(PL&XH) - Trong giới võ học,
Thiếu Lâm Tự được ví như sao Bắc Đẩu. Nhiều nhà nghiên cứu võ thuật còn
cho rằng, tất cả các môn võ khác đều có nguồn gốc từ Thiếu Lâm Tự. Sự
huyền bí và nổi tiếng của Thiếu Lâm Tự liên quan nhiều nhất đến 72 tuyệt
kỹ võ học của môn phái này. Người ta đồn rằng, chỉ cần luyện thành 1
tuyệt kỹ của Thiếu Lâm Tự đã có thể xưng bá võ lâm…
Lịch sử Thiếu Lâm Tự…
Chùa Thiếu Lâm ngự trên núi Thiếu Thất, ở
huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, cách Bắc Kinh 600km về phía
Nam và cách Nam Kinh 600km về phía Tây. Ngôi chùa bị hủy diệt và trùng
tu vài lần, trở thành một trong những ngôi chùa xưa nhất của Trung Quốc.
Môn phái võ Thiếu Lâm được khai sáng bởi Đạt Ma Sư Tổ đến từ Tây Trúc
được xem là đại diện cho “Võ Lâm chính phái”. Trung Quốc có gần chục
ngôi chùa đều mang tên Thiếu Lâm như: Hà Nam Đăng Phong Tung Sơn Thiếu
Lâm Tự, Hà Bắc Bàn Sơn Thiếu Lâm Tự, Phúc Kiến Toàn Châu Nam Thiếu Lâm
Tự. Đệ tử của Thiếu Lâm là đàn ông, có hai loại: đệ tử xuất gia và đệ tử
tục gia. Xuất gia đệ tử xuống tóc tu hành trong chùa, không can thiệp
việc giang hồ. Tục gia đệ tử thì tản lạc khắp nơi, hành hiệp trượng
nghĩa có thể kết hôn hay làm bang chủ.
Theo ghi chép trong cổ tịch, kungfu Thiếu
Lâm gắn với tên tuổi của Đạt Ma sư tổ, tức Bồ Đề Đạt Ma, người được cho
là tổ khai sơn của Thiền tông Trung Hoa. Theo truyền thuyết, Bồ Đề Đạt
Ma là con trai thứ ba của vua Nam Thiên Trúc, vượt biển sang Trung Hoa
truyền pháp. Lương Vũ Đế chuộng đạo, mời Đạt Ma đến hội kiến, nhưng
không cùng chí hướng; Đạt Ma bứt một cọng lau ném xuống sông, rồi đứng
trên đó mà vượt Trường Giang vân du lên miền Giang Bắc. Năm 527, Bồ Đề
Đạt Ma đến Thiếu Lâm. Có nhà sư ở Tung Sơn tên là Thần Quang nghe danh
đến xin bái yết. Đạt Ma vẫn quay mặt vào bức tường, không nói năng gì.
Thần Quang không nản, nhủ rằng: “Người xưa cầu đạo, đều phải trải qua
gian nan thử thách, chịu những điều người thường không chịu được”. Giữa
đêm tháng Chạp tuyết lớn đầy trời, Thần Quang đứng chờ bất động bên
ngoài chùa, sáng ra tuyết ngập đến đầu gối. Đạt Ma lúc ấy mới hỏi:
“Ngươi đứng mãi trong tuyết để chờ gì vậy?”. Thần Quang khóc mà nói:
“Chỉ mong được đại sư truyền đạo”. Biết Đạt Ma còn e mình chỉ nhất thời
kích động, không thể lâu dài, Thần Quang liền rút đao tự chặt đứt cánh
tay trái, đặt trước mặt thầy. Đạt Ma bấy giờ mới nhận làm đệ tử, đổi
pháp danh là Huệ Khả.
Theo truyền thuyết đạo Phật, sư tổ Thiền
tông Bồ Đề Đạt Ma trong thời gian ở Trung Quốc đã dùng 4 quyển “Lăng già
kinh” để dạy đệ tử, sau truyền lại cho Huệ Khả, từ đây, Thiền Tông
Trung Quốc có thế hệ truyền pháp đầu tiên. Sau khi Bồ Đề Đạt Ma viên
tịch (536), các Đại sư Thiếu Lâm tiếp tục tập luyện những phương thức
ngài truyền lại. Thiếu Lâm phái qua nhiều đời đã được các sư tăng xiển
dương, đúc kết và phát triển mạnh mẽ và dần trở thành Bắc Đẩu của các võ
phái Trung Hoa. Việc hệ thống hóa võ thuật Thiếu Lâm được cho là bắt
đầu từ những võ quan về hưu tu hành tại chùa.
Công phu Thiếu Lâm bắt nguồn chính từ sinh
hoạt thường ngày như cuốc đất, chặt củi, gánh nước… của tăng nhân.
Tương truyền, đệ tử Huệ Quang khi mới 12 tuổi có thể đứng trên miệng
giếng sâu, đá cầu 500 quả. Đầu đời Đường, Thiếu Lâm đã có một đội ngũ
tăng lữ dũng mãnh, thiện chiến. Khoảng năm Vũ Đức, 13 tăng nhân Thiếu
Lâm Tự tham gia trợ chiến giải vây trong cuộc chiến thảo phạt Vương Thế
Sung của Tần vương Lý Thế Dân, lập công trạng lớn. Đây là 13 vị sư được
cho là luyện thành từ 5 – 7 tuyệt kỹ Thiếu Lâm Tự.
72 tuyệt kỹ kungfu
Năm 1333 các môn phái võ thuật trên thế
giới mới nghe đến 72 tuyệt kỹ của Thiếu Lâm Tự. Năm đó vua Huệ Tông nhà
Nguyên đã tổ chức Đại hội võ thuật Thiếu Lâm được mở tại Tàng Kinh Các.
Đại hội triệu tập 700 trưởng tràng các chi nhánh, các tân môn, cựu môn,
các quan nhân nguyên là môn đồ Thiếu Lâm ra xuất chánh, chủ trì đại hội
là thiền sư phương trượng đời thứ 12 Nguyên Hạnh và 4 vị trưởng lão tiền
bối trước đó đã ẩn cư trên 20 năm trong núi sâu.
Sau khi tổng kết, xem xét hàng nghìn
phương pháp, cách thức, bí quyết tu luyện võ công, gồm khinh công, thủy
công, nhuyễn công, ngạnh công, nội công, ngoại công… được các trường
tràng, các chi nhánh và các cao thủ phát triển trên nền tảng võ học
Thiếu Lâm phái, đại hội đã tiến hành sắp xếp, phân loại và tổng hợp
thành Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công - 72 tuyệt kỹ võ học Thiếu Lâm
Tự, bao quát toàn diện hệ thống võ công từ nguyên khởi đến cả những thời
điểm hoàng kim nhất của võ phái và dù sau này có một thiên tài võ học
tìm thêm được các công phu nào đó và tuyên bố rằng đó là một hệ thống
chưa từng có, thì cũng vẫn có thể xếp vào một trong 72 môn loại đã được
đại hội ấn định.
72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm Tự là những kĩ pháp
đặc biệt khó luyện, đòi hỏi hàng chục năm mới đạt mức thành tựu trung
bình. Võ sư chỉ am hiểu được 1, 2 tuyệt kỹ đã có thể sáng lập một môn
phái nổi danh thiên hạ. Trong lịch sử chùa Thiếu Lâm, chỉ có một người
đạt được 7 tuyệt kỹ đã vang danh là kì nhân thiên hạ. Thất thập nhị
huyền công Thiếu Lâm được phân chia thành nhiều dạng: Nhuyễn công, ngạnh
công, nội công, ngoại công và tập hình thành các kungfu khác nhau như:
Thiết tí công, Bài đả công, Bích thủy du tường, Thiết bố sam, Đề thiên
công, Nhất chỉ thiền công, Dịch cân kinh, Thiết sa chưởng, Đại lực kim
cương chỉ…
Trải qua nhiều lần thiên hạ đại loạn,
kungfu Thiếu Lâm với 72 tuyệt kỹ đã có dịp xuất thế lập công, được triều
đình, người dân cực kỳ ngưỡng mộ. Và cũng từ đó, hầu hết những người
học võ đều nghe đến 72 tuyệt kỹ của Thiếu Lâm Tự nhưng sự thật về những
tuyệt kỹ này thế nào thì rất ít người biết….
Người ta đồn rằng, những người luyện thành
một số tuyệt kỹ Thiếu Lâm Tự có thể dùng chỉ lực phá tan chiếc hòm gỗ
cùng với cả bản lề; ngón tay có thể in được dấu vết trên đỉnh vàng khi
chọc vào; dùng tay chưởng vỗ tan tảng đá nghìn cân; chạy trên tường
nhanh hơn thạch sùng; chạy lướt trên các ngọn cây, mặt nước; đứng cách
xa 3m điểm huyệt đối thủ… Tuy nhiên, hầu hết những tuyệt kỹ này chỉ được
phô diễn trong các truyện chưởng của Kim Dung, đặc biệt là tiểu thuyết
“Ỷ thiên đồ long ký”.
Một số nhân vật nổi tiếng, đệ tử chân
truyền của Thiếu Lâm như Lý Liên Kiệt, Thành Long, Chân Tử Đan, Hồng Kim
Bảo… hiện tham gia luyện võ và đóng phim nhưng chưa có ai tự nhận mình
đã luyện thành 1 hoặc nhiều tuyệt kỹ Thiếu Lâm Tự. Chính vì lẽ đó nhiều
nhà nghiên cứu võ học cho rằng, 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm Tự là hư cấu dựa
trên các kungfu có thật mà bất cứ ai có tố chất võ thuật đều có thể
luyện được…
Tại Việt Nam, những môn phái võ thuật có
nguồn gốc từ võ thuật Trung Hoa đang chiếm đa số. Có thể kể đến những
cái tên huyền thoại của làng võ Việt Nam như: Võ sư Hà Châu, võ sư Trần
Hưng Quang, võ sư Điều đỏ, võ sư Trần Công, võ sư Tiền… Tuy nhiên, chưa
ai trong giới võ học nghe thấy các lão võ sư này giới thiệu hoặc thi
triển kungfu nào trong số 72 tuyệt kỹ của võ thuật Thiếu Lâm Tự.
Thương mại hóa Thiếu Lâm Tự
Ngày nay, ngôi chùa cũng như huyền thoại
về võ thuật Thiếu Lâm được nâng lên một mức cao hơn và bị thương mại hóa
một cách triệt để. Chỉ riêng tại Trung Quốc đã có đến gần 60 nhãn hiệu,
thương hiệu sử dụng mác Thiếu Lâm Tự. Tại Đăng Phong, cái nôi của Thiếu
Lâm Tự hiện có hàng chục võ đường, học viện mang tên Thiếu Lâm Tự mà
chính tổng giáo đầu Thích Diên Truyền của Thiếu Lâm Tự cũng không thể
cho tôi biết cái nào là “chân truyền”, cái nào “ngụy phái”.
Vào mùa hè, mỗi ngày có hàng đoàn xe buýt
đổ khách ồ ạt lên Thiếu Lâm Tự, khách muốn vào tham quan ngôi cổ tự
ngàn năm này phải mua vé 20 nhân dân tệ (phí thuyết minh, xem thi đấu,
xe vận chuyển, cáp treo... trả riêng). Chính quyền địa phương cũng vừa
cho xây dựng hệ thống nhà bán hàng lưu niệm, nhà hàng, bãi đậu xe với
sức chứa hàng chục nghìn người dưới chân Tung Sơn, con đường dẫn vào
ngôi chùa cổ kính ngàn năm bây giờ quả hiện đại và to lớn như một đại
công viên hoành tráng.
Người ta đã thương mại hóa một thượng đài
võ thuật đến mức thành lập cả Cty TNHH phát triển công nghệ Thiếu Lâm Tự
Tung Sơn - Hà Nam. Cty này đã đệ đơn xin đăng ký bản quyền thương hiệu
chính thức tại 88 quốc gia. Bên cạnh đó Thiếu Lâm Tự cũng đã trình lên
Tổ chức UNESCO xin được xếp chùa này vào danh sách di sản văn hóa của
nhân loại.
Minh Đạo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét