XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Nhà Tây Sơn sụp đổ và những câu sấm Trạng Trình

tayson.jpg
GS  Cao Ngọc Lân
1. Bức tranh toàn cảnh nhà Tây Sơn
Vào thời điểm vinh quang nhất của phong trào Tây Sơn trong công cuộc thống nhất đất nước 1786 – 1787 mà Nguyễn Huệ là người tiêu biểu nhất thì phong trào Tây Sơn đã bị Nguyễn Nhạc phong kiến hóa, phân phong làm ba khu vực cai quản đất nước. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự mâu thuẫn giữa anh em vua Thái Đức, khiến kẻ địch lợi dụng ngay lập tức. Ở phía Bắc, họ Trịnh ngóc đầu dậy rồi Nguyễn Hữu Chỉnh ra sức hoành hành. Ở phía Nam, Nguyễn Ánh cũng nhân cơ hội lực lượng Tây Sơn bị chia sẻ để quay trở về đánh lại Gia Định (tháng 7 năm 1787).
Người em Đông Định Vương Nguyễn Lữ hèn yếu, chưa đánh nhau với địch đã bỏ chạy về Biên Hòa, bỏ Gia định cho Phạm Văn Tham giữ. Sau đó, Nguyễn Lữ lại chạy luôn một mạch về Quy Nhơn rồi ốm và qua đời khiến vua Thái Đức mất một chỗ dựa về tinh thần. Mặc dù tháng 10 năm 1787, ông đã điều Nguyễn Văn Hưng vào tiếp viện cho Phạm Văn Tham, nhưng sau khi hai người vây đánh Nguyễn Ánh ở Mỹ Lung không hạ được nên Nguyễn Văn Hưng tự ý rút quân về Quy Nhơn. Mặc dù Nguyễn Văn Hưng tự ý rút nhưng Thái Đức hoàng đế không trừng phạt tướng này cho thấy Thái Đức không còn quyết tâm và đủ nhuệ khí với chiến trường Nam bộ nữa, hoàn toàn phó thác cho Phạm Văn Tham. Những diễn biến sau này từ chiến trường Nam bộ cho thấy đây là sai lầm lớn của ông.
Không có người hợp sức, Phạm Văn Tham bị đơn độc và dần dần trở nên yếu thế trước lực lượng ngày càng lớn mạnh của Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh chuyển từ phòng ngự sang tấn công. Tới tháng 8 năm 1788, thành Gia Định mất, Phạm Văn Tham phải bỏ thành mà chạy. Phạm Văn Tham chiến đấu bền bỉ đến tận đầu năm 1789 nhưng vì bị Nguyễn Ánh vây ngặt và chặn đường biển về Quy Nhơn nên buộc lòng phải đầu hàng.
Trong khi đó, vua em Bắc Bình Vương đang quyết chí theo đuổi ý tưởng chinh phục phía Bắc để xây dựng sự nghiệp riêng. Không phải vua em không quan tâm tới chiến trường Nam bộ nhưng nguy cơ ở Bắc Hà liên tiếp xảy ra không yên, từ họ Trịnh rồi Nguyễn Hữu Chỉnh và sau đó là Vũ Văn Nhậm và chính Lê Chiêu Thống dẫn quân Thanh về không phải nhỏ. Do đó Nguyễn Huệ không thể dồn hết lực lượng vào chiến trường Nam bộ lúc đó. Lực lượng của vua Thái Đức đã hao mòn, lại mất hết nhuệ khí và ông cũng không có phương pháp nào vực dậy. Giữa anh em vua Thái Đức dù giảng hòa nhưng chưa hoàn toàn xóa bỏ hiềm nghi. Hành động chống đối vua em của người con rể vua Thái Đức là Vũ Văn Nhậm chứng tỏ lo lắng của vua em là có sơ sở. Do đó, dù vua anh đã bất lực nhìn Nam bộ từng ngày mất về tay Nguyễn Ánh thì việc vua em cầm quân qua địa phận vua anh để Nam tiến cũng không phải là dễ dàng.
Chính sau cái chết của Vũ Văn Nhậm và diễn biến chiến trường Nam bộ, vua Thái Đức đã nhận ra tuổi già, sự bất lực của mình với đại cuộc. Ông thấy ngoài việc không thể kìm chế người em hùng lược, ông cũng không nên ngăn cản em mình lo việc chung của nhà Tây Sơn nữa. Chính vì vậy, cuối năm 1788, vì cơ nghiệp chung, ông từ bỏ đế hiệu và niên hiệu Thái Đức, tự xưng là Tây Sơn vương. Ông nhiều lần viết thư cho Nguyễn Huệ, chỉ xin giữ Quy Nhơn và nhường toàn bộ binh quyền, đất đai trong cả nước cho vua em; đồng thời ông cầu khẩn vua em mang gấp đại binh vào cứu Nam bộ (chiếu lên ngôi của Quang Trung nói rõ vấn đề này).
Tuy nhiên lức đó Bắc Bình vương dù biết lời cầu khẩn của ông nhưng không thể vào Nam tham chiến vì 20 vạn quân Thanh do Lê Chiêu Thống rước về đã vượt qua biên giới. Nguy cơ phía Bắc rõ ràng gặp nguy lớn hơn nên vua em buộc phải hoãn việc Nam tiến thêm một thời gian nữa. Mặc dù vua em Quang Trung đã đại thắng quân Thanh (1789) nhưng sau đó vẫn phải lo ổn định tình hình Bắc Hà do tàn dư của nhà Lê còn sót lại và sức ép ngoại giao từ phía nhà Thanh. Vì vậy, Nguyễn Ánh được người Pháp hỗ trợ kéo ra đánh Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh, quân của Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc liên tiếp bại trận và mất mấy thành này. Cho tới năm 1791, ông chỉ còn cai quản Quy Nhơn, Phú Yên và Quảng Ngãi.
           
2. Mâu thuẫn anh em nhà Tây Sơn
Khi Nguyễn Nhạc là Trung Ương hoàng đế đóng ở Bình Định, giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ nảy sinh mâu thuẫn. Hai kẻ thù là Nguyễn Ánh và nhà Thanh muốn nhà Tây Sơn sớm bị diệt nên tìm cách phá long mạch. Theo dân gian kể lại, trước nhà tổ của Nguyễn Nhạc có một cánh rừng lớn như một con rồng chầu vào cửa nên một vài thầy phong thủy nói với Nguyễn Nhạc, muốn phát huy sự thịnh vượng thì phải chặt cánh rừng này đi. Nguyễn Nhạc theo lời đó mà cho chặt cánh rừng đi, thế là long mạch bị phá. Năm 1792, Nguyễn Huệ đột ngột từ trần trong lúc đang chuẩn bị kế hoạch chi tiết để diệt Nguyễn Ánh ở Gia Định. Khi Nguyễn Huệ chết thì truyền ngôi lại cho con là Quang Toản.
            Năm Quý Sửu (1793) Quang Toản chính thức lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh, sai Ngô Thì Nhậm sang nhà Thanh báo tang và xin sắc phong. Vua Thanh vốn đã sắc phong cho Quang Toản làm Thái tử khi vua Quang Trung còn sống nên lập tức xuống chỉ phong Toản làm An Nam Quốc vương. Án sát Quảng Tây được lệnh làm sứ thần đến Bắc Thành, Quang Toản cũng sai người đóng giả nhận thay. Sứ thần nhà Thanh có biết việc ấy song không có phản ứng gì.
            Quang Toản lên ngôi lúc tuổi còn nhỏ nên không đủ năng lực và uy tín để điều hành công việc quốc gia. Mọi việc đều được quyết định bởi Bùi Đắc Tuyên. Từ đó Đắc Tuyên ngày càng chuyên quyền, trong ngoài đều oán hận. Đại thần trong triều ngoài trấn nghi kỵ lẫn nhau, Quang Toản không ngăn được đành chỉ khóc lóc mà thôi. Giữa lúc đó lại có cận thần gièm pha rằng, oai quyền của Trần Quang Diệu quá lớn, mưu đồ cướp ngôi. Quang Toản tin là thật, liều rút hết binh quyền của Trần Quang Diệu. Trần Quang Diệu gửi mật thư vào Quy Nhơn hẹn với Lê Văn Trung đem quân ra phế hạ Quang Toản, lập Quang Thiệu lên ngôi. Việc không thành, Quang Thiệu bị giết còn Lê Văn Trung bị chém. Con rể Lê Văn Trung là Lê Chất sợ hãi, bỏ Tây Sơn sang đầu hàng Nguyễn Ánh.
          Năm 1793, khi Nguyễn Nhạc đang ốm thì Nguyễn Ánh đem quân vây thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc sai con là Bảo đem quân chống lại nhưng tình hình rất nguy kịch. Nguyễn Nhạc viết thư cầu cứu Quang Toản. Quang Toản sai các tướng Phạm Công Hưng, Nguyễn Văn Huấn, Ngô Văn Sở đem 17.000 bộ binh, 80 thớt voi, 30 chiến thuyền chia đường vào cứu viện Quy Nhơn. Quân Nguyễn Ánh phải rút lui. Các tướng của Quang Toản vào thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc sai đem vàng, bạc mỗi thứ một mâm khao quân. Thái úy của Quang Toản là Phạm Công Hưng kê khai kho tàng, thu lấy giáp đinh và chiếm luôn thành Quy Nhơn. Quá uất ức trước việc làm đó, Nguyễn Nhạc thổ ra máu mà chết. Sau khi Nguyễn Nhạc mất, Quang Toản phong cho con của Nguyễn Nhạc là Bảo làm Hiếu Công, cắt cho Bảo huyện Phù Ly làm ấp ăn lộc gọi là Tiểu Triều. Mẹ Bảo uất hận nói với con rằng:
            – Khai thác cõi đất này đều là công của cha mày, nay chỉ ăn lộc có một huyện, nếu sống  mà chịu nhục thì chẳng thà chết còn hơn.
            Từ đó, Bảo có chí hàng Nguyễn Ánh. Bảo cho người đi đưa tin thì bị quân Quang Toản bắt được. Quang Toản cho Bảo uống thuốc độc chết. Do long mạch bị triệt phá nên anh em nhà Tây Sơn lại đánh giết lẫn nhau. Nhà Tây Sơn suy vong dần.
         
            3. Quang Trung qua đời
Năm 1792, quân Tây Sơn đóng thủy quân ở cửa Thi Nại để Nam tiến. Nhưng lúc đó là mùa gió nồm, chỉ thuận cho quân Nam ra, phải đợi đến mùa đông mới thuận gió cho quân Tây Sơn vào. Nguyễn Ánh thừa dịp cùng quân Pháp, Bồ Đào Nha đánh úp cửa Thi Nại, đốt cháy nhiều thuyền chiến của Tây Sơn. Quân Tây Sơn không phòng bị, lại phải thu quân về Quy Nhơn. Để báo thù trận đó, vua Quang Trung dự định phát động chiến dịch rất lớn, huy động hơn 20 vạn quân thủy bộ, chia làm ba đường:
* Vua Thái Đức cùng với quân “Tàu ô” theo đường bộ từ Phú Yên vào đánh Gia Định.
* Quân bộ của Quang Trung từ Phú Xuân đi thẳng qua lãnh thổ Vạn Tượng tới Nam Vang (Chân Lạp), từ đó cùng quân Chân Lạp kéo về Gia Định, bao bọc đường chạy của Nguyễn Ánh không cho sang Xiêm.
* Quân thủy của Quang Trung sẽ tiến vào đón lỏng tận Hà Tiên đổ bộ lên đất liền để ngăn Nguyễn Ánh chạy ra biển.
Chính các giáo sĩ Pháp giúp Nguyễn Ánh lúc đó cũng rất lo lắng và dự liệu Nguyễn Ánh khó lòng chống lại được Tây Sơn trận này. Tuy nhiên, cái chết đột ngột của vua Quang Trung khiến kế hoạch Nam tiến này không bao giờ trở thành hiện thực.
Tháng 9 năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi bỗng thấy hoa mắt, sầm tối mặt mũi, mê man bất tỉnh. Người xưa gọi đó là chứng “huyễn vận” (ngày nay y học gọi là tai biến mạch máu não). Khi tỉnh dậy được, nhà vua cho triệu trấn thủ Nghệ An Trần Quang Diệu về triều bàn việc thiên đô ra Nghệ An. Nhưng việc chưa quyết xong thì bệnh của nhà vua ngày càng nguy kịch. Trước khi mất, nhà vua dặn Trần Quang Diệu và các quần thần:
– Ta mở mang bờ cõi, khai thác cả cõi Nam này. Nay đau ốm, tất không khỏi được. Thái tử Nguyễn Quang Toản tư chất thông minh nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài thì có quân Gia Định (Nguyễn Ánh) là quốc thù, trong khi Thái Đức Nguyễn Nhạc tuổi già, ham phú quý, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau. Khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải chôn cất, việc tang cần đơn giản thôi. Các ngươi nên hợp sức giúp Thái tử sớm Thiên đô về Vĩnh Đô (Vinh ngày nay) để khống chế thiên hạ. Bằng không, quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn đâu!
            Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792) vào khoảng 11 giờ khuya, Quang Trung từ trần. Quang Trung ở ngôi được 5 năm, thọ 40 tuổi. Miếu hiệu là Thái tổ Vũ hoàng đế. Thi hài của ông được táng ngay trong thành, tại phủ Dương Xuân. Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, sai sứ sang nhà Thanh báo tang và xin tập phong. Vua Càn Long thương tiếc tặng tên hiệu là Trung Thuần, lại thần làm một bài thơ viếng và cho một pho tượng, 300 lạng bạc để sửa sang việc tang. Sứ nhà Thanh đến tận mộ ở Linh Đường (mộ giả) thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội) để viếng.
 
4. Trận chiến cuối cùng
Ở phía Nam Nguyễn Ánh nhờ người Pháp giúp đỡ nên đem quân đánh ra Quy Nhơn. Năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm được Quy Nhơn và đổi tên thành Bình Định. Từ đó Nguyễn Ánh bắt đầu dành được thế áp đảo. Nguyễn Quang Toản non yếu, nội bộ lục đục không chống nổi nên bị Nguyễn Ánh tiêu diệt. Tháng 6 năm 1801, Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân. Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Ánh đang cố thủ, từ sáng đến chiều, máu và mồ hôi ướt đẫm áo giáp. Rồi Bùi Thị Xuân còn giành lấy dùi tự tay thúc trống liên hồi. Lúc bấy giờ Nguyễn Ánh cùng tướng tá đã hốt hoảng vội chia quân vượt sông Linh Giang đánh bọc hậu hòng mở đường máu thoát thân. Nào ngờ vua Cảnh Thịnh nhát gan thấy quân Nguyễn Ánh tràn qua nhiều, tưởng nguy khốn liền cho lui binh. Khi thấy Quang Toản quay ngựa bỏ chạy thì Bùi Thị Xuân nắm lấy cương ngựa rồi nói: “sắp chiến thắng rồi, bệ hạ đi đâu vậy?”. Quang Toản gạt tay Bùi Thị Xuân ra và nói:“để Trẫm về lấy thêm quân, sau đó sẽ tiếp tục đánh Nguyễn Ánh”.
Ngay lúc đó, Bùi Thị Xuân cũng nhận được tin Nguyễn Văn Trương phá tan thủy binh của Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình) cướp được hầu hết tàu thuyền và tướng giữ cửa Nguyễn Văn Kiên cũng đã đầu hàng. Biết được tin này, quân Nguyễn Ánh cố đánh để thắng nên làm quân Tây Sơn chồn chân. Trước tình thế đang thắng thành bại này đội quân Tây Sơn bỏ cả vũ khí, đạn dược để tháo chạy. Đây có thể nói là trận chiến đấu oanh liệt cuối cùng của Bùi Thị Xuân nhằm cứu vãn tình thế. Nhưng ngờ đâu nhà Tây Sơn, sau trận này thêm trượt dài trên đà suy vong, không sao gượng lại được nữa. Quang Toản thua trận, chạy ra Bắc Hà. Tháng 6 năm 1802, Nguyễn Ánh huy động toàn bộ quân thủy bộ đồng loạt tiến ra Bắc. Nguyễn Quang Toản chạy ra Bắc Giang rồi bị bắt. Triều đại nhà Tây Sơn chấm dứt từ đấy. Triều đại Tây Sơn chỉ tồn tại 25 năm với ba đời vua là Thái Đức (1778 – 1793), Quang Trung (1789 – 1792) và Cảnh Thịnh (1793 – 1802).
 
5. Sấm Trạng Trình về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn
Hai câu thơ
Chấn cung xuất nhất Ðoài cung vẫn tinh
Nghĩa là:
Mặt trời xuất hiện ở phương Ðông Sao sa ở phương Tây
Theo bát quái, có tám cung là: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Ðoài. Chấn thuộc về phương Ðông. Theo kinh Dịch, cung Chấn thuộc về người trên (anh cả). Ý muốn nói người anh cả của họ Nguyễn Tây Sơn là Nguyễn Nhạc sẽ dấy nghiệp. Sao sa ở phương tây: ý nói nhà Tây Sơn xuất hiện.
Hai câu:
Hà thời biện lại vi vương Thử thời Bắc tận Nam trường xuất bôn
Nghĩa là:
Làm thế nào thời ấy tên biên lại làm vua, Lúc ấy Bắc phải hết, Nam cũng chạy.
Hai câu trên đây ám chỉ Nguyễn Nhạc, làm chức biện lại ở huyện Vân Ðồn, tỉnh Quy Nhơn khởi nghĩa dấy binh tự xưng là Tây Sơn Vương. Nhà Tây Sơn nổi lên diệt chúa Trịnh ở phương Bắc, đuổi chúa Nguyễn ở phương Nam lập nên đế nghiệp.
Sáu câu:
Bao giờ trúc mọc qua sông,  
Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non Tây.  
Ðoài cung một sớm đổi thay,  
Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn.  
Ðầu cha lộn xuống chân con,  
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi.
Câu 1+ câu 2: Những câu này ứng nghiệm việc Tôn Sĩ Nghị đem quân Thanh sang cướp nước Nam. Khi đến Thăng Long Thành, Tôn Sĩ Nghị cho quân bắc một chiếc cầu nổi bằng tre ngang sông Hồng Hà. Trước khi đánh dẹp giặc Thanh, Nguyễn Huệ xưng là Quang Trung Hoàng đế (hai câu 1-2). Nhờ tài ngoại giao của Ngô Thời Nhiệm, Quang Trung được vua Nhà Thanh là Càn Long phong chức An Nam Quốc Vương, một vương hiệu chính thức được Trung Hoa thừa nhận.
Câu 3+câu 4: Sau hai năm lên ngôi vua, Hoàng đế Quang Trung mất (Ðoài cung) ở câu 3 có nghĩa là phương tây. Theo kinh Dịch, cung Ðoài là phần đuôi, ý nói người em của nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ mất. Sau khi vua Quang Trung mất, năm sau Nguyễn Nhạc vì tức vua Cảnh Thịnh, tức Nguyễn Quang Toản (con vua Quang Trung) chiếm thành Quy Nhơn và biên tịch tài sản nên thổ huyết mà chết. (Chấn cung ở câu 4 ám chỉ Nguyễn Nhạc. Theo kinh Dịch cung Chấn là người trên, người anh của Tây Sơn).
Câu 5 ám chỉ tên của vua Quang Trung và vua Cảnh Thịnh.Theo phép chiết tự, chữ “Quang” (光) của vua Quang Trung có chữ “Tiểu” ở trên mà chữ “Cảnh” (景) của vua Cảnh Thịnh lại có chữ “Tiểu” ở dưới. Cho nên mới gọi là: Ðầu cha lộn xuống chân con.
Câu 6 ám chỉ nhà Nguyễn Tây Sơn chỉ làm vua được 14 năm là dứt.
Chú thích:

[1] Trước khi cất đại quân bắc tiến đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ đã sai một cận thần là Diệm cầm thư vào Nam cho Phạm Văn Tham, dặn rằng cố gắng phòng thủ rồi đại quân quân Tây Sơn sẽ ứng cứu. Nhưng đầu năm 1789, khi Diệm vào tới nơi thì Phạm Văn Tham đã đầu hàng Nguyễn Ánh. Diệm bí mật tìm gặp Phạm Văn Tham và đưa thư của Nguyễn Huệ cho Phạm Văn Tham. Phạm Văn Tham đọc thư ân hận, bèn lưu Diệm trong quân của mình để chờ thời cơ. Việc bị tiết lộ, Phạm Văn Tham bị Nguyễn Ánh giết chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét