lớn vào vấn đề người dân sống lang thang ở khu vực nông thôn, khích động những
cuộc nổi dậy trên diện rộng của người nông dân Đàng Ngoài từ thập niên 1720 đến
thập niên 1760. Mặc dù những cuộc nổi dậy này đã bị ngăn chặn vào cuối thập
niên 1760, vấn đề sống lang thang của người dân không dễ dàng được giải quyết
như thế. Năm 1780, một quan chức khả kính của triều đình là Ngô Thì Sĩ đã tiến
hành một cuộc điều tra ở vùng đất phía bắc và vẫn còn nêu lên những vấn đề trên
diện rộng. Ông cho biết rằng trong 9.700 ngôi làng ở vùng châu thổ sống Hồng,
đã có hơn 1.000 nhà bị bỏ hoang hoặc không thể nộp thuế nổi. Ở Thanh Hóa, trên 20%
các ngôi làng cũng ở trong tình trạng trên; ở Nghệ An, tỷ lệ đó là 16%1. Nạn
đói nghiêm trọng và lụt lội vào đầu và giữa thập niên 1780 chỉ làm cho vấn đề
càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Những
người thường xuyên di chuyển thường đi ngược lại quyền lợi của một nước sống về
nông nghiệp. Những nước này muốn cư dân của họ sống trong làng mạc, nơi họ có
thể được đếm số, đánh thuế, là đối tượng của những dự án lao động quốc gia và
được giám sát. Một khi người dân rời bỏ làng mạc của họ, họ không còn sản xuất
được nữa và đồng thời họ trở thành nguồn nhân lực (nam, đôi khi cả nữ) cho các
nhóm, như trộm cướp, hoạt động bên lề xã hội. Vì thế sự lang thang và sự trộm
cướp kích động lẫn nhau, tạo ra một vòng quay khiến chính quyền càng ngày càng
khó phá vỡ. Như Michael Adas đã nhận xét:
“Mặc dù
nhiều băng cướp gồm những tên tội phạm chuyên nghiệp, vài người trong số họ
thừa hưởng cách sống từ cha ông họ khi đi buôn bán, một số khác trở thành cướp
do muốn thoát khỏi những khó khăn của đời sống nông dân... Ở Java và Miến Điện,
cũng như ở Trung Hoa và Đại Việt, sự phát triển của các băng cướp vượt qua giới
hạn thông thường là một trong những dấu hiệu chủ yếu về một triều đại lúc suy
tàn. Người nông dân lánh nạn hạn hán, đói kém và thuế má nặng nề thường tham
gia những băng cướp có tổ chức”.
Tương tự
như thế, Masaya Shiraishi đã viết: “sử biên niên của triều đình thường mô tả
trong cùng một đoạn cả hai hiện tượng về việc người dân bỏ đi khỏi làng mạc của
họ và sự lan tràn của nạn trộm cướp. Việc người dân bỏ đi là hậu quả của nạn
nghèo đói chung ở xã hội nông thôn, và cũng đồng thời nó cung ứng một nguồn dự
trữ nạn trộm cướp"*. Mặc dù cuộc nghiên cứu của Shiraishi tập trung vào
một sự kiện sau thời kỳ Tây Sơn, những trường hợp tương tự vào cuối thế kỷ khá
rõ ràng. Có thể tình trạng người dân bỏ đi và xiêu tán còn gay gắt hơn vào thời
kỳ trước đó.
Như
Shiraishi đã viết, những kè sống ngoài vòng pháp luật và trộm cướp luôn là nét
đặc trưng của khung cảnh tiền thực dân ở Đại Việt, và điều không có gì đáng
ngạc nhiên là những nhóm như thế sinh sôi nảy nở ở những vùng mà sự kiểm soát
của chính quyền yếu kém nhất, trong đó bao gồm khu vực duyên hải nam-trung, nơi
nhà Tây Sơn nổi dậy. Giặc cướp là một hiện tượng phức tạp đối với người dân
nông thôn. Chúng rõ ràng đã tạo ra một gánh nặng cho những người dân bị cướp
bóc, trong khi chúng tiêu biểu cho con đường dẫn đến sự tồn tại về mặt kinh tế
cho những người tiến hành các cuộc tấn công. Vì thế, Shiraishi đã lập luận:
"Mối quan hệ của dân làng (và đặc biệt hơn nữa là những viên chức ở làng)
và các băng cướp, những kẻ trộm cắp, và những kẻ sống lang thang thường mâu
thuẫn nhau, cũng như mối quan hệ giữa chúng với chính quyền cũng mâu thuẫn
nhau. Trong một số trường hợp, dân làng không tiếp xúc và chống lại các băng
cướp, nhưng trong một số trường hợp khác, họ cố gắng thương thảo và sống chung
với chúng. Trong cả hai trường hợp trên, họ có cùng một mục tiêu: tự bảo vệ
mình và tồn tại trong một xã hội đầy biến động”.
Như thế,
đối với một người bình thường, cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, và sự rối loạn
trật tự mà họ gây ra, có thể tạo ra vừa là một cơ hội lớn, vừa là một tai họa
nặng nề. Những ai nhìn thấy đó là cơ hội thường sống trong nguy khốn và coi
việc ngả về bọn giặc cướp là cách tương đối dễ, vào một thời kỳ mà trật tự
chính thức không theo quy tắc tốt đẹp nào. Tuy nhiên, với những người không bị
quyến rũ bởi những cơ hội như thế, sự nổi dậy của nạn trộm cướp có nghĩa là sự
gia tăng tương ứng những hiểm nguy của chính họ. Như một giáo sĩ người Âu đã
nhận xét ngắn gọn vào năm 1786: “Hai phần ba cư dân của vương quốc đã trở thành
giặc cướp và một phần ba còn lại rơi vào nỗi thống khổ lớn lao”.
Giặc
cướp đã là mối quan tâm lớn lao trong những năm đầu của nhà Tây Sơn, với những
cuộc tấn công vào đầu thập niên 1770 làm cho dân làng và người nông dân giảm
sút nghiêm trọng khả năng thực hiện công việc hàng ngày. Ở một vài khu vực giữa
Đàng Trong vào thập niên 1770, các cuộc tấn công của giặc cướp, một số tiến
hành một cách trơ tráo giữa ban ngày, đã diễn ra thường xuyên đến nỗi người
nông dân bị buộc phải bỏ cả việc đồng áng. Viết năm 1775, giáo sĩ Pháp Jean
Labartette kể rằng có rất nhiều băng cướp trong khu vực nơi ông ta sinh sống,
và “mỗi băng cướp thường có từ 30 đến 40 tên, trong số đó, không một người nào
là không sẵn sàng sát hại những người khác”. Cộng đồng cư dân địa phương đôi
khi kết hợp lại trong một cuộc đấu tranh chung chống những băng cướp như thế,
chúng đang lan tràn không chỉ ở Đàng Trong, mà đặc biệt hơn, còn ở Đàng Ngoài.
Một giáo sĩ người Âu mô tả những động lực của cuộc tấn công một ngôi làng của
người Cơ Đốc giáo ở phía bắc vào năm 1785:
“Ngày 8
tháng 3, hai trong số những người hầu của ông ta bị bắt cùng với bốn tín đồ Cơ
Đốc giáo ở một nơi khác trong huyện của ông; bắt họ là một băng cướp đã đốt
cháy nhà thờ, nhà ở của ông và tám ngôi nhà khác; khi những cư dân ở khu này
tìm cách bắt giữ được hai trong số những kẻ bất lương trên, hai ngày sau, đồng
bọn cướp quay lại với nhân số khoảng 400 người, quyết giải cứu các tù nhân;
chúng cướp phá làng mạc, lấy đi gạo, đồ đạc trong nhà, quần áo, súc vật, gia
cầm, và nói chung tất cả những gì mà những người dân nghèo này có thể sở hữu”*.
Việc rắc
rối này cho thấy rõ về sự tàn phá mà những băng cướp đó có thể gây ra cho các
làng mạc và tình trạng bất ổn mà dân làng thường trải qua. Trường hợp này cho
thấy rằng chống lại chúng có thể làm cho vấn đề càng trầm trọng thêm.
IV. 3.2. Các băng cướp và chính quyền thời Tây
Sơn
Sự nổi
dậy của nhiều băng cướp đưa các bộ máy cầm quyền chính trị vào thế tiến thoái
lưỡng nan; họ buộc phải tìm những phương tiện hữu hiệu để khắc phục các hậu quả
dai dẳng của sự việc này, với những phương sách thường là có giới hạn. Đôi khi
chính quyền hành động để tiêu diệt những băng cướp đặc biệt, tùy vào từng
trường hợp và những tội ác chúng gây ra. Những lúc khác, và có lẽ thường xuyên
hơn, chính quyền chọn cách hợp tác với các băng cướp hay những nhóm nổi loạn
thay vì đàn áp chúng. Các chọn lựa này đơn giản hơn, ít tốn kém hơn, và cuối
cùng tỏ ra có hiệu quả hơn trong việc kiềm chế, nếu không giải quyết dứt khoát
được vấn đề. Cách kết nạp tốt nhất những kẻ sống ngoài vòng pháp luật hay những
kẻ nổi loạn thường là tuyển mộ họ vào trong quân đội. Ý tưởng tuyển bọn cướp
vào quân ngũ chính qui có một lịch sử lâu dài và có lẽ tồn tại ở bất cứ nơi nào
có giặc cướp lan tràn. Như Elizaheth Perry đã chỉ ra trong trường hợp người
Hoa: “việc chính quyền tuyển mộ những đầu đảng cướp diễn ra thường xuyên ở
Trung Hoa cổ. ‘Bình định' hoàn toàn bằng địa vị chính thức là chiến thuật phổ
biến của chính quyền khiến cho không ít các đầu đảng cướp coi cái nghề nghiệp
ngoài vòng pháp luật của họ là phương tiện nhanh chóng dẫn đến chốn quan
trường”*.
Chúng ta chỉ cần nhìn vào mối quan hệ giữa nhà Trịnh và nhà Tây Sơn để thấy động lực này đã tác động lên mối quan hệ giữa chính quyền và các băng cướp ở Đại Việt như thế nào. Khi quân Trịnh tấn công Đàng Trong lần đầu vào năm 1774, họ đã lấy lý do triệt hạ những kẻ nổi loạn ấp Tây Sơn, và nhắc đến người anh cả Tây Sơn như là “Biện Nhạc ngông cuồng”*. Tuy nhiên, khi tình thế thay đổi, và quân Trịnh bị sa lầy ở phía nam, những tướng cầm quân của họ đã có một cái nhìn khác về tình hình lúc bấy giờ. Các tướng Trịnh quyết định rằng thay vì tiến hành một chiến dịch sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, cần khôn ngoan đạt đến một sự dàn xếp với quân nổi loạn. Vì thế, như chúng ta đã thấy ở Chương II, các quan chức của họ Trịnh đã đi đến một thỏa hiệp với các lãnh tụ Tây Sơn, đồng ý thu nạp họ vào hàng ngũ quân đội Đàng Ngoài, lúc đầu cử Nguyễn Nhạc làm tướng quân, sau đó là quan trấn thủ với tước Quận công. Bằng mưu chước đơn giản đó, quân Tây Sơn đã từ đạo quân nổi loạn ở Đàng Trong chuyển thành một đạo quân Trịnh. Khi trường hợp này được làm lộ rõ, ranh giới giữa kẻ nổi loạn, kẻ cướp và quan chức chính quyền thường rất mỏng manh, được quyết định tùy vào tình thế hơn là chính sách.
Như ví
dụ về sự tương tác giữa nhà họ Trịnh và nhà Tây Sơn đã chỉ rõ, việc kết nạp các
băng cướp không phải là điều chưa từng được biết đến, và có lẽ cũng không phải
ít xảy ra ở Đại Việt. Năm 1783, tức mấy năm sau khi họ Trịnh chuyển quân Tây
Sơn từ những kẻ nổi loạn thành đạo quân của triều đình, một giáo sĩ sống trên
lãnh thổ của chúa Trịnh đã viết rằng: “tại trấn mà tôi đang ở, nơi có rất đông
tín đồ Cơ Đốc giáo, chúng tôi đã được cử đến một viên trấn thủ mới vốn là đầu
lãnh bọn cướp, người đã cung hiến một nhóm gồm 500 tên cướp, lấy ra từ những
thành phần cặn bã của xã hội, chỉ biết làm mỗi cái việc trộm cướp”.
Trong một trường hợp khác, một giáo sĩ viết rằng một đầu đảng cướp đã tiếp cận với một quan trấn thủ, yêu cầu ban lệnh chính thức bắt giữ một giáo sĩ người Âu đang sống ở địa phương. Khi lệnh chưa ban ra thì sự kiện này cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa viên trấn thủ với đầu đảng cướp. Thật vậy, cùng tài liệu này, bằng những từ ngữ phổ biến hơn, cho rằng: “ở đây ngự trị một lòng tham vô độ làm sản sinh và phát triển không ngừng vô số các băng cướp được khuyến khích bởi sự đảm bảo rằng chúng không bị trừng phạt và thường noi theo gương của những người tự xưng là quan lại”. Hiện tượng này được mô tả trở lại vào năm 1786, trong thời gian quân Tây Sơn tấn công Đàng Ngoài. “Một kẻ phiêu lưu, từng là Vua Trộm cắp, đã được chúa cất nhắc lên hàng quan lại cao cấp, người mà chúa đã cử một người anh (em) của ông sang cùng chỉ huy đạo quân trộm cướp của y, bỗng nhiên biến thành người bảo vệ đất nước”. Kiểu biến hình từ trộm cướp sang “người bảo vệ đất nước” xảy ra rất thường trong thời kỳ Tây Sơn, nêu bật mối quan hệ lâu dài, mâu thuẫn tồn tại giữa nhà nước, làng mạc và giặc cướp ở nông thôn.
Giống
như họ Trịnh, thái độ của các lãnh tụ Tây Sơn đối với các băng cướp được dẫn
dắt chủ yếu bởi mưu mô thủ đoạn. Trong những ngày đầu của cuộc nổi dậy, họ
thường xuyên kêu gọi sự hỗ trợ từ các băng cướp và thiết lập liên minh với
những bọn cướp hoạt động trên vùng cao nguyên, về sau này, có lẽ những liên
minh như thế đã gợi ý cho một quan sát viên người Âu ám chỉ Nguyễn Nhạc như là
“chúa đảng cướp”. Các băng cướp đặc biệt có ích cho nhà Tây Sơn trong những
chiến dịch ban đầu của họ nhằm tịch thu tài sản của lớp người ưu tú về kinh tế
bao gồm những địa chủ giàu có và không được người dân yêu thích. Trong nhiều
trường hợp, những người này là mục tiêu cố hữu của bọn cướp. Một tài liệu có
nêu lên rằng khi cuộc nổi dậy mới bắt đầu, Nhạc đã có 23 hay 24 băng cướp được
sử dụng như cốt lõi của phong hào, trong khi một tài liệu khác đưa ra tên của
hai hùm băng cướp là Nhưng Húy và Tứ Linh, tham gia trong cùng một thời kỳ. Một
truyền thuyết dân gian kể rằng viên tướng nổi tiếng của Tây Sơn là Võ Văn Dũng
từng là một đầu đảng cướp nổi tiếng, do chính sách tàn bạo của Trương Phúc Loan
mà buộc phải bước vào cuộc đời tội phạm trước khi được Nguyễn Huệ tuyển mộ. Mức
độ dính líu của các băng cướp vào những năm đầu của cuộc nổi dậy và hành động
của quân Tây Sơn khiến các nhà quan sát người Âu ghi chép rằng họ khó mà phân
biệt giữa quân Tây Sơn và các báng cướp hoạt động ở Đàng Trong lúc bấy giờ. Có
vẻ như người Việt ở nông thôn cũng có những khó khăn tương tự. Người ta kể rằng
quân Tây Sơn đã phải “tuyên bố rằng họ không phải là giặc cướp”, ám chi rằng sự
xuất hiện hay hành động của họ, hoặc cả hai, thường thì khó phân biệt với hành
động của những người được coi là các băng cướp. Những tài liệu sau này viết về
các vụ cướp phá của quân Tây Sơn cho thấy rằng sự phân biệt giữa đạo quân Tây
Sơn được cho là “công chính” với các đối tác của họ là những băng cướp tỏ ra
khá mơ hồ.
Khi quân
Tây Sơn di chuyển ra Đàng Ngoài, họ cũng thiết lập mối quan hệ với các băng
cướp ở vùng này. Với tính cơ động và tình trạng không chính qui, các băng cướp
và những thành phần khác tương tự trong xã hội Đàng Ngoài có vẻ thích hợp hơn
những người nông dân chuyên về nông nghiệp trong việc tự nguyện gia nhập vào
đạo quân Tây Sơn. Các chiến dịch của nhà Tây Sơn mang đến một cơ hội thu lợi cá
nhân, khiến cho các băng cướp trở thành những ứng cử viên lý tưởng của quân đội
Tây Sơn. Hơn nữa, do các lãnh tụ Tây Sơn, không kể Nguyễn Hữu Chỉnh, không hiểu
biết những thông tin thực tế về khu vực phía bắc, vì thế họ cho là hợp lý khi
kết nạp những phần tử sống ngoài vòng pháp luật, do những kẻ này hiểu biết về
địa thế và các điều kiện của địa phương. Ngay cả Nguyễn Hữu Chỉnh cũng tuyển mộ
một số lượng lớn những kẻ cướp trong quân đội của ông ta. Như một giáo sĩ đã
viết về đạo quân của Chỉnh: “đối với một người dân Đàng Trong, đôi khi người ta
có thể đếm 20 hay 30 tên cướp ở Đàng Ngoài như thế, chúng không bằng lòng với
sự đền bù dành cho chúng, vẫn hành xử theo như tên gọi của chúng, gieo rắc nỗi
kinh hoàng cho người dân để cướp lấy nhiều tiền". Những sự liên kết với
giặc cướp như thế tỏ ra đặc biệt hữu ích đối với các lãnh tụ Tây Sơn khi họ
tiến ra Đàng Ngoài, cho phép họ tiếp xúc với vùng đất có thể khó khăn đối với
họ.
Việc các lãnh tụ Tây Sơn thiếu thông tin chung về Đàng Ngoài, và sự ngây thơ của họ về vấn đề giặc cướp ở đây được tiết lộ trong một bản tường thuật ngắn của sách Hoàng Lê nhất thống chí. Theo chuyện kể này, trên đường đi, Nguyễn Nhạc gặp một nhóm người than thở với ông ta là họ mất hết của cải về tay một băng cướp ở Nghệ An dưới sự chỉ huy của một người nổi tiếng tên Chưởng Tiến. Nhạc hỏi họ về địa điểm của bọn cướp rồi cho quân vào rừng tìm chúng. Không bao lâu sau, quân lính Tây Sơn bị nhử vào rừng và bị bọn cướp phục kích, chúng rút kiếm ra và tuyên bố chúng là những người theo Chưởng Tiến. Chúng xông vào tấn công quân Tây Sơn, giết được nhiều người và buộc những người còn lại phải chạy thoát. Nhạc cảm thấy bị đe dọa nghiêm trọng và về sau quân của ông ta rất sợ phải ngủ trong nhà dân, thích chọn ngủ bên ngoài những ruộng lúa hơn. Trải qua một kinh nghiệm như thế, ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi thấy nhà Tây Sơn tìm đồng minh với các trùm băng cướp hơn là có ý định thách thức chúng ngay trên lãnh địa của chúng.
Mặc dù
các lãnh tụ Tây Sơn chính thức tuyển mộ các băng cướp vào quân đội của họ, lập
liên minh với các nhóm cướp bóc và thậm chí sử dụng cả bọn du côn cho làm quan,
các lãnh tụ quân nổi dậy cũng được cảnh báo rằng việc khuyến khích giặc cướp có
nguy cơ khiến cho nhiều người dân nông thôn xa lánh họ. Đôi lúc nhà Tây Sơn tìm
sự ủng hộ của những người dân thường xuyên sợ hãi các cuộc tấn công của bọn
cướp, nhà Tây Sơn từng bước tiêu diệt bọn cướp thay vì tạo sự dễ dàng cho chúng
hoạt động. Chẳng hạn như vào năm 1776, Nguyễn Nhạc gửi một thư cho cấp chỉ huy
của ông ta là chúa Trịnh, loan báo rằng một trong những ý định của ông ta là
tiêu diệt bọn cướp đang hoạt động trong vùng Quảng Ngãi: “Các băng cướp trong
vùng đó đã chuyển thành nhiều nhóm. Tất cả những người dân ở ba huyện đó đều bị
quấy rối. Khi vừa nghe tin này, tôi lâm thời để quân của mình lại đó để bắt giữ
những tên cướp kia, bởi vì tôi mong muốn người dân được sống trong yên bình”.
Tất nhiên, khó mà xác định được xem nhà lãnh đạo Tây Sơn có thực sự làm theo
sáng kiến này không hoặc là bức thư trên có phản ảnh điều ông ta nghĩ là chúa
Trịnh muốn nghe hay không. Với tư cách là một đại diện về quân sự của chúa
Trịnh, hầu như chắc chắn là ông ta muốn duy trì hòa bình, trong đó có việc tiến
hành những cuộc tấn công để tiêu diệt giặc cướp. Từ đó, chúng ta biết được động
lực giữa những người gìn giữ hòa bình và bọn cướp, rất có thể rằng câu trả lời
của Nhạc đối với vấn đề cướp bóc đơn giản là kết nạp chúng vào trong quân đội
của ông ta.
Mười năm
sau, khi quân Tây Sơn di chuyển ra bắc vào năm 1786, các nhà lãnh đạo của họ
lại tiêu diệt nạn cướp bóc để đánh bóng danh tiếng là những người bảo vệ trật
tự chính trị. Các nhà lãnh đạo Tây Sơn đàn áp giặc cướp, trong đó có việc sử
dụng hình thức công lý chiếu lệ và xử tử bọn cướp (hoặc những người đơn giản
chỉ bị tố cáo là ăn cướp) cũng như những kẻ bị phát hiện đang quấy rối người
dân địa phương. Ấn tín chính thức của các nhà lãnh đạo Tây Sơn phản ánh tính
cao thượng trong sứ mạng của họ: phụng thiên phạt tội (tuân theo lệnh trời
trừng phạt kẻ có tội). Trong lúc từ “tội phạm" khắc trên ấn có lẽ nhằm ám
chỉ trực tiếp chúa Trịnh, cũng có lý khi cho rằng ý niệm này cũng được áp dụng
rộng rãi hơn cho những thành phần khác trong xã hội. Một khi Nguyễn Huệ nắm lấy
quyền hành với danh nghĩa Hoàng đế Quang Trung, việc phục hồi trật tự xét ra có
tính cần kíp hơn bao giờ hết so với việc giải quyết vấn nạn trộm cướp, điều này
phản ánh trong một chỉ dụ năm 1789 của ông kêu gọi người dân quay về làng mạc
và bắt đầu lại việc cày cấy trên vườn ruộng của họ. Trong một nỗ lực xa hơn
nhằm lập lại sự ổn định, vua Quang Trung cũng kêu gọi “mỗi tổng đều có sai một
vệ binh đi tuần thám ban đêm, vì thế mà đạo tặc đều yên, cửa làng khỏi phải
đóng”.
Tuy
nhiên, những chứng cứ còn tồn tại cho thấy rằng các băng cướp thường có thể
thoát ra khỏi những định chế tư pháp còn phôi thai do nhà Tây Sơn thiết lập.
Trong bất cứ trường hợp nào, có vẻ như nhiều quan lại trong chế độ đó coi các
băng cướp là một nguồn lợi tiềm tàng hơn là một tai ách xã hội. Một số người
còn thỏa hiệp với bọn cướp, cho phép chúng tự tung tự tác để đổi lấy việc chia
chác với quan lại địa phương của cải do chúng cướp được. Những người khác thì
bắt giữ bọn cướp, không phải như một toan tính có hệ thống nhằm kiềm chế những
hành động quá đáng của chúng, mà đúng hơn như là một cách moi tiền để đổi lại
việc thả chúng ra. Như một giáo sĩ đã viết vào cuối thập niên 1790:
Tất cả
các quan lại tìm cách làm giàu từ nguồn chi trả của người nghèo. Công lý được
bán dựa vào trọng lượng vàng, với cán cân luôn nghiêng về phía những người có
nhiều tiền nhất. Xứ sở đầy trộm, cướp và những kẻ lêu lổng, và khi các quan lại
có thể bắt giữ chúng, họ luôn luôn nhận tiền để thả chúng, không như những
người nghèo bị hình phạt, còn người giàu không sợ bị cướp hay bị sát hại.
Cách
hành xử này không phải là không giống cách đã áp dụng với người Cơ Đốc giáo,
như chúng ta đã thấy, họ thường bị bắt giữ rồi thả ra để đổi lấy nhiều tiền trả
cho quan chức có vấn đề.
IV.3.3. Quan hệ giữa nhà Tây Sơn và hải tặc
Trung Hoa
Nhà Tây
Sơn dưới triều đại Quang Trung cũng phát triển mối liên minh đáng chú ý với hải
tặc Trung Hoa ở vùng biển Đông. Đám cướp biển này hoạt động từ duyên hải miền
Trung đến vịnh Bắc phần ngày nay và đến tận tỉnh Chiết Giang, trở thành yếu tố
trung tâm trong chiến lược hải quân của Tây Sơn và trong nền kinh tế của chế độ
này giữa những năm 1786 và 1802*. Tác phẩm hay của Dian Murray nhan đề Pirates
of the South China Coast, 1790-1810 (Hải tặc vùng duyên hải Nam Trung Hoa,
1790-1810) đã mô tả với những chi tiết đáng chú ý cách mà chính quyền của vua
Quang Trung đã sử dụng để hợp nhất nhiều nhóm hải tặc trong hàng ngũ quân đội
của ông, và sự thảo luận của chính tôi về vấn đề đã được Murray vẽ ra một cách
bao quát trong công trình nghiên cứu của bà, trong một phạm vi nhỏ bé hơn tác
phẩm của Robert Antony.
Vùng
duyên hải được bảo vệ bao quanh vịnh Bắc phần và trải dài từ Quảng Đông và Macao,
dọc theo bờ biển của Đại Việt, là khu vực lý tưởng của bọn hải tặc. Quan trọng
nhất, đây là vùng có một lượng tàu buôn lớn ra vào - cả tàu của dân địa phương
lẫn một số lượng ngày càng nhiều các tàu buôn châu Âu - với tất cả các loại tàu
có thể nghĩ ra được. Kế đó, địa thế của vùng này rất thích hợp với bọn hải tặc.
Biển nông tương đối yên tĩnh, được che chở bởi một vùng biển sâu hơn nằm bên
ngoài thềm lục địa. Cũng có rất nhiều vịnh và đảo nhỏ được sử dụng làm chỗ trú
ẩn cho những kẻ tìm cách tránh tiếp xúc với chính quyền và để rút lui nhanh
chóng. Thật vậy, những hòn đảo này đôi khi được mệnh danh là "đảo Hải tặc”
trên những bản đồ của người châu Âu vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Sau
năm 1760, khi triều đình nhà Thanh ra lệnh cho mọi hoạt động thương mại của
người châu Âu phải thông qua một cảng duy nhất ở Quảng Đông, cả hai yếu tố này
kết hợp với nhau thành một hành lang tập trung các hoạt động thương mại phù hợp
với những điều kiện tốt nhất cho bọn hải tặc*. Vì thế, vào thời điểm quân Tây Sơn
tiến ra Đàng Ngoài năm 1786, bọn hải tặc đã được tổ chức vững chắc ở vịnh Bắc
phần. Hải tặc Trung Hoa lợi dụng sự che chở của vùng duyên hải Đại Việt ở phía
nam biên giới với Trung Quốc và sử dụng Giang Bình*, trong trấn An Quang* ngay
bên trong biên giới Đại Việt, để làm trung tâm hoạt động của chúng. Nằm trên
một con sông cạn lòng và bị chia cắt với bên trong bởi địa thế hiểm trở, Giang
Bình là nơi rút lui lý tưởng*.
Vùng
duyên hải này, với cư dân sống về nghề biển, rất thích hợp cho việc sản sinh ra
những người sẵn sàng chuyển sang làm cướp biển. Đã có sẵn một cộng đồng người
rộng lớn hoặc sống trên thuyền hoặc dùng thuyền để kiếm sống, điều đó có nghĩa
là việc chuyển sang làm hải tặc - hoặc là một nghề hẳn hoi, hoặc đơn thuần là
một phương cách tạm thời để kiếm thêm thu nhập - là khá đơn giản. Áp lực kinh
tế ở vùng này khá nặng nề, và nhiều người, trong đó có ngư dân sống bên bờ vực
của cái chết. Như Murray đã chỉ rõ: “không thể cất đi gánh nặng tài chánh, các
ngư dân thường buộc phải bổ sung thu nhập của họ bằng những hoạt động ngoài lề
như buôn bán nhỏ. Và như thế, kết quả một đời sống khốn khổ đến mức đối với
nhiều người, một vụ đánh cướp thành công ngoài biển là hi vọng duy nhất để có
một đời sống tốt hơn”. Hoặc như vua Quang Trung nêu ra điều này trong tuyên bố
đầu tiên nhằm khuyến dụ bọn hải tặc tham gia vào quân đội của ông:
“Các
ngươi hàng chục năm nay ẩn hiện nơi góc bể, tụ tập bè đảng, lấy việc cướp bóc
để sinh nhai, cũng là có chỗ bất đắc dĩ, hoặc vì đói rét bức bách, hoặc vì bạo
ngược xua đuổi, mới đến nương thân nơi sóng gió, không có lối thoát ra”.
Dù cho
hoàng đế Tây Sơn có cho rằng nhờ đến hải tặc là sự lựa chọn một phương sách
cuối cùng, rõ ràng là đối với vài người, và có lẽ nhiều người, quyết định tham
gia vào nghề cướp biển dựa trên tính giáo điều hơn là sự tuyệt vọng. Trong bất
cứ trường hợp nào, sự chọn lựa ấy là không thể thay đổi, cũng không thể loại
trừ. Các ngư dân có thể và đã chuyển từ đánh bắt cá sang hải tặc cùng một
phương cách như những người tương ứng với họ ở nội địa chuyển từ canh tác sang
cướp bóc.
Nhà Tây
Sơn tuyển mộ giặc cướp theo nhiều cách khác nhau, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Tuyển mộ gián tiếp dưới hình thức ban bố rồi lưu hành những chỉ dụ kêu gọi
những người đàn ông tham gia vào sự nghiệp của nhà Tây Sơn. Các chỉ dụ hoàng đế
Tây Sơn ban hành do Ngô Thì Nhậm soạn thảo, đầy ắp những lời lẽ hoa mỹ, khoa
trương nhằm thỏa mãn tâm tư của giới nho sĩ đang tham gia vào các nỗ lực tuyển
mộ này. Vì thế, chỉ dụ đầu tiên trong những chỉ dụ trên bắt đầu*:
“Trẫm
nghe nói, gió to không thổi hết buổi sáng, mưa lớn không kéo suốt cả ngày. Đạo
của trời là thế. Cho nên người con trai tốt không thể suốt đời làm ác. Người
xưa, có kẻ khởi thân là giặc cướp, sau làm nên danh tướng, chẳng qua chỉ vì dám
sửa lỗi, dũng cảm làm việc thiện, thấu suốt các lẽ nên bỏ nên theo, biết chọn
điều phải mà làm, vì vậy, tên tuổi để lại trong sử sách, công lao được chép ở
khoán thư”.
Cố nhiên
là nhà Tây Sơn tìm cách tán tỉnh các hải tặc để chúng phục vụ cho chế độ của
họ, sử dụng những câu nói của Khổng tử nhằm tha thứ cho các hành động phạm pháp
của chúng và gợi ý rằng việc làm của chúng có thể vừa tạo lập cơ hội giở sang
một trang mới và làm nên danh tiếng của chúng.
Mối quan
tâm của nhà Tây Sơn trong việc tuyển mộ các hải tặc phản ánh trong hai chỉ dụ
ban hành sau đó nhằm nỗ lực thu hút nhiều hơn những người như thế*. Như lời kêu
gọi đầu tiên, hai chỉ dụ sau này miêu tả sự chọn lựa tham gia vào phong trào
Tây Sơn như là cách quay lưng lại với cuộc đời tội lỗi và cướp bóc trong lúc
hướng về công việc cao cả của chính quyền. Tuy nhiên, sẽ không chính xác nếu
cho rằng tham gia phong trào Tây Sơn là từ bỏ công việc cũ của chúng. Trong lúc
các nho sĩ soạn những chỉ dụ nhân danh các nhà lãnh đạo Tây Sơn có thể muốn tin
rằng phong trào này đang tìm cách cải sửa những tên cướp biển “lầm lạc”, thì
thực tế lại hoàn toàn khác hẳn. Chính xác là các hải tặc được tuyển mộ do kinh
nghiệm của chúng, khả năng chúng cung cấp cho chính quyền Tây Sơn những của cải
cướp được và kỹ thuật chiến đấu của chúng.
Hiệu quả
hơn cách lưu hành các chỉ dụ là sự tuyển mộ trực tiếp các hải tặc thông qua nỗ
lực cá nhân của những người đã tham gia vào phong trào Tây Sơn. Nhân vật cốt
lõi trong những nỗ lực tuyển mộ cá nhân này là Trần Thiên Bảo, người mà nhà Tây
Sơn đã bắt giữ vào năm 1783*. Ông ta được phong chức tổng binh và một người bạn
của ông ta là Lương Khuê Hiệp* được phong tước Hiệp Đức hầu. Theo Murray, cả
hai chiến đấu trong cuộc tiến công của quân Tây Sơn về phía bắc*, chiếm lấy Phú
Xuân và Thăng Long. Và bà đã viết, sau đó, họ trở thành cột trụ trung tâm trong
cơ cấu quân sự ở phía bắc của nhà Tây Sơn, đặc biệt sau năm 1788. Sau khi đã
phong cho Trần Thiên Bảo tước đức hầu, nhà Tây Sơn ban cho ông ta quyền được
tuyển mộ bổ sung các hải tặc nhằm mục đích chung và được phong địa vị cho những
lính tân tuyển. Có vẻ như Thiên Bảo làm việc đó với nhiều hứng thú và đem được
nhiều tên cướp biển phục vụ cho phong trào Tây Sơn. Đó là những người tìm thấy
các việc làm như thế là phương tiện thuận lợi nhất để được bảo vệ trước nguy cơ
bị trừng trị bởi triều đình Trung Hoa trong lúc tham gia vào những cuộc cướp
bóc có tổ chức nhân danh người Việt, về sau, hải tặc Trung Hoa tham gia vào tất
cả những chiến dịch quân sự quan trọng của nhà Tây Sơn vào thập niên 1790, phục
vụ chính quyền quân nổi dậy cho đến những ngày cuối cùng.
Phẩm cấp
trong quân đội và chức vụ chính trị cao là những mưu chước tuyển mộ đặc biệt
đắc dụng, vì họ ban cho cả uy tín lẫn tính hợp pháp. Như Murray đã viết: “việc
kết hợp với nhà Tây Sơn mang lại cho những kẻ cầm đầu hải tặc phương tiện để
kết nạp thêm những người ngoài vào trong tổ chức của chúng. Thẩm quyền ban hành
qui chế phong chức tước được chính quyền công nhận là một công cụ tuyển mộ quan
trọng”. Những người từng là cướp biển đơn thuần, không có phẩm cấp hay địa vị nay
được công nhận là tướng lĩnh, quan trấn thủ, hầu tước, có người thậm chí còn
được phong vương. Một tay cầm đầu hải tặc tên Mạc Quan Phù* được phong tước
Đông Hải vương, trong khi một người khác là Ô Thạch Nhị* được phong Bình Ba
vương năm 1797. Giữa thập niên 1770, các nhà lãnh đạo Tây Sơn đã triển khai sức
mạnh và địa vị từ những chức vụ và cương vị chính thức do chúa Trịnh ban cho,
thì các hải tặc Trung Hoa cũng có được tầm cỡ từ những chức vụ mà nhà Tây Sơn
ban cho chúng. Sự hợp pháp hóa này quan trọng trong mối quan hệ giữa bọn hải
tặc với nhau và với chính quyền Trung Hoa, nhưng nó cũng có ích cho những nhà
lãnh đạo Tây Sơn, vì nó đưa ra một sự giải thích về cách hành xử trong mối quan
hệ giữa họ với những kẻ ngoài vòng pháp luật này.
Đội thủy
quân của hải tặc phục vụ trong quân đội Tây Sơn khá quan trọng, một mặt với Mạc
Quan Phù chỉ huy hơn 1.000 người, mặt khác với một người cầm đầu hải tặc là
Trịnh Thất*, chỉ huy một lực lượng hơn 200 tàu thuyền. Thủy quân với tầm cỡ đó
rất hữu dụng cho nhà Tây Sơn, đảm đương nhiều chức năng cốt yếu cho triều đại
Quang Trung. Trước hết, hải tặc giúp ông mở rộng sức mạnh thủy quân, bổ sung
khả năng tuần tra vùng duyên hải từ biên giới với Trung Quốc đến vùng cực nam
Qui Nhơn*. Quan trọng không kém là việc cấm chỉ những cuộc lưu thông trên biển
dưới mọi hình thức di chuyển: đi, đến và chạy dọc theo vùng duyên hải Đại Việt;
đối tượng bị cấm bao gồm thương nhân Trung Quốc, quan lại nhà Nguyễn, các giáo
sĩ đi từ Macao, cùng các tàu thuyền của người châu Âu thuộc mọi quốc tịch.
Thuyền của bọn hải tặc hình thành một lớp bảo vệ an ninh hữu hiệu cho triều
đình Tây Sơn. Hải tặc hoàn toàn không thể bắt dừng lại những tàu thuyền đi ra
hay đi vào vùng do Tây Sơn kiểm soát, nhưng chúng có thể thu hẹp đường thông
thương của những tàu thuyền này.
Những
cuộc tuần tra của hải tặc giúp ngăn chặn hoạt động của những kẻ do thám của
chúa Nguyễn trong vùng đất do nhà Tây Sơn quản lý, đồng thời ngăn ngừa những
người phương Bắc đi về phía nam để gia nhập đạo quân của chúa Nguyễn. Chúng còn
giúp nhà Tây Sơn cản trở các hoạt động tiếp tế của người Trung Quốc đi từ các
cảng của họ đến Gia Định, tại đây, đồ tiếp tế có thể được sử dụng để hỗ trợ các
nỗ lực quân sự của chúa Nguyễn. Những cuộc tuần tra này cũng ngăn trở các hoạt
động của người châu Âu - bao gồm cả giáo sĩ và thương nhân - đi vào hay đi ra
khỏi Đại Việt. Hạn chế hoạt động của những người này đặc biệt có lại cả hai
mặt, do sự hiện diện lúc bấy giờ của các cố vấn người Pháp trong hàng ngũ quân
Nguyễn, một sự hiện diện mà phía Tây Sơn không muốn nhìn thấy nó bành trướng
thêm, và do mối đe dọa có thể nhận biết được từ các giáo sĩ người Âu là nguồn
cung cấp tin tức tiềm tàng cho phía chúa Nguyễn. Nỗ lực quan trọng nhằm ngăn
chặn hoạt động của những người này hoặc về hướng Gia Định ở phía nam hoặc về
hướng Macao ở phía bắc, nơi tin tức cố thể chuyển cho đại diện của chúa Nguyễn.
Nỗ lực
này cũng có những tác động quan trọng bên trong lãnh thổ Đại Việt, do hải tặc
tuần tra từ vùng duyên hải vào đến Qui Nhơn khiến cho sự tiếp xúc giữa các vùng
miền khác nhau trở nên khó khăn. Điều này đáp ứng được mục tiêu của nhà Tây
Sơn, đặc biệt đối với hoạt động của con người hoặc thông tin giữa các lãnh thổ
do họ và do chúa Nguyễn kiểm soát.
Được
đánh giá cao do khả năng hạn chế các hoạt động của con người, bọn hải tặc cũng
có ích về mặt tài chánh cho nhà Tây Sơn. Đổi lại với việc cung cấp cho hải tặc
nơi trú ẩn an toàn trong vịnh Bắc phần, nhà Tây Sơn nhận được một tỷ lệ phần
trăm những của cải mà tàu thuyền của chúng cướp được, về những của cải được đưa
qua vùng biển này, hoạt động tuần tra có lợi rất nhiều cho cả hai phía. Cứ mỗi
mùa xuân và mùa hè, các tàu hải tặc bắt đầu mùa cướp bóc, rồi khi mùa thu đến
thì chúng quay về nơi trú ẩn an toàn. Murray viết rằng các hải tặc sẽ nộp của
cải cướp được cho nhà Tây Sơn (ít nhất về mặt lý thuyết); Tây Sơn lại mang bán
chúng ở Đại Việt rồi hoàn từ 20 đến 40% tiền thu được cho hải tặc. Gặp dịp hải
tặc tịch thu được toàn bộ tàu, có ít nhất một trường hợp tàu được mang đến Phú
Xuân, sử dụng trong đội thủy quân Tây Sơn. Đôi khi các lãnh đạo Tây Sơn ban ra
những hướng dẫn đặc biệt cho đồng minh hải tặc của họ, chẳng hạn như yêu cầu
chúng mở những chiến dịch cướp bóc trên đất Quảng Đông hay những tỉnh duyên hải
khác của Trung Quốc. Trong những trường hợp khác, nhà Tây Sơn cung cấp tàu cho
hải tặc và khuyến khích chúng dùng những tàu này để tuyển mộ thêm người vào
hàng ngũ của chúng.
Hình 10: cửa sông Hồng dẫn vào kinh thành
Thăng Long năm 1771. Bản đồ do Nicholas Befin vẽ, theo đó sông Hồng chảy từ
Vịnh Bắc phần đến kinh đô Thăng Long ở phía bắc, được ghi tên trên bản đồ là
Cacho (Kẻ Chợ - ND). Các hải tặc Trung Hoa có thể ẩn lánh trên sông để tránh bị
chính quyền nhà Thanh truy bắt.(Sưu tập của tác giả.)
Trong
lúc bọn hải tặc được sự bảo trợ của nhà Tây Sơn đôi khi chỉ đơn thuần tịch thu
của cải hay đòi tiền chuộc tàu, có những lúc khác chúng bắt cả khách bộ hành,
người Việt cũng như người châu Âu. Một người Pháp chỉ được ghi tên là “Savard”
bị một tàu hải tặc với thủy thủ đoàn cả người Việt lẫn người Hoa bắt giữ và bị
giam giữ nhiều năm sau đó trên một hòn đảo và bị buộc phải làm việc khổ sai
trên một tàu hải tặc. Những lúc khác, và có lẽ tùy vào mức độ phản kháng mà
chúng đương đầu, bọn hải tặc có thể tàn sát tất cả thủy thủ của những chiếc tàu
mà chúng gặp phải. Một giáo sĩ Pháp đã mô tả một cuộc tấn công của hơn mười tàu
của bọn hải tặc người Hoa vào một tàu Anh nhỏ, dẫn đến việc bắt giữ và sau đó
sát hại tám thủy thủ người Anh. Trong một hoạt động tương tự, cũng có hai người
Bồ Đào Nha bị bắt giữ trên một hòn đảo gần đó, nơi có một nhóm nhỏ người Việt
theo Cơ Đốc giáo mưu toan cứu họ. Việc cứu người thất bại, do tên đầu đảng cướp
không chịu giao lại hai người đàn ông bị bắt, muốn đưa họ tới kinh đô Phú Xuân
của nhà Tây Sơn, tất nhiên là với hi vọng được tưởng thưởng vì sự bắt giữ này.
Bọn hải
tặc ven biển nôn nóng liên kết với nhà Tây Sơn, bởi vì sự liên kết này giúp
chúng không bị các đạo quân Trung Hoa bắt giữ, tương tự việc có dính líu đến
nhà Tây Sơn khiến triều đình nhà Thanh phải miễn cưỡng truy bắt hải tặc vì sợ
làm mất lòng chính quyền mới của người Việt. Dù có sự miễn cưỡng này, triều
đình nhà Thanh vẫn cảm thấy rất bất an trước việc nhà Tây Sơn chứa chấp hải tặc
và nhiều lần muốn giải quyết vấn đề này. Tháng 5.1797, một giáo sĩ viết rằng
người Trung Hoa đã cử 100 chiếc thuyền với mưu tính tiêu diệt bọn hải tặc ở ven
biển được nhà Tây Sơn bảo trợ nhưng bọn chúng dễ dàng tẩu thoát, chạy vào nội
địa theo nhiều con sông ở phía bắc Đại Việt. Hai tháng sau, cũng vị giáo sĩ này
mô tả đầy đủ hơn các tình tiết của sự kiện cho thấy toan tính tiêu diệt hải tặc
của nhà Thanh đã vô hiệu và vai trò của nhà Tây Sơn trong việc cản trở các nỗ
lực của chính quyền Trung Hoa:
“Những
người Trung Hoa các ông đến cùng với một đội tàu để bắt bọn hải tặc, nhưng tôi
tin rằng họ không thể bắt được một lượng tàu hải tặc rất lớn. Các quan lại ở
Đàng Ngoài giúp chúng chạy thoát và đánh lừa quan lại nhà Thanh bằng những lời
nói xu nịnh, song không cho phép họ đi vào những con sông lớn dẫn đến kinh đô;
sau một thời gian chờ xem nhà Tây Sơn có giải giao hải tặc cho họ không, người
nhà Thanh rút đi. Về phần bọn hải tặc, chúng phối hợp với nhau, chạy dọc theo
bờ biển đến Phú Xuân theo sự triệu tập của vua Quang Trung”.
Trong
lúc rõ ràng là phía Đại Việt không bị đe dọa bởi hoạt động của thủy quân Trung
Hoa, họ coi trọng mối quan hệ tốt đẹp với triều đình nhà Thanh và muốn tỏ rõ
một phong cách hợp tác với nơi này. Vì thế, chính quyền Tây Sơn đã đáp ứng mối
quan tâm của người Trung Hoa và thực hiện một vài động tác để chứng tỏ thiện
chí bằng cách đàn áp đám hải tặc. Toan tính của phía Việt nhằm tiêu diệt các
hoạt động của hải tặc chỉ là vẻ phô trương bề ngoài và không ảnh hưởng bao
nhiêu đến hoạt động của những đồng minh của họ. Sau mỗi cuộc "đàn áp” như
thế, đám hải tặc lại được tự do hoạt động như cũ. Người Trung Hoa không kiểm
soát được tình hình của hải tặc cho đến khi nhà Tây Sơn không còn nắm quyền
nữa.*
Năm
1792, sau cái chết của hoàng đế Quang Trung (mà bọn hải tặc gọi là “ông trùm
Việt Nam”)*, tình hình chính trị của nhà Tây Sơn bắt đầu kém triển vọng, song
hải tặc người Hoa vẫn tiếp tục phục vụ họ một cách năng nổ. Năm 1794, Trần
(Thiên Bảo) được phong chức Đô đốc và về mặt lý thuyết, có quyền hành lớn hơn
trước. Vài năm sau, năm 1797, những hải tặc phục vụ cho quân đội Tây Sơn được
tổ chức một cách có hệ thống hơn, dưới quyền chỉ huy chung của Thiên Bảo. Những
đầu lĩnh hải tặc đều được cử làm Ô Tàu Tổng Binh, mỗi người có nhiệm vụ báo cáo
trực tiếp cho Thiên Bảo. Thật vậy, có vẻ như chức vụ tổng binh là sự cử nhiệm
đầu tiên dành cho các chỉ huy hải tặc đồng tình liên kết với quân Tây Sơn,
trong khi bộ hạ của họ được cử làm thiện tầu.*
Những
thuận lợi trong hoạt động phục vụ cho sự nghiệp của nhà Tây Sơn được làm nổi
bật thêm bằng những danh hiệu và cơ cấu mới mẻ và đầy vẻ trau chuốt, có nghĩa
là các hải tặc người Hoa tiếp tục phục vụ nhà Tây Sơn cho đến những năm cuối
cùng của họ. Các tàu hải tặc tham gia trong nhiều chiến dịch thủy quân chống
lại lực lượng chúa Nguyễn vào năm 1797, xa về phía nam cho đến Qui Nhơn. Năm
1798, các hải tặc chạm trán với quân chúa Nguyễn ở Khánh Hòa, và rồi năm 1799,
chúng tham gia bảo vệ Qui Nhơn, chống lại một cuộc tấn công có tính quyết định
của quân nhà Nguyễn. Dù được sự hỗ trợ của hải tặc, quân Tây Sơn cũng thất trận
ở đây, “kết hợp với thất bại mới đó ở Khánh Hòa, thực lực của hải tặc suy yếu
thấy rõ, dẫn đến nhiều trận thua”. Song dù đối mặt với thất trận, và nhiều cuộc
đào ngũ sau này, các hải tặc vẫn tiếp tục chiến đấu cho nhà Tây Sơn cho đến khi
chế độ này thực sự kết thúc vào năm 1802. Nhiều tàu hải tặc tham gia vào cuộc
phản công của quân Tây Sơn vào năm 1800 và sau đó vây khốn Qui Nhơn; chúng tiếp
tục tham gia vào việc bảo vệ giang sơn của nhà Tây Sơn ngay khi quân Nguyễn di
chuyển ồ ạt theo vùng ven biển, ngược lên kinh thành Thăng Long. Năm 1802, cho
dù Trần Thiên Bảo đã đầu hàng triều đình nhà Thanh một năm trước đó, vẫn có
thêm 200 thuyền của hải tặc góp sức cùng quân Tây Sơn bảo vệ vùng ven biển, một
nỗ lực cuối cùng cũng không mang lại hiệu quả nào.
IV.4. KẾT LUẬN
Rõ ràng
là suốt thời kỳ Tây Sơn, các nhóm người sống bên lề xã hội Đại Việt giữ những
vai trò quan trọng, hoặc là ủng hộ các nhóm phản loạn, hoặc là chống lại họ,
hoặc là những người bị bắt giữ trong cảnh sống rối loạn chẳng chừa một ai.
Những nhóm này bao gồm tín đồ Cơ Đốc giáo, các nhóm sắc tộc không phải người
Kinh, bọn trộm cướp, hải tặc và lính đánh thuê. Vài thành phần, như hải tặc
người Hoa, là thành phần vô cùng cần thiết trong sức mạnh quân sự của nhà Tây
Sơn. Các nhà viết sử hiện đại giải thích phong trào Tây Sơn như một cuộc thập
tự chinh theo chủ nghĩa dân tộc qui tụ những người nông dân ưu tú chiến đấu cho
sự thống nhất đất nước, hoặc bảo vệ đất nước chống lại ngoại nhân; họ đã viết
sai thực tế của thời kỳ này rất nhiều. Nhà Tây Sơn thường sử dụng hoặc liên kết
với trộm, cướp, những kẻ lang thang và hải tặc trong một toan tính thực dụng
nhằm tăng cường các đạo quân của họ. Thật vậy, sẽ là điều đáng ngạc nhiên khi
chúng ta biết họ không lợi dụng cơ hội do những nhóm xã hội như thế dâng hiến.
Tất nhiên những mối quan hệ này có cái lợi mà cũng có hại, chẳng những làm lợi
cho nhà Tây Sơn, mà còn làm lợi cho cả những người mà họ liên kết. Tính chất
phức tạp của những mối quan hệ như thế được gói gọn trong cái biệt hiệu được
đặt cho hoàng đế Quang Trung của nhà Tây Sơn là “kẻ phiến loạn bảo vệ cho hải
tặc”. Nói cách khác, người lãnh đạo cuộc nổi dậy tự liên kết với hải tặc Trung
Hoa, các hải tặc cũng thế, thông qua việc kiểm soát đường biển, chúng bảo vệ vị
lãnh tụ Tây Sơn và triều đại của ông.
Trong lúc các nhà viết sử Việt Nam thế kỷ XX thường chỉ trích mạnh mẽ triều Nguyễn vào thế kỷ XIX và những tác phẩm lịch sử khác gọi Tây Sơn là "giặc”, thì những tài liệu cũ hơn đã hoàn toàn chính xác khi mô tả các nhân tố của phong trào, nếu không phải là chính các lãnh tụ của phong trào, theo cách này*. Kết luận rằng trộm cướp và hải tặc giữ vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn không nhằm làm mất uy tín các lãnh tụ phong trào, như ý đồ của các sử gia triều Nguyễn, cần trung thực hơn khi miêu tả thành phần phức tạp của cuộc nổi dậy, phản ánh tính không đồng nhất của xã hội Đại Việt cuối thế kỷ XVIII. Cũng như đối thủ của họ là chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn trước tiên là những kẻ thực dụng, trong việc tuyển mộ quân đội, họ không nghĩ đến nền tảng xã hội, và kinh nghiệm, mà chỉ nghĩ đến những con số tuyệt đối. Đối với người tuyển mộ của nhà Tây Sơn, một kẻ cắp hay cướp biển không phải là một tên tội phạm cần tiêu diệt, mà là một người có kinh nghiệm chiến đấu, có thể tự trang bị vũ khí, sẵn sàng thách thức với nhà cầm quyền. Đó là những điều hữu ích, vào những thời điểm như thế, và vì những lý do đó mà những người như thế (nam và có thể có một số ít nữ) tham gia vào phong trào. Về sau, quân đội Tây Sơn là tinh hoa của khu vực Đông Nam Á với cấu trúc phức tạp của nó, một đặc điểm mà nó chia sẻ cùng với đạo quân kình địch của chúa Nguyễn mà tác giả Alexander Woodside đã mô tả là nó “dựa trên sự chuyển đổi từ những kẻ cướp bóc ở vịnh Xiêm La và biển Đông”.*
KẾT LUẬN
NGOÁI LẠI PHÍA SAU VÀ NHÌN VỀ PHÍA TRƯỚC
Các động
lực của thời đại Tây Sơn vô cùng phức tạp, phản ánh kinh nghiệm địa lý và lịch
sử, và người theo chủ nghĩa đặc thù quan tâm đến các lực lượng chính trị và xã
hội đang đấu tranh với nhau. Sự tương tác giữa các lãnh tụ quân nổi dậy với
nhiều thành phần thường xuyên xung đột với nhau của xã hội Đại Việt thế kỷ
XVIII không thích hợp với những giải thích dễ dàng hay giản lược áp dụng cho
nhà Tây Sơn. Phong trào này tác động sâu sắc lên sinh hoạt của những người sống
trên các vùng đất Đại Việt và quả thật đã vượt ra ngoài ranh giới của chúng. Nó
cho thấy những sự phân ly đã phát triển qua nhiều thế kỷ giữa các nhóm kinh
tế-xã hội khác nhau và các thực thể địa chính trị riêng rẽ nổi lên từ sau việc
họ Mạc cướp ngôi nhà Lê vào đầu thế kỷ XVI. Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn như
một sự đề kháng về chính trị và quân sự chống lại cả nhà Lê-Trịnh ở phương Bắc
lẫn nhà Nguyễn ở phương Nam đã chia cách xã hội Đại Việt về sau, định hình một
số diễn biến chính trị và xã hội thế kỷ XIX.
Nếu
những tương tác xã hội phức tạp là tâm điểm của thời kỳ này, sẽ vô cùng khó khăn
khi áp dụng một cách gọi đơn giản cho một loạt những sự kiện được phát động bởi
cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn. Nó thường được gọi là cuộc nổi dậy của người nông
dân, nhưng đó là một cụm từ không chính xác vì những chứng cứ chủ yếu cho thấy
những người lãnh đạo của nó không phải là nông dân và rất đông những người ủng
hộ ban đầu của nó cũng không phải là những tiểu nông. Hơn nữa, như tôi đã lập
luận, chính những người nông dân Việt đã chịu đựng đau khổ gần như tức khắc
dưới bàn tay của một chế độ do anh em nhà Tây Sơn thiết lập. Xếp sự kiện này
như một phong trào nhân dân cũng còn là chuyện cần phải bàn, vì mặc dù nó bắt
nguồn từ một nỗ lực quân sự tập thể, những gì từng là một phong trào (với tính
đại chúng cần được bàn lại) đã nhanh chóng trở thành một chính thể, và rồi
nhiều chính thể. Năm 1775, Nguyễn Nhạc tự xem mình là một nhà cai trị hơn là
người đơn thuần lãnh đạo một “cuộc nổi dậy vì chính nghĩa”, và từ điểm này, sẽ
là thiếu khôn ngoan khi nói về các nhà lãnh đạo Tây Sơn và quân đội của họ như
một “phong trào”. Nói tóm lại, những sự kiện về thời kỳ Tây Sơn sẽ không dễ
được phân loại. Cơ cấu chính trị do các nhà lãnh đạo Tây Sơn huy động hay sử
dụng cũng như các mục tiêu của họ tiến triển liên tục. Có điều rõ ràng là nguồn
gốc của cuộc nổi dậy nằm trong những thất bại về kinh tế gây ra do nạn tham
nhũng trong chính quyền, và việc thực hiện nó được vận dụng bằng sự kết hợp
những chính thể đang đứng trước nguy cơ, cùng những kỹ năng về chính trị và
quân sự đáng kể của anh em Tây Sơn, và các cố vấn của họ.
Về sau,
cái chết của hai anh em có năng lực nhất là Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc đã làm
cho chính thể nhà Tây Sơn sụp đổ. Động lực mang lại cho họ hàng loạt chiến
thắng quân sự đã không còn nữa khi chính thể riêng của họ không thể giải quyết
những rắc rối mà họ phải đối mặt. Sự biến vị của cuộc chiến hòa cùng với sự mất
mùa và nạn tham nhũng ở Đàng Ngoài đòi hỏi cần có thời gian và lòng kiên trì,
mà cả Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đều không có. Thêm vào đó, chính thể của họ đã
không được thể chế hóa một cách đầy đủ, cũng không được chấp nhận rộng rãi để
đương đầu với thời kỳ chuyển tiếp, tiếp theo cái chết của các lãnh đạo chủ yếu
của nhà Tây Sơn. Trong mỗi trường hợp, một vị thái tử trẻ sẽ tiếp bước vua cha
với sự hỗ trợ của một quan phụ chánh, người đã gây ra những cuộc đấu tranh
trong nội bộ triều đình. Sau cái chết của Huệ và Nhạc, việc cả hai chính thể
vẫn tồn tại trong gần một thập kỷ là chứng cứ cho thấy đạo quân ghê gớm mà nhà
Tây Sơn đã qui tụ được ít để xảy ra sự chống đối trong nội bộ. Điều đó phần nào
cũng do chiến thuật quân sự lệ thuộc vào gió mùa mà đối thủ của họ là chúa
Nguyễn Ánh theo đuổi, khiến cho đạo quân của ông chỉ đạt được những bước tiến
chậm rãi, nhưng thường là chắc chắn, trong việc thiết lập sự kiểm soát trên
những khu vực ngày một rộng lớn hơn của vùng duyên hải phía nam Đại Việt!.
Khi cuối
cùng quân Nguyễn Ánh tiến vào Thăng Long vào mùa hè năm 1802, đó là cực điểm
của cuộc chiến kéo dài gần một phần tư thế kỷ, để lại những vết thương vật chất
và tâm lý trong xã hội Đại Việt. Sau chiến thắng của quân nhà Nguyễn, các nhà
lãnh đạo Tây Sơn còn sống sót bị vây ráp, và một số người, trong đó có vua Bảo
Hưng* và toàn bộ thành viên gia đình gần gũi nhất của ông ta, cùng nữ tướng
lừng danh Bùi Thị Xuân, đều bị xử phân thây. Những người khác, như các đại thần
Ngô Thì Nhậm và Phan Huy ích, bị công khai đánh bằng hèo, một hình phạt khiến
Nhậm qua đời trong vòng năm đó. Không bằng lòng với việc chỉ trừng phạt những
người còn sống, Nguyễn Ánh ra lệnh khai quật hài cốt hai đối thủ lâu năm của
ông là Huệ và Nhạc. Kế đó, ông ra lệnh nghiền nát xương cốt của họ thành bột và
cho lính đi tiểu vào*. Bằng cách này, Nguyễn Ánh muốn tin chắc rằng thời kỳ của
lịch sử Đại Việt được mệnh danh là “thời đại Tây Sơn” đã chấm dứt hoàn toàn.
Chiến
thắng cuối cùng của chúa Nguyễn trước kẻ thù lâu năm được coi như đã đánh dấu
một chương mới trong lịch sử Việt Nam, sự khởi đầu một triều đại mới (mặc dù tổ
tiên của ông đã cai trị một phần đất nước trong tay họ), và một nỗ lực kết nối
các xâu chuỗi về địa lý khác biệt nhau tạo nên một vương quốc Việt Nam mới được
hợp nhất lại.
Và lúc
này, trong lúc với vẻ bề ngoài đang thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo duy
nhất, sự chiến thắng của nhà Nguyễn đã không giải quyết được bao nhiêu những
xung đột do cuộc nội chiến với nhà Tây Sơn gây ra. Sự bất mãn của giới nông dân
kích động cuộc nổi dậy, và chính cuộc nổi dậy làm cho sự bất mãn đó trầm trọng
hơn, và nó đã không được chính quyền mới giải quyết một cách thỏa đáng. Có thể
sự bất bình của người nông dân mà giáo sĩ Pháp de la Blssachère đã xác định vào
đầu thế kỷ XIX đã được nhân rộng trong suốt những thập niên đầu của triều đại
nhà Nguyễn. Năm 1802, thời điểm mà nhà Nguyễn nắm lấy quyền hành chính trị từ
tay nhà Tây Sơn, phải được coi là việc hình thành một điểm ngắt quãng khá thất
thường từ cái nhìn của giới nông dân Đại Việt, vì với họ, điều này cho thấy sự
chuyển tiếp giữa các chế độ chẳng có nghĩa lý gì. Tất nhiên là có sự xuống
thang trong chiến tranh, nhưng sự lao động nặng nhọc và nhu cầu về quân sự do
nhà Tây Sơn áp đặt trong một thời gian dài lại được tiếp tục, và thậm chí còn
gia tăng dưới sự cai trị của nhà Nguyễn. Hơn nữa, nhà Nguyễn có thể đánh thuế
một cách có hiệu quả hơn những người đi trước họ - và từ cái nhìn của người
nông dân, đây là khả năng dẫn đến sự gia tăng tuyệt đối về nhu cầu thuế má*.
Người nông dân lớn tiếng kêu ca về tình trạng sưu cao thuế nặng từ những người
được xem là cứu tinh của họ, và sự kiện hàng trăm nông dân và những người nổi
dậy khác không thừa nhận triều Gia Long - vài trường hợp có đến hàng ngàn người
tham gia “cho thấy rằng trong một số lãnh vực, triều đại này còn yếu kém hơn so
với những người Tây Sơn đi trước họ.*
Vả lại,
không chỉ người nông dân tỏ ra lo ngại với chính quyền mới, mà chính quyền này
còn phải đương đầu với những phía khác nữa. Những người trung thành với nhà Tây
Sơn tiếp tục tìm cách gây ra sự bất ổn, cho dù nhà Nguyễn có những nỗ lực rất
cứng rắn trong việc xóa đi những tàn tích của chính thể Tây Sơn. Nỗ lực của
triều đại mới theo hướng này tiếp tục đối mặt với những sự nhắc nhở về nhà Tây
Sơn, cả về mặt vật chất lẫn tâm lý. Mặc dù nhà Nguyễn có thể phá vỡ một số kiến
trúc do nhà Tây Sơn dựng lên, họ vẫn không thể chấm dứt việc sử dụng đồng tiền
do nhà Tây Sơn đã đúc ra. Những đồng tiền đó mang tên của ba anh em nhà Tây Sơn,
là sự nhắc nhở bền bỉ về triều đại này ngay sau khi nó đã bị lật đổ. Nỗ lực của
nhà Nguyễn nhằm ngưng sử dụng những đồng tiền này khá hạn chế và không hiệu
quả, phản ánh qua việc phải chờ đến một chỉ dụ ban hành vào năm 1839 cấm việc
lưu hành đồng tiền này, về mặt tâm lý, nhà Nguyễn cũng phải đương đầu với những
hồi ức mạnh mẽ về nhà Tây Sơn, cho dù chúng được lãng mạn hóa theo thời gian.
Như đã lưu ý ở Chương III, có những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy rằng mặc dù nhiều
nông dân không cảm thấy hạnh phúc do những khó khăn trong đời sống dưới chính
quyền Tây Sơn, cũng những người nông dân này cảm thấy bất mãn với nhà Nguyễn,
và ít nhất một số người so sánh thấy sự cai trị của nhà Tây Sơn tốt hơn nhà
Nguyễn. Sự kiện nhà Tây Sơn và những hồi ức về chế độ này tiếp tục ám ảnh nhà
Nguyễn có lẽ thể hiện ở việc họ tiếp tục truy đuổi những thành viên còn sót lại
của dòng họ này vào thập niên 1830. Khi hai người con và người cháu còn lại của
vua Thái Đức bị truy bắt được, họ bị hành hình ngay tức khắc.
Nhưng
không chỉ có di tích của nhà Tây Sơn và những hồi ức về họ làm cho nhà Nguyễn
lo lắng. Còn có những thách thức nghiêm trọng hơn xuất phát từ những người tiếp
tục chứng tỏ lòng trung thành với nhà Lê, lòng trung thành mà một số ít nho sĩ
và nhiều người khác vẫn giữ lấy suốt những năm dưới triều đại Tây Sơn. Nhiều
người trong số những nho sĩ trung thành với nhà Lê này hi vọng chúa Nguyễn sẽ
phục hồi nhà Lê, hi vọng vào tuyên ngôn được ban bố từ lâu là nhà Nguyễn chiến
đấu nhân danh triều đại này. Khi chúa Nguyễn nắm lấy quyền hành bằng chính danh
nghĩa của mình sau khi loại bỏ nhà Tây Sơn vào năm 1802, những người đặt hi
vọng vào nhà Nguyễn cảm thấy bị phản bội. Một số nổi lên làm loạn, từng thời kỳ
trong suốt nhiều thập niên đầu của thế kỷ XIX, một số cuộc nổi dậy có thể được
xác định là hoặc phát sinh bên trong hàng ngũ những người trung thành với nhà
Lê, hoặc được sự ủng hộ của họ. Những nho sĩ khác chọn cách đơn giản là ẩn dật,
đã quyết định không phục vụ nhà Tây Sơn, và rồi cũng không muốn ủng hộ nhà
Nguyễn mới lên. Những người này về sau còn cảm thấy đau đớn khi Thăng Long đã
mất đi quy chế của một kinh đô chính trị và được xếp vào hàng thứ hai khi nhà
Nguyễn nâng Phú Xuân lên tầm của một trung tâm quyền uy mới*. Trong lúc đó, Gia
Định (Sài Gòn), một trung tâm chính trị và kinh tế tương đối mới, đã trở về với
chính mình trong cuộc chiến của nhà Nguyễn chống lại nhà Tây Sơn, càng ngày
càng có nhiều ảnh hưởng thách thức ưu thế của hai thành phố khác. Căng thẳng
chính trị giữa những trung tâm quyền lực chính trị phức tạp này, ít nhất cũng
đã đóng góp một phần vào những chủ nghĩa địa phương khá rõ nét vào những thế kỷ
XIX và XX về sau.
Đương đầu với những nguồn đề kháng phức tạp này, triều Nguyễn không bao giờ thành công hoàn toàn trong kế hoạch xây dựng một vương quốc thống nhất và ổn định. Lúc ban đầu, tính chính thống của họ khá mong manh và ngay cả một kế hoạch dài hạn nhằm xây dựng một tính chính thống Nho giáo với vẻ bề ngoài trau chuốt thông qua thi cử, cấu trúc chính quyền, và tất cả các loại sử chép và những bảng phả hệ, cũng chỉ đến mức nào đó thôi Hơn nữa, nhà Nguyễn tự thấy là họ đang làm chủ một lãnh thổ không bao giờ được cai trị như một vương quốc thống nhất. Mặc dù họ Trịnh đã vượt qua giới hạn con sông Gianh vào năm 1774 và sau đó, nhà Tây Sơn kết liễu họ Trịnh vào năm 1786, những hành động đó đều không hợp nhất lãnh thổ Đại Việt một cách có hiệu quả. Thật vậy, việc nhà Tây Sơn chinh phục vùng đất phía bắc cuối cùng cũng chỉ tạo ra một sự phân ly phản ánh cả mưu chước chính trị lẫn thực tế lịch sử. Như thế, nhà Nguyễn thừa hưởng một lãnh thổ vẫn còn sự chia rẽ sâu sắc, một tình trạng mà chính quyền mới mẻ này tìm cách giải quyết thông qua mưu định cai trị hiệu quả một đất nước có ba vùng riêng biệt.
Bản thân
các vua nhà Nguyễn cũng chỉ kiểm soát trực tiếp miền Trung, các tướng lãnh cai
trị những vùng đất phía bắc và phía nam*. Điều đó hầu như không phải là mẫu
hình hợp nhất chính trị và lãnh thổ, và sự phân chia tiếp tục đặt ra nhiều khó
khăn cho chính thể mới trong suốt triều đại của vị hoàng đế thứ nhất là vua Gia
Long (1802-1820), và hơn một thập niên dưới triều người con và là người kế tục
ông là vua Minh Mạng (1820-1841)*.
Những
cuộc chiến sau khi nhà Tây Sơn đã bị tiêu diệt diễn ra trong lãnh vực chép sử,
trong đó những giải thích đầy tranh cãi về cuộc nổi dậy và những chế độ mà nó
dựng lên đã được đề cập đến trong suốt thế kỷ XIX. Nhà Nguyễn tìm cách mô tả
nhà Tây Sơn như những kẻ nổi loạn, bọn trộm cướp, không bao giờ có tính chính
thống về mặt chính trị, ngay cả khi họ vấp phải một sự thực rắc rối là có không
ít những quan chức phục vụ cho triều đại của họ trước đó đã từng trung thành
với nhà Tây Sơn. Hơn nữa, trong lúc nhà Nguyễn chỉ thị viết chính sử theo cách
của họ, họ cũng không thể kiểm soát hết lịch sử không chính thống được các nho
sĩ viết riêng phần họ. Khi triều Nguyễn suy vi, và bắt đầu chế độ thực dân của
Pháp, người ta tiếp tục giải thích lại về thời kỳ Tây Sơn, dành cho vua Quang
Trung một công trạng lớn hơn, ít nhất do những nỗ lực của ông nhằm xây dựng một
quốc gia thống nhất và đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh năm 1789. Vì thế, nhà
Nguyễn tiếp tục bị ám ảnh về nhà Tây Sơn ở nhiều mức độ khác nhau.
Cho dù
nhà Nguyễn tự mô tả họ như những người thừa kế trực tiếp của nhà Lê và thậm chí
không công nhận một nhà Tây Sơn có tính chuyển tiếp, họ cũng không thể phủ nhận
sự kiện nhà Tây Sơn đã lật đổ nhà Lê và cai trị phần lớn đất nước trong hơn một
thập kỷ và để lại những dấu ấn không thể xóa nhòa.
Cho dù
những thành tựu cụ thể như thế nào và di sản nó để lại cho người kế tục ra sao,
cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn cũng thu hút trí tưởng tượng của những thế hệ mai
sau " cả giới nho sĩ lẫn giới nông dân “ mỗi giới nhìn thấy một tính chất
anh hùng nào đó trong các đạo quân hùng mạnh của thời đại này. Thời gian và
những thất bại hiển nhiên của nhà Nguyễn giúp đánh bóng hình ảnh của nhà Tây
Sơn nổi lên sau khi họ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, trong công trình nghiên cứu
này, tôi đã thử nhìn nhà Tây Sơn từ viễn cảnh của thế kỷ XVIII mà không từ
những thế kỷ XIX, XX hay XXI. Khi làm như thế, tôi đã cố tách khỏi cách chép sử
có tính phê phán quá đáng của nhà Nguyễn, và cũng tách khỏi cách viết tiểu sử
các vị thánh của những nhà lãnh đạo cuộc nổi dậy, và sự vinh danh những người
nông dân cao thượng đã trở thành chủ đề nổi bật của phần lớn giới học thuật
cuối thế kỷ XX. Tôi hi vọng rằng điều này có thể cho phép tôi miêu tả chi tiết
những nỗi khó khăn kéo dài trong phần lớn các giai đoạn của xã hội Việt Nam
cuối thế kỷ XVIII, trong lúc khai thác những động lực chi phối hành động của
những người lãnh đạo cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn và những người đương đầu với
cuộc nổi dậy đó trong ba thập kỷ xáo động mà nó đã tạo ra.
George
Dutton, The Tây Sơn Uprising, University of Hawai’i Press, Honolulu, 2006, ÉE.
121-122.
George
Dutton, The Tây Sơn uprising, sđd, tr. 13.
George
Dutton, The Tây Sơn uprising, sđd, tr. 223.
George
Dutton, The Tây Sơn uprising, sđd, tr. 227-228.
George
Dutton, The Tây Sơn uprising, sđđ, tr. 116.
George
Dutton, The Tây Sơn Uprising, sđd, tr. 58.
George
Dutton, The Tây Sơn Uprising, sđd, tr. 114-115.
Nguyên văn:
provincial Capital of Qui Nhơn (cước chú của người dịch, về sau viết tắt là
ND).
Theo Đại
Nam liệt truyện, quan Tuần phủ Qui Nhơn lúc này là Nguyên Khắc Tuyên - ND.
Đoạn
tường thuật này, dưới nhiều bản dịch khác nhau, được tìm thấy từ nhiều nguồn:
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 2, Đỗ Mộng Khương dịch,
Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 493. Chỉ tiết hơn một chút có thể tìm thấy Vong:
Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, tập 1, Nguyễn Đức Vân - Kiều Thu
Hoạch dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1998, tr. 92; Đại Việt sử kỷ tực biên, Ngô
Thế Long " Nguyễn Kim Hung dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr.
359 - Dutton.
P. Lorenzo Pérez, "La Révolte et la guerre des Tayson d'après les Franciscains Espagnols de Cochinchme" (Sự nổi dậy và cuộc chiến của nhà Tây Sơn theo người Pháp và người Tây Ban Nha ở Đàng Trong), M. Villa dịch, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, XII, số 3-4, 1940, tr. 74.
Do mưu lược này, quân Tây Sơn được biết đến như là "đạo quân ó" (“hissingarmles". Từ này chính Dutton dịch ra tiếng Việt ở trang 42 trong nguyên tác). Chi tiết về khăn đỏ tìm thấy trong: Lê Quý Đôn toàn tập, tập I, Phủ biên tạp lục, Đỗ Mộng Khương dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 76.
Lê Quý
Đôn toàn tập, tập I, Phủ biên tạp lục, sđd, tr. 312.
“Trại
chủ" là danh xưng chính thức của Nguyễn Nhạc khi mới nổi dậy, nguyên văn
của Dutton là “chief of brigand” - ND.
Philippe
Sérard gửi Pierre-Antoine Blandin, 8.1787, Văn khố Hội Truyền giáo Hải ngoại
Paris (dưới đây viết tắt là MEP) 691, tr. 1044.
Pierre-Yves
Manguin, Les Nguyễn, Macau et le Portugal: Aspects politiques et commerciaux
d'une relation privilégiée en Mer de Chine 1773-1802 (Nhà Nguyễn, Macau và xứ
Bồ Đào Nha: Các khía cạnh chính trị và thương mại của một mối quan hệ đặc biệt
tại biển Đông 1773-1802), École Française d'Extrême-Orient (Viện Viễn Đông bác
cổ), Paris, 1984, tr. 100.
Jean-Prançois
Le Roy gửi Blandin, 3.7.1789, MEP 692, tr. 112; Charles La Mothe gửi Blandin,
20.1.1790, MEP 692, tr. 158.
Li Tana,
“An Altemative Vietnam? The Nguyên Kingdom in the Seventeenth and Eighteenth
Centuries” (Một Việt Nam khác - Vương triều Nguyễn trong các thế kỷXVII và
XVIII), Journal of Southeast Asian Studies (Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á) 29,
.no. 1 (3.1998). tr. 119.
Alexander
Woodside, Vietnam and the Chinese Model: A Comparative Study of Vietnamese and
Chinese Government in thepirst Half of the Nineteenth Century (Việt Nam và mô
hình Trung Hoa; Một nghiên cứu so sánh các chính phủ Việt Nam và Trung Hoa vào
nửa đầu thế kỷ XIX), Harvard University Press, Cambridge, 1971, tr. 4.
Về sau,
Alexander Woodside có viết một quyển sách mỏng, không xuất bản, nhan đề: The
Tay-son Revolution in Southeast Asian History (Cuộc cách mạng của nhà Tây Sơn
trong lịch sử Đông Nam Á), Comell University Library, 1976. Tác phẩm này đua ra
những nhận thức sắc sảo về những mảng rộng lớn hơn của thời kỳ Tây Sơn và những
miêu tả về sau của cuộc nổi dậy, cho dù yếu tố chưa xuất bản khiến cho ảnh
hưởng về mặt học thuật của nó rất hạn chế).
David
Marr, Vietnamese Anticolonialism, 1885-1925 (Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân,
1885-1925), University of California Press, Berkeley, 1971.
David
Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945 (Truyền thống Việt Nam trong cơn
thử thách, 1920-1945), University of California Press, Berkeley, 1981.
Li Tana,
Nguyễn Cochinchina; Southern Vietnam in the Seventeenth and Bighteenth
Centuries (Chúa Nguyễn ở Đàng Trong: Đàng Trong thế kỷ XVII vàXVlll), Cornell
Umversity Southeast Asia Program, Ithaca, New York, 1998, tr. 41.
Li Tana,
Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth
Centuries, sđđ, tr. 147.
Charles
Maybon, Histoire modeme du pays d’Annam (1592-1820) (Lịch sử cận đại xứ An Nam,
1592-1820), Plon-Nourrit et Cie, Paris, 1919.
Lê Thành
Khôi, Le Vietnam: Histoise ei civilisation (Việt Nam: Lịch sử và nền văn minh),
Editions de Minuit, Paris, 1955, tr. 296-322.
Philippe
Langlet, l’ancienne Historiographie d'état au Vietnam (Phép chép sử ở Việt Nam
khi xưa), quyển 1, Raisons d’être, condition d'élaboration et caractères au
siècle des Nguyễn (Lý do tồn tại, những điều kiện phát triển và các đặc tính
của thời Nguyễn), École Prançaise d'Extrême-Orient, Paris, 1990.
Yang
Baoyun, Contribution à l’histoire de la principauté des Nguyên au Vietnam
méridional (1600-1775) (Sự đóng góp vào lịch sử của vương quốc các chúa Nguyễn
tại Đàng Trong, 1600-1775), Edittons OIizane, Geneva, 1992.
Để có
được mội sự miêu tả chi tiết quan niệm của triều Nguyễn về vấn đề này, xin xem:
Quách Tấn - Quách Giao, Nhà Tây Sơn, Sở Vãn hóa và Thông tin Nghĩa Bỉnh, Qui
Nhơn, 1988, tr. 234-249. Mặt khác, cần ghi nhận rằng nhà Nguyễn không tiêu hủy
một cách bừa bãi mọi tư liệu về nhà Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Ánh ra lệnh đặc
biệt cho quân đội của ông không thiêu hủy toàn bộ các tài liệu công của nhà Tây
Sơn mà thu thập chúng lại để xác định xem chúng có chứa đựng những thông tin
quan trọng không. Xin xem: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập
Một, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 497.
David
Marr, Vietnamese Anticolonialism, 1885-1925, sđd, tr. 23, ghi chú 1.
Nguyên
văn của Dutton được viết bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt:
“bandits"
(tặc) - ND.
Nguyên
văn của Dutton là: “rebels” (giặc) - ND.
Những
chi tiết này có thể tìm thấy trong tiểu sử của ba anh em nhà Tây Sơn trong:
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 2, sđd, tr. 491-492.
Philippe Langlet, l’ancienne Historiographie d’etatau Vietnam, quyển I, Raisons d’être, condittons d’élaboration et caractèm au siècle des Nguyễn, sđd, tr. 15.
Nola Cooke, “The Myth of the Restoration: Dang-Trong Infuences in the Spiritual Life of the Early Nguyen Dynasty (1802-47)” (Huyền thoại về sự phục hưng: Ảnh hưởng của Đàng Trong trong đời sống tinh thần của thời kỳ đầu triều Nguyễn, 1802-1847), trong: Anthony Reid (chủ biên), The LastStand of Asian Autonomies:Responses to Modemity in Diverse States of 'Southeast Asia and Korea, 1750-1900, Macmillan, London, 1997, tr. 271.
Tên Bình
Định chỉ được đặt ra trong giai đoạn cuối của cuộc nội chiến nhà Nguyễn - nhà
Tây Sơn, vùng này trước có tên là Qui Nhơn - ND.
Xem:
Nguyễn Bá Huân, Tây Sơn văn thần liệt truyện, Ty Văn hóa và Thông tin Nghĩa
Bình, Qui Nhơn, 1979; Nguyễn Bá Huân, "Cân quắc anh hùng truyện”, trong:
Phan Huy Lê, Tư liệu về Tây Sơn-Nguyễn Huệ trên đất Nghĩa Bình, Sở Văn hóa và
Thông tin Nghĩa Bình, Qui Nhơn, 1988, tr. 172-194. Tài liệu sau viết về nữ
tướng Bùi Thị Xuân. Cả hai tác phẩm này được biên soạn vào nửa sau thế kỷ XIX.
Xem: Dã
sử, VHb. 263, Viện Hán Nôm, Hà Nội; Ngô Cao láng, Lịch triều tạp kỷ, Hoa Bằng
và Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995; Bùi Dương Lịch, Lê
quý dật sử, Phạm Văn Thắm dịch, Nxb- Khoa học xã hội, Hà Nội, -1987.
Xem
"Lời giới thiệu" năm 1905 của Thiện Đình trong: Đặng Xuân Bảng, Việt
sử cương mục tiết yếu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr. 9; Trần Trọng
Kim, Việt Nam sử lược, tập 2, Nxb. Xuân Thu (in lại), California, 1990, tr.
127-128.
Xem:
Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tập 2, sđd, tr. 129; Phan Bội Châu, Việt Nam
vong quốc sử, Nguyên Quang Tô dịch, Nxb. Xuân Thu (in lại), Houston, Texas, tr.
23.
Đào Duy
Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Quan hải tùng thư, Huế, 1938; Nxb. Xuân Thu (in
lại), Houston, Texas, tr. 321.
Hai cụm
từ “cách mạng” và “phong trào nông dân", tác giả viết bằng tiếng Việt kèm
theo nguyên ngữ - ND.
Văn Tân,
Cách mạng Tây Sơn, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1958; Trần Huy Liệu, “Đánh giá cuộc
cách mạng Tây Sơn và vai trò lịch sử của Nguyễn Huệ”, Tập san nghiên cứu Văn Sử
Địa, số 14 (2-1956), tr. 30-44.
Xem:
Trần Thị Vĩnh, “Tìm hiểu về tổ chức nhà nước thời Tây Sơn", Tạp chí Nghiên
cứu lịch sử, số I (244), 1-2/1989, tr. 42-47.
Nguyễn
Lương Bích, Quang Trung-Nguyễn Huệ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1989;
Nguyễn Duy Hình, “Những suy nghĩ về nhà Tây Sơn", Tạp chí Nghiên cứu lịch
sử, số 1(244), 1-2/1989, tr 20-27.
Nguyên
văn: exceptionalism - ND.
Do vị
trí nằm phía trên sông Linh Giang, vùng lãnh thổ này đôi khi cũng được quen gọi
là Bắc hà. Về cuộc thảo luận về nguồn gốc và việc sử dụng các từ “Đàng Ngoài”
và "Đàng Trong", xin xem: Keith Taylor, "Surface Orientations in
Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region" (Định hướng bề nổi tại
Việt Nam: Bên ngoài những câu chuyện về đất nước và vùng miền), Joumai of Asian
Studies (Tạp chí Nghiên cứu châu Á), số 4 (1998), tr- 958-959.
Mạc Đăng
Dung là cháu 7 đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Năm 1527, ông giữ chức Đô Chỉ
huy sứ dưới triều vua Lê Uy Mục - ND.
Nhiều
tài liệu chép Trịnh Kiểm sinh năm 1503 - ND.
Chỉ
Nguyễn Kim - ND.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 26 - Dutton. Người này
có tên Dương Chấp Nhất - ND.
Trên
thực tế, Nguyễn Hoàng chỉ vào làm Trấn thủ Thuận Hóa thôi, vì lúc bấy giờ
(1558), Quảng Nam đã có Trấn thủ là Bùi Tá Hán. Mãi đến năm 1568, sau khi họ
Bùi qua đời, Nguyễn Hoàng mới kiêm luôn trấn Quảng Nam - ND.
Sự phức
tạp trong chuyến đi về Nam của Nguyễn Hoàng và sự miêu tả trong lịch sử Việt
Nam được Keith Taylor kể chi tiết trong “Nguyên Hoang and the Beglnning of
Vietnam’s Southward Expansion" (Nguyễn Hoàng và sự khởi đầu cuộc Nam tiến
của Việt Nam), trong: Anthony Reid (chủ biên), in Southeast Asia in the Early
Modern Era: Trade, Power and Belief Comell University Press, Ithaca, N.Y và
Lonđon, 1993, tr. 42- 65; xem thêm: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực
lục, tập Một, sđd, tr. 27-28.
Li Tana,
Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth
Centuries, sđđ, tr. 22.
Lúc này
đứng đầu họ Trịnh là Trịnh Tùng, cháu gọi Nguyễn Hoàng là cậu ruột - ND.
Keith
Taylor, “Nguyên Hoang and the Beginring otVietmn’s Southward Expansion",
tlđd, tr. 45, 64. Nola Cooke không thừa nhận lập luận của Taylor, cho rằng vào
thế kỷ XVII, nhà Nguyễn tiếp tục dự tính quay lại phương Bắc; xem: Noia Cooke,
“Regionalism and the Nature of Nguyên Rule In Seventeenth-Century Dang Trong
(Cochinchina)" (Chủ nghĩa địa phương và bản chất của chính quyền nhà
Nguyễn tại Đàng Trong thế kỷ XVIII), Journal of Southeast Asian Studies29, no.
1 (3-1998), tr. 122-161.
Tức
Nguyễn Phúc (Phước) Nguyên - ND-
Lời
tuyên bố này được làm nhẹ đi bằng cách cho rằng không thể nộp tiền thuế do điều
kiện thời tiết khiến cho năng suất mùa màng sụt giảm. Tuy nhiên, có vẻ như sự
bào chữa này chỉ là một cách nói để tránh một cuộc tấn công có thể xảy ra của
chúa Trịnh. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 41.
Lê Thành
Khôi, Histoire du VietNam, des origines à 1858, sđd, tr. 255-256.
Chỉ tiết
tóm lược về dòng họ các anh em Tây Sơn có thể tìm thấy trong: Quách Tấn - Quách
Giao, Nha Tây Sơn, sđđ, tr. 17. Xem thêm: Minh Đô sử, Hv. 285, Viện Sử học, Hà
Nội, quyển 5, tờ 74a-b.
Minh Đô
sử sđd, quyển 5, tờ 74a; Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 2,
sđd, tr. 491; Li Tana, Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth
and Eighteenth Centuries, sđd, tr. 28.
Quách Tấn - Quách Giao (Nhà Tây Sơn, sđd, tr. 20-23) cho tên người cha là Nguyễn Phi Phúc. Xem chương trình cưỡng bách tái định cư của gia đình trong: Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Hoa Bằng - Phạm Trọng Điềm - Trần Văn Giáp dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 719-720 - Dotton. Ở đây tác giả dùng từ “ village of Tây Sơn”, có chỗ tác giả viết là ấp Tây Sơn (hamlet of Tây Sơn) – ND
Tức sông
Gianh - ND.
Qua thế
kỷ XVIII, một cơ chế quan liêu được thiết lập dần, mặc dù điều này vẫn còn
tương đối ít quan trọng trong việc xác định đường hướng chính trị của nhà nước.
Ngay cả
khi Tả quân Lê Văn Duyệt đã vào trấn nhậm Gia Định thành (từ Bình Thuận trở vào
Nam), mỗi khi "Mọi Đá Vách” nổi dậy, triều đình lại cử ông trở ra Quảng
Nam để đối phó, và hầu như chỉ có ông dẹp được những cuộc nổi dậy này - ND.
Chỉ chúa
Nguyên Phúc Chu (1691-1725) - ND.
Về sự
thay đổi danh hiệu và tước hiệu, xin xem: Lê Quý Đôn toàn tập, tập I, Phủ biên
tạp lục, sđd, tr. 67-68. Có thể xem cuộc thảo luận tỉ mỉ về động lực dẫn đến sự
tự trị ở tài liệu đánh máy “Tây Sơn” của Maurice Durand, Yale University
Library, New Haven, tr. 11-24.
Chỉ chúa
Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) - ND.
Song các
chúa Nguyễn vẫn tiếp tục sử dụng niên hiệu của vua Lê trong các giấy tờ chính
thức đến năm 1802, mặc dù triều Lê đã cáo chung từ năm 1788 - ND.
Quyết
định của họ Trịnh giữ các vua Lê làm bung xung được cho là xuất phát từ Nguyên
Bỉnh Khiêm, một danh sĩ ở Hải Dương được xem là quân sư cho nhiều nhân vật
chính trị thế kỷ XVI. Xem: Trần Thiều, “Giữ chùa thờ Bụt mà ăn oản: Vì sao họ
Trịnh không dứt nghiệp nhả Lê?", Tạp chí Xưa & Nay 53, số 7 (1998),
tr. 38-39.
Xin xem
tuyên cáo bằng chữ Nôm của Lê Duy Mật nhắc lại công trạng của nhà Lê và kể tội
dòng họ Trịnh: “Tài liệu tham khảo: Hịch của Lê Duy Mật kể tội họ Trịnh",
Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 108,3-1968, tr. 58-59.
Thời kỳ
nắm quyền của chúa Trịnh Doanh được miêu tả rõ trong: Lê Thành Khôi, Histoire
du Viet Nam, des origines à 1858, sđd, tr. 307-309. Để có một cái nhìn ngắn gọn
về những gì Trịnh Sâm đã làm được, xin xem: Phan Huy Chú, Lịch triều hiến
chương loại chí, tập 1, sđd, tr. 178.
Như sẽ
nói rõ ở Chương IV, khái niệm “cải đạo ” khá phức tạp, và trong bối cảnh Việt
Nam, ít khi có nghĩa là việc bỏ một tôn giáo sẵn có, mà đúng hơn là bổ sung một
đạo mới.
Phan Đại
Doãn, Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam,-Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
1998, tr. 65; xem thêm: David Man, Vietnamese Anticolonialism, 1885-1925, sđd,
tr. 52-53. Vào thế kỷ XVIII, số người đỗ đạt gia tăng xuất phát từ các vùng
quanh thành Thăng Long, vì thế họ không hoàn toàn tách rời khỏi kinh đô. Mặt
khác, ngay những người sống trong chu vi của Thăng Long cũng có gốc rễ từ nông
thôn, làng xã.
Quan
điểm này được nêu trong Kinh thư, xem: Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử tư
tưởng Việt Nam, tập 1, sđd, tr. 461; về Ngô Thì Nhậm, xem: Nguyễn Tài Thư (chú
biên), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, sđd, tr. 461-462.
Hoàng
Xuân Hãn, La Sơn phu tứ, Mình Tân, Paris, 1952, tr. 141-142.
Chữ Nôm
xuất phát từ chữ Hán, kết hợp chữ viết và các chi tiết phụ của chữ Hán để diễn
tả nghĩa và cách đọc theo âm của người Việt.
Một bản
tóm lược các vấn đề văn hóa thế kỷ XVIII có nêu trong: Lê Thành Khôi, Histoire
du Viet Nam, desoriginesà 1858, sđd, tr. 286ff.
Một quan
lại nhà Nguyễn là Ngô Thế Lân có bình phẩm đặc biệt về hậu quả của những biến
đổi sâu sắc về dân số và lãnh thổ ở vương quốc nhà Nguyễn, trong một kiến nghị
gửi đến phủ chúa. Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thục lục, tập Một,
sữd, tr. 175.
Hay Xiêm
La, Tiêm La, nay là Thái Lan - ND.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 163-164.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 171ff.
Hay Điến
Điện, nay là Myanmar - ND.
Có thể
đọc văn kiện này trong: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một,
sđd, tr. 175. Để có thể thảo luận rộng rãi hơn về vấn đề này, xin đọc: Li Tana,
Nguyễn Cochìnchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth
Centuries, sđđ, tr. 94-98.
Li Tana,
Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eigkteenth
Centurỉes, sđd, tr. 146; Lê Quý Đôn toàn tập, tập I Phủ biên tạp lục, sđd, ư.
240-241 liệt kê nhiều loại tàu vận chuyển khác nhau, nêu rõ là Qui Nhơn có
nhiều tàu ghé nhất.
Đây là
Định vương Nguyễn Phúc Thuần, con thứ của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát - ND.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 173.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 170, miêu tả các nỗ lực
của Trương Phúc Loan nhằm nâng mức thuế ở những khu vực này.
Của nhà
Tây Sơn - ND.
Chúa
Nguyễn Phúc Khoát giữ nghiệp chúa những năm 1738-1765 - ND.
Hưng Tổ
có tên Nguyễn Phúc Luân, cha ruột Nguyễn Ánh, được cha là Võ vương chọn làm
người kế nghiệp - ND.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 1, sđd, tr. 202.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 173; Phan Khoang, Việt
sử xứ Đàng Trong, 1558-1777, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr. 250-251.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 2, sđd, tr. 202; Quốc sử quán triều
Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 170 - Dutton. Tức Võ vương Nguyễn
Phúc Khoát - ND.
Đầu năm
1776, Lê Quý Đôn (trong: Lê Quý Đôn toàn tập, tập I, Phủ biên tạp lục, sđd, tr.
70-71) đã quy cho những khó khăn mà chính quyền Đàng Trong gặp phải, và đặc
biệt cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, là do các chính sách và hành động của Trương
Phúc Loan. Cũng xin xem: Đại Việt sử ký tục biên, sđd, tr. 375, trong đó tướng
chỉ huy cuộc xâm lấn của quân Trịnh buộc tội Loan một cách gay gắt.
Người
dịch chép lại nguyên văn đoạn này trong Đại Nam thực lục (tập Một, Nxb. Giáo
dục, Hà Nội, 2002, tr. 173). Bản tiếng Anh của tác giả Dutton cũng dịch từ
nguồn tư liệu trên, song có hai nhầm lẫn lớn: một là phần đầu của đoạn trích
"dẫu được chúa thân yêu, nhưng chi say mê tửu sắc, không để ý đến việc
nước” đề cập đến Nội hữu chưởng dinh Tôn Thất Nghiễm và chưởng Thủy cơ Tôn Thất
Viên mà Dutton lại hiểu nhầm là viết về Trương Phúc Loan; hai là từ “trăm họ”
trong nguyên tác Đại Nam thực lục, Dutton dịch ra tiếng Anh là “hundred
sumames” (!) - ND.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 173.
Ám chỉ
vùng đất Đàng Trong của chúa Nguyễn - ND.
Chuỗi sự
kiện này được miêu tả chi tiết trong: Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống
chí, tập 1, sđđ, tr. 29-58 và sẽ được dẫn lại ở Chương II.
Ngô Gia
Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, tập 1, sđd, tr. 91; Đại Việt sử ký tục biên,
sđd, tr. 358; Nam sử , VHv. 2743, Viện Hán Nôm, Hà Nội, tờ 34b, chép rõ hơn khi
cho rằng Nguyễn Nhạc đã thua bạc hết khoản tiền này.
Mặc dù
thời điểm năm 1771 khó xác định rõ, nó được Đại Nam liệt truyện (tập 2, sđđ, tr.
492) ghi là năm Tân Mão. Nhiều nhà viết sử khác vào thế kỷ XIX bắt đầu viết về
nhà Tây Sơn từ năm 1773, khi quân nổi dậy tấn công Qui Nhơn.
Nguyên
văn bằng tiếng Việt trong tác phẩm của Dutton - ND.
Sử nhà
Nguyễn chép rằng việc không thể tiếp cận khu vực này là lý do họ thất bại trong
việc đàn áp phong trào Tây Sơn vào những năm đầu tiên. Quốc sử quán triều
Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 177.
Taylor
(trong: “Suriace Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and
Region", tlđd, tr. 964) đã miêu tả vị trí then chốt của An Khê ở điểm giao
nhau của những con đường vận chuyển và buôn bán. Một khảo sát chi tiết về vai
trò quan trọng của vùng cao này trong bài viết của: Vũ Minh Giang, "Tây
Sơn thượng đạo, căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa”, trong: Nam Hà - Vũ Mình
Giang - Nguyễn Đổng Chi, Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân Tây Sơn Nguyễn
Huệ, Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình, Qui Nhơn, tr. 22-32. Cũng xin xem: Li
Tana, Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighieenth
Centuries, sđđ, tr. 123.
P.
Lorenzo Pérez, “La Révolte et la guerre des Tayson d'après les Franciscains
Espagnols de Cochinchine”, tlđd, tr. 74.
Lúc này
là Định vương Nguyễn Phúc Thuần - ND.
Hoàng
Ngũ Phúc - ND.
Theo một
số tài liệu khác, người em nhỏ nhất là Nguyễn Huệ" ND.
Thái
Thượng vương Nguyên Phúc Thuần và Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương bị sát hại
trong dịp này - ND.
Năm
1777, Nguyễn Ánh mới 15 tuổi -ND.
Tức đảo
Thổ Châu - ND.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđđ, tr. 205.
Tháng 4
âm lịch (về sau viết tắt là AL) năm 1782, tướng giỏi của Nguyễn Nhạc là Phạm
Ngạn bị đạo quân Hòa Nghĩa theo Nguyên Ánh, phần lớn là người Hoa, sát hại
trong một trận đánh tại cầu Tham Lương, Sài Gòn, nhà Tây Sơn đã giận cá chém
thớt, sát hại hàng ngàn cư dân người Hoa để trả thù - ND.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 214.
Lê Hiển
Tông - ND.
Vua Lê
Hỉển Tông phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyên súy Dực chính Phù vận Uy Quốc công và
gả con gái là Lê Thị Ngọc Hân cho - ND.
Nhân vật
này tên Lê Duy Kỳ, cháu vua Lê Hiển Tông, lên ngôi với niên hiệu Chiêu Thống -
ND.
Hầu hết
các sử liệu khác chép là Vũ Văn Nhậm - ND.
Nhiều
tài liệu phủ nhận con số này, cho rằng chỉ vào khoang vài mươi ngàn quân Thanh
- ND.
Chuỗi sự
kiện được miêu tả chỉ tiết trong Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, tập
2, sđd, tr. 194.
Theo
nhiều tài liệu, nhân vật này là Phạm Công Trị, song gần đây có tác giả chứng
minh rằng người đi sang Trung Quốc là vua Quang Trang thật - ND.
Văn Tân,
Cách mạng Tây Sơn, sđd, tr. 149. Có sự tranh cãi về chuyện ai là người đóng thế
vua Quang Trung. Đại Việt quốc thư (Đình Thụ Hoàng Văn Hòe dịch, Trung tâm học
liệu, Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1987), tr. 356-357, chép rằng người đóng thế có thể
là một ngươi ở Nghệ An giống với nhà vua.
Những
cuộc thảo luận chi tiết về quan hệ Việt-Hoa vào thời kỳ này, xin xem: Quang
Trung: Anh hùng dân tộc, 1788-1792, sđđ, tr. 208-260; cũng xin xem: Trương Bửu
Lâm, “Intervention versus Tribute in Sino-Vietnamese Relations, 1788-1790” (Sự
can thiệp về lệ triều cống trong quan hệ Hoa-Việt, 1788-1790), trong: John K.
Fairbank (chủ biên), The Chinese World Order, Harvard University Press,
Cambridge, 1968, ư. 165-179.
Nguyễn
Huệ sinh năm 1753, chỉ tiết này đúng nếu tính theo tuổi ta - ND.
Có tài
liệu ghi ông sinh năm 1783, tức lúc lên ngôi mới 9 tuổi - ND.
Theo một
số tài liệu, bà hoàng hậu này tên Bùi Thị Nhạn, em ruột Bùi Đắc Tuyên. Một số
tài liệu khác lại cho biết bà họ Phạm - ND.
Người
Việt gọi ông là Bá Đa Lộc - ND.
Theo
tinh thần hiệp ước Versailles ký kết ngày 28.11.1787 giữa Bá Đa Lộc, thay mặt
chúa Nguyễn Ánh và Thượng thư bộ Ngoại giao Montmorin, thay mặt Pháp hoàng
Louis XVI thì Pháp giúp chúa Nguyễn 4 thuyền chiến, 1.200 lính bộ binh, 200
lính pháo binh, và 250 lính Cafres, đổi lại, Nguyên Ánh nhường cho Pháp đảo Côn
Lôn (Poulo Condore) và một hòn đảo ở cửa vào cảng Hội An - ND.
Một bản
tường thuật về chuyến đi sang Pháp của Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh, và những gì
sau đó, có thể đọc trong: George Taboulet, La Geste pranaise en Indochine,
Histoire par les textes de la France en Indochine des origines à 1914, tập 1,
Librarie d’Amerique et d'Onent, Paris, 1955, tr. 163-279 - Dutton. (Nhân vật đó
là bá tước De Conway, tống chỉ huy quân đội Pháp trong vùng Ấn Độ Dương - ND.)
Thư Bá
Đa Lộc gửi cho Denis Boiret, 18.7.1792, MEP746, tr. 395.
Nhiều
thư của các giáo sĩ kể về chuyện nhà Tây Sơn cố tuyển mộ "ông Tín”
(Olivier). Thư Langlois gửi Boiret, 20.7.1795, MSP692, tr. 652.
Tức vua
Cảnh Thịnh - ND.
Thư
Lavoue gửi Boiret và Descourvières, 13.5.1795, MEP 746, tr. 465.
Tức
hoàng đế Quang Trung - ND.
Nguyễn
thị Tây Sơn ký, A- 3138, Viện Hán Nôm, Hà Nội, tờ 38a.
Sự đàn
áp đó cùng nguyên nhân và hậu quả của nó sẽ được đề cập đến trong Chương IV.
Durand,
"Tây Sơn”, tlđd, tr. 210-216, đặc biệt ở trang cuối có miêu tả vai trò
quan trọng của thành Diên Khánh.
Theo
chính sử và nhiều tư liệu khác, Bá Đa Lộc qua đời vào tháng 10.1799 - ND.
Trần Huy
Liệu, "Đánh giá cuộc cách mạng Tây Sơn và vai trò lịch sử của
Nguyên
Huệ”, Tập san nghiên cứu Văn Sử Đia, số 14 (2.1956), tr. 30-44;
Văn Tân,
Cách mạng Tây Sơn, Nxb- Văn Sử Địa, Hà Nội, 1958.
Nhiều
phong trào nhân dân ở Xiêm, Miến Điện, Chân Lạp, Đông Ân, Philippines và Trung
Hoa vào các thế kỷ XVIII và XIX được hình thành từ các ý thức hệ tôn giáo, gồm
có Phật giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Chúng gồm có Bạch Liên giáo, Nghĩa
Hòa Đoàn và Thái Bình ở Trung Quốc; ở Đông Nam Á, có những cuộc nổi dậy của
người dân ở Miến Điện và Xiêm kích động bởi Phật giáo, ở Java bởi Hồi giáo, và
ở Philippines bởi Thiên Chúa giáo.
Bà Hồ
Tài Huệ Tâm, hiện là giáo sư sử học Việt Nam tại trường Đại học Harvard (Mỹ).
Bà Huệ Tâm là ái nữ học giả, nhà hoạt động chính trị Hồ Hữu Tường - ND.
Hue-Tam
Ho Tai, Millenarianism and Peasant politics in Vietnam (Chủ thuyết thiên niên
và chính sách về người nông dân tại Việt Nam), Harvard University Press,
Cambridge, 1983, tr. 5.
Nguyễn
Khắc Đạm, “Tại sao các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Việt Nam ít có màu sắc tôn
giáo?”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 81,12.1965, tr. 8-10.
Nguyên
văn của tác giả - NĐ.
“Ba vị”
là ba anh em nhà Tây Sơn. Tác gỉả dùng cụm từ "these three worthies"
có hàm ý mỉa mai - ND.
John Barrow, A Voyage to Cochinchina in the Years 1792 and 1793, sđđ, tr.251.
Các từ “nhà buôn", “tướng” và
“thầy tu" nhằm ám chỉ ba anh em Tây Sơn Nhạc, Huệ, Lữ, theo thứ tự.
Từ bằng
tiếng Việt của tác giả kèm theo tiếng Anh “virtuous king" - ND.
Hồ Quý
Ly có hai người cô lấy vua Trần Minh Tông, một người sinh ra vua Trần Nghệ
Tông, một người sinh ra vua Trần Duệ Tông, tất nhiên hai ông vua này là anh
(em) cô cậu ruột với Hồ Quý Ly - ND.
Xin xem:
John Whitmore, “Chung-Hsing and Cheng- Tung in Texts of and on Sixteenth -
Century Vietnam” (Chung-Hsing và Cheng-Tung trong tài liệu của Việt Nam thế kỷ
XVI), trong: K. W. Taylor - John K. Whitmore (chủ biên), Essays into Vietnamese
Pasts, sđd, tr. 116-136.
Từ này,
tác giả viết là "under he a ven” (dưới trời) chúng tôi ngờ rằng ông đã
dịch từ hai chữ "thiên hạ” - ND.
Michael
Adas, Prophets of Rebellion: Millenarian Movements against the European
Colonial Order (Những lời tiên tri về cuộc nổi dậy: các phong trào thiên niên
chống lại chế độ thực dân châu Âu), University of North Carolina Press, Chapel
Hill, 1979, tr. 112.
Nguyên
văn của Dutton bằng tiếng Việt - ND.
Ngô Đức
Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1997,
tr. 108.
Thế kỷ
XVIII và XIX, sử gọi là người Y Pha Nho - ND.
Chữ Việt
trong nguyên tác của Dutton - ND.
Thư
Pigneau gửi các giám đốc Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris, 5.6.1776, Tân huấn
thư của các phái bộ Trung Hoa và Đông Ân, tập 6, tr. 293.
Charles Chapman, “Chapman's narrative of his mission to Vietnam" (Tường thuật của Chapman về sứ mạng của ông tại Việt Nam), trong: Alistair Lamb, Mandarin Road to Old Hue (Đường quan lộ đến Huế xưa), Archon Books, London, 1970, tr. 94-95. Đây rõ ràng là một lời chú giải trong đó từ “God" được Chapman giải thích phù hơp với cách nói của giới giáo sĩ phương Tây về chữ “trời” trong cách hiểu cũ của người Việt về từ này.
Vua Lê
Hiển Tông (1740-1786) - ND.
Gần như
chắc chắn Nguyễn Huệ cho rằng gió mùa tạo thuận lợi cho một cuộc viễn chinh
bằng đường biển vào thời điểm này trong năm.
Để thảo
luận xa hơn về vai trò của Ngô Thì Nhậm khi soạn thảo chỉ dụ này, xin xem:
Alexander Woodside, “Ciassical Primordialism and the Historical Agendas of
Vietnamese Confudanism" (Thuyết nguyên thủy lãnh điển và tiến trình lịch
sử của Khổng giáo Việt Nam”, trong: Benjamin A. Elraan - John B. Duncan -
Herman Ooms (đồng chủ biên), Rethinking Confucianism: Pastand Present in China,
Japan, Korea, and Vietnam (Nghĩ
lạl về
Khổng giáo: Quá khứ và Hiện tại ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt
Nam), UCLA Asian Pacifc Monograph Series, Los Angeles, 2002, tr. 120.
Nguyễn
Cẩm Thúy - Nguyễn Phạm Hùng, Văn thơ Nôm thời Tây Sơn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà
Nội, 1997, tr. 265. “Hội Thuận ứng thế đừng được chớ...” Có lẽ chỉ dụ này do kẻ
đã phản lại chúa Trịnh là Nguyễn Hữu Chỉnh soạn cho họ.
Quốc sử
quán triều Nguyên, Đại Nam liệt truyện, tập 2, sđd, tr. 491. Từ “phía bắc”
trong lời tiên tri này không rõ ràng, có thể giải thích là kinh đô nhà Nguyễn ở
Phú Xuân hoặc kinh thành Thăng Long của nhà Lê.
Tác giả
Dutton không đề cập đến con rùa thần ở hồ Hoàn Kiếm là sinh vật đã trao gươm
cho Lê Lợi và về sau lấy gươm đi - ND.
Arthur
là vua nước Anh. Theo truyền thuyết, ông đã nghe theo lời pháp sư Merlin, rút
thanh kiếm báu Excalibur trong phiến đá và sau lên làm vua - ND.
Những
mẩu chuyện về Tây Sơn, Ty Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bỉnh, Qui Nhơn, 1979, tr.
9-10; Lê Xuân Lít, “Lòng dân đối với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn”, trong: Nam Hà
-Vũ Minh Giang - Nguyễn Đổng Chi, Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân Tây Sơn
Nguyễn Huệ, sđd, tr. 289-290. Một chi tiết khác nói về Nguyễn Huệ thay vì anh
của ông, và lần này ông tìm thấy trong con gà không phải một chuôi gươm mà là
một chiếc ấn vàng.
Tức
Nguyễn Huệ - ND.
Quách
Tấn, "Di tích và truyền thuyết về nhà Tây Sơn”, Tập san Sử Địa, số 9, Nhà
sách Khai Trí, Sài Gòn, 1968, tr. 175. Đao hình rồng là biểu tượng của vua. Ý
tưởng về một sinh vật kỳ diệu trao lưỡi kiếm gợi nhớ lại chuyện con rùa thần
trao gươm cho Lê Lợi trong cuộc chiến đấu chống quân Tàu của ông vào thế kỷ XV.
Rõ ràng là một lần nữa, Nguyễn Huệ được xem là một thành phần của dòng dõi anh
hùng Việt Nam ra đời để giúp nước.
Quách
Tấn, “Di tích và truyền thuyết về nhà Tây Sơn”, tlđd, tr. 172. Ý tưởng về sự
xuất hiện những từ ngữ có tính thiêng liêng không chỉ riêng về nhà Tây Sơn. Câu
chuyện này có nét giống lúc mới khởi phát cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi chống quân
Minh vào đầu thế kỷ XV. Tài liệu đó ghi rằng, người cố vấn thân cận của vị lãnh
tụ cuộc khởi nghĩa là Nguyễn Trãi đã dùng mỡ khắc câu “Lẽ Lợi vi quân, Nguyễn
Trãi vi thần” lên thân cây. Sau một thời gian, côn trùng và những con vật khác
ăn chất mỡ đi, câu trên hiện ra trên vỏ cây như có phép kỳ điệu nào. Các tài
liệu kể về chuyện này không hoàn toàn giống nhau, ý niệm về một lời tiên tri
xuất hiện một cách kỳ diệu có liên quan đến hai truyện kể. Xem: Lê Thành Khôi,
Histoire du Viet Nam, des origines à 1858, sđd, tr. 207 - Dutton. Theo một số
nguồn sử liệu khác, câu "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi ví thần” được viết
bằng mỡ trên lá cây và thả trôi theo dòng nước - ND.
Câu
chuyện này không rõ nguồn gốc, được tìm thấy trong: Những mẩu chuyện về Tây
Sơn, sđd. tr. 31-32.
Tiếng
Việt trong nguyên tác của tác giả - NĐ.
Khái
niệm kinh tế đạo đức (moral economy) được sử gia người Anh E.P. Thomson nêu ra
từ một cách nói được nhiều tác giả vào thế kỷ XVIII sử dụng. Thompson viết về
nền kinh tế đạo đức của người nghèo trong bối cảnh những cuộc náo loạn về lương
thực lan tràn ở vùng nông thôn nước Anh vào cuối thế kỷ XVIII Theo Thompson,
những cuộc náo loạn này chứng tỏ một phản ứng bắt nguồn từ quyền được định giá
những mật hàng thiết yếu trên thị trường. Những người nông dân tham gia cuộc
náo loạn chủ trương rằng một “giá cả phải chăng" theo truyền thống quan
trọng hơn giá thị trường “ tự do" và họ trừng phạt những chủ nông trại lớn
bán sản phẩm với giá cao bên ngoài làng xã, trong khi bên trong làng xã, người
dân vẫn còn cần đến chúng - ND.
"Tài
liệu tham khảo: Hịch của Lê Duy Mật kể tội họ Trịnh”, tlđd, tr. 58-59.
Về sau,
đạo quân Hòa Nghĩa về hàng chúa Nguyễn Ánh, lập nhiều công lớn. Năm 1782, họ
chém tướng Tây Sơn Phạm Ngạn tại cầu Tham Lương, Gia Định; nhà Tây Sơn đã giận
cá chém thớt, sát hại mấy ngàn người Hoa tại Sài Gòn, bất luận dân hay lính,
thây chất đầy sông, cả mấy tháng trời người dân Sài Gòn không dám ăn tôm
cá" ND.
Không rõ
là tên gọi mới này được sử dụng rộng rãi như thế nào. Trong lúc khá nhiều nguồn
tư liệu có ghi nhận sự thay đổi tên gọi này, một số tư liệu hiện đại lại không
gọi vùng đô bằng cái tên nào khác là Nghệ An.
Có thể
tìm thấy các từ này trong thời gian từ năm 1784 đến năm 1792. Xem: Thư
Langenois gửi Jean-Jacques Descourvieres, 30.6.1784, MEP 800, tr. 1776;
“Journal de la Procure de Macao en 1784" (Nhật ký của Linh mục quản lý Tu
viện Macao năm 1784), MEP 306, tr. 929; “Journal de ce qui s'est passe de plus
remarquable dans la misslon du Tong-king, depuis le mois de juiliet 1786
jusqu’à mois de julliet 1787” (Nhật ký về những gì đáng lưu ý nhất trong sứ bộ
Đông Kinh, từ tháng 7.1786 đến tháng 7.1787), MEP 691, tr. 899-900; Thư Jean
Labartette gửi Denis Boiret, 22.3.1787, trong: Nouvelles lettres (Những lá thư
mới), tập 6, tr. 2; Thư de Gortyne gửi Pierre-Antoine Blandin, 21.12.1792, MEP
692, tr. 405.
"Journal
de ce qui s’est passe de pius remarquable dans la mission du Tong-king, depuis
le mois de mai 1785 jusqu'à mois de juin 1786" (Nhật ký về những gì đáng
lưu ý nhất trong sứ bộ Đông Kinh, từ tháng 5.1785 đến tháng 6.1786), MSP 691,
tr. 668, 899-900, miêu tả việc người giàu cố thủ trong nhà trong thời điểm xảy
ra nạn đói để tránh việc bị đòi nộp lương thực.
Sau khi
Võ vương qua đời, người con thứ hai của ông là Chương Võ được chỉ định kế
nghiệp. Tuy nhiên, có lẽ do sự can thiệp của Trương Phúc Loan, người con thứ 16
của chúa là Định vương được kế nghiệp. Sự chọn lựa này loại ra ngoài một người
có khả năng kế nghiệp khác tên Hiệu, khi Chương Võ qua đời chỉ một thời gian
ngắn sau cái chết của Võ vương. Khi Nguyễn Nhạc nổi dậy, ông ta ủng hộ Đông
cung Dương, là con của Thế tử
Hiệu,
được chỉ định làm người kế nghiệp. Alistair Lamb, Mandarin Road to Old Hue, tr.
88-89, ghi chú 2.
Tức
Nguyễn Phúc Dương, con trai thế tử Nguyên Phúc Hiệu (con thứ chín Võ vương
Nguyễn Phúc Khoát), mất năm 1760, được Võ vương truy tặng tước Thái Bảo Quận
công - ND.
Tư liệu
của nhà Nguyễn ghi rằng chính Hiến đã thúc giục Nguyễn Nhạc tự coi mình là
người đang thực hiện lời tiên tri nhắm đến “một cuộc nổi dậy ở phía tây”, vì
thế không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy có liên quan đến mưu lược đề ra các
khẩu hiệu chính trị hoặc các mục tiêu trong thời kỳ đầu của cuộc nổi dậy.
Khá thú
vị là điều này phản ánh hoàn toàn những hành động của Trương Phúc Loan, vì Loan
đã gả con gái cho vị đông cung trẻ tuổi mà ông ta mưu định đưa lên ngôi chúa.
Ngô Gia
Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, tập 1, sđd, tr. 148; tác giả P. Lorenzo
Pérez (trong; "La Révolte et la guerre des Tayson d'après les Pranciscains
Espagnols de Cochinchme”, tlđd, tr. 85) kể về trường hợp một giáo sĩ Tây Ban
Nha đã viết rằng: "Dương không muốn lấy người được giới thiệu với ông làm
vợ, song vốn là một người cẩn trọng, để tránh rắc rối lớn cho mình, ông đã giữ
con gái Nhạc trong nhà trong sáu tháng, mà không hề sống chung với cô ta, cũng
không cho cô ta được lên giường của ông hay ngồi chung bàn với ông".
Minh Đô
sử, sđđ, quyển 5, tờ 75a; xin xem thêm: Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt
Nam qua các triều đại, sđd, tr. 108- Có vẻ như điều này cho thấy đây là lần duy
nhất trong lịch sử Việt Nam có một chữ bị cấm kỵ do ác cảm với một cá nhân,
thay vì bảo vệ tính bất khả xâm phạm của danh tánh trong hoàng tộc.
Bình Nam
thực lục (qn), DC. 79, Tras. (photocopy) Thư viện tỉnh Bình Định, Qui Nhơn, tr.
12-17. Bình Nam thực lục là tác phẩm chi tiết, cận đại của họ Trịnh đề cập đến
cuộc viễn chinh của họ về phía nam. Chúa Trịnh Sâm đã ra lệnh viết cuốn này và
in dưới dạng mộc bản vào cuối thập niên 1770, đầu thập niên 1780 - Dutton.
Trong số những tướng Trịnh qua đời, có Hoàng Ngũ Phúc, người cầm đầu quân Trịnh
đánh vào Thuận Hóa - ND.
Tôi xin
cảm ơn Nola Cooke đã nêu lên rằng, đây là danh hiệu cũ của Nguyễn Hoàng. Việc
sử dụng những từ như “duke”, như một cố gắng tìm từ song hành của người Âu, rõ
ràng là có vấn đề. Tuy nhiên, việc sử dụng cách dịch như thế trong một thời
gian dài, cũng như việc thiếu một sự lựa chọn phù hợp, cho thấy rằng cách dịch
tốt nhất, cho dù không hoàn hảo, có thể là cách dịch theo tập quán.
Lịch sử
Việt Nam đương đại đề cập nhiều đến mỉ quan hệ ban đầu của nhà Tây Sơn với
người dân cao nguyên, được diễn tả bằng những chuyện kể dân gian thu thập được.
Chẳng hạn như có thể xem: Nguyễn Dương Bình, “Vài suy nghĩ về phong trào nông
dân Tây Sơn với các dân tộc ít người và căn cứ địa miền núi", trong: Tây
Sơn Nguyễn Huệ (Kỷ yếu hội nghị nghiên cứu phong trào nông dân Tây Sơn), Ty Văn
hóa và Thông tin Nghĩa Bình, Qui Nhơn, 25.2-28.2.1978, tr. 142-146. Tuy nhiên,
các tài liệu bằng chữ viết rất ít đề cập đến những mối quan hệ ấy, do đó khó mà
đưa ra những nhận định dứt khoát về mối quan hệ mà các lãnh tụ Tây Sơn đã khai
triển với những nhóm người này.
Quốc sử
quán triều. Nguyền, Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb.
Thuận Hóa, Huế,, 1996, tr. 143. Chức Chưởng cơ ở đây hình như được sử dụng như
một chức danh chính trị chung. Thời điểm của sự chuyển giao không rõ ràng,
nhưng có lẽ là vào đầu thập niên 1780.
Không hiểu sao Nguyễn Nhạc lại tự xưng là cha, rồi lại là anh cả của tiểu vương Chăm, có thể là trong hai trường hợp khác nhau chăng? - ND. Chỉ Nguyễn Nhạc - ND.
Xem:
Nguyễn thị Tây Sơn ký, A.3138,sdd, tờ 4b,6a. Để hiểu chi tiết về vị trí này xin
xem: Phan Huy Lê, “Di tích thành Hoàng Đế”, trong: Phan Huy Lê, tìm về cội
nguồn, Nxb Thế giới, Hà nội 1998, tr 103-123 và Chiêm Thành khảo. A.970 viện
Hán Nôm.
Sau khi
Nguyễn Nhạc qua đời, cháu kêu ông bằng bác là vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toàn,
con trai hoàng đế Quang Trung, chỉ phong người con nối đõỉ của Nhạc là Nguyền
Bảo tước Hiếu công, cắt mỗi huyện Phù Ly cho làm thực ấp. Như vậy từ năm 1793,
vua Cảnh Thịnh nắm hết quyền hành và đất đai từ Qui Nhơn ra đến đất bắc - ND.
Về chỉ
tiết này, có lẽ tác giả đã nhầm, vì vị vua Chăm từng cưới công chúa Đại Việt
(như Nguyễn Huệ) là Chế Mân, chứ không phăi Chế Bồng Nga - ND
Việc gọi Nguyễn Nhạc là Thiên Vương tìm thấy trong: Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, tập 1, sđd, tr. 93; cũng có trong: Nguyễn thị Tây Sơn ký, A. 3138, sdđ, tờ 5a. Sách Đại Việt sử ký tục biên (sđd, tr. 416-421) miêu tả sự khó chịu của chúa Trịnh trước hành động của nhà Tây Sơn, và cũng ghi lại rằng triều đình nhà Lê tiếp tục ban chiếu chỉ và chức tước cho vị lãnh tụ Tây Sơn.
Cho dù
các chúa Nguyễn đã công bố sự tự trị, không lệ thuộc vào nhà Lê từ năm 1744,
song họ vẫn tiếp tục sử dụng niên hiệu của vua Lê trong các văn kiện và lịch.
Về việc chúa Nguyễn tiếp tục sử dụng niên hiệu của vua Lê, xin xem: Nola Cooke, “Regionalism and the Nature of Nguyên Rule in Seventeenth- Century Dang Trong (Cochinchina)'', tlđd, tr. 161, ghi chú 201.
Ý tác
giả muốn nói đến kinh đô cũ của người Chăm là Vijaya - ND.
Theo lệ
của các cung đình thời Lê-Trịnh, triều phục màu vàng chỉ dành cho vua; chúa Trịnh
chỉ mặc trang phục màu tía - ND.
"Journal
de la Procure de Macao en 1784” (Nhật ký của Quản lý tu viện Macao năm 1784),
MEP 306, tr. 928-929. Sự kiện này được miêu tả chỉ tiết ở Chương IV.
“Phù Lê
Diệt Trịnh". Đây không phải là lần đầu tiên một biểu ngữ có khẩn hiệu như
thế được giương lên ở phía bắc. Trong một chiến địch kéo dài vào những thập
niên 1730-1760, Lê Duy Mật đã dùng khẩu hiệu y như thế.
Cảnh
Hưng là niên hiệu của vua Lê Hiển Tông (1740-1786) -ND.
Trên
thực tế, tuy cùng danh hiệu Đại Nguyên Soái, song chúa Trịnh được phong tước
Vương, còn Nguyễn Huệ chỉ được phong tước Quốc công - ND.
“Xem:
Nguyễn Thu, Lê quý kỷ sự, Hoa Bằng dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974,
tr. 39; Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, tập 1, sđd, tr. 133; Đại
Việt sứ ký tục biên, sđd, tr. 468.
Vài
nguồn tư liệu cho rằng Nguyễn Hữu Chỉnh đã gợi ý Nguyễn Huệ đua ra lời xin cầu
hôn. Xem: Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, tập 1, sđd, tr. 133. Đại
Việt sử ký tục biên (sđd, tr. 468) cho rằng Chỉnh thúc giục vua Lê gả công chúa
(Ngọc Hân - ND) mà không có lời cầu hôn trước của Huệ; Nguyễn Thu, trong Lê quý
kỷ sự (sđd, tr. 39) thì cho rằng Huệ ra lệnh cho Chỉnh gửi lời cầu hôn nhân
danh ông.
Đó là
Đông cung Nguyễn Phúc Dương, về sau bị chính quân Tây Sơn bức tử - ND.
Về
trường hợp này, Dutton đã nhầm giữa Chế Mân và Chế Bồng Nga, như đã lưu ý ở
trên. Bà công chúa Việt ở đây là Huyền Trân công chúa - ND.
Đúng ra
tên của người cháu vua Lê Hiển Tông là Lê Duy Kỳ, Mãn Đế chỉ là miếu hiệu của
ông sau khi chết - ND.
Vua Lê
Chiêu Thống sinh năm 1765, lúc lên ngôi cũng đã 21 tuổi - ND.
Có lẽ vì
sợ sự đe dọa của quân Tây Sơn, vừa lên ngôi, vua Lê Chiêu Thống đã sử dụng trở
lại người của dòng họ Trịnh, phong Trịnh Bồng làm Án Đô vương, tái lập phủ chúa
Trịnh - ND.
Từ
"kẻ phản bội” dùng ám chỉ Nguyễn Hữu Chỉnh - ND.
Vài tài
liệu của các giáo sĩ Pháp đưa ra giả thuyết là chính công chúa Ngọc Hân thúc ép
Huệ ra Bắc trong chiến dịch năm 1787 chống lại Chỉnh. Xem: "Journal de ce
qui s’est passe de plus remarquable dans la mission du Tong-king, depuls le
mols de juiliet 1786 jusqu'il mols de juillet 1787” (Nhật ký những gì đáng nhớ
diễn ra trong chuyến đi Đông Kinh, từ tháng 7.1786 đến tháng 7.1787), MEP 691,
tr. 899.
Nhiều
tài liệu Việt gọi Võ Văn Nhậm là phò mã (rể vua).
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 2, sđd, tr. 511. Nguồn tư liệu này
đưa ra giả thuyết là Huệ đã sẵn nghi ngờ Nhậm, cho dù đã cử Nhậm ra Bắc.
Có tài
liệu cho rằng một thời gian ngắn trước khi xử Nhậm, Huệ đã nói với Nhậm
"về chuyện này không cần phải nói nhiều; ông có tài hơn cả tôi và là vậy,
ông không phải là người mà tôi có thể dùng”. Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn,
Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, sđd, tr. 834.
Tướng
nhà Thanh tuyên bố rằng đạo quân của ông ta có 500.000 người (Ngô Gia Văn Phái,
Hoàng Lê nhất thống chí, tập 2, sđđ, tr. 162). Theo một giáo sĩ châu Âu, con số
đó là 36.000. Thư Boisserand gửi Blandin, 14-3.1789, MEP 746, tr. 237. Quách
Tấn và Quách Giao (trong: Nhà Tây Sơn, sđd, tr. 122) và Đại Nam liệt truyện (tập
2, sđd, tr. 515) đưa ra con số 200.000. Charles La Mo the, trong một bức thư
gửi Blandin, ước lượng quân Thanh 300.000 (Thư La Mothe gửi Blandin, 7.1789,
MBP 692, tr. 135).
Vào thời
điểm này, đất Gia Định đã nằm trong tay chúa Nguyễn Ánh - ND.
Dù trong
chiếu lên ngôi, Nguyễn Huệ mô tả lãnh địa của người anh (Nguyễn Nhạc - NĐ) thu
hẹp chỉ còn là phủ Qui Nhơn.
Việc
Nguyễn Ánh nhất định tiếp tục sử dụng niên hiệu Cảnh Hưng (của vua Lê Hiển Tông
- ND) tạo được ấn tượng đến nỗi ông được một số quan sát viên đương thời người
châu Âu đề cập đến ông bằng cách dùng niên hiệu “Caung Shung”. Xem: John
Barrow, A Voyage to Cochinchina in the Years 1792 and 1793, sđd, tr. 256ff.
Trương Bửu Lâm, Partenis of Viemamese Respome to Foreign Interưention, 1858-1900 (Những mô hình phản ứng của Việt Nam trước sự can thiệp từ bên ngoài, 1858-1900), Yale University Southeast Asian Studies, New Haven, Connecticut, 1967, tr. 63-64.
Thư từ
vua Quang Trung trao đổi với nhà Thanh có thể đọc trong: Đại Việt quốc thư,
sđd, tr. 67.
Đó là sự
kiện quân Trịnh dưới sự chỉ huy của tướng Hoàng Ngũ Phúc đánh chiếm kinh đô Huế
của nhà Nguyễn - ND.
Tức
Thăng Long và Phú Xuân - ND.
Chẳng
hạn như Ngô Thì Nhậm là anh vợ Phan Huy ích và học với Lê Quý Đôn. Nguyễn Du là
em rể Đoàn Nguyễn Tuấn (1750-?). Ninh Tốn (1743-?), một nho sĩ nổi tiếng đất
Bắc, đã nhận được những bài thơ tán tụng hoặc những bài viết giới thiệu tác
phẩm văn chương của ông từ các cây bút Phạm Nguyễn Du, Phan Huy ích, Ngô Thì
Nhậm, Vũ Huy Tấn (1749-1800), Đoán Nguyễn Tuấn, Nguyên Thế Lịch (1748-1817), và
Vũ Huy Đỉnh (1730-1789). Ngoại trừ Vũ Huy Tấn, những người khác đều đã đỗ tiến
sĩ. Hoàng Lê (chủ biên), Thơ văn Ninh Tốn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984,
tr. 17.
Khâm
định Việt sử thông giám cương mục (tập 2, sđđ, tr. 835) đặc biệt lưu ý việc Huệ
ép buộc các quan lại triều Lê ký tờ thỉnh nguyện ông lên ngôi vua. Sách Đại
Việt sử ký tục biên (sđđ, tr. 479) chép rằng Huệ triệu tập các quan lại triều
Lê lại song không nói đến tờ thỉnh nguyện có tính ép buộc kia. Một nguồn tư
liệu kể rằng khi (Bùi Huy) Bích không chịu ký, Huệ lấy làm khó chịu và tìm
người khác ký thay. Xem: Trúc Khê, Bùi Huy Bích: Danh nhân truyện ký, Nxb. Hà
Nộí, Hà Nội, 1998, ư. 55-56.
Một quan
lại có tiếng của nhà Lê là Ngô Trọng Khuê dùng câu này trong một bức thư gửi
vua Quang Trung, miêu tả thái độ của nhiều quan lại triều Lê. Quốc sử quán
triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 4, sđđ, tr. 41.
Ngô Thì
Nhậm, Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển II, sđđ, tr. 124.
Trong
các nguồn tư liệu, sách ĐạiNam thực lục (tập Một, sđd, tr. 258) dù không phải
là không có thiên kiến, đã viết rằng, hoàng đế nhà Thanh cảm thấy hổ thẹn vì đã
bị người Việt đánh bại.
Ám chỉ
việc Nguyễn Nhạc gả con gái là Thọ Hương cho hoàng tôn Nguyên Phúc Dương - ND.
Sự thúc
đẩy dẫn đến yêu cầu của Nguyễn Huệ được mô tả trong Tây Sơn thuật lược (sđd,
tr. 16) khi xảy ra cái chết của một trong những bà vợ chánh của ông vào năm
1791.
(MEP
746, tr. 542), gián tiếp đề cập đến kế hoạch đó, chép rằng vua Quang Trung
"có thể dễ dàng làm chủ Trung Quốc”; Thư vô danh gửi Pigneau ngày 7.7.1792
(MEP 313, tr. 983), viết về vua Quang Trang rằng: “ông không tính toán gì hơn
ngoài việc chiến tranh với người Tàu".
Attila
(406-453) là tên ngưởi lãnh đạo đạo quân Hung Nô, một bộ tộc du mục ở châu Á
vào thế kỷ V.
Trong
thư, ông giáo sĩ này đã dùng từ “tyran" (bạo chúa) để nói về vua Quang
Trung - ND.
Về chi
tiết này xem ra tác giả bức thư nói quá đáng, vì theo Việt Nam sử lược của Trần
Trọng Kim, đạo quân của vua Quang Trung đã là 10 vạn người, nếu là tỷ lệ 10/1
thì đạo quân Thanh phải 100 vạn, tức 1 triệu người - ND.
Giáo sĩ
này là La Mothe, thư gửi cho Blanđin, không rõ vì sao dùng từ “kinh đô của
chúng ta" (our Capital). Người thay thế vua Quang Trung đi sứ nhà Thanh
được cho là Phạm Công Trị - NĐ.
Thư La
Mothe gửi Blandin, 20.1.1790, MEP 692, tr. 158.
Hình như
Keith Taylor nhắm đến quan điểm có tính địa phương này trong bình luận của ông
về “sự định hướng bề ngoài" của vùng Bình Định và ảnh hưởng của nó lên cái
nhìn của anh em nhà Tây Sơn. Xem: Keith Taylor, “Surtace Orientations In
Vietnam: Beyond Histories of Nation and Reglon", tlđd, tr. 965.
Thư Le
Roy gửi Blandin, 6.1789, MEP692, tr. 112.
Tác giả
dùng từ “Todder” (cỏ khô) - ND. Ý nói chế độ ở Đàng Trong năm 1775 và chế độ ở
Đàng Ngoài năm 1788 - ND.
Tức
Nguyễn Ánh - ND.
Tất
nhiên khó mà xác định qui mô và phạm vi của hành động lẩn tránh này, song sức
mạnh tương đối hạn chế của chính quyền địa phương cho thấy rằng loại hành vi
này thường xảy ra.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđđ, tr. 49; xem thêm: Phan
Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, 1558-1777, sđd, tr. 482. [tàng tật: Nguyên văn
trong sách ghi thế (người làm ebook)]
Việc
hình thành những phương thức được các cơ chế phân loại dần sử dụng ở phía bắc
vào thế kỷ XIX có thể xem trong: Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí,
tập 3, sđd, tr. 48-53.
Thành
viên những gia đình trong bộ máy hành chánh-chính trị ở địa phương của họ được
miễn nghĩa vụ quân sự.
Mặc dù
sự khai thác có hệ thống những người dưới 18 tuổi có vẻ như là sáng kiến của
nhà Tây Sơn, có một số chỉ dấu cho thấy rằng những bên khác trong cuộc xung đột
cũng sử dụng các binh lính trẻ tuổi, cho dù không thường xuyên như thế. Xem Lê
quý dật sử (sđd, tr. 66) miêu tả quân Trịnh trông giống như “những trẻ
trâu".
Ngô Gia
Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, tập 2, sđd, tr. 218.
Xem:
Nguyễn thị Tây Sơn ký A. 3138, sđd, tờ 38a; hoặc: Quốc sử quán triều Nguyễn,
Đại Nam liệt truyện, tập 2, sđđ, tr. 531. Tuy nhiên, một thư giáo sĩ vào mùa hè
năm 1793 vẫn còn kể về những người được ghi tên trong sổ bộ làng và cấp thẻ căn
cước. Thư Le Roy gửi Blandin, 12.7.1793, MEP 692, tr. 482.
Thư
Jean-André Doussain gửi ?, 8.7.1787, MEP 746, tr. 205. Không hoàn toàn rõ ràng
về tỷ lệ những nguời chết và bị thương và tỷ lệ số người đào ngũ trong quân đội
của Nguyễn Nhạc.
Quân đội
nhà Nguyễn cũng gặp phải vấn đề đào ngũ. Xem: Quốc sử quán triều Nguyên, Đại
Nam thực lục, tập Một, sđđ, tr. 246.
“Joumai
de ce qui s’est passe de plus remarquable dans la mission du Tong-king, depuis
le mois de juillet 1786 jusqu’a mois de juillet 1787”, MEP690, tr. 899.
Thư Le
Roy gửi Biandin, 3.7.1789, MEP 692, tr. 112.
Mặc dù
thường được sử dụng như một hình thức trừng phạt hay áp bức trong việc tuyển
mộ, việc hành hình binh lính không phải lúc nào cũng được áp dụng cho mục đích
này. Thỉnh thoảng, nó được sử dụng thay vì kêu gọi người dân ủng hộ nhà Tây
Sơn, như trường hợp chiến dịch năm 1786 ở Đàng Ngoài, trong đó các lãnh đạo Tây
Sơn đã hành hình các thành viên trong đạo quân của họ vì những sự mạo phạm thậm
chí nhỏ nhất đối với thường dân. Xem: Thư Le Roy gửi Letondal, 6.12.1786, MEP
700, tr. 1307; xem thêm: Thư Gerard gửi Blandin, 31.7.1786, MEP691, tr. 749.
Thư
Louis Prançois Le Breton gửi các Giám đốc MEP, 7.1788, MEP 692, tr. 12(8).
Thư
Charles - Prançois Langlois gửi ?, 1795, MEP 692, tr. 359.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 186. Sự kiện có vẻ không
thật đó cũng được đề cập trong các tài liệu khác vào cuối thế kỷ XIX, kể cả
trong các chuyện kể về việc quân lính Việt vào thế kỷ XX ăn các phần cơ thể của
kẻ địch (thường là nội tạng).
Thư
Sérard gửi Letondal, 26.7.1797, MBP 701, tr. 253 (nhấn mạnh thêm). Nhà Nguyễn
cũng sử dụng những cách khích lệ như thế; vào một thời điểm của năm 1788, các
quan lại của chúa Nguyễn được cử tham gia vào các chiến dịch, mang theo hàng
ngàn giấy thăng thưởng để trống hầu sử dụng ngay tại trận tiền. Xem: Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thục lục, tập Một, sđd, tr. 234.
Tạm dịch
lần lượt ba từ Colonel (đại tá), Lieutenant-colonel (trung tá), và Major (thiếu
tá) trong nguyên tác của Dutton - ND.
Thư
Barisy gửi Marquini và Letondal, 16.7.1801, MEP 801, tr. 964.
Tất
nhiên việc lao dịch là điều mà người dân phải cam chịu, bất luận kẻ thống trị
họ là ai. Nhà Nguyễn bắt người dân sống dưới quyền kiểm soát của họ phải lao
động nặng nhọc trong việc xây dựng ngôi thành mới ở Gia Định, và trước đó, họ
Trịnh “tuyển mộ” dân Thuận Hóa để làm việc tại các mỏ vàng vào giữa thập niên
1770. Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 186,
257.
Tất
nhiên việc phá hủy các cơ cấu chính quyền đã được thực hiện vì lý đo chính trị
hay tượng trưng hơn là chỉ đơn thuần như những hành vi phá hoại bừa bãi. Tuy
nhiên, với những người đòi xây dựng lại các kiến trúc này, lý do họ phá hủy
trước đó là không phù hợp.
Lorenzo
Pérez, “La Révolte et la guerre des Tayson d’après les Franciscains Espagnois
de Cochinchine’', tlđd, tr. 76. Nhà Tây Sơn gần như không phải là tổ chức duy
nhất có cách hành xử đặc biệt này. Nhà Nguyễn mới thành lập vào thế kỷ XIX cũng
phá hủy nhiều kiến trúc có liên quan đến những người tiền nhiệm của họ rồi
nhanh chóng sử dụng lao động để tái thiết chúng. Xem: Huỳnh Sanh Thông, “Folk
History in Vietnam" (Lịch sử dân gian Vỉệt Nam), Vietnam Forum 5 C1985),
tr. 73-74.
Charles Chapman, “Chapmarts narratlve of his
mission to Vietnam”, trong: Ahstair Lamb, MandarinRoad to Oid Hue, sđd, tr.
103,105. Đại Nam nhất thống chí (tập 2, sđđ, tr. 271) có kể chuyện một cung
điện của chúa Trịnh ở Thanh Hóa bị quân Tây Sơn phá hủy hoàn toàn.
Đúng
phải là Lũy Thầy - ND.
Dẫn nhập
bài thơ của ông, “Ghi chép công việc mùa xuân, tuần lệnh giám sát công việc đắp
đê ở trấn Sơn Nam”, trong: Phan Huy ích, Thơ văn Phan Huy ích, tập II, Dụ Âm
ngâm lục, Nxb- Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 147-148.
Có lẽ
tác giả muốn nói đến trấn Quảng Nam - ND.
Tức Đà
Nẵng - ND.
Nguyên
văn của tác giả là "they railied to the soldiers of the king”, theo ngữ
cảnh của đoạn vãn này thì từ "king” cần được hiểu là chúa Nguyễn Ánh - ND.
Quân đội
Tây Sơn hầu như không giữ độc quyền trong việc cướp phá vào thời kỳ này, vì cuộc
chiến qui mô lớn luôn mang theo nó những vấn đề như thế- Quân của chúa Nguyễn
cũng phạm tội thường xuyên cướp phá như thế ở dải đất phía nam Đàng Trong, nơi
họ hoạt động từ thập niên 1770 đến thập niên 1790. Theo sách Đại Nam thực lục
tiền biên, Nguyễn Ánh thường ban hành các chỉ dụ trong nỗ lực ngăn chặn nạn
cướp phá và quấy nhiễu dân địa phương (các chỉ dụ liên quan đến việc cướp phá
được ban hành vào những năm 1788, 1792 và 1793), sự lặp đi lặp lại chứng tỏ sự
tương đối kém hiệu quả của chúng.
Ở đây,
tác giá dùng từ Cochinchinese (Đàng Trong) để phân biệt với Đàng Ngoài (Tonkin
hay Dong Kinh) là nơi quân Tây Sơn ra đánh chiếm - ND.
Thư Eyot
gửi Grinne, 5.7.1789, MEP 692, tr. 123. Những tài liệu khác về sự cướp phá của
quân Tây Sơn, xem: Thư Le Breton gửi các giám đốc MEP, 7.1788, MEP 692, tr.
12(7); Nhật ký về những điều đáng chú ý nhất diễn ra trong phối bộ Đàng Ngoài,
MEP 691, tr. 898.
Xem: Thư
Le Roy gửi ?, 26.7.1787, MEP 691, tr. 827-828. Mỉa mai thay, một số chuông chùa
được chế tạo thời Tây Sơn đã được mang đi giấu để tránh các chiến dịch sau đó
của chúa Nguyễn nhằm tiêu hủy vết tích của những người đi trước. Xem: Phạm Thúy
Hằng - Trần Thu Hương, “Phát hiện quả chuông Cảnh Thịnh ở chùa Phương Trì Đại
Phùng", trong: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1985, Viện Khảo cổ
học, Hà Nội, 1985, tr. 223.
Tức La
Sơn phu tử (1723-1804), từng được Bắc Bình vương Nguyễn Huệ bốn lần gửi thư mời
đến hội kiến, ba lần đầu cụ từ chối, không đến, lần cuối cùng cụ đến và sau đó
thẳng thắn khuyên Huệ không nên lập kinh đô ở Nghệ An. Năm 1802, sau khi thống
nhất đất nước, chúa Nguyễn Ánh - vua Gia Long cho cụ được về quê an dưỡng - ND.
Hoàng
Xuân Hãn, La Sơn phu tử, sđđ, tr. 141.
Thư
Sérard gửi Letondal, 9.6.1793, MEP 700, tr. 1513.
Phan Huy
Lê, “Có một bộ luật đời Tây Sơn”, trong: Nam Hà - Vũ Minh Giang – Nguyễn Đổng
Chi, Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân Tây Sơn Nguyễn Huệ, sđd, tr.
182-190. Hình như bộ luật này còn tồn tại vào thập niên 1960, được một người
trong gia đình đang gìn giữ nó dùng làm giấy vấn thuốc một cách vô tâm.
Bùi
Dương Lịch, Lê quý dật sử, sđd, tr. 104-106.
Thư Le
Pavec gửi cha mẹ, 7.4.1797, Nouvelles lettres, tập 7, tr. 383-384.
Thư
Sérard gửi Blandin, 3.12.1786, MEP691, tr. 756; Thư Sérard gửi Blandin,
20.8.1787, MBP 691, tr. 793; Thư Gerard gửi Blandin, 12.7.1789, MBP 692, tr.
137, miêu tả tình trạng hỗn loạn và sự kháng thuế nổi lên tiếp theo sự xâm
chiếm của nhà Tây Sơn.
A.
Richard, Histoire naturelle, civile et politique du Tonkin (Lịch sử tự nhiên,
dân sự và chính trị ở Đàng Ngoài), Chez Moutard, Paris, 1778, tr. 225.
Nhà tiên
tri người Pháp (1503-1566), rất nổi tiếng ở phương Tây - ND.
Bản văn
này cũng được nhắc đến vào cuối thế kỷ XIX, Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam
nhất thống chí, tập 3, sđd, tr. 68.
Cả hai
sự kiện này được nhắc đến trong: Bùi Dương Lịch, Lê quý dật sử, sđd, tr. 53.
Ngô Cao
Lãng, Lịch triều tạp kỷ, Hoa Bằng - Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb. Khoa học xã hội,
Hà Nội, 1995, tr. 546; xem thêm: Ngô Gia Vãn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, tập
1, sđd, tr. 99-100. Một trượng dài gần 4m - Dutton.
Đoạn này
trích từ sách Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng (hay Lê Cao Lãng), Nxb. Khoa
học xã hội, Hà Nội, 1995. Đoạn trích trên của sách Lịch triều tạp kỷ ở trang
546 được tác giả Dutton dịch ra tiếng Anh in trong nguyên tác. Ở đây, thay vì
dịch đoạn này từ tiếng Anh ra tiếng Việt trở lại, có thể làm lệch ý phần nào,
chúng tôi phục hồi toàn bộ phần tiếng Việt trong sách Lịch triều tạp kỷ, đoạn
mà Dutton đã dịch ra tiếng Anh. Ngoài ra, Dutton cũng đã dịch sai từ "em
rể" trong Lịch triều tạp kỷ (tr. 543-547) thành "nephew" (cháu
trai) - ND.
Giải
nghĩa của tác giả Dutton, không chắc đúng hoàn toàn theo ý nghĩa câu chữ Hán -
ND.
Thật ra,
theo Lịch triều tạp kỷ là chữ “tố" chứ không phải “tổ", kết hợp với
chữ “tư" thành chữ “tế" là con rể, song Dutton đã dịch sai thành anh
(em) rể. Đây là chỉ nhân vật có tên Đặng Bảo, được tướng Trịnh là Việp Quận
công Hoàng Ngũ Phúc nhận làm con nuôi và cho đổi tên là Hoàng Tố Lý, sau được
chúa Trịnh Doanh gả con gái cho – ND.
Không
hiểu sao tác giả Dutton dịch chữ "diệu” là "sheep” (con cừu) - ND.
Ngô Cao
Lãng, Lịch triều tạp kỷ sđd, tr. 465.
Có lẽ là
chữ “tam” và chữ "thủy” - ND.
Có lẽ là
chữ "thập tứ” và chữ “thất" - ND.
Tác giả
củng dùng hai từ "Chiếu” và “Thông” - ND.
Bùi
Dương Lịch, Lê quý dật sử, sđd, tr. 76.
Phạm Văn
Đang, Văn học Tây Sơn, sđd, tr. 27. Thật vậy, chính quyền Trung Quốc tiếp tục
sử dụng những từ đồng âm trong ngôn ngữ của họ để soạn thảo những tuyên ngôn
chính trị. Trong những thập niên 1980 và 1990, người dân có thể ném đi hay làm
vỡ những hình nhỏ chốn công cộng như một hình thức phản đối chính trị, vì từ
“tiểu bình" đồng âm với tên (Đặng) Tiểu Bình, nhà lãnh đạo chính trị Trung
Quốc lúc bấy giờ.
Charles
Chapman, “Chapman’s narrative of his mission to Vietnam”, trong:
Alistair
Lamb, Mandarin Road to Old Hue, sđd, tr. 102.
Xem: Sử
ký Đại Nam Việt quốc triều, sđđ, tr. 39, miêu tả việc cướp bóc và đốt phá bừa
bãi của quân Tây Sơn, và chép rằng hai trấn bị nặng nhất là Thanh Hóa và Nghệ
An.
“Trích
đẫn một bức thư của Giám mục de Veren, người phụ tá của Giám mục Bá Đa Lộc, đề
ngày 23,7.1788”, MEP 306, tr, 1007.
Thư
Sérard gửi Descourvières, 2.5.1791, MEP 692, tr. 279-
Chúa
Nguyễn ở đây là Nguyễn Phúc Ánh - ND.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 283.
Vô Danh
Thị, Tây Sơn thuật lược, sđd, tr. 18 - Dutton.
Thư Le
Labousse gửi ? tr 24.4.1800, MEP746, tr. 875.
Tác giả
viết là Saygon, xét ra không có thành phố nào khác hơn là Sài Gòn - ND.
Xem:
Nguyễn Bá Huân, Tây Sơn văn thần liệt truyện, sđd; Nguyễn Bá Huân, “Cân quắc
anh hùng truyện”, trong: Phan Huy Lê, Tư liệu về Tây Sơn-Nguyễn Huệ trên đất
Nghĩa Bình, sđđ. Cả hai được viết vào thế kỷ XIX để vinh danh nhà Tây Sơn. Dân
chúng cũng bắt đầu xây dựng đền thờ anh em Tây Sơn, một việc đã bị các vua
triều Nguyễn cấm đoán dứt khoát. Xem: Quách Tấn - Quách Giao, Nhà Tây Sơn, sdđ,
tr. 250-251.
Chẳng
hạn các cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật, Nguyễn Hữu cầu, Hoàng Công Chất, tất cả
đều có sự liên kết chặt chẽ giữa các lãnh tụ cuộc nổi dậy với các nhóm ở vùng
cao. Xem: Lê Thành Khôi, Histoire du Viet Nam, des origines à 1858, sđd, tr.
306-308.
Để bàn
thêm về mối quan hệ này, xin xem: Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, 1558-
1777, sđd, tr. 510-518; Li Tana, Nguyễn Cochinchina : Southern Vietnam in the
Seventeenth and Eighteenth Centuries, sđd, tr. 119-138.
Xem:
Trương Hữu Quýnh (chủ biên),Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb. Giáo dục,
Hà Nội, 2001, tr. 416; Ván Tân, Cách mạng Tây Sơn, sđd, tr. 214-215; Lịch sử
Vỉệl Nam, sđđ, tr 338-339.
Xem: Hoa
Bằng, Quang Trung: Anh hùng dân tộc, 1788-1792, sđd, tr. 292;
Quách
Tấn - Quách Giao, Nhà Tây Sơn, sđd, tr. 148; Văn Tân, Cách mạng
Tây Sơn,
sđd, tr. 167, 214.
Các quan
chức Việt Nam dùng nhiều từ ngữ khác nhau để miêu tả Cơ Đốc giáo như đạo Hoa
Lang, đạo Thiên Chúa, và đạo Cơ Đốc.
Sách
Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi giáo sĩ này tên I-nê-khu - ND.
Để xem
một miêu tả ngắn về Cơ Đốc giáo trong thời kỳ đầu, và đặc biệt về vai trò của
de Rhodes, xin xem: Peter Phan, Mission and Catechesis: Alexanđre de Rhndes and
Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam
(Hội
truyền giáo và giáo lý vấn đáp: Alexandre de Rhodes và hội nhập văn hóa tại
Việt Nam thế kỷ XVII), Orbis Books, Maryknoll, New York, 1998, tr. 8-13 -
Dutton.
Trên
thực tế, de Rhodes chỉ ở Đàng Trong những năm 1824-1627 và 1640-1645; ở Đằng
Ngoài những năm 1627-1630, khoảng thời gian từ năm 1630 đến 1640, ông sống ở
Macao - ND.
Alain
Forest, Les Missionaires français au Tonkin et au Siam, XVIIe-XVIIIe siècles,
livre 2, Histoires du Tonkin (Các giáo sĩ Pháp ở Đàng Ngoài và ở Xiêm, thế kỷ
XVII-XVIII, quyển 2, Những câu chuyện ở Đàng Ngoài), L’Harmattan, Paris, 1998,
tr. I73ff.
Tác giả
dùng cụm từ "Portuguese religion", song trên thực tế, triều Lê-Trịnh
gọi Cơ Đốc giáo là “đạo Hoa Lang”, do họ tưởng tôn giáo này do người Hà Lan du
nhập vào nước ta - ND.
Việc cấm
đạo được lặp đi lặp lại vào những năm 1712,1721,1750,1754,1761,1765, và 1776
chứng tỏ sự kiên trì của một số người ủng hộ đức tin và sự quyết đoán của các
giáo sĩ châu Âu. Xem:
Alain
Forest, Les Missionaires français au Tonkin et au Siam, XVIIe- XVIIIe siècles,
livre 3, Organiser une église convertir les infdèles (Các giáo sĩ Pháp ở Đàng
Ngoài và ở Xiêm, thế kỷ XVII-XVIII, quyển 3, Tổ chức một giáo hội cải đạo cho
những người ngoại đạo), L’Harmattan, Paris, 1998, tr. 331.
Tác giả
viết là Trịnh Dinh - ND.
Có thể
tìm thấy phần tóm lược hữu ích về những giáo sĩ châu Âu quan trọng tại triều
đình Việt Nam trong: Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, 1558-1777, sđd, tr.
589-590; cũng xin xem: Alain Porest, Les Missionaires français au Tonkin et au
Siam, XVIIe-XVIIIe siècles, quyển 3, Organiser une église convertir les
infìdèles, sđd, tr. 287ff, bao gồm một danh sách các giáo sĩ và những dòng tu
họ thống thuộc.
Chúa
Nguyễn Phúc Khoát ở ngôi 27 năm, từ năm 1738 đến 1765 là năm ông qua đời - ND.
Con số
này có vẻ quá đáng, vì hơn 100 năm sau (1784), dân số Đàng Ngoài chỉ ước tính
khoáng 10-15 triệu người- Mặt khác, nó cũng không hợp lý khi so sánh với số tín
đồ Cơ Đốc giáo ở những vùng khác - ND.
Thư
Mevere gửi Lacere, 9.6.1754, MEP 700, tr. 221-222. Đôỉ lúc xảy ra những cuộc
tranh cãi giữa các giáo sĩ về sự ghi chép số người việt theo Cơ Đốc giáo, và
các con số ước tinh rất khác biệt nhau.
Trong
tác phẩm Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth
Centuries (sđđ, tr. 171), Li Tana ước lượng vào năm 1750, dân số Đàng Ngoài
khoảng 5,6 triệu người. Ở một mức cao hơn là ước lượng ghi trong tác phẩm của
Porest (Les Missionaires français au Tonkin et au Siam, XVIIe-XVIIIe siècles,
quyển 2, Histoires du Tonkin, sđđ, tr. 56), biến thiên giữa con số 6 và 10
triệu người vào đầu thế kỷ XVIII. Anthony Reid cũng đưa ra con số ước lượng ở
cả miền Bắc và miền Trung gần 7 triệu người vào năm 1800, cho dù đã qua 30 năm
chiến tranh. Anthony Reid, Southeast Asia in the Age of Commerce (Đông Nam Á trong
thời kỳ giao thương), tập I, The Lands beloiw the Winds (Đất lành dưới gió),
Yale University Press, New Haven, Connecticut, 1988, tr. 14.
Thư của
Haibout được kể lại trong một thư của Labartette gửi Boiret, 21.7.1775, MRP
745, tr. 751.
Để thảo
luận (chủ yếu trên cơ sở Đàng Ngoài) về thái độ của giới giáo sĩ đối với người
được xem là nhà cai trị “hợp pháp", xin xem: Alain Porest, Les
Missionaires français au Tonkin et au Siam, XVIIe-XVIIIe siècies, quyển 2,
Histoires du Tonkin, sđd, tr. 247.
P.
Loienzo Pérez, "La Révoite et la guerre des Tayson d’après les
Pranciscains Espagnols de Cochinchine”, tlđd, tr. 91.
Chi tiết
về đoạn này có thể đọc trong: P. Lorenzo Pérez, "La Révoite et la guerre
des Tayson d'aprèsles Pranciscains Espagnols de Cochmchine”, tlđd, tr. 90-91;
cũng có thể xem bản sao một bức thư của Pigneau gửi cho Descourvières, viết từ
Bangkok ngày 5.10.1783, MEP 800, tr. 1784-1785.
“Journal
de la Procure de Macao en 1784” (Nhật ký của vị linh mục ở Macao năm 1784),
MEP306, tr. 928-929 (phân đoạn thêm vào cho rõ nghĩa).
Chỉ dụ
đề năm thứ 9 triều Nguyễn Nhạc, ngày 4 tháng 10; toàn văn bằng tiếng Pháp có
thể tìm ở MEP 691, tr. 1035.
Được ghi
lại trong một thư vô danh, không đề ngày, có lẽ vào năm 1787, MEP 691, tr.
1051, Thư Longer gửi Dufresse, 1.5.1786, MEP 801, tr. 116, Cái cách trả tiền để
đổi lấy tự do không xuất phát từ thời Tây Sơn. Luật dân sự xưa của người
Việt,
cũng như luật của người Trung Quốc, chứa đựng những điều khoản như thời hạn trả
tiền để hình phạt được chuộc bằng một khoản tiền nhất định, về truyền thống
pháp lý Việt Nam, xin xem: Nguyễn Ngọc Huy - Tạ Văn Tài, The Lê Code: Lam in
Traditional Vietnam, tập 1, sđd,tr. 115,116 “Trích nhật ký của Giám mục Ceram,
Khâm mạng Tòa thánh tại vùng phía tây Đàng Ngoài, từ tháng 6-1784 đến tháng
5.1785”, Noiivelles lettres, tập 6, tr. 384.
Thư
Longer gửi cho Đufresse, 1.5.1786, MEP 801, tr. 11.
Thư
Longer gửi Dufresse, 1.5.1786, MEP801, tr. 117.
Thư
Longer gửi Letondal, 9.8.1786, MEP 801, tr. 131.
Thư
Gerard gửi Blandin, 31.7.1786, MEP 891, tr, 744bis. Đoạn này rất giống với đoạn
được nhắc đến trong tài liệu năm 1784, và có thể rằng chúng y như nhau, mặc dù
sự cách nhau hai năm khiến người ta có thể nghĩ rằng chúng là hai sự kiện riêng
biệt.
ThưLe
Labousse gửi Boiret, 13.5.1795, MEP 746, tr. 473.
Le Roy
có kể chuyện rằng Nguyễn Hữu Chỉnh được cho là một người Cơ Đốc giáo (Thư Le
Roy gửi Alary, 10.7.1787, MEP 691, tr. 705), nhưng rồi có một thư khác xác nhận
ông không phải như thế (Thư Le Roy gửi?, 27.7.1787, MEP 691, tr. 828).
Sử ký
Đại Nam Việt quốc triều, sđd, tr. 56. Ông cũng khai triển kế hoạch cữ
Girard
làm phái viên đến tiếp xúc với các thương nhân ở Macao hoặc
Manila
(Philippines) để thúc giục họ buôn bán trên những lãnh thổ do nhà Tây Sơn kiểm
soát.
Vua Cảnh
Thịnh Nguyễn Quang Toản, con trai vua Quang Trung Nguyễn Huệ - ND.
La Mothe
trong một thư đề ngày 31.3.1795, MEP 692, tr. 625,
Đây chỉ
Bùi Đắc Tuyên - ND.
Nguyễn
Triệu, “Ông Tín (1768-1799)", Trí Tân tạp chí, 11.1941, tr. 11. Trong các
câu chuyện kể, ông Tín từng gợi ý chúa Nguyễn sử dụng những quả bóng đựng khí
nóng thả chất gây cháy nổ xuống một thành của Tây Sơn vào đầu thập niên 1790.
Cảnh
Thịnh triều công văn, Vht. 45, Viện Hán Nôm, Hà Nội Để có thể thảo luận một
cách sâu sắc và sáng tỏ về vấn đề bộ tộc trong giai đoạn này, xem: Li Tana,
"The Water Prontier: An Introduction” (Biên giới nước: Dẫn nhập), trong:
Nola Cooke - Li Tana (đồng chủ biên), Water prontier: Commerce and the Ckinese
in the Lower MekongRegion, 1750-1880 (Biên giới nước: Thương mạị và người Hoa ở
vùng hạ lưu sông Mekong, 1750-1880), Rovraian and Littleheld, 2004, Lanham,
Maryland, 2004, tr. 5-87
Để có
thể thảo luận kỹ về những từ này và các nhóm người Hoa đặc biệt, có thể xem:
Choi Byung Wook, Southern Vietnam under the reign of Minh Mang (1820-1841):
Central Policies and Local Response (Đất Nam kỳ dưới triều Minh Mạng
(1820-1841): Chính sách của triều đình và phản ứng của địa phương), Southeast
Asia Program Publication, [Cornell University], Ithaca, New York, 2004, tr.
38-41.
Điều
đáng ngạc nhiên là sự nghiên cứu về lịch sử người Hoa tại Việt Nam vẫn còn rất
hạn chế. Có những tài liệu tham khảo hữu ích sau: Li Tana, Nguyễn Cochinchina:
Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteentk Centuries, sdđ; Chen Chingho
(Trần Kinh Hòa), Historical notes on Hoi An (Ghi chép lịch sử về Hội An),
Monograph Series 4, Center for Vỉetnamese Studies, Southern Illinois
Ưniversity, Carbondale, 1973; Thomas EngeiberL, Die Chinesische Minderheit im
Suden Vietnams (Hoa) als Paradigma der kolanialen und nationalistischen
Nationalitatenpolitik, Peter Lang, Frankfurt, tr. 2002, trong đó các trang
110-117 trực tiếp đề cập đến người Hoa trong thời Tây Sơn; Nguyễn Thế Anh,
“Limmigration chinoise et la coionisation du Delta du Mékong" (Sự di dân
của người Hoa và việc định cư tại châu thổ sông Cửu Long), Vietnam Revieiu 1
(Autumn-Winter 1996), tr. 154-177; Yang, Conlribution à Vhistoire de la
principauté des Nguyên au Vietnam méridional (1600-1775), Editions Olizane,
Geneva, 1992, tr. 165-174. Sách của Nola Cooke và Li Tana nhan đề The Water
prontier:
Commerce and the Chinese in the Lower Mekong Region, 1750-1880 cũng bao gồm
nhiều nghiên cứu về người Hoa ở Việt Nam.
Li Tana
trong "The Water Prontier: An Introduction" (sđd, tr. 6) cho rằng
những từ này, như nhiều từ khác về người Hoa, hay thay đổi và có thể sử dụng
theo nhiều cách khác nhau, trong những thời điểm khác nhau.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 91. Engelbert chép rằng
vào giữa thập niên 1640, đã có sẵn nhiều khu định cư nhỏ của người Hoa ở đó
rồi, đo đường sá và các cơ cấu thương mại đang tồn tại. Xem: Thomas Engelbert,
Die Chinesische Minderheit im Siiden Vietnams (Hoa) als paradigma der
kolonialen und nationalistischen Nationalitatenpolitik, sđđ, tr. 88.
Yang
(trong: Contribution à 1’histoire de la pnncipauté des Nguyên au Vietnam
méridional (1600-1775), sđđ, tr. 199) cung cấp một bản đồ những khu định cư của
người Hoa ở Đàng Trong vào năm 1770, cho thấy phần lớn cộng đồng người Hoa tập
trung theo nguồn gốc xuất phát của họ, chẳng hạn như người Phúc Kiến sống ở Hội
An-Đà Nẵng, người Quảng Đông sống ở khu vực Gia Định-Hà Tiên ở phía nam.
P.
Lorenzo Pérez, “LaRévolte et la guerre des Tayson d’après les Pranciscains
Espagnois de Cochinchine”, tlđd, tr. 68.
Ý tưởng
về việc các cá nhân được đưa vào quân đội “riêng” không phải tà không đúng vào
thời kỳ này. Quân nhà Nguyễn cũng có sự kết hợp của những đạo quân bán tự trị
được chỉ huy bởi những nhân vật quân sự nổi tiếng, hơn là một lực lượng đơn lẻ
và đồng nhất.
Chẳng
hạn, có thể xem: Mary Somers Heidhues, “Chinese Organixations in
West
Borneo and Bangka: Kongsi and Hui” (Các tổ chức của người Hoa ở Tây Bomeo và
Bangka: Kongsi và Hui), trong: David Ownby - Mary Somers Heidhues (đồng chủ
biên), "Secret Societies” Reconsidered; Perspectives on the Soclai History
of Modem South China and Southeast Asia (Nhìn nhận lại vấn đề ‘'Hội kín”: Viễn
cảnh của lịch sử xã hội vùng Tân Hoa Nam và Đông Nam Á), M.E. Sharp, Armonk,
New York, 1993, tr. 68-88.
Một tiểu
sử của Đỗ Thanh Nhân có thể xem: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt
truyện, tập 2, sđđ, tr. 468-470; cuối cùng thì Nhân có mâu thuẫn với Nguyễn Ánh
và chúa Nguyễn đã sát hại ông vào năm 1781 để nắm lấy đạo quân Đông Sơn của
ông.
Thư
Halbout gửi giám đốc MEP tháng 7.1775, được dẫn trong: Thư Labaiteite gửi
Boiret, 21.7.1775, Nouvelles lettres, tập 6, tr. 288.
P.
Lorenzo Pérez, “la Révolte et la guerre des Tayson ctaprès les Franciscalns
Espagnols de Cochinchine", tlđd, tr. 85.
Quốc sử
quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, sđd, tr. 189. Có thể xem một cuộc
thảo luận chi tiết về vai trò của Lý Tài và Tập Đình trong lực lượng Tây Sơn
vào những năm đầu của cuộc nổi dậy trong: Choi
Byung
Wook, Southern Vietnam Under the reign of Minh Mang (1820-1841): Central
Policies and Local Respome, sđd, tr. 36-37.
P.
Loreiuo Pérez, “La Révolte et la guerre des Tayson d’après les Franciscains
Espagnols de Cochinchine”, tlđd, tr. 80. Mặc dù thành phố này không được nêu rõ
tên, song vãn cảnh cho biết đó là Tourane (Đà Nẵng). Xem thêm thư của F.
Castuera trong: P. Lorenzo Pérez, "La Révolte etla guerre des Tayson
d’après les Pranciscains Espagnols de Cochinchine", tlđd, tr. 91.
Lorenzo
Pérez ("La Révolte et la guerre des Tayson d’après les Franciscains
Espagnois de Cochmchine”, tlđd, tr. 87) đưa ra số người chết là 4.000; trong
khi tài liệu có vẻ không chính xác của John Barrow vào thời kỳ này đưa ra một
con số lớn hơn là 20.000 người chết (John Barrow, A Voyage từ Cochinchina in
the Years 1792 and 1793, sđd, tr. 250).
Viên
tướng này tên Phạm Ngạn" ND.
Một số
bản văn đã bỏ quên sự kiện quan trọng này trong thời kỳ Tây Sơn, bao gồm: Văn
Tân, Cách mạng Tây Sơn, sđđ; Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông
tin, Hà Nội, 2002; Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam,
sđd.
Tức Đồ
Bàn hay Chà Bàn-ND
Bửu Cầm,
“Một đoạn lịch sử Chiêm Thành”, Văn hóa nguyệt san 36, Sài Gòn, 11.1958, tr.
1247.
Tên của
họ đã được nói tới và giai đọạn này được Tạ Chí Đại Trường mô tả trong: Lịch sử
nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, sđd, tr. 239.
Ở điểm
này, có vẻ như tác giả Dutton có đôi chút mâu thuẫn khi ngay trước đó, ông
khẳng định rằng từ năm 1787, "điều này đánh đấu sự kết thúc của bất cứ sự
tồn tại nào của nhà Tây Sơn tại vùng đất cực nam" - ND.
Dutton
cũng đã nhầm ở chi tiết này khi cho rằng ốc Nha Long là tên đầy đủ của một
người. Trên thực tế, “ốc nha” là một chức quan của người Khmer tương tự quan
tri phù hay quan trấn thủ của ta. Như vậy, “ốc Nha Long" là quan Ốc nha
(hay quan trấn thủ) tên Long. Tương tự nhu thế, khi Mạc Cửu mang quân đầu phục
triều đình Chân Lạp, Ông được phong chức Ốc nha phủ Sài Mạt, sau là Hà Tiên
thuộc về việt Nam - ND.
Để có
một cuộc thảo luận ngắn về cách hành xử của nhà Nguyễn đối với người Khmer
trong giai đoạn này và vào đầu thế kỷ XIX, xin xem: Choi Byung Wook, Southern
Vietnam under the reign of Minh Mang (1820-1841): Central Policies and Local
Response, sđd, tr. 33-35.
Không
phải tất cả những nhóm này đều xuất thân từ vùng cao nguyên. Li Tana đã lập
luận rằng một số người đã di chuyển đến những vùng xa xôi hơn để thích ứng với
áp lực buộc những di dân người Việt phải đi về phương Nam trong quá trình bành
trướng về mặt địa lý và dân số của nhà Nguyễn (Li Tana, Nguyễn Cochinchina:
Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centunes, sđd, tr. 34-35).
Tác giả Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong, 1558-1777 (sđd, tr. 511) có
chép rằng người Chăm là một trong nhũng nhóm người đi chuyển lên cao nguyên.
Nguyên
văn, không rõ vùng đất này nằm ở đâu - ND.
Thư Le
Koy gửi Blandin, 6.12.1786, trong: Léopold Cadière, “Documents relatifs a
tépoque de Gia-Long", tlđd, tr. 8. Một thư năm 1790 cũng chép rằng quân
Tây Sơn bao gồm “người Ấn Độ, người Hoa, người Xiêm và người Bồ Đào Nha".
Thư La Mothe gửi Blandin, 20.1.1790, MEP 692, tr. 158.
Một
tướng giỏi của chúa Nguyễn Ánh - ND.
Thư Le
Labousse gửi Boiret, 20.6.1792, MEP746, tr. 371.
Masaya
Shiraishi, “State, Viilagers and Vagabonds: Vietnamese Rural Society and the
Phan Bá Vành Rebellion" (Nhà nước, Dân làng và những kẻ sống lang thang;
Xã hội nông thôn Việt Nam và cuộc khởi loạn của Phan Bá Vành), trong: Andrew
Turton - Shigeharu Tanabe (đồng chủ biên), Hitory and Peasant Consciousness in
Southeast Asia, National Museum of Ethnology, Osaka, 1984 tr. 352.
“Trích
nhật ký của Giám mục Ceram, Khâm mạng Tòa thánh tại vùng phía tây Đàng Ngoài,
từ tháng 6.1784 đến tháng 5.1785", Nouvelles lettres, tập 6, tr. 392-393.
Elizabeth
J. Perry, Rebeb and Revolutionaries in North China, 1845-1945 (Những cuộc nổi
loạn và cách mạng tại Bắc Trung Quốc những năm 1845-1945), Stanford University
Press, Stanford, Calitomia, 1980, tr. 72. Xem thêm: George Dutton, “The Fat
Sheep with the Precious Wool: Bandit Kidnapping of Poreigners in 1920’s
China" (Cừu béo và Len quý: băng nhóm bắt cóc người nước ngoài tại Trung
Quốc thập niên 1920), bản thảo, 1992, tr. 9.
Chi tiết
về Nguyễn Nhạc tìm thấy trong một thư do tướng Trịnh (Hoàng Ngũ Phúc - ND) gửi
cho chúa Nguyễn. Thư này được chép lại trong: Lê Quý Đôn toàn tập, tập I. Phủ
biên tạp lục, sđd, tr. 312.
Robert
Aniony, Lite Froth Ploating on the Sea: The world of Pirates and Seafarers in
Late Imperial South China (Giống như bọt váng trên biển: Thế giới của hải tặc
và người đi biển trong đế quốc cuối cùng của Nam Trung Hoa), China Research
Monograph, no. 56, Institute of East Asian Srndies, University of Caiifornia,
Berkeley, 2003, tr. 41.
Jonathan
spence, in Search of Modern China (Đi tìm một Trung Hoa hiện đại), w. w.
Norton, New York, 1990, tr. 121.
Nguyên
văn: Jiang-ping - ND.
Chưa rõ
là địa danh nào của Việt Nam ngày nay - ND.
Dian
Murray, Pirates of the South China Coast 1790-1810, sđđ, tr. 18-19. Việc phân
chia lãnh thổ ở khu vực biên giới rất mơ hồ, và một vài viên chức ở vùng biên
có năng lực ở cả hai cơ cấu hành chánh Việt Nam và Trung Quốc. Xin xem: Thư
Gortyne gửi Boiret, 21.10.1792, MEP 692, tr. 375.
Dian
Murray, Pirates of the South China Coast 1790-1810, sđd, tr. 17.
Chỉ dụ
này có tên là Chiếu Dụ Giặc Tàu ô - ND.
Xem: Ngô
Thì Nhậm, "Chỉ dụ thứ hai kêu gọi hải tặc”, trong: Ngô Thì Nhậm, Hàn các
anh hoa, Trần Lê Hữu dịch, VT. 17, Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.
17ff.
Dian Murray,
Plrates ofthe South China Coast 1790-1810, sđd, tr. 35. Bà cho rằng vào lúc ấy,
Thiên Bảo đang câu cá ở khu vực quanh Hà Nội. Nếu điều này đúng, thật khó mà
xác định rằng nhà Tây Sơn, trong lúc còn bám chặt vùng đất phía nam Phú Xuân,
lại có thể bắt giữ ông ta vào năm đó, ngoại trừ trường hợp có lúc nào đó, ông
ta đi xa về phía nam.
Nguyên
văn: Liang Gui-xing - ND.
Ý nói
phía bắc của thủ phủ Qui Nhơn - ND. Nguyên văn: Mo Guanfu - ND.
Nguyên
văn: Wushi Er - ND.
Nguyên
văn: Zheng Qi - ND.
Điều này
đặc biệt quan trọng sau năm 1792, khi phần lớn thủy quân Tây Sơn bị thiêu hủy
tại cảng Thị Nại trong một cuộc tấn công của quân Nguyễn.
Phải đến
năm 1810, phần lớn hải tặc Trung Hoa mới bị tiêu diệt, nhờ nỗ lực phối hợp bởi
các chính quyền Trung Hoa, Bồ Đào Nha ở Macao và nhà Nguyễn tân lập. Xem:
Pierre-Yves Manguin, Les Nguyễn, Macau et le
Portugal:
Aspects politiques et commerciaux d’une relation privilégiée en Merde Chine
1773-1802, sđd, tr. 104.
Nguyên
văn "the big boss of Yueh Nan", có lẽ cách gọi này có về sau, vì mãi
đến năm 1804 mới có danh xưng Việt Nam - ND.
Nguyễn
thị Tây Sơn ký [qn], DC. 112, sđd, tr. 45; xem thêm: Bùi Dương Lịch, Lê quý dật
sử, sđd, tr. 105 - Duttors.
Xem: Văn
Tân, “Quốc sử quán triều Nguyễn đối với khởi nghĩa Tây Sơn", Tạp chí Nghiên
cứu lịch sử, số 65 (8.1964), tr. 14-21; Duy Minh, “Vài ý kiến về cuốn Tây Sơn
thủy mạt khảo của Đào Nguyên Phổ”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 83 (2.1966),
tr. 46- Việc bình phẩm về từ này cũng không được nêu rõ trong việc sử dụng một
cách thận trọng các trích dẫn xoay quanh nó ở một vài bản dịch các văn bản của
triều Nguyễn bằng chữ quốc ngữ. Có thể xem cách giải thích ti mỉ hơn về sự sử
dụng từ này trong; Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỷ, sđd, tr. 486, ghi chú 7.
Alexander
Woodside, Vietnam and the Chinese Modeỉ: A Comparative Study of Vietnamese and
Chinese Government in the First Halfof the Nineteenth Centuiy, sđd, tr. 17.
Niên
hiệu mới của vua Cảnh Thịnh từ năm 1801 - ND.
Trần
Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tập 2, sđd, tr. 170.
Lê Thành
Khôi trong Histoire du Viet Nam, des origines à 1858 (sđđ, tr. 377 ff) có đề
cập đến một số cuộc thảo luận về thuế khóa và những nghĩa vụ khác do triều
Nguyền đặt ra và phản ứng của giới nông dân Việt Nam. Trần Trọng Kim trong Việt
Nam sử lược (tập 2. sđd, tr. 173ff) trình bày một cuộc thảo luận chi tiết hơn
về vấn đề lao dịch và thuế khóa, nhưng từ cái nhìn của nhà nước.
Alexander
Woodside, Vietnam and the Ckinese Model: A Comparative Study of Vietnamese and
Chinese Government in the First Half of the Nineteenth Century, sđd, tr. 135;
Lê Thành Khôi, Histoiredu Viet Nam, des origines à 1858, sđd, tr. 382. Để có
một tài liệu mô tả chi tiết về một cuộc nổi dậy chống lạỉ triều Minh Mạng, tiêu
biểu cho các lực lượng chống nhà Nguyễn, xin xem: Masaya Shiraishi, “State,
Villagers and Vagabonds: Vietnamese Eural Society and the Phan Bá Vành
Rebellion”, tlđd, tr. 345-400.
Alexander
Woodside, Vietnam and the Chinese Model:A Comparative Study of Vietnamese and
Chinese Government in the First Half of the Nineteenth Century, sđđ, ư. 133.
Alexander Woodside ghi chép rằng nhà Nguyễn đã có nhiều nhượng bộ với chính
quyền phương Bắc và Thăng Long vẫn còn giữ vị trí ưu thế cho dù không còn là
kinh đô nữa.
Có lẽ
tác giả Dutton muốn ám chỉ những thập niên 1800 và 1810, vua Gia Long lập ra
Bắc Thành gồm 11 trấn và Gia Định Thành gồm 5 trấn, đặt dưới sự cai trị của các
tổng trấn có nhiều quyền uy, mà các tác giả Pháp thường ghi chức vụ của họ là
“vice-roi" (phổ vương) - ND.
Alexander
Woodsiđe đã lập luận rằng mặc dù có sự quan ngại về chủ nghĩa địa phương, song
những điều này đã giảm sút từ năm 1802 đến những năm 1840 (Xem: Alexander
Woodside, Vietnam and the Chinese Model: Á Comparative Study of Vietnamese and
Chinese Government in the First Half of the Nineteenth Centmy, sđd, tr. 135).
Trong lúc các khu vực hành chánh đặc biệt ở phía nam và phía bắc bị giải thể
vào năm 1831 (ý Dutton muốn nói tới hai tổ chức Bắc Thành và Gia Định Thành bị
lần lượt bãi bỏ vào năm 1831 (Bắc Thành) và 1832 (Gia Định Thành) - ND), và vai
trò mạnh mẽ của vua Minh Mạng đã giúp cải tiến tình hình, tinh thần địa phương
vẫn còn tồn tại, và trong mọi trường hợp, nó trở thành một nhân tố đặc biệt
quan trọng vào những thập niên tiếp sau nhà Tây Sơn.
VCTVEGROUP
Nguồn sách và PDF: Nhantinh
Text và Ebook: Bọ Cạp 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét