XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Các hồ nước của xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông

PK: Lê Hoàng Thụy Vũ


* Nhiều lần vào Bàu Cạn để thăm nhà máy thủy điện lâu đời nhất      
Pleiku xưa,ngắm thác nước nằm trên con suối Ia Puch, tự nhiên      
trong tôi nảy sinh thắc mắc về xuất xứ của cái tên Bàu Cạn…       

     Xã Bàu Cạn của huyện Chư Prông ngày nay nằm trên đường quốc lộ 19 từ Pleiku đi cửa khẩu Lệ Thanh (thuộc huyện Đức Cơ) là một nơi có các bàu nước thiên nhiên và những hồ nước do đắp đập ngăn dòng chảy của các con suối trong vùng. Chính vì thế mà vào khoảng đầu của những năm 20 thế kỷ trước, người Pháp đã chọn địa điểm mà thời ấy có tên là xã (?) Ia Puch để thành lập đồn điền trồng cây trà, cây cà phê và đặt tên là “đồn điền Ia Puch” (tên giao dịch trên giấy tờ đến năm 1974 vẫn là Plantations du Ia Puch, còn tên “đồn điền Bàu Cạn” do người dân và chính quyền sở tại đặt).
     Sau giai đoạn xây dựng cơ bản ban đầu, một bản đồ được vẽ vào năm 1930 của các ông chủ đồn điền Ia Puch cho thấy họ chia đất canh tác ra làm 3 khu vực và phân giao cho 3 đội sản xuất quản lý: đội 1 trồng cây trà (đặt tên là đội Bàu Cạn vì trong khu vực đất đai do đội này quản lý, trồng trọt có cái “Bàu Cạn” - người Pháp gọi là Marais à sec), đội 2 trồng cây trà và cả cây cà phê (tên là đội Thông Phương, có người nhớ là Song Phương?) và đội 3 trồng cây trà (có tên là đội Thác đổ, người Pháp ghi là grande cascade - thác lớn, một số người dân lại gọi là đội Nước đổ; trong địa bàn sản xuất của đội này có thác nước cạnh nhà máy thủy điện Bàu Cạn nên tên Thác đổ có lẽ đúng hơn). Sau 1975 mới lập thêm các đội 4, 5 và 6. Như vậy ngay từ đầu các ông chủ đồn điền đã nghĩ đến việc sử dụng nước từ các bàu và hồ trong khu vực để tưới vào mùa khô hạn.
     Xã Bàu Cạn và xã Gào là 2 xã nằm hai bên cạnh con suối Ia Puch (trong khu vực xã Bàu Cạn hiện nay vẫn còn một làng tên Plei Ia Puch). Địa hình chung của xã Gào và xã Bàu Cạn là nằm trên những dải đồi có độ dốc theo sườn đồi về suối Ia Puch. Đỉnh của dải đồi khá bằng phẳng, độ dốc dưới 8º, sườn dốc từ 8 - 25º. Sườn của dải đồi chính bị chia cắt thành các quả đồi nhỏ, có hướng đông bắc – tây nam, giữa các quả đồi là các hợp thủy và suối nhỏ đổ ra suối lớn Ia Puch.

     Khí hậu, thời tiết, độ ẩm của khu vực xã Gào và Bàu Cạn rất thuận lợi cho việc trồng cây trà và cà phê:
     Theo số liệu quan trắc của trạm khí tượng Ia Puch (Bàu Cạn), nhiệt độ trung bình hằng năm ở đây là 22,1ºC, trung bình cao nhất 27,7ºC, trung bình thấp nhất 18,1ºC, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối 36,0ºC, thấp nhất tuyệt đối 5,0ºC .
     Lượng mưa trung bình hàng năm 2.861 mm, số ngày mưa khoảng 142 ngày/ năm; độ ẩm trung bình 81,5%, lượng bốc hơi trung bình ngày 2,6mm, trung bình năm 942 mm, ánh sáng trung bình 5,7 giờ/ ngày.
     Điều kiện nhiệt của vùng hơi hạn chế, tổng tích ôn 8.000ºC, biên độ nhiệt ngày đêm cao 12-14ºC, thích hợp cho quá trình tích lũy gluxit và hợp chất thơm trong củ quả, tạo năng suất và chất lượng cao cho sản phẩm cây trồng.
     Điều kiện ẩm ở xã Gào và xã Bàu Cạn phong phú nhưng phân bố không đồng đều theo các tháng trong năm. Khí hậu của vùng chia thành 2 mùa rất rõ rệt:
     - Mùa mưa kéo dài 6 tháng: từ tháng 5 đến tháng 10, mưa rất tập trung, nhất là từ tháng 6 đến tháng 10 nên có tình trạng quá ẩm và thừa ẩm. Mùa mưa chấm dứt khá đột ngột nên không có thời kỳ thiếu ẩm mà chuyển ngay sang thời kỳ khô hạn.
     - Mùa khô 6 tháng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, trong đó có 2 tháng chuyển tiếp (hơi thiếu ẩm) là từ tháng 4 đầu mùa mưa và tháng 11 cuối mùa mưa. Mùa khô hạn có 4 tháng từ tháng 12 đến tháng 3 và khô hạn đến nhanh và gay gắt.
     Điều kiện nhiệt và ẩm nói trên cho phép xác định : mùa vụ canh tác đối với cây trồng cạn không tưới trong vùng kéo dài 8 tháng (từ tháng 4 đến tháng 11), mùa vụ canh tác phải tưới 4 tháng (tháng 12 đến tháng 3), từ điều này có thể tránh được những bất lợi do thời tiết gây ra như: dông tố, lũ lụt và hạn hán. Khí hậu của vùng thích hợp với cây trà, cây cà phê và cây trồng nguồn gốc cận nhiệt đới hơn là cây trồng có nguồn gốc hoàn toàn nhiệt đới như cao su, điều.
     Về nguồn nước dùng để bơm tưới, canh tác: Trên địa bàn có 2 nguồn nước chính là nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm; trong đó nguồn nước mặt có vai trò rất quan trọng trong việc thành hình các hồ nước phục vụ bơm tưới cây trồng. Hệ thống suối chính chảy qua 2 xã Gào và Bàu Cạn như đã nói ở trên là suối Ia Puch, đoạn giáp ranh giữa 2 xã dài khoảng 23km và đoạn suối đi cắt qua địa bàn xã Bàu Cạn dài chừng 5km.
     Suối Ia Puch bắt nguồn từ sườn Tây của núi Hàm Rồng (cao 1.028m so với mực nước biển) ở phía Đông xã Gào, chảy theo hướng Tây qua xã Gào, đến khu vực làng D gặp khối núi thấp chắn ngang thì chuyển hướng tây nam qua huyện Chư Prông đổ ra sông Sêrêpok.
     Do lượng mưa lớn và thảm thực vật chủ yếu là rừng trồng, cao su, cà phê có độ che phủ tốt nên suối chính có nước chảy quanh năm, lượng dòng chảy mùa mưa chiếm 70%, mùa khô 30%. Hệ thống suối nhánh bắt nguồn từ sườn của dải đồi chính ở phía Bắc xã chảy theo hướng đông bắc - tây nam, đổ ra suối chính Ia Puch. Nguồn nước ngầm khá dồi dào, nên các nhánh suối nhỏ về mùa khô vẫn có nước.
     Với địa hình chung toàn xã nằm trên một dải đồi cao, sườn dốc nên việc xây dựng các công trình thủy lợi trên suối chính Ia Puch để tưới cho cây trông không thuận lợi, suất đầu tư cao. Tuy nhiên điều kiện nguồn nước và địa hình của 2 xã này lại thuận lợi cho việc xây dựng nhiều hồ chứa nhỏ ở đầu nguồn các suối nhánh (hồ treo) để lấy nước tưới cho lúa và cà phê.
     Các ông chủ đồn điền người Pháp thời trước đã tận dụng lợi thế của địa hình, thời tiết, độ ẩm.. như đã nêu ở trên để quy hoạch các lô đất trồng cây trà, cây cà phê gần với các bàu nước, hồ nước như: Bàu Nai, Bàu 18 (Ia Bi), Bàu 14, hồ thủy điện gần thác Bàu Cạn, hồ Ia Mua... Theo báo cáo của đồn điền Ia Puch trước Đại hội đồng cổ đông Công ty nặc danh CATECKA (Compagnie Agricole des Thés et Cafés du Kontum Annam, Société Anonyme) họp ngày 30-9-1930 thì vào thời điểm 31-12-1929 đồn điền Ia Puch đã trồng được: 5.800.000 cây trà trên diện tích 900 hecta và 65.000 cây cà phê (3 loại cây cà phê Robusta, Arabica và Liberia được giao cho đội 2 trồng thử nghiệm trên diện tích 62,5 hecta).
     Bàu 18 (gọi thế vì bàu này gần lô trà 18, tên khác của bàu là hồ Ia Bi): Vị trí bàu nằm cách văn phòng của đồn điền trà Bàu Cạn khoảng 6 km về phía Tây Nam, tại thôn Tây Hồ 3; măt hồ khi mực nước dâng cao nhất trong năm chiếm diện tích khoảng 8 hecta. Hồ Ia Bi không có rừng vành đai xung quanh. Cạnh hồ có một trạm biến điện xây dựng từ thời các ông chủ người Pháp và trạm bơm nước để phục vụ bơm tưới các lô trà trồng quanh khu vực lân cận do đội 3 Thác đổ quản lý .
     Hồ Ia Mua: Ban đầu khu vực này có con suối bắt nguồn từ 2 nhánh: nhánh nhỏ của suối Ia Mua và một nhánh của suối Ia Hơ Drang (dưới chân núi Hàm rồng, bên trái quốc lộ 19 khi đi từ Pleiku vào Bàu Cạn), con suối này chảy qua khu vực trồng trà của Đội 2 Thông Phương, qua xã Ia Phìn, thôn Hoàng Ân, thủy điện Ia Drang 2... Năm 1977, nông trường trà Bàu Cạn cho đắp đập, chặn dòng, tạo thành hồ chứa (gọi là hồ Ia Mua) có mặt thoáng hồ vào khoảng 27 hecta, bờ đập được làm kiên cố trên đó tỉnh lộ 663 nối xã Bàu Cạn với thị trấn Chư Prông chạy qua (nên còn gọi là đập Ia Mua).
     Bàu Nai: Cách đường tỉnh lộ 663 độ 2 km, đi qua hồ Ia Mua một đoạn rồi rẽ phải về hướng Đông Nam; tại thôn Ia Mua, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông có một bàu nước với mặt thoáng khoảng hơn 12 hecta. Nguồn nước bổ sung chính của bàu này là các mạch nước ngầm và nước mưa đọng lại. Trước năm 1950, nơi đây là con suối cụt, các khoảnh đất rừng xung quanh được khai hoang để trồng cây chè, chỉ để lại rất ít rừng cây xung quanh bàu làm vành đai chống sạt lở, xói mòn; hướng đông nam bàu là cánh rừng non độ trên 100 hecta nằm giữa xã Thanh An và xã Ia Phìn, mùa nắng các bụi cây và cỏ khô cháy, mãi cho đến đầu tháng 4 có mưa xuống, cây cối mới đâm chồi nẩy lộc lại, vào thời điểm này, khi xưa thường xuất hiện những đàn nai kéo đến ăn cỏ rồi xuống ven bàu uống nước vì thế các ông chủ đồn điền người Pháp thường tổ chức các cuộc đi săn nai, heo rừng… bằng súng săn ca líp đu (calibre douze); có đêm bắn được gần 10 con nai mỗi con nặng khoảng 200 kg và do đó bàu có tên gọi là Bàu Nai. Khoảng năm 1978-1979 không còn thấy đàn nai xuất hiện nữa và đến năm 1980 nông trường trà Bàu Cạn đã đắp đập để giữ nước đồng thời kéo điện đến để cấp cho bơm nước phục vụ tưới chè, cà phê (trên diện tích khoảng 80 hecta). Do khi đắp đập người ta không cải tạo, nạo vét thêm lòng hồ nên bàu này rất nông lại còn nhiều gốc cây nên không thuận tiện cho việc nuôi và đánh bắt cá quy mô lớn. (Hiện bàu do đội 5, đội này thành lập sau 1975, quản lý).
     Bàu 14: Cách văn phòng đồn điền trà Bàu Cạn khoảng 8 km về phía Tây Nam, nằm cạnh suối Ia Puch. Nguồn nước vào hồ là một nhánh rẽ của suối Ia Puch, mặt thoáng của hồ khoảng 14 hecta, mùa mưa mực nước hồ dâng cao, vào mùa kiệt nước chảy ngược ra lại suối Ia Puch. (Không rõ lý do gì khi vẽ bản đồ quy hoạch trồng cây trà, cây cà phê cho toàn đồn điền, người Pháp lại ghi là Bàu 11 ?, trong lúc công nhân của đồn điền gọi là bàu 14 vì bàu nằm gần lô trà số 14).
     Hồ thủy điện: Nằm phía dưới hồ 14 độ khoảng 500 mét, trên dòng chảy của suối Ia Puch. Diện tích mặt hồ khoảng 13,25 hecta, cũng nằm tại thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn. Gọi là hồ thủy điện vì đến năm 1951, người chủ Pháp là ông Choisnel đã đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện công suất định mức 172 kw để lấy điện đưa về khu văn phòng phục vụ cho việc chế biến trà và cấp điện ánh sánh sinh hoạt cho khu dân cư của đồn điền trà Bàu Cạn.
     Phía dưới hồ thủy điện, theo hướng dòng chảy của suối Ia Puch là thác Bàu Cạn, ngày trước thường có các bạn trẻ và khách phương xa đến tham quan du lịch, nhưng ngày nay con suối Ia Puch bị khai thác nhiều nơi trên phía đầu nguồn nhằm lấy nước tưới nên vào mùa khô có lúc thác này chỉ còn là một làn nước mỏng manh trên những khối đá dựng đứng (!). Hiện nay nhà máy thủy điện Bàu Cạn phát lên lưới 15Kv sau đó chuyển sang cấp 22Kv để hòa với lưới điện do Điện Lực Chư Prông quản lý vận hành.
     Gần đây Công ty trà Bàu Cạn lập luận chứng kinh tế kỹ thuật để xây dựng thêm một nhà máy thủy điện mới với 2 tuabin công suất lắp đặt mỗi cái 500 kw và một đường dây trung áp mới dài khoảng 4km, với thực trạng khai thác con suối Ia Puch như hiện nay và những vấn đề khác như tổng mức đầu tư, thời gian hoàn vốn, phương thức quản lý vận hành… thì dự án này có vẻ khó thực hiện!
     Bàu Cạn: Thời kỳ ban đầu mới thành lập đồn điền trà Ia Puch, gần khu vực văn phòng và nhà máy chế biến trà có một cái bàu chứa nước đọng với diện tích mặt nước khoảng 3 hecta, bàu nước này nằm ở vị trí vùng trũng trên sườn dốc độ 5-7º. Theo hướng đi từ Pleiku đến Đức Cơ, bàu nằm bên tay phải đường, cách quốc lộ 19 khoảng 100 mét (khoảng giữa cột mốc QL19-189 và tường rào của Công ty TNHH Gia Tường). Trước năm 1960 bàu này luôn có nước, nhiều hay ít tùy thuộc chủ yếu vào lượng mưa hàng năm. Thông thường cứ đến tháng 1 hoặc tháng 2 hàng năm nước trong bàu cạn dần nhưng không khô hẳn, người dân địa phương thường đến đây để bắt ếch, nhái… Sau năm 1960 bàu bắt đầu cạn khô hàng năm. Khoảng thời gian từ 1960 đến 1963 thì bàu khô hẳn không còn nước trong bàu, có lẽ vì thế mà có tên gọi “xã Bàu Cạn “(?) thuộc quận Lệ Trung (theo một tài liệu xuất bản năm 1964 của chính quyền Sài Gòn: xã Bàu Cạn thời điểm 1964 thuộc quận Lệ Trung). Không hiểu vì nguyên nhân nào mà vùng đất trong bàu này không thể gieo lúa rẫy hoặc trồng cây cà phê, nó được người dân địa phương biết đến như một vùng đất không thể canh tác được, vùng đất bỏ hoang cho cỏ dại mọc, thỉnh thoảng những năm mưa nhiều trong bàu lại có một ít nước đọng. Các công nhân trồng chè lâu năm gọi vùng đất của bàu này là “mẫu cô đơn“ hay mẫu giá AL 16.
     Để kết thúc bài viết, mời quý thân hữu đọc lại bài thơ của Tuấn Kiệt được nhạc sĩ Văn Chừng phổ nhạc và xem một số hình ảnh tư liệu liên quan:

               Chim ơi về đây cùng người chim hót,
               Chè xanh Bàu Cạn, chè xanh thảm xanh.
               Lưng địu gùi mây, tung tăng búp nở.
               Hương chè tỏa ngát, tình thơm dạt dào.
               Xanh mênh mông như ánh mắt của em,
               Chè xanh búp búp xanh duyên Bàu Cạn.
               Chim reo ca trên sóng lá ríu rít.
               Muôn chùm sương lung linh mang bao yêu thương.
               Ánh nắng mới chiếu sáng xanh đồi nương.
               Dòng Ia-Puch nước xanh như câu ca.
               Ôi Ia-Bi trong vắt bầu lưu luyến.
               Đập Ia-Mua cá tung tăng chào mời.
               Tay nhanh, tay nhanh em ngắt búp chè non,
               Chè xanh sóng, sóng đưa hương Bàu Cạn.
               Chao nghiêng nghiêng duyên dáng chiếc nón trắng
               Nương chè cao nâng em bay lên cao.
               Cất tiếng hát bát ngát xanh tình em.
               Giục chân bước lướt qua bao lộ xa
               Cùng em nâng khúc hát bay xa.



HÌNH TƯ LIỆU:


Bàu 18 ( Hồ Ia Bi ) tại thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn
mức nước hạ thấp khoảng 1m so với lúc đầy nước


Hồ Ia Mua nằm dọc trên đường tỉnh lộ 663 từ Bàu Cạn vào thị trấn Chư Prông


Đập hồ Ia Mua với tỉnh lộ 663 từ Bàu Cạn vào thị trấn Chư Prông


Bàu Nai ( hình chụp từ trên đạp ngăn dòng, mùa khô 2010 )


Hồ thủy điện Ia Puch ( TĐ Bàu Cạn )-2010


Thác Bàu Cạn mùa khô 2010


Thác Bàu Cạn vài năm trước đây( hình tư liệu của Lê Hùng_Bàu Cạn )


Bàu 14 ( hình chụp từ xa )


Vị trí của bàu mang tên Bàu Cạn
( vùng đất không canh tác được, cỏ mọc hoang )


Chiếc thuyền câu trên cạn tại hồ Ia Bi
Lê Hoàng Thụy Vũ                    
Pleiku 2010 (revised)                      

* Bài viết sử dụng các số liệu về khí hậu thủy văn trong các sách viết về xã Gào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét