XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karik và Valia (Chương XIII-Chương XVIII end)- Ian Lari


Chương 13
CẶP BỜ VÀO MỘT BẾN CẢNG XA LẠ
- LẠI BỊ CẦM TÙ
– IVAN GERMOGENOVICH ĐI THEO DẤU VẾT
– CON VẬT THỞ BẰNG ĐUÔI
– MỘT PHÁT MINH BẤT NGỜ.
Một trận gió mạnh thổi lên lúc bình minh.
Quả hồ đào ngụp lặn trong sóng nước lúc vọt lên cao trên đỉnh sóng. Khi chìm sâu trong bọt nước trắng xóa.
Sóng nước réo ầm ầm trùm lên quả bồ đào, quật nó nghiêng ngả khắp mọi phía. Bụi nước lạnh bắn qua lỗ cửa, rơi lên mình Kavik và Valia. Nhưng bọn trẻ chỉ ú ớ trong giấc mơ, lấy tay che mặt và cổ rồi nằm dịch vào trong. Chúng bị hành hạ mệt nhọc lúc ban ngày nên ngủ say đến nỗi có dội nước lạnh vào cũng không tỉnh.
Một dòng nước chảy xiết quay quả hồ đào trong xoáy nước. Quả hồ đào bị nghiêng mạnh rồi lật sang một bên. Karik lăn mình qua cô em rồi va đầu vào tường rất mạnh. Cậu kêu lên:
- Trời ơi ! Cái gì thế này ?
Cậu định đứng dậy, nhưng lại bị lắc mạnh ngã lăn ra sàn. Bám tay vào những chỗ xù xì trên vách cậu chật vật lắm mới đứng dậy được và kêu lên:
- Valia! Có chuyện rồi! Dậy mau! Có ai đang lôi quả hồ đào của chúng ta đây này!
Valia dụi cặp mắt ngái ngủ, ngơ ngác nhìn Karik. Cô nhảy phắt dậy và kêu lên:
- Có khi có con thú tấn công chúng ta! Phải đánh thức bác Ivan Germogenovich dậy... Bác Ivan Germogenovich ơi!
Nhưng cô vừa đứng thẳng người lên thì chân cô bị lắc mạnh làm Valia va vào tường. Cô đụng phải Karik rồi cùng nhau ngã lăn tròn trên mặt sàn xù xì.
Xung quanh tối đen. Chỉ có chút ánh sáng đêm xanh mờ rọi xuống từ trên cao qua lỗ cửa.
Bám vào vách trong quả hồ đào, Karik bò lên lỗ cửa chui đầu ra ngoài. Một đợt sóng quất vào mặt cậu. Gió rít dữ dội trên mặt nước làm dựng những cột nước thẳng đựng đầy bọt.
Khắp nơi chung quanh gầm rít réo như trong nồi súp.
Karik kêu lên:
- Valia! Mau lên!... Xem kìa, cái gì thế này? Xem kìa chúng ta đang trôi.
Valia khó khăn lắm mới bò được đến lỗ cửa bám tay vào bờ cạnh. Cô sợ hãi nói:
- Trời ơi! Chúng ta đang trôi! A... chúng ta đang trôi đi đâu thế này?
Sóng đánh tròng trành, lắc lư như đang trong biển cả thực sự.
Valia nhìn quanh, rồi nhìn Karik. Sau đó lại nhìn quanh và tái mặt đi:
- Thế bác Ivan Germogenovich đâu rồi?
Karik thiếu tự tin đáp:
- Anh không biết... Có lẽ ở đâu đây đó thôi!
Valia sợ hãi kêu lên:
- Ở đâu đây cái gì? Anh nói cái gì vậy? Chúng ta đang ở trong quả hồ đào. Quả hồ đào - anh có hiểu không? Còn xung quanh là nước.
Một cái lắc mạnh ném bọn trẻ khỏi lỗ cửa. Sàn quay tròn nhấp nhô.
Karik và Valia ngã xuống.
Gió giận dữ thổi mạnh trên sông. Xung quanh gầm rú gào thét. Sóng tạt qua lỗ cửa xối nước lạnh làm bọn trẻ ướt từ đầu đến chân. Ướt sũng và run rẩy, chúng ôm chặt nhau dưới sàn, sợ hãi nhìn qua lỗ cửa.
Ở phía trên lỗ cửa là bầu trời u ám với những đám mây đen trôi lướt qua.
Quả hồ đào nghiêng sang cạnh sườn. Lúc này qua lỗ cửa là những cột nước sủi bọt nhảy nhót. Một cái lật nghiêng nữa và tiếp theo những đám mây lại lướt qua lỗ cửa. Vầng trăng nhợt nhạt ngụp lặn trong những đám mây.
Mỗi một cái lắc mạnh là bọn trẻ bắn rời ra khỏi nhau. Nhưng ngay lập tức Vialia lại lồm cồm bò tới bên anh ôm chặt lấy cậu. Bọn trẻ tội nghiệp không làm sao hiểu nổi: bác Ivan Germogenovich ở đâu, quả hồ đào làm sao lại rơi xuống nước và dòng sông sẽ đưa chúng đi đến đâu?
Trong khi đó quả hồ đào cứ tiếp tục trôi đi mãi, lúc nhô lên ngọn song khi chìm xuống mặt nước.
Qua một thời gian trận bão tựa như tan dần. Quả hồ đào không còn bị lắc lên nhồi xuống mạnh nữa mà chỉ lắc lư như nôi trẻ con.
Bọn trẻ đứng dậy. Karik nói:
- Có lẽ hết lúc lắc rồi.
Cậu bước lại bên lỗ cửa nhòm ra ngòai:
Ngay sát bên là bờ sông với rừng cây um tùm đang chạy ngược lại. Sóng vỗ nhè nhẹ ở phía dưới.
Rồi bỗng nhiên quả hồ đào dừng lại.
Những bờ đất dựng lên cao như bức tường kề sát ngay bờ lỗ cửa. Bờ sông gần đến nỗi có thể với tay đến được. Quả bồ đào cập bờ vào một bến cảng xa lạ.
Valia khẽ nói:
- Không biết chỗ này là chỗ nào?
Karik bám tay vào bờ cạnh lỗ cửa ra lệnh:
- Chui ra mau!
Karik và valia giúp nhau chui ra khỏi quả hồ đào và nhảy xuống đất.
*
Đó là một buổi sáng sớm.
Những đồi núi quạnh quẽ hắt hiu chìm trong ánh rạng đông sáng bạc. Ở phía chân trời xa một dải sáng hồng hiện ra yếu ớt.
Ngay sát bờ, quả hồ đào đen đủi ướt át lắc lư trôi trong vịnh êm ả.
Dòng sông róc rách trôi qua. Những cánh hoa và cành cây khô lướt trôi trên mặt sóng. Chúng bị cuốn vào vịnh, dạt tới sát bờ, xô đẩy quả hồ đào như muốn đẩy nó đi.
Khắp mặt vịnh phủ đầy những rác rưởi. Bọn trẻ leo lên một ngọn đồi, đứng lại phân vân. Chúng đứng đó, bối rối nhìn nhau, co ro vì lạnh.
- Biết đi về đâu?Làm gì bây giờ?Trời ơi! Giá có bác Ivan Germogenovich ở bên cạnh nhỉ? Valia thở dài.
- Chẳng lẽ bác ấy lạc mất ư?
Karil cả quyết nói:
- Chúng ta sẽ tìm thấy bác ấy. Chắc chắc bác ấy ở gần đây thôi...
Cậu khum tay lại, kiễng chân lên hết sức gào thật to:
- Bác I-i-van Ger-mo-ge-no-vich!
Ở đâu đó sau những ngọn đồi xám, lá cây reo rì rào.
Bọn trẻ lắng nghe.
Tiếng bước chân chăng?
Không! Đó chỉ là tiếng gió reo và lá cây xào xạc.
Valia lại thở dài não ruột.
- Không sao... không sao. Chúng ta sẽ tìm thấy bác ấy. Rồi em xem! Bác ấy không bỏ chúng ta đâu.
Karik nắm tay em dắt đi dọc theo bờ sông. Cứ khoảng năm sáu bước chúng dừng lại và gọi to:
- Bác I-i-va-an Ger-mo-ge-no-vich!
Nhưng không thấy tiếng giáo sư đáp lại.
Karik nói:
- Thế này nhé: bây giờ anh sẽ đi sát bờ, còn em đi sâu vào trong một quãng. Kia kìa... có thấy lùm cây sau ngọn đồi không? Đó... em đến đó kêu thật to lên. Đầu tiên anh gọi, rồi đến em. Sau đó anh gọi rồi tới lượt em. Cứ thế nhé.
- Được rồi.
- Nhưng em đừng có đi xa quá đấy và để ý‎ xung quanh cẩn thận. Thôi, em đi đi.
Karik đi theo bờ sông, còn Valia tới phía lùm cây. Chốc chốc bọn trẻ lại dừng bước, gọi to, rồi lại dừng bước, gọi to, rồi lại tiếp tục đi.
Valia đã tới lùm cây.
Lùm cây tối đen âm u. Những thân cây đen đủi xù xì vươn cao những cành cong queo. Những chiếc lá rộng rủ xuống trên mặt đất.
- Ê... ê... Valia ơi! – Tiếng gọi vang lên phía sông.
- Hú à, em ở đây – Valia đáp lại.
Valia lại gần cái cây rậm đen, cành lá lòa xòa. Cây tỏa ra mùi thơm dễ chịu.
Thật kỳ lạ: mùi bánh nướng hạnh nhân thơm lừng hệt như ở nhà vào trước những ngày lễ, khi mẹ lôi những khay bánh nướng từ trong lò bánh ra.
Valia nhớ ngay là từ hôm qua tới giờ cô chưa ăn gì cả.
“Phải xem cái gì tỏa mùi thơm ngon thế? - Cô tự nghĩ và quả quyết đi lại gần cái cây. – Mình phải trèo lên xem thế nào.”
- Anh Karik ơi – Valia gọi to – Em leo lên cây rồi sẽ gọi từ trên cây nhé, được không?
- Cứ leo lên và gọi đi! Gọi to vào nhé. Anh tới chỗ em bây giờ đây! – Karik gọi trả lời.
Valia bám lấy những cành cây trơn và ướt, nhanh nhẹn như con khỉ, leo lên cao. Valia đẩy những lá cây to rộng rủ từ trên cành cây xuống cản đường rồi trèo lên mỗi lúc một cao hơn. Thỉnh thoảng cô lại ngước nhìn lên trên.
Ngay sát trên đầu lấp ló cái gì đó tựa như cái chén rất to. Valia leo được tới đó, lấy tay bám vào thành vách ẩm ướt và đàn hồi như cao su và ngó vào trong.
Những quả cầu êm như nhung lắc lư ngay sát cạnh cô. Những quả cầu này treo trên đầu những cái roi nhô lên từ đáy cái chén.
Chính những quả cầu này tỏa ra mùi thơm ngát ngon lành đó.
Valia cảm thấy nếu ngay lập tức cô không ăn quả cầu đang lắc lư trước mũi kia thì cô sẽ chết ngay vì đói. Cô tì tay và cưỡi lên bờ cánh hoa như ngồi trên bờ rào.
Cái quả cầu ngon lành ở ngay cạnh. Cô bám tay vào kéo nó lại phía mình. Nhưng cô không bứt được vì quả cầu bám rất chắc.
Valia giựt mạnh hơn.
Cánh hoa cô ngồi trên lắc lư làm cô sút mất thăng bằng. Để khỏi ngã, cô buông quả cầu ra và bám chắc lấy bờ cánh hoa.
Quả cầu bay về phía khác đập vào bờ bên kia của cái chén rồi lại nhảy múa trước mắt Valia.
Lúc đó Valia bứt mạnh quả cầu, làm cho cả cái chén cũng vang lên. Quả cầu bị bứt ra khỏi cây sào. Nhưng ngay lúc đó Valia bị ngã lộn xuống đáy chén cùng với chiến lợi phẩm của mình.
Valia nhỏm phắt dậy, ngước mắt nhìn lên trên và xung quanh, tay không rời quả cầu. Cô đang đứng giữa một bông hoa khổng lồ. Những cánh hoa ẩm ướt vây xung quanh như bức tường nhẵn thín của cái tháp tròn. Ánh sang ban mai hồng lên qua khe hở của những cánh hoa màu thẫm.
Ở đâu đó rất xa có tiếng chim hót. Ở phía dưới ai đó đang chạy qua bằng những bước chân nhẹ nhàng và làm lá cây kêu sột soạt...
Valia nghĩ: “Phải trèo xuống đất thôi!”
Ôm chặt quả cầu vào ngực, cô đi vòng quanh cái chén hoa và dừng lại trước một khe hẹp giữa hai cánh hoa. Cô định lách mình qua khe, nhưng khe hẹp quá.
Khi đó Valia định trèo lên trên theo cái roi, nhưng cô vừa bám tay vào cây roi thì những bức tường xung quanh bỗng trở nên sống động và từ từ khép lại.
Bông hoa khổng lồ mà Valia chui vào khép kín cánh hoa trên đầu cô. Ở trong bông hoa trở nên tối đen.
Valia cố tách những cánh hoa và chui ra khỏi bông hoa, nhưng không được kết quả gì. Những cánh hoa bóp chặt lại không thả cô ra khỏi nhà tù ngát hương.
Cô bé hoảng sợ kêu lên:
- Karik! Anh Karik! Mau lên! Lại đây! Cứu em với!
Cô ráng hết sức kêu to, nhưng tiếng cô không xuyên qua nổi bức tường dày dặn và mềm mại. Tựa hồ như cô úp mặt vào gối bông mà kêu. Tiếng kêu bị bóp nghẹt ấy nghe rất nhỏ tựa như tiếng vọng từ nơi xa, nhưng cũng vọng đến tai Karik... Cậu dừng lại, lắng nghe. Cậu có cảm tưởng như ở đâu đó rất xa, sau những quả đồi Ivan Germogenovich đang gọi. Karik mừng quá.
- À, bác ấy đang lại đây rồi. Cuối cùng cũng tìm thấy chúng ta.
Cậu chạy nhanh lên một ngọn đồi cao và khum tay lại gọi to:
- Ở đây!... Lại đây! Chúng cháu đang ở đây.
Đáp lại chỉ có tiếng chim đêm đang kêu gù gù.
Dưới chân đồi, con sông chảy róc rách, sóng vỗ nước vào bờ. Cát tuôn rào rào từ trên mỏm cao. Karik nghĩ: “Bác ấy gọi từ đâu? Từ phía phải hay trái?”
Cậu đứng một lát rồi lại gọi.
Nhưng không có ai đáp lại cả. Cậu gọi thêm nhiều lần nữa, hướng về nhiều phía khác nhau.
Tất cả đều vô ích. Không. Không có ai đáp lại cậu cả.
Karik cau mày:
- Không, nhất định phải có chứ, mình cảm thấy mà.
Cậu nhìn vào lùm cây tối đen mà Valia đã ở đó, rồi lớn tiếng nói:
- Valia em có nghe thấy không? Hình như bác Ivan Germogenovich gọi đấy? Em có nghe thấy không?
Nhưng lần này thì cả Valia cũng không đáp lại Karik.
“Trời ơi, chỉ còn thiếu nước lạc nốt Valia thôi!” – Karik nghĩ vậy và gọi to hơn nữa:
- Va-a-li-a !
Valia không đáp lại.
“ Thế đấy, đã dặn là ngồi đợi trên cây mà nó lại đi đâu mất... dây dưa với bọn con gái là chẳng hay ho gì...”
Cậu từ từ đi qua cánh đồng, lại phía lùm cây. Cậu đã ở bên lùm cây.
Karik lại gần những cái cây, ngửa đầu lên ngắm nghía những đỉnh cao rậm rạp.
Gió sớm mai khẽ đung đưa những tàu lá to, làm lộ ra những quả cầu vàng khổng lồ.
Không thấy Valia trèo trên cây.
Karik hoang mang.
- Nó đâu nhỉ?
Cậu gọi đi gọi lại nhiều lần, nhưng đáp lại chỉ có tiếng gió rì rào...
Không thấy Valia trả lời.
Karik cắn môi, dừng lại suy nghĩ:
- Valia không thể chạy xa khỏi nơi đây. Thế nghĩa là... Nghĩa là, con gì đã bắt nó lôi đi đâu, cũng có thể... ăn thịt nó mất rồi.
Karik rùng mình.
“Trời ơi, nếu bác Ivan Germogenovich ở đây - chắc là bác ấy đã nghĩ ra cách gì đó và chắc chắn sẽ tìm thấy Valia rồi.”
Karik bất lực nhìn khắp xung quanh.
Những ngọn đồi nằm yên lặng lẽ.
Bầu trời lạnh lẽo treo trên bãi cát hoang vắng. Cánh rừng khô ráo, buồn bã rì rầm ở phía bên kia đồi.
Những con bọ cánh cứng khổng lồ bay vù vù trên đầu, chạm cánh những cây cối hình dạng kì quặc.
Cảnh vật xung quanh có vẻ gì thật xa lạ, đáng sợ. Karik rùng mình, rú lên một tiếng rồi cắm đầu chạy thẳng, không phân biệt đường xá.
*
Ivan Germogenovich thức dậy mờ sáng vì bị lạnh. Ông dịch sát vào tường, nhưng lập tức nhảy vội ra tựa như phải bỏng. Bức vách vỏ ốc lạnh lẽo như băng giá. Không thể ngủ trên lớp băng đó được. Ivan Germogenovich chui ra khỏi vỏ ốc, chạy xung quanh cố sưởi ấm người đôi chút.
Trăng hãy còn chiếu sáng.
Gió lạnh thổi vào mặt, vào lưng, cuốn vào những mảnh đá nhỏ lên cao quất vào chân tay ông. Giáo sư làu bàu: Một đêm thật kinh khủng! May mà bọn trẻ có chỗ ngủ ấm áp.
Ông định xem thử chúng ngủ ra sao trong quả hồ đào? Không biết chỗ nằm có tốt không? Chúng ngủ có yên không? Run rẩy vì lạnh, ông bước tới bờ sông.
Mặt trăng nhợt nhạt chiếu sáng lên ngọn đồi trọc, chỉ có một cây khô đơn độc trên đỉnh đồi. Giáo sư chạy lên và hoang mang nhìn xung quanh.
Ngọn đồi trống trơn.
Một cây khô uốn cong thân mình trong gió. Những lá khô xào xạc buồn bã. Bóng đen của lá cây bò trên mặt đất lạnh lẽo tạo thêm vẻ thê lương. Ivan Germogenovich lẩm bẩm:
- Lạ quá... Lạ quá đi mất.
Ông nhớ rõ ràng là ngay chỗ này có quả hồ đào rất to. Dấu đất lõm xuống hãy còn đây. Đúng là ở ngay chỗ này. Không thể nghi ngờ gì nữa.
Giáo sư khom mình xuống mặt đất chăm chú quan sát.
Từ chỗ đất lõm đến con sông có một vệt đen rộng, trải dài ra tựa như mới đây có một vật nặng được kéo qua. Giáo sư nghển cổ, chốc chốc lại khom mình xuống lần theo dấu vết.
Dấu vết dẫn đến con sông.
Giáo sư dừng lại ngay trên bờ dốc, nhìn xuống dòng nước đen ngòm đang chảy róc rách, đăm chiêu suy nghĩ.
Đi tiếp thì chẳng còn lối.
Ông đứng trên bờ dốc cau mày, vân vê chòm râu nói chuyện một mình:
- Giả sử như có con gì tấn công chúng thì bọn chúng kêu lên rồi. Mình ngủ rất thính, ắt đã phải nghe thấy. Thế thì đã có chuyện gì xảy ra? Con vật nào tha quả hồ đào đi ư? Không thể có! Ai cần đến quả hồ đào đã khô? Chuyện vớ vẩn! Mọi chuyện đơn giản hơn nhiều: gió thổi quả hồ đào xuống nước.
Giáo sư nhanh chóng tụt xuống bên dòng nước.
- Không biết nước cuốn chúng đi đâu? Sang phải hay sang trái?
Ivan Germogenovich nhặt một mẩu lá khô, ném xuống nước.
Dòng nước cuốn mẩu lá, quay cuồng ném lên những ngọn sóng ngầu bọt.
Giáo sư chạy theo bờ về phía mẩu lá khô trôi đi.
Rừng mọc sát tới bờ sông. Giáo sư lúc len lỏi giữa các lùm cây, khi lội xuống nước ấm áp như dòng sữa mới vắt.
Đêm sáng trăng. Chỉ những nơi cỏ rậm mọc cao là có bóng tối chạy dài thành vệt rộng.
Ở giữa sông những cánh hoa và cành lá cây khổng lồ trôi nhanh vượt qua giáo sư.
Chúng ngụp lặn xuống mất tăm rồi lại hiện lên trở lại. Từ xa xa có cảm tưởng như ai đó đang bơi vật lộn với sóng nước.
Mỗi khi mẩu cây trôi nổi ở giữa sông Ivan Germogenovich lại lo lắng dừng lại theo dõi: “Liệu có phải bọn trẻ đang bơi đó không?”
Ông lội xuống sông, nước đến thắt lưng, sẵn sàng lao xuống cứu. Nhưng khi mẩu cây lại gần, nhìn thấy rõ những cành khô trần trụi, ông thở ra nhẹ nhõm:
- Phù!
Và ông lại đi tiếp.
Con sông uốn khúc ngoằn ngoèo rất lâu giữa rừng núi tối đen rồi cuối cùng trải rộng ra thành một dải nước rộng phản chiếu ánh sáng óng ánh.
Ivan Germogenovich dung tay gạt những cành cây ướt, đi ra khỏi cánh rừng và bất giác dừng ngay lại.
- Bọn trẻ kia rồi!
Karik và Valia đang bơi dưới sông tràn ngập ánh trăng. Ivan Germogenovich thì thào:
- Đúng rồi! Đúng bọn chúng rồi!
Kia là Karik đang bơi ở giữa sông. Phía bên phải cậu gần bờ hơn là Valia. Đầu của chúng biến mất xuống mặt nước rồi lại hiện lên như những chiếc phao. Chắc chúng đã kiệt sức lắm rồi không khéo sắp chìm đến nơi.
- Trời ơi! Làm sao tới kịp được thì may quá!
Giáo sư nhảy xuống sông. Dòng chảy cuốn ông dọc theo bờ. Ivan Germogenovich gọi to:
- Cố gắng giữ vững nhé!
Dùng tay rẽ nước ông bơi lại cứu bọn trẻ.
Mỗi sải tay lại làm khỏang cách giữa ông và bọn trẻ rút ngắn lại.
Bây giờ giáo sư đã bơi sát gần bọn chúng và chìa tay ra... Nhưng cái gì thế này?
Ông nhìn thấy một thân hình có khớp uốn cong hình chữ S ở dưới nước. Giáo sư bực bội thốt lên:
- Trời! Đồ chết tiệt!
Và ông vội vã bơi trở lại bờ.
Ánh trăng huyền ảo làm ông nhận lầm những con ấu trùng của ruồi vằn là hai đứa trẻ.
Chúng giữ nổi trên mặt nước bằng cái đuôi rất kỳ lạ, trông giống như bộ tóc giả bị rối bù.
Lũ ấu trùng này chúi đầu xuống nước, thỉnh thoảng đớp lấy những con vật khù khờ bơi qua. Chúng thở bằng cái đuôi lông lá của mình.
Hồi còn trẻ giáo sư đã từng đi bắt những ấu trùng này về nuôi trong bể cá. Chúng biến thành ruồi có vằn đen - vàng giống như con ong. Thậm chí chúng còn đẻ trứng vào những cây hoa dưới nước trong bể cá.
Giáo sư đã từng viết sách về cào cào nghe bằng chân và ấu trùng ruồi vằn thở bằng đuôi.
Giá vào lúc khác thì khó mà lôi được Ivan Germogenovich đi khỏi chỗ khác khi gặp những côn trùng kì lạ này. Nhưng bây giờ thì ông chẳng có bụng dạ nào để ‎ đến chúng.
Giáo sư mò mẫm bước chân lên bờ.
Run lên vì lạnh, ông chạy cho nóng người.
Thỉnh thoảng ông dừng lại lắng nghe. Nhưng chỉ thấy tiếng tim ông đang đập mạnh và tiếng gió reo trên đầu. Thấy có một đồi cao ở gần, ông chạy ngay lên đỉnh, khum tay lại gọi to:
- Ka-a-rik ! Va-a-lia!
Rồi ông chạy xuống bờ sông.
Ivan Germogenovich suy nghĩ:
- Hay là thả một chiếc bè xuống nước? Vần độ chừng ba khúc gỗ xuống sông rồi kết nó lại là thành bè. Đi bè sẽ mau đuổi kịp bọn trẻ hơn.
Nhưng giáo sư cũng khỏi cần phải kết bè.
Giống chuyện thần thọai, cái bè tự trôi vào bờ như có phép màu.
Nó dừng lại gần bãi cát và quay tròn một chỗ. Ivan Germogenovich reo lên: - Tuyệt quá! Ông lấy đà nhảy lên bè và lúc lắc cho nó rời khỏi bãi cát. Cái bè rung rinh lắc lư trên sóng nước rồi từ từ trôi theo dòng chảy. Ngay lúc đó lại có một chiếc bè nữa trôi ngang giáo sư. Sau đó có rất nhiều bè nối tiếp trôi qua. “Lạ thật! Ở đâu ra mà lắm bè thế?” - Ivan Germogenovich nghĩ. Dưới ánh sáng trăng giáo sư chăm chú xem xét con tàu kì lạ của mình. Ông nhận thấy mình đang đứng trên những khúc gỗ nhọn cả hai đầu. Những khúc gỗ trong giống như những điếu xì gà khổng lồ nằm xếp sát chặt bên nhau tựa như có ai đó gắn chúng lại. Giáo sư cúi xuống sờ tay vào những khúc gỗ rồi bối rối lẩm bẩm: - Có ai ngờ... Cái bè lại là thế... Mặc dù chỉ có ánh sáng trăng ông cũng nhận ra những điếu xì gà kinh khủng này. Con tàu Ivan Germogenovich đang đi chở món hàng đặc biệt: các khoang của nó chứa đầy bệnh sốt rét vì mỗi điếu xì gà chứa một con ấu trùng muỗi Anôphen truyền bệnh sốt rét. Ivan Germogenovich cười gằn: - Mình có ngờ đâu lại phải làm thuyền trưởng con tàu chở bệnh sốt rét. Bên phải, bên trái giáo sư có rất nhiều con tàu đang mang bệnh sốt rét lướt đi vượt lên trước. Rõ ràng là ở đâu đó trên thượng nguồn những con muỗi Anôphen đang đẻ trứng. Đôi lúc cũng có cả trứng muỗi thường trôi trên sông. Chúng xếp thành từng xấp dựng đứng, nhìn xa rất giống những cái thuyền. Cứ đến mỗi chỗ uốn khúc của sông, Ivan Germogenovich lại nghển cổ chăm chú nhìn vào bóng đêm xem có thấy quả hồ đào dạt vào bờ hay vũng lạch nào không? Đã đi hết những bờ sông có rừng. Con sông ngoặt về phía khác, chảy bên những đồi núi trọc nối tiếp nhau. Trời đã sáng. Mặt trăng mờ nhạt. Những vì sao theo nhau lặn như có ai thổi tắt chúng. Chỉ có một ngôi sao xanh đơn độc còn treo sát trên các ngọn đồi. Dòng nước siết cuốn cái bè dạt vào gần bờ Ivan Germogenovich đứng gần mép bè, chà xát bàn tay lạnh giá khắp ngực và cạnh sườn. Con sông chảy rẽ về bên phải. Đột nhiên giáo sư nghe tiếng ai yếu ớt vọng đến từ xa sau những ngọn đồi. Ivan Germogenovich rùng mình, tim đập dồn dập. - A...a! – Ai đó kêu to trên bờ. Giáo sư chạy trên chiếc bè tròng trành gào thật to. - Karik ! Valia ! - Ivan Germogenovich! – Tiếng gọi vọng đến từ sau những quả đồi. Ivan Germogenovich càng cuốn qúyt thêm: - Ở đây! Ở đây! Lại đây! Từ sau ngọn đồi hiện ra cái đầu của Karik rồi đến vai. Cuối cùng Karik nhảy lên ngọn đồi, hoang mang nhìn khắp xung quanh. - Lại đây! Karik! Lại đây! – Ivan Germogenovich gọi lớn. Nhìn thấy giáo sư Karik khóc nức nở lên một cách lạ lùng, rồi cắm đầu chạy về phía con sông. - Bác cặp bờ vào đây mau lên! – Cậu vừa kêu lên vừa vẫy tay rối rít. - Bác dừng ngay đây mà, cháu ơi! – Và giáo sư ra sức dùng tay chèo nhanh hơn. Nhưng cái bè không còn ngoan ngoãn theo sự điều khiển của ông. Thấy vậy Ivan Germogenovich chạy đến mép bè nhảy xuống nước. Karik khóc ầm ỹ cũng lội xuống sông. Giáo sư nhô đầu lên khỏi mặt nước, kêu lên: - Cháu chạy đi đâu thế kia? Nhưng Karik không còn tỉnh táo suy xét được gì nữa, lội bừa xuống nước lại phía giáo sư và chỉ dừng lại khi nước đã ngập đến thắt lưng. Giáo sư bơi lại phía cậu bé. Ông lo lắng nhìn vào cặp mắt ướt đẫm của Karik rồi hỏi: - Sao cháu có một mình thôi? Valia đâu? Có chuyện gì thế? Karik nức nở: - Có chuyện rồi ạ! Valia mất tích rồi! Giáo sư nắm lấy tay Karik hỏi: - Cháu nói gì vậy? Chuyện xảy ra làm sao? Khi nào? Cháu lạc Valia ở đâu? Sao cháu không nói thế? - Đầu tiên bọn cháu trôi trong quả hồ đào, rồi đến bờ, bọn cháu chạy đi tìm bác. Sau đó... Karik khoát tay rồi im lặng. - Rồi sau thì sao? – Giáo sư thúc giục - Cháu nói đi! Cháu bỏ nó lại đâu? - Ở đàng kia ạ, sau những ngọn đồi ấy! - Cháu nhớ chỗ đó chứ? - Cháu nhớ. Nhưng từ chỗ này lại đó thì cháu không nhớ ra sao. Còn nếu đi từ chỗ quả hồ đào thì cháu sẽ tìm được. - Ở đàng kia ạ, trong vịnh nước ấy. Ivan Germogenovich quả quyết nói: - Thế này nhé! Thoạt tiên ta sẽ đến vịnh nước có quả hồ đào. Đến đó rồi sẽ rõ phải làm gì nữa. Thôi, đi nào! Giáo sư và Karik bước lên bờ lặng lẽ bước đi trên mặt đất lạnh lẽo và ẩm ướt. Ivan Germogenovich nói: - Cháu chỉ đường đi! Karik thở dài rồi lại nức nở khóc. - Vâng! Cháu chỉ đây! Phải đi lại đây ạ! - Thôi xin cháu đừng khóc! Chúng ta sẽ tìm thấy Valia thôi! Con người sống hẳn hoi chứ đâu phải cái kim... Có thể kêu lên được và nghe thấy được tiếng chúng ta... Thế nào rồi cũng tìm thấy mà! Cái vịnh hiện ra ở phía trước. Quả hồ đào đen sì, to tướng lắc lư trên mặt nước xanh như một chiếc xà lan. Karik khẽ nói: - Nó ở kia rồi ạ. - Bác thấy rồi! Giáo sư dừng lại, hỏi: - Cháu nhớ được từ đây bọn cháu đi đâu không? - Cháu nhớ ạ! – Karik đáp – Cháu đi theo bờ sông, còn Valia đi về bên phải, lại chỗ kia kìa. - Được rồi! - Ivan Germogenovich nói – Dẫn bác đi theo con đường Valia đã đi. Các khách du lịch lên đường. Khi họ đến lùm cây, Karik nói: - Tại chỗ này Valia gọi cháu lần cuối cùng rồi sau đó thì mất tích. - Thế cháu còn nhớ Valia nói gì không? Karik phân vân đáp: - Hình như là “Hú à”! Giáo sư đăm chiêu suy nghĩ: - Hồi sáng cháu có tìm kiếm ở đây không? - Cháu có tìm. Lục lọi khắp lùm cây. - Thế này nhé... Cháu đi sang phải, còn bác đi sang trái - Ivan Germogenovich nói – Có điều không được rời xa lùm cây này. Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đây. Nào đi thôi. Giáo sư và Karik đi về hai phía khác nhau. Họ vừa đi vừa chăm chú xem xét từng cái hố, ngó vào trong các khe đá, nâng những tàu lá nằm dưới đất lên xem Valia có ẩn trốn hay ngủ quên dưới đó không. Karik gọi khàn cả tiếng. Nhưng tất cả chẳng mang lại kết quả gì. Không thấy Valia ở đâu cả. Sau khi tìm kiếm rất lâu, họ quay trở lại lùm cây. Ivan Germogenovich và Karik mệt mỏi rã rời không lê nổi bước chân. Chẳng ai muốn nói năng chi cả. Họ ngồi dưới gốc cây, đầu cúi xuống cố gắng không nhìn vào mắt nhau. Ngay trên đầu giáo sư có một cành cây thò ra, trên có những quả cầu màu vàng. Những quả cầu đu đưa kéo theo những cái bóng tròn quét trên mặt đất. Có một quả cầu sống động. Vách của nó động đậy rung rinh. Nó lắc lư trên cành cây một cách khác lạ tựa như muốn nhảy xuống đất. Những quả cầu khác treo im ả. Giáo sư thở dài: - Thôi thì chúng ta lại tìm kiếm một lần nữa vậy. Cháu đi về phía này, còn bác đi về phía sông. Sau đó lại trở lại lùm cây này nhé. Cháu hiểu không? - Vâng ạ, cháu hiểu! Ivan Germogenovich đứng dậy rảo bước đi về phía sông. Karik đi theo hướng ngược lại. Khi cậu cất bước chợt thóang nghe có tiếng gọi ú ớ yếu ớt. Cậu quay phắt lại. Giáo sư kêu lên. - Đừng phí thì giờ vô ích! Và họ lại chạy khắp các ngọn đồi tìm kiếm thỉnh thoảng lại hú gọi nhau. Bỗng giáo sư dừng lại. Ông nhìn thấy những dấu vết lạ bên lùm cây. Đất bị bới lên tung tóe. Dấu chân còn in rõ trên đống đất xốp. Hiển nhiên ở đây có cuộc vật lộn mới xảy ra. Giáo sư cúi mình sát mặt đất. Một vết rộng còn mới kéo dải về phía những đồi cát. Giáo sư đứng thẳng dậy: - Chính là Valia! Phải khẩn trương thôi! Karik! Lại đây mau lên – Ông vẫy tay gọi. Karik kêu lên từ đàng xa: - Bác tìm thấy rồi ư? - Cháu lại đây! Khi Karik thở hổn hển chạy lại, Ivan Germogenovich lặng lẽ chỉ cho cậu dấu vết cuộc vật lộn trên mặt đất. Karik tái mặt: - Cái gì thế này? Giáo sư khẽ nói: - Có lẽ chúng bắt Valia tại đây. Rõ ràng là cô bé đã chống cự, nhưng... Giáo sư lặng thinh. Karik kêu lên: - Chúng xé xác Valia rồi sao? Ivan Germogenovich đáp lại không mấy tin tưởng: - Bác không nghĩ như vậy, nhưng chắc là chúng bắt Valia về hang. - Bắt về làm gì ạ? - Chuyện đó để sau, còn bây giờ thì phải mau chóng chạy mau. Chúng tay còn kịp đấy. Giáo sư và Karik lao chạy theo dấu vết. Họ chạy đi, mỗi lúc một ca lùm cây, nơi Valia còn đang ở trong bông hoa màu vàng. Gió thổi bốc cao những đám bụi trên các ngọn đồi, chúng quay cuồng xung quanh giáo sư và Karik, xóa đi những vết chân của họ trên mặt đất. 
Chương 14 CUỘC GẶP GỠ VỚI CON ONG CÁT AMMOPHIL – CÂY ĂN THỊT – CÂU CHUYỆN LÝ THÚ VỀ CÂY HOA ENOTER – NHỮNG CÁI GIỎ KỲ DIỆU – MỘT TRẬN MƯA XÁC CHẾT.   Lùm cây đã khuất sau những ngọn đồi. Các khách du lịch giờ đây đang chạy trên một thung lũng rộng. Những núi cát dựng đứng hai bên như những bức tường màu vàng. Thỉnh thoảng trên đường họ gặp những cây cỏ cằn cỗi, cành bị gãy, lá vùi dưới cát Ivan Germogenovich vừa chạy vừa kêu: - Valia còn sống. Cháu thấy không, nó bám vào các bụi cây. Nó kháng cự đấy. Phải chạy mau lên mới kịp! Tiến lên Karik! Tiến lên đi cháu! Họ chạy lao đi nhanh hơn nữa. Đột nhiên Karik thét lên: - Cháu thấy rồi! Bác nhìn xem kìa! Ở cạnh những cái cây đó! Đang vật lộn nhau! Giáo sư và Karik ráng hết sức chạy. Nhưng khi họ chạy tới những lùm cây thưa thớt thì chẳng có ai ở đó cả. Cây cối bị rạp xuống tận mặt đất, cành gẫy nát....Dấu vết dẫn đi xa tiếp về phía rừng cỏ rậm rạp. Giáo sư dừng lại, Karik suýt va vào ông theo đà chạy. Ivan Germogenovich cau có nói: - Đứng lại đã! Karik khẽ hỏi: - Sao thế bác? Ivan Germogenovich khẽ đẩy tay vào người cậu rồi chỉ về phía trước. Ở phía xa trên những dải cát vàng cậu bé nhìn thấy một con vật có cánh, chân dài rất giống con ong vẽ. Nó tha một con sâu rất to trên mặt đất. Con sâu to béo gấp mấy lần con ong vẽ. Nó kháng cự kịch liệt nhưng rõ ràng không sao bứt ra khỏi những cái chân khỏe mạnh của con ong vẽ. Con ong lôi con sâu đi để một vết rộng trên mặt đất. Các khách du lịch đã chạy theo dấu vết này. Ivan Germogenovich cau có làu bàu: - Con ong cát Ammophil đang tha mồi về tổ dự trữ cho mùa đông. Con mồi của nó là loài sâu rất có hại cho các cánh đồng lúa mì và củ cải đường... Thôi được nó tha mồi về tổ cho con còn chúng ta có công chuyện gì mà chạy theo nó? Karik hoang mang nhìn giáo sư: - Thế còn Valia thì sao ạ?- Cậu hỏi - Phải quay về thôi. - Ivan Germogenovich đáp – Valia không thể đi xa khỏi chỗ đó. Phải tìm nó qua vịnh nước. Nếu tới đêm mà vẫn không tìm thấy thì phải thắp ngọn lửa bằng khí đốt đèn cầy. Valia thấy ánh lửa sẽ đoán ra là chúng ta ở đây. Còn nếu không đoán được thì chắc cũng chạy lại chỗ có lửa. Nhưng Karik bây giờ không còn tin tưởng là sẽ tìm thấy Valia. Cậu vừa đi theo giáo sư vừa suy nghĩ: “Nó chết mất thôi chả làm sao tìm được nó đâu”. Và cậu trở nên dửng dưng với mọi chuyện xung quanh. Cậu muốn khóc nhưng cặp mắt khô khốc. Karik thở dài não ruột. Bây giờ thì cậu cảm thấy mệt mỏi vô cùng Chân cẳng run rẩy cậu vấp liên tục. Cổ họng khô cháy. Lưỡi rộp lên như bị thiêu trong lửa. Bây giờ Karik có thể uống cả một thùng nước lạnh. Nhưng xung quanh chỉ có cát khô lặng lẽ “Giá có một con suối hay vũng nước nào đó nhỉ” - Karik nghĩ vậy và đưa mắt nhìn quanh Đột nhiên dưới chân đồi màu vàng cậu thấy một cành cây trần trụi không cành lá. Thân cây lắc lư theo gió. Karik lại gần hơn Dưới thân cây có những chiếc lá rất dày màu xám xanh nằm trên mặt đất Từ mặt lá mọc ra những cái roi hơi cong cong, trông giống như lông mi của một con mắt khổng lồ. Ở đầu những sợi lông mi có treo những giọt nước nặng màu bạc. - Giọt sương!- Karik reo lên, chạy bổ lại những lá cây kì lạ đó - Bác cứ đi đi cháu sẽ đuổi theo cháu uống một giọt sương đã. Karik nhảy qua một cái rãnh. - Đứng lại đã! - Ivan Germogenovich kêu lên – Cháu có nghe không? Đứng lại đã Karik! Quay lại ngay lập tức! Karik bướng bỉnh nói: - Thế cháu muốn uống nước thì sao? Ivan Germogenovich nhảy qua cái rãnh cương quyết chặn đường Karik. - Cái đó không phải giọt sương đâu! Không uống được Ông nắm vai Karik lại gần cái cây kỳ lạ đó rồi nói: - Xem này! Ivan Germogenovich nhặt lên hòn đá, giang tay ném vào trong đám những giọt nước long lanh. Hòn đá vừa chạm vào lá thì những cái roi lập tức khép lại giữ chặt lấy nó. Hòn đá biến đi mất. - Cái gì thế bác? - Karik kinh ngạc hỏi Ivan Germogenovich điềm tĩnh đáp: - Cây gọng vó, một loài cây ăn thịt côn trùng. Karik càng ngạc nhiên hơn nữa. - Sao lại thế hả bác? Chẳng lẽ ở nước ta cũng có những cây này? Chúng chỉ mọc ở những xứ nóng thôi chứ ạ? Cháu đọc trong sách viết như thế mà! Ivan Germogenovich nói: - Đúng thế ở những nước xứ nóng những thứ cây này thường gặp hơn ở nước ta. Nhưng ngay ở đây cũng có thể gặp chúng không ít, nhất là những chỗ đất khô cằn. Những cây bình thường không sống nổi ở đó. Còn những cây ăn thịt cảm thấy thoải mái ở chỗ đất xấu. Đất không nuôi chúng thì chúng đi săn bắt nuôi thân. Chúng bắt côn trùng hút lấy chất lỏng dinh dưỡng. Nhờ vậy chúng sống và lớn lên. Không hẳn là con vật, không hẳn là cây cỏ mà là cả hai thứ hợp lại. Cháu hãy nhớ kĩ điều này: ngoài cây gọng vó ra còn có một số loại cây anh thảo và cây bắt sâu cũng săn bắt côn trùng. Ở dưới hồ ao còn hay bắt gặp cả loài cây bong bong nước bắt cả cá nhỏ để sống. Nói chung loài cây ăn thịt này rất nhiều. Bác có thể gọi tên 500 loại cho cháu nhưng..... Karik kêu lên: - Khoan đã bác! Bây giờ thì cháu hiểu ra rồi! Valia cũng bị rơi vào tay một loại cây như thế.... Ivan Germogenovich dừng lại, hoảng hốt nhìn vào Karik kêu lên: - Cháu nói gì vậy? - Phải rồi, bây giờ cháu nhớ ra rồi. Valia gọi cháu: “Em trèo lên cây đây!” Như vậy là nó đã trèo lên cây rồi không xuống đất nữa. Vì vậy cháu không tìm thấy nó trong lùm cây. Họ chạy như bay qua những mô đất. Vừa chạy Karik vừa kêu lên : - Thế nó ăn thế nào hả bác? Ăn hết ngay hay ăn dần dần? Ivan Germogenovich thở hổn hển đáp : - Những cây này thoạt tiên tưới một thứ nước vào con mồi rồi đợi cho nó ướt nhũn ra. Sau đó chúng hút hết máu và các chất bổ! Karik hỏi: - Chắc Valia còn chưa bị ướt nhũn ra chứ bác? - Đừng có nói bậy bạ! Giáo sư nắm tay Karik lôi theo mình Học chạy vút qua những bụi cây, cuối cùng đến được vịnh nước, nơi quả hồ đào hãy còn nổi lềnh bềnh. Karik kêu lên: - Ở đây ạ! Bác dừng lại đi! Ở đây ạ! Ở bên dưới là sa mạc vàng. Ở bên phải các khách du lịch là một lùm cây xanh Giáo sư hỏi: - Thế những cây ấy đâu? Hiện thời bác chưa nhìn thấy một loại cây ăn côn trùng nào ở đây cả. Karik chỉ tay về phía những cây có các quả cầu vàng Ivan Germogenovich hỏi: - Ở lùm cây kia ư? Ở chỗ chúng ta đã đến rồi phải không? Cháu có chắc chắn là Valia leo lên những cây đó không? - Chắc ạ! Ngoài ra có cây nào khác đâu! Ivan Germogenovich chăm chú nhìn những quả cầu vàng rồi phá ra cười: - Thế mà mình cứ nghĩ lung tung những chuyện đâu đâu! Sao mà không đoán ra ngay nhỉ? Chao ôi! Đây là cái....... Ông quay lại phía Karik và vội vã hỏi: - Lúc đó là lúc nào? Sáng hay là đêm ? - Từ mờ sáng lúc mặt trời còn chưa mọc Giáo sư xoa tay xúc động. Ông nói: - Thế thì rõ rồi! Phải rồi! Bây giờ thì bác hiểu cả rồi!... Tốt lắm... rất tốt là khác!... Ông thở hắt ra, mỉm cười nắm lấy tay Karik bóp chặt lại. - Valia còn sống. Nó ở kia kìa! Đang ngồi trong bông hoa. - Trong bông hoa hả bác ? - Phải rồi. Đó là hoa Enoter. Valia ngồi trong bông hoa Enoter. - Thưa giáo sư có nguy hiểm không ạ?- Karik hỏi - Không, không - Ivan Germogenovich đáp - Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ thấy Valia vẫn còn sống khỏe mạnh. Karik reo lên, nắm tay giáo sư lôi đi: - Thế thì chúng ta chạy đi bác! Đến đó leo mau lên cây Enoter và giúp Valia chui ra Ivan Germogenovich lắc đầu. Ông húng hắng ho một cách đặc biệt rồi nói: - Cháu biết không, việc đó có lẽ không cần thiết. Chúng ta thậm chí còn chưa biết Valia leo lên cây hoa nào.Đó là lý do thứ nhất, thậm chí tìm được bông hoa mà Valia đang ngồi trong đó thì chúng ta cũng không biết giải thoát Valia bằng cách nào. Chúng ta không đủ sức làm tách những cánh hoa Enoter. Đó là lý do thứ hai. - Thế lý do thứ ba là Valia sẽ không chết ngạt ở trong đó chứ ạ? - Karik hỏi - Không chết ngạt đâu! Bông hoa rất to, rộng rãi. Chúng ta đợi đến chiều nó sẽ tự mở ra. Karik có vẻ không hài lòng, nói: - Hoa gì mà kỳ quặc. Mọi bông hoa đều nở trong buổi sáng còn bông này nở vào buổi chiều. - Đấy là vì khách đến từ bên kia biển khơi. Người ngoại quốc mà. Từ nước Mỹ đến đây và vẫn sống theo lối Mỹ. Karik mỉm cười hoài nghi Ivan Germogenovich nghiêm trang nói: - Bác không nói đùa đâu! Người ta đem cây Enoter từ vùng Virginia tới. Khoảng 300 năm trước những hạt giống của nó được gởi tới châu Âu cho nhà thực vật học Kaspar Bohen. Trong thời gian 300 năm trước cây Enoter đã đi khắp Italia, Pháp, Đức, Ba Lan rồi cuối cùng xuất hiện ở nước ta... hiện nay dọc trên bờ cát của nhiều con sông người ta gặp những cây hoa Enoter ngoại quốc này còn nhiều hơn những cây cỏ địa phương. - Nhưng đến chiều nhất định nó sẽ nở ra chứ bác? - Cố nhiên rồi! Chiều nào hoa Enoter cũng phải nở ra và đứng như vậy suốt đêm. Chỉ đến sáng nó mới khép cánh hoa lại. Vì vậy người ta còn gọi hoa này là hoa “ cây nến đêm”. Tuy vậy bây giờ chúng ta phải làm việc gì đi chứ? Chúng ta còn những mấy tiếng đồng hồ rảnh rỗi kìa. Karik nói: - Cháu đề nghị ăn uống chút gì đó rồi ngủ. Ivan Germogenovich gật đầu: - Đề nghị rất hay vì vậy được nhất trí chấp thuận. Ông vươn vai ngáp rồi đứng dậy đi dọc theo bờ sông. - Anh bạn ạ, chúng ta đi thẳng đến những bông hoa. Ở đó chắc sẽ kiếm được cái gì đó ăn được. - Bác nhìn thấy hoa ở đâu thế - Hoa thì bác chưa nhìn thấy, - Ivan Germogenovich nói – Nhưng bác nghe rất rõ tiếng ong vo ve ở mũi đất đằng kia. Có nghĩa là ở đó chắc phải có hoa. Giáo sư đã không nhầm. Họ vừa vượt qua những quả đồi đã nhìn thấy ở dưới thung lũng những cái cây rất lớn mọc rải rác. Ngọn cây trĩu xuống dưới sức nặng của những bông hoa huệ. Ivan Germogenovich lại gần một cây đơn độc phủ đầy những bông hoa. Ông leo lên và gọi lớn từ trên cao: - Cháu đứng dưới đó nhé! Ông leo vào một bông hoa và tiến hành một công việc rất phức tạp. Karik đứng ở dưới. Cậu nhìn thấy cái lưng ửng đỏ vì nắng của Ivan Germogenovich thấp thoáng sau chòm lá xanh. Giáo sư làm việc khuỳnh rộng khuỷu tay. Khuỷu tay ông đưa lên đưa xuống như cái pít tông. Karik sực nhớ tới mẹ khi mẹ nhồi bột ở trong bếp. - Ê hê... - Ivan Germogenovich cúi mặt xuống gọi Karik – Bắt lấy những cái bánh vừa mới ra lò! - Những cái bánh tròn rơi lộp bộp trên mặt lá như đánh trống. Nó vừa lăn vừa nảy trên mặt đất. Karik nhặt một cái cắn một miếng. - Thế nào, có được không? – Giáo sư hỏi vọng xuống từ trên cao. Cái bánh thơm ngon như bánh bột của con ong Andrena. Karik hỏi: - Đó là bánh làm bằng phấn hoa và mật phải không bác? - Đúng! Bằng phấn hoa và mật hoa. Cháu có thích không? - Rất ngon bác ạ! – nhưng bác làm thế nào ở đó vậy? - Đơn giản là bác rắc phấn hoa lên mật hoa rồi nhồi như nhồi bột làm bánh vậy thôi. Bánh rơi xuống đất như táo mùa thu rụng từ trên cây. Karik nhặt xếp lại thành đống. Cuối cùng giáo sư trèo từ trên cây xuống, ngồi xuống đất, chọn lấy một cái bánh to rồi cắn một miếng hết nửa cái bánh. Ivan Germogenovich thân mật nháy mắt với Karik: - Cuộc đời chúng ta thế này cũng sướng đấy chứ? - Vâng! - Karik đồng ý - Sống thế này cũng được, nhưng dù sao thì... Cậu thở dài rồi im lặng Ivan Germogenovich nói: - Thôi được, không sao cả. Chúng ta sẽ trở về nhà và mọi việc sẽ tốt đẹp. Giáo sư đứng dậy. - Tuy còn lâu mới đến chiều, nhưng chúng ta cũng không nên rời xa lùm cây Enoter. Chúng ta lại đó ngồi đợi Valia đi. Mang theo những cái bánh nữa, chắc Valia thích lắm. - Cháu cũng nghĩ thế. - Karik gật đầu – Con bé tội nghiệp chưa được ăn gì từ sáng tới giờ. Bây giờ thì cái gì nó chả thích. Ivan Germogenovich tư lự nói: - Tốt lắm nhưng chúng ta mang bánh đi làm sao đây? Không có giỏ chắc không mang được nhiều... Thôi thế này nhé, cháu ngồi đây đợi một chút. Bác đi kiếm cái giỏ. Ông nhìn xung quanh rồi đi đến những đống màu nâu nằm trên bờ sông. Ông cúi xuống một trong những đống đó và ngoáy nó bằng một mẩu gỗ. Ông nói: - Tốt lắm có lẽ đây đúng là cái bác cháu ta cần. Giáo sư bắt đầu bới cái đống ấy ra. Ông đưa cho Karik một cục bùn to và nói: - Nào cháu đi súc rửa cái này cho sạch cho bác Karik cầm lấy, cố giữ cho nó xa thân mình cho khỏi giây bẩn chạy ra sông. Cậu lội xuống nước và thả cái vật giáo sư tìm được xuống. Nước vẩn đục lên. Bùn bẩn tan ra như cục bơ tan ra trên cái chảo nóng. Đột nhiên một vật gì màu trắng lấp lánh dưới lớp bùn. Karik cạo đất đi và bất ngờ sờ thấy trong lớp bùn nhớp nháp cái xách tay tuy mỏng manh nhưng rất cứng. Cậu rất ngạc nhiên: - Hình như đúng là cái giỏ thật! Khi những tia nước mạnh rửa sạch hoàn toàn bùn, trong tay Karik có một cái giỏ đẹp tuyệt. Cậu nắm lấy cái xách tay đưa lên sát tận mắt và kinh ngạc ngắm nghía suốt một phút đồng hồ cái giỏ có hoa văn như làm bằng ngà voi. - Thế nào? Cái giỏ có đẹp không? - Karik nghe thấy tiếng giáo sư ở sau lưng mình. Karik ngắm nghía cái giỏ rồi đáp: - Giống y như là thêu ren. Ai làm cái này thế bác. Giáo sư nói: - Chuyện ấy để sau, còn bây giờ cháu rửa nốt những cái này đi Ivan Germogenovich ném xuống đất hai cục bùn tròn như hai quả cầu và quay trở lại bới đống đất. Karik tiếp tục công việc của mình. Cậu cọ rửa cẩn thận những cái giỏ kỳ lạ thật sạch và xếp chúng cạnh nhau ở trên bờ; còn giáo sư tiếp tục mang thêm nhiều cái mới nữa. Những cái giỏ đều đẹp lạ thường và không giống nhau. Những mũi tên màu bạc mỏng manh đan vào nhau thành những tấm lưới vân hoa. Trên lưới có những tấm chắn tô điểm hình các vì sao, vòng hoa và lá cây. Có thể tưởng rằng những cái giỏ bé nhỏ ấy được tạo nên bởi bàn tay của một người thợ khéo léo. Một cái giỏ thậm chí giống như một tòa lâu đài nhỏ với những nóc tháp có chạm trổ và những cửa sổ hình mũi tên. Tấm lưới màu bạc vây quanh tòa lâu đài như những bức tường. Trên những bức tường ấy có vẽ hình các bông hoa, sừng hươu và những ngôi sao. Còn những thứ khác tuyệt nhiên không giống hình cái giỏ. Nhưng Karik không ném bỏ chúng đi mà vẫn xếp lại bên cạnh những cái giỏ. Đó là những đồ vật được tiện bằng xương màu bạc: những cái đĩa, chậu hoa, mũ miện, quả cầu, ngôi sao... Karik kinh ngạc: - Không cái nào giống cái nào! Ivan Germogenovich nói: - Đúng thế! Chúng rất đa dạng. Có thể nghiên cứu chúng suốt đời mà cứ mỗi ngày lại phát hiện thêm những hình dáng mới của loài cây này. Karik quay ngoắt lại phía giáo sư: - Sao kia! Bác nói nó là loài cây ư? - Chính thế, đó là loài cây đơn bào mọc dưới nước! Diatomê! Đúng hơn là màng cây. Loài cây Diatomê sống trong những màng cây đẹp đẽ này. Thí dụ như trong màng cây này, - Ivan Germogenovich nhấc một cái giỏ hình tròn lên – Là loài Diatomê-geliopenta, trong những cái giỏ hình tam giác kia là loài Tricerate; còn trong cái giỏ hình thoi là loài Navikula. Những cái cháu cầm trong tay đây chỉ là bộ khung của loài Diatomê. Còn chính loài cây này thì đã chết rồi. Màng cứng của chúng còn được giữ lại. Trải qua hàng trăm năm, những cái giỏ kỳ lạ này không hề bị thời gian phá hủy. Karik nói: - Úi chà, quả thật là chúng rất cứng. Bác xem này, cháu không làm sao bẻ gẫy được. Giáo sư cười mũi: - Đó là vì màng cây Diatomê làm bằng chất Oxyde Sillic, một vật liệu rất chắc. - Bác nói chúng là loài cây dưới nước. Thế sao chúng lại ở đây? - Cháu muốn hỏi rằng tại sao chúng lại ở trên mặt đất phải không? Chắc là bão lụt đã ném chúng lên bờ. Cũng có thể cách đây rất lâu, chỗ này là một hồ nước chứa đầy loài Diatomê. - Chúng nhỏ như thế này tại sao lại có thể mọc đầy hồ nước? - Chúng tuy nhỏ nhưng số lượng rất nhiều. Chúng lơ lửng trong nước hằng hà sa số như bụi trong vệt nắng. Chúng nhiều hàng tỉ tỉ, nhưng đời sống lại rất ngắn. Chúng sinh ra sống được vài giờ rồi chết. Suốt ngày đêm xác chúng rơi xuống đáy hồ, đáy biển như mưa. Xác này chồng lên xác kia nằm dưới đáy. Hàng tỉ xác Diatomê, lớp này chồng lên lớp kia cứ dâng lên cao mãi. Trải qua hàng nghìn năm xác Diatomê nổi lên từ đáy sông thành những hòn đảo và những bãi bồi trên sông – sông phân chia thành nhánh và các vùng châu thổ. Dòng chảy cũng thay đổi – địa lý cũng thay đổi. Những cái hồ lớn biến thành đầm lầy và biến mất khỏi bản đồ địa lý. Thành phố Kronshtad nằm trên một hòn đảo không xa Leningrad. Phải đi 30km theo hồ Markiz. Nhưng khoảng 2.500 năm sau người ta có thể đi từ Leningrad đến Kronshtad mà không bị ướt chân – xác những cây Diatomê sẽ phủ lên hồ Markiz thành một nền đất rắn chắc. Cháu thấy đấy, những vật nhỏ tí xíu ấy thay đổi cả cảnh vật trên trái đất mà con người không ngờ tới. Giáo sư vuốt râu rồi nói: - Còn như bây giờ màng cây Diatomê sẽ có công dụng mới. Nào cháu hãy chọn lấy vài cái làn để đựng bánh. Karik tư lự chất đầy bánh vào hai cái giỏ và đi theo giáo sư. Các du khách trở lại lùm cây Enoter. Họ đặt những cái giỏ xuống gốc cây và nằm dài trong bóng mát. Gối đầu lên tay họ nằm nói chuyện rì rầm với nhau. Chẳng bao lâu cả hai bắt đầu ngáp. - Chúng ta ngủ đi. – Giáo sư đề nghị. - Bác cứ ngủ đi, – Karik nói – Còn cháu sẽ canh chừng cho bác. Giáo sư thiếp đi. Karik nằm bên cạnh lắng nghe tiếng thở đều đều của giáo sư, nghĩ đến ngày trở về mẹ sẽ mừng rỡ ra sao. Lúc đó cậu sẽ kể cho mẹ nghe về chuyến du lịch kỳ lạ này. Mắt Karik díp lại. Cậu trở mình, nằm nghiêng và ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ họ nghe thấy tiếng động mơ hồ và tiếng chân ai nhẹ bước, tựa như có con thú bước theo rình rập. Sau đó tất cả trở lại yên tĩnh, rồi đột nhiên tiếng người thực thụ kêu rất to: - A, mọi người đây cả rồi! Còn cái gì đây thế này? Ivan Germogenovich và Karik mở mắt ra. 
Chương 15 KARIK LÀM QUEN VỚI SƯ TỬ KIẾN - NGỦ ĐÊM TRONG HANG - KHO DỰ TRỮ CỦA CON ONG HOA - NHỮNG NGỌN LỬA HUYỀN BÍ – CON NGỰA PHI THƯỜNG - CUỘC TẤN CÔNG CỦA RUỒI.   Trong ánh sáng hồng của ráng chiều Valia đứng trước mặt giáo sư và Karik. Cô bé Valia thực thụ, đang sống hẳn hoi. Cô cầm chiếc giỏ Diatomê trong tay và chăm chú ngắm nghía những hoa vân của nó. Lúc thì cô đưa sát chiếc giỏ lại gần mắt lúc thì lại giơ cao nó lên đầu rồi nheo mắt ngắm nghía. Karik phá ra cười: - Mọi người hãy xem kìa! Trước mắt các bạn là đoạn tiếp theo của bộ phim “Cô gái ở Kamchatka” (1). Cô gái bị mất tích bỗng xuất hiện huyền bí trên bờ biển phía tây. Ivan Germogenovich không nói gì cả. Ông chỉ ôm chặt Valia vào lòng và lặng lẽ xoa đầu cô. Valia luồn ra khỏi tay giáo sư, giơ cái giỏ Diatomê ra trước mắt và hỏi: - Bác làm cái này đấy à? Bằng gì thế hả bác? Sao có mùi ngon thế? Có ăn được không ạ? Giáo sư nói: - Cái giỏ thì không ăn được, còn bánh nằm trong giỏ thì ăn được. Karik lấy bánh trong giỏ ra hỏi: - Em ăn được mấy cái? Hai hay ba? Valia vội vã đáp: - Năm cái! Cho em năm cái ! Ivan Germogenovich và Karik phá lên cười: - Cái đó gọi là đói mềm đấy! – Karik nói. - Không sao! Để Valia ăn cho thỏa thích. Cả bác cháu mình cũng ăn luôn một thể. Cháu có muốn ăn không? - Được đấy bác ạ! – Karik đồng ý. Các khách du lịch ngồi xuống bóng cây xum xuê. Giáo sư đặt trước mặt Karik và Valia mỗi người một giỏ bánh rồi mời bọn trẻ ăn. Valia cắn một miếng bánh, nhai và nói: - Rất ngon! – Cô bắt đầu ngốn căng phồng hai má. Giáo sư và Karik nhìn cô mỉm cười. Karik nháy mắt giáo sư rồi giả bộ ngây thơ hỏi: - Có phải đúng là ở Moskva có người ăn nhiều như con voi không ạ? - Bác không nghe thấy nói. – Giáo sư đáp. - Còn cháu thì nghe thấy nói là ông ấy ăn hết mười đĩa súp. - Em cũng có thể ăn được chừng ấy! – Valia vừa nói vừa ấn một miếng bánh to vào miệng. Karich huých khuỷu tay vào Ivan Germogenovich. - Đến món thứ hai người ấy ăn hết mười lăm đĩa thịt. - Em cũng ăn được mười lăm đĩa. – Valia nói. - Sau đó người ấy uống hết hai mươi cốc nước quả. - Karik tiếp tục. - Em thì uống ba mươi cốc cũng được! Karik đẩy cái giỏ ra, chúi tay vào cánh hoa. - Xong xuôi rồi, người ấy buộc khăn vào ngực vào ngực và nói: “Hình như tôi vừa nhấm nháp đôi chút. Bây giờ có thể bắt đầu bữa ăn thực sự rồi đấy”. - Em cũng... Valia với tay định lấy cái bánh thứ tám. Nhưng vừa sờ vào chíếc bánh, cô dừng lại ngẫm nghĩ rồi thở dài nói: - Không, có lẽ em chịu thôi, chẳng ăn nữa. Ivan Germogenovich vỗ vai Valia nói: - Nào, bây giờ thì kể cho bác nghe làm sao cháu lại chui vào bông hoa Enoter. - Cháu với Karik đi tìm bác... Đúng thế không anh Karik? Karik gật đầu. - Cháu đi mãi, đi mãi rồi bỗng thấy muốn ăn; thế mà trong rừng thì toàn mùi bánh ngọt. Cháu nghĩ là phải trèo lên cây. Cháu trèo lên. Thế rồi nó sập lại một cái không cho cháu ra. Cháu kêu gào đến ù cả tai ra. - Chắc là khóc nữa phải không? - Một chút thôi ạ... ! Sau đó cháu ngủ thiếp đi say đến nỗi chẳng mơ thấy gì cả. Rồi cháu nghe thấy tiếng gọi: “Valia! Valia!”. Cháu muốn tỉnh dậy mà không sao được. - May là mọi việc kết thúc tốt đẹp. – Ivan Germogenovich nói – Từ này để khỏi lạc nhau nữa, các cháu hãy hứa với bác là không rời bác một bước. - Cháu xin hứa danh dự! - Valia giơ tay lên nói. Giáo sư vui vẻ nói: - Thế thì ta lên đường thôi, các bạn! Các khách du lịch xách những giỏ bánh theo người và đi dọc theo con sông. Đến đêm họ tới những ngọn đồi lớn. Tại đây họ ngủ đêm trong một cái hang; đến sáng ăn qua loa mấy cái bánh rồi lại tiếp tục lên đường. Mấy ngày liền họ đi như vậy, ngủ đêm trong các bông hoa, trong các vỏ sò, trong tổ ong vẽ đã bỏ hoang, thậm chí ngủ cả dưới những tảng đá và trong các hang động ẩm ướt âm u. Họ ăn mật hoa, mật ong, trứng bướm và uống sữa bò xanh. Ở thung lũng Ba Con Sông giáo sư giết được một con chim sâu. Ba ngày liền các khách du lịch ăn thịt chim rán và nướng. Chắc thịt cũng còn đủ ăn cả hai tuần lễ nữa nếu như dọc đường họ không bị những con bọ ăn da tấn công và cướp một số lương thực. Suýt nữa thì cả Ivan Germogenovich lẫn Karik đều bị thương. * Mỗi ngày các khách du lịch càng đến gần hơn hồ nước mà ở bờ bên kia có ngọn hải đăng. Theo tính toán của giáo sư thì họ phải đến được bờ hồ vào chiều hôm sau, đêm sẽ bơi qua hồ. Lúc đó sẽ chẳng còn bao xa nữa là tới ngọn hải đăng. Giáo sư quả quyết với bọn trẻ: - Chỉ độ hai ba ngày nữa là chúng ta sẽ ở nhà rồi! Nhưng sự việc xảy ra không theo dự tính của giáo sư. Khi các khách du lịch đã tới gần hồ nước thì xảy ra một chuyện không may. Đó là vào một buổi sáng sớm. Giáo sư và bọn trẻ vừa ra khỏi hang, nơi họ mới ngủ qua đêm. Họ lên đường, dẫm chân lên những giọt sương mai lạnh lẽo. Giáo sư co ro nói: - Gớm, lạnh ghê thật! Các khách du lịch vừa đi trên các đồi núi, thung lũng vừa run lập cập. Tưởng chừng như những gót chân trần của họ đặt trên lớp băng có phủ chút ít đất ở trên. Chỉ muốn dừng lại để co chân lên như ngỗng co cẳng trên băng. Cuối cùng bọn trẻ không chịu nổi, chạy băng lên trước để sưởi ấm người. Ivan Germogenovich gọi với theo: - Đừng có chạy xa nhé các cháu! Nhưng bọn trẻ đã chạy đến dãy đồi xa tít, vừa đuổi nhau; vừa nhảy qua những hố rộng và lạch nhỏ. Ivan Germogenovich gọi: - Các cháu quay lại đi! Karik trở lại mau, Valia đi lại đây! Nhưng Karik chỉ vẫy tay rồi chạy lên dải đồi lởm chởm và biến mất sau đồi. Ivan Germogenovich lo lắng rảo bước đi. Đột nhiên có tiếng kêu thét lên phía bên kia đồi. Ngay lúc đó Valia hiện ra trên đỉnh đồi. Cô vẫy tay gọi Ivan Germogenovich lại cứu. - Mau lên! Mau lên!... Chúng nó tấn công! – Cô kêu lên. Giáo sư cố hết sức chạy thật nhanh, bay vọt lên đồi. - Nó ở đâu? Ở đâu? – Ông vừa thở vừa hỏi. - Anh ấy ở chỗ kia kìa! – Valia chỉ tay vào một hố sâu hình cái phễu. Dưới đất một con vật vùi trong cát ngập đến cổ đang cựa quậy. Cái đầu đen sì to tướng có hai cái móc cong cong thò ra, nhanh nhẹn ném cát và các mảnh đá lên trên. Karik đang đứng trên miệng hố, hoảng hốt lấy tay che đầu và kêu lên cái gì đó nghe không rõ. Cát và đá bắn vào cậu mạnh đến nỗi chốc chốc cậu ngã xuống, đứng lên, rồi lại ngã xuống. Con quái vật không ngớt bắn vào Karik, cố làm cát bắn mù mắt cậu, còn đá bắn vào chân cậu cho cậu bị ngã. Bức vách bằng cát của cái hố bị sụt xuống dưới chân Karik và cứ tụt xuống mãi, mỗi lúc một gần thêm hang ổ của con quái vật. Ivan Germogenovich hét to: - Quay lưng lại! Quay lưng vào nó! Nhưng Karik không hiểu gì hết và có lẽ cũng không nghe được gì cả. Lúc đó Ivan Germogenovich nhanh nhẹn chạy xuống dưới nắm tay Karik lôi đi, leo lên khỏi hố theo bờ cát bị sụt, ôm chặt cậu trong lòng. Một trận mưa đá bay theo sau giáo sư và Karik. Nhưng giáo sư cắn răng không chịu buông Karik ra, tiếp tục bò lên trên, rụt đầu vào vai, nép sát mình vào mặt đất. Cuối cùng ông đã lên được miệng hố. Thận trọng đặt Karik xuống đất, Ivan Germogenovich bối rối lắp bắp nói: - Trời ơi! Sao cháu lại thế?... Làm bác sợ hết hồn! Karik nằm trên mặt đất, người tái nhợt, mắt nhắm nghiền. Một dòng máu mỏng manh chảy trên má. Người Karik từ đầu đến chân phủ một lớp bụi cát dày màu xám. Valia mở to mắt nhìn Karik. Cô quỳ thụp xuống bên cậu, thì thào hỏi: - Anh ấy còn sống chứ ạ? - Còn sống! Ivan Germogenovich cau có vừa đáp vừa đặt một cánh hoa lưu ly đã xếp lại xuống dưới đầu Karik. Valia nhìn về phía cái hố khủng khiếp thì thào nói: - Trời ơi! Cháu sợ quá ! Nhỡ con quái vật ấy bò ra và nhảy xổ vào... Ivan Germogenovich giận dữ nhìn Valia, làu bàu nói: - Nó sẽ không bò ra đâu, nếu như tự cháu không bò lại chỗ nó. Nếu không muốn mất đầu thì đừng có bạ đâu cũng thò mũi vào. Ông cúi xuống đặt tai vào ngực Karik, xem mạch rồi mấp máy môi nói gì đó không thành tiếng. Karik thở mạnh ra. Giáo sư lớn tiếng hỏi: - Cháu có nghe thấy bác nói không? Karik nhỏm dậy nhìn giáo sư bằng cặp mắt lờ đờ. Cặp môi yếu ớt mấp máy. - Nó... đi rồi ư bác! – Karik hỏi giọng yếu ớt. - Nó đi rồi! – Giáo sư nói – Nhưng còn cháu thì sao? Có thể đứng dậy được không? - Có lẽ được ạ! – Karik nói. Cậu đứng dậy, loạng choạng không vững, nghiến răng nói: - Chúng ta đi thôi. Các khách du lịch im lặng hồi lâu, nhưng giáo sư không thể giận bọn trẻ lâu được. Khi họ ngồi xuống nghỉ, Ivan Germogenovich nhìn Karik cười nhạt: - Gớm, anh hùng thật !... Xem kìa! Bò vào hang sư tử kia đấy! Karik nói: - Cháu đâu có cố tình ‎! Cháu đang chạy thì đột nhiên gặp cái hố đó. Thế là cháu bị trượt xuống dưới... - Nếu cháu chăm chú nhìn mặt đất dưới chân mình, chứ không đếm sao trên trời thì đâu đến nỗi. Chỉ chút xíu nữa là cháu thành món ăn trưa của sư tử kiến. Valia hỏi: - Bác nói sao cơ ạ? Con ấy gọi là sư tư kiến hả bác? Ivan Germogenovich gật đầu: - Đúng là người ta gọi chúng như vậy. Nhưng vừa rồi chưa phải chính con sư tử kiến mà là ấu trùng của nó. Chính nó thì không nằm dưới hố mà bay trên không. Nhưng thường thì nó bò trên các cây cối. Bác nghĩ rằng bọn cháu chắc có lúc gặp nó rồi... - Nó như thế nào cơ ạ? Giống con gì hả bác? - Hơi giống con chuồn chuồn một chút. Béo phục phịch mà lười nhác vô cùng. Đậu xuống cái cây nào đó, buông thỏng bốn cánh dài, thế là cứ treo như vậy suốt ngày tựa như bị đóng đinh vào. Con cái con hay gây gổ, ngồi dưới hố ném đá lên, là ấu trùng của nó. Nó săn mồi ở đấy. Các cháu thấy nó làm cái bẫy mới tinh ranh chứ. Các chú lớ ngớ là mắc vào ngay. - Nó bẫy kiến hả bác? - Không những kiến mà cả những côn trùng khác nữa. Nhưng cái đáng tức nhất, – Ivan Germogenovich mỉm cười – Là cháu bị con vật không có cả miệng muốn ăn thịt. - Ủa.. Thế nó định ăn cháu bằng cái gì? Chân ư? - Đại loại như vậy! – Giáo sư nói – Cháu biết không, con sư tử kiến không có lỗ miệng, nhưng ở trên đầu nó có hai cái móc rất to để cắm vào con mồi hút lấy máu. Chỉ chậm thêm hai ba phút nữa là cháu kịp làm quen với hai cái móc ấy! Giáo sư đứng dậy nói: - Thôi, ta đi thôi! Valia chạy theo giáo sư, còn Karik lê bước đi sau cố chạy theo kịp Valia. Thỉnh thoảng cơn đau nhói làm cậu nhảy lên và dừng lại. Cậu có cảm giác dẫm phải những cái kim nhọn. Tuy vậy cậu vẫn cố đi. Mặt nhăn nhó, răng cắn chặt môi, cậu vẫn gắng đi không để tụt lại sau. Ivan Germogenovich thỉnh thoảng ngoái lại liếc trộm Karik. Gặp lúc Karik vấp ngã, giáo sư dừng lại, lo lắng hỏi: - Cháu làm sao thế?.. Có lẽ cháu nên dựa vào bác mà đi! Được không? - Không! Không! Không sao cả ạ! - Karik vội vã đáp – Có gì đâu .. Cháu dẫm phải viên đá nhọn thôi. Cuối cùng Karik bắt đầu tuột lại phía sau. Bây giờ cậu không đi được nữa mà nhảy lò cò một chân kéo lết theo chân kia. Ivan Germogenovich dừng lại: - Thôi, bác thấy cháu mệt rũ ra rồi đó. - Không! Không! – Karik phản đối – Cháu còn đi được cả trăm kilômét nữa. Cậu đứng thẳng dậy, rảo bước đi lên, nhưng mới được vài bước cậu ngã gục xuống, ôm lấy cái chân đau rên rỉ. Giáo sư lẳng lặng xốc Karik lên vai. - Cháu tự đi được mà. Bác bỏ cháu ra đi! – Karik kháng cự lại. - Ngồi im! – Giáo sư quát lên – “Tự đi được”! Gớm đi giỏi lắm đấy! Cõng theo Karik, Ivan Germogenovich cau có bước đi, nhìn xuống dưới chân, Valia đi sát bên với dáng điệu biết lỗi. Karik ngả đầu trên vai giáo sư và bắt đầu thiếp đi. Chẳng bao lâu mắt cậu nhắm chặt ngủ thật say. Khi cậu mở mắt thì đã thấy mình nằm trên một hồ nước rộng lớn! Giáo sư đang đứng trên một tảng đá, giơ tay lên trán nhìn sang bờ bên kia, nơi cây sào hải đăng đang đứng trơ trọi. Karik thấy Valia hỏi gì đó, nhưng cậu không nghe rõ. Karik ngóc đầu lên lắng nghe, bây giờ thì Ivan Germogenovich đang nói: - Chúng ta sẽ làm một con tàu rồi bơi qua. Nhưng trước hết phải tìm một căn nhà thuận tiện. Vì chúng ta phải sống trên bờ cả một tuần lễ hoặc có khi tới hai tuần. - Lâu thế để làm gì ạ? - Sao lại để làm gì? Cháu không thấy là Karik đang ốm nặng đấy ư? - Không cần đâu bác ơi! – Karik nói, chống tay ngồi dậy. - Không cần cái gì? - Không cần sống trên bờ. Cháu có thể bò lên tàu, thậm chí có thể chèo được nữa. - Chuyện nhảm nhí! – Giáo sư phẩy tay – Ngộ nhỡ bão nổi lên thì sao? Lúc đó cháu sẽ rơi xuống đáy hồ như một hòn đá. Ivan Germogenovich cúi xuống bên Karik, thận trọng sờ tay vào đầu gối sưng vù lên của cậu. - Cháu nhìn xem tím bầm thế này mà! Chắc là đau lắm phải không? - Đau ạ! - Karik nhăn mặt – Lại rát bỏng nữa, cứ như là bị bàn ủi nóng lên vậy. Giáo sư ngẫm nghĩ một lúc, đột nhiên đập tay lên trán chạy ra phía hồ nước. Valia sờ nhẹ đầu ngón tay lên cái chân đau của Karik: - Úi chà sưng to ghê quá! - Nếu em mà bị bắn như thế thì còn sưng khắp cả người! – Karik nói, vừa vuốt ve cái đầu gối bị đau. - Anh đừng tỳ lên cái chân này thì nó mau khỏi hơn. Anh có muốn em tìm cho cái nạng chống không? Giáo sư trở lại vào lúc đó. Ông căng ra trước mặt một cái lá nhỏ đang nhiễu nước xuống cát. Ông bảo Karik: - Nào, cháu quay lại đưa cái chân lên đây. Ông đặt cái lá ướt mát lạnh lên đầu gối sưng và nóng bỏng của Karik rồi nhanh nhẹn cuốn cái lá băng chân đau của cậu lại. - Thế nào? - Tốt rồi ạ, - Karik nói – Giống như miếng gạc. Cảm thấy dễ chịu ngay. - Tốt lắm, cháu hãy nằm yên ; còn bác và Valia đi tìm chỗ ngủ đêm. May cho các khách du lịch, lần này họ không phải tìm lâu. Suốt bờ hồ đầy những hang động sâu. Giáo sư và Valia xem xét một hai cái rồi cuối cùng chọn cái hang cát khô ráo có vòm mái thấp và lối vào hẹp. Valia đề nghị : - Ta chọn hang này bác nhé. Giáo sư đồng ý. Ông quay lại bờ, bồng Karik trên tay đem vào trong hang. Ivan Germogenovich đặt Karik nằm gần tường rồi nói: - Cháu nằm đây nhé ! Có thuận tiện không? Karik không đáp, cậu đã ngủ thiếp đi. Ivan Germogenovich và Valia ngồi xuống cạnh lối ra vào ăn số bánh mật còn lại dưới ánh sáng chiều yếu ớt. - Bây giờ thì đi ngủ. - Giáo sư nói. Sau khi lấp đá lối ra vào hang, các khách du lịch nằm dài trên cát khô và chẳng bao lâu ngủ thiếp đi. * Gần sáng Ivan Germogenovich mơ thấy con sư tử kiến. Con sư tử giữ chặt Karik bằng hai cái móc cong rồi nhìn ông chằm chằm, những con mắt lồi rất to. Karik đấm đá chân tay vào đầu con quái vật và khẽ rên. Giáo sư mở mắt ra. “Mình mơ mới ghê chứ!” - Ông nghĩ. Nhưng tiếng rên không chấm dứt. Vậy không phải là mơ ư? Giáo sư gọi: - Karik, cháu làm sao vậy? Karik không trả lời. Trong hang tối om. Giáo sư đứng dậy, vịn một tay vào tường đi lại phía cửa hang. Ông mò mẫm trong bóng tối tìm thấy hòn đá chặn cửa hang. Ông nhấc bớt hai hòn ở phía trên xuống rồi thận trọng đặt chúng xuống đất tránh gây tiếng động sợ làm bọn trẻ thức giấc. Trong hang trở nên sáng hơn. Ánh sáng xam xám lúc tinh mơ rọi xuống sàn cát bọn trẻ đang ngủ. Giữa hang Valia đang nằm khoanh tròn. Cạnh tường Karik ngủ giang rộng hai tay. Người cậu đỏ nhừ. Trán vã mồ hôi. Cậu run rẩy, rên rỉ trong mơ. Giáo sư lại gần cậu, cúi xuống khẽ chạm tay vào cái đầu gối sưng cuộn trong chiếc lá. Karik co chân lại, rên to hơn nhưng vẫn không thức dậy. Giáo sư hỏi: - Karik, cháu có muốn uống nước không? Karik hé mở mắt ra. Cậu chưa hiểu đầy đuôi ra sao, nhìn Ivan Germogenovich rất lâu rồi lặng lẽ quay mặt vào tường. - Mang nước lại cho cháu nhé? - Không! - Karik nó qua kẽ răng. - Cháu có muốn bác thay băng cho cháu không? - Vâng ạ, xin bác thay cho cháu. Giáo sư đem lại một cánh hoa ướt còn tươi đặt lên chỗ đầu gối bị sưng. - Thế nào, có dễ chịu hơn không? - Dễ chịu hơn rồi ạ! - Karik thở dài. - Thế thì tốt rồi! Vậy cháu ngủ đi. Bác đi kiếm xem có gì ăn không. Nếu Valia tỉnh dậy cháu đừng cho nó ra khỏi hang. Bác về ngay bây giờ. Karik lặng lẽ gật đầu. Ivan Germogenovich xếp đá chặn cửa hang rồi ngắm nhìn hồi lâu để nhớ kĩ chỗ bọn trẻ nằm lại. Sau đó ông đi tìm thức ăn cho bữa sáng. Gần hang có một ngọn núi phủ đầy những ngọn cây cây rậm rạp. - Hình như rêu thì phải! Đúng rồi, rêu chính cống. Được rồi, xem ở đây có gì ăn được không. Ivan Germogenovich mạnh dạn chui vào trong các bụi rêu, vừa đi được vài bước ông bất ngờ bị thụt xuống đến thắt lưng. Nhưng lúc ngã giáo sư đã kịp bám lấy những cành cây. Lơ lửng trên cái hố đen ngòm, ông nhìn xuống dưới. Trong bóng tối lờ mờ ông nhìn thấy vòm trần bằng đất và sàn được nện chặt. Ánh sáng yếu ớt từ trên cao xuyên qua lùm cây rậm rạp soi sánh đường hầm tối đen. Ở sâu trong đường hầm dọc theo tường có những cái thùng màu trắng xếp thành hàng đều đặn. - Có lẽ đây là kho tàng của con ong hoa! - Ivan Germogenovich lẩm bẩm. Ông dùng mắt ước lượng khoảng cách đến sàn đất rồi buông tay bám vào cành cây ra, nhảy xuống đất. Đất dưới chân ông khô và ẩm. Giáo sư tò mò ngắm nhìn căn hầm rồi bước tới những cái thùng. Tất cả cái thùng đều đậy bằng những cái nắp tròn màu trắng. Ông mở nắp một cái thùng cúi mình xuống ngửi. - Đúng như vậy mà! Cái thùng đầy ắp mật ong rất thơm. Cạnh nó cũng là những cái thùng hệt như vậy đựng đầy mật. Quang cảnh ở đây giống như nhà kho dự phòng cho lúc khó khăn. Thực sự đây là nhà kho dự trữ của loài ong hoa. Con ong mẹ đẻ trứng vào tổ rồi để lại một cục mật với phấn hoa. Ấu trùng chui ra từ trong trứng, ăn mật và phấn hoa rồi kéo kén. Kén có hình dạng như cái thùng. Qua một thời gian con ong con mở nắp thùng bay ra. Nhưng cái kén không bỏ phí vô ích. Mùa hè, ong đổ mật vào kén để dành cho những lúc mưa lạnh, khi chúng không bay được ra khỏi tổ. Ivan Germogenovich thong thả ăn. Sau đó ông chọn một cái thùng to nhất và lôi nó ra khỏi nhà kho. Công việc khá nặng nhọc. Cái thùng cứ tuột khỏi tay ông như một vật sống động, xô đẩy làm ông ngã.Nhưng mặc dù vậy, Ivan Germogenovich cũng đem được cái thùng lên trên. Đầu gối ông run rẩy. Cánh tay tê dại. Tim đập thình thịch mạnh đến nỗi hai thái dương cũng giật giật. Ivan Germogenovich suy nghĩ : “Làm sao đem được thùng mật về hang đây”. Đặt nó nằm nghiêng rồi vần nó trên mặt đất như những cái thùng tô nô khác thì ông không dám. Cái nắp trên có thể bật ra và mật sẽ đổ hết xuống đất. - Biết làm sao được – Phải thử cách khác thôi. Ivan Germogenovich nắm lấy cạnh thùng lắc mạnh nó. Cái thùng lắc lư. - A! Được đấy! – Giáo sư mừng rỡ. Ông nghiêng cái thùng, tay giữ lấy cạnh thùng rồi vừa đẩy vừa quay vần mép thùng như muốn khoan mặt đất bằng thùng mật. Chậm chạp từng bước một, đẩy bằng tay và ép cả thân mình vào nó Ivan Germogenovich cuối cùng cũng vần được cái thùng về đến hang. Valia hãy còn ngái ngủ chạy ra đón ông. Cô vươn vai ngáp nhưng vừa nhìn thấy cái thùng đã sung sướng vỗ tay reo: - Đây là bánh kem phải không em ạ? - Dù đây không phải là bánh kem nhưng bác chắc rằng cháu sẽ thích nó. - Nhưng là cái gì đó bác? - Mật ong đấy! - Cả một thùng hả bác? - Không phải chỉ một thùng thôi đâu, cháu Valia ạ. Bác tìm thấy cả một kho những thùng mật. Có lẽ cả năm chúng ta cũng không ăn hết nửa cái kho ngọt ngào này. - Thế thì tuyệt quá! – Valia mừng rỡ. Cô bám tay vào mép thùng, tích cực giúp Ivan Germogenovich đến nỗi không đầy một phút cái thùng mật đã được đưa vào hang đặt trong một góc. Ivan Germogenovich vuốt mồ hôi trên trán cổ nói: - Tốt lắm, bây giờ cháu có thể ăn sáng bằng mật rồi, Valia ạ. Còn bác đi tìm cái giường nằm cho Karik. Nhưng cháu nhớ không không được ra khỏi hang đấy. Quanh đây rất nhiều những quái vật đi lang thang. Cháu chưa kịp kêu thì chúng đã nuốt cháu rồi. Valia tiễn giáo sư tới cửa hang rồi lập tức quay trở lại đến bên thùng mật hoành hành. Cô mở nắp thùng mật không mấy khó khăn, đưa mũi ngửi, thè lưỡi liếm rồi thọc cả hai tay vào trong thùng. Valia thì thào: - Úi chà, nhiều quá. Các ngón tay cô ngập trong đám mật dính và thơm. Cô ăn hăng đến nỗi mặt, cổ, ngực và cả hai cánh tay đều phủ một lớp keo. Cả người cô trở nên dinh dính làm cô dính vào thùng mật, vào bức vách trong hang. Cả những cánh hoa khô, những mẩu lá và những hạt cát cũng dính vào người cô. Valia xóc những ngón tay dính mật ra, đi lang thang trong hang; cô mỗi lúc một lớn thêm vì dính đủ thứ vào người: cái mạng nhện cũ, vài các xơ cây đã khô, một ít phấn hoa và cả một vật gì đó giống như một đám bụi. Valia thở dài: - Phải đi tắm rửa thôi. Cô thận trọng thò đầu ra khỏi hang, nhìn quanh xem có những con vật kinh khủng ở gần đó không. Sau đó cô khom mình sát mặt đất, chạy thẳng một mạch ra hồ. Cô bì bõm trong nước gần cả tiếng đồng hồ. Thỉnh thoảng những con vật sáu chân mắt mũi trông gớm ghiếc, quạt cánh vù vù bay lướt qua trên đầu cô. Valia vội vã lặn ngay xuống nước, nhưng rồi cô lại sực nhớ đến con nhện Arguironet và hoàng sợ thét lên, nhảy phắt lên bờ, chạy thẳng về hang. Đến trước cửa hang, cô lao ngay vào Ivan Germogenovich, suýt làm ông ngã lăn. Ivan Germogenovich nghiêm khắc hỏi: - Cháu đi đâu thế? Hay cháu muốn rơi vào tay con ong vẽ. - Cháu... cháu đi tắm! Giáo sư lắc đầu: - Bác thấy là cháu không muốn trở về nhà lắm... Nếu cháu và Karik cứ rời bỏ bác để tự đi làm quen với những con quái vật trong thế giới này thì bác sợ rằng mẹ cháu sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy các cháu nữa. Valia cúi gầm mặt xuống: - Cháu bị dính mật vào người. Ivan Germogenovich nói: - Thế lại càng nguy hiểm hơn vì ruồi, ong có thể lôi cháu đi; ngoài ra còn biết bao nhiêu con vật sẵn sàng đuổi cô bé khắp người dính mật... Từ nay trở đi chuyện này phải chấm dứt hoàn toàn! Cháu có nghe bác nói đấy chứ. - Vâng ạ! – Valia cúi đầu nói. - Còn bây giờ hãy giúp bác trải giường nằm cho Karik. Đến bây giờ Valia mới nhìn thấy ở cạnh bức vách trong hang một đống lông rất to. Cô lấy tay sờ vào nó: - Giống như một cái đệm thật sự. Có phải bác mang về đó không? Bác lấy ở đâu thế? Ivan Germogenovich mỉm cười: - Đây là quà tặng của con tằm. - Quà tặng ư bác? – Valia không tin hỏi lại. - Đúng thế mà! Bởi vì ngày mai là bác chẵn sáu mươi tuổi rồi. Tại sao con tằm lại không tặng quà sinh nhật cho bác cơ chứ? - Thế!... Thế nó tặng bác thật ư? Ivan Germogenovich mỉm cười: - Chao ôi! Nó đã vô tâm lại vô ơn nữa! Bác nghiên cứu con tằm này suốt hai năm, viết ba bài báo về nó; vậy thì bác có quyền lấy cái đệm này chứ. - Con tằm ngủ trên đệm ư bác? - Chính con tằm ư? Ồ, không đâu! Chính nó thì hoàn toàn không ngủ, bay liên tục không biết mệt, nhưng con tằm chăm sóc cẩn thận lũ con cái, phủ cho chúng một lớp lông tơ. Có tấm chăn lông tơ đầy đặn này thì trứng của nó không sợ gì mưa gió lạnh lẽo. Từ trứng sẽ sinh ra những con tằm mới... Thôi, còn bây giờ ta hãy trải đệm lông này cho Karik. - Bác cứ để cháu tự làm – Valia nói. Cô xếp đám lông êm ái này vào một góc khô ráo nhất trong hang, dùng tay đập nén, rồi ném một ôm tơ lên phía đầu giường. Xong xuôi cô đứng lui ra một bên ngắm nghía công trình của mình: - Như vậy có lẽ tốt rồi. Ivan Germogenovich tán thành: - Tốt lắm, đẹp lắm! Ông bế Karik còn đang ngủ lên tay mang đặt vậu vào cái đệm êm – Valia đắp cho Karik một cái chăn bằng cánh hoa màu vàng óng ánh. Ivan Germogenovich nói: - Bây giờ thì cậu bé tạm ổn rồi. Cháu trông chừng cho nó bác phải đi chừng nửa giờ có công việc cần... Nếu Karik thức dậy cháu hãy cho nó ăn! Valia nói: - Được rồi, bác cứ đi đi, cháu cũng có một ít công việc ở đây. Khi giáo sư đi khỏi, Valia trải thêm hai cái đệm nữa, mang lại hai cái chăn mới, màu xanh dương bằng cách hoa huệ, quét sàn bằng một mẩu cánh hoa. Cô vần bốn tảng đá to vào hang, đặt một phiến đá phẳng lên trên rồi trải một cánh hoa cúc trắng như một tấm khăn trải bàn. Thế là được một cái bàn tuyệt diệu. Xung quanh bàn Valia đặt những viên đá nhỏ hơn, phủ số tơ còn lại lên đó rồi trải những cánh hoa màu vàng ở trên. - Đây sẽ là những cái ghế đệm! – Valia nói. Làm xong mọi việc, cô dạo quanh hang một lượt và lấy làm vừa ý: trong hang trở nên rất ấm cúng. - Bây giờ có thể sống ở đây cả tháng đợi cho Karik khỏi hẳn. Cô rón rén lại bên giường của anh, cúi mình sửa lại tấm chăn đắp cho cậu. Cô thì thầm: - Anh cứ ngủ đi nhé! Một lát sau giáo sư quay trở lại. Ông thở ra phì phì, vần một cái thùng mật thứ hai vào hang và đặt nó ở gần vách tường. - Bác xem cháu làm bậy bạ đây này! – Valia nói có ý khoe khoang. Ivan Germogenovich giật mình hỏi: - Cái gì vậy? Nhưng khi ngắm nhìn mọi vật trong hang, ông gật đầu tán đồng. - Hoan hô! Cháu cừ thật đấy! Đúng là một cô bé đảm đang. - Ông khen Valia – Vừa hay bác có cái này trang điểm thêm cho căn nhà của chúng ta. Bác vừa tìm thấy một vật rất hay ở ngay cạnh hang. Ivan Germogenovich đặt tay lên môi vội vã bước ra. Khoảng mươi phút sau ông quay trở lại với một chiếc lá nhỏ trong tay. Một chùm trứng nằm trên chiếc lá như nằm trên cái khay. - Cái gì thế bác? – Valia hỏi – Có ăn được không ạ? - Không, – Ivan Germogenovich đáp - Không ăn được, nhưng sẽ rất có ích cho ta. - Có ích thế nào hả bác? - Cứ sống lâu rồi sẽ biết được nhiều ! Ivan Germogenovich đặt khay trứng lên trên thùng mật và nói: - Bây giờ thế này nhé! Bệnh nhân của ta chắc còn phải nằm vài ngày. Để khỏi mất thời gian vô ích bác và cháu sẽ vần tất cả các thùng mật vào hang và sau đó... Sau đó chắc phải đóng một chiến hạm. - Chiến hạm như thế nào ạ? - Đóng được như thế nào thì dùng thế ấy! Hễ Karik khỏi bệnh là chúng ta lên đường ra khơi ngay. Ngọn hải đăng của ta ở bờ bên kia vì vậy ta phải dùng tàu bơi qua hồ nước. Sau khi ăn qua loa một chút mật, Ivan Germogenovich và Valia bắt tay vào vần các thùng mật từ nhà kho của con ong hoa về hang. Mỗi lần trở lại hang, giáo sư lại bước đến bên Karik lắng nghe tiếng thở không đều của cậu và xem mạch. Karik ngủ say như chết. Khi khắp các góc hang đã chất đầy những thùng mật, giáo sư nói: - Nào, Valia, bây giờ thì bác cháu mình đi đóng tàu. - Thế thì thú vị quá! – Valia mừng rỡ. - Bác cũng không biết có thú vị hay không, - Ivan Germogenovich nói – Nhưng bác xin bảo đảm là ta sẽ phải lao động cật lực. Sau khi lấp đá cửa hang để những côn trùng hung dữ khỏi mò vào chỗ Karik, giáo sư Valia đi ra hồ nước. Rảo bước đi bên giáo sư, Valia hỏi: - Thế ta sẽ đóng tàu bằng cái gì hả bác? - Thế nào chả kiếm được cái gì đó. Trên bờ thiếu gì lá khô. Chúng ta sẽ đóng tàu bằng lá khô đó. Sáng nay bác nhìn thấy một cánh rừng thật sự ở phía sau quả đồi không phải rừng cỏ đâu, mà là một lùm cây sồi xanh tốt. Bác chắc thế nào gió cũng thổi bay lại đây vài cái lá sồi. Giáo sư và Valia đi dọc theo bờ, chăm chú xem xét mọi vật gặp trên đường đi. Đột nhiên Valia kêu lên: - Thấy rồi! Cháu tìm thấy rồi! - Ở đâu? Thấy cái gì thế? - Đây ạ! – Valia dùng cả hai tay nhấc mép một lá vàng rất to nằm ngay sát hồ. Đó là một cái lá còn rất bền chắc, có bờ cạnh lồi lõm rất sâu. Những gân lá đầy đặn tỏa ra mọi phía như nan quạt. Giáo sư đi vòng quanh chiếc lá, xem xét kỹ lưỡng, nhấc mép lá lên ngó xuống dưới và nói: - Đây đúng là một cái lá sồi, nhưng tiếc rằng hai bác cháu mình không thể dùng nó để đóng tàu được. - Tại sao ạ? - Lá cây có mụn! Cháu thấy không? Khắp lá cây đầy mụn lá. - Mụn lá? Mụn lá là cái gì hả bác? Giáo sư nhấc mép lá cao hơn nữa. Valia ngồi thụp xuống nhìn xem mặt dưới chiếc lá. Khắp mặt dưới của lá phủ đầy những quả cầu đen. Những quả cầu này hệt như đã hàn chắc vào mặt lá. Valia lấy tay sờ chúng thấy rắn như đá. Ivan Germogenovich nói: - Cái lá này thì ta chẳng xê dịch nổi. - Thế những mụn lá là cái gì hả bác? – Valia hỏi. - Đó là tổ của các côn trùng! - Ivan Germogenovich đáp – Cháu biết không, có nhiều loài côn trùng đẻ trứng vào lá. Lá cây không thích thú gì chuyện này cả và cố sức ngăn cản các khách mới này. Những tế bào lá cây tụ tập lại quanh trứng côn trùng cố sức đẩy nó ra. Cũng hệt như bạch cầu trong máu của ta đẩy cái dằm khi dằm đâm vào ngón tay; lúc đó trên ngón tay sẽ mọc mụn, còn trên lá cây những khối u sẽ xuất hiện – đó chính là mụn lá. Người ta còn gọi mụn lá là “Hạt mực”, nhưng không phải hạt nào cũng có màu mực. - Thế những côn trùng nào đẻ trứng vào lá cây ạ? – Valia hỏi. Giáo sư nhún vai. - Nhiều loài khác nhau. Đẻ trứng vào lá cây thì có tới 60 loại bướm, 113 loại bọ cánh cứng, 186 loại ruồi và 290 các loại côn trùng khác. - Vậy ta phải tìm lá khác hả bác? - Vậy thì phải tìm lá khác! – Giáo sư nói. Đến tận lúc hoàng hôn Ivan Germogenovich và Valia mới kiếm được một cái lá sồi khô thích hợp cho việc vượt qua hồ nước. Nhưng nó lại nằm xa bờ quá nên giáo sư và Valia không đủ sức kéo nó xuống nước. - Không kéo nổi mất! – Valia lắc đầu. Ivan Germogenovich đăm chiêu suy nghĩ. Ông đứng bên cái lá, vuốt râu lặng lẽ ngắm nhìn nó. - Thế nếu như... Đúng, nhất định thế rồi! – Giáo sư lẩm bẩm nói rồi phá ra cười. - Bác làm sao thế? – Valia ngạc nhiên. - Thế này nhé – Ivan Germogenovich nói – Bây giờ thì ta đi về thôi. Ngày mai ta sẽ dùng ngựa kéo. - Ngựa hả bác? – Valia càng ngạc nhiên hơn. Giáo sư không đáp. Ông bước nhanh về phía hang, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ. Valia lóc cóc chạy theo ông. - Bác Ivan Germogenovich yêu quý của cháu ơi! Cháu van bác! Bác nói cho cháu biết đi! Những con ngựa gì vậy? Bác lấy chúng ở đâu ra thế? - Bác không nói đâu. - Bác nói đi mà! – Valia lẵng nhẵng đòi. - Cháu đừng tò mò quá thế, mai thì cháu sẽ thấy! - Thôi mà bác Ivan Germogenovich! Valia lại rên rĩ đòi, bỗng nhiên cô im bặt. Phía trước có ngọn lửa ánh lên. Valia nắm tay giáo sư dừng lại. - Cháy rồi! Bác nhìn xem kìa! Hang của ta bị cháy! Ngọn lửa chiếu sáng lọt ra ngòai qua những khe đá lấp cửa hang. - Cháy nhà! Cháy trong hang của ta rồi! – Valia hoảng sợ nói – Chạy mau lên bác. Karik bị cháy trong đó mất. - Không sao đâu! Cái đó không đáng sợ. Anh cháu không bị cháy đâu. Nhưng Valia không còn nghe tiếng giáo sư nói nữa, cắm đầu chạy về hang. - Karik! – Cô vừa chạy vừa gọi – Anh có bị cháy không? Anh Karik! Anh có cháy không? - Không, không phải anh cháy đâu! – Valia nghe tiếng Karik nói bình thản. Valia vội vã xếp đá ra. Nhảy vọt vào hang, cô bỗng dừng lại, đứng sững như trời trồng. - Cái gì thế này? Ở góc nhà, nơi có đặt khay trứng, tỏa ra ánh sáng xanh nhấp nháy tự như trên cây thông ngày Tết. Có điều những cái trứng này chiếu sáng còn mạnh hơn nữa. Dưới ánh sáng này có thể dễ dàng đọc sách, viết hoặc vẽ. Ivan Germogenovich đặt tay lên vai Valia hỏi: - Thế nào? - Đẹp quá! – Valia thán phục nói – Đó là những cái trứng chiếu sáng ư bác? - Đúng thế! – Ivan Germogenovich mỉm cười – Trứng đom đóm đấy. - À cháu biết rồi! – Valie gật đầu – Đó là một con giun. Đom đóm hàng xóm giun đất! - Người ta nói vậy cho vần chứ thực ra đom đóm không phải là loài giun đất mà là một loài bọ cánh cứng. Nếu quan sát kỹ xem nó sinh sống ra sao thì thấy rõ ngay. Đom đóm sống ở những đám cỏ ẩm ướt và ăn các loài ốc sên; còn giun đất sống dưới đất, ăn đất. - Phải rồi, cháu nhớ ra rồi. Đom đóm thường lập lòe trong đám cỏ. - Đúng thế! Đom đóm tỏa sáng, ấu trùng và cả trứng của nó cũng tỏa sáng... Đẹp đấy chứ, phải không cháu? - Rất đẹp bác ạ! - Karik nằm trên giường nói góp vào – Bác tìm được những cái trứng này thật hay quá. Ivan Germogenovich lại gần bệnh nhân hỏi: - Cháu cảm thấy trong mình thế nào? Tốt hơn hay xấu đi? Cháu muốn ăn không? - Cháu đã ăn rồi. – Karik nói – Trong lúc vắng bác, cháu xem xét mọi thứ ở đây, tìm thấy và đã ăn rồi. Ivan Germogenovich cau mày. - Cháu dậy đi lại thế không tốt. Cháu còn phải nằm thêm nữa cho khỏi hẳn. Coi chừng cháu ốm nặng thêm đó. - Bác có biết không, – Karik nói – Lúc cháu thức dậy thấy bàn, ghế rồi lửa sáng, cháu tưởng như đang ở nhà rồi, trời đã sáng và cần thức dậy. - Anh có thích căn nhà mới của chúng ta không? – Valia hỏi. - Thích lắm! - Karik nói – Thích nhất là ngọn đèn đom đóm, nó sáng ghê thật! - Sáng như vậy chưa thấm vào đâu! - Giáo sư nói – Nếu như đem được một cặp pirophor vào đây thì sáng phải biết! - Cái con pi...piro ấy là con gì vậy bác? - Cũng là một loài bọ cánh cứng: nó sống ở Gayan, Braxin và Mêhicô. Khi nào một người dân Braxin hoặc Mêhicô cần đi đâu trong rừng vào ban đêm, họ bắt con pirophor và cột vào mũ. Ánh sáng của con bọ - đèn này mạnh đến nỗi có vào những bụi cây nhiệt đới rậm rạp tối tăm nhất cũng vẫn nhìn thấy đường. Phụ nữ Mêhicô dấu những con pirophor trong mái tóc bên cạnh các hạt kim cương. Đôi khi họ còn kết chúng thành vòng đeo cổ rực rỡ như lửa cháy hay quấn quanh eo bụng như một cái thắt lưng lửa. Sau cuộc khiêu vũ các cô thích đua đòi chưng diện tắm rửa những con pirophor đã mệt mỏi này trong bồn tắm, rồi đặt chúng vào bình thủy tinh. Khi ấy con pirophor sẽ tỏa ánh sáng dịu dàng, dễ chịu suốt đêm trong phòng ngủ của các cô gái Mêhicô. - Còn ở ta chỉ có một loại đom đóm tỏa sáng thôi hả bác? - Valia hỏi. - Không phải chỉ có một loại đâu. – Ivan Germogenovich đáp – Bác có thể tạo ra ánh sáng thế này bằng những con vi khuẩn tỏa sáng... Hồi bác còn là một sinh viên, bác đã làm một cái đèn thật sự bằng những con vi khuẩn ấy. Dưới ánh sáng của cái đèn đó có thể đọc và viết được. - Vi khuẩn ư bác? Đó là những vi khuẩn nhỏ bé không nhìn thấy bằng mắt thường được phải không ạ?... Thế thì làm sao nó tỏa sáng được? Vì chính chúng nó còn không thấy được kia mà? Ivan Germogenovich đáp: - Khi chúng tập trung lại thật nhiều thì có thể thấy được ánh sáng ấy, mặc dù không ai nhìn thấy từng con vi khuẩn. Đôi khi những gốc cây mục trong rừng cũng tỏa ánh sáng xanh lơ hay xanh lá cây. Tưởng chừng như cái gốc cây tỏa sáng nhưng thực ra là ánh sáng của các vi khuẩn. Những con cá bị sóng ném lên bờ chết thối cũng tỏa sáng. Nhiều khi xác chết các động vật khác cũng tỏa ánh sáng xanh lơ. Đến đây Ivan Germogenovich như sực tỉnh, chạy lại bên thùng mật, mở vội nắp ra, vui vẻ kêu lêu: - Đến lúc ăn chiều rồi, các bạn ơi! Ăn rồi đi ngủ thôi. * Buổi sáng giáo sư đi thám thính. Mãi đến chiều ông mới trở về mang theo một đống dây tơ nhện. Đến tận khuya Ivan Germogenovich hãy còn ngồi bên ngưỡng cửa bện tơ thành những sợi dây thừng. Lúc mọi người sắp đi ngủ, ông nói với Valia: - Ngày mai bác và cháu sẽ đến chỗ con tàu của chúng ta. Đến lúc cần hạ thủy nó rồi... Karik đang lại sức và chẳng bao lâu chúng ta có thể lên đường. * Ngày hôm sau Ivan Germogenovich đánh thức Valia dậy trước lúc rạng đông. Họ ăn sáng bằng mật ong rồi vác cuộn dây thừng lên vai đi làm việc. Cái lá sồi vẫn nằm nguyên chỗ cũ. Giáo sư ném cuộn dây thừng xuống cạnh cái lá rồi nói: - Bây giờ chúng ta phải đến chuồng ngựa đưa con ngựa cái lại đây. Ông đi dọc bờ hồ, cúi xuống đất, nhòm ngó dưới những tảng đá. Cuối cùng Ivan Germogenovich dừng lại bên cạnh một tảng đá to màu xanh. Ông bò xuống chăm chú xem xét khe hở dưới tảng đá. Sau đó ông sờ nắn xung quanh rồi ném một nắm cát vào đó. Dưới tảng đá có con gì đó lục đục. Ivan Germogenovich đứng dậy nói: - Con ngựa tốt thật. Nếu như nó không bất kham đá hậu thì bác cháu mình sẽ hạ thủy rất nhanh. Valia thì thào hỏi: - Con gì ở dưới tảng đá thế bác? Giáo sư nói đùa: - Một con ngựa hoang! Một con ngựa sáu chân! Nào, Valia giúp bác với! Ivan Germogenovich lôi sợi dây thừng bằng tơ nhện lại đầu cuống lá, cuốn nó xung quanh cuống lá rồi thắt thòng lọng thặt chặt. - Tốt rồi! – ông lẩm bẩm nói. Kéo lê đầu dây thừng kia trên mặt đất Ivan Germogenovich đi tránh sang một bên xa chiếc lá và khi sợi thừng đã căng ra làm một cái thòng lọng nữa ở đầu dây này. Sau đó ông lấy bốn khúc cây ngắn, dựng chúng thẳng đứng trên mặt đất. Ông dùng đá đóng hờ những khúc cây xuống đất, dùng chân đạp nhẹ vào chúng để chúng có thể dễ dàng đổ xuống khi bị va nhẹ vào. - Tốt lắm! – Giáo sư nói. Valia tò mò theo dõi ông, nhưng chẳng hiểu gì cả. Cuối cùng cô hỏi: - Bác có cần cháu giúp gì không? - Không có gì đây, bác tự làm được mà. Ivan Germogenovich nhấc cái thòng lọng lên, thận trọng đặt lên trên bốn khúc cây. Cái thòng lọng treo trên mặt đất, dựa vào bốn khúc cây đã lung lay. - Thế là vòng cổ ngựa đã sẵn sàng – Ivan Germogenovich nói – Bây giờ ta đi ngựa tới. Cháu có bao giờ thắng ngựa chưa? – Giáo sư hỏi đùa Valia. - Chưa ạ! – Valia thành thật thú nhận – Cháu chưa được thắng ngựa bao giờ cả. - Thế thì tuyệt! Bác cũng chưa làm bao giờ. Nhưng chẳng hề gì. Ivan Germogenovich nhấc một cây sào dài lên đưa cho Valia. - Này, cháu cầm lấy. Rồi ông lấy một cây sào dài hơn, vác lên vai và ra lệnh: - Đi theo bác! Giáo sư rảo bước đưa Valia lại bên tảng đá xám. Đến nơi ông dừng lại gõ đầu sào xuống đất, đặt một chân lên phía trước nói: - Cháu nghe kỹ bác dặn đây nhé. Ở dưới tảng đá này có một ấu trùng bọ kỳ trốn ánh sáng ban ngày nằm ở đó. Bọ kỳ là một con bọ cánh cứng hung dữ, ăn thịt các côn trùng. Cả con ấu trùng cũng ăn côn trùng giống như cha mẹ nó. Ban ngày nó hiền lành ngồi dưới tảng đá. Đêm đến mới đi săn mồi. Nó có sức khỏe phi thường, không khác gì hổ. - Cháu sợ lắm! – Valia thì thào, mắt mở to sợ hãi nhìn giáo sư. - Cháu không việc gì phải sợ! – Ivan Germogenovich nói – Vả lại chúng ta cũng không có thì giờ rảnh mà lo chuyện nhát sợ... Như vậy là chúng ta cần xua những con ấu trùng bọ kỳ ra khỏi tảng đá và tròng cái cổ ngựa lên nó. Sau đó thì nó sẽ tự kéo con tàu đến bờ hồ. Bác chắc rằng chúng ta sẽ dễ dàng làm được việc này, chỉ cần đừng có nhát sợ là được. - Thế ngộ lỡ nó cắn thì sao ạ? - Cố nhiên nếu chúng ta lơ đễnh thì nó cắn chứ sao. - Thế chúng ta xua nó bằng cách nào ạ? - Như thế này nhé: đầu tiên chúng ta xua nó ra khỏi tảng đá. Sau đó cháu đứng ở bên kia, bác đứng ở bên này. Cháu đừng cho nó bò về bên phải. Bác không cho nó bò về bên trái. Chúng ta sẽ dồn nó thẳng vào cái vòng cổ ngựa. Nào, cháu sẵn sàng chưa? Đứng tránh xa ra nào! Valia chạy sang một bên. Ivan Germogenovich đút cái sào xuống dưới tảng đá rồi bắt đầu ngoáy cái sào như cái que thông lò. - À! À! Đang đi ra đấy! Giáo sư nhảy lùi lại. Một con quái vật khổng lồ vương cái thân dài ngoẵng ra từ dưới tảng đá, bò thẳng về phía Valia. Valia đập cây sào vào lưng nó. Con quái vật rùng mình và quay đầu về phía giáo sư. Ivan Germogenovich đập cậy sào vào đầu mạnh đến nỗi nó giật lùi trở lại, nhưng rồi lập tức nó chuyển động sáu cái chân bò thẳng về phía cái lá sồi. Được nửa đường, nó dừng lại. Ivan Germogenovich nhảy tới đập cho con bọ kỳ một cái vào đít làm nó rùng mình quay tròn một chỗ. - Valia đuổi nó đi, đuổi nó mau! Valia chọc cây sào vào sườn con bọ kỳ. - Nào, nào! Đi! Đi! Cứ như vậy, từng bước một họ tiến về phía cái lá sồi đồng thời dùng sào xua con ấu trùng đi trước. Cuối cùng khi đầu con bọ kỳ đã ở dưới cái thòng lọng, giáo sư dùng cái sào đẩy ngã những khúc cây. Cái thòng lọng rơi tròng vào đầu con bọ kỳ. Ivan Germogenovich ném cây sào đi, tóm lấy sợi dây thừng giật mạnh. Thòng lọng thít lại. Khi ấy giáo sư nhặt lấy cây sào, chạy đến phía đầu con bọ kỳ. Ivan Germogenovich kêu lên: - Đi nào! Cái lá rung rinh rồi kéo lê đi chầm chậm về phía bờ hồ làm bụi bốc cao mù mịt. Con bọ kỳ lăng xăng muốn chạy sang hai bên nhưng lần nào cũng đụng phải những cây sào nhọn. Các khách du lịch không cho phép nó quay sang bên phải hay bên trái. Cuối cùng nó cam chịu và kéo cái lá nặng nề tới hồ. Nó vừa bò vừa kinh ngạc ngắm nghía Ivan Germogenovich và Valia bằng cặp mắt to tướng. Nó không hiểu nổi những con côn trùng hai chân kỳ quặc cầm những cây sáo dài này muốn làm gì nó. Valia khoái chí hét to: - Nào, chú xám hung! Khá lắm! Ivan Germogenovich nghiêm khắc nói: - Không phải là “chú xám hung”, mà phải gọi là Carabus Cancelatus - Carabus là họ, còn Cancelatus là tên của nó. Con ấu trùng bọ kỳ kéo cái lá sồi đến sát bờ nước. Nhưng tới đó nó tựa như phát điên lên. Nó chạy như bay dọc theo bờ, sau đó quay ngoặt lại chạy về phía hang. Giáo sư và Valia hét chạy theo, đập cây sào vào đầu vào lưng, vào sườn con bọ kỳ. Khó mà nói được cuộc chiến tranh kéo dài bao lâu nữa. Nhưng nó kết thúc thật bất ngờ. Trong khi chạy qua tảng đá lớn, con bọ kỳ dừng lại và lủi ngay xuống dưới. - Phù! – Giáo sư thở hắt ra – Carabus ơi là Carabus! Mày hành chúng tao thật khổ. - Làm sao tách được nó ra bây giờ hở bác? Cái con Carabus ấy. – Valia hỏi. - Rất đơn giản! Tuy là bỏ sợi dây cũng tiếc thật, nhưng biết làm sao được. Ta đi thôi! Hôm nay làm chừng ấy cũng đủ rồi. Cũng cần phải nghỉ một chút. Các khách du lịch trở về nhà, bỏ lại cái lá trên bờ hồ. Trong khi ăn trưa Valia kể cho Karik nghe họ đã chuyên chở cái lá sồi đến bờ bằng con bọ kỳ thế nào. Karik nghe không dấu nổi sự ghen tị. - Úi chà, tiếc là cháu không có ở đó! – Cậu thở dài – Phải tay cháu thì cháu đã dồn nó thẳng xuống nước. Đáng lẽ phải giựt mạnh cái thòng lọng. Giáo sư nói: - Nói thì rất dễ. Cháu cứ làm được như bác và Valia là tốt rồi. Ít ra thì bác và Valia đã lao động không thua gì con Carabus. Ông dùng bàn tay xoa bộ ria, chùi mật dính vào râu và đứng dậy. - Ngày mai ta sã bắt đầu dần dần chuẩn bị cho chuyến đi. Còn hôm nay trước khi chiều xuống ta cố chuyển hết những thùng mật ra bờ hồ, kiếm mấy bộ quần áo, chuẩn bị cánh buồm, cột và dây. Tóm lại là hôm nay cũng như ngày mai phải lao động cật lực. Ivan Germogenovich chất một bó tơ tằm lên vai, tiến ra cửa hang và nói: - Chúng ta đi thôi! Valia! Suốt ngày giáo sư và Valia làm việc trên bờ hồ. Valia bện dây bằng tơ tằm, Ivan Germogenovich lúc đầu giúp đỡ cô, sau đó ông chạy đi kiếm cột buồm cho con tàu. Khi trở về, trên vai ông mang một cọng cỏ khô làm cột buồm. Đến chiều con tàu đã được hạ thủy. Ivan Germogenovich dùng một hòn đá nhọn đục một lỗ ở giữa lá, cắm cột buồm vào lỗ đó rồi trét đất sét dưới sàn quanh chân cột buồm một lớp dày. Ông nói: - Ngày mai mặt trời sẽ nung nóng đất sét và cột buồm của ta sẽ gắn chặt vào con tàu. Giáo sư ngắm nghía con tàu, nghĩ ngợi một lúc rồi lấy một sợi dây dài từ trong tay Valia đi lại chỗ đuôi nhọn của cái lá. Tới đó ông cúi xuống quăng thòng lọng vào cuống lá rồi thít chặt lại. Chiếc lá rung rinh, đuôi lá vỗ vào nước rồi nhấc cao lên một chút. Bây giờ cái lá sồi hoàn toàn giống con tàu. Nó lắc lư nhô cao mũi tàu trên mặt nước. Valia bật cười: - Giống như con ngỗng ngỏng cổ lên! Giá có cánh buồm ghép vào nữa thì hơn. Ivan Germogenovich tin tưởng nói: - Rồi sẽ có buồm! Chúng ta sẽ làm nó bằng cánh hoa nào đó!... Có điều bây giờ thì chưa nên gắn vào vội. Cái đó để sau, đợi đến ngày khởi hành. Nếu không nó sẽ bị khô héo như giẻ rách mất. Ivan Germogenovich đóng một cái cọc thật chắc lên bờ rồi buộc con tàu vào đó bằng sợi dây tơ tằm. Ông xoa tay nói: - Trên con tàu tuyệt diệu như thế này có thể du lịch vòng quanh thế giới lớn lao cũng được. Trong khi đó Valia lần theo sợi dây đến mũi con tàu rồi dùng một mảnh vỏ ốc vẽ cái gì lên đó. Ivan Germogenovich nheo mắt nhìn và hỏi: - Cháu còn làm gì ở đó nữa thế? - Chúng ta quên chưa đặt tên cho con tàu. – Valia nói – Nhưng bây giờ thì nó đã có tên khá đẹp rồi. - Thế ư? Cháu đặt tên gì cho nó? - Bác cứ nhìn mà xem! Valia nhảy xuống đất. Ivan Germogenovich bước lại gần hơn, che bàn tay lên trán. - Hừ... kể ra cũng được đấy! – Giáo sư tán đồng. Trên mũi tàu khắc rất to một chữ : “Carabus” * Ngày hôm sau, các khách du lịch bắt đầu khâu quần áo đi đường bằng những cánh hoa. Khi quần áo đã may xong, giáo sư và Valia bắt tay vào công việc vần những thùng mật lên tàu Carabus. Những công việc lặt vặt như vậy kéo dài suốt một ngày. Chỗ sưng ở chân Karik gần như đã hết. Cậu đã bắt đầu đi lại được và thậm chí nhiều lần định giúp giáo sư và Valia vần những thùng mật. Nhưng Ivan Germogenovich bắt cậu phải nằm trên giường. Mỗi lần Karik đi xuống giường là giáo sư giận dữ quát mắng: - Lại đi rồi hả? Trời ơi! Có lẽ bác phải trói cháu vào giường mất, nếu cháu còn cứ chốc chốc lại nhảy xuống. Cái hôm các khách du lịch bận rộn tối mắt ấy cũng vậy. Buổi sáng khi Ivan Germogenovich và Valia vần những cái thùng mật ra cửa hang, Karik nhảy phắt dậy định giúp họ. Nhưng giáo sư quát mắng bắt cậu nằm vào giường. Chuyện đó cố nhiên làm Karik không thích, nhưng cậu không cãi lại gì cả. Cậu tỏ vẻ cam chịu nằm xuống giường, quay mặt vào tường giả vờ ngủ, thỉnh thoảng lại ngó trộm Ivan Germogenovich và Valia. Karik tự nghĩ: “Được rồi! Rồi mọi người sẽ thấy là tôi có thể làm việc được! Cứ đi hết khỏi nhà, còn tôi một mình sẽ làm hết công chuyện, không kém gì cả hai người đâu. Tôi rất mạnh mà. Rồi các người sẽ thấy được điều đó ngay hôm nay thôi”. Ivan Germogenovich và Valia vừa vần cái thùng đầu tiên ra khỏi hang là Karik nhảy ngay xuống đất, vớ bừa lấy một cái thùng và bắt đầu vần nó ra cửa. Cậu sắp vần được ra khỏi hang thì xảy ra một chuyện không may: Karik dẫm chân phải một viên đá tròn và trượt chân; cậu chới với tay và ngã vào thùng mật. Bị va mạnh thùng mật đổ nghiêng. Cậu vội đỡ lấy mép thùng nhưng bị mất thăng bằng ngã xoài ra đất; thùng mật lăn qua cửa hang, nẩy lên một cách kỳ quặc rồi dừng lại. Cái nắp bật ra. Mật đặc quánh chảy ra đất. Karik đứng dậy, phủi bụi rồi bối rối nhìn cái thùng mật bị đổ. “Mình giúp đỡ thế đấy!” Vũng mật chảy loang ra khắp mặt đất như một đám bột nhồi lỏng. Karik tránh sang một bên, nhìn quanh rồi phảy tay một cách tuyệt vọng, nhảy lò cò về hang. ... Lúc giáo sư và Valia về thì trời đã tối mịt. Từ xa Karik đã nghe thấy tiếng họ. Cậu vội vã vùi mình sâu trong đệm nằm, giả vờ ngủ. - Ối! Cái gì thế này? – Valia sợ hãi hét lên, dừng lại ngay trước cửa hang. Karik lấy ngón tay bịt tai và nhắm mắt lại thật chặt. - Trời ơi! Cháu không sao đi được nữa! - Valia kêu lên – Cháu bị dính chặt vào đất rồi! Ivan Germogenovich chạy bổ lại định giúp Valia. Nhưng ông vừa chạy lại gần cô thì chân bị sa lầy vào vũng mật. Giáo sư ngạc nhiên: - Cái gì thế nhỉ? Lội trong vũng mật, ông khó khăn lắm mới tới được chỗ Valia và chìa tay ra cho cô. - Nào, cháu đưa tay đây! Valia đưa tay ra, Ivan Germogenovich bước lui lại kéo Valia về phía mình. Valia lắc lư và... chân của cô càng dính chặt hơn nữa vào vũng mật đặc sệt như cháo. Cô kêu lên: - Khoan đã bác! Cháu bị dính chặt quá rồi! Cứ như con ruồi dính vào mứt ấy. - Không sao, không sao! – Giáo sư thở hổn hển lẩm bẩm nói. Cuối cùng ông cũng lôi được Valia ra khỏi vũng cháo mật và bế cô đi vào trong hang. Mật dính dưới bàn chân kêu nhóp nhép như sống động. Nó kết lại thành một lớp bùn đặc quánh nặng nề. Ra thoát khỏi vũng lầy ông đặt Valia xuống trước cửa hang. Ông lấy một cái gậy to chùi sạch mật ở chân và giúp Valia gột hết mật ra. Giáo sư nhìn vào hang gọi to: - Ê, Karik ơi! Chuyện gì xảy ra ở đây thế? Karik càng vùi sâu mình hơn nữa vào tấm đệm. Giáo sư và Valia lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau. Ivan Germogenovich vừa đi vào hang vừa nói: - Chuyện này thì rõ rồi! Đây là thành tích của Karik đó thôi!... Cậu ta có ngủ đâu, nghe thấy hết mà. Có điều cậu ta xấu hổ không dám nhìn vào mắt ai cả. Ê, Karik! Karik thận trọng quay đầu lại, hé mở một mắt ra. Cậu chợt thấy Valia đứng ngay cạnh đó đang nhìn cậu. Karik vội nhắm ngay mắt lại và ngáy ầm lên. - Anh ấy đang ngủ, bác ạ! – Valia phá lên cười. Giáo sư lắc đầu không nói gì cả. Các khách du lịch nằm xuống ngủ. * Gần sáng trong giấc ngủ mơ màng Karik nghe thấy tiếng động rất lạ. Cậu nhỏm dậy và đi lại cửa hang. Qua khe đá cậu thấy bãi trống chìm trong ánh sáng dịu dàng của buổi sáng sớm mùa hạ. Trên bãi đất trống trước hang những con vật có cánh khổng lồ đang bò. Karik nhận ra chúng. Đó là những con ruồi. Chúng lăng xăng gần vũng mật, xô đẩy nhau, vo ve bay lên cao rồi lại đậu xuống chỗ mật. Càng ngày ruồi đến càng nhiều. Tiếng ồn đánh thức giáo sư và Valia. Ivan Germogenovich nói cái gì đó, nhưng bọn trẻ không nghe được tiếng nào của ông cả. Ruồi vo ve ầm ĩ tựa như có nhiều động cơ mạnh đang chạy ở ngay bên cạnh. Bây giờ thì không sao có thể chuyển những thùng mật còn lại lên tàu được nữa. Những con ruồi có thể quật ngã các khách du lịch thậm chí có thể giết chết họ. Chúng xô đẩy chen chúc nhau ở cửa hang, láo xược ngó vào hang định thò cả những cái vòi dài vào trong qua khe đá. Chúng bò lên những hòn đá chặn cửa hang và sức nặng của chúng làm rung động những hòn đá này. Các khách du lịch lo sợ nhìn chiến lũy của mình. Nếu bây giờ chiến lũy sụp đổ xuống và lũ ruồi xông vào đuợc trong hang. Khi ấy chắc họ sẽ chết hết. Nhưng đến chiều lũ ruồi biến mất. - Chúng đi hết rồi! – Valia mừng rỡ nói. - Chúng có đi hẳn đâu! – Karik chán nản nói – Mai chúng lại quay trở lại và cố xông vào hang. Anh biết rõ chúng nó lắm! Chúng nó đánh hơi thấy mấy thùng mật rồi!... Còn bây giờ chúng bay đi ngủ đó thôi. Valia đề nghị: - Hay chúng ta chất thêm đá vào cửa hang! - Chuyện nhảm nhí! – Giáo sư nói – Phải tấn công chứ không phòng thủ. Ông nhặt lấy cái giỏ diatômê ở dưới sàn, cầm một quả trứng đom đóm giơ cao trên đầu như một bó đuốc rồi chạy ra khỏi hang. Bọn trẻ kêu lên: - Bác chạy đi đâu thế bác Ivan Germogenovich? - Bác về ngay đây! Để bác lo thết đãi lũ mất dạy ấy một món! Ánh lửa xanh thấp thoáng trong bóng đêm rồi biến mất. - Bác ấy đi đâu thế nhỉ? - Anh không biết nữa! Hình như bác ấy nghĩ ra được cách gì đó. Khuya lắm giáo sư mới trở về hang có vẻ rất thỏa mãn. Ông đặt cái giỏ xuống sàn, thở hổn hển nói: - Đó, bác mang về những quả bom!Mai ta sẽ giã cho lũ ruồi một trận. Bọn trẻ xúm lại cái giỏ. - Bom hả bác? - Tuyệt thật. Karik thận trọng thò tay vào giỏ lấy ra một cục màu xám. Mặt Karik bỗng dài ra: - Thế mà cũng gọi là bom! Những cái cục quái quỉ gì đó. Bùn khô chứ gì. Có bao giờ bom lại thế này đâu! Giáo sư cười ầm lên. - Cháu không thích ư? – Ông hỏi – Thế thì chỉ thiệt thôi! Rồi cháu sẽ thấy ngày mai chúng tác động ra sao. Không kém gì bộc phá thực sự đâu. Ivan Germogenovich đổ những cái cục đó ra khỏi giỏ rồi chia thành hai đống. Ông đẩy cái đống nhỏ cho Valia rồi nói: - Valia! Cháu cầm lấy những cái này và đi với bác. Giáo sư và Valia ra khỏi hang mang theo những quả bom. Karik nghe thấy tiếng giáo sư: - Cháu rải những quả bom của cháu quanh hang. --- (1) Tên một vùng ở Viễn Đông Liên Xô. 
Chương 16 -TRẬN CHIẾN VỚI RUỒI – NHỮNG CÁNH BUỒM KỲ LẠ - MẮT Ở CHÂN – CON RỆP KÉO ĐÀN VIÔLÔNG – CƯỠI TRÊN LƯNG CON ÓC HOA Bùm! Bùm! Bọn trẻ nhảy phắt xuống giường. Chúng dụi mắt nhìn nhau hoảng sợ. - Anh Karik, cái gì thế? - Anh không biết. - Hay là bom của chúng ta nổ? Trong hang ánh sáng xanh vẫn nhấp nháy như cũ. Vòm trần treo sát trên đầu. Những thùng mật màu trắng vẫn đứng thành hàng ở góc tường. Bùm! Bùm! Bùm! – vách tường rung lên vì tiếng nổ. Ivan Germogenovich ngóc đầu dậy, ngáp dài, lấy tay dụi mắt và lẩm bẩm: - À, à!... Hoạt đồng rồi!... Nổ rồi đó. Ivan Germogenovich có bọn tre theo sau bước tới bên chiến lũy ngăn ngừa lối vào hang. Ánh sáng ban mai lọt qua khe đá. Bãi cát vàng trước cửa hang phản chiếu anh nắng mặt trời sáng lóa. Vũng mật lấp lánh như vàng lỏng. Cái thùng trắng nằm lăn lóc một bên. Các du khách phải nheo mắt lại vì ánh sáng chói. Giáo sư ngắm nhìn bầu trời xanh trong và nói: - Hôm nay sẽ rất đẹp trời! Valia thở dài: - Thế thì ruồi sẽ rất nhiều, chắc sẽ còn nhiều hơn hôm qua. Ivan Germogenovich xoa tay vui vẻ, an ủi Valia: - Không hề gì! Chẳng bao lâu chúng sẽ còn ít hơn, it đi nhiều lắm… Và nói chung bây giờ chúng không còn đáng sợ cho ta nữa. - Sao vậy bác? - Thế cháu không nghe thấy bom của bác nổ hay sao? – Ivan Germogenovich ngạc nhiên hỏi. - Cháu có nghe thấy – Valia nói – nhưng hình như ruồi chẳng sợ bom của bác chút nào. Cháu nhìn thấy bom nổ tung giữa đám ruồi mà chúng vẫn tỉnh khô. Ivan Germogenovich thản nhiên vuốt râu nói: - Cháu cứ đợi một chút, đừng vồi! Ruồi trúng bom của bác chưa chết ngay đâu. Sau khi bị mảnh bom bắn vào, chúng còn bò độ 5, 6 tiếng đồng hồ, rồi mới bắt đầu chết một cách rất lý thú… Cháu xem sẽ thấy rất hay! - Thế những còn ruồi kia đã bị thương rồi ạ? - Chắc chắn như vậy! – Ivan Germogenovich trả lời đầy tự tin – Vì nếu bác không nhầm thì bom bắt đầu nổ từ lúc tinh mơ. Valia rút một viên đá khỏi chiến lũy và ghé mắt nhìn vào lỗ châu mai vừa tạo thành, quan sát bãi trống. Những con ruồi long lá xồm xoàm đang bò trên đá. Chúng lại gần vũng mật, chen chúc nhau thò vòi vào đó. Một con rất béo, có cái bụng trắng đậu trên thùng mật đổ. Cái thùng lắc lư. Con ruồi sợ hãi bay lên, liệng vòng tròn, ngắm nghía cái thùng từ trên cao bằng cặp mắt lồi to tướng. Sau đó nó thận trọng từ từ đậu xuống cái thùng. Đột nhiên nó dướn mình lên, lảo đảo như say rượu. Chân khuỵu xuống. Nó gục xuống đất. Kéo lê cái đầu nặng nề trên cát rồi lịm đi. Nhưng đôi cánh xòe ra hay còn hơi động đậy. - Một chú rồi – Karik kêu lên. - Thế chưa hết đâu! – Ivan Germogenovich nói – Cháu đợi xem còn chuyện nữa kìa. Một lát sau giáo sư và bọn trẻ lại gần chiến lũy. Trên bãi trống đã có vài con ruồi nằm lăn lóc. Một số hãy còn đang động đậy, những con khác nằm xòe cánh ra, đầu chúi xuống cát. Chúng bị phủ lên người, một lớp gì trăng trắng như sương muối. Còn con ruồi cạnh thùng mật thì trên bụng mọc ra một cái roi có gắn một cái mũ tròn ở trên đầu. - Nó mọc ra cái gì thế bác? – Valia hỏi – Bác xem kia giống một cái nấm ấy. - Thì đó chính là nấm empuza. Đột nhiên cái mũ nấm rơi ra lăn xuống đất. - Một cái nấm mới nữa đã trưởng thành - Ivan Germogenovich nói. - Cái tên gì nghe thật buồn cười: “empuza” – Valia cười hì hì nói. - Sao lại buồn cười? Bác chả thấy nó buồn cười tí nào cả. Từ lâu bác đã nghiên cứu nấm empuza. Đó là một người quen cũ. Nấm ăn thịt… một trong những loại nấm có ích nhất cho con người… nó giết ruồi… Đấy, cái nấm mới vừa rơi xuống đất ấy sẽ nổ ra khi có con ruồi lại gần. Mảnh của nó là các hạt giống sẽ bắn trùm lên con ruồi; đồng thời ném ra một quả bom nấm mới để tiêu diệt những con ruồi khác. - Thế nếu ruồi không lại gần thì sao ạ? - Thì nấm empuza sẽ nổ ra! - Thế nếu không phải ruồi lại gần mà là ong chẳng hạn thì nấm empuza có nổ không bác? - Không, không nổ đâu. - Như vậy nghĩa là nấm empyza không bắn vào ong? - Những cái nấm này thì không. Nhưng có loại nấm khác hại ong. Nó rơi vào các tầng ong và làm chúng bị hư. Cố nhiên đó không phải là loại nấm có ích, mà là còn rất hại nữa. “Bùm”! Lại có tiếng nổ trên bãi trống. Giáo sư thò đầu ra và nói: - Thêm năm chú ruồi nữa! Chẳng mấy chốc chúng sẽ nằm thẳng cẳng. Thật vậy, chẳng bao lâu cả bãi đất trống đã phủ đầy xác ruồi. Con đường ra hồ đã được giải tỏa. ****** Sau bữa ăn trưa Ivan Germogenovich quyết định ra bờ hồ xem con tàu “Carabus” có ở nguyên chỗ cũ hay không, có bị gió cuốn đứt dây neo hay làm lật nghiêng không. Ivan Germogenovich gom một đống dây tơ nhện vác lên vai giắt một mẫu đã nhọn vào thắc lưng rồi đi ra cửa hang. - Nào, Valia, cháu đi với bác đi! Giúp bác một tay nhé. - Cố nhiên là cháu sẽ giúp, miễn là… - Miễn là làm sao? - Miễn là không có con ruồi nào trên bãi trống… - Không có và sẽ không có nữa đâu! – Ivan Germogenovich đáp. - Thế còn những còn ruồi khác? Chúng sẽ bay đến thì sao? - Không khi nào! Mà dù chúng có bay đến thì chúng sẽ chết ngay lập tức. Khắp bãi đất trống bây giờ được vãi đầy empuza. Valia yên tâm đi ra cửa hang. Karik nhảy xuông giường. - Còn cháu ạ! - Còn cháu thì cứ nằm đó đi cho mau hết bệnh. Hôm nay không có cháu thì bác và Valia cũng đủ rồi. - “Không có cháu”? – Karik phẫn nộ nói – thế bác có biết buồm chính là gì không, buồm lèo là gì không?... Cậu tuôn ra một tràng tiếng chuyên môn về thuyền ghe nghe lỏm được ở một anh thủy thủ dạo nào. Giáo sư cười mũi: - A, ghê thật! Một tay thủy thủ lão luyện kia! - Cháu không là thủy thủ cũng chẳng lão luyện. Nhưng cũng hiểu biết đôi chút về thuyền bè – Karik hãnh diện đáp. Giáo sư phẩy tay: - Thôi được rồi, nếu đã thế thì bác cho đi. Có điều cháu phải cẩn thận hơn, đừng có để cái chân đau thêm. Các khách du lịch ra khỏi hang. Ivan Germogenovich đi len lỏi giữa các xác ruồi chết và nói: - Như là bãi chiến trường thực sự! Valia cố đi vòng tránh những xác ruồi chết, mắt vẫn liếc nhìn chúng. Dẫu rằng ruồi đã chết rồi nhưng… cứ tranh xa chúng là hơn. Đột nhiên Karik kêu lên: Giáo sư và Valia vội ngoái lại. Karik đứng cạnh một con ruồi to nằm xộc cánh ra. - Cái gì thế, Karik? Karik dùng cả hai tay nâng cánh ruồi trong suốt lên nói: - Bác xem này! Cánh buồm đây! Bác hiểu cháu chứ? Ivan Germogenovich vui mừng: - Bác hiểu rồi! Cố nhiên, bác hiểu rồi! Ông lại gần con ruồi, lúc lắc cái cánh nó rồi nói: - Làm cánh buồm thì tuyệt lắm! Phải lợi dụng nó thôi! Rút mẫu đá nhọn ra khỏi thắt lưng giáo sư leo lên con ruồi cắt lấy cái cánh. Cái cánh rơi xuống chân Karik. Karik nhặt lên ngắm nghía rồi nói: - Một cánh thì ít quá. Chỉ đủ làm cho buồm lèo thôi. Chúng ta còn cần làm buồm cho cánh buồm chính. Giáo sư nói: - Được thôi! Sẽ đủ cho cả buồm chính! Và ông khéo léo dùng mẫu đá nhọn cắt những cái cánh ném xuống dưới. Bọn trẻ nhặt lấy xếp thành một đống. Cuối cùng Karik nói: - Có lẽ đủ rồi ạ! Họ xếp chồng những cái cánh lên nhau như những tấm sắt. Giáo sư buộc một đầu dây vào cái cánh cuối cùng, quăng dây lên vai và kéo cả khối nặng đó lại bờ hồ. kẻ lấy tay giữ những cái cánh vui vẻ nóid: - Đấy bác thấy không, cháu biết ngay phải cần những cánh buồm thế nào. Vừa nhìn thấy những cái cánh cháu hiểu ngay phải dùng chúng làm gì. Ivan Germogenovich cười giễu cợt: - Thôi mà, cứ khoe khoang mãi! Giữ nhưng cái cánh cho cẩn thân kẻo đọc đường đi rơi hết bây giờ! Các khách du lịch khó khăn lắm mới chở được đống hành lý nặng nề đó tới bờ hồ. Chiếc tàu Carabus vẫn đung đưa trong vịnh nước êm ả. Cái mũi cong của nó phản chiếu trên mặt nước xanh lặng lẽ. Hai bên sườn tàu nằm gần ngang mặt hồ. Xung quanh cột buồm cao là những thùng mật màu trắng. Karik nói: - Một con tàu chính cống. Chỉ thiếu có cánh buồm thôi! Ivan Germogenovich nói: - Cánh buồm sẽ có ngay bây giờ đây. Kéo những cánh ruồi lên, các khách du lịch bắt tay vào việc treo cánh buồm lên. Karik leo lên cột buồm rồi từ trên cáo gọi xuống: - Nào, đưa cánh lên đây cho cháu! Công việc tiến hành thật sôi nổi. Giáo sư chuyển những cái cánh cho Karik. Cậu buộc chúng vào cột buồm cái nọ ở cao trên cái kai. Chẳng bao lâu cả cột buồm chính phủ đầy những cánh buồm trong suốt. Gió thổi vào cánh buồm kêu sột soạt. Cánh buồm “Carabus” rung lên. Đột nhiên cọc buộc dây neo kêu răng rắc và gãy đôi ra. Valia kêu lên! - Ối chà! Ivan Germogenovich không nói năng gì nhảy ngay xuống nước. Karik từ trên cao hỏi vọng xuống: - Cái gì xảy ra thế? Không ai đáp lại cậu cả. Lách đầu qua những cái cánh cậu nhìn thấy giáo sư đang đứng, nước ngập tới thắt lưng mặt đỏ lên vì gắng sức, ráng kéo con tàu về phía bờ. Karik hỏi: - Nó tuột ra hả bác? - Không phải, con ong vẽ gặm cái cọc làm nó gãy. Ngạc nhiên qua Karik leo xuống boong tàu. Cậu hỏi: - Con ong vẽ hả bác? Nó điên hay sao mà lại gặm cành cây? - Không phải thế! – Ivan Germogenovich quấn đầu dây vào một gốc cây to, nói – Con ong vẽ không ăn cành cây, nó gặm để làm giấy, giấy cần cho ong vẽ để làm tổ. Valia tròn mắt ngạc nhiên: - Ong vẽ biết làm giấy hả bác? - Đúng thế!... Tiện thể bác nói cho cháu biết rằng chính con ong vẽ đã dạy cho người ta cách làm giấy từ gỗ - Ivan Germogenovich đáp, rồi ông đọc cho bọn trẻ nghe cả một bài giảng dài về con ong vẽ, về gỗ, về những phát minh đã bị quên lãng từ lâu. - Có một thời – Ivan Germogenovich kể - người ta chỉ biết làm giấy từ giẻ rách. Vào thế kỷ 18 nhà bác học Thụy Điển Jan kristian Sopher trong khi nghiên cứu con côn trùng đã học được chúng cách làm giấy từ gỗ. Có một lần ông quan sát tổ ong vẽ và nhận thấy tổ ong làm bằng chất liệu giống như bìa cạc tông. Ông liền theo dõi công việc của ong vẽ và phát hiện thấy ong vẽ gặm những mẫu gỗ rồi chế tạo thành giấy rất tốt. Vào thời đó chẳng ai chú ý đến phát minh của Sopher cả. Năm chục năm sau có một nhà bác học khác là Keler nhắc nhở cho mọi người biết về phát minh của Sopher và phải nói là ông nhắc nhở rất kịp thời. Dạo đó người ta đang thiếu giấy kinh khủng, giẻ rách không đủ để làm…. Người ta thử làm giấy từ gỗ như con ong vẽ… Lúc đầu không thành công, nhưng sau thì đạt được kết quả. Kể từ đó trở đi hầu như tòan bộ giấy được làm ra từ gỗ. Sau khignhe bài giảng xong, Valia nói: - Trời ơi! Nghĩa là gần đây có ong vẽ. Thế thì ta phải làm mau mau về nhà thôi! Ivan Germogenovich đồng ý: - Ừ, cũng đếnl úc phải về nhà thôi. Các khách du lịch quay trở về hang. ****** Buổi sớm tinh mơ họ vần nốt những thùng mật cuối cùng lên tàu, chuyển giường chiếu lên đó và mang theo những cái trứng đom đóm. Karik gắn một cái trứng lên cột buồm làm hiều. Bây giờ cậu lăng xăng hơn ai hết. Cậu chạy khắp tàu, la hét lên giọng thuyền trường: - Ê! Ở phía mạn lái, cuốn lèo lại! Valia rụt rè hỏi: - Mạn lái là cái gì hả anh? - Thì chỗ em đứng đó gọi là mạn lái!... Tức là đuôi tàu đấy mà. Nào, cuốn lèo lại. - Thế lèo là cái gì hở anh. - Lèo là cái dây đó. Giáo sư rụt rè đề nghị: - Thế sao không gọi đuôi tàu là đuôi tàu, lèo là dây có hơn không. Karik cười nhạt: - Tùy bác thôi. Như vậy cháu sẽ gọi kén của kiến lá là trứng kiến vậy. Giáo sư ôm lấy đầu: - Không, không! Không phải trứng mà là kén! Thôi được bác sẽ cố nắm cho được cái tiếng lóng hàng hải của cháu, chỉ xin cháu đừng có gọi kén là trứng. Karik lại chạy loăng quăng khắp tàu. Cậu quát lên như sấm: - Căng buồm lên! Thủy thủ về chỗ! Kéo còi hiệu lên! Giáo sư kéo sợi dây neo, xếp lại cẩn thận ở đuôi tàu, Valia cuộn lèo lại. Bây giờ tàu “Carabus” đã sẵn sàng chuyến viễn dương. Kẻ nghĩ: “Giá có một loại đại bác nổ chào trước khi rời bến thì hay…” Nhưng tiếc rằng đại bác không có. Karik đi lại trên tàu như thủy thủ từng trải, ngắm nghía đoàn thủy thủ và nhổ nước miếng qua mạn tàu. Giờ phút trang nghiêm đã đến. Karik giơ tay lên cao: - Chú ý! Đoàn thủy thủ chăm chú theo dõi vị thuyền trưởng. - Đi theo hướng Tây Nam, mở hết tốc lực! - Thưa thuyền trường, xin tuân lệnh – Ivan Germogenovich gào lên, vui vẻ nháy mắt với Valia. Valia buông lèo ra. Gió căng những cánh buồm. Tùa Carabus rung chuyển lắc lưu tựa như còn ngẫm nghĩ xem nên bơi đi hay ở lại bến cảng, rồi từ từ rời bến. Vị thuyền trường dũng cảm hét lên: - Mở hết tốc lực thằng tiến! … Gió thổi. Những gợn sóng lăn tăn chạy trên mặt nước. Con tàu chòng chành trên sóng. Bụi nước ấm áp bay vào mặt các nhà vượt biển. Con tàu băng lướt đi, rẽ nước hai bên mạn tàu. Những con vật nào đó ngụp lặn xung quanh tàu “Carabus”. Chúng vượt qua con tàu nhảy lên khỏi mặt nước đùa giỡn như những con cá heo. Một con vật trông giống như con thỏ có sừng hươu, mình hoàn toàn trong suốt bơi sát bên cạnh tàu rất lâu. Có thể nhìn thấy hết ruột gan người bạn đường kỳ lạ của tàu “Carabus” qua lớp vỏ trong suốt. Valia hỏi: - Con gì thế bác? Giáo sư đáp: - Một loài bọ chét nước rất thông thường. Valia đập cái que vào đầu con bọ chét nước. Nó biến mất. Một con gì đó rất giống cái tàu ngầm vượt ngang qua con tàu. Con vật bơi dưới nước mà trên mặt nước thấy được dấu vết của nó. Nó suýt lao vào tàu Caraubus nhưng đến lúc cuối cùng lại ngoặt sang phải và biến mất. Valia hãi thì thầm: - Con gì thế bác? Ivan Germogenovich bình thản trả lời: - Đó là con ốc rất thông thường! - Con ốc hả bác? - Ừ! - Thế nó chuyển động thế nào ạ? Ivan Germogenovich mỉm cười: - Đó là một vấn đề rất khó đối với các nhà bác học. Tuy nhiên cuối cùng nó cũng được giải quyết mỹ mãn. Con ốc đi lại đầu chuối xuống nước. Giơ cái chân duy nhất lên, nó tiết ra mặt nước một chất nhầy để gắn nó vào mặt nước và trườn đi như cái bè. - Thế thì làm sao nó nhìn được ạ? - Nó nhìn rất tốt vì mắt nó nằm ở dưới chân. Karik kinh ngạc: - Thế thì lạ thật: Ivan Germogenovich làu bàu: - Hừ, thế thì có gì lạ? Chúng ta gặp những con vật không có miệng, những con vật nghe bằng chân, còn bay giờ thì ta thấy con vật nhìn bằng chân. Nhưng tất cả những cái đó chẳng có nghĩa lý gì so với điều bác có thể kể cho các cháu về những con vật kỳ quặc hơn… Tất cả những con vật này đều sống quanh ta. Đó hoàn toàn không phải là những con vật trong cổ tích của Anderson và anh em Grim. Những con vật này tồn tại trong truyện cổ tích hay nhất, tuyệt diệu nhất. Chuyện cổ tích đó chính là ‘đời sống”… Nhưng thôi, bác hay đọc bài giảng cho các cháu nghe quá. Bác sợ các cháu lại nghĩ rằng bác đến để giảng bài chứ không phải để đưa các cháu về nhà. Tốt nhất là chúng ta hát bài gì đi! Nhưng đề nghị này làm bọn trẻ phát hoảng. Các câu chuyện kể của giáo sư đôi khi cũng buồn tẻ nhưng còn có thể nghe được. Còn nếu Ivan Germogenovich hát thì… chỉ có điếc và câm mới nghe nổi ông thôi. Bởi vậy Karik và Valia chỉ sợ giáo sư cất tiếng hát (mà ông thì lúc nào cũng chực hát lên thôi). Chúng bắt đầu hỏi ông huyên thuyên mọi chuyện, bạ gì hỏi nấy: Ông hắng giọng nói: - Nào, hát nhé… E hèm! Thí dụ như bài “Hãy tiến lên”. Nào… Một… Valia vội vã hét lên: - Ôi! Bác xem kìa! Cái gì ở dưới nước thế kia.To ghê quá! Tàu Carabus đi trên những khối đất rằn ri nằm nghiêng trông chúng giống những cái tàu đắm. Giáo sư nhìn xuống hồn nhiên nói: - À, cái đó là thức ăn xưa kia của loài người đấy. Vỏ sò. Thuở xa xưa trước kia những con sò này là thức ăn chính của loài người cũng như bánh mì đối với chúng ta bây giờ vậy. Giờ đây chúng ta lại kinh tởm nhìn thứ bánh mì cổ xưa ấy. Karik nói: - Cháu không nghĩ con sò lại ngon hơn bánh mì! Ivan Germogenovich đồng ý: - Cháu nói phải, nhưng cũng rất tiếc là một khối lượng lớn thức ăn như vậy bị bỏ phí vô ích. Nếu tập trung những con sò ấy lại cũng được hàng triệu tấn. - Nhưng không thể ăn thì bắt chúng làm gì? - Ở nước Đức chẳng hạn, người ta bắt chúng nấu trong các chảo lớn và… - Không lẽ người ta ăn chúng sao? - Không!... Người ta nấu cho heo ăn… Heo ăn thức ăn này thì rất chóng béo, thịt lại mềm và ngon. Câu chuyện ngưng một lúc. Nhưng mỗi khi bọn trẻ nghe thấy tiếng hắng giọng đầy đe dọa – Có nghĩa là giáo sư chuẩn bị cất tiếng hát – là chúng vội hỏi ông điều gì đó. Cứ như vậy qua đi mấy tiếng đồng hồ. “Carabus” căng hết buồm lướt đi băng băng. Nhưng mặt trời lên cao rồi thì gió lặng đi. Bây giờ con tàu lười nhát lê đi trên ngọn sóng chết, chỉ hơi khẽ lắc lư một chút. Những cánh buồm rũ xuống, vị thuyền trưởng buồn rầu rỉ. Các khách du lịch ngồi trên mạn tàu thả chân xuống nước lạnh mát. Những con vật dưới nước đàu giỡn trong làn nước rung rinh. Chúng chạy loăng quăng giữa khu rừng xanh ở dưới nước mọc nhô lên từ đáy hồ tăm tối. Valia nằm dài trên boong. Cô thò đầu qua mạn tàu ngắm nhìn những bụi cây runh rinh dưới nước. Cuối cùng con tàu đi hết khu rừng dưới nước. Bây giờ ở phía dưới tàu Carabus là đáy hồ với những núi đồi xám. Những con rắn khổng lồ màu đỏ đang uốn khúc bò trên những sườn đồi. chúng đông đúc đến nỗi nhiều nơi đáy hồ tựa như màu đỏ. - Trời ơi, nhiều quá! Chúng là những con gì thế bác? - Culicida hyronomus… Nói giản dị thì đó là ấu trùng của muỗi giãy chân. Mồi ăn hảo hạng cho các. Thức ăn yêu thích của tất cả lũ ca tép nhỏ. - Tại sao gọi chúng là muỗi giãy chân hả bác? - Tại vì nó đốt và chân người làm nguời ta giãy lên. - Có nghĩa là tất cả muỗi đều là muỗi giãy chân vì chúng đều đốt vào chân người ta cả. Thế mà cháu không biết! - Không phải đâu! – giáo sư nói – Đó chỉ là tên gọi một loài muỗi thôi. Những loài muỗi khác lại có tên gọi khác. - Sao hả bác? – Karik ngạc nhiên – Muỗi cũng có nhiều loại ư bác? Thế mà cháu cứ tường muỗi nào cũng thế cả. - Ồ không đâu. Chúng có hàng trăm loài. Chỉ nội trong vùng chúng ta cũng đã có nào muỗi mắt, muỗi xét, muỗi mòng, muỗi sốt rét, muỗi thường… Thậm chí có cả muỗi tuyết nữa kia. - Nó trắng như tuyết hay sao bác? - Không phải! Gọi nó là muỗi tuyết vì nó sống trên tuyết. - Chẳng lẽ mùa đông muỗi cũng sống được ạ? - Cuộc sống có bao giờ dừng lại đâu dù mùa hạ hay mùa đông – Ivan Germogenovich đáp – Mùa hè thì có loài côn trùng mùa đông lại có loài khác. Thí dụ ta có thể gặp trên tuyết các loài bọ chét tuyết, giun tuyết, nhiện tuyết, muỗi không cánh và rất nhiều loài khác nữa. Valia e sợ nhìn những ấu trũng muỗi giãy chân hỏi: - Thế muỗi nào cũng đốt cả hả bác? - Ấu trùng muỗi không đốt. Thậm chí con muỗi giãy chân đã trường thành cũng không động đến cả người lẫn xúc vật khác. Và nói chung muỗi ở ta đốt có nghĩa lý gì? Chích một chút! Chuyện vặt vãnh! Ivan Germogenovich vuốt râu mỉm cười: - Muỗi ở trên đảo Barbado đốt mới thực sự là đốt. - Đốt ra sao ạ? Chắc đau lắm phải không? – Valia thì thầm. - Khá đau đấy!... Có một trường hợp xảy ra như thế này: Ở thành phố Veraruxe có một bà bị hôn mê. Người ta tường bà ấy chết vì mặt trắng bệt ra, người lạnh toát. Họ bèn đặt bà ấy vào quan tài rồi để ở ngoài hiên. - Thế rồi sao nữa ạ? - Khi đêm tới một đám muỗi Barbado bay đến hiên nhà: Chùng đậu đầy người bà tưởng chết đó và đốt bà đau đau đến nổi bà tỉnh lại và trong hơn hoảng hốt làm bật tung nắp quan tài, rồi cứ thế chạy ra đường phố với cái nắp quan tài trong tay. - Thế sau này bà ấy không chết nữa ạ? – Karik hỏi. - Đúng thế! Sau chuyện này bà ấy sống cho tới già. Đột nhiên Valia nhảy lên và kêu to: - Trời ơi! Bác xem kìa! Một con barbado đang bơi… Úi chà! Ở dưới nước phái cạnh tàu có một con vật dài màu xám đầu rất to đang bơi vút qua. Nó giống như được chắp lại từ những mẫu khác nhau. Cái đuôi rộng giống như ba cái lông gà trống ve vẩy nhanh kinh khủng. Chốc chốc con vật lại dừng lại, căng mình ra như sợi dây đàn rồi bỗng phồng mình lên rất mau. Phồng lên đến hết cỡ rồi nó bèn phóng ra phía sau một luồng nước rất mạnh, luồng nước đẩy nó lên cứ như một cái tên lửa. - Ấu trùng của chuồn chuồn đấy! – giáo sư nói. Karik tư lự nói: - Giá ta sử dụng nó thay cho động cơ nhỉ? Giáo sư bật cười: - Ta không kham được động cơ đó đâu! Các cháu ạ, ấu trùng chuồn chuồn là con vật rất nguy hiểm. Nó tấn công cả cá nhỏ và ăn thịt chúng. Thế mà một con cá nhỏ so với chúng ta thì to bằng cả co voi. - Mẹ chuồn chuồn của nó kia rồi! Bác xem kìa, nó đi đâu thế kia? Một con chuồn chuồn đầu to mắt lồi khép cánh vào lưng bám vào một thân cây mọc gần dưới nước bắt đầu bò xuống đáy, đầu chúc xuống dưới. Karik ngạc nhiên hỏi: - Nó làm sao thế? Muốn tự tử à? Valia ngắm con chuồn chuồn, nghĩ ngợi một lát rồi ngập ngừng nói: - Chắc là nó đi thăm con của nó. Nhớ con quá nên lại thăm. Đơn giản vậy thôi. Giáo sư cười ầm lên và nói: - Đơn giản hơn và chính xác hơn là thế này: chuồn chuồn xuống nước để đẻ trứng. Valia nói: - Úi cha, trông nó dễ sợ quá! Ivan Germogenovich phản đối: - Sao cháu lại nói thế, nó rất đẹp đấy chứ! Không phải vô cớ mà người Đức đặt cho nó cái tên rất nên thơ “thiếu nữ dưới nước”, còn người Pháp thì gọi chuồn chuồn là “cô gái”. Lúc này có một đợt sóng lan trên mặt hồ. Cánh buồn reo phần phật. Phía sau đuôi tàu nước vỗ ì ầm. Karik kêu lên: - Tất cả về chỗ! - Xin tuân lệnh thuyền trưởng! – Ivan Germogenovich đáp. Và con tàu lại rẽ sóng lao đi. Tàu Carabus hơi lượn quanh những hòn đảo phẳng màu xanh. Đó là những chiếc lá hoa súng dày dặn. Cuối cùng tàu Carabus đi tới vùng nước trống. Karik đưa tay lên che nắng chói nhìn ra xa. Cậu nhìn thấy bờ hồ đây sương mù tít ở xa sau mặt hồ xanh lấp lánh dưới ánh mặt trời. Bờ gần như hòa chung với nước. Những đám mấy trắng bồng bềnh trên dải đất xanh lơ. Khi Karik đã quen mắt nhìn, cậu trông thấy ở mãi chân trời một vệt mỏng manh như cái đanh ghim. Trên đầu có một vật rung rinh giống như là lông tơ màu đỏ. - Kia rồi! Ngọn hải đăng của chúng ta. Bác Ivan Germogenovich ơi, bác lái chếch về phía bên phải đi. Thế… thế… thêm chút nữa! Kéo mạnh lèo phải! Nữa đi! Nữa đi! Đủ rồi! Cứ giữ như vậy đi! - Xin tuân lệnh – giáo sư gào lên. Tàu Carabus lao thẳng về phái bờ. Đột nhiên khắp xung quanh vang lên những âm thanh. Khắp mặt nước và bầu trời tiếng hát ngân vang. Karik sợ hãi nhìn quanh, vội vàng từ cột buồm xuống boong tàu. Giáo sư nheo mắt nghiên đầu đăm chiêu lắng nghe tiếng nhạc kỳ diệu. Tựa hồ như có hàng ngàn cây đàn viôlông và Sáo đang dạo lên một khúc hát đơn giản nhưng rấ du dương. - Đây – giáo sư thở dài nói – thuở xa xưa chàng Ôđixê huyền thoại cũng bơi trên biển như thế này và các nữ thủy thần đã hát xung quanh con tàu của chàng. Karik hỏi: - Vậy là các thủy thần đang hát đó ư bác? Ivan Germogenovich nói: - Không phải đâu. Các nữ thủy thần là những cô gái huyền thoại ở trên biển mê hoặc các khách đi đường bằng tiếng hát của mình. Còn những còn vật lúc này đang hát đơn giản chỉ là những con rệp nước. Âm nhạc của nó êm ái thật đấy chứ? Valia nói: - Rất êm ái. Giáo sư nói: - Quả thật là những con thú hung ác hát hay thật. - Ác thú ư bác? - Chính vậy. Vì đó là những con rệp nước Corici. Một lũ kẻ cướp phàm ăn, tuy vậy thật tài năng như các nữ thủy thần trong thần thoại. - Thế chúng hát bằng cách nào ạ? Chẳng lẽ rệp biết nói hay sao? Ivan Germogenovich nói: - Chúng hát bằng chân. Một chân trước của con rệp đực có lông cứng… Con rệp vuốt cái chân trước thứ hai lên những cái lông cứng này như kéo vĩ đàn viôlông và tạo nên âm nhạc. Karik và Valia muốn thấy những con rệp kéo viôlông. Nhưng dù chúng có nghển cổ tìm kiếm cũng không thấy được những con rệp nước đâu cả. Những con rệp nước Corici đang ngồi ở đâu đó trong khu rừng dưới nước. Trong khi đó con tàu Carabus vẫn căng buồm lướt đi về phía bờ dốc thoai thoải đang hiện ra mỗi lúc một gần hơn. Đã thấy những viên đá nhô lên khỏi mặt đất và ở đôi chỗ có những bãi bồi màu vàng. Khu rừng cỏ ven bờ trông mỗi lúc một rõ hơn. Karik hỏi: - Chúng ta sẽ cặp bờ vào đâu ạ? Ivan Germogenovich đưa mắt nhìn bờ rồi đáp: - Vào chỗ nào cũng được. Gần hơn hay xa hơn một chút bây giờ cũng chẳng quan trọng lắm. Đằng nào chúng ta cũng sẽ phải đi bộ. Valia thở dài: - Chẳng lẽ phải đi bộ ư? Ôi chao, cháu chán ngấy chuyện đó rồi! Ivan Germogenovich nói: - Không sao đâu, cháu Valia ạ! Chịu khó một chút. Bác hy vọng là cuộc du lịch của ta rồi thế nào cũng kết thúc. Bác cũng muốn mau mau về nhà. Các sinh viên trường đại học đang đợi bác. Sắp có các kỳ thi đến nơi rồi! Đột nhiên giáo sư phá lên cười: - Giả sử như các sinh viên của bác nhìn thấy bác trên chiếc tàu bằng lá sồi này với những cánh buồn bằng cánh ruồi thì không biết họ nói sao nhỉ. Bất cứ ai trong bọn họ cũng có thể cho bác vào túi áo gilê hoặc giắt vào thắt lưng. Ha ha ha! … Lúc đó vào khoảng buổi trưa. Đang lướt qua những hòn đá, tàu Carabus nhẹ nhàng đi vào bờ, khẽ lắc lư trên gợn sóng lăn tăn. Các khách du lịch lên bờ. Câu cột hải đăng nhô lên sau khu rừng gần nhất. Karik ngoái lại nhìn. Cậu buồn bã trông theo con tàu Carabus, vẫy tay từ giã và thở dài não nuột: - Vĩnh biệt! Carabus! Đừng quên người thuyền trưởng của mày nhé! Valia nói: - Thế mà cháu cứ nghĩ là ta sẽ đi tàu đến tận cây hải đăng. Ivan Germogenovich nhún vai: - Cháu nghĩ thế thật vô bổ! - Thế tại sao chúng ta lại chất lên tàu nhiều thức ăn đến thế? Karik phẫn nộ: - Sao em lại hỏi thế? Ngộ lỡ gặp bão thì sao? Ngộ nhỡ ta rơi vào một tàu lá mọc trên mặt nước trơ trụi thì sao? Lúc đo em lấy gì mà ăn? Ivan Germogenovich nói: - Đúng lắm! Khi đi đường cần phải biết phòng xa. Chẳng thà sau đó phải vứt bỏ những thứ dư thừa, còn hơn là chết đói. ***** Chừng hai ba tiếng đồng hồ sau đó, giáo sư và bọn trẻ an vị ở chỗ bìa rừng và ăn uống no nê. Ivan Germogenovich đứgn dậy, lấy cánh hoa chùi râu ria và tay rồi nói: - Nào, bây giờ chúng ta… Giáo sư không nói hết câu. Ông ném vội cánh hoa, chạy nhanh nhẹn như một chú bé lên một ngọn đồi gần đó. - Thế đó! – Ông ngẩng lên cao nhìn và nói – Tốt lắm! Rất tốt! Tuyệt diệu! Bọn trẻ cũng ngẩng đầu lên. Những con vật lông lá nặng nề đang bay trắng những cánh rừng trong thư thủy tinh lướt trên khu rừng. Bác Ivan Germogenovich đang ngắm nhìn chúng chăng? - Ong vẽ! – Karik nói: - Không phải ong vẽ mà là ong hoa! – Giáo sư chữa lại. Những con ong hoa màu vàng sẫm bay lượn trên khu rừng cỏ rậm rạp. Chúng vo ve hạ xuống những cái cây kỳ lạ có cái mũ màu đỏ tía hoa là thay cho vòm lá. Những con ong đậu lên những cái mũ ấy, loay hoay trong đó rồi bay vọt lên bay về phía ngọn hải đăng và biến mất ở đó. Hẳn là chúng đã hạ xuống đất. Giáo sư nắm lấy tay bọn trẻ, nhìn chăm chú vào chúng rồi nói: - Thế nàu các cháu ạ! Bác vừa nghĩ ra một kế hoạch rất táo bạo… Chúng ta sẽ đi tiếp bằng cách bay trên con ong hoa. Bọn trẻ sợ hãi bước lùi lại. - Ong hoa?... Cháu…. Cháu không muốn bay trên ong hoa đâu. Cháu sợ chúng lắm – Valia nói. Giáo sư quàng vai Valia: - Cháu đừng sợ! Hoàn toàn không có nguy hiểm gì cả. Ngay cả ấu trùng của bọ dừa yến cũng bay trên con ong hoa mà ong có làm gì nó đâu. - Hay ta bay trên con ong thường có hơn không? – Karik hỏi. Giáo sư lắc đầu: - Không được, không thể bay trên ong thường được. Chúng sẽ lôi ta về tổ ong và ta sẽ chết ở đó. Còn con ong hoa sẽ đưa ta đến ngọn hải đăng. Hình như tổ của nó ở đấy. Các cháu có nhìn thấy không, chúng nó đều bay về đó cả. Bởi vậy ong hoa thích hợp cho ta chứ không phải ong thường. Valia lắc đầu quầy quậy: - Không, dù thế nào cháu cũng sợ lắm! Cháu… Ivan Germogenovich ngắt lời cô: - Này, cháu khoan đã! Bác sẽ kể cho cháu nghe tỉ mỉ ấu trùng bọ dừa đi du lịch trên lưng con ong hoa ra sao. Lúc ấy chắc cháu sẽ hết sợ. Giáo sư ngồi xuống đỉnh đồi, để bọn trẻ ngồi sát bên và bắt đầu kể: - Bác tha thiết đề nghị các cháu đừng lẫn lộn bò dưa yếm với bọ dừa tháng năm. Đó hoàn toàn không phải là một loại. Con bọ dừa yếm có đặc điểm kỳ lạ… Hầu hết côn trung đều có ba lần biến hóa: trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng thành kén, rồi kén nở ra côn trùng. Nhưng con bọ dừa yếm lại có bốn lần biến hóa? Trứng, ấu trùng, triungulina, rồi ấu trứng, kén và bọn yếm trưởng thành. Các cháu nhớ nhé: Triungulina! Chính con ấu trùng triungulina này chỉ có ăn ong mật thôi… Làm sao nó tìm đường đến tổ ong?... Ai chỉ đường cho nó đến chỗ ong ở? Ai mang nó lên tổ ong? - Chắc là mẹ nó! – Valia nói. Ivan Germogenovich cười nhạt: Trông mong vào mẹ thì không xong rồi. Khi ấu trùng chui ra khỏi trứng thì thông thường mẹ của nó đã chết rồi… Để rơi vào tổ ong sống nưong nhờ ở đó hoàn toàn, ấu trùng triungulina phải leo lên bông hoa nấp ở đó chờ ong tới. Khi con ong vừa đậu và bông hao, thì ấu trùng triungulina bám ngay vào gấu áo lông lá của con ong, bám chắc vào đó cho tới khi con ong về đến tổ. Cháu hiểu chưa, Valia? Còn bây giờ cháu thử nghĩ mà xem: một con triungulina xuẩn ngốc nào đó không sợ bay đi trong không trung nữa là cháu. Valia thở dài: - Thì bởi vì nó là con triungulina! Nó lại xuẩn ngốc nữa.. Karik nói: - Thôi em đừng có nhút nhát như thế nữa! Nếu ta không bay trên con ong hoa thì đành phải đi bộ. Có thể ba tuần cũng có khi hàng tháng. Lại còn chưa biết sẽ xảy ra những chuyện gì nữa. Dọc đường có thể gặp hàng ngàn nguy hiểm mới nữa. Một con bọ cánh cứng nào đó chén chúng ta hay một con sâu nào đó dẫm bẹp. Cũng có thể con bướm nào đó hất chúng ta xuống vực. Thế thì thà bay trên con ong hoa còn hơn! Vả lại… thiếu niên tiền phong đâu có được nhút nhát. Valia giọng run run nói: - Thôi được! Thì bay trên con ong hoa vậy! Phải leo lên bông hao nào đây? - Đây này! Lên cái quả cầu to tướng đang đung đưa ở trên cao kia kài. Đó là hoa cỏ ba lá đỏ. Loại hoa ưa thích của ong hoa. Ivan Germogenovich và bọn trẻ leo lên thân cây cao vút tới bông hoa màu đỏ tím hoa cà rồi nấp vào sau những cái ống chưa trong mình một giọt mật trong tinh khiết. Valia thì thầm hỏi: - Liệu ong hoa sắp tới chưa? - Làm sao anh biết được? – Karik cũng thì thầm đáp lại. Giáo sư khẽ rít lên: - Có im đi không? Họ ngồi như vậy hơn một giờ đồng hồ. Cuối cùng có tiếgn cánh đập vù vù trên đầu họ. Một cái bóng to che khuất bầu trời tựa như có đám mây phủ lên mặt trời. Valia nép sát vào anh. Tim đập mạnh. Chân tay run rẩy. Cố muốn nói điều gì đó nhưng không thốt nên lời. Giáo sư nói rất nhỏ: - Chuẩn bị! Valia xiết chặc tay Karik. Những cái cánh hùng mạnh quạt vù vù ngày càng mạnh hơn. Một con ong hoa xù xì long lá liệng vòng rồi hạ xuống như tấm da gấu. Bọn trẻ nghe thấy tiếng khàn khàn của giáo sư: - Nắm cho chắc nhé. Chúng bám tay vào đám lông và lập tức bay vọt lên cao. 
Chương 17 -MẢNH ĐẤT KỲ LẠ - GIÁO SƯ CHIẾN ĐẤU VỚI CON BƯỚM – NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU CỦA KARIK VÀ VALIA TRONG HÒM GỖ DÁN – CON BƯỚM ÉGOPHOR QUÝ GIÁ – GIÁO SƯ BỊ ĐÓNG HÒM – TRÊN ĐƯỜNG VỀ THẾ GIỚI CŨ   Gió làm các khách du lịch nghẹt thở. Mặt đất đung đưa rồi biến mất. Giáo sư hét lên: - Giữ cho chắc! Bọn trẻ chỉ thoáng nghe thấy tiếng ông. Tiếng ầm ầm đều đều của cán hong và tiếng gió rít làm át mọi tiếng động khác. Đầu tiên con ong bay cao trên mặt đất. Sau đó nó có vẻ bị nặng quá hay là có thể bị đau nữa. Ba cặp tay bám chặt lấy đám lông, ba cặp chân cứ mỗi lúc rẽ ngoặc lại thúc vào bụng nó và ngực nó. Con ong hoa bắt đầu bay vật vã từ bên này qua bên kia, chắc là muốn ném các hành khách không mời xuống. Nó hạ thấp dần, vừa bay vừa lắc mình nhưng không sao rũ bỏ gánh nặng được. Valia chóng mặt, tim thắt lại. Giáo sư sợ hãi ngó chừng cô. Chỉ cốt sao cho cô bé tội nghiệp giữ cho cắhc đừng tay ra! Đột nhiên con ong đập cánh mạnh hơn nữa. Gió rít ù tai các khách du lịch. Con ong hoa như một mũi tên lao xuống dưới. Karik thoáng nghĩ: “Thật là đáng tiếc nếu nó hạ cánh sơm quá. Ít ra cũng phải được nửa đường thi tốt!” Mặt đất mỗi lúc một gần hơn nhanh chóng. Giáo sư và bọn tre co chân lại để khi hạ xuống đặt chân lên vất gì cứng rắn. Những ngọn câu của rừng cỏ mỗi lúc một gần hơn. Và bây giờ những cái va chạm mạnh, một cái, hai cái, ba cái… Một cái va nữa và các khách du lịch bắn ra khỏi khoang ngồi trải nệm em, rơi thằng xuống đất. Bọn trẻ và giáo sư bị lăn tròng lộn qua đầu teen một bãi cỏ êm ái màu xanh lo có những mô đất và đồi núi cũng êm như vậy. Cuối cùng khi lộn một vòng sau chót giáo sư bay tay vào bờ cạnh một tảng đá to và nhẵn. Ivan Germogenovich đứng dậy. Ông vịn tay vào bờ cạnh tảng đá, vừa rên rỉ vừa tập tễnh đi xung quanh nó. Ông sờ mặt đá nhẵn nhụi và bằng phẳng giống như một cái cối xay đá, miệng lẩm bẩm: - Kỳ là thật! Cái gì thế này nhỉ?... Ở kia có một tảng đá cũng tròn ye hệt… Lại thêm một tảng đá thứ ba và thứ tư… Giáo sư khó khăn lắm mới trèo lên được một tảng đá và nhìn ngắm xung quanh mình. Trước mắt ông là một mảnh đất kỳ là. Nó giống như một bàn cờ. Những con đường cái dài màu xanh chạy cắt nhau từ cạnh này sang cạnh kia. Ông cúi xuống tảng đá tròn kỳ lạ, xem xét thật kỹ bề mặt màu đen bóng láng của nó và đột nhiên phán đoán táo bạo hiện lên trong đầu ông. Giáo sư đập tay vào trán: - Cái cúc áo! Mình đang đứng trên cái cúc ái!... Còn mặt đất hình bàn cờ và con đường cái màu xanh là… chính là… Ô! Các cháu ơi! – ông gọi Karik và Valia lúc ấy đang ngồi trên mô đất kẻ sọc ô vuông hoa bóp cạnh sườn và đầu gối bị đâu – Các cháu ơi! Chúng ta gần như ở nhà rồi! Đây là cái áo khoác của bác. Bọn trẻ sung sướng nhảy hết cả lên: - Thế cái hòm?... Cái hôm với bột thuốc làm lớn trở lại? – Valia nóng nảy kêu lên. Giáo sư đứng bên cạnh cái cúc áo chăm chú quan sát vùng phụ cận của chiếc áo. Ông tìm chiếc sào có khăn đỏ. Nhưng không thấy cây sào đâu cả. Ivan Germogenovich nhún vai: - Lạ thật… Lạ quá đi mất! Ông nhìn kỹ một lần nữa và bỗng thấy cây cột khổng lồ nằm dưới đất. Một đầu dẫn đi mãi tít xa về phía tây. Rừng cây giãn ra và đường thẳng phân ranh giới kéo dài mãi về nơi xã thẳm, hòa vào đường chân trời màu xanh. - Nó đổ xuống rồi! Đồ kẻ cướp! Nó đổ xuống đây mà! Chắc mới đổ cách đi độ mươi phút. Bọn trẻ đồng thanh hỏi: - Cái gì đổ hả bác? - Cột hải đăng… Nhưng chẳng hề chi. Chúng ta đã đến nơi rồi. Cái hom phải ở đâu đây… Ở bên cạnh cột hải đăng. Các cháu hãy đi theo bác nào! Giáo sư phấn khởi chạy theo cái ve áo nhảy qua những cái khuyết và vấp vào những sợi chỉ. Karik lóc cóc chạy theo sau. Đến chỗ gấu áo mọi người dừng lại cả. Khu rừng cỏ đang rì rào ở phía trước. Xuyên qua những khoảng trống của cánh rừng họ nhìn thấy một tòa nhà màu vàng. - Hoan hô! – Bọn trẻ sung sướng nắm tay nhau chạy bổ về phía cái hòm. Giáo sư cũng chạy lại, vừa thở hổn hển vừa xoa tay xúc động nói: - Thế đấy! Thế đấy! Cuối cùng đã chấm dứt mọi khổ đau! May mà chúng ta không sợ con ong hoa! Tuyệt thật! Giá như đi bộ thì chúng ta không thể đến cái hòm sớm hơn thế được! Các cháu thấy đấy, cây hải đăng chỉ đổ chỉ một vài phút trước khi chúng ta hạ xuống đất!... – Đúng thế! Dũng cảm – tức là hạnh phúc! Giáo sư xoa tay lên vầng trán hói rồi xúc động nói: - Như vậy, các cháu ơi! Một phút sau đây chúng ta sẽ trở lại to lớn như bình thường. Ở bên bức tường của hòm gỗ này cuộc du lịch đầy nguy hiểm gian truân của chúng ta đã kết thúc. Chúng ta đang đứng bên ngưỡng cửa của thế giới rộng lơn. Nhưng trước khi từ giã cái thế giới nhỏ bé này bác muốn nói với các cháu đôi lời… Các cháu đã nhìn thấy được rất nhiều điều trong ngày qua. Nhưng nói thật với các cháu các cháu chỉ nhìn thấy một phần nhỏ xíu của cái thế giới nhỏ bé này. Các cháu chỉ mới có đọc vài dòng trong quyển sách lớn có tên gọi là “thiên nhiên”. Và bác phải nói là những dòng này chưa phải là những dòng hay nhất đâu. Trong quyển sách “thiên nhiên” còn có những trang khác, đọc nó thì không sao dứt ra được. Các cháu tạm thời chỉ thấy một mẫu tí xíu của thế giới kề cận ta… Thế giới này nhỏ bé, không dễ nhận thấy. Thế nhưng nó lại là một bộ hpận rất quan trọng của thế giới rộng lớn mà ta sống trong đó. Đời sống của nó gắn chặt với đời sống của chúng ta… Ít ra thì cũng chặt chẽ hơn nhiều so với sự hiểu biết của nhiều người. Trong thế giới nhỏ bé này chúng ta có bè bạn và cũng có kẻ thf. Tất cả ta cần phải biết rõ. Rồi một lúc nào chúng ta còn trở lại đây. Chúng ta sẽ đến với một đoàn thám hiểm lớn trang bị từ đầu đến chân và sẽ chiếm lĩnh cái thế giới còn ít được nghiên cứu này. Để làm cuộc viễn chinh đó ta chẳng cần tới chất lỏng làm bé người lại. Chúng ta sẽ đến với các ống kính hiển vi với kiến thức rộng lớn và kinh nghiệm của nhiều nhà bác học. Sự kiên nhẫn là vũ khí của chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ nói kỹ hơn về chuyện này lúc đã trở về nhà rồi. Còn bây giờ chúng ta phải lo chuyện cấp bách nhất hiện nay: lớn trở lại bình thường. Ivan Germogenovich bước lại bức tường của hòm gỗ dán. Ông dòm vào cửa sổ duy nhất, vui vẻ xoa tay nói: - Mọi vật còn nguyên. Chui vào thôi, từng người một các bạn nhé. Các hộp đựng chặt bột làm lớn trở lại ở góc bên phải. Tiến hành đi thôi. Karik và Valia theo nhau chui vào cửa sổ. Giáo sư đỡ cho chúng vào và đã định chui theo đột nhiên một con bướm lấp lánh như có anh kim loại đậu trên thành hồm gỗ dán. Đó là một con bướm rất nhỏ, chỉ lớn hơn giáo sư vài lần thôi. Ivan Germogenovich ngước nhìn con bướm và đứng lặng người đi. - Con bướm Ecophor sâu bướm câu ôliu – Ông thì thầm, cảm động đến nghẹn thở. Ivan Germogenovich nép người vào thành hòm gỗ dán, hồi hộp căng thẳng như một người đi săn thấy con mồi quý hiếm ở gần. Con Ecophor không để ý gì tới giáo sư, bò trên thành hộp qua trước mắt ông. Tim Ivan Germogenovich đập manh. - Đứng lại! – Ông hét to nhảy lên chộp lấy cánh con Ecophor. Con bướm cố giutwj ra và cả hai cùng lăn xuống đất. Con Ecophor giãy giụa, đập cái cánh còn tự do, đạp chân vào ngực giáo sư. Nhưng Ivan Germogenovich không buông nó ra. Ông nằm dưới đất bị con bướm đè lên nưhng vẫn ráng sức lực cố giữ lấy con mồi quý giá. Ông quên hết mọi chuyện trên đời. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Trong tay ông là con Ecophor cây ôliu – loài sâu bướm nhậy rất hiếm ở vùng này, người đại biểu nhỏ bé nhất của bộ bướm cánh vẩy. Làm sao mà con bướm chuyên sống ở vùng ấm áp lại có ở đây, trên thành hòm gỗ dán – điều này giáo sư không kịp nghĩ tới. Ông chỉ nhớ một điều: bộ sưu tập phong phú của ông trong hàng ngũ bướm thuộc họ sâu nhậy có đủ loại bướm phơi cánh dưới kính: cắn thảm, sâu bướm lúa, sâu bướm anh đào, sâu bướm sơn trà… nhưng đến nay vẫn còn thiếu con Ecophor – cây ôliu. Bây giờ thì trong bộ sưu tập của ông sẽ có! - Thôi mà, làm gì mà hăng thế! – Ivan Germogenovich cố thuyết phục con bướm bướng bỉnh đang kéo lê ông trên mặt đất, quyết thoát ra bằng được. - Thôi… đủ rồi mà… Thôi đi mà. ***** Trong khi Ivan Germogenovich vật lộn với con bướm sâu cây ôliu Ecophor thì Karik và Valia đi tới góc phải của hòm gỗ, nơi đặt hộp thuốc lớn trở lại. Dần dần chúng quen mắt với bóng tôi mờ mờ. Chúng nhìn quanh căn phòng trống rỗng với những bức tường trần trụi. Ánh nắng xuyên qua chếch cửa sổ tròn rọi lên sàn. Những hạt bụi vàng quay lộn trong dải nắng và tia nắng giống như con đường sống động. Valia nhìn quanh nói: - Ở đây cũng vui đấy chứ, anh Karik? Karik không đáp. Cậu bước tới góc hòm để cái hộp trắng to như cái rương trên đó có phủ một lớp giấy dầu. Karik nói: - Đây rồi! Cậu leo lên cạnh hộp, gõ chân trần vào tường như đánh trống và chìa tay ra cho Valia. - Nào, em leo lên đây. Svl lêo lên và ngồi xuống bên Karik. Karik hết sức xô cái nắp giấy dầu, khom mình xuống cái hộp và nói: - Em hãy ăn và lớn trở lại đi! Valia nói: - Thế chúng ta không đợi bác Ivan Germogenovich hay sao? - Không… Em biết thế nào không? Chúng mình lớn trở lại trước bác ây đi. Em thử nghĩ mà, lúc ấy sẽ thú vị lắm. Chúng to lớn rồi còn bác ấy thì vẫn bé tí. - Được rồi, em đồng ý đấy! – Valia nói. Cô nhanh nhẹn thò tay xuống dưới tấm giấy dầu lấy ra một nắm bột óng ánh như muối clorua Kali. Cô đưa tay lên môi, mở miệng ra rồi đột nhiên hạn tay xuống quay lại hỏi Karik. - Thế cần phải uống bao nhiêu để lớn trở lại? - Càng nhiều càng tốt! - Thế nhỡ chúng ta lớn quá đi thì sao?... Con gái mà cao như cái tháp thì chẳng hay ho gì! Karik bình tĩnh đáp: - Không sao, cứ ăn đi! – Nếu có lớn quá thì lại uống chất lỏng làm nhỏ lại cho cân. Thế thôi. Xem này, anh ăn đây. Thế đó. Và Karik bỏ một nắm bột vào miệng. - Xong rồi. Valia nuốt một nắm bột rồi nhăn mặt nói: - Chất lỏng làm bé lại ngon hơn… - Đâu có! Cả bột cũng được đấy chứ… hơi chua chua. Karik nhảy xuống sàn và kéo chân Valia. - Bây giờ phải chạy mau ra khỏi chỗ này. - Sao vậy? – Valia hỏi. - Bởi vì ở đây sắp trở nên chật chội đối với chúng ta. - Tại sao chật chội? Karik phát cáu: - Tại sao, tại sao mãi! Bởi vì chúng ta sẽ biến trở lại thành người lớn… ối chà! – Karik kêu lên vì cắn phải lưỡi. Đầu cậu va vào trần. Tiếng gãy răng rẵng vang lên và cái hòm vỡ tan. Cậu nhắm mắt lại, lấy tay dụi rồi lại mở mắt ra. Valia đang đứng trên mặt câu. Cô vẫn thế, không thay đổi chút nào. Nhưng mọi vật xung quanh thì hoàn toàn khác hẳn: những cánh rừng xanh thì biến thành những đám cỏ bình thường. Một cây sào mảnh mai đầu có buộc mảnh giẻ đỏ đã bạc màu vì nắng đang nằm trên cỏ. Những con muỗi lại trở thành con muỗi. Valia nói: - Sướng thật! Anh nghĩ mà xe, bây giờ chả còn sợ muỗi nữa… Đập tay một cái là nó tiêu luôn. Karik vẻ lo lắng ngắt lời cô: - Khoan đã, thế cái hộp thuốc đâu rồi? Chúng nhìn xuống chân. Những mảnh hòm gỗ dán lăn lóc trên cỏ. Giữa đống mảnh gỗ àny là cái hộp bị lật úp, ở bên cạnh là mấu giấy dầu nhỏ xíu. Gió cuống lớp bụi trắng bay trên cỏ. - Đó chính là thuốc bột làm lớn trở lại! Karik hoảng hốt thét lên, nhào xuống bắt các hạt bụi. Nhưng đã muộn rồi. Valia lo lắng hỏi: - Bây giờ biết làm sao đây? Thế bác Ivan Germogenovich sẽ mãi mãi nhỏ bé như vậy hay sao? Không khéo chúng ta dẫm bẹp bác ấy rồi cũng nên. Karik quát mắng cô: - Thì em đừng có lăng xăng! Chưa biết chừng chính em dẫm bác ấy rồi. Valia đứng sững một chỗ. Karik ngồi xổm xuống, xòe tay như cái lược rẽ đám cỏ mát rượi ra. Nhưng tất cả chẳng mang lại kết quả gì. Valia nói: - Anh Karik ạ, chắc bác ấy ở gần đây và nghe thấy tiếng chúng ta gọi! Anh hãy nói để bác ấy tự bước ra. Karik đồng ý: - Phải đấy! Cậu tìm thấy trong đám gỗ vụn một mảnh ván n hỏ và nhẵn nhụi, phủi hết bụi rác ở trên rồi đặt nó lên một chỗ bằng phẳng. Sau đso cậu nói nhỏ nhưng rành rọt: - Bác Ivan Germogenovich ơi! Bác có nghe thấy chúng cháu nói không? Bác hãy bước ra bãi trống này. Đây, nó đây này! – Cậu gõ ngón tay lên miếng gỗ - Bác đừng sợ chúng cháu không động đậy đâu. Mấy phút trôi qua. Bọn trẻ ngồi không động đậy, cúi đầu ngó xuống mảnh ván. Đột nhiên trên mảnh gỗ dán màu vàng xuất hiện một cái gì như con muỗi mắt. - Bác ấy đó! – Valia thở ra nói. - Khoan đã – Karik thì thầm – em đừng có thở ầm ầm như máy hơi nước ấy. Không khéo làm bay bác ấy khỏi tấm ván mất. Karik nin thở cúi sát xuống mảnh gỗ. Cậu nín thở chăm chú theo dõi nhân vật nhỏ xíu đang chạy tới chạy lui trên bờ cạnh vạn, Karik lấy tay che miệng nói: - Đúng bác ấy, bác Ivan Germogenovich của chúng ta đó. Valia thì thầm: - Xem kìa, xem kìa! Anh thấy không, bác ấy đang động đậy cái tay kìa… Chẳng lẽ chúng mình cũng đã từng bé tí vậy ao? Karik đáp: - Thậm chí còn bé hơn nữa ấy chứ. Đừng nói chuyện nữa. Ngồi im đi. Valia thậm chí ngưng thở. Khi tất cả đều im lặng, bọn trẻ nghe thấy tiếm chiếm rất nhỏ - còn nhỏ hơn cả tiếng muỗi. - Bác ấy nói cái gì đó! – Karik thì thầm và ghé sát tai vào miếng ván. - Bác ấy nói gì vậy? - Chịu không sao hiểu được! Trong khi đó giáo sư nhảy từ miếng ván xuống đất và biên mất trong đám cỏ. - Bác ấy đi rồi! - Đi đâu thế? - Chắc có việc cần. Cứ ngồi đợi đi. Một lát sau ông lại xuất hiện. Lần này không chỉ có một mình ông. Valia nói: - Xem kìa! Xem kìa! Có con gì đó tấn công bác ấy kìa. Bọn trẻ khom mình trên miếng ván nhưng dù chúng đã căng mắt ra nhìn vẫn không sao hiểu nổi được: chính bác Ivan Germogenovich lôi com bướm đi hay con bướm lôi bám lấy ông không cho ông lên mảnh ván. Com bướm đập cánh giẫy giụa làm giáo sư ngã lăn ra. Valia nói: - Chúng ta phải giúp không có cái con bướm chết tiệt này ăn thịt bác ấy mất. Giáo sư vùng vẫy ở bờ miếng gỗ dán vửa lí nhí kêu gì đó. - Anh Karik! Anh có nghe thấy không?... Đó là bác ấy kêu: “Giúp tôi với! Giúp tôi với!”. Valia chìa tay phía con bướm. Karik cản em lại: - Khoan đã, hình như bác ấy nói cái gì đó nữa! Nhưng Valia đã tóm lấy con bướm, vung tay ném nó đi chỗ khác. Sau đó cô nhắc tấm ván có giáo sư lên sát tận mắt nhìn rồi nói: - Hình như bác ấy bực tức điều gì đó! Chắc là con bướm làm bác ấy một trận tơi bời. Giáo sư giơ tay cao lên trời, chạy lăng xăng trên miếng ván và nói lí nhí gì đó. Ông lấy tay ôm đầu, dậm những cái chân nhỏ xíu. Valia nói: - Bác đừng sợ! Nó không đụng đến bác nữa đâu. Cháu giết nó rồi! Nhưng điều đó không làm giáo sư dịu đi. Ông lại vung tay mạnh hơn nữa và hình nưh còn nhổ nước miếng mấy lần. Thấy rõ Ivan Germogenovich giận dữ lắm. Valia an ủi giáo sư: - Thôi được rồi! Để cháu tìm nó và giẫm nát nó ra cháu sẽ cho nó biết bắt nạt những người nhỏ hơn thì sẽ bị trừng trị ra sao. Nghe thấy những lời đó, Ivan Germogenovich ôm lấy đầu bước loạng choạng rồi đột nhiên nhảy lên tưng tưng vừa la hét chiêm chiếp dữ dội đến nổi Karik hiểu ngay rằng giáo sư có điều gì quan trong muốn nói. Valia hét lên: - Cháu sẽ dẫm nát nó ngay bay giờ. Karik thì thầm nói - Em đừng có hét lên thế! Em làm bác ấy điếc mất thôi. Bác ấy bé lắm mà. Thôi, đưa bác ấy cho anh. Karik nâng niu giáo sư xuống lòng bàn tay rồi đưa sát lên tai. Cậu nghe thấy tiếng nói yếu ớt của Ivan Germogenovich: - Ecophor, con Ecophor độc nhất!... một cái mẫu hiếm như vậy!... hiếm như vậy!.... Karik thì thầm: - Bác ấy nói về con Ecophor gì đó! Valia khẽ đáp: - Đó chắc là tên gọi thuốc bột đó. Mà thuốc bột thì chẳng còn gì nữa… Karik nhìn vào lòng bàn tay chậm rãi nói từng lời: - Bác Ivan Germogenovich ơi, biết làm sao bây giờ? Gió cuốn tất cả chỗ bột thuốc đi mất… Chúng cháu đâu có lỗi… Rồi cậu lại đưa bần tay lên sát tai. - Cái đó không sao cả! – Ivan Germogenovich nói lí nhí rất khó nghe – Trong phòng thí nghiệm của bác còn vài gam thứ bột đó… Đưa bác về nhà… Nhưng trước hết phải tim con Ecophor đã… Nó ơ đây thôi…Trên cỏ đó… Karik hỏi: - Thế Ecophor là cái gì ạ? Ivan Germogenovich lí nhí nói: - Ecophor là con bướm thuộc nhó sâu nhậy…chỉ có ở miền nam thôi… Ở miền này những con bướm ấy cực kỳ hiếm thế mà Valia lấy mất của bác… Bắt nó phải tìm lại ngay. Karik nói: - Này Valia, đi tìm Ecophor. Tự em đã ném cái của hiếm ấy đi thì bây giờ lo mà kiếm lại. Valia cúi xuống, sờ soạng và túm lấy cánh, giơ cao con bướm đã gần chết lên. - Có phải con này không bác? – Karik vừa hỏi vừa chỉ vào con bướm. Ivan Germogenovich vui sướng reo lên: - Đúng nó đấy! mang nó về nhà cho bác. Có điều bác xin các cháu cẩn thận hộ cho… đừng có chập hai cánh lại với nhau. Karik hỏi: - Về nhà chúng cháu phải đi theo hướng nào ạ? - Cháu cứ đi thẳng đến cái ao đừng rẽ đi đâu cả. Sau cái ao cháu sẽ thấy đường cái về thành phố. Chỉ có một con đường về thành phố thôi mà. Karik ngắt một chiếc lá mã đề rất to, khéo léo cuốn lại thành cái phễu rồi thận trọng đặt xuống đáy phễu nhà bác học vĩ đại Ivan Germogenovich Enotov. Cậu nói với Valia: - Nào, bây giờ thì chạy về nhà thôi. Nhưng em cẩn thận đấy, đừng có làm mất con Ecophor. - Khoan đã… Chúng ta cứ trần truồng thế này về thành phố sao được! Karik tỏ ý coi thường: - Cần quái gì! Valia nói: - Karik, không, em không đi thế này đâu! Kỳ lắm! Karik ngạc nhiên: - Sao lại kỳ? - Tại vì em gầy quá! Xương sống xương sườn cứ phơi ra hết thế này thì người ta cười cho. - Không sao đâu, ta chạy thật nhanh vào. Valia lắc đầu lìa lịa: - Dứt khoát không được, phải mặc quần qao vào đã. Valia nhặt cái áo sơ mi nhàu nát ở dưới đất rồi khoát lên mình. - Có gì khác hình nộm. Em thử tự ngắm mình xem có ra cái gì không? Cái áo sơ mi của Ivan Germogenovich. Valia mặc dài đến tận gót. Ống tay áo thì đến đầu gồi. Nhưng dù sao cũng có quần áo. Valia xắn tay áo lên và vận áo sơ mi như cái váy. Valia không để ý đến sự chế nhạo của Karik, hỏi cậu: - Thế còn anh thì sao? Anh cũng lấy cái quần áo nào của bác Ivan Germogenovich mà mặc vào chứ! Karik đành phải mặc cái quần dài của giáo sư vào. Cậu kéo cái quần lên tận cổ. Valia tán thưởng: - Rất đàng hoàng! Karik bơi trong hai ống quần. Cậu đi được vài bước thì vấp ngã. May mà cậu kịp giơ cao cái tay đang nắm giáo sư ở trong. Nếu không thì có lẽ đã tuột mất hoặc đè bẹp Ivan Germogenovich rồi. - Phải xắn quần lên! – Valia khuyên anh và giúp cậu sửa sang lại. Karik làm theo như vậy. Cuối cùng việc chuẩn bị đã xong. Karik cầm lấy tay em và cả hai tựa như đã hẹn trước, đồng thành cất tiếng hát: Hãy tiến lên – Kèn đang gọi lên đường. Hỡi các bạn trẻ dũng cảm. Hãy ngẩng cao đầu và chân đi đều bước. Như những đại bàng cánh lướt trời mây. Phía sau cái ao là con đường trải nhựa thằng tắp như mũi tên. Con đường dẫn về phía thành phố. 
Chương Kết - CUỘC TẤN CÔNG BẤT NGỜ - MÔN SINH VẬT HỌC DÙNG ĐƯỢC VIỆC – TRỞ LẠI NHÀ – NIỀM VUI VÀ NỔI XÚC ĐỘNG CỦA GIÁO SƯ ENOTOV – NHỮNG LỜI ĐỒN ĐẠI HOANG ĐƯỜNG VỀ VOI VÀ RUỒI   Khi Karik và Valia bước vào đường phố thì trời đã tối. Những ánh lửa vàng chiếu sáng trên cửa sổ các căn nhà. Đường phố vắng tanh. Ở đâu rất xã có tiếng trẻ con la hét. Chắc hẳn chúng đang chơi trò kỵ binh Kozak đuổi bọn cướp. Một vầng sáng đèn điện màu xanh lơ chiếu xuống khu vườn rẩm rạp mang tên “Vườn quốc tế cộng sản”. Tiếng ca nhạc âm vang, những cái đu kêu cót két. Mọi người đang cười nói ầm ĩ trong vườn. Tiếng chuông reo vui vẻ và tiếng kèn vang lên như vẫy gọi. Karik lắng nghe rồi nói: - Có cuộc vui ở vườn hoa. Như vậy hôm nay là ngày nghỉ. Valia hỏi: - Thế chúng mình mất tích hôm nào? - Lâu lắm rồi. Valia thở dài: - Chắc độ hai tuần lễ. Thế mà cứ tưởng như mấy năm trôi qua. Vườn hoa cách nhà không xa lắm. Valia đề nghị: - Chúng ta chạy đi nào! - Đồng ý! Nhưng chúng vừa mới chạy được mấy bước thì từ dưới cổng một ngôi nhà lớn có một con cho tai rách, chân cong, lông lấ xù xì nảy xổ ra. Nó sủa váng lên, lao vào Karik và Valia định cắn chân chúng. Karik ném một hòn đá vào con chó. Con chó rít lên cụp đuôi lại lẩn vào trong cổng. Có ai đó hét lên ở trong cổng. - Ê, anh đánh con Tuzik của tao thế? Cánh cổng kể cót két. Một đám trẻ con chạy ra phố. Karik và Valia dừng lại. Một tay giữ quần cho khỏi tụt xuống, tay kia nắm gói lá trong có giáo sư giơ cao lên trên đầu. Karik nói: - Đừng để cho Tuzik của các cậu cắn người. Bọn trẻ tiến lại gần vây chặt lấy Karik và Valia. Một thằng bé mặc ái ghi lê, đút sâu hai tay vào túi tận khuỷu hùng hổ nhổ nước miếng ngắm Karik và Valia từ đầu đến câhn. Nó hỏi giọng nhạo báng: - Người nào thế này? Ở đâu ra những người thế này trong phố của ta nhỉ? Valia rụt rè nói: - Chúng tôi là khách du lịch! Bọn trẻ ồ lên cười. Một đứa kêu lên: - Nó theo mẹ du lịch ở ngoài chợ ấy! - Ấy, sao lại nói thế? Đây là con gái của chính bà hải cẩu bị trôi giạt trên mảnh băng cùng với những người trú đông đấy mà. - Làm gì có chuyện ấy! Nó du lịch dưới gầm bàn ấy mà! Karik cau mày. Cậu ghếch một chân lên trước rồi nói: - Nào, có tránh ra không thì… - Không thì sao? - Lúc đó mày sẽ biết. Bọn trẻ bắt đầu giựt áo sơ mi trên người Valia và quần dài trên người Karik. Valia thút thít khóc: - Thôi đi nào, chúng tôi cần về nhà ngay. Chúng tôi vắng nhà đã lâu rồi. Thằng bé mặc ghi lê hỏi: - Chúng mày ở đâu về thế? - Chuyện ấy không liên quan gì đến mày! – Karik nói. - Nhất định có liên quan chứ. Ở vườn rau nhà tao vừa bị mất hai hình nộm: một hình nộm mặc áo sơ mi, còn hình nộm kia mặc quần dài! Bọn trẻ cười cồ cả lên. Một đưa hết to: - Này các cậu ơi! Lôi chúng ra vườn rau để đuổi chim đi. Karik dũng cảm nói: - Nào, cứ thử xem nào! Cậu giơ nắm tay có giáo sư ở trong, trợn mắt thét lên một tiếng khủng khiếp: - Microgaster Nemorum! Bọn trẻ ngơ ngác nhìn nhau. Valia thét lên: - Triungulina! Karik, rít qua kẻ răng: - Carabus! Một đứa trong bọn trẻ kêu lên sợ hãi: - Trời ơi! Mấy đứa điên! Và cả bọn kéo nhau chạy tản đi mất. Trong bóng tối thấp thoáng những vạt áo trằng, bên phải bên trái tiếng đóng cửa ầm ầm. Trong chớp mắt đường phố lại vắng tanh. Karik thở hổn hển nói: - Đấy, em thấy không, môn sinh vật học cũng có lúc dùng được việc cho ta đấy chứ… Còn bây giờ phải chạy mau về nhà để khỏi gặp ai nữa.. Có lẽ chúng mình cũng giống như hình nộm thật đấy. Karik và Valia chạy như bay, bên tai gió rít vù vù. Nhà cửa, vườn tược, đường phố - tất cả đều lướt qua như trong phim chiếu bóng. Bọn trẻ theo đà chạy lao vào trong sân nhà. Valia thở hổn hển hỏi: - Anh không đánh mất bác Ivan Germogenovich đấy chứ? Karik thận trọng hé mở gói lá ra. - Bác ấy vẫn còn đây, đang ngồi! Sân nhà không một bóng người. Bon trẻ ngẩng đầu, nhìn rất lâu vào những cửa sổ đèn sáng tầng hai. Qua rèm cửa thấy bóng ai đó – bà hay là mẹ - đi từ cái bàn đến tủ bát đĩa. Valia thì thầm: - Đang chuẩn bị ăn chiều. Karik nói: - Thế thì chúng ta đã về đúng bữa! Đi nào! - Chao ôi! Anh Karik! Em sợ lắm… Mẹ sẽ mắng cho một trận. - Thế mà cũng nói! Chả lẽ mẹ đang sợ hon con ong vẽ ư? Bọn trẻ xô đẩy nhau chạy lên cầu thang, dừng lại trước căn hộ số 39. Karik vội vã ấn chuông màu trắng. Tiếng chuông vang lên sau cửa. Sau chừng nữa phút – bọn trẻ tưởng chừng như hàng thế kỷ - nghe thấy tiếng bước chân vội vã. Cái xích cửa kêu loảng xoảng. Cánh cửa mở ra. Mẹ đứng trên ngưỡng cửa. - Các con đấy ư? – mẹ kêu lên và òa ra khóc – Các con yêu quý của mẹ, cho mẹ ông lấy nào! Mẹ hôn các con chùn chụt và xiết chặt chúng trong vòng tay. Valia vùng vẫy kêu lên: - Mẹ ơi, khoan đã nào! Mẹ làm bẹp bác Ivan Germogenovich mất. Mẹ càng khóc to hơn và nói: - Valia ơi, con làm sao thế? Karik nghiêm trang nói: - Khoan đã mẹn, mẹ đừng có khóc. Tốt hơn là mẹ hãy đưa cho con một cái ly nhỏ sach. - Một cái ly nhỏ? Karik gật đầu. - Đúng thế! Để con đặt bác Ivan Germogenovich vào đó, không thì con sợ đánh rơi bác ấy mất. Mẹ đập hai tay vào nhau: - Trời ơi, cả hai đưa điên mất rồi! Làm sao thế hả trời? Xô vào những cái ghế, hất chúng ngã xuống sàn, mẹ chạy lại bên máy điện thoại nhấc ống nói lên, giọng đầy nước mắt: - Xe cấp cứu! Nhanh lên! Ngay lập tức. Cái gì thế? Địa chỉ nào cơ chứ? À, địa chỉ của chúng tôi ấy à? Karik giằng lấy ông nói từ tay mẹ rồi nói: - Khoan đã mẹ, bác ấy chỉ cần một cái ly thôi mà mẹ gọi cả một cái xe cấp cứu… Cái đó có ích gì? Rồi bác ấy sẽ lạc trong xe và lang thang cả năm trời trong đó mất… Tốt nhất mẹ đưa con cái ly nhỏ. Mẹ sợ hãi bước lùi lại. Bà sực nhớ ra là đối với người điên thì phải theo ý họ, không nên làm họ giận dữ. Bởi vậy bà lẳng lặng lấy cái ly ở trong tủ ra đưa cho Karik, mặt đầm đìa nước mắt. Bà nén thở chờ đợi xem Karik sẽ làm gì. Trong khi đó cậu bé trải cái lá mã đề đã nhàu nát ra, đặt cái ly nằm nghiêng rồi nói: - Bác Ivan Germogenovich ơi! Bác chuyển sang cái lâu đài pha lê này đi! Đột nhiên mẹ nhìn thấy trên mặt lá có một “con sâu” đi hai chân chạy rất nhanh vào trong cái ly. Karik từ từ nâng cái ly đứng trở lại rồi đặt lên bàn. - Bác ở đó có tiện không ạ? Cậu hỏi rồi sau đó ghé sát tai vào miệng ly. Trong ly có tiếng chiêm chiếp. Karik nói: - Vâng ạ! Cháu sẽ đậy chiếc khăn sạch lên lâu đài pha lê và đút một nhúm bông vào cho bác làm đệm. Bây giờ bác cứ nghỉ đi. Mẹ mỉm cười qua hàng nước mắt: - Bây giờ thì mẹ hiểu rồi. Lại một trò chơi mới chứ gì. Thế còn con sâu mà con bỏ trong ly là con gì vậy? Karik tức giận: - Con sâu à? Mẹ nói hay thật đấy!... Sao mẹ dám gọi nhà bác học là con sâu? Mẹ cười vui: - Mẹ hiểu rồi, trong trò chơi của con thì gọi nó là nhà bác học chứ gì. - Không phải trong trò chơi mà trong cả nên khoa học của thế giới… cũng không phải là “nó” mà là “bác ấy”. - Thôi được, đưa mẹ xem nào! Mẹ cúi khom mình nhìn vào cái ly. Bà tưởng sẽ trông thấy một con côn trùng nào đó. Đột nhiên bà kêu thất thanh: - Con vật… hình người! Karik nói: - Không phải là vật hình người đâu mẹ ạ. Đó là vị giáo sư của chúng ta, bác Ivan Germogenovich. Bác ấy chế ra một chất lỏng biến bác ấy thành bé lại như vậy. Chúng con cũng đã được biến thành hỏ như vậy. Sau đó chúng con ăn một thứ bột kỳ diệu và lớn trở lại. Nhưng thứ bột đó không đủ cho bác Ivan Germogenovich. Tuy nhiên ở trong phòng làm việc của bác ấy thì vẫn còn thứ bột đó. Chúng con bay agiờ sẽ đưa bác ấy lại đó để bác to trở lại. Mẹ kinh ngạc nghe bọn trẻ nói và cuối cùng hiểu ra rằng các con bà không bị điên. Bà nói: - Các con ạ, nhưng mà căn nhà của bác Ivan Germogenovich được công an niêm pong lại rồi. Chúng ta sẽ phải đợi tới sáng. Con nói với bác ấy như vậy đi. Karik nói rõ nhưng rành rọt tất cả những điều đó giáo sư nghe. Ivan Germogenovich vui vẻ lí nhí nói: - Không sao đâu cháu Karik ạ! Bác ở đây cũng tốt chấn… Ta sẽ đợi đến sáng mai. Karik ngẩng đầu lên nói với mẹ: - Chúng ta sẽ đợi đến sáng. Trong cái ly có tiếng chiêm chiếp. Karik lắng nghe rồi nói: - Mẹ ngồi xuốgn đây đi. Bác Ivan Germogenovich bảo con kể lại cho mẹ nghe hết mọi chuyện… Mẹ ngoan ngoãn ngồi xuống. Karik hắng giọng, chậm rãi kể lại những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của ba khách du lịch trên mặt đất và dưới mặt đất, trên mắt nước và dưới mặt nước, giữa trời và đất, trong không khí, trong rừng cây trên núi và trong các hang động. Và cả ba người trong câu chuyện kể đã lập nên những chiến công: họ đã chiến đấu dũng cảm, đã bơi trên biển, bay trong không trung và chui xuống những hang sâu tối đen. Mẹ vừa nghe Karik kể vừa lắc đầu sụt sịt khóc. Đôi khi mẹ cũng cười vui, nhưng thường thì mẹ lặng người không dám thở, mở to mắt vì hồi hộp sợ hãi. Mẹ lấy khăn tay chùi nước mắt rồi nói: - Các con tội nghiệp của mẹ! Các con phải trải qua biết bao nỗi gian truân khổ sở. Lát nữa bà về nghe chuyện bọn con chắc sẽ kêu trời lên vì ngạc nhiên. Karik nói: - Mẹ à, con nghĩ không nên kể cho bà nghe về những cuộc phiêu lưu của chúng con. Mẹ suy nghĩ một lát rồi mỉm cười: - Con nói có lý – mẹ nói – bà già yếu rồi, nghe những chuyện như vậy chắc là có hại. Mẹ sẽ nói với bà là các con ở chơi đằng bác Pjotr Andrejevich… Bây giờ các con muốn ăn gì nào? Valia nói: - Mẹ ơi, bây giờ thì bọn con ăn hết mọi thứ, gì cũng ngon cả. Mẹ lo tíu tít. Tiếng chén bát khua vang. Lửa reo vui trên bếp hơi. Trong khi bọn trẻ tăm rửa thay quần áo, mẹ dọn thức ăn lên bàn. Trên bàn có món trứng rán với giăm bông, thịt gà luộc để nguội, rau xà lách, phó mát và một núi bánh mì thơm tho mềm mại. Mẹ đứng trước tủ đồ ăn lưỡng lự hồi lâu rồi mở cánh cửa tủ bằng kính, lấy ra một chai rượu sẫm có hàng chữ vàng ở trên đề “Rượu vang”. Mẹ nói: - Thoi cũng được. Nhân dịp này cho các con uống một chút vang pha với nước nóng cũng không sao. Khi các mon ăn đã dọn xong, mọi người ngồi xuống quanh bàn. - Thưa bác Ivan Germogenovich! Xin mời bác ngồi vào bàn! – Karik nói và trịnh trọng đặt chiếc ly có giáo sư ở trong khoảng giữa chiếc đĩa ăn của cậu và của Valia. Karik cắt một mẫu phó mát và bỏ vào trong lý rồi nói: - Xin mời bác ăn. Trong ly có tiếng chiêm chiếp. - Bác ấy xin bánh mì đấy! Làm sao mời bác Ivan Germogenovich uống rượu vang đươc bây giờ? Karik đứng phắt dậy kêu lên: - Con biết rồi, chúng ta đổ rượu vào cái vỏ đạn. Cậu chạy vào phòng lấy ra một cái vỏ đạn súng trẻ con bằng giấy. Mẹ rót một giọt rượu vang vào đó rồi Karik thận trọng đặt nó xuống đáy ly. Một lát sau mỗi người ăn uống rất vui vẻ. Karik nâng cái ly nước nóng co hòa chút rượu vang lên và nói: - Cháu xin chúc sức khỏe bác Ivan Germogenovich! Valia kêu lên: - Chúc mừng cuộc du lịch của chúng ta! Mọi người chạm cốc rồi cùng nhau ăn uống. Giáo sư cũng không bỏ phí thời gian. Ông ăn phó mát và uống rượu vang. Một lát sau mọi người đi ngủ. Karik và Valia thở đều đặn trên giường nệm trắng tinh. Giáo sư cuộn mình trong miếng bông ngủ ngon lành. Lần đầu tiên sau nhiều ngày, giấc ngủ của họ mới trở lại bình yên. Không có gì đe dọa họ nữa. ****** Ngày hôm sau Ivan Germogenovich ngồi trong phòng làm việc của mình như không hề có chuyện gì xảy ra. Mười phóng viên chụp ảnh giáo sư ghi vào sổ tya những cuộc phiêu lưu kỳ diệu của ông. Ít lâu sau trong một tạp chí nọ in một bài báo tuyệt diệu cùng với ảnh của giáo sư kể về mọi chuyện này. Có ai đó tung tin đồn tựa như giáo sư Enotov học được cách biến con voi thành con ruồi. Sau đó người ta lẫn lộn lung tung lại nói rằng: “Ông ta làm con ruồi thành con voi”(1). Nào ai biết được! Biết đâu chẳng có một ông giáo sư làm con ruồi thành con voi. Nhưng tôi không biết gì hết nên chẳng dám nói. Bởi vì tôi không thích viết về những chuyện mà chính mắt tôi chưa thấy bao giờ. Dịch theo nguyên bản tiếng Nga (Nhà xuất bản Thiếu Nhi Leningrat 1957) Chú thích: (1) Trong tiếng Nga có thành ngữ: “Làm con ruồi thành con voi” ý nói sự việc bé xé ra to. Ở đấy tác giả có ý đùa nghịch chơi chữ. (ND) HOÀN TẤT    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét