Góp thêm tư liệu mới về quan hệ chiến sự và ngoại giao Việt – Thanh thời Tây Sơn : Bộ tranh “Bình Định An Nam chiến đồ” có thơ đề vịnh bằng ngự bút của vua Càn Long
Nguyễn Quốc Vinh *
Việt Nam học – Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội (15-17/7/1998)
1. Giới thiệu.
Để chuẩn bị kỷ niệm 210 năm ngày vua
Quang Trung đại phá quân Thanh, chúng tôi xin phép được dành bài tham
luận của mình để giới thiệu một nguồn tư liệu mới từ nước ngoài, khá đặc
biệt và lý thú về quan hệ chiến sự và ngoại giao Việt – Thanh thời Tây
Sơn vào cuối thế kỷ XVIII: đó là bộ tranh “Bình Định An Nam chiến đồ” có
thơ đề vịnh bằng ngự bút của vua Càn Long. Như sẽ trình bày cụ thể hơn ở
dưới, bộ tranh này có tính thời sự và sử liệu khá lớn vì được làm và đề
vịnh vào tháng 8 năm Kỷ Dậu (1789), tức là chỉ tám tháng sau khi chiến
sự Việt – Thanh kết thúc với chiến dịch Ngọc Hồi – Đống Đa vào tháng
giêng, và ngay sau khi sứ bộ Nguyễn Quang Hiển sang bệ kiến và cầu hòa
với vua Càn Long vào tháng 7 cùng năm.
Đặc biệt hơn là bộ tranh lại có thơ đề
vịnh do chính vua Càn Long ngự chế và ngự bút, mà theo như sử sách và
thư tịch còn chép lại thì Càn Long chỉ bỏ công ngự chế và ngự bút văn
thơ cho một số ít các võ công hiển hách nhất trong triều đại của mình,
qua đó cho thấy tầm quan trọng của chiến sự và ngoại giao của triều
Thanh đối với Việt Nam, khi ấy vẫn còn được gọi là “An Nam”, đã khiến vị
hoàng đế vẫn thường tự cao tự đại này phải tốn ít nhiều bút mực chống
chế cho thất bại chiến sự bằng cách vớt vát thể diện với thành công
ngoại giao khi triều Tây Sơn ngỏ ý cầu hòa.
Theo thu thập sơ bộ của chúng tôi thì
vua Càn Long có sáng tác ít ra là trên 20 bài thơ, văn và ký sự (còn
không kể đến các chỉ dụ mà có lẽ do đình thần chứ không phải nhà vua
làm) về các sự kiện ở Việt Nam thời cuối Lê và Tây Sơn. Đây là một số
lượng đáng kể, nhưng rất tiếc là phần lớn vẫn còn chưa được công bố và
giới thiệu với giới nghiên cứu Việt Nam ngoài những chút gì đã được Quốc
Sử Quán triều Nguyễn chép lại trong quyển 30 về “Ngụy Tây liệt truyện”
trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập. Dĩ nhiên các tư liệu
văn học này có giá trị thư tịch cũng như sử liệu không nhỏ, và chúng tôi
hy vọng sẽ sớm có thể lần lượt giới thiệu chúng trong những dịp khác,
còn trong khuôn khổ của bài tham luận này chúng tôi xin tạm thời tập
trung giới thiệu cụ thể về bộ tranh và các bài thơ đề vịnh “Bình Định An
Nam chiến đồ” mà thôi.
Ngẫu nhiên chúng tôi đã có may mắn trực
tiếp xem xét một bản gốc của bộ tranh “Bình Định An Nam chiến đồ” hiện
được lưu giữ tại thư viện sách quý Houghton của trường đại học Harvard
tại Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.
Bộ tranh này do một cựu sinh viên niên
khóa 1921 tên là Philip Hofer tặng cho trường (cùng với 2 bộ “chiến đồ”
khác thời Càn Long), và còn được bảo quản trong tình trạng tương đối
tốt, mặc dù một vài bức đã có chút sứt mẻ ở các góc cạnh và có đôi chỗ
đã hơi ngả màu vàng ố hay ẩm mốc. Chúng tôi đã yêu cầu thư viện cho chụp
lại vi ảnh để tiện bảo quản và tham khảo bộ tranh, và qua sự tài trợ
hào hiệp của học viện Harvard – Yenching chúng tôi đã xin phóng ảnh làm
thác bản kính tặng Viện Hán Nôm tại Hà Nội và Bảo tàng Quang Trung tại
Bình Định để các học giả Việt Nam trong nước tiện bề tham khảo và nghiên
cứu.
Khi vừa đến Hà Nội, chỉ vài ngày trước
cuộc Hội thảo quốc tế về Việt Nam học vào tháng 7 – 1998 vừa qua, chúng
tôi đã có cơ duyên gặp một bất ngờ lý thú khi được một vài học giả trong
nước chỉ dạy cho rằng ông Trần Viết Ngạc tại TP HCM đã dựa theo thông
tin của một người bạn khuyết danh từ Hoa Kỳ để giới thiệu bức tranh
“Trận chiến trên sông Phú Lương” (tức là bức thứ 5 của bộ tranh) trong
tạp chí Xưa & Nay số 32 (10/1996)(1). Người cung cấp tư liệu cho
biết rằng, bức tranh này hiện được lưu giữ tại viện bảo tàng Smithsonian
tại Washington D.C., nhưng không rõ là nơi đây chỉ có một bức lẻ hay có
đủ cả 6 bức của bộ tranh như chúng tôi sẽ giới thiệu sau đây. Rất tiếc
là bản sao của bức tranh này lại bị chắp nối ở giữa để đến nỗi hụt mất
đi hai dòng thơ chữ Hán. Ngoài ra, hai bên, nhất là bên trái, và cả phía
dưới của bức tranh cũng bị cắt xén khá nhiều để dồn gọn bài thơ vào
chính giữa bản sao (nên có lẽ đã làm mất đi hơn 1/3 diện tích của bức
tranh). Và có lẽ vì không hiểu rõ xuất xứ và lai nguyên của bộ tranh nên
bài giới thiệu đã không khỏi có đôi điều sai sót về ý nghĩa của bài thơ
cũng như nội dung sử liệu của bức tranh.
Ngoài ra còn phải nói thêm rằng, trước
đây các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã biết đến bức tranh tả cảnh sứ bộ
Nguyễn Quang Hiển vào bệ kiến vua Càn Long tại Nhiệt Hà (là bức thứ 6
của bộ tranh). Bức này đã được tạp chí Nam Phong giới thiệu vào năm 1934
trong một phụ ảnh dựa theo một bản gốc được lưu giữ vào đầu thế kỷ XX
tại Bắc Bình đồ thư quán (2). Quả vậy, một bản chụp lại rất xấu và nhòe
của phụ ảnh này hiện được trưng bầy trong Viện bản tàng lịch sử tại Hà
Nội. Và có lẽ vì các bản sao của bức tranh này lại có chất lượng kém nên
vẫn chưa ai giới thiệu bài thơ ngự chế mà vua Càn Long đã đề vịnh (3).
Tuy nhiên, vì chưa rõ xuất xứ của các bức tranh đơn lẻ này từ bộ “Bình
Định An Nam chiến đồ” nên người ta vẫn chưa có được hiểu biết và nhận
định thích đáng về chúng. Thiết nghĩ, việc suy diễn nội dung tư liệu cần
phải được tiến hành một cách thận trọng, chúng tôi chỉ mong trước hết
có thể cung cấp thông tin cho thêm chính xác về mặt văn bản và họa bản
trong bài tham luận sơ bộ này, còn sau đó xin kính mời các bậc thức giả
góp ý chỉ dạy và chung sức tìm cách xử lý nội dung tư liệu sao cho được
thỏa đáng.
2. Các nguồn thư tịch Trung Quốc và Tây phương có bàn về bộ tranh.
Sách Quốc triều cung sử tục biên của nhà
Thanh có nhắc đến bộ sách Khâm định An Nam kỷ lược gồm 32 quyển kể về
cuộc chinh phạt An Nam vào thời Càn Long trong quyển 85 trong phần
“Phương lược”(4), và có liệt kê bộ tranh “Bình Định An Nam chiến đồ”
trong quyển 100 trong phần “Thư mục” nhưng lại không kèm theo chi tiết
cụ thể.
Còn theo sách Thanh nội vụ phủ tào biện
xứ dư đồ phòng đồ mục sơ biên thì bộ tranh “Ngự bút bình định An Nam
chiến đồ lục vịnh” gồm có chín bộ, mỗi bộ 6 tờ giấy bản, mỗi tờ cao 1,6
thước (50 cm), rộng 2,8 thước (88 cm). Trong đó có một bộ đựoc vẽ bằng
mực, có một bức tranh không có thơ đề vịnh, vốn có thêm lời chú rằng
“Dương Đại Chương vẽ” (Dương Đại Chương hội). Tám bộ kia được in bằng
mực, trong đó có một bộ vốn có tựa đề là “An Nam Nguyễn Huệ sai cháu là
Nguyễn Quang Hiển vào ra mắt và được ban cho ăn yến, tranh do nhà vua
sai làm” (Ngự chế An Nam Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập
cận tứ yến đồ) có ghi thêm bên cạnh rằng “Ban cho tuần phủ Giang Tây là
Trần Hoài vào ngày 24 tháng 5 năm Càn Long thứ 60” (Càn Long lục thập
niên ngũ nguyệt nhị thập tứ nhật tứ Giang Tây tuần phủ thần Trần Hoài).
Và theo sách Quốc triều viện họa lục thì Dương Đại Chương là một trong
những họa sĩ cung đình có tham gia minh họa một số tranh truyền thần và
hoa điểu cho các bộ Ngự chế thi văn tập (thi tam tập, tứ tập) của vua
Càn Long.
Một vài nhà học giả Tây phương vào nửa đầu
thế kỷ XX đã từng nhắc đến bộ tranh về chiến sự An Nam, nhưng chỉ trong
phạm vi là một phụ chú cho quan tâm chính của họ là bộ tranh “Bình định
Tây Vực chiến đồ” năm 1765.
Đây là một bộ tranh mà vua Càn Long đã
cho khắc in biển đồng theo các bản vẽ được đặt từ Paris và qua bốn nhà
họa sĩ Tây phương được lưu dụng trong cung là Joseph Castiglione (người
Ý, tên chữ Hán là Lương Thế Ninh), Dennis Attiret (người Pháp, tên chữ
Hán là Vương Chí Thành), Ignace Sichelbart (người Tiệp, tên chữ Hán là
Ngải Khải Mông), và Jean Damascène (người Pháp, tên chữ Hán là An Đức
Nghĩa). Vua Càn Long đã rất hài lòng với bộ tranh “Tây Vực” này, nên đã
dùng nó làm mẫu mực để sai các họa sĩ Trung Quốc vẽ và sau đó cho khắc
in bằng biển đồng ở Vũ Anh Điện cho một loạt cả chục bộ tranh “chiến đồ”
kỷ niệm vũ công của mình trong vòng ba thập niên sau đó. Để lợi dụng
thị hiếu yêu chuộng phương Đông thời thượng của Kỷ nguyên Ánh Sáng, một
vài nhà in ở Paris đã cho sao chép và bán các tập tranh dựa theo bộ
“Bình định Tây Vực chiến đồ” này. (xin tham khảo các phụ ảnh 1 – 2).
Học giả người Pháp là Paul Pelliot (của
trường Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội xưa kia) đã trình bày hết sức tỉ mỉ
về lai nguyên của các bộ tranh “chiến đồ” thời Càn Long này trong một
bài chuyên khảo về “Các cuộc chinh phạt của hoàng đế Trung Hoa” được
công bố vào năm 1921. Học giả người Đức là Walter Fuchs cũng đã dựa theo
các nguồn tư liệu Hán văn vừa kể trên khi bàn qua về bộ tranh “Bình
định An Nam chiến đồ” này trrong bài khảo luận được công bố vào năm 1939
về “Tính cách sử liệu của bộ tranh Bình định Tây Vực chiến đồ năm 1765,
và vài nhận định về các bộ chiến đồ tiếp theo”.
Trong một bài khảo luận khác về “Các bản
vẽ trên biển đồng của các bộ chiến đồ thời Càn Long và Đạo Quang” được
công bố vào năm 1944, Fuchs còn cho biết thêm tên của 3 họa sĩ cung đình
khác (là Diêu Văn Hàn,Giá Toàn, và Y Lan Thái) đã cùng tham gia thực
hiện bộ tranh “Bình định An Nam chiến đồ ”.
Tuy chỉ bàn qua về bộ tranh “An Nam quốc
chiến đồ” trong một cước chú, Pelliot đã đưa ra một số chi tiết khá súc
tích và lý thú. Pelliot có trích dẫn (và cải chính) một học giả người
Nga là Rudakov, có viết một bài chuyên khảo về “Các cung điện và thư khố
Đại Mãn tại Mukden (Thịnh Kinh)” được công bố vào năm 1901, có lẽ là
dựa theo các tư liệu và hiện vật mà nước Nga đã chiếm cướp được từ các
cung điện và văn khố nhà Thanh tại Mãn Châu để trả đũa sự kiện Nghĩa Hòa
đoàn năm 1898. Rudakov có nhắc đến bộ tranh “Bình định An Nam chiến đồ”
gồm 6 bức được gửi đến lưu trữ tại Mukden vào năm 1790, nhưng đúng ra
là vào năm 1791. Theo Pelliot thì Rudakov có lẽ cũng đã lầm khi nhắc đến
một bộ tranh khác nào đó cũng về chiến sự An Nam được gửi đến lưu trữ
tại Mukden vào năm 1800 – 1801.
Nhưng Pellot có hơi lầm khi trích dẫn
nhà giáp cốt học và kim thạch học Trung Quốc La Chấn Ngọc là người đã kể
về việc ông ta được thấy bộ biển đồng (chứ không phải chính bộ tranh)
“Bình định An Nam chiến tích đồ” tại phủ Khai Phong vào năm 1915 mà một
bạn đồng hương họ Quách tự là Tận thần vừa mua được từ Bắc Kinh. Theo
nhận xét của La Chấn Ngọc, được ghi lại trong tập du ký Ngũ thập nhật
mộng ngân lục thì bộ biển đồng này có họa tiết tinh vi, thuộc dạng khắc
lõm, tương tự như các biển in đồng tại Nhật Bản vào đầu thế kỷ XX này.
Kỹ thuật in biển đồng này khá phức tạp nên chỉ in được một lần và sau
này không ai biết cách in thêm từ các biển cũ nên khi có nạn khan hiếm
đồng vào đầu đời Đồng Trị (1862 – 1875), một số đình thần đã có đề nghị
xin nấu chảy các biển này để dùng nhưng may thay ý này đã bị bác. La
Chấn Ngọc còn kể lại rằng, trước đó ông ta chỉ được xem qua một số bản
của các bộ tranh “chiến tích đồ” tại thư viện Từ Gia Hối (Zikawei) của
dòng Tên ở Thượng Hải (phải chăng đây là các thác bản của người Pháp làm
?) và có mua được vào năm 1912 trong dinh thự của Cung thân vương (là
sủng thần của Từ Hi thái hậu nhà Thanh) một vài bản của bộ tranh “chiến
tích đồ” về Gorkha (Tiểu Kim Xuyên) và Nepal (Khoát Nhĩ Ca) dưới thời
Càn Long và về Tây Vực dưới thời Đạo Quang. Còn các bộ tranh về Tây Vực
và An Nam dưới thời Càn Long thì ông chưa từng được thấy, và ông cho
rằng các bộ tranh này rất quý và hiếm trong nhân gian vì xưa nay chỉ có
các bậc thi thần tâm phúc được sủng ái mới được nhà vua ban thưởng các
bộ tranh này mà thôi.
Khi chuẩn bị sửa chữa và bổ sung bài
tham luận này trước khi đưa vào tập kỷ yếu của hội thảo, chúng tôi lại
ngẫu nhiên phát hiện thêm được một bài chuyên khảo rất công phu được
công bố vào năm 1954 của học giả người Pháp là Emile Gaspardone tập
trung viết về bộ tranh “Bình định An Nam chiến đồ ” mà ông đã chụp lại
được từ một bản gốc từng được lưu giữ tại thư viện Nhật Bản tại Bắc Bình
(Bắc Kinh) vào năm 1932. Ông cho biết là đã từng xem tận mắt một số các
bức tranh “chiến đồ” kể trên được triển lãm tại Bảo tàng Cố cung vào
tháng 12 năm 1932 tại Bắc Kinh. Ngoài ra, ông còn xác định rằng bức thứ 6
của bộ “Bình định An Nam chiến đồ ” cũng đã từng được trưng bầy tại
phòng triển lãm của Quốc lập Bắc Bình đồ thư quán, và ắt hẳn đây chính
là xuất xứ của phụ ảnh trong tạp chí Nam Phong mà giới nghiên cứu Việt
Nam đã từng biết đến. Trong bài khảo luận của mình, Gaspardone đã dựa
vào thiên “Càn Long chinh phủ An Nam ký” trong bộ Thánh vũ ký của Ngụy
Nguyên để bổ cứu cho nội dung các bức tranh (lúc bấy giờ còn bị liệt kê
nhầm theo thứ tự đảo lộn giữa bức thứ nhất và bức thứ 5) và thơ đề vịnh
mà ông đã cố gắng dịch nghĩa ra tiếng Pháp. Chúng tôi đã tiếp thu được
nhiều gợi ý bổ ích từ bản dịch và các chú thích của Gaspardone để bổ
sung một đôi chỗ cho thành quả bước đầu mà chúng tôi đã giới thiệu trên
tạo chí Xưa & Nay năm 1998.
3. Nội dung bộ tranh và thơ đề vịnh
Bộ tranh “Bình định An Nam chiến đồ ”
thực ra chỉ gồm 5 bức tả cảnh chiến trận giữa quân Thanh và Nguyễn Tây
Sơn: lần lượt tại các địa điểm là “Gia Quan Ha Hộ” (có lẽ là gần ải Nam
Quan tại Lạng Sơn), “Tam Dị Trụ Hữu” (có lẽ là gần núi Tam Tằng), sông
“Thọ Xương”, sông “Thị Cầu”, và sông “Phú Lương”. Còn bức thứ 6 thì tả
cảnh sứ bộ Nguyễn Quang Hiển vào bệ kiến xin cầu hòa với vua Càn Long
tại Quyển A, thắng cảnh sơn trang ở Nhiệt Hà (Jehol). (Xin tham khảo các
phụ ảnh 3-8). Phía trên, ở khoảng giữa mỗi bức tranh lại có một bài thơ
ngự chế của Càn Long đề vịnh. Mỗi bức tranh lại có dấu ấn “Cổ hi Thiên
Tử chi tỉ” (Con dấu của nhà vua đã thọ trên 70 tuổi) theo dạng dương
khắc, trừ ra bức thứ 3 (tả cảnh chiến trận ở sông Thọ Xương) thì lại có
thêm dấu “Do nhật tư tư” (Đạo mỗi ngày một chăm chăm) theo dạng âm khắc,
ở ngay cuối dòng lạc khoản của mỗi bài thơ (5). Theo lời lạc khoản “Càn
Long Kỷ Dậu trọng thu (chi) nguyệt ngự bút” thì đây là thủ bút của nhà
vua được viết vào tháng 8 năm Kỷ Dậu (1789), tức là chỉ tám tháng sau
khi chiến sự Việt – Thanh kết thúc.
Nếu kể đến sự việc sứ bộ Nguyễn Quang
Hiển vào bệ kiến vào ngày Mậu Thân (tức là ngày 24) tháng 7 cùng năm,
được ghi chép cụ thể trong sách Đại Thanh Cao Tông thực lục quyển 1335,
thì bộ tranh này quả là có tính cách thời sự rất lớn.
Có lẽ giá trị hiển nhiên nhất của bộ tranh
và các bài thơ ngự chế đề vịnh này là tầm quan trọng mà triều đình nhà
Thanh đã phải dành cho việc chống chế cho thất bại quân sự của mình bằng
cách vớt vát thể diện qua thành công ngoại giao khi nhà Tây Sơn ngỏ ý
cầu hòa. Quyển thứ 2 của bộ Khâm định An Nam kỷ lược (tr. 9b – 19b),
cũng như quyển thứ 50 của bộ Càn Long ngự chế thi ngũ tập (tr. 9a – 18a)
có chép đầy đủ về 6 bài thơ đề vịnh cho bộ tranh gọi là “Bổ vịnh An Nam
chiến đồ lục luật”, lại kèm thêm một bài tựa và các phần tiểu dẫn và
nguyên chú rất chi tiết cho từng bài thơ. Đọc theo một mạch 6 bài thì
nguồn tư liệu văn học này lại mang nặng tính cách trần thuật lịch sử, dĩ
nhiên là cũng có những hạn chế nhất định của nó, nhưng ít nhiều vẫn có
thể bổ sung cho các nguồn tư liệu khác về các chi tiết lịch sử của chiến
sự và ngoại giao Việt – Thanh từ cuối năm Mậu Thân (1788) đến giữa năm
Kỷ Dậu (1789).
Để tiện theo dõi nội dung các sự kiện
lịch sử được nhắc đến trong 6 bài thơ này, chúng tôi xin trích đoạn và
phiên dịch thêm bài tựa cho cả bộ tranh cùng phần tiểu dẫn của từng bài
thơ. Còn các phần nguyên chú trong văn bản thì chúng tôi xin tỉnh lược
vì e rằng quá rườm rà. Tuy nhiên, khi cần giải thích cụ thể hơn thì
chúng tôi sẽ dựa theo nguyên chú để chú thích thêm cho bản phiên và bản
dịch dưới đây. Nhân thể chúng tôi cũng xin chân thành cảm tạ PGS Phan
Văn Các và TS Cung Khắc Lược của Viện Hán Nôm đã từng góp ý và nhuận sắc
cho phần phiên dịch của chúng tôi.
a. Bản phiên âm chữ Hán Bổ vịnh An Nam chiến đồ lục luật (hữu tự)
(Tự): Tuân Tôn Sĩ Nghị An Nam chiến sự lũ tích dĩ trần, nhân mệnh họa viện các vi chi đồ, bổ vịnh cận thể nhi tự chi viết:
An Nam chiến đồ phi như Y Lê Hồi Bộ, Kim
Xuyên, Đài Loan chi thủy dĩ chiến nhi chung dĩ thành công dã. Phi dĩ
chiến thành công tắc khả phất đồ, nhi đồ chi giả, thực lục ngã tướng
soái chi thần, quân lữ chi sĩ, thiệp viễn mạo hiểm, công kiên phá nhuệ.
Cánh hữu bão trung tổn khu giả, bất vi chi đồ dĩ kỷ kỳ tích tắc dư hà
nhẫn. Thả Nguyễn Huệ chi hối tội khất hàng, nguyên nhân hữu chinh, tư
diệc vị thường, phi thủy chung nhất sự nhĩ. Phù hữu chinh vô chiến
thượng hĩ, chiến nhi hữu thành công thứ chi. (Nguyên chú: Dư tự định Y
Lê, bình Hồi Bộ, tiễu Kim Xuyên, dĩ chí cận nhật kham định Đài Loan chi
dịch, giai kinh chỉ thụ cơ yếu, chiến vô bất khắc, công vô bất thủ, dĩ
thành thử sổ đại công. Cái kham loạn phạt bạo, nan ngôn yển vũ, tắc tuy
bất năng hữu chinh vô chiến nhi câu hoạch thành công, yếu giai thiên tâm
hựu thuận, nãi khắc trăn thử).
Thành nhi phục biến, hựu chung ư bất
chiến nhi thành công, kỳ sự đáng giảo ư chiến nhi thành công giả, vi
thắng yên. (Nguyên chú: Nguyễn Huệ phục chí Lê Thành, Lê Duy Kỳ nhưng
khí kỳ quốc, khả vị biến xuất bất ý nhiên. Dư điều Phúc Khang An vi
Lưỡng Quảng tổng đốc, nhưng tương tập binh thanh thảo. Đãi Nguyễn Huệ
tái tứ dụ khẩn, hựu khiển thân điệt Nguyễn Quang Hiển nghệ Phúc Khang An
xứ tê biểu cầu hàng. Phúc Khang An sát kỳ tình hình, thực xuất chí
thành, nhiên hậu cứ tình nhập cáo. Dư nhân tư Lê Duy Kỳ bất năng lập
quốc, ký trưng thiên tâm yếm khí, nhi Trung triều hựu bấtlợi kỳ thổ địa,
tức sự lập binh thanh thảo, diệc bất quá qui ư hàng phục nhi cứu, vị
tất tức phục kỳ tâm, tắc hà như ? Thử chi bất chiến nhi khuất giả, phát ư
trúng thành, xiển công ninh chúng, chuyển vi đại thuận chi cơ. Thị cánh
túc dĩ kiến thiên tâm chi hựu. Dư cung thực vi chí hậu nhĩ).
Thị khởi nhân lực sở mưu hồ ? Thiên dã !
Diểu cung lâm lị, ngũ thập tứ tải, thu thiên chi hựu, bất nhất nhi túc.
Nhi ư An Nam chi sự, phục bất chiến nhi thành công, tắc dư chi sở cảm
kích, hồng huống ích thâm, kính uý giả đáng. Hà như ? Gián thường luận
chi.
Sử Tôn Sĩ Nghị thu Lê thành chi hậu, tắc
năng nhuệ sư chí Quảng Nam hoạch Nguyễn Huệ hồ ? Hựu như Tôn Sĩ Nghị
tuân chỉ tảo ban sư, tuy vô Hứa Thế Hanh đẳng tam tướng chi tổn khu,
tướng vị chí ngã cảnh, nhi Lê thành phục thất, kỳ năng bất toàn sư dĩ
cứu chi hồ ? Hựu như Tôn Sĩ Nghị diệc đồng tam vũ thần chi tổn khu sa
trường, tắc Sĩ Nghị nãi đốc nhung trọng thần, thương quốc thể vi đại,
bất đắc bất hưng sư vấn tội, thị thành gia binh vô dĩ thời hĩ !
Thả Hứa Thế Hanh ủy khúc hộ lệnh, Tôn Sĩ
Nghị chấn lữ nhi hoàn, sử kỷ diệc đồng quy, tắc cánh hữu thuyết nãi
nhưng tổn khu cương trường, kỳ tri phượng hữu dũng vi thường nhân sở bất
năng. Mỗi nhất đạo cập, vị chi lạc lệ gia thượng. Chí Tôn Sĩ Nghị phi
bất tri Trẫm chi tưởng lệ công thần, thưởng diên hậu thế, thiết diệc tổn
khu, tắc kỳ công tước tất thế tập võng thế. Nhân thùy bất tử, thả bản
dục xung phong chí mệnh. Đãi thính Hứa Thế Hanh chi ngôn, dĩ quốc sự vi
trọng ninh qui nhi thụ Trẫm chi phạt, nhi Trẫm khởi khẳng bất lượng kỳ
tâm, gia dĩ phạt tai ! Thị nhị thần giả, kỳ sự bất đồng, nhi tâm tắc
đồng. Tư sự cơ chi hội, tổng nhung chấn lữ dĩ qui, tam tướng lệnh phiên
quốc lập tự thù trung.
Thả Nguyễn Huệ nhân hữu thử quá nhi úy
tội cầu hàng, bất lao nhất lữ dĩ định hải bang, thị giai hạo vận triền
chuyển, mặc vi ha hộ, khởi dư nhất nhân tư lự sở năng cập tai ! Tự tư dĩ
hậu, ích thâm kính cẩn, tĩnh đãi thiên ân, lục niên qui chính. Phù hà
cảm cánh sinh biệt niệm hồ ! Thử bổ vịnh An Nam chiến đồ chi thập, sở do
tác dã.
1. Gia Quan Ha Hộ chi chiến
Tôn Sĩ Nghị xuất Trấn Nam quan, tại Lạng
Sơn phân binh lưỡng lộ, nhất do mai pha, lệnh tham tướng Trường Thuần
đẳng chí Gia Quan lộ hội tề, nhất do giang hán, lệnh tổng binh Trương
Triều Long đẳng kính xu Tam Dị Trụ Hữu đẳng xứ, Gia Quan đồn tụ. Đa nhân
nhất văn đại binh thế định, vọng phong kinh dật nhi bất tùng loạn chi.
Thổ quan suất lĩnh thổ dân sổ bách nhân phủ phục đầu thuận. Tự thử kính
quá Gia Quan, phấn lực tiễu sát. Hoặc kỵ nhi hàng, hoặc kháng nhi tiêm,
hoặc cầm nhi lục. Truy chí Ha Hộ địa phương, sơn cốc tuấn ải, thích
Trương Triều Long tiệt kỳ khứ lộ, hội hợp giáp công, tiễu sát bất khả
thắng kê.
Hà biên cầu cứu tuất chư quỳnh
Vô ngoại vương sư sự hữu chinh
Cấm lữ bất tu thất tụy phát
Tổng nhung duy soái lưỡng cương binh
Trì nguy trị loạn nguyên xuất chính
Đan thực hồ tương đa thuận nghinh (nghênh)
Đường tí na đương đại xa triệt
Gia Quan nhất chiến hách tiên thinh (thanh)
2. Tam Dị Trụ Hữu chi chiến
Tổng binh Trương Triều Long thống binh
tam thiên danh, nội phân nhất thiên ngũ bách danh, lệnh tham tướng
Trương Thuần đái lĩnh tùng Gia Quan tiền tiến, Trương Triều Long đái
nhất thiên ngũ bách danh tùng Tam Dị nhiễu chí Trụ Hữu đẳng xứ. Giáp
công tiêm lục, đoạt hoạch mễ lương quân giới vô toán, sinh cầm binh biền
nhất bách hư danh. Nhi phó tướng Khánh Thành lánh đái binh tam bách
danh phục ư phụ cận Trụ Hữu chi dĩnh kế địa phương, sinh cầm dĩ hàng
phục bạn chi Trần Danh Bính, giải phó quân doanh chính pháp, vưu cường
nhân ý.
Sư hành nhị đảng khấu doanh môn
Sào cận nhất tù đào phụ ân
Chính lữ thiên quân cùng liệt trại
Hữu trìu tả toản (6) tiễu man thôn
Hoạch phiên đa mễ tư tư bão
Hệ khấu trường anh na hứa bôn
Thành hỉ quốc uy diên thế tướng
Danh huân Tư Khắc hữu nguyên tôn
3. Thọ Xương giang chi chiến
Tổng binh Thượng Duy Thăng, phó tướng
Khánh Thành đẳng đái binh kiêm trình tiền tiến. Ngũ cổ chí Thọ Xương
giang, thời trị trọng vụ di mạn. Nguyễn binh thốt bất cập phòng, thương
tử bất kê kỳ số. Dư chúng biện mệnh đào thử, tể đoạn phù kiều. Ngã binh
chước trúc biên phiệt, khắc tức đoạt giang nhi tiền, vô bất dư dũng khả
cổ.
Tam giang hoành cắng thử vi thần
Cố thủ quần anh tối yếu tân
Thừa vụ Định Phương yểm nha tướng
Độ Lo Bốc Lậu thất trọng ngần
Công kiên tất nhuệ dĩ đoạt phách
Khảm trúc biên tra khả đáng (7) luân
Tướng lĩnh tiền khu chúng quân phấn
Gia kỳ đồng thị Hán quân nhân
4. Thị Cầu giang chi chiến
Quan binh để Thị Cầu giang. Nguyễn chúng
nghị tụ nam ngạn, phả hữu tự cao áp hạ chi thế, dĩ thị liên nhật xung
đoạt bất năng đắc lợi. Tôn Sĩ Nghị dương lệnh nghĩa dân đáp cái phù
kiều, lệnh tổng binh Trương Triều Long dạ bán ư tả biên ám độ, sao xuất
bỉ doanh chi hậu, hảm thanh chấn địa. Đại binh diệc do phù kiều độ giang
giáp công, tiễu sát sổ thiên, sinh cầm ngũ bách dư nhân.
Ngộ hiểm ứng tri tập hậu công
Dụ trì vị chí bất kỳ đồng
Thống quân tố tất Điền Phong sách
Dũng tướng thiên nhiêu Lý Tố hùng
Lâm hạ cứ cao bỉ phả xí
Xuất kỳ chế thắng ngã thành công
Lê thành tương cận binh uy cổ
Chúng chí duy dương xí tích sung
5. Phú Lương giang chi chiến
Phú Lương giang nãi Lê thành môn hộ.
Nguyễn chúng kiến quan binh tương chí, tương đại tiểu thuyền chích thu
chí nam ngạn giang tâm thi phóng thương bác. Ngã binh bất năng tấn độ.
Tôn Sĩ Nghị sát khán Nguyễn binh thế tiệm hội loạn, lệnh tướng biền dụng
nông gia tiểu thuyền cập trúc phiệt ư nhật gian tiễu sát giang tâm binh
chúng. Nhi ư thứ nhật ngũ cổ Hứa Thế Hanh suất nhị bách dư nhân trực
chí bỉ ngạn. Bỉ ư hôn dạ chi gian bất biện binh số, quẫn bách vô thố. Kế
nhi ngã binh thương đoạt sổ thuyền, canh phiên tế độ thống gia tiễu
lục, tịnh thiêu trầm giang tân thuyền sưu thập dư chích. Toàn quân độ
giang, Lê thị tông tộc cập bách tính nhân đẳng toại khai thành xuất
hàng, bất công nhi khắc.
Môn hộ Lê thành viết Phú Lương
Bỉ tuy cố lũy chúng thương hoàng
Sổ châu độc nhập chân xưng tráng
Ký dũng tri phương thâm tích tang
Phục quốc nhất vương nhưng khí thủ
Lập từ tam tướng vĩnh lưu phương
Thù trung phủ thuận tôn vương đạo
Vô sự giai binh triệu cát tường
6. Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ
Lê Duy Kỳ phục quốc hậu, bất năng tự
lập, nhất văn Nguyễn Huệ phục lai hựu tức đào bôn nội địa. Thiên yếm kỳ
đức, thành phi hư ngữ. Dư duy phụng thiên, hạt cảm vi việt bất trị, phục
hưng binh vị bỉ phục quốc dã. Tự cứ Phúc Khang An tấu Nguyễn Huệ tái tứ
dụ khẩn, hối tội qui thuận, xuất ư chí thành. Dư diệc bất dục vi dĩ
thâm, nhân tức doãn kỳ sở thỉnh triệt binh. Nguyễn Huệ tiên khiển kỳ
thân điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận thâu khổn, tịnh xưng minh tuế đương
thân nghệ khuyết đình chúc li, nhân dĩ khất phong. Tạc tiếp biểu văn,
gia kỳ tình từ chân chí, cấp dục đắc thiên triều phong hiệu vi vinh,
toại tức sắc phong vi An Nam quốc vương. Tư Nguyễn Quang Hiển lai chí
sơn trang, chính giới vạn thọ tiết, lệnh kỳ nhất thể dữ yến, dụng thị ân
vinh.
Thùy năng bất chiến khuất nhân binh
Chiến hậu úy uy hoài nãi thành
Lê thị khả liên thụ thiên yếm
Nguyễn gia ưng dữ tích triều trinh
Kim thu dĩ tự thân điệt khiển
Minh tuế hoàn xưng cung kỷ (8) hành
Tự thử thâu thầm (9) ngoại bang tiển
Gia tai na nhẫn cận ân vinh
b. Bản dịch Việt ngữ sáu bài thơ luật đề vịnh bổ sung cho bộ tranh An Nam chiến đồ (có bài tựa)
(Bài tựa): Theo lời kể một cách tỉ mỉ rõ
ràng của Tôn Sĩ Nghị về chiến sự ở An Nam, ta nhân đó sai họa viện vẽ
mỗi sự việc thành đồ hình, rồi làm thêm thơ cận thể để đề vịnh và viết
bài tự rằng: bộ “An Nam chiến đồ ” không như sự việc ở Y Lê Hồi Bộ, Kim
Xuyên, và Đài Loan là ban đầu có chinh chiến mà kết cuộc thì thành công
vậy. Không có chinh chiến mà thành công thì có thể không vẽ thành đồ
hình, mà vẽ ra là để ghi lại sự thực của việc bề tôi là tướng soái của
ta và chiến sĩ trong quân lữ của ta vượt xa mạo hiểm, tấn công chỗ kiên
cường, phá tan nơi mũi nhọn. Lại còn có kẻ vì ôm lòng trung mà thiệt
mạng, nếu không vẽ đồ hình để kỷ niệm chiến tích của họ thì ta sao nỡ.
Vả lại việc Nguyễn Huệ hối tội xin hàng, vốn là cái cớ để nhằm chinh
phạt, điều này cũng chưa từng thấy, chẳng phải là đầu đuôi cùng một việc
vậy. Ôi, kể ra thì có chinh phạt mà không phải chinh chiến là hay nhất,
chinh chiến rồi mới được thành công thì chỉ là hạng thứ mà thôi.
(Nguyên chú: Ta từ khi yên định Y Lê, san bằng Hồi Bộ, tiễu trừ Kim
Xuyên, cho đến gần đây với việc dẹp yên Đài Loan, đều từng chỉ vạch và
tiếp thụ điều cơ yếu – đánh đâu thắng đấy, tấn công đâu cũng lấy được –
nên thành những chiến công to lớn này. Quả vậy, trừ loạn phạt bạo khó có
thể nói là dẹp bỏ việc võ, nên tuy không có tài để chinh phạt mà không
cần chinh chiến mà đều thu được thắng lợi, thảy cốt yếu đều do lòng trời
giúp rập thuận cho, do đó nên mới được tốt đẹp đến như vậy).
Thành rồi mà lại sẩy biến, hơn nữa kết cuộc
là không chinh chiến mà thành công, chuyện này đáng ra so với chinh
chiến mà thành công thì lại ưu thắng hơn. (Nguyên chú: Nguyễn Huệ quay
trở lại đến Thăng Long (nguyên văn: Lê Thành), Lê Duy Kỳ lại bỏ đất
nước, có thể nói sự biến đã xảy ra ngoài ý muốn. Ta điều Phúc Khang An
làm tổng đốc Lưỡng Quảng, lại sắp sửa gom binh dấy tiếng thảo phạt. Nhân
khi Nguyễn Huệ ba bốn phen kêu xin khẩn khoản, lại còn sai cháu mình là
Nguyễn Quang Hiển đến chỗ Phúc Khang An dâng biểu cầu hàng. Phúc Khang
An xét tình hình này, quả là từ lòng chí thành mà ra, rồi sau đó căn cứ
vào tình hình mà báo cáo lên. Ta vì nghĩ thấy Lê Duy Kỳ không có tài lập
quốc, lại có bằng cớ là lòng trời ghét bỏ, mà triều đình Trung Quốc
cũng chẳng muốn lấy đất đai của hắn làm lợi, nên có sai gom binh dấy
tiếng thảo phạt cũng chẳng qua khiến cho Nguyễn Huệ quay về hàng phục mà
cứu Duy Kỳ, song chắc đâu đã qui thuận nổi cái tâm của hắn, vậy phải
làm sao đây ! Không đánh mà nó phải khuất như thế này, xuất phát chính
từ lòng thành, đã xứng là công trạng làm yên ổn chúng dân, chuyển thành
cơ hội đại thuận, đó càng đủ tỏ thấy lòng trời phù hộ. Chính ta thực sự
đã được hưởng phúc dầy thay!).
Đây há có phải phải là mưu tính của sức
người chăng ? Đó là do trời vậy ! Thân ta bèo bọt được dự vào trọng chức
đã 54 năm nay, được nhận ơn phù hộ của trời, đâu chỉ một lần mà đã
trọn. Riêng về sự việc ở An Nam lại không phải chinh chiến mà thành
công, nên điều mà ta cảm kích, hồng phúc trời ban cho lại càng thêm dầy,
có kính sợ cũng là thích đáng. Vì sao như thế ? Ta mỗi lúc rỗi rãi vẫn
thường bàn luận về chuyện này.
Giả sử sau khi Tôn Sĩ Nghị thu phục
Thăng Long (nguyên văn: Lê Thành), há lại có thể tức khắc đem quân tinh
nhuệ vào đến Quảng Nam mà bắt Nguyễn Huệ hay sao? Và nếu như Tôn Sĩ Nghị
vâng chỉ rút quân về sớm, thì tuy không đến nỗi phải thiệt mạng bọn Hứa
Thế Hanh ba tướng, nhưng tướng chưa về đến đất nhà mà Thăng Long
(nguyên văn: Lê Thành) lại bị mất, lẽ nào lại có thể không trở quân lại
để cứu họ hay sao? Và nếu như Tôn Sĩ Nghị cũng cùng thiệt mạng với ba
tướng nơi sa trường, thì Sĩ Nghị đây là trọng thần đốc suất toàn quân,
sẽ làm tổn thương lớn cho quốc thể, nên không thể không dấy binh hỏi
tội, thảy sẽ xảy ra việc binh đao không ngơi vậy !
Vả lại (nhờ) Hứa Thế Hanh nhẫn nhịn mà
hộ lệnh, (nên) Tôn Sĩ Nghị chấn chỉnh được quân lữ mà kéo về; chứ giả sử
bản thân họ đều cùng quay về thì ắt càng có thể nói là sẽ lại thiệt
mạng nơi biên cương, tài sáng suốt và dũng lược của y là cái mà người
thường không thể có. Cứ mỗi khi nhắc đến thì ta lại vì y mà rơi lệ khen
chuộng. Còn đến như Tôn Sĩ Nghị chẳng phải là không biết đến sự khích lệ
công thần của Trẫm, từng tưởng thưởng mãi cho đến đời sau, giả tỉ như
cũng thiệt mạng thì tước công của y ắt sẽ được thế tập chẳng hề sai. Con
người ta ai mà chẳng chết, hơn nữa bản thân (y) cũng muốn xung phong
hết mình; nhân khi nghe lời của Hứa Thế Hanh, lấy việc nước làm trọng
nên thà rằng quay về mà chịu phạt của Trẫm, thì Trẫm há chẳng lượng thứ
cho lòng của y mà lại tăng thêm sự trừng phạt hay sao? Hai kẻ tôi thần
này, tuy sự việc của họ chẳng giống nhau, nhưng lòng dạ lại giống nhau.
Nhờ cơ may này mà tướng tổng nhung chấn chỉnh quân lữ quay về, còn ba
tướng thì (ta) lệnh cho nước phiên thuộc lập miếu thờ để đền đáp lòng
trung.
Vả lại Nguyễn Huệ nhân có lỗi thế này mà
sợ tội cầu hàng, (ta) không phải lao nhọc đến một đội quân mà an định
được hải bang, đấy đều là vận tốt xoay chuyển, mặc nhiên mà che chở, một
mình ta há lại lo lắng xem tài mình được đến đâu hay sao? Từ đó về sau
(ta) lại càng thêm dầy lòng kính cẩn, lặng lẽ mà đón nhận ơn trời, sau
sáu năm sẽ quay về (khỏi) việc chính sự (10).Ôi, (ta) đâu dám càng sống
mà càng chẳng tâm niệm hay sao ! Mấy điều đề vịnh bổ sung cho bộ An Nam
chiến đồ, thảy đều do đó mà làm ra vậy.
1. Trận đánh ở Gia Quan và Ha Hộ
Tôn Sĩ Nghị ra khỏi Trấn Nam quan, tại
Lạng Sơn chia binh hai đường, một là theo đồi dốc, sai tham tướng là bọn
Trương Thuần tới đường Gia Quan cùng gặp, một là theo sông ngòi, sai
tổng binh là bọn Trương Triều Long chạy theo lối tắt qua các chỗ như Tam
Dị và Trụ Hữu, rồi đóng đồn tụ tập ở Gia Quan. Rất nhiều người thoạt
nghe đại binh thế mạnh, nghe hơi rồi kinh hãi trốn chạy mà không nghe
lệnh nên tán loạn. Thổ quan dẫn dân địa phương mấy trăm người ra phủ
phục đầu thuận. Từ đó (quân ta) dùng lối tắt mà qua Gia Quan, thả sức
chém giết. (Bọn chúng) đứa thì quỳ gối mà đầu hàng, đứa thì chống cự rồi
bị đập tan, đứa thì bị bắt mà giết đi. (Quân ta) đuổi theo cho đến đất
Ha Hộ, chốn sơn cốc ải cao, vừa khi Trương Triều Long cắt đường đi của
chúng, cùng hợp lại mà giáp công, chém giết không thể nào kể xiết.
2. Trận đánh ở Tam Dị và Trụ Hữu
Tổng binh Trương Triều Long thống lĩnh 3
nghìn quân, trong đó chia ra 1 nghìn 5 trăm tên, lệnh cho tham tướng
Trương Thuần dẫn đầu theo hướng Gia Quan tiến trước, còn Trương Triều
Long dẫn 1 nghìn 5 trăm tên theo hướng Tam Dị đến khuấy nhiễu Trụ Hữu và
các nơi xung quanh. Giáp công tiêu diệt chém giết; thu đoạt lúa gạo,
lương thực, khí giới nhiều không kể xiết; bắt sống quân lính hơn 1 trăm
tên. Riêng phó tướng Khánh Thành lại dẫn 3 trăm quân khác mai phục nơi
địa đầu gần ở Trụ Hữu, bắt sống tên Trần Danh Bính mà trước đã hàng phục
rồi sau lại phản, đem giải về quân doanh để xử theo chính pháp, càng
khiến cho lòng quân thêm phấn chấn.
Quân đi hai ngả đánh doanh môn.
Kề hang trùm mán trốn vong ơn. (11)
Quân lữ trong ngoài đồn trại giặc.
Trở xoay trái phải triệt thôn man.
Đoạt lương thóc lắm ăn vừa đủ.
Xiết giặc dây dài hết chốn chuồn. (12)
Mừng thay oai nước con nhà tướng,
Tư khắc công danh chắt kế tồn. (13)
3. Trận đánh ở sông Thọ Xương (sông Thương)
Bọn tổng binh Thượng Duy Thăng và phó
tướng Khánh Thành dẫn binh đi suốt đường tiến trước. Vào trống canh năm
thì tới sông Thọ Xương, vừa lúc trời sương mù dày đặc miên man. Quân họ
Nguyễn (Tây Sơn) bất ngờ chẳng kịp đề phòng, nên thương tổn chết chóc
nhiều vô số kể. Bọn còn lại liều mạng chạy trốn như chuột, chen lấn nhau
đến đứt cầu phao.
Quân ta chặt trúc kết bè, trong một khắc đã chiếm lấy sông mà vượt lên trước, dũng khí có thừa, xưa nay chưa từng thấy.
Tam Giang ngang vắt chốn bờ môi,
Bến hiểm mấy vòng cố thủ thôi.
Yểm trại Định Phương nhờ chướng tỏa. (14)
Dùng mưu Triệu Tiết đoạt dòng Lô. (15)
Nhọn tan rắn vỡ bay hồn phách.
Trúc chặt bè đan tiện mảng trôi.
Tướng lĩnh tiền khu quân phấn chấn.
Hán nhân hai tướng khá khen ôi! (16)
4. Trận đánh ở sông Thị Cầu (sông Cầu)
Quan quân tới sông Thị Cầu. Quân Nguyễn
(Tây Sơn) tụ tập như kiến bên bờ nam, có lợi thế áp đảo từ trên cao
xuống, nhờ đó liền mấy ngày đánh chiếm mà (ta) không tài nào thắng nổi.
Tôn Sĩ Nghị vờ ra lệnh cho nghĩa dân làm cầu phao, lại lệnh cho tổng
binh Trương Triều Long nửa đêm lén vượt sông từ bên trái, ra mặt đánh úp
phía sau quân doanh của chúng, reo hò dậy đất. Đại binh cũng theo cầu
phao mà qua sông giáp công, chém giết hàng mấy nghìn và bắt sống hơn năm
trăm người.
Gặp nguy khéo ứng đánh sau lưng.
Chưa tiếp dụ trên ý đã cùng. (17)
Thống quân mưu kế xưa nay vẫn. (18)
Dũng tướng hùng tài một mực ròng. (19)
Đánh xuống từ trên hừng khí giặc,
Xuất kỳ chế thắng ta thành công.
Thành Lê gần sát quân giong trống,
Tướng sĩ một lòng đợi chiến công.
5. Trận đánh ở sông Phú Lương (sông Nhị)
Sông Phú Lương là cửa ngõ của Thăng Long
(nguyên văn: Lê Thành). Quân Nguyễn (Tây Sơn) thấy quan binh sắp đến,
đem thuyền lớn nhỏ thu từng chiếc đến bờ nam ở giữa dòng, dùng súng
trường và đại bác bắn trả. Quân ta không tài nào mau chóng vượt sông
được. Tôn Sĩ Nghị xét thấy quân Nguyễn (Tây Sơn) thế dần loạn vỡ, (bèn)
lệnh cho tướng sĩ dùng thuyền con của nhà nông và bè trúc đánh giết binh
chúng ở giữa sông vào ban ngày. Còn sang canh năm ngày hôm sau thì Hứa
Thế Hanh đốc suất hơn 2 trăm quân thẳng tới bờ bên kia. Giữa lúc đêm tối
mờ mịt, bọn ấy (Tây Sơn) chẳng bày bố được bao nhiêu binh, (nên) quẫn
bách không thi thố được gì. Tiếp đó quân ta đánh chiếm mấy chiếc thuyền,
thay phiên vượt sông đánh giết bồi vào cho thêm đau, đồng thời đốt chìm
hơn chục chiếc tàu thuyền ngoài bến sông. Toàn quân vượt sông, bọn Tông
tộc nhà Lê cùng trăm họ bèn mở cổng thành ra hàng; (ta) chẳng đánh mà
thắng.
Cửa ngõ thành Lê gọi Phú Lương.
Lũy đồn tuy chắc, chúng bàng hoàng.
Thuyền đơn lén nhập, xứng tài tráng.
Trí dũng vốn thừa, tiếc giỏi giang.(20)
Về nước một vua đành bỏ đất.(21)
Lập đền ba tướng mãi lưu hương. (22)
Thưởng trung vỗ thuận, tôn vương đạo, (23)
Khởi sự binh đao – điềm cát tường.
6. Đồ hình vẽ cảnh Nguyễn Quang Hiển là cháu của Nguyễn Huệ được sai vào bệ kiến và ban cho ăn yến
Sau khi Lê Duy Kỳ phục hồi lại đất nước
thì không có tài để tự lập, vừa nghe Nguyễn Huệ trở lại, bèn tức khắc bỏ
trốn sang nội địa (nước Thanh ta). Trời đã chán ghét cái đức của y,
chuyện được mất thành ra lời nói suông. Ta chỉ thờ trời, sao dám chẳng
trừng trị sự vi phạm quá quắt, để lại dấy binh đao bao che cho hắn (Lê
Duy Kỳ) phục quốc vậy. Sau đó theo như Phúc Khang An tâu rằng Nguyễn Huệ
ba bốn phen kêu xin khẩn khoản, hối tội qui thuận, đều xuất phát từ
lòng chí thành. Ta cũng chẳng muốn làm ra quá đáng, nhân đó bèn thuận
theo lời hắn xin triệt binh. Nguyễn Huệ trước hết sai cháu mình là
Nguyễn Quang Hiển vào bệ kiến tỏ lòng thành, lại còn nói rằng sang năm
sẽ đích thân đến tận nơi cửa khuyết triều đình mà chúc mừng việc sửa
trị, nhân đó mà xin sắc phong. Hôm trước đã nhận biểu văn, (ta) khen cho
lời lẽ của y rất đỗi chân thành, gấp mong được thiên triều phong hiệu
mà làm vinh hiển, bèn tức khắc sắc phong cho làm An Nam quốc vương. Nay
khi Nguyễn Quang Hiển đến tận sơn trang, đúng dịp lễ tiết vạn thọ (của
ta), nên lệnh cho hắn được cùng dự tiệc yến một thể, lấy đó mà tỏ rõ ân
vinh.
Ai giỏi thắng người, chẳng dụng binh ?
Đánh cho biết sợ, phục tâm thành.
Họ Lê đáng xót vì trời ghét.
Nhà Nguyễn nên cho hưởng phúc lành.
Vốn đã thu này sai cháu đến.
Sang năm lại sẽ tự thân hành.
Chân thành đến vậy phiên bang hiếm.
Sao nỡ chẳng khen, đặng hiển vinh !
Ngoài 6 bài thơ đề vịnh của vua Càn Long
ra, thì qua sự gợi ý của cước chú của Paul Pelliot, chúng tôi còn may
mắn truy tìm thêm được 6 bài thơ “Cung họa ngự chế An Nam chiến đồ lục
luật nguyên vận” của Vương Kiệt, lúc bấy giờ là một vị quan đầu triều
của nhà Thanh. Theo niên phổ có chép trong Vương Văn Đoàn công Bảo Thuần
các tập thì sau khi đỗ trạng nguyên từ năm 1761, Vương Kiệt đã đảm
nhiệm chức đốc học ở các tỉnh trong nhiều năm, và sau khi về Kinh lại
được lần lượt thăng dần lên đến các chức Đông Các đại học sĩ kiêm tổng
tài các nơi như Quốc Sử Quán, Vũ Anh Điện, Tứ Khố Quán, Tam Thông Quán,
và thị lang các bộ Lại, Lễ, và thượng thư bộ Binh kiêm Lễ bộ sự vụ, và
đến năm 1786 thì lên đến chức Thượng Thư Phòng tổng sư phó, làm thầy học
của thái tử là người về sau này trở thành vua Gia Khánh và có truy tặng
thụy hiệu cho ông là Văn Đoan và cho thờ trong miếu tiên hiền. Vương
Kiệt vẫn thường xướng họa với vua Càn Long và Gia Khánh là những người
rất chuộng văn chương, và ông có cung họa một số bài thơ ngự chế của vua
Càn Long về vấn đề Việt Nam, đặc biệt là một số bài thơ ngự chế tặng
cho An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tức vua Quang Trung Nguyễn
Huệ). Vì khuôn khổ bài tham luận có hạn, nên chúng tôi hy vọng sẽ sớm có
thể lần lượt giới thiệu thêm các tư liệu này trong những dịp khác.
4. Giá trị và ý nghĩa tư liệu của bộ tranh
Như chúng tôi hy vọng đã có thể trình
bầy qua ở trên, bộ tranh “Bình định An Nam chiến đồ ” với thơ đề vịnh
ngự chế bằng ngự bút của vua Càn Long là một nguồn tư liệu mới có giá
trị không nhỏ cho công việc nghiên cứu về quan hệ chiến sự và ngoại giao
Việt – Thanh thời Tây Sơn. Với tính thời sự rất lớn của nó, chúng tôi
trộm nghĩ rằng bộ tranh này có thể bổ sung một cách đáng kể cho những
nguồn tư liệu từ phía Trung Quốc đã từng được giới thiệu với giới nghiên
cứu Việt Nam, chẳng hạn như tập ký sự “An Nam quân doanh kỷ lược” của
viên bí thư của Tôn Sĩ Nghị là Trần Nguyên Nhiếp (đã được Trần Văn Giáp
sao chép và Văn Tân trích dẫn từ những năm 1950), thiên ký sự “Chinh An
Nam kỷ lược” của Sư Phạm, và thiên “Càn Long chinh phủ An Nam ký ” trong
bộ Thánh vũ ký do Ngụy Nguyên biên soạn mãi vào giữa thế kỷ XIX (đã
được Gabriel Devéria phỏng dịch sang tiếng Pháp trích dẫn và giới thiệu
từ năm 1898, và Hoàng Xuân Hãn dịch sang tiếng Việt và công bố từ năm
1968), và các nguồn sử liệu chính thức khác của triều Thanh (đã được Lý
Quang Đào sưu tập và giới thiệu bằng tiếng Hoa từ năm 1976, và cũng đã
được nhắc đến trong các thư mục và các tập tư liệu về Tây Sơn từ những
năm 1980 và những năm gần đây tuy rằng còn chưa được trích dẫn tham khảo
được một cách toàn bộ).
Dĩ nhiên là nội dung và quan điểm của
các nguồn tư liệu từ phía Trung Quốc về quan hệ chiến sự và ngoại giao
Việt – Thanh không khỏi có sự lệch lạc chủ quan và khiên cưỡng trong sự
nhận định và đánh giá các chi tiết và sự kiện lịch sử. Tuy nhiên các
nguồn tư liệu đó là những chứng tích hiển hiện còn sót lại đến nay mà
không thể chối bỏ, và những chứng tích này có giá trị tư liệu không nhỏ
đối với học thuật, vì theo thiển ý của chúng tôi thì bản thân tư liệu
không hoàn toàn là đúng hay sai nhưng chỉ có cách nhận biết và xử lý
chúng là có thể đúng hay sai mà thôi. Và trách nhiệm của người làm công
tác nghiên cứu là phải nhìn nhận và tìm cách xử lý thích đáng với những
nguồn tư liệu may mắn còn sót lại đó để bổ sung cho hiểu biết của mình.
Do đó khi giới thiệu sơ bộ về bộ tranh và các bài thơ đề vịnh “Bình định
An Nam chiến đồ ” này, chúng tôi không có ý tán đồng hay tuyên truyền
cho nội dung của chúng mà chỉ hy vọng có thể khẳng định sự hiện hữu
khách quan của chúng là những hiện vật và chứng tích có giá trị thời sự
và sử liệu đáng kể. Còn việc xử lý và đánh giá nội dung của những tư
liệu như thế này lại không phải là mục đích của bài tham luận sơ lược
của chúng tôi, mà đó phải được giành cho nỗ lực và trách nhiệm chung để
tìm ra những phương thức xử lý và nhận định thích đáng nhất.
Trong khuôn khổ cuộc hội thảo quốc tế về
Việt Nam học và tăng cường hợp tác quốc tế này, chúng tôi hy vọng rằng
bài tham luận của mình có thể góp phần khiêm tốn nhưng tích cực trong
giao lưu giữa giới nghiên cứu trong và ngoài nước, qua việc giới thiệu
một nguồn tư liệu mới khá đặc biệt và lý thú về một giai đoạn quan trọng
trong lịch sử nước nhà. Và chúng tôi cũng cảm thấy hết sức cảm kích và
hãnh diện khi có thể giới thiệu về một nguồn tư liệu mới từ nơi mái
trường thân thương của mình, và nhất là qua sự tài trợ hào hiệp của học
viện Harvard Yenching, chúng tôi đã yêu cầu cho phóng ảnh và làm thác
bản bộ tranh bộ tranh “Bình định An Nam chiến đồ ” này kính tặng Viện
Hán Nôm tại Hà Nội và Bảo tàng Quang Trung tại Bình Định để các học giả
Việt Nam trong nước tiện bề tham khảo và nghiên cứu. Chúng tôi mong rằng
cử chỉ nhỏ mọn này sẽ được giới nghiên cứu Việt Nam vui lòng thu nhận
như là một đóng góp có ý nghĩa hợp tác quốc tế để có thể góp phần nhỏ
vào thắng lợi lớn của cuộc hội thảo lần này.
Chú thích:
(*). Thạc sĩ, Đại học Harvard Hoa Kỳ.
(1). Xin cảm ơn TS Phan Thùy Vinh của Viện
Hán Nôm, GS Phan Đại Đoàn của Khoa Sử trường Đại học quốc gia Hà Nội, và
học giả Dương Trung Quốc của tạp chí Xưa & Nay đã giúp cho chúng
tôi biết thông tin này.
(2). Chúng tôi cũng xin chân thành cảm tạ
nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã cho xem qua một bản chụp lại của phụ
ảnh này trong ấn bản lần thứ tư vào năm 1934 của quyển thứ hai của bộ
Văn đàn bảo giám do Trần Trung Viên biên soạn.
(3). Trong tập bản thảo đánh máy “Hồ sơ về
di tích Tây Sơn và Quang Trung ” được biên soạn vào năm 1970, cố học giả
Lê Thước có phiên âm và dịch nghĩa bài thơ này, nhưng đây vẫn là tư
liệu chưa công bố.
(4). Trước đây trong giới học giả Việt Nam
chỉ có GS Nguyễn Khắc Kham đã đọc qua và giới thiệu sơ lược về một thủ
bản không nguyên vẹn của sách này tại Đông Dương văn khố ở Tokyo, Nhật
Bản vào năm 1971.
(5) . Xin cảm ơn TS Nguyễn Công Việt và TS Cung Khắc Lược của Viện Hán Nôm đã giúp chúng tôi nhận dạng các chữ triện này.
(6). Nguyên chú: “Khứ thanh”; nguyên văn: “toàn”
(7). Nguyên chú: “Khứ thanh”; nguyên văn: “đương”
(8). Nguyên văn có tự dạng là “dĩ”, nhưng xét mạch văn với vế đối thì phải là “kỷ”
(9). Nguyên văn trên bức tranh là “thầm”,
nhưng được sửa lại là “thành” trong các bộ Khâm định An Nam kỷ lược và
Càn Long ngự chế thi ngũ tập. Xét về ngữ nghĩa thì “thâu thầm” và “thâu
thành” cũng tương tự như nhau.
(10). Để tỏ lòng tôn kính với nội tổ của
mình là vua Khang Hy đã từng trị vì được 60 năm, vua Càn Long quyết định
rằng sau khi cầm quyền được 60 năm thì sẽ nhường ngôi cho con trai là
vua Gia Khánh. Bản thân vua Càn Long còn làm Thái Thượng Hoàng được thêm
3 năm nữa rồi mới qua đời.
(11). Hiệp trấn Lạng Sơn là Trần Danh Bính,
vốn là người dân tộc thiểu số (nên gọi là “thổ tù”), trước đã đầu hàng
quân Thanh sau lại trốn về Thăng Long. Các nguồn sử liệu Việt Nam lại
cho biết rằng Trần Danh Bính được Ngô Văn Sở cử làm sứ giả đến hoãn binh
rồi bị Tôn Sĩ Nghị đem chém.
(12). Tôn Sĩ Nghị sai phục binh bắt sống được Trần Danh Bính rồi xử theo quân pháp
(13). Phó tướng Tôn Khánh Thành là chắt nội của Chấn Vũ tướng quân Tôn Tư Khắc vốn là một khai quốc công thần của nhà Thanh.
(14). Tô Định Phương đời Đường, nhờ sương mù mà đánh úp trại giặc.
(15). Triệu Tiết đời Tống, dung kế phá
tướng Bốc Lậu của rợ Nhung tại sông Lô. Ở đây chúng tôi chỉ dịch thoát ý
của nguyên văn là: “(Triệu Tiết) vượt sông Lô, (khiến cho) Bốc Lậu mất
đi bến bờ quan trọng”.
(16). Hai tướng ở đây chỉ phó tướng Tôn
Khánh Thành và tổng binh Dương Thụy Thăng. Họ đều là người Hán tộc chứ
không phải Mãn Châu.
(17). Hai tướng ở đây chỉ phó tướng Tôn
Khánh Thành và tổng binh Thượng Duy Thăng (là dòng dõi đời sau của Bình
Nam Vương Thượng Khả Hi thời “tam phiên” mở nước của nhà Thanh). Họ đều
là người Hán tộc chứ không phải Mãn Châu.
(18). Theo nguyên chú thì vua Càn Long có
xuống chỉ dụ cho Tôn Sĩ Nghị thăm dò vượt sông đánh úp, nhưng chỉ dụ
chưa tới thì Tôn Sĩ Nghị cũng đã biết dùng kế ấy mà thắng trận sông Thị
Cầu.
(19). Nguyên văn và nguyên chú ở đây có ý
so sánh Tôn Sĩ Nghị dùng mưu vượt sông như Điền Phong đời Đông Hán lợi
dụng chỗ hở mà đánh úp H. Nam. Chúng tôi chỉ dịch thoát ý.
(20). Ơ đây ngụ ý thương tiếc đề đốc Hứa
Thế Hanh trước đây đã có tài dũng cảm đột phá sông Phú Lương, sau đó lại
bỏ mình để chặn hậu cho Tôn Sĩ Nghị tháo lui khi quân Tây Sơn phản công
chớp nhoáng trong chiến dịch Ngọc Hồi – Đống Đa. Điều lý thú là bài thơ
đề vịnh cho trận chiến ở sông Phú Lương này lại dành quá nửa để nói về
những sự kiện tiếp theo, trong đó thất bại chiến sự của quân Thanh dĩ
nhiên đã được lấp liếm qua thành công ngoại giao với nhà Tây Sơn.
(21). Lê Chiêu Thống đã được quân Thanh đưa về nhưng lại mất nước lần thứ hai.
(22). Nhà Thanh đòi hỏi vua Quang Trung
Nguyễn Huệ phải lập đền thờ cho ba tướng của họ bị tử trận là: đề đốc
Hứa Thế Hanh, cùng hai tổng binh là Trương Triều Long và Thượng Duy
Thăng. Nguyên chú không nhắc gì đến thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống,
vốn mang chức vị thấp hơn so với ba tướng kể trên.
(23). “Thù trung” chỉ việc bắt lập đền để
tưởng thưởng lòng trung của ba tướng nhà Thanh tử trận; “phủ thuận” chỉ
việc hòa hiếu với nhà Tây Sơn.
Ảnh minh họa từ bài Bình Định An Nam chiến đồ của Tác giả Nguyễn Duy Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét