XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Dự án phá đập lớn nhất lịch sử

Hệ thống sông Klamath dài khoảng 659km đã bị chặn trong một thế kỷ qua, nay đứng trước cơ hội được giải phóng. Dòng sông và các loài động thực vật của nó chắc chắn sẽ quay trở lại.

Một con đập trên sông Klamath
Một con đập trên sông Klamath

Rất nhiều quốc gia đang gia tăng tốc độ phát triển thủy điện, trong khi ở một số quốc gia khác, nơi “thấm thía” cái giá phải trả khi xâm hại tự nhiên, người ta đang dỡ bỏ nhiều con đập, trả lại sự phát triển tự nhiên của các dòng sông, môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh.
Đập Glen Canyon bắt đầu hình thành bằng một vụ nổ và đó là dấu hiệu báo trước dòng sông Klamath chảy từ bang Oregon tới California của nước Mỹ rồi đổ ra Thái Bình Dương. Nó được coi là dòng sông ven biển quan trọng nhất, có vai trò sống còn đối với các loài cá di cư như cá hồi và cá hồi cầu vồng.

Trả lại dòng chảy tự nhiên

Ngày 11/4/1956, Quốc hội Mỹ thông qua việc xây dựng đập trên sông Klamath và 7 tháng sau đó, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Dwight D. Eisenhower nhấn nút từ phòng Oval trong Nhà Trắng ở thủ đô Washington, truyền tín hiệu kích hoạt các khối thuốc nổ đặt dọc theo thung lũng ngoằn ngoèo.
Một khu vực rộng lớn vốn yên tĩnh của biên giới phía bắc bang Arizona nay trở nên bụi bặm, ồn ào. Công nhân được lệnh đào một đường cống ngầm nắn dòng chảy của sông Colorado trong khi nhóm khác xây chân đập. Hồ chứa Powell khổng lồ hình thành phía sau con đập cao hơn 216m.
Sừng sững tồn tại hơn nửa thế kỷ, đập Glen Canyon đã khiến dòng sông biến đổi rất nhiều nhưng đó là thời kỳ thủy điện còn được ưa chuộng. Tuy đập Glen Canyon không phải là đập đầu tiên trên sông Klamath, nhưng nó thuộc hàng lớn nhất.
Theo tạp chí National Geographic, ngày nay, các đập thủy điện khắp nước Mỹ đang vấp phải sự giận dữ của công chúng và đầu tháng 4/2016, dự án phá bỏ đập lớn nhất trong lịch sử đã được các cơ quan hữu quan Mỹ phê chuẩn. Các quan chức liên bang, chính quyền bang Oregon và California và Tập đoàn PacifiCorp đã ký những thỏa thuận song phương mở đường cho dự án gỡ bỏ bốn đập thủy điện trên sông Klamath, trong đó có Glen Canyon.
“Đây chắc chắn là dự án gỡ bỏ đập và khôi phục sông lớn nhất và đáng kể nhất từ trước tới nay”, Steve Rothert, Giám đốc vùng California của tổ chức Các dòng sông Mỹ, nói.
Trên toàn nước Mỹ, hơn 1.300 con đập đã bị phá bỏ, tính tới thời điểm năm 2015. Trên sông Elwha thuộc địa phận bang Washington, hai đập thủy điện Elwha và Glines Canyon bị phá hủy trong thời gian từ 2011 tới 2014. Trong khoảng thời gian 2011-2012, đập Condit biến mất khỏi dòng sống White Salmon.
Khi các con đập bị dỡ bỏ, các dòng sông hồi sinh, kéo theo sự hồi sinh của nghề cá. Việc phá bỏ đập phản ánh sự chuyển biến rộng lớn hơn trong cách người Mỹ đối xử với các dòng sông của họ: con sông được xem là quan trọng hơn nhiều so với quan niệm trước đây khi nó chỉ là dòng chảy có khả năng phát điện, phục vụ nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế.
Từ xa xưa, hệ thống sông Klamath phía thượng nguồn con đập Glen Canyon là nơi dung dưỡng từ 10.000 - 149.000 con cá hồi Chinook sinh sản tự nhiên và khoảng 18.000-30.000 con cá hồi cầu vồng mỗi năm. Theo chuyên gia Rothert, Klamath là nguồn cá quan trọng thứ ba của khu vực bờ Tây nước Mỹ, sau các sông Columbia và Sacramento.
13-41-18_1 Cá hồi Chinook bị các con đập chặn lại và không thể quay lại đại dương. Số lượng của chúng đang sụt giảm
Tuy nhiên, các con đập trên hệ thống sông Klamath đã chặn đường di chuyển của cá trong gần một thế kỷ qua, đẩy nhiều bộ lạc địa phương vào khốn khó khi cá là nguồn thực phẩm quan trọng của họ trong cả ngàn năm qua. Và những con cá sống sót trên sông tiếp tục suy giảm số lượng trước sự phát triển của các loại tảo độc, bùng nổ vì sông chảy chậm lại, vì nước sông ấm thêm, vì các loại bệnh tật phát sinh.
“Đối với tôi, đó là bất công đối với môi trường”, Chủ tịch Hiệp hội các bộ lạc Klamath Don Gentry nói. “Nhiều người được hưởng lợi từ các hoạt động đầu tư phát triển cũng như biến đổi, còn tài nguyên thiên nhiên và các bộ lạc của chúng tôi thì chịu mọi hậu quả. Khôi phục lại dòng chảy, khôi phục lại dòng sông, nghề cá là điều đúng đắn hơn cả”.
Theo các điều khoản mới được thông qua, các con đập sẽ dần bị gỡ bỏ và hoàn tất vào năm 2020, giải phóng hơn 670 km đường sông, môi trường thủy sinh. Người ta tính toán rằng số lượng nhiều loài cá trên sông sẽ tăng 80%.
“Và nếu nhìn từ góc độ du lịch, giải trí, giải phóng con sông có nhiều ý nghĩa to lớn”, Dave Steindorf, Giám đốc vùng California của tổ chức American Whitewater, hoạt động phi lợi nhuận vì sự phát triển các dòng sông ở Mỹ, nói.

Phá bỏ rẻ hơn duy trì

Các dự án phá bỏ đập ở Mỹ đã được thực hiện cực kỳ hiệu quả. “Tôi nghĩ rằng mọi người đã khá ngạc nhiên với những gì diễn ra ở cửa sông Elwha”, Mike McHenry, nhà môi sinh học chuyên nghiên cứu vùng hạ du sông Elwha, nói.
Khi các con đập bị dỡ bỏ, các chất trầm tích từng kẹt lại phía trên con đập nay được giải phóng, chỉ qua một đêm, môi trường trầm tích từ dạng hỗn hợp nước nhiều sỏi, cát do dòng chảy bị chặn quẩn lên, nay chảy hiền hòa hơn, các đám trầm tích tụ lại dạng sỏi nay tan thành cát, tạo thành một môi trường nước lý tưởng giúp cá hồi dễ dàng chuyển đổi môi trường từ nước mặn sang nước ngọt, là tiền đề cho nhiều hồi phục môi trường khác.
13-41-18_3 Đập Glen Canyon sẽ bị phá bỏ
John Seebach, Phó Chủ tịch tổ chức Các dòng sông nước Mỹ, nói nỗ lực gỡ bỏ các con đập cho thấy “sự tiến bộ trong hệ thống các giá trị Mỹ”.
Theo ông, nước Mỹ từ một kỷ nguyên tập trung chủ yếu vào nuôi dưỡng, thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc đẩy mạnh cung cấp nước và điện năng, chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Theo đó, nhận thức về môi trường ngày càng sâu sắc của người Mỹ đã dẫn đến kết quả là hàng loạt bộ luật về môi trường được thông qua, ví dụ như Luật về Các loài đang gặp nguy hiểm. Luật này cho phép thực thi nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, môi sinh của cá hồi và giúp chúng cũng như nhiều loài sinh vật khác khỏi sự diệt vong.
Việc gỡ bỏ các con đập còn mang cả yếu tố kinh tế, khi chúng không còn nhiều giá trị, tính theo thời điểm hiện nay.
Các nhà lập pháp Mỹ yêu cầu các con đập phải trải qua quá trình cấp phép nhiều lần, định kỳ và tại thời điểm nào đó, chúng đều phải đáp ứng các chuẩn mực về môi trường mới được phép hoạt động. Với đập trên sông Klamath và nhiều đập khác, phá hủy chúng còn rẻ hơn là cố cải thiện chúng bằng việc đầu tư thêm xây các lối đi cho cá và nhiều nâng cấp khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét