XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Hình ảnh xứ Thanh trên cửu Đỉnh Huế

Cửu Đỉnh ở Đại Nội Huế - là báu vật bằng đồng vô giá của nước ta, “một bộ “Đại Nam nhất thống chí” bằng hình ảnh vô cùng độc đáo và sang trọng, được đúc khắc trên chín đỉnh đồng đồ sộ đầu tiên của Việt Nam”.


Cửu đỉnh: 9 cái đỉnh

Đây là một Tượng đài văn hóa Việt. Nghiên cứu các cảnh được chọn, ta thấy vua Minh Mạng thấu hiểu giang sơn gấm vóc Việt Nam vô cùng thâm hậu. 9 đỉnh là: Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Mỗi đỉnh có 17 cảnh sông, núi, mây, gió, hoa cỏ, cây trái... đặc trưng cho 3 miền Việt Nam, tổng cộng 153 hình ảnh. Trong sách “Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế” (NXB Tri Thức, 1-2011), nhà văn Dương Phước Thu đã có một phát hiện thú vị : Tất cả các loại cảnh vật khắc trên đỉnh đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9: 9 ngọn núi lớn, 9 con sông lớn, 9 loài chim, 9 loài cây lương thực...

Trên tượng đài Cửu Đỉnh ấy, các hình ảnh xứ Thanh in dấu ấn rất đậm. Ngoài các sản vật nông nghiệp như cây lúa tẻ, lúa nếp, cây hành, đậu ván, cây tỏi... ở đâu cũng có, thì hình ảnh ấn tượng nhất về xứ Thanh được khắc tạc là núi Núi Thiên Tôn và sông Mã. Có 9 ngọn núi lớn thì Thanh Hóa có 1, có 9 con sông lớn thì Thanh Hóa có 1.

Theo nhà văn Dương Phước Thu trong sách đã dẫn, Núi Thiên Tôn được khắc ở Cao Đỉnh, là đỉnh lớn nhất, quan trọng nhất trong Cửu Đỉnh. Núi Thiên Tôn ở huyện Hà Trung Thanh Hóa. Trong vùng núi có Gia Miêu ngoại trang là nguyên quán của dòng họ Nguyễn Phúc, là nơi phát tích của 9 Chúa và 13 vua Vương triều Nguyễn. Trong núi có lăng Triệu tổ Nguyễn Kim và Lăng Đức Bà (vợ Nguyễn Kim). Mạch núi này chạy từ huyện Thạch Thành như chuỗi ngọc kéo xuống, rồi nổi lên 12 ngọn liền nhau, cỏ cây xanh tốt. Ở phía Đông Bắc núi Thiên Tôn có dãy Tam Điệp, rồi đến núi Thần Phù chạy dài ở phía trái, phía tây có núi Điều Doanh, núi Trạch Lâm, núi Trang Chữ chạy vòng phía phải. Nguồn nước từ Khe Rồng rót xuống Tống Giang, lượn vòng ở đằng trước, người xưa gọi là núi Triệu Tường. Năm Minh Mạng thứ 2, 1821, vua dụ rằng: “Nước nhà ta gây dựng nghiệp lớn, giữ mệnh trời lâu dài. Kính nghĩ lăng tổ khí thiêng chung đúc, chất chứa phúc lành, nên phong thần núi hiệu là Thiên Tôn, đều làm đền thờ để đáp ơn Thần”. Từ đó núi có tên là Thiên Tôn. Núi Thiên Tôn còn được thờ ở Đàn Nam Giao, Kinh đô Huế.

Cao đỉnh: đỉnh cao, to nhất trong 9 đỉnh


Cận cảnh Cao đỉnh

Núi Thiên Tôn được các nhà phong thủy cho là ngọn núi thiêng phò tá linh địa phát tích quần hùng nước Việt. Năm 1835, vua Minh Mạng cho xây thành bao ngoài khu Nguyên miếu, phái quân canh phòng, hộ vệ nghiêm ngặt. Lại xây thêm công đường, nhà cửa, đặt tên là Thành Triệu Tường. Thanh Hoá là quê hương của rất nhiều vua chúa thời Tiền Lê, Sơ Lê, Lê Trung Hưng, Lê Hoàn, Lê Thái Tổ, Hồ Quý Ly... là quê hương của Trịnh Kiểm, người mở đầu cho 12 đời chúa Trịnh 249 năm ròng. Rồi Gia Miêu Ngoại trang là quê hương của 9 chúa, 13 vua Vương Triều Nguyễn: bắt đầu từ 1558, kết thúc năm 1945, kéo dài 387 năm. Tất cả đều xuất phát từ vùng đất địa linh nhân kiệt có núi thiêng sông lớn này.


Hình ảnh núi Thiên Tôn trên Cao Đỉnh, nhắc nhở con cháu muôn đời nhớ tổ tiên ở xứ Thanh


Dãy núi Thiên tôn, chụp tại làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung ngày 6/2/2011

Có tư liệu nói rằng, cuối năm 1788, vua Quang Trung dẫn đại binh ra bắc đuổi quân xâm lược nhà Thanh, đã đóng quân ở vùng núi Thiên Tôn - Tam Điệp. Đầu 1789, vua Quang Trung đã đánh tan 20 vạn quân Thanh, mùng 5 Tết kéo quân vào thành Thăng Long. Các nhà binh pháp cho rằng, chiến thắng của vua Quang Trung đã được sơn thần Thanh Hóa và Tam Điệp linh thiêng phù hộ.

Hình ảnh Sông Mã (Mã giang) được khắc trên Anh Đỉnh. Là con sông chính chảy trong địa phận Thanh Hóa. Sông Mã bắt nguồn từ Điên Biên, ở độ cao trên 2000 mét, độ dốc lòng sông lớn nên lắm gềnh thác, chảy băng qua huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La rồi vào đất Thanh Hóa. Đến huyện Thiệu Hóa thì tiếp nhận thêm nước sông Chu, rồi đổ ra cửa Lạch Trường và Lạch Trào. Dòng chính sông Mã dài 512 cây số, hơn một nửa chạy trên đất Thanh Hóa. Đoạn chảy qua huyện Hoằng Hóa, dòng sông bỗng thắt lại, tạo nên nhiều hang sâu, có một hang gọi là “Hàm Rồng”. Cạnh hang ấy có ngọn túi tên là núi Hàm Rồng. Nơi đây, các nhà nghiên cứu địa lý cổ cho rằng là chỗ đất trời đã lựa chọn. Sông Mã được xem như nguồn mạch linh khí, nguồn tài nguyên thủy vô tận của xứ Thanh và đất nước, nơi hun đúc biết bao anh hùng hào kiệt cho Tổ quốc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, sông Mã - Hàm Rồng là những địa danh lịch sử nổi tiếng.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1837), nhà vua cho khắc hình tượng Sông Mã vào Anh Đỉnh. Năm Tự Đức thứ 3, vua Tự Đức xếp Sông Mã vào hạng sông lớn, chép trong điển thờ, hàng năm sai quan đến tế thần sông. Bất chợt nhớ Tây Tiến của Quang Dũng:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi...”

đang buồn nhớ, thổn thức, bỗng: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Đó chính là là tính cách Sông Mã.

Ngoài sông núi linh thiêng được khắc tạc, xứ Thanh còn có nhiều sản vật được khắc tạc trên Cửu Đỉnh. Ở trên Nghị Đỉnh có khắc cây quế. Tuy nguồn gốc sản sinh ở Phương Nam, nhưng ngày trước quế Thanh Hóa là tốt hơn cả. Quê Thanh Hóa còn gọi là nhục quế, quế quỳ , được dùng nhiều trong cung vua. Trong Tây y, tinh dầu quế có tác dụng kích thích làm cho khí huyết lưu thông, tăng cường bài tiết, chất sát trùng mạnh. Trong Đông y, quế là vị thuốc bổ, có thể chữa khỏi đau mắt, đau gân, nhức mỏi, ho hen, kinh nguyệt bế, tiểu tiện bất lợi... Ngày trước người ta thường dùng quế chưng cất, lấy nước rưới lên thi hài người chết để giữ thân nhiệt được lâu hơn.

Thơ Vịnh cây quế của vua Minh Mạng có nói đến cây quế lớn vòng đo đến mấy thước (thước ta). Hoa nhỏ như hột gạo mà không thơm, lá to dài và nhẵn, có ba sống dọc, vỏ thô dày mà ngọt thơm cay ngào ngạt, dùng làm thuốc rất tốt. Không biết có phải đây là quê Thanh không ? Ngày nay ở Việt Nam còn các giống quế quý như: quế Thanh, quế Quảng, quế Trung Quốc... được trồng nhiều và được bạn hàng ưa chuộng. Không biết ở Thanh Hóa bây giờ có còn trồng quê không. Ở trên Tuyên Đỉnh, vua Minh Mạng cho khắc giống Rùa Biển quý (chữ Hán là ngoan). Đây là giống rùa sống ở vùng biển sâu, nơi có dòng hải lưu mạnh. Thịt của nó rất ngon, có nhiều chất bổ dưỡng và là chất dược liệu quý dùng để làm thuốc trị bệnh. Ngày xưa, người ta xem con ngoan này cũng thuộc “họ nhà rùa linh”. Vùng biển đảo nước ta có nhiều giống rùa (ngoan) sinh sống là: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hóa, Ninh Thuận, Côn Đảo...

Nguồn: Ngô Minh, Báo Thanh hóa online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét