Người Thổ Phiên là tổ tiên của tộc Tạng, sống tại cao nguyên Thanh Hải, nghề du mục, nghề nông và nghề thủ công đều phát triển ở mức độ nhất định, nghề dệt và nghề luyện đúc có trình độ tương đối cao. Thời kỳ thế kỷ thứ 7 thủ lĩnh kiệt xuất của Thổ Phiên là Tùng Tán Cán Bố đã thống nhất các bộ lạc, thành lập chính quyền theo chế độ nô lệ, thủ đô đặt ở La Tá. Năm 634, vương triều Thổ Phiên đã lớn mạnh nằm ở phía tây bắc Trung Quốc, lúc này, vương triều của người Hán ở trung tâm Trung Quốc là Đường đang giàu mạnh, triều Đường lúc đó là một trong các quốc gia phát triển nhất về kinh tế và văn hoá của thế giới. Hai triều đại dưới sự lãnh đạo của hai nhà chính trị, nhà quân sự thiên tài là Tùng Tán Cán Bố và Đường Thái Tông Lý Thế Dân, đều hiểu được những nhu cầu khách quan, dưới hình thức Phiên Đường kết thông gia, đã xây dựng được mối quan hệ hoà bình hữu nghị.
Tùng Tán Cán Bố là một nhân vật lịch sử nổi tiếng của dân tộc Tạng. Ông là Tán Phổ đời thứ 32 của Thổ Phiên, thống nhất các bộ tộc khiến cho Thổ Phiên phát triển trở thành cực thịnh. Tùng Tán Cán Bố còn xây dựng thành La Sa rồi dời đô về đó. Trước đó, căn cứ của Thổ Phiên ở Quỳnh Kết, cách Cự Trạch hơn 30 km, Thổ Phiên đã đặt kinh đô ở đó hơn 800 năm. Truyền thuyết nói, một lần, vào năm 237 trước Cong nguyên, Nhiếp Xích Tán Phổ từ trên trời rơi xuống vừa hay lạc bước đến núi Nhã Lạp Hương Ba Thần của Nhã Lung Hà Cốc. Nhiếp Xích Tán Phổ được người địa phương cho là con của trời, vì thế lập ông làm vương. Trong tiếng Tạng, Nhiếp có nghĩa là “cổ”, Xích có nghĩa là chỗ ngồi quý. Người đã phát hiện ra ông là Dĩ Cổ Tử Vi Toạ đón ông về, từ đó mà đặt thành tên.
Công chúa Văn Thành về Tây Tạng
Đầu thế kỷ thứ 7, khu vực Trung Nguyên đã trải qua nhiều năm chiến tranh, cha con Lý Uyên (Đường Cao Tông), Lý Thế Dân (Đường Thái Tông) vào năm 616 đã xây dựng ở Trường An đế quốc Đại Đường chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc, thế nước vô cùng vững mạnh, trở thành một trung tâm văn minh ở khu vực Đông Á, có rất nhiều ảnh hưởng đến các bộ lạc xung quanh, rất nhiều các bộ lạc đã muốn cùng triều Đường giao hảo, hoặc xưng thần nạp cống thúc đẩy cuộc giao lưu giữa người Hán với các dân tộc thiểu số.
Cùng lúc này, một người anh hùng là Tùng Tán Cán Bố cũng đã xưng hùng ở cao nguyên, hoàn thành việc thu phục một số tiểu quốc, định đô ở La Tá (nay là La Sa khu vực tự trị Tây Tạng), xây dựng một vương triều Thổ Phiên thống nhất, rất tích cực xây dựng mối quan hệ mật thiết với triều Đường. Đầu năm 634, ông hai lần cử đại tướng Lộc Đông Tán là người thông minh cơ trí đến Trường An cầu thân với triều Đường. Năm 641, Đường Thái Tông chấp nhận lời thỉnh cầu của Tùng Tán Cán Bố, gả công chúa Văn Thành cho ông. Vì thế, công chúa Văn Thành cùng một số người lên đường về Thổ Phiên. Có truyền thuyết nói khi Lộc Đông Tán đi sứ đến Trường An, bằng tài trí của mình đã khám phá được những chuyện khó trong xếp đặt của vua Đường, những chuyện về Tùng Tán Cán Bố đưa được công chúa Văn Thành xinh đẹp, đảm đang về Thổ Phiên trong dân gian dân tộc Tạng còn rất nhiều ghi chép.
Nguyện vọng bao nhiêu năm của Tùng Tán Cán Bố đã được thực hiện, vô cùng sung sướng, ông tự dẫn quân đi đến tận Bách Hải ( nay thuộc huyện Mã Đa, Thanh Hải). Trên bờ hồ Trát Lăng và Ngạc Lăng gần ngọn nguồn của sông Hoàng Hà, Tùng Tán Cán Bố cho xây dựng “Bách Hải hành quán”, ở một nơi phong cảnh đẹp đẽ là nơi động phòng hoa chúc của đôi vợ chồng khác chủng tộc.
Khi Tùng Tán Cán Bố và công chúa Văn Thành đến Bảo Liễu (nay là tỉnh Thanh Hải), thấy ở đây cảnh sắc tuyệt đẹp, khí hậu ôn hoà, hai người bèn ở lại đây một tháng. Công chúa Văn Thành trong những lúc nhàn hạ đem những hạt giống mà vua cha đã cho đem theo và nghề thủ công dạy cho người Ngọc Liễu phương pháp trồng trọt, kỹ thuật nấu rượu. Người Ngọc Liễu vô cùng cảm động trước việc làm của công chúa Văn Thành, khi công chúa chia tay tiếp tục lên đường, họ đi theo tiễn mãi không thôi. Dân tộc Tạng ở đó, còn giữ được những dấu vết nơi ở của công chúa, khắc dấu chân và những dấu tích ấy trên đá để hàng năm hương khói. Năm 710, thời Đường Trung Tông, triều Đường lại gả công chúa Kim Thành cho vua Tạng, khi đi qua nơi này đã xây dựng một ngôi miếu gọi là Miếu công chúa Văn Thành.
Ảnh hưởng của công chúa Văn Thành với Tây Tạng
Lúc bấy giờ, Phật giáo rất thịnh hành dưới triều Đường nhưng dân tộc Tạng chưa biết đến Phật giáo. Công chúa Văn Thành là một tín đồ thành kính của Phật giáo, bà đã cho xây dựng chùa Đại Chiêu. Sau khi chùa Đại Chiêu xây xong, Công chúa Văn Thành cùng với Tùng Tán Cán Bố đến cửa miếu trồng một cây liễu, trở thành “Đường liễu” nổi tiếng của đời sau, đặt bia “Sinh cữu đồng minh”, cũng gọi là bia “Trường Khánh hội minh” ở bên cạnh “Đường liễu”. Hiện nay, ở điện chính của chùa Đại Chiêu thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, tượng cũng do công chúa Văn Thành mang từ Trường An tới. Hai bên của điện chính có tượng của Tùng Tán Cán Bố và công chúa Văn Thành, rất sinh động đẹp đẽ. Khuôn mặt của tượng được làm bằng vàng do rất nhiều người hiến tặng, đến nay lớp vàng phủ đã bị nứt vỡ.
Về sau, công chúa Văn Thành lại tu sửa Tiểu Chiêu tự. Từ đó, Phật giáo dần được lưu truyền ở Tây Tạng. Công chúa Văn Thành còn đặt tên cho những ngọn núi ở xung quanh La Sa như Diệu Liên, Bảo Tản, Thạch Thi Hải Loa, Kim Cương, Bảo Bình, Kim Ngư, … những tên này hiện nay vẫn sử dụng.
Công chúa Văn Thành một mặt truyền bá Phật giáo để cầu phúc diệt nạn cho dân Tạng, đồng thời còn đem kỹ thuật trồng ngũ cốc, các loại nghề thủ công dạy cho dân. Ngô, khoai tây, đậu, cải dầu có thể thích ứng với khí hậu cao nguyên phát triển rất tốt, còn tiểu mạch thì không ngừng biến đổi dần trở thành một loại đại mạch của người Tạng. Công chúa Văn Thành còn mang đến các loại xe, ngựa, la, lạc đà cùng những kỹ thuật sản xuất và trước tác y học, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội Thổ Phiên.
Tùng Tán Cán Bố vô cùng thích thú công chúa Văn Thành hiền thục, đa tài, vì công chúa xây dựng cung Bố Đạt La, có tới 1.000 gian vô cùng đẹp đẽ tráng lệ. Nhưng sau đó bị sét, cháy phá huỷ, quy mô hiện nay là đã qua hai lần tu sửa, mở rộng. Lầu chúa của cung Bố đạt La có 13 tầng, cao 117 m, chiếm diện tích 36 vạn mét vuông có vẻ đẹp hoành tráng. Trong cung Bố Đạt La còn được bảo tồn rất nhiều bức tranh tường phần lớn có nội dung phong phú trong đó có chuyện Đường Thái Tông 5 lần tiếp Cát Nhĩ Lộc Đông Tán, những hiểm trở gian nan công chúa Văn Thành đã trải qua khi đến Tây Tạng và được chào đón khi đến La Sa. Những bức hoạ này đều tinh xảo, nhân vật rất sinh động, màu sắc tươi đẹp. Phía sau cung Bố Đạt La còn có phòng tĩnh toạ tu thân của Tùng Tán Cán Bố, xung quanh trưng bày tượng Tùng Tán Cán Bố, công chúa Văn Thành và Lộc Đông Tán, …
Năm 649, Đường Thái Tông Lý Thế Dân mất, sau khi nối ngôI, vua mới là Cao Tông Lý Trị đã cử sứ đi báo tang cho Thổ Phiên, trao cho Tùng Tán Cán Bố danh hiệu “Phò mã đô uý”, lại phong cho “Tây Hải quân vương”. Tùng Tán Cán Bố cử sứ đến Trường An điếu tế Thái Tông, hiến vàng vào Chiêu Lăng (mộ Đường Thái Tông), lại dâng thư lên Đường Cao Tông chúc mừng và bày tỏ tấm lòng với triều Đường. Đường Cao Tông lại tấn phong Tùng Tán Cán Bố làm vương, khắc tượng đá đặt trước Chiêu Lăng để tỏ ý ban thưởng.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét