Năm Cảnh Đức nguyên niên đời Bắc Tống (1004), Hoàng Thái hậu Liêu Thừa Thiên và Hoàng đế Liêu Thánh Tông Da Luật Long Chư muốn thu phục 10 huyện phía nam đến Ngoã Kiều Quan (nay là Cựu Quan Nam huyện Hùng, Hà Bắc) đem quân tiến về phía nam, liên tiếp phá được quân Tống, tháng 11 đã chiếm được phía bắc thành Thiền Uyên, một trấn quan trọng ở ven sông Hoàng Hà, uy hiếp thủ đô Đông Kinh của Tống. Triều Tống không khỏi lo sợ.
Trận đánh Thiền Uyên
Đại thần Vương Khâm Giả của triều Tống chủ trương dời đô về Thăng Châu (nay là Nam Kinh, Giang Tô), Trần Nghiêu Tẩu chủ trương dời đô về Ích Châu (nay là Thành Đô, Tứ Xuyên); Tể tướng Khấu Chuẩn tha thiết mời Tống Trân Tông ra trận, Tống Trân Tông bị buộc phải tiến lên phía bắc. Lúc này, người được Khấu Chuẩn tin cậy là Dương Diên Lãng (con của Dương Nghiệp) một tướng đã lập nhiều công lớn trong cuộc chiến tranh chống Liêu. Ở Thiền Uyên, quân Tống đã dùng tên bắn chết Tiêu Thát Lẫm (có khi viết Lãm), Thống quân Nam Kinh sứ của Liêu, tinh thần quân Liêu giảm sút. Tống Chân Tông với sự thôi thúc của Khấu Chuẩn đã đến cửa thành phía bắc của Thiều Uyên đốc chiến, tinh thần quân Tống lên cao. Hai bên Tống Liêu trong thế giằng co.
Thành Thiền Uyên nằm bên kia bờ sông Hoàng Hà, sau khi Tống Chân Tông đến phía nam thành, thấy thế quân Khiết Đan đang mạnh, đã cảm thấy nao núng, chủ trương dừng lại để xemm xét tình thế, hoàn toàn không muốn vượt sông sang bờ bắc. Khấu Chuẩn nói: “Bệ hạ không qua sông, lòng người càng nao núng, trong khi tinh thần kẻ địch như lửa cháy, làm sao thắng được?”. Khấu Chuẩn lại ra khỏi hành doanh đi gặp Cao Quỳnh, nói với ông ta: “Thái uý đã được nhiều ân huệ của nước, đến bây giờ nước gặp khó khăn, sao lại không báo đáp?” Cao Quỳnh nói: “Tôi muốn chết để báo đền ơn nước.” Khấu Chuẩn lập tức đưa Cao Quỳnh về gặp Chân Tông, kêu van: “Nếu bệ hạ cho rằng tôi nói không đúng thì hãy hỏi Cao Quỳnh!” Cao Quỳnh lập tức tiếp lời: “Ý kiến của Khấu Chuẩn vô cùng chính xác, mọi việc đúng là như thế.” Khấu Chuẩn như lửa đốt, nói thêm: “Tình hình khẩn cấp, thời cơ không thể để mất. Xin mời bệ hạ lên ngựa”. Vì thế, Tống Chân Tông cùng văn võ đại thần qua sông, lên lầu thành phía bắc. Tướng sĩ quân Tống thấy lá cờ lớn của nhà vua, tinh thần nô nức, tiếng reo như sấm dậy, xa hàng mười dặm vẫn còn nghe thấy.
Quân hai bên giằng co mười ngày, quân Liêu trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, đành phải cử người đến trại quân Tống cầu hoà, tình hình có lợi cho quân Tống mà bất lợi cho Khiết Đan, thế chủ động trên chiến trường nằm hoàn toàn trong tay quân Tống. Ý đồ của Khấu Chuẩn là, nếu không giảng hoà mà đánh tiếp, Khiết Đan tất sẽ xưng thần với Tống rồi rút quân về U Châu. Nhưng Tống Chân Tông không tin, chỉ sợ chiến trận, mong an bình cho Khiết Đan, chấm dứt chuyện tranh giành. Khấu Chuẩn buộc phải đồng ý cầu hoà.
Minh ước Thiền Uyên
Lần tiến về phía nam này của quân Liêu mục đích chỉ là cướp đoạt một ít của cải và lừa dối về chính trị, nhưng vì tình thế bất lợi nên đồng ý giảng hoà với Tống. Tống Chân Tông hy vọng quân Liêu rút về phía bắc, vì thế cho sứ đến gặp quân Liêu cầu hoà. Tháng 12, hai bên đạt được thoả thuận, sứ giả của hai bên cùng ký điều ước, quy định các điều khoản của hoà ước, triều Tống mỗi năm nộp cho Liêu 10 vạn lượng bạc, 20 vạn xúc lụa, gọi Phương Thái hậu của Liêu là thím. Lịch sử gọi lần nghị hoà này là “Thiền Uyên chi minh” (Minh ước Thiền Uyên). Tuy điều ước lần này là bất bình đẳng, nhưng sau đó, trong một thời gian dài giữa hai nước Tống Liêu chấm dứt chiến tranh, tạm thời ổn định. Những điều ký trong điều ước, trở thành gánh nặng lâu dài của nhân dân Bắc Tống. Đối với Tống, “Thiền Uyên chi minh” chẳng qua là một cách hối lộ để có hoà bình, thậm chí có thể nói là trong cảnh quyền mất, nước nhục. Nhưng sau khi ký điều ước, giữa hai nước Tống Liêu hàng trăm năm không có chiến tranh, có tác dụng tích cực trong việc phát triển kinh tế và văn hoá, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc ở vùng biên giới phía bắc.
Sau “Thiền Uyên chi minh”, Khấu Chuẩn là người có công kiên trì kháng chiến, được Tống Chân Tông càng tin dùng, vô cùng kính trọng. Nhưng Vương Khâm Nhược người đã chủ trương bỏ chạy lại xúc xiểm, nói việc Khấu Chuẩn khuyên Tống Chân Tông đích thân ra trận là một nỗi sỉ nhục lớn cho đất nước, từ đó, Tống Chân Tông đối với Khấu Chuẩn ngày càng nhạt nhẽo, không trọng dụng ông nữa.
Tống Chân Tông
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét