XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Tào Tháo: chân dung lịch sử và hình tượng văn học

Hình tượng Tào Tháo trong phim Tam quốc diễn nghĩa năm 2010 và 1994
Hình tượng Tào Tháo trong phim Tam quốc diễn nghĩa năm 2010 và 1994
Nguyễn Đình Minh
Tào Tháo là nhân vật lịch sử Trung quốc thời tam quốc. Xung quanh nhân vật này có không biết bao nhiêu câu chuyện bàn cãi. Nổi lên từ nhiều trăm năm, Tào Tháo là hiện diện của những gì nham hiểm, đa nghi quỷ quyệt. Tào Tháo, đồng thời cũng là một hình tượng văn học trên sân khấu, điện ảnh và tác phẩm “Tam quốc chí”,”Tam quốc diễn nghĩa”…đánh giá về vai trò của ông có quá nhiều công trình với những tác giả nổi tiếng. Dưới đây chúng tôi tổ chức lựa chọn và biên tập hiệu đính, nhuận sắc thêm, nhằm liên kết những nhận định đánh giá ấy thành bài viết với mục tiêu giới thiệu về con người nhân vật này với tư cách chân dung lịch sử và hình tượng văn học.
1- Tóm lược bối cảnh thời kỳ Tam quốc.
Trung Quốc thời kỳ từ năm 190 đến năm 220, được đánh dấu bởi sự hỗn loạn của các cuộc giao tranh giữa các phe phái trong rất nhiều khu vựctrên lãnh thổ Trung Quốc. Phần giữa của giai đoạn này, từ năm 220 đến năm263, được đánh dấu bằng sự giao tranh quân sự và ngoại giao của ba quốc gia thù nghịch còn lại là  Nguỵ, Thục và Ngô. Phần cuối cùng của thời kỳ này được đánh dấu bằng việc Ngụy tiêu diệt Thục (năm263), nhà Tây Tấn thay thế Ngụy (năm 265), và Tấn tiêu diệt Ngô (280).
Thời kỳ Tam quốc này cũng là một trong những thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Điều tra dân số cuối thời kỳ nhà Đông Hán cho con số là khoảng 56 triệu người, trong khi đó điều tra dân số trong thời kỳ đầu  nhà Tây Tấn (sau khi Tấn thống nhất Trung Quốc) chỉ còn khoảng 16 triệu người. Cho dù con số thống kê có thể có sai số lớn nhưng hoàn toàn đủ cơ sở để nói rằng phần lớn dân số đã chết trong thời kỳ này vì các cuộc chiến tranh liên miên.
2- Những cống hiến của Tào Tháo trong lịch sử.
2.1. Những nhận định đánh giá của các sử gia và các nhà chính trị Trung Quốc
Tào Tháo sinh vào năm Đông Hán Vĩnh Thọ nguyên niên (155), mất vào năm Kiến An thứ 25 (năm 220 SCN. Tào Tháo là nhân vật lớn có vai trò quan trọng trong lịch sử  Trung quốc cổ đại. Trong “Tam quốc chí”- Tác giả Trần Thọ đánh giá Tào Tháo là “con người phi thường, kiệt nhân xuất thế”. Thiên đầu tiên là “Vũ Đế kỷ” dài khoảng hơn một vạn ba ngàn chữ thuật lại một cách khách quan những đóng góp của Tào Tháo trong mấy chục năm chinh chiến thống nhất Trung Hoa rối ren chiến trận. Con người ấy đến khi chết vẫn chỉ là “Nguỵ Vương” chứ chưa bao giờ xưng đế. Sau khi  Tào Tháo qua đời, con là Tào Phi lên kế ngôi Nguỵ Vương.  Tào Phi ép Hán Hiến Đế Lưu Hiệp  nhường ngôi, Tào Phi trở thành hoàng đế đầu tiên của vương triều Nguỵ ( Nguỵ Văn Đế). Chính Tào Phi truy phong cha mình Tào Tháo là Nguỵ Vũ Đế.
Khách quan nhìn nhận, Tào Tháo là một chính trị gia lỗi lạc, một nhà lãnh đạo giỏi, nhà quân sự có tài. Ông là người luôn hoạt động, dám nói dám làm. Nhà lãnh đạo ĐCS Trung Quốc Mao Trạch Đông khâm phục Tào Tháo nhất trong các đế vương Trung Quốc và gọi ông là “vua của các vua”.
Tư trị thông giám (Tzuchih T’ungchien) là một cuốn biên niên sử quan trọng của Trung Quốc, với tổng cộng 294 thiên và khoảng 3 triệu chữ. Bộ sách đã được đóng  vào 10 chiếc  hòm được trang trí chạm trổ lộng lẫy và các tác giả đã thân chinh áp tải từ Lạc Dương đến Biện Kinh, dâng  lên  Tống Thần Tông. Tác giả chính của cuốn sử này là  Tư Mã Quang – nhà sử học thời Tống. Bộ sách là kết quả lao động cật lực của các tác giả sau 19 năm. Lưu Ban soạn về giai đoạn  Lưỡng Hán, Lưu Thứ soạn giai đoạn    Lưỡng Tấn, Nam Bắc triềuPhạm Tổ Vũ soạn giai đoạn   Tuỳ Đường, Ngũ đại. Khi đọc cuốn sách  phần viết về thời kỳ Tam quốc, Mao Trạch Đông  đã viết, “Tào Tháo thống trị miền Bắc Trung Quốc, sáng lập nước Nguỵ, ông đã cải cách nhiều hủ hoá trong triều Đông Hán, áp chế cường hào, phát triển sản xuất, thực hiện chế độ tuân điền, còn đôn đốc khai hoang, cho thực thi pháp chế, đề xướng tằn tiện, biến một xã hội đã bị phá vỡ nghiêm trọng bắt đầu đi vào ổn định, khôi phục, phát triển. Ngần ấy chẳng lẽ không đủ để khẳng định, chẳng lẽ không phải là tài cán phi thường hay sao?
Nói Tào Tháo là gian thần mặt trắng ấy là bản án oan mà quan niệm chính thống của nền chính trị phong kiến đã tạo tác nên, bản án này cần phải được lật lại.”
Tào Tháo đã vận dụng linh hoạt các phép tắc quân sự của Trung Hoa cổ đại. Trong thời gian 25 năm (196-220), Tào Tháo đã bình định hết các lộ chư hầu phương bắc, xây dựng chính quyền Tào Ngụy. Để có được như vậy, ông đã sáng suốt chọn người tài, rộng lượng không tính đến thù riêng.
Trong hoạt động chính trị, Tào Tháo đã vận dụng khá nhiều tư tưởng Pháp gia, đề cao tài trí, coi trọng năng lực mà không quá quan tâm đến đạo đức phẩm chất của người được sử dụng. Đây là một liều thuốc rất công hiệu, có hiệu quả vô cùng lớn trong việc cai quản, sửa đổi cục diện lỏng lẻo từ cuối thời Đông Hán trở lại. Đây chính là một điểm khác biệt giữa Tào Tháo và Khổng Minh. Khổng Minh tuyển tướng phải vẹn toàn tài đức mới dùng làm cho nhiều nhân tài chưa vẹn toàn chạy sang Tào Tháo.  Những trường hợp bất đắc dĩ phải dùng nhưng hỏng việc ông đều chém cả (Mã Tốc), hoặc phòng thủ sẵn mưu kế diệt trừ mầm hoạ từ nhiều năm trước (Nguỵ Diên) Ông cũng quá cẩn thận khi dùng người, làm cho các tướng giảm thiểu khả năng linh hoạt và bị lệ thuộc vào các mưu kế của ông.
Ngoài đóng góp về chính trị và quân sự, phải kể tới đóng góp trong khôi phục nông nghiệp thời loạn lạc của Tào Tháo. Thời chiến loạn, nhiều chư hầu không nghĩ tới sự sống chết của nông dân: khi cần lương thực thì lùng sục để giành lấy, nhưng sau khi có được lại phung phí, đến nỗi khi không còn lương thực để cướp đoạt thì tự suy yếu tan rã, điển hình trong số đó là Viên Thuật. Trong khi nhiều phe quân phiệt chỉ dùng chính sách cướp đoạt của nông dân thì chính sách đồn điền của Tào Tháo đã góp phần khôi phục nông nghiệp bị tàn phá, vừa giải quyết đời sống nông dân, vừa đảm bảo lương thực cho quân đội của ông. Chính điều đó là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng của Tào Tháo ở trung nguyên. Đông Ngô, Thục Hán sở dĩ cũng có đủ thực lực, giữ được thế cân bằng với Tào Tháo và con cháu ông sau này nhờ sớm học tập chính sách phát triển đồn điền với mô hình tương tự của Tào Tháo trong khu vực mà họ quản lý..
“Nhân dân nhật báo”- Cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc trong số ra ngày 23 tháng 3 năm 1959, tải bài viết của viện trưởng Viện khoa học Trung Quốc với đầu đề “Thay Tào Tháo lật lại hồ sơ”. Quách Mạt Nhược, tác giả bài báo đã phân tích chỉ ra những đóng góp to lớn của Tào Tháo trong thống nhất Trung Quốc chấm dứt một thời kỳ nội chiến đẫm máu. Ông cho rằng: “Tào Tháo đã phải làm tấm gương của kẻ phản diện hơn một ngàn năm đầy oan uổng”. Nhà lịch sử nổi tiếng Tiễn Bách Tán, trên tạp chí “Sử học” lúc bấy giờ cũng viết phải khổi phục lại danh dự cho Tào Tháo.
2.2. Nhìn nhận  vai trò của Tào Tháo ngay trong chính “Tam quốc diễn nghĩa”
* Tào Tháo là một vị tướng kiệt xuất trong cuộc chiến Tam Quốc.
Tào khác biệt hẳn với các tướng trong giai đoạn đầu Tam quốc là mưu lanh, năng động, quyền biến. Nuôi lòng hận thù với Đổng Trác, giết hụt y, nhưng vẫn quyền biến để rồi chạy thoát. Mưu sự từ tay trắng, nhưng nhanh chóng thành công thống trị đại cục. Đối với tài quân sự của ông,  Mao Tôn Cương, nhà phê bình tác phẩm  Tam Quốc Diễn Nghĩa, thừa nhận rằng:
Việc binh của Tôn Quyền do Đại đô đốc quyết đoán. Việc quân của Lưu Huyền Đức do quân sư quyết đoán. Chỉ có Tào Tháo là tự tay nắm quyền hành quân, một mình quyết đoán. Tuy rằng có các mưu sĩ giúp mưu, nhưng phần quyết định cuối cùng bao giờ cũng do Tháo. Tháo rỏ ra xuất sắc hơn hẳn bề tôi. Thế thì Lưu Bị, Tôn Quyền không thể ví được với Tháo vậy. Cứ xem mỗi lần Tháo dự định mật kế, ban đầu các tướng đều không hiểu, sau khi thành công, các tướng mới thán phục. Đường Thái Tông có đề trên mộ Tháo rằng: “Nhất tướng chi trí hữu dư. Lương nhiên! Lương nhiên” .
Trong thủ thuật cầm quân Tháo khéo léo trong vận dụng phép tắc nhà binh với kế thu nhận lòng người, nên những chuyện về Ông có người khen chê, nhưng tính hiệu quả là vô cùng cao. Có thể điẻm một số viẹc làm như vậy của Tào Tháo.
Dùng tóc thay thủ cấp là một thủ đoạn tự kiểm điểm, tự trừng phạt công minh, dù hàm ẩn sự dối lừa. Do phải hành quân qua một ruộng lúa nên Tào Tháo căn dặn không ai được làm tổn hại dù chỉ là một nhành lúa trên cánh đồng. Nhưng con ngựa của Tào Tháo sau đó lại bị bầy chim đang ăn trên ruộng lúa chợt bay vút lên khiến nó hoảng sợ giẫm đạt nát một góc ruộng, Tào Tháo rút gươm kề cổ mình trong tư thế chuẩn bị tự sát thì quan quân xúm lại can ngăn, ông bèn cắt chỏm tóc trên đầu và nói “ta tạm tha tội cho mình, nhưng dùng tóc để thay đầu”. Đây cũng là một trong những kỹ xảo chính trị của Tào Tháo. Thực tế, Tháo biết không ai để mình chết cả, bởi chết thì coi như tàn cuộc. Thủ đoạn này giống như Lưu Bị quẳng A Đẩu thu phục anh hùng vậy. Nhưng xét về góc quản lý đây là hành động mẫu mực ,tự xử nghiêm với mình để thu về kết quả muôn người noi theo, nhờ đó mà luật hành quân được thực hiện.
Thủ đoạn dối lừa nhất thời của Tào, mang tính “Bá đạo” nhưng đem lại hiệu quả cao ví như chuyện mượn thủ cấp để mua lòng quân. Trong một lần đánh chiếm thành trì, do không đủ lương thực nên ông đã sai người cấp phát lương thực làm cái đấu đong gạo nhỏ lại để đong ít số gạo kéo dài thời gian, sau đó ông đổ tội cho viên quan trông coi việc cấp phát là Vương Hậu rồi đổ tội cho Hậu, chém đầu để trấn an lòng quân. Vì việc làm trên Tào Tháo đã trả công cho sự hy sinh oan uổng của viên quan ngày đó bằng cách nhận phụng dưỡng suốt đời gia đình của ông ta. Tương tự như câu chuyện hành quân dưới trời nóng khô khát, Tháo đã trỏ roi mà nói, “trước mặt có một rừng mơ!” xảo trá này trong dùng binh đã nuôi một hy vọng gần cho binh sĩ phấn chấn tinh thần. Về mặt khoa học, mơ chua tác động vào trung ương thần kinh tạo phản xạ có điều kiện tứa nước miếng làm dịu phần nào cơn khát.
Việc Tào bỏ qua những nỗi lầm của thuộc hạ được xem xét như hành động cao thượng có tác động tâm lý kính sợ rất mạnh.Trong Trận Quan Độ, Tào Tháo phá tan đại quân Viên Thiệu. Thiệu thu tàn quân bỏ chạy qua sông Hoàng Hà, trong lúc vội vã hoảng sợ, công văn giấy tờ bỏ lại hết. Tào Tháo kéo tới, bắt được đống công văn đó. Nghe báo cáo của cấp dưới, ông biết trong đống công văn có nhiều thư từ của những người cấp dưới mình từng tư thông với Viên Thiệu. Các thuộc hạ của ông đề nghị nên đối chiếu tên từng người để về Hứa Xương sẽ bắt trị tội. Nhưng Tào Tháo xua tay, ra lệnh hãy đốt cả đi. Mọi người ngạc nhiên hỏi vì sao, ông bảo:Khi Viên Thiệu mạnh, ta yếu, ngay cả ta lo giữ mình còn không xong, huống chi là người khác? Sự độ lượng của Tào Tháo khiến những người cấp dưới vô cùng khâm phục, những người từng manh tâm phản ông cũng hết sức cảm kích. Về điểm này, nhiều chính trị gia đương thời và sau ông chưa thể so sánh được.
Một trong những ưu điểm của Tào Tháo là biết nhìn người và rất biết cách dùng người. Trong quá trình chinh chiến, Tào Tháo đã thu phục được nhiều hào kiệt cả văn lẫn võ làm người hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển cơ nghiệp của mình. Sở dĩ như vậy vì ông khéo lấy lòng họ. So với Tôn Quyền Lưu Bị, hàng ngũ tướng sĩ của Tào Tháo đông và mạnh hơn… Lực lượng hùng hậu đó giúp Tào Tháo luôn ở thế mạnh hơn trong những trận giao tranh với phe Lưu Bị và Tôn Quyền.Trong bài Tam Quốc diễn ca cuối tác phẩm, La Quán Trung viết về ông:
Tào Tháo mới gian hùng quỷ quyệt
Khéo dùng người, thu hết anh hào
Đường đường tướng phủ ngôi cao,
Uy quyền hống hách ai nào dám đương?
Một việc điển hình là trong trận Uyển Thành, Tào Tháo mất con cả Tào Ngang, cháu Tào An Dân và tướng Điển Vi; nhưng tới khi nhớ tới trận này, ông khóc Điển Vi nhiều hơn cả. Trong trận quan độ, khi Hứa Du bỏ Viên Thiệu sang theo hàng, ông không kịp xỏ giày mà đi chân đất ra đón.
 *Tào Tháo có một vai trò lịch sử quan trọng thời Tam quốc.
Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, nhà văn La Quán Trung ca ngợi Lưu Bị, và xem Tào Tháo là vai phản diện. Trong tiểu thuyết, Tào Tháo được mô tả có hình dáng “cao 7 thước”, “mắt nhỏ râu dài”. Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả Tào Tháo có những cá tính khá nổi bật: gian xảo, đa nghi, tàn bạo nhưng cũng rất thông minh, nhiều mưu mẹo quyền biến. Dù không ủng hộ Tào Tháo, coi ông là “giặc nhà Hán” nhưng La Quán Trung – qua nhận xét của những nhân vật trong truyện – không phủ nhận vai trò của ông đối với giai đoạn lịch sử loạn lạc, thậm chí thừa nhận ông được nhân dân coi là ứng với “thiên mệnh”. Dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn những tình tiết truyện, trong đó các nhân vật của “Tam quốc diễn nghĩa” tự nói về Tào Tháo.
Hứa Thiệu – một người giỏi tướng số nhận định Tào Tháo: Thời trị, ông là bầy tôi giỏi; Thời loạn, ông là kẻ gian hùng. Tào Hồng liều mạng hộ vệ cho Tào Tháo rút lui khi bị thua Đổng Trác, trong lúc nguy cấp nói với ông: “Thiên hạ có thể không có tôi nhưng không thể không có ông!”
Tào Tháo bình định Hà Bắc của Viên Thiệu, các bô lão ra đón xưng tụng rằng: “Thời vua (Hán) Hoàn Đế có người giỏi xem thiên văn là Ân Quỳ đoán rằng: sau 50 năm sẽ có vị chân nhân nổi lên ở vùng Lương Bái, cứu giúp thiên hạ, tính thời gian đến nay thì người đó chính ứng với thừa tướng. Từ nay thiên hạ thái bình rồi”…
Đánh giá về tài năng chính trị của Tào Tháo, nhà nghiên cứu Tào Hồng Toại viết:“Tào Tháo là nhà chính trị kiệt xuất thời phong kiến, xứng đáng được gọi bằng hai chữ “anh hùng”, mà tính cách nhiều mặt thể hiện ra bằng sự tàn nhẫn thiếu tính nhân ái, đó chính là sự bổ sung hiệu quả cho thuộc tính gian hùng của ông”.
Chọn điểm dừng thích hợp, cũng là một yếu tố khẳng định Tào giỏi về mặt chính trị. Năm 216, Tào Tháo gần như lùi hẳn về Bắc củng cố thế lực rồi dâng biểu ép vua phải phong mình là Ngụy Vương để có đủ uy quyền mà trấn áp quân Đông Ngô. Có tướng hỏi sao ông “không lập quốc và xưng đế”? Tào Tháo chỉ nói: Trải qua bao năm chiến chinh hy vọng giữ vững giang sơn bờ cõi nhà Hán. Nay được làm đến chức Ngụy Vương, đã mãn nguyện lắm rồi, nếu có thì chỉ mong được như Chu Văn Vương ngày xưa thôi chứ nào ham gì chức vị đế vương?. Chu Văn Vương (1090 – 1050 TCN), họ Cơ Tên Xương, người đất U (nay thuộc Thiểm Tây), là người xây nền móng triều đại nhà Chu. Việc Tào Tháo so mình với Tây Bá Hầu Cơ Xương đời nhà Chu vì ông không muốn mang tiếng soán ngôi nhà Hán, nhưng đã sắp đặt cho con cháu mình sẽ là người kế tục sự nghiệp đế vương sau này.Làm việc này Tháo chọn cho mình một uy tín chính trị an toàn. Bỏ cái danh hão, nhận cái lợi thực mà không hề mang tiếng. Cách nhìn này sâu rộng cho đến đời sau cũng khó mà phê phán được.
3.Vi sao Tào Tháo bị nhìn nhận oan uổng.
Khi nhìn nhận đánh giá một chân dung chính trị rất khó khăn bởi có nhiều yếu tố chi phối. Đầu tiên là nội bộ của giai cấp thống trị có những xung đột quan điểm với nhau; hoặc do cách nhìn phiến diện, cách đánh giá thiên lệch căn cứ vào những phạm trù đạo đức cố hữu nào đó; có khi là do âm mưu lợi dụng hình ảnh này để xây biểu tượng hoặc để răn đe… nhưng điều ấy làm cho chân dung bị méo mó đi. Hầu hết các vĩ nhân đương thời ít được ngợi ca mà thời gian và lịch sử phán xét công bằng hơn. Nhân vật Tào Tháo cũng vậy. Sau thời kỳ phong kiến, những nhà chính trị đỏ Trung hoa, những nhà nghiên cứu lịch sử đã có cái nhìn khách quan hơn về nhân vật này.
*Về con người Tào Tháo : Tào Tháo hùng tài đại lược, dũng cảm mưu trí hơn người nhưng cũng là người đa nghi, nham hiểm và tàn nhẫn… Ông đã dung hợp được 3 loại Pháp – Thuật – Thế trong tranh giành quyền lực, đồng thời có thể vận dụng linh hoạt, hay thay đổi. Đây là một tính cách đặc trưng… Chính vì tính cách con người Tào Tháo rất nhiều mặt nên đời sau cũng có những đánh giá về ông rất khác nhau.Tuy nhiên, cũng bởi Tào Tháo đi theo con đường bá đạo, trọng lợi hơn trọng đức; dùng người cốt hiệu quả không tính đến phẩm chất đã gây ra những “tác dụng phụ” có liên hệ mật thiết đến sự suy vong nhanh chóng của triều đại Tào Ngụy sau này. Mầm quyền lực của cha con họ Tư Mã nhen nhóm, không lâu sau đã lấy ngôi của con cháu Tào Tháo như cách ông đã dần dần lấy ngôi của nhà Hán. Nhà Tấn thống nhất được toàn thiên hạ sau này, phần lớn là thụ hưởng cơ nghiệp mà Tào Tháo đã xây dựng.
*Tào Tháo vi phạm tư tưởng nho giáo “trung quân” nên bị các triều đại vùi dập. Kìm kẹp Thiên tử, dùng danh nghĩa mà hạ lệnh cho kẻ dưới: bậc đế vương thời hậu thế khó xét cho xuôi. Có thể nói, tài trí của Tào Tháo vượt xa Tôn Quyền, Lưu Bị và Gia Cát Lượng, không hổ danh là nhất đại anh hùng giữa thời loạn thế. Những thành tựu trác việt của ông trong tất cả các mặt chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, văn học  có công lao không thể phủ nhận. Đặc biệt trong chính sách tôn trọng trí thức và trọng dụng nhân tài, những cống hiến của ông xứng đáng được học hỏi, mang ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa hiện thực sâu sắc. Lại nhờ sức hút tỏa ra từ nhân vật này mới có thể khiến hàng trăm văn nhân võ tướng biết tên biết mặt của thời bấy giờ đều tới quy tụ dưới trướng ông, chúng ta sẽ cùng phân tích cách đối nhân xử thế của Ông.
Trong xã hội phong kiến mấy ngàn năm, đối nhân xử thế khó xử lý nhất là quan hệ quân thần. Cái lẽ làm bạn vua như cưỡi trên lưng hổ, vua muốn bề tôi phải chết, bề tôi không thể không chết, ấy là quan niệm luân lý thời phong kiến. Dù có công phò trợ lập quốc, một khi bị vua có ý hoài nghi hay mang hận thì chỉ nội trong một đêm, thì hoạ chu di cửu tộc ập đến. Danh tướng Ngũ Tử Tư và Hàn Tín bị chém đầu, thậm chí bị diệt đến cả ba họ sau những công trạng hiển hách đó thôi. Vậy nên, sử sách đã viết nên câu bất hủ thế này: “tóm được thỏ rồi chó săn cũng bị làm thịt, thiên hạ đã định xong công thần không còn đường sống; chim bay hết thì cung nỏ cũng chẳng còn tác dụng; kẻ địch bại,mưu thần tất vong”. Đó là lời sấm truyền về quan hệ quân thần.
Đứng trước cảnh nước nguy nan, Tào Tháo cảm nhận rõ thiên tử là một nhân vật nguy hiểm, nhưng cũng lại là nhân vật trọng yếu mà một quốc gia thống nhất cần phải có. Do vậy thoạt tiên ông đem vị tiểu hoàng đế mới vỏn vẹn có 16 tuổi Lưu Hiệp (sử gọi là Hán Hiến Đế) đưa đến căn cứ địa của mình là Hứa Xương, thực hiện chính sách “phụng mệnh Thiên tử để ra lệnh”, đây chính là điều mà hậu thế cho rằng đó là cách Tháo: “kìm kẹp thiên tử, dùng danh nghĩa mà phát lệnh cho kẻ dưới”. Cách hành xử chính trị này của ông biến Thiên tử thành biểu trưng hình tượng của quốc gia, bản thân mình thì nắm đại quyền chính trị quân sự của triều đình, khó tránh khỏi điều tiếng mà lịch sử gán cho. Trong khi ấy thì, một đời Lưu Hiệp sống cảnh Thiên tử an bình, sống cho tới tận 15 năm sau khi Tào Tháo chết, Ngũ trượng nguyên quân mới già lão mà tạ thế.Nhà sử học nổi tiếng của Đài Loan – Trung Quốc là Bách Dương mới gọi ông ta là “Hoàng đế cuối triều may mắn nhất trong lịch sử Trung Quốc”.
Nhưng cách hành xử ấy của Tào Tháo đã uy hiếp nền chính trị của vương triều phong kiến. Do vậy từ triều Tống trở về sau, các hoàng đế trong lịch sử ít khi khen ngợi Tào Tháo, ngược lại, Quan Vũ được xem là hoá thân của con người trung nghĩa, được đưa lên tôn sùng tột bực. Vua Càn Long đời Thanh thậm chí còn phong Quan Vũ làm Quan Đế, lập đền thờ cúng ở khắp nơi. Có thể nói, việc này mang nhiều ý tứ tuyên truyền cho cương thường luân lý phong kiến. Đặc biệt là tới hoàng đế Càn Long triều Thanh, khi đặt cho Tào Tháo cái danh “thoán nghịch”, mặt khác lại xây Miếu Quan Đế cho Quan Vũ. Cách nhận định đánh giá kiểu quan phương chính thức này từ đó đã trở thành một giới luật chính trị vô hình của triều Thanh.
*Vi phạm tư tưởng nho giáo “Dân vi quý”. Tào Tháo có quan điểm: Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta. Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với chủ trương của Lưu Bị: “thà chết chứ không làm điều bất nghĩa”, chính vì vậy Tào Tháo luôn e dè và xem Lưu Bị là kẻ thù nguy hiểm nhất của mình. Với quan niệm này, sau khi giết nhầm người nhà Lã Bá Sa vì thấy họ mài dao giết lợn thì tưởng họ định giết mình, ông đã nhẫn tâm giết nốt Bá Sa vì sợ Bá Sa đi tố cáo. Trong nhiều bộ sách binh pháp tư tưởng “Dân làm gốc”, không phải lúc nào cũng thực hiện triệt để. Có lúc chọn “Quân làm gốc”, vì nếu không có quân thì mất nước lập tức. Tào Tháo đã “hoạt” khi sử dụng những chiêu pháp tàn độc để giữ quân và giữ thân. Về mặt lâu dài là sai lầm, nhưng về mặt thời điểm tình thế thì vẫn có những tác dụng. Theo dõi quá trình hoạt động chính trị và trận mạc của Tào, nhiều lần thấy xuất hiện những cách ứng sử độc như vậy của Ông, nhưng tất cả đều là tình huống. Thực tế trên đại cục Tháo vẫn lo cho dân chúng. Cũng có thể trong một khía cạnh nào đó, Tháo ảnh hưởng của lý thuyết “Chăn dân” của Nho giáo. Bản chất từ “Chăn”, bộc lộ quan niệm của giai cấp thống trị coi dân như gia súc vậy.  Khi ăn lo thì lười nhác,cho học nhiều thì tạo phản, ăn đói thì nổi loạn… Bởi vậy, sinh mạng một người dân không phải là điều gì quá ghê gớm. Trần Khánh Dư (Thời Trần) của Việt Nam đã nói “ Tướng như hổ báo, quân như gà vịt. Giết một vài con gà vịt cho hổ ăn thì đã sao”. Điều quan trọng là việc làm ấy của Tháo làm tổn hại đến dân, và dân là số đông nên không chỉ dư luận lan truyền trong không gian thời gian ,mà ông đã  tựđối lập  vớiq uyền lợi của một giai cấp đông đảo. Bởi vậy cái ông đạt được ít được công nhận và cái ông vi phạm dễ bị xuyên tạc thêm và lan truyền.
*Tác phẩm với vai trò truyền bá định hướng thông tin, nên Tào Tháo chịu sự ảnh hưởng lớn trong cách nhìn nhận của nhân dân các thời kỳ lịch sử.
Kinh kịch là quốc tuý của Trung Quốc, có thanh thế lớn cả ở trong và ngoài nước, vô số khách nước ngoài cũng chỉ vì kinh kịch mà tới Trung Quốc để tìm hiểu. Những vở trong Kinh kịch như “Xúc phóng Tào”, “Kích cổ giá Tào” và “Từ mẫu giá Tào”, trong vở “Thăm nhà” có vai ông cụ bà cụ, hát giọng hào sảng sôi nổi, uyển chuyển cảm động, làm cho người mê kịch nghe như ngây như dại, nhưng những tình tiết hư cấu này không chỉ vu hại Tào Tháo mà còn hạ thấp Tào Tháo cả về tài trí lẫn năng lực, dựng nên một hình tượng nghệ thuật đa nghi giảo quyệt, giết người không nương tay, ngang ngược bạo hành và tự tư một cách cực đoan. Chính hình ảnh bị bóp méo ấy được tái diễn trên sân khấu nhiều lần, trở thành ấn tượng truyền đời cho các thế hệ người dân Trung Hoa, tạo nên nhận thức sai lầm, phiến diện về Tào Tháo.
“Tam Quốc Diễn Nghĩa” (bản dịch của Phan Kế Bính) có lối hành văn theo chủ nghĩa “ủng Lưu phản Tào”, tức Lưu Bị là tốt – còn Tào Tháo là giặc, ngày nay người ta nhìn Tào Tháo với cái nhìn khách quan hơn và có rất nhiều nhận định về ông:
Tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa bản đầy đủ từ đời nhà Minh trở đi (bản của Mao Tôn Cương) có xu hướng ủng hộ Lưu Bị và nước Thục cũng như quá đề cao Gia Cát Lượng mà quên đi vai trò chính của Tào Tháo trong việc ngăn chặn cục diện đại loạn cuối thời Đông Hán. Tào Tháo đã dồn nhiều tâm huyết vào đó, ông tuyển chọn nhân tài, chiêu đãi kẻ hiền, thậm chí làm nhiều việc tàn bạo như “chèn ép vua Hiến Đế”, “giết thái y Cát Bình”, “treo cổ Đổng Quý Phi đang mang long thai”, “đánh Phục Hoàng Hậu đến chết”,… tuy tàn ác nhưng đứng về góc độ chính trị thì những việc này không thể tránh khỏi đối với Tào Tháo khi ông muốn củng cố quyền lực của mình.
“Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến liền” là câu tục ngữ trong dân gian Trung Quốc. Câu nói này có thể hiểu rằng ông Tào Tháo này khắp cùng nam phụ lão ấu người Trung Quốc đều thuộc nằm lòng cả. Nhưng nhận thức dân gian đối với Tào Tháo lại chỉ gói gọn trong một đại từ “gian hùng một thời”. Nhận thức này chủ yếu đến từ “Tam quốc diễn nghĩa”. Trong đó có viết lại một câu bất hủ của Tào Tháo: “Thà ta phụ người trong thiên hạ, còn hơn để người trong thiên hạ phụ ta”. Như đổ thêm dầu vào lửa, hết lượt hý kịch, bình thư, điển nghệ suốt trong lịch sử đều dốc sức dặm mắm thêm muối, trên sân khẩu hý kịch Tào Tháo đã mang một bộ mặt trắng toát mắt kẻ chỉ, tượng trưng cho hình ảnh tên gian thần vạn phần gian ác.
Bản chất quản lý xã hội theo quan niệm của phương Đông có 2 xu thế cơ bản. Vương đạo: Quản lý bằng con đường công chính khoan dung nhân từ. Bá đạo: quản lí bất chấp thủ đoạn để đạt mục tiêu. Tào Tháo thuộc trường phái thứ 2. Tuy nhiên nếu xem kết quả quản lý làm trọng thì  cách thức của Tào Tháo mang lại những hiệu quả vô cùng lớn lao, thời gian thành công  nhanh. Đương nhiên bản chất thế giới luôn có hai mặt mâu thuẫn, nên việc đánh giá rất khó khăn. Kết luận về Tào Tháo còn phụ thuộc vào người phán xét là người đại diện cho ai?
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét