Trong xã hội nô lệ, quan chức chủ yếu đều do thế tập. Xã hội phong kiến dần dần đã hình thành phương pháp tuyển chọn quan chức. Thời Nguỵ, Tấn, Nam Bắc triều, tuyển chọn quan chức bằng cách thực hiện “cửu phẩm trung chính chế” do chính quyền các địa phương tiến hành. Tiêu chuẩn để tuyển chọn quan chức theo “cửu phẩm trung chính chế” chủ yếu dựa vào hoàn cảnh xuất thân, vì thế, con em của các danh môn vọng tộc được chọn vào các bậc quan cao, những người xuất thân thứ dân nghèo hèn chỉ được chọn vào các bậc quan nhỏ, từ đó đã xuất hiện hiện tượng “quan to đâu đến dân đen, chức nhỏ đâu đến nhà giàu”.
Khi kinh tế và sản xuất nông nghiệp của xã hội phong kiến đã phát triển, lực lượng kinh tế của giai cấp địa chủ nhất là tầng lớp địa chủ lớp dưới không ngừng lớn mạnh, số dân cũng không ngừng tăng cao, từ đó đã hình thành một lực lượng xã hội rất quan trọng. Họ yêu cầu phải có địa vị tương xứng về mặt chính trị, nếu cứ tiếp tục thực hiện việc tuyển chọn quan chức theo “cửu phẩm trung chính chế”, con đường trở thành quan chức của họ bị ngăn cản. Cách tuyển chọn đó dễ dàng tạo nên một tầng lớp thế gia vọng tộc thao túng chính quyền ở địa phương, sinh ra tệ nạn xưng bá một phương, ngày càng không phù hợp với lợi ích của chế độ phong kiến.
Sáng lập chế độ khoa cử
Chế độ khoa cử bắt đầu từ triều Tuỳ. Khoa cử là khoa mục do chế độ phong kiến hình thành, định kỳ tiến hành những cuộc thi, thông qua những cuộc thi mà tuyển chọn quan chức, biện pháp này cũng gọi là “khai khoa cử sĩ” (mở khoa thi, chọn quan lại).
Sau khi triều Tuỳ kiến lập, Tuỳ Văn Đế Dương Kinh muốn tăng cường chế độ trung ương tập quyền, mở rộng cơ sở chính quyền của giai cấp địa chủ, chính thức bãi bỏ “cửu phẩm trung chính chế”, tập trung quyền lực tuyển chọn quan lại về trung ương. Quy định các châu mỗi năm, căn cứ vào văn chương hoa mỹ để tuyển chọn ba người, tiến cử lên triều đình. Sau lại lệnh cho các quan từ ngũ phẩm trở lên ở địa phương chủ trì việc chọn người có tài ở địa phương theo tiêu chí “chí hành tu cẩn” (có đức) và “thanh bình can tề” (có tài). Sau khi lên ngôi, Tuỳ Dạng Đế Dương Quảng lại tổ chức khoa tiến sĩ, nhà nước dùng phương pháp thi cử để tuyển chọn nhân tài, từ đó chọn ra quan lại cho cấp trung ương hoặc địa phương, đây chính là mở đầu chế độ khoa cử ở nước ta.
Hình thành chế độ khoa cử là một cuộc cải cách to lớn trong chế độ tuyển chọn cổ đại ở nước ta. Nó thích ứng với xu thế của lịch sử, sự phát triển của tầng lớp địa chủ lớp dưới, để mở cánh cửa cho các tầng lớp của giai cấp địa chủ bước vào tập đoàn thống trị. Chế độ khoa cử do triều Tuỳ thực hiện, sau đó được các triều đại phong kiến tiếp tục sử dụng, không ngừng phát triển và hoàn thiện, trở thành hình thức chủ yếu để tuyển chọn quan lại. So với những cách tuyển chọn trước triều Tuỳ, nó có lợi cho tuyển chọn nhân tài, đề cao hiệu suất hành chính, có tác dụng quan trọng trong việc củng cố chế độ trung ương tập quyền phong kiến.
Chế độ khoa cử bát đầu từ thời Tuỳ, hoàn thiện vào thời Đường, Tống và kết thúc vào đời Thanh, tồn tại trong xã hội Trung Quốc hơn 1300 năm, nó đã có ảnh hưởng to lớn với sự phát triển của xã hội Trung Quốc. Chế độ khoa cử có tính cạnh tranh bình đẳng nhất định về trình độ, nó có ích cho sự luân chuyển các giai tầng trong xã hội, có ích cho sự thống nhất và phổ cập văn hoá , lại có lợi cho việc ổn định và củng cố sự thống trị của các vương triều phong kiến nên nó được tầng lớp thống trị qua các đời rất coi trọng. Nhưng chế độ khoa cử cũng có những tệ đoan từ bản thân nó khiến cho nó ngày càng trở thành một vật cản cho sự phát triển văn hoá tư tưởng và tiến bộ xã hội. Bãi bỏ chế độ khoa cử là một thay đổi có tính cách mạng trong lịch sử giáo dục Trung Quốc, nhưng xã hội Trung Quốc đương thời cũng chịu những ảnh hưởng nhất định.
Tác dụng của chế độ khoa cử
“Khai khoa cử sĩ” đã chống lại các nhà quyền quý lũng đoạn việc tuyển dụng quan chức. Từ đời Tuỳ Văn Đế làm theo cách này, chế độ khoa cử chọn cho đất nước nhiều nhân tài và đã được tầng lớp thống trị nhiều triều đại hết sức coi trọng. Nhìn lại việc làm của các hoàng đế các triều đại, dường như không có các cơ cấu chuyên môn phụ trách việc tổ chức và chủ trì các kỳ thi. Để đảm bảo tính trang trọng, tính nghiêm túc, các kỳ thi còn chỉ định một cơ cấu chuyên môn giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện thi cử, một khi phát hiện những hành vi gian trá, lập tức đình chỉ, do nhà vua ban phát chỉ dụ, cử quan đại thần kiểm tra, theo luật mà trị tội, không hề khoan thứ. Ở đời Thanh, quan giám khảo có cảm tình riêng, vi phạm những điều quy định của kỳ thi, nặng thì bị chém đầu, nhẹ thì bị lưu đày, cách chức; các thí sinh thì bị xoá tên trong sổ hộ tịch, suốt đời không được dự thi. Tầng lớp thống trị các triều đại qua nhiều đời đã đề cao hết mức chế độ khoa cử vì chế độ này giúp cho sự ổn định và củng cố vị trí thống trị của vương triều. Từ sau đời Tuỳ Đường, thực hiện “khai khoa cử sĩ” đã thực sự đánh đổ sự lũng đoạn của tầng lớp quyền quý trong việc lựa chọn quan lại, trong một chừng mực nhất định đã tạo điều kiện và cơ hội để tầng lớp trung và tiểu địa chủ, những người xuất thân nghèo khó, qua cuộc thi tuyển nghiêm túc trở thành quan chức, gia nhập hàng ngũ của giai cấp thống trị, từ đó, dùng khoa cử tuyển quan chức là một công cụ để củng cố vương quyền. Vương quyền thông qua khoa cử đã chọn trong dân tầng lớp thống trị mới và dựa vào cơ sở giai cấp 145 – tầng lớp thân sĩ.. Từ việc thực hiện chế độ khoa cử, số người này càng nhiều, đội ngũ ngày càng lớn, có sức mạnh củng cố chế độ phong kiến.
Chế độ khoa cử có lợi cho việc luân chuyển các tầng lớp xã hội. Các kỳ thi không phải chỉ dành cho các nhà quyền quý, giàu có mà chú ý đến tài năng tri thức của dân, ở một mức độ nhất định, nó có tính bình đẳng và cạnh tranh, từ đó, con đường làm quan trong xã hội được luân chuyển. “Triều vi điền xá lương, Mộ đăng thiên tử đường” không còn là một lý tưởng không thể thực hiện. Vì thế, việc tổ chức thi cử tương đối nghiêm ngặt và đối tượng mang tính toàn dân những người xuất thân gia đình bình dân có nguyện vọng mãnh liệt thay đổi địa vị xã hội do công phu rèn luyện thành đạt ngày càng nhiều.. “Thập niên hàn song khổ, Kim bảng đề sanh thời” (mười năm gian khổ sẽ có lúc tên trên bảng vàng), cơ hội được tuyển chọn tương đối nhiều. Có thể nói, từ Đường đến Thanh, chế độ khoa cử đã thúc đẩy một số đông người từ tầng lớp sĩ dân chuyển lên tầng lớp trên, đó là lực lượng quan trọng làm kết cấu xã hội thay đổi, việc mở khoa thi tuyển chọn người tài không ngừng được tiến hành đã khiến cho tầng lớp sĩ dân không dừng lại ở việc thải cũ (tiến vào đội ngũ quan trường) nạp mới (thu nạp sinh viên mới), từ đó, ở một mức độ nhất định, đảm bảo được sự đổi mới của đội ngũ quan lại. Như vậy, kết quả là, một là tầng lớp nhà nho kinh điển bước vào hệ thống quan lại để thực hiện lý tưởng trị quốc bình thiên hạ, mặt khác, ở tầng lớp dưới của xã hội, họ có thể hiểu được nỗi thống khổ của nhân dân và những cái xấu tốt, lợi hại trong việc cai trị, khi thực thi nhiệm vụ có thể kiên quyết, tăng thêm sức sống cho chế độ quan liêu, trong một mức độ có thể giảm bớt những sự hư hỏng, hạn chế hủ bại; lại nữa, họ đã tiếp thu giáo dục văn hoá có hệ thống, nắm vững những tri thức lý luận về phương pháp quản lý quốc gia, được bồi dưỡng văn hoá tương đối tốt, cũng đảm bảo được cho đội ngũ quan lại có trình độ tương đối cao, có lợi cho việc nâng cao hiệu suất hành chính. Một trong những nguyên nhân để xã hội phong kiến có thể kéo dài được là vì hệ thống chính trị quan liêu do chế độ khoa cử tạo nên đã góp phần giải quyết được rất nhiều mâu thuẫn của một bộ phận xã hội có quan hệ đối kháng.
Chế độ khoa cử có chức năng nhất định trong việc điều hành thống nhất văn hoá và phổ cập văn hhoá. Trong mỗi kỳ thi, do những người trúng cử có hạn, chỉ có một số ít người có thể gia nhập tầng lớp trên, còn tuyệt đại đa số vẫn ở lại tầng lớp dưới, trở thành những người truyền bá văn hoá.
Thực tế kéo dài hơn 1300 năm của chế độ khoa cử Trung Quốc đã chứng minh nó là phương pháp tuyển chọn người tài đảm bảo tính hợp lý. Tổ chức các kỳ thi, kỷ luật trường thi nghiêm ngặt, từng quyển thi được xem xét kỹ lưỡng, việc phúc khảo, xem lại những quyển thi bị thất lạc theo trình tự chặt chẽ, sự trừng trị nghiêm khắc với những hành vi gian lận, …tất cả những điều đó là không thể phủ nhận. Do mỗi lần thi chỉ lựa chọn được số lượng có hạn, những người “không học mà tốt” không thể được tuyển chọn, từ đó, tạo thành một xã hội có phong tục tốt đẹp, nhưng người đã qua các kỳ thi sẽ giành được công danh, sẽ được sự tôn trọng của xã hội. Bản thân chế độ khoa cử không mang nhiều những tệ đoan, nếu cần thay đổi chỉ là nôi dung thi cử, không thể tuyển chọn nhân tài bằng thể văn bát cổ và chính trị chuyên chế quân chủ phong kiến.
Bãi bỏ chế độ khoa cử còn tạo nên sự bại hoại đạo đức tác phong trong xã hội. Trong chế độ khoa cử, cùng với “độc thư tác quan”, “học nhi ưu tắc sĩ” cứ theo như thế mà làm, tầng lớp thân sĩ còn nghĩ đến “trị quốc bình thiên hạ”, “thiên hạ hưng vong vi dĩ nhậm”. Họ trọng nghĩa khinh lợi, hành vi cầu nhân, cầu trí của họ có tác dụng gương mẫu trong xã hội. Nhưng sau khi chế độ khoa cử bị bãi bỏ, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thời kỳ cận đại, địa vị “tứ nhân chi mạt” của thương nhân dần được nâng cao, chế độ tư bản chủ nghĩa ngày càng thừa nhận tư lợi trong xã hội, ngày càng trở thành tiêu chuẩn hành vi trong xã hội. Thân phận công danh của thân sĩ không còn được coi trọng tuy có giúp cho sự thay đổi những giá trị xã hội nhưng quan niệm giá trị “quý nghĩa tiên lợi” của truyền thống ngày càng bị thay thế bằng lối sống “thị lợi vong nghĩa”, do đó, sự hủ bại trong hệ thống quan lại càng nghiêm trọng thêm, quan hệ xã hội ngày càng bị đảo lộn, ảnh hưởng của nó đến nay còn thấy rõ.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét