Pleiku
xưa, một thành phố nhỏ heo hút ở cao nguyên, nhờ thơ và nhạc, đã thành
một nơi chốn đầy thơ mộng. Thành phố ấy, có những tương phản kỳ lạ.
Chiến tranh đã làm phố núi ấy có một bộ mặt, khi thì lãng mạn thơ mộng
với những tà áo dài nữ sinh đi học buổi sớm mai nhưng cũng có lúc đầy
nhục dục xác thịt. Con đường từ phố đến Hoa Lư đầy những quán rượu và
những cô gái phấn son lòe loẹt. Và, thành phố cũng đầy những sắc lính.
Những người từ mặt trận trở về, đốt tiền mua vội một đêm vui rồi sáng
mai trở lại miền gió cát. Những người lính đồn trú ở đây, ráng làm quen
với cuộc sống ở vùng nắng bụi mưa sình, trong một giây phút nào, cũng
nao nao vì những tà áo trắng buổi sáng trong sương mù Pleiku, tìm thấy
một chút thơ mộng trong đời để làm kỷ niệm. Pleiku, những cuộc tình có
thực đầy dông bão của những người lính và những cô gái giang hồ. Nhưng
Pleiku cũng có những êm ái thánh thiện của tình học trò áo trắng và
người lính dạn dầy trong khói lửa. Pleiku có con đường đầy quán rượu cho
chiến sỹ nhưng cũng có con đường có hai hàng cây cao vút rợp bóng lá và
những tà áo học trò tung bay theo nắng...
Người
làm thơ, có lúc cũng cảm khái vì cái không gian, thời gian của thành
phố ấy. Mưa cũng là cái mưa đặc biệt, mỗi mỗi hạt mưa như chứa đựng cả
những nỗi niềm của tất cả những địa phương xa lạ thu góp về. Nắng cũng
là cái nắng không phải của một nơi chốn nào khác, nó mang đến cái hanh
hao khó chịu nhưng cũng trong màu nắng ấy lấp lánh những tình cảm thầm
thì khó tả. Lạnh cũng chẳng phải là cái lạnh lẽo bình thường mà hình như
cỏ cây, đường phố, núi non,... ở đây cũng se mình và chia sẻ chung vui
buồn với con người. Trong giây phút hiếm có trong đời, cảm xúc đã làm
ngôn ngữ tăng thêm lôi cuốn và tạo nhiều ấn tượng. Nguyễn Bắc Sơn, một
chứng nhân của cuộc chiến, làm thơ như một cách thế sống, đã coi công
việc viết như một phần của đời người. Sống ở Plei ku và viết những bài
thơ để gửi Pleiku. Thơ ông, có chút cảm khái ngậm ngùi của thời tao loạn
nhưng cũng có những xúc động bềnh bồng của tâm tư lãng mạn hay đùa cợt
với cuộc đời. Thơ, phảng phất vóc dáng một chàng cuồng sĩ...
Ðọc
bài thơ “Hoa Quì Vàng Lạnh Pleiku,” tự nhiên tôi như người trở về thời
gian ấy, không gian ấy. Trở về những ngày tuổi trẻ, của những giây phút
bốc đồng coi mọi việc như cuộc đùa chơi. Cái lạnh, chưa hẳn là lạnh lẽo
mùa đông, mà còn chứa đựng một chút nồng ấm nào đó của mùa hạ. Lạnh ở
bên ngoài nhưng rần rần nóng hổi ở tim óc bên trong. Sương mù ban đêm
trên đỉnh cao nhìn về phố buồn, tâm thức cũng ào ạt như sóng theo tầm
nhìn vời vợi...
“Ðứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn
Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm
Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm
Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ
Nên phải nhớ mắt một người thiếu nữ
Ðã nhìn mình rất ấm một ngày xưa
Dù mai sau ngày nắng tiếp ngày mưa
Nhưng vĩnh cửu chút mơ màng thuở đó... ”
Tôi
cũng đã sống ở Pleiku gần ba năm. Thời gian ấy trong hơn tổng số bẩy
năm ở lính của tôi chắc là đáng kể và đầy chật những điều đáng nhớ. Ngày
đầu tiên khi từ Nha Trang xuống phi trường Cù Hanh là một ngày mưa u
ám. Mưa sủi bọt trên mặt nhựa phi đạo và bầu trời nặng nề u ám mầu mây
đen. Gió ào ạt lồng lộng ngoài kia khiến cho tôi thấy mình quá nhỏ nhoi
trong cái buồn mênh mang của đất trời. Lúc ấy, tôi thấy những câu thơ
vẩn vơ trong óc của Kim Tuấn, Du Tử Lê, Vũ Hữu Ðịnh, Nguyễn Bắc Sơn,...
Thơ tự nhiên thành một phần của một ngày, một tháng, một năm,... của
riêng tôi. Thơ để quên đi hiện tại. Những giọt mưa quất vào mặt, buốt
rát. Những ngọn gió thốc vào ngực. Nặng tê...
Ðọc
bài thơ dài của Nguyễn Bắc Sơn tôi chỉ thấy có hai câu nói về mầu hoa
quì vàng. Thế mà cái mầu sắc hoa man dã ấy chỉ một nét thoáng qua nhưng
lại gợi nhiều dư âm. Màu vàng, có khi là màu vàng lạnh, nhưng có khi là
màu nóng chói chang của nắng.
“Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh.
Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao.”
Hoa
quì vàng, một loài hoa nhỏ, cây từa tựa giống như hoa cúc, tôi đã nhìn
thấy miên man màu vàng khi trên phi cơ nhìn xuống. Màu vàng, mênh mang
trên những ngọn đồi loang lổ màu xám của đá và màu đỏ của đất. Hoa quì,
lẻ loi một cánh trên tay thú thực cũng chẳng hấp dẫn lắm nhưng nếu bạt
ngàn dưới cánh phi cơ, rào rạt trong nắng trong gió sẽ trở thành một ấn
tượng khó quên cho cảm xúc. Ơi hoa quì, màu vàng không phải kiêu sa như
màu hoàng cúc của áo tôn nữ mà có sự gần gũi với tà áo vàng của dân dã,
của thiên nhiên. Hèn chi, cũng có nhiều nhà thơ vấn vương với hoa quì
vàng, như Nguyễn Xuân Thiệp, như Kim Tuấn,...Người thơ kể chuyện của
mình, một câu chuyện có lẽ rất quen tai của những người lính thú. Cũng
đi xuống, đi lên, cũng loay hoay bồn chồn như những chàng gà trống...
“Ðời lang bạt của một người lính thú
Sáng hôm qua tôi là người thiếp ngủ
Ði một mình lên xuống phố mù sương
Phố núi kia ơi, phố có con đường
Lên xuống dốc tìm không ra bạn hữu
Không có bạn tôi làm sao uống rượu
Tôi làm sao sống nổi một ngày đây
Phố núi kia ơi, kẻ lạ đông đầy
Nhìn gã lính không khác gì gã lính...”
Không
có bạn tôi làm sao uống rượu. Tôi làm sao sống nổi một ngày đây. Nghe
như một câu nói thường ngày, không có chất thơ mà sao nghe tràn đầy thi
tứ. Chắc lúc ấy, sự cảm khái của người thơ đã lên cao độ, và, nỗi lạnh
lùng thiên cổ như bám vào da vào thịt. Có nỗi nhớ mong, có niềm tiếc
nuối. Người em, bây giờ lưu lạc ở đâu?
“...Tôi vận rủi làm một người lãng đãng
Ngó mông hoài khuất bóng của người em
Sáng hôm nay đời sống thật bình yên
Sao phố lại đuổi đi người yểu điệu
Vườn đá tảng bàn chân em huyền diệu
In gót hồng lên lớp bụi đời tôi
Là từ khi tôi hạnh phúc rong chơi
Và quên lãng con thú mù phẫn nộ
Ôi phố núi đêm nay là cổ mộ
Một hàng đèn sáng lạnh cõi bi hoang...
Bài
thơ thứ hai tôi đọc để nhớ Pleiku là của Nguyễn Xuân Thiệp, bài
“Pleiku, tháng Ba 1974.” Ba mươi năm trôi qua, nhưng ngày tháng đó vẫn
còn sinh động. Thơ, không ghi chép lại nhật ký ngày tháng mà sao đầy dấu
viết của một quãng đời. Ngày ấy, lửa cháy đỏ. Ngày ấy, người thi sĩ kể
chuyện một mình. Ðâu cần ai hiểu, chỉ để nỗi niềm loang vào sương đêm
thành nỗi nhớ mịt mùng.
“Cầm bút viết, tháng Ba rực cháy
Hàng dầu cao trong bình minh
Cơn sốt của trái chín và cánh đồng
Trận gió hung trưa ngày ấy
Cầm bút viết, đồi hoa quỳ vàng
Tháng Ba xuống khu rừng
Bóng quạ rung những nhánh cây màu tàn lửa tiếng thét hư không. Chiều rượt qua ngàn...”
Những
hình ảnh đan vào nhau với những liên tưởng tiếp nối. Ảnh tượng có khi
như không liên quan nhau, chỉ là những nét phác sơ lược nhưng lại làm
nổi bật được một không gian đầy biến động. Ðồi hoa quỳ vàng, khu rừng,
bóng quạ, nhánh cây màu tàn lửa, tất cả như chìm đắm trong nỗi bàng
hoàng của thế thời. Cơn bão lửa dậy lên từ hoang vu:
“Tháng Ba, chân trời chớp tía
Những chuyến xe lên đường, cơn mưa chợt đến
Rào qua mái nhà, bàng hoàng mưa ngưng bặt
Ðêm. Những căn nhà gỗ sáng đèn.
Tháng Ba. Trên đồi vông nở.
Tôi trở về thị trấn tháng Ba
Những sợi dây trời cắt đau trí nhớ
Cườm tay em nhỏ máu hè xưa...”
Xa
rồi những ngày thơ mộng. Gần lắm rồi những nỗi kinh hoàng. Cái linh cảm
của một cuộc địa chấn là cái linh cảm chung của những người như những
con chuột đang cuống cuồng trong rọ. Thị trấn sẽ thành biển lửa, nay
mai. Sẽ đầy những cuộc chia ly đầy nước mắt. Thảm họa sụp xuống, như cơn
hồng thủy đến. “...Vò nát chiếc khăn và đừng khóc chiều nay. Chớp bể
mưa nguồn chia tay nhau. Sương phụ người đi râu bám bụi đường tháng Ba.
Em. Những căn nhà gỗ ánh đèn khuya. vệt máu hè xưa, đừng tiếc chiếc khăn
tay ngày ấy sẽ bay trong lửa hoàng hôn tháng Ba. Cơn giông rền mặt
đất.”
Ðọc
xong hai bài thơ, tôi như người hụt hơi. Ðời sống, như một hơi khói
nhẹ, loãng bay vào hư không.Tự nhiên, thấy lòng mình chùng xuống những
kỷ niệm. Những bài thơ. Thuở đã xa. Ngày còn trẻ. Và hoa quì vàng, cái
màu vàng loang sắc nắng của buổi nào, bây giờ có còn vương trên núi đồi
không? Cái sắc màu hỏa hoàng trong những buổi chiều nhạt nắng ấy sao
nhức nhối ký ức. Thị trấn ấy, như câu thơ Vũ hữu Ðịnh:
Có
khi em Pleiku chỉ là tưởng tượng. Thi sĩ đã làm thành một nhân dáng nữ
tuyệt vời để tô điểm cho phố núi ấm áp hơn trong cái lạnh se se Tây
Nguyên. Thơ như tháp cánh vút lên, để những hàng cây dầu hai bên con
đường học trò vươn lên mầu lá xanh hiền. Thành phố có em, là thành phố
mà tình yêu đã làm một thứ trang sức cho đời lính thú biên trấn xa xôi.
May mà còn có niềm vui. Thơ về Pleiku thì nhiều, nhiều lắm. Kim Tuấn,
Diên Nghị, Du Tử Lê, Võ Ý, Lê Bá Ðịnh, Lâm Hảo Dũng,... đã trãi lòng
mình lên thành những rung động thật với nơi chốn mà mình đã qua hoặc gắn
bó. Pleiku, nhắc đến nó để nhớ lại một thời lửa đạn. Và, nếu có người
sưu tập thành một tuyển tập có chủ đề về nơi chốn ấy, chắc sẽ có một
quyển sách cả ngàn trang mới mong đầy đủ hết thơ văn của những người
hoài vương vấn với mưa sình, nắng bụi cao nguyên
LUÂN HOÁN: VŨ HỮU ĐỊNH CÒN RẤT NHIỀU ĐIỀU ĐỂ NÓI
Phố núi cao,
phố núi trời gần.
Phố xá không xa nên phố tình thân...
....................................................
May mà có em đời còn dễ thương.
Vũ
Hữu Định sinh năm Nhâm Ngọ, 1942, tại Huế, nhưng định cư tại Đà Nẵng
lâu năm và thường xuyên tham gia trong nhóm sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật
Quảng Đà. Trước 1975, với những tên tuổi Luân Hoán, Hà Nguyên Thạch,
Trần Quang Lộc, Hoàng Lộc, Thành Tôn, Đinh Hoàng Sạ...anh làm thơ rất
nhiều, có thơ đăng trên các tạp chí Văn Học xuất bản tại Sài Gòn. Nhưng
đợi đến khi Phạm Duy phổ nhạc bài thơ "Còn Một Chút Gì Để Nhớ" và qua
tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh, mới thực sự chắp đôi cánh tuyệt
vời cho ý thơ anh bay bổng, và chính tôi cũng yêu thích bài thơ của anh
từ đó. Anh đã có công đưa thành phố núi cao đầy sương và bụi mù đó vào
trong trái tim của mọi ngườị.. "Phố núi cao, phố núi trời gần. Phố xá
không xa nên phố tình thân..." Tôi đã có dịp đến thăm một nhà thơ ở
Pleiku, và tôi đã yêu phố núi cao đó qua lời thơ của Vũ Hữu Định. Thành
phố có cái nắng hiu hắt thật buồn "...Anh khách lạ đi lên đi xuống. May
mà có em đời còn dễ thương...".
Nếu
không có em, lữ khách sẽ cảm thấy buồn vô tận, chính vì thế mà tôi phải
vội vã rời Pleiku trước khi mặt trời khuất sau dãy núi xa thẳm. Trước
khi giã từ Đà Nẵng, tôi có gặp lại nhà thơ Vũ Hữu Định thêm một lần ở
Café Chợ Cây Mẹ anh vẫn thế, nghĩa là vẫn vô sản hơn những người vô sản
sau những ngày giông bão tới. Khi chúng tôi đến định cư ở Hoa Kỳ, được
tin nhà thơ Luân Hoán cho biết, Vũ Hữu Định đã chết vì say rượu té từ
căn gác xuống đất tại nhà một người bạn bên bờ sông Đà Nẵng vào một đêm
trăng tháng Giêng tuyệt đẹp năm Tân Dậu 1981.
Thời
gian như dòng sông cuồn cuộn trôi qua, những nhà nghệ sĩ tài hoa như
Phạm Đình Chương, Lê Uyên Phương, Trầm Tử Thiêng, Hùng Cường, Văn Phụng,
giờ chắc đã thong dong nơi miền Vĩnh Cửu, đã hết vướng bận những khổ
lụy nơi trần thế. Bây giờ đến lượt Sĩ Phú đã ra đi, nhưng dư âm của
giọng hát trầm ấm "Còn Một Chút Gì Để Nhớ" cho chúng ta gợi nhớ đến một
buổi chiều trên phố núi đầy sương có chàng thi sĩ Vũ Hữu Định lang thang
u hoài viết nên bài thơ để đời. Có biết hay chăng nơi phố núi Pleiku
ngàn trùng thương nhớ đó, người đẹp năm xưa như một tiền kiếp đợi chờ,
cả người thơ và nhà nghệ sĩ không gian có tiếng hát như ru em vào cõi
mộng mơ miên viễn, bây giờ xa vắng hết chỉ còn rơi lại nỗi sầu muôn thuở
như ánh nắng vàng bên triền núi thiên thu.
THƠ VŨ HỮU ĐỊNH
KỶ NIỆM
con đường đất có màu xanh bữa nọ
cây bên đường màu lá lục hôm kia
con chim bỏ đi có bận quay về
cất tiếng hát chào niềm vui của gió
anh ra đứng sau hè nghe để ngó
không thấy chim mà thấy tiếng kinh chiều
vui trong lòng anh đã bước chân theo
em có nói là em không trở lại
hôm em nói em đi buồn biết mấy
anh có nghe bên đường tiếng chim kêu
con chim chi buồn chết cả buổi chiều
từ bữa đó anh nhớ đường ra ngõ
con đường đất bàn chân từ thuở nhỏ
một ngày vô bốn bận đi về
cây bên đường, cỏ bụi, hàng tre
quen đến nỗi không nhớ gì tha thiết
hôm em đi anh bắt đầu thấm mệt
thấy trường xa con đường ngại đi về
mắt anh nhìn lên đọt ngọn tre
dõi mấy bụi tìm con chim nhỏ
con chim nhỏ có nằm trong vạt cỏ
bữa hôm nay anh mới thấy cỏ vàng
con chim đời nào lại sống trong hang
anh vô cớ soi tìm trong đụn đất
tuổi mười một anh biết mình đã mất
một cái chi không nên ảnh thành hình
cho tới bây giờ hết tuổi học sinh
râu đủ bộ vẫn còn ngơ ngẩn mãi
con chim nhỏ có bao giờ trở lại
em năm nay không biết mấy con rồi
con chim lạ lùng năm nọ của tôi ơi
hoá mấy kiếp mà sao tôi vẫn vậy
ĐỜI VẪN CÓ EM
về một nơi nào ta vẫn có em
đường xa không đốt được ưu phiền
những con đường núi sâu hun hút
những phố đìu hiu không nhớ tên
ta ở đây sống giữa rừng sương
có bạn là chim không chút chán chường
có hoa không bán giăng đầy núi
có lũ vượn về chung thủy trên nương
ta vẫn có em, đời vẫn có thơ
ta đi quét lá đốt tương lai
thở hơi sương khói tình xanh ngát
không biết ngày mai – Ôi một mai
sao chẳng yêu như vượn yêu rừng
như hoa núi thở thả lừng hương
như chim vẫn hót trên cành mát
mà lại sầu phải khóc tương lai
ta chẳng về đâu đời chẳng có em
có em khi núi thở sương đêm
có em là mộng ru trăng ngủ
bên suối hồn sao hát nhạc rừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét