XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Mấy vấn đề về phong trào nông dân Tây Sơn

1-8 khai mac festival Tay son[1]. 3
Phan Huy Lê
Tìm về cội nguồn. T.1.- H., 1998.
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là cuộc đấu tranh oanh liệt nhất của nông dân Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Trong khoảng 18 năm (1771 – 1789) nông dân Việt Nam cùng với những tầng lớp nhân dân bị áp bức khác, dưới sự lãnh đạo của anh em Tây Sơn đã anh dũng vùng lên lần lượt quật ngã hết những chính quyền phong kiến phản động của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, của vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và đánh tan cả hai đạo quân xâm lược của phong kiến Xiêm và Thanh. Với những chiến công lừng lẫy ấy, với ý nghĩa lịch sử to lớn của nó phong trào Tây Sơn đã chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử Việt Nam và trở thành đối tượng nghiên cứu hấp dẫn của nhiều nhà nghiên cứu sử học trong và ngoài nước. Nhiều chuyên đề, nhiều bài báo về Tây Sơn đã liên tiếp xuất hiện trong thời gian vừa qua nhằm nghiên cứu toàn bộ cuộc khởi nghĩa. Những công trình nghiên cứu ấy đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng nhưng vì tài liệu quá ít ỏi, cho nên đến nay vẫn còn một số nhận định về Tây Sơn vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng và chưa được nhất trí giữa những người nghiên cứu sử học.
Gần đây trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 35 và 45, có người nêu lên một số vấn đề cần thảo luận về phong trào Tây Sơn. Trong phạm vi bài này, tôi muốn bàn thêm ba vấn đề :
– Xác định yêu cầu phát triển của xã hội ta vào cuối thế kỷ XVIII.
– Đánh giá những chính sách kinh tế của Quang Trung
– Cắt nghĩa sự thất bại của Tây Sơn
***
Trước hết tôi tán thành cách đặt vấn đề của nhiều nhà sử học nghiên cứu về Tây Sơn là muốn đánh giá đúng những chính sách của Quang Trung, chúng ta phải đặt nó trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ và xác định rõ yêu cầu phát triển khách quan của xã hội. Yêu cầu ấy không thể xuất phát từ nguyện vọng chủ quan của một vài người nào đó mà phải tùy thuộc vào điều kiện lịch sử của xã hội ta vào cuối thế kỷ XVIII.
Cho đến cuối thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam đã bước vào một tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Mọi mâu thuẫn của xã hội phong kiến đã trở nên gay gắt và làm bùng nổ thành những cuộc khởi nghĩa nông dân kéo dài triền miên trong thế kỷ XVIII. Đấu tranh giai cấp thực sự đã trở thành hiện tượng kịch liệt trong xã hội và cũng vì thế mà trong lịch sử Việt Nam, thế kỷ XVIII đã được mệnh danh là thế kỷ nông dân khởi nghĩa. Tuy nhiên tình hình khủng hoảng của chế độ phong kiến và cuộc đấu tranh giai cấp ấy lại diễn ra trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa tuy có những bước phát triển nhất định, nhưng chưa chuyển biến thành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, sức sản xuất và quan hệ sản xuất mới chưa ra đời. Trong điều kiện kinh tế, xã hội ấy, yêu cầu phát triển của xã hội lúc bấy giờ tất nhiên chưa phải là thủ tiêu chế độ phong kiến bằng một cuộc cách mạng, vì những tiền đề vật chất cho phép làm giải thể chế độ phong kiến chưa xuất hiện. Điều đó có thể khẳng định được và từ trước đến nay vốn được nhất trí trong giới sử học. Vậy yêu cầu phát triển của xã hội lúc bấy giờ chỉ có thể là cải thiện quan hệ sản xuất phong kiến để tạo điều kiện cho xã hội tiến lên một bước.
Nhưng nội dung và mức độ của yêu cầu đó cụ thể là như thế nào ?
Trong quá trình phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam, từ thế kỷ XV trở đi, sau khi kinh tế điền trang, thái ấp với chế độ nông nô, nô tỳ tan rã, thì nền sản xuất bao gồm ba bộ phận chính là: kinh tế địa chủ, kinh tế nông dân tư hữu và kinh tế hàng hóa.
Kinh tế địa chủ dựa trên cơ sở quyền sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ và sự bóc lột địa tô đối với nông dân. Đó là bộ phận kinh tế chiếm vị trí thống trị trong xã hội và là cơ sở tồn tại của giai cấp địa chủ. Nhưng bản thân giai cấp địa chủ hầu như không trực tiếp tổ chức sản xuất , chỉ dựa vào quyền sở hữu ruộng đất để bản lĩnh địa tô và hầu hết ruộng đất của địa chủ đều giao cho nông dân tá điền lĩnh canh rồi thu địa tô. Nông dân tá điền là người trực tiếp đảm nhiệm việc sản xuất trong kinh tế địa chủ. Ở nước ta cũng như nhiều nhà nước phương Đông khác, nhà nước phong kiến còn nắm trong tay quyền sở hữu một bộ phận ruộng đất khá lớn gồm ruộng đất quốc khố, đồn điền, ruộng đất công của làng xã… Từ thế kỷ XV trở đi hầu hết bộ phận ruộng đất quốc hữu này. Nhà nước cũng tiến hành phát canh thu tô. Những công dân cày ruộng đất công của Nhà nước, kể cả những người cày ruộng đất công của làng xã, thực chất là những tá điền của Nhà nước và về phương diện này, Nhà nước phong kiến cũng tồn tại như một địa chủ to lớn trong cả nước. Vì vậy, chúng ta có thể ghép cả sự bóc lột địa tô của Nhà nước phong kiến đối với ruộng đất quốc hữu vào trong bộ phận kinh tế địa chủ.
Kinh tế nông dân tư hữu là kinh tế nhỏ của những người lao động có ít nhiều ruộng đất tư. Những người nông dân tư hữu này vì có ít nhiều ruộng đất tư nên tương đối có điều kiện tự do hơn trong sự phát triển nền kinh tế gia đình của mình. Nhưng đặc điểm của chế độ sở hữu ruộng đất của những người nông dân tư hữu là nhỏ bé và do đó tỏ ra bấp bệnh, dễ bị phá sản trước nạn kiêm tinh ruộng đất của giai cấp địa chủ. Trong thực tế, ranh giới giữa những người nông dân tá điền và nông dân tư hữu không rõ ràng lắm, thường những người nông dân tư hữu có ít ruộng đất cũng phải lĩnh canh thêm của địa chủ và nông dân tư hữu cũng dễ rơi xuống địa vị tá điền. Kinh tế nông dân tư hữu và nông dân tá điền tuy có khác nhau về phương diện sở hữu ruộng đất, nhưng về mặt sản xuất thì đều có tính chất nhỏ bé, cá thể của những người nông dân lao động. Chúng ta có thể gọi chung đó là kinh tế tiểu nông.
Từ thế kỷ XV, sau khi kinh tế điền trang thái ấp tan rã, thì kinh tế tiểu nông được mở rộng và trở thành cơ sở của toàn bộ nền kinh tế nông nghiệp, hay nói một cách khác, là tế bào của sản xuất nông nghiệp. Mâu thuẫn giữa kinh tế tiểu nông với chế độ sở hữu ruộng đất của giai cấp phong kiến là mâu thuẫn kinh tế cơ bản của chế độ phong kiến. Và về mặt xã hội, mâu thuẫn kinh tế cơ bản ấy biểu hiện thành mâu thuẫn xã hội cơ bản giữa giai cấp địa chủ và nông dân.
Còn bộ phận kinh tế hàng hóa thì cho đến cuối thế kỷ XVIII vẫn căn bản trong trình độ kinh tế hàng hóa giản đơn của chế độ phong kiến. Bộ phận kinh tế này còn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong toàn bộ nền kinh tế, nhưng vị trí và vai trò của nó rất quan trọng. Sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa sẽ mở rộng những mối liên hệ kinh tế trong nước, củng cố nền tảng thống nhất của quốc gia và tạo điều kiện tiến tới hình thành sức sản xuất và quan hệ sản xuất mới. Đến thế kỷ XVII – XVIII, nền kinh tế hàng hóa đã có những bước phát triển đáng kể biểu thị ở sự phát triển của những nghề thủ công, sự mở rộng của quan hệ trao đổi mua bán giữa các địa phương, sự hưng thịnh của một số thành thị và tác dụng quan trọng của đồng tiền trong xã hội. Do sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa nên không những nhiều sản phẩm thủ công nghiệp mà cả một phần sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa mua bán trên thị trường. Lúa gạo từ vùng Gia Địnhhàng năm được chuyên chở ra vùng Thuận Hóa bán để mua về những sản phẩm thủ công nghiệp. Ở Đàng Ngoài, lúa gạo miền Thanh – Nghệ, Sơn Nam cũng nhiều lúc được chuyên chở ra bán ở miền đông bắc. Đó là chưa kể sự trao đổi, buôn bán thường xuyên trong phạm vi thị trường địa phương lấy chợ làm trung tâm. Nền kinh tế hàng hóa đã xâm nhập vào nền kinh tế tự nhiên, làm cho nền kinh tế tiểu nông đã ít nhiều mang tính chất của nền sản xuất hàng hóa nhỏ. Người nông dân không phải chỉ sản xuất cho nhu cầu tự cung tự cấp của địa chủ và của mình, mà còn sản xuất một phần đáng kể những nông phẩm cung cấp cho thị trường. Vì vậy kinh tế tiểu nông có quan hệ mật thiết với kinh tế hàng hóa và là một cơ sở phát triển của kinh tế hàng hóa.
Qua sự phân tích trên, chúng ta có thể thấy rằng sự phát triển của kinh tế tiểu nông và kinh tế hàng hóa là xu thế tiến bộ của xã hội phong kiến. Đó là hai bộ phận kinh tế đang giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của sức sản xuất nói riêng và của xã hội phong kiến nói chung. Nhưng sự phát triển đó đến thế kỷ XVIII đã gặp nhiều trở ngại nghiêm trọng. Trong cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến lúc bấy giờ, kinh tế tiểu nông đã bị đình trệ và phá hoại kinh tế hàng hóa cũng bị kìm hãm gay gắt.
Về nông nghiệp thì nạn mất mùa, đói kém xảy ra triền miên làm cho nhiều đồng ruộng bị bỏ hoang, nhiều làng xóm trở nên tiêu điều và hàng loạt nông dân bị phá sản. Chúng ta có thể tìm thấy vô số những dẫn chứng như vậy trên những quyển biên niên sử ghi chép về thế kỷ XVIII. Ở đây tôi chỉ xin nêu lên vài hiện tượng tiêu biểu. Riêng nạn đói năm 1741 lan tràn hầu khắp Đàng Ngoài và hoành hành dữ dội ở thị trấn Hải Dương đã gây nên một thảm cảnh đau thương là “số người sống sót không còn một phần mười, làng nào có tiếng là trù mật cũng chỉ còn năm ba hộ mà thôi” (1). Sau một trận đói một thời gian khá dài, khắp thị trấn Hải Dương “ruộng đất đã hầu thành ra rừng rậm, những giống gấu chó, lợn lòi sinh tụ đầy cả ngoài đồng” (2). Sau những nạn đói khủng khiếp và kéo dài lê thê ấy, những người nông dân sống sót đành phải rời bỏ ruộng đồng, quê hương đi kiếm ăn khắp nơi tạo thành một tầng lớp nông dân lưu vong và để lại những xóm làng tiêu điều, hoang vắng. Năm 1730 ở Đàng Ngoài có 527 làng phiêu tán và năm 1741 con số đó tăng lên đến 2691 làng. Theo Ngô Thời Sĩ, thì vào nửa sau thế kỷ XVIII, bốn trấn ở đồng bằng Bắc Bộ ngày nay có 9668 làng xã thì có 1076 làng điêu tàn, trấn Thanh Hóa có 1393 làng xã thì có 297 làng xã điêu tàn và trấn Nghệ An có 706 làng xã thì có 115 làng xã điêu tàn (3).Tình trạng đó kéo dài cho đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Năm 1789 ở Thanh Hóa “… một hạt thóc cũng không có, nhân dân đói khổ, lại thêm sau cuộc binh hỏa dịch khí thịnh hành, chết không biết bao nhiêu mà kể” (4). Trong một bức thư gửi Quang Trung đề ngày 1 tháng 11 năm Quang Trung thứ hai (1789), Nguyễn Thiếp cũng cho biết ở Nghệ An “… kẻ thì chết đói, người thì xiêu dạt, mười phần chỉ còn lại năm, sáu mà thôi”. Và trong tờ Chiếu khuyến nông, Quang Trung cũng tự nhận thấy: “Ít lâu nay trong nước bị binh lửa, đinh tán điền hoang, số đinh điền so với trước kia mười phần kếm đến bốn, năm phần” (5). Đồng ruộng bỏ hoang, nông dân chết đói, trôi giạt, điều đó không những nói lên đời sống cùng khổ cơ cực của nhân dân lúc bấy giờ, mà còn phản ánh tình trạng kinh tế tiểu nông bị phá hoại nghiêm trọng làm cho toàn bộ nền kinh tế nông nghiệp bị đình đốn.
Những nguyên nhân gì đã làm cho nền kinh tế tiểu nông bị phá hoại như vậy ? Trước hết chúng ta phải kể đến sự chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của giai cấp địa chủ. Nạn kiêm tinh ruộng đất của giai cấp địa chủ là một hiện tượng tất nhiên trong quá trình phát triển của kinh tế địa chủ do quy luật địa tô quy định. Địa tô là hình thái kinh tế thực hiện quyền sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, nên muốn mở rộng nguồn bóc lột địa tô, giai cấp địa chủ trước hết l mở rộng quyền sở hữu ruộng đất của mình. Trong những thời kỳ trước, từ khi có kinh tế địa chủ, hiện tượng kiêm tinh ruộng đất đã diễn ra phổ biến, nhưng đến thế kỷ XVIII thì trở nên nghiêm trọng. Bằng mọi hình thức và thủ đoạn, từ việc mua bán cầm cố, đến những hành động xâm lấn, cướp đoạt trắng trợn, giai cấp địa chủ không ngừng tìm cách chiếm đoạt ruộng đất tư của nông dân và thôn tính cả ruộng đất công của làng xã. Chế độ sở hữu ruộng đất nhỏ bé của người nông dân cá thể tất nhiên là tỏ ra yếu ớt, bất lực trước sự uy hiếp của giai cấp địa chủ, nhất là vào những năm mất mùa, đói kém. Ruộng đất công của làng xã với chế độ quân điền cũng bị bọn cường hào lũng đoạn. Sự phát triển của kinh tế hàng hóa càng xúc tiến sự phát triển của chế độ tư hữu ruộng đất , kích thích sự tăng cường bóc lột của Nhà nước phong kiến và giai cấp địa chủ, do đó ngày càng đẩy mạnh sự phân hóa giai cấp trong xã hội. Nhà nước phong kiến có lúc phải đề ra một số biện pháp để hạn chế bớt phần nạn nạn kiêm tinh ruộng đất để ổn định trật tự xã hội, nhưng mặt khác, lại là đại biểu cho quyền lợi của giai cấp địa chủ nên chính Nhà nước phong kiến cũng công nhận và hợp pháp hóa việc chiếm đoạt ruộng đất của giai cấp địa chủ. Điều đó được phản ánh khá rõ ràng trong nhiều điều luật của bộ Lê triều hình luật và những đạo luật khác của chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi vào giữa thế kỷ XVIII, chúa Trịnh lúc bấy giờ là Trịnh Doanh, phải tự đề ra nhiệm vù giải quyết vấn đề ruộng đất, nhưng đã tỏ ra hoàn toàn bất lực. Sự chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của giai cấp địa chủ làm cho nông dân bị tước đoạt mất tư liệu sản xuất cơ bản là ruộng đất, do đó bị trói buộc vào vòng bóc lột địa tô nặng nề của địa chủ. Đó là nguyên nhân chủ yếu làm cho kinh tế tiểu nông bị phá sản, đời sống của người nông dân lâm vào tình cảnh bần cùng, điêu đứng.
Nhưng bên cạnh nguyên nhân chủ yếu ấy chúng ta còn phải thấy nhiều nguyên nhân phức tạp khác nữa. Sự tăng cường bóc lột tô thuế của Nhà nước phong kiến là một nguyên nhân quan trọng. Để cung cấp cho nhu cầu xa xỉ của vua chúa và chi phí của cả một bộ máy phong kiến quan liêu nặng nề, chúa Trịnh và chúa Nguyễn đã tăng thêm nhiều thứ tô thuế. Đặc biệt ở Đàng Trong, chế độ thuế khóa của chúa Nguyễn rất phiền phức nặng nề. Chỉ riêng thuế ruộng, ngoài khoản thuế chính còn có gạo điền mẫu, phụ tiền và nhiều thứ phụ thu khác, như tiền cung đốn, tiền nộp thóc vào kho, tiền khoán khố, tiền phên tre, tiền bao mây, tiền dầu đèn, tiền trầu cau, các lễ trình diện… Vào cuối thế kỷ XVIII, dưới thời chuyên chế của Trương Phúc Loan, Nhà nước còn tăng thêm các khoản thuế mới. Theo Lê Quý Đôn thì ở Quảng Nam (bao gồm các tỉnh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay) thuế khóa nặng nề nhất và đó là lý do vì sao vùng này đã sớm trở thành trung tâm của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (6), Theo lời giáo sĩ Diego de Jumilla thì trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, nghĩa quân thường kéo về các làng tiêu hủy các sổ sách thuế của họ Nguyễn. Ở Đàng Ngoài, chế độ thuế khóa của họ Trịnh cũng rất nghiệt ngã. Thuế ruộng thì đánh vào cả những loại ruộng đất không sản xuất được “đồng chua nước mặn”, “đất đồi rừng khô cằn”, “bãi cát trắng”… và nhà sử học Phan Huy Chú đã nhận xét rằng: “… một tấc đất cũng không sót, không chỗ nào là không đánh thuế, cái chính sách vét hết lợi hình như quá cay nghiệt” (7). Thuế đinh cũng nhiều lần thay đổi nhằm “không bỏ sót một dân đinh nào” rồi bắt bớ, tra xét phiền phức đến nỗi làm cho “lòng người dao động”, “dân chúng bốn phương không đâu là không xô xao” (8) à ở vùng đông nam đã có người tự xưng là “Đinh suất đại vương”, lấy khẩu hiệu đấu tranh chống thuế nhân đinh để hiệu triệu quần chúng. Đó là chưa kể đến chế độ phu phen tạp dịch và nạn tham nhũng vơ vét của bọn quan lại.
Ngoài ra sự bất lực của Nhà nước trong việc xây dựng và quản lý các công trình thủy lợi, để cho đê điều luôn năm bị vỡ lở và hạn, lụt xảy ra liên tiếp, cũng góp phần cho sản xuất nông nghiệp bị uy hiếp.
Vì vậy phục hồi và phát triển kinh tế tiểu nông trước hết bằng cách hạn chế kiêm tinh ruộng đất của giai cấp địa chủ và giảm nhẹ tô thuế cho nhân dân, là một yêu cầu cấp thiết của xã hội lúc bấy giờ. Kinh tế tiểu nông ở đây bao gồm cả kinh tế của nông dân tư hữu và nông dân tá điền. Trong lúc chưa có điều kiện thủ tiêu chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến và kinh tế địa chủ thì tất nhiên chưa thể chuyển hẳn những người nông dân tá điền thành những người nông dân tư hữu, mà vấn đề đặt ra là củng cố kinh tế nông dân tá điền, giảm nhẹ mức độ lệ thuộc phong kiến, dành cho tá điền nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nền kinh tế của mình. Chỉ có phục hồi và phát triển kinh tế tiểu nông mới có thể đưa nền sản xuất nông nghiệp ra khỏi tình trạng bị đình đốn, phá hoại và đẩy sức sản xuất tiên tiến lên. Mà muốn phục hồi và phát triển kinh tế tiểu nông thì không phải chỉ có hạn chế nạn kiêm tinh ruộng đất là đủ dù đó là biện pháp chủ yếu, mà còn chú ý đến nhiều biện pháp khác như giảm nhẹ tô thuế, hạn chế nạn tham quan ô lại, chăm sóc các công trình thủy lợi… trong đó giảm nhẹ tô thuế là một biện pháp quan trọng.
Còn về công thương nghiệp thì trong thế kỷ XVII – XVIII có những bước phát triển đáng kể, nhưng đến cuối thế kỷ XVIII cũng bị kìm hãm gay gắt. Thuế thổ sản nặng nề đến nỗi làm cho nhiều nghề thủ công bị phá sản, nhiều thợ thủ công phải bỏ nghề, phá công vụ. Về điều này chúng ta có thể dẫn lời nhận xét của Phan Huy Chú đã được nhiều nhà nghiên cứu sử học nhắc đến: “trưng thu hà lạm đến nỗi cạn hết vật lực mà không đủ cung, thành ra bần cùng bỏ việc, thậm chí vì thuế sơn mà mà tự chặt cây đi, vì thuế vải mà bẻ khung cửi, thu gỗ lạt mà dân bỏ rìu búa, thu cá tôm mà dân xé chài lưới, đòi mật mía mà dân không đẵn mía, đánh thuế bông chè mà vườn tược bỏ hoang” (9). Ở Đàng Ngoài chúa Trịnh còn đặt ra 23 sở tuần tình yêu, và ở Đàng Trong chúa Nguyễn đặt ra 51 sở tuần tình yêu để đánh thuế vào mọi hoạt động buôn bán, trao đổi giữa các địa phương. Do đó việc bán buôn gặp nhiều khó khăn, phải qua nhiều cửa ải thuế khóa. Quan hệ ngoại thương tương đối phát đạt trong thế kỷ XVII, sang thế kỷ XVIII cũng sa sút hẳn vì chính sách hạn chế khắc khe của Nhà nước phong kiến. Các thương điếm ngoại quốc hầu hết đều phải đóng cửa, thuyền buôn ra vào thưa thớt và nhiều thành thị như phố Hiến, Hội An… trở nên tiêu điều. Chính sách “ức thương” của Nhà nước phong kiến đến nay đã bộc lộ rõ tất cả tính chất bảo thủ lạc hậu của nó trước đòi hỏi phát triển của sức sản xuất .
Phát triển kinh tế hàng hóa cũng là một yêu cầu cấp thiết của xã hội lúc bấy giờ. Chỉ có đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa mới bảo đảm những bước tiến vững chắc cho xã hội và tạo điều kiện có thể tiến tới thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trì trệ của chế độ phong kiến. Phục hồi kinh tế tiểu nông tức là đã tạo ra một cơ sở thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế hàng hóa. Nhưng mặt khác sự phát triển của kinh tế hàng hóa còn đòi hỏi phải bãi bỏ chính sách kìm hãm công thương nghiệp và hạn chế ngoại thương của Nhà nước phong kiến, giảm nhẹ các thứ thuế công thương và mở rộng việc tự do kinh doanh.
Phục hồi kinh tế tiểu nông phát triển kinh tế hàng hóa, đó là những yêu cầu phát triển cấp thiết của xã hội Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII. Hai yêu cầu ấy liên hệ mật thiết với nhau và trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ chỉ có thể thực hiện được bằng cách cải thiện một phần nào quan hệ sản xuất phong kiến, chủ yếu là hạn chế nạn kiêm tinh ruộng đất, giảm nhẹ chế độ tô thuế, bãi bỏ chính sách kìm hãm công thương nghiệp, mở rộng kinh doanh tự do và quan hệ ngoại thương. Đó là những yêu cầu trong khuôn khổ chế độ phong kiến và có thể thực hiện được với một chính quyền phong kiến tiến bộ thiết lập sau thắng lợi của phong trào nông dân khởi nghĩa.
***
Bây giờ chúng ta hãy xem xét cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và triều Quang Trung đã giải quyết những yêu cầu phát triển xã hội trên đây như thế nào và đến mức độ nào. Làm như vậy là chúng ta đã đánh giá những chính sách kinh tế của Tây Sơn nói chung và Quang Trung nói riêng.
Về mặt nông nghiệp, trong Chiếu khuyến nông, Quang Trung đã đề ra nhiệm vụ phục hồi nông nghiệp như sau: “Nay trong nước đã bình định, cần phải phục hồi dân phiêu tán, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang, làm cho dân du thủ du thực trở về với ruộng đất” (tôi nhấn mạnh, P.H.L.). Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng ấy, Quang Trung đã đề ra một số biện pháp sau đây:
Trước hết Quang Trung ra lệnh bắt tất cả dân phiêu tán trốn tránh, ngụ cư ở các nơi đều nhất thiết trở về quê hương làm ăn. Chỉ có trường hợp những người ngụ cư ở các xã khác đã sinh cơ lập nghiệp được ba đời thì cho nhập tịch vào xã ấy, không bắt phải trở về nguyên quán. Ngay những người trốn tránh lao dịch, lẫn trốn vào các chùa cũng phải “hoàn tục” nghĩa là trở về sản xuất. Chỉ có những nhà sư chân chính mới được phép làm tăng nhân chủ trì các chùa. Những biện pháp này nhằm chấm dứt tình trạng lưu vong phiêu tán trước đây, đưa nông dân “trở về với ruộng đất”.
Mặt khác Quang Trung tiến hành chính sách khẩn hoang tích cực, bắt các xã phải sớm thanh toán tình trạng bỏ hoang nghiêm trọng trước đây. Bất cứ là ruộng công hay ruộng tư, sau một thời gian nhất định phải khai khẩn hết: Trong Chiếu khuyến nông, Quang Trung quy định rõ “xã nào để ruộng bỏ hoang quá thời hạn quy định không khai khẩn, nếu là ruộng công sẽ phải chiếu theo ngạch thuế điền thu gấp đôi, nếu làm ruộng tư sẽ phải tịch thu làm ruộng công”. Như vậy Quang Trung muốn giao hẳn nhiệm vụ khai khẩn hết ruộng bỏ hoang cho các xã vì xã nào còn ruộng bỏ hoang thì phải chia nhau chịu thuế khống gấp đôi. Phải nói rằng đây là một biện pháp tích cực để đẩy mạnh công việc khẩn hoang, chứ không phải nhằm tăng tô thuế. Vì vậy đối với những làng xã nào đó, ruộng đất bỏ hoang nhiều không thể đảm bảo khai khẩn hết trong thời hạn quy định thì Quang Trung cũng cho hoãn hay miễn thuế, không bắt phải chịu thuế khống. Tờ sắc của Quang Trung đề ngày 15 tháng 5 năm Quang Trung thứ ba (1790) vừa mới phát hiện được gần đây ở làng Vĩnh Ninh xã Đại Hưng, huyện Thanh Trì, chứng tỏ điều đó. Theo tờ sắc này thì chỉ có ruộng đất cày cấy mới phải nạp thuế còn ruộng đất bỏ hoang (phế canh) thì được hoãn thu thuế và ruộng đất bỏ hoang đã lâu cũng như ruộng đất không sản xuất được đều miễn thuế. Biện pháp này thi hành cho xã Vĩnh Hưng Đặng thuộc tổng Vĩnh Hưng Đặng, huyện Thanh Trì, nhưng cũng soi sáng thêm chính sách nông nghiệp của Quang Trung.
Về tô thuế, Quang Trung thi hành một chính sách thu thuế tương đối giản đơn hơn trước và có giảm nhẹ sự bóc lột đối với nhân dân. Về tô thuế ngoài khoản chính nộp bằng thóc (ruộng công chia làm ba hạng nộp 30, 80, và 150 bát thóc mỗi mẫu; ruộng tư cũng có ba hạng nộp 20, 30 và 40 bát thóc mỗi mẫu), chỉ còn lại hai khoản phụ thu bằng tiền là tiền thập vật và tiền khoán khố. So với lệ thu thuế rất phiền phức, nặng nề của họ Trịnh, nhất là của họ Nguyễn trước đây, chính sách tô thuế ruộng đất thời Quang Trung có nhẹ và giản đơn hơn. Về thuế đinh, Quang Trung vẫn duy trì thuế dung như thời Lê Mạc (mỗi người nộp 1 quan 2 tiền) nhưng bỏ hẳn thuế điệu. Trong nhiều tác phẩm nghiên cứu trước đây, có người cho thuế điệu là một thứ thuế có lợi cho công thương nghiệp. Thực ra, thuế điệu trong chế độ tô, dung, điệu của nhà Đường bên Trung Quốc thu bằng sản phẩm thủ công tính theo từng hộ, còn thuế điệu trong chế độ tô, dung, điệu của họ Trịnh thi hành từ năm 1721 lại thu bằng tiền tính theo từng đinh (mỗi đinh 6 tiền) để thay thế cho một số phụ thu như tiền bài, biểu, điện, miếu và lao dịch đắp đê, đường… Nhà nước thường dùng tiền thuế điệu để thuê người phục dịch trong các công trình xây dựng và đắp đê, đường. Vì vậy miễn thuế điệu từ sông Gianh trở ra (phạm vi Đàng Ngoài trước đây) là nhằm “bớt thuế, thương dân” (10) và có lợi cho không riêng gì thợ thủ công, mà có lợi cho cả nông dân nữa. Sự giảm nhẹ các thứ tô thuế như vậy là một điều kiện cần thiết để phục hồi kinh tế tiểu nông.
Đối với việc xây dựng và quản lý các công trình thủy lợi dưới thời Quang Trung thì cho đến nay chúng ta hầu như chưa tìm thấy tài liệu nào. Theo một tờ sức cũng phát hiện được gần đây ở làng Vĩnh Ninh thì năm Cảnh Thịnh thứ năm (1798) Nguyễn Quang Thùy giữ chức Tiết chế thủy bộ chư doanh kiêm Tổng binh dân thứ vụ ở Bắc Thành đã trực tiếp giải quyết và quy định việc đóng mở một cống nước ở ba xã Vĩnh Hưng Đặng, Vĩnh Bảo, Vĩnh Hưng Trung thuộc huyện Thanh Trì, tưới ruộng cho ba xã trên là ba xã Tả Thanh Oai, Phú Điền, Siêu quần thuộc huyện Thanh Oai. Điều ấy chứng tỏ sự quan tâm của triều Tây Sơn đối với việc thủy lợi và cũng cho phép chúng ta suy đoán rằng ở thời Quang Trung có lẽ sự quan tâm chăm sóc ấy còn cao hơn.
Những biện pháp nông nghiệp trên đây của Quang Trung có tính chất tiến bộ rõ rệt. Nhưng còn đối với vấn đề chủ yếu là vấn đề ruộng đất thì Quang Trung đã giải quyết đến mức độ nào ? Đây là khâu phức tạp nhất trong việc đánh giá chính sách kinh tế của Quang Trung và đến nay vẫn còn những nhận định khác nhau.
Chiến tranh tạm thời chấm dứt tất nhiên có tạo ra điều kiện thuận lợi để phục hồi sản xuất, nhưng trong hoàn cảnh xã hội ta vào cuối thế kỷ XVIII, nếu chỉ đề ra chính sách khuyến nông mà không giải quyết ít nhiều vấn đề ruộng đất thì không thể nào phục hồi được nền kinh tế nông nghiệp, không thể nào giải quyết được nạn nông dân lưu vong và đồng ruộng bỏ hoang. Chính quyền họ Trịnh trước đấy cũng đã nhiều lần đề ra việc khuyến nông, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang, chiêu tập dân lưu vong trở về sản xuất, đặt ra các chức quan khuyến nông sứ, chiêu tập sứ… nhưng đã tỏ ra bất lực và hoàn toàn thất bại. Chính vì vậy có chúa Trịnh như Trịnh Doanh, có những viên quan như Ngô Thừa Sĩ… đã nhìn thấy tầm quan trọng và bức thiết của vấn đề ruộng đất , vấn đề hạn chế nạn kiêm tinh ruộng đất, nhưng không thể giải quyết được vấn đề đặt ra. Kết quả phục hồi nông nghiệp đạt được dưới thời Quang Trung buộc chúng ta phải nghiên cứu kỹ hơn chính sách ruộng đất của Quang Trung. Và trong thực tế, tài liệu tuy rất thiếu thốn, nhưng cũng cho chúng ta thấy rằng Quang Trung có đề cập và giải quyết vấn đề ruộng đất trong một chừng mực nhất định.
Có người cho rằng, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã xóa bỏ chế độ sở hữu ruộng đất của Nhà nước phong kiến, của quan lại và đại địa chủ, biến những người tá điền thành tiểu nông có ruộng đất tư hữu. Theo tôi điều đó có quá cao đối với một cuộc khởi nghĩa nông dân và trong thực tế cũng không có tài liệu cụ thể để chứng minh. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn có nêu cao khẩu hiệu đấu tranh “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”. Nhưng theo lời của các giáo sĩ Tây phương có mặt ở nước ta lúc bấy giờ, thì “của cải” ở đây là lúa gạo, lương thực, tiền của… không thấy đề cập đến ruộng đất, và nhà giàu ở đây không phải là tất cả địa chủ, quan lại mà chỉ một số địa chủ quan lại chống đối mà thôi. Vấn đề ruộng đất không được nêu ra và giải quyết một cách rõ ràng trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Nhưng khi nạn kiêm tinh ruộng đất đã xảy ra nghiêm trọng và nông dân bị mất ruộng, bị phá sản nặng nề như cuối thế kỷ XVIII, thì trong một cuộc đấu tranh giai cấp to lớn, quyết liệt như cuộc khởi nghĩa Tây Sơn , không thể tránh khỏi những hành động giành lại ruộng đất một cách tự phát của nông dân. Giáo sĩ Diego de Jumilla trong bức thư gửi cho giáo sĩ Jean Salguero ngày 15 tháng 2 năm 1774, có nói rằng khi chiếm được Quy Nhơn, Phú Yên. Quân Tây Sơn chia nhau vào các làng xã, “họ giết những xã trưởng phản động và đốt nhà của chúng”, “họ đòi lấy những giấy tờ công, cũng như những sổ sách về thuế khóa, do nhà vua và bọn quan lại đặt ra, đem đốt ở nơi công cộng”. Trước đó, tháng 5 năm 1773 “họ tấn công và tước vũ khí viên quan do nhà vua sai vào thu thuế, họ thu lấy tất cả giấy tờ của viên quan này đem đốt ở nơi công cộng” (11).
Trong lúc bọn quan lại, hào cường bị nhân dân trừng trị, hoặc bị giết chết hoặc phải bỏ trốn, trong lúc sổ sách ruộng đất và thuế khóa bị tiêu hủy, trong lúc chính quyền phong kiến cũ bị lật đổ và chính quyền mới chưa thành lập như vậy, thì nhất định không tránh khỏi xảy ra hiện tượng những người nông dân cùng khổ – nhất là những người nông dân tá điền, tự chiếm lấy ruộng đất của bọn quan lại, hào cường bị giết hay bỏ trốn mà họ đang lĩnh canh, hay cả một bộ phận ruộng đất công của làng xã mà họ đang cày cấy theo khẩu phần của mình. Nhận xét đó dù không có tài liệu trực tiếp, nhưng chúng ta có thể rút ra từ tính chất và diễn biến của cuộc khởi nghĩa. Ở vùng trung tâm của cuộc khởi nghĩa, bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên ngày nay thì những hành động giành lấy ruộng đất một cách tự phát như vậy càng dễ xảy ra. Những hành động ấy chỉ giới hạn đối với một số quan lại chống đối, một số địa chủ cường hào gian ác mà thôi, nên nó chỉ có tác dụng phân tán một số ruộng đất của bọn này sang tay nông dân, hạn chế phần nào nạn kiêm tinh ruộng đất, chứ không thể đưa tới xóa bỏ toàn bộ chế độ sở hữu ruộng đất của quan lại và đại địa chủ. Trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn từ buổi đầu, ngoài lực lượng chủ yếu là nông dân nghèo khổ và các tầng lớp nhân dân bị áp bức khác như thương nhân, nhân dân thiểu số… chúng ta còn thấy tham gia, hưởng ứng của một bộ phận địa chủ nhỏ. Cùng với quá trình phát triển của cuộc khởi nghĩa, nhất là khi cuộc đấu tranh giai cấp chuyển thành cuộc đấu tranh dân tộc chống ngoại xâm, thì lực lượng tham gia phong trào càng mở rộng và chúng ta thấy có sự tham gia của nhiều quan lại sĩ phu yêu nước. Chúng ta có thể kể những trường hợp tiêu biểu như Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp v.v… Trong bức thư của mình, giáo sĩ Diego de Jumilla cũng nói rằng nghĩa binh chỉ tịch thu “của cải” của những “nhà giàu” chống đối, còn những “nhà giàu” chịu phục tùng thì không bị “gây tổn hại gì”. Những điều ấy còn cho phép chúng ta khẳng định rằng, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn trong quá trình phát triển của nó, có phân tán một cách tự phát ruộng đất của một số quan lại chống đối và địa chủ cường hào, nhưng không xóa bỏ hẳn chế độ sở hữu ruộng đất của quan lại và dại địa chủ nói chung.
Sau khi cuộc khởi nghĩa kết thúc, Quang Trung tuy không để ra chính sách ruộng đất rõ ràng, nhưng trong những biện pháp nông nghiệp của mình có tiếp tục giải quyết một số vấn đề ruộng đất.
Đối với ruộng đất công của làng xã thì Quang Trung đem phân cấp cho dân trong làng xã nhất là nông dân lưu vong mới trở về, cày cấy nộp tô cho Nhà nước. Những ruộng đất công này trước đây phần lớn bị Nhà nước và bọn cường hào lũng loạn đem cấp cho quan lại, quân lính hoặc chiếm riêng, nên phần ruộng đất còn lại để phân cấp cho nông dân, không còn mấy. Khi nói về thể lệ quân điền năm 1711 Phan Huy Chú đã nhận xét rằng: chỉ có trấn Sơn Nam hạ có nhiều ruộng đất công nên pháp quân điền còn có tác dụng, còn các trấn khác ruộng đất công không còn mấy chỉ đủ để cấp “binh lương và ngụ lập” mà thôi (12). Hiện nay chúng ta không có tài liệu cụ thể về thể lệ quân điền của Quang Trung. Nhưng điều chắc chắn là dưới thời của Quang Trung , phần lớn ruộng đất công của làng xã đều được chia cho nông dân trước hết là dân lưu vong ,mới trở về, cày cấy nộp tô cho Nhà nước. Quang Trung hầu như đã bãi bỏ chế độ ban cấp ruộng đất cho quan lại, hay nếu có, thì cũng chỉ thực hiện trong một mức độ rất hẹp. Một số quan lại cao cấp trong chính quyền Quang Trung như Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp v.v… chỉ thấy được cấp một số dân đinh, một số làng xã để thu thuế làm bổng lộc, không thấy được cấp ruộng đất. Theo một tài liệu trong Đại nam thực lục chính biên của Sử quán triều Nguyễn, thì Tây Sơn cũng có cấp ruộng ngụ lộc, nhưng có lẽ chỉ ở một mức độ rất hạn chế mà thôi. Qua cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến, ruộng đất công của làng xã bị bỏ hoang nhiều nên trong Chiếu khuyến nông Quang Trung bắt nông dân lưu vong trở về khai khẩn cho hết. Trong tờ sắc ở làng Vĩnh Ninh, năm 1790 Quang Trung còn miễn tô thuế ba năm cho những nông dân lưu vong mới trở về khai khẩn ruộng hoang.
Như vậy là Quang Trung vẫn duy trì chế độ ruộng đất công của làng xã, nhưng không phải dùng để ban cấp cho quan lại, quân lính mà chủ yếu là để chia cho dân cày cấy nhằm đảm bảo cho người nông dân lao động có điều kiện sản xuất, nhằm thanh toán tình trạng ruộng đất bỏ hoang, nhân dân phiêu bạt và do đó phục hồi lại nền kinh tế nông nghiệp. Người nông dân cày ruộng đất tuy phải nộp tô cho Nhà nước, tuy không có quyền sở hữu ruộng đất, nhưng ít nhất cũng có điều kiện sản xuất, có điều kiện xây dựng lại nền kinh tế cá thể của mình. ất nhiên lúc bấy giờ chúng ta không thể đòi hỏi Quang Trung chia hẳn số ruộng đất cho nông dân như yêu cầu của một cuộc cách mạng dân chủ tư sản.
Còn đối với ruộng đất tư thì tất nhiên Quang Trung vẫn phải duy trì chế độ sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, nhưng cũng có hạn chế trong chừng nào sự chiếm hữu ruộng đất ấy có phương hại đến nền sản xuất nông nghiệp và chính quyền mới. Quang Trung đã tịch thu những ruộng đất tư bỏ hoang quá thời hạn quy định và ruộng đất của những phần tử phong kiến chống đối làm ruộng công, giao về các làng xã chia cho dân cày cấy. Theo quyển địa bạ ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) gồm một tập tờ khai của các chủ ruộng của thôn Đông Bằng thượng thuộc xã Thanh Nê, tổng Cổ Định thì từ năm 1788, trước khi lên ngôi Hoàng đế (nên trong những tờ khai này còn để niên hiệu Thái Đức thứ 11), Nguyễn Huệ đã bắt những người có ruộng đất tư phải kê khai tỷ mỉ số ruộng, số thuế của mình. Cuối mỗi tờ khai phải cam đoan rằng: “Lại xin cam đoan, nếu có gian ẩn ruộng từ một thước trở lên và đem nhất đẳng làm nhị đẳng, nhị đẳng làm tam đẳng, hao mất thuế quan, sau có người tố cáo, đo lại thất thực thì tôi cam chịu tịch thu gia tài điền sản và chịu tội chết. Nay đoan”. Trong tình hình rối loạn của xã hội vào thế kỷ XVIII, bọn địa chủ cường hào mặc sức chiếm đoạt ruộng đất để trốn tránh thuế khóa, biện pháp kê khai trên đây là nhằm bước đầu điều tra tình hình ruộng đất tư hữu. Sau khi lên ngôi Hoàng đế trong Chiếu khuyến nông, Quang Trung lại một lần nữa bắt các làng xã phải kê khai tình hình đinh, điền, trong đó ghi rõ số đinh phiêu tán mới trở về làng và số ruộng đất mới khai khẩn được. Những điều trên chứng tỏ sự quan tâm của Quang Trung đối với vấn đề ruộng đất.
Tất nhiên chúng ta không thể có những số liệu, nhưng có thể nói rằng số ruộng đất bỏ hoang và số ruộng đất của bọn địa chủ quan lại chống lại Tây Sơn bị tịch thu. Trong thế kỷ XVIII, tình hình đồng ruộng bỏ hoang, xóm làng điêu tàn xảy ra rất nghiêm trọng và tình hình ấy còn kéo dài cho đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Chúng ta có thể kể ra rất nhiều tài liệu về tình hình này và trong phần trên của bài này, tôi cũng nêu lên vài dẫn chứng cần thiết. Theo tờ sắc tìm được ở làng Vĩnh Ninh, thì cho đến tháng 6 năm 1790 nghĩa là sau hơn một năm khôi phục kinh tế, xã Vĩnh Hưng Đặng vẫn còn 258 mẫu ruộng công và 48 mẫu 5 sào ruộng tư phế canh được tạm hoãn thu thuế. Đó là chưa kể số ruộng đất bỏ hoang lâu ngày được miễn thuế hoàn toàn. Theo An Hội thôn chí của Bùi Dương Lịch thì dưới triều Tây Sơn, thôn An Hội (nay thuộc Hà Tĩnh) có trên 9 mẫu đất công thì có đến 7 mẫu bỏ hoang và đất ương mạ, có trên 118 mẫu đất tư thì cũng có đến trên 112 mẫu bỏ hoang. Còn số ruộng đất của những phần tử phong kiến chống đối bị tịch thu thì không có tài liệu trực tiếp, nhưng chúng ta có thể suy đoán qua số lượng những phần tử chống đối này. Đó là tập đoàn phong kiến họ Trịnh, họ Nguyễn và bọn vua tôi Lê Chiêu Thống, gồm một số khá lớn những triều thần, quan lại cao cấp trong chính quyền phong kiến lúc bấy giờ. Bọn chúng đại biểu cho những thế lực phong kiến phản động nhất trong nước và phần lớn cũng là những địa chủ giàu có. Do đó số tài sản và ruộng đất bị tịch thu của bọn chúng cũng không phải là ít lắm. Biện pháp tịch thu ruộng đất bỏ hoang và ruộng đất của những phần tử phong kiến chống đối có tác dụng phân hóa ruộng đất tập trung trong tay đại địa chủ quan liêu phản động và tạo thêm điều kiện cho nông dân trở về sản xuất, vì những ruộng đất tịch thu đều chuyển thành ruộng đất công chia cho dân cày cấy theo chế độ quân điền.
Để đánh giá chính sách ruộng đất của Quang Trung chúng ta cần phân biệt sự hạn chế khách quan của điều kiện lịch sử và những hạn chế có thể khắc phục được của Quang Trung. Việc duy trì chế độ phong kiến về ruộng đất và cơ sở kinh tế của giai cấp địa chủ nói chung là một hạn chế tất yếu của điều kiện lịch sử vào cuối thế kỷ XVIII, mà Quang Trung, cũng như bất cứ một chính quyền tiến bộ nào, đều không thể vượt qua được. Trong giới hạn khách quan ấy, Quang Trung đã đề ra một số biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề ruộng đất. Tôi không cho rằng những biện pháp ruộng đất của Quang Trung là triệt để, là tuyệt đối không thể khác được. Thực tế lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng, trong phạm vi của chế độ phong kiến, vẫn có thể đề ra những biện pháp để hạn chế nạn kiêm tinh ruộng đất. Ví dụ Hồ Quý Ly đã từng hạn chế mức chiếm hữu ruộng đất tối đa của địa chủ, Ngô Thời Sĩ đã từng đề nghị cho nông dân chuộc lại một nửa số ruộng đã bán cho địa chủ v.v… Vậy thì rõ ràng là không có lý do tuyệt đối ngăn cản Quang Trung đề thêm một số biện pháp ruộng đất tương tự như thế. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần xem xét trong hoàn cảnh xã hội cụ thể dưới thời Quang Trung, những biện pháp ruộng đất của Quang Trung đã có tác dụng gì, còn thiếu sót gì và cần đề thêm những biện pháp gì khác không ? Hạn chế kiêm tinh ruộng đất không phải là cứu cánh mà là một biện pháp để củng cố kinh tế tiểu nông, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Tôi thấy rằng với những biện pháp của mình, Quang Trung đã đưa lại một số ruộng đất để chia cho nông dân cày cấy theo chế độ quân điền kiểu phong kiến. Dưới thời Quang Trung, số ruộng đất công của làng xã và ruộng đất tư bị tịch thu vì bỏ hoang hay vì chủ ruộng chống đối, còn chưa khai khẩn hết. Số ruộng công và tư bỏ hoang của xã Vĩnh Hưng Đặng năm 1790, số đất bỏ hoang của thôn An Hội đủ chứng tỏ điều đó. Vì vậy vấn đề cấp thiết lúc bấy giờ là bên cạnh những biện pháp ruộng đất ấy, cần đẩy mạnh thêm công việc khẩn hoang, giảm nhẹ tô thuế… Có như thế mới phục hồi được kinh tế tiểu nông và do đó khôi phục lại toàn bộ nền kinh tế nông nghiệp. Theo tôi, chính sách nông nghiệp của Quang Trung là giải quyết theo chiều hướng ấy.
Qua toàn bộ chính sách nông nghiệp của Quang Trung, tôi thấy rằng đó là cả một chính sách tích cực phối hợp nhiều biện pháp, trong đó có cả biện pháp ruộng đất. Trong giới hạn của điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, chính sách ấy nói chung là phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội ta. Chính sách ấy tất nhiên không thể giải phóng người nông dân khỏi chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến, chế độ bóc lột địa tô phong kiến, đưa tất cả nông dân đến địa vị của người nông dân tình hình có ruộng đất riêng. Nhưng chính sách ấy đã có tác dụng hạn chế bớt sự lũng đoạn ruộng đất công của làng xã, phân hóa ruộng đất tập trung trong tay một số địa chủ, quan liêu (vì bỏ hoang hay có hành động chống đối) và tạo điều kiện thuận lợi (tích cực khẩn hoang, giảm nhẹ tô thuế…) cho người nông dân bị phá sản trước đây trở về khôi phục lại nền kinh tế cá thể của mình, thanh toán lại tình trạng ruộng đồng bỏ hoang, nông dân lưu vong. Đến vụ mùa năm 1791, sử cũ chép rằng mùa màng trở lại phong đãng. Điều đó chứng tỏ nền kinh tế nông nghiệp đã được phục hồi tương đối nhanh chóng. Nền kinh tế nông nghiệp được phục hồi trước hết là do cơ sở của nó, tức là nền kinh tế tiểu nông được phục hồi. Đó là kết quả lao động cần cù của những người nông dân lao động kết hợp với chính sách nông nghiệp tích cực của Quang Trung.
Cùng với chính sách phục hồi nông nghiệp, Quang Trung còn tiến hành chính sách phát triển công thương nghiệp. Về việc đánh giá chính sách phát triển công thương nghiệp của Quang Trung, hầu như các nhà nghiên cứu đều coi là một chính sách mạnh dạn và tiến bộ. Quang Trung đã bãi bỏ chính sách “ức thương” của họ Trịnh, họ Nguyễn trước đây và chủ trương đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế công thương nghiệp trong nước và mở rộng quan hệ ngoại thương với nước ngoài. Câu nói: “Ta muốn khí dụng gì cũng chẳng phải mua của nước Tàu” bộc lộ một tinh thần tự cường mạnh mẽ, một hoài bão to lớn của Quang Trung muốn xây dựng một nền kinh tế công thương nghiệp phát triển độc lập. Chính sách mở rộng ngoại thương của Quang Trung cũng khác hẳn chính sách lợi dụng ngoại thương để phục vụ nhu cầu nội chiến và xa xỉ của họ Nguyễn, họ Trịnh trong thế kỷ XVII. Thông thương với nước ngoài theo Quang Trung là nhằm “khiến cho hàng hóa không ngừng đọng, để lợi cho dân dùng” (13)
Tính chất tiến bộ của chính sách phát triển công thương nghiệp của Quang Trung thật là rõ ràng. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm rằng, trong lúc đánh giá chính sách kinh tế của Quang Trung, chúng ta cần kết hợp chặt chẽ chính sách phục hồi nông nghiệp với chính sách phát triển công thương nghiệp. Yêu cầu phát triển của xã hội ta vào cuối thế kỷ XVIII không phải chỉ là hạn chế nạn kiêm tinh ruộng đất, phục hồi kinh tế tiểu nông, mà còn là phát triển nền kinh tế hàng hóa. Vào giai đoạn cuối của chế độ phong kiến, phát triển kinh tế hàng hóa là một yêu cầu rất quan trọng. Đó chính là con đường để hình thành sức sản xuất và quan hệ sản xuất mới, con đường đưa xã hội ta dần dần tiến lên một hình thái xã hội mới cao hơn. Sự phát triển của kinh tế tiểu nông, xét cho đến cùng, không phải và không thể là để duy trì mãi mãi tình trạng sản xuất tiểu nông, mà là để thúc đẩy sức sản xuất tiến lên một bước, và tạo điều kiện cho nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh mẽ. Khi nền sản xuất hàng hóa chuyển biến thành sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì sự phá sản của kinh tế tiểu nông lại là một hiện tượng tất nhiên và là một bước tiến của lịch sử. Trong chính sách kinh tế của mình, chúng ta thấy Quang Trung đã chú ý kết hợp cả hai nhiệm vụ : phục hồi nông nghiệp và phát triển công thương nghiệp. Theo tôi, chính sách kinh tế của Quang Trung chưa phải là những cải cách táo bạo, mà chỉ là những biện pháp cải thiện trong khuôn khổ chế độ phong kiến. Nhưng nói chung, đó là chính sách tiến bộ và phù hợp với yêu cầu phát triển khách quan của xã hội ta vào cuối thế kỷ XVIII. Chính sách đó nếu được thực hiện đầy đủ trong một thời gian dài, nhất định sẽ gây nên những chuyển biến tốt và mở ra những khả năng tiến triển tốt đẹp cho xã hội ta. Tuy nhiên chính sách kinh tế của Quang Trung trong phần thực hiện, đã gặp nhiều hạn chế lớn.
Trước hết, về mặt không gian, chính sách kinh tế của Quang Trung chỉ được thi hành trên một phần đất nước thuộc phạm vi thống trị của chính quyền Quang Trung. Còn chính quyền của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ thì hầu như không đề ra được chính sách gì đáng kể nhằm giải quyết những yêu cầu phát triển của xã hội và góp phần xây dựng đất nước. Đó là một trong những lý do khiến cho chính quyền Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ suy yếu và sụp đổ nhanh chóng trước cuộc phản công của Nguyễn Ánh.
Hạn chế lớn nhất là thời gian thực hiện những chính sách cải cách của Quang Trung quá ngắn ngủi. Đầu năm 1789, sau chiến thắng chống quân Thanh, Quang Trung mới có điều kiện tập trung sức lực vào việc canh tân dựng nước, đề ra những chính sách cải cách về các mặt. Và đến mùa thu năm 1792, Quang Trung đã chết một cách đột ngột, bỏ dở dang tất cả sự nghiệp đang tiến hành. Sau đó Quang Toản còn ít tuổi lên ngôi đã tỏ ra bất lực không tiếp tục được những chính sách tiến bộ của Quang Trung và để cho mâu thuẫn nội bộ phát triển, làm cho triều Tây Sơn suy yếu nhanh chóng. Trong thời gian ngắn ngủi như vậy, những chính sách của Quang Trung, dù tiến bộ cũng chưa thể phát huy hết tác dụng tích cực của nó trong thực tế xã hội.
Hơn nữa ngay trong thời gian Quang Trung còn sống việc thực hiện chính sách cải cách đã gặp nhiều khó khăn do sự lợi dụng, phá hoại của bọn quan lại, hào mục cũ gây ra. Trong chính quyền Quang Trung còn phải sử dụng một số lượng khá lớn những quan lại hào mục cũ, mà phần lớn tỏ ra không trung thành với chính quyền mới. Nhiều chính sách tiến bộ của Quang Trung qua bàn tay thực hiện của bộ máy quan liêu này đã không thi hành được đầy đủ, thậm chí có khi còn bị xuyên tạc, lợi dụng để ức hiếp, bóc lột nhân dân. Đây là một hạn chế khó tránh khỏi đối với một bộ máy phong kiến quan liêu, nhưng với sự kiên quyết của Quang Trung và với thời gian vẫn có thể khắc phục được một phần, bảo đảm thực hiện tốt hơn những chính sách đã đề ra. Chính Quang Trung đã nhìn thấy hạn chế này và đã từng ra lệnh trừng trị bọn quan lại tham nhũng ở các địa phương.
Với những hạn chế trên đây, chính sách kinh tế cũng như toàn bộ chính sách về các mặt của Quang Trung, tuy có nhiều tính chất tiến bộ nhưng chưa phát huy được hết tác dụng tích cực của nó trong xã hội và chưa gây được chuyển biến gì sâu sắc lắm. Nhưng dù sao, những chính sách ấy cũng bộc lộ rõ ràng tính chất tiến bộ của triều Quang Trung – một triều đại phong kiến xây dựng trên thắng lợi của phong trào nông dân khởi nghĩa. Cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt đó – mà Nguyễn Huệ là lãnh tụ nông dân kiệt xuất nhất, cùng với tài năng cá nhân lỗi lạc của mình, là những lý do cắt nghĩa tính chất tiến bộ của triều Quang Trung.
***
Vấn đề thứ ba mà tôi muốn bàn thêm trong bài này là nguyên nhân thất bại của Tây Sơn. Đây là một vấn đề khá phức tạp và từ trước đến nay đã có nhiều kiến giải khác nhau.
Trong hầu hết những công trình nghiên cứu về Tây Sơn trước đây đều coi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn hay cuộc cách mạng Tây Sơn bao gồm thời gian dài từ khi cuộc khởi nghĩa bắt đầu bùng nổ năm 1771 đến khi chính quyền Tây Sơn cuối cùng bị lật đổ năm 1802. Theo tôi, cách trình bày như vậy không phân biệt rõ ràng được những thắng lợi và thất bại của Tây Sơn và do đó, cũng dễ gây nên những nhầm lẫn, mơ hồ trong khi cắt nghĩa sự thất bại của triều Tây Sơn.
Căn cứ vào quá trình phát triển và tính chất của cuộc đấu tranh, chúng ta nên chia lịch sử Tây Sơn từ 1771 đến 1802 làm hai giai đoạn :
Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn phát triển của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Cuộc chiến tranh trong giai đoạn này diễn ra dưới hình thái một cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt giữa một bên là nông dân và các tầng lớp nhân dân bị áp bức khác do anh Tây Sơn lãnh đạo và bên kia là những thế lực phong kiến phản động tiêu biểu là những chính quyền phản động của Nguyễn, Trịnh, Lê và những thế lực can thiệp, xâm lược bên ngoài.
Giai đoạn thứ hai kể từ lúc cuộc khởi nghĩa nông dân đã kết thúc và một triều đại phong kiến mới, tiến bộ đã thành lập sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ấy, cho đến lúc triều Tây Sơn bị lật đổ. Cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh trong giai đoạn này đã chuyển hóa thành một cuộc chiến tranh giữa hai lực lượng phong kiến : một bên là triều Tây Sơn; một bên là Nguyễn Ánh.
Trong giai đoạn thứ nhất, chúng ta phải khẳng định những thắng lợi rực rỡ của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Đó là những thắng lợi trong sự nghiệp đánh bại mọi lực lượng phong kiến phản động bên trong và lực lượng xâm lược bên ngoài. Sức mạnh đoàn kết đấu tranh của nhân dân được phát động rộng rãi trong cả nước, sự lãnh đạo tài tình của anh em Tây Sơn là những nguyên nhân chính quyết định mọi thắng lợi trên. Có thể nói đó là thắng lợi cao nhất mà cuộc khởi nghĩa nông dân có thể đạt được trước khi có một giai cấp tiên tiến lãnh đạo.
Nhưng sau những thắng lợi ấy, phong trào nông dân đã đứng trước một tình trạng bế tắc, không có lối thoát. Bản thân giai cấp nông dân không đại biểu cho một phương thức sản xuất mới nên không thể tự mình tiến hành một cuộc vận động cách mạng thắng lợi, không thể đẩy phong trào tiến lên hoàn thành nhiệm vụ của một cuộc cách mạng thực sự. Do đó, cuối cùng phong trào nông dân tự nó phải thoái hóa, những lãnh tụ nông dân đi vào con đường phong kiến hóa và tiếp tục duy trì chế độ phong kiến. Quá trình phong kiến hóa ấy là một hiện tượng tất yếu do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ quy định. Đó là sự thiếu hẳn một trình độ phát triển công thương nghiệp cần thiết làm xuất hiện một giai cấp mới có khả năng lãnh đạo nông dân hoàn thành một cuộc cách mạng.
Quá trình phong kiến hóa diễn biến dần dần ngay cả trong quá trình phát triển của cuộc khởi nghĩa. Sau những thắng lợi nhất định, chúng ta thấy những lãnh tụ nông dân bắt đầu xưng vương, xưng đế, phong quan tước cho các tướng tá. Những lễ phục đế vương ấy vẫn chưa làm thay đổi chức năng của bộ tham mưu cuộc khởi nghĩa khi họ còn đại biểu cho quyền lợi của nhân dân, tiến hành cuộc đấu tranh chống lại mọi kẻ thù của nhân dân. Chỉ khi nào bị kẻ thù lật đổ, từ bộ tham mưu cuộc khởi nghĩa chuyển sang chức năng của Nhà nước phong kiến thì cuộc khởi nghĩa mới kết thúc và đó cũng là ranh giới giữa giai đoạn thứ nhất và giai đoạn thứ hai. Trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn ranh giới ấy ở mỗi khu vực có khác nhau. Từ năm 1786 thì Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đã từ lãnh tụ nông dân chuyển sang những ông vua của triều đại phong kiến mới và tính chất nông dân khởi nghĩa đã kết thúc. Trong lúc đó thì ở phía Bắc, Nguyễn Huệ tuy mang danh hiệu Bắc Bình Vương rồi Hoàng đế Quang Trung, nhưng vẫn tiếp tục phát triển cuộc đấu tranh của nhân dân, tiến lên hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ tiêu diệt những thế lực phong kiến phản động ở Đàng Ngoài và đánh bại cuộc xâm lược của quân Thanh. Năm 1789, sau chiến thắng chống quân Thanh, thì Nguyễn Huệ mới chuyển hẳn sang chức năng của Nhà nước phong kiến. Năm 1789 là đỉnh phát triển cao nhất và cũng là điểm kết thúc cuối cùng của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã phát triển thành một phong trào dân tộc rộng lớn, trên qui mô cả nước. Thắng lợi của nó thật to lớn, nhưng theo tôi, không vì thế mà coi khởi nghĩa Tây Sơn là “cuộc cách mạng Tây Sơn”. Trong hoàn cảnh lịch sử nước ta cuối thế kỷ XVIII, sự phát triển kinh tế xã hội chưa tạo ra những tiền đề cần thiết cho một cuộc cách mạng xã hội.
Sang giai đoạn thứ hai, một vấn đề khác được đặt ra là cuộc chiến tranh giữa hai lực lượng phong kiến, một bên là triều Tây Sơn, một bên là tập đoàn Nguyễn Ánh, tại sao lại kết thúc với sự thất bại của triều Tây Sơn.
Tất nhiên những hạn chế khách quan của điều kiện lịch sử lúc bấy giờ mà chúng ta đã phân tích ở trên có làm cho triều Tây Sơn bị suy yếu. Triều Tây Sơn thiết lập sau thắng lợi của phong trào nông dân nên còn duy trì ít nhiều thành quả đấu tranh của nhân dân, còn có khả năng tiến hành một số chính sách tiến bộ. Nhưng dù sao vẫn là triều đại phong kiến với chức năng bảo vệ quan hệ bóc lột phong kiến. Do dó quan hệ giữa nhân dân với triều đại mới bị phai lạt dần và chuyển hóa thành quan hệ đối lập giữa kẻ áp bức với người bị áp bức. Dưới con mắt của nhân dân anh em Tây Sơn sau này không còn là lãnh tụ của họ nữa, không còn đại biểu cho quyền lợi của họ nữa, mà đã gia nhập hàng ngũ phong kiến. Vì vậy trong cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn sau này, triều Tây Sơn không còn giữ được sức ủng hộ mãnh liệt của quần chúng như trong giai đoạn khởi nghĩa trước kia. Mặc khác, xã hội Việt Nam dưới thời Tây Sơn tuy có chuyển biến ít nhiều, nhưng về căn bản, kết cấu kinh tế và xã hội vẫn như cũ. Cơ sở kinh tế của những thế lực phong kiến cũ vẫn được duy trì trong phạm vi cả nước và triều Tây Sơn vẫn phải sử dụng một bộ phận khá lớn quan lại, sĩ phu cũ trong chính quyền mới. Những thế lực phong kiến này phần lớn đều giữ thái độ thù địch với triều Tây Sơn và có thời cơ thuận lợi là muốn khôi phục lại địa vị thống trị cũ. Như vậy là do những hạn chế khách quan, anh em Tây Sơn vô tình đã phải duy trì cơ sở kinh tế của những thế lực chống đối lại mình trong phạm vi cả nước. Tất cả tình hình ấy là hậu quả của quá trình phong kiến hóa do điều kiện kinh tế, xã hội ấy quy định. Đó là nguyên nhân sâu xa làm cho lực lượng Tây Sơn trong giai đoạn thứ hai bị suy yếu, không còn khả năng vô địch như trong giai đoạn thứ nhất.
Tuy vậy, tôi nghĩ rằng, trong hoàn cảnh xã hội nước ta vào cuối thế kỷ XVIII, vẫn có khả năng tồn tại, trong một thời gian nhất định, một chính quyền phong kiến tiến bộ như triều Quang Trung. Trong cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và triều Tây Sơn, sự thất bại cuối cùng của triều Tây Sơn có những lý do của nó.
Sự thất bại của triều Tây Sơn, ngoài những hạn chế khách quan trên kia, còn có những nguyên nhân sau đây:
Về phía Tây Sơn, có hai nguyên nhân chính
Nguyên nhân thứ nhất là trong sự lãnh đạo của anh em Tây Sơn, ngoài những ưu điểm lớn còn có một số nhược điểm thiếu sót quan trọng có ảnh hưởng tai hại đến sự thất bại của triều Tây Sơn sau này. Hai thiếu sót lớn nhất là không bảo vệ được khối thống nhất lực lượng và không có những biện pháp thích đáng để giữ đất Gia Định.
Phong trào Tây Sơn, với tư cách là một cuộc đấu tranh vũ bão của nhân dân cả nước, đã có tác dụng quyết định kết thúc tình trạng chia cắt giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài kéo dài trên hai thế kỷ và có nhiều cống hiến to lớn vào việc khôi phục lại quốc gia thống nhất. Nhưng mặt khác, anh em Tây Sơn chưa hoàn thành được nhiệm vụ thống nhất quốc gia. Năm 1786, anh em Tây Sơn chia nước làm ba khu vực cai quản và do đó, đưa đến sự thành lập những chính quyền riêng biệt, thậm chí có lúc xung đột nhau. Từ đó lực lượng Tây Sơn đang thống nhất hùng hậu, bỗng nhiên bị chia xẻ, phân tán tạo ra những chỗ sơ hở cho quân thù lợi dụng phản công. Nguyễn Ánh đã lợi dụng thời cơ đó, trước hết đánh bại Nguyễn Lữ chiếm lấy Gia Định làm căn cứ rồi tiến ra đánh bại Nguyễn Nhạc và cuối cùng lật đổ luôn cả Quang Toản, thôn tính cả nước. Theo những tài liệu của Sử quán triều Nguyễn và cả của giáo sĩ Tây phương (14) thì trong số những nhà lãnh đạo Tây Sơn, Nguyễn Huệ là người sáng suốt, có nhìn thấy nguy cơ phục hồi Nguyễn Ánh ở Gia Định. Trong lời căn dặn của Nguyễn Huệ với các tướng tá trước khi chết cũng chứng tỏ điều đó. Nhưng do sự phân chia khu vực làm ngăn trở, do sự bất hòa với Nguyễn Nhạc, nên Nguyễn Huệ không thể trực tiếp trấn áp kẻ thù ngay từ buổi đầu còn non yếu của chúng.
Đất Gia Định vốn có một vị trí quan trọng trong cuộc chiến tranh khôi phục lại chế độ phong kiến của Nguyễn Ánh. Đây là một miền đồng bằng phì nhiêu, mới khai thác và trong quá trình khai thác miền đất này, họ Nguyễn đã tạo ra một tâng lớp địa chủ giàu có, trung thành với mình. Đây cũng là nơi rút lui và cầm cự cuối cùng của những thế lực phong kiến Đàng Trong trước cuộc tiến công của Tây Sơn. Quân Tây Sơn đã nhiều lần tấn công vào Gia Định, nhưng sau mỗi lần tấn công thắng lợi lại rút lui, chỉ để một số quân làm nhiệm vụ đồn trú đơn thuần về quân sự mà thôi. Sau khi chính quyền họ Nguyễn bị lật đổ thì quân Trịnh ở phía Bắc là kẻ thù nguy hiểm nhất, nên chúng ta không đòi hỏi anh em Tây Sơn phải dồn một số quân lớn đóng giữ đất Gia Định. Thiếu sót của anh em Tây Sơn là ở chỗ không biết nhân những thắng lợi của mình tiếp tục để có những chính sách cần thiết về kinh tế, chính trị, xã hội để củng cố cơ sở của chính quyền mới lập nên ở đây. Do đó, sau khi đại quân Tây Sơn rút lui, bọn tàn quân chúa Nguyễn với sự ủng hộ của đại địa chủ địa phương lại âm mưu nổi dậy. Từ 1776 đến 1785 sáu lần quân Tây Sơn chiếm được Gia Định thì sau đó cũng là sáu lần quân Nguyễn khôi phục lại Gia Định. Năm 1786, Nguyễn Lữ được cử vào trấn giữ đất Gia Định cũng tỏ ra bất lực không bảo vệ nổi vị trí quan trọng này. Vì vậy, năm 1787 Nguyễn Ánh sau hiều lần thất bại vẫn chiếm được đất Gia Định làm bàn đạp tấn công lật đổ triều Tây Sơn.
Nguyên nhân thứ hai là cơ sở của chính quyền Tây Sơn mới xây dựng chưa được củng cố vững chắc. Việc chia rẽ anh em Tây Sơn đưa đến sự thiết lập những chính quyền riêng biệt làm cho lực lượng Tây Sơn bị phân tán. Hơn nữa cơ sở của mỗi chính quyền mới xây dựng lại không được củng cố. Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ sau khi lên làm vua, đã tỏ ra tầm thường, hưởng lạc, không đề ra được chính sách gì đáng kể để giải quyết yêu cầu phát triển của xã hội, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân. Do đó những chính quyền này đã sụp đổ nhanh chóng trước cuộc phản công của Nguyễn Ánh. Chỉ riêng chính quyền của Nguyễn Huệ là tồn tại vững chắc vì như chúng ta biết Nguyễn Huệ đã thực hiện nhiều chính sách tiến bộ. Nhưng giữa lúc chính sách đó đang tiến hành dở dang, chính quyền đang cần tiếp tục củng cố thì Nguyễn Huệ chết đột ngột. Tôi không coi cái chết của Nguyễn Huệ là nguyên nhân quyết định tất cả, nhưng phải thấy rằng đây là một tổn thất lớn của Tây Sơn, làm cho triều Tây Sơn suy yếu nhanh chóng. Sau khi Quang Trung chết, chính quyền của Quang Toản đã lâm vào tình trạng chia rẽ, xung đột nội bộ gay gắt, trong lúc cơ sở kinh tế xã hội của chính quyền ấy chưa vững chắc, nên đã bị sụp đổ trước cuộc phản công của Nguyễn Ánh. Triều Quang Toản vào giai đoạn cuối cùng đã mất lòng dân nghiêm trọng và không thể coi là một vương triều phong kiến tiến bộ.
Về phía Nguyễn Ánh cũng có hai nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất là Nguyễn Ánh được sự ủng hộ của giai cấp địa chủ cả nước, nhất là tầng lớp đại địa chủ ở Gia Định. Đây là lực lượng hậu thuẫn quan trọng nhất, là chỗ dựa đầu tiên của Nguyễn Ánh trong việc xây dựng lực lượng chống lại Tây Sơn. Gia Định lại là miền đất mới khai phá, kinh tế đang có điều kiện phát triển và mâu thuẫn giai cấp chưa gay gắt lắm. Vì vậy, Nguyễn Ánh và bọn đại địa chủ ở đây cũng dễ lôi kéo một bộ phận nhân dân theo chúng chống lại triều Tây Sơn. Sau này, năm 1817, chính Nguyễn Ánh cũng tự nhận thấy rằng: “Gia Định đất đai màu mỡ, các thánh mở mang chưa đến một trăm năm mà binh mạn, của giàu, trẫm dùng đấy để đánh giặc Tây Sơn …” (15). Gia cấp địa chủ trong nước nói chung cũng có thái độ thù hằn với triều Tây Sơn. Triều Tây Sơn càng suy yếu, càng mất sự ủng hộ của nhân dân thì hoạt động chống đối của bọn phong kiến càng mở rộng, càng có hiệu lực. Bọn chúng có kẻ thì nổi dậy chống Tây Sơn, có kẻ thì trốn vào Gia Định theo Nguyễn Ánh và luôn luôn sẵn sàng làm hậu thuẫn cho những cuộc phản công của Nguyễn Ánh. Chúng xuyên tạc mọi chủ trương, chính sách tiến bộ của Tây Sơn để ly gián nhân dân và tuyên truyền cho ảnh hưởng của Nguyễn Ánh. Bài phú “Chiến tụng Tây Hồ” của Phạm Thái”, “Khúc ca hoài nam” của Hoàng Quang và nhiều câu ca dao khác… do họ sáng tác ra đều nhằm mục đích chính trị ấy.
Nguyên nhân thứ hai là sự giúp đỡ của tư bản Pháp cũng có tác dụng nhất định đến sự phát triển lực lượng của Nguyễn Ánh và cục diện của cuộc chiến tranh. Đây không phải là sự giúp đỡ chính thức của chính phủ Pháp theo các điều khoản của hiệp ước Versailles, mà chỉ là kết quả của cuộc vận động của Bá Đa Lộc đối với bọn tư bản thực dân ở các thuộc địa Pháp. Bản thân lực lượng này không lớn lắm và chúng ta không có lý do gì khuếch đại quá nhân tố ngoại viện này thành nguyên nhân quyết định sự thắng lợi của Nguyễn Ánh. Tuy vậy chúng ta phải thấy rằng sự can thiệp của tư bản Pháp có tác dụng nâng cao thêm ít nhiều thuật chiến đấu của quân Nguyễn như kỹ thuật đóng tàu, đúc súng, chế đạn, xây thành lũy, mua vũ khí của các công tình yêu tư bản phương Tây.
Tất cả những nguyên nhân trên liên quan mật thiết với nhau và cuối cùng đã quy định sự thất bại của triều Tây Sơn. Theo tôi, thì trong số những nguyên nhân ấy, những nguyên nhân về phía Tây Sơn là chủ yếu. Nói như vậy là phù hợp với nhận định cho rằng thất bại của triều Tây Sơn không phải là một tất yếu, không thể tránh khỏi. Những nguyên nhân về triều Tây Sơn có thể khắc phục được trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Và nếu khắc phục được những nguyên nhân ấy, một chính quyền phong kiến tiến bộ thành lập sau thắng lợi của phong trào nông dân khởi nghĩa, vẫn có thể đứng vững trong một thời gian dài hơn và đưa xã hội tiến lên một bước nhất định. Nói như vậy cũng có nghĩa là chế độ phong kiến lúc bấy giờ khủng hoảng trầm trọng, nhưng không phải là bế tắc, không có lối thoát.
Trên đây là một số suy nhĩ của tôi về ba vấn đề do cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đề ra cho những người làm công tác nghiên cứu sử học. Phát biểu những ý kiến trên, tôi muốn góp phần làm sáng tỏ thêm những nét cơ bản về lịch sử của phong trào Tây Sơn.
Phan Huy Lê
———-
1. Việt sử thông giám cương mục. Q. 39
2. Phạm Đình Hổ: Vũ Trung tùy bút, NXN Văn hóa, tr. 119
3. Ngô gia văn phái
4. Lịch triều tạp kỷ, Q. 6
5. Ngô Gia văn phái sđd
6. Lê Quí Đôn: Phủ biên tạp lục, Q. 3
7. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Q. 29
8. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Q. 29
9. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Q. 31
10. Phan Huy Ích: Dụ am văn tập
11. Les Expagnols dán t’Empire d’Annam Archives tibéro – americaines. No 107, XIV ème article
12. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Q. 30
13. Thư gửi tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An 1789
14. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kv Q. 6 L. Cadiere Documents relatifs a l’epoque de Gia Long
15. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kv Q. 55
Nghiên cứu lịch sử số 49. 4 – 1963
và số 50. 5 – 1963 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét